© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
21.7.2007
Nhã Ca
Tình ca cho Huế đổ nát
 1   2   3   4 
 
1. Thư gửi tuổi thơ ấu của Huế

Mi Ki thân mến,

Tôi phải nói với Ki về thành phố đó. Chúng ta đã sinh ra, đã sống ở đó, ít nhất là một phần của tuổi thơ ấu. Tuổi thơ ấu của Ki đã cho tôi thật đầy đủ. Những ngày ở bãi biển Thuận An, đi lang thang ngoài biển, bắt cào cào, đào trộm khoai, chơi cút bắt, hay thơ thẩn một mình ngoài đồng rộng chạy đuổi theo những bông cỏ lăn theo gió. Tắm ở phá Tam Giang, giữa trưa nắng, cát nóng bỏng như lửa. Ki đã chạy nhảy, chân giẫm từ đám cỏ khô này qua đám cỏ khô khác để tới rừng dương, nhìn một cái hồ nhỏ đầy cá mặt trăng. Cá mặt trăng, những mặt trăng nhỏ, trắng muốt của tuổi thơ chúng ta tung tăng trên mặt hồ, bên những cành dương rủ bóng, kênh kiệu một cách đáng yêu với bờ đê, với bãi biển kêu gọi, rủ rê suốt ngày tháng.

Rời bỏ Thuận An, Ki bé nhỏ, quê mùa của tôi bước chân lên thành phố. Bỡ ngỡ và rụt rè, bị bắt nạt, nước mắt, đó là đặc điểm của Ki thời đó. Bị bắt nạt là đáng lắm, bởi Ki chỉ biết có bãi cát trắng phau, với những đợt sóng liếm vào bờ suốt ngày không biết chán. Ki chỉ biết có những con đường làng cát bẩn rụng đầy hột keo khô, lẫn với vỏ nghêu, vò sò vỡ. Bị ném vào một thành phố đầy trẻ con tinh ranh, Ki làm sao chống đỡ nổi. Tội nghiệp Ki của tôi hồi tám chín tuổi với một phố Huế xa lạ, giục giã sự tò mò. Ki vẫn giữ khuôn mặt đen dịu, đôi mắt vàng chói nắng biển, mái tóc cắt ngắn kiểu con trai, mặc quần sọt với áo sơ mi bởi vì ba chúng ta muốn có một đứa con gái ngộ nghĩnh hơn là xinh đẹp. Ki bắt đầu đi học, Ki có bạn mới, Ki quên bãi biển Thuận An, quên làng quê buồn hiu nhưng thơ mộng đến nỗi có những đêm mơ thấy bầy cá mặt trăng bơi lội tung tăng trên mặt hồ đớp ánh sáng xanh mát, hoặc những cành dương dài như những cánh tay khẳng khiu vẫy vẫy, Ki đã khóc trong giấc ngủ. Hoặc đôi khi đang ngồi trong lớp học, Ki bỗng nghe thấy một âm thanh gì rì rào quen thuộc, Ki nôn nao cả người và chợt nhớ ra âm thanh đó giống tiếng sóng biển mà Ki đã nghe hoài huỷ hồi ở quê mẹ. Chúng ta thực tức cười phải không Ki, hồi đó chúng ta cứ tưởng Huế với Thuận An là hai miền xa cách như bây giờ Sài Gòn với Hà Nội vậy. Vừa biết Huế, gia đình ta ở An Cựu, cạnh nghẹo đường xay. Chúng ta có thể chạy lông bông, nhưng không còn được thong thả như hồi ở nhà quê nữa vì chúng ta phải canh chừng những chiếc xe nhà binh với những ông Tây to lớn, mặt luôn luôn đỏ kè như say rượu. Chúng ta thấy phía này có ruộng, phía kia có bờ sông, có cầu đúc nối sang bên chợ. Ki có còn nhớ cây bông búp cao mọc ở cạnh chân cầu đó chớ. Cây búp mà chúng ta thường ao ước nhặt những búp khô rụng, thổi phồng lên như đã từng thổi chiếc bong bóng lợn của dượng Tin cho hồi còn ở Thuận An. Thêm một hai tuổi gì đó, chúng ta rời An Cựu, được gửi học nơi nhà một ông giáo nhà ở tít dưới Mù U, Ki đã trốn học, đã khóc và bị ăn roi đến quắn đít vì bướng. Ki đi học đàng hoàng. Mùa nắng Ki mặc áo hoa, đi guốc. Mùa mưa, Ki còn nhớ không, chúng ta mang cái tơi bằng lá, tròng từ đầu xuống cổ, có sợi dây thừng nhỏ rút trước cổ, buộc chặt cho gió khỏi bay. Ngôi trường tiểu học ở thật xa tít giữa bãi hoang có nhiều đất sét. Xung quanh lại có nhiều mồ mả nữa. Những đứa trẻ tinh quái thường doạ có nhiều mả Tàu Ô lắm, rồi chúng ta được nghe nhiều chuyện kinh hoàng về giặc Tàu Ô. Nhà chúng ta ở nơi một con đường rất dốc. Dốc cao đến nỗi người lớn nói đứng trên đầu dốc có thể nhìn thấy cột cờ Phú Văn Lâu. Nhưng Ki nghểnh cổ, nhón chân, cũng chỉ nhìn thấy những đọt phượng mùa hè đầy bóng đỏ rực, mùa đông lủng lẳng những quả dài sắc cong như lưỡi mác. Phía trên đầu dốc kia là Đàn Nam Giao, nghe nói đường đi xa lắm, chân của Ki thì quá ngắn. Cho tới khi tôi đi được chiếc xe đạp, ngang qua con đường đất vòng quanh Đàn Nam Giao, tôi cười mãi về sự tưởng tượng của Ki hồi còn nhỏ, và nhớ Ki như một phần hồn, phần thơ ngây của mình đã mất vĩnh viễn.

Ki còn nhớ không, trước mặt nhà chúng ta là ngôi nhà cô bạn nhỏ tên Chín. Trước sân nhà Chín có vài cây nhãn, dưới gốc cây bọn con nít thường chơi trò buôn bán với vỏ hến, lá cây hoặc những sa thạch vò nát đẹp phơi nắng. Bọn nhỏ còn đánh thẻ, đánh thẻ nẻ đau, đôi khi bầm tím cả đôi chân. Tụi nhỏ còn đánh ô làng bằng hạt cây thầu đâu, cây thầu đâu mà khi lớn lên tôi biết nó còn được gọi thêm hai ba tên là sầu đâu hay sầu đông cũng được. Trong căn nhà của Chín, Ki thường hay thắc mắc về một ông cụ già mà người lớn gọi là ông Huyện. Ông thường đội khăn đóng, mặc áo dài đen, mỗi lần sang Chín chơi trông thấy ông Ki thường núp sau bể cạn. Người ta nói thời trước ông Huyện oai lắm, ông làm quan, dân đi ngang qua nhà phải cúi đầu không thì bị lôi vô đánh đòn. Ki không những cúi đầu mà còn trốn biệt sau chiếc bể cạn, Ki sợ đánh đòn lắm. Nhưng ông Huyện hiền lành lắm, ông lôi Ki ra chỗ núp cười bảo vô nhà chơi với Chín. Ông nhìn tụi nhỏ nghịch đất cát, ông ngồi ngắm mấy chậu cây. Ki vô nhà thấy có treo tấm ảnh của ông lớn lắm, ông ngồi trên chiếc ghế chạm trổ có lính hầu đứng quạt nữa. Một tấm gỗ láng bóng nổi lên ba chữ nho to tướng như bằng vàng, giữa nhà có sập gụ. Ki lấy làm ngạc nhiên vì nhiều nhà có những thứ lạ mắt như thế. Huế cũng quyến rũ Ki lắm chứ, những ngày đi học, ghé vô sân chùa lượm me rụng, đào rụng, hay tha thẩn dọc đường hái trái ngũ sắc chín đen, trái mắm ruóc chín vàng, ăn ngọt đỡ khát nước. Dần dà Ki quen với Huế, thân với Huế hẳn hoi, Ki thường ngẩn ngơ ngắm những chị lớn tóc xoã dài, áo trắng đội nón lá, đi thướt tha yểu điệu. Trông họ đẹp và rườm rà quá. Rồi chính Ki, Ki cũng bỗng theo họ từ lúc nào. Nhưng khổ thay càng ngày Ki càng thấy trong cái thân thể Ki đang trú ngụ bỗng xa rời Ki mãi. Cho tới lúc cái thân thể đó rũ bỏ chiếc áo ngắn để thay bằng chiếc áo dài lụa đầu tiên, mái tóc ngắn được nuôi dài và biết che bằng nón lá. Nó đã hất hủi ánh nắng mặt trời vàng tươi Ki mang từ biển, tay chân nó đã chê bỏ những cơn gió mùa hè ngây ngất, mắt nó, mũi nó đã rời xa mùi hoa khế, mùi me chua, lạnh lùng với bông hoa ngũ sắc, thì Ki hoàn toàn bị bỏ rơi rồi. Tôi mất luôn Ki, mất mà không biết Ki đã bỏ tôi đi từ lúc nào, chỉ biết có một lúc giật mình thấy có đứa bé trong hồn mình bỏ đi biệt tích, bỏ đi một cách lặng lẽ, không để lại một dấu vết gì nữa.

Ki thân mến,

Gợi lại để Ki biết là tôi vẫn còn nhớ tới Ki, không phải là nhớ nữa, mà là một kỷ niệm, một khát khao để tôi tìm về trong bất cứ năm tháng nào, nếu có dịp. Nhưng bây giờ nhìn về, có nhớ nhung thắm thiết bao nhiêu thì sự thắm thiết đó cũng chỉ nhắc nhở tôi khoảng cách lớn dần ra mãi. Tôi càng nhắc càng chứng tỏ tôi càng bỏ xa Ki biệt mù. Nhưng hôm nay tôi phải nhắc lại với Ki để nói về một thành phố. Vì chỉ có Ki mới đủ thẩm quyền để bắt tôi phải than thở, phải đau đớn, phải khóc lóc. Và tôi muốn cho Ki biết tôi đã đi đứng, ăn nói, thương yêu thù ghét thành phố của tuổi thơ đó như thế nào. không nói thì Ki cũng có thể biết, bởi vì trong những năm sống ở Huế, làm một cô gái Huế xoã tóc, đội nón, đi guốc trắng, thỉnh thoảng trên đường về một mình, bên cạnh bụi hoa ngũ sắc tôi còn trông thấy hình ảnh Ki, tóc cắt ngắn, quần sọt, áo sơ mi, đôi mắt mang màu nắng của biển vừa đứng ở đó, đứng ở đó rồi biến đi rất nhanh làm tôi bàng hoàng như mình đánh mất một thứ, một thứ thiêng liêng ghê lắm thương yêu ghê lắm, tiếc ghê lắm mà không thể nào trở về với nó được. Không thể trở về vì hai người đang cố tình trốn chạy nhau. Còn nhiều dịp nữa, trong những lần nhìn những cô bé con chơi buôn bán, đánh thẻ, đánh ô làng, nghịch đất, tôi thấy trong tâm hồn tôi ló ra một nhánh hồn bé nhỏ muốn với tới, một cô bé nào đó ngoảnh mặt nhìn tôi với nụ cười nửa mỉa mai nửa khinh bỉ. Ki đó phải không?

Nhưng tôi cũng phải quên Ki đi ngay. Quên Ki để đạp xe đạp qua cầu Tràng Tiền với bè bạn. Quên Ki để làm những cuộc đi chơi xa hơn, thích hơn. Tôi biết nhiều về Huế quá. Tôi đi hết những lăng tẩm. Tôi biết chuyện vì sao ông Huyện có bức ảnh chụp với lính quạt hầu lại có nụ cười hiền lành dễ thương đến thế. Tôi còn biết cả lịch sử huy hoàng của Huế khi đặt chân đến Đại Nội nữa. Chiếc ngai bằng vàng, những chậu cây bằng vàng trái ngọc, những Đàn Nam Giao tế trời tế đất. Tôi nghe tiếng chuông Linh Mụ với một tâm hồn dào dạt mơ mộng chớ không như Ki hồi trước, chỉ ru giấc ngủ hoặc để đánh thức thời giờ đòi quà buổi sớm mai. Tôi còn biết thưởng thức bao vị chua cay của Huế, đi ăn bánh bèo, bún bò, bánh khoái. Tôi tập thú đi chơi một mình, mơ mộng một mình. Những ngày mưa tầm tã, bầu trời thảm đạm, một mình một áo mưa đi lang thang, gió đánh rát cả da mặt, mặt nước sông Hương mù mịt nước. Chân đạp trên bao lá khô. Tất cả như mù mịt hết. Dòng sông, nhịp cầu, trường học, những ngôi nhà che kín trong khu vườn rộng, tất cả nhòe nhoẹt trong mưa hết. Tôi cười lại Ki, tôi làm gì có những phút thoát trần như thế.

Tôi cũng phải nhắc tới tình yêu trong thành phố đó cho Ki nghe nữa. Những hoàng tử áo xanh, những công chúa áo vàng ngày thứ Hai đầu tuần. Những lá thư tình viết thả rơi. Những cái liếc mắt sau vành nón… Một mối tình như một cơn giông bão từ phương nào ồ ạt đến. Thơ mộng, lãng mạn, đau đớn sung sướng, nước mắt, thôi thì đủ cả. Có lúc nào Ki đứng đằng sau tôi, trước mặt tôi nhìn tôi lúc đó không? Tôi có đáng được sung sướng đau khổ như thế không? Và Ki ơi, Ki có biết được ngày tôi bỏ Huế?

Lúc lên máy bay, chuyến đi đầu tiên để bỏ thêm một phần hồn thân yêu của mình nữa. Có cô gái che vành nón liếc ánh mắt tiễn đưa. Nhưng tôi đã bay rồi. Tôi bay để làm một chuyến đi cách xa Ki thêm mãi, và cách xa cô gái kia mãi mãi.

Từ đó tôi ít khi nghĩ tới thành phố đó lắm. Tôi lăn vào đời, tôi đẻ ra những tuổi thơ, tôi nhìn những tuổi thơ đó lớn lên, tôi nuôi tuổi thơ con cái, nhìn tuổi thơ đó như nhìn Ki hồi nhỏ. Nhưng Huế thì như một cái bóng thật mờ lấp ló đằng sau cuộc đời mình, đôi lúc cho lại tôi vài phút êm đềm, nhưng cũng hiếm hoi lắm.

Tôi không còn thì giờ để nhớ tới đàn cá mặt trăng trong chiếc hồ nhỏ lẻ loi giữa rừng dương. Tôi quên khuấy mất những hột keo khô rơi lấm tấm đầy trên con đường làng cát bẩn. Tôi quên ánh nắng mặt trời trên bãi cát hung vàng mái tóc Ki. Có nhiều lúc nhìn nụ cười con thơ, nhìn chúng tò mò coi một chú gián bò trong góc nhà, tôi nghe tiếng ai hỏi trong đầu: Nhớ tôi không? Nhớ bầy đom đóm nơi đường rầy không? Nhớ cây khế nơi nhà ông xếp ga không? Nhớ đàn cá mặt trăng không? Ki ơi, tệ quá, nào tôi còn nhớ gì nổi.

Ki tha thứ cho tôi nhé. Đừng giận bởi vì đã có lúc tôi nhớ ra Ki rõ lắm, nhớ như mình nhớ mình thì làm sao không rõ ràng được. Đó là lần tôi về Huế để gặp mặt lần cuối ba của tôi. Quên, ba của Ki và tôi chứ. Lúc khóc lóc đã mệt, vật vã đã rừ hết tay chân, tôi bất chợt nhìn ra kẽ hở của song cửa. Một bụi cây Ki ơi. Từ một bụi cây dẫn tôi ra một đường phố, một đường phố dẫn ra một trường học, một khu vườn. Chúng rủ tôi đi xa nữa, một bãi biển, một mặt hồ đầy cá mặt trăng, một khu vườn sầm uất của Trấn Hải Đài ở Thuận An nữa. Tôi nhìn thấy Ki đi trên bờ thành luỹ. Tôi nhìn thấy Ki ngã từ trên nhánh ổi xuống và ba chạy tới vội vã bế Ki lên. Tôi còn thấy chiếc sân rộng trong khu Trấn Hải Đài ngày ba ngồi thắt cho Ki hai chiếc gióng mây và chuốt cho Ki cái đòn gánh tre để Ki giả đò đi gánh nước. Nhiều nơi nữa, trong sân ở một ngôi nhà ở An Cựu, ba bế Ki ngồi lên lòng và hai chân ba rung rung. Cả chiếc xe đạp cũ kỹ mà ba thường đặt cái gối bông nhỏ đằng sau bót ba ga, bắt Ki ngồi ôm lưng thật chặt để ba thả xe chạy xuống con dốc Nam Giao đi sang phố mua cho con búp bê nhỏ. Nhưng hình ảnh đó cũng chớp nhanh lắm để trả tôi với bụi cây trước mắt. Những lá xanh đang thẫm màu dần nhưng còn bám vài tia nắng yếu ớt của ngày cuối năm. Huế mình như thế đó, cuối năm bao giờ mặt trời cũng muốn lười biếng, cũng nhõng nhẽo đến rơi nước mắt. Ki đang đứng đằng sau lưng tôi, đang đứng trong hồn tôi để giúp tôi trào thêm những giọt lệ.

Ba bỏ đi rồi, mất biệt rồi, đứt luôn cả sợi dây tơ đang mỏng dần giữa tôi và Ki. Vậy là hết.

Phải, đã hết thực rồi, Ki ạ. Bây giờ tôi đứng trước Huế, nhìn Huế với một con mắt khác, một tâm hồn khác. Mấy ngày liền tôi đã thấy sợi dây tơ mềm cột chặt tôi với Huế đã đứt lìa hẳn. Nhưng lạ lùng thay, đôi lúc tôi vẫn còn thấy Ki che mặt, giận dỗi, khóc lóc, rên rỉ vật vã ở trong tôi. Có phải tiếng khóc cuối cùng của tôi thương tiếc người cha, hay tiếng khóc của Ki đau đớn vĩnh biệt, một phần hồn tách lìa một thân xác để đi biền biệt mãi.

Tôi giơ tay chào Ki và từ giã luôn nhé.

Không Ki ơi, tôi đã lầm ghê lắm. Lầm lớn lắm. Đúng tôi vẫn còn nhìn thấy Ki, đúng Ki là một phần hồn thuỷ chung duy nhất còn ở lại trong tôi, với tôi trong những giờ phút mà chính tôi cũng không còn sự sáng suốt để dẫn dắt mình nữa. Tôi đã chạy loạn cùng khắp, và chính trong những giờ phút tôi mê muội nhất thì tôi lại nghe tiếng kêu của Ki. Con đường này, chiếc cầu này, khu vực này. Tôi chạy tới, chạy lui và tiếng kêu dẫn đường cho tôi tìm thấy lối sống.

Đúng là Ki thật rồi. Nhìn thấy Ki tất tả trong đám trẻ con chạy loạn, nhìn thấy Ki bên những cánh tay khúc chân thịt non còn bê bết máu. Nhìn thấy một phần thân thể Ki nơi chiếc miệng rỏ đầy giãi của con chó đang quắp đuôi chạy trong đám bụi mù, trong ánh lửa đạn. Tôi nhìn ra Ki tức là đã nhìn ra Huế. Trong bao năm tôi tưởng như tôi đã chôn vùi hình ảnh Ki cùng xứ Huế với những ngày thơ, với lăng tẩm đền đài đằng sau đời sống mới ở một xứ khác. Tôi lầm phải không Ki. Trong một tháng chạy loạn, có lần tôi đã tưởng Huế của chúng ta đã hết, đã tan nát, đã bị vùi chôn. Đã hết khi tôi bưng kín mắt, nằm ép trong góc tối của khu nhà trong cung An Định. Khi tôi chạy băng qua cầu An Cựu mà không nhìn thấy cây bông búp. Nhưng không, tôi vẫn thấy trên những đống gạch to lớn chưa từng thấy của thành phố, hình ảnh của Ki ngày nào bé bỏng non thơ đi lang thang trên đó. Hình ảnh của Ki trôi trên những đợt mây xám, len lén trong ánh sáng hẩm hiu của bầu trời lất phất mưa để đi thăm những đổ vỡ, những mảnh tường xâm mình với bao thứ bom đạn.

Tôi còn nhìn thấy Ki nhiều lần nữa. Chẳng hạn như một hôm sau mười mấy ngày nằm trong hầm tối, vừa chui lên miệng hầm, không khí mát lạnh làm tôi tỉnh người. Và những bóng lá xanh mướt ve vãn trước mắt tôi, một bụi cây, một nhánh cỏ mà làm cho người ta yêu đời biết bao nhiêu. Trí tưởng tượng của tôi như đang ngợp hết cả vùng trời, tôi nhìn thấy Ki tung tăng trong ánh nắng vàng của dĩ vãng, ánh nắng đó còn bám lại trên mái ngói của trường Đồng Khánh, của những bức tường đã và đang sụp đổ. Tôi thấy Ki đứng tần ngần bên cạnh ông Tám thợ may, ông già râu dài đến rốn ngày xưa cho Ki cục đường, bây giờ nằm chết cong queo bên đường mười mấy ngày chưa được chôn cất. Ki cũng còn đứng bên những ngôi mộ của một số bạn bè cũ đã lớn lên, Ki đang đứng cùng tuổi thơ của họ xung quanh ngôi mộ đắp vội vàng, cùng với bầu trời mưa phùn nhỏ những giọt lệ không đủ làm ướt áo.

Mi Ki thân mến,

Ki thấy không, chúng ta thật đã có quá nhiều chuyện để nói với nhau về Huế. Nhưng chưa hết đâu Ki, tôi còn một chuyện nữa phải nhắc lại với Ki. Chuyện con heo khổng lồ trong tuổi thơ của mình ấy mà. Ki còn nhớ chứ? Thật chuyện của mình răng mà lộn xộn quá đi, nhưng tôi chắc là Ki sẽ phải reo vui, khi tôi còn nhớ và nhắc tới con heo khổng lồ ấy. Đã có một dạo, trong những lần tha thẩn với Huế, chúng ta đã không thể nào không dừng lại trước một căn nhà lá nghèo nàn trên Lích Đợi, giữa con đường đi nghẹo lên Tây Thiên. Ki đã nhớ ra rồi phải không? Con heo của ông già lười biếng ấy mà. Chúng ta đã cùng nhau đặt tên cho ông cụ là "ông già lười biếng", vì chả bao giờ thấy cụ mần ăn chi hết… Buồn cười quá Ki nhỉ. Lúc nào mình ghé lại cũng thấy ông cụ ngồi bên cái ấm nước chè lá với mấy cái ly nhựa. Hình như suốt ngày ông cụ chỉ cố gắng nấu được nồi nước chè lá thật ngon để mời những người khách đến thăm con heo kỳ dị ấy. Tội nghiệp Ki biết bao, dạo ấy, Ki nhỏ chút, khi đứng trước cái chuồng heo to lớn chiếm hết nửa căn nhà. Còn heo thì thôi, nó to như một con bò, nằm chình ình hết hai phần ba cái chuồng, lông to cứng tủa ra như rễ tre, những túi thịt vĩ đại xệ xuống, khiến chúng ta đã cố tìm mà không thấy hai mắt nó ở đâu. Con heo cũng đã quá già, không còn đủ sức đứng dậy, suốt ngày cứ nằm rệp trên đống rác rưởi dơ dáy của chính nó.

Người ta tới thăm con heo khổng lồ này cũng đông lắm, và cứ mỗi lần có khách ông già lười biếng này lại khoe khoang:

"Con heo ni tui đợi tới khi mô hoà bình mới làm thịt ăn mừng!"

Ông già nói xong lại nhướng đôi mắt hấp hem lên nhìn trời. Con heo khổng lồ của ông già vì rứa, còn được gọi bằng "con heo hoà bình" nữa. Hồi đó, cái tên này đã làm Ki ngạc nhiên. Tại sao lại phải đợi hoà bình. Mà hoà bình là cái gì thế nhỉ? Huế hiền lành của chúng ta có ai đánh đấm gì đâu mà phải đợi hoà bình?

Ki ơi, đến bây giờ thì chắc Ki đã hiểu tại sao ông già lười biếng của chúng ta lại chờ đợi rồi chứ? Nhưng dù Ki có hiểu hay không, chúng ta đã chẳng thể biết nổi trong những ngày khốn khổ hồi Tết Mậu thân vừa rồi, ông già và con heo hoà bình có còn không? Mà nếu còn, cũng liệu có đủ sức để mà chờ đợi thêm nữa không?

Những câu hỏi răng nghe buồn hả Ki. Nhưng Ki cũng đừng trách tôi nhé. Khi tôi ngồi viết những dòng này cho Ki thì Huế của chúng ta còn đang được nói đến nhiều lắm, với những hầm hố chôn những, những xác thịt rữa nát được tìm thấy bỏ vô hàng trăm bao ny lông xếp cao như núi. Tôi ở nơi xa, nghe tin nào Bãi Dâu, nào các lăng tẩm, nào Phú Thứ, những hầm xác tập thể đã được quật lên, rồi những tiếng khóc khổ đau ngày nào lại được dịp oà vỡ lại. Tôi đã không có mặt với Huế trong những ngày tháng này, để cùng tìm kiếm với thành phố những người thân thích đã bị bắn, bị chôn. Ở xa xôi, tôi chỉ còn cách tìm lại với Ki, với tuổi thơ ấu của mình, vì Ki, hình ảnh đã được Huế nuôi dưỡng từ thuở bé thơ, hẳn Ki còn ở mãi với Huế. Hãy tiếp tục khóc với Huế, sống với Huế thay tôi, Ki nhé.

Tội nghiệp Ki quá. Nhưng chưa hết đâu, Ki còn phải thay tôi lắng nghe tiếng cỏ đang cựa mình mọc lên trong đất đai câm nín của Huế, thay tôi góp hết sức sống còn lại của chúng ta vào Huế cho một mùa phục sinh mới Huế của chúng ta, của những người đã chết vùi chết dập và những người còn sống sót, thế nào rồi cũng phải phục sinh, phải thức dậy.

Làm thế nào được, phải không Ki? Sức sống của nhân loại vẫn mãnh liệt lắm. Như tôi đã mạnh mẽ vươn lên khỏi tuổi thơ ấu, bỏ Ki lại chơ vơ với những kỷ niệm của thành phố. Sức sống của Huế cũng vậy, Ki còn nhớ không? Ngày tôi sắp xa rời Ki, chúng ta đã cùng chụp chung một tấm hình với các bạn. Bức hình ba đứa với Kim Hường, Tâm Tuý, khuôn mặt Ki ở giữa. Người ta nói chụp hình ba đứa xui lắm. Thật rứa Ki ạ. Đã quá lâu rồi, ba đứa trong tấm hình ngày nào không còn dịp gặp nhau lại, nhưng Ki biết sao không, bữa kia, tôi đã vừa nghe người ta báo tin Tâm Tuý không còn nữa.

Theo lời kể lại, hồi Tết Mậu Thân vừa rồi, Tuý sửa soạn về bên chồng. Trước tết, Tuý cắt tóc ngắn, đánh móng tay, rạo rực với bao nhiêu dự định. Sáng mồng Một Tết, Tuý còn mặc áo đẹp, nhởn nhơ mừng năm mới. Nhưng chỉ hôm sau, sáng mùng Hai Tết, Tuý đã bị bắt, rồi bị chôn trong khu vườn ngay khi hoa mai còn đang nở.

Sau này, khi những người thân sống sót trở về đào xác Tuý lên, Ki tưởng tượng được không, dù bị vùi xuống không hòm không chiếu, thể xác Tuý không những vẫn nguyên vẹn, mà mái tóc Tuý, móng chân móng tay của Tuý còn mọc dài hơn ra. Ki ơi, có thể thật rứa không Ki. Mà thật rứa, thì mần răng giải thích, ngoài điều tôi đã nói với Ki: sức sống của con người vốn mãnh liệt lắm.

Phải chăng, khi bị vùi xuống đất giữa lúc còn rạo rực sống, dù tim đã ngừng đập, ngực đã ngừng thở, giữa lòng đất đen lạnh, cô bạn nhỏ của chúng ta, Tâm Tuý, vẫn còn cố gắng trải thêm chút sức sống mà cái chết hối hả không kịp dập tắt, để thể xác còn tiếp tục nở thêm.

Mi Ki thân mến,

Ki thấy đó, như Tâm Tuý, như bao nhiêu người khác, Huế của chúng ta, dù bị vùi dập và tàn phá, vẫn nhất định hồi sinh, nhất định thức dậy, như cỏ nhất định phải mọc trên mặt đất.

Hãy chịu đựng nhé, Huế. Nhưng đừng quên chờ đợi, hy vọng. Giữa những xương trắng vừa được bới đào lên, giữa những đám tang tập thể, giữa đêm tối chưa ngớt kinh hoàng vì những trận đánh lớn quanh quẩn đe doạ, Ki nghe thấy không, lời hứa phục sinh của Huế vẫn nhất định chưa tắt, Ki tin tôi đi, trong lòng tôi, ngay lúc còn đi giữa máu me đổ nát của Huế vẫn còn giữ được nguyên biết bao kỷ niệm mà ngày nào, đôi chân ngắn ngủi của chúng ta đã từng bước tới.

Dù sao Ki ơi, những buổi chiều gió nổi trên mặt sông Hương gợn sóng bạc, những buổi sáng mùa hạ rực rỡ trong Thành Nội, những ngày mưa mù mịt hàng cây sầu đông sau trường Đồng Khánh, hay những cơn giông thịnh nộ, cũng vẫn còn trở lại.

Tôi xin gửi về Ki, về Huế, tập truyện nhỏ này, như những tình ca được viết riêng cho Huế và quê hương đổ nát.

Mong rằng những tình ca vụn vặt, đầy nước mắt ấy, sẽ góp thêm phần nào vào việc lay gọi Huế thức giấc, để những tình ca khác sẽ tiếp tục, thơ mộng hơn, tươi sáng hơn.

Mi Ki ơi,

Ki đã làm tôi cảm động quá. Sống mãi giùm tôi với Huế nhé, Ki nhé.

Sài Gòn, 4.1969


2. Giọt nắng về trời

Chuyến máy bay đưa tôi trở về Huế đáp xuống phi trường Phú Bài đúng 12 giờ 30. Giờ Ngọ. Giờ này đúng là tuổi của đứa con trai tôi, và cũng là tuổi của người cha thân yêu, lúc này, đang nằm hấp hối trên giường bịnh.

Khi bước xuống sân bay, đứng chơ vơ đón những đám cát bụi do những chiếc quạt máy bay khác quạt tới, tôi cúi xuống nhìn chiếc bóng của mình ngắn ngủi nhú khỏi hai chân bằng một gang ngắn, lúc đó, hình như có một hình ảnh nào đó êm đềm vừa trôi qua trong tôi, lúc tôi kịp nhắm mắt để tránh những hạt cát đang quật vào mắt mũi. Một lời van xin đã bật ra trong đầu óc.

Tôi mở choàng mắt, những vạt nắng nấp sau những đám mây lam, thật thấp, chiếu xuống những tia vàng úa, buồn não. Cầu xin một sự yên lành. Ba ơi, chắc gì còn kịp. Chân tôi bước như muốn ríu lại, cuối cùng, tôi cũng qua hết chiếc sân rộng, vào dãy nhà đợi.

Buổi tối hôm trước, tôi đang còn ở thành phố Sài Gòn. Lâu lắm rồi tôi chưa về lại Huế. Nhiều dịp Tết trôi qua, lần nào cũng tự hứa sẽ trở về, nhưng những dịp tự hứa đó cũng bị những lười biếng, buông thả xoá mất hết. Lúc này thì không thể không trở về được. Tấm điện tín đến vào lúc 11 giờ đêm. Lúc đó tôi đang đưa ông Táo.

Tối 23 tháng chạp, không hiểu sao chỉ có lễ đưa ông Táo, tôi đã diện như đi một dạ hội. Áo dài đỏ chót, tóc tai chải đàng hoàng. Khi tôi mặc chiếc áo đỏ, người giúp việc đã buông một câu: Cúng ông Táo mà chị mặc cái áo đỏ chói. Tôi cười: Biết đâu sẽ hết dịp mặc. Lời nói của tôi linh ứng ngay lúc đó. Chỉ một phút sau, tôi nhận được điện tín từ Huế đánh vào. Về ngay, ba đang hấp hối. Đang hấp hối? Cái gì mà kỳ cục vậy. Lá thư ba tôi viết từ tuần trước còn rành rành nơi ngăn tủ. Con nhớ về ăn Tết, chúng con phải về, ba đã rời bệnh viện. Chúng tôi đã mua vé cho cả gia đình, sẽ về Huế vào ngày mồng Hai. Lâu lắm tôi mới trở lại Huế, và lần này, cả đoàn vợ chồng con cái lần đầu tiên trở về trình diện cái quê hương mà tôi vừa thương yêu vừa thù ghét. Không thể chờ đợi thêm được nữa. Em phải về trước, bằng mọi cách. Chồng tôi nói thế. Và sáng hôm sau, tôi đã theo một chuyến máy bay quân sự để trở về đây. Chiếc áo đỏ còn lung linh trong trí nhớ tôi như một nỗi kinh hoàng. Chiếc áo đỏ này cũng đã được xếp ngăn nắp cất kín.

Tôi theo một xe hơi đi đón người nhà lên thành phố. Không đủ sức chờ đợi chuyến xe đưa hành khách được nữa. Tôi muốn tức khắc có mặt ở nhà lúc này. May ra còn kịp, nhất định phải kịp. Ba không thể đi một chuyến đi dài mà không nhìn kịp mặt con. Phải thế.

Mấy năm rồi, tôi không trở về, những lá thư ba viết thật dài và những lá thư trả lời ngắn ngủi không đủ để nói gì hết. Lời nói thú tội của tôi đang còn chờ một dịp. Lần này, cầu mong cho con về kịp, và con sẽ nói, nói hết với ba. Không, tôi cũng chả cần phải nói gì, ba tôi cũng đã hiểu hết. Những ngày bỏ Huế dài bằng những lỗi lầm của tôi mà gia đình gánh chịu. Chiếc xe chạy qua những thửa ruộng nhỏ, phía xa là những rặng núi dài, con đường tráng nhựa ngày xưa nay đã cũ và đầy những ổ gà. Cảnh vật không có gì thay đổi hết.

Tôi tựa vào thành xe nghe tiếng tim mình đập rộn rã, tiếng rộn rã của một nỗi mừng cùng một nỗi khắc khoải chờ đợi. Bầu trời xám xịt, những ánh nắng vàng quái đồng tình với tôi về một nỗi quạnh hiu và những đám mây buồn như muốn chảy nước. Tôi lờ mờ hình dung hình ảnh ba tôi với nhiều khuôn mặt, nhưng hình ảnh nào cũng vội biến đi rất nhanh để nhường lại cho một đôi mắt đã hết tinh thần đang cố bám những làn hơi chờ đợi.

Xe qua một vài xóm nhỏ tới một thửa ruộng, cảnh vật không có gì đổi thay nhưng tôi không còn nhớ gì hết. Khi xe qua một con cầu, tôi mới thảng thốt rối rít xin dừng lại. An Cựu ở phía đằng sau lưng mất rồi. Tôi gọi chiếc xích lô và đi ngược trở lại. Tôi ôm mớ hành lý lên lòng, hành lý chả có gì cho một chuyến đi xa, tất cả được gói gọn bỏ trong cái túi nhỏ. Tối hôm trước, khi hay tin, tôi đã cầm tấm điện tín, ngồi trong màn mà khóc. Tất cả cái gói nhỏ này do chồng tôi xếp cho. Em cứ về, mồng Hai anh sẽ ra và đến sau. Anh sẽ cố gắng thu xếp công việc, đổi vé sớm hơn.

Cho tới lúc này, tôi vẫn không tin tưởng gì về sự có thể đổi vé được. Xe đi qua một đồn lính đến một ngã ba, rồi chạy thẳng xuống theo con lộ số 1. Tôi đưa tay ra dấu, xe chạy vào một con ngõ được chắn lại bằng một cánh cửa sắt khép hờ. Tôi nhảy lên từ trên xích lô xuống chạy một mạch từ ngõ qua khoảng sân và đứng sững lại giữa nhà. Nhiều tiếng gọi tên tôi cùng bật ra một lúc. Đứa em gái của tôi chạy ra sân, người phu xe đang tần ngần đợi ở đó.

Cả nhà đang ngồi quanh mâm cơm, nhưng chả ai ăn được miếng nào, tôi ngửi, thấy mùi canh cải cúc quen thuộc, vì một làn hơi mỏng bay lên từ tô canh, bên những chén cơm để nguội ngắt. Mẹ tôi đứng dậy trước tiên, hai tay bà đưa ra đằng trước. Nỗi mừng vừa chiếu một tia sáng nhỏ ở đôi mắt đã che khuất bởi làn lệ mỏng: Con ơi, ba con đợi con về kia, ba con nằm ở trong phòng kia. Nhiều tiếng khóc nổi lên. Cái túi nhỏ nơi tay tôi bỗng rơi xuống đất. Tôi khoát tấm màn nhỏ thay cánh cửa ngăn phòng, bước vào. Chân tôi cơ hồ muốn lướt trên mặt đất.

Tất cả những hình ảnh tôi tưởng tượng về ba tôi đã hoàn toàn sai lệch. Ba tôi bây giờ chỉ còn như bộ xương người. Khuôn mặt choắt lại, hai gò má nhô cao, hai mắt nửa khép nửa mở. Cả khuôn mặt đó cùng mớ tóc chưa kịp bạc hết, chải lật đằng sau được đặt trên chiếc gối cao. Nếu không còn nghe được tiếng thở nhẹ, đôi khi khò khè, tôi không thể tin ba tôi còn đang ở giữa lưng chừng sự sống và sự chết. Sự có mặt của tôi càng làm cho gia đình tôi mủi lòng, xung quanh tôi đầy cả tiếng khóc.

Tôi đứng sững một giây và rồi như một sự vỡ oà không kịp gượng, chân tôi khuỵu xuống, mặt tôi đã úp gọn vào bàn tay cứng ngắt của ba tôi. Ba ơi, con đã trở về nhưng cả ba cả con, không ai còn kịp nghe nhau nói nữa. Tôi tưởng khi gục xuống bàn tay của ba tôi, tôi sẽ khóc ghê gớm lắm, và ít nhất tiếng khóc đó cũng giúp tôi vơi bớt được nỗi buồn khổ đau đớn trong lòng. Như đêm qua tôi cũng đã khóc, như khi ngồi trên máy bay, tôi cũng đã khóc, và sau đó tôi tỉnh táo lại.

Lần này cớ chi sự đau đớn của tôi không trào ra bằng mắt. Không, ba tôi còn sống, ba tôi còn nằm kia, da thịt còn nóng. Ai kêu giùm tôi một bác sĩ, ai gọi giùm tôi một chiếc xe đi. Làm cách nào để cứu ba tôi sống lại chứ. Tại sao mẹ tôi chú tôi chỉ biết cuống quít chờ đợi ba tôi chết và khóc lóc thế kia. Tôi đứng bật dậy. Má ơi, ba chưa chết, kêu giùm con bác sĩ đi chú ơi. Tiếng khóc của người đàn ông không làm ai mủi lòng như vậy mà chú tôi đang khóc như một đứa bé.

Tôi giậm chân, tôi quay quắt. Tôi đứng bật dậy. Làm ơn gọi bác sĩ giùm tôi, ba tôi đang chống chọi kìa. Nhưng không ai trả lời tôi hết, những tiếng khóc thút thít làm đầu óc tôi như muốn nổi điên lên. Cái chết nào có dễ dàng đến như thế. Con ơi, con đừng có la lối nữa, không kịp nữa đâu, bác sĩ chạy rồi. Bác sĩ chạy rồi, bao nhiêu sự hung hăng của tôi nhờ lời nói của chú tôi đập nát hết. Lúc này tôi nhìn rõ ba tôi hơn. Lưỡi ông đã trụt, hai mắt đã lạc hết tinh thần. Ba tôi đang mặc một cái áo ka ki nhà binh, nơi tay còn đeo đồng hồ và phía trên đầu có đặt cái radio nhỏ.

Chú tôi nói: Chiều qua, ba còn đưa tay vặn máy ra, lại đeo được đồng hồ. Đến nửa đêm hai tay mới tê liệt hẳn. Ba có nói gì nữa không? Má tôi vừa khóc vừa trả lời: Ba gọi tên con, tên anh con, rồi im luôn cho tới giờ. Má tôi nói xong cầm chén sâm, rỏ vào miệng ba tôi mấy giọt, ba tôi nấc lên, và hai hàm răng đập lại, chứng cớ còn nuốt được. Nhưng tới giọt sâm thứ hai thì miệng ba tôi không còn động đậy gì nữa. Lúc này tôi mới nhớ tới anh tôi, má tôi giải thích cho biết là anh ấy đã đi trình diện nhập ngũ, đã đánh tới mười mấy cái điện tín nhưng chưa thấy về.

"Ông ơi, con nó về đây, con nó về mà ông bỏ nó ông đi sao đành ông ơi". Tiếng kêu của má tôi như một tiếng xé lòng. Tôi gục mặt vào ngực ba tôi, bao nhiêu sự cố gắng của tôi đã cùng bật ra một lúc bằng tiếng kêu nhỏ: "Ba ơi". Rồi tôi không khóc, nhưng nước mắt tôi đã chảy giàn giụa. Và khi tôi nhìn vào khuôn mặt ba tôi, thì lạ lùng thay, nơi hai khóe mắt đã dừng tròng của ba tôi, lăn ra hai dòngg lệ nhỏ. Ba đã nhận ra con, ba đã biết con trở về. Ba ơi. Nhưng làm thế nào cho ba đừng chết.

Không còn hy vọng gì nữa hết. Môi ba tôi đã khô dần và nơi trán đã rịn ra những giọt mồ hôi cùng những giọt lệ tiếp tục chảy dài hai khóe mắt.

Tất cả các cánh cửa sổ được mở ra một lúc. Ánh sáng lùa vào lê lết trên khuôn mặt tái ngắt của ba tôi. Nhưng ánh sáng đó, hắt hiu dần vì những đám mây mỗi lúc một đặc. Em gái tôi nói đóng cửa lại, sợ ba tôi nhiễm gió lạnh, nhưng chú tôi nghẹn ngào: Để vậy cho sáng sủa, ba thích sáng sủa để ba nhìn vườn cây của ba trồng.

Nhiều người tới thăm đang đứng ở nhà ngoài, má tôi dẫn vào, họ đứng yên lặng một lát rồi đi ra, ai ai cũng có bộ mặt phiền não. Ngoài vườn, gió chiều đang bắt đầu xao động trên các lá cây, ánh sáng thật mỏng manh yếu ớt, lung linh từng giọt trên lá. Trên tấm chăn trắng đắp trên người ba tôi, phía chếch nơi bụng, một vệt nắng dài đang u buồn đậu trên đó. Tôi ngồi ghé vào một bên giường, lần này, tôi không còn đủ lý do gì để quay quắt được nữa.

Ba tôi nằm đó, đầy sự yên tĩnh, những giọt nước mắt cùng mồ hôi trên trán đã được lau khô và hơi thở ba tôi điều hoà như đang chìm vào giấc ngủ không mộng mị. Vệt nắng cứ chạy lui dần xuống phía chân ba tôi và hao mòn mãi cho tới lúc chỉ còn một giọt nhỏ.

Tôi đưa tay sờ ngực ba tôi, cầm chặt bàn tay ba tôi, áp má vào bàn tay còn bọc toàn gân xanh và da nhăn cố kéo lại chút hơi hám quen thuộc. Mới ngày nào ba tôi ra vào, mới chiều nào ba tôi lúi cúi trồng những luống hoa, những buổi tối học thi ba tôi thức đợi thúc giục tôi đi ngủ.

Mới ngày nào ba tôi còn bàng hoàng đau đớn khi đứa con gái bướng bỉnh cãi lời lặn tìm một hạnh phúc. Mới ngày nào những lá thư trách móc, rồi những lá thư dịu dần và chi chít những dòng chữ bao dung, thương mến. Ba ơi, con định trở về một ngày còn kịp để khóc với ba, ôm lấy chân ba để nghe chính ba nói lời tha thứ. Tôi ngồi im lặng, nghe chính tôi đang có muôn lời thổn thức nhưng ba, ba đã không còn thắc mắc gì, ba sống bình yên một cuộc đời tầm thường trong bổn phận, ba chết cũng bình yên như thế.

Lúc này, cả gia đình tôi, không ai còn muốn rời căn phòng nhỏ bé này một phút nào nữa. Cô em gái tôi đã nhảy thót lên giường, ôm lấy một cánh tay ba tôi. Mẹ tôi vừa khóc vừa gục mặt vào ngực ba tôi, chú tôi thì hết đưa tay sờ ngực lại đưa tay sờ trán, mấy đứa em chú bác lăng xăng hết thở dài lại ôm mặt nức nở. Tôi bị dồn xuống phía cuối giường. Tôi cũng đáng được dự phần đau khổ chung này như mọi người lắm chứ. Tôi đưa tay cầm lấy bàn chân ba tôi.

Nhưng bàn tay tôi vừa cầm lấy bàn chân khô gầy của ông, tôi vội thả ra sững sờ, bàn chân ông lạnh dần và rất nhanh lên phía trên thân thể. Tôi nhảy phóc lên giường, mặc cho mọi người khuyên can kéo xuống. Tôi đủ sức mạnh để gạt hết mọi người ra ngoài. Ba ơi, ba làm sao thế. Ba ơi, ba đừng chết. Không mà, không, không, vạn lần không, ba ơi. Không được đâu. Ba đừng chết nữa. Đó ba tôi vừa thở hắt ra một cái khoan khoái. Tôi vừa cười vừa khóc: Ba đừng chết nghe ba.

A, ba sống rồi, ba tỉnh rồi. Tôi kêu lên, nước mắt tôi chảy xuống cả ngực áo, cả mặt mũi ba tôi. Đó, ba tôi mở mắt lớn dần lớn dần. Và ba tôi bắt đầu nhìn khuôn mặt từng người. Nhiều tiếng kêu, nhiều tiếng khóc quá, tôi cũng đã kêu khóc như mọi người. Đôi mắt ba tôi, đôi mắt của người chết sống lại, linh lợi tươi vui và vô vàn đằm thắm. Đôi mắt dừng lại nơi khuôn mặt tôi. Tôi kêu một tiếng lớn như dùng hết sức mình: Ba, ba ơi.

Ba tôi đã nghe rồi. Tôi nhìn thấy miệng ba tôi cử động. Đôi mắt của ba tôi, trời ơi, hình như gió đang run nhẹ những ngọn lá ngoài vườn, giọt nắng từ cuối giường cũng vừa giọt lên, nhảy nhót cùng với tia mắt mừng vui, và tất cả sự lung linh bày tỏ tột cùng nỗi mừng rỡ đó chiếu ngời những sinh lực. Ba tôi sống lại rồi. Ba, ba. Nhưng giọt nắng bỗng chìm đi, rồi hai cánh tay ba tôi, hai cánh tay đã chết từ đầu hôm bỗng từ từ giơ lên, cố gắng, cố gắng một chút nữa. Một cánh tay chụp lấy vai tôi, còn một tay kia, chạm nhẹ vào khuỷu tay tôi rồi lưng chừng ở đó. Không một tiếng nấc nhỏ, đôi tròng mắt ba tôi đứng sững. Thôi rồi, chú tôi đang làm gì vậy, mẹ tôi đang làm gì vậy? Bàn tay bà đưa lên vuốt mắt ba tôi, hai con mắt vừa long lanh báo tin mừng vui kia đã khép lại, bình yên trong giấc ngủ muôn đời. Hai cánh tay ba tôi cũng được chú tôi gỡ xuống, vuốt nhẹ ngay ngắn. Thế là hết. Tôi đưa tay lên ngực ba tôi, nơi ngực ba tôi còn nóng hổi.

Ba tôi vừa mới đưa tay lên ôm tôi, vậy mà ba ơi, ba ngủ sao tài tình đến như vậy? Thôi con mất ba thật rồi, ba nằm đó mà con biết con mất ba. Nhưng ba, ba còn kịp gặp mặt con, rồi con còn kịp chứng kiến giây phút giữa sự sống chết, và ba ơi, ba kịp nhìn ra khuôn mặt đứa con hư. Trong sự đau đớn đến lịm người, tôi còn đủ chỗ để sung sướng một cách ngu xuẩn.

Ai cũng được dịp khóc thả cửa. Vệt nắng trên người ba tôi cũng đã tắt tự bao giờ.

Giọt nắng đã về trời, ba ơi, linh hồn ba đang nương theo giọt nắng.

Không, tôi phải bật khóc, phải lăn lộn như mọi người kia. Tiếng khóc nào làm đầu tôi tê nhức đến như thế? Giọt nắng nào làm tôi gửi hồn bay bổng mơ màng? Tấm vải đỏ phủ lên khuôn mặt của ba tôi, và giữa bao nhiêu tiếng động đó, mùi trầm hương đã xông lên thơm ngát. Một chén cơm, một quả trứng, một bát nhang. Ba tôi đó ư? Sức sống vừa cựa quậy trong người ba tôi, nơi hơi thở mong manh của ba tôi, biến mất từ lúc nào thật tài tình. Ba tôi đã chết, chết thực rồi, tôi còn mơ mộng làm chi nữa. Hãy gắng một chút nữa đi, những tiếng binh binh đang gõ nhẹ trong đầu óc. Gắng hơn một chút nữa đi, tôi đang lo buồn hay đang trống rỗng vì bụng đói. Thôi đừng khó chịu vì những tiếng kêu la nữa. Hãy đấm tay xuống bàn, đấm mạnh vào tường, đấm cho dội ngược cho biết đau đớn.

Ba mày chết đó kia. Mày có thương xót gì không? Đã thấy thương xót gì chưa? Oà khóc ra chứ? Tôi đứng dựa vào tường, thảng thốt nhìn những người khác khóc, tôi muốn được tham dự hay muốn được cười khan một tiếng. Phật ơi, Chúa ơi, lúc này sao ông cũng dửng dưng vậy. Cho con được bình tĩnh, cho con được dựa vào chút tỉnh táo của ông với.

Một cánh cửa sổ đã được gió khép lại tự bao giờ. Ngoài vườn, những lá cây đã rũ xuống, những vệt nắng mỏng manh cũng biến mất. Giữa chiếc sân rộng cây mai trổ hoa sớm vàng rực. Vài tiếng pháo đã nổ lẻ tẻ.

Tôi nhìn đồng hồ: 4 giờ 15 phút. Trừ đi 10 phút khóc là ba tôi chết lúc 4 giờ 5 phút. Đã quá giờ xấu. Chú tôi vừa khóc vừa nói với một người hàng xóm tới thăm.

Chiều 24, tháng Chạp đã mang về một trời đầy mây dày, báo hiệu cho những cơn mưa sầu thảm cuối năm, linh hồn của ba tôi đã nương theo giọt nắng về trời cùng một lúc. Giữa tiếng khóc kể như ri, tôi dở tấm khăn điều phủ mặt, cúi hôn lên vầng trán lạnh ngắt của ba tôi, và giơ tay lên chùi nhanh giọt lệ đang muốn nhỏ xuống khuôn mặt đã bất tỉnh từ làn da tới sợi tóc. Ba tôi đã dứt hết mọi phiền luỵ.

*

Để tôi nhớ những gì tôi đã làm trong những ngày buồn thảm đó. Tôi đã làm gì? Tôi đã khóc như thế nào, đau đớn rã rời như thế nào? Không biết bao nhiêu chi tiết vụn vặt, bao nhiêu lần rơi lệ, bao nhiêu lần mủi lòng, tất cả đều được tôi đón nhận bằng khối óc trơn lì như một cơn mê bởi sự đồng thiếp. Cơn đồng đã nhập vào cơn mê. Tôi được đưa đẩy bằng những công việc ma chay và tôi sợ nhất là một phút nào đó, cơn đồng thiếp vụt rời ra khỏi tâm thức mình, tôi trở lại những đau đớn bắt đầu cho tới khi được hôn mê trở lại là một khoảng thời gian xa cách đầy kinh khủng.

Huế ơi, tha thứ cho lần trở về này. Đôi mắt của tôi đã trông nhìn thấy Huế, đã che lấp bởi giải khăn tang. Thành phố Huế đối với tôi đã là một sự thao thức kinh khủng, bao nhiêu lần mơ ước được trở về để ba dẫn đi ăn một tô bún bò, để cùng với ba ngồi trên một chuyến đò ngang qua sông Hương, để nhìn mái tóc bạc của ba lất phất bay trong gió, để cùng soi hai mái tóc xuống mặt nước sông Hương và hưởng sự sung sướng tuyệt diệu của niềm im lặng được tha thứ. Ba ơi, ba ơi.

Làm thế nào để có một phút đó nữa, làm thế nào để còn ước mơ được nữa. Ba ơi, làm sao để con được trông thấy ba với một bản đàn cổ nhạc, với chiếc đàn bầu, trông thấy ba cặm cụi bên những khóm hoa, bên chuồng gà, nơi mái hiên, nơi con dốc Nam Giao ba đi xe đạp, xe Honda xuống, ba đi ra đi vô nơi chiếc sân rộng ở sân Công Chánh, ba giảng cho nghe một bài Nam Ai, Nam Bình, ba ngồi cầm cây đàn ghi-ta, đàn một bài tân nhạc. Làm sao còn dám nhìn những con đường ba đã đi xe đạp, xe Honda, nhìn con sông ba vẫn dắt con qua những chuyến đò.

Không, tôi chỉ nhìn thấy Huế như một thứ bội bạc. Tại sao Huế lại đốt pháo, lại ăn mừng, lại vui, lại tĩnh tâm được trước sự đớn đau của tôi. Những người Huế đó họ đang đến đầy sân, chật nhà. Tôi thấy họ cười hỏi đầu đường, họ rầu rĩ khi vào đến sân, họ âm thầm khi đứng trước quan tài. Tôi cầu cứu đám đông luôn luôn chật nhà ban ngày và buồn đến chín người khi ngồi một mình nhìn những ngọn đèn cầy lung linh. Tôi nằm sấp dưới sàn nhà, nhìn cái tim đèn dầu phụng le lói dưới quan tài. Tôi thổn thức gọi ba ơi, gọi ba rồi Huế ơi. Chiếc quan tài màu lam, in những hoa sen trắng. Lúc chết ba tôi mặc bộ quần áo màu vải lam, đội mũ vải lam và khuôn mặt ba tôi, cũng cứng lạnh như chì, ba tôi về với đất thật rồi.

Đám tang ba tôi đưa khỏi nhà vào sáng 28 Tết. Năm cùng tháng tận rồi, phần người sống vẫn phải rình rang. Tôi vướng víu trong bộ quần áo tang và mũ mấn che kín tóc tai, mặt mũi. Tôi đi sát đằng sau quan tài, một tay níu lấy mép áo quan phải mủi lòng theo những lời kể lể, phải lúc nào cũng nước mắt dầm dề như người ta nói về chữ hiếu, tôi khổ sở bực bội và muốn phát điên trong sự bó mình đó.

Người anh cả đã về kịp, áo thụng, gậy tre, làm mọi cử chỉ như máy theo sự sai bảo của mọi người. Tôi muốn được làm đàn ông như anh, không khóc lóc, không kể lể gì hết. Ba ơi, ba đi cho vui vẻ, ba đi cho bình yên. Khi con lên máy bay người ta nói: Thượng lộ bình yên. Thượng lộ bình yên nghe ba. Khi con đi xa, ai cũng chúc con may mắn, ai cũng nhìn con với ánh mắt trìu mến. Con cũng chúc ba: May mắn nghe ba. Đáng lẽ ra đoạn đường đưa ba phải về nơi quê hương của ba. Quê hương của ba ở ngoài Thanh Hoá, con chưa biết gì hết, ba ơi. Ba chết rồi ai đưa con về quê hương của ba.

Thôi thời thế giặc giã, ba nằm ở quê hương của chúng con vậy nghe ba. Đám tang ba, khi lên ngọn núi, đường dốc quá, và nhiều tiếng khóc quá, con mê người đi rồi, một phần vì bị đồng thiếp, một phần vì bị mệt mỏi. Nhưng con cũng còn đủ sức để ước rằng, giá con được đứng ngoài, nhìn người ta đưa đám ba, bàn luận với ba về đám ma, chắc ba vui lòng hơn, phải không ba?

Tôi cố kìm lại những giọng thì thầm lảm nhảm. Đi cho yên, dừng bước mau. Đáy huyệt sẽ hiện ra một lát nữa thôi. Đi chầm chậm bớ anh em hậu thập, tiền ngang. Dô ta, nghe đây anh em, chậm bước, sang bên trái đi thẳng.

Hồn ma yên chủ thương. Đồ con khỉ, cho thêm dăm ba trăm một ngàn. Tao cấm gọi cái kiểu đó. Tôi giận dữ muốn hét lớn chửi vào mặt tên đầu đám. Má tôi đã ra giá một tiền thưởng. Mấy cái mặt rạng rỡ hẳn lên. Những ngọn nến trắng trên quan tài chập chờn. Tôi nhìn lên chóp núi, những đám mây lam gợi hình ảnh ba tôi, nằm yên lặng trong phòng mắt nhắm, một ngọn nến một bát hương một chén cơm đặt phía trên đầu. Rồi một đám tang khác của ba tôi cử hành ngoài hư vô, những miếng giấy vàng bay bay như từ chân mây rớt xuống.

Lúc đứng lưng chừng ngọn núi Tam Thái, tôi hất mũ mấn lên, nhìn xuống thành phố Huế, tôi không nhìn thấy gì nhiều ngoài những mái ngói cũ kỹ, ẩn hiện trong những ngôi vườn um tùm cây xanh. Nhưng tôi cũng tưởng tượng sau những vườn cây kia con đường thẳng trước trường Quốc Học và Đồng Khánh, trước mặt nó là sông Hương, và qua bên kia sông là Phú Văn Lâu, là cờ vàng ba sọc đỏ thật lớn. Huế ngàn năm không thay đổi. Tôi cũng nhìn thấy xung quanh tôi, những người đưa đám có người mang áo trắng, tóc thề, những cô bạn gái của em tôi, những bà con thân thuộc. Quen thì có quen, nhưng tôi không nhích nổi môi để tỏ cử chỉ chào hỏi, làm quen được.

Những vàng hương được đốt lên, những ánh lửa lăn theo tàn giấy xuống chân núi, vướng trên bụi cây, những mồ mả. Mộ ba tôi chôn tít trên cao, nằm riêng rẽ. Ba ơi, ba không thích đám đông, khi ba sống, ba thích được một mình. Chúng con chọn cho ba một nơi yên tĩnh, ở đây, ba có thể nhìn xuống vườn nhà, nơi những đọt dừa xanh cao nhất vươn lên đó.

Áo quan được đặt xuống huyệt, hai đầu đứt đã được bút rút lên. Xung quanh tôi sao nhiều tiếng khóc thế. Cho ba tôi bình yên. Đừng khóc, đừng khóc.

Nhưng chính tôi vừa kêu lên một tiếng thảm thiết quá chừng, tôi khóc lúc nào vậy? Anh tôi rũ xuống như một người bị rút hết xương sống. Những nắm đất ném lên tới tấp. Những người phu đám nhảy xuống huyệt đứng lên quan tài, những tiếng gõ như xé rách tim tôi cùng với tiếng hát nện mồ: Ngày nào nói nói cười cười… Ới khoan, khoan hỡi hò khoan… Bây giờ đã trở thành người hư vô… Ngày nào… Khoan hỡi hò khoan, hết khoan là đến hụi. Ngày nào gác tía lầu son, bây giờ một đống xương tàn thảm chưa… Ngày nào ngày nào… Khoan hỡi khoan. Ngày nào tiếng khóc trong nôi, ngày nào tiếng nói tiếng cười lớn khôn, ngày nào điện ngọc lầu vàng… Dại khôn cũng nắm xương tàn lúc ni… Ối ông ơi… Khoan hỡi hò khoan, ới khoan, ngày nào, ngày nào…

Ngày nào ba ơi. Tôi có là gỗ đá mới không khóc ròng vì những lời bộc trực một cách tàn ác thê lương của đám phu mộ. Xương sống tôi đã gãy, tôi cũng rũ người xuống bên cạnh đống đất chưa vun. Ba ơi, tôi muốn kêu to cho tiếng lọt xuống mồ đất sâu nhưng tiếng kêu của tôi không bao giờ còn lọt ra khỏi miệng nữa, bởi tôi biết ba tôi đã chết.

Tội nghiệp cho gia đình tôi, khi đã khóc lóc đến lả người ở phần mộ trở về nhà, ai nấy bỗng im lìm như tượng đá. Má tôi nằm nơi chiếc giường mà trước đây ba tôi đã nằm. Bà úp mặt vào tường không còn lệ để khóc. Tôi cũng buồn chán không muốn ra khỏi nhà, việc nhìn lại Huế, sống lại với một vài kỷ niệm của tôi lúc này cũng trở thành vô nghĩa. Nhưng đến ngày 29 Tết, tôi chợt nhớ đến Nga, cô bạn gái đã lâu không gặp. Tôi đi bằng một chuyến xe buýt qua phố Trần Hưng Đạo gặp Nga, không tiện đi long dong với nhau ở phố, chúng tôi đứng ở cửa hàng nói chuyện. Nga không biết gì tới việc ba tôi mất. Mày nói gì kỳ vậy, mấy tuần trước bác còn qua đây biểu Nga chọn len cho bác mà. Tôi nói với Nga như thế còn lâu, nhìn thấy phút trước, phút sau chết lúc này đầy khắp mọi nơi. Nga nói ở đâu chứ Huế thì yên lắm. Nga không tin có gì xảy ra làm thay đổi Huế được, Nga hỏi thăm về đám tang ba tôi và hẹn chiều sẽ sang. Chiều 29 là ngày cuối năm. Buổi chiều Nga sang thật. Khi hai đứa mở cái ví cũ đặt nơi bàn thờ ba tôi, cả hai đều nhìn nhau và cùng ứa nước mắt khi nhìn cái ảnh cũ chụp chung hai đứa còn bé ở ví ba tôi. Chiếc ảnh đã cũ, ngày hai đứa còn đi học.

Tôi cũng thấy ở một ngăn khác, chiếc ảnh của tôi ngày còn bé tóc cúp ngắn, đeo kiềng vàng. Chắc đó là hình ảnh về tôi mà ba tôi quý nhất. Sau đó hai đứa đi bộ ra phía cầu, rồi leo lên một chuyến xe buýt sang phố Trần Hưng Đạo. Huế chỉ có con đường này là phố chính, đi dọc phố Trần Hưng Đạo ngược lên là Phú Văn Lâu rồi đến cầu Bạch Hổ. Tôi cũng chưa nhìn được Huế gì ngoài một vài con đường xe buýt An Cựu - Đông Ba đi qua và cầu Tràng Tiền, đài phát thanh Huế. Nhưng tôi vẫn nhớ như in từng hình ảnh khác của Huế, dù tôi không nhìn thấy, nhưng hình ảnh vẫn đứng ở vị trí cũ, tôi đã thuộc như in vào đầu. Huế của tuổi thơ ấu và Huế bây giờ chắc chắn không có gì thay đổi hết. Lúc đứng với Nga ở cửa hàng, tôi nhìn thấy những áo trắng, những mái tóc thề. Những thứ đó tôi đã từng thấy ở khắp các vùng tôi đến, nhưng ở đâu tôi cũng thấy hình ảnh đó kệch cỡm, lố bịch. Tôi chỉ thấy đẹp khi những hình ảnh đó xuất hiện tại Huế, trên những dáng dấp của những đôi mắt mang màu mây nước sông Hương và dáng gầy tha thướt. Chợ Đông Ba chiều Ba mươi Tết vẫn đông, năm nay không có ngày 30, người ta lấy ngày 29 Tết làm buổi chợ chiều 30, cảnh tấp nập, cổ kính, trầm tĩnh như mọi năm về trước. Tôi nghĩ sau một vài xáo động, Huế vẫn không bao giờ có thể thay đổi được. Nga kể cho tôi nghe một vài mẩu chuyện về Huế, vài sinh hoạt tuổi trẻ. Tôi hỏi Nga về phần các cô thì sao? Nga nói chả có gì thay đổi đâu, có vài cô đi Sài Gòn mang những mini jupe, mang những quần áo thời trang về, nhưng thấy không ai hưởng ứng thành thử cũng bỏ luôn. Nga nói: Kệ, Huế quê một cục vậy mà hơn. Đố ai làm Huế thay đổi. Cũng như Vân, bây giờ Vân cột chặt với Huế rồi, bác ở chung quê hương với Vân rồi. Nga nói đúng, ba tôi không cách chi trở về quê hương của ông nữa.

Và ba tôi cũng đã tha thứ hết cho tôi khi tay ông đưa lên muốn ôm lấy tôi: Con đừng nói gì nữa hết, ba đã hiểu con. Trong một lần trước khi làm một bài thơ nói tới Huế, tôi đã kết bằng câu: Cho tôi trở về đứng mê sảng ngó. Bây giờ tôi đang đứng đây, đứng tại Huế, phút mê sảng đã qua. Nhưng tôi đã được mê sảng.

Chiều hôm đó Nga đưa tôi về, khu An Cựu tôi ở giới nghiêm 7 giờ, mặc dù tình hình Huế vẫn rất an ninh. Xuống xe buýt, chúng tôi đi dạo một quãng. Khi chúng tôi chia tay nhau, Nga nói: Hẹn mồng Hai Tết, nhớ nghe.

Nga dặn tôi mồng Hai đừng đi đâu, nó sang và hai đứa đi thăm mộ ba, đi chơi, dạo một vòng thăm lại Huế. Tôi gật đầu bừa, ngày mồng Hai chồng tôi sẽ về cùng với hai đứa con nhỏ nhưng ít nhất cũng 1 giờ trưa mới tới. Buổi sáng, tôi với Nga tha hồ mà đi trước trên những kỷ niệm.

Trời xuống lạnh thật bất ngờ và những tiếng pháo nổi lên tứ phía. Ngang qua nhiều nhà tôi đã ngửi thấy mùi trầm hương, và bên trong những cánh cửa khép hờ đã có bình hoa mai vàng đẹp một cách trang nghiêm đang bình tĩnh đợi chờ đêm giao thừa.

Những tà áo bay ngược chiều hoặc cùng chiều lại phía tôi nhởn nhơ trong gió chiều đằm thắm, làm tà áo trắng của tôi bị chìm nghỉm lẫn trong niềm riêng u tịch.

Cái chết của ba tôi làm tôi gần lại với Huế, mà bao năm vì tuổi trẻ tôi đã coi Huế như một chỗ không phải để những người như tôi dung thân và tôi không có cảm tình được. Lúc này tôi nhìn Huế, như một nước nhỏ thanh bình lặng lờ nào thật xa lạ với cuộc chiến tranh ở Việt Nam.


*


Ngày mồng Hai Tết của Nga và tôi không bao giờ có nữa, ngày mồng hai Tết của chồng con tôi trở về cũng không bao giờ tới. Đêm mồng Một, những tràng pháo đang ròn rã nổ vui mừng chào đón Xuân, bỗng bị những tràng AK50, B40 làm im nghỉm. Một ngày hai ngày, một tuần hai tuần rồi một tháng chạy loạn. Tôi trú ẩn ở Dòng Chúa Cứu Thế và cung An Định, sang bên này Tân Lăng, về tuốt Thuỷ Dương trở lên An Cựu, rồi vội vã thoát thân một mình, và tới Sài Gòn rồi, tôi mới tin rằng tôi đã xa được địa ngục Huế.

Địa ngục Huế trong một tháng đã làm thay đổi tất cả điều mà trước đó một ngày tôi quả quyết Huế không bao giờ thay đổi. Tôi trở về một mình lành lặn tay chân, đẹp đẽ mặt mũi. Và nửa tháng sau tôi lại theo dõi tin tức ở các báo chí về những thảm cảnh Huế một cách say sưa hồi hộp thương cảm như chính mình đã xa Huế lâu năm chưa biết gì về cảnh tan nát đó.

Trong những ngày chạy loạn ở Huế, tôi khoác chiếc áo măng tô hai mặt vải của ba tôi và thường trực nhớ tới những phút cuối cùng của đời người đó, và tôi đã lợi dụng sự thương nhớ đó để cầu xin sự phù hộ. Khi tôi đã bình yên ở Sài Gòn, bốn ngày sau tôi tìm thăm Phương ở Huế cũng mới trốn thoát vào và hỏi thăm những bạn bè cũ. Tôi được biết một bạn cũ là Tâm Tuý đã chết và Nga còn sống.

Phương thấy Nga đang ngồi tìm kiếm gì đó trên đống gạch vụn của ngôi nhà vừa mới xây mà đã thành ngôi nhà xưa.

Thưa ba,

Con đã thoát chết, chiếc áo mưa của ba con cũng đã mang theo vào tới Sài Gòn, nơi ba ao ước được vào thăm cho biết mà chưa vào được.

Con còn rất mừng và sung sướng cho ba được chết trong lúc thành phố còn nguyên lành. Và mặc dù quanh ngôi mộ ba những hoa lan đã bị tàn phá cày xới, nhưng con tin rằng không bao lâu cỏ cũng sẽ mọc, cây sẽ trổ hoa lấp hết dấu vết cũ rồi con cũng sẽ được trở về nữa.

Và Nga thân mến.

Phương có nói cho mình biết rằng, Phương có trông thấy Nga đang ngồi tìm kiếm gì đó trên đống gạch vụn của ngôi nhà cũ ở phố Trần Hưng đạo. Nga ơi, mình cũng hình dung ra được hình ảnh ấy và những bức tường còn lại lỗ chỗ những vết đạn, cùng những giọt nắng khô trên những giọt lệ nhỏ. Dù sao cũng mừng là Nga còn sống.
Nguồn: Tình ca cho Huế đổ nát. Truyện Nhã Ca, bìa do Nguyên Khải trình bày, ấn phẩm thứ hai của nhà xuất bản ThÆ°Æ¡ng Yêu – In xong tháng 7/1969 – Giấy phép số 2875 BTT/NHK/THNT ngày 14/7/1969. Đời Má»›i tổng phát hành 278-280 VÄ©nh Viá»…n, Sài Gòn. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.