© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
23.7.2007
Nhã Ca
Tình ca cho Huế đổ nát
 1   2   3   4 
 
3. Người lính Bắc và cây mai vàng

Sáng ngày thứ mười mấy rồi, không ai nhớ nổi, tỉnh dậy là Tâm bò ra miệng hầm liền. Tâm phải bò ngang trên mình nhiều người mới ló đầu ra khỏi miệng hầm được. Bên ngoài trời đã sáng, nhưng trong nhà ánh sáng lờ mờ vì nhiều cửa sổ đã đóng kín mít. Ngọn đèn dầu vặn nhỏ đặt trong góc hầm như sắp hết dầu, màu vàng ửng đỏ một cách kỳ cục. Có một bàn tay của người nào nằm đó vẫy lên, ngọn đèn tắt ngấm. Trong hầm tối um, Tâm nghe tiếng bà chị cằn nhằn:

"Không chịu ngủ ra ngoài mần chi mà bò lên mình người ta rứa".

Có lẽ đêm qua chị ngủ không được, nằm thao thức, lo sợ quá rồi bây giờ cáu kỉnh. Tâm làm thinh. Mấy ngày hôm nay Tâm đã làm thinh nhiều lần. Nhiều lần Tâm muốn cất tiếng hét, Tâm nghĩ lại kịp: đừng để cáu kỉnh, đừng để khổ thêm nữa.

Tâm lắng tai nghe, sao hoàn toàn yên tĩnh thế này. Đêm qua tiếng súng lớn nhỏ bắn suốt đêm, mọi người nằm sát nhau trong hầm, bịt tai, co quắp cả người lại vì những tiếng nổ lớn dội người. Tiếng súng tắt từ lúc nào trong giấc ngủ mệt mỏi về sáng Tâm không biết nữa. Giọng ông anh nói thì thầm:

"Đứa mô ở miệng hầm đó, ra ngoài coi thử, răng súng đạn êm rơ rồi".

Giọng anh tỉnh không. Tâm tưởng tượng ra được khuôn mặt anh lúc đó. Mới mấy ngày mà mắt anh sâu hút, môi tái, mặt xanh và tay chân gầy tọp như que củi. Anh ôm chặt mấy đứa con, không rời chúng nửa bước. Hình như mạng sống của anh phải dính liền với mấy đứa trẻ nhỏ. Tiếng bà Xếp run run:

"Ni, đứa mô nơi miệng hầm đó. Ra coi thử, răng êm ru bà rù rứa".

Nhưng chị dâu Tâm thận trọng:

"Đừng, đừng mở cửa. Họ ở ngoài vườn đó. Họ bắn chết chừ".

"Để con ra cho".

Tiếng con Thầm nói, rồi có tiếng rột rẹt. Chắc nó ngồi dậy.

Tâm quay đầu lại giơ tay ra hiệu. Tâm chợt nhớ lúc đó trong hầm tối thui, Tâm lên tiếng:

"Đừng, đừng. Để tao ra cho".

Tâm bò ra khỏi miệng hầm. Người anh nói nhỏ theo, cẩn thận nghe. Tâm phải khó khăn lắm mới đứng thẳng người trên miệng hầm được. Cả một đêm nằm bẹp một chiều, tay chân cơ hồ như rã rời, tê cứng. Căn nhà vắng lặng một cách ghê rợn. Tâm đi từng bước ngắn, cẩn thận, lúc nào cũng cẩn thận, chực chờ để chạy lui trở lại, chui tọt vào miệng hầm. Tâm đi lần ra tới cửa, áp tai vào cánh cửa để nghe ngóng. Bên ngoài cũng yên tĩnh đe doạ, bồn chồn, thứ yên tĩnh làm bóp thóp tim người ta. Không, không có gì hết. Chắc cũng không có ai ở ngoài vườn nữa. Chắc đêm qua họ rút lui cả rồi. Tâm nhớ tới khuôn mặt trẻ măng của anh bộ đội chính quy Bắc Việt. Chiều qua, anh còn đứng gác trước cổng, tay cầm súng AK, bên cạnh xác một anh đồng đội nằm chết co quắp chưa được mang đi. Con Thầm, con Bông sợ quá không dám ló mặt ra khỏi miệng hầm, sợ phải khiêng xác người. Không biết bây giờ anh còn gác ở đó không? Tâm mở nhẹ cánh cửa, đứng thập thò đầu nhìn ra sân. Cây mai vàng trông đến tả tơi, tội nghiệp, nó bị trúng một quả mọt chê, mấy cành trĩu bông bị gãy, xác mai vàng rụng tràn dưới gốc đã úa màu. Nhưng trời ơi, trong bầu trời lam chì như sắm rớm trăm ngàn giọt lệ, trong sự tiêu điều tê tái của cỏ cây, sao những búp xanh vẫn còn may mắn đâm chồi, những nụ chồi mơn mởn mọc mạnh mẽ tự nhiên hết sức. Nhưng Tâm, Tâm không còn chút hy vọng nào. Người Tâm cứng chắc vì đã thường trực sợ hãi, tuyệt vọng cùng cực. Có tiếng chân người bước ra khỏi miệng hầm, Tâm quay lại. Hầm phía bên trái của một gia đình khác tản cư tới đây cũng đã dậy hết và vừa chui hết ra khỏi hầm. Mấy khuôn mặt lấm lét nhìn Tâm. Tâm đưa tay ra dấu bảo họ đừng khua động. Họ ngồi bệt trên nền nhà, Tâm mở lớn cửa, đi thẳng ra sân.

Ngoài đường không có một bóng người. Đêm qua cả nhà bàn với nhau nếu sáng ra nhìn thấy có người đi trên đường thì tản cư theo họ ngay. Không biết đi lên phía Tây Thiên hay đi xuống cầu. Tình hình hoàn toàn mù tịt, từ nhà này còn không liên lạc được với nhà bên cạnh, nói chi tới tin tức xa gần nào khác. Có cái máy radio thì bị họ lấy từ hôm đầu rồi. "Chúng tôi cần có ra-dô để nghe đài giải phóng, đợi đón ngày Bác Hồ đi máy bay vô Sài Gòn, thế nào Bác cũng ghé Huế". Tâm nhớ lại câu đầu tiên nghe đạo đức vào hôm mồng Hai của họ: "Ba hôm nữa là hoà bình. Đã lấy xong Sài Gòn rồi. Bác Hồ cũng sắp vô". Họ nói một cách chắc chắn. Nhưng tới hôm nay là ngày thứ mười rồi. Mỗi ngày đạn bắn càng rát, mọt chê câu càng nhiều, và phía họ, Tâm thấy khiêng người bị thương đi ngang qua nhà vô kể.

Tâm đi tới bên lu nước mưa đặt dưới gốc cây xoài, nhướng cổ nhìn ra ngõ. Tâm vừa ngóc đầu lên thì cắc, một tiếng đạn bay trong veo như xuyên qua tim phổi một cách êm ái. Tâm giật mình, tính ngã người ra phía sau. Rồi một tiếng hô lớn:

"Đứng lại".

Tâm đứng lại cũng không vững nữa, tay Tâm bám chặt vào miệng lu nước. Mắt Tâm hoa lên vì sợ. Anh lính Bắc Việt đã đứng trước mặt Tâm, và hạ súng xuống:

"Chị mà tôi tưởng ai. Sao ra vườn chi sớm vậy?"

Tâm lắp bắp mãi mà không nói thêm được câu nào. Hắn nhìn Tâm trân trân, rồi miệng hơi mỉm cười:

"Vào nhà đi. Tụi Mỹ nguỵ sắp pháo kích. Chúng nó sắp đánh tới dưới cầu rồi".

Tâm nhìn ra cổng. Ngay trước cổng nhà, hai ba người bị thương hay chết không biết nữa, thấy nằm ngay đơ. Tâm lùi một bước:

"Trời ơi".

Tâm đưa tay lên che mặt. Hắn nhìn Tâm vẻ hơi ngạc nhiên, rồi vác súng lên vai, trở ra cổng.

Tâm đứng nhìn theo hắn một lúc, rồi nghĩ tới những tiếng đạn mọt chê nổ bất chừng. Tâm đi vội vào nhà. Mọi người đã ra khỏi hầm và đang ngồi trên nền nhà. Mấy đứa trẻ tay cầm bánh tét ăn ngon lành. Tâm mủi lòng cho mấy đứa cháu quá, mặt mày đứa nào cũng hốc hác, xanh xám lại vì sợ, vì nằm dưới hầm đất ẩm thấp.

Thấy Tâm trở vào, ông anh hỏi:

"Răng, có người ngoài đường không?"

Cả nhà đã bàn nếu thấy có người đi ngoài đường là theo họ tản cư ngay. Mấy hôm nay đạn mọt chê câu lên rất nhiều, chỉ có buổi sáng là hơi ngớt. Chị dâu Tâm chán nản:

"Thôi, đi mô cũng rứa thôi. Đi cũng chết, ở cũng chết".

Người anh gắt:

"Chết răng được. Có số mạng cả chớ".

Chị dâu Tâm lặng im. Nhưng nước mắt chị đã rưng rưng. Anh Tâm thương chị lắm. Phải gắt gỏng với chị như thế là chuyện bất đắc dĩ. Bà Xếp mà mấy ngày nay được các cán bộ Việt cộng gọi là Mẹ Giải phóng đã đứng lên cắt đặt cho mọi người công việc:

"Thôi, lo cơm nước đi. Con Tâm ra ngoài không được. Để tao ra tao hỏi dò xem.

Một lát, những nhà bên cạnh đã có tiếng nói. Tâm đứng trước hiên nhìn ra đường. Mấy anh Việt cộng vác súng đi ngờ ngờ ngoài đường. Bà Xếp đã ra hỏi chuyện anh lính Việt cộng gác ngoài cổng. Tội nghiệp bà. Hôm mồng Hai, họ tràn vào nhà, họ gọi bà là Mẹ Giải phóng, bà sợ quá líu lưỡi. Dạ, mạ giải phóng, tui là mạ giải phóng… rồi bà ngã lăn quay ra đất. Mấy ngày sau, mỗi lần thấy họ vào nhà định lục soát bắt thanh niên là bà giả vờ cầm đòn bánh tét hay chai dầu Nhị Thiên Đường ra níu níu kéo kéo họ lại. Nì anh ơi, ăn miếng bánh tét. Ngon lắm. Xức chút dầu. Mạ giải phóng mời mà. Đi, xức chút dầu cho ấm.

Bà cứ cuống quít lên, vậy mà mấy anh thanh niên nhờ đó đã đủ thì giờ trốn dần được hết. Thỉnh thoảng trong nhà quen miệng gọi bà là mạ giải phóng thì bà xua tay, lắc đầu: "Đừng, đừng, ai mà ưa làm thứ mạ ác ôn đó".

Nấu xong nồi cơm, ăn vội mỗi người một chén thì đạn mọt chê đã câu tới. Mọi người hốt hoảng chui vào hầm. Tâm chui vào sau cùng. Nhưng không ai nằm xuống mà ngồi khom người, bàn chuyện. Ông anh nói nhất định phải trốn đi nội ngày hôm nay mới thoát được. Chị dâu Tâm sợ quá nói không ra tiếng. Rồi chị ngồi ôm đứa con nhỏ nhất khóc âm thầm. Tội nghiệp, chị khóc hoài huỷ đến nỗi khi lên khỏi miệng hầm Tâm thấy mắt chị sưng húp. Bà Xếp giọng run run, kể:

"Khi hồi tau ra đường thấy người chết nằm đầy ở ngoài. Nì, tụi nó đào hầm hố cá nhân hết. Trước cửa chùa đó, có cái hầm cá nhân tau thấy có thằng chết nát bấy, cái đầu văng ra ngoài thấy tởm quá.

Tâm ôm mặt:

"Thôi đừng kể nữa, mạ ơi".

"Tau run quá".

Bà Xếp nói xong thì run thật. Tâm thấy khối thịt của bà rung rung bên vai. Người bà nóng như cái lò sưởi. Kê vào thịt bà Tâm thấy đỡ lạnh. Bà lại nói:

"Răng tau thấy cái thằng gác trước cửa mình nhất định không chịu đi theo bộ đội của nó. Lớp mới không mà".

Chị dâu Tâm nói góp:

"Lạ hỉ. Nó bắt các cô đi khiêng đạn, khiêng xác chết mà nó không bắt con Tâm đi".

Ông anh thắc mắc:

"Ừ, lạ hỉ. Nó lầm lầm lì lì, rứa mà tui thấy nó nhìn con Tâm với đôi mắt khác hẳn. Thấy con Tâm mắt nó vui lên".

"Việt cộng mà cũng đa tình hỉ".

Con Thầm nói theo. Tâm tát nhẹ một cái vào má nó. Nó đưa tay xoa xuýt. Mấy đứa nhỏ mệt mỏi nằm bẹp xuống chiếu. Tiếng mọt chê bên ngoài vẫn rơi đều đều. Một tiếng nổ thật gần. Mọi người ôm chầm lấy nhau. Bà Xếp vừa run run vừa lạy Phật. Tâm ôm chặt đứa cháu. Dù trong cơn lo sợ, câu chuyện về anh lính trẻ Việt cộng vẫn làm Tâm bận tâm.

Buổi chiều hôm đó, khi cả nhà đang ăn cơm dưới hầm thì có tiếng gọi nhỏ: "Mẹ Giải phóng, mẹ Giải phóng!" Bà Xếp lạch bạch chui lên. Một lát sau bà Xếp gọi:

"Con Tâm mô rồi. Lên đây nghe nì".

Tâm đi lên. Hắn ngồi trên sập gụ. Tâm đứng trước mặt hắn:

"Dạ có chuyện chi?"

"Cô à. Tôi định nói với cô chuyện này…"

Bà Xếp đã đi xuống. Hắn nói to như để mọi người trong hầm cùng nghe".

"Ngày mai ráng thu xếp mà đi tản cư. Đừng ở lại nữa".

Hắn cho biết có lệnh chuẩn bị để rút lui. Và cũng có lệnh không cho một gia đình nào trốn đi khỏi vùng hết. Tâm hỏi:

"Rứa răng anh cho chúng tôi đi".

Hắn làm thinh không trả lời. Hắn nhìn lơ ra sân. Cây mai vàng ngoài sân ngả nghiêng thật tiêu điều. Tâm nghĩ là hắn cũng như ta, vẫn còn trông thấy những đọt lá xanh, những mầm non đang nhú ra mạnh mẽ. Tâm khó đoán được hắn đang nghĩ gì khi quay lại nhìn mình với ánh mắt vui tươi.


*


Một buổi sáng, trong lúc chúng tôi đã tuyệt vọng về gia đình anh chị tôi và con Tâm bị kẹt lại Từ Đàm, má tôi đang ngồi khóc tỉ tê nơi miệng hầm thì nghe tiếng gọi:

"Mạ ơi, mạ ơi".

Tiếng gọi ở ngoài sân. Rồi tiếng xe đạp ngã cái rầm. Cả nhà chạy ra. Con Tâm mặc áo quần trắng tơi tả, đang cố dựng chiếc xe đạp lên mà không dựng được. Bên cạnh nó, một ông già vừa dựng xong xe, quay lại, kêu:

"À, cả nhà còn đây nì".

Con Tâm lại vất xe đạp xuống, chạy ào lại phía mạ tôi. Nó ôm chầm lấy bà.

"Mạ, mạ…"

Hai mẹ con ôm nhau như khóc. Chúng tôi vây chung quanh hỏi han ríu rít. Một lát sau mọi người đã trở vào nhà. Tôi têm cho ông già một miếng trầu. Tâm chỉ tay, nói:

"Ông Võ Thành Minh đó chị".

Nào tôi có biết ông Võ Thành Minh là ai. Tâm nói tiếp:

"Ông Minh là người nhà của cụ Phan đó chị. Làm cách mạng đó. Hồi trước ông thổi sáo phản đối hiệp định Genève đó chị".

Tôi bồi hồi cả người. Đây là một đồng chí của cụ Phan sao? Tôi nhìn lên, bắt gặp đôi mắt ông đang nhìn tôi dịu dàng. Cái nhìn của ông như phảng phất sắc khí cách mạng năm nào, cuốn hút nhanh chóng cảm tình đặc biệt của người khác. Hai vạt áo dài của ông buộc chéo phía trước, đầu đội mũ bê rê đỏ. Trong tuổi tác già nua của ông như vẫn còn bùng lên một sự trẻ trung, một sức lực mạnh mẽ. Tâm nói:

"Ông khoẻ lắm chị. Ông rủ em lên lầu Dua-ra coi đánh nhau. Hai ông cháu lăn trên núi Ngự bình, chút nữa chết. Ông đi phát gạo, tải thương suốt ngày. Mấy hôm nay hai ông cháu tìm đường về mà bị đuổi lui hoài".

Tôi hỏi:

"Ông lấy chi mà đi tải thương rứa ông?"

Ông chỉ chiếc xe đạp. Ông nói ông để người nằm dài trên xe, rồi đẩy đi. Đôi khi người ngồi trên yên, gục mặt lên ghi-đông, ông đẩy.

"Việt cộng để yên cho ông đi rứa à?"

Tâm nói chen:

"Răng không. Họ mời ông đi gặp chỉ huy, ông nói cụ Hồ tụi bay mời tao chưa đi huống hồ gì tụi bay. Ông đi luôn, tụi nó bắt giữ rồi thả, bắt rồi thả".

"Ông sợ tụi nó không ông?"

Ông Minh cười. Tôi không làm sao hiểu được ý nghĩa nụ cười đó.

Chúng tôi cố giữ ông lại ăn cơm chiều. Khu vực chúng tôi đã yên ổn. Phía cầu An Cựu, Mỹ đã lên kiểm soát được. Nhưng ông nhất định đi ngay. Má tôi khẩn khoản nhờ ông đưa gia đình về giùm. Ông hứa sẽ liên lạc và đưa gia đình anh tôi về dưới này. Xong ông dắt xe đạp ra ngõ.

Má tôi ôm chặt lấy Tâm. Hai mẹ con cùng khóc, phần sung sướng được trông thấy nhau, phần lo cho người còn kẹt lại. Tối hôm đó Tâm kể cho tôi nghe câu chuyện trên. Còn phần còn lại, nó như xúc động quá, không kể tiếp được. Tôi hỏi chiếc đồng hồ đeo tay đâu rồi. Nó nói không biết. Tôi hỏi tên bộ đội chính quy Bắc Việt nọ có còn không? Nó nói, chắc chết rồi. Con Tâm nói trước khi chết, hắn ra dấu cho con Tâm nên trốn ra khỏi vùng này. Nó bị thương khá nặng, và còn cố gắng ngồi cạnh cho con Tâm và ông Minh đi khuất vào đường quẹo, hết khu vực Việt cộng kiểm soát.

Con Tâm nói xong lặng lẽ nằm xuống chiếu. Nó quay mặt vào vách hầm. Tôi lay vai nó. Nó nói: Để em ngủ, mai em kể tiếp cho mà nghe. Rồi nó nói: Về đây yên ổn quá, chắc ngủ được. Có tiếng đại bác bắn đi, và cũng có tiếng bắn tới, nổ thật gần. Ngọn đèn cầy đặt tận trong góc hầm như lung lay, muốn tắt. Tôi nghĩ tới những xác chết chưa chôn ở nhà bên cạnh, những xác chết mở mắt trừng trừng, chờ mà không biết có còn ai về để vuốt mắt. Hôm nay, mười mấy ta rồi, tôi cũng không nhớ nữa.


4. Truyện cho những tình nhân

Vừa dừng xe trước cửa ngõ nhà bác, Diễm đã bấm chuông inh ỏi. Chị Bé Tý chạy ra, vừa cười vừa với cái giỏ mây: "Vô đây đã Diễm, vô cúng". Diễm lắc đầu quầy quậy: "Thôi, để em về, sáng mồng Một em sang mừng tuổi hai bác, các anh các chị. Em về, nhà em hôm ni cũng cúng Ba mươi mà chị". Chị Bé Tý nhìn chăm chăm vào bàn tay của Diễm đang cầm chặt chiếc ghi-đông xe đạp: "A, con ni khá quá hí, đeo nhẫn rồi ta. Ra giêng cưới há? " Diễm cúi đầu e thẹn: "Dạ". "Mời tao đi phụ dâu nghe? "_"Dạ, mời chị chớ". "A, con này đeo nhẫn không sợ tụi nó nói dị chết. Mi đi lấy chồng còn học không?" Diễm buồn buồn: "Không biết nữa chị, ba anh Phan nói em cứ đi học". "Học con khỉ, ở đó mà học". Diễm lật cái nó đội lên đầu: "Thôi em về chị, má đợi. Hôm ni ở nhà cũng cúng".

Diễm xoay ghi đông, cua vòng ra sân rồi leo lên. Diễm sửa lại hai vạt áo dài, vạt sau giắt vào sợi dây thung nơi cái bót ba ga, Diễm ngẩng đầu lên hết cho hết tóc ra đừng sau, rồi đạp xe, đi thong thả. Diễm phải vất vả lắm mới lách xe qua khỏi được con đường Trần Hưng Đạo dọc theo vườn hoa Nguyễn Hoàng, phía gần cầu là chợ hoa. Diễm nhìn chỉ thấy những cành hoa mai vàng giơ cao lên khỏi đầu người. Diễm đạp xe qua cầu Tràng Tiền, đi rẽ ngả bưu điện, rồi đạp qua vào con đường nhỏ, đến hàng Đoát. Diễm biết chắc thế nào đi trên con đường này, giờ này cũng gặp Phan. Con đường hàng Đoát này vắng nhất và cũng đẹp nhất. Diễm không thể nào quên được những buổi trời chạng vạng. Phan và nàng, hai người hai chiếc xe đạp, đạp song song vừa đi vừa nói chuyện. Diễm cũng không quên được vẻ hốt hoảng vụng về của cả hai đứa khi dang hai ghi-đông xe ra cho xa nhau, một đứa chậm chạp một tí, một đứa đạp nhanh lên, khi có người từ đằng xa đi ngược chiều tới. Và lịch sử mối tình của hai đứa cũng đầy di tích trên con đường ngắn này. Hình như hôm đó Diễm đi xe đạp, cũng trên con đường này, chiếc sên xe bị sút xa. Diễm dựng xe lên loay hoay sửa mãi mà không được. May mà Phan gần đó, và phút làm quen không mấy khó khăn. Nửa giờ sau, Diễm lên xe đi về, trời chiều, những ngọn điện đường đã bật. Phan đạp xe đi hộ tống đằng sau. Khi tới gần nhà Diễm chậm lại một chút, quay mặt lại giấu trong nón: "Cám ơn anh, Diễm vô nhà". Và Diễm đạp xe rẽ vào ngõ chè tàu. Về sau, nghe Phan nói lại là chàng bắt đầu yêu Diễm ngay buổi tối hôm đó, khi hai vạt áo trắng cùng chiếc xe đạp ghi đông chữ U khuất sau hai dãy chè tàu xanh, cắt bằng phẳng.

Ngang qua nhà Phan, Diễm không dám nhìn vào nhưng nàng biết Phan sẽ trông thấy nàng. Một lát Diễm nghe tiếng xe đạp lách cách đằng sau, rồi tới sát bên. Diễm cúi mặt, chiếc nón che kín chỉ chừa hai mớ tóc buông xoã phía trước vai. Nhưng Diễm đợi chờ, hai má nàng nóng bừng.

"Diễm".

"Dạ".

"Em đi mô về đó?"

"Em đi sang nhà bác trai đưa trái cây cúng. Má sai em đi".

"Chừ em đi mô?"

"Em về nhà".

Câu chuyện thật nhạt nhẽo, nhưng Diễm thấy quá quen thuộc, nàng đoán trước những câu hỏi của Phan. Lần nào cũng chừng đó câu hỏi, rồi hai đứa đưa nhau trên đoạn đường từ hàng Đoát, nghẹo qua đường Nguyễn Huệ, đi ngang qua Ty Công chánh rồi về đường Trần Thúc Nhẫn. Nhưng lần này thì không, Phan nói tiếp:

"Anh đưa Diễm tới vườn bông Bến Ngự thôi nghe, lên cầu về tối lắm. Hôm ni anh cúng Ba mươi".

"Em cũng cúng Ba mươi".

"Sáng mồng Hai anh sang hí. Mồng Một anh về Truồi, ông nội dưới nớ".

"Dạ".

Phan nhìn thấy ngón tay của Diễm đang bấu trên ghi đông:

"Diễm".

"Dạ".

"Diễm đeo nhẫn à?"

Diễm liếc nhìn Phan rồi háy một cái.

"Đeo dị òm".

Phan cười, mặt hơi cúi xuống.

"Ừ, mai anh đeo luôn hí".

"Dị òm, bắt chước người ta chi lạ rứa".

"Dị chi mà dị".

"Đi quá, anh đi xê ra, rủi gặp ai…"

Phan vừa bẻ ghi đông quẹo ra vừa nói nhỏ:

"Kệ họ, mình sắp cưới rồi mà…"

Diễm đưa tay trật nón ra đằng sau, nàng nhìn con đường hàng Đoát sắp nhập vào con đường thẳng Nguyễn Huệ:

"Má nói khi mô cưới hẳn hay".

"Chán mấy bà già".

"Anh không thấy à, khi mô anh tới má cũng bắt em đi rót nước, sai gọi em lăng xăng. À, hay bữa ni anh lên nhà em ăn cúng Ba mươi".

"Không được, ông rốp chửi chết. Hôm ni lạy bàn thờ. Dưới chú anh cúng buổi trưa, nhà anh cúng túi".

"Mệt hỉ".

"Ừ".

Bàn tay Phan thả ghi đông, đưa sang chụp tay Diễm. Diễm để yên, nhưng lắc đầu quầy quậy:

"Anh làm rứa té chết. Dị chết".

Ngón tay Phan đã vuốt trên ngón tay đeo nhẫn của Diễm:

"Em hỉ?"

"Dạ chi anh".

"Thương anh không?"

"Thương anh hoài. Khi mô cái nhẫn này rời khỏi tay em thì em chết".

"Chớ không phải em tháo ra, em vất dưới sông Hương hay liệng trên núi Ngự à?"

"Mần chi có".

"Em hỉ?"

"Chi anh?"

"Nói thiệt nghe".

"Anh dị òm. Còn có mấy ngày mà lo chi cho mệt".

"Biết răng mà noái. Khi sáng anh tới má em noái cho cưới tháng Giêng để anh còn đi Thủ Đức. Còn chưa đầy mười ngày".

"Em chưa noái chi cho tụi bạn em biết hết. Tụi bạn noái em bí mật quân sự".

"Đầu năm em với anh đi thăm tụi nó, nói cho tụi nó biết".

Diễm lắc mạnh cánh tay:

"Anh, tới gần cầu, anh về đi".

"Em sợ túi không?"

"Không, khoảng đường ni sáng rồi, qua khỏi cầu, đi lên dốc một tí, có ông cảnh sát gác nơi cầu anh tề".

"Anh về hỉ".

"Dạ, anh về". Diễm trả lời xong cúi đầu đi thẳng. Hàng chè tàu đã lấp ló đằng xa nơi cột điện. Khi Diễm rẽ vào nhà, ngọn điện đường cũng vừa bật lên. Má nàng đang gội đầu trước hiên. Diễm dựng xe dưới gốc cây khế. Má nàng ngẩng lên:

"Đưa đồ cúng cho bác chưa, Diễm".

"Dạ rồi".

"Con thay áo, đi gội đầu bồ kết nì. Má có để sẵn phần cho con. Ra vườn hái trái chanh mà gội cho trơn tóc. À con ơi, con lau lại cho má cái sập gụ nghe. Tối ni rảnh đánh tứ sắc chơi".

Diễm vừa đi vào nhà đã nghe tiếng mẹ vọng theo:

"Chút xíu nữa con dặn bác Bảy mang xích lô tới bác Thị đón ông nội về. Ra sau hè mà gọi qua cũng được, đừng đi ra ngõ chi cho xa con hỉ".

Diễm đi vào phòng, thay quần áo rồi nằm duỗi ra giường. Chút nữa hãy đi hái chanh, đi gội đầu. Diễm nhìn bình bông nhỏ cắm mấy bông tường vi của Phan mang sang cho hồi sáng. Mấy đoá tường vi màu hồng sáng lạng, nhưng lòng Diễm chợt vui chợt buồn. Nàng nghĩ tới những mùa xuân cũ, những mùa xuân cũ khác hẳn xuân này. Năm nay Diễm không thấy nô nức đón xuân như mọi hôm, mà Diễm thấy mình bắt đầu lớn, bắt đầu thay đổi. Thay đổi cả một đoạn đời cũ. Đi lấy chồng, lấy chồng đối với Diễm như bước vào một đoạn đời dài lắm và đầy xa lạ, bỡ ngỡ. Ở với một người cho tới già, tới chết, dù đó là người yêu, Diễm cũng thấy trong lòng sôi động bao lo sợ, nghi ngờ. Dĩ vãng của Diễm yên lặng quá, hiện tại, Diễm không một điểm nhỏ phàn nàn, còn tương lai nữa. Diễm như một đứa bé con đang đứng trước một ngôi nhà quá lớn và hiểu được rằng không bao giờ mình khám phá hết nổi nó. Diễm nhìn ngón tay đeo nhẫn của mình, nàng đưa lên môi, chà chà cạnh nhẫn lên làn da môi mềm mát. Thôi thế cũng xong, một ước mộng bình thường, cứ thế, ta sẽ sung sướng. Diễm cắn chặt ngón tay đeo nhẫn: Anh Phan, răng em có sắc mấy cũng không cắt nổi ngón tay đeo nhẫn.

Diễm mở cái rương nhỏ, ngắm nghía chiếc áo phin trắng nõn. Chiếc áo này Diễm sẽ mặc để tiếp Phan vào ngày mồng Hai. Phan sẽ hỏi: "Ai may áo đó". Diễm sẽ sung sướng mà cho Phan biết là chính nàng đã cắt và may lấy. Em sẽ là một bà nội trợ giỏi.

Chắc chắn mà, không tin thì thôi, Diễm mỉm cười một mình.

Sau đó, Diễm nhớ là mình phải ra vườn hái chanh gội đầu, nhân tiện đó Diễm sẽ gọi luôn bác Bảy. Diễm vừa đi vừa nhảy ra vườn. Chiếc áo trắng vải phin nõn còn lung linh trong trí tưởng tượng của nàng. Hình ảnh Diễm đang ở trong đó cùng áo cánh trắng thêu hoa hồng đỏ trên ngực và mái tóc chảy dài. Nhưng ơ kia, làm gì có cánh hoa hồng đỏ tựa như trái tim thêu trên ngực? Diễm bật cười: Thêu như vậy cũng đẹp, nhưng chiếc áo đó đã không thêu. Màu đỏ không hợp với sở thích của nàng. Nàng coi màu đỏ như sự bất trắc, sự hung bạo. Bởi thế, Diễm thích đi lấy chồng hơn là đi học nghề cô mụ. Tụi bạn Diễm đã nạp đơn xin học ngành này gần hết.

Cây chanh đã hiện ra trước mặt Diễm. Diễm chỉ cần nhìn lên, chỉ cần với một cành vít xuống, tha hồ mà nàng lựa chọn. Hạnh phúc của nàng cũng giản dị quá, mọi lúc đều như vừa vặn trong tầm tay của nàng. Diễm nghĩ đêm nay, sau khi ngồi chầu rìa coi cả nhà đánh tứ sắc, Diễm sẽ nằm lăn ra nơi cái sập gụ, trước khi ngủ, nàng sẽ ăn hết những cánh hoa tường vi cuối năm của Phan gửi tặng.


*


Anh Phan,

Rứa là anh đã kẹt dưới Truồi không lên được rồi. Anh ơi, em cũng đã kiệt lực. Em ngồi viết thư cho anh lúc đang sống trong một căn hầm hết sức chật. Một cái hầm nổi, làm sát góc nhà với mười bốn mạng người. Ngày nào cũng chừng đó tiếng động, chừng đó nỗi kinh hoàng. Từ đêm mồng Một rạng ngày mồng Hai, cả nhà bị mắc kẹt không còn tản cư vào đâu được nữa. Em viết thư này cho anh là ngày Mười bốn, và gia đình em đã chịu sống mười ba ngày trong chiếc hầm nhỏ hẹp này. Xung quanh, Thạch bạn em đã trúng đạn chết, xác lấp vội vã ngoài vườn. Ngay trong nhà mình, phòng bên cạnh cũng có một gia đình hàng xóm xin làm hầm, mang sang hai người bị thương, đêm nào họ cũng la hét khóc lóc ghê quá. Mấy ngày đầu, mấy anh ngoài nớ còn cho thuốc băng bó, mấy ngày nay họ bỏ liều rồi. Chắc mấy người đó chết quá anh ơi, mà họ chết là thành ma trong nhà mình rồi.

Em có bị bắt đi khiêng đạn và chở người bị thương bằng xe ba bánh lên phía Tây Thiên mấy lần, lần nào đi cũng sợ muốn chết giấc vì những quả bom dưới Phú Bài câu lên. Những người đi với em chết nhiều lắm. Em đi khiêng đạn được năm hôm, khiêng người bị thương được hai hôm thì khiếp quá, ngất xỉu mấy lần. Em theo mấy người trốn về lại bị nạn kiểm soát. Họ tới tận nhà. Má phải xoa nghệ lên mặt em, vả vào mắt em cho sưng húp để xưng bệnh cho họ khỏi bắt đi. Mà em muốn bệnh thật, em bệnh vì lo sợ, vì buồn phiền, vì thương cảm. Má đã rơi nước mắt ròng khi đưa bàn tay tát vào mắt em cho sưng vù. Em cũng không cầm được giọt lệ khi nhìn thấy anh Văn trốn trên trần nhà mười mấy hôm, khi ăn khi nhịn, sợ tới chết điếng người vì những trái mọt chê rơi đều đều dội tứ tung trên miệt bến Ngự, Từ Đàm.

Mấy hôm nay thì đạn đại bác bắn quá lắm. Em nằm ép mình sát đất, cứ bị dội người lên vì đất đai nhà cửa rung chuyển, ngực em cơ hồ như đã vỡ vụn bên trong nhưng lạ là em không thấy đau đớn và tắt thở. Em vẫn thở được nhưng hơi thở nặng nề, em vẫn nhai được những bát cơm nấu vội vã, đôi khi chưa kịp ăn đã vất bát cơm, nằm sát xuống mặt hầm, hoặc ôm cứng lấy nhau, và khi dứt tiếng nổ, thấy mắt mình hết nổ đom đóm, ngắt vào da thịt thấy đau, em mới biết rằng mình còn sống. Anh Phan, chắc em chết không gặp anh. Chắc chết quá anh ơi, súng vẫn bắn như mưa trên đầu những người chờ đợi. Nhưng anh ơi, trong những phút kinh hoàng như thế này, trong những phút nằm chờ một quả bom canh đúng rơi trúng miệng hầm, đôi lúc em vẫn còn đầy tưởng tượng lãng mạn. Em nhớ anh hơn, nao nức hơn, và thấy mối tình mình trở nên quan trọng hơn. Em nhớ buổi chiều cuối năm đi với anh trên con đường hàng Đoát. Thơ mộng quá, đẹp quá, phải không anh? Và em đã thề thốt gì với anh, anh còn nhớ không? Anh ơi, nếu em chết, anh tìm cho được xác em, nhìn ngón tay em đeo nhẫn nhé. Nhưng em sợ chết quá, em chết đi rồi anh sẽ còn ai để thương, còn ai để cưới làm vợ, mà anh lấy người khác em ghen, em chết không nhắm mắt. Con gái Huế ghen dễ sợ lắm, ghen cay như ớt. Anh ơi, ớt đầy một vườn mà bữa ăn nào em cũng thèm tới rớt nước miếng. Em muốn được ăn trái ớt trước khi chết để thành một con ma ghen kinh khủng, em nói bậy quá rồi. Lại bắt đầu bắn đó anh. Làm sao đưa cơm lên cho anh Văn, làm sao cho anh ấy trốn đi được. Ngọn đèn cầy đặt trong hầm lại sắp hết. Phải tiết kiệm, thôi em tắt. Nằm xuống khoảng tối em sẽ nhớ anh, nhớ anh như điên để rủi có chết đêm nay còn tưởng tượng ra anh, anh nghe. Ngọn đèn lụi quá rồi, chữ em viết không biết đang lên dốc Nam Giao hay xuống dốc bến Ngự.

Anh Phan,

Tai nạn đã xảy ra rồi. Sáng hôm nay chị Tư ra khỏi miệng hầm thật sớm để đưa vắt cơm lên trần nhà cho anh Văn, sợ lát nữa mấy ổng vào kiểm soát, chị vừa ra khỏi miệng hầm thì bị mảnh bom chơm. Máu ra nhiều quá. Em phải xé chiếc áo dài mới để băng bó cho chị. Bây giờ chị đang nằm lịm nơi chân em đây này. Còn anh Văn, anh ấy đã chết. Anh Phan, anh Văn không bị bom không bị đạn, anh đói lả và rơi từ trên trần nhà xuống, chết liền tại chỗ. Xác anh Văn đang nằm nơi chiếc sập gụ của ông nội, nhằm chung với ông nội em còn sống. Má đã khóc lóc xin mấy anh ngoài nớ ra vườn chôn tạm anh Văn nhưng họ nói ra ngoài đó máy bay thấy đào đất rồi bắn xuống. Trưa nay mấy ổng họ rút lên phía trên nữa rồi. Má nói có thể trốn được. Nhưng trước khi trốn đi tản cư, phải tìm cách chôn anh Văn đã. Cách tốt nhất là đặt anh Văn trong hầm này, khi về hãy hay. Nhưng lại gặp chuyện phiền phức khác là chị Tư và ông nội. Chị Tư bị thương, khó khiêng đi, ông nội thì nhất định ở nhà. Cả nhà khóc mãi, ông vẫn không đổi ý. Chị nói thà chết ở nhà, và năn nỉ cả nhà nên tìm cách trốn đi.

Anh ơi, gia đình em sao thê thảm thế này. Không, đâu phải chỉ gia đình em. Nhà chú Bảy xích lô đã chết hết, cả một cái hầm sập xuống. Đứa cháu bên đó chạy sang cho hay vậy. Ngoài đường còn những xác người chưa chôn. Chị Thọ cho biết là bây giờ chỉ có hai lối đi, một là xuống cầu bến Ngự, rồi băng về bên kia sông, nghe nói có Mỹ, một là đi ngược lên Tây Thiên. Nhưng lên Tây Thiên thì gặp họ cũng không sống được. Bà Minh, anh Vỹ, anh Cao, bác Hịch đã bị họ bắt theo lên Tây Thiên hết rồi. Nhà mình có anh Văn đã chết. Còn bà già, con nít. Có em thì họ chưa bắt đi, vì vậy má nói phải trốn. Đêm qua họ đem mấy cậu sinh viên vào xử tại sau vườn nhà. Em nghe thấy tiếng súng bắn, tiếng người hét, họ vào nhà xin chiếu, chiếu hết rồi. Em nghe họ đào sau vườn. Họ lấp đất, rồi họ kéo nhau đi. Đại bác vẫn câu lên đều đều. Má nói đến chiều tối, khi bớt tiếng đại bác, sẽ tìm cách trốn ra khỏi nhà. Ở đây thì thế nào cũng chết. Nhưng ông nội sợ chết đường. Em không chịu ý kiến ông nội. Thà mình cứ đi tìm lối thoát còn hơn ở nhà chịu chết. Phía dưới gốc cầu người ta đi cũng nhiều, chết cũng nhiều, buổi sáng khi khóc anh Văn, em nhìn ra cửa ngõ thấy một bà mẹ đang nhét một đứa nhỏ vào bụi chè tàu trước cổng rồi vừa khóc vừa chạy. Em chưa kịp la thì phải vào hầm vì những tiếng nổ gần quá, con Mẹo có ra coi, hắn nói thằng nhỏ chết rồi, đang bị kiến đỏ bu đầy người, có con chó Mực đang rình rập vào ăn thịt. Lũ chó đói quá, chúng cứ xông vào nhà. Trên sập của ông nội có một đống gạch thật lớn. Ông lấy ném để canh xác anh Văn. Từ sáng đến giờ, ông nội vừa khóc vừa đọc kinh, đôi khi ông chửi bới lung tung. Có một trái đạn rớt giữa sân, mảnh bay đầy sân nhà mà chỗ ông nằm vẫn yên lành, ông nói đạn sợ ông rồi, ông chỉ sợ bầy chó đói.

Anh ơi! Chắc em chết, gia đình em chết hết. Em khóc ròng đây, em khóc muốn ngất khi nghĩ rằng, khi yên, anh sẽ tới tìm em nơi này, anh sẽ không thấy xác em đâu nữa. Tay em nằm trong bụng con chó này, mặt em ở trong bụng con chó khác. Anh ơi, em tội tình chi mà không được một nấm mồ. Anh Văn, ông nội em… Em thèm cúng giỗ, thèm được người ta cúng giỗ quá. Bây giờ em mới hiểu tại sao mọi nhà đều cúng chiều Ba mươi, tại sao có trầm hương, có cô hồn, có ác quỷ.

Anh Phan, em vừa nghe cả nhà bàn sáu giờ chiều nay sẽ trốn đi vùng khác, ông nội ở lại, chị Tư ở lại, xác anh Văn đặt trong hầm. Má em với Út, với Tây, với Bằng sẽ trốn đi. Mẹo đi theo. Bác Chắc ở lại canh chừng ông nội và rửa vết thương cho chị Tư. Ông nội, chị Tư sẽ vào hầm nằm chung với anh Văn để khỏi đuổi chó. Em sẽ đặt lá thư này dưới chiếc sập gụ, chiếc sập gụ lát nữa đây sẽ được đem tới kê trước miệng hầm. Nếu em chết, má sẽ chỉ cho anh thấy lá thư này. Em nghĩ là má sẽ sống, cả em cũng phải sống. Chiếc nhẫn mấy ngày nay đã lỏng lẻo, nhưng em vẫn đeo, coi như một thẻ bùa may mắn. Anh ơi, anh đang ở Truồi hay ở đâu. Em lo sợ quá. Chiều tối em sẽ đi, chưa biết là tìm thấy sự sống hay sự chết.

Đến hôm nay đèn cầy hết, thực phẩm chỉ đủ cho hai người ăn trong mười lăm hôm. Cầu mong sẽ yên sớm hơn. Nghe nói Mỹ đã chiếm được Công Chánh, phía hữu ngạn. Anh có về đến đó chưa?

Em đã ăn hết những bông hoa tường vi của anh đêm Ba mươi Tết, thuốc trường sinh, thuốc thương yêu. Anh ơi, em phải sửa soạn để đi, lá thư này xin gửi lại dưới sập gụ…


*


Từ trường Kiểu Mẫu, Phan đã mấy lần kiếm cách đi lên mạn bến Ngự, nhưng mấy ngày nay, súng nhỏ súng lớn nổ ran về miệt đó. Phan đi lần được tới bờ sông, người Mỹ đuổi Phan trở lui lại, Phan đứng dọc đường đón tất cả mọi người tản cư đi qua, hỏi thăm tin tức, nhưng chàng cũng không nhận được một tin tức nào. Cho tới khi gặp được một người từ bến Ngự chạy về lánh nạn ở Tân Lăng, Phan đến hỏi tin tức, được biết gia đình Diễm một nửa còn mắc kẹt ở lại, một nửa đã trốn theo đường rầy về An Cựu, nhưng tới nửa đường thì Diễm bị một trái bom rơi trúng, cả thân thể Diễm bay kẹt vào một bụi cây. Chỉ nghe chừng đó Phan đã bụm mặt khóc oà, chàng không còn đủ sức hỏi thăm thêm gia đình Diễm nữa. Mười mấy ngày sau, khi bến Ngự đã dẹp xong, Phan là người trước nhất đi dọc theo đường rầy xe hoả về bến Ngự. Dọc đường, Phan đã nhận ra xác Diễm. Diễm chỉ còn lại đầu tóc, gương mặt đã bầm dập, cả người đã sinh thối, nàng kẹt vào giữa bụi cây, và những dòng nước vàng đã chảy xuống. Cánh áo phin trắng của Diễm đã rách nát, nhưng nơi ngực áo, hai chữ P D lồng nhau thêu bằng chỉ trắng vẫn chưa bị mục, và nhờ đó Phan nhìn ra xác Diễm. Diễm mất một cánh tay, và nơi bàn tay còn lại, Phan không nhìn thấy ngón đeo nhẫn đâu hết. Ngón tay đeo nhẫn của Diễm đã bị cắt lìa. Phan tìm cùng khắp không thấy vết tích đốt tay và chiếc nhẫn đó nữa.

Khi đem xác Diễm về tẩm liệm, mọi người phát giác ngón tay đeo nhẫn của nàng đã nằm gọn trong đám ruột bầy nhầy, không ai hiểu tại sao, và chiếc nhẫn cũng không tìm thấy.

Chôn cất Diễm xong, Phan đi tìm mẹ Diễm, bà đang nằm tại một bệnh viện của Mỹ. Phan tìm tới ngôi nhà cũ của Diễm, ông nội nàng đã chết, chị Tư cũng đã chết, xác của Văn, của ông nội, của chị Tư bị chó chui vào gặm nát, người mất tay, người mất chân. Khi dở cái sập gụ ra để lôi những xác chết, Phan đã tìm thấy bức thư của Diễm.

Chiếc xe của Diễm vẫn còn nguyên, dựng ở một góc tường chưa bị sập. Phan dắt chiếc xe đạp ra khỏi nhà, chàng dắt đi bộ chớ không ngồi lên đạp.

Căn nhà của Phan chỉ bị thủng mấy lỗ đạn. Những ngày sau đó, bạn bè của Diễm còn sống sót, chiều đi ngang qua con đường hàng Đoát thấy Phan ngồi trên chiếc xe đạp, dắt theo một chiếc xe đạp, và bên ghi đông chiếc xe không người, lủng lẳng cột một chiếc nhẫn vàng. Bạn bè không ai dám hỏi thăm, dám an ủi, vì Phan không bao giờ trả lời, không bao giờ đứng lại nghe ai nhắc tới tên Diễm.

Con đường hàng Đoát đến bây giờ vẫn còn đẹp, và chiều chiều vẫn còn những đôi tình nhân song song đạp xe đi trên đó. Bóng dáng của Diễm cũng như những đống gạch vụn, những dấu bom đạn đã lùi dần trong trí nhớ bạn bè. Người ta bắt đầu quen dần với cảnh Phan vừa đi vừa dắt thêm một chiếc xe đạp bên cạnh. Không ai còn thì giờ nhắc tới mối tình của họ.


5. Ngày này năm ngoái

Nửa khuya, mạ thức giấc rồi đánh thức cả Thục dậy. Mạ quả quyết là nghe có tiếng chân người ở ngoài sân. Nhưng Thục buồn ngủ lắm, đêm trước đón giao thừa rồi thức luôn gần đến sáng. Sáng nay đi chùa, đi thăm bà con rồi trở về nhà lo nấu nước dọn khách. Cứ hết người này đến người khác làm Thục muốn choáng váng rồi. Nhưng mạ không chịu, mạ cứ đập vào vai Thục:

"Thục, dậy, dậy. Có người.

Thục quay mặt vô vách:

"Mạ tưởng tượng rồi.

"Không, tau e như năm ngoái đó a tề. Cũng tối mồng Một, tau cũng nghe tiếng chân trong vườn rồi bắn nhau, đánh nhau.

Thục càu nhàu:

"Mạ tưởng tượng ra đó. Sợ chi mà một năm rồi còn sợ.

"Thục, con lắng tai nghe thử coi.

Nghe mạ quả quyết, Thục cũng chột dạ. Năm ngoái cũng vậy, nửa đêm mạ bảo có tiếng chân ngoài đi trong vườn rồi không ai tin hết. Anh Phước nói chắc mấy con chồn con cáo chi rình ngoài chuồng gà. Lát sau là đạn bắn vỡ trời. Rồi chạy loạn suốt một tháng. Khi về lại, căn nhà đầy lỗ đạn, căn nhà bếp sụp hoàn toàn, nhưng lạ, nhà chính vẫn đứng trơ trơ, đầy dấu tích đổ nát mà không đổ xuống. Bên đó vẫn còn bàn thờ ông bà, nhưng bàn thờ ba thì thiết tại căn nhà nhỏ ở thuê này. Từ hôm chạy loạn về, mạ không dám trở về căn nhà cũ nữa, mà thuê căn nhà kế cận. Thục lắng nghe. Quả thực thỉnh thoảng có tiếng xào xạc rồi tiếng lốp đốp. Một lát Thục nhận ra tiếng động ngoài sân rồi, Thục nói với mạ:

"Mạ ơi, không phải mô. Mấy quả bàng khô rụng lộp độp đó.

"Thiệt không?"

Mạ hơi nhỏm người lên rồi lại nằm xuống. Thục đã hết buồn ngủ, mạ nói đốt giùm tao cây đèn sáp. Thục mò xuống gối kiếm bao diêm và đốt đèn. Ngọn nến sáng lung linh, chiếc bóng của Thục chiếu lên vách thật đồ sộ. Thục thấy mạ đưa tay quệt nước mắt rồi sịt mũi.

"Mạ khóc đó hả? Răng mà khóc hoài, chuyện như từ đời xưa rồi. Tuy càu nhàu mạ nhưng lòng Thục đã nao nao. Năm ngoái cũng giờ này, ngày này, tiếng súng bắt đầu nổ. Gia đình Thục chạy thoát được vùng kiểm soát của Việt cộng nhưng ba Thục sau đó bị bắt đi. Về sau, Thục với mạ và anh Phước cứ nghe ở đâu có hầm xác là vội vã tới. Đi có mười mấy hầm mới nhìn ra được xác ba. Nằm phơi cả buổi sáng trên cỏ không sao, khi mạ con Thục tới nơi thì xác như rữa ra, rồi chảy nước vàng. Mạ ngất xỉu, rơi xuống đống nước vàng hôi hám đó. Đem được xác ba về chôn cất tử tế rồi mà mạ như mất hồn. Nhiều đêm mạ tỉnh dậy, đốt ngọn nến ngồi một mình, đôi lúc rủ Thục cùng thức, cùng ngồi luôn. Cứ ngồi ủ rũ, gục mặt lên đầu gối, hai mạ con ít nói chuyện với nhau. Mà hễ nói là mạ khóc. Thục thấy mạ cứ lắng tai nghe ngóng mãi, an ủi mạ:

"Thôi mạ, gần sáng rồi, mạ ngủ đi một tí.

"Ngủ răng được mà ngủ con ơi. Năm ngoái ba bị bắt đi rồi chết, biết ngày mô mà cúng mà kỵ. Trời ơi, nhà tui có ai ăn ở thất đức mô mà chết không biết ngày ri trời.

Thục cũng mủi lòng, nước mắt tuôn trào ra. Từ hơn tháng nay, mạ thắc mắc mãi ngày chết của ba. Mạ tính ba bị bắt ngày mười một, chắc cũng mười mấy hôm sau mới bị giết. Mà không phải ba bị giết, hình như ba bị chôn sống. Cả hầm xác đó không có ai có dầu gì chứng tỏ là bị thương. Thục nhớ lại khi đứng bên hầm xác, nhìn những xác chết nằm rải rác đắp bằng giấy báo, Thục lạnh cả xương sống, và cảm giác đó vẫn còn ở lỳ trong xương sống nàng, cứ mỗi lần Thục nhớ lại là xương sống nàng như buốt giá và đầu óc còn choáng váng. Đến bây giờ mỗi lần nhìn thấy những vạt nắng vàng trải trên cỏ là Thục liên tưởng đến những vạt nắng đã trải trên miệng hầm ở Bãi Dâu.

Có tiếng lục đục ngoài căn nhà ngoài. Chắc anh Phước đã nghe tiếng mạ khóc. Rồi tiếng dép của anh Phước kéo tới gần cửa buồng. Tiếng anh vọng vào:

"Chi rứa mạ?"

"Tau nghe có tiếng chân ngoài vườn, chắc ba mi về. Thiệt mà, từ hôm tìm ra xác ba mi, tau nghe tiếng chân đi ngoài sân hoài rứa đó. Chắc ba mi về thăm nhà.

Thục rùng mình. Giọng nói của mạ tỉnh bơ như chuyện có thực. Anh Phước càu nhàu:

"Xì. Tưởng chuyện chi".

Rồi anh trở lại giường bố. Mạ lại tiếp tục khóc, kể lể:

"Cúng ngày mô đây tụi bây ơi".

Dì Vạn cũng trở mình, dì ngồi lên. Giường bố của dì kê bên cạnh giường mạ con Thục:

"Chi rứa chị. Lại khóc rồi".

Rồi dì đập muỗi đôm đốp, vừa càu nhàu:

"Đã nói phần anh vắn số có rứa thì thôi. Bộ mình chị có chồng chết hay răng mà khóc trù trù rứa. Năm ni để chị coi, người ta cúng từ mồng Hai trở đi, cúng đầy cả tháng".

"Ừ hỉ. Rứa thì sau ngày mồng Một, ngày mô mình cũng cúng, răng cũng trùng một ngày".

Dì Vạn gạt đi:

"Chị răng tào lao quá. Thôi thì sống khôn thác thiêng. Chị cứ chọn một ngày cúng rồi anh về. Rứa có phải không? Phải không thằng Phước? Mi còn thức hay ngủ rồi".

Anh Phước nói lớn:

"Còn thức chớ dì. Dì nói phải đó".

Thục đưa cái khăn mùi xoa dấu dưới gối cho mạ:

"Thôi mạ, ngủ đi".

Nhưng mạ Thục vẫn ngồi. Đầu tóc không bới rũ rượi xuống mặt, xuống cổ. Bà cứ khóc sụt sùi và kể lể:

"Ba tụi bây chết là hết ma. Có đứa mô dám qua bên nhà thắp hương cho ông bà mô. Có chi mà sợ".

Thục không nhịn được nữa. Căn nhà bỏ hoang một năm, mái nhà chỉ dựa hờ vào mấy bức tường loang lổ đạn. Đã không dám ở mà cũng không dám dọn nhà đi. Thục gắt nhỏ:

"Mạ nói răng lạ rứa. Qua bên đó lỡ sập nhà răng".

"Cả năm ni có sập mô. Để đó, tao qua tao thắp. Sáng mai dì Vạn đi với tui nghe".

Dì Vạn dỗ mạ:

"Ừ, thôi ngủ đi. Ai đời cái nhà đẹp rứa mà bỏ không, cỏ mọc tùm lum. Coi như cái nhà ma".

Câu nói của dì Vạn làm Thục càng Thục ấy căn nhà huyền bí thêm. Người ta đồn căn nhà đó nhiều ma lắm. Dạo Tết vừa rồi trong vườn chôn nhiều xác chết lắm mà không biết ở đâu. Cứ đào lỗ vùi xuống. Nhiều người nói trẻ con chết người ta đem vào giấu trong vườn, rồi một gia đình đào cái hầm trong đó, hầm sập chết hết. Hôm mới trở về, Thục không vô nhưng anh Phước kể lại tường đầy vết máu và giữa nền nhà còn bầy nhầy những miếng da, miếng thịt, hôi thúi lắm.

Dì Vạn nói tắt đèn cho mạ mi ngủ. Thục thổi tắt ngọn đèn. Một lúc mạ cũng nằm xuống bên Tâm, nhưng Thục không thấy gì hết. Thục thấy mình cũng hoà tan trong bóng tối.

Bên ngoài như có cơn mưa nhỏ. Sáng ngày ra chắc cỏ xanh lắm, và mấy cây mai vàng sẽ sạch hơn, tươi hơn. Thục nhắm mắt. Mạ nhắm mắt hay mở mắt rứa mạ? Có mở mắt, mạ cũng chẳng trông thấy gì hết. Có tiếng ghế bố kêu lắc cắc, tiếng quẹt diêm rồi mùi khói thuốc. Thục nhìn qua, dì Vạn hút thuốc Cẩm Lệ, đốm lửa khi lớn khi nhỏ và mùi thuốc làm Thục ho sặc sụa.

Sáng hôm sau Thục dậy sớm và đi ra sân. Trời vẫn còn mưa lất phất, hạt nhỏ như bụi. Những hạt bụi trắng bám đầy trên lá cây. Khu vườn bỗng tươi mát hẳn. Thục nhìn qua khu vườn và ngôi nhà cũ. Căn nhà vẫn sừng sững. Nhưng lạ lùng, Thục thấy căn nhà thật um sùm, chả bù với những ngày mùa đông vừa qua, lá cây rụng hết, căn nhà nằm chơ vơ và luôn luôn như sắp sụp xuống. Thục chạy ra góc vườn nhìn sang. Bên sân, mấy cây mai vẫn nở vàng rực và Thục nghe có nhiều tiếng chim hót. Mấy chậu cây của ba mọc đầy cỏ, chỉ có chậu hoa tỷ muội thì sống dai ghê. Mùa hạ vừa rồi Thục nhìn sang thấy chậu khô queo, đất nứt nẻ, rứa mà chừ cũng xanh um, có hoa trắng nở chi chít từng chùm. Thục đứng dậy mà có thể tưởng tượng ra hương thơm của tỷ muội ngát mũi.

Thục định bụng sẽ nói với mạ về làng bán cái vườn cau rồi tu sửa lại ngôi nhà. Dù răng đi nữa thì cũng là mồ hôi nước mắt cả một đời của ba. Sửa mà không ở cũng được, để làm cái nhà thờ. Thật ra Thục sẽ không dám bước chân ra khỏi nhà, khi nghĩ tới trong vườn còn chôn bao xác người. Dì Vạn đã có lần nói với mạ là kêu người tới sửa sang, dọn rửa rồi coi đào tìm xác chết, nhưng mạ nói ba chết rồi, còn chi nữa mà làm lại. Mạ bỏ bê luôn và mạ cũng không muốn trở về đó nữa.

Thục thấy có mấy con chim sẻ vừa sà xuống sân, và nhảy chóc chóc đuổi nhau nơi bực thềm. Thục định lấy một hòn đá ném sang, nhưng nàng sợ hòn đá sẽ làm khuấy động sự yên tĩnh của căn nhà. Thục bỏ đi vào.

Dì Vạn đang tét bánh tét ra từng khoanh đặt lên đĩa.

Thục đói quá định cầm một miếng ăn thì dì nạt:

"Khoan, để cũng ba đã. Đi rót nước mau".

Thục rót ly nước trà bưng đặt lên bàn thờ ba. Mạ đang ngồi têm trầu nơi bàn lớn kê giữa nhà, sát bàn thờ ba. Mắt mạ đỏ hoe, chắc đêm qua bà khóc nhiều lắm. Thấy Thục, bà nói:

"Sáng ra tau ra sân thấy có bàng mô mô. Tau nói đêm qua ba tụi mi về mà đứa mô cũng cãi tau".

Dì Vạn cười:

"Chị răng hay nói tào lao. Chết rồi chớ mô nữa mà về. Bộ chị ưa anh thành ma, không siêu thoát được hay răng".

Dì Vạn bưng dĩa bánh đặt lên bàn thờ. Mạ Thục lại nói:

"Ông có ở đây mô mà cúng. Ông ở bên nhà nớ tề. Để tui đem bánh đem hương qua cúng ông".

Anh Phước đã thay xong quần áo. Anh nghe mạ nói liền tán thành:

"Đúng đó. Con đi với mạ. Mạ có sợ không?"

Thục thấy mạ ngần ngừ:

"Ừ, cũng dễ sợ".

Anh Phước cau có:

"Tui đã nói với mạ bữa trước Tết không bẻ mai bán mà. Để nó nở toát hết, uổng quá chừng".

"Ba tụi bây khi sống ông ghét đứa mô bẻ mai lắm. Kệ, để đó cho ba bây".

Dì Vạn cười. Rồi dì đi tới bên mạ:

"Chị cho miếng trầu. Ít vôi hí. Túi qua ăn miếng trầu nhiều vôi một chút mà phỏng cả miệng".

Anh Phước chọc:

"Dì phỏng miệng cho hết noái. Trong nhà dì vô địch nói nhiều".

"Chớ răng, bộ khi mô cũng khóc như mạ bây. Tao cũng goá chồng chớ bộ mạ bây goá chồng thôi a răng".

"Ôi, chồng dì chết hồi xa lắc xa lơ".

"Thì chị không nhớ răng? Hồi đó cũng Việt Minh giết. Sáng ra thấy xác cột chùm hai ba người vất nơi dốc Nam Giao đó. Cũng lâu rồi chớ ít ỏi chi".

Dì Vạn nói xong giơ tay chùi miệng, quẹt nước trầu loang ra hai bên mép rồi lau vào vạt áo nâu. Mạ Thục vẫn thắc mắc về cái nhà.

"Đêm qua tui nằm nghĩ đi nghĩ lại. Thằng Phước nó nói sửa lại cái nhà thiệt đúng. Phải sửa lại dì hí?"

"Tuỳ chị chớ".

"Trước tui buồn tui để kệ. Chừ tui thấy bỏ hoang cũng uổng".

Anh Phước chen vào:

"Mạ thiệt. Khi ri khi tê, biết mô mà lần".

Thục ngồi vắt hai chân lên nhau, đu đưa. Căn nhà thân yêu của Thục mới ngày nào đầy tiếng cười nói mà giờ đã lạnh lẽo. Làm sao Thục quên được những buổi tối, dưới ánh đèn sáng dịu, ba mạ Thục bắt ghế ngồi ngoài sân. Dì Vạn ngồi khâu áo, anh Phước học bài. Còn Thục thì mở cửa sổ đứng mơ mộng nhìn ra ngoài vườn. Những cây cối già nua, lúc nào cũng hết sức thân ái. Còn cả bức tường nơi phòng riêng của Thục nữa, những lần bị đòn Thục đóng cửa nằm khóc và lấy móng tay vạch ngang dọc lên tường. Những vòng tròn những mắt mũi đầu người, bây giờ vết đạn có xuyên qua không? Còn cái ổ kiến lớn nơi cây mít sau vườn nữa. Cây mít gần cửa sổ và thỉnh thoảng có những chú kiến đen chân cao lạc vào phòng của Thục. Thục đặt chú kiến lên một ngọn lá mít vàng, nhìn chú bò quanh quất rồi lát sau tung cả ngọn lá, cả chú kiến ra ngoài vườn, cho chú trở về nhà. Nơi phòng của anh Phước còn có những dòng công thức anh học và ghi chi chít lên tường. Tất cả bây giờ lẫn lộn với những vết đạn, vỏ đạn, với máu người thịt rữa, Thục nhắm mắt lại. Dì Vạn nói một câu gì đó mà anh Phước cười lớn. Thục bừng tỉnh ngơ ngác:

"Cái gì mà dì cười rứa?"

Dì Vạn không trả lời và tiếp tục cười. Mạ nạt:

"Dì cháu bây sướng lắm đó mà giỡn".

Thục lẳng lặng bỏ ra sân. Nàng lui lại góc vườn nhìn qua căn nhà cũ. Sáng mồng Hai năm trước, đã có người chết trước cổng nhà, nơi cây nhãn trước ngõ. Rồi chạy loạn, rồi trở về mất luôn cảnh ấm cúng ngày nào.

Cả ngày hôm đó Thục thấy mạ không vui mà cả nhà cũng không ai vui. Bà con đã đến thưa thớt. Ai cũng có tang, không muốn đến thăm nhau sợ đem xui xẻo.

Buổi chiều hôm mồng Hai, Thục đứng với anh Phước ở sân, nhìn xéo qua góc vườn. Hai anh em vừa nhìn vừa kể lại những kỷ niệm nơi căn nhà cũ. Mắt Thục mờ đi, và qua màn lệ mỏng, Thục thấy khu vườn nhòe đi và rộng mênh mông. Mái ngói rêu mốc nham nhở vết đạn. Rồi Thục thấy như căn nhà vừa rùng mình, chao nghiêng. Thục cầm chặt tay anh, dụi mắt:

"Anh".

"Chi rứa em?"

"Em thấy căn nhà vừa chao một cái".

"Anh cũng thấy rứa".

Nhưng căn nhà vẫn đứng sừng sững. Anh Phước định nói một câu gì đó, anh vừa há miệng thì bỗng một tiếng ầm. Cả căn nhà bỗng sụm xuống êm rơ. Bụi trắng bay cao, bốc lên khỏi những đọt cây rồi tan trong mưa bụi. Dì Vạn chạy ra, rồi mạ chạy ra. Mạ dụi mắt, mạ giơ tay chỉ, nhưng bà cũng không nói được lời nào. Mấy cánh tay cùng chỉ về phía vườn, nơi ngôi nhà bây giờ chỉ còn là đống gạch vụn.

Rồi bỗng mạ khuỵu xuống từ từ. Mắt bà trợn ngược lên như đã tin được chuyện xảy ra trước mắt là có thật. Khu vườn bên căn nhà cũ vẫn xanh um, sạch sẽ. Những đọt cây xanh vươn cao, như muốn che lấp hết đống gạch ngói. Mạ vẫn mở to mắt, nhìn đăm đăm về phía ngôi nhà đổ, hai chân khuỵu xuống thấp dần như sắp đổ theo với căn nhà. Nhưng rồi mạ gượng kịp. Bà đứng dậy, tay vẫn chỉ về bên vườn, giọng nửa khóc nửa cười:

"Nó đổ, nó đổ thiệt rồi".

Thục đứng yên. Mạ ôm mặt đi vào nhà. Tội nghiệp căn nhà của ba, những rung chuyển của bom đạn làm nó rạn vỡ, và đúng một năm sau, kể từ ngày phát súng đầu tiên thức tỉnh thành phố Huế, ngôi nhà sụp đổ theo. Anh Phước vẫn đứng như chôn chân xuống đất. Thế là hết. Thục dứt mọi tính toán, lo âu về căn nhà.

Khu vườn vẫn xanh um, ôm ấp đầy kỷ niệm của gia đình Thục.
Nguồn: Tình ca cho Huế đổ nát. Truyện Nhã Ca, bìa do Nguyên Khải trình bày, ấn phẩm thứ hai của nhà xuất bản ThÆ°Æ¡ng Yêu – In xong tháng 7/1969 – Giấy phép số 2875 BTT/NHK/THNT ngày 14/7/1969. Đời Má»›i tổng phát hành 278-280 VÄ©nh Viá»…n, Sài Gòn. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.