© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
4.8.2007
Phạm Phú Đức
Chính trị và lý thuyết
 
Mỗi khi có dịp chia sẻ với gia đình hay bạn bè về một số đặc điểm của ngành “khoa học chính trị” (political science), tôi thấy có nhiều người lấy làm ngạc nhiên ở hai điểm đáng nói nhất sau đây: 1) chính trị là môn khoa học; 2) trong chính trị có rất nhiều lý thuyết.


Chính trị là khoa học

Đầu tiên hết, người ta ngạc nhiên về chữ khoa học trong chính trị. Đối với nhiều người Việt Nam, khoa học nghĩa là toán, lý, hoá, sinh…, hay các ngành dựa trên kiến thức của các môn trên, tức chỉ có loại khoa học tự nhiên. Họ cảm thấy hơi khó hiểu và bối rối đối với ý niệm khoa học trong lãnh vực nhân văn, thí dụ như khoa học xã hội. Trong khi đó, khoa học mang ý nghĩa khái quát hơn, tựu chung, khoa học là một hệ thống thu thập kiến thức từ các phương pháp khả tín, thí dụ như phương pháp dựa trên những kinh nghiệm tích luỹ, nghiên cứu (empiricism). Rất nhiều kiến thức khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cũng từ kinh nghiệm thực tiễn cộng với khả năng lý luận mà ra, điển hình như thuyết trọng lực (gravity) của Newton là do tình cờ ngồi dưới cây táo. Có thể nói, khoa học đã bắt nguồn từ khi có chữ viết hay hình vẽ, nhờ đó mà ngôn ngữ phát triển, đưa đến sự phát triển của tư tưởng và bao nhiêu lãnh vực khác, do đó, môn khoa học nhân văn đầu tiên của nhân loại không chừng là ngôn ngữ.

Ngoài ra, chữ chính trị trong “khoa học chính trị” cũng có hai nghĩa: a) Các hoạt động liên quan đến việc phân phối và thi hành quyền lực trong xã hội (bình diện quốc gia lẫn quốc tế); b) ngành khoa học nghiên cứu về các hoạt động đó. Ở khía cạnh thứ hai, tính khoa học là đương nhiên, như đã nói trên; ở khía cạnh thứ nhất, các sinh hoạt chính trị thời (hậu) hiện đại đều được xây dựng trên những nguyên tắc có tính chất khoa học nhất định, vì quyền lực vốn gắn liền với các hệ thống giá trị (các định chế và mối quan hệ đối với các thành phần xã hội). Nói cách khác, chính trị phần lớn liên quan đến chính quyền, mà các chính quyền hiện đại đều được xây dựng trên nguyên tắc, luật pháp và phương pháp về tổ chức, quản lý, điều hành các vấn đề xã hội. Nói tóm lại, thực tiễn chính trị và khoa học chính trị hiện đại đều mang tính hệ thống và khoa học rất cao.

Sự tiến hoá của con người phần lớn là nhờ biết học, biết rút tỉa kinh nghiệm của những gì đã xảy ra (của mình hay các thế hệ trước). Nhưng kiến thức nhân loại phát triển một cách có hệ thống, phương pháp, hiệu quả và mạnh mẽ nhất kể từ khi con người biết vận dụng lý luận một cách khoa học, hơn nữa, lý luận không chỉ được xem là phương tiện ưu tiên hàng đầu mà cũng chính là mục đích (từ đầu thế kỷ 17 đến nay, xin đọc bài “Chủ nghĩa duy lý”). Nói chung, khoa học xã hội hay khoa học chính trị là các ngành nghiên cứu, phân tích, và hơn nữa, dự đoán hay thiết kế về cách hành xử của con người và các vấn đề xã hội, chính trị. Cho nên học khoa học chính trị là học về kinh tế, văn hoá, xã hội, lịch sử, tôn giáo, chiến tranh, quyền lực, nhân tính và nhân dưỡng (human nature and human nurture), bang giao quốc tế, triết học chính trị v.v… Tuy nhiên, điều kiện căn bản của ngành này là phải học với một đầu óc phê phán, bởi trong khoa học xã hội, không có gì được cho là chân lý bất biến, và không một ai được xem là có thẩm quyền về chân lý nào đó, nghĩa là, mọi thứ đều có thể tranh luận và thách thức (contested). Do đó, sinh viên tiếp thu được đáng kể qua lối suy nghĩ mang tính phê phán, nghĩa là, phải biết nhìn mọi điều với tính cách ngờ vực để biết sự bất toàn nằm ở đâu mà phê bình.

Cũng vì như thế nên lịch sử đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong khoa học xã hội. Học về lịch sử là phải nghiên cứu các yếu tố văn hoá, hoàn cảnh xã hội và kinh tế, quan hệ quyền lực, các giá trị truyền thống, các ảnh hưởng của tôn giáo lên con người và xã hội thời đó, động cơ và tham vọng của các lãnh tụ và phe nhóm chính trị v.v… Nhưng không có lịch sử nào khách quan cả, bởi các tác phẩm lịch sử “chính thống” từ xưa đến nay đều từ những người viết sử của phe thắng cuộc. Thời xưa thì chủ yếu viết theo ý kiến hay quan niệm chỉ đạo của giới lãnh đạo. Thời nay thì ngoài kẻ thắng cuộc, những tiếng nói khác cũng được cất lên, dù rất giới hạn và thường bị cấm đoán. Thí dụ, đối với chiến tranh Việt Nam, ngoài chủ trương viết sử từ Đảng Cộng sản Việt Nam, sử cũng được viết từ phía Nga, Trung Quốc, Úc, Mỹ, Pháp, Anh…, cũng được viết từ (những người thuộc phía) Việt Nam Cộng hoà trước đây, từ các cơ quan truyền thông trên khắp thế giới với khuynh hướng hay quan điểm chính trị khác nhau, và từ những sử gia cố đứng ở vị thế trung lập để trình bày cái nhìn khách quan hơn. Tuy nhiên, cho dù có một số người nào đó có khả năng lý luận, có đầu óc phân tích và phê phán, có thời gian và có tham vọng “đại tự sự” để đọc hết các dữ kiện, tài liệu và tác phẩm lịch sử chiến tranh Việt Nam này, từ đó tổng hợp, gạn lọc và ráp nối các dữ kiện khả tín này lại với nhau thành một bức tranh tương đối đầy đủ, chắc gì sản phẩm này sẽ phản ảnh hoàn toàn sự thật?

Nói tóm lại, “lịch sử nào cũng có tính chủ quan”, theo nhận định của chủ nghĩa duy tân sử (New Historicism), bởi nhiều lý do, trong đó, một phần lớn là vì “ngay cả độc giả, nhà phê bình và nhà nghiên cứu văn học sử cũng chịu sự tác động của các ý thức hệ và quan hệ quyền lực trong thời đại mình đang sống”. [1] Nói chung, không có sự thật khách quan bởi không có con người khách quan (chỉ có những con người hay những vấn đề được khách quan hoá). Dù sao đi nữa, để đến gần sự thật lịch sử tương đối thì điều kiện căn bản là phải có tự do tư tưởng và tự do thông tin ngôn luận để nhiều khía cạnh sử được trình bày, từ đó một số dữ kiện hay quan điểm chung nào đó được công nhận là xác đáng và khả tín.

Nghiên cứu chính trị liên hệ mật thiết đến yếu tố lịch sử bởi vì càng tìm hiểu gần sự thật của lịch sử thì càng có những nhận định, phân tích xác thực và khả tín hơn về tính chất chính trị, và để từ đó hình thành các lý thuyết chính trị có giá trị lâu dài. Dù không thể có sự thật lịch sử hoàn toàn, như đã nói trên, nhưng càng hiểu biết sâu rộng về lịch sử thì sẽ càng giúp cho con người, nhất là các lãnh đạo chính trị, hiểu rõ hơn về những gì đang xảy ra hôm nay, nguyên nhân gốc nguồn của nó, qua đó nắm bắt và định hướng được những chính sách thích đáng cho những gì xảy ra ngày mai. Tóm lại, bài học từ kinh nghiệm lịch sử đóng một vai trò quan yếu cho xã hội con người, do đó, mọi nỗ lực nhìn lại lịch sử là cần thiết và chính đáng. Vì thế nên những ai khăng khăng bảo vệ những văn bản lịch sử nào đó là sự thật tuyệt đối, hay tệ hại hơn nữa, không cho phép những văn bản khác được phổ biến, và thêm vào đó, áp dụng một chính sách giáo dục nhồi sọ và giáo điều, nhất là đối với môn học lịch sử phổ thông ở bậc trung học và đại học, thì động cơ chính trị của họ vô cùng đáng ngờ vực, và các sản phẩm lịch sử họ làm ra tất nhiên thiếu hẳn tính thuyết phục.

Để kết luận, hoạt động chính trị không nhất thiết hoàn toàn khoa học, có khi nó cũng rất phản khoa học, nhưng nghiên cứu và học hỏi chính trị là bộ môn khoa học, nhất là khi biết sử dụng lý luận và biết áp dụng các phương pháp nghiên cứu một cách (tương đối) khách quan. Tuy nhiên, xin lưu ý rằng ngay cả khi khách quan nhất và khoa học nhất cũng chưa hẳn đã tìm ra được sự thật tuyệt đối nào trong chính trị cả. Vì sự giới hạn của con người (tính chủ quan) nên chúng ta không có sự chọn lựa nào khác ngoài chấp nhận sự thật tương đối. Tuy nhiên, không phải vì chấp nhận mà chúng ta lấy thái độ an phận để khỏi tìm đến gần sự thật hơn, hơn nữa, không phải vì chấp nhận mà người khác, đặc biệt là kẻ quyền uy, bảo rằng đó là những điều “cấm kỵ” không thể “mở nắp”. Nói cho cùng, có lẽ không gì bằng cái tâm tôn trọng sự thật (tương đối).


Lý thuyết chính trị

Kế tiếp, người ta ngạc nhiên khi nghe rằng chính trị có rất nhiều lý thuyết (có thể hiểu đơn giản là những công thức, tương tự như khoa học tự nhiên, nhưng bằng chữ nghĩa hoặc tư tưởng thay vì bằng số liệu hay ký hiệu). Tôi có người bạn (anh là trí thức về khoa học tự nhiên nhưng lại rất nhạy bén chính trị), khi nghe tôi nói chính trị có nhiều lý thuyết thì anh đùa một câu: “Sao người ta rảnh đến thế!” Tuy nửa đùa nửa thật, nhưng qua đó bộc lộ một phần cảm tưởng hay quan niệm của anh về chính trị. Trên thực tế, tôi đã tham gia các sinh hoạt cộng đồng, cộng tác với nhiều đoàn thể khắp nơi và tiếp xúc với đủ hạng người khác nhau, nhưng ngoại trừ một số lý thuyết như chủ nghĩa nhân vị, chủ nghĩa dân tộc sinh tồn, chủ nghĩa tam dân v.v… đếm trên đầu ngón tay hoặc đã có từ nhiều thập niên trước, tôi hiếm thấy lãnh tụ, trí thức hay thường dân Việt Nam nào nhấn mạnh một lý thuyết hay chủ thuyết chính trị nào đó (ngoài chủ nghĩa Mác-Lê), hoặc khẳng định nhu cầu thiết yếu cho một chủ thuyết chính trị để định hướng mục đích cho Việt Nam (có lẽ ngoại trừ Tập hợp Dân chủ Đa nguyên hay những tổ chức khác mà tôi không được biết đến). Không những vậy, phần lớn đều cho là không cần thiết, tốt nhất (at best) là nhấn mạnh đầu óc chính trị thực dụng, tệ nhất (at worst) là có thái độ coi thường lý thuyết. Người mình không (chịu) hiểu rằng lãnh đạo chính trị Âu-Mỹ, chẳng hạn, cũng có đầu óc chính trị thực dụng có khi còn hơn hẳn các quốc gia khác, nhưng sức mạnh và thành công của họ chủ yếu nhờ đứng trên một nền tảng triết lý chính trị thực tiễn và hợp lý nên mới xây dựng được các xã hội tiên tiến như ngày hôm nay.

Cũng nhờ có cơ hội tiếp cận với các lý thuyết chính trị nên tôi mới hiểu được sức mạnh “giải phóng” của văn hoá Âu-Mỹ đến từ đâu. Đó là văn hoá đề cao lý trí và lý luận như là mục đích, trong đó, nó xem mọi thứ có thể cải thiện cho tốt hơn (trường phái nhân dưỡng) nếu biết nghiên cứu học hỏi bản chất và đặc tính của mọi sự việc (từ kinh tế, chính trị, khoa học… ở tầm vi mô cho đến tầm vĩ mô), và trên hết, nó tin tưởng lạc quan và mãnh liệt vào sự hoàn thiện và khả năng tiến hoá của con người (trường phái nhân tính). Chính nhờ niềm tin và trở thành một nếp văn hoá qua thời gian nên người Âu-Mỹ (Nhật Bản cũng học hỏi cách thức Âu-Mỹ ở thời Minh Trị Duy Tân, tuy sự tiếp cận và học hỏi của Nhật với Âu Châu đã có từ trước đó) vừa tiến trên nền tảng vững chắc, vừa cải thiện những chỗ bất toàn do lối suy nghĩ phê phán (critical thinking) và chấp nhận khác biệt bằng tinh thần khoan dung. Tóm lại, tính ngờ vực và phê phán là rất cần thiết cho sự học có hệ thống và phương pháp trong lãnh vực khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên.

Hiểu như thế, chúng ta sẽ không ngạc nhiên về vai trò của hàng ngàn khối óc (think tank), tức cơ quan nghiên cứu (chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, lịch sử v.v… từ khuynh hướng chính trị cực tả cho đến cực hữu) với chức năng định hướng chính sách mà chính quyền Hoa Kỳ không cần phải động não suy nghĩ nhiều bởi phần lớn đã được các cơ quan này thực hiện. Chính quyền, nhất là thành phần lãnh đạo, qua kinh nghiệm và nhờ cố vấn chuyên môn, biết chọn chính sách nào thích hợp với chủ trương đường lối của họ, thích hợp với hoàn cảnh chính trị (nhất là dân tình lúc đó), và nhất là phải khả thi, hiệu quả, bảo đảm và ít tốn kém v.v… Thời trước, nếu khoa học chính trị chủ yếu nằm trong các viện nghiên cứu của các ngành nhân văn tại các trường đại học, thì ngày nay, giống như mọi thứ khác, một phần không nhỏ đã được thương mại hoá (commercialize) và chuyên môn hoá (professionalize), trở thành bộ phận cố vấn cho chính phủ, các đảng phái, các chính trị gia, các công ty thương mại đa quốc, các tổ chức vận động chính trị (lobbying & interest groups), các công đoàn nghiệp đoàn v.v… Các tạp chí lâu đời và ảnh hưởng lớn lao, thí dụ như Foreign Affairs (hình thành vào năm 1921, xuất bản tạp chí đầu tiên vào năm 1922), chuyên về chính sách ngoại giao và bang giao quốc tế, đếm trên đầu ngón tay vào đầu thế kỷ 20, ngày nay có thể kể hàng ngàn tạp chí về khoa học chính trị như thế ở khắp nơi trên thế giới, tuy mức độ ảnh hưởng không bằng Foreign Affairs. Nói chung, lãnh vực khoa học chính trị đã, đang và sẽ tiếp tục định hướng và chi phối mọi mặt đời sống của chúng ta qua các chính sách quốc gia và quốc tế, và những chính sách nào càng hợp lý (rational) thì càng có khả năng thuyết phục cao. Tóm lại, hình thành và thực hiện chính sách là nơi thể hiện mưu lược chính trị cao nhất của giới chính trị tại quốc gia đó, trong đó lý trí và lý luận đóng vai trò then chốt.

Lý thuyết chính trị, qua kinh nghiệm chính trị thực tiễn và qua các ý tưởng chỉ đạo của nhiều triết gia lỗi lạc, đã được hình thành và phát triển đáng kể trong vài thế kỷ qua, đặc biệt các thập niên cuối của thế kỷ 20. Thí dụ, đối với triết lý chính trị của John Locke vào thế kỷ 17, một chính quyền hợp pháp phải được sự đồng thuận của người dân. Làm sao để đạt được sự đồng thuận này? Đối với các nhà lập quốc Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 18, bầu cử Hạ viện mỗi 2 năm, Tổng thống mỗi 4 năm, Thượng viện mỗi 6 năm v.v… bởi chính lá phiếu của người dân là hình thức căn bản thể hiện sự đồng thuận đó (và không chỉ có bầu cử thôi mà còn phải có tự do và dân quyền v.v..., xin đọc “Dân chủ: quyền lực và ngờ vực”). Điều may mắn cho Hoa Kỳ là đa số các nhà lập quốc của họ là những nhà trí thức, lại có tầm nhìn sâu rộng (vision), hơn nữa, họ vừa là những nhà chính trị hoạt động trong các ngành lập pháp, hành pháp (và tư pháp), lại vừa là các lý thuyết gia xây dựng nền tảng ý tưởng dân chủ dựa trên các ý niệm giải phóng của nhiều triết gia khác nhau, rồi chính họ đã áp dụng lý thuyết bằng cách hình thành và thi hành chính sách cũng như pháp luật lên xã hội.

Trên bình diện thế giới, rất nhiều lý thuyết về bang giao quốc tế được hình thành trong thế kỷ 20, nhưng hai lý thuyết tiêu biểu và ảnh hưởng nhất là chủ nghĩa (tân) hiện thực ([neo]realism) và chủ nghĩa (tân) phóng khoáng ([neo]liberalism). Các ý tưởng này không phải là mới lạ gì, nhưng nó đã được các lý thuyết gia hệ thống hoá và lý luận trên cơ sở triết lý chính trị bằng loại siêu ngôn ngữ “diễn ngôn trần tục duy lý luận”. Hai lý thuyết này trở thành ý tưởng chỉ đạo của phần lớn các chính sách đối ngoại của các quốc gia trên thế giới, ngoài một số lý thuyết khác cũng ảnh hưởng nhưng không đáng kể như tân Mác-xít (neo-Marxism), kiến tạo luận (constructivism) v.v... Nếu chủ nghĩa hiện thực (realism) ảnh hưởng chính sách đối ngoại trên bình diện chiến lược - chính trị (politico-strategic) thì chủ nghĩa phóng khoáng (liberalism) ảnh hưởng vừa trên bình diện kinh tế - chính trị (politico-economic), điển hình như Tổ chức Mậu dịch Thế giới, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, APEC, và GATT trong thời chiến tranh lạnh v.v…, vừa trên bình diện chiến lược - chính trị, điển hình là Liên hiệp quốc (UN), Liên ước Bắc Đại tây dương (NATO) v.v… Hầu hết các tổ chức liên quốc này (ngoài APEC) là do Hoa Kỳ chủ động thành lập, thiết lập luật chơi, và nắm phần chủ động hay gây nhiều ảnh hưởng áp đảo trong thời gian qua.

Đứng đầu chủ nghĩa (tân) hiện thực là Hans Morgenthau và Kenneth Waltz, nhưng “tín đồ” bao gồm nhiều lý thuyết gia hậu duệ cũng như hầu hết lãnh đạo quốc gia trên thế giới. Tự tên gọi của nó cũng cho thấy tính thực tế và thực dụng của trường phái này trong nền chính trị thế giới (realpolitik). [2] Lý thuyết hiện thực cho rằng: thứ nhất, trong khi chính trị quốc gia có nhà nước đứng đầu, quyền lực (ít nhiều) tập trung và có hệ thống cấp bậc (phân cấp quyền lực), thì hệ thống chính trị thế giới lại tản quyền và vô chính phủ, tức không có một thẩm quyền trung ương nào cả (Liên hiệp quốc cũng không có thẩm quyền đó vì đây chủ yếu là một diễn đàn hay một tổ chức để mọi thành viên, tức các chính phủ quốc gia, đồng thuận với nhau một số khung sườn chung để phối hợp giải quyết các vấn đề chính trị thế giới); thứ hai, nhà nước (hay chính quyền quốc gia) là thành viên trụ cột trong bang giao quốc tế, và thực thể chính trị này luôn tính toán thế nào là hợp lý nhất và lợi ích nhất cho mình. Bình thường thì nhà nước tương đối độc lập, nhưng cũng chịu ảnh hưởng của các nhà nước khác trong hệ thống chính trị quốc tế này; thứ ba, vì tình trạng vô chính phủ này nên nhà nước phải tự lo cho sự tồn tại và an ninh của mình, nếu không sẽ chẳng ai giúp, bởi nhà nước nào cũng hành động chiến lược với mục đích đem lại tối đa an ninh và quyền lợi cho mình. Waltz cho rằng ở mức tối thiểu, nhà nước hành động để giữ vững an ninh cho mình, và ở mức tối đa, để ngự trị thế giới; thứ tư, đối với những người hiện thực (realists), quan hệ ở cấp quốc gia hay quốc tế chủ yếu là vì quyền lợi, trong đó quyền lực là một thành tố trọng yếu. [3] Quyền lực chủ yếu đến từ sức mạnh quân sự và khả năng tài nguyên (như tài chánh, thiên nhiên và nhân lực). Chiến tranh không thể tránh được vì nhà nước nào cũng hoạt động vì quyền lợi và quyền lực, cho nên để bảo vệ an ninh của mình thì phải có khả năng (sức mạnh) quân sự.

Nói tóm lại, lý thuyết hiện thực dựa trên nền tảng giả định rằng nhân tính căn bản là xấu, hiếu chiến và thù nghịch; vấn đề sử dụng bạo lực là điều đương nhiên xảy ra; cạnh tranh thường mang tính đối đầu và chỉ có kẻ thắng người thua (win-or-lose) chứ không phải đều thắng (win-win); và đối tác luôn có thể là kẻ thù của mình. [4] Với nhãn quan chính trị như thế, cuộc đối đầu giữa khuynh hướng tự do và cộng sản trong chiến tranh lạnh là điều tất yếu, nhưng may mắn thay, cả hai bên đều biết tự chế để không đi đến huỷ diệt lẫn nhau bằng vũ khí nguyên tử. Lý thuyết hiện thực đã ảnh hưởng lớn lao lên chính quyền Hoa Kỳ từ lúc bắt đầu chiến tranh lạnh cho đến khi kết thúc, và vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ cho đến nay, điển hình là chính phủ George W. Bush. Thí dụ, chủ trương đánh phủ đầu phòng ngừa (pre-empty strike) là chiến thuật của những người hiện thực. Cũng xin nhớ rằng Stalin cũng như các chính sách của Liên bang Sô Viết vào thập niên 1940 đối với Trung Hoa và các nước cộng sản “chư hầu” chủ yếu mang tính hiện thực hơn là cộng sản, mặc dầu các chính sách hay hoạt động của họ đều trên danh nghĩa quốc tế vô sản.

Trong khi đó, lý thuyết phóng khoáng đặt trên nền tảng tương thuộc (interdependent), nói cách khác, những người theo trường phái phóng khoáng (liberals) quan niệm rằng quan hệ quốc tế đều mang tính lệ thuộc lẫn nhau. Do đó, lý thuyết này phần nào đó mang tính thách thức lý thuyết hiện thực, nhất là khi Hoa Kỳ đã thất bại các mục tiêu chính trị tại Việt Nam, dù sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ rất vượt trội. Đứng đầu lý thuyết này là Robert Keohane và Joseph Nye với lập luận rằng: thứ nhất, nhà nước không phải là một nhất thể (unitary), hợp lý, và hệ thống quốc tế không phải vô chính phủ. Ngược lại, hệ thống quốc tế là quan hệ tương thuộc phức tạp giữa các nhà nước với nhau; thứ hai, các cơ quan, công ty và tổ chức thế giới có tầm quan trọng giống như nhà nước; thứ ba, các chế độ chính trị thành lập định chế, khung sườn (frameworks) và quy tắc như một thứ luật chơi, và nếu xây dựng các cơ cấu này tốt hơn thì sẽ ảnh hưởng và định hướng được kết quả như ý muốn hơn. Với quan niệm trên, liberals tập trung nỗ lực xây dựng các định chế quốc tế như GATT, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới, NATO, SEATO, Liên hiệp quốc, Tổ chức Mậu dịch Thế giới v.v… Nói tóm lại, những người theo trường phái phóng khoáng cho rằng đây là nơi tập trung quyền lực và đóng vai trò quan trọng trong chính trị thế giới, do đó, điều quan trọng là tìm cách ảnh hưởng lên các định chế thế giới này. Họ cũng quan niệm rằng nhân tính chủ yếu là tính toán, vì thế nên cộng tác để cùng có lợi cho nhau.

Trên đây là một số lý thuyết tiêu biểu mang tính lý luận chủ đạo (guiding logic) đối với các quyết định chính trị về chính sách ngoại giao. Nhiều lý thuyết khác trong khoa học chính trị cũng rất lý thú và hữu ích, thí dụ các lý thuyết về quyền lực, định nghĩa thế nào là quyền lực và bản chất quyền lực trong chính trị. Khi chúng ta hiểu được từ góc nhìn triết học thì nó làm sáng tỏ hơn nhiều khía cạnh khác của vấn đề.

Xin nhớ rằng các lý thuyết gia đều có tham vọng hình thành lý thuyết chính trị, vừa phân tích một cách thuyết phục về bản chất (hay “sự thật”) của lãnh vực chính trị đó, vừa định hướng các tư tưởng và hành động chính trị trong tương lai. Nói cách khác, các lý thuyết gia có tham vọng hình thành một số công thức được xem là khuôn mẫu làm nền tảng cho sự phân tích, phê bình và định hướng hoạt động chính trị. Trên thực tế, các lý thuyết chính trị trên, dầu ảnh hưởng to lớn đến đâu, cũng chỉ phản ảnh một phần sự thật, tức một số khía cạnh của các hoạt động chính trị thực tiễn. Lý do là vì các chính trị gia phải đối phó với vô số trường hợp hay tình huống chính trị khác nhau, cho nên công thức (tức lý thuyết) phần lớn giúp định hướng cho lời giải trên bình diện tổng thể, phần còn lại tuỳ vào sự khác biệt và đặc điểm của từng tình huống mà uyển chuyển thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh. Thí dụ, đối với trường hợp vũ khí huỷ diệt hàng loạt (WMD), chính phủ Bush gọi ba nước Iraq, Iran và Bắc Hàn là trục ác, và tuy lúc ban đầu chọn thái độ và chính sách thực tiễn (realism) để đối phó với cả ba, Hoa Kỳ lần lượt chọn chính sách thực tiễn để đối phó với Iraq, chọn thái độ thực tiễn để áp lực lên Iran hiện nay, và chọn thái độ ít thực tiễn - nhiều phóng khoáng để đối phó với Bắc Hàn (muốn Trung Hoa chủ động và lãnh đạo cuộc đàm phán 6 bên gồm Nhật Bản, Bắc Hàn, Nam Hàn, Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ). Nói cách khác, trong bối cảnh chính trị thế giới ngày càng phức tạp và đa dạng, không có một công thức hay một lý thuyết nào là lời giải cho chính quyền hay chính trị. Thật ra, mỗi thời đại, mỗi chính quyền, và có khi, mỗi tình huống, cần phải chọn một hay nhiều chủ thuyết và chính sách khác nhau làm lý luận chủ đạo cho các quyết định chính trị.


Vài kết luận: Việt Nam thì sao?

Với đặc tính chính trị ngày càng tinh tế và phức tạp, điều kiện cần và đủ đối với thành phần lãnh đạo quốc gia là phải có khả năng trí tuệ và phải biết vận dụng lý trí để có thể đứng trên vai (nền tảng) những bộ óc ưu tú nhất của xã hội. Để làm được việc đó thì lãnh đạo phải biết lắng nghe và trọng dụng thành phần ưu tú, trí thức và chuyên môn của xã hội. Trí thức, phần lớn, là những người có suy nghĩ độc lập, muốn hành động một cách tự do, không muốn bị ràng buộc bởi quan điểm chính trị. Tuy ai cũng có quan điểm chính trị, họ không nhất thiết phải thuộc một đảng phái hay một khuynh hướng chính trị nào. Do đó, để có thể vận dụng trí thức nói riêng, toàn xã hội nói chung, vào công cuộc canh tân Việt Nam, điều kiện quan yếu là phải có tự do chính trị, căn bản nhất là tự do tư tưởng và tự do thông tin ngôn luận. Chưa có các quyền tự do này thì mọi nỗ lực vận động trí thức (chính hiệu) gần như là điều bất khả.

Đối với Việt Nam, chúng ta cũng thường nghe nói đại loại như “Mấy ông trí thức thì quá lý thuyết!” một cách ám chỉ tiêu cực. Chúng ta có thể hiểu câu này ba cách: 1) mấy ông trí thức chỉ giỏi nói lý thuyết, chẳng có (giỏi) làm; 2) lý thuyết quá cao siêu, hợp với trí thức, không hợp với người dân thường; 3) lý thuyết chẳng có thực dụng, mấy ông trí thức cũng thế, không có thực tiễn chút nào. Có thể nó hàm ý cả ba ý nghĩa này, nhưng hình như ý nghĩa thứ ba chiếm trội hơn, bởi thái độ coi thường lý thuyết và trí thức của người Việt được nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc phân tích rất lý thú trong bài “Chủ nghĩa phản trí thức trong văn học Việt Nam”. [5] Nếu xem văn (nghệ) sĩ nói riêng, những người cầm bút (trong mọi địa hạt) nói chung, là trí thức thì phần lớn thành phần trí thức Việt Nam không coi trọng lý thuyết.

Không ai nói thuyết phục và hấp dẫn về lý thuyết bằng Nguyễn Hưng Quốc, có thể là vì ông quá “mặn mà” với lý thuyết, và vì nó đúng với sở trường phê bình văn học của ông. Tuy nói về lý thuyết văn học, nhưng nội dung và tinh thần của tác phẩm Mấy vấn đề phê bình và lý thuyết văn học (vừa mới xuất bản năm 2007) có thể ứng dụng cho nhiều lãnh vực nhân văn khác, điển hình là văn hoá, khoa học xã hội và chính trị. Một số nhận định sau đây hẳn sẽ làm cho những ai quan tâm suy nghĩ: [6] thứ nhất, một nhà phê bình văn học nổi tiếng như Hoài Thanh (và một nhà văn có thể được xem là lớn nhất như Nhất Linh) không chừng chẳng hình dung rõ thế nào là lý thuyết văn học; thứ hai, “chống lý thuyết, hay nhẹ hơn, ngại ngùng trước lý thuyết, là một trong những đặc điểm và truyền thống trong văn học Việt Nam”; thứ ba, không thể chống lý thuyết mãi được vì đó là điều bất khả, bởi dù muốn hay không, nhiều lý thuyết (cũ) đã lặn vào vô thức của tập thể và âm thầm chi phối cách nhìn của mọi người. Do đó, “người ta chỉ có thể cân bằng hai mặt tích cực và tiêu cực của lý thuyết bằng biện pháp duy nhất là đa dạng hoá lý thuyết”. Nếu sự thống trị của một lý thuyết là dấu hiệu của độc tài thì sự phong phú của các lý thuyết sẽ là biểu hiện rõ rệt nhất và đáng tin cậy nhất của tinh thần và cơ chế dân chủ; thứ tư, “cái thiếu đáng tiếc nhất của giới cầm bút Việt Nam hiện nay là những cách nhìn mang tầm lý thuyết”, nhưng cái đáng tiếc hơn cái thiếu lý thuyết là cái thiếu ý thức về chính sự thiếu vắng ấy…

Hoạt động chính trị thì phải thực dụng, hiển nhiên, nhưng hoạt động mà không có tầm nhìn chiến lược thì e rằng chúng ta cũng chỉ loay hoay trong vòng tranh giành quyền lực để rồi bị lôi kéo xuống tầm văn hoá thấp, như thế thì khó mà xây dựng được một văn hoá chính trị lành mạnh, dân chủ và hợp lý cho xứng đáng với tầm nhìn và tiềm năng của dân tộc. Hoạt động chính trị theo nhãn quan của chủ nghĩa hiện thực thì con người trước sau gì cũng chỉ đối đầu với nhau, chiến tranh là điều không thể tránh được, như đúng lý thuyết đó nói. Nhưng nếu người ta lạc quan, tin tưởng mạnh mẽ vào cái thiện của con người (chẳng phải vì thế mà người ta đấu tranh cho tự do dân chủ để chống lại độc tài sao) thì ước vọng xây dựng một xã hội công bằng, nhân bản và phúc lợi mới có thể trở thành hiện thực. Cái nhìn lạc quan về con người sẽ đưa đến hoà bình, giảm thiểu chiến tranh. Tuy nhiên, điều kiện quan yếu, theo nhãn quan của cựu Thủ tướng Úc Malcolm Fraser xác định (mà tôi hoàn toàn tán thành), là phải có một nền tảng triết học chính trị, hơn nữa, phải hiểu sâu, gắn bó và cam kết đối với ý nghĩa triết học của nó. [7] Điều này cũng hàm ý rằng không thể xây dựng dân chủ nếu không có nền tảng triết lý về tự do, công bằng, dân quyền, nhân quyền, dân chủ pháp trị v.v…, và hơn nữa, nếu không có nguyên tắc và cam kết bằng tư tưởng và hành động (thể hiện tinh thần) dân chủ.

Hy vọng đã đến lúc người Việt, nhất là thành phần ưu tú trí thức và lãnh đạo chính trị, nhìn nhận rằng không nên tránh né hay coi nhẹ lý thuyết (chính trị, văn học…) nữa.

Melbourne 23/7/2007

© 2007 talawas


[1]Nguyễn Hưng Quốc (2007), Mấy vấn đề lý thuyết và phê bình văn học, nhà xuất bản Văn Mới, trang 363-364.
[2]Đối với trường phái hiện thực, xin đọc Hans Morgenthau (1973[1948]), Politics Among Nations: the struggle for power and peace, 5th edition, Knopf, New York, trang 4-21; Kenneth Waltz (1979), Theory of International Politics, Addison-Wesley, Massachusette, trang 102-128; Đối với trường phái phóng khoáng, xin đọc Robert Keohane and Joseph Nye (1977), Power and Interdependence: world politics in transition, Little Brown, Boston, trang 23-37. Ngoài ra có thể tham khảo các cuốn sách khác nói về các lý thuyết bang giao quốc tế: Davison, Rémy, ‘Introduction: the new global politics of the Asia-Pacific’, in Connors, Michael K., Davison, Rémy, and Dosch, Jorn (eds.), The New Global Politics of the Asia-Pacific, RoutledgeCurzon, Taylor & Francis Group, London and New York, 2004, trang 1-16; McDougall, Derek, Australian Foreign Relations: a contemporary perspectives, Addison Wesley Longman Australia Pty. Ltd. Limited, 1998, trang 12-17.
[3]Morgenthau cho rằng trong khi một nhà kinh tế hỏi “chính sách này ảnh hưởng thế nào đến tài sản quốc gia”, một luật sư hỏi “chính sách này có hợp với nền pháp trị không?” thì một người hiện thực chính trị sẽ hỏi “chính sách này ảnh hưởng như thế nào lên quyền lực của quốc gia?” Hans Morgenthau (1973[1948]), Politics Among Nations: the struggle for power and peace, 5th edition, Knopf, New York, trang 11-12.
[4]Pettman, Ralph, ‘World Politics: an overview’, (Unpub.), 2007, trang 6.
[5]Xin đọc chương “Chủ nghĩa phản trí thức trong văn học Việt Nam” của Nguyễn Hưng Quốc (2000), Văn học Việt Nam từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, Văn Nghệ, trang 285-300.
[6]Nguyễn Hưng Quốc (2007), Mấy vấn đề lý thuyết và phê bình văn học, nhà xuất bản Văn Mới, trang 16, 26, 42…
[7]Xin đọc Malcolm Fraser, Common ground: issues that should bind us, not divide us, Viking, nhà xuất bản Penguine Books Australia, 2002, trang 7-11.