© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
4.8.2007
Thanh Tâm Tuyền
Mù khơi
(Tiểu thuyết)
 1   2   3   4 
 
8.

Nửa đêm mưa thình lình. Tôi choàng thức khỏi cơn mơ. Gian phòng nhỏ kín quây bằng thứ tôn men bạc không hấp nhiệt giống như một cabin tầu biển lênh đênh trên giông bão. Mưa vã dập cuồng bạo dữ dằn vào các vách nhà và gió lăn lộn trên các từng cây xa. Nước đổ ào như thác lũ tưởng chừng đã cuốn trôi các ngọn đồi khô và ngôi nhà rộng trong đêm rung rinh, có lẽ lênh láng ướt mèm. Tôi chập chờn tưởng còn trơ trọi một mình giữa chốn này. Không còn gì khác ngoài sự vỗ về mơn trớn trên da thịt đang căng nở dịu dàng và hơi thở rất khẽ của chính tôi nhưng không hề bị lẫn nhoà trong các tiếng động rần rần vang trời đất.

Lâu lắm, hôm nay tôi mới còn giữ được nguyên vẹn một cơn mộng khi đã tỉnh. Tôi thường bị dìm sâu trong một giấc ngủ nghe chật những xô đẩy không hình tượng hay bị vùi dập trong từng chuỗi mộng tung liệng mình lăn lóc không ngừng nghỉ cho tới lúc thức dậy hoảng hốt chẳng còn ghi nhớ được gì. Những chuỗi mộng ở đâu ngoài thần trí, chụp tới, quật ném tôi như trái banh trong bàn tay trẻ nhỏ. Tôi vô giác hoàn toàn. Nhiều lúc quay nhìn, như người đi trong đêm nghe tiếng động sau lưng chỉ thấy bóng tối dày đặc.

Nhưng bây giờ tôi nằm nhớ được rành mạch mỗi chi tiết giấc mộng vừa qua. Trong đêm mưa lồng lộng bủa vây, tôi mang soi rất lâu mỗi hình ảnh đã gặp, như người thợ chụp hình tôi chăm chú tô điểm những bóng mờ, những nét đậm một cách say mê. Giấc mộng liên tục lớp lang như một câu chuyện nhưng lại do một kẻ hốt hoảng, thất thần kể.

Tôi thấy người đàn ông ấy, chính ông ta không thể lẫn với ai khác, đứng bên bờ sông. Chốn thật hoang dã. Ông đứng trên một chiếc thuyền tay bưng mặt. Trời đen kịt, thuyền bật một ngọn đuốc leo lét. Ngọn đuốc cháy không người cầm.

Tiếng chèo gỗ lộc cộc. Tóc người đàn ông xoả dài như tên phù thuỷ, mái tóc chuốt óng lạ lùng như của đàn bà, và khi người đàn ông buông thõng tay, múa máy như người điên, khuôn mặt hiện lồ lộ trong bóng lửa là một người đàn bà. Tiếng gọi rỡn óc vang một dải sông dài.

Và mưa to đổ trắng xoá buổi sáng. Buổi sáng ngập ngừng chưa muốn lên của một ngày thật xa vời. Tôi chạy đuổi theo bóng người mập mờ xa khuất như hiệu còi tàu rúc văng vẳng, bóng người không rõ đàn ông đàn bà. Tôi ngã chúi, xây xát mình mẩy vật lộn với kẻ thù địch. Cuộc vật lộn im lìm như không như một trò đùa ngơ ngác. Tôi nhìn thấy Hằng và hỏi: Hằng đấy ư? Em đấy ư? Em có biết anh là ai không? Hằng khóc vùi, khóc điếng hồn và tôi giận dữ vô kể. Tôi gào to hơn người đàn bà. Rồi tôi gào không còn tiếng, rớt rãi lòng thòng như con chó dại.

Cuối cùng tôi cũng thấy tôi khóc, khóc mùi mẫn như người đàn bà. Lúc ấy rõ ràng tôi nghe tôi khóc thành thật và tôi cố vùng thoát khỏi giấc mộng, tỉnh tảo trong khoảnh khắc để kiểm chứng, nhưng đó chỉ là những nhịp đẩy dồn ức ức trong ngực mà thôi. Tôi sụp xuống ngay sau đó vào giấc ngủ và mộng nối tiếp tức thì như không hề bị ngắt quãng. Tôi khoẻ êm ái hơn một mình. Không còn ai ở cạnh.

Người đàn ông lững thững từ trên thang lầu xuống và gặp người ăn mày ngủ cong queo dưới chân thang trong ngõ hẻm chung của một dãy phố lầu. Ông cúi xuống chuyện trò với gã ăn mày bẩn thỉu, cầm cái ống lon của gã gõ loong coong lên tường. Ông hỏi tôi: "Con thấy không?"

Tôi hỏi lại: "Thấy gì?" Ông nhặt cái nón nỉ dưới đất chùm lên đầu như anh hàng phở, bước ra hè phố. Tôi cùng đi với ông trong một buổi chiều đông lúc nắng chưa tắt. Chúng tôi đi hoài và không ai nói. Tôi nghe thấy tiếng người gọi từ bên đường: "Anh Trường, anh Trường…"

Tôi giới thiệu với ông: "Đây là Xuân Hồng, ông nhớ không?" Ông nói: "Hồng hả, tôi biết…" Và đó là Hồng. Hồng xanh mướt như tàu lá. Ông giữ mặt Hồng và hôn. Nàng nhìn tôi bằng đôi mắt gian giảo. Tôi hỏi ông biết ai đó không?... Ông không đáp, cắm cúi đi nhanh hơn. Tôi theo bén gót hỏi ông đi đâu thế?

Người đàn ông dòm tôi, mặt mũi khó chịu: "Anh kỳ khôi quá, không chịu thấu…" Tôi cười chọc giận nhăn nhó khả ố. Ông lẩn nhanh vào đám đông chen chúc xô chạy rầm rập không duyên cớ. Trong khi tôi chạy lung tung len lách và la vang: "Ông chết rồi, ông biết không… ông chết rồi…" Tôi bị xô té sấp té ngửa. Đám đông ùa tràn xéo đạp trên mình. Tôi vẫn lăn trở tức nghẹn họng, vùng vẫy và không nghe tiếng gọi: "Anh Phúc, anh Phúc… Trường… Trường…" Xong một lúc tôi nghe mình lềnh bềnh trôi dật dờ trên một dòng sông mưa ngát những hương bay.

Lúc ấy mưa đổ bên ngoài, vọng sâu trong giấc thiếp, chuyển trong vòm nhịp phủ kín những mơ màng lặng lẽ. Tôi nghe như bầy lá dài khua đọng miên man, lả tả trên sân vắng của ngôi nhà cũ một thời đầy hoang lạnh mà tôi thấy mình trở về đi lại nơi đó. Tôi trở về nhìn cảnh tượng khác xưa biết bao nhiêu hiện trong nắng quái bàng hoàng.

Dường như tôi vừa trải qua cuộc hành trình, tôi mệt nhọc buồn bã. Tôi bước theo lối mòn ra đồng, ở đó lỗ huyệt đang lấp. Đứng vây quanh nấm mộ, những người lạ chưa từng gặp. Tôi đứng bên gốc tre ngắm cảnh tượng, không nghe một tiếng khóc. Ông ta chết im lìm như tiếng tù và khuất tắt trong buổi chiều nhạt, mênh mông.

Người đàn bà kiềm diễm, không hề bị tuổi tác tàn phá, trang điểm diêm dúa như bộ mặt sân khấu, trong một vai đào thương, mắt đẫm lệ tiến đến phía tôi hỏi: "Sao anh không đến dự?" Chúng tôi quay về lối cũ, trở về nhà. Tôi bảo: "Thưa bà, ông đã chết… cuối cùng ông đã chết…" Người đàn bà rút khăn tay hỉ mũi: "Anh thấy, dù thế nào, tôi không bao giờ quên…" Tôi nói: "Tôi sợ bà không hay tin…" Chúng tôi im lặng rất lâu không còn gì để nói với nhau nữa.

Tôi hỏi: "Thưa bà, bà vẫn mạnh khoẻ?" Người đàn bà cười buồn: "Dạo này, tôi hay bị mệt bất thường. Còn anh?" Tôi không đáp, bước nhanh hơn, đẩy cửa rào. Chúng tôi bước vào trong nhưng tôi nhận ra tôi đã vào lầm. Đây không phải là ngôi nhà của tôi. Chúng tôi đi thẳng vào vườn sau, rẽ sang vườn bên… Chúng tôi đi qua suốt mấy khu vườn mà vẫn không tìm thấy vườn nhà. Một hồi chúng tôi bỗng thấy lạc vào trong thị trấn nghèo nàn. Tôi hỏi: "Bà có biết ông ngụ ở đâu không?" Người đàn bà đáp: "Tôi làm sao biết… ông là người phi thường… đàn bà như tôi chỉ sống bình thường, tôi không thể theo nổi ông, ông hiểu cho tôi". Tôi cười dài nho nhỏ, đau thốn trong ngực: "Tôi hiểu hết chớ… có cái gì mà tôi không hiểu…" Mưa đổ hiu hắt trên đường phố lầy lội. Tôi đứng nép vào một mái hiên, ngẩng nhìn trời. Trời mờ ảo như gương mặt của người đứng bên.

Tôi hỏi: "Bà có nghĩ ông thật là phi thường không? Hay bà chỉ nói thế thôi…" Người đàn bà ngửa mặt ướt mèm tội nghiệp. Tôi chỉ vào cánh cửa đóng kín sau lưng: "Ông ấy ở trong này… ông ấy đánh lừa bà, ông ấy không chết đâu, tôi biết…" Người đàn bà vụt biến đâu. Tôi còn một mình nhìn mưa thốc, dưới mái hiên hẹp…

Trong kẹt góc của thần trí chưa bị dìu ngập vọng tới những ý nghĩ âm vang bình thản: đó là thứ complexe rẻ tiền, vung vãi… mày có nó trước hay mày lấy nó trong sách nhét vào đầu óc… trước khi thức vì những lay động ù choáng bao bọc.

Tôi còn nằm lâu hồi nữa, biết mình khó tìm gặp giấc ngủ đã mất. Tôi mò mẫm trong bóng tối kín ra ngoài phòng khách, ngồi trong chiếc ghế bành ẩn một góc làm quen với cảnh tượng khuất chìm sau màn đen dầy khít, đám mưa lê thê sẽ có thể kéo dài trong ngày.

Trong nhiều ngày, tôi sẽ bị cầm chân ở đây, sẽ phải chạm mặt với những kẻ không mấy ưa thích. Tôi nghe thoáng vài tiếng động mập mờ quanh gian phòng thật rộng. Có lẽ một người cũng thức dậy trong đêm, một người nào cũng không ngủ yên, không sao nằm trong buồng riêng. Tôi cố dỏng tai xuyên qua cơn náo động của đám mưa dữ dội lắng nghe xem còn không tiếng máy điện nổ dưới nhà ngang.

Trong một lúc mưa thoắt lui xa nhưng gió còn lộng chập chùng. Tiếng nước chảy vẳng gần như một con suối tuôn tràn. Tôi nghe qua sự lãng bỏ của tâm thần chênh chao như cỏ rạp dưới luồng nước mạnh những tiếng thì thào quanh quẩn. Bóng tối lãng nhạt, lung linh vì những tiếng động khuất chìm và giọng người nổi trôi nồng nàn.

"Anh, anh vẫn còn đấy ư..."

"Làm sao anh chết được…"

"Tại sao anh không nói gì với em hết vậy?"

"Anh nói gì… Gần em, anh không biết nói gì".

"Anh ở đâu?"

"Thì anh đang ở đây".

"Không, em muốn hỏi hiện giờ anh ở đâu? Nếu em xuống Sài Gòn, em sẽ tìm anh ở đâu? Tại sao anh cứ dấu chỗ ở với em? Em không thích mỗi một lần… em phải chờ đợi anh ở một nơi…"

"Anh giữ cho em".

"Không, anh giữ cho anh… Em không có cái gì phải giữ…"

"Đừng… đừng… đừng điên cái đầu… Dù sao…"

"Em muốn được điên. Anh không thích điên sao?"

"Anh còn nhiều việc… phải làm…"

"Lúc nào… anh cũng nhiều việc…"

"Anh nhiều việc thật…"

"Em biết anh bận việc… Nhưng còn tình yêu của chúng mình…"

Người đàn ông bật cười khẽ nhưng tiếng cười bị bịt gắn. Sự nín lặng xô dồn những quấn quýt tràn ngập những nhịp thở ngắn của đôi tình nhân. Tôi ngồi cứng trong ghế bành như bị chôn chặt ở đấy.

"Suỵt…"

"Em không sợ bất cứ sự gì…"

"Chắc không?"

"Anh có muốn em la lên không? Em la cho mà xem…"

"Hystérique. Tu es hystérique…"

"Anh sợ…"

"Có lẽ".

"Anh sợ gì?"

"Anh sợ cho em".

"Không, anh sợ".

"Thì anh sợ…"

"Anh sợ gì? Sợ em?"

"Có lẽ".

"Nhưng anh nhớ anh không thể nào bỏ em… Anh mà bỏ em, em giết chết…"

"Đừng đùa… Anh không thích đùa…"

"Anh sợ… Em không đùa…"

"Anh cũng không đùa…"

"Anh giận em đấy à?"

Tôi nhướng rảo mắt khắp phòng, nhận dần được một số hình thù các đồ vật nhưng không thấy bóng người. Có lẽ đôi tình nhân nằm trong chiếc sofa lưng quay chếch về hướng tôi.

"Cưng… cưng ơi".

"Thôi vuốt giận, cưng".

"Em có biết anh đang mệt lắm không?"

"Tại sao cưng mệt?"

"Anh nhức óc vì em".

"Thôi, em xin lỗi".

"Em xin lỗi xong rồi em lại tái diễn…"

"Em xin lỗi. Nhưng em yêu anh… Anh không yêu em sao?"

"Yêu… yêu… Em bằng lòng chưa?"

"Anh không yêu em".

"Nếu em thích thế…"

"Anh nói gì lạ… Anh…"

Mưa lại từ những rừng cây và sau các ngọn đồi chạy ùa tới, ầm ĩ một cách tẻ nhạt. Những đợt mưa dội mạnh mẽ, có lẽ còn hơn trước nhưng tôi chỉ nghe ồn sự buồn bã buông tung trong không gian. Tôi cảm rõ trời như sẽ chỉ sáng đến một độ rồi thôi và ngày sẽ kéo dài mãi trong màu đen lúc này.

Tôi không còn nghe lọt những lời trao đổi nhấm nhẳng của đôi tình nhân, lẩn chìm trong từng hồi ào ạt. Rồi tôi quên bẵng hẳn sự hiện diện của họ trong cùng một nơi với tôi. Tôi bó gối trong ghế bỏ mặc những vũng tối ngậm gió trôi dạt vào đầu óc trống.

Người đàn bà thốt kêu tục tĩu. Tôi giật mình ớn lạnh. Rõ ràng đôi tình nhân đang ân ái. Tôi bị chóng mặt, đầu bừng bừng, phải nín hơi, nghe mình như chiếc thùng trống rỗng khua vang tiếng chầy đập. Người đàn bà rên lảm nhảm, trong khi người đàn ông rít khẽ: Im, im…

Tôi muốn đứng lên, trở vào phòng riêng nhưng như thế tôi sẽ phải vòng qua trước ghế có hai người. Và tôi bị xem phải thu hình kín tiếng, cố giữ như câm điếc, vô tình đóng vai đồng loã.

Người ta bật quẹt châm thuốc. Ánh quẹt soi một vài giây những bóng đen méo mó trên vách. Tôi hy vọng sẽ bị phát giác và tôi sẽ thản nhiên rời chỗ thoát khỏi cảnh kỳ cục.

"Em biết không? Mỗi lần… anh đều buồn lạ…"

"Anh không bằng lòng…"

"Không… Anh buồn, cũng không hiểu sao".

"Tại mình không được tự do… Em sẵn sàng…"

"Không phải thế… Anh thấy như…"

"Em chỉ thấy ở gần anh, em không nghĩ đến gì khác. Anh không thế được sao?"

"Anh thấy như…"

"Anh chán".

"Không… Anh không biết diễn tả thế nào. Em, em là một cái vực…"

"Còn anh?"

Mưa đã ngớt. Không khí se lạnh trong gió luồn qua các khe hở của ván cây. Miệng tôi nhạt nhẽo, thèm hơi thuốc. Tôi tính tiến tới sau chiếc ghế dài nói bằng giọng trêu chọc, như buổi tối: "Cho tôi xin điếu thuốc đi… tôi giải thích hộ anh cho… Après des cochonneries, des saloperies… Ça, c’est catho". Nhưng tôi không nỡ, quả thật tôi không nỡ.

Người đàn ông ấy nghĩ cũng tội nghiệp, không thoát khỏi những huyền hoặc muôn mặt của một cảm xúc đơn giản, không thoát nổi cái úp chụp của một vài phút giây tuyệt vời gây những ảo giác triền miên về vĩnh viễn… Người đàn ông ấy… Tôi không nỡ…

Buổi sáng ủ dột trong cơn mưa chất nặng rình rập trút đổ chưa biết lúc nào. Ánh ngày lờ lững bẽ bàng đậu trên đồ đạc, trên các phiến gỗ xẫm mầu véc ni của sàn vách lấp loáng ánh điện nhoà nhạt bật sớm.

Bữa điểm tâm dọn trên bàn ăn dài thành phần riêng biệt bày sẵn, đợi khách. Hồng đã ngồi một mình ở đầu bàn, chăm chú đọc một tập vở học trò chi chít những chữ mực. Chúng tôi trao đổi vài câu thăm hỏi thường tình. Hồng vẫn cắm cúi theo đuổi công việc riêng, nét mặt lặng trang.

Tôi ngồi xuống đối diện với Hồng, mở phích nước sôi để sẵn pha cà phê vào tích, đẩy đến mặt người bạn gái. Tôi bảo ai ra trước ăn trước, ai ra sau ăn sau, tôi đói ngấu. Hồng nhấm nháp cà phê không chú ý. Một lát, Khả ra đính nụ cười hết sức lơ ngơ. Vợ Khả xuất hiện trang điểm cẩn thận, mặc bộ áo đầm trắng ngắn vẻ nhởn nhơ của người đàn bà không chút bận tâm lo nghĩ. Lúc tôi đã gần xong bữa ăn sáng, khách khứa vào bàn đông đủ và Hồng cũng đọc hết tập vở.

Trong câu chuyện rời rạc tẻ nhạt như bầu trời chật những đám mây khói bên ngoài. Vợ Khả săn sóc từng khách mời, hết sức bặt thiệp, cố gây bầu không khí linh hoạt. Khả theo dõi vợ bằng đôi mắt bình thản bao dung.

Người đàn ông tên Bảo ngồi cạnh tôi. Hắn nói chuyện với Hồng về tập vở nàng đọc. Đó là một trong những tập vở của người đã chết để lại cho Bảo, Bảo mang theo sát bên mình và đã đưa Hồng mượn từ buổi tối. Suốt đêm, Hồng đã thức đọc. Bên phía Hồng, ba người đàn bà nữa đang bàn tán về mùa nắng Sài Gòn, sự lợi hại của máy điều hoà không khí mới được nhập cảng. Một trong ba người mặc chiếc áo dài khoét cổ. Một người đàn ông phốp pháp ăn uống nhồm nhoàm, chốc chốc phát những nhịp cười hể hả yêu đời. Khả đã giới thiệu hắn như một chính khách chờ thời trông nom khai thác một xưởng cưa, hắn có liên lạc mật thiết với một lãnh tụ lưu vong nổi danh. Một người đàn ông khác lúc nào cũng tủm tủm ít nói, hay bị phụ nữ trêu cợt. Hắn đối đáp bình thường nhưng ánh mắt chiếu vào đám phụ nữ một cách bệnh hoạn. Người đàn ông thứ ba, tôi nhớ vẫn thường gặp luôn ở những chốn hay lui tới nhưng không quen. Người ta đồn hắn hợp tác với sở nghiên cứu chính trị. Hắn là người cái gì cũng biết chẳng rõ đúng hay sai, nói thao thao về mọi chuyện, nhìn thấy mọi khúc nổi, ẩn tình. Người hắn gầy gò hom hem với chòm râu mọc dưới cằm, mắt lồi như hai con ốc.

Tôi bảo với Hồng và Khả: Tôi phải về Sài Gòn bữa nay. Thật sự tôi chưa biết đi đâu nhưng tôi không thể ở lại trong vũng lầy nhầy như mặt sân đất. Khả nói: "Moa sẽ đưa toa ra phố". Tôi rời bàn trở về phòng riêng. Hồng hỏi: "Anh về Sài Gòn thật? Anh nhất định trốn…" Tôi cười: "Tôi trốn thì tôi trốn, biết làm sao…" Trong hành lang, tôi còn nghe vẳng giọng cười ôn tồn của Khả. Tôi nằm dài trên giường chờ đợi. Gian phòng bít bùng khó chịu. Khả bước vào phòng, ghé ngồi lên mép giường, hỏi tôi:

"Cậu nhất định về đấy hả?"

Khả trở về phòng riêng. Tôi vòng lối sau xuống sân ngồi đợi trước trên xe díp. Hồng xuất hiện đột ngột hỏi một câu thừa: "Anh đi đâu thế?" Tôi chào nàng lần nữa nói về Sài Gòn. Hồng tiến gần thành xe định nói xong lại thôi. Tôi quả thật không nghĩ đến việc khơi mào bất cứ chuyện gì lúc này. Tôi châm thuốc hút, dòm lảng lên ngọn đồi mà Hồng và tôi đã đến, thấp bé trong buổi sáng ngầu đục. Phía chân trời, mưa mù mịt đang chạy tới. Khả bước xuống sân chụp chiếc mũ da lưỡi trai trông lạ lẫm.

Lúc xe rồ máy chạy, Hồng cười bảo Khả bằng giọng vui đùa:

"Anh đưa anh Phúc đi trốn đấy hả?"

"Vâng. Tôi trốn. Gửi lời chị chào các bà…"

"Anh yên chí. Tôi sẽ chụp được anh dưới Sài Gòn".

"Khó lắm… khó lắm… Chị Hồng ơi…"

Xe chạy chậm trên đường dính lép nhép. Trời trĩu buồn trên những rừng cây sũng nước, Khả bám tay ôm vô lăng, lái thận trọng, mặt lầm lì u ám.

"Tối hôm qua tôi vừa nói với cậu xong nhỉ… Đời tịch mịch lặng lẽ… như nước trôi xuôi. Tôi không chịu cái đầu trục trặc của cậu".

Nhưng lúc về phòng thì tôi tự hỏi: Tại sao lại thế? Có thật tôi đểu giả đến cái mức ấy… Sự đau đớn ngấm dần rõ ràng khuấy động tôi không ngủ… Buổi sáng, lúc trong bữa ăn, trong một vài giây thoáng, lúc tôi cầm con dao, tôi lóe thấy tôi có thể đứng lên thanh thản tiến đến sau lưng ghế đâm một nhát vào sau lưng nó, rồi bình tĩnh tiến tiếp "en"… Cũng không sao… không hận thù… Thêm một hành động hay bớt một hành động, đời sống có thay đổi gì khác… Vậy tại sao mình lại bớt hay thêm?

Bớt hay thêm sự vô định vẫn trơ trơ ra đấy thôi phải không? Hành động nào cũng có đủ những lý lẽ động cơ ngang nhau cả… làm gì có thứ acte gratuit… tôi hoàn toàn tàn nhạt… Cậu hiểu chứ… hoàn toàn bấp bênh… Tôi điên, điên tỉnh táo vô chừng… Tôi để nguyên mọi sự và tôi đùa rỡn, tôi sẽ thêm hay bớt… tôi đợi một cái gì mù tối đẩy tôi thêm hay bớt… làm sao có nổi sự mù tối ấy… Đúng, "en" nhìn tôi đúng, tôi raté. Tôi điên… điên thật… điên với một cái mặt nạ bình thản…

Xe chúi vào trong trận mưa dầy nặng, chậm thêm và ngừng hẳn. Khả kéo bạt che chỗ ngồi, xong châm thuốc hút, mở pha. Cây quạt nước trên kính hư. Mầu mưa trắng xoá trong thứ ánh sáng thẫm tối lờ mờ những khối cây đen rung động ào ào.

"Đành ngồi đây chơi. Mưa này không thể đi được. Ngày thường thì chẳng sao nhưng hôm nay lỡ chẳng may xe lủi xuống hố, có bề nào người ta lại bảo là mình có ý định tự tử… tự tử cũng chẳng sao… phải không? Cái gì cũng biện minh được cả và rốt cuộc cũng chẳng thể biện minh được. Mà sao cứ tìm cách biện minh cơ chứ?

"…Đời đáng chán biết thôi là đủ… Sự chán đời xin nhủ lại tri âm… Nên chăng nghĩ lại kẻo lầm… Cậu có thấy Tản Đà tuyệt không? Cái câu chuyện đời đáng chan hay không đáng chán chỉ có thể "cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm". Chỉ có thể "riêng hỏi bạn tri âm" thôi và khi đã riêng hỏi với nhau thì, câu trả lời "biết thôi là đủ" là nhất… Biết thôi là đủ… Thứ Camus thấm tháp vào đâu… Cái gì mà còn phải tưởng tượng là mình sung sướng, sung sướng là cái quái gì biết là đủ… nhất… Ngẫm nghĩ mà xem…"

Khung cảnh giam hãm dật dờ trở thành một thế giới mông lung, không còn gì nơi đây, ngoài khoảnh khắc ngẫu nhiên đầy ắp và hun hút, khoảnh khắc trôi nổi giữa mịt mù như hòn đảo giữa đại dương, khoảnh khắc ma tuý làm ngầy ngật tâm thần. Tôi bị xô đẩy cuốn trôi quay tròn như trong con xoáy nước.

Khả cho xe chạy. Đèn pha của chiếc xe díp không đục thủng nổi màn mưa. Ánh ngày như đang về chiều.


9.

"A, bông dua me sừ. Lâu quá không thấy ông chủ".

Chú Tầu barman cười nhe răng vàng, cầm cái khăn lau thêm một lượt nửa mặt bàn kính còn sạch nguyên mới bày ra ngoài vỉa hè.

"Lâu quá phải không?"

"Mấy ông bạn hỏi thăm ông hoài… Dùng gì ông chủ?"

Tôi kêu tách cà phê, ngồi thoải mái trong chiếc ghế da cứng đặt trên thành gỗ, tựa vào vách tường thấp của hàng quán. Sau lưng, trong quầy rượu, chú barman tiếp tục lau chùi các chai rượu bày trên các kệ gỗ, mặt quầy thẫm đen. Mặt vỉa hè kẻ ô vuông nhỏ đã được quét sạch lá me rụng, các nút chai, giấy vụn gom thành đống trong luống đất quanh gốc cây me già xum xuê xanh ngắt trong mùa mưa. Cách mươi bước, người cảnh sát đứng dưới tấm biển sắt cấm xe hai bánh lưu thông trên con phố trải ngang trước mắt canh chừng hiệu đèn lưu thông bật chớp. Buổi sáng còn mới trên các chòm cây lá nhỏ lăn tăn như vẫy trời xa, trên bãi cỏ nghiêng dốc mướt mịn bên góc phố, trên mặt nhựa phố vắng xem nổi mờ sự ẩm ướt.

Bên kia đường là toà nhà cao nhiều tầng phô mầu xám không đổi theo thời tiết trên những mặt phẳng đứng gồ dẹp xen giữa những khuôn cửa rộng sau bao lơn bầy lơ thơ một hai chậu kiểng bé xíu. Một vài khuôn cửa mở thấy hiện khoảng trống mờ của phòng ở trên cao. Một người đàn bà đứng ngoài bao lơn hút thuốc lá ngắm phố. Các cửa hiệu dưới đường tủ gương bày hàng sạch boong chỉ mới có người bán qua lại bên trong. Trên vỉa hè chỗ tôi ngồi, những người đi chân né tránh dãy bàn của quán, lạng ra bìa hè, bọc vòng ngoài gốc me.

Tôi nhấm nháp tách cà phê lâu mươi lăm phút một mình dưới mái hiên như chờ đợi mà không chờ đợi ai hết. Bên phòng trà rộng của hàng quán, khách chốc chốc ra vào nhưng các bàn bày dưới mái hiên ngoài hè trước quán rượu vẫn trống trơn. Các khách quen chỗ này thường chín giờ mới bắt đầu kéo nhau tới và sẽ ngồi lại gần hết buổi sáng.

Tôi có thể gặp những mặt quen, quen phát ngấy, biết hoặc không biết nhau, khảo những chuyện quan trọng hay vụn vặt của thành phố này, nói tầm phào qua giờ. Tôi có thể quên khuấy dự tính của buổi sáng chẳng chút ngần ngại trong cảm giác mòn mỏi vui thú đôi lúc làm giật mình thảng thốt trong cay đắng nhờm lợm. Ở đây, tôi gặp những gương mặt phô diễn vẻ u ám nhợt nhạt phẳng lỳ bị ngày tháng mài gọt và ở kia là nơi tôi định tới, tôi cũng gặp những gương mặt bị bóp méo lệch lạc trong một vài phút thật thà hay cố tình giả trá trước một cái xác lặng lẽ hết nhăn nhó, nhưng vẫn không giấu nổi vẻ mệt mỏi suy nhược thất thần.

Người đàn ông thấp lùn tay đeo túi vải xanh, chùm chìa khoá rổn rảng, đứng lại trước quán sách báo vừa mở, cười cợt với cô chủ quán, lật xem một tờ tranh ảnh.

"Lâu quá anh".

"Lâu quá".

Hắn bước vào trong quán rượu, bắt tay chú barman, loay hoay mở khoá bàn banh điện. Tiếng máy chạy xập xẹ từng nhịp với dàn đèn bật tắt vui mắt. Hắn dốc hộc jeton, khoá máy, nhấn thử và mời tôi vào chơi, rồi ra đứng quầy đếm xía mấy cọc jeton tính tiền với quán rượu. Cái trò cô độc hút trong tâm trí tôi dai dẳng nhây nhưa như đỉa đói giống như ngày cũ.

"Anh biến đâu?"

Tôi giật thót mình như hụt chân suýt ngã. Chiếc bàn máy lắc mạnh điện tắt phụt. Hồng đứng ngoài hè, cạnh cái ghế tôi vừa ngồi, bụng tì áp vào thành tường thấp, lộ nửa thân.

Tôi nhìn khuôn mặt người bạn gái loáng thoáng như có mầu xanh của lá cây chiếu dưới mái tóc mới uốn lạ mắt. Vẻ ngoài của tôi bình thường nhưng riêng bên trong tôi biết tôi đang trải một cơn khủng hoảng ngấm ngầm dữ dội. Hai bàn tay tôi vươn nắm chặt thành bàn máy, cố nắm chặt nhưng những ngón tay thì rung lẩy bẩy như đuôi thằn lằn mới đứt.

Bỗng không đâu như thế, tôi tự dưng như bị xô ngã và tâm thần lay động xác xơ như tầu lá trước một cơn hoảng hốt vô lý. Tôi nín thở lặng lẽ cười theo người bạn, vẫn đứng im chờ. Tôi biết chỉ trong khoảnh khắc thôi cơn chấn động bất thường sẽ ngưng tuyệt, sẽ chỉ còn để lại những kẽ rách buồn thảm tối tăm.

"Làm gì nhìn tôi dữ thế?"

"Chị có cái đầu mới".

"Lần thứ nhất, tôi thấy anh ngắm tôi đấy nhé".

Tôi quay vào trong quầy trả tiền, đợi cho những âm vang cuối cùng trôi tắt hẳn. Lòng bàn tay vã đầy mồ hôi. Tôi thoáng nghĩ tới một khoảng thời gian phơi nắng trên giường bệnh. Bao nhiêu năm nay, tôi chưa ngã bệnh, tôi rùng mình ghê sợ cho cái cơ thể sao chưa mọt rỗng, cái cơ thể mù loà còn đưa đẩy hoài.

"Chị định đi đâu bây giờ đây?"

"Không đi đâu cả. Còn anh?"

"Chốc nữa kia. Bây giờ không gấp".

"Tôi làm sao đưa chị nổi. Mình kiếm chỗ nào khác ngồi".

"Tại sao không ngồi đây? Tôi thích ngồi đây".

Hồng kéo ghế ngồi xuống, trong lúc một đám khách ồn ào kéo tới. Cái chợ vỉa hè của các tay rong chơi ngày tháng bắt đầu họp. Sự xuất hiện của Hồng như một nốt lạc gợi sự tò mò hay giả ngơ. Tôi bắt buộc phải tiếp Hồng.

"Anh biến đâu?"

Tôi làm bộ mải lo gọi tảng lờ không đáp.

"Anh biến đâu? Tôi để ý tìm anh mấy tháng sao không gặp. Anh cũng không lại trường mà…"

"Tôi không đến trường".

"Anh chui vào đâu?"

"Rõ ràng tôi vẫn ở đây mà".

"Tôi nói đùa mà anh trốn thật. Anh sợ tôi thật hả?"

"Chị nói chuyện gì cứ như công an hỏi cung. Tôi không phải là kẻ tội đồ của chị đâu nhé".

Hồng cười vui vẻ hơi khác thường. Có lẽ nàng muốn xoá bỏ ở tôi cái kỷ niệm buổi nói chuyện trên đồn điền của Khả. Có lẽ nàng tưởng tôi vẫn còn bận tâm về buổi ấy. Tôi muốn bảo người bạn gái rằng chẳng còn gì nữa cả. Tôi không thích cứ phải nhắc nhở những chuyện đã qua. Hồng lại nhắc câu hỏi đầu tiên: "Anh biến đâu?" Tôi bỗng thấy tôi có thể nói với Hồng một vài điều, cũng là mở thoát cho nàng mối ám ảnh nếu có.

"Tôi đang viết một quyển tiểu thuyết. Có lạ không?"

"Một quyển tiểu thuyết, không có gì lạ cả".

"Chị làm tôi cụt hứng".

"Anh tức không?"

"Tức chứ. Vì chị là người đầu tiên tôi mang chuyện này ra nói".

Trong quán, người ta đang vây bàn banh điện mở cuộc đánh cá tài nghệ. Cuộc huyên náo trong buổi sáng đang dần thấm mệt giữa ánh nắng lọc. Hồng ngó đám người lớn trửng rỡn, tia mặt soi mói. Tôi tưởng Hồng dò xét chính tôi, không phải những kẻ lạ mặt ở trong.

Tôi không thích tia mắt ấy chút nào. Hồng hỏi về trò chơi, tôi giải thích cho nàng rõ và hỏi: "Chị cũng có thể chơi được". Hồng tìm lại được sự hóm hỉnh: "Tôi biết anh định nói gì… Anh vẫn không chừa cái tật thích xỏ tôi". Tôi trả tiền và đứng lên trước.

"Tại sao anh lại nói với tôi đầu tiên?"

"Chuyện gì?"

"Chuyện về quyển tiểu thuyết ấy…"

"À, quyển tiểu thuyết. Vì chị là người tôi gặp đầu tiên. Chị tức không?"

Hồng phì cười, đứng dừng trên vỉa hè đợi sang đường, nghiêng nhìn tôi. Đằng sau chúng tôi, hai ba cô cậu học trò tíu tít cãi nhau về một câu thơ dịch. Họ vượt qua mặt chúng tôi lúc bước xuống đường, tà áo bay phất. Tôi thấy bằng lòng về buổi sáng với Hồng, buổi sáng này để nghe chuyện một câu thơ và nói chuyện về một quyển tiểu thuyết.

"Giản dị thế thôi? Tôi cứ tưởng quyển tiểu thuyết có liên quan đến tôi chứ".

"Sao lại liên quan đến chị? Mà chị muốn thì nó sẽ liên quan, cũng chẳng sao".

"Tôi muốn? Không tôi không muốn liên quan. Anh để tôi ra ngoài".

"Chị sợ rồi?"

"Không sợ, nhưng không thích. Thôi anh thử nói tôi nghe xem nào".

Tôi dừng chân, móc thuốc châm hút để suy nghĩ. Nhưng điều tôi tính nói với Hồng lúc còn ngồi ở hàng quán đâu mất. Tôi đang cố nhớ, nhưng những sự sẽ nẩy ra đây tôi biết là những điều khác. Nếu tôi lại gặp Hồng một lúc khác nữa tôi sẽ lại nói những điều khác nữa. Quyển tiểu thuyết lúc nào cũng xong, cũng bắt đầu ở trong đầu tôi thôi. Vì thế tôi không sao viết nổi nó chăng, hay tôi sẽ viết hoài không khi nào dứt được.

"Quyển tiểu thuyết tôi định viết… Nhưng trước tiên tôi phải nói cho chị nghe cái nguyên do đã khiến cho tôi có ý định viết quyển tiểu thuyết này đã… Chị lại đã… biết cả tôi nói dối, đóng kịch nữa. Mà thôi bỏ qua chuyện ấy đi. Tôi chưa hề bao giờ có ý định làm nhà văn cả, ngay lúc này nữa. Mặc dầu tôi đã có nguyên một quyển tiểu thuyết trong đầu tôi này này. Sở dĩ tôi có cái ý nghĩ viết một quyển tiểu thuyết là vì theo lời yêu cầu của một người".

"Ai? Đàn ông hay đàn bà?"

"Đàn bà. Chị không biết đâu".

"Thân hay sơ?"

"Gọi là thân cũng được. Gọi là sơ cũng được".

"Vậy là người yêu của anh chứ gì?"

"Chị làm tôi buồn cười quá. Đừng chọc tôi cười, cười là tôi quên ngang chuyện mất…"

"Thôi được. Anh nói đi".

Chúng tôi đã qua hết đoạn vỉa hè dọc theo bên công viên nằm cao. Trong công viên, một chị người làm dắt con chó xù thấp bé quần trên bãi cỏ, dưới vòm tò vò gỗ đan, nước sơn xanh đỏ đã phai, trên băng đá người đàn ông chăm chú đọc báo. Mấy cô cậu học sinh đứng tán gẫu trước thư viện đợi giờ mở cửa.

"Tôi có một quyển tiểu thuyết…"

Tôi dứt ngang lúng túng không sao tiếp lời. Hồng có vẻ sốt ruột: "Biết rồi sao nữa? Một quyển tiểu thuyết, sao nữa? Mọi ý tưởng bay tản như đàn chim sẻ trong sân nghe động. Một quyển tiểu thuyết, một câu thơ… cũng chỉ là một cái cớ bẻ quặt những giây phút đang tới vào miền hoang vu lánh khuất. Những giây phút sống treo ngơ ngác".

"Tôi chưa biết phải viết quyển tiểu thuyết của tôi như thế nào… Đại khái một người đàn bà có một cuộc đời muốn nhờ tôi kể lại. Cô ta nghĩ rằng cuộc đời của cô từng trải là một cuộc đời khá éo le, nhiều tình tiết có thể làm cho kẻ khác say mê cảm động. Cuộc đời từ buổi ấu thơ cho đến… Cái khó là ở chỗ ấy. Cho đến lúc nào? Tôi không biết phải ngừng chỗ nào cả… Rồi tôi quay trở lại tôi không biết nên bắt đầu từ chỗ nào. Bắt đầu từ chỗ nào vẫn cứ phải trở lui như thường. Không biết chỗ bắt đầu, không biết chỗ kết thúc, thành thử bất cứ lúc nào tôi bắt đầu và chẳng bao giờ tôi muốn kết thúc cả. Rốt cuộc loay hoay, tôi có mà chưa có. Tôi không sao viết…"

"Cứ bắt đầu đại rồi kết thúc đại, có sao đâu? Anh không phải nhà văn thì cần gì, loay hoay làm gì cho mệt".

"Nghiêm trọng lắm chớ, chị không biết. Giá tôi là nhà văn thì tôi có nghề. Tôi sẽ biết phải bắt đầu như thế nào, kết thúc như thế nào, khốn nỗi, tôi không phải mà tôi cũng không thích nên nó mới buồn cười. Mỗi lúc trong đầu tôi, cái dự tính nó tụ rồi tán. Nó tán rồi tụ.

Mỗi lần nó tụ, tôi lạc vào cái cõi phân tán hết bản ngã mà tôi thèm muốn, mỗi lần nó tán, tôi rớt trụ vào trong cái bản ngã trơ trẽn. Tôi thèm hoài cái lúc tụ, tôi muốn được mãi những lúc ấy và tôi biết như thế không thể nào được…"

"Như thế thì anh có nhiều quyển tiểu thuyết".

"Nhiều quyển tiểu thuyết thì tôi thành nhà văn".

"Thành nhà văn cũng được có sao?"

"Tôi chưa nghĩ đến chỗ ấy… Nhưng tôi sợ cái gì thành thói quen ghê lắm".

Vô tình chúng tôi đã bước sang con phố trước bệnh viện nơi tôi định đến đưa đám táng của Phú. Tôi nhìn đồng hồ đã hơn chín giờ. Đám táng có lẽ đã đi khỏi.

"Anh là tay giỏi nguỵ biện lắm. Nhưng điều chính anh vẫn chưa nói gì cho tôi biết hết".

"Điều chính, điều nào là điều chính mà chị muốn biết".

"Vẫn chỉ là quyển tiểu thuyết của anh thôi. Người đàn bà nhờ anh viết kể đời của… cô hay bà, tôi không biết? Cuộc đời ấy như thế nào?"

"Cuộc đời ấy như thế nào, điều ấy đâu có gì gọi là quan trọng".

"Điều gì mới quan trọng?"

"Điều chính… Chị thông minh kinh khủng. Điều chính là câu chị hỏi tôi suốt từ sáng tôi không trả lời là tôi biến đâu. Bây giờ tôi trả lời đây: Tôi sống chung với người đàn bà ấy mấy tháng nay… Đó, đó, quyển tiểu thuyết đó. Có phải chị muốn biết thế chứ gì? Tôi sống chung với một người đàn bà. Chị có ngạc nhiên không? Một người đàn bà muốn trở thành một nhân vật tiểu thuyết. Đại khái thế".

"Bây giờ hình như tôi hiểu anh… Anh làm cái gì cũng được tuốt".

"Tại sao thế chị Hồng".

Hồng ngước mắt, phớt thoáng trên mặt tôi, rợn những dao động mơ hồ của một ý chưa hiển hiện sáng tỏ. Trên áo người bạn gái, mầu nắng sáng lóe qua đám lá rơi rơi lấp loáng, Hồng như đang theo dõi những tia nắng chuyển động đậu đáp vào mình.

"Anh thực có ngây thơ không?"

"Tôi chắc là không. Chị nghĩ là tôi ngây thơ à?"

"Không… nhưng mà…"

Trên những tầng hành lang dài, vài bệnh nhân chậm chạp qua lại, ngồi trên ghế bất động. Ngoài vườn, những con đường chạy giữa những bờ cỏ, luống bụi cắt xén kỹ lưỡng. Băng đá trống phơi nhìn ra ngoài. Tôi trông xuống con đường dốc nhỏ trước cổng vào nhà thương, bờ sông hút sáng trong phía dưới. Trước mặt chúng tôi, trên cuối đỉnh vòm cây dựng cái mặt tiền thâm nghiêm u uất của một tu viện trong bờ tường cao.

"Anh Phúc này".

"Chị lầm rồi. Cái tên ấy bỏ rồi. Bây giờ tôi là Phong, Huy Phong".

Tôi cười phá loãng bầu không khí nghiêm chỉnh hờ hững và bước sát chạm vào cánh tay người bạn gái một cách thân mật. Hồng vẫn lặng lẽ theo đuổi những ý nghĩ riêng. Tôi bắt gặp ở người bạn gái sự mềm mại chùng buông khác thường trái với tính quen thủ thế của nàng.

"Tôi bậy… Tôi chỉ mải nói chuyện của mình không thôi. Còn chị thế nào? Chị kiếm tôi chắc là phải có việc gì phải không?"


10.

Hồng tỉnh giấc đăm chiêu, nàng như tự phóng mình tới trước những ý nghĩ đột ngột của mình. Nàng vuốt lọn tóc rơi tưởng tượng trên trán, sóng bước kề vai tôi, không giữ một khoảng cách nào.

"Chuyện tôi định nói với anh thì nhiều lắm… Nhưng bây giờ anh bận đi đâu đã?"

"Tôi định đi đưa đám Phú".

"Phú nào? Có phải Phú…? À, tôi có đọc thấy trên báo. Tôi tưởng chôn rồi đâu biết hôm nay".

"Nhưng có lẽ giờ này đám ma đã đi rồi".

"Nếu cần, mình có thể nhảy tắc xi đuổi theo".

"Cũng chẳng cần".

Chúng tôi dừng chân bên góc đường dẫn tới nhà xác của bệnh viện. Hồng tiếp tục bước về phía nhà xác vắng hoe. Chúng tôi nhìn cái cổng sắt xám nhiều chỗ hoen rỉ.

"Bữa nay, anh mời tôi đi ăn cơm trưa đi. Đồng ý không? Anh có bắt buộc phải về với nhân vật tiểu thuyết của anh không? Từ giờ đến trưa cũng còn lâu. Tốt hơn là mình chạy theo đám Phú, chứ chẳng lẽ cứ đi lêu bêu đợi giờ ăn sao? Anh nghĩ sao? Tôi bắt cóc anh một buổi được không?"

"Hân hạnh. Chị bắt cóc tôi cả ngày cũng được. Đừng bắt cóc tôi cả đời là được rồi".

"Lỡ thì sao?"

"Không thể lỡ được".

"Anh đừng tưởng bở nhé… Tôi còn tỉnh lắm. Anh yên chí đi".

Hồng vẫy tắc xi, tự mở cửa xe trèo lên. Tôi còn đứng dưới đường trước cánh cửa mở, nhìn vào trong, cười cợt. Tôi trông rõ nét mặt tưởng chừng đang bình tĩnh lắm của người đang nhào tới trong trận đấu đầy nghi hoặc.

Hồng nhìn trả, ánh mắt dịu dàng hiếm thấy. Tôi không muốn mất công đoán hiểu ý của nàng, chỉ biết trong buổi sáng đang đứng đậu tít trên cây hai bên đường, Hồng thay đổi rõ rệt. Cô gái già nghiêm nghị khắc khổ đã biến thành người phụ nữ chấp chới bất định".

"Sáng nay chị đẹp lắm".

"Cám ơn anh. Nhưng không phải anh khen xong để chạy chứ".

Trên tắc xi, Hồng lại thu rút vào trong nín lặng. Tôi không dám phá khuấy người bạn gái, ngại những phản ứng bất thường làm như cuộc gặp gỡ đang hồi thú vị. Tôi nghĩ vơ vẩn đến cái chết đột ngột của Phú. Phú chết, Luce sẽ tự do. Tôi thử tưởng tượng nét mặt Luce theo sau quan tài của chồng nhưng không thấy gì rõ rệt.

"Anh Phú chết bất ngờ quá nhỉ? Anh biết Luce chứ? Dạo sau này, tôi nghe đồn Phú sống không chính thức với cô y tá của mình, còn Luce thì…"

Tôi gõ nhịp mấy ngón tay trên lưng ghế trống đằng trước, gục gặc đầu giữ thái độ lừng khừng.

"Tại sao thế?"

"Chị định hỏi về cái gì?"

"Tại sao các anh…? Tôi không hiểu tại sao các anh cứ không thể sống yên được? Anh biết chuyện vợ chồng Khả chứ?"

"Tôi hỏi chị sống có yên không đã nào?"

"Tôi muốn sống yên nhưng không được. Còn các anh thì khác, các anh không muốn… Các anh thích rắc rối phiền luỵ".

"Trong ấy không có tôi nhé".

Ngay từ cửa nghĩa trang, tôi đã trông thấy đám đông tụ tập ở một góc xa. Tôi đứng khựng lại, bỗng không muốn bước tới nữa.

Tôi thấy tất cả sự vô vị phi lý của cái ý muốn hồi sớm mai thức giấc tìm gặp những bè bạn cũ lâu ngày không thấy mặt. Hồng lơ đãng bước quá lên trước tôi trên con đường chính của nghĩa trang, đá lót thẫm đen. Nàng chợt nhận ra vắng tôi bên cạnh, ngừng chân quay hỏi:

"Đi chớ. Anh lúc nào cũng chỉ rình thoát chạy".

Tôi nhăn nhó làm bộ khổ sở, chỉ tay về phía đám đông bây giờ lấp sau những hàng mộ bia xây cao.

"Đến lúc này bất tiện quá".

"Tôi thích đến. Anh Phúc, đừng trẻ con anh".

Tôi tiến ngang hàng với người bạn gái. Nàng nắm lấy cánh tay tôi, những ngón tay dài, cứng như kìm chặt chẽ bắt buộc tôi sánh bước.

Chúng tôi thủng thỉnh tới gần đám người như chết lặng trong điệu dáng nghiêm trang, không nghe một tiếng nức nở thút thít nào. Từ phía ngoài bờ tường vọng vào tiếng kèn xe kêu inh. Buổi sáng như già cỗi rớt ngã từ trên các ngọn cây cao đập xuống các khối mộ đá.

Chúng tôi đứng ngoài vòng người, không trông thấy cảnh tượng bên trong, nghe những tiếng xầm xì khe khẽ của những người trước mặt. Người ta đang kể lại cái chết của Phú. Chiều hôm trước còn dự tiệc chung vui với bạn, xếp đặt bao nhiêu dự tính, về đến nhà, mười một giờ đêm chở vào bệnh viện và mười một giờ rưỡi trút hơi thở vĩnh viễn. Ôi, đời người phù du, hết còn ham muốn. Bây giờ mặc những người sống tranh giành, chẳng còn gì đáng kể nữa. Tại sao người ta không tỉnh ngộ? Còn gì đáng kể? Phải không?

"Chị có tỉnh ngộ không? Chị phải tỉnh ngộ đi chứ".

Tôi ghé sát vào tai Hồng thì thầm giễu. Nàng ngắt mạnh bắp tay tôi đau điếng, mắng: "Anh "xi níc" vừa vừa chứ". Tôi gỡ tay Hồng, kéo nàng tránh xa đám đông: "Chị đừng đứng đây nếu chị sợ tỉnh ngộ. Tôi thì cứ trông thấy mấy bộ mặt cũ kỹ này là tôi tỉnh ngộ rồi".

Chúng tôi đi vào giữa những hàng mộ chen chúc. Tôi tò mò ngắm đọc những tấm bia đủ kiểu, đặc biệt những chân dung làm bằng men sứ lạ mắt. Một đỗi xa tôi giật mình thấy Hồng vẫn ngoan ngoãn để mặc tôi nắm tay dẫn đi. Bàn tay của người bạn gái khô ran lấm ướt mồ hôi của bàn tay tôi truyền sang. Tôi ngoảnh cười hoà.

"Xin lỗi chị. Tôi ghét những cái chết ồn ào".

"Xin lỗi. Anh thật nhiều thủ đoạn hay… Anh xin lỗi để rồi lại tái diễn".

"Tôi đã sợ là chị thông minh kinh khủng. Thảo nào… Tôi chắc là ông ấy cũng ngán chị".

"Ông ấy? À… hôm nay anh không còn ngán ông ấy nữa sao?"

"Không. Chị yên chí. Hôm nay chị tha hồ. Chị có thể nói chuyện ông Nguyễn cũng không sao. Tôi sẽ nghe hết. Chị toàn quyền. Hình như ông ấy nằm đây phải không chị? Chị có thể đưa tôi tới thăm ông…"

Hồng ngó thẳng vào mắt tôi, nàng như muốn trông suốt tôi, không hiểu nàng thấy được những gì? Cái bộ điệu tôi mang phô phang đây chắc nàng không muốn nhận. Nhưng sau cái dáng ấy thực sự tôi thế nào? Tôi thế nào trong đôi mắt vẫn trông ngóng tìm gặp một thời khắc nào?

"Chị thấy thế nào?"

Đám đông phía sau chúng tôi đang bắt đầu phân tán dàn thành từng nhóm nhỏ lan rộng hơn… Một vài người bước ra khỏi khu mộ, đi chậm trên đường thấp thoáng sau hàng cây thân gầy khỏng. Đã nghe vài tiếng nói lớn vọng trong những tiếng còn lại.

"Phú chết đâu có ồn ào? Chết nhanh như thế chắc chỉ có đứt gân máu…"

"Tôi muốn nói đến cái đám đứng vây quanh ấy, ồn ào ở đấy. Chị không nghe thấy sao? Tôi còn nghe đến những tiếng khua, họ sẽ làm rộn với nhau trong nhiều ngày nữa. Tôi chắc chị cũng biết thừa đi. Trong bữa cơm, trong bữa tiệc họp mặt, trong cô đơn… bọn ấy kêu ầm ĩ, nhất là kêu ầm ĩ riêng trong mình. Chịu không nổi".

"Anh đòi cái gì?"

"Sự im lặng hèn mọn. Tôi biết chị không đồng ý đâu. Sự hèn mọn… hèn mọn như cộng rác vậy".

Tôi tưởng cái giọng xẵng bất ngờ của tôi ít nhất cũng làm phật ý Hồng. Nhưng tôi lầm. Hồng bình tĩnh như không.

"Tại sao anh không nghe thấy đúng như ý anh… xét cho cùng những ồn ào kia cũng là một thứ im lặng chứ là gì đâu?"

"Cũng có lý".

Tôi dịu giọng, bắt đầu chóng mặt. Bóng Luce tất tả đi ra cổng giữa hai người đàn ông. Tiếng giầy của nàng gõ lốp cốp. Luce mặc tang chế kiểu Tây phương.

"Anh là thứ kiêu hãnh, kiêu hãnh dị thường. Anh biết không?"

"Tôi chịu thua chị. Tôi lúc nào cũng chịu thua chị…"

"Anh bất khả…"

Hồng dừng chân ngó quanh quất. Nàng dẫn tôi len vào một lối mòn giữa hai ngôi mộ đồ sộ tới trước một ngôi mộ thấp bằng. Mộ của ông Nguyễn. Bia khắc ngay trên nắp mộ.

"Đây".

Tôi đọc mấy hàng chữ đơn sơ ánh vàng. Tên tuổi ghi khắp không nhắc nhở một kỷ niệm rõ rệt nào. Không một kỷ niệm nào. Hồng cố tình lui lại sau lưng tôi, nàng có ý nhường tôi một mình đối diện với người đã mất. Tôi mỉm cười bâng khuâng lạ.

"Có đúng là đây không, chị Hồng? Tôi hỏi thật đấy, chị đừng bảo tôi "xì níc". Cái tên khắc trên bia mộ này lạ hoắc đối với tôi. Thật tình tôi không biết tên thật của ông. Chúng tôi chưa hề sống chung một ngày nào với nhau. Tất nhiên không kể cái thời tôi bé tí xíu chưa hay biết gì. Khi tôi đến tuổi lấy căn cước thì tôi đã chọn xong sẵn cho tôi từ lâu cả tên tôi lẫn tên bố mẹ của tôi. Tôi tạo cho tôi cả một đời riêng không dính dáng quan hệ tới ai cả. Chắc chị cũng chỉ nghe ông ấy nhắc đến tôi qua cái tên Phúc. Tôi nghĩ có thể ông ấy cũng quên phứt cả cái tên của đứa con ông.

Ông chỉ biết có đứa con trai và người đàn bà đã sinh ra nó, người chỉ vào tôi bảo: "Đấy con ông đấy", khi bà tìm ông giao trả tôi để sống cuộc đời của riêng bà và ông thì khổ sở không muốn nhận. Cả hai người đều lầm, lúc ấy tôi đã dựng xong cho tôi ở phía sau và tôi đã sắp sửa để sống tiếp. Tôi có một nguồn gốc của tôi và tôi sẽ có một kết thúc của tôi.

Chị biết không, tôi chưa từng bao giờ gọi ông là bố cả. Một cuộc đời do mình tạo ra, lúc nào mình cũng có thể tự thay đổi được, thành thử chị đừng ngạc nhiên thấy tôi cứ nay thế này mai thế khác. Tôi thay nguồn gốc nên tôi phải thay luôn tất cả… Tôi phóng tưởng đến hồi kết thúc của mình. Chị nên tin tôi, tôi không còn hiểu sau rốt tôi phải ở đâu mới đúng.

Tôi không hiểu ông Nguyễn, ông có nhìn thấy trước hồi kết thúc của ông không? Chị nhớ câu tôi hỏi bữa hôm ấy không? Người ta có thể nào lấy cái chết để gạt người và gạt luôn mình? Bây giờ chị thừa hiểu là câu ấy tôi hỏi chính tôi trước ai hết. Cho nên gọi tôi là "xì níc" cũng chỉ là cách gọi cho tiện, nhưng riêng tôi, tôi bực mình hết sức với những cái chết của người khác. Không. Cái chết mà tôi cứ thấy như có vẻ gạt gẫm.

Ông tự tử. Được đi. Tôi cũng có thể làm như thế chứ. Ông tự tử vì thất vọng, vì bị thúc bách, vì thấy mình không mong thực hiện giấc mộng một đời, vì mệt mỏi già cả hay vì gặp chị, nhưng biết mình bất lực không còn có thể yêu được chị. Tôi xin lỗi chị, thành thật xin lỗi chị, có thể như thế lắm chứ.

Cái gì cũng được cả, phải không? Đối với tôi như thế đấy. Tôi có thể chết chỉ vì cái thói lấy đời mình mà đùa cợt, chết lãng xẹt. Nhưng tôi không chịu rằng sau khi chết lại còn muốn mọi người gần gũi phải coi như cái chết của mình hữu ký nhất, xứng đáng nhất, đáng nêu gương.

Tôi không chịu như quyển tiểu thuyết của tôi vậy đó chị. Nó sẽ phải có chỗ bắt đầu, nó phải kết thúc chứ. Nhưng nào có gì đâu, thế này hay thế khác nào có cái gì đâu. Hoặc cái lý của nó là ở chỗ tôi khi không muốn viết nó như thế.

Nói khi không, người ta sẽ bảo là mình hư vô, nhưng thật sự khi không thì nó cũng giống như nó có vô vàn lý do, nguyên nhân, động lực hỗn độn trong ngoài đan rối vào nhau đến kỳ cùng. Chị thấy không?

… Có lẽ ông không nghĩ ông nằm đây đâu. Tôi cũng chẳng hề tính tôi sẽ đến đây trước mộ ông. Vậy mà tôi đến đây với chị. Nên tôi mới hỏi có đúng thật không. Chị có thể chỉ cho tôi bất cứ ngôi mộ nào bảo là của ông cũng thế mà thôi. Chị nghĩ lại xem, chị có thể lầm chứ…"

"Không, tôi không lầm. Cái bó hoá kia tôi mới mang lên đặt cách đây hai hôm. Thỉnh thoảng tôi vẫn lên đây, khi tôi thật trống trải không còn biết làm gì".

"Chị chắc không lầm. Nếu thế thì cái đầu tôi nó trục trặc kỳ cục, đến bây giờ tôi vẫn cứ nghĩ là chị lầm".

"Anh có cái ý gì?"

Tôi có cái ý gì? Cái ý gì? Nếu tôi truy tầm tôi sẽ phải chọn lấy một mối nào đó. Mối nào đó cũng được và cũng không được. Chắc chắn tôi sẽ chọn những mối sao cho trùng hợp với người đứng bên hay ít ra nối kết được lúc này và thời gian luôn luôn lìa cách hai người.

Tại sao tôi cứ đinh ninh như vậy? Tôi không thể bảo là chẳng tại sao cả. Tôi nói một hồi theo những nhịp đẩy liên miên, đẩy mở tung các khoảng bưng bít trong tôi. Những lời lẽ cuốn nhau trôi phăng thành một dòng siết và ý tưởng tan như bọt nước sủi. Và tôi thì ướt mèm lạnh lẽo quá chừng.

Nào có gì đâu, tôi nào có ý gì đâu. Những ý bâu bám tôi như lũ ruồi nhặng bẩn thỉu bị lời lẽ ào qua dìm chết đuối. Hồng nhìn tôi qua những xác ruồi nhặng ấy, tôi, tôi cũng không thể nhìn tôi khác hơn trừ phi tôi thả mình chìm xuống tận đáy không cùng.

"Chị đứng gần lên đây".

Đến lúc này tôi mới chú ý đến màu áo dài đỏ tía của người bạn gái, màu áo tương phản rực rỡ trên vỉa hè rợp bóng me hồi sáng, lấp loáng như trong cảm giác mơ màng trước nhà thương, đang tan trong ánh nắng dâng loá mắt của khoảng trống giữa nghĩa trang. Hồng nhích bước. Gương mặt nàng hồng au rã rượi như đã trút rơi chiếc mặt nạ thường ngày. Trong đôi mắt nàng đã lùi ẩn hết những tia nhọn sắc châm chích. Ngực thở phập phồng.

"Chị khóc đi. Chị khóc hộ tôi đi vậy".

"Anh Phúc. Anh phải vào nhà thương dưỡng bệnh…"

Mắt Hồng hoe đỏ dần, lệ nổi dâng như một màng sương trên cỏ nắng chưa làm tan hết. Tôi châm thuốc hút, nghe lại những đoạn âm vang lời đã nói, đã biến hoà vào trong màn tối của những ngõ ngách mờ mịt nơi tôi. Cả khu nghĩa trang hiện im. Những phố quanh bao bọc chẩy đều tiếng xe cộ.

"Cám ơn chị. Chị muốn tôi vào dưỡng trí viện phải không? Khỏi cần, chị Hồng. Tôi có nhiều lúc khùng nhưng tôi không điên thì… xong hết. Xong hết rồi… Cái cõi điên là cõi tôi muốn tới lắm chứ, nhưng tôi không mở nổi mấy cái cửa ấy".

Hồng hỉ mũi vào khăn tay, lau chấm những dòng nước mắt hoen trên má. Nàng dáo dác ngó quanh, vòng lên phía đầu mộ cao, tay vỗ vỗ lên thành mộ. Trông nàng như người đang bước trên cái cầu khỉ chênh vênh tìm chỗ vịn tay.

"Buồn cười. Tôi nghĩ tôi khóc hộ anh thật… mới khỉ".

"Chị thấy không? Làm sao tôi điên nổi… Chị thấy không? Khi mà tôi trông đợi thấy điều gì, điều ấy đều xảy ra. Tôi trông chị sẽ cười và chị cười rồi này. Tôi nào có ý gì, mọi ý đều ở quanh tôi, ở người khác cả… Tôi nói thật điều này riêng chị nghe thôi nhé: Tôi nghĩ ông Nguyễn tự tử, tôi mong trước từ lâu như thế. Và ông ấy thế thật. Chị sợ tôi không nào?"

"Tôi bắt đầu sợ anh. Anh là đồ ma quỷ…"

"Bây giờ chị mới biết, hơi muộn. Chị đã bị tôi thấy rồi".

"Anh nhìn thấy tôi thế nào? Anh thấy gì ở tôi đây…"

Hồng đứng ngay người, nàng đối diện với tôi cách chiều dài của ngôi mộ. Nụ cười của nàng đọng nguyên trên môi như để chụp một bức hình.

Tôi nheo mắt. Khum hai bàn tay giống như chiếc ống dòm. Những tia nắng chiếu làm hồng những tia máu. Hình ảnh Hồng thu gọn lại xa lắc.

"Tôi thấy chị sắp đi xa. Chị phải đi… phải không chị Hồng? Chị đến từ biệt tôi chứ gì. Đáng lẽ cũng chẳng cần phải phiền nhiễu thế…

Bao giờ chị đi đây? Chị khỏi cần trả lời… Chị chỉ việc nói thầm với người nằm dưới mộ là tôi nghe thấy… Chị nói: Chị sợ không dám nói phải không nào? Chị sợ tôi chưa?"

Hồng đưa hai tay lên bưng mặt hồi lâu. Trên cao vẳng tiếng rơi gẫy của cành khô. Mẩu thuốc dư ném trên đất bốc khói um. Cánh cổng sắt lớn kéo đẩy kêu ngắn ngủi. Hồng buông tay che mặt, nàng ngồi phệt xuống trên thành ngôi mộ nghỉ duỗi cẳng.
Nguồn: Mù khÆ¡i, tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền, Kẻ SÄ© xuất bản lần thứ nhất, giấy phép số 3727/BTT/PHNT, ngày 03-9-70. In tại ấn quán Cẩm Hoa, số 339, đường Bến Phú Lâm, Chợ Lá»›n. Ngoài những bản thường, có in thêm 50 bản đặc biệt trên giấy trắng dành riêng cho tác giả và nhà xuất bản. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.