© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
11.8.2007
Đinh Từ Bích Thuý

Cái hèn của Mea Culpa

Đọc xong bài của ông Nguyễn Hữu Liêm, người ta không biết ông đã lấy vợ để làm gì, hay chỉ để có một người đầy tớ và máy đẻ miễn phí trong suốt 25 năm qua. Lời thú tội của ông không tự dưng biến ông thành môt người chồng chính trực. Cách ông muốn dùng Kinh Thánh để biện hộ cho những sai lầm tình cảm của ông với vợ đủ biết ông không kính trọng vợ. Như vậy, lời thú tội của ông chỉ là một hành động hết sức vị kỷ. Chỉ có kẻ thật tối dạ hoặc cực kỳ lạc hậu mới nghĩ ông là một người đàn ông… anh hùng trong cách nhận hết những khuyết điểm của mình (với những lời lẽ cũng không có gì là đẹp đẽ.)

Có thể tôi rối đạo, hay rất ít niềm tin, nhưng điều tôi thấy thử thách nhất trong đạo Thiên Chúa là ý niệm xưng tội để được trở lại một trạng thái hoàn toàn trong trắng, hồn nhiên (và cũng để phạm tội lại lần thứ hai, thứ ba, cho tới… 77 lần theo lời ông trích Phúc Âm của Matthêu.) Cách xưng tội… miễn phí này không đếm xỉa gì đến cái giá quá đắt mà nạn nhân phải chịu đựng tội phạm. Sự tha thứ vô điều kiện này rất khó để con người thi hành, vì con người chỉ vỏn vẹn có một cuộc đời để sống. Nhưng cái khó nuốt nhất là cách một người tự cho mình là trí thức, lạm dụng tình nghĩa để đàn áp và lung lạc một kẻ mà họ cho là yếu và “cổ” hơn họ.

Tôi nhớ những năm 11, 12 tuổi đọc Đoạn tuyệt của Nhất Linh và thấy bàng hoàng, sốc nhưng cũng hứng khởi trước cái “đi trước thời đại” của nhà văn hào. Nhất Linh đã bình đẳng hoá hôn nhân và ý niệm “cổ” “mới” qua lưỡi dao nghệ thuật. Trong những năm ở tuổi 40 - hơn 70 năm sau khi Đoạn tuyệt được xuất bản - tôi ngao ngán, nhưng cũng không ngạc nhiên lắm, khi được biết về những con người trí thức nửa mùa, chạy tị nạn sang Mỹ rồi lại đi về Việt Nam như cơm bữa, có gia đình nhưng vẫn mèo mỡ, bồ bịch, rồi lại tự nguỵ biện bằng cách mở tung cho thiên hạ nhìn cái tôi nhỏ tí ti của mình.