© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
11.8.2007
Hoàng Khởi Phong
Gối đầu lên chữ nghĩa
 1   2 
 
4.

Khi được hỏi về dòng văn học của chúng ta dường như không có những tác phẩm vĩ đại như Chiến tranh và hoà bình của Tolstoi, Mai Thảo cho rằng dòng văn học phải chia xẻ số phần cùng giống nòi. Giống nòi của chúng ta đang lầm than không thể tưởng tượng được, đang trải qua những cơn sóng gió lớn nhất trong lịch sử, thì những người cầm bút chia sẻ những lầm than này, do đó văn chương không nhất thiết phải có những tác phẩm lớn, do đó nhà văn Việt Nam chú trọng nhiều tới cái hay, cái đẹp của ngôn từ hơn là chú trọng tới cái lớn lao vĩ đại. Ông cũng không quên nói tới thực tế của những người viết văn của chúng ta. Hình như không một nhà văn đúng nghĩa nào sống được thuần tuý bằng ngòi bút của mình (Cũng có một số sống hoàn toàn bằng ngòi bút, nhưng những người này phần lớn không phải là nhà văn thuần tuý, đa phần họ là nhà báo). Khởi kỳ thuỳ của nền văn chương quốc ngữ cụ Tản Đà có viết một câu thơ bất hủ: "Văn chương hạ giới rẻ như bèo. Kiếm được đồng lãi thật là khó". Gần chúng ta hơn, Nguyễn Vỹ nói thẳng, chẳng cần rào đón gì: "Nhà văn An Nam khổ như chó". Dường như cho tới bây giờ hoàn cảnh của nhà văn trong và ngoài nước vẫn không có gì cải thiện.

Đúng vậy ở nước ta không có nghề nhà văn. Kiểm điểm lại hầu như mọi nhà văn đều có một nghề khác nuôi sống bản thân và gia đình mình. Những nhà văn của chúng ta may mắn ra thì làm bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư... Không may may mắn thì đầu đường xó chợ "sinh vô gia cư, tử vô địa táng" cũng không phải là hiếm. Ngày còn ở trong nước bẩy, tám phần mười nhà văn của chúng ta là nhà binh. Nghĩ cũng tức cười, nhà văn là đủ hà cớ còn thêm vào chữ quân đội, thành ra một thứ gọi là "nhà văn quân đội". Quân đội thì có nhiều ngành nghề do đó mới có những nhà văn không quân, hải quân, nhảy dù, thuỷ quân lục chiến, biệt động quân... và nhà văn cảnh sát, không phải để giữ trật tự cho những người viết mà chỉ vì ông nhà văn đó có gốc là cảnh sát.

Làm thế nào chúng ta vẫn chu toàn được bổn phận với vợ, và ba, bốn, năm, sáu, bảy... đứa con mà vẫn sáng tác những tác phẩm vĩ đại được? Viết một tác phẩm lớn không phải là một việc dễ dàng gì. Nó đòi hỏi người viết một hùng tâm lớn. Đó là một công việc dài hơi, năm, mười năm chúi đầu vào bàn viết. Khi viết được chữ Hết cho trang cuối thì đã tới cuối dốc đời. Tóc đã bạc, lưng đã còng, mắt đã mờ và gối đã mỏi. Ấy là những người còn viết được chữ hết cho tác phẩm, có nhiều người chưa kịp viết chữ hết này đã viết chữ hết cho chính cuộc đời mình. Trong năm mười năm này còn cơm áo, vợ con, nhà cửa... Trăm ngàn thứ hệ luỵ quấn quýt, quận quịt ở đời. Giữ cho lòng ngay ngắn chỉ để ngồi xuống viết một, hai ngàn trang sách thật không phải là một chuyện dễ dàng và giản dị.

Ấy là chưa kể phải viết cho hay, chứ không phải cho đầy trang sách. Một tác phẩm lớn nó dung chứa được xã hội mà tác giả đang sống, nó còn chuyên chở một chút nào đó của tương lai. Một tác phẩm lớn phải phản ảnh được xã hội đương thời, đồng thời mở được một chút nào đó cho xã hội sắp tới. Thế mà bản sắc của chúng ta là một dân tộc không chuộng sự to lớn, vĩ đại. Chúng ta không có những lâu đài, dinh thự nguy nga. So với các quốc gia có lịch sử lập quốc vài ngàn năm, tiền nhân chúng ta đã để lại cho chúng ta những giá trị tinh thần nhiều hơn là những tích luỹ về của cải.

Suốt hai thế kỷ nay giống nòi của chúng ta chỉ mải lo giải quyết những vấn đề trước mắt. Mà những vấn đế đó nào có to lớn gì. Đó là cơm ăn, áo mặc. Đó là tương lai cho tuổi trẻ, sự an bình cho người già. Suốt hai thế kỷ nay giống nòi ta kiệt đi vì chiến tranh. Hết nội chiến thì lại chống ngoại xâm. Hết chống ngoại xâm thì lại chống giặc nghèo, giặc dốt... Hai thế kỷ nay chúng ta không hề có một thời khoảng thảnh thơi, nhàn nhã. Với một bối cảnh xã hội như thế quả tình là khó cho một nhà văn muốn hoàn thành một tác phẩm lớn.

Mai Thảo cũng phát biểu về thơ. Theo ông dân tộc Việt Nam là một dân tộc thi sĩ. Điều đặc biệt của thi ca Việt Nam là thơ là của dân gian mà ra, chứ không phải là do những thi sĩ của cung đình. Thơ Đường của Trung Hoa phát triển từ kẻ sĩ, từ những chốn dinh thự của vua quan và đi xuống với dân gian. Chỉ có Trung Hoa vào đời Đường, cách chúng ta hơn ngàn năm mới có những thi sĩ như Lý Bạch, vào quán uống rượu khỏi trả tiền vì đã có thẻ... tín dụng của nhà vua cấp phát, để chủ quán đến lấy tiền nơi quan đầu tỉnh. Trong khi đó ngôi sao Bắc Đẩu của thi ca Việt Nam, thi hào Nguyễn Du nghèo đến độ đã có thời là thợ săn với tên hiệu là Hồng Sơn Liệp Hộ, lánh nạn binh đao về ở ẩn trong núi gần quê vợ.

Thi hào của chúng ta có lần xuống núi được dân làng mời uống rượu, ông rất vui mừng khi ra về, lần vào túi mấy đồng tiền kẽm vợ giao cho lúc trước khi ra khỏi nhà vẫn còn nguyên không sứt mẻ gì.

Ca dao của chúng ta, cái nôi của thi ca Việt Nam là một loại văn chương truyền khẩu. Mãi sau này chúng ta mới san định lại, cóp nhặt lại in thành sách giáo khoa. Thơ của chúng ta bàng bạc khắp mọi nơi. Hang cùng ngõ hẻm nào cũng có những bài hát ru em, những câu hò tình tứ. Ca dao chạm tới hết thẩy mọi hệ luỵ của đời sống. Ca dao không phải kiêng cữ gì bởi vì không có ai là tác giả, cho nên không ngại đụng chạm, không sợ bạo quyền. Chính ca dao đã ươm hồn thơ cho những nhà thơ lớn trước và sau thiên tài Nguyễn Du của chúng ta.

Nhân nói về thi ca Mai Thảo đề cập tới vài nhà thơ hiện tại. Ông cho Tô Thùy Yên là một nhà thơ lớn, Thanh Tâm Tuyền là một nhà thơ mở được một con đường mới cho thi ca Việt Nam, và Bùi Giáng là một nhà thơ không thể nói tới đơn vị "bài". Bởi vì có thể nói thơ Bùi Giáng chỉ có một bài mà thôi, một bài thơ dài bảy, tám, chín, mười ngàn câu thơ, phải in thành hai, ba, bốn quyển thơ gì đó. Thơ của Bùi Giáng đi liền một lèo, đi thẳng một mạch. Nhà thơ quen thói ngược ngạo nên ngắt vụn ra, đặt cho những cái tên nên nó thành những bài thơ.

Ông cũng đề cập tới thơ tiền chiến. Những danh tính như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Quang Dũng, Xuân Diệu, Huy Cận, Hữu Loan, Trần Huyền Trân, Hoàng Cầm, Hồ Dzếnh, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Thâm Tâm... là những nhà thơ lớn của thời tiền chiến và kháng chiến. Ông lấy làm lạ là nền thi ca mới của chúng ta đã lên tới đỉnh cao ngất ngay từ lúc mới khởi đầu. Thời gian đãi lọc đã gần nửa thế kỷ qua, những nhà thơ lớn thời đó xem chừng đông hơn những nhà thơ lớn hiện tại.

Mai Thảo cho biết, hiện nay ở hải ngoại vấn đề cơm áo đối với nhà văn không còn sinh tử như trong nước. Nhưng nhà văn lại có những khó khăn khác. Hiện nay chúng ta trú ngụ tại nhiều quốc gia, trải dài trên năm đại lục. Mỗi một nơi chúng ta đối phó với một khó khăn khác, thế mà chúng ta không có những kinh nghiệm lưu vong như cộng đồng Trung Hoa, Do Thái. Đó là hai cộng đồng dân tộc có kinh nghiệm lưu vong hàng ngàn năm. Chúng ta hiện nay chia ra làm hai thành phần dân tộc. Thành phần đại đa số hiện đang sống chết với đất nước nơi quê nhà, và chúng ta là thành phần thiểu số đang sống xa tổ quốc hàng vạn dậm. Đã thế chúng ta lại không thể nào thu về một mối, do đó phát sinh những khó khăn trong nội bộ của cộng đồng cũng như những khó khăn đến tự bên ngoài. Mai Thảo cho biết ông có nhận được những lời đề nghị mời ông về sống tại quê nhà. Ngay trong lòng Hà Nội, nơi mà ông đã phải bỏ mà đi trong tuổi thanh xuân. Những lời đề nghị này dựa vào tình bạn của mấy chục năm cũ, những lá thư rất cảm động này làm cho ông như sống lại những cung thương ngày cũ. Tuy nhiên ông chưa hề trả lời những đề nghị quyến rũ này.


5.

Mai Thảo cho biết ông là nhà văn chơi với tất cả mọi người, mọi giới. Ông chỉ tránh những người xấu chứ không tránh một người nào chỉ vì họ là người Trung hay người Nam. Ông giao thiệp với các người làm văn nghệ sáng tác cũng như trình diễn. Ông đánh bạn với những người hầu sáng trong các tiệm cơm ông ăn hàng ngày, đến độ đã có những người hầu sáng khi rót rượu cho ông, thường quay mình che không cho chủ tiệm nhìn thấy đang rót rượu cho Mai Thảo, và thường chỉ thôi rót khi ông đã gật đầu ra dấu bảo thôi. Mai Thảo là bạn của những người phu xích lô trong những cuốc xe xa, gần. Nhiều phu xe nhẵn mặt ông đến độ cứ lặng lẽ đạp đi khi ông đang lúi húi móc ví trả tiền. Phải thân cận với họ như thế nào để có thể nhận được những tấm lòng ấm áp như thế. Đối với các nghệ sĩ trình diễn, ông tham dự các đêm tập tuồng mới của các nghệ sĩ cải lương cho tới khi tàn cuộc thì trời đã gần rạng. Ông lấy đêm làm ngày, mà ngày thì bắt đầu vào quá ngọ. Ông cho biết trong gần năm mươi năm nay, mỗi ngày ông móc túi ra, lấy ví trả tiền bốn lần cho bốn bữa ăn.

Điểm tâm buổi sáng, cơm trưa, cơm chiều và bữa khuya. Ở trong nước cũng vậy và bây giờ ở ngoại quốc cũng thế, ông đi đi về về nơi trú ngụ của ông, bốn lần một ngày lặng lẽ như một cái bóng.

Trước sau ông viết hơn bốn chục quyển truyện. Tôi vẫn thích quyển sách đầu tay của ông là quyển Đêm giã từ Hà Nội, cái tên của nó đánh trúng tâm tư của cả triệu người Bắc di cư nên vì thế mà độc giả Bắc đón nhận tác phẩm này như một điều tự nhiên. Dường như tâm lý quần chúng thuở chia đôi đất nước, trong cơn hoang mang của lịch sử cũng cảm nhận như vậy, do đó quyển sách đã được tái bản nhiều lần. Đó là một quyển sách đem về cho ông một số tiền tác quyền lớn. Trên phương diện văn chương chữ nghĩa ông là một người may mắn mà không may mắn.

May mắn ở chỗ ông là một trong vài người chỉ sống bằng ngòi bút của mình. Suốt một đời người không làm một điều gì khác hơn là viết. Thế mà không nghèo, thế mà lúc nào cũng phong lưu cơm Tây, rượu chát và tối tối đi phòng trà, đi nhảy đầm. Quanh năm suốt tháng đánh răng vào buổi trưa, lên giường vào lúc gần sáng. Ông kiếm tiền dễ dàng và tiêu cũng dễ dàng. Chính cái bén nhọn trong cách phô diễn chữ nghĩa của ông, khiến ông vừa xuất hiện là ngay lập tức chinh phục được quần chúng. Ông trở thành một nhà văn ăn khách hơn bất cứ một nhà văn nào cùng thời với ông. Có một thời gian ông viết năm cái feuilleton trong một ngày. Chính vì năm cái feuilleton một ngày mà ông trở thành không may mắn trong sự may mắn của chính ông. Nó làm hại cho văn chương.

Khi ông đứng trước "tiền đường" của ngôi nhà văn học, ông khoa chân múa tay, hò hét về chữ nghĩa thì tôi là một người lính hai mươi tuổi. Thế giới của Mai Thảo là một thế giới hoàn toàn xa lạ với những người lính như tôi. Nơi ông ở là thành phố, an toàn tương đối so với chỗ của tôi. Chỗ ông lui tới là trà đình, tửu quán, là phòng trà, sàn nhảy. Trong khi nơi tôi ở, tuy chỉ là một loại lính chuyên môn, nhưng không phải vì vậy mà không giáp mặt với chiến tranh. Tôi phải thú thật một điều là sau tập truyện Đêm giã từ Hà Nội của ông, tôi đọc thêm vài tác phẩm khác, những nhân vật ông dựng ra trong các tác phẩm sau này tôi không cảm được, mặc dù những thị dân thành phố thì hết sức ngưỡng mộ. Đôi khi lẩn thẩn tôi hay tự hỏi những nhân vật của Mai Thảo hình như chỉ có chơi mà không có làm. Trong lúc đất nước thì chiến tranh tơi bời hoa lá, nhân vật của ông sao mà nhởn nhơ, vô trách nhiệm quá chừng.

Tuy nhiên bất cứ ai thích đọc sách đều nhận thấy Mai Thảo có một bút pháp riêng. Cách dùng chữ của ông cầu kỳ và bóng bẩy, câu văn ngắn, gọn. Trong tác phẩm của ông người ta bắt gặp những đoạn văn ngắn đẹp như một bài thơ, những đoạn văn này có thể coi như là những bài thơ xuôi mà ông đặt rải rác vào trong truyện ngắn, truyện dài của ông. Hình như ông dễ dãi trong khi dựng truyện bao nhiêu thì ông gạn lọc chữ nghĩa bấy nhiêu. Do đó truyện của ông khi đăng hàng ngày trên các nhật báo có một sức quyến rũ riêng biệt.

Từ khi qua Mỹ, đời sống của ông thu gọn lại bởi nhiều nguyên nhân. Trước tiên Tiểu Sài Gòn không phải là Sài Gòn, kế đó tuổi thì mỗi ngày mỗi cao, bạn bè rải rác khắp năm châu bốn biển. Mỗi năm ông đi xa vài chuyến. Khi về thu mình trong căn gác nhỏ. Nơi đó ông hoá thân, nhập ông vào với tờ Văn thành một, chăm chút tờ báo như là chăm con mọn. Tự tay viết địa chỉ các độc giả mà không dùng computer, hàng tháng mang báo đi in, hàng tuần mang báo đi gởi. Mỗi chiều đi ăn, mỗi tuần vài cữ nhậu. Hiện nay ông chỉ còn nhậu với một số những người thân cận gần gũi.

Vài năm trước đây ông nhậu mỗi buổi chiều. Ai rủ cũng đi, chẳng từ chối một ai, bởi vì đời sống sao mà buồn tẻ. Vài năm trước đây ông nhậu với đủ mọi hạng người. Tại sao không? Bởi vì ông đã tự nhận ông là người giang hồ của năm châu bốn biển. Do đó có những tiếng không lành, có những cảnh không đẹp. Chung quy cũng bởi cuộc sống ông quạnh quẽ quá, mà ngày thì dài lê thê. Tiếng là chăm nom tờ báo như chăm con mọn, nhưng thật tình giờ rảnh không phải là ít. Hơn thế nữa trong cộng đồng thu hẹp của chúng ta, dù muốn hay không ông là một danh sĩ. Có không ít những người cho rằng ngồi cùng bàn với ông là một điều vinh dự, đó là những người có lòng với chữ nghĩa, văn chương. Nhưng có không ít những kẻ khi ngồi chung bàn với ông thì tưởng chừng như đã lột xác, lắc mình một cái đã trở thành... văn nghệ sĩ. Ông vẫn là người có tiếng cao ngạo, nên chỉ thoáng qua một thời gian là ông nhận chân được những cữ nhậu như thế vừa vô bổ, vừa phí thời giờ mà đôi khi còn bực mình. Những năm gần đây ông hay uống ở nhà, vả lại ông uống nhiều hơn ăn thì cần gì phải la cà nơi quán xá. Chính vì những lời đàm tiếu quanh ông, đã làm ông cô quạnh thêm nơi đất trích này.

Năm nay Mai Thảo 68 tuổi, ông làm quen với văn chương chữ nghĩa suốt năm chục năm ròng rã. Hay khác đi, khi ông bắt đầu thực hiện "giấc mơ ngoài cửa lớp" của ông cùng một thời gian tôi mở mắt chào đời. Thấm thoắt mà chính tôi cũng đã làm quen với chữ nghĩa cũng đã ba chục năm, quen với ông năm năm. Tôi chưa biết một người nào sống cả đời với chữ nghĩa như Mai Thảo. Tôi không biết một người nào yêu văn chương như ông.

Yêu suốt từ thuở thanh xuân, cho tới khi đầu bạc gần kề miệng lỗ. Trong suốt năm mươi năm gối đầu lên chữ nghĩa này tôi chưa hề thấy ông sử dụng chữ nghĩa như là một vũ khí đánh người. Thời của chúng ta là thời của bọn đao bút, thế mà tôi thấy ông khi viết sổ tay, nhắc đến tất cả mọi người với lòng ưu ái, cho dù trong những người ông nhắc tới không thiếu gì kẻ đối với ông "Bên ngoài thơn thớt nói cười. Mà trong nham hiểm giết người không dao". Cũng không thiếu gì kẻ cúc cung tận tuỵ bên ông chỉ vì một dòng chữ ông cho có khác gì một vòng hoa quàng cổ. Mai Thảo quả thật là một người rộng rãi trên phương diện chữ nghĩa. Chữ nghĩa nào có phải của riêng ông, chữ nghĩa của cuộc đời ông đem trả lại cho đời. Hà cớ gì ông phải chật hẹp?

Mai Thảo thành danh là một nhà văn, có nhiều người tâng ông là nhà văn hàng đầu. Xin nhường phần thẩm định này cho các nhà viết phê bình văn học. Phần tôi là một người viết đi sau ông gần hai chục năm. Trong gần năm mươi quyển sách ký tên Mai Thảo tôi thích Đêm giã từ Hà Nội, tác phẩm đầu tay của ông, nhưng tôi yêu Ta thấy hình ta những miếu đền tập thơ duy nhất của ông. Tôi nghĩ là chính cuộc đời ông là tác phẩm lớn nhất của nhà văn Mai Thảo. Tác phẩm đó viết bằng những trận cười thâu đêm suốt sáng, bằng những cô quạnh, tịch mịch của bẩy mươi năm méo mó chắp làm người. Hãy đọc quyển sách "Đời" này với một tấm lòng mở, bởi vì quyển sách đó sẽ không có chữ với những tấm lòng chật hẹp. Bởi tôi yêu tập thơ của ông, nên xin mượn thơ của chính ông để đúc kết bài viết này. Thơ của Mai Thảo còn nhiều lắm, nếu trích nữa e rằng bài viết này sẽ dài thêm vài chục bài thơ. Dài có, ngắn có. Thất ngôn có, tứ tuyệt có. Tự do có, thơ xuôi có. Trước khi chấm dứt bài viết, tôi cầu chúc ông, nhà văn Mai Thảo những điều tôi "không" bắt gặp trong thơ ông.

California, tháng Chín 1994
Nguồn: Hoàng Khởi Phong. Gối đầu lên chữ nghÄ©a. Văn Má»›i xuất bản, 2007