© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
14.8.2007
Triều Đẩu
Những thiên đường lỡ: Giữa đô thành Sài Gòn–Chợ Lớn
 1   2   3 
 
Những tiệm hút công khai

Sau khi đã đặt chân di dân trên đất Sài Gòn – Chợ Lớn và sau khi đã tạm ổn một số công việc cấp bách, cần thiết, tôi đã theo bản tính tò mò của tôi muốn biết sớm những vẻ, những cạnh của mặt trái Sài Gòn. Tôi muốn được chính mình trông thấy, nghe thấy, sờ mó thấy những hình thức nổi trầm của Sài Gòn ăn chơi.

Mới ngày nào, còn ở ngoài Bắc, những tiếng vọng của trụy lạc, những hình ảnh viễn chiếu của tứ đổ tường từ Sài Gòn – Chợ Lớn, từ kinh đô ăn chơi này, đã mang tính chất đồ sộ, loã lồ kinh khủng về bề rộng, bề sâu, bề cao. Và bên cạnh những cái đồ sộ, loã lồ, kinh khủng đó, Hà Nội – nơi nghìn năm văn vật giữa đất Thăng Long cổ kính – Hà Nội không thể sánh bì kịp. Có làm sao! Người ta đâu có thể chỉ so sánh những cái hay, cái đẹp, cái đạo đức – người ta vẫn hằng so hơn kém cái xấu, cái hỏng, cái lưu manh, cái mạt kiếp, mà ở phạm vi này người đời lại thấy thú vị hơn. Vậy thì, ngày còn ở Hà Nội, tôi đã được người mới ở Sài Gòn ra cho biết ở Sài Gòn hiện nay đánh bạc công khai, chơi gái công khai, hút thuốc phiện công khai và uống rượu cũng công khai. Và lại đồ sộ nữa nghĩa là sòng bạc rộng lớn. Vườn lài rộng lớn, tiệm hút rộng lớn và tiệm rượu rộng lớn.

Tôi đã xuýt xoa để thèm muốn hay để chê bai, và trầm trồ để ca ngợi hay để đả kích? Có thể rằng mọi sự vẫn được tô mầu hồng qua không gian, có thể rằng từ xa xăm, từ Sài Thành thơ mộng chúng ta đã sẵn có những cảm tưởng đẹp, dẫu rằng mới chỉ qua những ảo tượng. Nhất là lúc ấy Hà Nội vẫn cố giữ những phong tục cổ kính, những lề thói ngày xưa, mặc dầu trải mấy lần chiến tranh, mấy lần đổi thay về mọi phương diện.

Y như cô gái lương thiện mặc dầu bị gia biến vẫn gìn giữ lấy nếp nhà. Mặc dầu xung quanh người ta hư đốn cô vẫn giữ được giá trong. Hà Nội từ bao đời vẫn là nơi xuất xứ, nơi phát tích, nơi bảo tồn, để truyền lại, tất cả những mỹ tục thuần phong cùng những tư tưởng mang dân tộc tính. Cho nên do tình cờ hay do số phận mà địa dư đã đồng loã để chứng minh sự mâu thuẫn của 2 thành phố đứng ở hai đầu dây, Hà Nội và Sài Gòn, thực vậy, đã ở vào hai vị trí cách biệt, khí hậu đã thay đổi thì tính tình con người vốn lệ thuộc khí hậu tất nhiên sẽ cũng thay đổi. Đồng thời cách sinh họat cũng thay đổi mà nếu tứ đổ tường ở đây có phô bầy hình thức công khai và đồ sộ ngoài những nguyên nhân thuộc kinh tế hay chính trị, chúng ta sẽ không lấy làm ngạc nhiên ở cái nơi nắng suốt nửa năm trời và mưa cũng suốt nửa năm trời.

Vậy thì sau 3 ngày 3 đêm sống rất “đạo đức” trong cuộc đời di cư buổi đầu, tôi đã gặp anh bạn L. Anh L. là một nhà văn nổi tiếng ầm ĩ một thời. Có lẽ vì vậy mà anh đã phải di cư lặng lẽ và sớm hơn mọi người khác. Tới đây nhờ tài tháo vát, anh đã tạm gây được một cơ sở tuy chưa hẳn vững vàng nhưng cứ trông cái bề ngoài thì cũng thấy hào nhoáng. Đối với phần đông chúng ta thì sự trạng giả dối mầu mỡ riêu cua nếu không đáng thưởng phạt thì cũng đáng tức cười. Nhưng tiểu thuyết gia L., quen sống với những giả tạo nên về thực tế, anh cũng quen “tiểu thuyết” cứ “trộ” thiên hạ hoài và có khi “trộ” cả anh em. Tôi biết rõ anh lắm cho nên vẫn có thể thân mật với anh trong cái số bạn thân mật rất hiếm hoi của anh.

Gặp nhau, chúng tôi đã trao đổi những lời hàn huyên thường lệ, để rồi bất thình lình tôi vỗ vai anh vừa cười vừa nói:

“Anh hãy cho tôi biết Sài Gòn”. 

L. nhìn tôi, cười hóm hỉnh:

“Sài Gòn – Chợ Lớn, đại danh từ kép mới đúng…”

Và nháy mắt một cái rất tinh quái, tinh quái đến ghê rợn với đôi mắt trắng dã trên làn da mặt sạm đen, anh hỏi dồn tôi:

“Được rồi! Nhưng ta nên đi cái nào trước, cái nào sau? Gái trước hay thuốc phiện trước? Hay rượu đã và cờ bạc đỏ đen ta để sau cùng?”

Tôi còn đang phân vân trước một “lô” đùa giỡn như vậy thì L. đã trả lời hộ tôi, cũng rất vội vàng hấp tấp theo thói quen của anh:

“Ta bắt đầu thăm các tiệm hút đã. Kinh phí về bốn đổ tường đêm nay ít ra cũng 5 bách. Đó là theo năng lực của túi tiền của chúng ta. Anh đã có đủ năm bò chưa?”

Thấy tôi gật đầu, anh đứng dậy cười ròn tan và không quên kèm theo những tiếng khen thiên hạ một cách rất phí phạm cũng theo thói quen của anh:

“Tôi chịu anh! Thực là nhất anh nhé!”

Thế là chúng tôi ra đi vào khoảng hơn 10 giờ đêm, giữa lúc mà cái dạ dày đã được no đủ thoả mãn, con người đòi hỏi những thú vui, những kích thích cân não. Mà ở cái xã hội vẫn được tiếng là văn minh thể theo nguyên lý tiến bộ, thứ gì cũng trở nên phiền toái, cầu kỳ, kể cả những cuộc vui, kể cả những thứ giải trí nghĩa là giải thoát ở con người tất cả những bực dọc lo toan và chán nản.

Đô Thành Sài Gòn - Chợ Lớn giờ này đang bừng trong ánh sáng điện néon đủ mầu, ngoài thứ ánh sáng trắng bệch của đêm đêm. Trong bầu không khí như tối như ẩn như hiện, xe cộ, người và vật ngụp lặn, nhung nhúc, ầm ĩ, loạn xạ, rối mắt. Giữa cảnh nhộn nhịp đó, chúng tôi đã kiếm một tắc xi để đến con đường Lacaze.

Một nhà nữ văn hào Pháp đã nói: Những cảm tình đầu tiên bao giờ cũng thành thực hơn hết. Vậy thì bạn L. và tôi bước lần đầu tiên vào tiệm số… đường Lacaze, một tiệm Tầu, tôi đã thành thực sửng sốt và kinh hãi. Một quang cảnh chưa từng thấy đã hiện ra trước mắt tôi. Cho dẫu sức tưởng tượng của tôi có mãnh liệt đến mấy tôi cũng chỉ hình dung, quen như ngày nào còn ở Bắc Việt ở Hà Nội, một tiệm hút dầu rằng tiệm Tầu chỉ có thể có nhiều nhất là 4, 5 bàn đèn (mâm hút) và đặt một cách kín đáo, một số ở trong phòng riêng, một số ở trên ghế ngựa, một ở góc tường này và một ở giường góc nhà kia. Để nếu cần thì là một bàn đèn nữa, lấy cớ đầy khách hút, có thể đặt ngay trên chiếu dài giữa nhà ngay trên nền lát đá hoa. Đó là tiệm hút số nhà 43 phố Hàng Dầu, Hà Nội sau đền Bà Kiệu trước đền Ngọc Sơn, Bờ Hồ năm 1954. Và như vậy xung quanh mỗi bàn đèn là một số khách hút riêng biệt. Bàn đèn trong phòng kín đáo kia là giang sơn riêng biệt thường ngày của một vài người Pháp và của đôi vợ chồng một giáo sư cử nhân khoa học người Việt mà kẻ viết thiên phóng sự này đã từng là học trò tại trường Bưởi. Còn những bàn đèn nhà ngoài gồm toàn những khách “tự do” không cần đếm xỉa đến dư luận. Song ai nấy đều giữ gìn sợ sệt coi chừng nhà chức trách. Vì ở ngoài Bắc dạo ấy vẫn có lệnh cấm hút, cấm triệt để. Ông chủ Tầu đã cẩn thận đặt tiệm tại một nơi kín đáo lui hẳn vào phía tận cùng trong nhà. Muốn vào đấy phải qua mấy lần cửa và mấy căn nhà. Trừ phi là khách quen thuộc mới biết lối đi ngoắt ngoéo, còn khách lạ thì nhất định sẽ lạc, khó mà tìm tới nơi.

Thế mà tại số… đường Lacaze Chợ Lớn nay, tiệm hút chỉ mang số nhà như mọi nhà không buôn bán nghĩa là không có biển hiệu, mắt tôi đã bị loá bởi ánh sáng của 5, 6 chục mâm hút (bàn đèn) đặt song song trên hai bục gỗ cao hai bên, để một lối đi giữa lủng củng những ống nhổ men dạn và ngổn ngang nhiều giày dép, guốc. Từ trên tường cao, mấy ống điện néon toả ánh sáng yếu ớt phải chung sức với chục ngọn đèn dầu lạc mới đủ chiếu sáng căn nhà rộng cùng mấy chiếc kim im lìm trên mặt chiếc đồng hồ Jaz mặt lớn lưng chừng cao. Còn người, người – vì người bao giờ cũng là yếu tố căn bản và quan trọng dẫu rằng là người khách hút – người ở đây quả đã kinh khủng trong cảnh nhân mãn. Người, người, ôi thôi! Biết làm sao được! Dẫu sao cũng phải gọi họ là người có đủ mắt mũi, thân và chân tay, có trái tim để cảm xúc, có khối óc để suy nghĩ như anh và tôi. Song bầy người xanh xao, khẳng kheo, mặt lệch lạc và thân hình tiều tuỵ đang kẻ nằm người ngồi nói chuyện ầm ĩ, hoặc cái miệng hít, cái cổ phập phồng tạo nên những tiếng ro, ro và làn khói trắng đặc sịt. Cái thế giới nhộn nhịp loạn xạ, kềnh càng, hôi hám, tập trung thành từng đám nhỏ xung quanh ngọn đèn dầu lạc toả ánh vàng khè để tìm sinh lực y như những kẻ bộ hành trên sa mạc quây quần xung quanh một điểm mát có cây có nước, một oasis để lấy lại sức khoẻ hoặc như những khách phiêu lưu, những nhà thám hiểm ban đêm trong rừng khuya hội họp xung quanh những đốm lửa để tránh những ác thú.

Ở đây, trong cái tiệm gần như kín mít và sặc sụa những khói thuốc cùng hơi người này, họ không phải là những người bộ hành có mục đích, những nhà phiêu lưu có lý tưởng, những nhà thám hiểm có chương trình. Họ chỉ là những con người mệt mỏi, có họat động đôi chút thì cũng do thuốc phiện kích thích trong chốc lát, có ba hoa về thời cuộc hay bình luận về chính trị thì cũng chỉ là hão huyền suông tình và tiêu cực qua khói vụt dâng lên để rồi lại vụt biến đi.

Như trên đây đã nói, họ cũng là người như ai nhưng là một thứ người của thuốc sái, nghĩa là hỏng kiểu (anormal) có mắt nhưng mắt mờ, có tai nhưng tai ù, có thân hình và chân tay nhưng đều là thứ giả tạo, chỉ có thể cử động khi đã hút đủ liều khói tiếp xúc, có khối óc để suy nghĩ nhưng chỉ suy nghĩ quẩn quanh sao cho có tiền hút, và sau cùng là trái tim thì lại bị khói thuốc ám đen và sái thuốc quyện vào máu nên khô cạn không còn tình cảm nữa. Nghĩa là hết yêu, hết ghét, hết giận, hết sợ, hết mừng, hết buồn và hết cả muốn nữa.

Như vậy thì trước mắt tôi chỉ là ngót 200 người giả (robot) cử động không phải do luồng điện mà chỉ bởi luồng khói. Ở kia điện bắt sèo sèo thì ở đây khói cất lên ro ro!

L. và tôi trước khi tới những dẫy phản gỗ đặt mâm hút phải qua cửa một căn phòng nhỏ bé, có một cửa sổ nhỏ bé, trổ ra phía ngoài. Đó là nơi bán thuốc, một thứ văn phòng của chú khách béo mập, bậm áo ti-cô, và quần sắn cao phía trước để lộ cái bụng quen thuộc với cái rốn sâu; chú đang cân thuốc trên những ngao to nhỏ: thứ 10$, thứ 20$, và thứ 30$. Bên cạnh chú, la liệt một số đèn chờ đợi nên chưa đốt lửa.

Trên cái giá đóng vào tường đặt song song một hàng dọc tẩu (ống) đủ các cỡ các kiểu mầu đen hoặc nâu sẫm cái nào cũng đã lên nước bóng nhoáng. Những ống hút, mỗi khi dùng lâu trong một buổi hút, thường tiết ra một thứ nước đắng và hôi kinh khủng nên phải lau thấm bằng cái bấc làm bằng giấy xeo tròn. Thế mà trong văn phòng này trên cái xích đông cao, những bấc giấy kia đã được xếp dự trữ thành từng bó kể có mấy ôm chặt. Đủ biết sức tiêu thụ thuốc đã kinh khủng cũng như nghề bán thuốc đã phát triển ghê gớm. Vả đã đến lúc phải đặt bên cạnh thiên phóng sự này 3 chữ cấp cứu S.O.S. chưa?

Tôi ngơ ngác đi sau anh L. tiến vào cái xã hội hút. Một người có vẻ Tầu đang nằm trên bục gỗ, thoáng thấy chúng tôi vào liền ngồi dậy và đứng lên chào chúng tôi như đã quen thuộc từ trước. Anh ta giơ tay chỉ một khoảng trống trên bục gỗ và mời chúng tôi vào chiếm chỗ đó.

Chúng tôi chưa kịp ngồi thì, từ mâm hút ngay cạnh đó một tràng tiếng cười ròn ném về phía chúng tôi. Nhận ra ngay là bạn quen, L. liền cười ngặt nghẽo, cười ngả hẳn người về đằng sau rồi giơ tay bắt bàn tay anh bạn vừa chìa ra. L. liền giới thiệu tôi với anh bạn nghiện: Đây anh T.Đ. nhà văn mới di cư và đây anh X. vẫn ngâm thơ trên đài phát thanh.

Tôi vụt nghĩ tới cái giọng ngâm thơ đều đều oang oang quen thuộc mà tôi vẫn cho là phản tuyên truyền phản… đài phát thanh.

Đến nay, đối chiếu người với tiếng, tôi đã chẳng ngạc nhiên, như vẫn ngạc nhiên trước chân và mộng, thực tế với tưởng tượng và người nghệ thuật với người ngoài đời. Vì ở đây người nghệ thuật đã xa vắng mà người ngoài đời thì gần gụi. Gần gũi một cách quá quẩn… Chiều nay, bên cạnh mâm hút, X. đang nằm ngậm ống hút mặt nhìn về phía chúng tôi chừng muốn nói nhiều điều dồn dập song cổ và miệng anh còn bận phập phồng và giật giật, hút khói và sáng tác những thanh âm độc điệu ro, ro, ro, ro!

Người chỉ chỗ nằm cho chúng tôi vừa rồi đã cầm chổi lông gà quét lia lịa cho có vẻ ân cần vì thực ra không còn bụi gì nữa. Anh đã đặt hai chiếc gối xứ cứng rắn và nhờn mồ hôi lên đầu chỗ nằm. Đọan anh rót hai chén nước chè ấm ấm, hai chiếc chén thô kệch ám cặn nước chè nâu sạm. Từng ấy cử động ở anh đã quen thuộc máy móc trong sự lặng lẽ và sẽ sàng khiến cho tôi tò mò chú ý vì là chứng kiến lần đầu tiên. Trừ tôi ra, đối với những khách hút hiện diện lúc ấy, anh bồi tiêm chỉ là một nhân vật tầm thường, không ai để ý đến đời sống của anh, đến những tấm giẻ đầy sái thuốc long lở tha lay lắt cái nghiệp sống vật vờ do những tiền “puốc boa” của thiên hạ.

L. và tôi đã bước lên bực gỗ, cởi quần áo sửa soạn nằm dài như mọi người. anh bồi tiêm sẽ sàng hỏi chúng tôi:

“Hai thầy lấy mấy ngao?”

Tôi còn ngơ ngác chưa biết trả lời thế nào thì L. đã buông cộc lốc:

“Hai”.

Tức thì anh bồi không sẽ sàng nữa, anh đã kêu rất to bằng tiếng tẩu đọng oang oang như thổi qua cái ống:

“Lưỡng họp…”

Tiếng kêu vọng vào “văn phòng” thành 2 tiếng nhắc lại rõ rệt. Rồi thì anh phó chủ tiệm – anh chánh chủ tiệm vẫn bận cân thuốc và nạo sái – bung ra, nhanh nhẹn và gọn gàng, chiếc khay nhỏ, trên đó cái đèn cổ điển đã được thắp lên vững vàng và xung quanh là những dụng cụ cần thiết: một tiêm, một ống và thường thì có thêm cái kéo sửa bấc đèn. Phao đèn dầu lạc đã được rót đầy do một dụng ý và những móc và đồ đánh sái thì tuyệt nhiên không có cũng do dụng ý. Độc giả sẽ nhận thấy ở trong cái tiểu thế giới lửa và khói này, có cả một mớ ước lệ truyền tụng chớ không cần ghi vào giấy tờ mà một khi vào đây không ai có thể nói rằng không cần biết. Y như nguyên tắc tư pháp bất di bất dịch: Nul n’est censé ignorer la loi. Ai cũng phải coi là đã biết luật.

Nghĩa là không thể vịn vào cớ chưa đọc luật mà phạm pháp được. Vậy thì theo ước lệ đã được mọi dân nghiện công nhận, người nằm hút sau khi đã hút xong ít nhất là một ngao thuốc có quyền nằm dài tơ mơ cạnh bàn đèn cho tới cạn pheo dầu. Và sở dĩ không có móc cùng dụng cụ nạo sái và làm sái là vì công việc đó là thuộc độc quyền của chủ tiệm và được thực hiện trong “văn phòng”, lúc ấy do công tác kia đã trở nên một thứ “công binh xưởng”.

“C.B.X.” – chữ viết tắt của đối phương ngày nào để tránh nạn oanh tạc – “C.B.X.” đã sản xuất những viên sái tròn như những viên đạn để rồi đốt trên lửa tung khói qua cái ống dài vẫn được gọi rỡn là súng bazooka.

Mỗi viên đạn ghém đó giá 1$. Bán để người khách quyện với thuốc nguyên hút vừa dặm đủ “đã” say – vừa được gia – tức là thêm thuốc. Mỗi ngao giá 20$ - thuốc nguyên thì được 3, 4 điếu, nếu quyện với sái, 3, 4 viên thì sẽ được 4, 5 điếu. Cho nên người hút cũng như anh bồi tiêm đều không có quyền móc sái, đánh sái và vì vậy trên các bàn đèn đều không có đặt móc và các đồ phụ thuộc.

Mâm hút đã đặt ngay ngắn trên bục gỗ. L. và tôi đã giải y như mọi người, mỗi chúng tôi đều tưởng rằng bạn mình sẽ, bên cạnh cái bàn đèn đường hoàng, nhờ làn khói thơm với áo và quần giải như vậy để giải thoát hay siêu thoát, đi sâu thêm vào chủ nghĩa yên của bao nhiêu bạn cùng hội cùng thuyền xung quanh.

Điếu thuốc đã làm xong anh bồi tiêm quay dọc chìa đầu tẩu về phía tôi, tôi lắc đẩy về phía L. - L. cũng lắc nốt làm tôi rất đỗi ngạc nhiên.

Ý chừng L. đoán được ý nghĩ của tôi, nên anh đã nhe răng cười, răng trắng cùng với mắt lòng trắng, trước ánh đèn dầu, đã bóng lên như nêu cao rõ rệt một đặc điểm. Anh nói bắt đầu bao giờ cũng có vẻ ba hoa:

“Anh vẫn yên trí rằng L. nghiện rồi phỏng? Chẳng riêng gì anh, thiên hạ vẫn còn nhiều thằng yên trí rằng L. nghiện. Ồ! Anh ơi! L. nghiện sao cho được? Vì nghiện là tiêu ma sự nghiệp”.

Điếu thuốc đã hoàn thành vẫn giơ lên đi từ L. sang tôi, lại từ tôi sang L. y như một cái “cúp” luân chuyển, mặc dầu thuốc phiện không thể đi đôi với thể thao và bàn đèn không thể là một cái sân banh thu hẹp.

Nhưng anh bồi tiêm vẫn nhẫn nại chờ đợi, xem ai trong hai người nhận chiếc “cúp” nóng hổi kia.

L… hướng về phía tôi nói lớn:

“Tôi nhất định không hút đã lâu rồi. Ngay từ hồi còn ở Hà Nội. Anh đã biết đấy. Anh mà còn thấy thằng L. đi hút thì, thì tôi cứ xin đi giặt váy cho thiên hạ”.

Tôi vẫn biết bao giờ L. cũng thề bồi một cách phí phạm và nhiều khi không đáng thề thốt, anh cũng cứ nặng lời. Cho nên lần này anh có lấy cái váy làm bản vị cho lời thề, tôi cũng không thấy xúc động như lần đầu tiên được nghe anh thề. Phải chi lần này là lần đầu mà anh cho ra cái váy thì tôi đã xúc động biết nhường nào.

Cái “cúp” luân chuyển tí hon vẫn lửng lơ bám trên diện. Người bồi tiêm lúc ấy có thể cũng là một thứ trọng tài ba phải, không đủ uy tín để điều khiển cuộc chơi.

Tôi nói:

“Riêng tôi thì tôi vẫn tin ở năng lực tiềm tàng ở mỗi văn nghệ sĩ chân chính và nhà văn có tài ba và đức độ vẫn là người có nghị lực. Khi họ muốn “thôi” là “thôi” ngay, kể cả cái thứ khó “thôi” nhất là thuốc phiện. Cho nên tôi tin ở anh”.

Câu nói vừa rồi với tính cách thành thực đầy quả cảm của nó đã có đức tính làm cho “cầu thủ” L. hăng lên.

Tới lúc ấy thì anh vẫn nằm dài chân ruỗi thẳng trong các thế “tĩnh” hoàn toàn thích hợp, không thể thao chút nào. Rồi y như khi thấy bên mình vừa thua một “gôn”, L. đã chồm lên và hùng hổ thao thao, anh đã xông xáo như muốn gỡ:

“Bọn nhà văn chúng mình vẫn nêu cái chân thiện mỹ cho thiên hạ biết và noi theo. Chẳng lẽ mình lại bê tha, trụy lạc chơi bời hút xách để làm giảm thanh thế của văn minh ư? Vì anh cũng rõ văn với người, tác phẩm với tác giả vẫn có một mối liên quan về vật chất cũng như về tinh thần. Nếu anh hỏng về phần đời thì anh không thể sáng tác được gì lành mạnh.

Và nếu anh cứ nói chuyện đạo đức mà cứ chẳng đạo đức thì anh sẽ chỉ là một đạo đức giả trước con mắt của người ngoài đường, tức là người của đám đông”.

Đến đây cái “cúp” luân chuyển không biết về “cờ lớp” nào, bởi lẽ tôi cũng lắc mà anh cũng lắc. Tôi đã phải giải thích cùng anh bồi tiêm:

“Chúng tôi đến đây hôm nay chưa tiện hút chỉ là tò mò muốn lại thăm tiệm hút ra sao thôi. Vậy cho anh cứ hút, hút hộ chúng tôi. Anh cứ ro ro và thả khói để chúng tôi xem là được rồi”.

Và liếc nhìn L. lúc ấy đang lim dim hai mắt, tôi đã làm anh choàng tỉnh hất hàm như hỏi tôi. Vì tôi đã nói tiếp, gần như hỏi anh:

Anh L. nhỉ, hình như bọn mình chỉ thích nằm bàn đèn phiếm luận thì thật tuyệt”.

L. gật đầu như biểu đồng tình.

Anh bồi tiêm vừa được hai cái bổng không ngờ liền xin phép hai quý khách hay là hai Mạnh Thường Quân để lĩnh “cúp”. Anh đã nằm gối ngay ngắn trịnh trọng y như một người sắp hành lễ, anh đã cho ra một tràng ro ro và ro đều đặn khoan thai, rất lành nghề nếu không phải là thừa nghệ thuật.

Tiếng ro ro vừa rứt thì anh nhỏm dậy nghiêng mình tợp một hụm nước. Chúng tôi cứ chờ làn khói toả ra, làn khói báo sự thành công y như tại điện Vatican La Mã, tín đồ đang chờ đông đặc ngoài sân. Khi thấy có đợi khói bốc lên tại một ống khói trên nóc điện, tức là việc bầu chức vị tối cao là giáo hoàng đã hoàn thành rồi, tín đồ khắp thế giới mới biết ai là Đức Cha vĩnh viễn của muôn họ. Đằng này ở đây chờ đợi khói, chúng tôi đã chẳng thấy gì, dẫu rằng chỉ một sợi, một tia nhỏ. Thì ra “bố mày” (!) trong khi hút khoan thai và đều đặn đã, đồng thời, nuốt ực cả khói!

Đành phải trả cái gì của César cho César, chúng tôi đã trả cái gì của anh bồi tiêm, trả anh cái nghệ thuật hút cao cường đó. Chúng tôi đã trở lại cuộc phiếm luận về sự tương quan giữa văn nghệ với cái bàn đèn. Tôi nói:

“Văn nghệ sĩ thường hay muốn dùng những thứ kích thích cân não, kích thích lối siêu đẳng, quá kích thước. Đó là một hình thức siêu thoát vô song. Song thiết tưởng cái sở thích nầy không thể độc quyền mang danh hiệu văn nghệ sĩ”.

Vì tôi thấy thiên hạ chẳng phải là văn nghệ sĩ, thiên hạ có thể chỉ là những nhà buôn, bọn lưu manh, vô nghề nghiệp, nhà công nghệ hay chủ đồn điền, tụi gái điếm, cờ bạc bịp mà cũng nghiện oặt chẳng làm được một câu thơ hoặc suốt đời chưa hề đọc một cuốn tiểu thuyết. Về nhạc họ chỉ biết có điệu ro ro, mà về vẽ họ chỉ biết mầu sắc thuốc tốt hay xấu, và những đường ngang dọc của bàn đèn và ống hút. Thì đây, ngay xung quanh chúng tôi đây, một bầy nghiện hút người khẳng kheo và da tái mét, họ nhất định không phải đều là văn nghệ sĩ cả!

Đến đây thấy tiến vào một chàng tóc chải ngược, mắt đeo kính trắng, cằm thót vẻ mặt tầm thường, âu phục trịnh trọng, cổ đeo cà vạt và tay cầm ba toong song. Đi bên cạnh anh này, là một võ quan trẻ tuổi, cốt cách không ra vẻ võ quan chút nào. Vì nếu trút bột áo kaki cùng “lon” vàng ra, thì nhất định chỉ còn một thất phu đần độn ham hưởng thụ ăn tục nói khoác. Hỏi ra sau mới biết rằng đó là một đại úy trong quân đội Bình Xuyên. Hai người này vào nhìn lần lượt cả hai dẫy bàn đèn như tìm một người quen. Trông thấy họ, L. ngồi bắn dậy chìa tay ra, nói hấp tấp:

“Kìa hai anh! Chắc các anh định tìm tôi?”

Hai người kia liền ôm chầm lấy tay anh L. rung rung bắt và cùng nói:

“Đích rồi. Tôi đoán chắc anh ở đây nên lại tìm. Thôi chúng ta đi, đi ngay kẻo muộn”.

L. cáo thoái, chỉ về phía tôi:

“Thôi xin phép hai anh đêm nay. Tiểu đệ có anh bạn chí thân vừa ở Bắc di cư vào. Đệ có bổn phận phải tiếp đến sáng”.

Hai người kia liền nói ngay:

“Thì mời anh bạn đi cả”.
Và võ quan ghé vào tai L. nói thầm điều gì làm hai chàng cười khúc khích.
L. nói:

“Rất tiếc nhưng không thể được, tôi phải tiếp anh bạn cố tri đây”.

Họ đành phải từ giã tiến vào phía trong gặp X. bắt tay uể oải rồi thủng thỉnh ra không. Chừng X. cũng không muốn nhập bọn hoặc họ không muốn mời X. chăng? Nào ai biế, chỉ biết X. cũng như mọi dân nghiện, một khi đã vào bàn đèn thì đến Bố bảo đi cũng không được.

Họ đi rồi, tôi hỏi L. xem người cầm ba toong song là ai, thì được L. bĩu môi dè bỉu:

“Ồ! Thằng coi tướng vua bịp vẫn đăng quảng cáo ầm ĩ, in cả ảnh. Anh nhận ra ngay chớ gì”.

Trong một giây tôi hình dung ra ngay “giáo sư” mà có lần chính tôi đã gởi con tem 0$20 (giá tiền năm 1937) để đánh đổi lấy một tờ in tay (ronéotypé) có đủ cả lời đoán về thân thế và nhất là tình duyên. Đó là điều chính tôi đã nhấn mạnh khi tôi biên thơ và gửi tem. Ngày ấy tôi đang yêu một người, hai người say nhau như điếu đổ thì nhận ngay được tờ số của “giáo sư” gởi về ca ngợi tình yêu. Có điều đáng tiếc là đọan cuối, giáo sư đoán cuộc tình duyên đẹp thì đẹp vô cùng nhưng rồi sẽ tan vỡ một cách rất… phũ phàng.

Thì trái lại người đàn bà tôi yêu ngày ấy, say như điếu đổ, đã thành vợ tôi. Cơ chỉ và rất thực tế, thôi không cần mơ mộng nữa và lẽ dĩ nhiên là chẳng tiểu thuyết chút nào. Vậy thì đâu có sự tan vỡ với phũ phàng, khiến cho ngày ấy chúng tôi đã lo lắng sợ sệt đâm ra rất tin và càng phục “giáo sư”… và đã vui lòng nộp cho người con niêm hai cắc theo giá năm 1937, bằng bây giờ “lối” 100$.

Cho nên tôi đã đồng ý với L. mà thốt lên:

“Vua bịp ! Đúng là vua bịp”.

L. bật cười nói:

“Thế mà bây giờ anh chàng lại ngâm thơ cho thiên hạ nghe, thì thánh thật!”

Tôi nghĩ thầm:

“Lại ngâm thơ để lại ca tụng những tình yêu đẹp đẽ mong manh như hoa đào trước gió xuân!… Ngày nào…”

Thấy tôi im lặng, L. nói tiếp:

“Chiều nào, anh chàng cũng đi tuần các tiệm hút, gặp bạn nào sộp là đi ăn đi hát, sống cuộc đời rất phong lưu cốt cách…”

Tôi liền ngắt lời anh:

“Vừa rồi chúng ta đã nói thuốc phiện với văn nghệ sĩ. Tôi cho rằng thuốc phiện không cần thiết cho việc sáng tác và vì thuốc phiện mà nghệ sĩ không sáng tác được những tác phẩm lành mạnh. Lại nữa, nếu nghệ sĩ có mắc nghiện hút, nhất định không phải vì nghệ sĩ có một bản chất đặc biệt một cơ thể và những tế bào khác người. Vì rằng như vừa rồi đã nói thuốc phiện đâu chỉ có những đồ đệ trong đám văn nghệ sĩ trong giới sĩ mà cả nông, cả công, cả thương nghĩa là tam dân kia đều hương khói bốn mùa thờ Nàng Tiên Nâu. Thuốc phiện kích thích tinh thần trong chốc lát kiến người văn nghệ có ảo tưởng rằng Phiện là Tiên, cô Tiên. Song, khi thuốc hết hiệu lực, thân thể sẽ rã rời và tâm thần mỏi mệt thì chao ôi! Ai biết cho nhau!

L. nghe đến đây, liền ngồi nhỏm dậy cướp lời:

“Thì đúng như lời tôi vẫn nói, thuốc phiện là thuốc độc và văn nghệ sĩ chúng mình không thể tự tử bằng chất độc đó được. Hãy nghĩ đến sứ mệnh cao cả, đến lý tưởng thiêng liêng của mình, người văn nghệ mới gạt bỏ được tất cả những cám dỗ của thường tình.

Tôi lại ngắt lời anh:

“Có nên theo gương anh bạn văn trào phúng T. chỉ hút chơi, chớ không nghiện? Anh hút trên 20 năm rồi mà không ai bảo rằng anh nghiện. Tôi hỏi bí quyết của anh thì được anh thản nhiên trả lời: Chớ có hút đều, ngày hôm nay hút thì cách mấy hôm nữa mới hút hoặc có thể thất thường cách hàng tuần, hàng tháng cũng nên.

Thuốc phiện bắt nghiện chỉ vì người hút đã cứ hút đều, ngày nào cũng hút, và nhất là hút đúng giờ ngày hôm sau. Cứ như vậy thì đến khỏe như voi cũng bị mấy viên thuốc nhỏ xíu kia đánh ngã… nốc ao như chơi”.

Nghe đến đây, L... vốn tính hay cực đoan đã chồm lên nói:

“Không thể thế được!”

Trái lại, anh bồi tiêm đã mỉm cười; vừa vê thuốc trên mặt diện, anh vừa nói:

“Dạ! Nói có hai thầy, thuốc phiện mà giữ được chỉ hút chơi thì thật tuyệt không gì thú bằng…”

Tôi đang bâng khuâng vì ý niệm hút chơi thì thấy buốt nhói ở lưng khiến tôi đang nằm ngửa mà phải rướn mình lên u như mắc chứng sài uốn ván. Nhìn sang bạn L. đã thấy anh tơ mơ như tỉnh như say, mắt nhắm lim dim và thân hình buông trôi. Khói thuốc phiện vốn có áp lực đối với cơ thể, dầu người ta chỉ là khách bàng quan. Ánh đèn dầu lạc vốn có năng lực thôi miên, nhất là đối với những tạng người quen thuộc. Và xung quanh cái bàn đèn, vẫn có một “phạm vi từ lựa” thu hút con người y như đá nam châm. Nhưng bỗng nhiên, L. ngồi phắt dậy, tay gãi lưng lìa lịa, miệng nói lớn:

“Ờ! Có rệp… Chết chửa! Rệp!”

Và anh cứ gãi hoài.

Tôi lúc ấy cũng ngồi dậy như L. Nhìn xuống phản gỗ chỉ thấy vắt ngang một kế vạch thành đường thẳng tít và đen ngòm. Từ trong kế sâu thẳm đó, chắc chắn mấy chú rệp đã đánh bài du kích, đốt chớp nhoáng đủ thì giờ hút một ngòi máu cần thiết để rồi rút lui chớp nhoáng về cứ điểm bí mật. Chờ một thời gian nữa, giữa lúc người ta không đề phòng, quân du kích mới lại xung phong tấn công chớp nhoáng để lại biến vào trong khe.

Ở đời có những sự tình cờ kỳ cục do đó mọi sự như đã được sắp đặt từ trước bởi một ý định giễu cợt thần bí. Thí dụ như giữa lúc bị rệp đốt trong tiệm hút tôi đã kịp nhớ ra tôi có mang theo một ống nhỏ bột thuốc D.D.T. Là vì ban chiều tôi đã vào một tiệm thuốc tây mua thuốc này về nhà định để trừ muỗi, muỗi Sài Gòn, thì đáng lẽ đi về nhà, tôi đã gặp L. và đã cùng anh thẳng tới tiệm hút này. Thế là tôi đã vô tình là người độc nhất xưa nay vào tiệm hút mà lại mang theo bột D.D.T. Là vì mặc dầu tiệm hút công cộng vẫn được tiếng là có nhiều rệp, những khách đến hút không bao giờ nghĩ đến việc đem thuốc trừ rệp để hộ thân. Người đi đến hút chỉ để hút, cho nên thuốc hút mới là phần chánh còn tất cả, kể cả rệp hút máu chỉ là phụ. Cũng có thể do cái tính dễ dãi lười biếng thụ động không muốn gây một phản động lực trước một sự khó chịu thường xuyên mà chúng ta vẫn thấy ở dân Phương Đông nói chung và ở dân nghiện nói riêng. Đó là thói quen. Với thời gian người ta sẽ quen với tất cả, kể cả cái nghiệp bị rệp đốt!

Tôi đã mở một kỷ nguyên mới cho tiệm hút bằng cách trừ rệp thẳng cánh chứ không để mặc chúng tự do hoành hành. Tôi đã gây một phong trào chống rệp bằng một giải pháp quốc tế. Tôi đã rắc lên khe gỗ, vào những ổ du kích bột thuốc D.D.T. Điều đáng buồn là hành động của tôi đã chỉ mang tính cách địa phương, vỏn vẹn trong một phạm vi chật hẹp chỗ chúng tôi nằm. Xung quanh tôi các dân nghiện đều giữa thái độ trung lập, họ còn mải mê với cái bàn đèn của họ và sẵn sàng từ chối mọi lời mời tới họp tại Băng Đung.

Bột D.D.T. rắc một loạt vừa xong…, và tôi lại nằm xuống yên trí từ đây sẽ được yên hưởng… hoà bình, không bị quấy rối bởi quân rệp phiến loạn. Anh bồi tiêm đã hút hết 2 ngao thuốc thết và chừng đã say ít hay nhiều, anh trở nên tỉnh táo, linh lợi, họat bát, có nhiều tình cảm, trọng nhân nghĩa và rất thuỷ chung. Một người hoàn toàn, một khi đã no thuốc phiện. Lẽ dĩ nhiên anh nghĩ đến sự cám ơn hai vị ân nhân của anh, hai vị đã khác với mọi người, khác với thường tình, đã ban cho anh những hai ngao thuốc ngoài số tiền “diêm thuốc” thường lệ. Hai ngao thuốc, không phải bỗng chốc mà ở trên trời rơi xuống được! Lưỡng họp, có ai ngờ đã từ trời rơi vào cái ống của ta! A ha! A ha!

Anh đã ngồi dẫy, uống một hụm nước và bằng cái giọng khặc khè, đặc biệt của thuốc sái, anh nói:

“Xin lỗi hai thầy, chứ cái thuốc phiện này nếu chỉ hút chơi thôi, thì hút mới còn thấy thơm ngon. Một khi đã mắc nghiện như cháu đây thì không còn biết ngon là gì nữa. Cũng như đến bữa là cứ phải ăn phải hút không còn cái say tơ mơ như ngày trước. Mà nếu lại túng thiếu như chúng cháu thì thật là khổ cực. Đói cơm còn chịu được chứ đói thuốc thì thực là một cực hình! Thiếu thuốc tất nhiên phải dùng thêm nhựa (sái). Nhưng nhựa ở đây không phải là thứ sái nhất thơm tho mà là một thứ hổ lốn gồm mấy loại nhất, nhì, ba, sái sảm, sái cháy. Thành ra hút nóng lắm, hại da, con người dễ bị tàn phá”.

Tôi bất giác nhìn ra xung quanh. Tất cả những dân nghiện trong cái tiệm này hầu như đang lần lượt hiện ra trên cuốn phim sa đọa để chứng minh lời phát ngôn của anh bồi tiêm.

Anh bồi nói tiếp:

“Có điều là ở đây dù sao cũng còn khá đấy. Khách hút lui tới đây đều thuộc hàng khá, trên mực bình dân lam lũ nên các thầy xem, tiệm này còn có phong thể. Những hạng du côn, lưu manh không dám bén mảng đến. Không phải tại chủ tiệm không bán lẻ lặt vặt, thu những số tiền con con của tụi này. Người Tầu được cái về điểm này không có phân biệt, họ vẫn có tiếng là nhẫn nại, có thể buôn bán thu từng đồng.

Tiệm này sở dĩ vẫn mang tính cách khá giả chỉ vì bọn lưu manh không muốn tới một tiệm nào mà phần đông là khách phong lưu.

“Vả lại” – anh hạ thấp giọng nói vừa chỉ một mâm hút phía góc tường cùng dẫy có người đàn ông da ngăm đen, bận đồ đen bên cạnh một người đàn bà trẻ tuổi cũng bận đồ đen – “vả lại có quan đại uý Bình Xuyên kia ngày nào cũng đến hút ở đây với bà đầm nên tụi lưu manh cũng sợ”.

Chẳng rõ lúc ấy có phải vì bị xúc động ngó nhìn vị quan bà Bình Xuyên kia không mà bỗng nhiên hai chúng tôi, L. và tôi, đã cùng rướn người lên lùa tay xuống lưng gãi lia lịa. Thì ra, quân phiến loạn rệp lại bắt đầu hoành hành, coi thường cả D.D.T.

Về việc trừ rệp trừ muỗi bằng những thuốc khoa học, từng đăng quảng cáo ầm ĩ, tôi đã có lần nghe một anh bạn phàn nàn:

“Láo toét hết cả. Chẳng ăn thua gì sốt. Bơm Phi-tốc cũng chẳng nước gì. Muỗi vẫn hoành hành như thường, dữ tợn và đông đảo quá chừng”.

Tôi đã bỗng nhiên nhớ đến lời phàn nàn của anh bạn là vì mình vừa rắc thuốc D.D.T. nổi tiếng là thuốc thánh trừ sâu bọ mà vẫn bị rệp đốt nhoi nhói. Tôi cho rằng có lẽ mình dùng thuốc D.D.T. không đúng thủ tục chăng?
Nghe đâu như phải có một viên phụ trách y tế chuyên môn đeo ống vào người, trông có vẻ chuyên môn và phiền toái bơm thuốc hay phun thuốc. Như vậy mới công hiệu. Ở đây, trong cái tiệm này, đáng lẽ mình cũng phải đeo ống phun mà phun mới phải, thì mình lại đi rắc như ta rắc hạt tiêu vào phở tái, hay rắc ân họa cho mọi người. Hèn nào mà rệp chẳng vẫn cứ sống. Cũng như ở nhà mình, phun thuốc “phi tốc” không công hiệu bởi vì đây không phải thứ muỗi thường vẫn dùng làm mẫu thí nghiệm trong tranh quảng cáo. Đây là thứ muỗi to lớn, khoẻ dai và đốt rất buốt, ấy là muỗi Sài Gòn, nổi tiếng trên khắp Việt Nam. Tôi còn nhớ buổi đầu sắm ống “phi tốc” về tôi đã yên trí từ đây mỗi buổi tối sẽ được yên bề muỗi để ngồi đọc sách yên ổn và viết văn, sẽ không bị muỗi đối nhói, chặn đứng dòng tư tưởng. Thì tôi đã thất vọng hoàn toàn. Vì ngòi “phi tốc” phun ra, phun một cách như chiến thắng hùng hổ, chỉ thấy 5, 3 chú muỗi ngã để rồi đâu lại đóng đấy muỗi vẫn cứ vo vo lăn xả vào da thị và đốt hoài. Tôi đành phải chịu hàng, không thể ngồi đọc sách biết văn mỗi khi lên đèn nữa. thì ra tụi muỗi đã thay đổi chiến lược, trước những tia độc phun ra. Chúng đã hết lớp này có ngay lớp khác, rất nhiều lớp khác. Chúng đã áp dụng chiến thuật… làn sóng người và bể người.

Trở lại vấn đề rệp tại tiệm Lacaze. Thấy thuốc D.D.T. không ăn thua gì, tôi liền nghĩ mẹo thông thường và giản dị và nếu có phải đặt tên mẹo ấy bằng mấy chữ hoa đầu (intiiales) cho có vẻ một phát minh sáng chế, thì tôi xin ghi hai chữ T.B. Tôi giải 2 tờ nhật trình, 1 cho tôi, 1 cho L. giải rộng cả 2 mặt rồi nằm cả người lên trên. Giấy nhật trình tuy mỏng nhưng không có lỗ thông, hở như vải lụa, rệp không thể đốt xuyên qua được. Vả lại không như muỗi có cánh bay lung tung; rệp thường giữ nguyên vị trí để tìm cơ hội.

Và như vậy chúng tôi được yên ổn suốt trong thời gian nằm tiệm. Nếu phải khoa học hoá lối trừ rệp thì T.B. thực là giản dị, không phải để ghi những formules hoá học hay lý học rắc rối. Vì T.B. chỉ là… tờ báo (một sáng kiến con con bên cạnh bàn đèn).

Chúng tôi đang nằm yên lặng trên hai tờ báo thì, đốp đốp huỵch huỵch, tiếng đấm đá kèm theo những tiếng chửi thô tục, rất cu ly làm cho cả tiệm nhốn nháo, các khách hút đều ngồi nhỏm dậy nhìn về phía có tiếng đánh nhau và chửi rủa.

Người đang nhận những quả đấm, cái tát, khẳng chân cùng những lời chửi cu ly kia mà chỉ dám phân trần yếu ớt như: “Tôi có nói gì đâu”, hoặc “Bà cứ đưa tiền đấy chứ”, một cách khúm núm và thụ động. Và người đấm đá tát chửi chính là viên quan ba Bình Xuyên bận đồ đen vừa rồi. Trước khi thôi hành hạ người kia, y còn ném một tràng câu đe doạ và thẳng chân đạp cả một chân giầy da vào sường đối phương. Người chủ tiệm lúc ấy đã phải ra xin lỗi viên võ quan B.X.

Mấy người xúm quanh đấy đều xỉa xói nạn nhân cho là hỗn láo, mà không cần biết duyên do câu chuyện và anh ta có thực hỗn láo không. Thành ra, trước sức mạnh phũ phàng, trước thế lực mà chính chủ tiệm, khách hút đều vào hùa, người bị đánh thấy mình nhỏ bé quá và lâm vào cảnh thế cô hoàn toàn.

Khi sự kiện đã chấm rứt và mọi người đã trở về cái bàn đèn của họ, kể cả viên võ quan bận đồ đen, người bị đánh chửi vừa rồi mới tiến lại trước võ quan, khúm núm xin lỗi và phân trần:

“Thưa Ngài, con có dám hỗn xược đâu. Quả là bà cứ đưa tiền cho con đi mua”.

Võ quan, lúc bấy giờ trở nên ôn tồn rộng lượng không ngờ, dõng dạc nói:

“Bận sau, bay cứ hỏi tiền tao nghe! Sai đi mua cái gì thì chỉ biết kêu tao thôi nghe!”

Nạn nhân chỉ dạ dạ hoài, trong khi ở phía bàn đèn đối diện với võ quan, người đàn bà là xuất xứ cuộc đám đá chết người vẫn nằm lặng thinh không nói gì!

Tôi hỏi nguyên do câu chuyện, anh bồi tiêm của chúng tôi lúc ấy cũng đã nằm xuống. Anh đã tỏ ra – như mọi đồng nghiệp bồi tiêm – rất am hiểu truyện gần như bằng trực giác và sáng suốt minh mẫn hơn ai hết. Song anh cũng mắc cái bệnh thông thường của người đời là phù thịnh, bợ đỡ kẻ quyền thế. Anh đã trả lời tôi gián tiếp bằng cách mạt sát người bị đòn:

“Ồ, làm bồi tiêm – vì người bị đánh vừa rồi chính là một bồi tiêm – làm bồi tiêm mà lại không tỉnh. Bà đầm sai mua đồ ăn, lại không hỏi tiền ông dám hỏi thẳng bà. Chết là phải lắm!”

Không khí trong tiệm đã trở nên oi ả. Nhân số mặc dầu chỉ gồm dân nghiện ít sinh lực, đã đông nghịt, nằm kín 2 bên bục gỗ, khiến cho những khách vào sau khó tìm được chỗ hở để cho đặt bàn đèn. Nhân số đó đã nguyện cùng với khói hút. Một thứ hơi nồng nặc đã toát ra từ mồ hôi, từ nhớt nhát của da thịt ít tắm, từ những tầng ghét tính luỹ trên gối nằm và gối tựa đặc biệt của những tiệm hút.

Vừa lúc ấy từ phía trong nhà, có tiếng nước dội ào ào, từng hồi dồi dào và mạnh mẽ. Im lặng mấy phút rồi lại ào ào từng hồi dồi dào vào mạnh mẽ. Chỉ một ấn tượng nước đổ tia ra tung tóe cũng đủ đem lại cảm giác êm mát dễ chịu cho khách nằm bên cạnh ngọn đèn và chất thuốc nóng quyên với hơi người, mặc dầu chỉ là thứ hơi người nguội.

Tôi hỏi anh bồi tiêm:

“Nước gì thế hả anh?”

Anh bồi tiêm chưa hiểu câu tôi hỏi:

“Dạ, thầy hỏi nước nào ạ?”

“ Nước đang dội trong nhà đó”.

Anh bồi bèn giải thích giọng vẫn khặc khè tuy rằng anh sắp nói chuyện về nước mát:

“À! Đó là nước tắm. Khách hút ở đây nếu muốn tắm có thể ra đằng sau dội nước tha hồ”.

Tôi tự nhiên phê bình bâng quơ:

“Ở đây chủ tiệm tổ chức kể cũng chu đáo. Người Tầu họ tài về cách giữ khách.
Lúc bấy giờ thì anh bồi đã có đủ đà nói nên anh cứ nói, không cần phải để ai hỏi nữa. Có điều là anh nói gióng một, câu nói bị gián đọan chốc chốc nhưng vẫn có mạch lạc, qua cái giọng vẫn khặc khè:

“Tại các tiệm Tầu, người hút có thể ngủ lại đến sáng được, như là ở nhà riêng mình vậy. Người Tầu họ giữ được khách bằng cách thức dễ dàng và xuề xoà. Ở đây có đủ mọi sự thuận tiện, nhà tiêu, buồng tắm. Và rất tự do, không ai xen vào đời sống của mình một khi có đủ tiền để hút đều đều”.

Tôi ngắt lời anh:

“Thế ngộ mình hết tiền, họ có cho chịu không?”

Anh cười nhạt:

“Dạ! Cái đó thì cũng được. Đúng lý ra thì khi thầy dô kêu mâm hút là họ hỏi ngay thầy cần mấy ngao. Và khi trao thuốc, là họ hỏi tiền ngay. Nhưng nếu thầy là khách hút quen và vẫn được tiếng là đứng đắn sòng phẳng thì dù có thiếu ít nhiều họ cũng vui lòng cho chịu. Tôi đã nói họ dễ dãi xuề xoà và rất bình dân. Cho nên đã có những khách hút quen thuộc hàng mấy năm, không đi tiệm nào khác nữa. Có khác hút coi tiệm như nhà riêng của mình. Họ sắp đặt chỗ mắc quần áo, họ tìm nơi dấu cái quạt nan để khi đêm tối cần lại moi ra. Họ là những khách im lặng sống riêng biệt, với cái mâm hút hợp với tính tình những chủ tiệm người Tầu; là những người sang Việt Nam chỉ biết có việc làm ăn cần cù ít muốn sinh chuyện. Vả lại, như thầy đã nhận thấy, những chủ tiệm cũng như những người phục dịch trong tiệm cũng đều là… dân nghiện”.

Đến đây, thấy bước vào một ông Tầu bận đồ đen, người khẳng kheo. Anh ta miệng thì ê a như rao bán một thứ hàng gì, mắt thi đảo sang hai bên dẫy khách nằm hút như mời mọc.

Anh bồi tiêm liền ngắt câu chuyện nói:

“Dạ thầy sơi óc đậu, tầu phở mát lắm”.

Tôi gật đầu và bảo kêu 3 chén (bát).

Anh bồi liền ê a bằng tiếng Tầu tức thì anh bán hàng lại ê a nhắc lại. Rồi anh bồi nói:

“Dạ thưa thầy, cái nghiệp thuốc phiện vẫn nóng lắm. Cho nên cứ phải hãm bằng chè hay bằng thứ mát, chè sen, lục tầu sá, chè đậu đen, tầu phở”.

Ba bát tầu phở đã lần lượt bưng vào, anh tầu phở vui vẻ mời khách, để trơ bộ răng bẩn thỉu đầy bựa.

Anh bồi tiêm – chắc chắn cũng là tay giang hồ từng trải – nên khi thấy tôi nhìn trừng trừng bộ răng anh tầu phở, anh đã cho ra một thứ triết lý rất thực tiễn:

“Thầy tính cái gì ở đời cũng là trái ngược cả! Người Tầu có tiếng khắp hoàn cầu khen là nấu đồ ăn ngon…”

Nghe một câu lý thú, tôi liền châm một điếu thuốc lá Cotab hút. Khói toả ra xung quanh, tôi suy nghĩ trong cái khoái cảm của vị thuốc lá thơm sợi vàng:

“Thuốc Cotab của thực dân! Người ta không ưa thực dân nhưng người ta vẫn cứ thích Cotab cũng như nói rộng ra, người “đầm” thực dân đẹp như tiên thì bụng thực dân lại xấu như ma.

Cho nên thực dân đã chinh phục bằng Cotab và dựng kế mỹ nhân, nếu cần để trị vì và tồn tại”.

Thấy tôi im lặng, lại sợ tẩu phở nguội thì uổng, anh bồi tiêm liền nhắc:

“Dạ, mời thầy xơi”.

Tôi liền lấy tay lay L. lúc ấy vẫn nằm thẳng cảng. L. liền choàng dậy, hất hàm như hỏi cái gì. Tôi nói:

“Anh dậy xơi tầu phở”.

L. liền lắc đầu để lại nằm dí xuống.

Thấy L. không dùng, tôi liền cầm một bát lên môi bảo anh bồi:

“Tôi dùng một thôi, còn hai bát cho anh cả”.

Anh bồi sung sướng nhận món quà mát cũng bỗng nhiên từ trời rơi xuống:

Nằm trong tiệm này kể đã lâu rồi, tôi liền hỏi anh bồi tiêm:

“Nghe thấy nói có lệ chỉ được nằm tới lúc phao dầu cạn thôi. Thế mà vừa rồi anh lại bảo có thể ngủ lại đêm được. Thế là nghĩa thế nào?”

Anh bồi tiêm liền thả trề cái môi xuống, hàm răng vàng khè, tạo nên một cái cười nhạt phèo. Câu trả lời của anh cũng không có mạch lạc:

“Dạ, chính ra thì như thế đấy nhưng người Tầu được cái họ cũng dễ dãi. Rồi thì thế nào cũng được”.

Đối với hai chúng tôi, kể ra thì đã cạn hai phao dầu mà đêm đã khuya, mấy dân nghiện xung quanh đã tự sắp đặt chỗ nằm để theo đuổi sự nghiệp cho đến sáng.

Tôi nghĩ rằng chương trình hành động đêm nay còn một vài khoản chưa xong bề nào, nên đã tính bài tháo lui. Tôi bèn lay anh L. dậy. Anh ngồi thẳng ngay lên, rất tỉnh táo. Vừa vươn vai, anh vừa nói, cười xoà:

“Chắc anh chàng nóng ruột xuống thăm vườn lài…”

Rồi trong khi chờ chủ tiệm thối tiền, anh khẽ ngâm câu sau đây, bằng một giọng đặc tuồng:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Chẳng lịch sự cũng con người Tràng An.

Tôi đã trả tiền xong, theo anh L, cùng ra cửa. Nhận món tiền puốc-boa kha khá, anh bồi tiêm đã như muốn tỏ tình khứ lưu:

“Dạ, lần sau hai thầy lại đến đây hút. Tiệm này sạch sẽ lịch sự hơn cả. Nếu thầy sang tiệm 8… cách đây mấy nhà thì không chịu được đâu”.

Tôi nhìn anh như có ý hỏi tại sao, thản nhiên vậy thôi nhưng đã được anh giải thích rất ân cần:

“Dạ, bên ấy chỉ có tụi lưu manh, cà lơ. Nhộn lắm!”

Tôi đã gật đầu một cách máy móc và thoát ly cái thế giới ám khói và thiếu ánh sáng nặng nề và khét khét để ra ngoài không khoáng mát dịu của đêm Sài Gòn.

Nguồn: Những thiên đường lỡ. Phóng sự của Triều Đẩu. Họa sĩ Phạm Tăng trình bày bìa. In xong ngày 30.11.1957 tại nhà in Phan Thanh Giản, 21 Võ Tánh, Sài Gòn. Giấy phép số 1.417 – X.b. ngày 2.9.1957 do Nha Thông tin Nam Việt cấp. Tựa của Bùi Xuân Uyên. Nhà xuất bản Tấn Quảng Lợi. Bản điện tử do talawas thực hiện.
Nguồn: Những thiên đường lỡ. Phóng sá»± của Triều Đẩu. Họa sÄ© Phạm Tăng trình bày bìa. In xong ngày 30.11.1957 tại nhà in Phan Thanh Giản, 21 Võ Tánh, Sài Gòn. Giấy phép số 1.417 – X.b. ngày 2.9.1957 do Nha Thông tin Nam Việt cấp. Tá»±a của Bùi Xuân Uyên. Nhà xuất bản Tấn Quảng Lợi. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.