Tủ sách talawas30.8.2007
Phan Nháºt Nam
Dựa lưng nỗi chết
4.
Chiều cuối năm phủ sương mờ, nắng hanh vàng đỏ, rét ngọt có hình khối đọng li ti trên đá, châm chích nỗi bồn chồn vô hình nghi ngút bay lên cao. Thuấn châm điếu thuốc thở ra vòng khói khó khăn, nhịp tim nặng nề váng vất. Bàn rượu im lìm thiếu vắng không khí ồn ào khi cơn men bốc lên dưới lớp áo lính. Chiều cuối năm thoi thóp như chút nắng cố váng lên sau lớp sương dày đặc. Uống nữa chứ anh em, ngồi nhìn nhau hoài như thế này sao? Thuấn nắm cổ chai rượu lên rót một chút vào chiếc ly, cợn nước đá màu vàng loãng trên lượng rượu phôi pha. Có những bàn tay hờ hững đun ly vào giữa bàn. Lạc dùng mũi giày di chiếc ly đi ngúc ngắc, hai tay vẫn gối sau gáy, người ngửa trên thành ghế…
"Trời rét thế này làm tôi nhớ hồi nhỏ".
"Nhỏ của ông ra làm sao?" Thuấn hỏi sau hớp rượu, chất cay làm hai lông mày nhíu lại, tia nắng chiếu thẳng lên mắt, đôi mắt loáng nước như sắp khóc.
"Thì cũng vậy thôi, tôi ở nhà quê, chiều cuối năm mới được dẫn đi chợ huyện mua áo mới, mẹ tôi bảo mua thế để được rẻ hơn, áo vải chúc bâu cứng ngắc, dép da trâu bó vào chân như vòng sắt, các ông ở thành phố không biết được mùi vị Tết thôn quê, nói ra các ông cũng không hiểu được".
"Sao không, Tết tôi về quê ngoại nên cũng biết được không khí váng vất thần bí của ngày Tết nhà quê, mỗi lần đi qua cây nêu tôi không dám nhìn thẳng, cứ tưởng như có con ma từ trên ngọn đang theo dõi". Được đà, Thuấn ngồi thẳng dậy tiếp tục câu chuyện.
"Quê ngoại ông ở đâu?" Lạc hỏi.
"Quảng Yên, phải đi tàu từ Hải Phòng về, mỗi lần bước xuống tàu người tôi cứ choáng váng vì mùi ẩm mốc của gạo, tàu đi theo sông ban đêm, bềnh bồng chóng mặt, chẳng biết đường lối ra làm sao. Sáng mai lại phải một phen lội bộ qua cánh đồng nứt nẻ, cây bàng trụi lá và làng ngoại mỗi năm hình như càng nhỏ lại. Mười tuổi, tôi về lần chót. Nhớ được như thế là giỏi rồi".
"Tôi thì suốt đời ở nhà quê, lên đến chợ huyện là xa nhất, hôm có ông cậu ở Nam Định về tôi cứ xoay quanh để nhìn, nghĩ người thành phố khác kẻ nông dân. Chỉ có mỗi điếu thuốc lá vấn sẵn cũng đủ làm tôi kinh ngạc".
"Ở quê tôi, dưới Mỹ Tho, đến gần Tết thì sòng bạc mở tùm lum. Thiếu úy Nghĩa, Trung đội trưởng của Thuấn góp vào câu chuyện".
"Miền Nam không có không khí ray rứt của những ngày gần Tết như thế này, trời nóng bỏ mẹ". Thuấn quay qua Nghĩa lấy điếu thuốc, câu nói được ngắt nửa chừng để châm lửa.
"Có chứ Đại úy, buổi sáng cũng lạnh lạnh và sương mù, mỗi khi đi bắc qua Kiến Hòa, bờ bên kia không thấy…"
"Sương thì có nhưng lạnh thì không, mát là khá lắm rồi, lạnh phải nói Đà Lạt. Nói chuyện Đà Lạt tôi nhớ lúc ở trong trường, buổi sáng mồng Một, thắng bộ đàng hoàng, tám giờ trời mù cách năm thước không thấy mặt, còn sớm xe đò chưa chạy, tôi đi bộ từ trường ra phố sáu cây số đường đồi. Các ông biết đấy, thành phố Đà Lạt vốn dậy muộn, lại buổi sáng mồng Một, ngoài đường không một ai, tôi đi như con ma chết đói. Rồi đến phố chính đứng ở bờ hồ Xuân Hương thấy tủi thân muốn nhảy xuống hồ chết luôn".
"Lúc ấy ông cũng ấm ớ nhỉ, nhưng ra phố làm gì sớm thế…"
"Đâu biết, đổi gác xong lúc sáu giờ. Ngủ tiếp không được, tôi lại vừa mới lớn, trời mù như thúc giục, ngày Tết đắm đuối nhức nhối, vừa được lên năm thứ hai có phần tự do hơn, dù chẳng có gì ngoài phố để đi đến… Đó như là buồn rồi ta đi lang thang".
"Đại úy không kéo ông Minh đi cùng?"
"Lúc đó ông Minh là khóa đàn em. Nghĩ lại cảnh một mình đứng trên bờ hồ buổi sáng mồng Một Tết thấy mình quả thật điên".
"Rồi sau đó ông làm gì?" Lạc khề khà tra hỏi.
"Tôi lên đập cửa một khách sạn tìm con đĩ quen. Mày nhớ khách sạn Thanh… gì đó Minh, nơi gần nhà thờ Tin Lành".
"Thanh Tùng, chỗ đó dơ bỏ mẹ".
"Biết là dơ nhưng chỉ nơi đó mới mở cửa, tôi đã nói cả thành phố vắng hoe. Tông cửa bước vào thằng cha gác chưng hửng. Nó lẩm bẩm mới tám giờ ngày mồng Một đã đi chơi. Đánh tân niên mà ông nội. Tôi vừa nói vừa chạy vào phòng con đĩ, cởi áo quần chui vào nệm một lúc lâu mới hoàn hồn. Các ông biết con đĩ nó làm sao không?"
"Không". Bốn cái mồm cùng đáp một lúc.
"Các ông không tưởng tượng nổi, thấy tôi chạy vào, mặt mày tái xanh vì lạnh, em ngồi dậy pha trà, lấy mứt ra đãi, mở thêm chai rượu".
"Xong rồi đánh tân niên?" Lạc hỏi với giọng nôn nóng.
"Đếch phải, em ôm tôi khóc mùi mẫn".
"Khóc?" Mấy cái mồm cùng há một lần vì kinh ngạc.
"Chứ sao, em tủi thân, đầu xuân không nhà, không gia đình, nằm queo một mình trong chiếc phòng lạnh cóng họa là thánh mới chịu nổi. Đĩ cũng là người chớ mấy ông, cái lá của em nó nhão, nhưng em cũng còn một chút người. Lại còn trái tim nữa, người khác chó cái chỗ ấy. Các ông bây giờ bắt phải sống một mình trong khoảng thời gian đó trong căn phòng trọ tối om có chịu nổi không, huống gì nó là con gái đàn bà. Mấy phút đứng trước khi đứng trên bờ hồ bốc khói tôi đã có ý muốn bay xuống cho chết luôn. Người ta tự tử không phải vì buồn chán quá đáng gì, nhưng vì không chịu nổi một khoảnh khắc nào đó thôi. Buổi sáng đó tôi thấy giữa sống và chết không có bao nhiêu khoảng cách".
"Kể tiếp chuyện con đĩ, đừng luận về sống chết nữa quan ba". Minh im lặng từ lâu bây giờ mới lên tiếng.
"A, con bé tên Thảo Ly".
"Con mập mập bồ ông Ái chứ gì".
"Ừ, sao ông biết, lúc ấy ông là khóa đàn em thấy tụi tôi là lủi như chồn, làm sao biết vụ ông Ái?"
"Thì ông Ái chung đại đội tôi, lúc đi chơi bời về các ông kể oang oang trong phòng tắm ai chẳng nghe, ông Ái cứ xem như làm được thành tích lớn. C… Được đĩ mê cũng láo".
"Chứ sao mầy, với cái mác sinh viên sĩ quan, tụi mày chỉ tán tỉnh được mấy em nữ sinh vớ vẩn loại hoa pensée tím, alfa đỏ ấm ớ, làm cho một con đĩ dạn dày mê đâu phải dễ".
"Không phải dễ hay khó, nhưng tôi thấy kỳ cục".
"Kỳ cục mẹ gì, để tôi kể tiếp, em khóc một hồi với tôi xong mới tâm sự, em chẳng phải Thảo Ly, Ly Ly gì hết. Em tên là Nguyễn Thị Lý, khởi nghiệp bán chè đậu dưới Sóc Trăng, Sa Đéc, em bị thằng bồ thợ may xâu kim xong nó de, nhưng em cũng chẳng buồn gì, thế là đi giang hồ luôn. Nhưng em cũng lãng mạn ra phết, đầu tiên em lấy hiệu là Thảo Ly, nghe cũng long lanh phải không các ông. Phiêu bạt giang hồ khắp bốn vùng chiến thuật, nằm ngửa dọc hết nửa nước Việt Nam, từng hành nghề thấu Đà Nẵng, Nha Trang, sự nghiệp giang hồ cái lá của em như thế cũng nặng ký!"
"Em xui rồi, vác đồ nghề ra Đà Nẵng làm sao sống được. Đà Nẵng là nơi địa linh nhơn kiệt, đĩ ở đó hung hãn hơn ở Sài Gòn". Anh Trung úy mặt mụn của Đại đội chỉ huy nhận xét một câu.
"Đúng thế, nên em mới lên Đà Lạt, em tâm sự với tôi là em yêu ông Ái thật tình nhưng là một tình yêu vô vọng. Buổi sáng hôm nay tôi gặp tôi em cảm động và thương tôi vô cùng!"
"Xong rồi, và em đãi ông buổi điểm tâm đầu năm".
"Đâu có phàm tục thế ông". Thuấn cười với Lạc. "Nói ra các ông bảo xạo, nhưng thật sự lúc đó tôi cũng cảm động lắm!"
Cả bàn rượu cười ngả nghiêng, những cái tay đập rầm rầm trên mặt bàn gỗ tạp. Uống, cho tôi chút nữa. Uống để nghe chuyện tình của quan ba. Trời đất ơi, ông Thuấn ơi, hết còn ai nên ông yêu em Thảo Ly đã có hai năm nằm ngửa. Thuấn nốc thêm hớp rượu mặt đỏ bừng, hai tai nóng nảy run rẩy, Thuấn thấy lại căn phòng sơn màu lục tanh tanh, khung cửa sổ vàng bẩn, trời mù sương lạnh cóng bên ngoài của buổi sáng mùng Một Tết Đà Lạt. Thuấn đi đứng khó khăn, tiếng khóc nấc, khuôn mặt đầm đìa nước mắt, phấn son loang lổ đã mất đi, cô gái đi đến chiếc lavabo cúi xuống lau sạch mặt. Không còn những nét căng cứng gây gổ của một gái điếm biết mình còn xuân sắc, không còn vẻ nặng nề đẫm ướt dục tình chai đá của một gái chơi sau hai năm lăn lóc trên trăm phòng trên ngàn chiếc giường dưới sức nặng của ngàn kẻ đàn ông để hứng lấy những phút giây dục vọng nhơ nhớp ẩm ướt. Chỉ còn trước mặt Thuấn một tiếng khóc. Tiếng khóc thật của trái tim mười chín tuổi, trái tim ngây thơ với chút nhiệt tình thoi thóp rơi rớt lại sau đoạn đời gió bão, sau hai năm nằm tênh hênh phơi bày phần cơ thể u ám thâm thẫm tội lỗi trước hàng ngàn con mắt bốc men ham muốn. Thuấn mới hai mươi tuổi, mười lăm phút trước khi đứng trên bờ hồ trong sương vắng, điếu thuốc ở môi và toàn thân lạnh cóng. Thuấn đã thấy được trên những ngón tay băng giá một cảm giác gai rét nhức nhối hơn của sự chết. Thuấn đã cảm thấy hình khối của cô đơn lạc lõng. Người lạc ở rừng sâu hay sa mạc nhưng vẫn phấn đấu để sống nếu nghĩ đến một chờ đợi âu lo nào đó đang hướng đến. Ở đây Thuấn bị bao vây bởi khoảng sương đặc cứng và niềm trống vắng bao la trong trí não. Cô đơn không còn là trạng thái cảm thấy nhưng là hoàn cảnh triền miên trong đó con người lơ lửng đau đớn và tuyệt vọng. Mới mười lăm phút trước Thuấn đã sống giây phút ngất ngư tuyệt vọng đó nên giọt nước mắt trên khuôn mặt ngây ngô héo úa này làm Thuấn xúc động. Khóc đi em, khóc hộ cho anh một phần nữa, khóc như đặc ân khốn nạn cuộc đời để dành lại cho em. Thuấn bước tới xòe hai tay đỡ lấy khuôn mặt ủ dột. Tội cho em. Chút thành thật trong hơi men ngây ngất mở rộng hai bàn tay. Thuấn ôm lấy hình hài phiền nhiễu u ám nhưng cũng tội nghiệp vô cùng. "Uống nữa nghe anh". "Ừ". Hơi rượu Rhum nội hóa làm Thuấn dật dờ. "Em uống nữa chứ!" "Dạ". Lượng rượu được chuyển theo nụ hôn sôi nóng giữa hai đôi môi lạnh lùng. "Dạ, em sẽ ở với anh cho đến khi anh vào trường". Cánh cửa đóng lại, trên chiếc giường vải sa tanh trơn trợt loang lổ những dấu vết của các trận tình bẩn thỉu, phần không khí lạnh buốt bên ngoài, hai năm chuyển động trên vòng xoay ngấu nghiến nặng nề, tất cả được đẩy ra khỏi khung cửa. Đóng thật chặt ổ khóa, sáng mùng Một Tết, Thuấn hai mươi tuổi và người tình thảm thương ngắn hạn ôm ấp siết chặt trăn trở đắm đuối cùng nhau trong ngây ngất của men rượu đắng và dục vọng đau cứng tội nghiệp. "Uống không?" "Uống". "Thương không?" "Thương". "Lấy nhau nhé?" "Ừ". "Hôn cái nữa đi…" "Ha ha, lăn xuống, em nặng quá, mấy..."
"Sao ngồi thừ vậy ông, nhớ người yêu dĩ vãng hả? Kể tiếp đi, chuyện em Thảo Ly Nguyễn Thị Lý".
"Xong rồi, chuyện chỉ có thế".
"Đâu được, ông chưa kể có làm ăn hay không".
"Chuyện đó thường quá, có chứ, không, họa tôi là thánh".
"Giết nhau cũng như thường".
"Không, em chủ động, em "xay cà phê" tưng bừng".
"Đấy, ít ra là thế, rồi ông có trả tiền không?"
"Không".
"Em biếu không làm quà văn nghệ?"
"Không phải, thằng cha chủ khách sạn vì dị đoan muốn giữ sạch sẽ trong ngày mùng Một để lấy hên nên cấm các em tiếp khách, tôi nằm đến trưa không đi lão cho người đến mách với toán tuần tiễu nhà trường".
"Ông bị bắt?"
"Sức mấy, nghe tiếng xe Jeep của Quân cảnh dưới đường tôi dọt gấp, khách sạn dựa lưng vào đồi, tôi băng ngã sau chạy thoát, áo quần ôm ở tay, buổi trưa trời Đà Lạt vẫn còn lạnh, nằm buổi sáng trong phòng ấm nên khi chạy ra ngoài người muốn gãy luôn, hơn nữa bị em xay kỹ quá, bố tôi cũng không chịu nổi. Tôi chạy một mạch đến Công chánh hay Điền địa gì đấy, đứng lại mặc quần áo nhìn vào cửa sổ thấy thiên hạ tụ tập cười nói bỗng thương tiếc em bé hết sức.
"Như vậy số ông hên rồi, đầu năm được gái yêu suốt năm ông phát mả ái tình".
"Đâu có đẹp như bạn nghĩ, vì khi chạy hoảng quá bỏ cái mũ ở phòng em bé, tụi Quân cảnh lấy được đem về trình Thiếu tá Liên đoàn trưởng".
"Kết quả ra sao?" Nhiều giọng nôn nóng hỏi tới tấp.
Thuấn cười khẩy. Kết quả sơ khởi: tối đó ba lô súng đạn hai lớp đi trình diện dã chiến. Tối mùng Một Tết trời Đà Lạt lạnh 11 độ, tôi bị phạt đến độ mồ hôi tuôn ướt đẫm chiếc áo sũng nước. Tiên sư thằng sinh viên khóa đàn anh nó xem như tôi ngủ với đĩ làm lây bịnh lậu cho cả họ nhà nó, nó quát tháo đay nghiến sau mỗi hình phạt làm tôi nghĩ như vừa đem bán hết cả súng đạn cho Việt cộng. Các ông biết nó mắng tôi làm sao không. Anh là loại sinh viên sĩ quan vô tư cách, anh làm nhục đoàn thể, anh bôi xấu lên danh dự nhà trường và quân đội!
"C… làm như quân đội là chủng viện giáo hoàng không bằng". Lạc bĩu môi xì một câu chát chúa.
"Ấy thế mới nhảm, cái mặt nó tôi còn lạ gì, Chủ nhật nào cũng chui rúc ở mấy cái nhà chứa, được cái tiện vì là khóa đàn anh nên có quyền mặc thường phục, nó làm như mặc đồ lính không có quyền ngửi hơi đàn bà".
"Ông có phản kháng gì không?"
"Phản kháng gì, nó là sinh viên trực Liên đoàn tức là quyền Liên đoàn trưởng. Hơn nữa lỗi mình rành rành ra đó, phản kháng sao được. Tôi nhớ tên nó, cái gì Trân đó, ĐM… mặt chuột kẹp đi giựt giựt như con gà bị dịch… Minh, mày biết thằng chó Trân đó không?"
"Phan Thanh Trân, hình như đến giờ này nó vẫn còn làm huấn luyện viên trong trường kể từ ngày mãn khóa".
"Đúng rồi, hôm nó về duyệt binh Quốc khánh tao đã muốn đánh bỏ mẹ, cỡ ấy tao ho một cái cũng đái trong quần, nhưng hôm đó có ông Quyền ở Tiểu đoàn 11 nên tao không dám".
"Sao vậy Đại úy?" Trung úy Nghĩa mở đôi mắt ra hỏi.
"Ông Quyền là thủ khoa khóa ấy, ra trường đi Nhảy dù, chính vì vậy tụi tôi mới bắt chước… Đấy, người có bản lĩnh thực chẳng bao giờ làm dáng, chỉ có tụi cắc ké, can đảm bằng đầu tàn thuốc mới hay hậm họe… Tối ấy, tôi bị phạt đến nỗi tưởng như núi đè lên người, thở không nổi. Từ đó tôi mặc cảm với những thằng mặt chuột kẹp, nước da tái thẳm, dân thủ dâm thường thường độc ác kinh khiếp, tụi nó có máu bạo ngược trong người, không hiểu có sung sướng gì khi phạt người khác đến ngất ngư".
"Tối ông Thuấn bị phạt cả bốn doanh trại đều náo động". Minh tiếp theo. "Tụi tôi lúc đó còn là khóa em út. Trường có ba khóa, khi nào khóa ông Thuấn bị phạt, chúng tôi không được quyền nhìn nhưng tối đó mọi người dồn ra các cửa sổ trông xuống khu sân cỏ để nhìn xem cảnh ông Thuấn bị phạt. Bốn dãy doanh trại gần hai trăm căn phòng chen chúc đầu người im lặng nhìn ông Thuấn bò từ cổng trường vào đến nhà ăn. Hôm đó sao không ngất thật là hay, tụi tôi phục ông hết mình".
"Ngất đâu được, tự nhiên tôi cắn răng tự hứa mình phải tỉnh táo để làm hết hình phạt, nó chỉ cốt làm mình xỉu, ngất là đúng ý nó… Các ông biết, từ cổng trường tôi đến nhà ăn dài gần một cây số, giữa bãi cỏ, hai bên lối đi trải nhựa. Lượt bò ra nó bắt tôi bò trên cỏ, trời lạnh, mưa phùn, cỏ ướt nhẹp sâm sấp bùn, tôi như dính trong đống keo. Lâu lâu thằng Trân lấy chân đè lên chiếc ba lô nếu tôi ngỏng người khỏi mặt đất! ĐM… tôi chưa thấy cảnh nào tàn nhẫn hơn trong suốt hai mươi mấy năm ở đời. Chưa hết, khi trở lại nó bắt tôi bò trên đường nhựa, các ông thấy, áo quần lúc ấy đã bị ướt dính chặt vào người bò len đường nhựa vụn đá nhỏ dính vào, bào lên da đau như bị đinh châm".
"Sao nó đối xử với ông tàn tệ như thế, hơn Tây lúc trước đối với tù binh!" Lạc nhíu hai lông mày, người lính già nhìn sĩ quan trẻ tuổi đè cơn giận xuống để kể lại câu chuyện với giọng bình thản.
"Tôi biết nó ức, chỉ đợi tôi tỏ ý khuất phục, yếu đuối là sẽ tha. Nó muốn hơn tôi, nhưng bất cần, nghe lệnh phạt tôi dửng dưng làm ngay không chút e dè, hai cánh tay và đầu gối, phần da bụng nóng rát rươm rướm máu đỏ. Máu, mồ hôi, nước mưa thấm trên chiếc áo lót có màu hồng… Về phòng nhìn chiếc áo đột nhiên tất cả giận dữ lắng mất, trước đó khi đang bị phạt tôi muốn đứng lên bắn nó một viên… Nhưng nhìn máu mình thấm trên chiếc áo, tự nhiên cảm thấy có chút hân hoan kiêu hãnh. Đúng là chứng bạo ngược tinh thần thấy rõ mình trong đau đớn, ĐM… khóa thằng Minh có đứa lén qua phòng nhìn thân thể tôi và chiếc áo phát khóc, thằng Lô và thằng Mễ xúi tôi đánh thằng Trân đó nhưng tôi không đánh".
"Ông Đại úy Lộ và Thiếu tá Mễ ở Tiểu đoàn 5?"
"Ừ, hai ông ấy đó, tôi nghĩ mình thi hành lệnh phạt để chứng tỏ không ngán sự đau đớn chứ tôi sợ chó gì thằng Trân đó dù khi bò dưới chân nó".
"Giá của một buổi sáng với em điếm nặng thật". Lạc gật gật cái đầu phê bình.
"Ừ, làm như máu tôi chảy ra rửa sạch hết vi trùng đi từ em bé lên uy tín đoàn thể sinh viên sĩ quan, nhưng chưa hết, sau đó tôi còn ra hội đồng kỷ luật, ở lại một năm xuống học với khóa ông Minh".
"Đau thật!"
"Cũng chẳng đau gì, tôi ở lại, một năm ở nhà tà tà, trốn học đọc sách, cuối năm cũng thành ông Thiếu úy như ai. Đời có cái hên, nếu ra trường khóa trước thì tôi cũng đi Biệt kích. Tôi khoái loại lính này vì vấn đề trách nhiệm với thuộc cấp nhẹ hơn, làm Đại đội trưởng ngại cảnh đụng trận về, vợ con lính tử trận đến khóc ở văn phòng, nghe tiếng khóc đó tôi chịu không nổi".
"Làm chỉ huy phải chấp nhận chuyện ấy, không thoát được. Nghe thân nhân lính khóc cứ tưởng như họ đòi nợ mình". Lạc xác nhận.
Minh cãi lại:
"Mấy ông nghĩ quá đáng, đụng trận thì phải mất mát, tôi chỉ thấy khó chịu khi mình mất vô ích như bị mìn bị chông v.v. Nếu thắng lớn thì huề".
"Mày học cái điều này ở đâu vậy?" Thuấn không che giấu sự bất bình, đôi mắt sau hơi rượu long lanh nỗi tức giận không giấu.
"Ở đâu? Lần đầu thì thấy khó chịu, sau hơi quen, tôi không phải cứng rắn gì đến nỗi không xúc động khi lính mình chết, nhưng nhỡ mình chết thì sao, cũng thế thôi. Vì thế đánh cốt thắng, thắng sẽ làm nhẹ đi chuyện mất mát…"
"ĐM… cãi với mày làm gì, con trai còn Trung úy, con trai cần thắng để lên Đại úy. Đại úy thắng để bắt Tiểu đoàn phó… Thôi, tao chối loại vinh quang này".
"Anh bảo tôi giản dị vậy được sao?"
"Bỏ chữ "anh" đi, đừng quan trọng hóa lời tao, nếu mày nghĩ lời tao không đúng thì thôi, tao chỉ nói thật ý nghĩ, sai thì bỏ có chó gì phải lên giọng kinh thế. Mày thấy lính già này", Thuấn đưa điếu thuốc chỉ Lạc. "Ông ta cũng tha thiết với cái lon lắm chứ, mười tám năm lính có khá gì được đâu, thế nhưng ông Lạc cũng đồng ý với tao cơ mà".
"Ông Lạc đồng ý với anh theo ý khác, ông ta chỉ cần thủ kỹ, giờ này Trung úy hay Trung tướng đối với ông ấy cũng thế thôi".
"Thế sao được em". Lạc ghìm giọng xuống phủ lên đó hơi rượu và nỗi chắc chắn của kinh nghiệm. "Trung tướng khác xa Trung úy, tao ở lính lâu lại càng hiểu rõ giá trị của cấp bậc hơn ai hết. Thuở xưa đóng cái lon cai lên vai sếp thấy mình như trở thành một người mới mẻ, quyền thế. Tao ở lính lâu năm mới hiểu được nỗi ao ước của anh Trung sĩ để thành Thượng sĩ, Chuẩn úy lên Thiếu úy. Giữa những cấp bậc đó có những nấc thang rõ ràng. Chuẩn úy không được vào câu lạc bộ sĩ quan, nhưng Thiếu úy thì khác. Câu lạc bộ sĩ quan đời Tây làm tao thèm thuồng, đi qua đi lại hoài, chỉ tưởng tượng được ngồi vào trong cái ghế da đỏ có thằng bồi sénégallai mang đến một ly pernord tao cũng ngây ngất lạnh dọc xương sống. Tao là Thượng sĩ nổi tiếng, tụi sĩ quan Tây mới ra trường cố xin cho được tao về làm Trung đội phó, nhưng vẫn thấy quá xa cách với một anh sĩ quan mặt mũi non choẹt hiên ngang đi vào câu lạc bộ đá vào cánh cửa bật… Chỉ có cái đá vào cánh cửa đó cũng gây trong tao sự kính nể thực sự nên khi đứng nghiêm trình diện Trung đội cho nó, À vos ordrês mon Lieutenant tao nói thật thành kính, trong khi nếu bỏ cái lon, tao có thể xách tai bợp nó năm ba cái như không… Đấy mày thấy, tao đã nếm rõ cái vụ lon lá hơn ai hết, lên sĩ quan được vào chơi ở bordel dành cho sĩ quan. Mày tưởng tượng tụi nó đang đô hộ Việt Nam, nhưng mình lại nằm sấp trên mình đàn bà nhà nó chi bằng leo lên cái tháp Effeil đái xuống! Egalité ở đâu không thấy chứ tao cảm thấy mấy cặp mắt xanh lè kia dựng lên ngất ngư là khoái chí rồi. Tụi mày thấy Mẽo dẫn điếm Việt Nam đi chơi thì khó chịu, huống gì nếu một em da trắng tóc dài con nhà quý phái, con cựu bộ trưởng, chủ tịch, giám đốc cặp kè với một anh đen như botte de saut thì chúng mày điên tiết là cái chắc. Đằng này cũng vậy, trước mặt mấy anh Jean, Henri, mày đè lên một em đầm da trắng tóc vàng, em tóc vàng như Brigitte Bardot, em tóc vàng cựa quậy ưỡn ẹo oh! oh!... cheri! ha! ha! Anh Việt Nam răng hô mũi tẹt da vàng xì nhún nảy vò cái lá cờ quan tài cũng không còn đau hơn nữa… ĐM… cứ xảy ra đánh nhau ở bordel là vậy. Mấy thằng lính Việt Nam mất dạy nhất định thọi đầm, dù có hôi nách, tàn nhang rụng lông gì cũng được, trái pome thối vẫn lạ hơn trái ổi, beef steak cứng như đá vẫn làm dân Annam khoái hơn thịt bò lúc lắc … ĐM… đi thì em nào cũng chỉ mười em trở lên, thế nên cứ đứa nào cho nó pourboir nhiều là ok. Tiên sư mất năm chục được cởi quần bà đầm Antoinette trước mặt lính Tây còn muốn gì nữa".
"Thôi ông ơi! Đang luận về công danh ông xoay qua mục ăn chọi là thế nào". Minh ngắt lời.
"Thì như tôi đã nói, chính những cảnh ăn chọi hào hứng như thế mới làm tôi hăng hái đánh giặc giựt giải, đời Tây đeo cấp bậc trên dưới mười năm là chuyện thường, thế mà tôi chỉ trong ba năm từ cai lên đến Thượng sĩ là vô địch, tiếc là lúc Tây về nước mới mon men đến Thượng sĩ nhất. Le plus jêun adjudant de l’armée. ĐM… thằng Thiếu tá Bgiard đã nói với tôi như thế".
"Bgiard là thằng nào?"
"Là Tiểu đoàn trưởng Tème BPC, tức là Tiểu đoàn 6 Thuộc địa, thứ này hách hơn Tiểu đoàn Nhảy dù Việt Nam… Tôi thèm thuồng đến nhức tim, tìm đủ cách để bắt thêm huy chương để đủ điểm lên cấp bậc, hơn ai hết tôi biết điều đó. Đến hôm nay cũng thế, tôi phải lên Đại úy, tôi cần điều đó hơn ông, lên Đại úy chuyển ngành làm sĩ quan tiếp liệu Sư đoàn nhàn hơn, có chút tài lợi. Đại đội trưởng tác chiến ăn cái gì đây, palm tôi có 6 cái, lục quân huân chương có rồi… Tôi muốn gì nữa, không lẽ làm Lữ đoàn trưởng? Đấy, tôi biết tôi phải làm những gì cần thiết. Tôi cần lên Đại úy hơn ông, nhưng tôi cân nhắc so sánh, tôi không tapi ẩu, sức mấy để đại đội bị mẻ vô ích, cái gì tôi cũng làm được nhưng liều thì không. Liều, việc đầu tiên là giết mình trước, mình mà chết thì còn gì để nói nữa".
"Đúng! Đúng!" Thuấn hét lên, lính già mở miệng như cóc cắn, nó nói là bằng beefsteak, mù tạt, xì dầu, nước mắm, huy chương đồng, huy chương vàng của mười tám năm un đúc nên, em cãi lại thế nào được. Minh con ơi! Mày mới hai mươi bốn tuổi hai tháng, mày có thông minh tài giỏi thế nào cũng không bằng thằng mười tám năm lính, kinh nghiệm là cái sờ bằng tay, ngửi bằng mũi, kinh nghiệm có chiều cao, chiều dài, và kinh nghiệm nhà binh là nhất, nó như cái nón sắt trên đầu, nó đè đầu mày xuống, nó bóp máu mày lại, nó làm gãy cổ cứng người nhưng không có thì chết, chết nghe con trai… Hà hà, luận tiếp nữa đi Lạc già năm cùng tháng tận, giờ phút thiêng liêng ông bà tổ tiên về đâu đây, nói đi cai Lạc, lời ông tôi chịu hết cỡ, truyền lại kinh nghiệm xương máu cho đàn em. Thuấn đưa ly rượu lên môi, mọi người bắt chước, những cái ly để xuống mặt bàn gồm những thùng lựu đạn xếp vào nhau, sau những tiếng lạch cạch im lặng đè xuống như bóng núi đè xuống phần chân trời.
"Thế ông đi lính để làm gì?" Minh hỏi qua phía Thuấn.
"Tôi à, cái mục tiêu của tôi lạ lắm, đôi khi tôi cũng chẳng biết trong lòng muốn điều gì, tôi đặt những mục tiêu và bắt buộc phải đạt cho kỳ được, tạo ra khó khăn để bắt tự thân gánh chịu… Trước kia tôi không rõ, nhưng sau này càng ngày như thấy mình trong suốt. Tôi có cảm giác thấy được ruột gan phèo phổi của chính thân mình. Có những câu nói bình thường nhưng tôi biết xuất phát từ đâu và định hướng vào mục tiêu che giấu kín đáo nào đó, thấy được thế và đồng thời cũng hết thú vị vì không đánh lừa được mình nữa…"
"Ông nói nghe rắc rối bỏ mẹ". Lạc gật gật đầu.
"Tôi không chối, tôi tự mình gây nên chuyện rắc rối và chui đầu vào đó. Hình như trong khốn đốn nghiệt ngã tôi tìm được thú vị… ĐM… ĐM… nói theo kiểu chữ nghĩa đúng là bạo dâm tinh thần".
"Ví dụ?"
"Nhiều lắm, uống cái đã rồi luận tiếp. Này nhé, thuở bé tôi là thằng học dốt, tôi học dốt kinh khủng, chẳng hiểu sao lời giảng tai này chạy sang tai kia, trí óc trơn như thỏi xà phòng chẳng đọng được chút cát bụi mơ hồ nào trên đó. Và nếu hiểu rằng sự học dốt là thiếu thông minh hay không chuyên cần thì thật khoẻ, đằng này, tôi không chịu mình là loại người tầm thường, thiếu cố gắng. Tôi tự cho mình là phi thường, cỡ người có trí thông minh sắc bén, rõ hơn là thiên tài… Thiên tài, tôi chẳng bất tài chỗ nào, nhưng lòng cứ tưởng như thế, thế là tôi đặt ra những mục tiêu, những điều lệ, những tiêu chuẩn để chứng tỏ sự thông minh ngoại khổ của mình. Tôi sửa soạn mài nhọn giác quan để rình rập từng cử chỉ sơ hở của bạn đồng lớp, trẻ con nào chẳng ngờ nghệch ngây thơ thiên bẩm, khi linh hồn chưa phải phấn đấu, thế nên tôi dồn hết năng lực để nói những câu khôi hài lạnh tái người, câu móc họng làm đắng cổ kẻ đối thoại. Tôi che giấu sự kém cỏi học dốt của mình bằng lớp sơn khôi hài phóng khoáng. Lâu ngày thành thói quen, tôi nhạy cảm đến mức bệnh hoạn. Năm mười ba tuổi học đến bài khoa học về khí ammoniac, tôi lấy liền danh từ đó để biến thành một tĩnh từ, chỉ sự xấu xa nhơ nhớp cùng cực. Bằng hết cả khôn ngoan, tôi phổ biến và tập cho lũ bạn chấp thuận ý nghĩ của mới của danh từ. Một cô bạn phải bỏ học vì không chịu nổi sự trêu chọc khi tôi chọn cô ta làm đối tượng đầu tiên cho "tĩnh từ" đó. Khổ một điểm, tụi bạn học cùng lớp đều đồng ý gọi tôi là "thiên tài khôi hài", chúng nó gọi thật lòng và nồng nhiệt, và vì thế, bao nhiêu suy nghĩ chỉ hướng về sự tìm tòi những chữ mới, những danh hiệu nực cười, tôi rình rập đám đông để kiếm nét khôi hài của họ… Sự mệt nhọc ấy kéo dài cho đến ngày khôn lớn".
"Ông kể cái gì rõ nhất và gần đây hơn để thiên hạ hiểu rõ, chứ chuyện đời xưa lâu quá đâu ai biết…"
"Chuyện thì phải có đầu đuôi, phải kể lúc nhỏ rồi qua tuổi lớn mới có mạch lạc. Để tôi kể tiếp, như vụ bà cụ tôi, phải nói tình mẹ con giữa tôi và bà già vượt khỏi mức tầm thường. Ông cụ tôi ở lại ngoài Hải Phòng, gia đình tôi vì lần lữa mãi nên vào Nam bằng chuyến tàu chót. Tàu lớn ngoài khơi phải đi mảng ra đón mới được, tỷ như cảnh trong hình cái tem di cư. Tàu chúng tôi đến Đà Nẵng, ở trại định cư bằng lều nhà binh trên cát mỗi ngày được 6 đồng và ổ bánh mì. Thiếu thốn, cực khổ, đói và rét, trời dịp đó gần Tết, mưa và gió thổi qua cánh đồng vắng, trại đóng sát bờ biển, chúng tôi ngủ trên đất, gió thổi xông hơi nước mặn chát ở trên da. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, bà cụ làm việc đầu tiên là xin cho tôi vào học trường công thị xã… Các ông thấy đấy, bà cụ già nghèo khổ xin được cho con mình vào học trước khi nhà trường xét đến lớp con của công chức và quân nhân di cư. Tưởng cảnh một bà già áo sũng nước mưa, bụng đói cố vịn từng cây phượng băng qua khu trường học mông mênh để đến văn phòng hiệu trưởng năn nỉ ông này nhận con mình vào học, mẹ tôi gục ngay cổng trường khi nộp đơn xong. Bà ngất đi vì đói và rét. Tôi biết tình thương cao quý đó và tự nhủ rằng phải sống như bà cụ mong ước. Nhưng các ông thấy, tôi làm ra vẻ lạnh nhạt, hằn học với cụ, tôi không chịu học, tôi đi học một cách miễn cưỡng, bỏ bê sách vở, tôi cố nhớ lại trận đòn năm mười tuổi, một buổi chiều giáp Tết, tôi lấy bộ áo quần mới mặc vào, đến trước mặt cụ khoe: "Mẹ xem con mặc quần áo mới có đẹp không?". Lúc ấy tôi nhớ rõ ràng từng chi tiết, hơi thở, tia nhìn… Bà cụ quay sang gắt: "Sao lại mặc bây giờ, mồng Một lấy gì mặc?"… Giọng bà hơi khó chịu vì đang tiếp chuyện người hàng xóm. Chỉ có thế, nhưng tôi nhớ như in vào mỗi phân tử óc, rồi tôi cứ đeo quanh câu nói bất chợt đó, đi tạo nên thù hận, cau có, nói trái lời và không chịu học. Tôi chống đối với mẹ tôi bằng tất cả khó khăn đau đớn trong lòng vì tôi thương mẹ biết bao nhiêu. Nguy biến hơn, càng ngày tôi càng cứ nghĩ thái độ ngụy trang đó là thật, cho đến ngày mẹ tôi chết, tôi mới biết mình đã đóng một vai trò nghiệt ngã quá sức.
"Thế bây giờ đã xong chưa?"
"Chưa, chắc sẽ có màn kịch mới khác, các ông không biết tôi là đại diễn viên sao? Thuở nhỏ các anh giáo sư và tụi bạn nhất định gọi tôi là "thiên tài" kịch nghệ. Tôi nhớ có ông giáo sư tên Hào trong buổi liên hoan toàn thể học sinh miền Trung đã giới thiệu tôi: "Đây là một thiên tài dành riêng cho sân khấu, niềm hãnh diện của trường chúng tôi, anh Trần Nguyên Thuấn"… ĐM, cứ như thế là tôi tuột đi dài dài… Cái vụ đi lính này cũng vậy, đúng chỉ làm khổ thân. Rót thêm ly rượu nữa, có rượu tôi mới luận tiếp được".
"Hết rồi, còn một chút khi kể chuyện Tây say, ông Lạc bắt chước Tây, uống sec mấy cái còn gì đâu". Minh chậm rãi đứng dậy, cho áo vào quần vuốt vuốt mấy cái.
"Đi đâu?" Thuấn nhìn vào chiếc ly, xoay xoay mấy vòng trên tay.
"Về Huế, sếp cho tôi nghỉ hai ngày kể từ 6 giờ chiều nay cho đến chiều mồng Một. Từ ngày ra trường đến giờ tôi mới được về nhà".
"Có nhà để về là khá rồi, hôm nay bao nhiêu?"
"28, năm nay 29 rồi đến mồng Một".
"Tháng ngày gì kỳ vậy…" Thuấn đánh cái ly vào răng. Chẳng ai nói với ai. Mấy Trung úy và Chuẩn úy đứng dậy… "Thôi chào Đại úy. Chào Trung úy".
"À, mấy ông về coi trung đội". Thuấn vẫn ngồi trên ghế, đưa tay chào mỗi người, lòng bàn tay xòe phía trước, bàn tay để dọc theo thái dương… Kiểu chào này là của Thiếu tá Bảo đây, khóa 14 Đà Lạt giờ này mới bắt được Tiểu đoàn phó… nhà binh khó thật. Thuấn ngồi nghĩ lang bang.
Lạc đứng dậy tiếp: "Tôi cũng về Huế luôn".
"Ông Bắc kỳ về Huế làm gì nữa đây?"
"Bà vợ đem hai đứa con ra đây ăn Tết. Tiên sư, mười tám năm lính chỉ ăn Tết ở nhà có ba lần, còn ngoài ra toàn đón xuân trong rừng, đầu đường xó chợ không thôi…"
"Có gia đình làm gì cho khổ?"
"Người không có gia đình thì có gì? Ông chỉ nói dóc, dăm ba năm nữa khi mót lấy vợ dám nhặt cả điếm về làm vợ không chừng".
"Sức mấy, tôi trẻ tuổi đẹp trai mà ông…"
"Tôi đi với ông cho vui" "Ừ". Lạc và Minh đi xuống con đường dưới chân đồi…"
"Thuấn". Minh gọi vọng lên.
"Gì?"
"Chiều mai xuống nhà, tôi dẫn đi ăn cơm, có cái tiệc của bà chị họ".
"Ừ". Bóng hai người khuất sau rặng tre. Thuấn nhìn vào những chiếc ly lăn lóc trên mặt thùng lựu đạn.
"Thiên?"
"Dạ, gì Đại úy?"
"Lục túi áo tao, xuống dưới kia mua tao mấy chai bia".
"Dưới làng không có bia".
"Có, phải có, không bia thì mua rượu đế, rượu nếp cẩm gì cũng được, mua cái gì tao đổ vào mồm say được thì thôi… Nghe chưa?"
Binh nhất Thiên cười lầm lì quay đi không nói.
"Tiên sư! Thuấn lẩm bẩm chửi thề. Trời lạnh cóng. Nắng vàng ánh lên rộn rã.
*
"Thầy uống với tôi ly rượu?" Thuấn đẩy chiếc ly về phía người tu hành.
"Cám ơn, dạ không uống được, tôi ngồi chơi với Đại úy được rồi… Những ông kia đâu hết rồi ạ?"
"Đi rồi, tụi nó bạc lắm, hết rượu là biến, vừa rồi có chai Black and White. Bây giờ tôi uống rượu nếp cẩm, uống đi ông thầy…"
"Dạ thôi, tôi uống không được".
"Thầy uống không được hay thầy không được uống?"
"Cả hai". Người tu cười, nụ cười hiền trên gương mặt đôn hậu đỏ hồng ánh nắng.
"Không uống rượu được thì thầy uống chút bia vậy, buổi chiều cuối năm như thế này buồn quá, thầy ngồi chơi với tôi cho vui".
"Dạ, Đại úy cứ để cho tôi tự nhiên".
Thuấn đưa chiếc ly nhỏ lên miệng. Ực. Thuấn rót thêm ly nữa. Người đi tu đưa mắt nhìn tỏ vẻ lạ lùng.
"Rượu nếp, tôi hòa thêm bột dâu Mỹ vào nên có màu tím, ngọt vô cùng, như nước đường vậy, thầy uống thử cho biết".
"Thôi, tôi uống bia vậy". Đại đức Trí Không lanh lẹ nắm lấy ly bia. Hơi men làm lớp da người tu hành hồng hào hơn, ánh mắt loáng lên tia nhìn vui thích mới mẻ.
"Bia ngon hả thầy? Tiếc rằng thầy không ăn mặn được, không thôi tôi lấy cái ché mời thầy. Bia ăn với ché ngon không tả nổi…"
"Được, Đại úy cứ để tôi. Đại đức nâng ly bia lên lần thứ hai".
"Đừng gọi Đại úy nữa thầy ơi, nghe kinh bỏ mẹ. Ấy, tôi lại ăn nói nhảm nữa, anh, à thầy tha lỗi, tôi có cái tật hay nói nhảm, nhà Phật gọi thế là… là gì tôi quên mất, là nghiệt khẩu phải không thầy?"
Người tu tủm tỉm cười: Nghiệt khẩu là nói những điều ác. Đại úy nói toàn chuyện vui thì đâu có gì.
"Sao ông biết tôi nói chuyện vui? Ấy tôi lại quên gọi thầy".
"Không sao, thầy chỉ là một tiếng gọi, cốt cái tâm của Đại úy là đủ. Giọng người Huế đều đều chậm rãi, không thoáng nhỏ ngúc ngắc".
"Không, tôi thích gọi tiếng thầy lắm, nhưng chưa có thói quen, trở lại chuyện nói đùa, thầy không biết chứ tôi nổi tiếng bốn vùng chiến thuật vì cái mồm. Người xưa người ta lập công, lập đức và lập danh, tôi thì lập ngôn, ngôn rồi nó cũng thành danh, danh này quý lắm, danh ba xạo, danh say rượu, danh núi lở trời xoay…"
Người tu hành vòng hai tay vào áo cà sa ngồi nghe vui thích. Từ bi và phiền não gặp nhau, gặp gỡ để thấy rõ nguồn hạnh phúc cùng nỗi muộn phiền của mỗi bên. Biết để thấy không thể hòa hợp giúp ích gì cho nhau, hai bên nhìn nhau như phần đời xa cách không đạt đến.
"Tôi vốn tánh ba hoa, nên khi thấy người trầm tĩnh tôi mến lắm. Bắt tôi ngồi một mình giữa chốn tĩnh mịch này khoảng hai ngày chắc tôi điên mất, sống phải cho tôi nói chuyện, chuyện gì cũng được, chuyện trời trăng mưa gió, chuyện đá cá lăn dưa, từ hội họa cho đến nghệ thuật chơi bời, tôi luận một mạch không vấp váp. Ấy tôi lại nói với thầy những điều xấu".
"Không hề gì, tôi cũng đã lớn và không đến nỗi kinh điển quá để không thể nghe một tiếng tục tằn. Ở chỗ tôi học, các anh sinh viên thường trêu tôi bằng cách gợi những chuyện ái tình hoặc tiểu thuyết không đứng đắn. Nhưng tôi nghĩ không can hệ gì cả".
"Hà hà… tôi đâu biết, tôi chỉ tưởng ông kẹt cứng đời dưới cái chuông rồi. Xin lỗi thầy, tôi lấy ví dụ để nói về sự kìm kẹp của đạo giáo, sự kiềm chế tự nguyện. Có cái dòng tu trên Đà Lạt, tôi theo ông linh mục dạy triết vào thăm, cứ mỗi ông một cái buồng, ngồi úp mặt vào tường đọc kinh, chỉ thấy thôi tôi cũng đủ sợ đến khiếp. Có người trẻ cỡ tôi với thầy…"
"Phật giáo cũng có các thầy Thượng tọa ngồi thiền cả ngày, thầy trụ trì chùa này tám mươi mốt tuổi, ngồi thiền như vậy gần năm mươi năm, đến một lúc nào đó xác thịt không còn là vấn đề".
"Tôi biết, như những tỉ dụ bố thí của tiền thân đức Phật, nhưng cái xác mình đây tự nhiên đem ép thành một hình khối vô tri thấy… kinh bỏ mẹ". Thuấn ngần ngừ trước chữ "bỏ mẹ" một chút, giọng nói tiếp tục tự nhiên. Nhà tu hành mỉm cười ý nhị không nói.
"Mỗi cảnh đời có một quyến rũ riêng, đời lính tráng cũng hay, khổ cực thể xác làm sáng tỏ linh hồn. Đấy cũng là một lối tu".
"Tôi chẳng thấy hay ở đâu hết, nó ép buộc mình trong ti tiện tầm thường, tập con người sống khuôn thước chật chội của bản năng, tôi chỉ thấy càng ngày càng tệ hơn trong cảnh lính tráng này. Nói luôn với thầy cho nó hả, bên đạo Công giáo có xưng tội, thuở nhỏ tôi học trường dòng có điều gì cứ xưng tội là xong. Chúa gánh hết trách nhiệm phần hồn mình, ông ấy tạo nên đàn ông, đàn bà, con rắn nên ông ta chịu trách nhiệm cứu vớt, thế là phải. Đạo Phật rắc rối và mệt quá, phải tự mình thắp đuốc lên mà đi, sợ rằng không có đuốc mới khốn nạn!" Thuấn cười sung sướng vì tìm ra được câu ví với nhau đúng. "Tôi nói thế này có phật ý không?"
"Không. Đại úy nó đúng lắm, tôi rất thích". Giọng nói bình thản, phẳng lì như gợn âm thanh của tiếng chuông tản mát vào hốc núi. Thuấn thấy bị đe dọa và coi thường.
"Thầy đừng gọi tôi là Đại úy nữa. Ông tiếp tục gọi như thế tôi xưng "con" cho ông choáng váng luôn". Người tu hành cười im lặng, đưa ly bia lên một lần thật lâu.
"Vừa rồi thầy bảo đời lính cũng hay, bây giờ người ta bắt thầy đi lính, thầy có đi không?"
"Có. Câu trả lời không ngần ngại. Cởi chiếc áo này tôi vẫn là người tu đạo, tôi thấy không có sự khác biệt nào dù tôi thay chiếc áo nâu này bằng áo sơ mi rằn ri như của Đại úy. Nếu cần trong hoàn cảnh khó khăn để sống, tôi cũng có thể làm điều luật giới ngăn cấm như ăn mặn…"
"Thầy giết người được không?"
"Không. A Di Đà Phật, chữ đó kinh khiếp quá, tôi muốn nói đến những điều phạm cấm kỵ bình thường thôi. Giới sát là giới nặng nhất, nhất là phạm với đồng loại". Người tu hành nhìn xuống hai bàn tay run run như thể đang có một lớp máu vô hình.
"Như thế chúng tôi thuộc hạng giết người nhà nghề, đáng kinh tởm lắm sao?"
"Không phải vậy. Khi đặt vấn đề như thế là lương tâm xao xuyến, là đang khởi đầu một vận động tinh thần hướng về từ bi. Chúng ta không nên khắc nghiệt với chính mình. Cuộc đời mở đầu bằng nỗi triền miên".
Có tiếng chuông thu không, hai tiểu bắt đầu tụng kinh chiều, tiếng ê a trầm bổng từ chùa vang ra thênh thang khắc khoải. Im lặng, nỗi im lặng mệt ỏi của con người sau cuộc đua.
Thuấn mời nhà sư điếu thuốc: "Thầy hút thuốc được?" "Dạ có, ở lớp các anh vẫn mời tôi hút luôn". Điếu thuốc đưa đến. Đại đức Trí Không đón lấy thành thạo nhẹ nhàng. Điếu thuốc hay dấu vết trần tục, bao nhiêu người đã có hậu ý khi mỗi nhà sư khởi đầu thói quen nhỏ bé này. Họ muốn gây một vết ố mờ nhạt trên tấm vải mênh mông. Đại đức biết điều đó nhưng thường chấp nhận tự nhiên và giản dị. Một phần nhập thế ở trong hơi thuốc xanh xám. Bao nhiêu lần nhà sư đã chơi trò trốn bắt vui thú giấu mặt này?
"Thầy có vẻ hiểu rõ đời sống trần tục?..."
Nhà sư cười đưa điếu thuốc trước mặt: "Qua cái này?" Câu hỏi sau khi thở một vòng khói thật kiểu cách. "Có nhiều người đã rủ tôi sinh hoạt các phong trào sinh viên chống chiến tranh và người Mỹ, như trong vụ đòi thành lập Hiến pháp và Quốc hội năm ngoái".
"Thầy có theo không?"
"Không, tôi không thích bạo động, bất kỳ hướng nào đến, tôi không có tinh thần cực đoan dù cho Tổ quốc hay Đạo giáo, tôi chỉ là đang trên đường tu đạo và đi học, chưa phải lúc chọn cho mình một quyết định khác ngoài đời sống này. Đại đức thở thêm vòng khói. Chợt nhớ lại trên đầu có ba lỗ thủng quỳ hương, ba lỗ thủng cháy sâu vào thịt chứng tỏ một bước đường chế ngự thể xác đã đi qua, mùi thịt cháy bốc khói, than cháy đỏ luồn theo mỗi tế bào máu, nhà tu có cảm giác từng đoạn thịt da, xương gân bị nung đỏ chảy xuống một đường rực rỡ tóe lửa… Thế nhưng ngồi vẫn im lặng, hai bàn tay nhẹ nhàng khép chặt vào nhau, đôi mắt nhắm xuống bình thản. Nhà sư qua chặng đường khổ ải bằng nghị lực có cố gắng nặng nhọc…
"Đã đến giờ thu trai chiều, xin phép Đại úy".
Thuấn lảo đảo đứng dậy, định đưa tay bắt hay chào kiểu nhà binh. Tất cả thái độ đều không hợp. Thuấn lúng túng chào…" Vâng, thầy vào". Nhà tu hành khép hai tay dọc theo thân áo rộng bước từng bước ngắn lên đồi hướng về chùa. Thuấn ngồi xuống nhìn mông mênh. Vừa rồi quên nói với ông thầy chùa về vụ thèm gái. Đi lính, nhét vào trong núi khoảng một tháng người muốn điên lên vì ham muốn. Kỳ thật, càng cực khổ, nguy hiểm càng thèm đàn bà, cứ như khoảng da thịt bí ẩn đó có khả năng chôn hết khốn cùng vào chiều sâu hun hút của nó. Thì "cái ấy" chính là nơi mở đầu sự sống, nên khi nguy cơ, lúc gần chết người ta ao ước rờ rẫm chui sâu vào trong đó! Lại bắt chước ý nghĩ của Henri Miller rồi? Thằng cha loạn tình Tây phương đâu so sánh với mình được. Nó già cằn cỗi, hết lực, nhão nhẹt nhưng trong lòng ngùn ngụt dâm đãng bệnh hoạn, không thỏa mãn nổi nó mới nổi loạn, vùng vẫy la hét, lập thuyết trên cái phần thịt đen u thẫm sống động đó… Nó là thằng liệt dương tinh thần nên diễn cơn bạo dâm bằng ngôn ngữ và văn chương. Thằng cha già dịch, thứ tuổi già suy sụp của Âu châu hư hỏng. Mình khác, mình là lính sống gần cái chết nên yêu đời sống, thấy đạn nổ thì nhớ cái l… kỳ cục thật, trông thằng lính chết đầu tiên là mình nhìn vào con c… Chán thật, cái vật bỉ ổi quý giá của kẻ chết co quắp lạnh lùng đến tội nghiệp. Thây ma yên có vẻ bình thản của nó, riêng cái cột chống đời đó nằm như tức tối giẫy giụa… Hừ, mình cũng bệnh tật gì trong đầu đây? Không phải đâu, thằng chết thắt cổ trong giây phút cuối cùng nó chảy ra dầm dề, mấy thằng lính gỡ mìn khi hành sự có thằng són ra ướt đẫm, sinh tâm lý, bộ não bị xúc động nên chảy ra? Nhưng tại sao mình không nghĩ: Nó gần chết nên trút sự sống ra với đời, thứ tinh lực sống trong đó có những siêu tế bào mang nỗ lực sinh tồn, nỗ lực đó giúp cho nó vọt ra đời tìm cách sống? Ấy mình nghĩ thế có thể đúng lắm! Phật cũng phân biệt trong con người có những vô lậu chủng tử kia mà, hai nghìn rưởi năm Phật đã nghĩ các tế bào siêu vi đó có khả năng di truyền và năng lực tồn tại qua luân hồi. Cứ nhìn thằng lính chết mình lại nghĩ đến phút nó ái ân với vợ, cái chết làm rõ giá trị khi được sống và lúc nào nó sống đầy đủ nồng nàn nhất, thì đúng là lúc nó di động miệt mài, rên rỉ, mê mải trên bụng con vợ. Lại có bà vợ nồng nhiệt đè thằng chồng xuống là sự thường! Hay thật, giây phút ngắn ngủi đó chính là phút thiên thu. Khi trút đi lượng chất lỏng mang sự sống là đạt tới một giá trị siêu hình thật chứ chẳng chơi…!!
Trời xuống tím thẫm, lạnh. Thuấn choàng tay ôm lấy ngực, người cúi thấp xuống, luồn một tay vào quần. Cứng quá thế này? Chắc vì rượu, hai tháng hơn chưa dùng đến nó, lên đến óc rồi… Khó chịu thật.
"Thiên?"
"Dạ, Đại úy…"
Thuấn không nói, liếc nhìn thằng lính thân tín, mặt nó đẫm trong bóng tối không rõ.
"Gì Đại úy?"
"Mày có thèm đàn bà không?" Câu hỏi trống rỗng. Thuấn nghe tiếng cười gừ gừ từ cổ thằng Thiên.
"Mày cho tao say sao? Uống không? Uống thứ rượu nếp cẩm Việt Nam pha với bột nho Mỹ. Uống đi, mày nuốt cả hai nền văn minh siêu đẳng đó. Một thứ kỹ thuật siêu đẳng, một thứ đau khổ siêu đẳng. Tao là loại sĩ quan siêu đẳng mà là thằng lạc đà siêu đẳng, mày với tao là hai thầy trò".
"Siêu đẳng!" Thằng Thiên hân hoan vui thú phụ họa.
"C… Khốn nạn. Mày với tao là hai thầy trò khốn nạn. Hôm nay là hai mươi tám Tết rồi đó Thiên…" Giọng Thuấn trở nên mơ màng, nghẹn nghẹn. Thằng Thiên không nghe được hơi rượu nữa, nó nghe thấy tiếng khóc được nén xuống của "ông thầy". Trời tối, chẳng ai thấy mặt ai, gió núi thổi se sắt rờn rợn như lưỡi dao mỏng lướt qua vành tai. Sương mù đã phủ kín. Thiên nghe tiếng nói tức tưởi trong sương mù đó: "Mày với tao là hai thầy trò khốn nạn, mày nghe chưa Thiên? Chiều hôm nay là hai mươi tám Tết phải không Thiên? Tao nhớ bài hát "Chiều ơi nắng vàng phai màu rồi, chạnh nhớ quê hương bên trời xa…". Mẹ tao chết nên tao cũng không biết sinh tại chỗ nào, mày biết quê tao không Thiên? Nhưng tao cũng nhớ quê lắm, tao nhớ làng nhỏ tên gì, phải đi qua một khoảng đồng trống nứt nẻ mới đến lũy tre, cổng làng. Quê ngoại cũng là quê hương được phải không Thiên? Quê mày ở Huế này hở Thiên? Ở chỗ nào mày chỉ tao xem…"
"Đằng kia". Giọng nói ướt nhòe sũng nước mắt.
"Ơ hay, sao mày khóc? Tao không khóc thì thôi, sao lại mày? Ở đây có thấy làng mày không?"
"Dạ có, ban ngày có, ban đêm không thấy".
"Ở đâu vậy? Quê gì kỳ cục, ban đêm nó biến đi đâu?"
"Buổi tối, không thấy chỗ đó được, nó ở sát bờ biển". Thiên ngửi thấy trong dòngg nước mắt mặn đắng có pha mùi đại dương của ấu thơ. Trong bóng đêm giọng của ông thầy nó vẫn vang lên phiền muộn… "Mày với tao là hai thầy trò khốn nạn!"
Nguồn: Dá»±a lÆ°ng ná»—i chết. Truyện dà i của Phan Nháºt Nam. Bìa của Äằng Giao. Hiện Äại xuất bản lần thứ nhất 5.000 cuốn tại Sà i Gòn Việt Nam tháng 5.1973. Giấy phép số 1642 PTUDV/ KBCNT/KSALP ngà y 24.5.1973. Tác giả giữ bản quyá»n. bản Ä‘iện tá» do talawas thá»±c hiện.