© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
4.9.2007
Phan Nhật Nam
Dựa lưng nỗi chết
 1   2   3   4   5   6   7   8 
 
“Bây giờ ông tính sao, mình kẹt ở đây đã hai ngày”.

“Đợi, kiếm dịp trốn vào Mang Cá”.

“Dân chúng đi hết”.

“Họ đi ra ngã Thượng Tứ để qua phía bên kia sông, mình qua bên ấy làm gì? Đây cách Mang Cá chỉ khoảng vài trăm thước, mục tiêu của ông và tôi ở đó, mục tiêu độc nhất”. Minh đưa một ngón tay làm ra vẻ quan trọng như đang thuyết trình hành quân.

“Đồng ý, tôi chỉ hỏi ông vậy thôi, ở đây chỉ ngán nỗi đánh nhau lớn đến lúc xài bom thì tụi mình hết đất, ngoài ra tôi cũng không có ý định gì khác, tôi còn ngại bà dì ông với cô con gái, vợ chồng tôi, hai đứa con làm phiền họ, đàn bà khó xử thật”.

“Ôi, loạn mà ông, ông với tôi tới đây coi như giữ nhà cho bà ấy, phải cám ơn ông đàng khác”.

“Nhưng tôi vẫn thấy không ổn tí nào”.

Minh và Lạc cùng im lặng khi Quỳnh Như đi đến. Quỳnh Như không còn vẻ tươi mát của hai ngày trước. Quỳnh Như của cuộc tình mới nở đầy ắp thiết tha, làn tóc nay phải cột chặt, quần đen, áo len ngắn, chiếc manteau đỏm dáng thường ngày được nâng niu gìn giữ nay ố bẩn, Quỳnh Như khó khăn và bực bội.

“Em định đi hở Minh?”

“Ừ, ở đây có ngày Việt Cộng nhào tới là em mất chỗ đội nón, hơn nữa nhà cũng sắp hết gạo”. Minh giận dữ gằn mạnh từng chữ, sự ghét bỏ họ hàng bên ngoại, vẻ lúng túng tội nghiệp của Lạc làm Minh nổi giận nhanh chóng. Lạc vội vã đứng dậy : “Chào cô Như”.

“Dạ vâng, có gì mà Minh giận với tôi thế?”

“Vâng…” Lạc chùi chùi hai tay vào ống quần, gã Trung úy Nhảy dù của 18 năm chiến đấu dọc nước Việt Nam không tìm được câu trả lời.

“Chẳng có gì hết, ông Lạc về đàng hầm chỗ ông, để tôi nói chuyện với bà chị tôi”.

Lạc thở phào dễ chịu bước đi. “Chào cô Như”. Minh nhớ lại cảnh Lạc giả vờ say rượu ở Darkto đòi hiếp mụ chủ quán… Trung úy Lạc tay súng, tay cầm chai bia.

“Thế nào, em út đâu hết?”

“Dạ, dạ… Thưa ông Trung úy em nó chạy hết”.

“Không có em thì phải thế người khác…” Lạc tu một hơi hết phần bia trong chai, choảng, vỏ bia được ném vào một góc nhà. Lạc đút súng vào lưng quẩn cởi nút áo… “ĐM… để lính commando biểu diễn xay cà phê cho anh em coi”.

“Dạ… thế?”! Mụ chủ quán chắp hai tay trước ngực.

“Bà…” Lạc tiến tới một bước.

Mụ chủ quán kiêm luôn nghề tú bà co rúm người lại khi Lạc vừa chạm phải. Nét mặt trân tráo hỗn hào của mụ chứa biển hẳn, người đàn bà lùi lại lùi lại, hai tay che ngực…” Ông Trung úy, ông Trung úy, ở đây không được”.

“OK, hà hà không được thì vào trong kia…” Lạc tiến tới, xoay thân hình ngắn ngủn phì nộn về lối hành lang giữa hai dãy phòng kín cửa… Chen trong tiếng đều đặn của chiếc giường Minh nghe tiếng xuýt xoa : “Trung úy, Trung úy…” Bây giờ gã Trung úy cựu cai commando lén lút đi từng bước thật nhẹ ra khỏi căn phòng, sau khi lí nhí … “Chào cô Như!!”

“Bây giờ em nói chị hay, em và vợ chồng ông Lạc kẹt lắm mới vào đây, mai mốt hay chút nữa nếu thuận tiện thì tụi này chạy về Mang Cá, thế thì có gì để chị và mợ phải phiền nhiễu cau có, thời loạn giặc giã người ta chết mỗi giờ, mỗi phút, đây này chị nghe 105 nổ trên thượng thành đó, bây giờ chỉ cần ở đài tác xạ ra lệnh bắn qua trái thêm vài trăm ly giác thì cái nhà này sập, mợ và chị có cau có được nữa không?”

“Minh, chị van em, người ta là bạn em, ở đây một vài bữa đến nỗi gì mà chị phải cau có, ngoài ra không có em và ông Lạc, chị và mợ dâu dám ở đây… Em hiểu giùm chị, chị không có bần tiện đến như thế, chị xin lỗi em, xin lỗi ông Lạc, chị không phải như em nghĩ”.

“Thế thì sao?” Minh hầm hầm đứng dậy. “Mặc chị, em đi coi tình hình, có gì em về Mang Cá”. Minh vụt nhanh ra cửa, ngoài đường ở nơi xa có tiếng súng nổ chen nhau.

“Đừng Minh! Minh!” Quỳnh Như chạy theo ra đến cửa ngõ. Một trái đạn rơi vào vườn bên cạnh, Quỳnh Như ngồi thụp xuống, chạy lại vào nhà, ngã người xuống chiếc nệm đặt dưới đất khóc tức tưởi. Sợ, lần đầu tiên nàng tiếp xúc với chiến tranh và tiếng nổ, một tiếp xúc gần và tàn bạo. Chiến tranh bao nhiêu lâu chỉ thấy được qua báo chí, radio, ở trái sáng lửng lơ thần bí đỏ màu máu hay vàng vọt trên nền đêm đen thẫm phía ngoại ô. Quả sáng lửng lơ chao động không gây ý niệm kinh hoàng đầy đủ, không vẽ đủ không khí tai ương khốn khó của bụi cây, rạch nước xôn xao bước chân người, không dọi đủ nòng súng đen lạnh giá. Quỳnh Như chỉ thấy ở xa một vùng trời đêm rực màu đỏ… Đẹp, có thể là như thế! Chiến tranh ở ngoại ô, ngoài thành phố, sau lũy tre âm u xa cách với trang sách kín chữ. Chiến tranh, Quỳnh Như chỉ thấy được gần nhất ở chiếc quan tài phủ lá cờ vàng di chuyển trên lòng một chiếc GMC, chiếc xe vút qua vội vã, quan tài hơi chuyển động, mùi ngai ngái được đọng lại chốc lát trong không khí. Người chết được chuyển đi nhanh và lặng lẽ như một món hàng khó chịu. Người chết không nói được, nắp quan tài đóng, lá cờ vàng mệt mỏi, chút hơi thối phảng phất. Người sống nhìn chiến tranh qua một hình ảnh xám đặc phiền muộn.

Nhưng bây giờ Quỳnh Như đã được thấy chiến tranh thật sự. Chiến tranh ở trái đạn, không biết đạn gì, súng cối hay đại bác nổ đốn sập một cây thông hai người ôm. Tiếng nổ không phải chỉ bùng tai, nhưng vang dội trong ngực, luồn theo mạch máu chảy gây thành dãy nổ dây chuyền trong thịt da. Tiếng nổ làm nẩy quả tim, làm ngu si hôn ám trí óc. Nổ ở chỗ này? Bên kia? Bây giờ hay giờ tới. Quỳnh Như nhìn ở đâu cũng thấy tiếng nổ, nàng tưởng toàn thể bầu trời đang nứt thành những mảnh nhức nhối đầy âm vang. Chiến tranh đến gần giúp Quỳnh Như nhìn được thêm người chết. Không phải chết yên lành, đẹp đẽ như ông ngoại, chết từ từ, chết đến từ tốn nhẹ nhàng từ chân, lên ngực, ông được tắm bằng nước có mùi thơm, ông được mang áo mới, đội mũ vàng, tay chân bóp rượu vuốt lại nghiêm chỉnh thẳng thắn. Ông chết trong sự lơ mơ thấy được một Niết Bàn hạnh phúc, vây bọc như tiếng tụng kinh của khuôn hội Phật tử… “Nam mô thiếp dẫn đạo sư… Nam mô thiếp dẫn đạo sư…” Ông chết từ từ, thiếp vào nơi yên ổn. Người chết ở đây thì khác, người chết khi chạy, đang há mồm như van xin, đang đưa tay lên trời tuyệt vọng. Như hai mẹ con người hàng xóm chiều hôm qua đang đứng trên bờ rào để xin phép Quỳnh Như qua gánh nước. Ngày thường người mẹ nổi tiếng là hung dữ hỗn hào, bao nhiêu lần Quỳnh Như nghe bà ta đay nghiến người con gái về một lỗi không đâu. Giọng người Huế the thé rả rích nhức nhối từng chữ. “Con ơi là con ơi, thằng cha mi lúc xưa đã làm tao khổ điêu khổ đứng, chừ đến phiên mi, mi mới nứt con mắt mà đòi rượng đực… Mả cha tiên sư, cái thứ máu lăng loàn của thằng cha mi đó…” Quỳnh Như đóng cửa sổ, máu lăng loàn, hình như có chút ám chỉ nào đó. Quỳnh Như tưởng như mụ ta thấy được cảnh nàng oằn người tha thiết dưới cơn chuyển động dục tình. Tiếng hét của người đàn bà len lỏi qua hai khu vườn, qua lớp cửa sổ chọc vào tai Quỳnh Như buốt nhức như khi siết lưỡi dao cạo trên mặt mụn bóng sáng. Nhưng chiều hôm qua người mẹ xuất hiện dưới một vóc dáng khác.

“Thưa cô, cô cho mạ con tui qua xin mấy đôi nước, nước ngoài phông tên không còn nữa… Dạ, dạ cám ơn cô…” Bà tay xoay qua cô con gái. “Con vô lấy đôi thùng cho mạ đi gánh”.

“Để con gánh, mạ gánh làm chi”.

“Con đang có… Nghỉ đi…” Bà mẹ xây qua phía Quỳnh Như. “Hắn đang có mà đòi đi gánh, hắn làm như tui già lắm đó cô… Hắn sợ tui cực đó mà”.

Và bà mẹ cười, nụ cười ngây ngô sung sướng đang được thương yêu. Ầm! Quả đạn nổ bên bờ dậu, hai mẹ con được nâng lên một khoảng xong ngã ra hai phía. Quỳnh Như chạy vào bếp chui xuống hầm. Cửa nhà bếp bỏ trống, nàng nhìn được phía bên kia vườn. Bà mẹ bò bằng hai tay và đầu gối, đầu tóc đen rũ xuống kín mặt. Bà ta bò đến nơi người con, cúi xuống như chó mẹ hít hơi chó con. Bà mẹ ngồi dậy, cởi chiếc áo đắp lên mặt cô con gái, xong run rẩy nằm xuống trên thân hình người con… Một thứ ánh sáng vàng vọt giá rét chiếu lên tấm lưng trần nhăn nhúm bất động. Quỳnh Như mở to mắt, nàng nghe được tiếng khóc im lặng của người mẹ trong hơi gió xào xạc thổi lớp lá chuối đưa đẩy phiền muộn. Cái chết bắt đầu và chấm dứt dưới mắt Quỳnh Như thản nhiên như chiếc lá vừa rơi.

Hai ngày sống với chờ đợi trái nổ, Quỳnh Như thấy trong lòng những biến đổi lạ lùng. Trong bóng tối của căn hầm dưới bộ ván gõ, như một người ngồi trầm tư với chiếc bóng mình trên vách, nàng thấy rõ được hết quá khứ mộng ảo phù du. Tình yêu cay đắng, xót xa, lần khám phá ra mình qua mối tình say đắm nổ bùng như dòng điện luồn theo mạch máu, Quỳnh Như cảm được sự hững hờ khi nghĩ đến nỗi ham mê nồng nhiệt cuống quít cách đây hai ngày. Trong bước chân vội vã chạy vào hầm, Quỳnh Như chỉ thấy cơn thúc giục nồng nhiệt để tồn tại, bản thân thực sự thân yêu của mười ngón tay luôn được tỉa gọt cẩn thận. Bây giờ Quỳnh Như chợt nhớ, tại sao có giọt nước mắt thật chân thật khi nhìn đống tóc rụng trong buổi sáng ngã bệnh, khi móng tay dài trắng hồng bị gãy, Quỳnh Như đã khóc say sưa đau đớn trong những trường hợp như thế! Tiếng nổ làm Quỳnh Như chạy thật nhanh để không nghĩ đến được Bằng với căn phòng đầy bóng tối, mái tóc đau đớn dằn vặt và phút giây ngã xuống hầm hập mê mải. Quỳnh Như cũng hết sức để nghĩ được đến Thuấn, tình yêu vội vàng mà của ba ngày trước đã đốt cháy hết sinh lực của mỗi tế bào da thịt, trí não. Quỳnh Như tưởng mình có thể chết đi để mối tình tồn tại. Nhưng đến bây giờ, sau bốn mươi chín giờ gần gũi với cái chết trong căn hầm tối Quỳnh Như chỉ nhớ được có một người – Người thân yêu gần gũi độc nhất, xác thân có góc cạnh và hình khối – Chính nàng.

Minh nép người vào hàng rào chè xanh lần lên đến ngã tư. Hướng về Mang Cá đường vắng, nhà kín cửa, vài con chó cụp đuôi chạy len lén qua mặt đường trống trải. Lũ thú vật chống chỏi tai ương bằng chiếc đuôi quặp vào che bộ phận quý giá, bí mật. Minh cho tay vào bụng sờ báng súng, cây súng quá nhỏ so với nguy biến đang bao quanh. Lạnh. Minh rùng mình. Nỗi sợ bốc hơi tăng thêm cường độ rét buốt của thời tiết. Có xác chết nằm cạnh một gốc cây, xác chết mặc veston mà xám, phần ở bụng căng cứng, tay người chết mở ra. Minh đứng nép vào gốc cây, liếc nhìn xuống cổ tay người chết, kim đồng hồ chỉ 10 giờ. Chắc giờ thằng cha này chết. Ít nhất nó cũng được mặc áo mới khi chết. Đột nhiên Minh cảm thấy vui trong lòng với ý nghĩ vừa đến. Nỗi vui vẻ bình yên thấy mình được bình an, lạc thú hơn kẻ khác. À ra mình chưa chết, chết nằm lăn như thằng cha này quả thật không sung sướng chút nào. Mặt trời hơi le lói, nắng ấm dọi xuống từng đường vàng sẫm trong sương mờ. Minh cảm thấy hăng hái và tự tin. Ít nhất mình cũng chưa chết, gắng qua thêm một ngã tư nữa, đến gần hồ Tịnh Tâm thì cách Mang Cá không bao xa, xong kiếm lại Đại đội kéo lên chỗ nhà bà mẹ, đem Lạc và gia đình về. Đại đội mấy hôm nay ai chỉ huy, lính có bao nhiêu người chết hay bị thương? Trong yên ổn bất chợt Minh nghĩ đến đơn vị, công việc như đang ở trong hoàn cảnh thông thường. Có gì đâu tai ương của hai ngày qua, súng bắn trước mặt hướng vào chính bản thân chưa sợ, huống gì thứ tai họa tổng quát này… Thật ra chỉ vì vụ nổ trong khách sạn làm mình hoảng hồn, bây giờ thoát xa nó rồi, có gì đâu phải xao động. Đây rồi, gắng đến cuối bờ thành kia sẽ thấy hồ Tĩnh Tâm; hồ Tĩnh Tâm – Mang Cá chỉ vài trăm thước, mình có Đại đội trong tay, chuyến này phải mang một cây M16, súng colt không đủ gì cả… Minh cúi người thấp ẩn dưới hàng rào chè tàu chạy như bay. Minh ngửi thấy trong không khí mùi trà ẩm và hương sen tàn bốc lên trên mặt hồ yên lặng.

“Đứng lại! Đưa tay lên!” Một tiếng hét từ bụi rậm vang ra làm Minh hốt hoảng, bước chân bị giật ngược. Minh lăn xuống chiếc rãnh lớn bên vệ đường.

“Đi lên! Làm gì chạy ghê vậy!” Một gã lính Bắc Việt mặt non choẹt đứng trên vệ đường hươi mũi súng ra dấu bảo Minh đứng dậy. Minh chống tay rướn người lên, bùn non ngập đến cổ tay, bùn dơ dáy và tanh mùi cống rãnh. Minh ngước mắt, tên lính chợt phì cười: “Sợ hả, lính ngụy hay chi mà sợ? Lên đưa giấy coi”. Minh ấn chiếc gối xuống mặt bùn nặng nề đứng dậy, lấy sống cánh tay áo lau ngang mặt, mắt vẫn không rời khuôn mặt nhởn nhơ đùa cợt, cong người bò lên bờ rãnh, tay lần mò tìm đám cỏ gà trên mặt đường. Bực! Luống cỏ bị bật gốc, không đề phòng, Minh ngã lộn người xuống lại. Gã lính Bắc Việt vùng cười khan, người đã gập đôi, khuôn mặt tái xanh căng ra vì nụ cười quá khổ… “Ha! Ha! Răng mà yếu quá rứa, bị bệnh phải không, còn đi học hay làm việc cho ngụy… Ha! Ha!” Giọng Quảng Bình nheo nhéo trêu chọc, lủng củng ngắt đoạn giữa tiếng cười khoái trá.

“Nè, nắm chân tôi đây để leo lên, rồi cho coi giấy tờ”. Gã lính đứng sát vào vệ đường, chân phải đặt ngang bờ kênh, chắc nịch.

“Nắm vào đây, leo lên!”

Minh nằm dưới lòng cống nhìn lên. Đôi mắt vàng bệch lấp lánh ánh sáng rõ ràng dưới vành mũ quê mùa làm Minh muốn nghẹt thở. Bùn như nồng nặc và đặc cứng lại. Minh thấy mình lún xuống, chìm dần dưới những tảng bùn đen tối nhơ bẩn. “Leo lên, đợi chi nữa, nắm vào chân đây này”. Gã lính choàng súng ra trước ngực cúi thấp người trên mặt đường thòng chân xuống lòng rãnh. Trời tối sẫm, mưa nặng hạt, bùn sệt đặc, mùi tanh tưởi, giọng cười chế nhạo, đôi mắt khinh thường và nỗi bình yên tự tin của năm phút trước tan biến như tia chớp đắm chìm vào trong bầu trời ủ giông đen. Lòng tự tin biến đi nhường lại cho cảm giác sợ hãi đến tê liệt, sự sợ hãi có hình khối như bùn hôi đang đeo cứng và tiếng cười, đôi mắt của kẻ thắng thế ở mặt đường. Minh rút hai chân khỏi bùn tựa vào sườn đất cứng trên mặt rãnh, hai tay nắm cổ chân của gã lính, cổ chân gầy guộc khẽ rung rinh… “Leo lên đi!” Giọng nói trên mặt đường đầy uy quyền thúc giục Minh như bị đốt cháy bởi ngàn bó đuốc lớn, nỗi sợ hãi bất chợt bị khám phá cùng với toàn thể hèn mọn của thân thể chìm đắm dưới lớp bùn hôi. Minh giật mạnh! “A!” Người gã lính trụt xuống độ dốc. Minh bước lên một bước, xong quay mặt xuống, ngửa người trên sườn dốc, cong chân phải đạp mạnh vào vai gã lính Bắc Việt. Thân hình nhỏ thó lăn nhanh xuống lòng rãnh, chiếc mũ có ngôi sao vàng lăn qua một bên. Minh nhảy xuống. Đánh! Minh đánh bằng hai bàn tay dùng hết lực, Minh móc khẩu súng colt ở bụng ra, báng súng giáng xuống mặt gã lính chính xác tàn bạo… Gã lính quơ tay chống đỡ tuyệt vọng. Minh đè xuống bằng hai đầu gối, tay trái khép lấy chiếc cổ gầy gò, ngón cái lọt vào lỗ hổng dưới yết hầu như muốn đâm thủng lớp da nhăn nheo. Máu trong mắt gã lính chảy đầm đìa ngấm xuống bùn thành từng vũng nhỏ nâu sậm. Minh trút xuống gương mặt xấu xí nhăn nhó và thất thần hết cả nỗi lo sợ khiếp đảm cùng cảm giác tủi hổ khi từ dưới lòng cống nhìn lên đôi mắt khinh khi. Minh tháo khẩu AK ra khỏi người gã lính, kéo cơ bẩm nhìn vào buồng súng. Có đạn lên nòng rồi, tốt. Minh nhắm nòng súng vào mặt gã lính. Bóp cò. Cò cứng ngắc, không chuyển động. Minh quên mở an toàn. Minh đưa ngón trỏ lên đụng chốt an toàn, lòng không thoáng chút xao động… Xác tên lính nẩy lên trên mặt bùn nghe bành bạch như con lươn trăn trở. Cuối cùng, nhát dao đâm xuống… Minh chạy trở lại hướng nhà Quỳnh Như, nét mặt lạnh tanh dưới vẻ khôn ngoan cay độc.

Bằng nói với Đại đức Trí Không:

“Bây giờ thầy vào trong thành nội với tôi, sau khi mình họp với Ủy ban Khu trong đó, tôi sẽ ghé thăm nhà Quỳnh Như, thầy biết Quỳnh Như?”

Đại đức gật đầu không nói, đi lần đến chiếc xe gắn máy của Bằng đứng đợi, không chút phản kháng trong cử động. Người đi tu giấu hết phong ba của bốn ngày qua dưới nét mặt trầm lặng u buồn. Bốn ngày xảy ra như giấc mộng, giấc mộng dài đầy sự chết, máu và lửa đỏ. Địa ngục không phải là ý niệm siêu hình. Địa ngục cũng không phải là hình ảnh tưởng tượng có tác dụng luân lý để khơi động ý hướng tốt trong lòng người. Nhưng bốn ngày qua, sự kiện xảy đến chung quanh đã tạo dựng nên một địa ngục cụ thể âm vang tiếng khóc và sũng ướt bi ai. Đại đức được Ủy ban Lâm thời của chính quyền cách mạng ủy nhiệm vụ điều hành đoàn sinh viên học sinh Phật tử. Nhưng đoàn thể này đã vượt hẳn ra khỏi sự kiểm soát của người tu hành, những đoàn viên và huynh trưởng mới xuất hiện. Họ được phát súng AK và đeo băng đỏ. Ngôn ngữ hung bạo hiếu sát. Họ lý luận chặt chẽ và kết luận nhanh chóng, kết luận nhanh chóng trong công việc chấm dứt đời sống người khác. Biến cố mới xếp hạng và quyết định mạng người trong khoảng thời gian tối thiểu. Mỗi người biến thành kẻ thù của người khác mau chóng không ngờ tới.

“Ông có thằng con đi lính Biệt động quân trong Đà Nẵng”.

“Con tôi đi chứ đâu phải tôi”.

“Ông phải chịu trách nhiệm việc làm của con ông”.

“Nhưng con tôi đến tuổi phải vào Thủ Đức”.

“Tại sao không trốn lính, tại sao không đi lính văn phòng lại đi Biệt động?”

“Cái đó tôi không biết. Nhưng trốn lính thì ở đâu? Làm gì để ăn?”

“Con ông ra trường chưa đầy ba năm đã lên Trung úy. Hắn đã giết người để lên lon. Hắn phụng sự bọn Mỹ xâm lược để lấy tiền”.

“Giết người để lấy tiền Mỹ. Không phải vậy, tháng Tết ni tôi còn cho hắn thêm ba ngàn. Hắn không có đủ tiền tiêu…”

“Ngụy biện. Ông còn yểm trợ kinh tế cho bọn ác ôn côn đồ…”

Người đàn ông bị trói tay sau lưng. Chiếc khăn đóng rơi xuống, những sợi tóc muối tiêu phủ tung trên trán. Dòng nước mắt chảy xuống gò má nhăn nheo, qua dòngg nước mắt người đàn ông hướng về phía Đại đức Trí Không…

“Thầy nói giúp, thầy nói giúp giùm… Tôi không có tội gì hết. Tôi lên chùa của ôn luôn, thầy không nhớ tôi sao? Tôi là Khuôn trưởng ở đường Gia Hội đây. Tôi ăn chay mười mấy năm rồi, tôi có tội chi? Tôi có tội chi? Thầy nói giúp, tôi sống được, tôi cạo đầu lên chùa ở với ôn với thầy luôn…”

Người đàn ông muốn đưa tay về trước, nhưng cánh tay đã bị trôi ngược, chỉ có đôi mắt sũng ướt, đỏ rực như đẫm máu hướng về phía người đi tu. Đại đức Trí Không niệm nhỏ câu kinh trong lòng, giọt nước mắt bi phẫn được nhét xuống cuối đáy linh hồn phong ba đang cuồn cuộn.

Khi Bằng rồ máy, Đại đức khẽ giật mình như vừa tỉnh cơn mê. Yên lặng, người đi tu chậm rãi leo lên đằng sau.

“Những hôm này thầy không được vui”.

“Người tu hành như tôi không thích hợp với biến động”.

“Nhưng cách mạng lại đòi hỏi những thay đổi căn bản trong giờ phút chuyển tiếp”.

“Cách mạng phải dựa trên con người. Hủy con người thì cách mạng làm gì và để cho ai”. Trong bình thản của giọng nói, nỗi bi phẫn cố giấu vẫn không tròn.

“Phải hủy diệt một số nhỏ phản động, thoái hóa và nguy hiểm cho cách mạng”.

“Thiểu số vẫn là con người. Người tội nghiệp và đáng quý của một nhân phẩm. Và tiêu chuẩn nào kết án để không nhầm lẫn”. Đại đức đã đến cuối chịu đựng, nói không dè dặt.

“Nếu cần thấy nên phát biểu ý kiến trước Ủy ban”. Giọng Bằng thoáng chút đe dọa…”

“Tôi không từ chối nếu có người chấp nhận phần đúng của tôi. Ủy ban là ai? Tôi chỉ thấy một khối cá nhân quá khích, ngay cả anh, người bạn của tôi, anh có chấp nhận lời tôi không?”

“Hiểu ý của thầy là một chuyện, nhưng biến đổi thành hành động thì quá khó. Ít ra cũng không thể chấp nhận trong hoàn cảnh này”.

“Bây giờ chúng ta đi ngả nào”, Đại đức lái câu chuyện qua hướng khác.

“Mình qua ngã cầu Đông Ba, quân giải phóng giữ an toàn lộ trình này”.

Bằng chợt thấy lạ ở ngôn ngữ. Chỉ mới mấy ngày, toàn thể con người, ý nghĩ và ngôn ngữ của Bằng biến đổi hẳn. Bằng như mũi tên trên đường bay, khác hẳn với giờ khắc trước chỉ là thớ gỗ nằm yên trong túi lên ám khói. Con người mới hay con người thật, không có biên giới rõ rệt cho sự phân định. Bằng chỉ biết mình đang trong cơn ngây ngất như kẻ chán đời lần đầu tiên khám phá ra nỗi quên lãng hân hoan của men rượu.

Bằng không thể ngờ được khuôn mặt sau cánh cửa là Quỳnh Như. Vẻ tươi trẻ của người thiếu nữ bốn ngày trước đã biến mất. Quỳnh Như tóc rối, da xanh xám, đôi môi khô se và hai trũng mắt sâu xuống mệt mỏi. Đôi mắt cố nhướng lên nhìn Bằng, tia nhìn không xúc động.

“Em không mừng được thấy anh?”

Quỳnh Như không nói, hơi hé cửa cho Bằng bước vào, Đại đức Trí Không bước theo sau thoáng tần ngần. Căn nhà đen ẩm và lạnh buốt. Quỳnh Như khêu to ngọn đèn dầu dẫn Bằng và nhà sư đi xuống nhà ngang, đứng lại cạnh chiếc hầm.

“Đứng ở đây lỡ có pháo kích chạy vào kịp”.

“Ai bắn?” Bằng hỏi dồn…

“Không biết, hai bên bắn lẫn nhau”. Quỳnh Như nhìn nhà sư gật đầu chào. “Có nghe anh Bằng nói chuyện thầy hoài… Lần đầu tiên con biết thầy”, Quỳnh Như ngại ngùng rõ rệt trước chữ con…”

“Đây là thầy Trí Không. Bây giờ là Ủy viên của…”

“Không, tôi không làm gì hết. Ở đây anh khỏi ép tôi mang những chức vụ mà quả tình tôi không muốn. Xin phép cho tôi ra nhà sau, hình như nhà sau có người”.

“Dạ, có vợ chồng người bạn cậu em và mẹ tôi sau đó…”

“Ai vậy?” Bằng hỏi dồn…

“Minh và gia đình người bạn của nó…”

“Sao Minh lại ở đây?”

“Em không biết”.

“Sao em lại không biết?”

“Anh muốn em biết gì bây giờ?”

“Em có vẻ giận anh?”

“Không, chẳng có gì… em mệt”. Quỳnh Như dựa người vào cột nhà, mắt nhắm lại… “Mệt, đu ngôi sao vậy, em mệt thật sự”.

“Thấy anh, em không mừng?”

Quỳnh Như không trả lời, nàng hé mắt nhìn Bằng, xong khép mi lại.

“Em có vẻ biến đổi…”

Quỳnh Như gật đầu. “Em biến đổi, biến đổi hết”.

“Em biến đổi vì anh, vì câu chuyện hôm 29 Tết?” Bằng nói qua hai hàm răng rít chặt, sự phẫn nộ cố gắng kìm lại…

“Không”. Quỳnh Như ngồi xuống nóc hầm lưng dựa vào chiếc cột.

“Em có can đảm không?” Bằng trở lại giọng bình tĩnh sau một hơi thở dài.

“Có, em đủ can đảm để sống bình thản ít nhất cho đến ngày hôm nay…”

“Tốt, vậy thì em nói thật với anh, em biến đổi vì người bạn của Minh?”

Quỳnh Như khẽ cười và lắc đầu. Mi nàng mở ra, ánh mắt vụt sáng tinh quái.

“Anh nghĩ sai, không phải vậy…”

Bằng chồm người tới trước, giảm bớt chiều cao, dán sát mặt vào Quỳnh Như, tiếng nói đứt khúc tắc nghẹn của cơn giận bị ép xuống.

“Anh không nghĩ lầm, chỉ có em gian dối và hèn nhát…”

“Không phải, em chắc chắn như thế, trước thì em cũng không nghĩ thế nhưng bây giờ em rõ em hơn ai hết”.

“Anh rõ em hơn cả, anh đã gần em từ tinh thần đến vật chất, tất cả biến động nào trong em dù mới phát hiện nên phản ứng mù mờ anh cũng đã nhận thấy. Hơn nữa đứa con trong em là của anh…”

Quỳnh Như cười thành tiếng. Âm thanh rạn nứt như khối đá tan vỡ dưới vòi nước ấm.

“Anh hiểu được em, nhưng chỉ được một phần, phần phía ngoài, và phần khác nơi sâu xa nhất chính em em cũng không hiểu… Em mang đời sống của anh trong người, nhưng tất cả đã tan vỡ…”

“Em muốn nói gì?”

“Không còn gì hết, hết thông cảm, hết thương yêu, hết anh, hết em, đứa con, bào thai, tất cả vỡ tan và trôi đi hết. Em có kinh nguyệt lại”.

“Bao giờ và tại sao?”

“Em không nói gì khác, vì mọi chuyện đã xong, em vẫn là vợ anh, vợ chính thức, vợ có đám hỏi, đám cưới. Em không chống đối gì điều này. Nhưng em bây giờ khác hẳn em trước Tết, em không còn của anh, của em nữa, em lạ với mình rồi… Mệt, em mệt”.

Bằng ôm lấy người Quỳnh Như. Thân thể người con gái bạc nhược lạnh lẽo. Bằng không nghe được tiếng tim đập rộn rã của tình yêu. Tình yêu đã chết. Bằng muốn bóp nát Quỳnh Như trong vòng tay tuyệt vọng.

Bằng và Đại đức Trí Không qua cầu lúc trời nhá nhem tối, trời lạnh, sương dày kín, nhịp cầu màu đen đậm nét trong sương mù. Xe lên dốc không nổi, Bằng phải bước xuống đẩy, Đại đức lầm lũi đi theo yên lặng, như màu nâu trầm tĩnh đậm nét nhạt nhòa trong bóng tối ẩm ướt.

“Mấy năm trước những đêm mưa tôi thường hay đến đây, đứng trên cầu nhìn xuống dòng sông, mưa bay chập chờn trôi dạt theo cơn gió, ánh đèn từ chân cầu dội từng vòng ánh sáng xuống mặt nước xôn xao sóng nhỏ…”

“Chắc thú vị lắm. Ở trên chùa khi trời mưa tôi đứng trên đồi cao nhìn về thành phố, chỉ thấy từng khối nâu đỏ trong màn mưa… Tôi cũng thích nhìn mưa bay, mưa ở núi ủ dột héo hắt…”

“Nhìn hoài cây cầu trong màn mưa, dần dần tôi xem nơi này như chốn quen thuộc, đêm mưa gió thế nào tôi cũng đến đây. Khuya khoảng một, hai giờ sáng, thành phố yên lặng, chỉ còn mỗi hành động thê lương là tiếng mưa và màn mưa chuyển động trên ngọn sóng. Trong bóng đèn vàng, tôi thấy như vũ trụ vô tri có linh hồn đang đau đớn dằn vặt. Và tôi cứ đắm chìm hoài trong nỗi dằn vặt vô duyên cớ đó. Và sau một thời gian nỗi dằn vặt vô hình biến thành khổ đau nặng nề cụ thể đè mãi xuống. Tôi cứ có cảm giác bị bóp cổ, bị kìm kẹp, đè nén, nói không được, đi không được… Bao nhiêu ý chí phấn đấu tan rữa dần. Có những đêm mưa tôi đứng ở thành cầu nhìn xuống khoảng sông xao động tưởng như bị cuốn hút lập lòe, có lời mời mọc im lặng êm dịu mê đắm nào dưới lớp nước trôi nỗi vàng đục đó… Trời sáng, mưa hết hạt, ánh đèn nặng nề u ám hơn, trời trong vắt thênh thang, mưa bay đi, tôi tỉnh dần dần trong không khí mới mẻ của ngày vừa bắt đầu. Bao nhiêu lâu như thế tôi cứ tự hỏi mình có phải nghiêng quá độ về sự chết? Nhưng thật ra không phải thế, tôi yêu đời sống, yêu quá nữa là khác, nhưng đêm mưa và mặt nước sông sao cứ quyến rũ tôi tan biến vào đấy…”

“Bây giờ chuyện ấy vẫn còn”.

“Hết, hết từ hồi tôi bắt đầu đi dạy”.

“Có tiền coi như một thành công”. Đại đức cười nhỏ sau câu nói.

“Không phải vậy, đi dạy có tiền, có thêm những nhu cầu mới, mỗi ngày các nhu cầu vật chất càng chất đầy hơn, siết mạnh vào. Thế là hết băn khoăn vô duyên cớ, hết đau đớn siêu hình, chỉ còn lại những tính toán bẩn chật, ước muốn nhỏ nhặt… Tôi như cây bị khô lá dần dần, lá khô từ ngọn lần xuống gốc, khô khan gãy vụn từng phiến mỏng… Và thế là hết tiệt mưa gió, bão tố, mặt nước sông, sương mù, ánh đèn chao động, tất cả trôi dạt vào cuối ký ức. Mỗi khi qua cầu, tôi hững hờ xa lạ như qua nhà lạ, qua nơi không quen. Xúc động ba năm trước như một tình cảm giả hình”.

“Như vậy là tốt. Thực tế làm chân thật với lòng hơn”.

“Một thứ chân thật khốn nạn, chân thật hèn hạ hết thời”.

“Tôi không nghĩ như thế, sự thật đâu phải tầm thường, sống trong đời thì phải chịu đựng nỗi tầm thường đó. Giữ tâm mình vững và trầm tĩnh không để bị lôi kéo ràng buộc quá nhiều…”

“Tại vì thầy đi tu. Tôi thì khác, có những khó khăn người đi tu không có như người thường, hoặc nếu có thì cách giải quyết cũng khác… Như tình yêu chẳng hạn”.

“Tình yêu?”

“Tình yêu trai gái, giữa đàn ông và đàn bà, giống đực và giống cái… Các thầy đâu phải chịu hệ lụy bởi vấn đề này…”

“Tôi nghĩ đó đâu phải là khó khăn, đau đớn cho anh, nhất là anh toại nguyện với tình yêu, nghe nói anh đã có làm lễ hỏi với cô Như”.

“Vâng”. Bằng lặng lẽ tiếp tục đẩy chiếc xe. Thành phố Huế chìm hẳn vào bóng tối. Đạn bay vạch từng đường đỏ dài trong nền trời.

“Có điều gì làm anh không vừa ý?”

“Thầy có gặp sau nhà Quỳnh Như mấy người lính Nhảy dù?”

“Có anh Minh em cô Như và vợ chồng người sĩ quan bạn anh Minh. Anh có quen với Minh?”

“Như vậy là hai người, họ mặc đồ lính?”

“Không, áo quần dân sự, nhưng anh để ý làm gì?”

“Tôi không thích lính”.

Đại đức Trí Không dừng lại nhìn Bằng. Giọng nói lạnh lẽo khô cứng, rờn rợn như lưỡi dao chậm rãi xiết trên đá nhám.

“Anh có ý định gì với những người lính đó? Những người lính không súng. Anh thấy người bạn của anh Minh gần bốn mươi tuổi, hai đứa con và người vợ vây chặt. Tôi gặp ông này vài lần ở trên chùa, đó là người đàn ông bị lôi kéo bởi cảnh sống, tôi chẳng thấy tàn bạo, thù hằn ở nơi người đàn ông cằn cỗi đó. Họ chỉ được gọi là lính qua bộ áo quần và khẩu súng, người của Mặt trận, người của Ủy ban gọi họ là kẻ thù khi họ có những vật dụng kia trên người. Riêng anh và tôi lấy tiêu chuẩn gì để xem họ là kẻ thù … Tôi là người đi tu, bị kẹt vào hoạt động này trong khoảng thời gian trầm luân giới hạn. Tôi không có kẻ thù, tôi nhìn người đúng vị trí và giá trị của mỗi cá nhân, anh cũng thế… Anh chẳng có kẻ thù nào hết ngoài con người ngang ngược biến đổi trong anh…”

“Thầy có lý của thầy. Riêng tôi nếu có làm một điều gì khác với tâm tính mình thì đó chỉ là thái độ bồi đắp cho tập thể đã nuôi dưỡng mình. Tôi được sung sướng và yên ổn trong đoàn thể, cái lý của tôi do đoàn thể tạo thành”.

“Thế anh định làm gì? Anh đi tố cáo cho tiểu ban thanh trừng và hành động? Cái hố đằng sau trường học đã đầy rồi, người chết quá đủ, toàn người Huế, người của xóm anh ở… Có điều gì biến đổi anh thành tàn bạo?”

Bằng im lặng đạp nổ máy. “Thôi thầy leo lên ngồi, thầy cẩn thận nghe tiếng départ của súng đại bác thì nhảy xuống hố. Ủy ban Lâm thời tối nay họp lúc 8 giờ tại chùa D. Có thể có những quyết định liên quan đến tình hình quân sự, mặt trận ở khu hữu ngạn có vẻ bất lợi cho phe ta”.

Phe ta. Đại đức Trí Không mỉm cười. Trên tấm áo nâu này, Đại đức đã mang thêm một nhãn hiệu. Xe chạy, gió lạnh nhưng tai Bằng nóng đỏ. Lý của đoàn thể, Bằng có thấy có điều gì bất toàn không thật trong luận lý vừa nói. Thân thể lạnh giá và tia nhìn trống rỗng của Quỳnh Như như luồng gió sắc buốt xuyên qua da thịt. Nỗi hờn giận mất máu ngùn ngụt cháy lên làm hoa mắt. Bằng phóng xe chạy như điên trong bóng tối, con đường nhỏ gập ghềnh. “Thầy giữ hộ tôi cây súng, xe chạy nhanh nó rơi mất”. Đại đức Trí Không vòng tay rút khẩu súng ở bụng Bằng.

“Anh Bằng cho tôi xuống đây”.

Xe chạy chậm. Bằng hỏi dứt tiếng. “Thầy xuống đây làm gì, mình về chùa gặp anh em, đúc kết ý kiến trước khi vào hội để khỏi có trở ngại…”

“Anh cứ để tôi xuống, tôi có việc nói ngay bây giờ”.

Xe ngừng, Bằng chống chân xuống đất. “Thầy muốn nói điều gì?”

“Anh có ý định tố cáo anh Minh và vợ chồng người bạn với Tiểu ban Thanh trừng?”

“Thầy có quyết định gì?”

“Tôi không có quyết định gì hết, tất cả chỉ do anh”.

“Nếu tôi tố cáo”.

“Tôi… bắn anh”.

Bằng cố nhìn đôi mắt của Đại đức, nhưng chỉ có đêm đen và mưa phùn trước mặt. Trong bóng đen mờ mịt nổi lên một bóng dáng đậm đà.

Bằng chống càng xe:

“Thầy không nói điều gì quá lòng thầy?”

“Tôi đang tự hỏi. Tôi có can đảm bóp cò súng không?”

“Thầy đã quyết định?”

“Những người lính đó với anh không thù oán, anh nên trở lại với bản tính của tháng năm trước, có điều gì làm anh hung bạo?”

“Có điều gì biến đổi tôi thành hung bạo?”. Đêm chung quanh như thắp sáng bởi ngàn cây đuốc, có tiếng reo hò chế nhạo, giọng cười ùn ùn như bão lớn, ba mươi năm sống, bao nhiêu ăn học, mối tình tuyệt vời cay đắng, tình yêu tinh thể quý giá của linh hồn… Còn gì nữa sau khi cơn bão đã thổi qua, cơn bão mặn đắng nước mắt và tanh nồng tủi hổ. Có gì lạ nữa trong Bằng ba mươi tuổi ngày ngày với viên phấn đứng trước mấy mươi tia nhìn soi mói và Quỳnh Như đôi mắt trống rỗng, xa vắng… “Đúng là hết”. Bằng cười nhỏ. Tiếng cười lớn dần, lớn dần.

“Này thầy, thầy có đủ bình tĩnh để bắn tôi không?”

“Anh nên giữ bình tĩnh để đừng phạm vào tội ác vô lý. Không có quyền lực nào bắt mình phải từ bỏ tâm linh sáng suốt của mình”.

“Đúng, thầy nói đúng, chẳng có quyền lực nào hết, chỉ có tâm tư bềnh bồng, chỉ có tim ta lao đao biến đổi. Nhưng thầy là người đi tu, thầy đâu biết được những ô trọc phiền hà của đời sống, cây đời thầy vững vàng tươi tốt, còn cành lá tôi mục nát khô héo, không ai đốn tôi ngã, ruột tôi nung nóng, vỏ tôi khô và chết lần. Chính tôi làm tôi chết, không phải, phải nói tôi chết dần từ phần bên trong chết ra, chết chắc chắn, chết đến như cổ bị nghẹt từ từ. Chết vì mang con trùng độc trong người, con trùng đời sống. Thầy đi tu, con trùng của thầy được ăn chay, nghe kinh kệ chuông mõ nên nó sống tịch mịch, đứng ngồi êm ả, riêng con trùng của tôi cựa quậy, trăn trở, cào cấu cắn xé không ngừng. Con trùng thầy hiền lành, dễ bảo, sống không đòi hỏi, không nhu cầu. Trái lại con trùng của tôi có nhiều dục vọng, nó được dạy dỗ nuôi nấng bởi thói xấu, những thói xấu đẹp đẽ thiết tha, nó ăn thức ăn khát vọng và uống rượu tình yêu, thứ rượu mạnh hừng hực, nhưng men rượu cũng có khi tàn, khi tỉnh cơn thì buồn lắm thầy biết không … Khi tỉnh rượu lúc tàn canh… Cụ Nguyễn Du tuyệt tác thật, cả hệ thống buồn chán đầy cứng cụ chỉ viết lại vừa hai câu thơ đúng mười bốn chữ, mười bốn chữ giản dị lăn lóc đây đó được cụ ghép lại thành một trường sầu hận… Nhưng tôi giải thích với thầy làm gì? Tôi mệt. Em… mệt. Quỳnh Như dùng chữ thật hay, đúng ra có sống qua giây phút đó mới biết cách diễn tả sâu sắc cô đọng như thế. Đúng, tôi mệt lắm, tôi không có lý luận quanh co nữa. Tôi sống giản dị như mọi người. Tôi ghen ghét, ước mơ, mê đắm một cách tủn mủn nhỏ nhặt. Tôi như vậy đó, thầy muốn gì ở tôi. Tôi đi tố cáo. Tôi ghét lính. Lính làm tôi xấu hổ. Tôi đứng trong lớp học làm điệu làm bộ, giả vờ nghiêm trang, đóng kịch trí thức phản chiến, ghét bạo động, thấy sáng tỏ được nỗi phi lý của đời sống nhưng tựu trung tôi là thằng trốn lính, tôi sợ đi Thủ Đức. Khổ lắm, thầy đâu biết thế nào là lối sống của lính. Thầy ở góc núi, ăn cơm nhạt, nhưng như thế đâu đã khổ, thầy có an vui tự tại, thầy có tự do, thầy được sung sướng … Đi lính, mang cây súng, đội nón sắt, đi hoài, cả đời sống được đặt trên đôi chân, đôi chân được một lớp da giày che phủ, xong cứ bước bừa tới trước. Chân mang thân, thân sụp xuống dưới gánh nặng của súng đạn ba lô và thế là đi… đi hoài, vì “đi lính” mà thầy … Trong nguyên nghĩa đã có động từ đi, thầy thấy không? Đi lính, thế là đo cho hết chiều dài, chiều rộng của quê hương, đo cho hết nỗi điêu linh, đo cho cùng thống khổ… Tôi không có ước vọng cao đẹp khốn nạn đó, tôi sợ nó. Tôi kinh khiếp đến nổi da gà, đến lạnh sống lưng, tôi không chịu nổi cảnh khổ thê lương của người lính, tôi sợ nên tôi trốn, sợ nên tôi ghét, sợ nên tôi nói láo. Với chính tôi, tôi biện luận bào chữa để được yên ổn. Nhưng khi nhìn thấy một người lính tác chiến trong bộ áo quần nhàu nát tạt qua thành phố, đám tang quạnh quẽ với quan tài phủ quốc kỳ run rẩy trên sàn xe GMC, người thương binh vừa ở bệnh viện ra, da trắng xanh vì mất máu, máu khô của hôm bị thương còn đọng ở chân tóc, ở vành móng tay … Họ đã mê thiếp kiệt lực trong cô quạnh tủi cực từ lúc ngã xuống ở chiến trường cho đến ngày xuất viện. Chắc chắn không có sự săn sóc nào nên trong vành đôi mắt còn lớp bùn khô của cuộc hành quân lần cuối. Thầy thấy người lính cụt chân chống nạng đứng chờ xe lam chưa. Đó, tôi hổ thẹn và sợ hãi với hình ảnh đó, tôi từ chối cái vinh quang nhức buốt thê thảm được làm lính… Và như thế, tôi dối được tôi thật lâu, nhưng bây giờ thì hết. Tôi căm thù sợ hãi người lính một cách công khai. Họ làm tôi tủi nhục và sợ hãi. Họ làm tôi tủi nhục và đau đớn, họ làm tôi hết dối trá với tôi được. Tôi ghen ghét, rủa nát và kinh sợ những người lính… nên, tôi nói là tôi làm, tôi đi tố cáo. Họ không cho tôi yên ổn nên tôi báo thù. Thầy nghe rõ chưa, tôi đi báo thù, thầy nghe chưa, tôi đi tố cáo… hai thằng lính Nhảy dù đó…”


*

Tháng Tư, năm một ngàn chín trăm sáu mươi tám, hai tháng sau biến cố Mậu Thân tại Sài Gòn trong một căn phòng hai giường của bệnh viện, Thuấn ngồi vắt vẻo trên giường dưới chân Minh nhìn qua giường Lạc, vài người sĩ quan khác ngồi đứng đối diện với hai người bệnh.

“Em trai xui rồi, tụi tao đánh như điên lòng vòng hết cả thành phố Huế không sao, đến lúc mày với ông Lạc tìm về được Tiểu đoàn thì ăn ngay một trái B.40, chắc phải xin thuyên chuyển mày về với Việt Cộng”. Thuấn nhìn nhìn chiếc giường khi nói, đầu gật gù.

“Ấy ông nhún thế mảnh B.40 trong người nó chạm vào nhau nghe lạo xạo kinh quá”. Lạc đứng lên chêm thêm câu pha trò, cả bọn khúc khích cười. Minh cố gắng nhếch mép để nói nhưng không nổi…

“Đau quá, đừng chọc tôi nữa, cười không được, cười đau bụng, bụng mới mổ lắc lư quá chịu không nổi”.

“Tụi tôi cũng muốn đến thăm hai Trung úy …” Một anh Thiếu úy nhỏ nhẹ nói… “Ấy mà hình như Trung úy có giấy lên Đại úy rồi”.

“Khi nào có thì gọi, gọi trước chỉ lúc vừa chết mới đúng, đằng này nó chưa chết được thì gấp gì”. Thuấn cắt ngang câu nói của viên sĩ quan.

“Dạ vâng, nhưng vì vừa về đến Sài Gòn Tiểu đoàn mình phải đi ngay về Hốc Môn, đến bữa nay chúng tôi mới rảnh nên đi theo Đại úy Thuấn và đến đây thăm hai Trung úy”.

“Xong rồi, nói vậy là đủ, bây giờ đến phiên tôi hỏi các ông mấy chuyện, vì lúc các ông về lại Tiểu đoàn thì tôi đang kẹt ở trong sân bay thành nội Huế, không gặp ông với ông Lạc được, tiếp theo là ông bị thương, ông Lạc ngã bệnh, đau gan đau phổi gì đó nó hành… Tiên sư lính Nhảy dù Tây để lại, vì sợ quá mà gan ruột teo vào nên phát ốm…”

“Ấy không phải, lúc ấy họa may có chó mới đi khai bệnh, tôi đâu có hèn như thế, nhưng quả tình tôi không kiểm soát nổi. Mười mấy năm lính tôi đâu có ngán thứ gì, cú rút lui khỏi Cao Bằng vừa đánh vừa chạy suốt mấy trăm cây số tôi còn chịu nỗi, rồi ở Điện Biên Phủ nội cái cứ điểm Béatrice mà phải đánh lui đánh tới mấy lần, tôi thuộc về 6 ème BPC, Tiểu đoàn trừ bị, sau khi cha Tiểu đoàn trưởng năn nỉ bộ chỉ huy mới cho lệnh đánh Béatrice. Chính Đại đội tôi là nỗ lực chính, tôi là Thượng sĩ làm Trung đội trưởng đi đầu. Tiên sư tôi đá đít Tây chạy có cờ… Nhưng cú ở Huế, kẹt có vợ con bên cạnh tôi lúng túng như bị cột hết tay chân và cứ có cảm giác đạn lúc nào cũng bay về phía mình, 105 của mình bắn cách chỗ trốn cả trăm thước mà tôi cứ nghĩ nó nổ bên cạnh… Suốt từ khi trốn ra khỏi khách sạn, ông Minh bảo gì tôi làm theo đó, tôi không tự chủ, quyết định một việc gì, khi về đến Tiểu đoàn là tôi sụm luôn, chẳng biết trong người có cái gì, nhưng tôi đứng không được, thở không nổi… Hình như sau những ngày quá căng thẳng, thần kinh tôi không co lại được về vị trí cũ, vì trước đó cứ nhắm mắt là tôi tưởng đến cảnh hai ông con bị đạn banh ngực chết, liên tiếp một tuần tôi không ngủ, người khô khan như nướng chín… Về đến Tiểu đoàn tôi ngã xuống không gượng nổi”.

“Được rồi, như vậy chuyện ông đã xong, còn ông Minh…”

“Tôi có gì?”

“Cây súng?”

“Cây súng nào?”

“Khẩu colt Trung Cộng. Ông bị thương thì ngất ngư liền, thằng lạc đà của ông nó đem qua gởi tôi, ông lấy được bao giờ? Vì tôi nhớ khi ông về đến Tiểu đoàn là 4 giờ chiều, 5 giờ ông bị thương ngay, gần hồ… hồ Tĩnh Tâm. Tĩnh Tâm là gì mà nổ như sấm… “Tĩnh Tâm, mặt hồ yên lặng, bùn non và hương sen, nụ hôn người con gái Huế. Thuấn chợt chùng lòng, tưởng như đang nhớ lại một quãng đời đã xa khuất từ lâu. “Tôi nhớ rồi, hồ Tĩnh Tâm, ông bị thương lúc ấy thì cây súng ở đâu ra?”

“Của ông thầy chùa!”

“Ông thầy nào?”

“Các ông nhớ cái chùa sau núi Ngự Bình dưới lăng ông Ngô Đình Cẩn?”

Những tiếng lao xao: “Nhớ… Nhớ…”

“Ông thầy chùa cho tôi”.

“Cho ông từ lúc Tiểu đoàn mình đóng ở đấy hả?”

Thuấn chăm chú hỏi.

“Không, sau này, lúc tôi và ông Lạc trốn ở nhà bà chị tôi. Ông ta đến một lần với cha anh rể, có nói chuyện với tôi và ông Lạc một chút, rất vui vẻ và dễ chịu, mặc dù trong đạn lửa chết chóc ông vẫn bình thản hòa nhã, khuyến khích tôi với ông Lạc sớm về đến Tiểu đoàn. Nhớ đến chuyện ngày đó tôi cứ ngượng đến chóng mặt, ai đời mình là lính lại được một ông thầy chùa khuyên bảo giữ bình tĩnh khi nghe 105 nổ. Phần ông Lạc thì hiểu được, vì chuyện vợ con nên ông ta tê liệt phản ứng, riêng tôi chẳng bị ràng buộc vào chuyện gì mà cũng cứng ngắc người vì lo sợ, hèn thật…”

“Rồi ông ta cho ông khẩu súng trong buổi nói chuyện đó?”

“Không, lúc ấy là buổi chiều, đến tối ông ta trở lại”.

“Sao lại buổi tối?”

“Tôi không rõ, chỉ biết khi ông ta và anh chàng lấy chị Như ra khỏi nhà lúc 5 giờ chiều, khoảng 8 giờ tối chúng tôi nghe tiếng gõ cửa. Cả nhà lạnh cứng vì sợ, ai cũng tưởng Việt Cộng đến bắt chúng tôi. Ông Lạc chạy quanh hai con như gà mắc đẻ, tôi lên đạn khẩu AK”.

“Khẩu AK nào nữa?”

“Chuyện ấy để sau kể, sau cùng là chị tôi đánh bạo ra mở, vì tiếng gõ cửa không hấp tấp đe dọa…”

“Rồi ông ấy nói với ông những gì?”

“Không, ông chỉ nói mấy câu nhỏ: Tôi đưa anh và vợ chồng anh Lạc qua khỏi hàng rào bố quân của lính bên kia, và ông đưa tôi cây súng để làm kỷ vật”.

“Ông không hỏi xuất xứ của cây súng?”

“Lúc đó nửa mừng nửa lo, tôi không để ý, ông ta đưa thì nhận. Bây giờ tôi cũng không rõ tại sao ông ta làm vậy, và cây súng ở đâu ra? Cây súng có gì lạ không?”

“Không, như những cây súng khác, nhưng hình như vừa bị bắn xong, kẹp đạn bị mất đi 3 viên, ông có bắn viên nào không?”

“Làm gì có thời giờ, tối đó trốn theo ông thầy, cả ngày sau ngồi đợi Tiểu đoàn, sáu giờ chiều bị thương, tôi chưa nhìn kỹ nó một lần”.

“Ông thấy ông thầy chùa có gì lạ không?”

“Làm sao thấy được gì, lo sống không nổi làm gì để ý đến người khác, nhưng tôi nhớ một điều: tối hôm đó ông ta có vẻ buồn nản dằn vặt kinh khiếp lắm, khác vẻ bình lặng trầm mặc của ngày thường…”

Khi bước xuống cầu thang bệnh viện, Thuấn nhớ hình ảnh người tu hành ngồi yên lặng nhìn khói thuốc bay lãng đãng trong nắng chiều vàng đục của một ngày cuối năm. Hình ảnh lặng lẽ bình yên này phút chốc như cơn giông lớn bùng lên ngùn ngụt che khuất một thoáng nhớ nhung mơ hồ về người con gái đã yêu Thuấn trong một chớp ngắn ngủi giữa nỗi triền miên dằng dặc của cuộc đời. Hình ảnh lặng lẽ bão bùng phảng phất nỗi đau đớn không nói được cùng người.

Bạt

Chỉ là câu chuyện giản dị của những người lính trong một thời gian dồn dập… Chuyện bình thường, phẳng phiu, không là bản anh hùng ca rực rỡ uy dũng, cũng không đậm nét bi thương làm đọng cứng linh hồn – Chỉ là phản ứng cấp thời của người lính cố tìm lối sống trong cái chết trùng điệp… Phản ứng cấp thời nên ngắn hạn và chóng vánh nhưng mang nỗi thụ động tội nghiệp, đến đỗi ngậm ngùi…

Mỗi chiến tranh khai sinh ra một lớp anh hùng, mỗi thời đại, biến cố cần thiết một loại người tổng hợp… Chiến tranh Việt Nam kéo quá dài, dài hơn biến cố khởi đầu, dài hơn ước tính chiến lược của những kẻ chủ tâm khởi xướng, chiến tranh Việt Nam dài bất tận, dài miên man được chuyển đi miệt mài trên lưng của hàng triệu con người, những người kinh sợ chiến tranh hơn bất cứ chủng tộc nào của nhân loại… Thế nên chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến không có anh hùng.

Cuộc chiến chúng ta không có những André, anh hùng trí thức của Chiến tranh và hòa bình, không có Robert Jordan, người chiến sĩ tự nguyện tìm chân lý đời sống qua nỗi chết của Hemingway, chúng ta cũng không có những người thấm mệt của Irwin Shaw… Đây là chiến tranh của người bình thường, người vì đã sống nên phải chiến đấu, người biết yêu đời, yêu người, người thương thân và tự nhiên phải dự phần vào chốn đao binh với linh hồn không chút bạo ngược. Nhưng những người lính đó đã chiến đấu đúng cỡ. Chiến đấu đúng “tiêu chuẩn” chiến trường. Hai mươi năm dài hay hơn nữa, người Việt Nam vẫn đứng vững được trước mọi sức tấn công vì cuộc sống đã đồng nghĩa cùng đời chiến đấu. Lẽ tất nhiên người lính đối phương, phía Cộng sản, lại là một chuyện khác.

Tuy tràn ngập với đời sống, thế nhưng người lính Việt Nam vẫn là hình ảnh lạ lùng với người… với chính bản thân. Yếu tính lính, tuy chỉ là yếu tố ngoại nhập nhưng không thể cưỡng chế, không ngăn chận nổi. Qua tấm áo, người lính là một sinh vật dị kỳ. Thế giới riêng rẽ dần được tạo dựng. Sinh vật lính tội nghiệp quay cuồng lổng chổng hỗn loạn vào cùng nhau trong khói súng, máu và sự chết… Bản chất con người muôn thuở vẫn còn đấy nhưng qua tháng năm dài tanh mùi máu, qua phút giây đằng đẵng dằng dặc khói bom, người lính biến dạng thành người lạ, biến dạng thành thiên thần, lắc mình thoát nên quỹ dữ… Bản năng được khai phá tận cùng, tội lỗi bốc đầy phủ phê. Lính-sống-cùng-đời-lính không kẽ hở, không phân ly… Yếu tính tạm thời trở thành căn bản, tưởng như gió thoảng ngoài xa nào ngờ bão tố dậy sấm trong lòng. Sinh vật lính vùng vẫy tung hoành trong lòng thế giới ầm vang cô quạnh riêng tư.

Đang sống trong đời không ai có thể biết hết cuộc đời. Chưa chết không thể hiểu về cái chết. Nhưng có những cuộc sống dựa vào nỗi chết, đặt căn bản trên nỗi chết. Chết không phải là biến dạng, nối tiếp cuộc sống... Nhưng chết ở bên cạnh, ở sau lưng, trước mặt, trùng trùng kín mít giăng giăng bao lấy sự sống… Sống và chết là trạng thái hỗn hợp không kẽ hở. Chết là một cách thế thường trực của sống. Trong “cuộc sống” quái dị kinh hoàng bình thường lặng lẽ đó, người lính Việt Nam đã sống như thế nào?... Quá nhiều dòng chữ đã nói về lối sống nọ. Nhưng chỉ nói được lúc người-lính-sống. Qua khỏi biên giới không xác định giữa khi quả đại bác ra khỏi nòng và tiếng nổ, qua khỏi lúc quả mìn nổ ở khinh binh đi đầu, khói bụi tung cao, âm thanh còn lồng lộn trong óc, mắt rực một màu đỏ mịt mù… Trí não giãn ra chớp nhoáng, lại vẫn còn nghe tiếng “tách” khô ngắn của kim hỏa đập vào khối nổ… Trong toàn thể âm – dương, tiếng động mịt mùng và im lặng lạnh lẽo. Người lính “nghe” được cùng một lúc: mình bị mìn… mình còn sống. Phút giây rùng rợn bi thảm độc địa đó là cuộc sống thường hằng của riêng mỗi người lính – Không ai có thể viết ra thành lời được. Không thể một ai viết được vì không ai có thể sống cùng.

Là một người lính nên có được hoàn cảnh qua chặng đường độc địa ghê gớm trên, cầm bút cố gắng biểu hiện qua dòng chữ nguồn gốc lối sống gây quá nhiều ngộ nhận. Và cũng là để biện hộ giải thích cho chính bản thân. Nơi địa chấn từ lâu đang âm ỉ…

Vấn đề vừa được đặt ra vấp ngay hố lớn ngỡ ngàng. Khi cầm bút chỉ còn là người viết-văn-bình-yên ghi lại biến cố mà dù hắn ta có dự phần trong giờ phút này cũng đã xa lìa mất hút. Viết có nghĩa không phải là viết riêng cho một cõi-trong-ta, viết ở tinh túy là nói-cùng-người về ta hay một người nào khác, một đời nào khác… Nhưng viết gì trong chiến tranh? Lại thêm điều khó nói. Nếu bảo rằng chỉ cần kể đến cảnh đời gian khổ và hành động can trường của đời lính thì quá giản lược. Gian khổ quả là một tính chất, nhưng không là tính chất độc nhất, chính yếu, càng không là không khí tổng quát của chiến tranh… Đói, khát, đau đớn, sợ hãi, gian nguy là những góc cạnh đa diện của đời binh lửa, người lính đắm chìm và miệt mài trong đó. Họ hãnh diện với cơ khổ tân toan của mỗi ngày chiến trận, dạ dày quen một ngày một bữa ăn – Gian khổ, trong khía cạnh tích cực là phẩm chất đẹp riêng tư của đời lính chiến – Không phải là yếu tố gây nên tan vỡ, tuyệt vọng. Vậy yếu tính cuộc chiến ở đâu? Lại phải tập trung, gạn lọc, định lượng dần với một nỗ lực lớn để khám phá ra những động tác, lời nói rất thường bề ngoài, bao phủ thêm bởi hệ thống sự kiện rất sôi nổi, bắt mắt, lôi cuốn… Đời sống vốn đã phức tạp và đa diện, đời binh đao lại thêm phần sôi nổi, đa đoan. Viết với sự ôm đồm quá mức, bản văn lần trở thành tập tài liệu ghi đủ các sự kiện, sự cảm xúc vắng bóng không tránh khỏi… Viết ôm đồm quá nhiều, đời lính quá vô cùng mang thêm vẻ ồn ào kệch cỡm đầy âm động bề mặt rất bình dân hạ dần xuống bọt bèo rẻ rúng…
Viết về cuộc chiến, ắt phải đề cập đến nhân vật chính – Người lính. Nói rõ thêm tính chất của nhân vật chính đó. Thời đại chinh chiến này chỉ có người lính, kẻ mang nghiệp nhà binh, vắng bóng toàn thể anh hùng, vắng và mất hẳn. Anh hùng chỉ là một phản ứng cấp thời – Phút giây ngắn mà kẻ “hào kiệt” bộc phát đó không bao giờ nghĩ đến và suy diễn thành hệ thống luận lý. Chiến tranh này là chiến tranh khoảng cách, khoảng cách từ hai khinh binh mỗi bên, khoảng cách từ nòng đại bác đến mục tiêu, khoảng cách từ phi cơ xuống đất… Khoảng cách đó co giãn tùy theo khả năng viễn xạ của vũ khí người lính sử dụng. Anh hùng không còn giữa khoảng trống thật rỗng này. Người lính sống, chết và làm anh hùng do một tình cờ không kiểm soát.

Viên đạn đi đến, xoáy một lỗ hổng đỏ tươi trên da thịt, người lính đứng tròng, da xanh xám, cúi xuống nhìn máu từ thân thể chảy ra từng dòng ngấm xuống đất, đọng thành vết nâu sẫm trên nên cát xám… Chết! Chữ khô nhỏ vang động trong một khoảng giây rất ngắn. Người lính “cảm” thấy nhanh như tia chớp toàn thể cuộc đời – Đau thương, hoan lạc, khốn khổ, u uất chen lẫn xô bồ hiển hiện trong một chớp mắt – Viết được hết cái “chớp mắt” này không? Chắc là không, không thể được, vì chỉ có người lính đó mới cảm nhận được một lần - Lần độc nhất - Giây phút thiên thu bí nhiệm bão bùng đó. Chỉ có mỗi anh ta qua lằn ranh của sống chết, anh ta đi một mình. Thế nên, viết được gì? Viết làm sao được “sát na” đau đớn linh diệu ấy… Và viết cho ai? Làm gì? Người lính đã chết…

Thấy hết vẻ tang thương vô ích của hàng chữ viết, nhưng trên tờ giấy ngòi bút vẫn chạy đều… Trong tuyệt vọng im lặng người viết vẫn muốn khai triển, muốn “nói” một điều gì canh cánh – Sự diễn tiến thành hình của đoàn thể hắn tích cực tham dự. Ngày 13.4.1949, lực lượng quân sự Quốc gia đầu tiên được thành hình – Vệ binh Quốc gia – Tập họp của Bảo chính Đoàn, Vệ binh Nam Việt, Vệ binh sơn cước… Những người lính bị cưỡng ép nằm ở trong tay một khẩu Mat 36 hoặc Mousqueton bắn từng viên một, nòng súng không đường khương tuyến và “Quốc gia”, danh hiệu mù mờ với ông vua được gọi là Quốc Trưởng nằm ngoài hệ thống thể chế lập pháp của toàn thế giới.

Năm 1951, lực lượng vệ binh dần được chính quy hóa không phải do nhu cầu căn bản của Quốc gia nhưng để làm mạnh lập luận “chống Cộng” của ông Tây De Lattre muốn ngụy trang bàn tay thực dân bởi máu đỏ của đám Phụ lực quân được đóng khung trong những “ổ” bê-tông bao bọc châu thổ sông Hồng… Xong rồi, tôi đã thuyết phục được anh vua ù lì để hắn ta chấp thuận “chính quy hóa” quân đội Annamite!! (Trích Lucien Bordart). Quân đội Quốc gia đã được đẻ non sau một cơn hiếp dâm tàn bạo, đẹp mặt hơn, nó lại được chỉ huy bởi một vị Tổng tham mưu trưởng lừng danh – Thiếu tướng Hinh. Gã Tây con local mang thực dân tính nhiều hơn bất cứ một anh Tây chính gốc, gã tay chơi lái tàu bay Spitfire, Junker, ý niệm quốc phòng không thoát khỏi buồng lái chiếc bà già Morane Saulnier và thành công cụ thể của võ nghiệp sau thời gian dài phục vụ cho nước mẹ – Một chị đầm bán cà phê ở Bắc Phi được mang về Việt Nam, chị đầm có bộ ngực lớn nhất Đông Dương!!

Được khai sinh trong hoàn cảnh ngất ngư, được nuôi dưỡng bởi bàn tay ghê tởm của những người chỉ huy mà ý niệm Quốc gia chỉ là tiếng nói phảng phất mơ hồ được đọc lên một cách kỳ lạ sau những cơn thử lửa với cường độ tiêu hủy hàng ngàn sức mạnh to lớn hơn… Năm 1954, chiến tranh tạm ngừng để nhận thấy rằng, bất kỳ dưới danh nghĩa nào, tổng số người chết mang chủng tộc Việt Nam của Quân đoàn Viễn chinh… Chiến dịch Castor hay trận Điện Biên Phủ hạ màn với 13.050 chết và bị thương có một phần ba quân nhân Việt Nam (theo B. Fall). Bắt buộc người ta phải chấp nhận sự có mặt của người lính Việt Nam – Những người lính chết trước khi được xác nhận vì Tổ quốc!! Và người lính “siêu vô danh” đó đã được tôi luyện đẽo gọt trong một thứ lửa ma quái dần dần biến thể không ý thức, không chỉ đạo, thành người lính Quân lực Việt Nam Cộng hòa… Quân lực đối đầu với cộng sản, đạo quân Thập tự không Thiên Chúa – Sự kiện đã xảy ra như một mầu nhiệm không giải thích được.

Thời gian từ năm 1955 đến 1960 chỉ vừa đủ để tập cho những cá nhân rời rạc, chiến đấu trong lòng đơn vị mới, chưa đủ lượng thời gian để tạo truyền thống, thói quen cho mỗi đơn vị. Chiến tranh lại trở nên tàn khốc và những đơn vị tân lập, những Tiểu đoàn Bộ binh, Biệt động quân chưa kịp sốt vỡ da, chưa đủ lượng huấn luyện, vội vã rời hậu cứ chìm dần trong cuộc chiến quái đản lạ lùng, tàn khốc, chiến tranh số một của chiến sử nhân loại. Thêm một lần nữa người lính Việt Nam chứng tỏ sức đề kháng ngấm ngầm tuyệt diệu.

Đại chiến mùa hè 72, nối tiếp cao điểm Mậu Thân dựng nên thành tích mới – Ba mặt trận chính, Quảng Trị, Kontum và An Lộc đều bị rơi vào bất ngờ chiến thuật và lúng túng chiến lược… Cộng sản đã chuẩn bị chiến trường quá độ tinh vi, chiếc xe tăng lãnh năm 1966, thực tập nổ máy, tập chạy, tập điều động, tu bổ từng đinh ốc, từng giọt nhớt… Một năm có bao nhiêu giờ nổ máy tại chỗ, bao nhiêu giờ di chuyển trên đường bằng phẳng, bao lâu trên đường núi, suốt sáu năm trời “tổ xe tăng” không chểnh mảng, không ngừng nghỉ ôn luyện, thực tập để tháng 2.1972 có mặt tại Đông Bắc An Lộc, nòng súng ở cao độ nhất định … Giờ G của chiếc xe tăng đã được sửa soạn từ sáu năm về trước. Ở Quảng Trị, Kontum, các yếu tố tác xạ của giàn 130 đã được tính sẵn, con đường chuyển quân bằng molotova đã dọn dẹp quang đãng… Giờ G của chiến trường mùa hè 72 là giọt nước cuối đầy chiếc ly chuẩn bị. Hội nghị Ba lê cũng đi đến bước chót, bản hiệp định ngưng bắn quái đản hàm hồ đã được tu chỉnh từng chữ một trong căn phòng mật đàm giữa Kissinger và Thọ… Không một chữ nhắc đến Quân đội Nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!! Sự chuẩn bị tinh vi đến độ độc địa chấm dứt – Trận chiến bắt đầu … Lại thêm một lần nữa như mùa xuân xưa, Tân Cảnh, Lộc Ninh, Đông Hà lần lượt bị giặc xâm chiếm, dãy cao độ phía Tây đường 14 do Nhảy dù chiếm lĩnh bị cả một Sư đoàn Cộng sản luận chiến dồn dập tấn công không ngắt quãng… Charlie, Delta những đỉnh núi chỉ do một trăm tay súng chiếm giữ, dần dần bị bóc hẳn dưới những đợt tấn công cấp Trung đoàn với pháo yểm vượt khỏi sức ước tính của những đầu óc nhiều tiên liệu. Và cao điểm cuối cùng ở miền cực Bắc quê hương, Đông Hà, Quảng Trị, hai thị trấn bốc lửa ngọn, tung lớp khói dày che khuất mặt trời hạ chí… Năm trăm chiếc tăng được pháo binh yểm trợ tiếp cận đồng theo hướng Bắc Nam ùa xuống như cơn nước lũ…

Và cũng như Mậu Thân, dựa lưng vào nỗi chết, người lính Việt Nam đã chiến đấu trong một trạng huống không ngờ – Chiến đấu đồng nghĩa như đang sống. Thiếu hẳn ưu thế kỹ thuật chiến trường, lòng trống vắng tinh thần của hệ thống chủ nghĩa, chỉ với quả tim người và lòng ham sống, tình cảm không được suy nghiệm, luận lý, giải thích một lần trong đời, người lính Việt Nam đã chiến đấu để bảo vệ con người và đời sống – Hành vi cao cả bình thường chưa bao giờ được ý niệm như là bổn phận!!

Tập thể xao xác của hai mươi năm trước nay như viên ngọc trong suốt đã chứng nghiệm giá trị qua trùng điệp bão lửa. Hai mươi năm, chặng đường dài cơ cực ngút ngàn, núi cao khổ đau chất ngất, thế nhưng sinh vật lính lặng lẽ đó dù chưa ý thức được phẩm chất cao quý của mình, dù bị bủa vây bởi muôn ngàn miệt thị và ngộ nhận – Không phải vì bát cơm, cũng không phải vì lá cờ – Đã chiến đấu và tồn tại như một thực thể tràn đầy bi tráng. Tĩnh từ này vẫn chưa đủ, phải gợi đến hình ảnh một thứ Thánh chịu nạn, gánh cơn đau yếu Tổ quốc để bước lên con đường gai lửa – Hình ảnh “thánh nhân” bình lặng này quá gần gũi với phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng – Hiệp sĩ mới của thời đại tan vỡ đang trên đường xây dựng lại con người…

1969–1973

- Hết -
Nguồn: Dá»±a lÆ°ng ná»—i chết. Truyện dài của Phan Nhật Nam. Bìa của Đằng Giao. Hiện Đại xuất bản lần thứ nhất 5.000 cuốn tại Sài Gòn, Việt Nam tháng 5.1973. Giấy phép số 1642 PTUDV/ KBCNT/KSALP ngày 24.5.1973. Tác giả giữ bản quyền. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.