© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
22.9.2007
Đinh Tuấn Minh
Về nội hàm của khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”
(Phản hồi ý kiến của La Thành)
 
Trước hết, xin cảm ơn La Thành đã làm sáng tỏ nguồn gốc cụm từ “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” hiện đang được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Về cơ bản tôi đồng ý với những thông tin mà La Thành đưa ra. Riêng về cụm từ "triết lý ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ của Việt Nam hiện nay", khi tôi viết, tôi không có hàm ý rằng triết lý đó có xuất xứ từ Việt Nam, do người Việt Nam nghĩ ra đầu tiên, mà chỉ muốn nói rằng, đó là triết lý mà chính phủ Việt Nam hiện nay đang theo đuổi. Ở đây, tôi sẽ cố gắng làm sáng tỏ hơn nữa ý này để tránh sự hiểu lầm có thể gây ra cho độc giả.

Không nghi ngờ gì, việc thay đổi một vài từ không làm cho khái niệm thay đổi nếu như nội hàm của nó vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc thay đổi từ ngữ thường xuyên được áp dụng để tranh thủ được sự ủng hộ của nhiều nhóm lợi ích liên quan. Khi đó, những cái tên khác nhau vẫn có những ý nghĩa nhất định, ít nhất là để phân biệt sự áp dụng một mô hình lý thuyết ở địa phương này với địa phương khác. Những cái tên khác nhau cho các chính sách mà La Thành đã đưa ra cho các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước đây là một ví dụ. Chúng đều là những cái tên thể hiện nỗ lực của các chính phủ trong việc đưa một số yếu tố thị trường vào nền kinh tế hòng có thể duy trì nền kinh tế hoạch định tập trung hiệu quả hơn: yếu tố thị trường chỉ là công cụ để phục vụ mục đích hoạch định tập trung.

Một ví dụ khác là việc chính phủ Tây Đức sau Thế chiến II dùng khái niệm “nền kinh tế thị trường xã hội” (Soziale Marktwirtschaft) để chỉ một nền kinh tế thị trường có tính xã hội. Đây là cái tên được Ludwig Erhard, Bộ trưởng Kinh tế và sau đó là Thủ tướng Tây Đức giai đoạn 1949 - 1966, đưa ra vì mục đích giành được sự chấp nhận rộng rãi của dân chúng cho kế hoạch cải cách kinh tế của mình. Dù không đồng ý với các nhà kinh tế Tây Đức về cái tên này do nó dễ gây ra hiểu lầm nhưng F. A. Hayek luôn khẳng định là nền kinh tế của Tây Đức trên thực tiễn được vận hành trong giai đoạn sau Thế chiến II là hợp với mô hình lý thuyết của ông [1] . Như vậy, bất kể gọi bằng cái tên gì cho các chính sách thực tiễn của mình, nếu tại một quốc gia, chính phủ có các hành động cam kết hướng đến một nền kinh tế thị trường thì quốc gia đó vẫn có thể xem là một quốc gia đang cố gắng vận hành dựa trên các triết lý của chủ nghĩa tự do cá nhân: vai trò của chính phủ là để phục vụ thị trường hoạt động hiệu quả hơn.

Việc chuyển đổi nền kinh tế của một quốc gia từ nền kinh tế hoạch định tập trung sang nền kinh tế thị trường luôn là vấn đề phức tạp. Xét về đại thể, nó gồm ba nhóm nội dung chính: (1) một nhóm các giải pháp tạo dựng hệ thống giá cả theo cơ chế thị trường (tự do giá cả và tự do trao đổi), (2) một nhóm các giải pháp để xây dựng hệ thống các thể chế để bảo vệ cơ chế thị trường (xây dựng hệ thống luật pháp dựa trên sở hữu tư nhân, giới hạn các hoạt động của chính phủ vào trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật, giải quyết các hành động phi pháp trong quá trình chuyển đổi như chiếm dụng tài sản công, buôn lậu, mafia v.v...), và (3) một nhóm các giải pháp để tổ chức lại cơ cấu nền kinh tế theo hướng thị trường (tự do kinh doanh, tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước, tự do hoá thương mại quốc tế và các loại thị truờng lao động và vốn) (xem Lavigne, 1999). Về mặt lý thuyết, các mô hình chuyển đổi có thể phân thành hai nhóm: phương án “Big Bang” và phương án “tiệm tiến” (gradualist). Các nhà kinh tế chính thống thường ủng hộ phương án đầu, trong khi các nhà kinh tế thể chế mới cũng như các nhà kinh tế thuộc trường phái kinh tế Áo, những người ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của F. A. Hayek, thường ủng hộ phương án sau. Trung Quốc và Việt Nam là những quốc gia đuợc xếp vào nhóm theo đuổi phương án tiệm tiến và đến thời điểm hiện tại được đánh giá là thành công. Ở đây, tôi chỉ xin nói qua về phương án tiệm tiến. Giải pháp của nhánh lý thuyết này nhấn mạnh đến việc tìm kiếm những yếu tố thị trường đang có trong nền kinh tế đó, thúc đẩy chúng và tìm cách mở rộng chúng sang các lĩnh vực khác. Hãy xem một đoạn trích sau đây trong một bài viết của Boettke (2001), một trong những kinh tế gia tiêu biểu hiện nay của trường phái kinh tế Áo về kinh tế chuyển đổi. Theo ông, một cuộc cải cách chuyển đổi nền kinh tế “bám vào hiện thực” (real-time reform) là:
  1. khởi đầu từ tình trạng hiện thời;
  2. làm bộc lộ các nguyên lý tổ chức [nền kinh tế] có trong thực tế của tình trạng hiện thời đó;
  3. thiết kế một tập các chính sách đổi mới mà nêu ra được các vấn đề khuyến khích [theo đuổi lợi ích cá nhân] và [tự do] thông tin có trong hệ thống thực tế đó; và
  4. đưa ra một tín hiệu rõ ràng, có chất lượng cao rằng các chính sách đổi mới là đáng tin cậy và cam kết xây dựng cấu trúc quản trị theo hệ thống mới, và, bằng việc làm như vậy, thu hẹp dần khoảng cách giữa hệ thống tổ chức [nền kinh tế] trên lý thuyết và trên thực tế trong chế độ mới. (tr. 229)
Nguyên văn:
  1. start from the existing status quo;
  2. unearth the de facto organizing principles of that status quo;
  3. design a set of reforms which address the incentive and informational problems associated with that de facto system; and
  4. send a clear, high quality signal that the proposed reforms are credible and commit the governance structure to the new system, and, in doing so, close the gap for the de jure and de facto organizing system in the new regime. (p. 229)
Quan sát nền kinh tế Việt Nam từ năm 1986 tới nay, đặc biệt là sau năm 2001, tôi cho rằng công cuộc chuyển đổi của nền kinh tế Việt Nam về cơ bản theo khá sát lý thuyết chuyển đổi theo mô hình tiệm tiến. Hiện tại, phe “ủng hộ thị trường” trong và ngoài chính phủ vẫn tiếp tục tìm kiếm yếu tố thị trường ở mọi nơi: tự do giá cả và thương mại, giảm độc quyền và sự can thiệp của nhà nước trong các ngành như điện, truyền thông, xuất bản, báo chí, bảo hiểm, ngân hàng, y tế, giáo dục, cho tới hoạt động của các hiệp hội, đoàn thể và cao nhất là đảng chính trị (cụ thể là Đảng Cộng sản). Nhiều người, trong đó có cả tôi, không hài lòng lắm về tốc độ chuyển đổi cũng như những thất thoát trong chuyển đổi (do tham nhũng). Theo ý kiến cá nhân của tôi, nếu như chúng ta chấp nhận rằng cách tiếp cận tiệm tiến này là giải pháp tránh gây xáo trộn nhất cho nền kinh tế và xã hội, thì vấn đề nhanh hay chậm trong việc chuyển đổi nền kinh tế của Việt Nam sang nền kinh tế thị trường hiện nay phụ thuộc vào vào khả năng nhận thức của các cá nhân trong xã hội về quyền lợi cá nhân của họ (các quyền lợi về vật chất liên quan đến tư hữu, quyền về thông tin bình đẳng và trung thực, quyền về tham gia quản lý xã hội) và vai trò của chính phủ trong nền kinh tế thị trường thực chất là gì. Và điều này đến lượt nó lại phụ thuộc vào khả năng của giới trí thức Việt Nam trong việc truyền đạt các hiểu biết về các nguyên lý của thị trường cũng như chủ nghĩa tự do cá nhân tới dân chúng như thế nào.

Như thế, xét về phương diện thực tiễn, sự chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua theo mô hình tiệm tiến hiển nhiên phải có những nét riêng vì nó bắt đầu từ những thực tế bên trong Việt Nam. Để tìm được sự đồng thuận của các phe phái trong chính phủ, việc gọi cả tập chính sách đổi mới bằng một cái tên riêng là có thể chấp nhận được (và đấy là cách mà các nhà chính trị ở mọi nơi đều làm). Tôi chỉ hy vọng rằng, về phương diện tu từ, như con nòng nọc đứt đuôi, cái tên “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” theo thời gian có thể ngắn dần thành “kinh tế thị trường định hướng xã hội”, rồi thành “kinh tế thị trường xã hội” và cuối cùng đơn giản là “kinh tế thị trường” để phản ánh đúng mong muốn của chính phủ Việt Nam hiện nay: được các quốc gia khác trên thế giới công nhận là “nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường”.


Một số tài liệu tham khảo

© 2007 talawas



[1]Xem Alan Ebenstein, 2007, Friedrich Hayek - Cuộc đời và Sự nghiệp, Nxb. Tri thức, Lê Anh Hùng dịch, tr. 470-5