Bọn Nhục Chi về sau rất là quan trọng vì chính họ đã khai hóa Chàm và Cao Miên, Nam Dương chớ không phải Ấn Độ như những quyển sử Tây tiền chiến đã viết sai.
Nhưng đó là chuyện sau, chuyện gần là chuyện Hiên Viên và dân Nhục Chi cổ cũng rất quan trọng.
Bọn ấy, ở lại đất cũ là Tây Vức, cũng tiến lên nhưng tiến theo lối khác, và thời điểm khác. Người Nhục Chi chịu ảnh hưởng Hy Lạp vì rồi đế quốc Hy Lạp bành trướng lên biên giới cực Tây của Nhục Chi sau đó, và Nhục Chi cực thịnh vào đời nhà Chu của Tàu, với 36 nước hùng cường.
Đó là những nước văn minh rất cao, nhưng cứ bị Tàu gọi là rợ, đại khái có:
Nước Lâu Lan (Lobnor)
Nước Xa Sư (Tourfan)
Nước Đại Uyển (Fergana)
Nước Khương Cư (Sodiane)
Nước Sa Xa (Yorkand)
Nước Quy Tư (Koutcha)
Nước Ô Tôn (?)
Nước Thiện Thiện (?)
Nước Vu Điền (Kachgar)
Nước Yên Kỳ (Qarachahr)
Còn đến 24 nước nữa, vì quá nhỏ, nên không thấy tên trong sử Tây Tàu gì hết.
Như đã nói, họ là người da trắng, theo văn minh Hy Lạp và nay ta tìm được sách vở của họ thì mới hay họ nói tiếng Ấn Âu, tức thuộc dòng với tiếng Bắc Phạn, cha đẻ ra nhiều ngôn ngữ Âu Châu ngày nay. Sử Tàu chép rằng đã cướp Trần Châu Kỳ của họ, một lá cờ đốt không cháy, tức họ đã biết chát Amiante dệt vào vải làm cờ tức đã văn minh cao lắm rồi.
Trong khi đó thì Hung Nô cũng tiến lên tới bàn du mục. Họ vừa tiến lên, muốn tràn vào đất Tàu thì nước Tàu đã văn minh và cường thịnh rồi, dưới đời Chu và nhứt là dưới đời Tần Thủy Hoàng. Không còn mong vào đất Trung Hoa được nữa, họ lấn Nhục Chi ở hướng Tây, diệt 36 nước kể trên, nhưng dân và văn minh của 36 nước đó cứ tồn tại.
Quý tộc Nhục Chi chạy mãi về cực Tây, đi ngược lại con đường di cư hồi thượng cổ, rồi cướp lấy các thuộc địa của Hy Lạp để tái lập quốc, tự xưng là Đại Nhục Chi.
Đại Nhục Chi lại xâm lăng Ấn Độ và Ba Tư và hùng cường vào bậc nhứt thuở ấy, sau khi bị Hung Nô rượt chạy trối chết.
(Dân Nhục Chi có một số phận ngoại hạng vì sau đó, họ trở nên vô cùng quan trọng tại Trung Á, họ làm môi giới giữa Trung Hoa, Ấn Độ, Ba Tư, Hy Lạp, v.v. về thương mại, văn hóa, và được để yên, hầu làm một nước trái độn. Văn minh Cận và Trung đông đã ảnh hưởng đến văn minh Trung Hoa qua trung gian của 36 nước này ngay từ đời nhà Hán. Người ta đã tìm thấy những chiếc gương đồng nhà Hán mà sau lưng được trang trí bằng những chữ T. Đó là chữ Tau (đọc là Tô) của dân tộc Lưỡng Hà, và về sau thì văn minh Ba Tư, Ấn Độ cũng đi qua nẻo này mà vào nước Tàu, mặc dầu 36 nước đó đã bị Hung Nô, rồi nhà Hán diệt đi.
Mãi cho tới đời Đường, Tam Tạng đi thỉnh kinh còn gặp những nơi phồn thịnh ở đó, bây giờ thì trắng vàng đã lẫn lộn rồi.
Thật ra thì nhà Hán diệt cấp
lãnh đạo Hung Nô của 36 nước Nhục Chi, chớ dân và văn minh Nhục Chi cứ còn nguyên vẹn cho tới thế kỷ XIX mà các nhà khảo cổ Đức, Nga, Pháp khám phá được họ, học tiếng của họ và thấy ngôn ngữ họ đồng tông với ngôn ngữ Ấn Âu.
Chính Đường Minh Hoàng đã mượn toàn bộ âm nhạc Tây Vức, tức âm nhạc của dân Nhục Chi.
Hiện nay thì nước Tàu làm chủ trọn phía Đông của Tây Vức mà Âu Châu gọi là Turkestan Oriental và biến vùng đó thành tỉnh Tân Cương của họ. Tỉnh đó chỉ còn giá trị quân sự, bởi đất đai đã bị sa mạc hóa hết cả rồi và hơn 90 phần trăm ốc đảo xanh tốt ngày xưa, nay đã bị cát xâm lăng.
*
Như vậy thì chủng Mông Gô Lích mà sử gia Nguyễn Phương nói đến, không giản dị chút nào. Chưa chi ta đã thấy hai chủng khác nhau.
Bắc Mông Gô Lích của Hung Nô chánh gốc và
Trung Mông Gô Lích của người Hoa Bắc mà người Tàu thì chưa vượt được sông Hoàng Hà.
Trung Mông Gô Lích, chủng của người Hoa Bắc, xương sọ khác hẳn chủng Bắc Mông Gô Lích của người Mông Cổ, khác đến 6 đơn vị mà khoa học chỉ đòi hỏi khác 2 đơn vị là tách ra làm một chủng khác rồi.
Về các yếu tố chủng tộc học khác, chủng Trung Mông Gô Lích của người Hoa Bắc cũng lạ lắm: họ cao lớn gần như Tây, nước da họ
không vàng hoặc trắng như nước da của người Hoa Nam, mà
ngâm ngâm đen. Tính tình của họ thì trầm lặng đến độ không ai chịu được vì họ không nói gì hết, còn người Hoa Nam thì nói quá nhiều lại ưa làm ồn. Người Hoa Bắc cũng không làm văn nghệ nhiều được như người Hoa Nam, nhưng lý trí thì vô địch và tính thực tế thì rất trắng trợn.
Chúng tôi xin đưa sơ ra vài con số về chỉ số sọ. Những con số này và bao nhiêu biểu đối chiếu trong sách này đều trích ở quyển
Etat actuel de la crânologie indochinoise của nhóm bác sĩ P. Huard, E. Saurin, Nguyễn Xuân Nguyên và Nguyễn Văn Đức, Hà Nội, 1938, tên sách tuy thế nhưng nhóm bác sĩ này có trích đăng chỉ số sọ của hầu hết các thứ dân Á Đông chớ không riêng gì của dân Đông Dương.
Đây là kết quả của công trình khảo cứu về chủng tộc học ở Á Đông làm đã xong từ lâu, nhưng sách thật là khó tìm, chúng tôi đã lục lạo nhiều năm mới chạp được tài liệu này.
Với những vị bất kể đến khoa chủng tộc học thì không cần phải nói gì thêm, nhưng vị nào thấy đó là chứng tích quan trọng bậc nhì, xin cứ tham khảo các bản chỉ số sọ mà chúng tôi sẽ trích cả ra trong sách này, để không còn hồ nghi gì nữa về nguồn gốc của các dân tộc, ít lắm là về mặt chủng tộc học. Sọ của ta là sọ Mông Cổ, sọ Tàu hay sọ Tây gì đều thấy được qua các biểu chỉ số sọ đó, mà không sử liệu nào khác có đủ thẩm quyền nói trái lại cả, kể cả máu cũng không đủ thẩm quyền vì khoa học phân biệt chủng tộc này với chủng tộc khác bằng tánh cách của sọ, chớ không phải bằng máu.
Tuy nhiên, máu Việt vẫn khác máu Hoa. Nếu máu giống thì còn châm chế, dung hòa được phần nào, đằng này cái yếu tố đồng chủng mong manh cũng lại khác. Thế thì còn gì sự đồng chủng giữa VIỆT và HOA?
*
Chỉ số sọ của dân Mông Cổ, tức của chủng Bắc Mông Gô Lích: 81,40 theo cuộc đo sọ của nhà bác học Nga Hrdlicka.
Nhưng lai với Tây Vức rồi, tạo ra chủng Trung Mông Gô Lích của người Hoa Bắc thì chỉ số sọ bị sụt xuống còn có 75,70.
Đó là chỉ số của những cái sọ mà nhà bác học Black đã đo tại thỉnh Cam Túc, con đường xâm nhập vào Trung Hoa của dân lai căng hai dòng máu Nhục Chi và Mông Cổ.
Và dưới đây là hai con số chỉ số sọ của người Hoa Bắc thật sự do hai nhà bác học khác nhau đã đo trong hai nhóm lớn của dân ở hai vùng tại Hoa Bắc.
Nhà bác học Koganei: 78,30
Nhà bác học Quatrefages: 75,97
(Chúng tôi bỏ ra một chỉ số sọ đặc biệt do nhà bác học Zaborovvski đo, chỉ số đó chỉ có 66,66, nhưng đó là một cái sọ độc nhứt của một người ăn xin chết đường tại Bắc Kinh, có lẽ là một kẻ có bệnh tật, không nói lên được cái gì).
Nhưng người Hoa Bắc lại có một nhóm nữa cho chỉ số sọ khác.
Nhà bác học Kogagei: 80,20
Nên nhớ là Hoa Bắc đã bị Mông Cổ xâm lăng về sau này và nhóm này là nhóm Mông Cổ xâm lăng biến thành người Trung Hoa, nên chỉ số sọ của họ mới tăng lên không còn là 75 hoặc 78.
Làm một con số trung bình, ta sẽ thấy chỉ số sọ của chủng Trung Mông Gô Lích là:
(75,70 + 78,30 + 75,97 + 80,20) / 4 = 77,54
Trong bài toán tìm chỉ số trung bình, chúng tôi đã tự ý bỏ chỉ số sọ của dân Sơn Đông ra, cũng như đã tự ý bỏ chỉ số sọ của người hành khất ở Bắc Kinh.
Người Sơn Đông vốn là rợ Đông Di, tức Việt tộc, biến thành Trung Hoa, vì cổ thư Trung Hoa tả rợ Đông Di xâm mình nhuộm răng đen, và sách
Nhỉ nhả cũng lại cho biết rằng họ là rợ Lạc bộ Trãi. Mặt khác giặc Huỳnh Cân đời Hán lại còn cho thấy rõ hơn rằng họ là người Việt. Người Tàu thường xưng họ là dân đội mũ để phân biệt họ với các dân tộc quanh họ. Thế mà giặc Huỳnh Cân ở Sơn Đông lại bịt khăn vằn. Nhà Hán, cách nhà Chu không quá lâu đời như ta thường có cảm tưởng sai lầm vì trào đại trung gian giữa hai nhà đó là đời Tần chỉ thọ được có mấy chục năm. Thế thì rợ Đông Di xâm mình và nhuộm răng đen đời Chu, đến đời Hán, vẫn chưa bị đồng hóa, vì họ còn bịt khăn.
Tại sao chúng tôi lại bỏ Sơn Đông ra? Nếu có hợp chủng ở toàn quốc thì rất cần để vào, vì cuộc hợp chủng đó thay đổi cả chỉ số sọ của một dân tộc và một con số trung bình gồm có Sơn Đông mới là một con số đúng.
Nhưng khi nó chỉ bị giới hạn trong tỉnh Sơn Đông không mà thôi thì nó lại làm sai con số trung bình của toàn Hoa Bắc gồm rất nhiều tỉnh: Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Tây, Thiểm Tây, Cam Túc, v.v.
Cũng xin tóm lược nghiên cứu của ông H. Maspéro về giặc Huỳnh Cân. Các ông Tây dầu sao, làm việc cũng cẩn thận hơn Tàu về mặt khảo chứng.
Theo tài liệu mà ông H. Maspéro tìm được thì bọn Huỳnh Cân không hề nổi loạn, không hề “làm giặc” bao giờ cả. Khi không, người Tàu cất binh đánh họ, cho rằng họ âm mưu nổi loạn, trá hình dưới tôn giáo.
Sự thật thì sự âm mưu nằm phía bên người Trung Hoa. Đó là cái cớ để tận diệt rợ Đông Di còn sống sót ở Sơn Đông vào đời Hán.
Và lạ lùng nhứt là rồi bọn Huỳnh Cân không chạy đi đâu mà lại chạy sang Thiểm Tây, rõ ràng là Lạc bộ Trãi chạy đến địa bàn Lạc bộ Chuy.
Lạc bộ Chuy đã bị Tần Mục Công tiêu diệt dưới đời vua Chu Thành Vương rồi, và họ đã di cư để thành người Miến Điện. Nhưng người Trung Hoa ở đó lại bị lây cái tôn giáo của Lạc bộ Chuy, nó cũng giống như tôn giáo của Lạc bộ Trãi.
Cũng nên biết rằng người ta tìm được trống đồng còn được dùng trong bộ lạc Keren (một tiểu chi Miến Điện). Thế nghĩa là trống đồng Lạc Việt đã có vào đời Chu Thành Vương. Bằng chứng là Tư Mã Thiên đã chép rằng khi Tần Mục Công tiêu diệt được Khuyển Nhung rồi thì vua Chu Thành Vương ban thưởng cho Tần Mục Công một cái trống bằng kim khí.
Nếu đó là trống của Tàu thì rất vô lý vì món quà đó quá xoàng không xứng với công lao to lớn của Tần Mục Công, nhưng nếu đó là trống của man di Khuyển Nhung hay của man di Kinh Cức thì đã khác rồi, vì đó là quà lạ, bởi Tàu không bao giờ có đúc trống bằng kim khí cả.
Thế nên Chavannes mới tự ý dịch ra hai tiếng
kim cổ của Tàu ra là “trống đồng”, một là vì trống đồng bằng sắt đánh không kêu, hai là vì Chavannes vốn biết rằng dân Lạc bộ Chuy có trống đồng.
Sự tự ý này có vẻ Á Đông, tức nói tắt cái biết của mình, nó trái với thói quen của Âu Châu là dịch trung thành nhưng Granet Legge, Chavannes là những người da trắng chìm ngập tới cổ trong tinh thần Á Đông, nói thật đích xác trong tinh thần Tàu, vì ba ông đó suốt đời chỉ đọc sách Tàu để nghiên cứu tỉ mỉ nền văn minh Tàu cổ đại, nên các ông bị tiêm nhiễm phần nào cái tinh thần nói ngầm cái biết của mình ra bằng lối đó.
(Giáo sư Kim Định viết Tần = Khuyển Nhung. Nhưng tại sao Tần lại tiêu diệt Khuyển Nhung?).
Chúng tôi đã có dịp chứng kiến những trận đánh giữa người Việt theo Pháp làm Bạt ti đăng và người Cao Miên theo Pháp làm Bạt ti dăng chỉ vì họ thấy Bạt ti dăng Cao Miên tàn sát dân ta. Đã là Việt gian rồi mà còn được như thế thì ông Việt gian Tần Mục Công không thể tiêu diệt đồng bào của ông. Không, Tần là người Tàu một trăm phần trăm.
Nhận xét và phụ chú
Chỉ số sọ cao hay thấp không hề là dấu hiệu của trí thông minh hay sự ngu đần. Chỉ số sọ của Hoa tộc thấp hơn chỉ số sọ của Việt tộc đến 9 đơn vị, như đã nói, nhưng họ lại tài giỏi hơn ta.
Chỉ số sọ của dân tỉnh Sơn Đông là 81,70 rất gần với chỉ số sọ Việt và do nhà bác học Shiro Kogoroff đo.
Chúng tôi đã nói là về chủng, đích thị là Mã Lai chủng, và họ Lê và Lạc, họ bỏ Hoa Bắc mà chạy đi hết, nhưng tại sao lại còn thứ người có chỉ số sọ Việt tại Sơn Đông ngày nay?
Đó là vì tỉnh Sơn Đông khác hẳn các tỉnh khác của Trung Hoa. Nó là một Cao nguyên, còn các tỉnh khác là đồng bằng. Rợ Đông Di rút lên Cao nguyên với ảo tưởng thoát được vào thời mà Hoa tộc rất sợ núi non.
Nhưng quanh Cao nguyên Sơn Đông là một vòng đai đồng bằng mỏng và Hoa tộc bao vây Đông Di tại đồng bằng mỏng ấy cho đến ngày kia Hoa chủng không còn sợ núi rừng nữa, tấn công lên thì rợ Đông Di đã bị vây khốn tứ phía rồi, không mong thoát được nữa, đành phải ở lại chịu đồng hóa.
(Và nên biết rằng, các nhà khảo tiền sử không có đào bới trên Cao nguyên Sơn Đông, nên không có lượm được sọ Lạc và vũ khí của Lạc trên đó).
Tóm lại, sau khi lai giống với Nhục Chi, chỉ số sọ Mông Cổ bị sụt mất sáu đơn vị. Nhưng sau đó Mông Cổ lại xâm lăng Tàu nhiều lượt và bị kẻ bại trận đồng hóa biến thành Tàu nên Hoa Bắc mới có một nhóm chỉ số sọ tăng lên 78 và 80, thay vì 75,50 như hồi mới lai với Nhục Chi.
Chúng tôi sẽ trở lại bọn Cửu Lê và nhứt là bọn Lạc để thấy rằng họ là Mã Lai.
Nhưng ta còn phải xét qua chủng Nam Mông Gô Lích là chủng của người Hoa Nam cái đã, vì Lê và Lạc này, mặc dầu di cư bằng đường biển, cũng có một số vượt sông Hoàng Hà tràn xuống, để tạo ra một chủng mới hoàn toàn là chủng Nam Mông Gô Lích ở Hoa Bắc, vì nó bị yếu tố Mã Lai Bách Việt, tức Lạc Hoa Nam chi phối đến gần 60 phần trăm.
Nó cũng khác hẳn ta vì ta không có nhận chịu một sự lai giống lớn lao như Bách Việt ở Hoa Nam.
Tài liệu tham khảo riêng cho chương này:
- Lê Văn Hảo - Hành trình vào dân tộc học, Sài Gòn
- C.J. Ball - Chinese and Sumerien, Oxford 1913
- H. Cordier - Origine des Chinois, Tungpao 1915
- Von Le coq - Exploration archéologique Aurousseau Turkestan, J.A. 1909
- Pelliot - Rapport sur la mission au Turkestan Chinois, J.A. 1909
- Salomon Reinach - Origines des Aryens, Paris 1892
- lA. Cranoy - Les Indo – Européens, Paris 1921
- Nguyễn Phương - Việt Nam thời khai sinh, Huế 1965
- Khổng Tử - Kinh Thư, Bản dịch của Le Couvreur, Paris 1950
- Khổng Tử - Kinh Thi, Bản dịch Granet, Paris 1925
- Specht - Études sur l’Asie centrale, d’après les histoiriens chinois, Paris 1930
- Chavannes - Mission archéologiques dans la Chine septentionale, Paris 1915
- R. Grousset - La Chine anciênn et médieva’e, G. Crès, Paris 1922
- R. Grousset - Les empires Mongols, G. Crès, Paris 1922
- M. Granet - Fêtes et chansons anciennes de la Chine, Paris 1929
- H. Maspéro - La Chine antque, Paris 1918
- M. Granet - La civilisation chinoise, Paris 1929
- Terrien de Lacoupérie - Western Origin of the Chinese civilization
-
Early history of the Chinese civilization, Oxford 1913
- Drs Huard, E. Saurin Nguyễn X. Nguyên, Nguyễn Văn Đức - Étal actuel de la Crâiologie Indochinoise, Hà Nội 1938
- J. Levi - Notes sur les Indo-Schyttes, Paris 1915
- E. Blane - Documént relatif à I’expansion de la civilisation greco bactriane Aurousseau delà des Pamirs et à son contact avec la civilisation chinoise dans l’antiquité, Paris 1995
- R. Grousset - Histore de la Chine, Paris 1947
- Ngô Thì Sĩ - Hoàng Lê nhứt thống chí, Khâm Dịch Việt sử thông giám cương mục, bản dịch Langlet Sài Gòn
- Nguyễn Bá Trác - Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu, Sài Gòn 1963
- Mathias Tchang - Synchronismes chinois, Changhai 1905
II. Chủng Nam Mông Gô Lích thành hình
Chủng
Trung Mông Gô Lích của người Hoa Bắc thành hình xâm nhập Trung Hoa, tiến lên nông nghiệp và tồn tại cho đến đời nhà Hạ thì một số biến cố lớn xảy ra.
Địa bàn của họ vào đời nhà Hạ đã nói rồi ở chương trước.
Nhưng ta nên rà lại cái địa bàn ấy kỹ lưỡng thêm một tí:
Để xem. Từ đời vua Nghiêm, ta thấy kinh đô của Tàu được di chuyển như sau:
Nghiêu: Bình Dương (Sơn Tây)
Thuấn: Bồ Bản (Sơn Tây)
Hạ: An Ấp (Sơn Tây)
Thương: Hào (Hà Nam)
Ân: Triều Ca (Hà Nam)
Tây Chu: Kiểu Kinh (Thiểm Tây)
Đông Chu: Lạc Dương (Hà Nam)
Tần: Hàm Dương (Thiểm Tây)
Hán: Tràng An (Thiểm Tây)
Hậu Hán: Lạc Dương (Hà Nam)
Tấn: Lạc Dương (Hà Nam)
Tùy: Tràng An (Thiểm Tây)
Đường: Tràng An (Thiểm Tây)
Những trào đại sau nhà Hạ không dính líu gì đến vấn đề của chúng ta cả, nhưng ta cần biết rõ kinh đô của các trào đại ấy để mà biết cái hướng di chuyển qua lịch sử.
Theo luật thì kinh đô của một nước càng văn minh thì càng thôi hiểm cứ trong rừng núi, và quả ta thấy kinh đô của Tàu càng năm càng đi theo cuộc sanh tụ đông đảo của dân chúng. Từ Bình Dương đến An Ấp toàn là đi xuống bờ sông Hoàng Hà (phần nằm ngang). Rồi thì Hào Kinh và Triều Ca thì cũng cứ đi xuống, xuống cho đến Lạc Dương thì tới bờ sông, tức núi rừng xuống đồng bằng phì nhiêu.
Nhưng trước khi xuống tới Lạc Dương ở bờ sông, họ rẽ vào Thiểm Tây, để đến Kiểu Kinh (Tây Chu).
Ta có thể tưởng tượng sự dời đổi của cuộc sanh tụ của dân chúng Trung Hoa như sau:
Họ xâm nhập bằng ngã Cam Túc, chọc thủng Thiểm Tây nhưng không sinh tụ ở đó được vì đó là đất của rợ Khuyển Nhung. Họ sinh tụ trước hơn hết ở Sơn Tây và dần dần sang Đông và xuống Nam, và đến đời Chu thì họ di chuyển sang hướng Tây, vì họ đã đủ sức mạnh lấn Khuyển Nhung ở vùng đó một cách có hiệu quả. Cuộc lấn đất Khuyển Nhung thật ra khởi sự từ đời vua Thuấn vì chính vua Thuấn đã sai tổ trào Chu làm cái công việc lấn đất ấy. Ông tổ này thành công, nên cho đến đời Thương thì ông ta xem núi Kỳ là đất chính của ông ta. Núi Kỳ là đầu con đường Trần Thương mà về sau Khổng Minh ở Ba Thục đánh ra.
Những cuộc quật thám cho thấy đồ gốm trước nhứt, là đồ đất nung đơn sơ, trang trí bằng răng lược, được định tuổi là vào đầu đời Hạ, năm 2000 T.K. tại Cam Túc. Tuy nhiên, nhà Hạ thì định đô ở Sơn Tây vào thời đó.
Kế đó là đồ gốm Ngưỡng Thiều ở Hà Nam. Đây là đồ đất nung đỏ màu gạch được định tuổi vào năm 1700 T.K. tức trung nhà Hạ.
Cuộc khai quật thứ ba, tìm được đồ gồm Cam Túc mới hơn được định tuổi là 1500 T.K. gọi là đồ gốm Pan Chan, được định tuổi là sơ điệp nhà Thương. Đồ gốm này giống đồ gốm ở Lỗ Na Ni, chứng tỏ dưới đời Thương đã có ảnh hưởng Tây phương, có lẽ qua hành lang Nhục Chi. Nhưng cạnh đồ gốm Lỗ Ma Ni có đồ gốm hoàn toàn không chịu ảnh hưởng Tây phương nào hết, tức Hoa tộc đã bắt đầu có dân tộc tính. Đó là đồ gốm Mã Trương ở Cam Túc.
Cả ba loại đồ gốm ấy đều ở Cam Túc, mà Hạ và Thương đều lại đóng đô nơi khác là Sơn Tây và Hà Nam.
Sơn Tây cũng không có đồ gốm.
Quyển
L’Art de la Chine của nhà xuất bản Larousse viết rằng: An Dương nơi đào được Kinh Đô Triều Ca của nhà Ân là ở Sơn Tây. Nhưng sách giáo khoa của Tàu lại vẽ dư đồ ghi rằng An Dương ở Bắc Hà Nam, cách sông Hoàng Hà hai trăm cây số. Có lẽ ông Tây đã lầm, chớ lẽ nào sách giáo khoa của ông Tàu lại lầm được. Ông Tây lầm hai tỉnh đó có biên giới chung, Nam Sơn Tây và Bắc Hà Nam dính lại, mà An Dương thì nằm gần sát ranh giới.
Tại sao không có đồ gốm ở Sơn Tây? Nên biết rằng nhà Hạ đóng đô ở Sơn Tây, nhưng người ta chưa tìm được Kinh Đô đó, nhưng văn minh nhà Hạ thì lan tràn khắp nơi, ở địa bàn đầu tiên là Cam Túc cũng có.
Văn minh nhà Thương cũng thế. Kinh đô sơ điệp của nhà Thương cũng lại tìm thấy ở Cam Túc thì không có gì lạ, vì người ta chưa tìm được Kinh đô Hào.
Với đồ gốm đen ở Long Sơn (Sơn Đông) thì kỹ thuật đất nung đã lên tới nghệ thuật, vì họ làm được thật mỏng, chỉ dày có ba li Tây. Nhưng không định tuổi được đồ gốm này một cách chắc chắn, chẳng biết rằng nó không chịu ảnh hưởng Tây phương và, có lẽ đó là đồ gốm Mạt Điệp Thương, do bọn Cơ Tử phát minh, bọn này là trung thần nhà Thương bị nhà Thương cầm tù, được Chu phóng thích rồi họ di cư sang phương Đông để khai hóa rợ Tam Hán ở Triều Tiên.
Nhưng họ không đi thẳng, mà ghé dọc đường, từng trạm một, và gieo rắc văn minh Thương dọc đường, văn minh này tiếp tục tiến lên mặc dầu Thương đã bị diệt.
Tây Chu ở Thiểm Tây không có gì đặc sắc vì đó là một trào đại trọng võ (nhà Chu bận diệt Khuyển Nhung để bành trướng biên cương ở đó) bằng chứng là đồ đồng của Chu sau Thương, nhưng lại kém hơn Thương nhiều bậc.
Hai trào đại Chu, Tần là hai trào đại nhà quê của kẻ xông pha tên đạn ở biên cương, oai hùng thì có nhưng bất kể nghệ thuật. Trong khi đó thì mạt điệp nhà Thương là trào đại sa đọa và duy mỹ.
Cái luật bất di bất dịch đó, ở chơn trời nào cũng có, buổi ban đầu của một trào đại rất oai hùng nhưng cũng rất quê mùa, còn mạt điệp thì tế nhị, xa xỉ, lãng mạn và sa đọa.
Nhưng Chu, Tần không có cái mạt điệp, ấy vì Chu bị chủ hầu lấn quyền vào mạt điệp không có tiền để mà xa xỉ, còn Tần thì trước sau có ba mươi năm, thì không có mạt điệp kịp.
A-phòng-cung danh tiếng của Tàu, chỉ bắt chước kiến trúc của các chư hầu nhưng phóng đại ra chứ không có gì đặc sắc cả.
Nói Chu không có là không có cái gì độc đáo của thời ấy, nhưng họ vẫn có đồ gốm để ăn uống chớ sao không, nhưng không mang đặc thù như đồ gốm Cam Túc và Sơn Đông. Không được xem là tiêu biểu cho cái gì hết, nên các nhà đào bới họ có thể đã gặp được đồ của Chu nhưng không có trình làng.
Nhưng rồi thì Đông Chu sẽ có, tại Hà Nam. Nhưng đồ gốm đen Hà Nam Chỉ là bắt chước đồ gốm đen Long Sơn (Sơn Đông) mà thôi.
Tóm lại trào Chu ban đầu bận diệt Khuyển Nhung, nhưng khi thiên đô về hướng Đông rồi thì suy luôn, trong khi đó thì ở phương Đông, Tề lại hưng thịnh lên.
Mà Tề hưng thịnh vì thừa hưởng nỗ lực của dân chúng, tác giả của đồ gốm Long Sơn đời Chu, chớ không phải chỉ nhờ tài của Quảng Di Ngô như sử đã chép.
Nhà Chu nỗ lực kinh hồn nhưng không diệt nổi Khuyển Nhung. Tổ nhà Chu được nhà Thương phong ở đất Kiểu để thực thi cái sứ mạng đó, nhưng vì nhờ trọng võ để mà chinh chiến nên Chu mới trở lại diệt Thương, kẻ đã phong mình, nhưng cứ thất bại với Khuyển Nhung (công trình đó về sau, lâu lắm, chư hầu Tần mới làm xong, và Tần là Tàu, kế nghiệp cho Chu để diệt Khuyển Nhung ở đó chớ không phải Tần là Khuyển Nhung, như giáo sư Kim Định đã viết).
Sử Tàu chép rằng khi Chu thiên đô về hướng Đông thì chư hầu Tần hộ tống, còn giáo sư Kim Định thì viết rằng Khuyển Nhung hộ tống và chính Tần là Khuyển Nhung. Ông viết như vậy sau khi ở hàng trên ông viết rằng vua nhà Tây Chu, thấy Khuyển Nhung mặt mày dữ tợn quá nên hoảng, mới thiên đô sang Đông. Ấy, đã hoảng thế mà sao còn mượn họ hộ tống, nghĩa là làm sao? Đã dám nhờ họ hộ tống thì cứ ở với họ, thiên đô làm gì?
Sử Tàu chép hữu lý hơn: Tây Chu đóng đô tại Kiển Kinh. Phía Tây
của Chu (cứ ở trong tỉnh Thiểm Tây) là Thân, có con gái gả cho vua Tây Chu, và Tần. Hai chư hầu đó đều là Tàu, và giữ trọng trách làm phên dậu cho Chu để ngăn Khuyển Nhung ở
Cực Tây nhà Chu.
Thân hầu nghe tin con gái mình bị vua Chu ngược đãi bèn nổi giận, xúi Khuyển Nhung vào đánh Chu. Nhưng đánh chiếm được Kiểu Kinh thì Khuyển Nhung không chịu lui quân, cứ chiếm giữ đô ấp. Dĩ nhiên là như vậy.
Thế nên rồi các chư hầu người Tàu phải liên kết với nhau để đánh đuổi thì Khuyển Nhung mới chịu về nước. Kẻ có công nhiều nhứt trong trận đó là chư hầu Tần, đương giữ tước Tử thì được nhảy lên tước Bá.
Xem đó thì Tần không có vẻ gì là Khuyển Nhung hết, và ta theo sử Tàu, thì xóa được sự mâu thuẫn là vua Chu, thấy mặt mày của Khuyển Nhung dữ tợn quá, hoảng sợ nên phải thiên đô, rồi lại nhờ Khuyển Nhung hộ tống để mà thiên đô!!!
Sử Tàu đã chắc đúng kể từ đời Tây Chu này thì không còn muốn nói gì thì nói nữa như về các trào Nghiêu Thuấn, ai là dân nào đều được biết chắc ít lắm cũng từ năm 841 T.K. Đó là điều chắc chắn được tất cả mọi người công nhận. Đó là năm mà hai ông đại thần Châu, Triệu giữ quyền nhiếp chính vì vua nhà Chu bôn đào sau một cuộc nổi loạn của dân chúng.
Sử thành văn từ đời đó còn đủ. Mà vào năm đó thì một người Tàu được phong ở đất Tần, đó là tổ của nhà Tần, thay cho Chu để hoàn thành sứ mạng mà Thương giao cho Chu, là diệt Khuyển Nhung.
Thế thì còn Khuyển Nhung nào mà trá hình làm Tần được?
Sử về trước đó rất là buồn cười, như Mạnh Tử bảo rằng vua Thuấn là rợ Đông Di. Giáo sư Kim Định bèn chụp lấy mà khen vua Nghiêu đáo để, vì ông ta là người Tàu mà dám truyền ngôi cho Việt là làm một cuộc cách mạng to lớn quá sức.
Nhưng Tư Mã Thiên đã đính chánh điều đó. Vua Thuấn là người Tàu bị xem là Đông Di vì thói quen thời đó là như thế. Hùng Dịch là người Tàu, thế mà được phong ở đất Nam Man Kinh Cức thì cứ bị người Tàu khác gọi là Nam Man khiến con cháu ông ta cũng mang mặc cảm Nam Man và có lần thốt lên lời than rằng ông ta là man di.
Cái thói quen cổ thời của Tàu cũng có lý do chớ chẳng phải không. Khi mà ta lên lập nghiệp ở Kontum lâu đời quá, ta hóa ra quê đi, và bị thiên hạ đồng hóa ta với người Sơ Đăng. Phương chi tổ vua Thuấn và tổ của Hùng Dịch quả đã có cưới con gái Đông Di và Nam Man làm vợ thì vua Thuấn và Hùng Địch là người lai, nhưng vẫn cứ là Tàu.
Tra từ điển
Từ Hải ta cũng thấy từ điển ấy cho biết rằng tổ tiên và con cháu của vua Thuấn đều được phong ở đất Đông Di, chỉ có thế thôi, chớ ông ta là người Tàu.
Nhưng đến thời Cộng Hòa Châu, Triệu (841 T.K.) thì sử đã thành văn, không nói tầm ruồng như trước được nữa, thành thử những gì xảy ra từ năm đó đến nay, phải theo sử chớ không thể diễn dịch và quy nạp mà thành sự.
Hậu Nghệ, kẻ đã tạm cướp ngôi vua nhà Hạ, cũng bị gọi là người rợ Đông Di, nhưng có bằng chứng hay không, hay y cũng cứ là rợ theo lối vua Thuấn và Hùng Dịch?
Trong một bức tượng chạm vào đá, đào được và đăng ảnh trong quyển
L’Art de la Chine. Hậu Nghệ được chạm hình mặc y phục Trung Hoa, nhứt là cây cung mà y cắm để bắn rụng chín cái mặt trời là cung Tàu. Cung Tàu khác hẳn với cung Việt là ở cái nơi mà người cầm cung, cây cung cong vào bên trong.
Hậu Nghệ lại đứng trên nóc nhà, mà đó là nóc nhà ngói mái thẳng theo kiểu Tàu đời xưa, chớ không có cong vớt lên như mái nhà của Mã Lai.
Người ta tự hỏi những Lý Tiến, Lý Cầm mà sử Tàu chép lại là người Giao Chỉ, có quả thật là người Việt hay không? Thói quen của Tàu là như thế đó, họ chỉ nguồn cội của một cá nhân bằng sinh quán. Sinh quán không hề chỉ chủng tộc, theo họ.
Vào năm 200 S.K. có người Việt được làm quan bên Tàu, thế sao, sau đó, người Việt tiến bộ hơn nhiều một trăm lần hơn, lại không được?
*
Địa bàn Hoa Bắc của Tàu là Hoàng Thổ (Loes) loại đất phì nhiêu vào bậc nhứt thế giới. Đất phì nhiêu là yếu tố giúp dân tiến lên nông nghiệp, lại là nguyên nhơn tăng dân số. Nhưng địa bàn lại không được bành trướng. Thế là có nạn nhân mãn.
Cũng nên nhắc đến cuộc kiểm tra dân số dưới trào Tiền Hán, thời vua Bình Đế năm 2 S.K. Cuộc kiểm tra này cho thấy dân Tàu rất thưa thớt, chỉ có lối 30 người trong một diện tích một cây số vuông.
Nhưng xin nhớ rằng lãnh thổ nước Tàu đời Hán đã mười lần to hơn lãnh thổ đời nhà Hạ nói ở trên kia.
Thêm vào đó loạn Chiến quốc đã giết chết hàng mấy mươi triệu người Trung Hoa (chỉ có một trận đánh mà binh Tần đã tàn sát bốn trăm ngàn tù binh) thì tới nhà Hán, dân số bị sụt ghê lắm.
Tại sao người Tàu không giải quyết nhân mãn đời Hạ bằng cách diệt các thứ man di còn lại ở Trung Hoa, chẳng hạn như Khuyển Nhung. Dân này cho tới đời Chu, vẫn tồn tại và chỉ bị Tần Mục Công tiêu diệt mà thôi, tức rất trễ.
Nếu diệt được “man di” thì nạn nhân mãn không có xảy ra bởi đất của Man di còn nhiều lắm và người Tàu có sanh đẻ đông đến đâu cũng không ở cho hết Hoa Bắc.
Họ không đủ sức diệt. Riêng ở Sơn Đông là một Cao nguyên thì họ vây Đông Di tứ phía, tại đồng bằng bao quanh Cao nguyên ấy, nhưng không xung phong lên đó được, vì người Tàu là một dân tộc rất sợ núi, mãi cho đến ngày nay, họ thiếu ăn, nhưng núi và Cao nguyên của họ cũng còn cứ bị bỏ không, không trồng trọt gì hết.
Những tỉnh khác, không là Cao nguyên như Sơn Đông, cũng chẳng được họ cướp hết vì con người có khuynh hướng tìm giải pháp dễ dãi, tức tìm đất di cư mà chủ đất hiền lành, hoặc quá thưa thớt, không quyết tử chống xâm nhập để giữ đất.
Nên nhớ Chu, Tần đều ở Thiểm Tây mà đánh ra, nhưng họ là người Tàu cướp đất của Khuyển Nhung lần hồi, ở nơi đó, chớ không phải là rợ, là dân thổ trước như giáo sư Kim Định đã nói.
Lúc Hiên Viên diệt Cửu Lê, giáo sư Kim Định chỉ phớt qua về Cửu Lê. Thế mà về sau đó thì giáo sư trình bày như là Cửu Lê có mặt ở khắp Hoa Bắc, nhà Hạ chia nước ra làm chín châu cũng do chín Lê, v.v.
Giáo sư đã hiểu:
Cửu Lê = Các bộ lạc
Tuy không nói là các bộ lạc của dân tộc nào, nhưng đọc
V.L.T.N. ta cứ tưởng đó là các bộ lạc Tàu chưa chịu cho Hiên Viên thống nhứt.
Mà như thế thì quan niệm rằng nhà Hạ chia nước thành 9 châu là vì con số 9 của các bộ lạc ấy, ăn khớp với lối hiểu sai lầm trên kia rằng Cửu Lê là
“các bộ lạc”.
Nhưng mà không phải thế. Con số 9 này chỉ dựa vào tình hình địa lý mà thôi, nếu tình hình địa lý mà thuận cho 12 vùng thì Tàu đã chia nước thành 12 châu, hoàn toàn không liên hệ gì đến Cửu Lê cả.
Khi nhà Hạ chia nước thành 9 châu thì trong đó có 7 châu rưỡi là hoàn toàn do Tàu làm chủ và định cư, chớ không còn rợ nào mà sống chung với họ được cả mà bảo rằng là do Cửu Lê mà ra.
Nhưng nếu quan niệm rằng Lê là lê thứ, tức dân chúng Trung Hoa, theo giáo sư đã hiểu thì ổn.
Chỉ phiền là sau đó, giáo sư suy luận mãi thế nào mà Cửu Lê lại hóa ra là Việt. Như vậy thì đúng đến một ngàn phần trăm, chỉ phiền là nó mâu thuẫn với lối hiểu sai của ban đầu, lối hiểu sai đó lại được dùng để chứng minh điều khác, và chỉ phiền là khi biến hóa Cửu Lê thành Việt thì Việt đã di cư khỏi nước Tàu nhiều trăm năm rồi, không còn đâu để cho Tàu dùng con số 9 mà chia nước thành 9 châu.
Biến cố xảy ra vào đầu đời Hạ mà người Tàu được xem là đã văn minh rồi.
Văn minh Trung Hoa ban đầu đi lên vào đời nhà Hạ đó với kỹ thuật đúc những món đồ to bằng đồng, và với kỹ thuật cất nhà ngói cho vua ở, chớ trước đó thì vua Nghiêu, vua Thuấn vẫn ở nhà tranh như thường dân, không phải vì hai ông đó “có đức lớn” như sử Tàu nói mà vì dân Trung Hoa chưa biết chế tạo ngói gạch, chưa thạo kỹ thuật làm gỗ rắc rối với những lỗ mộng, không thể xây cất lớn và nặng được.
Tuy nhiên, văn minh đó chưa có gì đáng kể vì vua nhà Hạ chỉ có một cái nhà ngói, dùng vào đủ thứ việc, thờ phượng, thiết trào, tiếp khách và ở với gia đình và thê thiếp.
Văn minh lên là hậu quả phần nào của sự gia tăng dân số, và lại là nguyên nhơn của xâm lăng, đành rằng xâm lăng là để giải quyết nạn nhân mãn, nhưng cũng vì y trước rằng mình văn minh phải đi trị bọn rợ mới được.
Nhưng người Trung Hoa hoàn toàn thất bại ở hướng Bắc và hướng Tây. Rợ Nhung ở hướng Tây, mà họ cũng gọi là Khuyển Nhung (Tây Thiểm Tây), rất dữ tợn, còn rợ Hung Nô, và Mông Cổ ở hướng Bắc lại còn dữ tợn hơn, Tây Vức ở sau lưng Khuyển Nhung, lại cũng đã văn minh cường thịnh rồi, không chạm tới Tây Vức được.
Họ thành công hơn ở hướng Đông, nhưng cho đến cuối đời Chu, họ vẫn cứ còn phải đánh nhau với rợ Đông Di ở đó.
Địa bàn của rợ Đông Di là lưu vực sông Bộc chạy thẳng ra tới biển Đông tức gồm Hà Nam, Hà Bắc và Sơn Đông ngày nay.
Nhưng người Tàu đã sai lầm, mà phân biệt Đông Di và Nam Man vì cứ theo lời họ tả thì Đông Di giống hệt Nam Man, cũng xâm mình và nhuộm răng đen, và ta sẽ thấy, ở một chương sau, rằng rợ Đông Di, đích thị là Việt.
Họ thành công ở hướng Đông, nhưng nạn nhân mãn vẫn chưa được giải quyết vì thật ra họ chỉ chiếm được có Tây Bắc Hà Nam còn Sơn Đông thì họ chỉ chiếm được có một vùng nhỏ mà đến đời nhà Chu cứ còn là một huyện nhỏ, đó là châu Duyện đời nhà Chu và huyện Bộc đời Hán.
Thành thử họ phải tìm con đường thoát thứ tư là phương Nam.
Thời kỳ dân lai căn xâm nhập đất Trung Hoa gọi là thời kỳ xâm lăng, nhưng từ đây thì cuộc xâm lăng để giải quyết nạn nhân mãn không được xem như là xâm lăng nữa, mà là bành trướng biên cương. Thế thì cũng cứ là xâm lăng, nhưng chỉ khác ở cái tên mà thôi.
Họ bành trướng ra khắp bốn phương trời quanh vùng đất mà họ chiếm được buổi đầu, và cái buổi đầu ấy dài đến hai ngàn năm chớ không phải là vài trăm năm. Những dân tộc ở bốn phương trời đó đều bị họ gọi là rợ (di) nhưng họ có cả bốn danh từ rợ khác nhau. Rợ phía Bắc tên là Bắc Địch, phía Đông tên là Đông Di, phía Tây tên là Tây Nhung, phía Nam tên là Nam Man. Địch, Di, Nhung và Man đều có nghĩa là rợ.
Tuy nhiên, việc dùng danh từ không cứng rắn lắm, vì đôi khi rợ Bắc cũng được gọi là Nhung, rợ Nam cũng được gọi là Di.
Nhưng ở phương Nam thì không có sử liệu nói đến một cuộc chiến tranh, trừ chiến tranh với nước Quỹ Phương dưới đời nhà Ân (tức nhà Thương) tức sau chiến dịch bành trướng biên cương của nhà Hạ lâu lắm.
Nước Quỹ Phương này, các sách Tàu khẳng định là tỉnh Quý Châu, nhưng không được chứng minh, nên ta để đó cái đã, chỉ biết rằng vào đời Hạ thì người Trung Hoa tiến xuống phương Nam ở trên nước Quỹ Phương rất xa.
Biến cố nói đến khi nãy, ở cái phương Nam này, mới đích thực là biến cố, một biến cố lớn lao nó biến hẳn chỉ số sọ và tính tình, tâm hồn của toàn thể chủng Trung Mông Gô Lích, biến cả dân tộc tính của họ nữa, chớ không riêng gì cái sọ.
Biến cố này là cuộc xâm lăng địa bàn thứ nhì của chủng Việt tại núi Kinh, thuộc tỉnh Hồ Bắc ngày nay, nơi mà về sau, nước Sở được dựng lên.
Sử Tàu, về những sự kiện xảy ra trước đời Chu thì lung tung và sai lạc rất nhiều.
Có hai câu sử quan trọng mà ta cần mượn khoa khảo cổ Âu châu để kiểm soát lại, không thôi, bao nhiêu sự kiện sau đó đều bị xáo trộn hết.
Câu thứ nhứt:
“Năm Quý Tỵ (2198 T.K.) vua Đại Vũ nhà Hạ hội chư hầu ở Cối Kê”.
Câu thứ nhì:
“Năm Quý Mão (2085 T.K. vua Thiếu Khang nhà Hạ phong cho con thứ là Võ Dư ở đất Việt”.
Theo khoa khảo cổ Âu châu thì vào hai năm đó, Hoa chủng chưa hề để chơn xuống vùng hữu ngạn sông Hoàng Hà thì vua Đại Vũ làm thế nào để hội chư hầu ở Cối Kê, về phía Nam sông Dương Tử, và vua Thiếu Khang làm gì có quyền phong cho con của ông ta một vùng đất do dân khác đang làm chủ mà ông ta chưa bao giờ chinh phục?
Có lẽ một vị trí cổ thời nào đó ở Hoa Bắc tên là Cối Kê mà nay mất dấu, rồi các sử gia đời sau gán ghép như vậy, như các sử gia đời Tống đã sửa văn của thiên
Nghiêu Điển thay địa danh Giao Chỉ vào chỗ Nam Giao, khiến ai cũng ngỡ ta và Tàu đã có liên lạc với nhau rồi vào thời Nghiêu Thuấn?
Có bằng chứng là ở bên Tàu có nhiều nơi trùng tên nhau. Thí dụ ở phía Bắc nước Ngô có nước Đào, nơi mà Phạm Lão nuôi cò và nổi danh là Đào Công. Trong nước Tần lại có một nước Đào. Ở nước Sở có đến ba nơi tên là Sinh đô (hay Dỉnh đô?).
Ở Hà Nam có một nơi tên là Kinh Ấp.
Ở Bắc Hồ Bắc có một nơi tên là Kinh Ấp và nơi đó, tức Kinh Ấp ở Bắc Hồ Bắc, chính là nơi mà dân Trung Hoa di cư tới vào đời Hạ, như đã nói trên kia.
Có hai nước Ba, một nước ở sát nước Thục, và một nước ở trong nước Sở.
Ở Thiểm Tây có đất Mân, đất tổ của nhà Chu, nhưng Phúc Kiến cũng mang tên là đất Mân.
Thế thì Cối Kê mà sử Tàu nói đến, không thế nào mà là Cối Kê của Câu Tiễn được. Nhưng Tàu cũng chỉ lầm lẫn địa danh chứ không phải là bịa càn đâu.
Chính độc giả lầm lẫn chớ không phải người viết sử. Người ta nói đến Cối Kê ở Hoa Bắc, tại mình hiểu đó là Cối kê ở Triết Giang vì cái Cối Kê thứ nhì đó vang danh nó ám ảnh mình.
Bằng chứng không thể có việc hội chư hầu tại Triết Giang lộ rõ ra trong những ngày chuẩn bị dời đô từ Tây sang Đông của nhà Chu.
Vua nhà Chu hỏi các lão thần: “Tại sao vua đóng đô ở Kiểu Kinh mà các Tiên đế còn xây cất thành Lạc Dương làm gì?”
Một lão thần đáp: “Kiểu Kinh xưa kia là cái rún nước. Nhưng dân càng năm càng đi sanh cơ lập nghiệp xa về phương Đông mà dân thì có chư hầu trông coi. Hóa ra chư hầu xa, về chầu vua khó nhọc lắm. Vì thế mà các Tiên đế mới xây cất thành Lạc Dương, để vua tiếp chư hầu tại đó, vì ngày nay khác ngày xưa, Lạc Dương mới đích thực là ở giữa nước”.
Đó là chuyện đời Đông Chu, tức sau chuyện nhà Hạ đến 1400 năm, thế mà họ còn cho là Kiểu Kinh. Thiểm Tây quá xa chư hầu thì không làm sao mà dưới đời Hạ, vua lại hội chư hầu ở Cối Kê (Triết Giang) được, làm như thế thì chính nhà vua lại phải nhọc, bằng như nhà vua đó bảnh, không sợ nhọc, thì các chư hầu phương Tây và phương Bắc lại không thể tới nơi.
Giữa đời Chu, Lạc Dương là rún nước trên thực tế, còn dưới đời nhà Hạ, nơi nào là rún nước? Dĩ nhiên là An Ấp ở Sơn Tây, nơi nhà Hạ đóng đô thì Cối Kê ấy phải nằm đâu lối đó.
*
Điểm xuất phát di cư là ngã ba sông Hoàng Hà và sông Vị theo sử gia René Grousset. Nhưng R.G. không có dẫn chứng. Mà chính vì không dẫn chứng nên ta mới tin được.
Người Âu Châu viết sử xem sự dẫn chứng là quan trọng vào bậc nhứt. Nhưng họ có lề lối. Nếu câu sử nào cũng dẫn chứng thì 10 trang hóa ra 100 trang, 400 trang thành 4000 trang. Thế nên họ chỉ dẫn chứng về những điều mới lạ mà họ nói ra lần đầu thôi, còn những gì được nhiều tài liệu củng cố từ lâu và được tất cả mọi người đều công nhận thì họ xem là sự hiển nhiên không cần dẫn chứng nữa.
Sự dẫn chứng đó có ba lối. Dẫn chứng ngay trong câu sử đó, dẫn chứng sau một chương và dẫn chứng sau sách, tùy câu sử mới lạ nhiều hay ít.
Thí dụ ở chương Mã Lai chủng, chúng tôi nói ngay trong câu sử đầu, tài liệu nào cho ta biết dân Việt thuộc chủng Mã Lai và họ từ đâu đến vào thời nào vì đó là một khám phá làm kinh ngạc cả những nhà bác học nữa thì phải nói ngay ra tức thì còn thì các sách tham khảo về những cái khác chỉ được ghi ở sau một chương sách mà thôi.
Vậy câu sử đó của R.G phải được xem là sự thật hiển nhiên chính vì không có dẫn chứng, nghĩa là R.G. đã có tài liệu, tài liệu đó đều được mọi người biết và công nhận.
An Ấp, kinh đô của nhà Hạ, chỉ nằm cách đó có hơn một trăm cây số. Bằng vào cái luật này là kinh đô của dân văn minh nằm giữa nơi sinh tụ đông đảo, chớ không phải hiềm cứ ở núi rừng, thì nạn nhân mãn phải xảy ra ở vùng đó.
Lẽ thứ nhì là Hoa tộc còn kém thủy vận mà con sông Hoàng Hà thì quá to, quá dữ, họ không vượt Hoàng Hà được ngoài hướng đông. Ở đây sông tương đối hẹp hơn ở ngoài bờ biển.
Đó là ba biên giới của ba tỉnh Sơn Tây, Thiểm Tây và Hà Nam ngày nay.
Thế nghĩa là cái phần Bắc Hà Nam ở trên sông Hoàng Hà, nơi Hiên Viên đánh Xy Vưu đã được Hoa tộc làm chủ, còn phần hữu ngạn, ở dưới, Hoa tộc chưa xuống tới trước ngày di cư.
Và đó là một bằng chứng nữa là vua nhà Hạ không thể hội chư hầu ở Cối Kê (Cối Kê của Câu Tiễn). Nếu có việc hội chư hầu ở Cối Kê thì cái Cối Kê đó chỉ có thể là địa danh ở Hoa Bắc, nhưng nay đã mất dấu rồi.
Nhưng vượt Hoàng Hà rồi thì chưa vào Kinh Cức ngay đâu, vì còn phải đi qua lối 50 cây số nữa mà nay thuộc đất của tỉnh Thiểm Tây. Đã bảo tỉnh Thiểm Tây nay, xưa là nước của rợ Khuyển Nhung. Nhưng rợ đó không phải có mặt ở khắp nơi và chỗ ấy, chỗ 50 cây số phải đi qua, có thể là đất bỏ không, nên sử Tàu không hề nói đến việc đánh nhau với cái dân dữ tợn là dân Khuyển Nhung.
Vậy vùng đất 50 cây số ấy có lẽ quá xấu nên Khuyển Nhung không định cư, bằng chứng là Tàu cũng không thèm dừng chơn lại, mà đi xa hơn, về hướng Đông Nam, về cái nơi mà ngày nay là tỉnh Hồ Bắc, mà họ đặt tên là Kinh Cức.
Kinh là tên một quả núi ở đó, còn Cức là một thứ cây hoang dại có nhiều gai. Nhưng Kinh Cức lại có nghĩa bóng là nơi khốn đốn.
Đó là một thứ Đắc Tô, Đắc Suốt, Tu Ma Rong ở Cao nguyên mà công chức Việt bị thuyên chuyển lên đó thì kêu trời như bọng, vì là đất khốn đốn, quanh họ chỉ có núi rừng và người Thượng, còn sa mù thì tới 12 giờ trưa mới tan, gió và khí trời lạnh như cắt da.
Nhưng đối với người Tàu thì ngược lại, gió và khí trời ở Kinh Cức lại nóng như thiêu đốt vì họ đã qua vĩ tuyến khác rồi, họ từ vĩ tuyến 35 xuống vĩ tuyến 30.
Núi Kinh không phải là núi lớn nhứt của Hồ Bắc, cũng không nằm giữa tỉnh Hồ Bắc. Tóm lại không có gì đặc sắc hay tiện lợi hay khốn đốn hơn nơi khác, nhưng không hiểu sao bọn di cư lại đi tới đó, lấy nơi đó làm chủ lực và đặt tên cho cả một kinh, châu Kinh. Đó là một bí mật tưởng không bao giờ ai khám phá ra được.
Lần đầu tiên trong lịch sử của họ mà người Tàu sang từ tả ngạn Hoàng Hà sang hữu ngạn Hoàng Hà, tức từ phía trên Hoàng Hà xuống phía dưới Hoàng Hà.
Sự kiện này không mâu thuẫn với cuộc phát kiến đồ gốm đen loại Long Sơn (Sơn Đông) ở thành Tư Nhai, tại cái hữu ngạn đó vì như đã nói, không ai định tuổi chính xác được loại đồ gốm ấy và có thể đó là đồ gốm nhà Thương mà Hoa tộc đã vượt Hoàng Hà đông đảo rồi. Bọn di cư nhà Hạ từ điểm xuất phát di cư đến đời Thương, đưa đồ gốm đen từ hướng Đông, ở dưới sông Hoàng Hà, đến thành Tư Nhai.
Điều chắc chắn là đến đầu đời Hạ này, Hoa tộc mới xuống phía dưới sông Hoàng Hà và các nhà khảo cổ nên dựa vào điểm chắc chắn ấy để định tuổi đồ gốm đen thành Tư Nhai, đồng loại với đồ gốm đen Long Sơn (Sơn Đông).
Hình như họ đã biết sự thật rồi vì họ cứ gọi đó là đồ gốm Long Sơn, tức Long Sơn là trung tâm quan trọng, còn hữu ngạn Hoàng Hà có quá ít đồ vật loại đó, bởi dân di cư lưa thưa, nên họ chỉ nói qua vậy thôi về đồ gốm đen Thành Tư Nhai ở dưới sông Hoàng Hà.