© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
1.10.2007
Nguyễn Đình Đăng
Trả lời phỏng vấn của một báo điện tử trong nước
Nguyễn Thu Trang thực hiện
 
Mục Spectrum tại talawas ngày 29/9/2007 có đường link “Về một bài phỏng vấn không đăng toàn bộ” tới bài của GS Bùi Trọng Liễu, trong đó GS Liễu than phiền một tờ báo trong nước đã cắt bài trả lời phỏng vấn của ông, chỉ đăng một phần câu trả lời cho 1 trong 6 câu hỏi phỏng vấn.

Không phải chỉ riêng GS Liễu mới có những bức xúc này. Bản thân tôi cũng đã vài lần có những kinh nghiệm tương tự khi làm việc với báo chí trong nước. Thông thường phóng viên gửi email đề nghị viết bài, trả lời phỏng vấn v.v. Sau khi tác giả và phóng viên đã bỏ công sức và thời gian ra để viết bài hoặc trả lời phỏng vấn, sửa bản proof, v.v. thì đánh đùng một cái bài đăng lên là bài đã được “cắt gọt” tứ phía để lại đầy bức xúc cho tác giả hoặc người trả lời phỏng vấn. Khi đương sự than phiền thì chỉ nhận được hoặc là im lặng từ phía ban biên tập hoặc may lắm là lời xin lỗi của chính phóng viên - người thực ra không có lỗi, như GS Liễu đã nhận xét. Chưa bao giờ tôi có hân hạnh được nghe một câu xin lỗi từ tổng biên tập vì đã cắt xén bài viết của tôi một cách tùy tiện, và không hề có sự đồng ý của tôi.

Cách đây hơn một tuần, tôi nhận được email của bà Nguyễn Thu Trang - phóng viên của một báo điện tử trong nước - đề nghị trả lời phỏng vấn. Rút kinh nghiệm những lần cộng tác với báo chí trong nước trước đây, tôi đã yêu cầu rằng, trước khi đăng, bài phải được sự đồng ý của cả hai bên. Sau khi ban biên tập chấp nhận đề nghị của tôi, tôi đã trả lời các câu hỏi phỏng vấn khá kỹ lưỡng rồi gửi bản trả lời về Hà Nội. Sau một tuần tôi mới nhận được bản sửa. Đọc bản “đã được cắt gọt”, tôi buộc phải nói với phóng viên rằng tôi không thể chấp nhận để đăng trả lời phỏng vấn của tôi dưới dạng bị cắt xén như vậy.

Tôi muốn nhân dịp này giới thiệu với độc giả talawas lần đầu tiên nguyên văn của toàn bộ bài trả lời phỏng vấn nói trên.

Tokyo 29.9.2007
Nguyễn Đình Đăng
1. Nhiều ý kiến cho rằng tranh của ông là “sự gặp gỡ giữa hai nền văn hoá Đông– Tây”, ông có đồng tình với nhận định này?

Tôi cho đó là một lời khen. Tôi có may mắn là từ nhỏ đã được tiếp thu một nền giáo dục mang đậm ảnh hưởng của văn chương, lịch sử, âm nhạc phương Tây từ bố mẹ mình. Vì thế văn hóa phương Tây đã thấm vào tôi từ trước khi tôi sang châu Âu. Nhưng tôi lại là người Việt Nam, từng ăn rau muống luộc với cà pháo muối, cơm độn 60% bột mì, và đã có lần suýt chết vì bom của Mỹ. Tôi từng học vẽ một cách tự nhiên, sáng tác một cách tự nhiên, không bị gò ép hay áp đặt bởi bất cứ chương trình, quan điểm hay đường lối nào, ngoài ý thích của chính tôi. Vì thế sự kết hợp giữa Đông và Tây trong tranh của tôi cũng đến một cách tự nhiên. Dần dần tôi thấy có lẽ đó là điểm mạnh trong tranh của tôi. Tôi tin rằng một tác phẩm có giá trị cao, bất kể đó là hội họa, văn chương, hay âm nhạc, phải đạt được tính toàn cầu, tức là phải chứa đựng những giá trị chung của toàn nhân loại.


2. Cuối tháng 10, ông sẽ tổ chức một cuộc triển lãm mang tên “East & West in Me” (tôi tạm dịch “Văn hoá Đông – Tây trong tôi”), ông có thể cho biết vì sao ông đặt tên triển lãm như vậy?

Tôi cho rằng dịch là “Đông và Tây trong tôi” thì sát nghĩa và đúng với ý của tôi hơn. Các bức tranh của tôi là kết quả của một quá trình trưởng thành và sống mà tôi đã trải qua trong vài xã hội khác nhau với nền văn hóa mang nặng màu sắc của phương Đông (như Việt Nam, Nhật Bản) hay phương Tây (như châu Âu hay Hoa Kỳ). Riêng nói về xã hội ở Nhật và các họa sĩ Nhật thì ảnh hưởng của phương Tây ở đây rất mạnh. Thành phố Tokyo là thành phố hiện đại vào bậc nhất thế giới về kiến trúc, giao thông, hàng hóa, công nghệ, tiện nghi và các dịch vụ tân kỳ mà người Nhật du nhập từ phương Tây. Các họa sĩ Nhật không bị bất cứ hạn chế nào khi du nhập các trường phái nghệ thuật phương Tây. Điều 21 trong Hiến pháp năm 1946 của Nhật Bản bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do biểu hiện, tự do thông tin, tự do hội họp, và bí mật thư tín đối với bất kỳ ai sống trong xã hội Nhật. Tuy nhiên nước Nhật không vì thế mà “đánh mất mình”. Trái lại, làm như vậy người Nhật đã tạo ra một bản sắc của một nước Nhật hiện đại mà chỉ riêng họ mới có. Quay lại triển lãm của mình, tôi muốn nói “Đông và Tây trong tôi” chính là phong cách của tôi vậy.


3. Trong cuộc triển lãm này có tác phẩm “Lối thoát” (vừa được trao giải thưởng của Quỹ Mỹ thuật Sompo Nhật Bản hồi tháng 9). Báo chí trong nước lý giải bức tranh này muốn nói tới cuộc sống người phụ nữ Nhật trước và sau khi kết hôn. Ông có thể cho biết thêm chi tiết về tác phẩm này?

Nguyễn Đình Đăng, “Lối ra”, 2007, sơn dầu , 162 x 194 cm


Bức tranh đó có tên tiếng Anh là “The Exit”, tiếng Nhật là “Deguchi” (出口). Đó là lối ra ở trong bến tàu điện ngầm (hay bất cứ tòa nhà nào) ở Nhật. Trong tranh có vẽ một lối ra của ga tàu điện ngầm nơi tôi sống ở Nhật. Vì thế dịch là “Lối ra” thì đúng hơn là “Lối thoát”. Lối ra này cũng đồng thời là lối vào, phụ thuộc vào hướng đi.

Người phụ nữ trẻ trong tranh là một nghệ sĩ piano Nhật. Cô mặc váy áo biểu diễn và ngồi trên một cái lá sen. Câu ca dao Việt Nam “Trong đầm gì đẹp bằng sen…” có thể rất phù hợp trong trường hợp này chăng? Tuy nhiên tôi lại bị ám ảnh bởi những câu thơ khác, cho dù có thể được bắt nguồn từ câu ca dao trên, nhưng, theo tôi, lại rất độc đáo và sâu xa. Đó là những câu trong một bài thơ của Nguyễn Bảo Sinh:

Khi mê bùn chỉ là bùn,
Ngộ rồi mới biết trong Bùn có Sen.

Ở lớp thứ hai là một cô dâu Nhật mặc áo cưới truyền thống - tiếng Nhật gọi là “shiromuku”. Đi lấy chồng là “bước ra” hoặc “bước vào” một cuộc đời mới, thậm chí một thế giới mới với bổn phận của người vợ, người mẹ. Tuy giới trẻ hiện nay ở Nhật đã thay đổi rất nhiều, theo truyền thống vẫn còn khá nhiều phụ nữ sau khi lấy chồng thường không đi làm nữa, mà ở nhà chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái và đi… mua sắm. Phải chăng vì thế mà trẻ con Nhật nói chung rất ngoan và không văng tục? Khi tôi hỏi người mẫu là sau khi cưới cô có còn tiếp tục dạy piano nữa không, thì cô nắm bàn tay lại thành quả đấm và nói quả quyết: “Nhất định vẫn tiếp tục!” Tôi không rõ quyết tâm của cô gái trạc tuổi cháu gái của tôi có thắng nổi truyền thống xã hội và gánh nặng gia đình sau này không.

Cái khó nhất đối với tôi, trong lối vẽ của mình, là ý tưởng mỹ thuật ban đầu (artistic idea). Tôi muốn nó phải chứa đựng ý kiến riêng của tác giả và gây ấn tượng cho người xem. Danh họa lãng mạn Pháp Eugène Delacroix (1798–1863) từng nói: “Mục đích cuối cùng của mọi nghệ thuật là ấn tượng nó gây ra”. Vì thế tôi thường mất nhiều thì giờ để suy nghĩ, tìm kiếm trước khi đạt được một ý tuởng như vậy. Sau khi có ý tưởng rồi thì quá trình vẽ đối với tôi không khó mà chỉ đem lại niềm sung sướng. Cũng có khi ý tưởng đến bất chợt như việc tôi nhìn thấy một con quạ chết trên đường đi đã đưa đến sự ra đời của bức tranh “Phút cuối cùng của thành cửa Bắc”. Trong trường hợp bức tranh “Lối ra”, trong một lần đi ra khỏi cửa xe điện ngầm ở ga Ikebukuro (Tokyo), tôi chợt nảy ra ý tưởng vẽ cái đuôi áo cô dâu kéo lê dưới đất rồi biến thành một cái đàn đại dương cầm, như thể đuôi áo đang kéo theo cái đàn - sự nghiệp và mơ ước nghệ thuật của cô dâu. Thực ra áo shiromuku không có đuôi, mà thẳng đứng. Chỉ có áo cưới châu Âu mới có đuôi dài quét trên sàn. Cái áo trong tranh của tôi là một sự hòa trộn giữa áo Nhật và áo Tây vậy.


4. Chịu ảnh hưởng từ trường phái tranh siêu thực của danh hoạ Salvador Dalí, ông đã tìm cho mình lối biểu hiện riêng như thế nào trước một cái bóng quá lớn như vậy?

Có vài cách để vượt qua cái bóng của những người khổng lồ: 1) trèo lên đứng lên vai họ, 2) tránh xa họ ra, 3) đạp đổ họ. Làm theo cách thứ nhất bạn sẽ là người biết kế thừa. Làm theo cách thứ hai bạn là người yếm thế. Làm theo cách thứ ba bạn là nhà cách mạng. Để trả lời một câu hỏi tương tự, tôi đã đăng một bài viết dài và chi tiết. Ở đây tôi chỉ trả lời gọn như sau: Tôi chọn cách thứ nhất.

Thực ra tôi chịu ảnh hưởng của nhiều danh họa bắt đầu từ Leonardo Da Vinci. Năm 14 tuổi tôi đã bỏ vài ngày ngồi chép lại các hình họa của Leonardo bằng bút sắt. Tôi rất thích các tác phẩm có hình họa hoàn hảo như của Leonardo, Michelangelo, Botticelli, Van Eyck, Dürer, Rubens, Caravaggio, Ingres, v.v. Một bức tranh yếu về hình họa cũng giống như một cơ thể ngồn ngộn những thịt nhưng lại không có bộ xương bên trong. Danh họa tân cổ điển Pháp Jean-Auguste-Dominique Ingres (1780–1867) từng nói: “Hình họa là cách kiểm tra tốt nhất đối với mỹ thuật”. Tôi cũng từng thích tranh của Salvador Dalí (1904–1989) một thời gian dài. Đến giờ ông vẫn là một trong những danh họa mà tôi ngưỡng mộ vì hai lẽ. Ông cũng là người vẽ hình họa rất giỏi, tuy rằng nếu đem đặt hình họa của ông cạnh hình họa của các tiền bối kia thì cũng tựa như đem con gà trống đặt cạnh con phượng hoàng vậy. Ông đã kết hợp hình họa cực thực với không gian phi vật lý (như những vật thể bay lơ lửng như không có sức hút của từ trường trái đất, các hình ảnh “kép” v.v.). Đây không phải là sáng tạo của Dalí. Trước ông đã nhiều danh họa có các ý tưởng như vậy như Bosch, Brueguel, Caravaggio, v.v. Nhưng Dalí làm cho người ta chú ý vì ông đã đưa các ý tưởng siêu thực nổi rõ lên nhờ các hình họa cực thực. Đó là điều tôi học được từ Salvador Dalí.

Như trên đã nói, tranh là người. Khi tôi vẽ cảm xúc và mục tiêu mỹ thuật của bức tranh là cái tôi quan tâm hàng đầu. Tôi có thể ngưỡng mộ nhiều người nhưng tôi không “núp dưới bóng” của bất kỳ ai, vì đâu có dễ gì làm được việc đó. Vả lại tôi thường vẽ vào buổi đêm, khi trong phòng chỉ còn cái bóng của chính tôi dưới chân. Mà mình thì không thể núp trong cái bóng của chính mình được. Trong sáng tạo nghệ thuật, khoa học, cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, con đường đúng đắn nhất là con đường của chính mình, do chính mình tìm ra. Kỹ thuật và phong cách đâu phải là thứ có thể bắt chước được bởi vì đó chính là bản thân nghệ sĩ. Tôi tin rằng một kiệt tác, sau khi hoàn thành sẽ tự dưng tồn tại một cách độc lập, như một thực thể sống. Cái bí ẩn và khó bậc nhất của hội hoạ là cái màn sương, hay tấm voan (voile) mờ ảo lơ lửng phía trên bề mặt bức tranh mà người xem cảm thấy khi bức tranh được treo trong phòng triển lãm. Tất cả tài nghệ, kinh nghiệm của hoạ sĩ xét cho cùng là chỉ nhằm tạo ra được cái màn sương bí hiểm đó. Đó là cái hồn của tác phẩm. Tác phẩm chỉ trở thành kiệt tác khi cái hồn đó toát ra. Khi tấm voile ấy run rẩy trong tâm hồn người xem, nó khiến tâm hồn người ta thư thái, nó khiến người ta nổi gai ốc, nó làm nước mắt trào ra lăn trên gò má lúc nào không biết. Đó là giờ phút rất thiêng liêng - giờ phút con người được tiếp xúc với Cái Đẹp, như một cánh cửa đang được mở ra để người ta nhìn thấy khuôn mặt của Thượng Đế.


5. Sau 13 năm sống tại xứ Phù Tang, ông là hoạ sĩ ngoại quốc được nhiều người mến mộ, liệu có phải người Nhật rất thích tranh trường phái siêu thực hay còn lý do gì khác?

Nước Nhật có 127 triệu dân. Trong một phát biểu về quan hệ giữa công chúng Nhật Bản và mỹ thuật tại Tate museum (London) vào năm 2001, tác giả Thomas Graham cho biết đàn ông Nhật nói chung không quan tâm tới mỹ thuật (Tất nhiên là trừ các hoạ sĩ và các nhà chuyên môn về mỹ thuật). Mối quan tâm của 47% phụ nữ Nhật là mua sắm, và chỉ có 19% phụ nữ là quan tâm đến mỹ thuật. Theo thống kê năm 2007 nước Nhật có khoảng 65.3 triệu phụ nữ. Như vậy chỉ có khoảng 10% dân số Nhật là quan tâm đến mỹ thuật. Nói thế để có một hình dung sơ lược về khán giả hội họa ở Nhật.

Tokyo là một thành phố “thế giới”. Có rất nhiều triển lãm thuộc đủ mọi trào lưu phong cách diễn ra hàng ngày kể cả từ nước ngoài. Các nghệ sĩ tăm tiếng nhất trên thế giới đều đến Tokyo trình diễn. Các sao Hollywood mỗi lần lăng-xê phim mới của mình đều đến Tokyo trước tiên. Thị hiếu nghệ thuật của người Nhật rất đa dạng và phụ thuộc lứa tuổi, trình độ, quan niệm của từng cá nhân. Vì thế không thể nói chung được là người Nhật thích trường phái này hay trường phái kia. Tuy nhiên có một điều rất rõ ràng là để có được sự công nhận tại đây, dù chỉ trong một hội nghề nghiệp, hay một nhóm công chúng, nghệ sĩ phải chứng tỏ được một trình độ chuyên nghiệp rất cao, một sự cố gắng hơn người, để cung cấp được những sản phẩm hoàn hảo, bất kể nghệ sĩ đó là người nước nào. Trong một môi trường dân chủ, cạnh tranh “không có lề đường bên phải”, cách duy nhất để đạt được điều đó là tài năng và nỗ lực của chính mình để khiến đồng nghiệp và công chúng phải “tâm phục khẩu phục”. Thông thường người ta ngắm bức tranh. Nếu nó tầm thường thì người ta đi qua. Nếu nó gây ấn tượng thì người ta mới để ý đến tên của bức tranh và tên của tác giả. Tất nhiên là khi một tác giả đã gây được sự chú ý rồi thì sẽ có những “fan” hâm mộ đi xem tranh là chỉ để nhìn tranh của tác giả đó. Trong một toà nhà triển lãm 3 tầng với khoảng một ngàn mét vuông diện tích sàn và khoảng 400 bức tranh cỡ khoảng từ 1m30 x 1m62 trở lên, bạn cần biết phải làm gì để người xem dừng chân trước tranh của bạn. Như vậy để thấy là việc có được một số nhỏ các hoạ sĩ, nhà chuyên môn và công chúng mến mộ ở Tokyo đã là một điều quý giá lắm rồi. Những khẳng định kiểu như “Hoạ sĩ ngoại quốc được nhiều người mến mộ” theo tôi không đúng với thực tế.


6. Ông đánh giá thế nào về thị hiếu hội hoạ của người dân Việt Nam hiện nay (đặc biệt với tranh theo trường phái siêu thực)?

Tôi nghĩ không có một thứ nghệ thuật, âm nhạc hay hội hoạ cho toàn dân. Ở Việt Nam, cũng như ở Nhật, thị hiếu của con người rất đa dạng. Điều khác biệt lớn nhất ở đây là dân trí chung ở Nhật rất cao. Tôi không biết bao nhiêu năm nữa, và Việt Nam cần có thêm bao nhiêu giáo sư và tiến sĩ nữa, thì người Việt Nam mới có được một xã hội với dân trí cao như nước Nhật năm 2007. Giáo dục mỹ thuật và âm nhạc được đưa vào trường học của Nhật từ bậc tiểu học. Các bảo tàng và phòng hòa nhạc của Nhật đều được thiết kế và xây dựng vào hàng đầu bảng của thế giới. Riêng về hội họa, có cả một màng lưới các cửa hàng bán các họa cụ tốt nhất cho hoạ sĩ, các công ty chuyên làm dịch vụ vận chuyển, treo tranh mỗi lần chúng tôi triển lãm.

Tôi nghĩ rằng để có một môi trường mỹ thuật thực sự “lành mạnh” trong đó bao gồm cả thị hiếu công chúng, các hoạ sĩ ở Việt Nam cần được hoàn toàn và tuyệt đối tự do trong sáng tác, biểu hiện quan điểm, ý tưởng, triển lãm tác phẩm của mình. Có như vậy thì công chúng yêu mỹ thuật Việt Nam, bất kể số đó là bao nhiêu người, mới có ngày được thưởng thức những tác phẩm xứng tầm thế giới. Trong bài “Nghệ thuật của chiến tranh” nhà phê bình mỹ thuật Matthew Larking đã nhận xét về triển lãn 50 năm hội họa cận đại Việt Nam” tại Tokyo như sau: “Một khi nghệ thuật cúi mình trước chính trị, như một đặc tính, nghệ sĩ bị cắt khỏi thế giới hội họa quốc tế, trở thành nạn nhân của sự thiếu thuần khiết của mình, của sự tự vấn và các chủ đề khiên cưỡng. Như vậy sự bất đồng cơ bản giữa các nguyên tắc của chủ nghĩa Hiện đại và Hiện thực XHCN tiếc thay đã tạo nên cái cốt lõi của những năm hình thành nền hội họa Việt Nam.”


7. Ông từng nói người dân và các hoạ sĩ Nhật ít biết đến nền văn hoá nghệ thuật Việt Nam. Theo ông đâu là nguyên nhân chính, liệu có phải hội hoạ trong nước chưa có những tác phẩm xuất sắc?

Nguyên nhân ở đây đến từ cả hai phía. Xã hội Nhật Bản là một xã hội rất thực dụng. Giới truyền thông và kinh doanh chỉ làm cái gì mang lại lợi nhuận lớn nhất cho họ. Vì thế TV và báo chí phần lớn đưa tin và phát các chương trình về du lịch Việt Nam, hay giúp người Nhật “ôn nghèo nhớ khổ” là họ đã từng tham gia chống chiến tranh Việt Nam như thế nào bằng cách chiếu lại những đoạn phim về cuộc chiến tại Việt Nam, luôn kèm theo nền nhạc là các bài hát phản chiến của Nhật, và cảnh các sinh viên Nhật đánh nhau với cảnh sát của chính nước họ khi biểu tình chống chiến tranh Việt Nam trước đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tokyo. Gần đây thỉnh thoảng cũng có xuất hiện chương trình du lịch có lồng thêm những cảnh các nghệ sĩ của Nhật sang hát ở Việt Nam và giới thiệu luôn một số nghệ sĩ hay nghệ nhân Việt Nam. Nhưng những chương trình như vậy rất ít. Chủ yếu là các chương trình đi du lịch, giới thiệu khách sạn, đồ ăn, vào hiệu mua sắm áo dài v.v.

Trong 13 năm sống tại Nhật tôi chỉ hai lần được xem hai triển lãm hội họa từ Việt Nam tại Tokyo là triển lãm mỹ thuật thời kỳ đổi mới ở bảo tàng Fujita Vente do một nhà sưu tầm tư nhân người Nhật tổ chức, và triển lãm “50 năm hội họa cận đại Việt Nam 1925–1975” tại Tokyo Station Gallery vào năm 2005 do báo Sankei của Nhật tài trợ.

Từ phía Việt Nam, tôi chưa được biết đến một kế hoạch nhằm quảng bá mỹ thuật Việt Nam sang Nhật bằng nỗ lực của chính mình, chứ không phải là ngồi chờ tài trợ từ ngoại quốc. Tôi nghĩ vấn đề ở đây không phải là tiền, nếu đem so số tiền nhà nước phải bỏ ra để làm một triển lãm giới thiệu hội họa Việt Nam ở Nhật với số tiền mà một số quan chức sa đọa trong nước đã đem đánh bạc, cá độ, hay để “thất thoát” trong những dự án cấp nhà nước. Vấn đề ở đây là ta thiếu những người có học thức với đầu óc không vụ lợi, có tâm huyết, mà lại có đủ quyền lực để tổ chức những việc như vậy. Mấy tiêu chí này xem ra khó tồn tại đồng thời trong một cá nhân trong tình trạng nước ta hiện nay.


8. Theo ông lý luận đóng vai trò như thế nào trong tác phẩm hội hoạ? Và ông đánh giá hoạ sĩ Việt Nam nào làm được điều ấy?

Bạn hãy tưởng tượng tác phẩm hội họa như Kim Tự Tháp Ai Cập, còn công chúng như một đoàn khách du lịch. Nhà lý luận–phê bình ở đây đóng vai trò của nhà khảo cổ và người tour guide (người dẫn đường). Nhà khảo cổ nghiên cứu, đào bới và phát hiện ra cái đẹp, cái bí ẩn của Kim Tự Tháp. Người dẫn đường biết tường tận mọi đường ngang ngõ tắt trong quần thể Kim Tự Tháp. Họ là những người phát hiện và dẫn dắt đoàn khách du lịch đến với Kim Tự Tháp.

Nhà lý luận-phê bình thực thụ là người sau khi xem một bức tranh phải sáng tạo nên một tác phẩm mới về suy nghĩ và cảm xúc của mình. Nhà phê bình phải truyền được cái cảm xúc đó cho người xem để làm một cái cầu nối giữa người xem và tác phẩm. Làm được điều đó trong hội hoạ không phải là việc dễ vì nó đòi hỏi nhà phê bình phải hiểu biết về chuyên môn lý luận của mình cũng như về quá trình, phong cách, kỹ thuật sáng tác của hoạ sĩ. Ngoài ra nhà phê bình phải am hiểu tình hình mỹ thuật hiện nay cũng như trong toàn bộ lịch sử để có thể đặt hoạ sĩ mình quan tâm trong bối cảnh chung của thế giới mỹ thuật. Như vậy, ngoài cái nền tảng về văn hóa và học thức mình trau dồi được, nhà phê bình còn phải giao lưu chuyên môn rộng rãi và thường xuyên ở trong nước cũng như quốc tế, phải giỏi ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Đức, hoặc tốt nhất là cả 3 thứ tiếng đó) để đối thoại, tra cứu sách báo, và surf internet. Tôi hy vọng rằng trong một tương lai gần sẽ xuất hiện những nhà phê bình mỹ thuật như vậy ở Việt Nam.

Tokyo 23/9/2007

© 2007 talawas