© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
3.10.2007
Đỗ Kh.

 

Hố sâu ở Mỹ

Nguyễn Hữu Liêm viết: “Dĩ nhiên chênh lệch giàu nghèo là vấn đề đang xảy ra, nhưng đó là hệ quả tự nhiên trong một nền kinh tế đang phát triển - mà ở Việt Nam thì hố phân biệt giàu nghèo chưa đến độ quá vô lý hay vô đạo đức.”

Nếu như thế thì phải đồng ý đây là một điều tốt và mong rằng hệ quả này tại Việt Nam sẽ không trầm trọng như tại một nền kinh tế phát triển như là… Hoa Kỳ.

Thu nhập:

1% thu nhập cao nhất tại Mỹ (trước khi đánh thuế) năm 2005 là 21,8% của tổng số. Năm 1976 (khi kinh tế Hoa Kỳ chưa phát triển?) con số này là 8,9% của tổng số. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn kém năm 1928 khi con số này là 23,9% (và kinh tế Hoa Kỳ sắp sửa sập tiệm).

Từ 1979 đến 2005, thu nhập của 5% đứng đầu các hộ Hoa Kỳ tăng trưởng 81%, trong khi 20% hộ thấp nhất thì thu nhập thụt lùi 1%.

Năm 1979, lợi tức của 5% hộ đầu bảng gấp 11,4 lần 20% hộ cuối bảng. Năm 2005, khác biệt này là 20,9 lần.

Tài sản:

1% hộ đứng đầu giàu gấp 125 lần một hộ trung bình vào năm 1962. Năm 2006, 1% hộ này giàu gấp 190 lần.

Hiện nay 1% này sở hữu 34,3% tài sản tư hữu của quốc gia, nhiều hơn 90% các hộ ở cuối bảng cộng lại (28,7%). Nói cách khác, 10% hộ giàu nhất sở hữu 71,2% tài sản (tư) của quốc gia.

400 người giàu nhất nuớc Mỹ (danh sách Forbes) năm 1995 sở hữu 450 tỉ USD. Năm 2006, nhờ trời, họ sở hữu 1.250 tỉ (sau khi đã trừ phần lạm phát).

Lương bổng:

Tổng giám đốc tại Mỹ năm 2005 lương cao gấp 411 lần lương lao động trung bình. Năm 1990 tỉ lệ này là 107 lần (thôi). Các lãnh đạo kinh tế, giám đốc Hoa Kỳ lương cao gấp 2 lần đồng nghiệp của họ tại Anh, Pháp, Đức, gấp 4 lần các đồng nghiệp của họ tại Nhật Bản, Nam Hàn (OK, thì Mỹ bao giờ cũng nhất).

Về phần công nhân lao động sản xuất, lương hàng giờ của họ từ 1949 đến 1979 tăng 75%. Từ 1979 đến 2006 tăng 2%.

Năng suất của người lao động Mỹ tăng 64% trong khoảng thời gian 1979-2004. Lương hàng giờ của họ thì tăng 12%.

Những con số trên đây, nếu đi vào chi tiết thì còn ngạc nhiên hơn. Chia 1% hộ giàu nhất nước Mỹ (sở hữu 34%) ra làm hai (con số 1998) thì thấy 0.5% đầu sở hữu 25,6% và 0.5% thứ nhì tài sản “chỉ có” 8,4% thôi, nghĩa là nửa % đầu giàu gấp 3 nửa % sau. Vậy nửa % thứ nhì này cũng đã đủ hố sâu cách biệt (“0,5% người giàu thứ nhì ở Mỹ, đoàn kết lại!”), không nói đến 99% kia.

Khi ông Bush quyết định giảm thuế thì năm 2006, 20% hộ cuối bảng mỗi nhà được giảm 23 USD và 0,1% (tức 1 phần ngàn) hộ đầu bảng được mỗi hộ 200.253 USD. Luật bớt thuế này lúc ra đời đã làm Warren Buffet, TGĐ Berkshire Hathaway và là người giàu thứ nhì trên thế giới phải thốt lên, còn gì là công bằng nếu tôi đóng thuế ít hơn là một cô lễ tân bàn giấy của công ty!

Ở bình diện (tôi không dám dùng chữ bình) thế giới, thì chênh lệch (tôi không dám dùng chữ bất công) còn cao hơn thế nữa, 1% đầu sở hữu 40% tài sản, và 10% đầu sở hữu 85%, 15% còn lại 6 tỉ người nhồm nhoàm mà chia nhau.

Nhận định của Nguyễn Hữu Liêm tôi mong là còn đúng tại Việt Nam nhưng không thấy đâu dấu hiệu là hố phân biệt giàu nghèo được lấp dần. Nếu lấy Mỹ làm gương như hiện nay là chiều hướng thì lại càng đáng lo hơn, nhất là khi thần tượng mới lại là Gates chứ không phải Buffet, thằng này chỉ tỉ phú thứ nhì; là học thuyết Hayek, Friedman chứ không phải Keynes, Krugman, Stiglitz, bọn đó thiếu tinh thần “tự do” bất khuất?