© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
10.10.2007
Barry Rubin
Chủ nghĩa chống Mỹ
Phan Nhiên Hạo dịch
 
Vài lời phi (tiêu) lộ

Bài dịch ngắn dưới đây để gởi đến ông Đỗ Kh. và những người đang vỗ tay hoan hô ông “chống Mỹ cứu nước”. Nước Mỹ có những người chống Mỹ, chống chiến tranh, dĩ nhiên cũng có những người có cái nhìn ngược lại (và đó là điểm khác biệt với Việt Nam, nơi người ta dịch sách chống Mỹ của Chomsky nhưng không in các bản dịch tuyệt vời về chủ nghĩa cộng sản của Phạm Minh Ngọc). Trong thư viện đại học nơi tôi làm việc, tài liệu phản biện chủ nghĩa chống Mỹ cũng nhiều như sách vở chống Mỹ. Ông Đỗ Kh. trích dẫn từ đài này, báo nọ, lập lại luận điệu của những tay thiên tả cực đoan như Michael Moore để “chửi” Mỹ. Tôi cũng có thể trích dẫn những người bảo thủ Mỹ để đập lại ông. Phe tả và phe hữu ở Mỹ, như ông biết, hàng ngày vẫn tranh luận trên đủ thứ phương tiện truyền thông. Tranh luận với ông Đỗ Kh., vì vậy, thật ra không khó, nhất là ông thường viết “nhanh và ẩu”. Tuy vậy, nhiều lần định tranh luận với ông Đỗ Kh. chuyện chống Mỹ, tôi lại tự hỏi mình đang làm trò gì vậy. Hai người tị nạn Việt Nam to tiếng cãi nhau bằng tiếng Việt binh hay chống những người Mỹ? Còn gì lố bịch và vô ích hơn nữa. Ờ thì mình là người Mỹ, nhưng Mỹ cỡ nào? Bộ hết chuyện Việt Nam để nói sao?

Tôi cho rằng những kẻ đang khiêu khích, lôi kéo mọi người vào một cuộc tranh luận binh hay chống Mỹ hiện nay là nhằm đánh lạc hướng giới trí thức Việt Nam ra khỏi những vấn đề quan trọng trong nước.

Dù sao, chúng ta cũng đang sống ở xứ tự do ngôn luận (chưa chắc ông Đỗ Kh. đồng ý cụm từ này, mặc dù ông đang lợi dụng triệt để nó), ông Đỗ Kh. muốn “chống Mỹ cứu nước”, cảm thấy trách nhiệm to lớn của một người Mỹ thứ thiệt “đứng về phiá 99% người Mỹ” gì đó, ông cứ việc phát biểu. Mong ông cố gắng viết bằng tiếng Anh để sự đóng góp của ông đối với người Mỹ được hiệu quả hơn. Chỉ muốn hỏi ông Đỗ Kh. câu này: chắc ông cũng biết, ở Việt Nam mà chống Việt Nam thì vào nhà đá (như Lê Thị Công Nhân), ở Miến Điện mà chống Miến Điện thì ăn đạn (như mấy ông sư), tị nạn qua Mỹ mà chống Mỹ thì cứ tiếp tục chiều chiều uống bia chống Mỹ (như ông); vậy, ông có thấy mình hơi “bị can đảm” quá không?

Bài dịch dưói đây chỉ là một bài nói chuyện giới thiệu sách của tác giả Barry Rubin, nên không bóng bẩy lắm. Tôi dịch bài này vì thấy nó cung cấp những tóm lược rất rõ ràng, trực tiếp về chủ nghĩa chống Mỹ, áp dụng chính xác với những người như ông Đỗ Kh.. Để có cái nhìn đầy đủ về những luận điểm của Rubin, có thể đọc cuốn sách: Hating America: A History (Oxford University Press, 2004). Bài nói chuyện trình bày vào thời điểm tranh cử Tổng thống giữa George W Bush and John Kerry năm 2004, nên có một hai câu mở đầu đề cập trực tiếp đến tranh cử, tôi đã bỏ qua.


*

Chủ nghĩa chống Mỹ là một hiện tượng xưa cũ, thậm chí xưa hơn cả nước Mỹ. Mặc dù trải qua nhiều giai đoạn với những trọng tâm khác nhau, những chủ đề chính của nó nhất quán một cách lạ kỳ, rất lâu trước cả ảnh hưởng của Hollywood hay việc nuớc Mỹ là một siêu cường quốc tế. Hai chủ đề quan trọng nhất của nó là quan niệm về nước Mỹ như một xã hội xấu xa, có nguy cơ trở nên khuôn mẫu toàn cầu, và rằng nước Mỹ đang tìm cách thống trị thế giới.

Luật sư người Pháp Simon Linguet đã đưa ra những tuyên bố chống Mỹ rõ ràng đầu tiên vào những năm 1780. Những tên cặn bã của châu Âu, ông cảnh báo, sẽ xây dựng một xã hội đáng tởm ở Mỹ, với quân đội hùng mạnh, xâm chiếm châu Âu, và huỷ hoại nền văn minh. Bàn về sự lan toả của những ý niệm như dân chủ và tự do, lo sợ của Linguet có vẻ như một điềm báo cá nhân. Chỉ vài năm sau, ông ta bị chặt đầu bởi Cách mạng Pháp.

Tương tự, từ “Mỹ hoá” được dùng đầu tiên bởi một tạp chí Pháp năm 1867, trong đó người ta báo động văn minh Pháp sẽ chấm dứt cùng với sự nhập khẩu máy móc nông nghiệp Mỹ. Không phải tình cờ mà từ lâu Pháp đã là thủ đô thế giới của chủ nghĩa chống Mỹ. Thật ra mức độ thù ghét Mỹ vào những năm 1920, 1930, và những thập kỷ khác, có thể còn cao hơn hiện nay.

Nhìn vào gốc rễ của chủ nghĩa chống Mỹ, ta thấy sự bất ưng đối với chính sách Mỹ thường được đem đặt cạnh thái độ khinh thị các giá trị Mỹ. Cả hai cách giải thích này đều có vấn đề. Nói về giá trị, những chỉ trích méo mó hay thậm chí thù nghịch lại thường đến từ những nguời chia sẻ cùng thang giá trị theo nghĩa rộng. Người châu Âu cũng chuộng dân chủ.

Đôi khi, dĩ nhiên, có những chỉ trích đúng nhưng thường ngưòi ta chỉ phán một cách đầy cảm xúc về các chi tiết người Mỹ diễn dịch giá trị thế nào, hoặc đưa ra một quan niệm về đời sống Mỹ dựa trên những thành kiến kỳ quặc. Ví dụ, Mỹ được coi là xứ tiêu biểu của án tử hình, trong khi thật ra hầu hết tiểu bang Mỹ không có án tử hình và nhiều người Mỹ phản đối tử hình. Án tử hình không tiêu biểu cho nước Mỹ.

Cùng cung cách như vậy, người Mỹ không phải lúc nào cũng chỉ ăn pizza và hamburger. Sự đa dạng của các kinh nghiệm ẩm thực ở Mỹ nhiều hơn bất cứ nước nào, chưa kể chất lượng cao của thực phẩm. Một chiến thuật chống Mỹ khác là việc so sánh tầng lớp trung bình hay thậm chí thấp nhất của văn hoá Mỹ hay xã hội Mỹ với những cung cách tinh hoa châu Âu. Một người Pháp trung bình đâu đọc triết học hay xơi những món quý phái.

Quan trọng hơn cả, tuy vậy, có lẽ là việc nước Mỹ luôn biểu tượng cho hiện đại. Bất cứ điều gì mà người ta không thích về đường hướng phát triển của thế giới – đô thị hoá, chủ nghĩa thế tục, văn hoá phổ thông, và những thứ khác - người ta coi nó như tính cách đặc thù Mỹ. Ở Trung Đông, bản chất của xã hội Mỹ thậm chí bị bóp méo và hiểu sai hơn ở châu Âu.

Những điểm tương tự cũng áp dụng với chính sách Mỹ. Người ta có thể thích hay không thích một hành động nào đó của Mỹ trên thế giới, nhưng vẫn có sự khác biệt giữa chỉ trích trong tinh thần tôn trọng và việc bóp méo, thậm chí giết chóc, căm thù? Nếu cho rằng động cơ của Mỹ là xấu (đánh cắp dầu hoả Iraq và thống trị thế giới), rõ ràng sự chống đối sẽ thắng thế.

Câu hỏi đặt ra là liệu hành động có thể được phán xét chỉ như sai lầm hay như tội ác chứng minh bản chất đế quốc và hiếu chiến Mỹ. Một câu hỏi khác là liệu cái nhìn tiêu cực có tính hệ thống đang được sử dụng, ở đó bất cứ chuyện tích cực nào mà Mỹ làm cũng bị bỏ qua trong khi những chuyện có vẻ tiêu cực thì được làm cho tệ thêm.

Làn sóng chống Mỹ trong thời điểm cụ thể hiện nay đến từ vài nguyên nhân khác nhau. Sau chiến tranh lạnh, Mỹ là quốc gia quyền lực nhất với ảnh hưởng dường như không ngừng lan toả về chính trị, kinh tế, văn hoá. Không có gì ngạc nhiên việc nhiều người cho rằng một quyền lực lớn như vậy sẽ đe doạ đất nước và xã hội của họ. Một cách thực tế, cơn ác mộng dài hai thế kỷ của những người chống Mỹ đã thành hiện thực.

Trong bối cảnh này, chi tiết đời sống và cách ứng xử của Bush dường như vừa khớp với những thành kiến chống Mỹ. Hình ảnh tiêu cực về người Mỹ gắn liền với những kẻ được mô tả như cao bồi, sùng đạo, bảo thủ, và không trí thức. Tuy vậy, không được yêu chuộng không đồng nghĩa với sai lầm và chỉ có cử tri Mỹ mới có thể quyết định họ cảm thấy thế nào về thành tích và hình ảnh thế giới của ông Bush.

Ở đây, có một yếu tố cực kỳ quan trọng gần như luôn bị bỏ qua trong các tranh luận về chủ nghĩa chống Mỹ: thói tư lợi. Những kẻ cung cấp chủ nghĩa chống Mỹ luôn là những kẻ kiếm chác, hoặc vật chất hoặc tinh thần.

Những nhà độc tài dùng chủ nghĩa chống Mỹ để thuyết phục dân chúng ủng hộ họ. Trí thức và các nhân vật văn hoá là nhân tố truyền bá chính của chủ nghĩa chống Mỹ, dùng nó như vũ khí chống lại cái quốc gia đang tạo ra các sản phẩm cạnh tranh với họ. Sự lan truyền hình mẫu Mỹ sẽ làm giảm quyền lực và uy thế của những người này. Đối với châu Âu và Trung Đông, bất chấp những khác biệt lớn, chủ nghĩa chống Mỹ có vẻ là khẩu hiệu tốt để đoàn kết.

Vấn đề này cũng thường được sử dụng tương tự ở Mỹ, như một công cụ chính trị hay dùi cui đảng phái. Cố gắng tìm hiểu sự phức tạp của hiện tượng này, tuy vậy, là cách duy nhất đối phó hiệu quả với những vấn nạn rất thực hôm nay.


Barry Rubin làm việc tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Foreign Policy Research Institute). Tác giả của những cuốn sách: The Long War for Freedom: The Arab Struggle for Democracy in the Middle East (Wiley, 2005); Hating America: A History (Oxford, 2004), Yasir Arafat: A Political Biography (Oxford, 2003), The Tragedy of the Middle East (Cambridge, 2002). Các bài báo của ông xuất hiện trên New York Times, Washington Post, Wall Street Journal. Ông cũng nói chuyện trên Face the Nation, CBS News, The Larry King Show, CNN.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas
Nguồn: http://www.fpri.org/enotes/20040820.west.rubinb.antiamericanism.html