© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
16.10.2007
Đỗ Kh.
Mô hình cho Việt Nam?
 
Nhân một nhận định của Nguyễn Hữu Liêm, là chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam chưa đến mức báo động, tôi đã nhanh nhẩu thêm vào là mức báo động này đã đạt được ở Mỹ. Ba mươi năm qua, chiều hướng của chênh lệch ở Hoa Kỳ là phấn chấn và mạnh mẽ gia tăng. Nói đến điều này, tôi nghĩ không phải là tôi vin vào Nguyễn Hữu Liêm để có dịp nói xấu Mỹ, mà trong văn cảnh này, chỉ mong gợi nơi người đọc suy nghĩ về hướng phát triển hiện nay và tương lai của Việt Nam (tôi xin nhấn mạnh: Việt Nam).

Tôi chờ đợi, nếu có được những phản hồi, là về vấn đề này.

Trước hết, chẳng hạn các con số của tôi sai lệch, lấy từ trạm cia.gov nên rất đáng nghi ngờ. Hay là, muốn phát triển (như Hoa Kỳ), người lao động ở mức thấp nhất phải chấp nhận hy sinh để thành lập được câu lạc bộ tỉ phú vững mạnh trước khi phồn vinh từ từ mà nhỏ giọt xuống chỗ họ đang đứng ngửa miệng hứng (trickle down effect). Hoặc, ở các nước phát triển khác, sung túc kinh tế không bắt buộc phải đi đôi với tăng trưởng chênh lệch, và chiều hướng trong những thập niên qua ở châu Âu (“Old Europe” của Donald Rumsfeld) lại là ngược lại, tức là bớt so le hơn.

Thử tưởng tượng, Nguyễn Hữu Liêm viết, tệ nạn mãi dâm ở Việt Nam tuy có nhưng chưa đến mức báo động, tôi nhân đó mà phê bình tệ nạn mãi dâm ở Thái Lan, một cách đặt câu hỏi, trong lãnh vực này ta đó có cần bắt kịp vương quốc láng giềng hay không. Không may cho tôi, Thái Lan lại là gương muốn bắt kịp của bao người Việt. Vị chủ nhà chứa Thái, vua phần (thịt) mềm, ông Chuwit Kamolvisit lại là thần tượng số một của giới trẻ và giới kinh doanh Việt Nam. Thành công trên thị trường tự do (free market), tạo công ăn việc làm cho 20.000 chị em trong 10 năm qua, giờ ông còn thiện nguyện xung phong chống tham nhũng!

Không thấy nói tiếp mãi dâm là tốt hay là xấu. Hay là xấu nhưng cần thiết (tức khắc), tốt mà không cần thiết (để từ từ). Bao nhiêu là đủ, thế nào là vừa, ở Việt Nam nên giống Thái Lan, khác Thái Lan thế nào về lãnh vực này? Không thấy nói đến, phải cấm đoán, phải phát triển, phải tiêu diệt hay là phải chống đỡ, mà câu chuyện đến đây chuyển sang nhắm vào những người như tôi, ở ngay tại Soi Nana đường Sukhumvit mà phê bình (massage) body-body!

Từ chuyện chênh lệch giàu nghèo và công bình xã hội, giờ thành chuyện tôi (ĐK) nên sang Miến Điện… uống bia chứ đừng uống bia ở Mỹ! Và nếu viết thì phải viết bằng tiếng Anh chứ không được viết bằng tiếng Việt? Thật vui, trang nghiêm mà lố bịch thì nó mới ra hài. Phần tôi, tôi thích uống bia Bỉ ở Belize và viết bằng tiếng Pháp về Nepal trên một tờ báo lớn Congo (Le Potentiel hay L’Avenir, tôi còn đang lưỡng lự). Nhưng đây chỉ là một mơ ước riêng tư, tất nhiên chẳng ăn nhập gì đến chỉ số Gini ở các nơi này.

Tôi không rõ là công bằng và an sinh xã hội, quyền lợi của lao động, y tế và giáo dục công cộng có phải là một vấn đề quan trọng với trí thức trong nước hay không. Đây là những điểm yếu kém đáng lo ngại nhất và nổi bật của Hoa Kỳ [1] , lại không phải là không dính dáng gì đến tự do kinh tế chủ nghĩa đang được áp dụng tại đây và trên thế giới, ở những nơi áp đặt được (kể cả bằng phi cơ, trọng pháo).

Một khi chế độ hiện nay ở Việt Nam giã từ lịch sử, trong tương lai xa gần này, thì việc gì sẽ xảy ra? Ta có nên nghĩ đến trước một bước hay là như vậy là đánh lạc hướng dư luận? Ông Yeltsin leo lên xe thiết giáp giải thể cộng sản rồi thì ông… leo xuống, vì ông còn phải tư hữu hóa tài sản quốc gia cho các oligarch nữa chứ có phải thế là đã xong đâu [2] . Bulgaria, Kazakhstan… thì thế nào? Có mô hình phát triển nào khác mô hình Hoa Kỳ truyền bá? Bắc Âu, Nam Mỹ (“Một xã hội chủ nghĩa của thế kỷ 21”) hay chính sách tự lực đến nỗi từ chối cả viện trợ nước ngòai (Eritrea) có là gương xấu gương tốt để bàn cãi? Việt Nam có một con đường nào phát triển riêng biệt cho mình?

Rộng ra ngoài lãnh vực kinh tế, tự do và dân chủ, tại những nơi khác có cao hơn là tại Hoa Kỳ hay không [3] ? Có dân chủ được không, khi kinh tế ngày càng tập trung trong tay một thiểu số tí hon và ngày càng bé lại? Tự do có bị đe dọa bởi tập trung sở hữu không? Hay chênh lệch giàu nghèo chẳng ăn nhập gì đến tự do và dân chủ, và đây là mô hình Việt Nam (xin nhấn mạnh Việt Nam lần nữa) phải học tập?

Đây là những vấn đề cần suy nghĩ, tranh luận và trao đổi. Tôi nghĩ là lao động, và trí thức, ở Việt Nam cũng như trên thế giới (tôi xin nhấn mạnh thế giới), chắc phải coi đây là quan trọng.

Về “chống Mỹ”, tại sao lại có cái tinh thần này tiềm ẩn hay ra mặt mà không có tinh thần bôi bác đối với, thí dụ, Phần Lan hay Thụy Sĩ? Phần Lan cũng phát triển và sung túc, lại cũng có tỉ phú, nhưng so le giàu nghèo thấp hơn Mỹ gấp bội, oái ăm sao đời sống, sức khỏe, giáo dục lại cao cấp hơn. Thụy Sĩ, thì tôi có thể trả lời. Tại vì bảo vệ đánh thuê của nước này chỉ canh gác có Vatican thôi chứ không hề đánh võng trên những con lộ của Iraq vào những giờ cao điểm tắc đuờng.

Tại tôi mọi đằng, ‎ý kiến ấp úng (nhanh và ẩu là thế đấy). Lẽ ra tôi phải hỏi thẳng và rành mạch là liệu nếu phát triển ở Việt Nam tăng thu nhập của tổng giám đốc các đại công ty lên 4 lần, tăng tài sản của mấy trăm người giàu nhất nước lên gấp 2 và để 0,5 % đầu bảng kinh tế sở hữu 25% tài sản của quốc gia thì mọi người có thích không? Chắc là các tổng giám đốc thì họ thích! Bây giờ tôi thích lắm! Đến nguời lao động lãnh đồng lương tối thiểu, hỏi họ rằng họ có muốn hạ cái lương đã ít ỏi này xuống còn một nửa thì có lẽ họ còn phải suy nghĩ. Nhưng vào lúc đó, một tỉ phú (hậu cộng sản) sang nước ngoài mua một đội bóng đá sẽ đủ “vinh danh nuớc Việt” và làm họ nguôi cơn đói.

Vấn đề này, có bàn đến cũng không phải là sớm. Tôi ngờ là âm mưu diễn biến (kinh tế) hòa bình này đang xảy ra. Tức là chuyển nhượng tài sản chung của quốc gia, Petrovina hay Vietnam Airlines v.v… gì đó, sang lãnh vực tư nhân cho một tập đoàn cán bộ đại vô sản hiện nay đang nhắm chỗ, xem nhà. Ngày mai, họ sẽ chính thức là đại tư sản tự do thị trường. Hiện thời, họ chỉ mới là, sụyt, nói khe khẽ, đại tư sản… nằm vùng.

Tuy nhiên, sự thiếu mạch lạc của tôi đã đưa cuộc trao đổi sang một hướng thú vị hơn nhiều và chắc cũng quan trọng không kém, là quyền phát biểu và phê bình của người Việt đã ở tạm lại còn dám lạm dụng. Về phần này, đã có đầy đủ những ‎ý kiến phản hồi.

Riêng về cá nhân tôi, nằm ngồi đâu và ăn uống gì, bộ hết chuyện nói rồi hay sao, không phải là chuyện thì giờ phải phí. Chắp tay lạy người, xin tha cho tôi.

© 2007 talawas





[1]Với dè dặt cần thiết trước những xếp hạng, những con số và các phương pháp đo đạc, về giáo dục Hoa Kỳ xếp thứ 18/24 trong các nước phát triển (UNICEF, 2003). Về an sinh của trẻ em: 20/21 (UNICEF, 2007) cũng trong các nước phát triển. Về y tế, hàng 37/190 và cùng bảng với Costa Rica, Cuba (WHO, 2000).
Thí dụ, số các bà mẹ thiệt mạng khi hạ sinh (maternal death, UN-World Bank, 2005) tại Mỹ cao bằng… Belarus, gấp 3 lần con số này tại 10 nước phát triển đầu, gấp 10 lần Ireland. Hoa Kỳ đứng hàng 41/171 trong lãnh vực này trên thế giới. Nhìn kỹ hơn, thì phụ nữ da đen Mỹ khi hạ sinh chết nhiều gấp 4 lần người da trắng nhưng đây chẳng có gì là lạ, khi tuổi thọ của một người đàn ông Mỹ da đen ở Bronx, thành phố New York, là 61 tuổi tức là bằng Yemen hay là Uzbekistan.

Nhân thể, xin nhận xét là người châu Phi là sắc dân duy nhất sang Mỹ không theo diện di dân, tị nạn, đoàn tụ, fiancé(e)… một cách ít nhiều tự nguyện và lựa chọn mà theo diện hàng hoá lao động nhập khẩu, tức là nô lệ cưỡng bách.
[2]Nga hiện có 53 tỉ phú, tài sản 260,2 tỉ USD so với Hà Lan là 3 tỉ phú, tài sản 7,3 tỉ (Forbes, 2007). Tổng sản lượng Hà Lan và Nga bằng nhau, là 580 tỉ/năm, nhưng giờ tại sao tôi lại trở mặt “chống Nga”?
[3]Về dân chủ, Hoa Kỳ hàng 17/167 (The Economist, 2006). Về (ít) tham nhũng, hàng 20/179 (Transparency International, 2007). Trong các lãnh vực này và những lãnh vực trên đã nói đến, Việt Nam lẹt đẹt ở cuối bảng, chúng ta đều biết, nhưng đã lấy làm gương, thí dụ về tự do báo chí, thì thiển nghĩ nên lấy số 1 chứ đừng lấy hàng… 53 (Reporters without borders, 2006). Người thích tỉ phú, tôi thấy mang ông Gates ra điển hình, không thấy ai say đắm Nasser al- Kharafi, Leonardo Del Vecchio hay Alexei Mordachov (Forbes, 2007).