© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
22.10.2007
Lê Anh Hoài
Vụ "Vàng Anh": Một cuộc ném đá man rợ
 
Tôi bắt tay viết bài này đúng một tuần sau khi "quả bom Vàng Anh" nổ, một thời điểm có thể làm một động tác thường được gọi là "nhìn lại".

Để nói về dư luận xung quanh chuyện này, có thể đưa ra một câu chuyện cười - như một hình ảnh phản chiếu - chắc chắn mới được sáng tác mấy ngày nay, của cư dân mạng, lưu truyền qua Yahoo! Messenger:

"Sáng nay thấy Bush và Bin Laden ngồi uống cà phê Trung Nguyên, hai ông bàn tán một vấn đề gì đó rất rôm rả. Anh bồi bàn rất ngạc nhiên bèn từ tốn lại gần hỏi: ‘Thưa ngài, ngài có phải là G. Bush?’ ‘Ừ đúng, tao là Bush đây!’ ‘Thế mạn phép ngài cho hỏi hai ngài đang bàn tính chuyện gì thế ạ?’ ‘Tao đang bàn với anh Bin đây làm sao khủng bố chết 80.000 dân Việt Nam + con VA.’ Anh bồi bàn sửng sốt hỏi lại: ‘Tại sao lại là con VA vậy?’ Bush quay ra cười sằng sặc với Bin: ‘Ông thấy không, cái bọn Việt Nam này bây giờ nó chỉ quan tâm đến con VA thôi, chứ còn 80.000 dân kia có chết nó cũng mặc kệ.’"


Báo chí lao vào

Chiều thứ Năm, 11/10/2007, mạng Internet sôi lên với những tin nhắn, những chào gọi... về một đoạn video clip xuất hiện trên mạng. Thoạt đầu, nó xuất hiện trên một blog với đoạn phim "phòng the". Đoạn video được quay bằng điện thoại di động.

Sau khi được đưa lên youtube.com ít phút, đoạn video đã bị gỡ bỏ. Nhưng sau đó đã có khá nhiều blogger bình luận và copy tạo ra những đường link mới cũng như post ảnh về sự kiện này. Nhân vật tham gia đoạn phim này có vẻ giống như một diễn viên trong một loạt phim truyền hình được gọi là tương tác hấp dẫn tuổi teen mang tên Nhật ký Vàng Anh. Nhưng chưa có nguồn tin chính thức nào khẳng định.

Thứ Sáu, 12/10/2007, sự kiện bùng nổ như một quả bom khi nó xuất hiện trên một tờ báo in và một vài địa chỉ báo mạng khẳng định: cô diễn viên này đóng phim sex! Thậm chí, một tờ báo mạng chuyên đưa các thông tin của "sao" còn đăng lên một số ảnh copy ra từ đoạn video clip. Tuy nhiên, do những sức ép nào đó từ dư luận chứ không phải từ cơ quan quản lý, tờ báo mạng khai thác những cảnh hở hang đã phải tháo bài xuống.

Những tờ báo được nhiều người đọc như Tiền phong, Tuổi trẻ, Thanh niên,... lập tức mở các diễn đàn. Nhiều tờ báo khác nhảy vào cuộc.

Thứ Bảy, 13/10/2007, báo Tuổi trẻ đưa trong mục "Câu chuyện văn hoá" bài "Chữ ‘người’ trong thế giới ảo!" với kêu gọi: "'Cái thật' của một cộng đồng ‘ảo’ là cái thật mà ở đó nhắc nhở với xã hội rằng hãy là những con người nhân ái nhất, vị tha nhất...". Trong khi đó, báo Thanh niên liên tục đăng những ý kiến phê phán nặng nề và yêu cầu Hoàng Thuỳ Linh phải "xin lỗi". Một ý kiến khác cũng trên tờ này cho rằng hành vi của Hoàng Thuỳ Linh là "sản xuất, tàng trữ" sản phẩm văn hoá đồi truỵ.

Xuất hiện tin đồn Hoàng Thuỳ Linh tự tử và được cấp cứu tại bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội). Nhiều báo lại lao vào cuộc, để đưa đến thông tin rằng Hoàng Thuỳ Linh không tự tử. Các báo ra ngày thứ Bảy và Chủ nhật liên tiếp khai thác vấn đề dựa trên khía cạnh "đạo đức" mà chúng tôi sẽ nhận định ở phần sau.

22 giờ thứ Hai 15/10/2007, VTV3 phát sóng một chương trình tạm gọi là "Chia tay Nhật ký Vàng Anh". Hoàng Thuỳ Linh xuất hiện (cùng toàn bộ ê kíp làm chương trình). Cô khóc, cầu xin dư luận tha cho mình nhưng cô khẳng định: Em không có tội!

Ngay hôm sau, một số tờ báo đưa ra nhận định: chương trình phản cảm! Báo Thanh niên: "Nhiều khán giả hy vọng đây sẽ là chương trình mà người trong cuộc giãi bày, nói tiếng nói chân thực, nhìn nhận nghiêm khắc chính bản thân mình của Thuỳ Linh. Nhưng...".

Thứ Tư, 17/10/2007, báo Tiền phong đưa tin: xuất hiện clip sex mới dài hơn và "nặng" hơn, vẫn của Hoàng Thuỳ Linh. Cũng báo này đưa bài ghi nhận về tình trạng giới trẻ bị kích động tò mò: Các em 15, 16 tuổi, nhiều em chỉ 11, 12 tuổi đều xôn xao đến quán nét gần nhất để truy cập vào một số trang nhằm tìm kiếm những hình ảnh “hot” nhất. Trong đám “tò mò” ấy có không ít em gái, đa phần là nữ sinh viên, nữ sinh phổ thông… Cùng ngày, BBC Việt ngữ đưa bài "'Vàng Anh' sẽ đi tới đâu?". Tác giả Nguyễn Hùng viết: "Tôi cũng đã tự hỏi nếu Thuỳ Linh ở Luân Đôn thì mọi việc sẽ ra sao? Tôi nghĩ cô sẽ không cảm thấy quá cô đơn. Những chuyện như thế này sẽ không phải là cú sốc quá lớn đối với thủ đô của đủ các vụ xcăng-đan trong ngành giải trí".

Thứ Năm 18/10/2007, báo Pháp luật Xã hội đưa thông tin về nhân thân của nhân vật nam trong đoạn video clip. Trước đó, đã xuất hiện những lời đồn đại rằng đây là con trai của một quan chức trong ngành bảo vệ pháp luật, hiện đang đi du học Mỹ.

Báo Tiền phong đưa tin "Công an vào cuộc điều tra vụ phát tán clip sex trên mạng".

Cùng ngày, ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng BKIS, phát biểu trên Thanh niên: "Cần lập số điện thoại khẩn miễn phí (kiểu số điện thoại 113 hiện nay)”. Cũng ông này đề nghị: "Cơ quan chức năng Việt Nam cần đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu như Yahoo, YouTube, Google có những liên hệ chặt chẽ với các cơ quan quản lý tại Việt Nam".

Trên các blog, hiện đang bùng nổ ở Việt Nam và nhiều blogger đã xuất hiện ý thức coi blog là tờ báo cá nhân, cuộc tranh luận cũng rất sôi nổi. Ngoài những blog tục tĩu ở mọi mức độ, có những ý kiến tỏ ra thương cảm, kêu gọi nhân ái để Hoàng Thuỳ Linh còn "vươn lên trong cuộc sống sau này". Có một luồng ý kiến coi toàn bộ chuyện này là nhảm nhí và "xin đừng quan tâm quá thế" "Chán Vàng Anh lắm rồi"... nhưng luồng ý kiến này bị chìm khuất.


Cái "dâm" vỡ đê

Trước đây, đã có những sự kiện tương tự khi ca sĩ H.N., rồi diễn viên Y.V. bị tung ảnh và video clip lên mạng. Ở “vụ Vàng Anh” này, dư luận bùng nổ dữ dội hơn hai lần trước nhiều lần.

Có lẽ, vì Hoàng Thuỳ Linh vào vai Vàng Anh, một nhân vật tuổi teen, nên giới tuổi này - hiện rất đông đảo - quan tâm rất mạnh. Một lý do nữa, đó là tốc độ đường truyền Internet ở Việt Nam đã cao lên khá nhiều so với hai năm trước đây. Số lượng máy vi tính cá nhân tăng lên đáng kể. Cũng phải kể đến blog, thời gian gần đây đã tăng vọt số lượng. Tuy vậy, vào những ngày đầu, mọi đường link đến các trang liên quan gần như nghẽn mạch truy cập. Không có thống kê chính thức nhưng có người nửa đùa nửa thật đánh giá việc lãn công vì Vàng Anh làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng (!).

Ở mọi công sở, vào ngày thứ Sáu 12/10/2007 và kéo dài đến tận thứ Hai 15/10/2007, mọi người gần như sôi lên với việc tìm xem "Vàng Anh". Những kẻ "sành điệu" nhất đã nhanh chóng tải phim và hình ảnh xuống máy tính để xem cho tiện lợi. Việc xem này gần như công khai, ở một số cơ quan, cấp quản lý như trưởng phòng, giám đốc cũng hăng hái xem và bình luận cùng nhân viên.

Những bình luận tục tĩu nhất được dịp tự do phát biểu. Đi kèm với nó là các thái độ:
Ngoài đường phố, thanh, thiếu niên rủ nhau đi xem tại quán net gần như công khai. Nhiều em khi được chủ quán nét nhắc nhở tỏ ra khó chịu, thậm chí bực tức và “phản biện”: “Cái đấy phổ biến rồi mà...” hay: “Càng cấm càng phải xem!" Nhiều em hoang mang, kích động theo thái độ nổi lên của người lớn: Coi là tục tĩu nhưng lại khoái trá bình luận.

Biểu hiện sinh động của tình trạng này là nhiều em học sinh đùa cợt, đưa từ "Vàng Anh" vào những ngữ cảnh mới. Như: Bọn mình "vàng anh" đi (động từ) - Mày là cái đồ "vàng anh" (tính từ) thậm chí: Thế hệ "Vàng Anh" (danh từ).

Có dịp về vùng Chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Tây) và Chùa Trăm Gian (Mỹ Đức, Hà Tây), cách Hà Nội khoảng 30 km, chúng tôi ghi nhận ở nông thôn, nơi Internet vẫn chưa phổ biến, ảnh hưởng của "cơn bão Vàng Anh" có phần ít ỏi. Nhưng chính ở đây, thông qua báo chí, radio... mọi người cũng vẫn khá xôn xao.

Trước tình hình này, nhiều bậc phụ huynh lo ngại. Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, đa số đều không đủ bình tĩnh và tỉnh táo để lý giải có lý có tình cho con hiểu. Họ chủ yếu là cấm đoán bằng mệnh lệnh, nhưng biện pháp này tỏ ra vô hiệu.

Với không khí những ngày đầu tiên khi sự việc mới xảy ra, có thể ghi nhận một hiện tượng: cái "dâm" dưới những biểu hiện thô thiển nhất xâm chiếm xã hội. Nó như một dòng nước lũ, tràn vào sau khi con đê yếu ớt - được xây dựng với một mớ hổ lốn những nguyên tắc cũ kỹ lỗi thời và những nguyên tắc mới chưa kịp định hình - đổ sụp.

Những hình ảnh phòng the của Hoàng Thuỳ Linh khi bị phát tán đã được đón nhận nồng nhiệt, cả ở người căm ghét nó và người thích thú nó. Trong lúc này, còn xuất hiện một loại người đặc biệt: họ thích thú với những hình ảnh gợi dục, nhưng lên án nó. Chính số người loại này có phần áp đảo.

Muốn hiểu hiện tượng này, phải nhìn nhận đôi chút vấn đề tình dục trong tâm thức người Việt hiện nay.

Những chuẩn mực cũ mà nền tảng là Nho giáo vẫn đề cao những giá trị phẩm hạnh của phụ nữ theo kiểu "công dung ngôn hạnh", thậm chí ở một số nơi vẫn còn mong muốn phụ nữ phải "tam tòng". Với đàn ông, dù được nới lỏng hơn, nhưng hình mẫu được cổ xuý vẫn là con người lý trí, nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ chứ không phải con người sống theo tình cảm tự nhiên. Bởi vậy, những quan hệ tình yêu - tình dục ngoài hôn nhân bị lên án mạnh mẽ. Chuẩn mực này, tiếp tục được cổ vũ ồn ào nhưng hời hợt với những phong trào kiểu "đời sống mới". Nhưng, nó vẫn còn sức mạnh, đủ để tạo ra một tình trạng "khát dục" trong cộng đồng.

Tuy vậy, đã có một cuộc cách mạng tình dục như một dòng chảy ngầm nhưng mạnh mẽ, len lỏi trong đời sống xã hội. Lối sống tự do, phóng túng hơn trong tình cảm nói chung và tình dục nói riêng được lớp trẻ hồ hởi đón nhận trong bối cảnh nửa sáng nửa tối, thái độ nửa ngăn chặn, nửa mặc kệ của những người hữu trách.

Chính tình trạng nửa sáng nửa tối này đã gây ra một tâm thế lưỡng phân của đám đông: người ta phẫn nộ nhưng lại mong muốn nó, người ta dè bỉu nhưng lại thích thú với nó. Suốt mấy ngày đầu, dư luận và cả báo chí chỉ bàn về khía cạnh tình dục và những gì xoay quanh nó (nên /không nên, tốt/ xấu, hay/ dở...), rất thiếu những ý kiến nhìn nhận lý tính, sâu sắc hơn vào bản chất sự việc. Rất ít người đặt ra những câu hỏi, chẳng hạn:


Giới hạn của quyền tự do cá nhân ở chỗ nào?

Đó là câu hỏi và là chủ để thảo luận tồn tại trong cộng đồng một số blogger là nhà báo và quan tâm sâu đến báo chí qua vụ việc này.

Có hai quan điểm chính:
Cuộc tranh luận này có lẽ không thể có hồi kết, do ở Việt Nam vấn đề còn quá mới mẻ, pháp luật chưa hoàn thiện để phản ứng trước tình huống này.

Nhưng những gì thực tế đã xảy ra qua vụ này cho thấy một cá nhân có thể bị cộng đồng chà đạp đến thế nào. Nhân danh đạo đức, nhân danh những điều tốt đẹp.

Nếu Hoàng Thuỳ Linh không chịu nổi, và tự tử chết, thì dư luận có chịu trách nhiệm?

Có hai hình ảnh gợi ra.

Một là người đàn bà ngoại tình bị ném đá trong Kinh Thánh. Và câu hỏi nổi tiếng của Đức Chúa: Ai là người hoàn toàn không có tội, hãy bước lên ném đá!

Hai, là một hình ảnh có tính dân tộc hơn, cảnh người ta bắt gian phu dâm phụ và để trần truồng bêu chỗ đông người. Mọi người xúm lại, chửi bới, miệt thị, mỉa mai. Nhưng mọi con mắt đều thoả thuê nhìn vào những chỗ kín bị phơi bày. Và mọi cái đầu đều hừng hực dâm.

Mở đầu bài này, tôi đã dẫn một truyện cười trên mạng, và để kết thúc bài này, tôi cũng xin dẫn một truyện khác, mang đậm phong thái Việt (cũng mới được sáng tác, lưu truyền qua Yahoo! Messenger):

Thông báo gửi tới toàn bộ các trường tiểu học: Do ảnh hưởng của “vụ Vàng Anh" nên chỉ thị cho các trường thay đổi cốt truyện “Tấm Cám”: “Tấm chết đi biến thành chim vàng anh” nay đổi thành "Tấm chết đi biến thành chim vành khuyên" để tránh mang lại những ảnh hưởng tiêu cực tới học sinh. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân.

19-21/10/2007

© 2007 talawas