© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
22.10.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 
Khổng Tử nói rằng Dương Việt chỉ đi tới Cối Kê mà thôi. Phúc Kiến ở ngoài cái vùng đất đó, vì Cối Kê thuộc tỉnh Triết Giang nay thì một câu sử của vài quyển sử Tàu mà ta cóp theo là sai. Họ nói Dương Việt ăn xuống tới Phúc Kiến.

Quyển Trung Việt văn hóa luận tập là sách mới nhứt của Tàu Đài Loan lại còn cho là Dương Việt ăn xuống tới Giao Chỉ, thì còn sai hơn quá xa. Các ông Tàu học sách Tàu không kỹ.

Đã bảo chủ quyền của Tàu đi tới đâu là Kinh Việt và Dương Việt đi tới đó. Mãi cho tới đời Tần Thỉ Hoàng thì hai châu Kinh và Dương mới đi tới Quảng Đông, Phúc Kiến, nhưng chế độ châu đã bị bỏ rồi, không còn châu nào nữa hết và chỉ có quận huyện. Nói chuyện châu là nói về cuối đời nhà Chu, mà đời Chu thì châu Dương chỉ đi tới Cối Kê, như Khổng Tử đã cho biết.

Không thể vì hai cuộc chinh phục của Tần và Hán mà cho lùi châu Dương xuống được, vì với hai cuộc chinh phục đó không còn châu nữa. Khi nói đến châu, người ta phải nghĩ đến chế độ nhà Chu, không sao khác hơn được, mà nhà Chu thì chưa hề xuống khỏi Cối Kê.

Khoa học khắt khe như vậy để tránh ngộ nhận, vì cái câu sử lầm đó khiến cho người ta ngộ nhận Chu đã chinh phục tới Phúc Kiến hoặc tới Việt Nam.

Tóm lại không phải muốn dùng danh từ, danh xưng thế nào cũng được, mặc dầu Phúc Kiến và Việt Nam quả có bị chinh phục, nhưng vào thời khác, mà danh từ “châu” thì lại bắt người ta hiểu rằng vào thời Chu.

Các nước Bách Việt mà Ngô Khởi ký hiệp ước, không có nước Văn Lang trong đó. Sử Tàu không có chỉ rõ nước nào, nhưng ta biết chắc như vậy vì sử Tàu chỉ biết lõm bõm về Văn Lang, nhưng họ lại biết quá rõ Đông Âu, Mân Việt và Tây Âu, biết tên của các vua của ba nước đó đã đành, mà biết cả nội bộ của họ, các cuộc phế tập ở ba nước đó, trong khi họ chỉ bố thí cho Văn Lang có một câu ngắn là câu chuyện Lạc Vương, Lạc Hầu, Lạc Tướng, họ lại chỉ đánh lấy có ba nước ấy về sau, dưới đời Tần Thỉ Hoàng, như ta đã thấy ở chương III, vì Văn Lang thuộc vào một khu vực địa lý khác hẳn khu Ngũ Lĩnh, (địa bàn của ba nước đó). Họ chưa biết rõ gì về Văn Lang hết nên không dám đánh.

Về mặt chủng tộc, ta vẫn cứ là Bách Việt, nhưng về mặt chánh trị và địa lý của Tàu, ta chưa là Bách Việt và chưa được họ biết rõ. Không thể dựa vào mặt chủng tộc mà nói rằng trong các nước Bách Việt đó có ta, như một số nhà học giả đã tưởng vì không phân biệt chủng tộc và chánh trị địa lý. Thí dụ nói rằng dưới thời các chúa Nguyễn ta đánh thắng giặc “Mọi”, đó là sự kiện có thật, nhưng không phải là thắng tất cả các thứ Mọi, mà chỉ thắng vài thứ mà ta được biết mà thôi, mặc dầu tất cả đều là “Mọi” về mặt chủng tộc.

Họ bỏ Lê, Lạc, Bách Bộc, dùng danh xưng Bách Việt, vì thấy rằng có rất đông Việt (chữ Bách, theo Tàu cũng có nghĩa là nhiều là đông, chớ không phải luôn luôn có nghĩa đích xác là một trăm), nhưng lần này thì họ đã phân biệt Bách Việt được bằng cách khác rồi. Bách Việt đã dựng nước thì họ phân biệt đám ấy bằng tên các nước, về mặt chánh trị.

Về mặt chủng tộc, họ phân biệt bằng tự dạng, như đã nói, U Việt, Mân Việt thì viết với tự dạng thứ ba, tức Việt là Vượt, còn Đông Âu và Tây Âu thì trỏ bằng tự dạng thứ nhì, tức Việt bộ Nguyệt mà dân ta gọi là bộ Mễ.

Việt Vượt chỉ chi Lạc.

Việt Mễ chỉ chi Thái.

Nhưng xin nhớ rằng ở giữa Mân Việt và U Việt, có Đông Âu mà chúng tôi cho rằng đó là một nhóm Âu tức Thái đã chọc thủng đất của dân Lạc để tìm đường ra biển, vì lý do kinh tế.

Vì đó là một quốc gia tạm bợ, nên họ chỉ nói đến về mặt chánh trị nhưng lờ đi về mặt chủng tộc, xem địa bàn Lạc, tức địa bàn Việt-Vượt như là liên tục từ Cối Kê đến Phúc Kiến, từ thuở ấy cho đến ngày nay.

Vả lại dấu vết Âu tức Thái ở Bắc Phúc Kiến và Nam Triết Giang không còn gì cả, sự kiện ấy chứng minh rằng nước Đông Âu thành lập nhờ chiếm đất của chi Lạc, nhưng không thọ được bao nhiêu năm đáng kể. Từ Cực Nam Triết Giang tới Phúc Kiến, hiện nay ngôn ngữ cứ là ngôn ngữ Mân, không có ngôn ngữ Âu. Ngày nay ở đó người Tàu nói tiếng Tàu sai y hệt như nhau, không có nơi nào sai giọng theo lối Quảng Đông, tức sai theo chi Âu cả. Sự kiện ấy cho ta biết rõ nước Đông Âu là một quốc gia lỏng lẻo và phù du.

Ba nước Việt mà Ngô Khởi ký hiệp thân hữu là Việt nằm sẵn tại chỗ hay Việt của Sở, Ngô Việt chạy xuống đó rồi lập quốc?

Họ gồm hai thành phần, thành phần nằm sẵn tại chỗ, và thành phần ở trên chạy xuống khi Việt nuốt Ngô, và Sở nuốt Việt.

Quả thật thế, Tàu đã biếi dân Thất Mân trước đó hàng ngàn năm, nhưng chỉ gọi là Thất Mân, chớ không gọi là Mân Việt, là Lạc bộ Mã vì trước đó họ không dè rằng Thất Mân cũng giống các thứ Bộc, các thứ Việt khác.

Tóm lại khi nước U Việt bị diệt, con cháu “tản cư Giang Nam”, là chỉ đi bổ sung cho dân ba nước đó, chớ không phải đi lập quốc ở nơi đó, và họ lập ra quân quốc là lập ra ở các nơi khác như Chàm, Java, mà Tàu chưa biết rõ nên không có nói nhiều, chỉ cho biết sơ sơ về hướng “tản” của Việt Cối Kê mà thôi.

Ở ba nơi, họ chỉ làm dân bổ sung: Đông Âu, Tây Âu và Mân Việt, còn ở các nơi khác mà họ cũng làm dân bổ sung nữa thì Tàu không biết nên không có nói đến: đó là Nhựt Bổn, Việt Nam, Lâm Ấp, Phù Nam. Nhưng không phải là bổ sung cho dân mà bổ sung cho Mã Lai đợt I, tức Lạc bộ Trãi.

Hai tiếng “Con cháu” của sử Tàu, ta phải hiểu là “Con Dân” vì người Tàu xưa hiểu như vậy, chớ không phải là ta tự ý mà hiểu như vậy đâu. Họ thường nói đến sự đồng họ của một quốc gia lớn nghĩa là họ đồng hóa dân và quý tộc về mặt chủng tộc, và tất cả đều được xem là “Con” của vua chúa.

Cho tới đây, ta thấy gì?

Ta thấy địa bàn chi Lạc liên tục từ Bắc đến Nam, cũng như ở chương III, ta thấy địa bàn chi Âu liên tục từ Bắc chí Nam.

Địa bàn Lạc là Sơn Đông, Hà Bắc, Hà Nam, Phúc Kiến. Nhưng Sơn Đông, Hà Nam thì dính nhau còn Hà Nam với Phúc Kiến lại không dính nhau.

Tuy nhiên không dính mà vẫn dính vì thư tịch Trung Hoa chỉ bọn Việt của nước Sở, của Câu Tiễn, của Thất Mân bằng một tự dạng, tự dạng Việt Vượt. Nó chỉ không dính vì danh xưng Lạc không được dùng tới nữa nhưng vẫn dính vì tự dạng Việt thứ ba chỉ bọn Lạc Vượt Hà.

Ta lại thấy điều thứ nhì nữa là địa bàn Lạc luôn luôn khít ranh với địa bàn Âu, đã nói sơ qua rồi ở chương V, Âu và Lạc luôn luôn sát cánh, sát đến nỗi có lần họ hợp làm một (nhóm Lạc Lê bộ Trãi).

Điều thứ ba mà ta thấy được là có một địa bàn Lạc Việt (Cổ Việt Nam) không liên tục với toàn thể. Chi tiết đó chứng minh rằng có một nhóm Lạc nhứt định không hợp tác với Tàu, không để bị đồng hóa, và chạy thoát ra nhiều cả hai địa bàn Âu và Mân, cho xa Tàu, hầu thoát nạn, ít lắm cũng thoát được đến thời Lạc bộ Chuy.

Nhóm Lạc ấy chạy từ đâu xuống lưu vực Hồng Hà, có phải từ Cối Kê như L. Aurousseau nói, hoặc từ Phúc Kiến như Madrolle nói chăng, hoặc chỉ bằng đường biển như khoa khảo tiền sử đã nói? Cả ba kiến giả ấy đều đúng, chỉ phiền là cả ba điều phiến diện. Họ chạy bằng đủ cách, từ khắp nơi của địa bàn Lạc Hoa Bắc và Hoa Nam. Nhưng ở đây chúng tôi nói đến bọn thứ tư, bọn chạy toàn bằng đường bộ từ Hoa Bắc xuống Hoa Nam, rồi từ nước Sở đến Cổ Việt. Bọn này không ai biết rằng có, và chúng tôi cần nói đến họ nhiều hơn vì chính họ mới cho ta thấy tổ tiên ta thuộc đích xác nhóm nào trong các khối Lạc đông vô số kể ấy. Họ là Việt, chi Lạc. Nhưng riêng chi Lạc cũng là một khối quá lớn, chớ đừng nói chi là toàn khối Việt, ta cần biết rõ cái tiểu chi chạy xuống Cổ Việt, chớ không thủ phận biết tổng quát theo khoa khảo tiền sử, và biết phiến diện, theo L. Aurousseau và Madrolle.

Vả lại Madrolle còn vẻ ra được một bộ trình tương đối rõ ràng còn L. Aurousseau thì chỉ nói tắt, vì chỉ được có một câu của Chavannes gợi ý.

Dầu sao cả hai bọn đều là Mã Lai, và có địa bàn thứ nhứt rồi thứ nhì tại Hoa Bắc rồi Hoa Nam, địa bàn phát tích là Tây Tạng.

Tư Mã Thiên có hai câu sử đáng được chú ý:
  1. Dân Việt nước Sở họ Mị, dân Việt nước Việt (Cối Kê) họ Tự.

  2. Dân Âu Lạc mang họ Mị.
Thế là bọn đợt II từ nước Sở đi thẳng xuống đây, chớ không phải từ Cối Kê như L. Aurousseau đã giả thuyết và từ Phúc Kiến như Madrolle đã nói, có lẽ bọn Cối Kê, bọn Phúc Kiến cũng có mặt trong đám di cư, nhưng đa số chạy từ nước Sở và bọn Cối Kê và Phúc Kiến, chỉ mới tới sau, còn bọn nước Sở thì tới trước, vì khi Sở thành lập, hẳn phải có một nhóm Việt bất khuất, không hợp tác chạy đi, trong khi Ngô và U Việt, Mân Việt chưa bị diệt quốc.

Cũng nên biết rằng trước Tây lịch, tất cả Mã Lai Nam Dương đều theo mẫu hệ, mà họ là Lạc Hoa Nam thì dân họ Mị này cũng là dân theo mẫu hệ. Mị là chữ nho, được các nhà nho ta đọc như thế, nhưng Tàu đọc khác, Tàu đọc là Mế. Nhưng Việt đọc thế nào? Việt đây là Việt thời xưa ở nước Sở chớ không phải Việt Nam thời nay.

Dấu sắc của Quan Thoại, biến thành dấu nặng của ta. Thí dụ họ Mạch Quan Thoại đọc là Mớ, họ Mạc Quan Thoại đọc là , họ Lạc Quan Thoại đọc là họ , họ Diệp Quan Thoại đọc là họ , họ Lục Quan Thoại đọc là họ Lúa, họ Tạ Quan Thoại đọc là họ . Như vậy Mế của họ là Mệ của ta.

Thế thì ăn khớp với truyền thuyết ta, cho rằng tất cả con gái của Hùng Vương đều gọi là Mệ nàng.

Chúng tôi đã nói rằng vua Hùng Vương thuộc đợt I, còn bọn họ Mị thuộc đợt II thì làm thế nào con của vua Hùng Vương lại mang họ của đợt II được. Nhưng truyền thuyết Mường lại kể rằng họ thường gả con gái cho vua Hùng Vương. Mà vì họ theo mẫu hệ (mà có lẽ Hùng Vương cũng theo mẫu hệ) nên con gái theo họ mẹ. Chắc không phải đời Hùng Vương nào cũng lấy vợ trong đám bổ sung, nhưng truyền thuyết thường hay tổng quát hóa chuyện xảy ra có vài lần mà họ nói y như là nó xảy ra hoài hoài.

Trong hai câu sử của Tư Mã Thiên, chữ Tánh, nên hiểu là thị tộc (clan) chớ không có lý nào mà người của cả một nước đều mang chung một họ và sự kiện đó ăn khớp với truyền thuyết của ta, truyền thuyết ấy kể rằng bất kỳ người con gái của vua Hùng Vương nào cũng mang tên là Mệ Nàng cả.

Và thuở đó ta theo mẫu hệ và có bằng chứng đích xác là ta theo mẫu hệ, chớ không phải là đoán mò, như có người đã lên án những ai nói đến mẫu hệ Lạc Việt và chỉ có con gái mới được mang tên của thị tộc chớ không phải con trai.

L. Aurousseau không có vẽ ra được một lộ trình nào hết của cuộc Nam thiên của dân Việt, mà ông còn lại ức đoán ngược với sử thành văn Tàu. Sử Tàu cho biết dân Việt của Câu Tiễn đi xuống đất Dung, quê hương của Dương Quý Phi, ngày nay vẫn cứ ở trong lãnh thổ Trung Hoa.

Vài học giả là sử gia Âu Mỹ và Việt đều tỏ ý nghi ngờ những cuộc thiên di xa xôi như vậy lại có thể thực hiện được. Nhưng được hay không, thì ta đã thấy ở chương trước.

Còn tại sao họ lại phải đi quá xa như vậy là vì dọc đường, nơi nào họ cũng gặp đất có chủ, nên họ cứ phải đi hoài, kỳ cho tới một chỗ hoang vu, hoặc một chỗ dân còn cổ sơ, còn sống về săn câu, bỏ đất không, họ mới định cư được. Đó là trường hợp của tổ tiên, đợt đầu họ gặp tại lưu vực Nhị Hà cái thứ dân Mê-la-nê-diêng chưa biết trồng trọt đó mà khoa khảo cổ đã chứng minh.

Riêng đợt II thì lại gặp đồng chủng lưa thưa ở Cổ Việt chưa đông đảo, chưa hùng mạnh như ở Đông Âu, Mân Việt và Tây Âu nên họ được chủ đất chấp nhận để bổ sung dân số.

Chính nhà học giả C.L. Madrolle đã công kích ông L. Aurousseau bằng những luận điệu đó mà sử gia Nguyễn Phương trích lại để đánh đổ thuyết thiên di. C. L. Madrolle còn nói thêm những việc chống cự của tù trưởng các xứ mà bọn thiên di đã đi qua.

Ông không biết rằng Tây Âu, Mân Việt và Lạc đồng chủng, sử Tàu và khoa chủng tộc học đã nói như vậy chớ không phải chỉ là lời bịa của chúng tôi. Họ lại dựng nước có tổ chức mạnh mẽ, chớ không còn là tù trưởng dã man. Vua Trạch Hu Tống hay ông cha của Trạch Hu Tống không sao mà không thương xót người đồng chủng, đồng ngôn, trên bước phiêu linh, tiếc đến cả việc cho mượn đường chạy trốn.

Người xưa chỉ chống bọn xâm nhập khi nào sợ bọn ấy, mà họ chỉ sợ trong hai trường hợp: bị đánh hoặc không biết mục đích. Thuở ấy các nhóm Việt đều biết mục đích của Bộc Việt là mượn đường di cư, thì họ không sợ và không ngăn chống.

Sử gia Nguyễn Phương trích lại lời công kích của C. L. Madrolle và thêm rằng tại sao dân Việt (Cối Kê) bại trận chết nhiều lại có thể sanh sôi nảy nở trên một khoảng đất dài hàng ngàn cây số.

Nhưng sanh nở trên hằng ngàn cây số hồi nào đâu chớ? Họ chỉ đi qua mà thôi, chớ không có ở lại dọc đường. Sử gia Nguyễn Phương không biết rằng ba quốc gia Đông Âu, Mân Việt và Tây Âu đã hùng cường rồi, và không có đọc kỹ Xuân Thu, ngỡ đó là ba nơi hoang dã.

Sử gia Nguyễn Phương lại hỏi tại sao dân Việt lại chịu được phong thổ độc mà lính Tàu đã phải chết hơn phân nửa?

Câu hỏi này thật là kỳ dị? Là tại họ là dân Việt, ở Hoa Nam nên quen với khí hậu bán nhiệt đới, còn lính Tàu là người ở Hoa Bắc. Mà chính vì thế mà cái thuyết ta là Tàu di cư của Nguyễn Phương sai.

Sử gia cứ mâu thuẫn với mình mãi, phủ nhận rằng Việt không chịu đựng được khí hậu Việt, nhưng quả quyết rằng Tàu chịu được khí hậu Việt nên di cư xuống đông đảo.

Sử gia lại bác bỏ L. Aurousseau: tại sao mới di cư có một trăm năm mà tổ chức được chặt chẽ thành một nước Văn Lang?

Sử gia Nguyễn Phương khi dùng phê bình của C. L. Madrolle quên mất rằng khi một đám lưu dân văn minh tới một nơi nào thì họ chỉ cần có một năm là tái lập được nền văn minh của họ, bằng chứng là lưu dân nhà Minh tại Biên Hòa. Đó là tái lập chớ nào phải sáng tạo đâu mà đòi hỏi nhiều thời gian.

Vả lại khoa khảo tiền sử đã cho biết rằng họ là bọn Mã Lai lưỡi rìu hình chữ nhựt và khi họ tới nơi thì đã có Mã Lai lưỡi rìu tay cầm, tổ chức xong rồi trước họ 2.500 năm.

Bọn trước đón tiếp bọn sau để bổ sung dân số và kiện toàn văn minh.

Thấy rõ là khoa khảo tiền sử quan trọng số 1, không có 2 thứ lưỡi rìu nằm ở hai tầng đất khác nhau, cạnh hai sọ đồng tánh cách, thì không sử liệu nào soi sáng điểm này được cả. Sử gia Nguyễn Phương không biết có 2 đợt Mã Lai nên mới cự thiên hạ bằng luận cứ đó.

Thuyết của chúng tôi khác thuyết của L. A. nhưng những luận cứ bác bỏ thuyết của L. A. cũng dùng được với luận cứ bác bỏ thuyết của chúng tôi, nên chúng tôi tự binh vực bằng cách binh vực L. Aurousseau vậy.

Nhưng còn dây liên hệ nào khác hơn tiết lộ của Tư Mã Thiên hay không? Còn nhiều lắm.
  1. Dân Bộc Việt ở nước Sở có trống đồng (Lăng Thuần Thanh).

  2. Dân Lạc Việt Đông Sơn có trống đồng (Khảo cổ Âu Mỹ, Việt).
Ta lại nghiên cứu hai bài thơ Thiệp Giang của Khuất Nguyên và Chiêu hồn của Tống Ngọc.

Dưới thời Khuất Nguyên và Tống Ngọc, thì nước Sở đã bành trướng ra quá lớn bởi nó đã nuốt cả U Việt và Ngô rồi, và đóng đô tại Thọ Xuân, thuộc tỉnh An Huy ngày nay.

Bộc Việt không bị đẩy lui về hướng chánh Nam của Sở vì đó là địa bàn của chi Thái mà chúng tôi nói rõ ở một chương trước. Bộc Việt chỉ đi về hướng Đông Nam.

Nói rõ hơn, Nam Hồ Nam và Quảng Tây, Quảng Đông là đất của Tây Âu, đó là sự kiện biết chắc do một bức dư đồ được trình bày ở chương Chủng Thái và nước Tây Âu. Còn Triết Giang và Phúc Kiến mới là đất của chi Lạc. Đó là không kể Giang Tô, địa bàn của nước Ngô, cũng là đất Lạc, nhưng đã bị mất rồi vào tay Sở.

Thế nghĩa là nếu có một bọn Lạc bất khuất thì bọn ấy bị họ đẩy lùi về phương Đông Nam của Thọ Xuân chớ không phải phương chánh Nam.

Lúc bị truy kích, Khuất Nguyên đi về phương Nam, nhưng phương Nam ấy là ở đâu?

Bài Thiệp Giang rất là chính xác về địa lý. Ông cho biết ông vượt sông Tương rồi đi ngựa trên một lộ trình nữa thì gặp sông Nguyên. Sông Nguyên ở phía Tây sông Tương, trong tỉnh Hồ Nam. Vậy là ông khởi hành ở phía Đông, tức tại kinh đô Thọ Xuân là kinh đô cuối cùng của nước Sở và đi về phía Tây của Thọ Xuân. Khuất Nguyên lại nói đến những nơi chốn: Uổng Chữ, Thần Thang, v.v.

Thế, đất trích của Khuất Nguyên là Tây Nam Hồ Nam ngang tỉnh Quảng Tây về kinh tuyến, kinh tuyến 111, vĩ tuyến 28 tức cứ còn ở trung bộ tỉnh Hồ Nam ngày nay.

Khuất Nguyên không có tả man di ở Tây Nam Thọ Xuân mà ông cho biết rằng ông có gặp nhưng ta cũng biết được rằng man di đó khác man di mà Tống Ngọc nói đến, vì ta biết đích xác rằng trung bộ Hồ Nam là đất của chi Âu tức Thái.

Tống Ngọc là nhà thơ miêu tả đầu tiên trong văn chương Trung Hoa. Người Hoa Bắc vì điều kiện đất đai và khí hậu, lòng dạ khô cằn y như dải đất mà trên đó họ sống, văn thơ của họ là sản phẩm của lý trí. Sinh sống ở phương Nam được hai ngàn năm rồi thì đất đai khí hậu và phong cảnh ở đó mới tạo cho họ một tâm hồn duy mỹ biết thưởng thức và ca ngợi cái đẹp và kẻ đầu tiên ca ngợi cái đẹp ấy là Tống Ngọc.

Trong bài Chiêu hồn, Tống Ngọc không có dịp ca ngợi vẻ đẹp nào hết như trong các bài thơ khác, nhưng ông còn dịp miêu tả. Nghiên cứu bài Chiêu hồn, Ghéquier trong “Văn học sử Trung Hoa” cho rằng Tống Ngọc chiêu hồn một ông vua. Nhưng không phải thế. Tống Ngọc chỉ làm bài thơ đó cho vui và để có dịp tả các thứ dân sống quanh nước Trung Hoa thời ấy; nhứt là dân phương Đông Nam Thọ Xuân mà chỉ có người của nước Sở biết rõ mà thôi, còn người Trung Nguyên thì không. Đây, bài thơ Chiêu hồn:


Chiêu hồn

Hồn, hỡi hồn, về đây, đừng đi ra bể Đông
Ở đó, hàng chục mặt trời, làm chảy đá, chảy loại kim.
Hồn sẽ tiêu tan thành nước, đừng tin cậy vùng đó.
Hồn, hỡi hồn, về đây, đừng đi về hướng Tây.
Cát mềm ngàn dặm, sa mạc minh mông,
Ngũ cốc không mọc, sông hồ cạn queo,
Hồn sẽ bị đốt cháy khô nên tránh hướng đó.
Hồn, hỡi hồn, về đây, đừng đi lên miền Bắc,
Băng giá cao như núi, tuyết phủ ngàn dặm.
Hồn, hỡi hồn, về đây, đừng xuống phương Nam,
Đó là xứ rắn, mãng xà khổng lồ,
Bọn xâm trán, bọn đen răng sẽ mần thịt
Hồn để cúng tế, nấu xương hồn mà làm canh.

Trước hết, ta không nên ghê tởm về cái chuyện mần thịt để cúng tế, rồi vội phủ nhận rằng họ không phải là tổ tiên ta. Nếu có bằng chứng rằng họ là tổ tiên ta thì họ có dã man bao nhiêu, ta vẫn phải nhận, vì tinh thần khoa học.

Gì chớ dã man theo lối đó thì chính người Tàu thời đó cũng dã man.

Chúng tôi có bằng chứng đích xác rằng vào thời ấy người Tàu vẫn giết người để tế thần, tục ấy bị bỏ, nhưng tới đời nhà Chu mà thỉnh thoảng họ còn tái diễn trở lại. Đời Tần, dân chúng cũng còn ăn thịt người (ăn thịt Thương Ưởng).

Chuyện Tống Tương Công muốn thay Tề Hườn Công làm minh chủ (chuyện này trước Tống Ngọc có lối 100 năm) bèn họp chư hầu. Trong các chư hầu có Tử tước nước Tăng đến trễ hai ngày, Tống Tương Công bèn hài tội và ra lịnh làm thịt để tế thần sông Thơ (tỉnh Sơn Đông) là thần của rợ Đông Di, rồi mời các tù trưởng rợ Đông Di đến để cúng tế, thì các tù trưởng ấy lại không thèm đến.

Sử liệu này chứng tỏ rằng vào thời Chiến quốc các nhóm Việt đã bắt đầu bỏ tục mần thịt người để tế thần, mà trái lại chính người Tàu lại làm, mà không phải là bắt chước rợ đâu, mà là hành động theo một thói xưa mà di tích còn chảy trong huyết mạch của họ.

Sau đó Sở Thành Vương bắt tội Tống Tương Công về cái điểm định dùng người thay cho thú vật để làm lễ tế thần. Nhưng buồn cười thay, chính một ông vua Sở, cũng là người Tàu, Sở Văn Vương, sau chiến tranh với nước Thái bắt được chúa nước Thái đem về thì rồi cũng định mần thịt Thái chúa để tế nhà Thái miếu.

Cả hai người, Tống Tương Công và Sở Văn Vương đều là người Tàu chớ không phải là “man di” chút nào, Sở Văn Vương cai trị dân man di rất đông thì còn có thể cho là ông ấy bị ảnh hưởng của ngoại giới, chớ như Tống Tương Công thì không hề trị “man di” lần nào hết thì rõ ràng là người Tàu còn nhớ thói cũ, mà thói ấy thì chắc chỉ được bỏ không lâu.

Họ có danh từ “Huyết nhục”. Danh từ ấy chỉ trỏ một con vật bị hy sinh trước bàn thờ thần, máu chảy ròng ròng. Nhưng đó là dấu vết của tục cũ hơn mà con vật đó là con người, là kẻ thù hoặc một tên nô lệ.

Khoa dân tộc học đã bắt được bằng chứng “Huyết nhục” là tàng tích của sự tế người, nơi xã hội Chàm. Khi họ giết trâu để tế thần thì họ khấn vái theo cổ thời, mà nghe lời khấn thì ai cũng hiểu rằng kẻ bị giết, không phải là con trâu mà là con người.

Địa lý của Tống Ngọc thật là huyền hoặc ở hướng Đông, nói theo huyền thoại Hậu Nghệ, nhưng rất rõ ở ba hướng kia. Hướng Bắc chỉ Ngoại Mông và Tây Bá Lợi Á, hướng Tây chỉ sa mạc Tân Cương, và hướng Nam thì chỉ một thứ dân xâm trán và nhuộm răng đen.

Bài thơ Chiêu hồn chỉ là một thi phẩm, nhưng nó lại là một tài liệu sử địa vô cùng quan trọng. Các cổ thư Trung Hoa tả người Việt xâm mình (Văn thân) nhưng Tống Ngọc lại tả họ xâm trán (Điệu Đề).

Chi tiết đó giúp ta theo dõi được họ trong không gian và thời gian, và chúng tôi đã chỉ đích danh được dân nào hiện nay (1970) còn xâm trán, nhuộm răng đen và nhứt là nói một thứ tiếng Việt Nam rất là cổ sơ.

Đây là biệt sắc thứ sáu mà chúng tôi cho biết ở một chương trước rằng chỉ sẽ tiết lộ ở một chương sau.

Có nhiều thứ dân Việt trong dòng Bách Việt, nhưng chúng tôi chỉ theo dõi có thứ người mà Tống Ngọc đã nói đến, bởi không phải tất cả nhóm Việt nào cũng Nam thiên, và trong các nhóm Nam thiên có xâm mình, cũng chỉ có một nhóm độc nhứt là xâm trán trong khi các nhóm khác xâm mình.

Và chúng tôi bám sát nhóm mà Tống Ngọc ám chỉ vì chúng tôi tìm ra dấu vết họ ngày nay tại Đông Dương. Sự kiện xâm trán và nhuộm răng tuy là chứng tích đáng kể, nhưng chứng tích mạnh mẽ nhứt như đã nói, là họ dùng ngôn ngữ Việt tối cổ mà người ta mới khám phá ra đây thôi.

Và giữa người xâm trán của Tống Ngọc và người ngày nay còn nhiều cái khoen nối kết nữa cho thấy sợi dây xích Việt đó không có bị đứt đoạn.

Sở đã dời đô tới Thọ Xuân, thuộc tỉnh An Huy, và bọn Lạc Điêu Đề mà Tống Ngọc nói đến, phải lùi về Nam An Huy, có lẽ dưới đời vua Sở Chiêu Liệt Vương vào năm 300 T.K. năm mà kinh đô của Sở được dời xuống Thọ Xuân (An Huy) chăng?

Không. Người ta không bao giờ dời đô đến giữa đất “man di”. Thọ Xuân phải là một thành phố mà người Tàu đã ở đông đảo từ lâu đời lắm rồi. Thế thì sự kiện tổ tiên ta thiên di trước đó, trước năm 300, phù hợp với sự kiện Hoa hóa của Thọ Xuân vào năm 300 T.K. Bọn Lạc Điều Đề chạy về phương Nam của Thọ Xuân, tức phương Nam của tỉnh An Huy ngày nay, trước năm 300 T.K. rất lâu, vì Thọ Xuân đã bị Hoa hóa rồi vào năm 300 đó.

Tại sao họ không chạy ra Giang Tô hay Triết Giang ở phương Đông? Vì nơi ấy đã có chủ rồi, nước Ngô và nước Việt hai nước này đã bị diệt hay chưa vào năm 350 hoặc 400 chẳng hạn thì ta không cần phải kiểm soát lại vì:

a. Nếu họ chưa bị diệt, và mặc dầu họ cũng là Việt, họ vẫn không cho quá đông khách vào xứ họ.

b. Nếu họ bị diệt rồi thì đó là đất của Sở tức của kẻ thù, không lùi vào được. Họ chỉ còn có một con đường độc nhứt là phương Nam của Thọ Xuân. Cái phương Nam của Thọ Xuân, bất hạnh thay, lại là tỉnh Giang Tây!

Đất của tỉnh Giang Tây là đất thó, tức đất sét trắng, một ngàn năm sau, Giang Tây sẽ nổi danh khắp thế giới về công nghệ đồ sứ, nhưng bọn Bộc Việt chỉ biết làm ruộng để ăn cơm, phải chết đói nơi đó, nếu dừng chơn quá lâu năm tại đó. Vì thế mà rồi tuy Giang Tây là đất không chủ, Bộc Việt lại phải Nam thiên nữa, trên đường vạn lý trường chinh. Có lẽ chính nhờ hoàn cảnh khốn đốn đó nên nó trui rèn tâm chí ta mà tổ tiên ta về sau mới chống được với Trung Hoa, trong khi bao nhiêu nhóm Việt khác đều bị tiêu diệt cả.

Dân Do Thái và dân Nhựt Bổn giỏi, không phải vì trời sanh họ ra là họ đã có tài rồi, mà chính vì họ quá khốn đốn, đó là do chính miệng người Do Thái và người Nhựt giải thích chớ không phải ta. Trên thế giới từ cổ chí kim, không có thuộc địa nào của Trung Hoa mà thoát ách được cả, chỉ trừ Việt Nam và Đại Hàn mà thôi.

Tại sao Bộc Việt lại không ghé Phúc Kiến? Vì đó là địa bàn của Thất Mân, tuy cùng một chi Lạc, nhưng đất ấy cũng đã có chủ. Nhưng đi qua khỏi Phúc Kiến rồi, họ cũng không ghé Quảng Đông được vì đó là đất của chi Thái, như ta đã thấy, mà nước Tây Âu lại quá đông dân, nhứt là sau khi đã thâu nạp cộng đồng Ba Thục, và các nhóm Lê từ trên chạy xuống đó.

Chỉ còn lưu vực sông Hồng Hà là dân Mã Lai lưỡi rìu tay cầm còn quá thưa, là dung nạp họ mà thôi.

Chúng tôi nói đến lộ trình Sở – Hồng Hà, trước khi trình đủ các dây liên hệ, vì tiện việc khi nghiên cứu về vị trí của Thọ Xuân nơi mà Tống Ngọc làm bài thơ Chiêu hồn. Thế nên giờ xin trình bày một dây liên hệ khác giữa Lạc Sở và Lạc Nhị Hà.

Biệt sắc thứ sáu là sự kiện Điêu đề, rất cần cho chương sau nên chúng tôi để biệt sắc ấy ở chương sau, trong khi đáng lý gì phải trình cả hai cái khoen nối kết Lạc Sở và Lạc Hồng Hà ở đây là Điêu đề và tôn giáo.

Từ nãy tới giờ chúng tôi gọi họ là tổ tiên ta, lại cho rằng họ từ Hoa Nam di cư xuống, còn ở các chương khác, chúng tôi lại chứng minh rằng Mã Lai Hoa Nam chỉ là dân bổ sung chớ không phải tổ tiên ta có người cho rằng mâu thuẫn. Nhưng không có mâu thuẫn. Xin nhắc rằng đây là nhóm Bộc Việt tức gốc Lạc Việt Bách Bộc ở Hoa Bắc, họ khác hẳn các nhóm Lạc Hoa Nam, mặc dầu tất cả đều sẽ đến Cổ Việt hết thảy. Chúng tôi theo dõi nhóm này là vì thế, bởi không thể theo dõi Lạc bộ Trãi đi bằng đường biển thì tạm theo dõi Lạc bộ Trãi đi bộ vậy.

Sợi dây liên hệ mà chúng tôi trình ra đây là sợi dây thứ nhì, đó là tôn giáo đồng bóng của Bộc Việt và Lạc Việt.

Bách Việt giống nhau, nên ta cần thu hẹp những đặc thù của họ, mới truy ra đúng nhóm nào là tổ tiên của Lạc Việt, không thôi ta sẽ đi lạc mất trong khối Bách Việt minh mông.

Giữa Bộc Việt và Lạc Việt, chúng tôi tìm thấy được thêm một tương đồng nữa là tôn giáo đồng bóng, và sự thờ mặt trời.

Ngày nay thì dân tộc nào ở Đông Nam Á cũng có đồng bóng hết. Nhưng đồng bóng của Lạc Việt và của Bộc Việt có vài đặc điểm khác đồng bóng các dân tộc khác. Đồng bóng Bộc Việt là đồng bóng nguyên thỉ, không dân tộc nào theo đúng hết chỉ trừ Lạc Việt. Thế thì đó là một tương đồng rất là quan trọng rồi vậy, chớ không còn là sự vay mượn lai căng như nơi các dân khác.

Cũng nên biết rằng riêng lấy nó, đồng bóng không phải là một tôn giáo. Nó chỉ là việc tế lễ của tôn giáo thờ trời, và các bà đồng là một thứ cán bộ của tôn giáo đó, hơn thế là một thứ nữ tăng chức của tôn giáo đó.

Dân Bộc Việt thờ trời và thuyết của Lăng Thuần Thanh về thiên Đông Quân trong Cửu Ca, rất đúng.

Năm 1960, đã khai quật được ở Đào Thịnh (Yên Bái – Lào Kai) một bình đồng lạ lắm. Về mặt mỹ thuật, bình này đẹp hơn các trống đồng. Nắp bình cũng khắc hình mặt trời và chim, ở hông bình cũng có thuyền, tóm lại vật ấy thuộc nền văn minh gọi là Đông Sơn.

Và những gì liên thuộc về bình đồng Đào Thịnh đều dính líu với Bộc Việt, tức một thứ Việt khác Việt Hoa Nam, Việt gốc sông Bộc tức Mã Lai gốc Hoa Bắc.

Trên nắp của cái bình đó có bốn vật rất lạ mà các đồ vật khác của nền văn minh Đông Sơn, không món nào có cả. Đó là bốn cặp bình rời (ronde bosse) tượng hình bốn đôi nam, nữ đang giao hợp với nhau.

Trong quyển “Introduction à l’art ancien du V.N.”, tác giả, ông Trần Văn Tốt, cho đó là một “chủ đề hoàn hảo về phiền thực” (parfait thème de fécondité). Chủ đề ở đây là chủ đề tôn giáo. Nhưng chúng tôi lại thấy khác, khi đọc được bản nghiên cứu của ông H. Maspéro về bài thơ Cửu Ca trong tập Sở từ.

Ông H. Maspéro nghiên cứu Cửu Ca vì mục đích khác, chớ không đồng mục đích với Lăng Thuần Thanh. Còn chúng tôi dựa vào bài nghiên cứu ấy vì mục đích khác nữa. Hóa ra bài thơ Cửu Ca, dùng được cho cả ba cuộc nghiên cứu khác nhau (thế mà bài ấy chưa được dịch ra Việt ngữ trong khi các bài Sở từ khác lại được dịch nhiều lần, do nhiều dịch giả khác nhau).

Cửu Ca là một bài giả tế ca (semblant de chant lithurgique) cũng như Chiêu hồn là một bản chiêu hồn giả, cả hai bài đều chỉ được sáng tác để chơi vậy thôi, chớ không phải là tế ca thật sự. Lời thơ kêu gọi thần linh, y như là chủ bái kêu gọi, nhưng nó chỉ là lời thơ, vì nó có tả cảnh. Chủ bài thật sự không tả cảnh trong lời khấn vái bao giờ. Đó là chi tiết không ai thấy.

Chúng tôi không có bản Sở từ nào trong tay hết và dưới đây là lượm lặt những phân tách của Granet, Chavannes và nhứt là của H. Maspéro. Những vị này phân tách Cửu Ca vì mục đích khác chớ không phải để dùng làm chứng tích như Lăng Thuần Thanh hay như chúng tôi, nên hóa ra cuộc phân tách của họ có tánh cách khách quan tuyệt đối, đối với luận cứ của chúng tôi. Chúng tôi có thể phân tách cho nó nghiêng ngả theo ý mình muốn nhưng quý vị trên đây làm sao biết được về sau chúng tôi muốn gì về thổ dân của nước Sở, để mà phục vụ chúng tôi.

Cửu Ca gồm 11 bài tất cả, nhưng các nhà nho Tây trên không cho biết các ông nghiên cứu riêng bài nào và có lẽ là nghiên cứu chung cả 11 bài, khác với Lăng Thuần Thanh chỉ nghiên cứu riêng bài Đông Quân, chú mục ca ngợi thần mặt trời trong đó, ca ngợi ấy ăn khớp với hình mặt trời của trống Đông Sơn. Ba nhà nho Pháp nói trên có cho biết thêm nhiều chi tiết khác nữa.

Tác giả Cửu Ca tả các bà đồng ăn mặc rực rỡ như các vị thánh mà các bà chầu mời (Thần Mưa, Gió, Mây, Núi, Sông, Mặt trời, v.v.), y phục các thần thánh cũng được tả, rồi các bà múa theo nhịp trống kèn càng lúc càng quay cuồng. Lời Chầu mời tỏ lòng tưởng nhớ các thánh thần đó, nhưng không có hạ mình trước các thánh thần, chỉ coi các thánh thần là bầu bạn mà thôi. Các bà nhại các chuyến đi đến nơi ngự của thánh thần bằng những cuộc múa vũ. Và lời tỏ lòng tưởng nhớ bắt ta nghĩ đến tình yêu hơn là lòng thành khẩn đối với thánh thần.

Các bà vừa múa vừa kêu gọi thánh thần như vậy cho đến khi các bà lả người, ngã xuống là lúc các bà đã đến nơi rồi. Các bà bèn có những cử chỉ, những lời lẽ mời thánh thần giao hợp với các bà. Có như thế, những gì các bà nói, mới chắc chắn là lời thánh nói, bởi sự giao hợp có giá trị như là nhất hóa hai nhân cách (Union de deux personnalités à tous lé points de vue).

Thì ra, đó là thơ tả một hoặc các buổi lên đồng chớ không có gì lạ cả. Tuy nhiên chỉ những người ở trong một xã hội có việc lên đồng mới là hiểu được những bài thơ đó, những người nước khác thì không, thí dụ người Hoa Bắc thì mù tịt.

Việc lên đồng trong xã hội Việt Nam, không thấy có cái pha gay cấn cuối cùng đó, vì các bà đồng ta về sau theo lễ giáo Khổng Mạnh, nên phải bỏ đi, nhưng xưa thì có.

Ông H. Maspéro cho biết rằng trong xã hội Giarai các bà đồng vẫn còn mời thánh giao hợp với các bà, mà cứ theo nghiên cứu ngôn ngữ của nhà ngôn ngữ học Cabaton thì người Giarai là người Mã Lai thuần chủng nhứt ở Đông Nam Á vì ngôn ngữ của họ không có mang lấy một danh từ Phạn hay Á Rập nào hết như ngôn ngữ Chàm, Phi Luật Tân, hay Anh-đô-nê-xia. Và theo chúng tôi nghiên cứu ở chương ngôn ngữ thì Giarai thuộc đợt hỗn hợp, tức y như Việt Nam.

Đồng bóng trong Cửu Ca vẫn có nam thánh và nữ thánh như đồng bóng của ta ngày nay, nhưng ở nước Sở và ở xứ ta, Tam Phủ hay Tứ Phủ gì cũng Trời là tối cao.

Bốn tượng đồng ấy không thể nào mà không tượng trưng cho việc mời thánh giao hợp với bà đồng.

Hơn thế, hai chiếc thuyền trên bình đồng Đào Thịnh cũng khác lạ hơn thuyền ở trống đồng. Hai thuyền này chiếc sau chạm mũi vào lái của chiếc trước, nhưng được hai vật gắn ở mũi và lái của hai chiếc làm trái độn. Hai con vật này đụng chạm nhau trong cái dáng giao hợp của loài bò sát mà có chơn. Chỉ trong có một cái bình mà có đến hai loại hình giao hợp thì quả đó là việc vô cùng quan trọng của tôn giáo ấy (đồng bóng). Chỉ có giao hợp với Thánh, lời của các bà đồng bóng mới là lời thiêng, bằng không các bà sẽ chỉ là người đàn bà thường như bất kỳ ai.

Ngày nay không ai nhận đồng bóng là một tôn giáo nhưng nó vẫn cứ là tôn giáo như thường, vào cổ thời, không thể chối cãi được.

Hồi tiền chiến, người Pháp ở Hà Nội, quan cai trị Virgitti đã có thử cấm đồng bóng, nhưng đồng bóng đã tranh đấu, thách đố chánh quyền Pháp chứng minh rằng họ không phải là tôn giáo. Người Pháp không chứng minh được, nên rồi lịnh cấm bị bãi bỏ.

Đó là tôn giáo của dân Việt, ít ra cũng của nhóm Bộc Việt ở nước Sở, tồn tại vào thời Chiến quốc, chớ không phải là tôn giáo của Trung Hoa.

Trong Nho giáo, Trần Trọng Kim nói rằng vào cổ thời, Trung Hoa có bà đồng Vu và ông đồng Hích, đành thế, nhưng chắc những sách mà Trần Trọng Kim tham khảo, hiểu quốc gia Trung Hoa như dưới đời Tần, tức là có nước Sở trong đó. Hiểu như vậy và nói như vậy là đúng. Nhưng hiểu rạch ròi hơn thì cái thứ tôn giáo cổ sơ mà bà đồng là cán bộ ấy, bắt nguồn tại nước Sở, thuở xưa hơn, thuở còn biệt lập với Trung Hoa. Mà người nước Sở tức người Trung Hoa thuần chủng hay lai với chủng Việt ở đó, cũng bắt chước thổ dân để lễ tế theo lối bà đồng thôi, chớ họ cũng không có phát minh ra thứ tôn giáo ấy. Không có văn kiện Hoa Bắc nào tả việc lên đồng cả mà chỉ có Sở từ mà thôi.

Bằng chứng rằng người Trung Hoa không có phát minh ra tôn giáo lên đồng được thoáng thấy ở sự kiện trào đại nhà Chu cấm đoán đồng bóng mãi mà không được, nên bắt buộc phải đặt quan Tư Vu để kiểm soát và chế ngự bớt bọn đồng bóng (Theo sách Chu Lễ).

Thời cổ, tất cả các trào đại Trung Hoa đều noi theo tiền nhơn, tiền hiền, nhà Chu thì kính cổ nhứt. Nếu đồng bóng do tiền nhơn Trung Hoa phát minh ra, thì nhà Chu chắc chắn là không cấm đoán.

Không có trào đại Trung Hoa nào mà cấm đoán các tin tưởng đúng hay quàng xiên của các đời trước cả, những tôn giáo cổ sơ của họ tự nhiên mà biến hình biến dạng theo nhịp biến chuyển của xã hội, của tư tưởng. Các nho gia muốn cấm đoán tin nhảm, nhưng vua chúa không y tấu. Dưới đời Hán, đạo Nho được xem là quốc giáo, nhưng vẫn không cấm đồng bóng. Sở dĩ nhà Chu cấm đồng bóng là vì hy vọng cấm được, mà hy vọng ấy bắt nguồn từ ở cái điểm đạo ấy không phải của dân tộc họ, mà là đạo ngoại lai.

Vua thì như thế mà sĩ phu Trung Hoa cũng như thế.

Trong quyển Luận hành nhà danh nho Vương Sung đời Hán đã phải công kích dữ trò đồng bóng đã du nhập vào Trung nguyên của nước Tàu. Cuộc công kích ấy chứng tỏ rằng đồng bóng là một tôn giáo ngoại lai. Sĩ phu Trung Hoa chỉ công kích tôn giáo ngoại chớ không hề công kích tôn giáo của họ, cả đến những tin nhảm, dị đoan của dân chúng họ, cũng được họ mặc nhận.

Trung Hoa không bao giờ có phát minh đồng bóng mà chỉ mượn của Việt thôi, bằng chứng là họ không hiểu Cửu Ca muốn nói gì.

Người Trung Hoa, kể cả trí thức, thường phàn nàn Sở Từ khó hiểu là vì vậy, chớ không phải vì lối hành văn của Sở Từ hơi khác lối hành văn Hoa Bắc. Khi mà một nhà thơ tả những nghi lễ kỳ dị, mà không chịu giải thích rằng là mình tả một nghi lễ ngoại quốc thì ngoài các nhà bác học không ai hiểu được hết.

Ta phải dám nghĩ rằng tác giả Cửu Ca không phải là người Tàu mà chính là một người Việt đã bị đồng hóa trở thành trí thức Trung Hoa (Cái thuyết cho rằng Cửu Ca là của Khuất Nguyên, nay rõ là sai). Chỉ có người Việt mới không giải thích gì hết khi sáng tác bài thơ đó, vì y tự nhiên mà hiểu những lễ nghi ấy, và tưởng lầm rằng ai cũng tự nhiên mà hiểu. Nếu tác giả Cửu Ca là người Tàu di cư đến Sở, y sẽ biết ngay rằng người Tàu sẽ không hiểu gì hết, và y có một vài câu thơ giải thích ở đầu bài chẳng hạn:

Ngồi buồn xem rợ Việt
Cúng kiến, vui, lạ tuyệt,
Thầy cúng là đàn bà,
Họ múa may cuồng nhiệt.

Đàng này thi sĩ bắt đầu y như đó là chuyện rất phổ thông mà độc giả nào cũng thấy rồi cả, nhiều lần trong đời họ.

Ta ráp nối Cửu Ca và bốn tượng đồng Đào Thịnh và ta thấy rõ ràng là hình đó tượng trưng cho việc giao hợp với thánh. Tất cả công trình kiến trúc, điêu khắc trang trí của người xưa đều phục vụ tôn giáo, không có ngoại lệ thì hình ấy cũng vậy, mà không có tôn giáo nào có việc mời giao hợp cả, trừ tôn giáo thờ trời với nghi lễ lạ kỳ của các bà đồng thời đó, và còn dấu vết trong dân tộc Giarai.

Một người bạn của chúng tôi, cùng nghiên cứu bình đồng Đào Thịnh với chúng tôi cho rằng chủng Mã Lai gồm Việt, Miên, Dravidien, v.v. đều thờ dương vật và âm vật và bình đồng Đào Thịnh là sự tượng trưng cho sự thờ phượng đó.

Về sự kiện Mã Lai, Việt, Dravidien thờ dương vật và âm vật thì đúng, mà cho đến nay vẫn tồn tại tại Việt Nam, từ Bắc Việt đến Nha trang, nhưng trong bình đồng Đào Thịnh không phải là dương vật hay âm vật mà là giao hợp. Người nghệ sĩ cho thấy sự giao hợp mà không cho thấy hai vật kia, hay có mà không rõ như là sự giao hợp.

Hơn thế giao hợp chung quanh mặt trời thì rõ ràng là đồng bóng nguyên thỉ, còn việc thờ dương âm vật thì không hề có mặt trời.

Cũng nên nói thêm một chút ít về đồng bóng trong xã hội ta ngày nay. Đồng bóng, cũng như bao nhiêu thứ khác, đã phải mang quá nhiều lớp sơn Trung Hoa quá dầy, như các Gia Thần, Thổ Thần, Thần Thành Hoàng, Thần Ngũ Nhạc đều là Thần của Trung Hoa (đừng lầm Thần làng của ta và Thần Thành Hoàng mà có rất nhiều người lẫn lộn). Chúa Liễu Hạnh, Từ Vương Mẫu cũng là của Trung Hoa.

Tuy nhiên ngôi thứ nhứt là Ngọc Hoàng Thượng Đế vẫn còn mà đó là của Việt, tôn giáo thờ Trời là của riêng ta mà Tàu bắt chước, sẽ nói đến lát nữa đây.

Những Tả Chầu Mán, Hữu Chầu Mường, v.v., không biết là dấu vết cổ thời hay mới thêm thắt tại địa bàn Nhị Hà, bởi vào thời cổ dân Việt vẫn sống chung với Mèo, Mán, Thổ, Thái, tại địa bàn Hồ Bắc (xin xem lại chương nước Tây Âu).

Các bà đồng ta nay không còn “thăng” thật sự như xưa. Thăng là ra khỏi trạng thái xuất thần và cuồng loạn ở cái pha cuối cùng mời thánh giao hợp. Không có xuất thần thật sự thì không thăng thật sự làm gì, mà không có mời thánh giao hợp thì không xuất thần làm gì.

Tuy nhiên các bà đồng của riêng miền Nam vì chịu ảnh hưởng cổ của Giarai, của Chàm, nên có xuất thần và có thăng, thường thì là xuất thần (transe) giả, thăng cũng giả, nhưng vẫn có làm và có trao lời thánh lại cho các đệ tử.

Trong tập nghiên cứu “Đạo Chamanisme của người Mèo” ông Guy Moréchand viết: “Ta không nên kết luận rằng đó là tôn giáo riêng của người Mèo. Lại còn không nên rút ra từ đó những kết luận về sử. Người ta muốn thấy trong vài bài thơ đời Chu (ý tác giả ám chỉ Cửu Ca) dấu vết của đạo Chamanisme của người thiểu số ở Trung Hoa. Đó là tôn giáo Trung Hoa hay sơn cước? Kết luận là quá liều”.

Tác giả ám chỉ Granet, Maspéro, v.v.

Nhưng cả tác giả và ba ông kia dùng danh từ không chính xác. Riêng chúng tôi, chúng tôi chỉ nói đến đồng bóng mà thôi, mà Chamanisme không có nghĩa với đồng bóng. Tất cả các ông ấy đều gán cho danh từ Chamanisme cái nghĩa đồng bóng là sai.

Danh từ Chamanisme trỏ nhiều thứ tôn giáo cổ sơ không rõ rệt, tôn giáo cổ sơ Mông Cổ cũng được gọi Chamanisme, mà tất cả những thứ ấy đều khác đồng bóng rất xa.

Nhưng nếu cho là đúng đi nữa, đồng bóng của người Mèo mà ông Guy Moréchand tả, khác hẳn đồng bóng của Bộc Việt và Việt Nam. Trong đồng bóng Bộc Việt trong Cửu ca và đồng bóng của Việt Nam, người lên đồng luôn luôn là bà đồng, còn đồng bóng của người Mèo là đàn ông không có ngoại lệ.

Hơn thế ông G. Moréchand thú nhận rằng không thể biết các ông đồng đi đến cái thế giới huyền bí bằng cách nào, lời chầu mời và cử chỉ các ông không cho ta biết rõ gì cả. Trong khi đó thì các bà đồng Bộc Việt trong Cửu Ca và các bà đồng Việt Nam ngày nay thường đi thuyền (có cầm chèo).

Cái vụ đi bằng thuyền và cầm chèo, lại ăn khớp với hình thuyền có chèo quanh mặt trời khắc ở các cổ vật Đông Sơn.

Các ông Tây cứ nói đến việc rước hồn của người Dayak ở Bọt Nê Ô, nhưng các ông không biết đến việc rất gần trống đồng Đông Sơn là các bà đồng đều cầm chèo, chèo thuyền để đi tới thánh ngự.

Chúng tôi xin ông H.T.N. Hội trưởng Hội Việt giáo phục hưng cho xem một buổi lên đồng đúng cách nhất hiện nay tại một đền thánh Phú Nhuận, và quả thấy các bà có cầm chèo thật sự.

Những nhà bác học Pháp nói trên cũng chỉ nói qua vậy thôi, chỉ có chúng tôi là xem Cửu Ca là một bằng chứng lớn.

Nhưng như đã nói, đồng bóng chỉ là một nghi lễ, một cuộc tế lễ của một tôn giáo, cái tôn giáo mà các ông Tây cho là thờ Mặt trời. Riêng chúng tôi, chúng tôi thấy rằng không phải thế. Đó là tôn giáo thờ Trời. Mặt trời chỉ là một hình vẽ tượng trưng.

Chủ trương của chúng tôi dựa vào ba bằng chứng:

1. Thứ nhứt, các bà đồng chỉ thờ Thượng đế, tức Trời, là đấng tối cao, mà không thèm biết đến mặt trời.

2. Chi Bộc Việt thiên di ra biển đông biến thành Nhựt Bổn (đã có chứng minh) cũng chỉ thờ Bà Trời, chớ không buồn biết tới mặt trời.

(Tại sao Nhựt Bổn thờ Bà trời mà không thờ Ông trời như Bộc Việt? Đã bảo Nhựt Bổn di cư quá sớm, thuở còn theo mẫu hệ, thì thần của họ dĩ nhiên phải là bà.

Có thể trước Cửu Ca toàn thể Bộc Việt cũng thờ trời, và người lên đồng hẳn là đàn ông, chớ không phải đàn bà. Sử Tàu cũng đã cho biết rằng có ông đồng mà họ gọi là Hích, nhưng không cho biết là các ông Hích biến mất rồi các bà Vu mới nối nghiệp vào năm nào.

Rồi họ tiến đến phụ hệ, và Bà trời lại hóa ra Ông Trời. Vì lệ mời thánh giao hợp cứ còn, nên các ông Hích phải nhường chỗ cho các bà Vu).

Nội hai danh từ VuHích, đủ chứng minh rằng đó là tôn giáo Việt vì đó là hai danh từ phiên âm rõ ràng. Hiện người Sumatra gọi bà đồng là Puyang, mà PuVu của Tàu, còn Yang là thần thánh hay ma quỷ, có mặt trong bất cứ ngôn ngữ của nhóm Mã Lai nào, mà người Việt miền Nam biến thành Dàng.

3. Tôn giáo thờ trời là của dân Bộc Việt.

Từ cái ngày mà một ông vua Tàu nào đó bịa ra rằng ông ta là con trời, thì ông ta giành quyền thờ trời, bởi chỉ có con mới có quyền thờ cha. Các ông khác, đời đời, cố giữ độc quyền đó, người dân Trung Hoa không được phép thờ Trời.

Đến đời nhà Chu, trào đại suy vi, chư hầu muốn phản loạn thì chư hầu Tần làm cái hành động tượng trưng cho việc phản loạn là thờ trời và tế Dao. Vua nhà Chu sợ, không dám bắt tội.

Chúa nước Trịnh, nghe Tần thờ Trời, tế Dao, bèn xin với vua nhà Chu được thờ Trời, tế Dao, Vua từ chối. Chúa nước Trịnh tức giận nói: “Việc thờ Trời, tế Dao là nghi lễ tổ tiên ta bày ra, sao Tần được phép thờ, Chu được, còn ta thì không?” Nói rồi bèn cứ thờ Trời và tế Dao.

Đừng quên rằng nhau rún của dân Bộc Việt là sông Bộc mà sông Bộc là trung tâm của nước Trịnh (trên Bộc trong dâu). Chúa nước Trịnh là người Tàu, nhưng ông tổ ban đầu đã mượn tôn giáo đó của Bộc Việt, nên ông ta cứ xem như tôn giáo đó là phát minh của tổ tiên ông ta, nên mới có luận cứ ấy.

Nhưng tôn giáo thờ Trời lại không hề bị cấm ở Việt Nam. Vua chúa ta, mỗi mỗi theo Tàu, nhưng lại nhắm mắt cho dân thờ Trời. Trước năm 1945 ở thôn quê ta, trong 100 nhà, có ít lắm là 80 nhà có bàn thờ ông Thiên.

Vì đó là tôn giáo gốc của dân chúng, nên mặc dầu bắt chước Tàu, các ông vua ta vẫn không dám cấm, khác hơn ở Trung Hoa mà sự cấm đoán rất dễ bởi đó là tôn giáo ngoại quốc, tôn giáo của dân Bách Bộc, mà vua Tàu ở nước Trịnh đã bắt chước theo trước tiên hết.

Hễ cái gì là gốc tổ thì không ai cấm được, còn cái gì ngoại lai thì rất dễ cấm đoán.

(Trong DaKao, có đền thờ Ngọc Hoàng của một tư nhơn Trung Hoa, nhưng cứ theo nghiên cứu của cụ Vương Hồng Sển thì đền thờ đó là của một vong thần nhà Minh lập ra với ý chí quật cường như Tàu và Trịnh, chớ không phải là của dân thường).

Các trào đại Trung Hoa, Nhựt Bổn và Việt Nam đã nhiều lần tàn phá Phật giáo, nhưng không bao giờ tàn phá những tôn giáo cơ sở của họ, có vẻ quàng xiên hơn nhiều, chỉ vì Phật giáo là tôn giáo ngoại lai, các trào đại ấy hy vọng tàn phá được, còn những tôn giáo quàng xiên kém cao thâm hơn nhưng toàn dân đều tin tưởng nhiều hay ít, nên họ không dám động tới.

Sự kiện cho phép dân chúng tự do thờ trời của các trào đại Việt Nam nói lên quá rõ ràng rằng đó là tôn giáo chánh của chủng Việt mà chủng Hoa bắt chước.

Ở một nơi khác chúng tôi cũng lại đã cho thấy rằng tôn giáo thờ cúng tổ tiên cũng là tôn giáo chánh của chủng Việt mà Hoa chủng đã bắt chước. Những điều chúng tôi nói đều được chứng minh bằng sự kiện cụ thể, chớ không phải là ức thuyết nhờ một sự thoáng thấy, nhờ linh cảm hay cảm giác nào.

Xem thế, ta thấy giữa hai nhóm Bộc Việt ở bình nguyên Vân Mộng và Lạc Việt, ở lưu vực Nhị Hà có nhiều mối tương đồng lớn mà không phải nhóm Việt nào khác cũng có.
  1. Việt nước Sở họ Mị, Việt Âu Lạc cũng họ Mị (Tư Mã Thiên)

  2. Việt nước Sở có trống đồng, Việt Đông Sơn có trống đồng (Lăng Thuần Thanh và các nhà khảo cổ Âu Mỹ)

  3. Việt Đông Nam Sở Điêu Đề (Tống Ngọc), Việt lạc hậu ở Đông Dương Điêu Đề (B.N.L. ở chương sau). Dân Lạc Việt Điêu Đề (Tư Mã Thiên)
Nhưng dùng chứng tích của Tống Ngọc về tục Điêu Đề, sẽ còn phù hợp với khoa khảo cổ hay không về mặt thời điểm? Đó là điều ta nên kiểm soát. Ở xứ ta phương tiện định tuổi bằng các-bon 14 không được dùng, vì trước 1945 chưa có các-bon 14, nhưng nếu có phương tiện ấy cũng có thể sai đến 300 năm, thế nên các nhà bác học Âu Châu định tuổi cho cổ vật đồng rất khác nhau.

M. Heine Geldern, phỏng định là cổ vật ấy cổ lối thế kỷ thứ VIII trước Tây lịch, tức cách đây 2.700 năm.

Bernard Karlgren thì cho là cổ vật được chế tạo vào thế kỷ IV trước Tây lịch, tức cách đây 2.300 năm.

Stein Callenfels định là 609 năm trước Tây lịch, tức trước đây 2.500 năm.

Không có gì chắc chắn, nhưng dầu sao, cũng cứ trước Tống Ngọc.

Như vậy, ta dùng tài liệu Tống Ngọc được. Không ai biết Tống Ngọc sanh, tử năm nào, chỉ biết rằng liền sau Khuất Nguyên mà Tư Mã Thiên thì ước lượng Khuất Nguyên mất năm 277 T.K. Vậy ta ước lượng Tống Ngọc làm bài Chiêu hồn 30 năm sau đó, tức năm 247 T.K. Từ năm 247 T.K. đến nay là 247 + 1969 = 2.216 năm.

Truyền thuyết Mường đã cho thấy thật đích xác rằng vua Hùng Vương không có phát minh trống đồng và mượn của một thứ dân nhập cảnh bằng đường biển. Truyền thuyết ấy ăn khớp một trăm phần trăm với khoa khảo tiền sử, đã cho biết chủng Cổ Mã Lai di cư tới Việt Nam làm hai đợt, đợt trước cách đây 5.000 năm, sau biến cố Hiên Viên, Xy Vưu, đợt sau cách đây 2.500 năm, sau biến cố Sở bành trướng ra Đông Nam.

Tất cả những nhà bác học nghiên cứu Đông Sơn đều không biết những điều trên đây vì họ không biết truyền thuyết về trống đồng hay biết mà bất kể đến vì lý do tinh thần khoa học ấu trĩ, bất kể truyền thuyết.

Ta phải kể đến truyền thuyết vì ngày nay ta không còn có quyền khinh thường truyền thuyết như khoa học của đầu thế kỷ XIX. Truyền thuyết xét ra luôn luôn có chứa một phần sự thật. Và những truyền thuyết có vẻ hoang đường của ta đều giải thích biên giới phía Bắc là Hồ Động Đình đúng sự thật.

1. Truyền thuyết Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ cũng có sự thật trong đó, dĩ nhiên là một sự thật rất hạn chế: Địa bàn của Lạc luôn luôn giáp ranh với địa bàn Âu tức Thái và từ 5 ngàn năm rồi từ thời Hiên Viên, đã có nhóm Lạc Lê. Và sự kiện đáng để ý nhứt là địa bàn của Lạc luôn luôn ở đầm lầy, hoặc gần biển, cái địa bàn mà Âu Mỹ gọi là Malais maritime, còn địa bàn của Âu luôn luôn ở trong lục địa, núi rừng (bà Âu Cơ là tiên nên dẫn con lên rừng). Âu Mỹ gọi là Malais des jungles. Đó là Rồng (Lạc) và Tiên (Âu).

Cũng nên biết rằng người Mường không nói Âu Cơ mà nói Ngu Kơ. Và họ nói đúng. Chính dân của nước (Tây) Âu tự xưng là Ngu, Tàu (Quan Thoại) nhại đúng và đọc là Ngê U. Tại các nhà Nho ta đọc sai cái chữ đó là Âu, chớ kẻ tự xưng (Thái) và người phiên âm (Tàu) với lại nhơn chứng (Mường) đều đọc đúng. Người Mường đọc đúng vì họ không có học chữ Tàu với các cụ đồ của ta là kẻ đọc sai. Họ đọc theo tổ tiên của họ đã nghe dân (Tây) Âu tự xưng.

Phê bình Khâm Định Việt Sử, vua Tự Đức cho rằng chuyện một trăm đứa con không thể đúng sự thật vì con đâu mà nhiều quá thế. Vua Tự Đức có vợ chánh và vài chục quý phi với lại vài ngàn cung nữ, nhưng vua hiếm con, nên chẳng biết rằng bao nhiêu đàn bà ấy có thể đẻ ra đến một ngàn con chớ đừng nói là một trăm con. (?) (Lạc Long Quân chỉ có một bà Âu Cơ).

Vua Tự Đức lại dốt về gia phả của họ Nguyễn Phúc. Chính ông tổ 8 đời của vua Tự Đức là chúa Nguyễn Phước Châu có đến 146 người con (theo thế phả trào Nguyễn), may là chúa Nguyễn Phước Châu tu đạo Phật đấy, chớ nếu không tu, chúa có thể có đến 500 con.

Tuy nhiên trong truyền thuyết này, dân ta chỉ nói chuyện tượng trưng chớ không phải nói đích xác là một trăm con.

2. Truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương cũng có phần nào sự thật. Chính sử Tàu đã chép truyện nhà Ân của họ đánh giặc với nước Quỹ Phương và chúng tôi đã chứng minh rằng nước Quỹ Phương là một quốc gia Lạc Thái ở Nam Quý Châu.

3. Truyền thuyết về Thần Nông Viêm Đế cũng có thể có sự thật, như đã xét đến rồi.

Một chú Tàu lai thuộc loại lang bạt kỳ hồ, có thể len lỏi vào cộng đồng Cổ Việt, rồi nhờ thông minh hơn họ, thống nhứt các bộ lạc rồi làm vua, sự kiện ấy có thể có, nhưng sự kiện ấy không chứng minh rằng dân ta là Tàu lai bao giờ.

Nhiều nhà học giả ta chống truyền thuyết này dữ lắm, chính vì cái vụ Tàu lai đó.

Có vài nhà, liệu chống không được, bèn nói rằng Thần Nông là của ta, chớ không phải của Tàu. Nếu của ta, sao trong truyền thuyết ta không có tổ trực tiếp là Thần Nông mà chỉ truyền thuyết Tàu mới nhận Thần Nông là tổ trực tiếp?

Ông vua tổ ấy có máu Tàu cũng chẳng sao, phương chi ông ta đã lai giống đến hai ba đời rồi.

Vua Tự Đức, Nhượng Tống, Phan Thanh Giản, Nguyễn Phương cứ mắng soạn giả Đại Việt là bịa càn. Thật ra nhưng sử gia ấy chỉ chép truyền thuyết chớ không có bịa gì hết.

Bịa là dân chúng đã bịa chuyện thật cho đẻ ra truyền thuyết đó thôi.

Vì đó là truyền thuyết của dân gian chớ không phải là sáng tác của sử gia như vua Tự Đức đã ngỡ nên ta phải xét kỹ vậy.

Những truyền thuyết khác, có khung cảnh ở ngay Bắc Việt thì tương đối để giải thích hơn, nên chúng tôi không xét đến.

Nên nhớ rằng theo khoa khảo tiền sử thì bọn Nam Man “Điêu Đề” mà Tống Ngọc nói đến, chỉ đi xuống lưu vực sông Nhị Hà để bổ sung cho các đợt trước, chớ thật ra thì họ không phải là đợt đầu, vì đợt đầu là hậu duệ của Xy Vưu, bọn lưỡi rìu tay cầm.

Chúng tôi có bằng chứng rằng họ không phải là đợt đầu, nhưng chúng tôi phải theo dõi họ vì đó là nhóm Việt của ta, nhóm Việt Điêu Đề, tuy chỉ cho thấy giai đoạn Nam thiên cuối cùng mà thôi nhưng ta vẫn thấy được cái giai đoạn cuối ấy chớ còn giai đoạn Nam thiên đầu, lâu đời hàng 5 ngàn năm thì rất khó theo dõi.

Dầu sao, bọn Lạc sau, cũng chỉ là bọn Lạc trước từ Hoa Bắc di cư xuống vì Bách Bộc là Lạc Hoa Bắc, Lạc sông Bộc, là Đông Di, sử Tàu chép rõ ràng là Lạc đó đã di cư, biến thành Lạc Tam Hàn Bộ Trãi, đúng y theo khoa khảo tiền sử, vì Tam Hàn là Cao Cú Lệ, tức Cao Càn Ly và Tân La với lại Bách Tế, tức Triều Tiên sau đó và Đại Hàn ngày nay.

Chỉ có cuộc di cư bằng đường bộ vượt sông Hoàng Hà thì khoa khảo tiền sử không có nói đến, nhưng sử Tàu lại cho ta thoáng thấy bằng danh xưng Bộc Việt ở Dương Tử liên hệ với Bách Bộc ở Bắc Hà Nam.

Mà bằng chứng quan trọng hơn nữa là ta thấy cả hai bọn đều đồng ngôn với nhau: Trời, Trăng, Bông, Sông, Non, Cây, Lá, Cẳng (Chơn), Tay, Ma, Mã, Mẹ, Cha (Nạ, Bố), v.v.

Ta theo dõi đợt hỗn hợp từ nãy giờ, vì đợt I không để dấu chân quá rõ, nhưng rõ ra thì đợt hỗn hợp chỉ là hậu duệ của đợt I thì tức là y như ta theo dõi thuở ban đầu rồi vậy, tức thuở Xy Vưu bị diệt, và Mã Lai bỏ xứ mà đi.

Ở chương tới chúng ta sẽ gặp người Điêu Đề ở Trường Sơn và nói tiếng Việt tối cổ có màu da thổ chu (Xích Quỷ) cao 1m70, sống trong rừng và lãnh đạo chủng Mê-la-nê, cao 1m50 y hệt như ở hang Làng Cườm.


Tài liệu tham khảo riêng cho chương này:
Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.