© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
30.10.2007
Tôn Phượng Minh
Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng
Dương Danh Dy dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14 
 
Ngày 5 tháng 9 năm 1992

I. Tính tương tự trong lịch sử cuối đời của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình

Trước tiên tôi bàn đến cách nhìn của An Chí Văn về giải quyết vấn đề “4-6”. An cho rằng vấn đề này rất khó giải quyết. An nói:
  1. Thay đổi lớn ở Đông Âu, Liên Xô tan rã càng làm tăng cường tính kiên định của bản thân Đặng đối với việc xử lý vấn đề này; cho rằng chỉ có dùng thủ đoạn đó mới có thể ổn định chắc được tình thế.
  2. Đối với vấn đề của Triệu Tử Dương, mấy ông già không có ai đứng ra nói, hơn nữa ý kiến là nhất trí; đều sợ dẫn tới sóng gió, dẫn tới không ổn định, ảnh hưởng đến cục diện lớn.
  3. Lý Bằng không cần phải nói, Giang Trạch Dân cũng lên nắm quyền nhân “4-6”, người ta bình luận, bọn họ là những người hưởng lợi của sự kiện “4-6”, bọn họ sẽ không giải quyết vấn đề của Triệu, hơn nữa còn cản trở việc giải quyết.
  4. Tính cách nhất quán của Đặng là như thế này, chỉ cần vấn đề do ông ta định là ông ta không thay đổi. Lần nói chuyện này của Đặng tại Công ty Gang thép thủ đô, mặc dù cũng có phê bình ban lãnh đạo mới, nhưng tung tin là không phát biểu ra ngoài, nói là đối với ban lãnh đạo mới này cần giúp đỡ, điều này thuyết minh, Đặng vẫn ủng hộ ban lãnh đạo này.
An lại nói: lần họp đại hội 14 này đã dặn dò các đoàn đại biểu nhằm bố trí: không thảo luận vấn đề Triệu Tử Dương và cũng không đưa vào chương trình, vấn đề của Triệu Tử Dương vốn là do hội nghị toàn thể Trung ương định rồi, lần đại hội này không thảo luận, khẳng định là cũng không thay đổi. Nhưng có khả năng cho Triệu Tử Dương được tự do có giới hạn.

Sau khi nghe xong, Triệu Tử Dương hoàn toàn tán thành phân tích trên của An Chí Văn, cho rằng là phù hợp với thực tế, cũng hoàn toàn phù hợp với suy nghĩ của mình.Tiếp đó lại phân tích thêm: nói chung hiện nay người ta kỳ vọng cao vào Đặng, đánh giá cũng cao. Như cho rằng Đặng còn có sự chuẩn bị phòng tuyến thứ hai, người thứ hai đối với ban lãnh đạo.

Tôi nói xen vào: người ta thường lấy Đặng ra làm ví dụ, chẳng phải là đã bị Mao Trạch Đông đánh đổ trước rồi sau lại phục hồi đấy ư? Vì sao Đặng Tiểu Bình không thể làm như thế được với Triệu Tử Dương?

Triệu nói tiếp: trên thực tế dư địa xoay xở trong việc sắp xếp nhân sự của Đặng cũng không lớn, cũng giống như Chủ tịch Mao vào lúc cuối đời. Lúc đó Mao không dám dùng lũ bốn người, vì lũ bốn người không được lòng người, làm như vậy sẽ khiến Trung Quốc loạn to; tất nhiên cũng không dám dùng Đặng, bởi vì như vậy sẽ lật án “đại cách mạng văn hóa”; đồng thời cũng không thể dùng thủ tướng Chu [Ân Lai], điều này là do thủ tướng Chu không nhất trí với chủ trương của Mao. Vì vậy chỉ có thể dùng Hoa Quốc Phong để duy trì, thực hiện quá độ. Còn đến sau khi mình tạ thế rồi, cục diện chính trị thế nào, ông cũng không quản nổi. Hiện nay Đặng Tiểu Bình cũng như vậy, vừa không dám dùng những người như Đặng Lực Quần, như thế sẽ lật lại sự nghiệp cải cách mở cửa. Càng không dám dùng Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương bởi vì bất đồng quan điểm, bọn họ cho rằng không thể dung nạp những người già như Đặng Tiểu Bình v.v... Đồng thời cũng không thể dùng Dương Thượng Côn, Vạn Lý, bởi vì bọn họ bất đồng với chủ trương của Đặng, đặc biệt là có cách nhìn khác nhau đối với ban lãnh đạo mới.

Tôi xen vào: trong bài nói của Dương Thượng Côn tại hội nghi quân ủy mở rộng đã rêu rao có người công khai phản đối đường lối cải cách mở cửa. Ví dụ như coi việc nhập khẩu kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý của nước ngoài là họ “tư”... như thế thì còn chính sách mở cửa gì nữa? Có người cho rằng bây giờ nên nói đấu tranh giai cấp là then chốt. “4-6” là phản ánh lớn nhất của đấu tranh giai cấp, những người phản đối chính sách của đảng trong xã hội cũng là phần tử giai cấp dị kỷ [khác biệt], vì vậy cần phải nêu lại lấy “đấu tranh giai cấp” làm then chốt; phải làm phong trào lớn trong cả nước, làm [trăm nhà] đua tiếng [trăm hoa] đua nở lớn. Như thế chẳng phải là quay lại “đại cách mạng văn hóa” à? Có người nói vấn đề xí nghiệp ba loại vốn là, nhiều thêm một xí nghiệp ba loại vốn sẽ nhiều thêm một phần tư bản chủ nghĩa, nhiều thêm một trận địa tiến hành diễn biến hòa bình đối với Trung Quốc. Thu tập lại đều là những đe dọa chết người. Thậm chí bọn họ còn nói Chủ tịch Mao nói giai cấp tư sản trong đảng là đúng. Dương Thượng Côn lại nói: còn có vấn đề “diễn biến hòa bình”, ngày nào trên báo chí cũng nói diễn biến hòa bình, làm đến mức chúng ta làm việc gì cũng phải phản đối diễn biến hòa bình, so với cải cách mở cửa còn quan trọng hơn.

Tôi nói: những lời nói này của Dương Thượng Côn vừa là nhằm vào tình hình xoay chuyển ngược lại sau khi phát sinh “4-6”, thể chế Giang [Trạch Dân], Lý [Bằng] chuyển sang tả, xa rời đường lối cải cách mở cửa; rõ nhất vào một lần nói chuyện của Giang tại trường đảng, Giang tung tin: “ý định tiêu diệt chúng ta của chủ nghĩa đế quốc không hề chết”, cần phải ra sức chống “diễn biến hòa bình”.

Tôi lại nói tiếp: Dương Bạch Băng [1] đề xuất khẩu hiệu “bảo giá hộ tống” vì cải cách mở cửa, tính trực diện càng mạnh.

Triệu Tử Dương mỉm cười: việc đề xuất khẩu hiệu này quá lộ.

Triệu lại nói: Dương Thượng Côn có cách nhìn khác Giang, Vạn Lý cũng có cách nhìn đối với Lý Bằng. Vạn Lý chủ trương làm dân chủ. Trước khi đi thăm nước ngoài, đại khái là ngày 3 tháng 5, tôi đến nhà Vạn Lý và nói chuyện dài với ông ấy một lần, nói chuyện tương đối tốt. Tôi chủ yếu bàn với ông ấy nên nhìn sự việc học sinh như thế nào. Tôi nói hiện nay mở cửa nhiều năm rồi, cái gì của bên ngoài học sinh đều có ấn tượng, các học sinh cảm thấy lời nói nào cũng đều có thể nói được. Phương thức tư duy của thế hệ già còn lấy “đấu tranh giai cấp là then chốt”, học sinh nói chúng ta không tốt, là đã cho rằng học sinh muốn lật đổ chúng ta. Một khi điều đó xẩy ra thì vốn không có tính đối kháng đã làm thành đối kháng. Có người thu tập những lời nói của học sinh đưa đến chỗ đó, đưa đến chỗ Đặng, nói mũi nhọn chỉ vào Đặng rồi, khiến Đặng bị chọc giận. Tôi nói: việc này chẳng có gì không tốt cả, dùng phương thức đối thoại, hướng dẫn có thể làm dịu đi. Tôi nói thời đại thay đổi rồi, phương thức tư duy cũng cần thay đổi, không thể dùng phương thức tư duy “đấu tranh giai cấp là then chốt” để xem xét đối xử ngôn luận của học sinh, nếu không sẽ không thể hiểu được học sinh, nhìn vấn đề quá nghiêm trọng. Vạn Lý đồng ý cách nhìn đó của tôi.

Triệu tiếp tục nói: Đặng Tiểu Bình giống chủ tịch Mao. Chủ tịch Mao nói đời mình làm hai việc: một là đuổi Tưởng Giới Thạch ra Đài Loan; hai là làm “đại văn hóa cách mạng”. Đối với việc thứ nhất, Chủ tịch Mao nói người phản đối không nhiều, đối với việc thứ hai thì không dám nói. Cũng như vậy, Đặng Tiểu Bình cũng đã làm hai việc: việc thứ nhất là cải cách mở cửa, mọi người đều tán thành; việc thứ hai là “4-6”. Đó là mối lo lắng lớn nhất của ông ta, cũng là việc mà thần kinh ông ta nhạy cảm nhất. Còn Giang Trạch Dân là do “4-6” mà lên nắm quyền, mọi người gọi đó là “kẻ được lợi”; Lý Bằng thì nhờ có “4-6” mà địa vị mới được củng cố. Do vậy bọn họ quyết không lật án “4-6” đồng thời còn ra sức cản trở giải quyết sự kiện “4-6”.

Chính là vì thế nên Triệu Tử Dương nói: mặc dù Đặng Tiểu Bình không hài lòng ban lãnh đạo mới, nhưng suy đi tính lại, đại khái là vì vấn đề “4-6”, cho rằng trước mắt chưa động tới ban lãnh đạo này là tốt. Đồng thời cũng vì vấn đề “4-6” sợ Dương Thượng Côn sẽ làm thái thượng hoàng sau lưng mình, lo lắng sẽ phát sinh thay đổi đối với “4-6”, nên thái độ đối với Dương, Vạn mới quay tới 180 độ như vậy, có một số việc về căn bản không tìm hai người này bàn mà trực tiếp tìm Giang, Lý. Nghe nói còn viết thư cho Vạn Lý: sau này không nên làm anh hùng. Có một số việc Đặng nghe con cái mình. Điều này rất giống Chủ tịch Mao lúc cuối đời.


II. Đặng đã đề xuất, rõ ràng muốn Triệu tiếp nhận Chủ tịch Quân ủy

Tôi nói: mọi người đang bàn luận, nói, trước đây Chủ tịch Mao trong thời gian “đại văn hóa cách mạng” đã từng phê bình Giang Thanh, tiếp đó Đặng Tiểu Bình tổ chức phê bình Giang Thanh: thực ra Chủ tịch Mao tín nhiệm Giang Thanh, cho rằng không thể dựa vào Đặng được, kết quả dẫn đến Đặng Tiểu Bình mất chức. Vậy thì những bài nói của Đặng trong lần đi thăm phương nam phê bình ban lãnh đạo mới liệu có phải là muốn thử thách Dương Thượng Côn - có khả năng muốn làm thái thượng hoàng trong tương lai - nên không dựa được.

Triệu Tử Dương chỉ cười cười.

Tôi nói tới: tôi nghe được tin vì việc Dương Bạch Băng có vào Thường vụ Bộ Chính trị đại hội 14 hay không mà Dương Thượng Côn và Giang Trạch Dân đã tranh luận công khai tại hội nghị Thường vụ. Giang Trạch Dân không có cách gì, cuối cùng đành phải nói: Dương Bạch Băng không vào Thường vụ là do Đặng định.

Tôi lại nói tiếp, nếu Đặng đi (chết), người ta có một số bàn luận về cục diện chính trị Trung Quốc: có người nói Giang, Lý chẳng giữ được ghế; có người nói ổn định mấy năm không thành vấn đề, nhưng sau đó không dám nói; có người nói làm không tốt sẽ phát sinh động loạn. Thanh niên thì cho rằng tư tưởng cộng sản chủ nghĩa đã tan rã, không còn sức hấp dẫn; từ nay trở đi khuynh hướng tự trị của các tỉnh lớn lên, không thích hợp là không nghe, mỗi nơi làm theo ý mình. Hiện nay các địa phương đều nói: hà tất Trung ương phải quản nhiều thế! Nộp thuế cho các người là được rồi. Cũng có người nói: thực hiện địa phương tự trị có gì là không tốt?

Triệu Tử Dương nói: Xí nghiệp và các tỉnh, thành phố các nơi có quyền tự chủ tất nhiên yêu cầu dân chủ về chính trị, tức quyền tự chủ về chính trị.

Tôi lại chuyển đạt một cách nhìn của An Chí Văn. An cho rằng: nếu như đánh giá lại “4-6” điều đó thuyết minh Đặng Tiểu Bình sai, Đặng tự mình đả kích mình; trên thực tế là hình thành trạng thái đối lập lẫn nhau giữa Đặng và Triệu, vấn đề “4-6” đã gắn Triệu và Đặng lại với nhau một cách hữu cơ. Đặng Tiểu Bình là nhân vật có tính cách như thế, xem ra lúc đó Triệu Tử Dương không nên đề xuất ý kiến trái với Đặng.

Triệu Tử Dương nói: với tư cách là Tổng Bí thư, tôi phải có thái độ rõ ràng, đó là trách nhiệm của tôi đối với lịch sử. Tât nhiên nếu lúc đó đi theo thì cũng bảo vệ được một số người, nhưng sau này sẽ không hay, tất nhiên còn có thể bị coi là chống tự do hóa bất lực mà bị phê phán, như vậy cũng không có kết cục tốt đẹp. Nếu có mất chức như vậy thì chẳng bằng mất chức như thế kia. So sánh một chút sẽ thấy cân nhắc được mất như vậy là tốt hơn, tôi không hối hận! Phân tích của An Chí Văn là chính xác, vấn đề “4-6” cuối cùng đã hình thành sự đối lập giữa tôi và Đặng, sự kiện “4-6” đã gắn tôi và Đặng lại với nhau một cách hữu cơ.

Đến đó, tôi xen vào: Ông và Giang, Lý cũng vì “4-6” mà gắn lại với nhau, và cũng ở vào trạng thái đối lập. Đúng như An Chí Văn nói: có tính hợp pháp cho ông thì không có tính hợp pháp cho bọn họ.

Ngoài ra tôi cũng truyền đạt tình hình giá cả leo thang năm 1988, đã phát sinh thuyết “Triệu đổ”, tiếp đó lại có tin đồn Triệu Tử Dương phải mất chức, không biết hư thực thế nào.

Triệu Tử Dương nói: chính trị của Trung Quốc là như vậy, một khi công việc xuất hiện một chút sóng gió là có người khuấy lên rồi. Lúc đó có khả năng có người đang bắn tên vào tôi, nhưng tôi không để ý, tôi chỉ biết trong một lần nói chuyện với Đặng trước khi tôi đi Triều Tiên, ông ta đã đề xuất một cách rõ ràng là muốn tôi đảm nhiệm chức Chủ tịch Quân ủy, ông ta không giữ nữa. Lúc đó tôi cũng thuyết minh một cách rõ ràng: hiện nay nhiệm vụ cải cách rất nặng, để ổn định cục diện vẫn là đồng chí tiếp tục đảm nhiệm một thời kỳ nữa thì rất tốt, nói chuyện với nhau rất thực thực tại tại [chân thực], tôi không thấy Đặng có suy nghĩ gì khác. Hơn nữa trước đây hợp tác đều rất tốt, chỉ cần tôi đề xuất vấn đề là ông ta gật đầu đồng ý, và tôi làm, công tác đều rất thuận lợi, rất hợp. Không phát sinh bất kỳ bất đồng nào. Bất đồng là trên vấn đề “4-6”. Đó là tiêu điểm.


III. Thời gian công tác tại Tứ Xuyên đã từng nghiên cứu kinh tế học

Tôi nói, khi ông về Bắc Kinh nhận chức Thủ tướng, tôi đã được nghe truyền đạt một lần bài nói chuyện của ông, nói giải quyết vấn đề nghèo nàn của Trung Quốc, chỉ có thể dựa vào phát triển kinh tế hàng hóa lên mới giải quyết được. Lúc đó tôi không hiểu, dưới cục diện thể chế kinh tế kế hoạch nhất thống thiên hạ, đầu óc tôi chẳng hiểu câu nói đó là thế nào cả. Trong tiến trình cải cách sau này, ông luôn nhấn mạnh và tuyên bố: nông thôn thực hiện khoán đến hộ, làm cho nông dân có quyền tự chủ kinh doanh, một tỷ nông dân là một đại thị trường rộng lớn; nông thôn phát triển xí nghiệp hương trấn, thành phố sắp xếp thanh niên chờ việc làm phát triển xí nghiệp tập thể cũng như xí nghiệp ba loại vốn và hộ cá thể, đó chính là mở cửa trên diện tích lớn thị trường kinh tế ngoài thể chế. Như vậy bất kể là ở nông thôn hay thành thị đều có thể hình thành thị trường từ đó thuận tiện đưa xí nghiệp quốc doanh ra thị trường. Hơn nữa ông luôn luôn thuyết minh, không phát dục nổi thị trường, không có cơ chế cạnh tranh thị trường thì không thể cải tạo nổi xí nghiệp quốc doanh. Tôi hỏi Triệu, suy nghĩ lấy việc phát dục thị trường, phát triển kinh tế hàng hóa để tiến hành cải cách của ông đã được hình thành như thế nào?

Tôi lại nói, bàn luận chung của người ta là: cải cách mở cửa của Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình là Tổng kiến trúc sư, còn ông đương nhiên là Tổng thi công sư. Trong thời gian ông giữ chức, của cải nước ta đã gia tăng với mức độ lớn, toàn bộ nền kinh tế quốc dân bước lên một nấc thang. Đặng Tiểu Bình cũng đánh giá ông “công lao không ít”, khiến cải cách mở cửa đi vào con đường phát triển chính xác, được sự ca ngợi phổ biến của giới lý luận kinh tế toàn quốc và sự ủng hộ của nhân dân cả nước. Tư tưởng kinh tế đó của ông đến từ đâu? Ông chưa học đại học kinh tế nhưng nắm rất chắc công tác kinh tế.

Triệu Tử Dương mỉm cười: trong đoạn thời gian công tác ở Tứ Xuyên tôi đã nghiên cứu một chút kinh tế học [2] , đọc một số sách có liên quan đến phương diện phát triển kinh tế. Liên hệ với những suy nghĩ trước đây về một số mặt kinh tế, muốn làm một số việc thực, đuổi kịp trào lưu thế giới.

Tôi nói tiếp: đại hội 14 lần này đã xác định sẽ đề xuất khái niệm “kinh tế thị trường”, đó là một đột phá. Từ năm 1978, cái từ “thị trường” bắt đầu bị lảng tránh, tiếp đó phát triển thành “kinh tế kế hoạch là chính, điều tiết thị trường là phụ”, sau đó lại phát triển thành “kinh tế hàng hóa có kế hoạch”, cuối cùng phát triển thành “nhà nước khống chế thị trường, thị trường hướng dẫn xí nghiệp”. Thế nhưng sau sự kiện “4-6” lại lùi lại thành “kết hợp kinh tế kế hoạch và điều tiết thị trường”, cho đến lần này đề xuất “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” thì mục tiêu thể chế mới được xác lập. Cuối cùng mới thoát khỏi sự trói buộc của thể chế kinh tế kế hoạch.

Triệu nói: những tình hình ông nghe được vốn định là kinh tế thị trường có kế hoạch, đó cũng là điều Giang Trạch Dân chủ trương; nhưng khi thảo luận tại Thường vụ, Kiều Thạch và mấy người nữa đề xuất làm thế nào kinh tế thị trường có kế hoạch được? Cảm thấy nói không xuôi, mới xóa mấy chữ kế hoạch đi.

Tôi nói: khi ông cầm quyền, xí nghiệp thực hiện chế độ xưởng trưởng chịu trách nhiệm, như vậy lãnh đạo hành chính có tác dụng trung tâm. Sau khi Giang Trạch Dân lên cầm quyền, lại nhấn mạnh sự lãnh đạo của đảng ủy xí nghiệp, đề xuất tác dụng hạt nhân của công tác chính trị thế là tạo nên hỗn loạn, người ta đang bàn luận: hai tâm [xưởng trưởng, bí thư] không đồng tâm, kết quả là vô tâm.

Tiếp đó căn cứ vào thể nghiệm thiết thân của mình, tôi bàn luận: trước đây chúng ta coi công xưởng là căn cứ thống trị của chính trị, khi “đại cách mạng văn hóa” đã đối xử như là căn cứ chuyên chính. Nếu như một cán bộ công nhân viên xa rời đơn vị hoặc bị khai trừ, là không còn cách sống, là không có dư địa để sinh tồn, khiến anh không thể không phục tùng, không thể không nghe lệnh, buộc anh đến mức hễ có lệnh là phục tùng, hoặc giả đem phần lớn tinh lực vào việc làm tốt quan hệ giao tiếp với người, đi làm “quan hệ học”.

Trong công nhân do có “đảm bảo” của nồi cơm chung, người ta phát triển trì trệ, không cầu tiến thủ; đi làm lười như quỷ, làm mà không bỏ sức; tan tầm vui như hội, làm cật lực vì việc riêng. Cái gọi là: “đảng cộng sản là bố ta, nhà máy là mẹ ta, nhà máy có gì ta có nấy”; vơ vét của chung làm của riêng, mọi người đều bám vào nhà máy miệng ăn núi lở. Những người lãnh đạo công xưởng mà tôi tiếp xúc thường thà chịu để cho sản xuất bị tổn thất, thậm chí phải vay nợ, chứ không bao giờ không thỏa mãn yêu cầu phúc lợi sinh hoạt của công nhân, nhằm giành được sự ủng hộ và ca ngợi của công nhân. Điều này làm cho công xưởng ăn vào nồi cơm chung của ngân hàng, vay càng nhiều, công nợ càng nặng, hình thành tuần hoàn ác tính... Đối với hàng loạt vấn đề trình bầy trên, trong thời gian làm việc tại nhà máy tôi đã cảm thụ sâu sắc, cảm thấy ở công xưởng càng ngày càng khó, trước sau không thoát ra khỏi con đường đó.

Cũng có thể là vì vậy mà sau này tôi tranh thủ đến làm công tác nghiên cứu tại Ủy ban cải cách thể chế quốc gia, khiến tôi có cơ hội tham gia một số hội nghị học thuật, được tiếp xúc với chuyên gia trong, ngoài nước. Qua học tập và suy ngẫm lại khiến tôi cảm thấy bây giờ là thời kỳ các vùng, các dân tộc trên thế giới dưới sự thúc đẩy của lưc lượng thị trường đang hướng về hội nhập lớn, là thời đại kinh tế thế giới đi về nhất thể hóa, là sự phát triển chung trong anh có tôi, trong tôi có anh, anh không thể tách rời tôi, tôi cũng không thể tách rời anh, cùng dựa vào nhau, cùng tồn tại. Vì vậy những biện pháp này của chúng ta là không ổn, chúng ta cần phải nhảy ra khỏi sự trói buộc của hình thái ý thức cũ và mô hình xã hội chủ nghĩa cũ để đối xử với những thay đổi mới của thế giới.

Tôi mang những thể hội và nhận thức thiết thân của cá nhân trình bầy một hồi với Triệu Tử Dương. Mặc dù câu chuyện giữa tôi và Triệu Tử Dương chỉ là sự thăm dò đối với một số vấn đề có tính lý luận đồng thời không liên quan đến những cái khác, nhưng Triệu Tử Dương vẫn kéo tôi đến nói chuyện tại một phòng nhỏ khác, còn Lương Bá Kỳ - phu nhân của ông thì ở ngoài cửa chú ý quan sát xem có bị chụp ảnh trộm không. Qua đó có thể thấy được tâm trạng thận trọng của họ.

Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Dương Bạch Băng/杨白冰(Yang Baibing)(1920 -) người Tứ Xuyên, (em trai Dương Thượng Côn – nguyên chủ tịch Trung Quốc) đã từng làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân giải phóng, Bí thư trưởng Quân ủy Trung ương, Thượng tướng, năm 1992 bị buộc từ mọi chức vụ trong quân đội.
[2]Từ tháng 10 năm 1975 đến tháng 2 năm 1980, Triệu Tử Dương làm Bí thư thứ nhất tỉnh ủy Tứ Xuyên. Do hai năm 1977-1978 gia tăng sản lượng lương thực, đất Thục [Tứ Xuyên] đại trị, trong dân gian truyền đi câu nói đẹp: “muốn ăn cơm, tìm Tử Dương”.