© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
3.11.2007
Tiêu Dao Bảo Cự
Hành trình cuối đông
(Tái bản trong Tủ sách talawas 2007)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11 
 
Mục lục

Hai mươi năm sau một chuyến “Hành trình cuối đông” xuyên Việt
(Thay lời tựa cho lần tái bản trong Tủ sách talawas)

Thế mà đã hai mươi năm kể từ ngày ấy. Thời gian đối với con người rất dài mà cũng nhanh như một chớp mắt. Nhân dịp Tủ sách talawas có nhã ý muốn tái bản trên mạng cuốn bút ký Hành trình cuối đông của tôi (nhà xuất bản Văn nghệ, Hoa Kỳ, 1997), tôi muốn nhìn nhận lại đôi điều về chặng đường đã qua. (Cuốn sách này đã được một số trang web đưa lên mạng nhưng không đầy đủ, chỉ có phần bút ký chính và phụ lục thơ, thiếu hẳn hơn 200 trang tư liệu mà qua đó người đọc có thể hiểu rõ hơn về chuyến đi này và vấn đề được gọi là “Vụ án Langbian”. Ngoài ra lần tái bản này còn được bổ sung một số hình ảnh và tư liệu khác). Nhân đây, trước hết, tôi xin được ngỏ lời cám ơn talawas đã làm một việc rất có ý nghĩa và hữu ích, không phải chỉ cho riêng tôi mà còn cho nhiều người khi nhìn lại một sự kiện có thể ít nhiều có tính chất lịch sử.

Đây không phải chỉ là câu chuyện của riêng Bùi Minh Quốc và tôi, hai nhân vật chính trong cuộc hành trình, mà còn liên quan đến rất nhiều người và tổ chức, đặc biệt là các hội văn nghệ và trí thức, văn nghệ sĩ 7 tỉnh miền Trung, phản ánh một thời kỳ khá đặc biệt, trong đó người trí thức, văn nghệ sĩ đã dám nói lên tiếng nói phản kháng của mình.

Năm 1987, Hội Văn nghệ Lâm Đồng được thành lập và xuất bản tạp chí Langbian, cơ quan ngôn luận của Hội do anh Bùi Minh Quốc làm tổng biên tập và tôi là phó tổng biên tập. Chỉ sau 3 số, Langbian bị rút giấy phép vì tính chất cấp tiến của nó. Theo đề xuất của chúng tôi, ban chấp hành Hội và ban biên tập tạp chí đã nhất trí thành lập một đoàn do anh Bùi Minh Quốc và tôi đại diện đi vận động và đấu tranh để đòi quyền tiếp tục xuất bản tạp chí. Chuyến đi có khách là nhà thơ Hữu Loan cùng đi. Chuyến đi này xuất phát từ Đà Lạt, xuống Sài Gòn, qua các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, ra Hà Nội kéo dài trong một tháng 14 ngày (từ 4-11-1988 đến 17-12-1988), đã trở thành một chuyến đi đòi tự do sáng tác, tự do báo chí và xuất bản, mở rộng ra đòi đổi mới và dân chủ thực sự. Chuyến đi gây nên nhiều sóng gió và hệ luỵ, ngay sau đó đã bị Trần Trọng Tân, lúc đó là trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương quy kết trên báo Nhân dân ngày 25-12-1988 là “nhóm người trong Hội Văn nghệ Lâm Đồng lợi dụng công khai, dân chủ và hoạt động bè phái”.

Bối cảnh lớn trong thời điểm này là Liên Xô đang tiến hành “glasnost và perestroika”, Việt Nam vừa có Đại hội VI của Đảng Cộng sản mở đầu thời kỳ đổi mới. Trong nước, vài sự kiện quan trọng từ trước chưa từng có diễn ra như nông dân 6 tỉnh Nam bộ biểu tình đòi ruộng đất, Câu lạc bộ Những người Kháng chiến cũ ở Sài Gòn được thành lập, trong hoạt động công khai phê phán sự lãnh đạo của Đảng và đòi kiểm điểm cả Bộ Chính trị về việc thực hiện đường lối và sách lược. Trên lãnh vực văn nghệ và báo chí có nhiều khởi sắc sau khi được tuyên bố “cởi trói”, thể hiện rõ nhất là tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, tạp chí Sông Hương của Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, báo Tuổi trẻ, báo Thanh niên, kể cả báo Sài Gòn Giải phóng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như một số báo, tạp chí, bao gồm cả báo Đảng, của các địa phương khác như Nha Trang, Cửu Long, Lâm Đồng… Trên lãnh vực tư tưởng, ngoài sự đấu tranh chung trong nội bộ Đảng về đường lối đổi mới, đặc biệt có sự phổ biến không chính thức một số luận điểm theo chiều hướng cải tổ của Liên Xô của Trần Xuân Bách, uỷ viên Bộ Chính trị và sự ra đời của Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về văn hoá văn nghệ, một nghị quyết hay nhất và cấp tiến nhất của Đảng Cộng sản từ trước đến nay trên lãnh vực này mà người đứng đằng sau là Trần Độ, trưởng Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương và các cộng sự của ông.

Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị đã chính thức nói đến sự “động dao chủ nghĩa xã hội” và xu hướng bảo thủ trong Đảng đã thắng thế khi cánh cửa đổi mới vừa hé ra đã khép lại, sợ “gió độc” tràn vào. Văn nghệ sĩ mới được cởi trói chưa được bao lâu, có người còn lóng ngóng như “gà công nghiệp vừa ra khỏi chuồng” chưa biết làm gì, đã bị trói lại. Tuy thế, với thời gian ngắn ngủi đó, trong văn học cũng đã xuất hiện một số tác giả vừa có tài năng vừa có tư tưởng cấp tiến như Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Phùng Gia Lộc, Huỳnh Hữu Các… mà tác phẩm của họ đã gây tiếng vang lớn trong công chúng.

Đảng khẳng định đổi mới kinh tế chứ không đổi mới chính trị, “đổi mới chứ không đổi màu”. Đặc biệt trên lãnh vực tư tưởng, thể hiện trong hoạt động báo chí và văn học nghệ thuật, cảm thấy sự nguy hiểm có thể diễn ra rất nghiêm trọng, Đảng đã mạnh tay siết lại sự kiểm soát của mình. Hàng loạt tổng biên tập báo bị cách chức hay thay thế và vụ gây tiếng vang lớn nhất trong công luận là vụ “cách chức trá hình” nhà văn Nguyên Ngọc, tổng biên tập tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam.

Trước tình hình đó, thay vì chùn bước, chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh của mình. Hình thức cuộc đấu tranh là sử dụng báo chí và trực tiếp vận động thông qua những kiến nghị, tuyên bố mang tính cá nhân, tập thể hay tổ chức khi đi qua nhiều địa phương để đòi những quyền thiết yếu cho văn nghệ sĩ và mở rộng ra là đòi đổi mới và dân chủ thực sự, riêng trong chuyến đi nói trên, được coi là một “cuộc biểu tình chạy” từ Nam ra Bắc, một sự kiện chưa từng có trước đây.

Phương pháp chúng tôi sử dụng là phương pháp công khai vì chúng tôi cho rằng công khai là thế mạnh của mình trong khi đó lại là “chỗ yếu chí tử” của các thế lực bảo thủ. Mọi văn bản và hoạt động chúng tôi đều thông báo rộng rãi đến nhiều đối tượng, nhiều cơ quan của Đảng và nhà nước, không phải chỉ của Trung ương mà còn khắp cả các địa phương trong cả nước. Khi không còn tờ báo trong tay và không cậy đăng được ở các báo khác, chúng tôi cho đánh máy stencil và quay ronéo hoặc photocopy nhiều trăm bản để gởi đi. Một số bạn bè gọi đùa chúng tôi thuộc “trường phái ronéo”. (Lúc đó chưa có máy vi tính và Internet như sau này).

Trong thời gian đó, thẳng thắn mà nói, chúng tôi đấu tranh với tư cách là đảng viên cộng sản, để thực hiện nghị quyết mà chúng tôi cho là đúng đắn của Đảng vì lúc đó nghị quyết đúng nhưng người ta không thực hiện hoặc nói một đằng làm một nẻo. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 ghi: “Đảng lãnh đạo và tôn trọng tính độc lập về tổ chức của các đoàn thể”. Trong công tác vận động quần chúng, ông Lê Quang Đạo phát biểu: “Khi Đảng nắm chính quyền thì Đảng có hai nguy cơ lớn là đường lối sai và bệnh quan liêu, xa rời quần chúng… Sau khi có chính quyền, dẫu đường lối có sai nhưng vẫn có khả năng bắt dân phải nghe, Đảng bị quan liêu hoá nhưng vẫn bắt dân tuân theo mình, vì trong tay có quyền lực.” (Phát biểu tại cuộc họp của báo Đại Đoàn kết ngày 8-12-1989 để góp ý về công tác dân vận của Đảng).

Ấy thế nhưng Đảng vẫn thực hiện phương châm lãnh đạo “trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối” bằng cách thò tay cụ thể vào tất cả mọi nơi để nắm tất cả, kiểm soát tất cả. Ngay trong việc thành lập Hội Văn nghệ Lâm Đồng, trước yêu cầu bức thiết của văn nghệ sĩ địa phương sau 12 năm kể từ ngày thống nhất, đầu tiên là phải hình thành một chi bộ để lãnh đạo trước khi cho nó ra đời. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ sau khi thăm dò đã cho người đi trao đổi và mời Bùi Minh Quốc từ Đà Nẵng vào, điều động tôi từ Bảo Lộc lên và cử một phó Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ qua, có đủ 3 người để thành lập chi bộ, chỉ định ông phó ban này làm bí thư chi bộ và sau đó cơ cấu vào phó chủ tịch Hội Văn nghệ. Chặt chẽ như thế nhưng tiếc thay, sau này có đến 2/3 đảng viên “vi phạm kỷ luật Đảng”, chi bộ không thể khai trừ được mà phải đưa lên Đảng bộ cấp trên thực hiện. Muốn thế Đảng phải ra một chỉ thị mới về việc này vì trước đây không có tiền lệ và quy định như thế. Bùi Minh Quốc vẫn hay nói vui là chúng tôi tự hào vì đã giúp Đảng sáng tạo ra những chỉ thị nghị quyết mới. (Cũng như sau này Nghị định 31/CP về quản chế hành chính “tù tại gia” ra đời là cũng để đối phó với những trường hợp như chúng tôi vì hai chúng tôi là hai đối tượng đầu tiên được áp dụng nghị định này).

Sau vụ Câu lạc bộ Những Người Kháng chiến Cũ bị dẹp tan, những người chủ chốt như Nguyễn Hộ, Hồ Hiếu, Đỗ Trung Hiếu… bị tù và quản chế, Đảng chỉ đạo thành lập Hội Cựu Chiến binh vì đây là một lực lượng đông đảo và có thành tích trong quá khứ, không tổ chức và lãnh đạo sẽ rất nguy hiểm nếu họ trở nên bất mãn. Thế là Hội Cựu Chiến binh được hình thành, có cơ cấu tổ chức, trụ sở, kinh phí, biên chế từ trung ương đến địa phương, tương tự như các đoàn thể công nông thanh phụ. Trong sự phát triển mới, nhiều tổ chức khác cần ra đời để đáp ứng yêu cầu của xã hội như hội đồng hương, hội ái hữu các trường học, hội võ thuật, hội chim cây cá cảnh cho đến câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ thơ, câu lạc bộ doanh nghiệp… Những tổ chức của xã hội dân sự này đáng lẽ để tự hình thành và vận hành, Đảng cũng thò tay vào kiểm soát tất cả. Bất cứ hội đoàn, câu lạc bộ nào, người chủ chốt hay cố vấn cũng phải là người tin cậy của Đảng, một ông sĩ quan, cán bộ về hưu hay một người có dây mơ rễ má nào đó với Đảng. Nghĩa là Đảng không tin nhân dân, sợ rằng nhân dân sẽ phản mình. Đảng đã nắm quân đội, công an, nhà nước, quốc hội, các đoàn thể lực lượng chủ chốt của “cách mạng” nhưng Đảng vẫn chưa yên tâm. Đảng đã không tin dân thì dân làm thế nào tin Đảng?

Thời điểm này, chúng tôi tự cho mình là những người cộng sản chân chính và Đảng Cộng sản mà chúng tôi tham gia là một đảng đã không tiếc máu xương, chịu đựng bao tra tấn, tù đày để đấu tranh cho độc lập dân tộc và công bằng xã hội. Sự suy thoái của Đảng, trong Đảng là do những kẻ xấu xa, cơ hội đang khuynh loát Đảng trong giai đoạn Đảng cầm quyền. Vì thế vào thời điểm này, Bùi Minh Quốc viết:

Con xin nói
với tất cả tấm lòng và lương tri cộng sản
Mẹ chẳng phải đảng viên
Nhưng mẹ có tấm-thẻ-đỏ-trái-tim ròng ròng máu ứa
Chính mẹ chứ không ai – mẹ phải nắm quyền
Hỏi tội những thằng thẻ đỏ tim đen.

(“Những ngày thường đã cháy lên”, 1988)

Tuy nhiên, sự cách biệt giữa nghị quyết và thực tế, giữa nói và làm, cách xử lý đối với những hành động của chúng tôi đã đẩy chúng tôi xa Đảng, dần dần đi vào thế đối lập với Đảng. Một cách nhìn nhận khác là chúng tôi thấy Đảng Cộng sản này không còn là “đảng của mình” nữa khi nó đi ngược lại những lý tưởng mình đã chọn khi vào Đảng. Trước đây Đảng hay dùng cách nói “Đảng ta”, làm cho nó phổ biến trong toàn xã hội, để khắc sâu thành ý thức rằng đảng này chính là đảng của toàn dân tộc. Dù không phải là đảng viên, hầu như mọi người đều nói “Đảng ta” khi nhắc đến Đảng. (Đây là nói về tình hình miền Bắc trước đây. Tương tự như cách nói “Nhờ ơn Đảng, ơn chính phủ”, “Nhờ ơn Bác và Đảng”). Sự nhồi sọ tinh vi này đến bây giờ không còn hiệu lực nữa. Đã đến lúc người ta nhận ra rằng quyền lực không nên thuộc về Đảng nữa mà quyền lực phải thuộc về nhân dân vì trong Đảng có quá nhiều kẻ xấu xa đang chà đạp lên nhân dân. Bùi Minh Quốc nói “Mẹ phải nắm quyền”, chính là đòi hỏi nhân dân phải giành lấy quyền làm chủ để “hỏi tội những thằng thẻ đỏ tim đen”. Sự đòi hỏi này hoàn toàn chính đáng.

Công bằng mà nói, trong thời gian có “động dao chủ nghĩa xã hội” này, Đảng đã đối xử với chúng tôi không tệ lắm so với sau này. Cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng với Tỉnh uỷ Lâm Đồng kéo dài nửa năm, hết sức gay gắt dù đây là một cuộc đấu hoàn toàn không cân sức. Trong những cuộc thảo luận hay kiểm điểm ở Hội Văn nghệ, ở Ban Kiểm tra Đảng hay với Thường trực Tỉnh uỷ, chúng tôi tranh luận không khoan nhượng. Trong một cuộc họp ở Hội, khi phó bí thư Tỉnh uỷ đến phát biểu chỉ đạo xong rồi ra về, không ở lại nghe anh em nói, một hội viên đã đứng lên chặn ngang đường không cho ông ta về và ông đành phải ngồi lại.

Sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Chính trị đã có chỉ thị mật gởi tất cả các tỉnh, thành uỷ; các ban tuyên huấn, ban tổ chức, ban kiểm tra Đảng, Bộ Văn hoá Thông tin đều cử người về Lâm Đồng và một số tỉnh để điều tra nhưng công an chỉ làm việc một cách âm thầm, không lộ diện và trực tiếp đối phó như sau này. Việc trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương quy chụp chúng tôi trên báo Nhân dân là một hình thức rất nặng nề vào lúc đó nhưng chẳng thấm gì so với những cái gọi là bài báo “vạch rõ bộ mặt thật” của chính chúng tôi và những người bất đồng chính kiến hay đấu tranh dân chủ khác trên báo Nhân dân và nhất là trên các báo công an sau này.

Điều đáng trân trọng là thái độ ủng hộ chúng tôi của một số anh em trí thức, văn nghệ sĩ. Họ ủng hộ nghĩa là họ tán thành quan điểm như chúng tôi đề xuất và đã không ngại nói lên tiếng nói của mình. Đó là những tiếng nói đầy hào khí. Đà Lạt có Hà Sĩ Phu, Mai Thái Lĩnh, Nguyễn Hữu Cầu, Đặng Việt Nga, Nguyễn Diệp, Nguyễn Đức Thạc, Nguyễn Quang Nhàn, Nguyễn Hồng Giáp, Phan Hồng Phương…, Nha Trang có Thế Vũ, Cao Duy Thảo, Đào Xuân Quý, Lê Ký Thương, Trần Chấn Uy, Giang Nam…, Đắc Lắc có Văn Thanh, Nguyễn Mạnh Tấn…, Gia Lai-Kontum có Nguyễn Đỗ…, Nghĩa Bình có Thanh Thảo, Trần Hinh, Nguyễn San, Nguyễn Trung Hiếu…, Đà Nẵng có Thanh Quế, Thái Bá Lợi, Phạm Văn Hạng, Nguyễn Bá Thâm, Nguyễn Văn Phụng, Hồ Hoàng Thanh, Phạm Hồng, Hoàng Sơn…, Thừa Thiên-Huế có Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Thuỳ Mai, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Thức, Hoàng Dũng, Ngô Minh, Nguyễn Quang Hà, Hoàng Vũ Thuật, Võ Quê, Hồng Nhu…, Nam bộ có Nguyễn Bá, Hà Văn Thuỳ…, Hà Nội có Nguyễn Thuỵ Kha… Sau khi chúng tôi bị đàn áp, Bùi Minh Quốc và tôi bị cách chức, khai trừ Đảng, chỉ một hai trường hợp hãn hữu, có người quay lại tố cáo chúng tôi, một vài người xoay chiều hay đổi hướng hoặc không còn tiếp tục cuộc đấu tranh nhưng phần lớn đều bày tỏ cảm tình và giữ mối quan hệ tốt với chúng tôi, không có hiện tượng tố giác, chỉ điểm, đánh hôi, đánh tập thể như thời Nhân văn-Giai phẩm. Đây quả là một hiện tượng đáng mừng.

Hai mươi năm qua từ sau vụ Langbian, tình hình đã diễn ra như thế nào trên lãnh vực tư tưởng và báo chí, văn học nghệ thuật?

Qua 4 kỳ đại hội kể từ Đại hội VI, các nghị quyết của Đảng hình như vẫn là “bổn cũ soạn lại”, vẫn là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ chí Minh, ổn định chính trị và kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, không chấp nhận dân chủ đa nguyên, kiên quyết chống các tư tưởng thù địch và diễn biến hoà bình, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động báo chí, văn hoá văn nghệ…

Đảng không thay đổi nhưng người dân đã thay đổi. Sự độc quyền lãnh đạo và ổn định chính trị theo kiểu buộc phục tùng bằng răn đe và bạo lực, tạo ra nỗi sợ thường trực trên toàn xã hội không còn hiệu lực như xưa nữa. Nông dân Thái Bình, ngoại thành Hà Nội và nhiều nơi đã nổi dậy chống lại số cán bộ Đảng đã trở thành cường hào mới bóc lột, đè đầu cỡi cổ nhân dân. Các “dân oan” khắp mọi nơi biểu tình khiếu kiện chống cướp nhà cướp đất và tập trung về Hà Nội ăn ngủ vạ vật ở công viên trường kỳ đòi công lý….

Cùng với một số ít người đã công khai bộc lộ chính kiến trước đây, những đảng viên cao cấp, trí thức, văn nghệ sĩ phê phán đảng xuất hiện ngày càng nhiều và ngày càng gay gắt. Ở Sài Gòn có Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, nhóm Câu lạc bộ Những Người Kháng chiến Cũ, Nguyễn Văn Trấn, Lữ Phương, Nguyễn Đan Quế, Đoàn Viết Hoạt, Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ… Ở Hà Nội có Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Phan Dình Diệu, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương, Hoàng Tiến, Nguyễn Kiến Giang, Lê Hồng Hà, Vũ Cao Quận, Lê Đăng Doanh… rồi những người trẻ hơn như Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang…, Ở Đà Lạt có Hà Sĩ Phu, Mai Thái Lĩnh…

Từ chỗ bất đồng chính kiến, đối lập, về sau này nhiều người đã trở thành đối kháng, không những chỉ đòi giải thể Đảng Cộng sản mà còn thành lập các tổ chức chính trị để đấu tranh đòi dân chủ, đặc biệt rộ lên từ năm 2006 như Khối 8406, Đảng Dân chủ XXI, Đảng Dân chủ Nhân dân, Đảng Thăng tiến, Liên minh Dân chủ Nhân quyền Việt Nam, Hiệp Hội Đoàn kết Công Nông… Những tổ chức này tuy quy mô nhỏ nhưng hoạt động của họ gây tiếng vang rất lớn nhờ sự tiếp sức của phương tiện Internet và sự hỗ trợ của các lực lượng người Việt ở nước ngoài. Bên cạnh những người lớn tuổi như Hoàng Minh Chính, Trần Khuê, Nguyễn Văn Lý, Trần Anh Kim…, xuất hiện một lớp người trẻ hơn như Đỗ Nam Hải, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân…

Nhà nước đã đối phó với họ bằng luật hình sự với những bản án tù từ 1-2 năm đến 10-15 năm và biện pháp quản chế hành chính với Nghị định 31/CP, tạo ra một hình ảnh công an trị không còn chút gì dân chủ. Mới đây nhất, trong tháng 5-2007, một loạt các phiên toà “công khai và bịt miệng” kết án những người đấu tranh cho dân chủ đã làm dấy lên một làn sóng phản đối không những ở trong nước, của Việt kiều ở hải ngoại mà còn của nhiều quốc gia, tổ chức nhân quyền trên thế giới. Như thế rõ ràng sự ổn định chính trị mà Đảng Cộng sản muốn có chỉ là một bề mặt tạm thời với nhiều đợt sóng ngầm nguy hiểm ở bên dưới.

Tình hình báo chí trong nước quả thật có nhiều khởi sắc và phong phú. Các báo, tạp chí xuất hiện vô số, với kỹ thuật hiện đại không thua gì các nước tiên tiến, về đủ mọi lãnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hoá văn nghệ cho đến gia đình, nấu ăn, nhà đẹp, ô tô, mỹ phẩm, nuôi chó… không thiếu một thứ gì. Tiền quảng cáo trên một số tờ báo lớn đã giúp những cơ quan chủ quản các tờ báo này này giàu lên nhanh chóng, có thể xây dựng trụ sở hiện đại và thành lập những công ty, tập đoàn kinh doanh như các nước phương Tây. Các báo điện tử cũng bắt đầu xuất hiện và tức khắc hoà vào Internet toả ra khắp thế giới.

Nội dung báo chí mới là điều quan trọng. Năm 1988, lần đầu tiên các trí thức, văn nghệ sĩ miền Trung yêu cầu cách chức một số quan chức cấp bộ và uỷ viên trung ương Đảng. Sau đó báo chí công khai mới nói đến chuyện yêu cầu cách chức một số quan chức trong Liên đoàn Bóng đá. Gần đây, sau một số vụ tham nhũng nổi cộm báo chí mới đề cập đến chuyện cách chức một số bộ trưởng. Báo chí cũng đã phanh phui nhiều vụ tham nhũng và tiêu cực lớn, nhất là trong vấn đề nhà đất, của quan chức ở mọi địa phương, mọi cấp. Các bài phóng sự điều tra đã mô tả được nỗi khổ của nông dân bị áp bức, của những tầng lớp khốn cùng sống bên lề xã hội. Một số bài chính luận và nhất là ý kiến của bạn đọc trên các báo đã có mức độ phê phán gay gắt đối với một số chủ trương, chính sách và hành vi sai trái của các quan chức có quyền thế. Tuy nhiên tất cả đều dừng lại đối với vấn đề lãnh đạo của Đảng, trước cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Rõ ràng, báo chí không dám, không được phép nói hết. Vì làm sao với bao nhiêu sai lầm khuyết điểm to lớn như vậy mà lại không có phần trách nhiệm của những người lãnh đạo cao nhất.

Báo chí chính thức chịu một sự kiểm soát gay gắt và chặt chẽ thông qua Ban Tư tưởng Văn hoá và các tổng biên tập, ban biên tập. Sự lựa chọn đội ngũ lãnh đạo báo chí vô cùng chặt chẽ, tất cả đều là đảng viên đáng tin cậy và khi báo có sai lầm, việc xử lý người lãnh đạo báo là phương thức hữu hiệu nhất đưa tờ báo vào khuôn phép.

Một trong những đặc điểm lạ lùng nhất mà có lẽ không nước nào có là Việt Nam luôn luôn tuyên bố có đầy đủ tự do báo chí nhưng lại không cho phép báo chí tư nhân. Mặt khác, các báo chính thống của nhà nước, nhất là báo của ngành công an, có thể tự do vạch mặt, xúc phạm, bôi nhọ, lên án, kết tội những người mà họ cho là “phản động, nguy hại cho an ninh quốc gia” trước khi những người này được đưa ra toà xét xử.

Tuy nhiên gần đây những người hoạt động đấu tranh dân chủ đã bất chấp sự cấm đoán. Họ ra một số báo như Tự do ngôn luận, Tự do dân chủ, Tin nhà, Tổ quốc… dù bị đàn áp đối với báo in nhưng báo điện tử trên mạng vẫn tiếp tục tồn tại. Cùng với vô số trang web trên Internet mà thông tin cập nhật từng giờ, rõ ràng nhà nước không thể bưng bít được thông tin như trước đây. Tuy thế việc truy cập vào các trang web bị cấm vẫn còn nhiều khó khăn do bức tường lửa của nhà nước cản trở và việc xử lý của công an đối với những đối tượng mà họ cho là nguy hiểm khi truy cập vào những trang web này.

Về văn học kể từ đợt khởi sắc ngắn sau khi được “cởi trói” năm 1986, văn học Việt Nam hầu như chững lại. Tuy cũng có một vài tác phẩm thực sự có giá trị nhưng các nhà phê bình và độc giả đều than thở Việt Nam không có tác phẩm lớn. Người ta ngạc nhiên không hiểu sao một đất nước trải qua một thời kỳ lịch sử bi tráng với bao nhiêu biến cố long trời lở đất, hiện thực ngồn ngộn dữ liệu cho tác phẩm, nhà văn cũng không thiếu tài năng nhưng tác phẩm lớn vẫn chưa xuất hiện. Đây là một câu hỏi làm nhức nhối những người cầm bút.

Một điều cần nói thêm là hoạt động của các hội văn học nghệ thuật. Qua thông tin trên báo chí, phần lớn các tổ chức hội đều có chuyện gọi là “đấu đá nội bộ” để tranh giành quyền lực, nhất là qua các kỳ đại hội, một việc không liên quan gì đến sáng tạo văn học nghệ thuật nhưng đã chiếm rất nhiều công sức và tâm huyết của không ít văn nghệ sĩ. Do đó một số người đã tuyên bố ra khỏi hội hoặc không quan tâm gì đến hoạt động của hội nữa. Riêng Hội Văn nghệ Lâm Đồng, từ khi tiếp tục hoạt động lại, chuyện đấu đá này cũng xảy ra triền miên. Mấy năm trước đây, một uỷ viên ban chấp hành hội, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trước khi đi dự đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, đã bị hội địa phương khai trừ ra khỏi hội vì tham ô. Mới tháng trước, báo đăng tin chủ tịch hội cũng đã bị khai trừ ra khỏi hội vì lý do tương tự dù kinh phí của hội mỗi năm chỉ có vài trăm triệu đồng. Than ôi!

Không phải tất cả nhưng nhiều văn nghệ sĩ cũng cần hội, nhóm để chia sẻ, động viên, hỗ trợ nhau trong sáng tác nhưng đây phải là sự gặp gỡ, tập họp theo kiểu “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” và hoạt động hoàn toàn tự do chứ không phải, không thể là một cơ quan nhà nước hay đoàn thể chịu sự chi phối của đảng và nhà nước. Ở Việt Nam, thời tiền chiến, nhóm Tự lực văn đoàn là một thí dụ rõ ràng về điều này và họ đã để lại một dấu ấn quan trọng trong lịch sử văn học. Hiến pháp Việt Nam hiện nay có ghi rõ quyền tự do lập hội nhưng chưa thấy hội văn học nghệ thuật nào được tự do thành lập hay văn nghệ sĩ nào đấu tranh để thực hiện quyền lập hội chính đáng của mình. Đây cũng là điều đáng ngạc nhiên và cũng là một câu hỏi lớn, một vấn nạn cho những người hoạt động văn học nghệ thuật. Tại sao lại cứ phải chui vào một rọ để rồi cấu xé lẫn nhau?

Đoạn kết của bút ký Hành trình cuối đông, tôi viết: “Tình cờ chăng khi chuyến đi là một hành trình cuối đông? Mùa đông đã qua. Mùa xuân đang qua. Tất cả chỉ là ý nghĩa tượng trưng thôi để nói lên một niềm hi vọng. Hành trình vẫn còn tiếp diễn, nhiều mùa đông và nhiều mùa xuân nữa, trên dặm dài lịch sử. Sẽ có lúc chúng tôi gối mỏi, chân chồn. Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ không dừng lại khi mình còn đủ sức đi thêm một bước nữa. Chắc chắn chúng tôi còn vô số bạn đồng hành, bạn chiến đấu. Và chúng ta đã đi, khắc đến.”

Thế mà đã hai mươi năm qua, mái đầu của chúng tôi có người đã điểm bạc, có người đã bạc trắng. May mắn thay chúng tôi vẫn đã tiếp bước như lời ước hẹn ngày ấy dù đã có lúc gối mỏi chân chồn, và chúng tôi cũng đã có rất nhiều bạn đồng hành, bạn chiến đấu. Cuộc đấu tranh cho quyền tự do tư tưởng, tự do sáng tác, tự do báo chí và xuất bản của trí thức, văn nghệ sĩ, rộng hơn là quyền công dân và quyền làm người, cho khát vọng dân chủ và hoà bình của toàn dân tộc là một cuộc đấu tranh lâu dài mà mỗi một người phải đóng góp phần mình. Thành quả đến sớm hay muộn tuỳ thuộc vào nhận thức và sự tham dự của toàn dân tộc. Nhưng điều chắc chắn là “chúng ta đã đi, khắc đến”.

Đà Lạt, tháng 6-2007
Tiêu Dao Bảo Cự



Lời nhà xuất bản

Tiêu Dao Bảo Cự đã được biết đến tại hải ngoại qua tác phẩm Nửa đời nhìn lại do nhà Thế Kỷ, California, xuất bản năm 1994. Cuốn truyện này đã gây được tiếng vang lớn trong giới cầm bút và những người quan tâm đến tình hình đất nước. Đó là một bi kịch nội tâm, là sự phản tỉnh của một đảng viên cộng sản. Đó cũng là một mảng của cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ và đổi mới thực sự. Theo lời tác giả, đây là một “tác phẩm xuất phát từ cuộc đời, chính là cuộc đời, hoà quyện hiện thực, ước mơ và khát vọng”.

Nhưng “hoà quyện hiện thực, ước mơ và khát vọng” cũng có mặt trái của nó. Một số bài phê bình đã trách tác giả pha trộn hư cấu và đời thực, làm mất đi gía trị chứng từ của tác phẩm. Tác gỉa không đồng tình với ý kiến trên và đã trả lời trong một cuộc trao đổi lý thú giữa trong và ngoài nước.

Khi tái bản cuốn Nửa đời nhìn lại năm 1997, chúng tôi có đăng phần phụ lục gồm các bài phê bình nói trên, cũng như những bài trao đổi giữa tác giả và các bạn văn. Nhân dịp đó, chúng tôi đã khám phá ra sự hiện hữu của một bút ký với người thật, việc thật, tựa là Hành trình cuối đông, ghi lại một cách trung thực tất cả những diễn tiến trong chuyến đi một tháng mười bốn ngày dọc đường đất nước từ Đà Lạt qua các tỉnh miền Trung ra Hà Nội, để đòi quyền tự do báo chí và tự do xuất bản. Cuộc hành trình “biểu tình chạy” này được thực hiện vào mùa đông 1988, và Tiêu Dao Bảo Cự viết phần bút ký cùng một lúc với Nửa đời nhìn lại, nhưng chưa hề được xuất bản. Chúng tôi cho Hành trình cuối đông ra mắt độc giả để bù lại thiếu sót đó.

Trong khi tìm hiểu về Hành trình cuối đông, chúng tôi lại có may mắn sưu tầm được một số tài liệu quan trọng chung quanh “Vụ án Langbian” mà nạn nhân là Hội Văn nghệ Lâm Đồng của thành phố Đà Lạt. Số tài liệu này gồm các kiến nghị, tuyên bố, thư từ, quyết định, vv… liên quan đến một sự kiện đã làm rúng động các cơ quan lãnh đạo tư tưởng của đảng cộng sản Việt Nam trong thời kỳ “cởi trói” văn nghệ sĩ năm 1988. Đó là sự kiện các hội văn nghệ miền Trung cũng như những cá nhân đã ký chung kiến nghị và tuyên bố đòi quyền tự do báo chí và tự do xuất bản, và đòi cách chức một số “quan văn hoá” trong Ban Tuyên huấn Trung ương đảng cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ, những người đã chà đạp lên các quyền tự do ngôn luận và tư tưởng. Những chữ ký này đã được thu thập qua chuyến Hành trình cuối đông của đoàn văn nghệ lâm Đồng do Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự thực hiện. Cùng đi với đoàn còn có nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ nổi tiếng “Màu tím hoa sim”, một nạn nhân của vụ án Nhân văn-Giai phẩm trong thập niên 50.

Cũng như Nhân văn -Giai phẩm 30 năm về trước, tạp chí Langbian của Hội Văn nghệ Lâm Đồng ở Đà Lạt đã bị đình bản sau khi ra được ba số, Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự, tổng biên tập và phó tổng biên tập bị kỷ luật khai trừ ra khỏi đảng cộng sản, bị cách chức trong hội Văn nghệ và bị bao vây kinh tế. Nhưng sau vụ này, hai anh vẫn kiên cường đấu tranh cho tự do báo chí và tự do xuất bản. Không còn diễn đàn để phát biểu trong nước, hai người đã viết những bài tham khảo và trả lời phỏng vấn chung quanh đề tài dân chủ hoá thực sự đất nước, được báo chí và đài phát thanh hải ngoại đăng tải và loan truyền rộng rãi. Nhà cầm quyền đã tìm mọi cách để không cho họ nói, hai người đã bị công an gọi lên thẩm vấn ngày này qua ngày nọ, bị tạm giữ, bị cắt điện thoại, nhưng vẫn không cấm cản được những người muốn nói lên tiếng nói của lương tri.

Cuối cùng, vào tháng 4-1997, nghị định 31/CP được thủ tướng ban hành, cho phép chính quyền địa phương quản chế hành chánh không cần xét xử những người có “hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến an ninh quốc gia, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”. Và những nạn nhân đầu tiên của nghị định này chính là Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự. Hai anh bị quản chế hai năm, công an gác trước cửa nhà, điện thoại bị cắt, hoàn toàn không được tiếp xúc với ai. Cùng chung số phận với họ là Hà Sĩ Phu, cũng ở Đà Lạt, một bạn đồng hành của Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự, từng được hải ngoại biết đến qua các bài nghiên cứu sâu sắc về tình hình đất nước. Nói theo lời nhà văn Hoàng Tiến ở Hà Nội: “Như thế thí có khác gì đi ở tù, loại tù cơm nhà, tù không có ăn, không có xét xử. Tôi cực lực phản đối lối hành hạ con người, xúc phạm phẩm giá con người như vậy” (trích thư Hoàng Tiến viết ngày mồng 5 tết Mậu Dần 1998, nhân dịp các ông Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Phan Đình Diệu, Hoàng Hữu Nhân phát biểu đòi dân chủ hoá đất nước).

Khi cuốn sách này lên khuôn, Tiêu Dao Bảo Cự, Bùi Minh Quốc và Hà Sĩ Phu vẫn còn bị quản chế.

Xuất bản bút ký Hành trình cuối đông, chúng tôi muốn phá tan sự bưng bít của chính quyền hiện nay để đưa ra ánh sáng một cuộc đấu tranh cho tự do báo chí và tự do xuất bản xảy ra ngay trong lòng chế độ cách đấy 10 năm, và tới giờ này hai người khởi xướng là Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự vẫn còn bị guồng máy chuyên chính tìm đủ mọi cách để nghiền nát. Sự ra đời của cuốn sách này sẽ là món quà tặng hết sức khiêm nhường gửi đến những chiến sĩ đang dũng cảm đấu tranh cho dân chủ và cũng đang là nạn nhân của một guồng máy bạo lực phi nhân.

Nhà xuất bản Văn nghệ
Mùa Xuân 1998



Tiêu Dao Bảo Cự
Hành trình cuối đông

Đoàn văn nghệ Langbian xuất phát xuống núi lúc 8 giờ sáng ngày 4-11-1988: Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Hoàng Như Thuỷ An, Lưu Hữu Nhi Dũ, chiến sĩ lái xe Bùi Thanh Thảo và con chiến mã Lada 49A-3842. Phải nhắc ngay đến Bùi Thanh Thảo và con chiến mã Lada vì nếu không có những người bạn đường trung thành và tận tuỵ này thì chúng tôi không thể nào làm được cuộc hành trình gần 6000 cây số từ Nam ra Bắc với thời gian đúng một tháng mười bốn ngày, không phải chỉ đi ban ngày mà cả ban đêm, không chỉ giờ hành chính mà cả đến 11, 12 giờ khuya, không chỉ trên đường lớn mà cả trong những ngõ nhỏ đến với bạn bè văn nghệ khắp dọc đường đất nứớc. Chúng tôi dự tính khi hoàn thành chuyến đi sẽ quyết định cấp một kiểu giấy khen gì đó cho con chiến mã Lada, dán vào cửa kính xe để ghi công trạng của nó nhưng đến nay vẫn chưa làm được.

Khách cùng đi với đoàn văn nghệ Langbian là nhà thơ Hữu Loan. Hữu Loan là ai?

Hữu Loan là thực
hay Hữu Loan chỉ là thơ
Anh còn sống
hay anh mới hiện về
từ xa lắm ngày xưa
từ mới khai sinh chế độ?
(“Hữu Loan: Chuyện tôi về”)

Chúng tôi sẽ còn nói nhiều đến Hữu Loan trong thiên bút ký này.

Hữu Loan đến với văn nghệ Langbian như duyên tiền định. Sau ba mươi năm ở ẩn bất đắc dĩ, Hữu Loan "tái xuất giang hồ", đi một vòng đất nước thăm quê hương bạn bè. Ngày 22-1-1988, ngọn gió lạ tình cờ đưa Hữu Loan đến với đại hội thành lập Hội Văn nghệ Lâm Đồng và trở thành kẻ tri âm tri kỷ của văn nghệ Langbian. Sau đó cũng rất tình cờ Hữu Loan đã cùng đi với Bùi Minh Quốc và Nguyễn Tấn Cứ ngao du một vòng tám tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và bây giờ cũng rất tình cờ, Hữu Loan đã có mặt ở Đà Lạt lúc Văn nghệ Langbian chuẩn bị chuyến đi. Phải chăng "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu"? Hữu Loan rất thú vị với sự kết hợp lạ lùng trong chuyến đi này. Anh không hề mang ơn chúng tôi dù chúng tôi đã giúp anh thực hiện một-chuyến-đi-mơ-ước-cuối-đời-không dễ-gì-có được, chúng tôi cũng không dựa gì vào tiếng tăm và sự hâm mộ của quần chúng dành cho anh. Đó chỉ là sự gặp gỡ kết hợp của lịch sử mà thời kỳ đổi mới đã tạo ra. Hữu Loan là "nhân văn"(?!). Từ "nhân văn" với ý nghĩa đẹp đẽ cao quý từ trong nghĩa đen bao năm qua đã được hiểu như một cái gì xấu xa, phản trắc. Hữu Loan và bạn bè văn nghệ cùng thời của anh đã là "nhân văn". Nếu là "nhân văn" đúng nghĩa đẹp của nó,"nhân văn" không phải là phản động, thì chúng tôi, chúng ta, thế hệ sau lại không thể là và không phải là "nhân văn" sao? Ta sợ gì những cái mũ quy chụp. Không có Hữu Loan này sẽ có Hữu Loan khác, không có chúng tôi sẽ có người khác, không có sự kết hợp này sẽ có sự kết hợp khác, không có chuyến đi này, sẽ có chuyến đi khác. Và lịch sử nhất định sẽ tiến theo con đường đích thực của nó, bằng những giá trị nhân văn trường cửu của mình.

Hữu Loan "nhà quê" vô cùng. Anh lập cập mở mãi không được cánh cửa xe vì không biết chốt cửa nằm ở đâu. Anh không xấu hổ vì chuyện đó. Từ năm 1945 anh đã lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Nga Sơn quê hương anh, đã phụ trách bốn ty của tỉnh Thanh Hoá, có tiêu chuẩn xe con đưa đón, nhưng đã ba mươi năm rồi anh chỉ ở làng quê không hề ra thành phố. Chúng tôi nhớ lại hôm đại hội văn nghệ Lâm Đồng, khi phát biểu anh đã mở đầu bằng câu "Thưa cán bộ" làm mọi người cười ầm lên. Lúc tổ chức gặp gỡ công chúng ở rạp 3/4 Đà Lạt, lên sân khấu đọc thơ, anh đã tự nhiên ngồi chồm hổm trên sân khấu lục tìm trong xắc tập thơ của mình để đọc, mặc cho thính giả chờ đợi.

Chao ôi! Hữu Loan là nhà thơ, là trí trức, đã từng làm tuyên huấn sư đoàn, từng phụ trách báo chiến sĩ liên khu IV, sau ba mươi năm làm ruộng và đẩy xe thồ, bề ngoài và thói quen anh hoàn toàn là một ông già nhà quê. Chỉ có nội tâm anh lúc nào cũng sục sôi tinh thần chiến sĩ - nghệ sĩ và vì thế anh đã hoà nhập vào thế sự và văn chương hôm nay không một chút lạc hậu.


*


Đoàn văn nghệ Langbian xuống núi, đi dọc miền Trung để gặp gỡ, trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp những vấn đề chung trước khi ra Hà Nội để đòi giấy phép xuất bản chính thức cho tạp chí Langbian, đòi các quyền cơ bản của Hội văn nghệ là quyền ra báo, tạp chí và xuất bản. Tạp chí Langbian mới ra được ba số, với các bài thơ của Thanh Thảo và Đặng Thị Vân Khanh đã gây ra một cuộc tranh luận gay cấn về phê bình văn nghệ và chụp mũ chính trị, với bài phát biểu "Thơ và trách nhiệm của thơ" của Bùi Minh Quốc làm nhiều người nhức nhối, với trường ca "Đi! Bài thơ Việt Bắc" của Trần Dần và bài thơ "Tục Đèo Cả" của Hữu Loan làm bao người khó chịu, với bài thơ "Phía sau nhân dân" của Nguyễn Tấn Cứ được báo đảng An Giang đăng lại và nghe nói có người đánh máy nhiều bản giao cho nông dân Nam bộ cầm đi biểu tình, với "Đề cương đề dẫn" của Đảng đoàn Hội Nhà văn 1979 lần đầu tiên được công bố đã làm bao ông lớn phải điên đầu...

Tạp chí Langbian còn non trẻ, mới "xuất hiện giang hồ" còn nhiều sơ xuất, khuyết điểm, nhưng với "chiêu thức" khá độc đáo, được bạn bè và bạn đọc ủng hộ, cổ vũ thì với cái chỉ thị gì đó của ông Bộ thông tin mới ban hành, Sở văn hoá thông tin Lâm Đồng không dám cấp giấy phép cho nó nữa, thế là Langbian phải làm như chàng Lang trong truyền thuyết Mạ K'Ho, đi kiện trời. Cũng là sự phù hợp lạ lùng, văn nghệ Langbian thời nay cũng phải lên tới thiên đình như dũng sĩ Lang thuở hồng hoang; còn nàng Bian, thời đại nào cũng có những nàng Bian dám sống chết cho tình yêu và chân lý.

Trước khi ra Trung, đoàn văn nghệ Langbian về thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết một số việc của cơ quan mà việc chính là phát hành số sách đã xuầt bản còn tồn đọng. Văn nghệ Langbian thật "hoạ vô đơn chí". Sau "vụ án về sách vụ án" rùm beng giữa năm 1988 mà Sở Văn hoá Thông tin Lâm Đồng nổi cộm lên như một điển hình thì ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, các công ty phát hành sách nhà nước hay các tay lái sách tư nhân nghe đến sách của Lâm Đồng đều dội không dám nhận, bất kể đó là Thơ tình cho Lara của Pasternak, Gió đầu mùa của Thạch Lam, hay Sáu mươi ngọn nến của Tendriacốp... Chưa kể loại sách văn học đứng đắn, có giá trị không thể nào cạnh tranh nổi với các loại sách tình báo, gián điệp, hình sự giật gân và khiêu dâm. Thậm chí có tay phát hành sách đã đề nghị đổi tên Sáu mươi ngọn nến của Tendriacốp thành Cái chết được báo trước, vẽ lại bìa cho thật hấp dẫn thì sẽ nhận phát hành. Chao ôi! Cái thời buổi mới đau đớn cho nhà văn biết chừng nào!

Đoán trước rằng chuyến đi đòi quyền sống cho Langbian sẽ gặp khó khăn, chưa chắc đã đạt được mục đích, ở thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi đã đến làm việc với ban biên tập các báo, gặp Nguyễn Công Khế, phó tổng biên tập tuần tin Thanh Niên và Kim Hạnh, tổng biên tập báo Tuổi trẻ trao đổi bước đầu về mục đích chuyến đi và đề nghị khi Langbian gặp khó khăn xin được "mượn đất" trên các báo bạn. Bạn - những tờ báo mạnh mẽ của tuổi trẻ Sài Gòn - hứa sẽ ủng hộ, điều đó củng cố thêm lòng tin cho văn nghệ Langbian trước chuyến đi xa, dù chưa biết chuyến đi sẽ mở đầu cho một cuộc chiến đấu đầy cam go và lôi cuốn biết bao người vào dòng nước xoáy thử thách bản lĩnh và nhân cách, làm lộ mặt những con người bao năm mang mặt nạ, làm rõ bạn thù trên chiến tuyến đấu tranh cho đổi mới.

Tội nghiệp cho Trần Duy Phiên. Tác giả "Trước khi mặt trời mọc" thuở Đối diện trước năm 1975, một cây bút tài hoa nhiều phong cách của nhóm Việt, nhóm văn nghệ yêu nước tiến bộ hoạt động mười năm trong lòng đô thị miền Nam, sau mười ba năm gác bút, đọc Langbian, thấy phấn khởi cầm bút trở lại. Gặp chúng tôi ở Sài Gòn, tại nhà Trần Hữu Lục, tác giả "Cách một giòng sông" của nhóm Việt, Phiên đã tin cậy trao cho văn nghệ Langbian truyện ngắn mới nhất của anh, khi Langbian không còn giấy phép để xuất bản.

Từ núi rừng Gia Lai - Kontum, Trần Duy Phiên đi ngay vào cuộc tranh luận với bạn bè ở những vấn đề gai góc nhất của văn chương hiện nay: Viết có cần lập trường giai cấp không? Phải chăng có thể viết về nỗi đau của bất cứ con người nào trong cuộc đời, dù đó là một người ăn mày hay một tay tư sản? Tại sao lúc nào cũng có một ông kiểm duyệt nằm trong đầu khi viết, viết mà cứ sợ không được đăng, không được xuất hiện, không được lãnh đạo hài lòng, chấp nhận? Phải chăng từ sau 1954 Việt Nam không có một nền văn chương đích thực mà chỉ có một số tác phẩm văn chương, vì phần lớn các tác phẩm chỉ có tính chất minh hoạ mà nghệ thuật đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu?


*


Sau vài ngày làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, đoàn văn nghệ Langbian xuất phát đi ra Trung khi cơn bão số 10 đang tràn vào đất liền. Sài Gòn mưa gió mạnh và lạnh chưa bao giờ gặp trước đây, nhưng trên quốc lộ 1 ra Trung, rất may xe đi đến đâu thì bão mới qua đến đó. Thuận Hải bị cơn bão quét qua, hai bên đường cây cối gãy chưa kịp dọn, nước sông còn dâng lên ngập úng một số đồng ruộng.

Chúng tôi đến Phan Thiết lúc gần chiều, tìm ngay đến Hội Văn nghệ Thuận Hải. Trụ sở hội ở trên một đường phố chính, tầng dưới dùng làm quán cà-phê, khách rất đông và nhạc ầm ĩ. Mai Sơn, uỷ viên thường vụ hội, người viết văn trẻ của Thuận Hải tiếp đoàn và đưa ngay đi nhà hàng ăn cơm, uống bia chu đáo.

Rất tiếc là nghe nói Nguyễn Tường Nhẫn - chủ tịch hội, ốm đang nằm bệnh viện. Nhà viết kịch này tuy lớn tuổi nhưng qua mấy lần tiếp xúc trước đây rất hăng hái. Trong hội nghị các tạp chí văn nghệ miền Trung tổ chức tại Nha Trang tháng 3-1988, khi nói về các chỉ thị gò bó của Bộ Thông tin, Nguyễn Tường Nhẫn đã than phiền và lên án "hiện tượng Pôn Pốt trong văn nghệ" hiện nay.

Buổi tối hội Thuận Hải bận tổ chức trao bằng khen cho kiến trúc sư đã thiết kế Nhà bảo tàng Hồ Chí Minh nên thường trực hội hẹn 8 giờ tối mới làm việc và chỉ có Huy Sô và Mai Sơn dự. Huy Sô là nhạc sĩ, phó chủ tịch hội. Hai bên trao đổi những vấn đề chung của văn nghệ. Huy Sô nói nhiều, tỏ ra thức thời nhưng ngại va chạm. Ông tự cho mình là người nói mạnh trong các cuộc họp nhưng có lý lẽ không ai bắt bẻ được. Ông khuyên văn nghệ Langbian cần chờ đợi vì có nhiều vấn đề trung ương cũng đang lúng túng, ở địa phương nên khôn khéo tranh thủ tỉnh uỷ, uỷ ban tỉnh, Sở văn hoá thông tin, đừng đi mau mà vấp! Đại khái những lời khuyên mà chúng tôi đã nghe nhiều, khôn ngoan, và chúng tôi đã thực hiện nhưng không giải quyết được gì.

Mai Sơn cùng dự có tác động theo chiều hướng tích cực nhưng không ăn thua, ông uỷ viên thường vụ trẻ này cấp tiến, có uy tín trong giới viết văn địa phương nhưng tiếng nói chưa có trọng lượng trong tổ chức hội. Trước khi chia tay, Huy Sô còn nói đùa: "Các anh đi rủ rê làm cách mạng phải không, muốn làm Tô Tần thời nay khó lắm!"

Chúng tôi buồn cười mãi về câu nói "rủ rê đi làm cách mạng". Nếu đúng là làm cách mạng thì cũng nên rủ rê nhau. Chứ sao!

Ngủ đêm ở Phan Thiết, sáng sớm hôm sau, chúng tôi định đi ngay Nha Trang, nhưng khi đến trụ sở hội văn nghệ chào từ biệt, gặp một số anh em cán bộ hội níu kéo ở lại nói chuyện, đưa đi chụp ảnh lưu niệm ở Nhà bảo tàng Hồ Chí minh (nơi có trường Dục Thanh ngày trước người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã từng dạy học) bên bờ sông Mường Mán.

Vì sự níu kéo này mà chúng tôi gặp Nguyễn Bắc Sơn trước khi rời Phan Thiết. Nghe anh em nói Nguyễn Bắc Sơn hiện đang ở Phan Thiết, chúng tôi đề nghị đưa đi thăm ngay vì chúng tôi, kể cả Bùi Minh Quốc đều đã đọc thơ anh trước 75 và mến giọng thơ ngang tàng của anh.

Lê Nguyên Ngữ, một cây bút của Thuận Hải, đưa chúng tôi đến nhà Nguyễn Bắc Sơn ở ven thị xã Phan Thiết. Nhà Sơn có vườn khá rộng, có cây vú sữa lớn toả bóng mát và một loài hoa bông vàng ngả mình trên nền đất cát, hoa ti-gôn trùm phủ lên mấy cây hoa sứ, có vẻ gì hơi hoang sơ. Đứng trong vườn nhà có thể thấy chùa Phật với bảy đầu rồng và nghe tiếng sóng biển vọng lên phía sau nhà.

Tất cả chúng tôi đều lần đầu gặp Nguyễn Bắc Sơn. Anh khoảng 40 tuổi, gầy, nụ cười và đôi mắt phảng phất vẻ mệt mỏi . Anh đang bị bệnh và phải tự chữa bằng cách tập yoga và khí công. Anh rất cảm động khi chúng tôi đến thăm, cứ đòi đi kiếm rượu đãi khách nhưng chúng tôi can vì không thể ở lâu. Anh cho biết không phải đã gác bút mà trái lại đang ấp ủ nhiều ý định sáng tác và đọc cho chúng tôi một số bài thơ mới làm. Anh tranh thủ chép bốn bài thơ để gởi cho tạp chí Langbian, mà anh cũng đã có nghe bạn bè nói đến. Ngay nhan đề các bài thơ đã cho thấy một phong cách thơ anh: "Bài thơ tình viết khi nổi sùng", Mùa thu đi ngang cây phong du, Chuyện một ngày nhàn rỗi, Chuyện hai bố con tôi. Thơ tình của Nguyễn Bắc Sơn lạ, đẹp và đau đớn:

Thời mạt thế người ta yêu nhau bằng cái búa
Và tặng nhau hằng chục nhát dao găm
Anh, kẻ chập chờn giữa càn khôn lảo đảo
Tặng cho em nguyên một đoá trăng rằm

("Bài thơ tình viết khi nổi sùng")

Nguyễn Bắc Sơn trước đây đã từng bị bắt đi lính trong Nam nhưng bố anh là một cán bộ tập kết, khi về hưu là trung tá Quân đội Nhân dân, ông mới mất cách đây vài năm và mộ chôn ngay trong vườn nhà. "Chuyện hai bố con tôi" là một tâm sự cay đắng:

Bố tôi ước mơ làm cho loài người sung sướng
Và thế là ông từ tuổi thanh xuân
Cùng bạn bè đi làm cách mạng
Ông càng làm cách mạng chừng nào
Thì loài người càng thêm sặc máu
Tôi ước mơ cõi đời tốt đẹp
Và thế là tôi làm thơ ca tụng loài người
Tôi càng ca tụng chừng nào
Thì loài người càng xấu xa chừng nấy


Phải chăng đó là một tâm trạng bế tắc có thực mà từ cuộc sống chung của đất nước và cuộc sống riêng, Nguyễn Bắc Sơn đã chiêm nghiệm một cách bi quan.

Trước khi từ giã Phan Thiết, chúng tôi đến thăm và ăn trưa tại nhà Nguyễn Như Mây. Anh chàng thi sĩ này đúng là Như Mây. Anh kể có hôm buồn quá ra bến xe đứng rồi bất ngờ nhảy lên một chiếc xe đò nào đó sắp chuyển bánh. Có thể là Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang... Miễn là được đi sau khi cảm thấy ngôi nhà và phố cũ đã quá chật chội bức bối. Dù ngôi nhà rất ấm cúng và người vợ rất hiểu chồng, quý bạn bè văn nghệ. Dù phố cũ thân quen với biết bao kỷ niệm của một nửa đời đã qua. Xin ngôi nhà, người vợ, phố cũ hiểu cho chàng, dành cho thi sĩ những thoáng phiêu bạt và những giờ đến với bằng hữu không thể thiếu trong đời.

Vợ chồng hiếu khách Nguyễn Như Mây đã cho khách ăn một bữa cơm mắm tuyệt vời, không đâu có được. May ra chỉ có bữa cơm mắm tôm ở quán Nhạn, bến xe Huế sau đó là có thể nhắc nhở chúng tôi thế nào là hương vị của mắm quê hương và làm chúng tôi nhớ đời. Còn những bữa ăn sang trọng do bạn bè chiêu đãi, bia bọt đầy tràn dù ở các khách sạn của Sài Gòn, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế hay Hà Nội, trừ tấm lòng bè bạn, chúng tôi quên ngay vì không có gì đáng nhớ. Nghe nói nhà Nguyễn Như Mây là nơi dừng chân của bạn bè văn nghệ từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam. Như Mây không biết uống rượu nhưng nhà lúc nào cũng có sẵn một hũ rượu ngon đãi khách và vợ Như Mây cũng ngồi nghe thơ của bạn bè văn nghệ say mê như chồng.

Ở Phan Thiết, chúng tôi đã đến thăm Nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh, khách sạn Vinh Thuỷ, đi ngang qua tượng đài liệt sĩ, Nhà hát Nhân dân ngoài trời, những công trình xây dựng lớn, niềm tự hào của Thuận Hải. Nhưng chúng tôi tiếc không được đến lầu ông Hoàng, nơi kỷ niệm đã đi vào những dòng thơ đớn đau của Hàn Mặc Tử. Nghe nói nơi này đã bị nạy đến viên gạch cuối cùng. Việc gặp anh em văn nghệ Thuận Hải làm ấm lòng anh em văn nghệ Langbian khi đi qua một vùng đất tuy địa giới tiếp giáp với Lâm Đồng nhưng lại xa cách biết bao sông núi.

Tại nhà Như Mây, ăn trưa xong, dù không có "không khí" nhưng mấy khi gặp nhau, nên Như Mây mời lên gác uống trà, đọc thơ. Trên đường ra Trung, lần đầu tiên Hữu Loan đọc "Chuyện tôi về", Bùi Minh Quốc đọc "Những ngày thường đã cháy lên","Không có gì quý hơn độc lập tự do","Mẹ đâu ngờ", những bài thơ sẽ góp phần gây sóng gió cho chuyến đi dọc đường đất nước.


*


Khởi hành từ Phan Thiết muộn nên 8 giờ tối, xe mới đến ngã ba Thành trước khi vào Nha Trang. Cơn bão số 10 vừa đi qua đang gây lụt ngập đường vào Nha Trang. Nước sông dâng lên ngập đường đến khoảng một mét, trên đoạn đường dài đến hơn năm cây số. Chiếc Lada đã vượt qua đoạn đường này như một phép lạ, không chết máy dù nước vào đầy trong thùng xe, ướt hết đồ đạc. Trời tối, nước mênh mông không thấy mặt đường, chiếc Lada bám theo một chiếc xe bồn phóng tới bất kể trời đất. Mọi người trên xe đều lên ruột. Rải rác trên đường đã có những chiếc xe chết máy nằm vạ hoặc người đi xe phải xuống đẩy. Một vài lần xe giật giật, gầm gừ, ho sặc nước nhưng rồi nó vẫn dũng cảm tiến tới và băng lên đoạn đường khô ráo khi Nha Trang hắt lên ánh sáng ấm cúng của thành phố về đêm. Sau những phút giây gần như nín thở, mọi người thở phào và hầu như cùng một ý nghĩ "thoát nạn". Cũng như sau này trong chuyến vào, trời tối, chiếc Lada nổ lốp ba lần gần Đại Lãnh, một nơi đèo heo hút gió nhưng vẫn có chỗ vá xe và lại mua được hai lốp cũ để thay thế.

Chúng tôi đến Nha Trang lúc 9 giờ tối, thuê phòng nghỉ tại nhà khách tỉnh uỷ, ra chợ ăn phở rồi về lăn ra ngủ.

Sáng hôm sau, đến trụ sở Hội Văn nghệ Nha Trang, nơi có quán cà-phê của Lê Ký Thương, đã thấy rất đông anh em văn nghệ có mặt. Một chỗ thế này thuận lợi và xứng đáng cho "quần hùng tụ hội". Lại nghĩ đến Văn nghệ Langbian chưa có một chỗ nào cho anh em gặp gỡ thuận tiện, trong khi Đà Lạt lại là một thành phố du lịch mà bạn bè văn nghệ khắp nơi thường xuyên qua lại.
Chúng tôi trao đổi sơ qua công việc với Cao Duy Thảo, uỷ viên ban chấp hành Hội Văn nghệ Phú Khánh, phó tổng biên tập tạp chí Cánh én và Thế Vũ, uỷ viên ban thư ký Hội văn nghệ Nha Trang, hẹn giờ làm việc chính thức với lãnh đạo hội và hai tạp chí.

Gần trưa, Cao Duy Thảo và Thế Vũ lại đến phòng nghỉ của đoàn ở nhà khách tỉnh uỷ để hội ý thêm. Trong căn phong số 5 tầng trệt của nhà khách này, mầm mống một cuộc đấu tranh đòi dân chủ bắt đầu. Cao Duy Thảo, Thế Vũ, Bùi Minh Quốc, Bảo Cự cùng với Hữu Loan sau khi hội ý đã thống nhất giao cho Bảo Cự soạn thảo một bản kiến nghị và một bản tuyên bố để thông qua trong cuộc họp giữa đại diện các hội và tạp chí ngày hôm sau:

- Kiến nghị của các hội liên hiệp văn học nghệ thuật, các tạp chí văn nghệ địa phương về một số vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động văn học nghệ thuật dựa vào và phát triển thêm kiến nghị mà trước đây, tháng 9-1988, Hội Văn nghệ Lâm Đồng đã ký chung với Hội Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre, cũng như kiến nghị của các tạp chí văn nghệ miền Trung tháng 3-1988. Bản kiến nghị, sau khi nhận định tình hình chung, nêu cụ thể năm điểm về yêu cầu xác định vai trò, vị trí của hội văn nghệ địa phương; sự tài trợ của nhà nước; quyền ra báo, tạp chí, lập nhà xuất bản; việc ban hành các chính sách ưu đãi đối với các hoạt động văn hoá văn nghệ; và đặc biệt là yêu cầu cách chức những người có trách nhiệm ở Ban Tuyên huấn Trung ương, Bộ thông tin, Ban tổ chức chính phủ đã làm trái với nghị quyết của Đảng. Chính điểm 5 của kiến nghị này đã làm nhức nhối nhiều người ở một số cơ quan của trung ương và cả các địa phương có liên quan, gây nên nhiều cuộc tranh cãi gay gắt trong cả một quá trình dài.

Kiến nghị này có đại diện của ba hội Lâm Đồng, Phú Khánh, Nha Trang và ba tạp chí Langbian, Cánh énVăn nghệ Nha Trang ký.

- Tuyên bố của những người hoạt động, yêu thích văn học nghệ thuật và hưởng ứng đổi mới về một số vấn đề thời sự văn nghệ và chính trị hiện nay gồm ba điểm: ủng hộ kiến nghị của các hội và các tạp chí văn nghệ địa phương; yêu cầu làm sáng tỏ những vấn đề chung quanh hội nghị lần thứ VII Ban chấp hành Hội Nhà văn khoá III và về tuần báo Văn nghệ; yêu cầu thực sự thay đổi về tổ chức, cách chức hoặc thay thế ngay những người phụ trách các cơ quan của trung ương trong ngành văn hoá văn nghệ cũng như trong các ngành khác đã tỏ ra chống đổi mới, thiếu tích cực hoặc thiếu năng lực thực hiện đổi mới.

Bản tuyên bố ký với tính cách cá nhân này ra đời vì qua kinh nghiệm làm việc với một số hội ở đồng bằng sông Cửu Long, ở Thuận Hải và ngay ở Phú Khánh, Nha Trang, ký với tính cách tổ chức thường có nhiều lấn cấn về quan điểm, về nguyên tắc, về điều kiện cụ thể của từng hội, do đó bản tuyên bố cá nhân dễ tập hợp được lực lượng, thực hiện nhanh chóng vì khi ký mỗi người hoàn toàn tự nguyện và tự do.

Mặc dù đoàn văn nghệ Langbian đi qua và lưu lại ở mỗi địa phương chỉ vài ngày, việc gặp gỡ, phổ biến rất hạn chế nhưng đã thu thập được 118 chữ ký. Người ký cuối cùng và duy nhất ở Hà Nội là Nguyễn Thuỵ Kha. Do tôn trọng Ban Bí thư Trung ương Đảng và Tỉnh uỷ Lâm Đồng, khi đoàn biết Ban Bí thư và Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã có ý kiến về chuyến đi lúc đoàn đang ở Huế, đến Hà Nội đoàn văn nghệ Langbian không đưa bản tuyên bố này ra lấy chữ ký nhưng Nguyễn Thuỵ Kha khi biết đã yêu cầu đưa ra và ký ngay lúc đang uống bia.

Người biết muộn và ký tên qua thư ủng hộ về sau là Nguyễn Bá ở Hậu Giang. Người tiếc đã không có mặt để ký tên một lúc mười lần là Ngô Minh ở Huế.

Chung quanh bản tuyên bố này có biết bao nhiêu ý kiến tranh luận đến mãi về sau này, ba tháng sau chuyến đi vẫn chưa kết thúc.

Phải chăng đây là cách tập dợt dân chủ, một hình thức biểu tình trên giấy, một kiểu "biểu tình chạy" của trí thức và anh em văn nghệ? Phải chăng đây là một cách vận động, xách động thậm chí "kích động lật đổ"? Cách làm như thế đã cần thiết chưa, có lợi hay không có lợi, có làm phức tạp thêm tình hình vốn đã phức tạp hay không? Chúng tôi sẽ nói rõ về cuộc tranh luận này sau, nhưng có điều trong chuyến đi dọc đường đất nước, bản tuyên bố này chính là một "hòn đá thử vàng" quan điểm và bản lĩnh của từng người. Có người chỉ nghe qua là ký ngay không cần đọc lại, có người suy nghĩ đắn đo đọc đi đọc lại nhiều lần mới ký, có người đã ký còn tự ý ghi tên nhiều người khác không có mặt lúc đó mà mình tin chắc rằng họ sẽ ký khi biết, có người phát biểu ủng hộ nhưng không ký vì nhiều lý do này khác, có người bị người khác kích động vẫn không ký, có người ký xong rồi ngày sau lại xin xoá tên, có người đã tan họp ra về còn quay lại yêu cầu được ký...

Hai bản kiến nghị và tuyên bố trên được đại diện ba hội và ba tạp chí thông qua ngày 9-11-1988, đánh máy tại Hội Văn nghệ Nha Trang, công bố lần đầu trong cuộc họp hội viên và cộng tác viên của hai hội Phú Khánh và Nha Trang chiều 10-11-1988, cũng tại trụ sở Hội Văn nghệ Nha Trang và sau đó công bố lần đầu trước công chúng tại cuộc gặp gỡ ở Câu lạc bộ Trung tâm Du lịch Thanh niên Nha Trang tối 10-11-1988.

Phú Khánh, Nha Trang vừa trải qua cơn bão số 10. Buổi sáng biển Nha Trang sau cơn bão vẫn còn cái gì đe doạ chưa tan. Mặt biển xám tro, đục ngầu, vỗ vào bờ những đợt sóng vỡ bọt trắng hoen ố giận dữ, hất lên bao nhiêu rác rưởi như không muốn chấp nhận những thứ bẩn thỉu trong lòng đại dương mênh mông của mình. Xa tít là một dáng núi mờ chìm trong mây, gần hơn mấy dãy núi chỉ còn là những nét vẽ xanh lam đậm nhạt. Biển xa cũng màu lam hoà vào chân trời u tối lớp lớp mây xám nặng nề. Hàng dừa ven biển im lìm chỉ khẽ động vài cành lá buông xoã mệt mỏi.

Vài người tắm biến hiếm hoi e dè lội xuống nước một chút, sóng xám xô tung mặt vội vàng trở vào bỏ về. Trên bờ một người đàn ông và một đứa con nhỏ ngồi chồm hổm nhìn ra khơi. Người bố gặm ổ bánh mì mặt đăm chiêu. Đứa bé một tay cầm ổ bánh, tay kia chống cằm vẻ suy tư như người lớn. Có phải là sự chờ đợi vô vọng một người thân ra khơi chưa trở về?

Một bà mẹ trẻ với đứa con gái nhỏ ngồi nhìn ra khơi. Ba cô gái học trò ngồi trên ghế đá cũng nhìn ra khơi. Có phải biển cả có sức thu hút vô tận đối với mọi người trong mọi hoàn cảnh?

Viện Pasteur hình như lặng lẽ hơn. Toà nhà nặng nề với những hàng cột lớn và tường quét vôi màu vàng đậm im vắng nhìn ra biển. Sau hàng rào sắt và cổng khoá kín, một bảng đá ghi "Khu di tích bác sĩ A. Yersin (1863-1943)".

Tượng Yersin trước sân nhỏ bé, sơn đen huyền, chiếc đầu hói, bộ râu mép rậm dính với râu cằm chổi xể bạnh ra trông dữ dội nhưng đôi mắt lại ẩn một nỗi buồn mệt mỏi như một con sư tử già nhớ tiếc quá khứ. Nhìn nghiêng, cổ tượng vươn dài, cong xuống chịu đựng một sức nặng vô hình nghiệt ngã đè lên số phận như tự mình nhận vác thập tự giá khổ ải cho con người. Đây là một pho tượng bán thân nhỏ nhưng gây ấn tượng mạnh.

Tượng Yersin làm chúng tôi liên tưởng đến buổi nói chuyện trước đây với nhà thơ Giang Nam, chủ tịch Hội văn nghệ Phú Khánh. Giang Nam đã kể về cuộc đấu tranh của giới văn hoá văn nghệ Phú Khánh để giữ tên đường Yersin và những di tích về Yersin, những công trình nghiên cứu về Yersin đang được giới trí thức, văn nghệ ở đây tiến hành. Chúng tôi cũng suy nghĩ về những việc mà giới trí thức và văn nghệ ở Đà Lạt phải làm về Yersin vì Yersin được coi là một trong những người đầu tiên tìm ra Đà Lạt, thành phố du lịch tuyệt vời của Tây Nguyên. Đã có giả thuyết khác nói rằng Nguyễn Thông mới là người đầu tiên phát hiện vùng đất này. Đây là vấn đề cần phải làm rõ bằng nghiên cứu khoa học, không thể có định kiến đối với người nước ngoài hay thiên vị đối với người trong nước. Dù sao đi nữa vai trò của Yersin đối với Đà Lạt không nhỏ và chúng ta không được quên điều này vì đó là biểu hiện của một dân tộc có văn hoá.

Ở Nha Trang theo dõi tin tức trên đài phát thanh và truyền hình về thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra, chúng tôi chia sẻ với bạn bè Nha Trang về nỗi đau thiên tai muôn đời của miền Trung và cũng có trao đổi về việc tiến hành các cuộc gặp mặt, sinh hoạt văn nghệ trong thời điểm này, tại đây, có gì lấn cấn không. Tuy nhiên cuối cùng anh em nhất trí cứ làm vì nếu những sinh hoạt như thế có nội dung tiến bộ, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới thì đó cũng là cách góp phần vượt qua khó khăn. Vả lại trước đây, trong chiến tranh, giữa đạn bom máu lửa, tiếng hát lời thơ vẫn cất lên đó thôi, đâu phải vì đau thương mà chúng ta tắt lời thơ, bặt tiếng hát.

Tại Nha Trang, thời gian này anh em văn nghệ cũng đang bàn bạc sôi nổi về hai lá thư của Chế Lan Viên và Nguyễn Khải gởi cho Ban Thư ký Hội Nhà văn. Hai lá thư được đánh máy chuyền tay phổ biến khá rộng. Sau này chúng tôi được biết hai lá thư không phải chỉ phổ biến ở đây mà còn ở nhiều nơi khác. Ơ' đây chúng tôi mới được đọc thư Chế Lan Viên, chưa được đọc thư Nguyễn Khải.

Thư của Chế Lan Viên, không biết có phải là của nhà thơ Chế Lan Viên nổi tiếng mọi người đều biết hay do ai đó trùng tên, mạo danh, dài sáu trang đánh máy, thật ra là một lá thư "ly kỳ rùng rợn".

Tác giả lá thư tự cho mình là người ủng hộ đổi mới, tự khen mình về việc đánh giá đúng thơ lãng mạn tiền chiến, siêu thực, hiện thực lãng mạn, ca ngợi việc làm của Ban Thư ký Hội Nhà văn là kịp thời, đúng; cho văn học dự báo là sai; chê Lại Nguyên Ân láo khoét, ngu xuẩn, xung kích mà dốt; tố Thanh Thảo quỵt tiền nhuận bút của Xuân Diệu, Nguyễn Duy tự phao mình sẽ là thường vụ, các nhà văn đi Liên Xô buôn bán; cho Nguyên Ngọc là thâm hiểm và phải cách chức, vụ cả nước đánh Đặng Bửu là Pôl Pốt nước; Nguyễn Huy Thiệp đổi mới bằng chửi bới, vu cáo, bắt ăn cứt, thiến dái... Hầu như không thiếu chuyện gì trên đời nữa.

Ngoài những chuyện trên, đặc biệt lá thư dành đến hai trang để nói về việc tạp chí Langbian đã đăng "Đề dẫn" của Đảng đoàn Hội Nhà văn năm 1979, thanh minh rất dài dòng và cuối cùng quy kết Langbian số 3 rất xấu và không hiểu tại sao lên án luôn tạp chí Sông Hương và Hoàng Phủ Ngọc Tường là cơ hội trong vấn đề này.

Lá thư này đã gây "ân oán giang hồ" rất lớn. Có người nói đây mới chính là con người thực của Chế Lan Viên hiện nguyên hình lúc cuối đời, có người nói Chế Lan Viên đã phát điên vì bệnh tật đau ốm, có ngưồi nói đây là một đòn đánh vào đổi mới trong văn nghệ. Có một ông nào đó, đọc lá thư (bản mà sau đó chúng tôi nhận được) ức quá cứ mỗi đoạn lại phê ra ngoài lề một câu phản ứng đen đặc từ đầu tới cuối. Có người đề nghị đăng lên báo để "rộng đường dư luận". Riêng Hữu Loan đề nghị quay ronéo phổ biến rộng để anh em văn nghệ nghiên cứu học tập.

Sau chuyến đi vì chưa có giấy phép ra số 4, ban biên tập tạp chí Langbian đã có bài cậy đăng ở các báo để trả lời Chế Lan Viên và nhiều người khác được nhắc đến trong thư cũng đã lên tiếng.

Những bàn tán chung quanh hai bức thư của Chế Lan Viên và Nguyễn Khải càng làm cho buổi đọc thơ ở Câu lạc bộ Trung tâm Du lịch Thanh niên Nha Trang thêm ý nghĩa.

Từ câu chuyện"Màu tím hoa sim", Hữu Loan nói rộng thêm về sự chân thật trong thơ và cái giả trong cuộc sống. Bài thơ đã vượt không gian và thời gian, đi vào lòng người mặc dầu bị ngăn cấm thô bạo và ấu trĩ. "Chuyện tôi về" bằng thơ của Hữu Loan là một khúc tráng ca bi phẫn:

30 năm không phải chuyện
một sớm một chiều
một ngày tù đã dài
như thế kỷ
đấy là tù trong ngục tối
không nghe thấy gì
không nhìn thấy gì
khác vô cùng với tù
ngoài đời, tù giữa chợ
lúc nào cũng phải chứng kiến
phải thấy
phải nghe...
một thứ tội hình
tâm lý chiến
lăng trì


Với những đoạn đối thoại đầy khinh bạc:

- Vì sao anh không làm nhà?
- Vì tôi mắc làm người.
- Tại sao không đi làm cán bộ?
- Đi làm cán bộ và đi ăn cắp là tôi không đi.

Những ai sẽ chối tai và những ai sẽ thông cảm với Hữu Loan trong bài thơ dồn nén ba mươi năm nghiệt ngã này? Ai sẽ thấy nhói lòng khi nhìn Hữu Loan ứa nước mắt, nghẹn giọng lúc đọc đến đoạn tất cả nhà phải "đi làm trâu thồ như bố" để kiếm ăn? Ai sẽ thấy trách nhiệm và lỗi lầm của mình khi đã đưa nhà thơ vào cảnh khốn cùng của cả cuộc sống vật chất và tinh thần gần một nửa đời người?

Bùi Minh Quốc từ khi lên Đà Lạt, chỉ làm được vài bài thơ tình nhưng đã nung nấu cho một giai đoạn thơ mới của mình. Mấy bài thơ trữ tình chính luận lần đầu đọc trong chuyến đi này là sự tiếp nối và phát triển một Bùi Minh Quốc hào hùng và đầy xúc cảm thời chống Mỹ, với hơi thở phóng khoáng và quyết liệt của thời kỳ đổi mới đất nước.

Người nghe lặng đi với một đoạn thơ mở đầu nói về Đảng chưa từng có trước đây:

Không có ai
Không có ai
Có thể ngẩng nhìn trời
Bình tâm mỗi sáng
Khi những thằng đểu còn trong Đảng...

Người nghe nổi gai khi tiếp cận sự thật kinh hoàng mà thơ đã công bố không chút e dè:

Đồng chí - tiếng ấm nồng máu đỏ
Sao có lúc vang lên lạnh rợn thế này
"Đồng chí" dao đã nằm ém nhẹm dưới lòng tay
Mưu mô đã xong và mọi ngả đường đã giăng cạm bẫy


Và người nghe đã vỗ tay như sấm khi bài thơ chấm dứt bằng một khẳng định rất "nhân dân":

Suốt một đời bạc tóc dưới mưa bom
Mẹ lầm lũi đào hầm nuôi cách mạng
Con xin nói
với tất cả tấm lòng và lương tri cộng sản
Mẹ chẳng phải đảng viên
Nhưng mẹ có tấm-thẻ-đỏ-trái-tim ròng ròng máu ứa
Chính mẹ chứ không ai - mẹ phải nắm quyền
Hỏi tội những thằng thẻ đỏ tim đen


Những tràng pháo tay nồng nhiệt (dĩ nhiên không phải mọi người nghe đều vỗ cả - mà có những người chỉ nhíu mày) dành cho bài "Những ngày thường đã cháy lên" trên đây, cũng như hai bài "Mẹ đâu ngờ" và "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của Bùi Minh Quốc, ở nhiều nơi trên chuyến đi dọc đường đất nước phải chăng là sự gặp gỡ và bùng nổ của những điều tâm huyết đã nung nấu bao người vì niềm đau chung của tổ quốc hôm nay?

Trước khi rời Nha Trang, Bùi Minh Quốc với tư cách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã kịp hội ý với một số hội viên khác ở đây làm thêm một kiến nghị nữa về vụ tuần báo Văn nghệ và nghị quyết của ban chấp hành Hội Nhà văn. Đây là vấn đề nổi lên mà những người quan tâm đến văn học trong cả nước đều theo dõi và có thái độ. Trước đó, Bùi Minh Quốc đã cùng với mười hai nhà văn nhà thơ ký tên công bố một bức thư ngỏ trên báo chí và ban chấp hành Hội Văn nghệ Lâm Đồng đã họp toàn thể hội viên thảo luận và thông qua một kiến nghị về vụ việc này.

Do những cuộc họp trước giữa lãnh đạo các hội ở Nha Trang không gặp được Giang Nam, chủ tịch Hội văn nghệ Phú Khánh vì Giang Nam bận công tác khác, đoàn văn nghệ Lâm Đồng đã tranh thủ đến nhà gặp Giang Nam với tư cách là uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam để trao đổi thêm về tình hình.

Anh em thắc mắc tại sao Giang Nam lại cũng giơ tay "biểu quyết 100%" thông qua nghị quyết của Ban Chấp hành Hội Nhà văn lên án tuần báo Văn nghệ trong khi anh em hiểu rằng Giang Nam có quan điểm khác.

Giang Nam than thở: "Trong không khí của hội nghị chắc ai cũng phải giơ tay thôi. Ban đầu người ta đưa ra dự thảo nghị quyết quy kết tuần báo Văn nghệ đã "có sai lầm nghiêm trọng", nên đấu tranh để sửa lại là "lệch lạc nghiêm trọng" đã coi như thắng lợi rồi. Ngay chính Nguyên Ngọc cũng phải giơ tay biểu quyết để tự kết án mình kia mà".

Bùi Minh Quốc tấn công luôn:"Thế thì anh phải viết bài "phản tỉnh" nói rõ lại quan điểm của mình, nếu không quần chúng sẽ đánh giá anh, anh sẽ mất uy tín".

Sau này nhiều anh em nói đùa: "Đáng lý Giang Nam phải viết bài “Tôi đã bị lừa như thế nào” và công bố trên báo chí".

Rõ ràng sự xung đột giữa hai xu thế, lực lượng đổi mới và bảo thủ đã bùng nổ, thử thách quan điểm, bản lĩnh và cả nhân cách của từng người. Nhiều thủ đoạn, xảo thuật về các mặt tổ chức, phương thức đấu tranh đã được sử dụng vào cuộc đấu. Rõ ràng là những người đổi mới muốn chiến thắng phải nhanh chóng thống nhất ý chí, tập hợp lực lượng và mài sắc vũ khí của mình để vào cuộc.
Nguồn: Nhà xuất bản Văn Nghệ, Hoa Kỳ 1997. Bản Ä‘iện tá»­ đăng trên talawas do tác giả cung cấp.