© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
3.12.2007
Thế Uyên
Những ý nghĩ của bọt biển
(Thái độ II)
 1   2   3 
 
Tất cả những đoạn văn sau đây chỉ là những ý nghĩ biểu lộ thái độ của một người trẻ tuổi chấp nhận cuộc chiến tranh hiện tại cùng tất cả những khốn khổ của thân phận làm dân một nước nhược tiểu. Hắn không hề nghĩ rằng những ý nghĩ cùng thái độ của hắn là đúng nhất bởi hắn không phải là một nhà đạo đức hay một quan tòa. Cùng lắm, hắn cho rằng bất quá hắn đã chỉ làm công việc của một chứng nhân – một chứng nhân trong cuộc.
Thế Uyên
Mục lục

Ý nghĩ vẩn vơ

Từ nhiều năm nay, ít khi tôi suy nghĩ tới một điều gì xa quá một năm trong tương lai bởi vì vị trí của một người dân trong xã hội miền Nam đầy biến chuyển bất trắc này không cho phép. Nhưng rồi cũng có một buổi sáng trời không có nắng, không khí hiu hắt làm tâm hồn lắng xuống làm xuất hiện một câu hỏi vẩn vơ nhưng day dứt, một câu hỏi giản dị đến ngây ngô: Thế nào là một người Việt Nam?

Tôi là người Việt Nam – hiển nhiên là vậy. Nhưng có chắc thật thế không? Trước tầm nhìn của tôi là hàng rào kẽm gai, khung cửa sổ, vách tường, bàn ghế. Những vật này không biện minh được gì: kẽm gai từ Tây phương nhập cảng, kiểu cửa sổ, lối xây tường, kiểu bàn ghế, v.v. đều là của Tây phương. Trên mình tôi, kiểu tóc, quần áo, thắt lưng, ví đựng tiền, giầy vớ, v.v. Tôi châm một điếu thuốc hút, thấy điếu thuốc bật lửa cũng là của Tây phương nốt. Tôi ngừng cuộc tìm kiếm qua sự vật và khung cảnh bao quanh vì hiển nhiên chúng không thể chứng minh tôi là người Việt Nam. Căn cứ vào chúng, tôi sẽ có thể là Tàu Chợ Lớn, Tàu Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai, v.v. cũng như có thể là Pháp, Ý, v.v. Có lẽ tôi có thể xác định tôi là người Việt Nam căn cứ vào hành động và sinh hoạt chăng? Trước kia tôi làm giáo sư, chương trình giáo dục, lối dậy học trò, lối chấm bài, gần đây nhập ngũ, thể thức động viên, cách tổ chức quân trường, phương thức huấn luyện quân sự, lối chào kính, quân kỷ, v.v. đều là của Tây phương. Nửa giờ nữa, có kẻng hết giờ làm việc ấn định theo thời khắc Tây phương, tôi ra về bằng phương tiện nào cũng vậy, phải là do Tây phương mang tới. Tôi đọc một tờ nhật báo, một tờ tuần báo, tôi đọc sách, tôi đi xem xi-nê, tôi đi phòng trà nghe nhạc, khiêu vũ, khuya về đi ngủ vặn đồng hồ, v.v. Chẳng có một vật gì, điều gì chứng tỏ tôi là người Việt Nam, và đến khi ân ái với đàn bà, phương pháp Ogino-Knaus, phương pháp nhiệt độ, v.v. tôi cũng chỉ làm như một người Pháp, người Mỹ, người Ba Tây cùng thành phần xã hội.

Tôi biết tôi là người Việt Nam, hiển nhiên là vậy. Nhưng cái gì chứng tỏ? Nhiều cụ già khả kính nói đến TRUYỀN THỐNG. Bắt chước một đại tướng đã mở một cuộc “truy tầm hạnh phúc”, tôi mở một cuộc truy tầm truyền thống. Tôi tìm mãi, tìm hoài, mở hết trang sách này đến trang sách khác, cầu cứu tới cả các cụ Nguyễn Gia Tường, Hồ Hữu Tường, v.v. cũng không thấy nó đâu. Mặc áo bà ba hút thuốc lá rê thuốc lào là truyền thống chăng? Tôn trọng tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức, nam nữ thọ thọ bất thân là truyền thống chăng? Ở nhà tranh vách đất, bàn ghế kiểu cổ, nhuộm răng đen đi guốc gỗ là truyền thống chăng? Càng tìm kiếm tôi càng ngỡ ngàng. Thiên hạ không hiểu tại sao ai cũng tìm thấy ngay TRUYỀN THỐNG dân tộc, bốn ngàn năm văn hiến mà tôi thì “truy tầm” nó mãi không ra. Tôi chỉ tìm thấy hệ thống giáo lý Khổng Mạnh của Tàu, đồ đạc cung điện kiểu Tàu, Tàu Tàu và Tàu… chỗ nào cũng thế sau khi gạt hết lớp bụi phủ. Theo các nhà khảo cổ học và nhân chủng học lên tít mù trong bụi thế gian, tôi cũng chỉ thấy cái trống đồng Đông Sơn – mà các vị bác học khả kính lại kết luận là “lai Tàu”. Sau cùng tôi kết luận rằng muốn theo cho thật đúng truyền thống, hợp lý nhất là nhập Hoa tịch cho rồi. Nhưng thế cũng không ổn vì chính thế hệ trẻ Trung Hoa Chợ Lớn và Đài Loan cũng đang đốt đuốc lên coi lại cái truyền thống của họ xem nó ra làm sao.

Cuộc truy tầm ở ngoại giới không đưa đến đâu, tôi quay về tra hỏi bản thân. Hoàn cảnh sinh hoạt, khung cảnh quanh tôi là Tây phương dĩ nhiên rồi. Nhưng tệ hơn nữa là tôi suy nghĩ theo cùng phương pháp với sinh viên Sorbonne, Harvard, Oxford. Tôi thích khiêu vũ, ăn uống, xem chiếu bóng y hệt một anh chàng trí thức cùng tuổi bên Tây bên Mỹ. Như vậy, xét đến ý thích, khuynh hướng cá nhân, tôi cũng không tìm thấy gì chứng tỏ tôi là người Việt Nam.

Vẫn bắt chước vị đại tướng, sau khi “truy tầm” không có kết quả, tôi phải sang một giai đoạn khác là tra hỏi. Tra hỏi không ra thì phải “tra tấn”, tôi tra tấn ý thức, tư tưởng tôi đến cùng thì thấy rằng tôi là người Việt Nam có lẽ chỉ vì khi còn nằm nôi, tôi nghe mẹ ru cho ngủ bằng những câu ca dao cổ kính, khi đã biết đi biết chạy, tôi đi tôi chạy giữa các ruộng lúa nhà tranh ao bèo giếng nước, tôi cưỡi trâu, cưỡi bò, nghe sáo diều kêu văng vẳng trên không gian buổi chiều. Tôi là người Việt Nam chỉ vì tuổi ấu thời yêu nước sông đỏ phù sa, tuổi niên thiếu yêu những người con gái có áo dài lả lướt, yêu Tết Nguyên đán có bánh chưng, trầm hương, hoa và lễ chùa, yêu rằm Trung thu có đèn kéo quân, đèn xếp, đèn ngôi sao làm đen lánh cặp mắt người con gái tôi yêu. Tôi là người Việt Nam, sau cùng có lẽ chỉ vì trong tâm hồn có dấu vết chồng chất của bao nỗi đau buồn vui sướng quá khứ, những đau buồn vui sướng tôi đã cùng trải qua cùng anh em bố mẹ họ hàng, cùng các bạn đồng lứa còn sống, cùng những người già đã chết… Tôi là người Việt Nam vì những điều như thế, bắc có Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nam có Việt Nam Cộng hòa.

Đôi khi tôi còn nghĩ vẩn vơ rằng nước Việt Nam của chúng ta chỉ có thể thống nhất, chỉ có thể hòa bình khi nào từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, từ Chủ tịch, cán bộ, Quốc trưởng đến công dân, ai cũng nhớ rằng mình chính thực ra là người Việt Nam trước khi là bất cứ cái gì khác. Và chúng ta, những người miền Nam, chỉ nên nghĩ đến giải phóng miền Bắc khi nào quan niệm nó như một công trình khôi phục con người Việt Nam.


Lời giảng chót gửi học trò cũ

“Đi lính ba năm, trở về thăm trường cũ, thầy cảm thấy gì?”

Mỗi lần có em hỏi tôi câu trên, tôi không khỏi muốn mỉm cười vì liên tưởng tới những đề luận loại: “Trò vừa được dự một cuộc diễn binh (một buổi lễ chào cờ hay một đám tang), hãy thuật lại và cho biết cảm tưởng”, tôi thường ra cho học sinh nhiều năm về trước. Tuy muốn mỉm cười nhưng tôi vẫn làm một bài luận cho các em với lời giao ước không phải là bài luận mẫu. Đứng trên thềm nhìn sân đất đỏ lầy ướt nước mưa, những cây trứng cá xanh um lá, tôi đã nói với các em những gì, tôi không nhớ rõ. Hình như tôi nói tới một thứ tình cảm vui nhẹ khi được trở về khoảng đồi quen thuộc, niềm thích thú khi biết những học trò cũng đã biến đổi ra sao, em nào đi lính như thầy, em nào ra trường học đâu, em nào đỗ em nào trượt trung học phổ thông, Tú tài, và nhất là những nữ sinh xinh xắn, cô nào đã lấy chồng cô nào còn tuyển phu.

Sau buổi gặp gỡ lần đầu, tôi trở về nhà với một thoải mái dễ chịu. Giả thử công tác phải thi hành hoàn tất một ngày, tôi rời thị trấn cao nguyên có nhà trường mái tôn xanh đỏ này sáng hôm sau, chắc tôi trở về với đời lính, với doanh trại mang theo thoải mái dễ chịu. Nhưng tôi đã phải ở lại thêm một tuần, và vì thế tôi đã hối hận. Hối hận vì đã trở lại thăm trường, đã làm bài luận: Thầy đi lính ba năm, trở về thăm trường cũ, thầy cảm thấy gì? Tôi đã lầm ở một điểm: vấn đề tư cách trở về và thái độ. Khi trở về thăm trường, tôi tới với tư cách người lính nhiều hơn với tư cách ông thầy và các em coi tôi như ông thầy nhiều hơn là người lính. Chính vì thế các em tiếp tục hỏi tôi những vấn đề về học vấn, về đời sống, về tương lai như ngày xưa. Trước những câu hỏi, nếu tôi chỉ là một ông thầy vào loại như các giáo sư mới lớn đang phụ trách dạy các em kia, chắc tôi sẽ giải đáp tất cả những thắc mắc đủ loại với một giọng quả quyết, tin tưởng mình nắm vững chân lý - những lời giải đáp sách giáo khoa in sẵn. Bây giờ, tôi không thể còn thái độ ấy. Nhưng tôi còn giữ quan niệm một ông thầy không thể nói dối học trò, không thể bảo một thứ đen xì ngoài đời là màu đỏ cho những kẻ ngồi trong lớp học. Bởi thế tôi đã ngập ngừng trước các câu hỏi của các em, tôi đã ngập ngừng rất nhiều.

Một em học đệ nhất hỏi tôi: “Có nên tiếp tục học nữa không thầy? Em muốn nhập ngũ cho rồi!” Thoáng trong một giây, do một chút thói quen nghề nghiệp cũ, tôi đã toan thốt ra một tràng ngôn từ cổ điển đại loại: Phải tiếp tục học tới cùng. Học để mở mang trí tuệ, để trở thành một công dân hữu ích cho xã hội mai sau, v.v. Cũng may tôi ngừng kịp, nếu không, chắc sẽ thấy trong đôi mắt thiếu niên mười bảy tuổi trước mặt những ánh mắt chẽ giễu, không tin. Mở mang trí tuệ, trở thành công dân hữu ích cho xã hội, v.v. dĩ nhiên là thành quả của học vấn rồi, nhưng người học trò cũ này đâu có tìm đến tôi để hỏi một ông thầy đã nhập ngũ, không phải chỉ để nghe những lời Công dân Giáo dục “đã được Bộ Quốc gia Giáo dục duyệt y”, có phải đúng như thế không các em?

Tôi đã trả lời em đó một cách thật thực tế: “Em hãy cố gắng thi đỗ Tú tài II, hãy cố gắng học thêm được tới đâu hay tới đó trước khi tới tuổi nhập ngũ. Cuộc chiến tranh này không phải là vĩnh viễn, xã hội này là xã hội của cấp bằng, những bằng cấp em có sẽ giúp ích rất nhiều cho em về sau này… Chưa nói xong, tôi đã cảm thấy rõ rệt đó không phải là của một người chiến binh lớn tuổi. Trả lời như vậy sẽ không làm hài lòng ai hết. Các em đang hoang mang trước chiến tranh, mất tin tưởng ở tương lai, đang mong mỏi được nghe một lời khẳng định về giá trị của học vấn. Tôi đã thoái thác. Nha Chiến tranh Tâm lý Quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng không hài lòng, họ chờ đợi ở tôi một câu trả lời đại loại: Hãy tình nguyện nhập ngũ ngay để bảo vệ non sông. Hãy hy sinh xương máu ngoài chiến trường cho tổ quốc! Còn tôi, chính tôi cũng không hài lòng nốt, vì đã ba mươi tuổi, bốn năm dạy học ba năm đi lính, mà không trả lời thẳng và dứt khoát được một câu hỏi giản dị như thế.

Buổi tối, tôi tới dự đêm văn nghệ trường tổ chức. Ngồi nghe các em múa hát, đóng kịch, một phần tâm hồn tôi chìm lắng trong không khí trẻ thơ, ngắm các em gái ba năm về trước còn là những cô bé chuyên ăn vụng mận, me trong giờ học bây giờ trở thành những thiếu nữ tuổi yêu đương, tôi chợt hiểu buổi sáng trả lời như vậy là hơn cả. Thà trả lời với tư cách người lính còn hơn im lặng hay nói dối. Mọi sự sẽ ra sao nếu tôi khuyên: “Hãy tình nguyện nhập ngũ để bảo vệ tổ quốc!” và được nghe các em hỏi thêm: “Có thực thế không thầy?”. Có thực thế không? Có thực là chiến đấu cho tổ quốc không, hay là chiến đấu cho những chính khách phòng trà có hậu cứ an ninh làm chính trị xôi thịt hay là chiến đấu cho các con ông cháu cha xuất ngoại trốn quân dịch, những người công du mang theo từng phần gia sản của dân tộc Việt Nam nghèo khổ… Cuộc chiến này tự nó có một ý nghĩa: chống cộng để cho những người miền Nam sông Bến Hải được tự do sống theo ý mình, được yêu người mình yêu, được lấy người mình yêu. Nhưng mười năm liên tiếp, chính nghĩa đó đã bị lợi dụng, bôi nhọ, trát bùn nhơ nhớp rồi… Chẳng lẽ tôi lại nói điều đó với các em, những kẻ sắp vào đời. Nhưng không nói thì im lặng, câm nín sao? Dù thế nào tôi cũng vẫn là một người trí thức.

Tôi chỉ nói tới trí thức, người lính, không nói tới ông thầy. Không phải vì “chiến tranh đã giết chết ông thầy” như tôi đã nói với một em gái có đôi mắt như hai vì sao cao nguyên, cũng không phải tại vì tôi đã từ bỏ tư cách ông thầy, mà vì tôi đã nhận thấy tôi đã sai lầm.

Tôi, chúng tôi, đã dạy các em những gì nhỉ? Nào chí làm trai nam bắc đông tây, lên đông đông tĩnh lên đoài đoài yên, chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt, làm trai phải chết chốn sa trường da ngựa bọc thây, v.v. Tôi, chúng tôi còn dạy các em những gì nữa? Danh dự, khí tiết, liêm khiết, trinh bạch, bổn phận đối với tổ quốc, đối với xã hội, v.v. Toàn những thứ các em vào đời, đốt đuốc đi tìm bảy ngày bảy đêm liên tiếp cũng không thấy, để rồi sau đó chua chát thất vọng, để rồi sau đó đưa tâm hồn mình vào tình trạng mất hết tin tưởng.

Rời cao nguyên vào buổi tối, khi nhìn đô thị Sài Gòn hiện hình như một cánh đồng cỏ màu sắc và ánh đèn, tôi thấy vấn đề cũng không phải là đến chỗ tuyệt vọng. Tôi còn có những lời giảng, những lời giảng chót, để nói với các em, những học trò đã tản mát khắp nước cũng như còn ở thị trấn buồn muôn thuở. Tôi thấy tôi còn là một ông thầy, vì buổi tối, sau khi suy xét kỹ, tôi thấy còn có thể nói rằng: người thầy ngày trước không lừa dối các em khi nói tới một thế giới đẹp đẽ trong đó mọi cư xử đều y như các ông thầy đã tả trong các giờ học. Chỉ có cần bổ túc là thế giới ấy không phải có sẵn chờ đợi những người vừa rời bỏ ghế nhà trường và tuổi thiếu thời, mà nó nhờ chính những người này, những người mang lý tưởng ôm ấp từ lớp học tới xây dựng, hình thành. Tôi đã có lầm lẫn ngày trước là đã để các em ngộ nhận. Nhưng lầm lẫn này, những ông thầy cũ và tôi đã trả giá thay cho các em bằng cách chịu đựng một nỗi chua chát xao động thường xuyên trong tâm hồn.


Những bàn tay không

Nhiều người thường cho rằng lớp trí thức trẻ hiện nay “nổi loạn”, thích tung phá đạp đổ nên bạ ai cũng chê cũng đả kích. Sự thật không hẳn như vậy. Tự xét bản thân và căn cứ vào tâm trạng bạn bè tôi thấy rằng thế hệ trẻ hiện nay rất bơ vơ – họ muốn tin cậy ở người lớn lắm nhưng không tìm ra ai mà tin. Hệ thống tổ chức xã hội và nền giáo lý cũ không còn thích hợp với nếp sinh hoạt và biến chuyển mới của dân tộc và đất nước: các thanh niên rất cần người hướng dẫn, rất cần người già để kính, để nương tựa về tinh thần. Nhưng vấn đề là ở chỗ, họ, chúng tôi không tìm thấy ai. Thanh niên nào cũng đã hơn một lần muốn bám víu vào một cái gì gương mẫu để giữ vững tinh thần trong dòng hỗn loạn hiện đại, nhưng rồi cũng hơn một lần thất vọng chua chát.

Thanh niên hiện nay gần như chỉ có hai bàn tay không và công việc phải làm nhiều vô hạn – trong khi đó vẫn gánh chịu trực tiếp cuộc chiến tranh tàn khốc không do họ gây ra. Nếu Camus đã nhắc tới một câu nói người xưa mong được sinh vào một thời đại không đáng chú ý, thì nhiều thanh niên Việt Nam cũng đã tiếc rằng đã đầu thai nhầm thế hệ. Nhưng tiếc thì tiếc vậy nhưng họ biết không thể từ chối thân phận mình, họ biết phải làm gì và nhận rằng nếu thế hệ năm mươi tuổi đã từ chối trách nhiệm về một nửa nước Việt thì họ, thế hệ trên dưới ba mươi sẽ chịu trách nhiệm với con cháu sau này, với lịch sử về số phận một nửa phần còn lại.

Khi khóa 14 sĩ quan trừ bị Thủ Đức mãn khóa, ông Diệm không tới, cử ông Trương Công Cừu làm đại diện. Tôi thuộc đại diện khóa sinh đa số là trí thức và vì thân cao thước bảy nên phải đứng hàng đầu hàng quân – sự kiện này có nghĩa là không hy vọng gì cựa quậy cho đỡ mỏi. Mồ hôi đã bắt đầu chảy dọc gáy tôi cũng như người cầm cờ phía trước khi ông Cừu tới duyệt hàng quân. Đúng lúc phái đoàn quan khách đi ngang đại đội, một tiếng nói từ phía sau hàng quân cất lên tuy nhỏ nhưng nghe rõ tới hàng đầu, nhắc lại câu nói của những người giác đấu nói với quan khách trên khán đài trước khi bắt đầu cuộc tử chiến: “Ceux qui vont mourrir te saluent!” [1] … Tuy toàn thân tê cứng trong nỗ lực giữ đúng tư thế chào, tôi cảm thấy như có một chuyển động rì rào phía sau. Có lẽ tôi bị óc tưởng tượng đánh lừa? Có thể là vậy nhưng câu nói cuối cùng của những người giác đấu thời xưa ấy, tôi nghe thật rõ như một tiếng thở dài. Ông Cừu đã lên vị trí chủ tọa buổi lễ trên khán đài cao, dáng điệu ông trịnh trọng và trang nghiêm. Lũ chúng tôi mồ hôi đầy người quỳ xuống trước mặt ông thề trung thành với tổ quốc và nhận cấp bậc nhỏ nhất trong hàng sĩ quan. Vẫn trịnh trọng và trang nghiêm, đại diện cho tổng thống, cho Quốc gia Miền Nam, ông Cừu khuyên chúng tôi nhiều điều… Ceux qui vont mourrir te saluent, tôi không hề được biết anh đồng khóa nào đã thốt ra câu ấy để tìm hiểu xem hiện nay anh đang ở phương nào. Nhưng tôi biết chắc anh hẳn là người buồn nhất buổi sáng ngày hôm ấy khi quỳ xuống trước mặt ông Cừu – nỗi buồn của anh chắc chắn phải bằng hay hơn nỗi buồn của tôi khi viết đến dòng này.


Ý nghĩ người lính trong thành phố - Những người bơ vơ

Một sinh viên bạn tôi trong năm vừa qua, nhờ thế lực chính trị và khả năng tài chính của gia đình, đã được phép xuất ngoại đi Pháp học. Đó là một thanh niên biết suy nghĩ nên việc du học này đã đặt anh trước nhiều vấn đề. Nếu anh xuất ngoại, anh sẽ có thể đỗ tiến sĩ và trở về nước sau này làm giám đốc, tổng trưởng. Nhưng sự xuất ngoại này không do một tuyển chọn công bằng, không do tài năng. Vậy vấn đề đặt ra cho anh là chấp nhận hay không chấp nhận xuất ngoại này. Nếu không đi, ở lại, anh sẽ phải nhập ngũ một thời gian dài ngắn không biết rõ là bao nhiêu. Nhập ngũ là chiến đấu. Anh không sợ khổ cực của đời lính, anh có thể hy sinh mạng sống – nhưng cho ai? Anh ngó quanh, nhìn những người bạn đã nhập ngũ, nhìn chính quyền, nhìn xã hội, anh thấy rằng chưa biết chừng những người bạn ấy đã vô tình chiến đấu để bảo vệ cho những thương gia Ba Tàu, các xí nghiệp ngoại quốc, các tham quan ô lại, các tướng lãnh bê bối, v.v. Vậy anh chọn đường nào, đi hay không đi? Chọn đường nào cũng có lý và chẳng đường nào hợp lý. Anh thấy anh là một con người bơ vơ.

Một giáo sư trẻ bạn tôi ở tỉnh nhỏ được một nữ sinh bày tỏ tình yêu. Anh tự hỏi nên hay không nên nhận tình yêu này. Ông Hiệu trưởng, ông bạn già đồng nghiệp bảo không nên nhận vì như vậy là trái nghĩa sư đệ. Nghĩa sư đệ? Nó là cái gì vậy? Nghe có vẻ Tàu Tàu, anh mở sách cổ ra đọc, tìm xem người xưa nói làm sao về việc thầy trò yêu nhau. Dĩ nhiên anh không tìm thấy vì thời trước không có học trò con gái, lấy đâu ra việc yêu đương. Và nếu tìm thấy, chắc cũng không có được giải pháp nào bởi vì ông thầy đồ có nhiệm vụ thay cha dạy học trò thành người. Nếu thầy trò yêu nhau có lẽ có thể coi như một hành động loạn luân. Nhưng anh bạn tôi là một giáo sư ở hậu bán thế kỷ hai mươi, và nhiệm vụ của anh là truyền bá cho cô gái này các kiến thức về khoa học và văn hóa, chứ đâu phải dạy nàng thành hiền phụ hay gái chính chuyên – mở tất cả các cuốn chương trình kể từ khi người Pháp hủy bỏ nền học cổ truyền thay bằng nền học chánh mới cho tới hiện nay, anh không thấy có điều khoản nào ghi giáo sư phải rèn luyện, đào tạo học trò thành người cả. Anh chỉ biết rằng cho tới giờ, chương trình giáo dục được gọi là nhân bản, khai phóng, v.v. Thế thôi. Ông giáo sư già nhất trong trường nhận xét: “Dù sao chúng ta cũng có dạy nó thành người qua những lời khuyên răn và kỷ luật áp dụng trong những giờ học trò tới trường…”. Anh bạn tôi không đồng ý vì cho rằng một huấn luyện viên quân sự của các khóa đào tạo nữ quân nhân, cũng khuyên răn, cũng áp dụng kỷ luật, cũng truyền bá những kiến thức. Và nếu một trung úy huấn luyện viên và một khóa sinh yêu nhau rồi lấy nhau thì đó lại được coi là một tình duyên thông thường, không ai buồn thắc mắc – trừ những tình địch của hai kẻ này. Vậy tại sao anh và nữ sinh của anh lại không được yêu nhau tự do – như mọi người? Hơn nữa nếu cấm lấy nữ sinh thì các giáo sư biết lấy ai làm vợ. Đa số các cô bây giờ đều được đi học, do đó đều là học trò không của giáo sư này thì của giáo sư khác… Tôi chen vào, góp ý kiến: “Con gái vị thành niên chưa được coi là đủ óc suy xét, ông thầy lại tiếp xúc luôn, có được yêu thì tình yêu đó chưa được coi là chín chắn. Hơn nữa, lôi thôi với gái vị thành niên có hai cái nguy: thứ nhất là Bộ biết, sẽ bị đổi đến những nơi hổ về gậm gãy cột cờ, trăn bò vào nằm trên bục; thứ hai là nếu bố mẹ cô nàng kiện thì đi ở tù!” Nói như thế không giải quyết được gì cho vấn đề, anh bạn nhận xét, vấn đề ở chỗ là tìm xem thầy trò yêu nhau có gì là tội lỗi như mọi người thường quan niệm hay không. Đây là một vấn đề tinh thần, một vấn đề luân lý. Vụ tranh luận đến đây là ngừng, và khi tôi rời trường, anh bạn tôi vẫn chưa biết nên chọn thái độ nào. Anh cũng là một người bơ vơ.

Một anh bạn đồng môn cũ, mới thuyên chuyển đến ngành Cảnh sát Công an, sau ba tuần nhận chức, nói với tôi: “Tao nghĩ hoài không biết có nên tổ chức tảo thanh gái điếm hay không. Tao chưa vợ, vẫn thường đi tìm đĩ để giải quyết sinh lý, thấy làm như vậy là tự nhiên. Đàn bà làm đĩ, tao nhân danh cái gì để cản, để đi bắt? Đối với gái vị thành niên còn có thể bảo là chưa biết suy nghĩ nên bắt trở về đời sống lương thiện hơn, nhưng còn đàn bà trưởng thành tự nguyện chọn làm nghề này?” Dĩ nhiên, về phương diện tinh thần, anh bạn này không biết nhân danh cái gì để kết án gái đĩ. Anh bơ vơ rồi.

Sau 1-11-1963, cả chính phủ lúng túng trong việc tìm một tiêu chuẩn để xác định thế nào là thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội. Các người ham chuộng loại phim thoát y đã thấy rõ sự lúng túng này ở những người tự-cho-có-nhiệm-vụ bảo vệ đạo đức xã hội. Có thời kỳ, các nhà kiểm duyệt cho rằng cởi nịt vú nhưng giữ xi-líp, được kể như không làm thương tổn đến thuần phong mỹ tục của “nước A Nam ta”. Có thời kỳ cho rằng để lộ ngực cũng làm hại đến đạo đức của dân Đại Cồ Việt. Có thời kỳ cho rằng nhảy twist vô hại, có thời kỳ lại cấm vì cho rằng twist sẽ văng mất bốn ngàn năm văn hiến Giao Chỉ ra ngoài. Nói giản dị, các nhà đạo đức trong chính quyền không còn biết vị trí, giới hạn của đạo đức ở-chỗ-nào-nữa. Họ là những người bơ vơ rồi.

Cái gì cũng phải có một kết thúc, kể cả những bơ vơ. Anh bạn sinh viên đã đi Pháp học nhưng viết thư về nói rằng: “Lắm lúc nghĩ, tôi tự hỏi tôi đi thế này hơn hay ở lại đi lính để cùng liên đới chịu đựng cái phận khốn khổ của dân mình…”. Anh bạn giáo sư tỉnh nhỏ viết thư về báo tin: “Tao sẽ phải nhập trường Thủ Đức khóa tới, và con bé học trò ấy vừa đủ 21 tuổi tuần trước. Vấn đề đã được đi đến cùng, nhưng tao vẫn thấy…”. Anh bạn trong ngành kiểm tục tuyên bố: “Tao vẫn thứ bảy đi kiếm poule và khi nào có lệnh thượng cấp, vẫn đi bố ráp gái điếm…”. Còn về công tác bảo vệ thuần phong mỹ tục dân nước Việt Nam Cộng hòa, ông đô trưởng vừa trịnh trọng minh định đại khái như sau: “Mặc nịt vú và xi-líp sẵn sàng bước ra múa là không hại đạo đức, nếu mặc quần áo rồi vừa múa vừa cởi cho đến khi còn nịt vú và xi-líp là một hành động công xúc tu sỉ…”. (Tôi tự hỏi như vậy có phải đạo đức và không đạo đức chỉ khác nhau ở chỗ “có sẵn” và “cởi dần” hay không?).

Tại sao, vì cớ gì, người dân Việt đệ tứ cộng hòa (đệ nhất cộng hòa là của ông Diệm, đệ nhị cộng hòa là của DIDOXI – Đính Đôn Xuân công ty, đệ tam cộng hòa là của Chủ tịch Nguyễn Khánh) lại lâm vào tình trạng bơ vơ như vậy? Và làm thế nào để cho những người hiện tại, nhất là thế hệ mai sau khỏi bơ vơ như thế?

Đó là hai vấn đề căn bản phải giải quyết cho xã hội miền Nam. Tất cả những vấn đề khác về chế độ, về luật pháp, v.v. chỉ là những cái đến sau. Nếu giải quyết được hai vấn đề căn bản này, người sinh viên sẽ biết nên đi Pháp học hay ở lại đi lính với những bạn đồng môn nghèo hèn, người giáo sư sẽ biết nên nhận tình yêu học trò hay từ chối, viên chức kiểm tục biết nên kết án hay dung dưỡng gái điếm, nhà kiểm duyệt biết sử dụng chính xác cái kéo không cần phải coi lại các chỉ thị co giãn tùy thời, người lính nên biết hay không nên hy sinh tính mạng của mình. Có hết bơ vơ, viên chức thanh liêm mới tin rằng thái độ của mình là đúng là đáng khen chứ không phải là “dại” là “ngu”, người thanh niên thiện chí phục vụ xã hội mới tin rằng mình không phải là quân tử Tàu, người biết giữ liêm sỉ mới tin là mình không lỗi thời hay chậm tiến. Không đưa được mọi người ra khỏi tình trạng bơ vơ, mọi sự sẽ tiếp tục như hiện nay – nghĩa là mỗi người đều tiếp tục đóng vai trò riêng trên một sân khấu riêng: Giáo sư đóng kịch trên bục vì dạy học trò “không nên rượu chè, cờ bạc, trai gái, nghiện hút” nhưng vẫn đi chơi gái, đánh bạc và uống rượu, những nhân viên kiểm duyệt sẽ bề ngoài nhăn nhó khi cắt những đoạn phim “đồi phong bại tục” và những câu văn khiêu dâm, tả chân, nhưng rất thích thú khi được coi Sexy show, Sexy girl nguyên bản, khi đọc Mémoire d’une chanteuse allemande…

Một xã hội khi nào chỉ xây dựng trên những con người giả hình như vậy là một xã hội đang đi đến chỗ tan rã chắc chắn.


Ý nghĩ của người lính thành phố - Trương Vô Kỵ

Trong tuổi thiếu thời, về phương diện đọc sách, tôi là một đứa trẻ bình thường, nghĩa là đương nhiên phải mê đọc truyện kiếm hiệp. Mê đến độ những hôm không có tiền đặt cọc, tôi tới thuê sách ngồi đọc ngay tại hiệu. Tôi còn nhớ những phút say mê theo dõi Giang Đông tam hiệp, Long Hình quái khách, lo âu cho những tráng sĩ nghĩa hiệp lao vào những ổ ác tăng cứu nguy cho người đẹp, và ở cái tuổi còn tin rằng em trai ở trong nách mẹ chui ra và đàn ông đàn bà cứ ngủ chung giường là tự động có con, tôi đã hồi hộp và rung động trước những hoàn cảnh hiểm nghèo của những nữ hiệp khi sa vào tay dâm tặc. Lớn hơn, khi bắt đầu thích mối tình Hồn bướm mơ tiên, những nhân vật kiếm hiệp tan biến vào dĩ vãng ấu thời, không còn di tích. Năm ngoái khi Thi với tôi ở một doanh trại miền Trung, nàng nằn nì tôi thuê cho bằng được Cô gái đồ long để nàng đọc trong những lúc vắng tôi. Không những không chịu chiều ý, tôi còn cười chế giễu. Gần đây trong một buổi gặp gỡ thân mật, tôi thấy các nhà văn, có người sắp tới tuổi tứ thập nhi bất hoặc, bàn một cách hăng hái về những Chu Chỉ Nhược, Vô Kỵ, Triệu Minh, Đao Đồ Long, Nhất Dương chỉ, v.v. và những chưởng những ám khí quay lộn, đánh bật tất cả những Sartre, Camus, Hemingway cùng các đề tài văn nghệ thông thường ra bụi mía trong vườn nhà mẹ tôi. Đến đây, dĩ nhiên là tôi chỉ có thể làm một việc: đi tìm kiếm hiệp đọc để xem nó ra làm sao mà đã có thể gây cả một phong trào đọc sôi nổi như vậy.

Để bắt đầu, tôi đọc cuốn kiếm hiệp đã được xếp vào loại “cổ điển” là cuốn Cô gái đồ long. Qua được vài chục trang, tôi đã bị lôi luôn vào vòng chưởng lực của các nhân vật. Và tiếp đó, dĩ nhiên bình thường như bao người, tôi đọc hết cuốn này đến cuốn khác của Kim Dung, và cũng chỉ thích đọc có một tác giả này mà thôi. Bây giờ đã khá quen thuộc với các võ công thượng thừa của các phái Thiếu Lâm, Nga Mi, Võ Đang, v.v. tôi hiểu tại sao mọi người – trong đó có tôi, say mê đọc loại văn này. Lý do quan trọng nhất là kiếm hiệp đã được Kim Dung viết với nhiều nghệ thuật. Các nhân vật linh động, nhiều cá tính, nhiều tâm trạng không như các nhân vật thông thường: loại gian tà và anh hùng hào kiệt. Gian tà bao giờ cũng gian ác và đáng giết, anh hùng bao giờ cũng quang minh chính đại đáng kính. Thiện ác phân minh. Các nhân vật của Kim Dung không như thế. Trừ một số ít, còn chẳng có ai là thiên thần, chẳng có ai là ác quỷ. Tạ Tốn có tàn ác, Chu Chỉ Nhược có giảo quyệt nhẫn tâm, không hẳn là tự thâm tâm họ muốn hành động như vậy nếu không có những nỗi đau đớn, những vò xé bên trong. Họ có vẻ người hơn, do đó gần gũi với chúng ta hơn. Về tả cảnh, những đoạn như Đoàn Dự bị bắt dẫn đi trên thuyền đến nhà Cô Tô Mộ Dung trên hồ, có thể coi là một đoạn văn đẹp. Các võ công được trình bày liên quan chặt chẽ với y lý Đông phương và triết lý Dịch, Đạo cùng giáo lý đạo Phật làm người đọc trưởng thành có được một thứ ảo giác sự thật. Đó là những lý do “nội tại” làm truyện kiếm hiệp Kim Dung trở thành lôi cuốn. Nhưng lý do không phải chỉ có thế. Mọi người ở trong xã hội này, bao nhiêu năm rồi, thấy những kẻ ác bao giờ cũng được hưởng xe hơi nhà lầu, những kẻ thiện cứ úp mặt xuống hít khói và bụi. Nhưng nhu cầu muốn công bằng được thực hiện, ác giả ác báo vẫn tiềm tàng trong tâm hồn nên mọi người vui thú tìm sự thể hiện những ước vọng đó trong kiếm hiệp.

Trong tất cả những nhân vật của Kim Dung, Trương Vô Kỵ được người đọc chú ý hơn cả. Gần đây, trên một tờ báo sinh viên, tôi đã thấy một bài chê trách Vô Kỵ mải ngồi kẻ lông mày cho Triệu Minh quên cả sự hiện diện của quân Mông Cổ trên đất nước. Đã từ lâu, khi còn làm thầy đồ miền núi, tôi hay tự hỏi nền giáo dục hiện đại sẽ đưa thanh niên tới đâu. Mỗi một nền giáo dục đều bao hàm chủ đích đào tạo thanh niên thành người theo một mẫu nào đó – tôi tạm gọi là mẫu người lý tưởng. Trước kia người lý tưởng Việt Nam là kẻ sĩ. Người Pháp, vì nhu cầu thống trị, đã phá hủy giai tầng kẻ sĩ, phá hủy hệ thống giáo dục cũ, thay thế bằng một hệ thống giáo dục nhằm đào tạo những viên chức thừa hành và những trí thức quên gốc. Thu hồi lại độc lập từ 1954, những người cầm quyền miền Nam chưa ai có một ý niệm rõ rệt về một mẫu người lý tưởng mới để cho các nhà giáo dục lấy làm tiêu chuẩn soạn thảo chương trình và dạy dỗ học sinh. Trong khi ấy, cộng sản chĩa mũi dùi tấn công vào những kẻ sĩ biến thể, chê họ là anh hùng cá nhân, là trí thức tiểu tư sản, v.v. Tất cả những sự kiện đó làm tôi chú ý nhiều tới Trương Vô Kỵ, một thứ người hùng đặc biệt, Vô Kỵ võ giỏi nhưng không hiếu sát, không đánh kẻ ngã ngựa, không thù hận và tàn nhẫn quá độ với kẻ thù. Đứng đầu Minh giáo, Vô Kỵ cư xử hết lòng với thầy, tin cậy ở thiện tính của bằng hữu và thuộc hạ, không bao giờ chịu dùng những thủ đoạn xấu dù có lợi cho chính nghĩa và thà để người phụ mình còn hơn mình phụ người. Về tình cảm, Vô Kỵ yêu chân thành không để ý đến chủng tộc, giai cấp, môn phái. Yêu một cách rất tiểu tư sản: khi chưa yêu ai thực sự, muốn lấy cả Tiểu Siêu, Hân Ly, Chu Chỉ Nhược, Triệu Minh làm vợ (độc giả nào đọc Cô gái đồ long mà không ước ao lấy cả bốn cô gái kể trên thì người đó một là liệt dương, hai là đã trên 77 tuổi, ba là cán bộ cấp huyện ủy trở lên). Khi đã yêu thực sự Triệu Minh thì thôi, tất cả vũ trụ trở thành vắng ngắt. Về chính trị, tới thời kỳ sắp thành công, mọi lãnh tụ bắt đầu mở cuộc tranh giành quyền lực. Vô Kỵ từ bỏ tất cả ra đi.

Thái độ sống, quan niệm xuất xử của Vô Kỵ, tôi thấy bắt nguồn từ lâu lắm, từ Phạm Lãi treo ấn từ quan mang Tây Thi đi du ngoạn Ngũ Hồ, Trương Lương nhàn cư dưỡng tính. Tôi thiết tưởng Vô Kỵ không đáng trách khi trao ngôi Minh chủ cho Dương Tiêu, để kệ Chu Nguyên Chương giữ binh quyền thực hiện việc đuổi quân Mông Cổ trong giai đoạn chót. Bổn phận đối với dân tộc đã làm xong, bổn phận đối với đồ đệ, với nghĩa vụ, với thầy, với bằng hữu, đã thi hành trọn vẹn. Bây giờ rũ áo, mang đao Đồ Long ra đi cùng Triệu Minh, Vô Kỵ đã làm một hành động đẹp nhất đời, chàng theo quan điểm của tôi – một người trí thức tiểu tư sản.

Đọc trang cuối Cô gái đồ long, khi thấy Vô Kỵ cầm bút vẽ lông mày cho người yêu, tôi chợt khám phá ra một điều: tôi đã có lý khi chọn thái độ chống Cộng bởi vì các chính ủy ngoài bắc đã đốt hết sách Tự Lực Văn Đoàn để diệt người hùng tiểu tư sản thì tất sẽ đốt hết sách kiếm hiệp của Kim Dung, tôi cũng đã có lý khi chọn thái độ chống Cộng vì tuy lông mày người yêu tôi khá đậm không cần vẽ thêm, nhưng tôi vẫn muốn mãi mãi giữ được quyền tự do điểm nốt ruồi lên má nàng bất cứ lúc nào tôi muốn…



[1]“Những kẻ sẽ chết chào Ngài”: công thức của những tay giác đấu thời La Mã chào hoàng đế trước khi vào đấu trường. (Chú thích của talawas)
Nguồn: In xong tại nhà in Nam SÆ¡n, 36 Nguyá»…n An Ninh, Sài Gòn, ngày 10-5-1966. Nam SÆ¡n xuất bản. Giao dịch vá»›i nhà xuất bản: Trịnh Viết Đức, 36 Nguyá»…n An Ninh, Sài Gòn, ĐT: 21-026. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.