© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
10.12.2007
Tô Nhuận Vỹ
Nhà văn Việt Nam: Đổi mới và Hội nhập
(Đề tài tham gia chương trình nghiên cứu của William Joiner Center - Đại học Massachusetts, Hoa Kỳ 2005 – 2007)
 1   2   3   4 
 
Văn học Việt Nam có vị trí cao trong xã hội và trong lòng người đọc ở vào thời gian chiến tranh. Sau ngày đất nước thống nhất (1975), có lúc nó đã đi đầu trong công cuộc đổi mới. Nhưng nó không tiếp tục bước đi liền mạch cao cả đó và trong tình hình xã hội đang buộc phải chuyển mạnh với xu thế toàn cầu hoá hiện nay, nó đang đứng trước thách thức lớn buộc phải đổi mới mạnh mẽ, nếu không muốn tụt hậu.

Bài viết này của chúng tôi cố gắng có một cái nhìn khái quát, dù mới chỉ là sơ bộ, những vấn đề của xã hội và của chính văn học trong hơn 30 năm qua liên quan tới hai nhiệm vụ mà theo chúng tôi là hàng đầu của nhà văn hiện nay là: 1- Tự do cho sáng tác và dân chủ hoá hoạt động văn học; 2- Góp phần vào hoà hợp, hoà giải dân tộc.

Tôi không đặt ra cho mình yêu cầu nghiên cứu này phải theo một thể loại nào nhất định mà tự cho phép mình một chút "tuỳ tiện" - khi chính luận, khi hồi ký, lúc tường thuật... - nếu thể loại đó hợp với nội dung mà tôi đề cập. Tôi cũng không tự giao cho mình trách nhiệm quá sức là nếu nói đến ai thì "nói cho trọn" và đề cập tới sự kiện nào thì trình bày cho đầy đủ mà chỉ hạn chế liên quan trong phạm vi nhỏ bé của mình chạm tới. Có thể với ai đã quen với logic, với sự chặt chẽ của một nghiên cứu, sẽ khó chịu với sự tản mạn, ít gắn kết đó. Xin một sự thông cảm cho "nội công chân khí" hạn chế của người viết.


1. Thực trạng của đất nước

Hai nội dung quan trọng mà Việt Nam phải giải quyết sau chiến tranh là phát huy nội lực dân tộc và dân chủ đất nước. Để giải quyết hai nội dung này, Việt Nam đã phải vượt qua những thách thức to lớn tưởng chừng không thể vượt qua được.

Muốn phát huy được nội lực dân tộc, trước hết phải thực hiện được truyền thống lớn nhất, đáng tự hào nhất của Việt Nam là sự đoàn kết, sự đùm bọc nhau của cộng đồng dân tộc qua hàng ngàn năm để giữ lấy cương vực và văn hoá. Nhưng sau năm 1975, truyền thống này đứng trước ba thách thức lớn, nói cách khác là phải giải quyết ba tồn tại lớn mới có thể nói tới sự thống nhất đất nước (trong thực tế nhiều người cho rằng đất nước mới chỉ “nhất thống”):
Vấn đề “bản sắc”, “truyền thống” vấp ngay và buộc phải giải quyết ngay những trở lực ghê gớm đó, yêu cầu sai số là nhỏ nhất, ngay từ sau chiến tranh. Tiếc thay, những sai số là quá lớn.

Về đối ngoại, ngay sau năm 1975, “tinh hoa” mà Việt Nam cần học, cần có ngay không chậm trễ (bên cạnh lĩnh vực kinh tế phải giải phóng ngay sức sản xuất, sự năng động sáng tạo của các hình thức kinh tế vốn bị cấm kỵ hoặc đã xơ cứng trước đây bởi đã đi ngược các quy luật tiên tiến quá lâu) là việc thiết lập nội dung dân chủ trong các hoạt động của xã hội, trong đó có văn hoá, văn học nghệ thuật (thực ra việc tiến hành cải cách kinh tế cơ bản cũng là việc thiết lập nội dung dân chủ trong lĩnh vực này). Nhưng phải nói rằng, truyền thống dân chủ vốn có rất ít hoặc không có trong truyền thống của Việt Nam và Trung Hoa đô hộ. Nhưng đây lại là vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm nên chỉ mới “chạm” tới nó đã bị “nổ bùng” tức khắc, bị phản ứng quyết liệt, thậm chí bị chụp mũ là tư tưởng”phản động”, là “tiếp tay cho kẻ thù”. Lý giải cho phản ứng này, cần có một cái nhìn khách quan và lịch sử. Một trong những oái oăm của lịch sử là các thể chế dân chủ tiến bộ mà chúng ta cần rút tỉa để học hỏi, nhiều khi lại ở ngay các nước vốn là cựu thù như Pháp, Nhật, Mỹ… Quê hương của Cách mạng Tư sản, của Thế kỷ Ánh sáng lại là kẻ đã chia nát Đông Dương và Việt Nam thành các mảnh nhỏ để dễ bề cai trị, đã thực hiện một chính sách ngu dân toàn diện trên toàn cõi Việt Nam và chính họ đã ra sức vun đắp, níu kéo chế độ phong kiến để phục vụ cho chính sách thuộc địa của mình. Đất nước đã quyết học phương Tây ánh sáng để Minh Trị lại là kẻ đã giết chết hơn hai triệu ngườì trong nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu. Đất nước mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi sự văn minh dân chủ và sự cao cả bằng chính việc lấy cái hồn của Hiến pháp thời 13 bang làm câu mở đầu Tuyên ngôn Độc lập của mình, lại đem hàng triệu tấn bom ném xuống đê điều, bệnh viện, trường học Việt Nam! Đó chính là bi kịch của các cường quốc văn minh và bi kịch phải gánh chịu của dân tộc Việt Nam. Chính vì thế, trong cảnh bị đẩy vào chân tường, người Việt Nam phản ứng bằng cả những hành động và quan niệm cực đoan nhất. Vậy mới có câu “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.” Mới có chuyện cổ xuý việc dùng nước tro thay xà phòng. Mới có chuyện tẩy chay váy đầm. Và rồi hễ cứ động tới dân chủ, đến tự do, đến “nhân vật thân phận”… thì thảy đều bị chụp cho cái mũ “vọng ngoại”, “tư tưởng phản động”…

Từ phía nội bộ đất nước, những mặc cảm tội lỗi lẫn thói kiêu binh chiến thắng, những cay cú đẩy tới hận thù của kẻ thua trận lẫn một số chính sách sai lầm không được lòng dân của người vừa chiến thắng, sự hụt hẫng trong đời sống các đô thị miền Nam lẫn sự áp đặt những chính sách cứng nhắc xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình Liên Xô từ miền Bắc chưa đổi mới… đã gần như “hợp sức lại” đưa cả đất nước chìm vào trong cảnh đói kém đau đớn ngay sau chiến thắng và đẩy cả hàng triệu người phải vượt ra nước ngoài, tình hình mà Gabriel Kolko gọi là “Thắng trong chiến tranh mà bại trong hoà bình” [1] . Và từ nước ngoài, một số “ngườì Việt căm hận”, được sự tổ chức, chỉ huy và nuôi dưỡng của không ít thế lực chống Việt Nam một cách thiển cận, liên tiếp “chuyển lửa về quê hương” để mong đánh sập chế độ trong một thời hạn ngắn nhất, gây nên những căng thẳng về an ninh triền miên cho Việt Nam vào lúc thế và lực mong manh nhất trong suốt mấy chục năm trở lại (mọi nguồn viện trợ nuôi sống cả xã hội suốt cuộc chiến tranh nay bị cắt cụt, nạn đói cận kề, lính Khơ-me Đỏ và tiếp đến là quân Trung Quốc tràn qua biên giới…). Chính họ đã “tiếp sức” cho lực lượng bảo thủ vốn còn rất mạnh trong nội bộ Việt Nam có “lý do chính đáng” để đưa ra những chính sách cứng rắn, quyết liệt mà bình thường chắc không một chính phủ nào muốn thực thi nhằm ưu tiên tối đa cho việc giữ vững nền chính trị, bất chấp chính sách ấy nhiều lúc “đánh” vào chính những người vốn tâm huyết nhất trong nước và cả trong cộng đồng người Việt ở ngoài nước (Có người vừa bị xem là “Việt cộng nằm vùng” ở hải ngoại vừa bị nghi ngờ là ”nhân viên CIA” ở ngay tại quê hương!).

Khát vọng cất cánh, khát vọng trong vòng vài ba chục năm trở thành một con hổ, một con rồng châu Á của cả một dân tộc, ngay cả trong những ngày tháng khó khăn nhất, vẫn khôn nguôi trong lòng không ít lãnh đạo, trí thức và người dân. Họ hiểu rằng, việc tất yếu không thể không bắt đầu từ phát huy nội lực của mỗi cá nhân con người, là tinh thần duy tân, là tinh thần dân chủ trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, văn nghệ…, tinh thần mà Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc đã không tìm thấy đủ ở trong nước, không thấy ở nghìn năm Trung Hoa đô hộ, mà phải lặn lội nghìn trùng qua học tận Pháp, Mỹ, Nhật… Cơ chế tập trung dân chủ đã có lúc là liều thuốc bổ cho công nghiệp hoá tại Liên Xô và Trung Quốc, giúp họ chiến thắng thù trong giặc ngoài trong một giai đoạn nhất định. Khi còn là anh em đồng chí cùng ý thức hệ, cùng phe xã hội chủ nghĩa với họ, Việt Nam cũng đã học, vận dụng cơ chế đó trong chiến tranh. Nay thì sự tập trung cực kỳ đó (thường “quên” mất chữ Dân chủ) đã trở trái trói chặt cả nền kinh tế và xã hội Việt Nam vào lúc nó cần “cởi trói” nhất. Tự do cá nhân, tư hữu… là những khái niệm đồng nghĩa với tội lỗi. Khi cánh cửa Đổi mới vừa mở ra (trong đó văn học và báo chí đóng góp hàng đầu) thì báo động “ruồi muỗi, mùi hôi thối bay vào nhà quá nhiều!” vang lên! Đó là tiếng “ kêu cứu” phản kích của những phần tử bảo thủ và yếu bóng vía vốn dị ứng với bất cứ sự thay đổi nào, đã phóng đại lên, đã “quá mù ra mưa” những hiện tượng tiêu cực khó tránh về lối sống chỉ biết mình, về chủ nghĩa thực dụng, về cuộc sống chỉ tôn trọng đồng tiền, về các tệ nạn xã hội, và xu hướng không ít tác phẩm Văn học nghệ thuật từ cực này chuyển qua cực kia, sự “thay đổi hốt hoảng” không phải là không có… Dĩ nhiên, những mặt trái đó sẽ “đồng hành” với tự do nhiều hơn cho cá nhân, đồng hành với làn sóng ào ạt nhập vào những kỹ thuật hiện đại, tiện nghi hiện đại, những quan hệ hiện đại…, đồng hành với mức sống vượt cao lên có lúc đến không ngờ ở một bộ phận không nhỏ dân cư. Đó là mặt trái của tấm huy chương,là “anh em song sinh” giữa luật pháp và tội phạm mà Dürrenmatt đã viết hàng trăm năm trước trong Một cái chết ngoạn mục.

Có một sự “tiếp sức” rất “nặng ký” cho sức ì và sự bảo thủ là “tấm gương tày liếp” chính là sự xáo trộn và tan nát mau chóng của Liên Xô và Đông Âu xã hội chủ nghĩa, trong thoáng chốc, đối với Việt Nam, từ “có tất cả” đã thành “không có chi cả”, tạo nên một nguy cơ đổ sập của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Với tất cả trở lực và “sự tiếp sức” đó, giải pháp “đóng sập cửa lại” cho an toàn đã được vội vã ưu tiên. Đó cũng là thực tế khiến khi người đứng đầu Đảng kêu gọi văn nghệ sĩ “tự cởi trói” lại vội vã “trói lại” ngay sau đó.

Nhưng cho dù với thực tế bảo thủ mạnh mẽ, với một sức ì lưu cữu hàng thế hệ, đứng trước thực tế bi thảm của đất nước, những đôi mắt còn sáng suốt và thái độ tôn trọng thực tế khách quan, một bộ phận không nhỏ trong hệ thống chính trị đã dũng cảm nói lên một sự thật: Đất nước đang đứng bên bờ vực thẳm, không đổi mới sẽ chết! Và một thực tế đã hiện ra: chỉ trong vòng hơn chục năm trở lại đây, hình ảnh Việt Nam đã khiến thế giới ngạc nhiên: nền kinh tế nhiều thành phần đã phát triển toàn diện, hội nhập nhanh chóng với thế giới phát triển, nơi diễn ra nhiều hội nghị quốc tế lớn, gia nhập WTO, ký kết Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ, đóng vai trò quan trọng trong khối ASEAN, xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới… Để có được những kết quả bước đầu đó, quả thật xã hội Việt Nam đã trải qua những cơn đau vật vã, giằng xé lớn.


2. Một giai đoạn oanh liệt của văn học Việt Nam

Những sự giằng xé, vật vã để đi lên đó của xã hội ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn học, dĩ nhiên. Giai đoạn 1975-1995 đã để lại một dấu ấn thật đặc biệt, nhiều bài học rất có ý nghĩa có thể rút ra từ đây.

Tại Hội nghị Lý luận Phê bình văn nghệ ngày 22 tháng 7 năm 2004, lãnh đạo Ban Tư tưởng-Văn hoá của Đảng Cộng sản Việt Nam đã buộc phải công nhận một thực tế của văn học nghệ thuật Việt Nam: “Một số quan niệm cũ không còn phù hợp”, “những gì đã cũ và lỗi thời phải cương quyết vượt qua”. “một số nhà phê bình chỉ quen với những môtíp, mô hình cũ và dị ứng với những biểu hiện mới và lạ. Độ bao quát quá hẹp, nhiều “ẩn số” văn nghệ đứng ngoài tầm với của giới phê bình” [2]

Cũng cần nhìn lại vài ba chuyện “cũ và lỗi thời”, cũng chưa quá xa, để có một cái nhìn đúng mức về cái được và chưa được của nền Văn học thời gian qua.


“Vụ” Đề dẫn…

Đây là báo cáo của Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam do Nguyên Ngọc dự thảo và đọc tại Hội nghị đảng viên nhà văn toàn quốc cuối năm 1979, đánh giá tình hình văn học thời gian đã qua và bàn phương hướng sắp tới. Báo cáo khiêm tốn chỉ ghi là “Đề dẫn…” để các nhà văn đảng viên có cơ sở thảo luận, nhưng những nội dung mà nó đề cập tới mang tính chất bùng nổ. Cần nhắc lại tình hình xã hội Việt Nam thời gian này cực kỳ đen tối mà Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam đã báo động là “bên bờ vực thẳm”, “không đổi mới sẽ chết”: Khơ-me Đỏ quấy rối biên giới Tây-Nam, quân Trung Quốc tràn qua biên giới phía Bắc, nạn đói đe doạ toàn dân, lực lượng chống Việt nam trong và ngoài nước tổ chức nhiều hoạt động phá hoại…Việt Nam lâm vào thế “tứ phương thọ địch”. Trong hoàn cảnh như vậy, tung ra một bản báo cáo với những nhận định “chưa từng có” là một hành động dũng cảm phi thường. “Đề dẫn” nhận định gì?

“Trong văn học lồ lộ khá rõ là số phận chung của cả dân tộc, cả đất nước, nhưng số phận riêng của từng người, từng thành viên trong đội ngũ lớn đó thì còn khá sơ lược, giản đơn… do vậy tính hiên thực của văn học bị hạn chế”; “Ít lâu nay trong người đọc và trong chính cả người viết, có một số suy nghĩ hoặc một số dư luận khá phổ biến cho rằng từ một số năm gần đây, năm năm, bảy năm hay khoảng mười năm trở lại đây,văn học ta đã có sự dừng lại. Mỗi người diễn đạt sự suy nghĩ, lo lắng đó một cách khác nhau: có người nói văn học đang thụt lùi, có người lại gọi là “có tình trạng trì trệ”. Cũng có người cho rằng đang có khủng hoảng. Cũng có người bảo: một số năm gần đây ta vẫn có nhiều sách nhưng không có tác phẩm, vẫn có nhiều trận đánh nhưng là những trận tiêu hao không có trận đánh tiêu diệt”; “Phải chăng lúc này có tình trạng không ít phổ biến là người viết cứ viết mà không thực tin ở những điều mình viết ra.“Người là muối mà chính mình không mặn thì lấy gì để mà muối người”. Văn học, nói theo một cách nào đấy, là lòng tin. Không có lòng tin lớn thì không bao giờ có văn học lớn” [3] .

Ở vào những ngày tháng đó, bật ra khỏi miệng, hơn nữa lại viết ra giấy trắng mực đen, lại trong báo cáo tại một hội nghị quan trọng của Đảng, những câu chữ như “thụt lùi”, “trì trệ”, “khủng hoảng”, “không có lòng tin”… thì thật là động trời! Cũng phải nói rằng, những nội dung này lâu nay đã không còn là điều huý kỵ, thậm chí bình thường, trong sinh hoạt văn học và chính trị nhưng vào thời điểm ấy thì đó là những quả bom!

Lúc đó, những người như Nguyên Ngọc cũng đã lường trước sự tất yếu phải trả giá, và chính anh đã phải trả giá, bắt đầu bằng mất chức vụ chủ chốt trong Hội Nhà văn. Nhưng không vì “nguy cơ” đó mà đánh mất phẩm chất, là không dám nói lên sự thực, như những người cộng sản chân chính cũng có không ít trong Đảng lúc này. Trong một dịp nói chuyện thân tình gần đây với tôi, khi nhắc lại “vụ” Đề dẫn, anh Nguyên Ngọc bày tỏ sự ngưỡng mộ khí phách trung thực của ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc trước Đổi mới. Ông có câu nói nổi tiếng về mô hình hợp tác xã lúc đó: “Làm chủ nghĩa xã hội trại lính thế này rồi đến cháo cũng không có mà húp!”

Dĩ nhiên ngoài lòng dũng cảm,những con người như Kim Ngọc, Nguyên Ngọc phải có tầm nhìn xa. Họ đã dám và là người đi trước.

“Mình nói ‘tập thể và cá nhân phải hài hoà’ mà ông Tố Hữu đã điên, nói là phủ nhận tư tưởng ‘Làm chủ tập thể’ - Nguyên Ngọc khẽ cười – “Nhưng ba năm sau ông ấy nói ‘kết hợp ba lợi ích’ (lợi ích của nhà nước, lợi ích tập thể, lợi ích cá nhân).”

Với những quan điểm bùng nổ như thế, với sự cổ xuý hãy đi sâu vào số phận của cá nhân con người chứ không thể bằng lòng với những nhân vật tập thể vô danh yếu đuối, với sự phê phán việc đề cao quá đáng truyện người thực việc thực…, tiếp đến là việc quyết định trao giải thưởng của Hội Nhà văn cho các tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Bến không chồng (Dương Hướng) và nhất là Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh)… và, cũng vào giai đoạn này, từ báo Văn nghệ (lúc này Nguyên Ngọc về làm Tổng biên tập) và sau đó là tạp chí Sông Hương, những truyện ngắn sắc sảo, đáo để của Nguyễn Huy Thiệp liên tiếp xuất hiện… Cộng tất cả lại, đã gây nên những cơn “bão giật”, “gió xoáy” trong đông đảo người đọc, trong nhiều giai tầng xã hội. Ý kiến khen và chê, mừng rỡ lẫn phê phán, đều được đẩy tới cao trào. Có thể cho đến bây giờ vẫn còn có người không đồng tình với các quan điểm của “Đề dẫn” và các tác phẩm của các tác giả trên đây, nhưng đã có một độ lùi đủ cho cả những độc giả khó tính nhất nhận ra rằng, “Đề dẫn” cũng như những tác giả bị đem ra “mổ xẻ” lúc đó, cháy bỏng ngọn lửa khát vọng Chân - Thiện - Mỹ, họ đòi quyền được cống hiến bằng tự do sáng tạo và cả quyền được sai lầm. Không những đó là quyền, là khát vọng, mà còn là quy luật không thể cưỡng lại của sự phát triển của mọi nền văn học. Đó là cống hiến to lớn của “Đề dẫn” và những người ủng hộ những quan điểm tân tiến của nó lúc đó cho nền văn học Việt Nam.


“Vụ” báo Văn nghệ

Phải nói ngay rằng, từ khi Nguyên Ngọc mất chức Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam về làm Tổng biên tập thì báo Văn nghệ (trước đó do Đào Vũ làm quyền Tổng biên tập) từ chỗ “nợ nần tùm lum, lượng phát hành xuống dần đều đến mức không thể xuống hơn được nữa, chỉ còn vài ngàn số,không có tiền trả nợ nhà in và cuối cùng phải tự đóng cửa đến bốn số báo”, Nguyên Ngọc cho biết như thế, đã mau chóng trở thành tờ báo được độc giả chờ đón nhất trong nước, lượng phát hành vọt lên cao kỷ lục (120.000 bản). Dĩ nhiên nợ nần chóng vánh lùi vào dĩ vãng, đời sống của anh chị em trong toà soạn theo đà ấy mà cùng… được nhờ (Đi phát hành thêm)! Không phải Nguyên Ngọc và những người ủng hộ anh ở báo Văn nghệ lúc đó chạy theo những chuyện giật gân câu khách mà tạo nên được một khuôn mặt Văn nghệ hoàn toàn mới. Mà chính là họ đã tiếp tục, trên mặt báo, những khát vọng tư tuởng sáng tạo của mình đã hơn một lần bày tỏ trong “Đề dẫn”. Hàng loạt tác phẩm “kinh thiên động địa” (nếu xuất hiện bây giờ chắc là bình thường hơn nhưng ở thời điểm ấy thì không thể dùng cụm từ nào khác) đến với độc giả từ Văn Nghệ: “Tướng về hưu” (Nguyễn Huy Thiệp), “Cái đêm hôm ấy đêm gì” (Phùng Gia Lộc), “Vua lốp” (Trần Huy Quang)… Một phần thực tế tang thương của đất nước mà chính Đảng chứ không phải ai khác cũng đã báo động là “đất nước đứng bên bờ vực thẳm” đã được các nhà văn tài ba và tâm huyết vạch ra một cách sống động hơn, đau đớn hơn và có sức thuyết phục hơn: đất nước mà hàng triệu người con đã đổ xương máu để giành lấy độc lập và thống nhất, đất nước ấy đang đầy rẫy bất công và áp bức, con người có khi sống như một thằng tù, sống không bằng một con chó! Người đọc ngỡ ngàng, uất hận và tự vấn, tự kiểm nghiệm thực tế quanh mình… để rồi họ chỉ có thể nhận ra một điều là, không đổi mới, đất nước sẽ chết!

Góp phần thức tỉnh và thúc giục hành động cương quyết ủng hộ Đổi mới (đối với toàn xã hội và riêng với văn học) là đóng góp vô cùng ý nghĩa của báo Văn nghệ giai đoạn này.

Tôi ủng hộ và khâm phục những người dám đổi mới, dám đi trước như Nguyên Ngọc (dĩ nhiên không chỉ có một mình anh). Điều tâm huyết đó tôi đã thể hiện trong thời gian làm Tổng biên tập tạp chí Sông Hương.


“Vụ” Sông Hương

Sông Hương là tạp chí văn học nghệ thuật và văn hoá của Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Bình Trị Thiên. Sau khi tách thành ba tỉnh thì nó là tạp chí của Hội VHNT tỉnh Thừa Thiên -Huế. Từ khi ra đời 1983 đến 1985, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng biên tập. Sau đó, cho đến 1990, tôi thay anh Điềm (Nguyễn Khắc Phê làm Phó Tổng biên tập, Thái Ngọc San làm Thư ký toà soạn). Sông Hương chỉ là một tạp chí của văn nghệ sĩ một tỉnh nhưng không một ai trong Ban biên tập lại quan niệm rằng những vấn đề mà nó quan tâm chỉ được khoanh vùng trong một diện tích nhỏ bé với số dân trên dưới một triệu người. Lúc tôi làm thì “vụ” báo Văn nghệ đã căn bản “giải quyết” xong, anh Nguyên Ngọc thôi làm Tổng biên tập, về Hội Nhà văn làm Trưởng ban sáng tác và tại đây, anh lại “chủ trì gây sự” khi cương quyết trao giải thưởng cho Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh). Một phần cũng vì Nguyên Ngọc không còn làm, xu hướng của báo Văn nghệ đã khác, nên không ít tác giả vừa gắn bó với Văn nghệ đã chuyển qua gửi bài cho chúng tôi. Tại lễ kỷ niệm năm năm ra số đầu tiên (6/1988), với sự có mặt của cả khách nước ngoài mà chúng tôi đã “cả gan” tự mình trực tiếp mời là nhà báo nữ Irina Zisman của Đài phát thanh Moskva, Anatoli, Tổng biên tập tạp chí Nhô-man, tạp chí của Hội Nhà văn Belarussia kết nghĩa với Sông Hương và các ông Võ Quang Yến, Lê Huy Cận, Chủ tịch và Tổng thư ký của Hội người yêu Huế tại Pháp, cơ quan giúp phát hành Sông Hương tại Pháp và Tây Âu, chúng tôi đã khẳng định, Sông Hương đã và sẽ làm tốt và tốt hơn nữa phương châm “Cái cũ phải sâu, cái mới phải mạnh mẽ và nhìn ra thế giới”.

Nhiều bài nghiên cứu và tác phẩm văn nghệ đăng tải trên Sông Hương đã được độc giả đón nhận nhiệt liệt và, dĩ nhiên, cả sự chú ý đặc biệt của các nhà chức trách. Đó là các bài về tôn giáo của Nguyễn Khắc Viện; về kinh tế thời nhà Nguyễn của Trần Quốc Vượng; sự xuất hiện lại lần đầu tiên cái tên Phùng Quán sau một thời gian dài “năn nỉ” tác giả, sự có mặt của Văn Cao, Nguyễn Tuân, các bài phỏng vấn Hoàng Cầm, Trần Dần, Nguyễn Đình Thi; cuộc gặp mặt với Nguyên Ngọc lúc việc xử “vụ” báo Văn nghệ đang diễn ra; nhạc phẩm “Huyền thoại mẹ” (Trịnh Công Sơn); các bài thơ “Người đàn ông 43 tuổi” (Trần Vàng Sao), “Nhìn từ xa… tổ quốc” (Nguyễn Duy), các bài bút ký “Luận chứng những tâm hồn đa cảm”, “Tiếng gõ cửa cuộc đời” (Nguyễn Quang Hà)… phản ánh tâm trạng đau đớn, xót xa, và phẫn uất của những con người đã từng cống hiến tuổi trẻ, máu xương của mình cho đất nước, nay phải chứng kiến một cuộc sống cơ cực, không công bằng và mất dân chủ đang diễn ra khắp nơi. Tiếp đến các truyện ngắn và cả vở kịch đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam của Nguyễn Huy Thiệp (“Cún”, “Quỷ ở với người”, “Nguyễn Thái Học”) truyện ngắn “Người đoán mộng giỏi nhất trần gian” với phong cách lạ của cây bút nữ độc đáo Phạm Thị Hoài. Đặc biệt, muốn góp phần thúc đẩy căn bản sự phát triển của văn học nước nhà, nhân trước Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi tổ chức cuộc trao đổi, tranh luận về mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ, vấn đề mà chúng tôi cho rằng có tính quyết định nhất đối với việc đổi mới hay không đổi mới văn học Việt Nam hiện tại. Sông Hương đã cho đăng loạt bài có tính chất khởi phát và mạnh mẽ chủ kiến Đổi mới như “Về một phương diện của quan hệ giữa văn nghệ và chính trị” (Lại Nguyên Ân), “Viết như một phép ứng xử” (Phạm Thị Hoài), “Đoàn kết thực sự, dân chủ thực sự, đổi mới thực sự” (Nguyễn Đăng Mạnh), “Chính trị và văn nghệ, đổi mới hay không đổi mới” (Lữ Phương), “Cái hèn của người cầm bút” (Phạm Xuân Nguyên), “Biện chứng và nguỵ biện trong tư duy đổi mới” (Hà Sĩ Phu), “Góp phần tổng quát vấn đề chính trị và văn nghệ” (Trần Độ)…, trong đó, quan điểm của Lại Nguyên Ân đã góp phần bùng nổ thêm sự phản ứng quyết liệt đã có sẵn đối với Sông Hương khi anh viết:

“Văn nghệ chính thống, quan phương (official), văn nghệ được bao cấp bởi bộ máy quan liêu, diễn đạt trực tiếp tiếng nói, quan điểm, ý chí, xu hướng của người cầm quyền.Văn nghệ hợp pháp là văn nghệ không bị nhà nước nghiêm cấm, ngoài ra, nó có thể không hoàn toàn phục tùng, phục vụ cho lợi ích của Nhà nước ấy, thậm chí nó lại tạo ra cơ sở ý thức mới nhằm đưa tới việc cải cách hoặc Cách mạng, thay đổi chế độ hiện hành” [4] .

Ngay sau đó, trên trang nhất tạp chí Cộng sản, tạp chí lý luận chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam đăng bài “Quan hệ giữa văn nghệ và chính trị không phải là quan hệ giữa hai “bá quyền” của Lê Xuân Vũ, Vụ trưởng Vụ Văn hoá-Văn nghệ của tạp chí và Trần Phú Lộc có bài “Đôi lời nhân đọc Sông Hương số 36” trên Văn nghệ đập lại Lữ Phương và Lại Nguyên Ân là “không hiểu gì chủ nghĩa Marx” “Đó là thâm ý muốn tách văn nghệ ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng”, những quy chụp mà Nguyễn Đăng Mạnh phê phán gay gắt là“Đẩy đối phương vào chỗ chết” [5] . Sông Hương cũng buộc phải lên tiếng tự bảo vệ mình trước sự quy chụp nặng nề công bố trên các phương tiện truyền thông lúc này:

“Đó là cuộc tranh luận tránh vấn đề cốt lõi mà chúng tôi đề cập, đó là cách cắt một câu thơ ra khỏi một bài thơ để bình luận, đó là cách chỉ chọn một câu, thậm chí ½ câu, trong một bài và bài đó trong cả mảng bài thống nhất, lôi nó ra để chẻ nhỏ rồi lại thổi phồng nó lên theo sự suy diễn của mình và ném vào vấn đề đã được thổi phồng ấy những lời đe doạ, chụp những cái mũ thật đáng kinh sợ, cố tình không hiểu những vấn đề lớn và rõ ràng mà chúng tôi đề xuất, tưởng chừng cứ cái đà ấy thì cả một toà báo, và những người ủng hộ, đều là bọn phản động đội lốt, và chỉ có người viết mới là người quý trọng, trung thành với Đảng và mến yêu đất nước này” [6]

Cuộc tranh luận, cho dù chưa đi đến cùng của vấn đề đặt ra vì tạp chí liên tục bị “tạm” ngưng xuất bản để “kiểm điểm” và sau đó Tổng biên tập bị cách chức, nhưng những nội dung mà Sông Hương đã đưa đến bạn đọc đã gióng lên tiếng chuông báo động về những nhận thức, quan điểm cũ kỹ đang là lực cản to lớn của hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật Việt Nam, cần phải vượt qua mới có thể có được những tác phẩm xứng đáng với đất nước và nhân dân.

Bên cạnh tờ tạp chí chính thức,chúng tôi chủ trương xin “giấy phép tạm thời” bên Sở Văn hoá Thông tin tỉnh để cho ra đời Tủ sách Sông Hương (vì dễ… qua hơn xin giấy phép chính thức của trung ương). Với Tủ sách này, chúng tôi đã cho ra mắt nhiều cuốn sách văn học có giá trị, nhưng cái giá phải trả không “rẻ” hơn tý nào so với “cái giá” phải trả của tờ tạp chí. Tôi muốn nhắc tới chuyện ra đời của ba cuốn sách Bài thơ thôn Vỹ, Nguyễn Huy Thiệp - Tác phẩm và dư luận, Tình yêu thời thổ tả.

Bài thơ thôn Vỹ là tuyển chọn những bài thơ hay viết về Huế trước1945, chủ yếu là tác phẩm của các nhà thơ tiền chiến. Cho dù phải lấy cớ “những bài thơ hay về Huế” để dễ lọt khi xin gíấy phép và vì vậy, Bài thơ thôn Vỹ đã tự hạn chế do bị “khoanh vùng”, nhưng đây là tuyển chọn thơ tiền chiến đầu tiên trên phạm vi miền Bắc từ sau 1945 và trên cả nước sau 1975, với nhiều tác giả như Anh Thơ, Chế Lan Viên, Thế Lữ, Phan Bội Châu, Huy Cận, Xuân Diệu, Tố Hữu, Lưu Trọng Lư, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Trần Tuấn Khải, Henri Guitier, Mai Đình, Manh Manh, Nam Trân, Nguyễn Nhược Pháp, Mộng Tuyết, Phạm Hầu, Quách Tấn, Thái Can, Ưng Bình… Cũng để tránh bớt tai vạ, chúng tôi vận động anh Chế Lan Viên viết bài tựa cho tập sách. Anh Chế là người từng có những ý kiến phê phán thơ tiền chiến trước đó, lại là người rất được lãnh đạo tin cậy, là lý do rất quan trọng để cơ quan cấp phép dễ thuận lòng. Vả lại, đây là “Những bài thơ hay viết về Huế trước 1945”, trong đó có cả bài của Tố Hữu, Thanh Tịnh, Chế Lan Viên, làm sao anh “nghi ngờ” được? Nhưng hoá ra, anh Chế biết “mẹo” của chúng tôi, khi ngay trong bài tựa, anh đã nói toẹt ra cái mẹo này của Sông Hương. Nhưng anh vẫn viết vì thương anh em Huế. Và anh cũng còn phải chứng minh anh vẫn còn là anh nữa chứ! Chúng tôi tin chắc rằng cuốn sách sẽ được độc giả chào đón nhiệt liệt nên in tới 40.000 bản và trong một thời gian rất ngắn đã không còn một cuốn nào tại toà soạn!

Đối với Nguyễn Huy Thiệp thì cũng phức tạp không kém. Lúc này trên các báo liên tiếp đăng tải các bài phê phán gay gắt các truyện ngắn của anh. Tại Huế, chúng tôi lại cho in trên Sông Hương cả “Cún”, “Quỷ ở với người”, “Nguyễn Thái Học” khiến các người có trách nhiệm “nổi xung” hơn. Ở đây, tôi phải nói thêm một chút về Nguyễn Khoa Điềm trong trường hợp Nguyễn Huy Thiệp. Lúc này, Điềm đang là Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh. Trong suốt quá trình “xử trí” vụ Sông Hương, thái độ của Nguyễn Khoa Điềm không tương xứng với trình độ và sự hiểu biết của anh (việc này chúng tôi sẽ nói ở phần sau). Khi những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp mới xuất hiện, giữa lúc nhiều ý kiến phê phán tung lên các mặt báo, Điềm không bày tỏ quan điểm, nhưng trong một dịp trao đổi riêng với tôi, Điềm cho rằng: “Truyện của Thiệp ở trên một mặt bằng khác hẳn với truyện ngắn Việt Nam hiện nay”. Tôi nhất trí với nhận định này. Tuy có một nhận định xác đáng như vậy nhưng nếu chúng tôi xin giấy phép in ở Bình Trị Thiên thì chắc rằng Điềm sẽ không đồng ý. Vì vậy, chúng tôi đã cùng bàn với anh Trương Văn Khuê, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ thành phố Hồ Chí Minh xuất bản cuốn Nguyễn Huy Thiệp – Tác phẩm và dư luận (tôi chịu trách nhiệm về nội dung, anh Khuê chịu trách nhiệm về giấy phép, tiền bạc và in ấn. Việc phát hành hai bên cùng chịu). Chúng tôi tập họp những tác phẩm tiêu biểu nhất của Thiệp, kể cả kịch. Và để tránh bớt tai vạ, chúng tôi đã dùng cả bài khen lẫn bài chê trong phần “Dư luận” (dĩ nhiên phần khen trội hơn). Cũng lại đúng như dự đoán của chúng tôi, chỉ trong vòng một tuần, tập sách in 8.000 bản đã hết vèo! Gần đây, tôi có đọc một bài viết của một tác giả có uy tín nói ông từng cầm bản thảo đi vận động để xuất bản tập truyện đầu tiên của Thiệp tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi khẳng định rằng, trước lúc tập Nguyễn Huy Thiệp – Tác phẩm và dư luận ra mắt bạn đọc, trên thị trường sách của Việt Nam, chưa từng có tập truyện ngắn nào của Thiệp. (Cuốn này được NXB Hông Lĩnh tái bản ở Cali năm 1991).

Còn chuyện cuốn Tình yêu thời thổ tả của G.Marquez thì đúng là bi kịch.

Khi biết Nguyễn Trung Đức vừa dịch xong cuốn Tình yêu thời thổ tả của Gabriel García Marquez, chúng tôi liên hệ ngay để xin được in. Nếu gửi nhà xuất bản khác thì chắc chắn anh sẽ có số nhuận bút dịch giả cao hơn nhiều (vì trước đó anh đã dịch và cho xuất bản cuốn Trăm năm cô đơn rất thành công). Nhuận bút dịch của tạp chí Sông Hương còn mang tính chất ủng hộ định hướng nội dung hoạt động của Sông Hương, nhiều tác giả nổi tiếng gửi bài cho Sông Hương lúc này đều bày tỏ thái độ đó. Nguyễn Trung Đức gửi ngay cho chúng tôi bản dịch mà anh ưu ái. Chúng tôi “lặng lẽ” lấy giấy phép của Sở Văn hoá Thông tin rồi lại vào Thành phố Hồ Chí Minh tìm đối tác để phối hợp xuất bản vì để in cuốn này cần một số vốn lớn mà chúng tôi thì còn nghèo. Mặt khác, lúc này, trên báo chí Hà Nội và ngay tại Bình Trị Thiên đã xuất hiện một số bài phê phán xu hướng cũng như một số sáng tác và lý luận phê bình được đăng tải trên Sông Hương, còn tại Thành phố Hồ Chí Minh thì không khí báo chí cởi mở hơn, thậm chí có những tờ báo công khai có bài bảo vệ Sông Hương như Sài Gòn Giải phóng, Tuổi trẻ, Thanh niên…

Sông Hương có văn phòng đại diện tại 44 Lý Tự Trọng, Quận 1 (nhà anh chị Nguyễn Thanh Phương cho mượn), đối diện với cơ quan thường trú báo Quân đội Nhân dân tại phía Nam. Vì ở gần nhau, chúng tôi quen anh Phạm Quốc Toàn, phóng viên thường trú của báo này và sau đó anh vừa được điều về thay anh Trần Quang Huy làm Tổng biên tập báo Vũng Tàu - Côn Đảo. Chúng tôi đề nghị Sông Hương cùng báo Vũng Tàu - Côn Đảo phối hợp xuất bản cuốn Tình yêu thời thổ tả. Vốn là người ủng hộ sự đổi mới của Sông Hương và cũng mong đóng góp nhiều hơn cho xã hội, anh đồng ý ngay với đề nghị của tôi. Vũng Tàu – Côn Đảo lo toàn bộ giấy má, tiền bạc, Sông Hương lo nội dung, giấy phép. Sách được in tại Xí nghiệp in số 4. Hai bên cùng nhau phát hành khi in xong, lãi cùng hưởng, lỗ cùng chia. Nhưng, thật tội cho anh Toàn và báo Vũng Tàu - Côn Đảo, mới “dính” tới Sông Hương thì đã mang vạ! Tôi tin chắc là, nếu một cơ quan khác in Tình yêu thời thổ tả vào thời điểm đó thì “cơ quan chức năng” không thể bỗng dưng bịa ra cái lý do rất vớ vẩn là “có những đoạn có nội dung kích dục không thích hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam” để đình chỉ việc in ấn một khi cuốn sách đã in xong phần ruột và bắt đầu in bìa. Toàn bộ nội dung vừa in xong bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh niêm phong. Đó là họ nói với chúng tôi, và họ cũng chỉ làm theo lệnh của Bộ Văn hoá Thông tin, chứ cũng chẳng có văn bản nào viết công khai nội dung quyết định đó! Lúc ấy những bài báo phê phán các bài thơ “Người đàn ông 43 tuổi” (Trần Vàng Sao), “Nhìn từ xa… tổ quốc” (Nguyễn Duy), “Luận chứng những tâm hồn đa cảm” (Nguyễn Quang Hà), kịch và truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, các bài phê bình về loại văn học “phải đạo” của Hoàng Ngọc Hiến, Lại Nguyên Ân… đăng trên Sông Hương đang vào đoạn cao trào. Lời lẽ phê phán cũng không có mấy mới mẻ, vẫn là những câu chữ, những cái mũ cũ kỹ chụp lên đầu người bị phê phán: bôi đen cuộc sống tốt đẹp, làn gió độc thổi ngược vào xu thế cách mạng của đất nước… Những việc đó có lẽ là lý do chính dẫn đến việc đình chỉ việc in Tình yêu thời thổ tả, bởi một nhà văn được giải Nobel như Marquez, người vốn rất ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam, là bạn thân của Fidel Castro - vị chủ tịch Cuba được nhiều người dân Việt Nam cực kỳ quý mến, lại cũng đang bị Mỹ “kỳ thị” không cấp visa vào Mỹ… có lẽ không phải là tác giả “có vấn đề”, cần phải cấm xuất bản. Vì thế, dù bất ngờ khi có lệnh đình chỉ in, tôi vẫn tin rằng họ hù doạ Sông Hương để muốn Sông Hương thay đổi “thái độ quá khích” trong các nội dung đăng tải thôi, thế nào cuốn sách rồi cũng được giải toả. Nhưng tôi đã nhầm! Làn sóng phê phán Sông Hương đã được đẩy lên quá cao đến mức quá đà rồi! Tại Bình Trị Thiên, bên cạnh việc tổ chức cho một số “cây bút” có tiếng trong xã hội và Đại học Huế viết bài phê phán, người ta còn tổ chức (hay bịa ra?) để có cả “Kiến nghị của 123 chị em tiểu thương chợ Đông Ba” lên án Sông Hương chống lại đường lối văn nghệ của Đảng, là phản động! Cùng lúc, Tình yêu thời thổ tả được lặng lẽ đem đi… xay bột!

Chúng tôi kể lại những “chuyện ngày xưa” của Sông Hương không phải để đay nghiến ai, để thanh minh hay “đánh bóng” Sông Hương, vì không ít người lúc đó hăng hái “đánh” Sông Hương bây giờ nhớ lại chợt “sao mình lúc đó ngớ ngẩn thế nhỉ?” Hoặc ngay chính Nguyễn Khoa Điềm, đã là một trong những người tham gia “xử” vụ Sông Hương, trong dịp Sông Hương kỷ niệm 20 năm ra số đầu tiên, lúc đó còn đang là Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá, đã không nhắc lại “sai lầm” của Sông Hương ngày ấy mà viết trong thư gửi về Huế “20 năm qua biết bao niềm vui và nỗi buồn cao cả”! [7] .

Nhớ lại chuyện “ngày xưa” là để nhắc tới những bệnh tật cũ phải đề phòng, đừng để nó tái phát. Mà bệnh tật cũ đâu đã hết trong cơ thể văn học Việt Nam, vì có bệnh đã thành mãn tính từ lâu mất rồi, lúc trái gió trở trời vẫn còn hành hạ khổ sở cơ thể văn học. Mà cũng đâu cần đợi đến lúc trái gió trở trời, như cái bệnh chụp mũ chính trị lên đầu không ít nhà văn nhà báo, vừa qua vẫn dăm ba tháng lại nổ bùng điếc tai một vụ. Hồi chúng tôi dự tính mở cuộc tranh luận về mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, chúng tôi biết rằng Sông Hương sẽ chạm vào lãnh vực “nguy hiểm” nhất, nhưng đó chính là nội dung cần đổi mới nhất, cần đổi mới trước hết, có như vậy, văn nghệ mới có thể có khoảng không gian trong lành dành cho tự do sáng tạo nghệ thuật. Những quan niệm chính trị là thống soái, văn nghệ phải phục vụ chính trị… hiểu một cách xơ cứng, thô thiển đã tạo ra vô vàn tác giả và tác phẩm “dạ thưa” ,“vâng lời”. Cho mãi đến bây giờ, khi mà cả xã hội đã sống trong nền kinh tế nhiều thành phần và nhiều lãnh vực đã thay đổi tốt đẹp theo hướng này thì văn học vẫn còn bị trì kéo sống trong không khí “một thành phần” cũ xưa. Quan niệm “Các nhà chính trị được tự do sáng tác ra hiện thực còn các nhà văn phải tái tạo lại cái hiện thực mà các nhà chính trị sáng tác ra” [8] vẫn còn mới rợi đấy thôi. Hy vọng rằng, dĩ nhiên vẫn cứ phải hy vọng, không có nội dung cũ kỹ và lỗi thời nào quan trọng hơn cần phải vượt qua chính là các quan niệm xơ cứng, thô thiển mà chúng tôi đã phê phán trong cuộc tranh luận hơn hai mươi năm trước,nếu muốn đổi mới thực sự nền văn học của chúng ta.

Mặt khác, sau “vụ” báo Văn nghệ, việc giải quyết “vụ” Sông Hương thường làm rất kín (chủ yếu thông qua hệ thống Đảng và chỉ đạo… không văn bản của Bộ Văn hoá Thông tin), cố không gây ồn ào nên nhiều người không biết, hoặc không thật rõ, vì vậy, lúc chúng tôi “lâm nạn”, thâm chí đã có người trùm chăn hoặc chứng minh minh vô can, nhưng vừa qua lại có bài xa gần tự phong cho mình có công trong “vụ” Sông Hương!

Tôi cho rằng,hành động “xay bột” Tình yêu thời thổ tả và bịa ra kiến nghị của 123 chị em chợ Đông Ba là hai sự kiện thê thảm và khôi hài nhất của văn học và báo chí Việt Nam, từ năm 1975 đến nay. Còn việc tôi bị cách chức là việc chẳng có gì lạ.

© 2007 talawas



[1]Gabriel Kolko, Anatomy of a War: Vietnam and Modern Historical Experience, New York, The New Press,1985
[2]Nguyễn Khoa Điềm, “Về tình hình phê bình văn học nghệ thuật những năm gần đây”, Văn nghệ số 37, ngày 11/9/2004
[3]Nguyên Ngọc, “Đề dẫn…”, bản gốc
[4]Lại Nguyên Ân,“Về một phương diện của quan hệ giữa văn nghệ và chính trị”, Sông Hương số 36
[5]Nguyễn Đăng Mạnh, “Đoàn kết thực sự,dân chủ thực sự, đổi mới thực sự”, Sông Hương số 37
[6]“Tình hình trước Đại hội nhà văn càng khiến chúng tôi lo ngại”, Sông Hương số 38
[7]Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Tổng biên tập đầu tiên của Sông Hương, Thư gởi chúc mừng nhân kỷ niệm 20 năm xuất bản tạp chí Sông Hương số tháng 6/2003
[8]Đỗ Minh Tuấn, “Vì sao văn học ta chưa ‘ngang tầm thời đại’”, talawas ngày 05/5/2005