© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
12.12.2007
Lynh Bacardi
Hãy tự cho chúng ta thêm nhiều lần lên tiếng
 
9h sáng đến 12h30 trưa, ngày 9 tháng 12 năm 2007 - Ðây sẽ là một ngày có ba tiếng rưỡi thật đáng nhớ đối với riêng tôi và những người đã có mặt trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn hay tại Ðại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi. Những người mà tôi không biết tên tuổi, gia cảnh, nhưng chắc chắn họ cũng như tôi, cùng trưởng thành dưới môi trường xã hội chủ nghĩa, dưới sự điều hành duy nhất của Ðảng Cộng sản trong suốt hơn 32 năm. Hoàn toàn giữa những người hôm đó với tôi không có sự liên kết nào trong cuộc đời bao la này. Vậy mà ngày hôm đó, tôi và họ đã đến với nhau, cùng làm nên đại danh từ “chúng tôi” để đoàn kết bên nhau trong cùng một tiếng nói chung.

Ðối với những người thuộc thế hệ tôi, thế hệ 8x, thì cuộc biểu tình này là lần biểu tình đầu tiên của cuộc đời, trong suốt hai mươi mấy năm sinh ra trên quê hương Việt Nam. Ðây, cuộc mở miệng đầu tiên của chúng tôi. Ðây, lần đầu tiên chúng tôi thực hiện một trong những quyền cơ bản của con người. Ðây, chúng tôi cảm nhận được nhiệt huyết sôi sục trên gương mặt nhau. Ðây, chúng tôi nhắc nhở cho chính phủ Việt Nam biết nhân dân Việt Nam còn tồn tại và biết họ cần làm những gì cho đất nước. Còn đối với những thế hệ xx khác ở miền Nam, có lẽ từ thời Ngô Ðình Diệm hay Nguyễn Văn Thiệu, thì mãi đến bây giờ họ mới có dịp sống lại cảm giác hãnh diện của tình yêu nước trong một tập thể. Còn đối với những người ngoài Bắc, có lẽ họ cũng đang thử ôn lại xem đã bao nhiêu năm rồi mới sống một ngày trọn vẹn và có ý nghĩa như ngày 9/12 hôm đó.

Vậy mà, theo nhà cầm quyền Việt Nam thì cuộc biểu tình hôm đó là sai trái, chưa được cho phép, và làm ảnh hưởng đến công cuộc ngoại giao giữa hai nước.

Như khi tôi mới bắt đầu đến với đám đông và hô khẩu hiệu, một bà khoảng trên bốn mươi tuổi, cùng với một người mặc sắc phục đến để tay vào hông tôi, cố tình đẩy tôi dạt ra ngoài đám đông. Tôi đứng chựng lại nói, “Có muốn hỏi gì thì chị cứ đứng đây mà hỏi, không đi đâu hết”. Chị ta liền hỏi, “Em làm việc ở đâu?” Tôi nói, “Tôi làm việc trên đất nước Việt Nam”. Chị ta lại hỏi, “Em có biết làm như thế này là ảnh hưởng đến ngoại giao giữa hai nước không?” Tôi nói, “Nếu họ còn nghĩ đến việc ngoại giao giữa hai nước, thì họ đã chẳng lạm quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa như vậy.” Nói xong, tôi lãng họ ra và lại tiếp tục cùng mọi người kêu đòi.

Vậy sự kiện hôm đó có phải là việc làm sai trái, hay phá quấy công cuộc ngoại giao với nước láng giềng do sinh viên và những người tham gia?

Trên đất nước Việt Nam, nếu thực sự nhân dân có quyền tự do biểu tình, thì có rất nhiều lý do chính đáng. Như sập cầu; kẹt xe; ngư dân Việt bị giết trên biển thuộc lãnh hải Việt Nam; lạm phát gia tăng; phân bổ tầng lớp giàu nghèo không đồng đều; trẻ con thất học; người già không chốn dung thân; nông dân bị quan lại cướp đất hay đền bù không thoả đáng; tham nhũng; lương công nhân rẻ mạt; nhân phẩm, thân xác phụ nữ Việt Nam bị chà đạp khi bị bán ra bên ngoài hay liều mình lấy chồng xa xứ. Tất cả những lý do này đều có thể biểu tình để đòi hỏi Quốc hội phải tìm ra giải pháp. Nhưng đối với người Việt sau hơn 32 năm đã quen im hơi lặng tiếng, họ đều thấy hầu hết những lý do này không đủ mạnh để họ đủ can đảm làm nên một cuộc biểu tình trước chính phủ. Vậy, bấy nhiêu lý do kia chúng tôi đã không thực hiện được, không đứng lên nổi vì cũng cho rằng chúng chưa đủ chính đáng, nhưng còn lý do hôm 9/12 cũng là sai trái đối với chính phủ Việt Nam ư?

Có sai trái chăng, là hôm đó một phần chúng tôi đã thầm cám ơn chính phủ Trung Quốc. Cám ơn, vì nó đã quá quắt, đã thao túng, đã coi khinh dân tộc Việt Nam, và do đó đã cho chúng tôi một liều thuốc mạnh mẽ và lý do quá sức chính đáng để có cuộc xuống đường hiếm hoi – đó là lòng yêu nước.

Còn công cuộc ngoại giao giữa hai nước xưa nay vẫn là công việc của chính phủ Việt Nam, vì cho đến nay chính phủ vẫn chưa bạch hoá những vấn đề về Hoàng Sa và Trường Sa với nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không trưng cầu dân ý về biện pháp đối phó. Cho đến nay vẫn không có biện pháp cứng rắn, hay lời cuối cùng nào từ phía chính phủ Việt Nam đưa ra với chính phủ Trung Quốc. Nói chung, chính phủ vẫn cho rằng đây là công việc của chính phủ và dân không có quyền xen vào. Ngay cả thông tin về hai cuộc biểu tình diễn ra ở Hà Nội và Sài Gòn, cũng không có tờ báo giấy hay báo mạng nào trong nước đăng tải để rộng đường dư luận.

Vậy việc biểu tình chống ngoại bang thì dân cứ làm, còn việc ngoại giao thì chính phủ cứ lo lấy, chứ không thể nói chúng tôi phá rối làm mất mặt chính phủ với Bắc Kinh. Nếu chính phủ lo đến việc mất mặt, có lẽ nên lo giấu mặt đâu đó hoặc tìm lối lấp liếm nào cho khôn khéo hơn để đối phó với nhân dân Việt Nam khi Trường Sa và Hoàng Sa thực sự không còn tên trên bản đồ đất nước.

Thực sự, với cuộc biểu tình hôm đó, không ai trong chúng ta ngây thơ mà hi vọng rằng nhờ việc biểu tình chúng ta sẽ lấy lại được Hoàng Sa - Trường Sa. Chắc hẳn định mệnh của hai đảo này đã được Ðảng Cộng sản Việt Nam âm thầm sắp đặt xong rồi. Chúng đã bị giải phẫu, cắt lìa bằng những công cụ trao đổi quyền lực để rồi đau đớn tách khỏi thân thể nước mẹ. Chúng đã được người ta viết lại lịch sử hầu thay chủ mới.

Chẳng còn gì để bàn cãi nữa khi sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng rõ nét trên hai đảo, khi cái sân bay to kình, nhà cửa, con người Trung Quốc, công viên, từng lượt tour du lịch được mở ra... Và cũng chẳng ai lấy làm lạ khi một ngày nào đó người dân Việt muốn đến thăm phần đất mà cha ông đã đổ xương máu giành được và để lại cho con cháu thì phải xin visa. Rồi lủi thủi đi theo một thằng Tàu khựa (Tàu khựa, cái tên kỳ dị nhưng mang theo nó nỗi căm ghét ngay lần đầu tiên tôi được nghe) để nghe nó hướng dẫn và kể về lịch sử chiếm đoạt bành trướng hào hùng, tinh xảo của chính phủ Trung Quốc, và sự non kém, bất lực của chính phủ cũng như con người Việt Nam.

Rất nhiều người Việt trong đó có tôi, cho đến nay vẫn chưa và chắc sẽ chẳng còn bao giờ có cơ hội thấy được hình vóc của một phần máu thịt quê hương này. Thôi thì dân Việt căm phẫn thì cứ căm phẫn, chúng ta cũng đành để Trường Sa, Hoàng Sa thay dân Việt lòn cổ vào lọn dây thòng lọng của “Anh em môi hở răng lạnh” trước, còn chúng ta cứ yên tâm ngồi trong xó nhà để mọi việc cho chính phủ lo. Hi vọng sợi dây vô hình kia sẽ mục dần, không siết được nữa khi đến lượt mỗi cá nhân Việt bước lên đoạn đầu đài Bắc Kinh.

Trong khi dân tình Việt Nam run lên vì căm phẫn, còn chính phủ Trung Quốc bên kia từng ngày thảy từng mảng bê tông xuống Hoàng Sa, Trường Sa, thì chính phủ Việt Nam vẫn kêu gọi nhân dân Việt Nam đừng bày tỏ thái độ gì để giữ tình anh em?! Ông phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Dũng vẫn cứ đứng bên này ra rả những lời vô cảm sáo rỗng về bằng chứng lịch sử như nói, như méc với hư không. Tương tự, ông Chủ tịch UBND tỉnh Ðà Nẵng Trần Văn Minh phát biểu hùng hồn rằng, “Chúng tôi có đủ chứng cứ lịch sử cho thấy rằng Hoàng Sa thuộc phần quản lý của tỉnh Ðà Nẵng. Bằng cớ là tỉnh có thành lập một UBND huyện Hoàng Sa toạ lạc tại... Ðà Nẵng.” Thật là buồn cười đến hộc máu khi đọc phải những lời như vậy. Anh đã cho nó đến cướp nhà, dọn đến nhà anh ở, làm xong giấy tờ chủ quyền hợp pháp, và không chừng sắp bán cho kẻ khác rồi, mà anh vẫn còn đứng bên ngoài kêu than lấy lệ. Ðã hài hước và nói cho oai như vậy, sao không cất một cái chòi rồi nói luôn rằng, “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử cho thấy Bắc Kinh thuộc quyền quản lý của Ðà Nẵng, bằng chứng là có trụ sở UBND thành phố Bắc Kinh đặt tại Ðà Nẵng. Ông mày quản lý tất!”

Cuối cùng, những lời sáo rỗng và cách thức ứng phó bạc nhược của ngài Chủ tịch này, hay của nhà cầm quyền Việt Nam, thật sự chỉ làm cho dân Việt hiểu thêm một điều, rằng, tất cả chỉ là những cơn đau giả tạo để nhân dân tưởng rằng họ cũng đau và tiếc lắm! Vì ngoài lời phát biểu trên, ông Chủ tịch Ðà Nẵng còn nói, ông phải la lên để thế hệ sau này hiểu rằng mình cũng đã có phản ứng để không có lý do trách móc. Vậy ra tất cả chỉ là cho có phản ứng để khỏi bị đời sau thống trách thôi sao?!
Mọi chuyện về Trường Sa và Hoàng Sa sẽ khép lại dần như những vụ khác xảy ra trên nước chúng ta, sau khi dư luận đã mệt mỏi. Nhưng nếu nhìn lại cách nhà cầm quyền Việt Nam đã làm gì trước việc bày tỏ thái độ và mục đích xuống đường chính đáng của những người vừa qua, chúng ta thấy gì?
Vậy mà trong cuộc biểu tình hôm đó, mọi người được nhận lại gì từ phía nhà cầm quyền?
Vậy, chúng tôi phải hỏi, “Có phải những người cầm quyền ở Việt Nam đang làm việc, hay đang tranh đấu cho đất nước Trung Quốc không?”

Chúng tôi biểu tình chống kẻ thù địch của đất nước chúng tôi. Xung quanh chúng tôi toàn là người Việt Nam. Lẽ ra chúng tôi phải được thấy an toàn tuyệt đối. Vậy mà một nỗi sợ hãi vẫn cứ luẩn quẩn bao trùm lên những người hôm đó. Vậy trong mắt nhà cầm quyền Việt Nam, chúng tôi có nghĩa gì? Chúng tôi là những người Việt Nam yêu nước đang ở Việt Nam đấu tranh cho quyền lợi đất nước, hay chúng tôi đang ở trên đất Trung Quốc và là một đám đông bạo động?

Những câu hỏi trên không ai khác có thể trả lời, mà chỉ chính chúng tôi, những người có mặt tại buổi biểu tình hôm đó mới trả lời và cảm nhận được.

Cuộc biểu tình không có quá đông người đến dự, nhưng tôi tin nếu được phát động rộng rãi và có chút thời gian nữa chuẩn bị, thì con số 84 triệu dân sẽ làm được một bài ai điếu bi tráng tặng riêng cho Hoàng Sa, Trường Sa. Một bạn sinh viên nói, “Cả đời em sẽ hối hận biết mấy nếu hôm nay em không đến đứng cùng các bạn em trong cuộc tranh đấu này.” Tôi tin bạn nói đúng, vì có thể nhiều năm, nhiều thập niên nữa, chúng ta, người Việt Nam, mới có cơ hội được xuống đường lần nữa. Mà nếu có xuống đường, chắc chắn chúng ta không hi vọng mục đính lại là để đòi lại cái gì đó mà phương Bắc vừa cướp nữa. Cả bạn và tôi đều đã tận dụng cơ hội này bằng tất cả khả năng và nhiệt huyết có được. Dù khi đứng ở ven đường Nguyễn Thị Minh Khai cùng các bạn, tôi bỡ ngỡ trước vài ánh mắt xa lạ nhìn vào chúng ta như thể giễu cợt. Trong đó tôi bắt gặp không ít ánh mắt của những tỷ muội sư huynh hàng ngày ăn to nói lớn, chứng tỏ ý thức xã hội, trách nhiệm công dân, niềm hi vọng vào một nền dân chủ tự do, hay ước ao sẽ làm một điều gì đó cho xã hội khi có cơ hội; nhưng chính lúc đó, họ lại dửng dưng hoà vào dòng người nhìn vào chúng ta như những kẻ rỗi hơi, làm màu, thổi phồng vấn nạn. Họ như những con người lạ lẫm đi sượt qua vài khoảnh khắc trong đời chúng ta, rồi trượt đi vĩnh viễn, câm bặt như những hạt nguyên tử lẻ loi trong suốt. Chỉ còn lại khói bụi, mùi nước hoa hoà lẫn vào tiếng kêu đòi khản đặc. Vào lúc này, những gì họ từng nói với tôi chỉ còn là thứ giá trị lợm giọng trên các bàn nhậu, các bàn cà phê, và tôi tin những gì họ nói lâu nay chỉ để mua vui, hay chút hương hoa màu mè để cuộc tồn tại của họ đỡ phần nhạt nhẽo.

Tôi không kết tội những người không xuống đường hôm đó, tôi biết có nhiều lý do khiến họ không thể có mặt. Nhưng những hành động tích cực, như chỉ đơn giản đưa nắm đấm vào không khí ra vẻ ủng hộ của một số người trên xe buýt, xe máy đi ngang qua, cũng làm chúng tôi xúc động vì thấy mình không cô đơn, vì thấy mình đang được chia sẻ.

Hay một người đàn ông lớn tuổi, sau khi nghe những thanh niên phát biểu lý do họ xuống đường, và chứng kiến cuộc đối thoại giữa những bà lão được vận động ra giải tán đám đông, được chứng kiến những câu cũ mèm như, “Ðất nước chúng ta đã chiến thắng Tây, Tàu, có Ðảng lo hết, nay các cháu xuống đường là việc làm sai trái đáng bị chỉ trích”, và lại chứng kiến những câu đối đáp vặn lại của thanh niên rằng hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, rằng họ không phủ nhận những công lao thời kháng chiến, và vì không phủ nhận, nên họ có mặt ở đây để tiếp tục tiếp tay cho tiền bối để giữ gìn quê hương toàn vẹn, đã thốt lên rằng, “Các cháu nói đúng quá! Sâu sắc quá! Chú tin rằng những người hôm nay đều hiểu hết, chỉ vì nhiệm vụ của họ mà họ phải làm thế thôi.” Tôi cảm kích đưa tay ra với ông. Ông nói, “Không, phải bắt bằng tay trái cháu à, tay trái là nơi gần trái tim. “ Lúc này tôi mới nhận ra người đàn ông này đã đứng theo dõi tình hình suốt từ đầu đến tàn cuộc. Tôi cũng nhận ra những người lớn tuổi bị vận động kia đang lặng lẽ rút lui.

Những hành động như vậy đã thực sự khiến chúng ta rộn rạo, tự tin, phấn khởi hơn. Hôm đó, tôi thực sự cảm thấy hãnh diện với mình, với các bạn. Ngay từ khi nhập cuộc, tôi đã phát hiện mình phấn khích, xúc động muốn oà khóc khi bất ngờ được sống trong không khí sôi sục tranh đấu, khi tự dưng thực hiện được quyền tự do căn bản của con người trong bối cảnh đất nước chưa thật sự có tự do. Có lẽ nằm mơ tôi cũng khó tìm lại cảm xúc có được từ cảnh tượng hôm đó. Ðó là cơ hội chính đáng cho tất cả những ai từng mơ được mở miệng trước đó. Khi có được cơ hội thì hãy mở miệng ra, và nhớ mở cho to, đừng mở vờ như ngáp ngủ nhé! Tôi xin chúc và tin rằng các bạn thanh niên xuống đường hôm đó vượt qua được những rắc rối có lẽ sẽ đến sau sự kiện 9/12, vì những rắc rối này sẽ khiến các bạn mạnh mẽ, trưởng thành hơn trong việc biểu lộ ý thức của mình. Tôi chân thành cám ơn các bạn. Những blogger. Những sinh viên nhiệt huyết với cuộc biểu dương non hiền vừa qua. Chỉ non hiền thôi, nhưng các bạn đã cho tôi và có lẽ cho những người khác nhiều niềm hi vọng về một thế hệ thanh niên không chỉ biết games online, tình yêu học trò, xe thời trang hay điện thoại di động, hoặc những cuộc mưu sinh kiếm tiền trang trải cho gia đình và cho sự nghiệp tối mặt tối mày đến mù mờ trước hiện trạng của đất nước. Ngày hôm nay tôi có chứng cứ để tin rằng không có một sự mờ ám, dối trá nào có thể che mắt các bạn. Các bạn hoàn toàn tỉnh táo để hiểu mình đang biết gì, nghĩ gì, làm gì. Các bạn hoàn toàn tự chủ và tin vào bản thân.

Các bạn biết tự cho mình thêm nhiều lần lên tiếng.

Nếu chủ nhật tới và những chủ nhật về sau có buổi xuống đường, tôi xin lại được tiếp tục đứng bên cạnh các bạn.

11/12/07

© 2007 talawas