© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
12.12.2007
Tô Nhuận Vỹ
Nhà văn Việt Nam: Đổi mới và Hội nhập
(Đề tài tham gia chương trình nghiên cứu của William Joiner Center - Đại học Massachusetts, Hoa Kỳ 2005 – 2007)
 1   2   3   4 
 
3. Văn học trước thách thức tụt hậu

Trừ hai dạng người, một ở trong nước mà trình độ thuộc loại “bảo thủ một cách chân thành”, hoặc ước mơ cao nhất cũng chỉ là “cơm no áo ấm”, thường chỉ so sánh với những gì quanh mình mới “ngày hôm qua đây” thì thấy sự thay đổi của đất nước luôn luôn là tuyệt vời, và một ở ngoài nước, như đạo diễn Trần Văn Thuỷ bạn tôi đã viết, đối với họ “tình hình trong nước càng xấu càng tốt” [1] , vâng, trừ hai dạng người thiếu khả năng khách quan đó, thì ai có một cái nhìn bình tâm đều thấy Việt Nam đã không còn là Việt Nam của mươi năm trước. Báo điện tử Cali Today thuật lời đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Marine: “… ông tin rằng Việt Nam ngày nay không phải là Việt Nam 30 năm trước hay 15 năm trước. Ngoại trừ trường hợp cứ khăng khăng không chịu chứng kiến những thay đổi đó, còn thì người ta sẽ phải thực sự nhìn nhận một Việt nam của ngày hôm nay” [2] .

Nhà thơ Nguyễn Bá Chung, chuyên gia nghiên cứu văn hoá Đông-Tây của Trung tâm Wiliam Joiner thuộc Đại học Massachusettes (Boston - Mỹ) nhận xét rằng, cho dù còn nhiều tồn tại nặng nề về dân chủ và định hướng phát triển, Việt Nam đã và đang có chuyển động theo hướng tích cực trong hai vấn đề theo anh là quan trọng nhất mà trong nước phải giải quyết, hai vấn đề cơ bản của một xã hội văn minh, đó là giáo dụctâm linh. Về giáo dục, dù chỉ mới bắt đầu nhận ra sự tụt hậu toàn diện, nhưng dư luận cho thấy gần như toàn xã hội đã nhận ra tình trạng tồi tệ này, đủ sức buộc những người có trách nhiệm không thể tiếp tục vô trách nhiệm bởi nó liên quan trực tiếp đến hàng loạt lĩnh vực quyết định sự hưng thịnh hay suy vong của đất nước. Về cuộc sống tâm linh, liên quan tới lĩnh vực đạo đức của toàn xã hội, dù rất chậm, nhưng cũng đã có chuyển động. Hai chuyến về thăm quê hương và thuyết giảng giáo lý, đặc biệt cuộc đại cầu siêu Trai đàn Chẩn tế ở Thành phố Hồ Chí Minh, Huế và Hà Nội của thiền sư Thích Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai là một biểu hiện hết sức có ý nghĩa của sự chuyển động tích cực theo hướng này và những hoạt động đó tiêu biểu cho khát khao hoà hợp dân tộc của mọi người lúc này.

Về văn học, nhà thơ Kevin Bowen, giám đốc Trung tâm William Joiner, Trung tâm đã có quan hệ với Hội Nhà văn và nhiều nhà văn tiêu biểu của Việt Nam trong hai chục năm qua, khi trả lời tôi về vấn đề dân chủ trong văn học Việt Nam, anh nói ngay: “Có dân chủ hơn thời kỳ 1988-1992 (thời kỳ mà anh cho rằng có những tác phẩm xuất sắc nhất sau năm 1975 - TNV), nhưng để có tác phẩm hay lại là chuyện khác!”

Nhưng trong sự đổi thay còn chừng mực đó, mươi năm trở lại đây, văn học Việt Nam bỗng như “phanh kít” lại, mà nhiều ngườì dè dặt hơn nói là “chững lại”. Dừng lại trong lúc chung quanh người ta đi tới thì gọi là tụt lại, là tụt hậu chứ còn gọi thế nào nữa. Tuy năm này năm kia vẫn có những tập sách đọc được nhưng không có những cuộc tranh luận thẳng vào những vấn đề gay gắt nhất của đời sống văn học, những tác giả và tác phẩm có tính “khai phóng” tác động mạnh mẽ đến khát vọng vươn lên của xã hội như hơn mười năm trước. Không nhìn thẳng vào sự thật này thì sự tụt hậu sẽ còn tụt dài và tụt xa nữa. Vài dẫn chứng cho nhận định này của chúng tôi.

Về chất lượng tác phẩm, trước Đại hội Nhà văn lần thứ 7 vừa qua, Nguyễn Duy đã phản ảnh đúng suy nghĩ của nhiều người khi nói:

“Chúng ta đang có một thực tế văn chương rất mâu thuẫn. Những cái cũ kỹ giáo điều thì vẫn cũ kỹ giáo điều như cũ, người đọc chán rồi, không muốn tiếp nhận nữa. Mặt khác, lại xuất hiện những cái xa lạ, những cái u ơ, ú ớ, ù ờ thần kinh, người đọc không thể tiếp nhận nổi. Cả hai thái cực ấy làm người đọc vừa chán ngán, vừa lo ngại. Người ta ít quan tâm đến văn học đến mức tôi có cảm giác người ta chả cần nhà văn nữa” [3] .

Trong tổng kết Văn học 5 năm đầu thế kỷ” của Ban chấp hành Hội Nhà văn trình bày tại Đại hội, đã phải công nhận một thực trạng“Văn học ta tiếp tục có những tác phẩm hay nhưng đó là những cái hay theo những kiểu dạng đã từng có, đã quen thuộc, còn ít những cái hay chưa từng có, khác thường,có tính mở đường”, trong lúc “thị trường văn học tiếp tục bị thu hẹp, văn hoá đọc chưa lấy lại đà phát triển của nó trước sự lên ngôi của văn hoá nghe nhìn” và chính thực trạng đó khiến xã hội mất lòng tin vào nhà văn. “Nhà văn vốn đã cô đơn, ngày nay càng cảm thấy cô đơn hơn trước dòng thác của các cuộc tìm kiếm lợi ích.” Trong một cuộc trao đổi với tôi trước Đại hội Nhà văn lần thứ 7, nhà thơ Hữu Thỉnh, Tổng thư ký Hội khoá 6 (và nay là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khoá 7) đã nói một cách khẳng định và văn hoa về chất lượng hạn chế của tác phẩm văn học thời gian qua là “độ kết tinh chậm” và nhà văn đang “thiếu khát vọng sáng tạo” để vượt qua các trở lực khách quan và trở lực trong chính mình.

Tôi đồng ý với Hữu Thỉnh là thiếu khát vọng cao cả về Chân-Thiện-Mỹ thì nhà văn không thể có được tác phẩm hay về con người. Nhưng đó chỉ mới nói về yếu tố chủ quan của nhà văn. Đó là yếu tố cần nhưng chưa đủ. Yêu cầu khách quan cần thiết, quan trọng nhất đối với nhà văn, tôi tin rằng Hữu Thỉnh cũng hiểu như tôi, nhưng anh không nói tới, là dân chủ dành cho sáng tạo văn học đã thay đổi quá chậm, có thể nói là lĩnh vực thay đổi chậm nhất so với nhiều lĩnh vực đã thay đổi ở Việt Nam trong thời gian qua. Tưởng đã xa rồi cái thời còn ấu trĩ học theo Trung Quốc “chống phái hữu” khiến bao tài năng tâm huyết văn nghệ tan nát sự nghiệp và cuộc đời trong vụ Nhân văn-Giai phẩm, tưởng đã xa rồi cái thời mới chạm tới tự do sáng tạo và bày tỏ sự ủng hộ sáng tạo ở một số tác phẩm mới mà Nguyên Ngọc và chúng tôi đã bị cách chức, vậy mà mới bước vào thế kỷ XXI, đã có “vụ” Bùi Ngọc Tấn, “vụ” Nguyễn Khải, “vụ” Nguyễn Huy Thiệp cũng với những cái mũ từ nửa thế kỷ trước chụp xuống đầu nhà văn: bôi nhọ chế độ, bôi nhọ nhân dân…!

Trong một lần ngồi ăn sáng với Nguyễn Quang Sáng ở một nhà vườn trên đường Võ Thị Sáu, anh nói với tôi bằng cái giọng “rất Nam bộ” :

“Mày hỏi về dân chủ trong văn học hả? Theo tao, có tiến bộ. Ngày trước cho dù trong bụng rất thương nhưng không ai dám tới gần, có khi tránh mặt luôn, nếu thấy mấy cha Nhân văn-Giai phẩm. Bây giờ, sách của Bùi Ngọc Tấn vừa bị tịch thu, chả đang bị kêu lên gọi xuống, nhưng tới Đại hội Nhà văn, anh em vẫn xúm xít vui vẻ với chả, chẳng sợ ai ráo! Hoặc ngày trước báo Nhân dân đăng bài khen chê cuốn sách nào thì các báo lo mà có bài khen chê theo. Bây gìờ thì khác rồi: Mày là mày, tao là tao!” - Nguyễn Quang Sáng trầm ngâm, như chia sẻ những suy nghĩ của tôiNhưng chậm quá, quá chậm! Đến như cha Nguyễn Khải mà còn bị nhấc lên đặt xuống thì bao giờ mới có cởi mở, mới có dân chủ thực sự cho mọi nhà văn? Khi biết tao sẽ viết về Huỳnh Phú Sổ, ông Võ Văn Kiệt nói sao mày biết không? Ổng dặn ‘Viết cho kỹ nha. Đúng thì nói đúng, sai thì nói sai. Thua thì nói là thua, thắng thì nói là thắng, chứ chẳng lẽ cứ thắng hoài!’ Có nghĩa là sao? Chính ổng cũng ngán cái kiểu viết ta thì chỉ có thắng, địch chỉ có thua! Mày biết vì sao có những tay cựu chiến binh Mỹ viết về chiến tranh hay hơn nhiều anh em mình không? Nó THỰC và DÁM viết ."

Bùi Ngọc Tấn vừa có phát biểu nhân cuốn Rừng xưa xanh lá nhân tác phẩm này vừa được giải thưởng năm 2004 của Hội Nhà văn: “Được giải tôi rất vui. Niềm vui của tôi chủ yếu ở chỗ việc trao giải cho tôi thể hiện cái nhìn cởi mở hơn về nhân thân tác giả, sự công nhận những mảng đời sống khác của hiện thực” [4]

26 năm sau, đọc lại “Đề dẫn” vẫn thấy cái mới, cái mạnh của nó. Nó mới và mạnh so với chính báo cáo chính thức tại Đại hội Nhà văn lần thứ 7 vừa qua. Nó mạnh và mới bởi những vấn đề căn cốt nhất mà nó dũng cảm đề cập tới chính là vấn đề cốt tử của sự tồn tại và phát triển của nền văn học: tự do cho tìm tòi sáng tạo, phải “bảo hiểm”, động viên nhà văn phản ảnh những đau khổ của con người, lên án mạnh mẽ những quan niệm cũ kỹ đã trói cả một nền văn học trong nhiều năm tháng… Những điều đó được đề cập mờ nhạt, hoặc tránh né, trong báo cáo gần 30 năm sau.

Tổ chức của Hội Nhà văn vẫn giữ nguyên mô hình và hoạt động của 50 năm trước. Bình thường thì tổ chức nhà văn là tổ chức cần và có thể xã hội hoá mạnh và sớm nhất. Tuy nhiên, do đặc điểm phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc và tiến hành hai cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, Hội Nhà văn từ lâu đã là một thành viên của tổ chức cách mạng, nên việc “bao cấp” cho hoạt động của Hội là tất nhiên và bình thường. Nhưng, sau chiến tranh, việc duy trì nửa thế kỷ “bao cấp”, “bao cấp” từ biên chế, lương tiền, kính phí bình thường và các giải thưởng, cả tiền ăn ngủ bồi dưỡng lúc ngồi sáng tác, lo cho từ nhà cửa, xe cộ cho đến hệ thống chức quyền nhà văn, “lo” luôn cả chuyện ai vào Ban chấp hành, ai giữ ban này bệ nọ của Hội, đúng là “bao trọn gói”… Lâu rồi, chính Hội cũng luôn chờ đợi những thứ, những cung cách “bao cấp” đó mà không có ý tưởng và quyết tâm bằng chính từ sức mình để tồn tại và trưởng thành. Chẳng khác nào một người con đã ba bốn mươi tuổi, lại đã có vợ có con rồi mà cứ đèo queo ở với cha mẹ, cái gì cũng chờ cha mẹ lo cho chứ không chịu ra ở riêng, không chịu bươn chải lo tự làm ăn đủ nuôi mình, nuôi vợ con và còn đến lúc nuôi lại bố mẹ nữa chứ. “Bao” đến như thế thì, nếu Nhà nước, hoặc chỉ một cơ quan của Nhà nước ngang cấp mình thôi, thậm chí dưới cả cấp mình, có điều gì không đúng, thậm chí làm sai, đối với hoạt động sáng tạo, thì làm sao mà còn dám nói lên tiếng nói trung thực để bảo vệ ý tưởng tốt, nếu có, của mình và bảo vệ khát vọng sáng tạo của nhà văn vào lúc gay cấn nhất và vào lúc các nhà văn cần đến tổ chức nghề nghiệp của mình nhất? Chính vì vậy, không ít hội viên có đề nghị giải tán Hội Nhà văn đi.


4. Thay đổi gì?

Trong những dịp tâm sự riêng lẻ cũng như trên không ít diễn đàn công khai, những gì cần thay đổi để văn học Việt Nam có một chân dung sáng sủa hơn, để có những tác phẩm có giá trị hơn, thực ra không khó để nhận thấy mà đã quá rõ ràng .

a. Thực hiện dân chủ và ủng hộ khát vọng trong sáng tạo của nhà văn

Tôi, Phạm Xuân Nguyên và Nguyễn Huy Thiệp đã có một cuộc chuyện trò khá lâu và vui vẻ về hai nội dung này tại nhà riêng của Nguyễn Huy Thiệp trong một cái ngõ rất lắt léo mạn Khương Hạ. Chúng tôi vừa lai rai rượu Tây với mấy món ăn do Thiệp vừa đi chợ về và tự tay nấu nướng vừa bàn thảo rôm rả. Dĩ nhiên Nguyên luôn là anh chàng sôi sục, Thiệp thì từ tốn nói và cười mỉm, thỉnh thoảng “đá” vào vài tiếng nói lắp “làm duyên”, nhưng cả hai đều quyết liệt và rõ ràng. Chúng tôi đều thấy rằng, dân chủ là điều kiện quan trọng số một để có tự do sáng tạo của nhà văn và từ đó, mới có thể có những tác phẩm phản ảnh đúng thực trạng xã hội, phản ánh đúng số phận và khát vọng của con người. Đối với những nhà văn có tài thì điều đó vẫn rất quan trọng bởi vì những tìm tòi sáng tạo của họ thường rất dễ vượt ra ngoài khuôn khổ áp đặt của những tư duy chật hẹp. Tôi cho rằng, đỉnh núi là nơi cao nhất không dễ ai cũng leo lên được, nhưng cũng là nơi bắt đầu của cái đà lao xuống vực thẳm, mà khoảng cách của hai thái cực này nhiều lúc chỉ là vài ba mét vuông trên đỉnh núi đó. Người giám khảo giỏi phải có chỗ đứng cao hơn đỉnh núi hoặc chí ít cùng ngang đỉnh núi để có thể nhìn thấy kỷ lục này mà trao giải vô địch cho người leo núi kia. Nhưng nếu đứng thấp, thậm chí quá thấp, thì không thể thấy được kỷ lục vừa lập mà nguy hiểm hơn, lại cho rằng người leo núi đã bắt đầu lao xuống vực. Thiệp cười hì hì rồi lấy một ví dụ nữa rất hay: Cái thằng cầu thủ giỏi, có kỹ thuật khéo léo mới hay dẫn bóng chạy vù vù nơi đường biên, là nơi đối phương dễ nhầm là bóng đã ở ngoài sân, chỉ cần đối phương chần chừ một vàì giây là chết mẹ với nó rồi, nó a lê kéo bóng tuốt xuống và tạt vào cầu môn! Lúc ấy mà tay trọng tài gà mờ cứ thấy bóng mới chạm tới đường biên, chưa qua nửa vạch, mà đã cho rằng bóng đã ở ngoài sân, lập tức toét còi thì giết chết hết mấy thằng “siêu” này rồi chứ gì nữa! Chúng tôi thử nhẩm sơ qua chỉ những nhà văn bị “trọng tài” thổi còi, từ “nhắc nhở” cho đến thẻ vàng, thẻ đỏ và sau đó còn có người bị treo giò vài ba trận, thậm chí treo giò cả đời thì thấy ôi chao! La liệt người tài trong số đó: Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Văn Cao, Hữu Loan, Phùng Quán, Nguyền Đình Thi, Nguyễn Công Hoan, Hà Minh Tuân, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Bùi Ngọc Tấn, Hoàng Ngọc Hiến, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Tô Nhuận Vỹ, Trần Vàng Sao, Thanh Thảo, Bùi Minh Quốc, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Xuân Nguyên, Tạ Duy Anh… Tôi nhớ anh Nguyễn Minh Châu kể câu chuyện có một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: “Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!”. Nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng! Và Nguyễn Minh Châu, con người vốn ít nói, ít to tiếng đã phải kêu lên: “Tôi cũng phải nói rằng, sự độc đoán và chế áp của lãnh đạo văn nghệ trong nhiều năm qua đã khiến cho những nghệ sĩ chân chính luôn luôn gắn bó với cách mạng, với Đảng, suốt đời cảm thấy phạm tội” [5] .

Nguyên Ngọc cũng chua xót:“Đọc Pasternak, tôi thấy bi kịch Zhivago vẫn là của một người đứng ngoài, đứng trên cả nước Nga mà đau. Còn bi kịch của tôi: một người trong cuộc, đảng viên, cầm súng,nhiệt tình xây dựng chủ nghĩa xã hội mấy mươi năm. Thế mà tại sao tình yêu của chính mình lại bị dày đạp đến như vậy.” [6]

Những người đau đớn như thế, biết bao nhà văn như thế, toàn là người tử tế cả. Đã là nhà văn chân chính có ai không yêu đất nước, không yêu nhân dân, không tôn trọng sự thực, không trọng lẽ công bằng, có ai không tử tế (Đạo diễn Trần Văn Thuỷ, tác giả phim xuất sắc Chuyện tử tế cũng nhiều lần bày tỏ với tôi suy nghĩ này). Thậm chí có người tốt đến mức “không chịu được”. Như Phùng Quán chẳng hạn. Tôi muốn nhân dịp này công bố một câu chuyện “tốt không chịu được” của anh, qua một bức thư anh gửi tôi. Chỉ có thể trích nguyên văn, để nguyên cả những chỗ sai chính tả, một số đoạn trong lá thư dài mười bốn trang viết bằng bút lá tre, chấm mực xanh Hồng Hà mà nay đã trở màu đen, trên giấy làm đâu miệt Thuỵ Khuê, vàng khè:

Hà Nội đêm cuối thu 84,

Tô Nhuận Vỹ thân,

Tôi nhận được thư Vỹ, đã hai lần tôi viết thư trả lời, nhưng đọc lại tôi lại xé đi. Vì muốn trả lời một bức thư như vậy thật không đơn giản chút nào. Vì tôi nghĩ đó không chỉ thuần là một thư của tình bạn, mà còn là bức thư của một nhà văn gửi cho một nhà văn…

Anh trả lời bức thư đề nghị anh cho phép phục hồi bút danh Phùng Quán trên tạp chí Sông Hương trước đó của tôi. Trước khi viết bức thư đề nghị này, tôi vừa đọc xong tập truyện Dũng sĩ Chép Còm mà anh ký tên là Trần Vĩ Dạ, do NXB Trẻ ấn hành. Anh tặng Tô Diệu Lan, là con gái thứ hai của chúng tôi, nhân ngày sinh của cháu, với lời đề “Thân yêu tặng cháu Diệu Lan cuốn sách quý nhất đời của bác”. Tôi đọc cuốn sách với cái tên Trần Vĩ Dạ mà lòng đau như cắt. Tôi viết bức thư và tin rằng anh sẽ đồng ý bởi không khí đổi mới đã bắt đầu cựa quậy trong xã hội, bởi vì đó là một điều tuyệt vời đối với Sông Hương nhưng cũng là chuyện tốt đẹp đối với cái tên anh đã bị chôn vùi mấy chục năm trời chỉ vì những vần thơ gan ruột và nghĩa khí của anh. Vậy mà anh từ chối!

Ba mươi năm đã trôi qua. Biết bao nhiêu sự kiện đã rêu phong. Và tôi cũng không còn được chính quyền của Đất nước (mà tôi đã hiến dâng cả tuổi trẻ và cả máu để góp phần nhỏ bé xây dựng và bảo vệ) coi tôi là nhà văn. Tôi đã bị “tướt quyền viết văn”(tháng 3-1958 Hội nhà văn quyết định khai trừ tôi vĩnh viễn tôi khỏi Hội nhà văn) từ khi tôi mới hai mươi bốn tuổi đầu - đến nay tôi đã năm mươi tư tuổi rồi [7] . Tôi chắc Vỹ hiểu còn hơn cả tôi, ở đất nước ta bị khai trừ vĩnh viễn khỏi Hội nhà văn, thì một nhà văn sẽ rơi vào một hoàn cảnh bi thảm như thế nào. Vì mặt trận văn nghệ là một trong những mặt trận được chuyên chính nghiêm nhặt nhất. Tôi vẫn ví nhà văn là một cầu thủ đá bóng. Và cả Đất nước chỉ có một sân cỏ mà thôi - đó là Hội nhà văn Việt nam. Vỹ thử tưởng tượng một cầu thủ bị đuổi khỏi sân cỏ suốt ba mươi năm - thì cầu thủ đó sẽ hoá thành người như thế nào? Sau ba mươi năm, nếu cầu thủ đó không quên quả bóng đã là chuyện lạ. Và nếu anh ta không còn đá được nữa thì lỗi đó thuộc về ai?... Tôi rất xúc động trước tình âu yếm của bạn bè, đặc biệt là với các anh chị ở Tạp chí Sông Hương muốn in thơ tôi với cái tên Phùng Quán“trở lại với làng văn”. Nhưng mong các bạn hiểu cho tôi. Năm nay tôi đã năm mươi tư tuổi. Tôi đã đi gần trọn một đời văn. Tôi không muốn thêm gì và bớt gì (PQ gạch chân bốn chữ thêm gìbớt gì - TNV) những gì tôi đã làm, đã viết. Tôi không thuộc vào loại các nhà văn cùng thế hệ và tuổi tác với tôi, bằng mọi cách và mọi giá, đeo đẳng cho bằng được cái tên mình trên báo, trên sách…

... Nước Sở có người họ Hoà, được một hòn ngọc ở trong núi, đem dâng vua Lệ-vương. Vua sai thợ ngọc xem, thợ ngọc nói “Đó không phải ngọc”. Vua cho người họ Hoà nói dối, sai chặt chân trái. Đến khi vua Vũ vương nối ngôi, người họ Hoà lại đem ngọc ấy dâng. Vua sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc nói “Đó không phải ngọc”, vua lại cho họ Hoà là nói dối, sai chặt nốt chân phải. Đến khi vua Văn vương lên ngôi, người họ Hoà ôm hòn ngọc, khóc ở chân núi Sở-sơn suốt ba ngày ba đêm đến chảy máu mắt ra. Vua thấy thế sai người đến hỏi. Người họ Hoà thưa: “Tôi khóc không phải vì hai chân tôi bị chặt ,chỉ thương vì nỗi ngọc mà cho là đá, nói thật mà cho là nói dối”. Vua bèn sai ngưòi xem lại cho kỹ, thì quả nhiên là ngọc thật, mới đặt tên ngọc là “ngọc bích họ Hoà”. Mỗi nghệ sĩ chân chính đều có một “ngọc bích họ Hoà” của mình để dâng hiến cho Đất nước, Nhân dân. Nhưng tôi vô cùng hối hận là đã không đủ lòng tận trung như người họ Hoà để dâng “ngọc bích” của mình lên Đảng, cho đến lúc được nhận ra không phải đó mà ngọc thật (PQ sót mấy chữ là ngọc giả - TNV)…” [8]

Người như thế, người “yêu Đảng hơn cả Đảng” như thế mà bị chà xát mấy chục năm trời, ôi chao ôi là trời!

Vừa qua, Giải thưởng Nhà nước đã được trao cho Phùng Quán, Hoàng Cầm, Lê Đạt. Tôi cho rằng chậm còn hơn không. Nhưng có một cái gì không đàng hoàng, thật ú ớ trong chuyện này. Không một lời nào, không một câu nào, dù ở đâu đó, dù của một ai “bán chính thức” đó, ngay như của chỉ Hội Nhà văn, rằng đối xử trước đây đối với họ là SAI, là SAI LẦM. Không. Không một lời. Không một ai. Nói như Nguyễn Trọng Tạo:“Họ không sửa sai. Tức là họ nói: chúng tôi không sai. Nhưng chúng tôi tặng thưởng. Như thế là một nhà nước không đủ can đảm để nói lên một sự thật. Không sòng phẳng…” [9]


*

Dĩ nhiên, “chưa có một nhà văn nào trên thế giới tuyên bố rằng mình hoàn toàn tự do… Ở các quốc gia dân chủ phương Tây người ta cũng chất đầy ngăn kéo những trang không được xuất bản” như Phạm Thị Hoài khẳng định [10] . Nhật Tiến cho biết, trong một lá thư gửi từ trong nước, một nhà văn hỏi anh “ở hải ngoại các anh đã thực sự có tự do cầm bút hay không?”, Nhật Tiến trả lời: “Tôi thấy rõ người cầm bút ở đây chưa thực sự có tự do cầm bút” [11] . Để minh chứng cho câu trả lời, Nhật Tiến đã mô tả những giới hạn của cộng đồng hải ngoại bị chi phối bởi những thành kiến, những quan điểm chống cộng hẹp hòi mà không nhìn đến thực trạng của quê hương.

Ngay như ở nước Mỹ, một người bạn nghiên cứu văn hoá lâu năm nói với tôi, có tự do sáng tác không có nghĩa là có cùng cơ hội được các cơ sở truyền thông “chính luồng” (mainstream) chú ý và thông tin quan điểm của mình. Lấy tỷ dụ trường hợp của J. P. Sartre và Noam Chomsky. Có thể nói cả hai đều là những đại trí thức cấp tiến trong xã hội mình đang sống, phê bình nặng nề chính sách nhà nước, được cả thế giới ngưỡng mộ và lắng nghe. Nhưng Sartre thời đó được báo chí và xã hội Pháp trân trọng tham khảo trong khi Chomsky hoàn toàn bị giới truyền thông “chính luồng’’ ở Mỹ tẩy chay. Chúng ta có thể có tự do sáng tác, tự do ngôn luận, nhưng nếu các cơ sở truyển thông đại chúng - báo chí, truyền thanh, truyền hình, v.v… - đều do một nhóm tài phiệt khổng lồ làm chủ, thì những quan điểm “ngược dòng’’ sẽ hoàn toàn bị bỏ quên, hoặc vô hiệu hoá. Những tiếng nói đó sẽ không có người nghe, trở thành những tiếng vang vọng trong sa mạc. Người bạn tôi coi đó là một thứ kiếm duyệt cực kỳ tinh vi, “kiểm duyệt phi kiểm duyệt”, một loại cơ cấu vô chiêu của chủ nghĩa đại công ty trị (corpocracy).

Và, tất nhiên, không phải cứ có tự do (khái niệm như nhiều nhà văn trong và ngoài nước quan niệm hiện nay) thì lập tức nhà văn đã có thể sáng tạo ra những tác phẩm xuất sắc. Tôi nhớ chuyện Thái Bình. Trong những buổi chuyện trò thân tình với nhà văn Đức Hậu, người đã làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật mười mấy năm ở đây, anh cho biết, sau những vụ biểu tình, đấu tranh quyết liệt của nhân dân chống bọn tham nhũng và ức hiếp nhân dân, đã từng có xu hướng đổ tội, đổ nguyên nhân của sự vụ cho “bọn phản động”, nhưng Trung ương khẳng định đó là do hàng ngũ cán bộ đã bị tha hoá, do nội bộ gây ra. Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười về họp với lãnh đạo Thái Bình và ông đã phẫn nộ: “Những người đã cõng tôi qua sông khi Tây vây tứ bề, đã có hàng vạn đứa con là thương binh, liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến mà là địch à? Các anh ức hiếp, chà đạp người ta quá trời, ai mà chịu nổi!” Ông phẫn nộ với đại ý như thế. Viết về vụ đó, nguyên Tổng bí thư đã “bật đèn xanh” như thế… vậy mà mấy năm đã qua, chưa có một tác phẩm nào hay về cuộc đấu tranh này của nhân dân Thái Bình. Cũng vào hôm làm việc với Hữu Thỉnh, anh kể chuyện tiếp nữ Chủ tịch Hội nhà văn Rumania. Bà ấy nói: “Khi đang còn chế độ độc tài Ceaucescu vẫn có những tác phẩm xuất sắc như Nông dân, Giờ thứ 25 (Gheorghiu), còn bây giờ đã được tự do hoàn toàn lại chưa có những tác phẩm gần như thế.”

Điều đó vẫn đúng ngay ở các nước mà nền dân chủ đã phát triển cao. Chị Thuỵ Khuê, một cây bút phê bình sắc sảo và hiểu biết nhiều tình hình văn học trong và ngoài nước, đã cho rằng một trong hai nhược điểm của văn học hải ngoại là:

“... Chưa có thành tựu khai phá, những chân trời nghệ thuật mới... Sự tiếp xúc với văn hoá Âu Mỹ dường như chỉ mới rất hình thức... Không có một phong trào như Tự Lực, như Sáng Tạo. Giá trị đổi mới văn thơ trong khoảng hai mươi năm gần đây đến từ những tác giả trong nước: cựu Nhân văn như Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng…, hoặc trẻ hơn như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài.” [12]

Chúng tôi muốn nói rằng, theo chúng tôi, bên cạnh tự do sáng tạo, nhà văn còn cần bản lĩnh, khát vọng. Không có bản lĩnh và khát vọng (trong bản lĩnh bao hàm cả tài năng) thì, như “con gà công nghiệp”, mở chuồng cho tự do ra ngoài vẫn cứ “tự giác” luẩn quẩn quanh cái chuồng cũ kỹ. Về điều này, Phạm Xuân Nguyên cũng đã viết :

“Nhiều người đã nói đến sự cấm đoán, bắt bẻ, kiểm soát từ trên xuống đối với những người viết. Nhưng có phải vì thế mà người cầm bút lại cho mình ‘được hèn’ để viết xuôi chiều, dễ dãi không?… Ngẫm cho kỹ, toàn bộ tác phẩm Nam Cao viết về người trí thức cũng chỉ xoay quanh một chủ đề duy nhất là căn bệnh ‘mình tự làm hèn mình’ của tầng lớp này… Vấn đề ở đây là bản lĩnh và tầm vóc của người cầm bút, tức là nội lực chủ động của anh, chứ không phải cứ thụ động ngồi chờ cái “hích” từ bên ngoài rồi khi được thì hoan hỉ tâng bốc, khi không được thì trách móc đổ lỗi.” [13]

Nhà văn trẻ Lê Hùng Vọng, bắt đầu cầm bút từ ngày còn làm việc ở tạp chí Sông Hương trước 1990, tâm sự khi tôi hỏi anh về bản lĩnh của người cầm bút mỗi khi “tai nạn” đến hoặc rình rập đến với mình:

“Theo tôi, cái được sau một tai nạn, như ‘vụ’ Sông Hương chẳng hạn, còn tuỳ thuộc bản lĩnh của người cầm bút. Văn học sử Việt Nam chắc chắn sẽ truyền tụng những câu chuyện các nhà văn… đái ra quần khi bị các quan văn nghệ nhắc nhở. Không ít anh từ đó về sau chỉ cho ra đời những thứ dở hơi. Người cầm bút có bản lĩnh bao giờ cũng tạo ra cho mình một sức đề kháng, không bao giờ viết sai những điều mình cảm nhận về cuộc đời. Vì cái tác phẩm viết ra từ một thứ giả giọng giả lưỡi… nghe nó chán lắm! [14]

Còn nhà thơ Nguyễn KhắcThạch, Tổng biên tập tạp chí Sông Hương hiện nay thì nói rõ thái độ của mình:

“Với cá nhân, sau mỗi lần bị ‘tai nạn nghề nghiệp’ mỗi người đều biết cách ứng xử riêng để được tồn tại như chính mình và điều quan trọng là không được HÈN. Tôi nghĩ, tôi cũng vậy.” [15]

Còn chuyện in ấn nữa. Tôi nhớ hôm đó Nguyễn Huy Thiệp kể chuyện cuốn Tiểu long nữ của anh đã được Cục Xuất bản ký giấy cho phép in, nhưng đưa về nhà xuất bản thì tay giám đốc H. lại… không dám! Mới có cái tên “giám đốc Hèn” là vậy. Thiệp cười mỉm: “Thằng viết không dám viết, thằng giám đốc in thì hèn... Nền văn học của mình mấy năm nay nó thiếu sự hồn nhiên. Mà thằng văn nghệ sĩ phải giữ được sự hồn nhiên trong sáng tác, trong ý nghĩ, trong cuộc sống, nếu không thì…còn nói gì nữa.”

Dân chủ cho sáng tác và ủng hộ khát vọng, bản lĩnh sáng tạo vì nhân dân, vì con người của nhà văn rõ ràng là các nội dung để nền văn học Việt Nam chuyển biến thực sự, chuyển biến về chất. Và đó là các nội dung quan trọng nhất phải trở thành mục tiêu phấn đấu mà tổ chức Hội Nhà văn, nếu nó muốn tiếp tục tồn tại một cách hữu ích cho đất nước. Dĩ nhiên, tôi không bao giờ nghĩ một cách ấu trĩ rằng, mọi cái hay về dân chủ của các nước phương Tây đều có thể áp dụng ở nước ta. Và với trí thức yêu nước người Việt ở nước ngoài, tôi tin là có nhiều người chia sẻ suy nghĩ này của tôi. Giáo sư Cao Huy Thuần (Pháp) khẳng định trong từng câu, từng chữ:

“Nếu tôi muốn dân chủ là vì tôi nghĩ rằng nước tôi cần dân chủ, chứ không phải vì anh ép tôi mà tôi phải theo anh. Dân chủ không phải là con đẻ của một vụ cưỡng hiếp. Dân chủ cũng không có mẫu mực. Đúng,có vài nguyên tắc căn bản. Trên những nguyên tắc căn bản đó, mỗi truyền thống lịch sử vạch ra cho mình những hình thức khác nhau... Trí thức chúng ta quá đủ thông minh để biết dân chủ là gì, nên lấy cái gì và bỏ cái gì của ghương Tây, nên bắt đầu như thế nào,bước những bước nào trước, những bước nào sau. Tôi nhắc lại: chỉ cần nhà cầm quyền muốn thực sự. Sau đó, người Việt Nam có thừa văn hoá để sáng tạo. Và khi người Việt Nam đã đoàn kết được với nhau, đã xem Nhà nước như là Nhà nước chung của tất cả, tôi đố anh Tây phương nào dám ép Dân chủ với Nhân quyền.” [16]

© 2007 talawas


[1]Trần Văn Thuỷ, Nếu đi hết biển… NXB Thời Văn, USA, 2003
[2]Bình luận về cuộc gặp của Đại sứ M. Marine với giới báo chí của cộng đồng người Việt tại Washington DC ngày 29/5/2005 nhân Thủ tướng Phan Văn Khải sắp sang thăm Mỹ theo lời mời của Tổng thống Bush, báo Cali Today, số ngày 31-5-2005
[3]Nguyễn Duy, Trả lời báo Thanh niên trước Đại hội Nhà văn lần thứ 7, http://vietbao.vn/Van-hoa/Khi-nha-van-tu-hoi-chinh-minh/40074698/105/
[4]Bùi Ngọc Tấn, Trả lời báo Thanh niên ngày 8/5/2005
[5]Nguyễn Minh Châu,“Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ”, Văn nghệ số 49-50, 5-12-1987
[6]“Gặp gỡ Nguyên Ngọc”, Sông Hương số tháng 6/1989
[7]Trong bài trả lời phỏng vấn Thuỵ Khuê trên Hợp lưu số 81, Lê Đạt kể lại rằng, Hội Nhà văn khai trừ ra khỏi Hội ba năm đối với các anh Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Tử Phác; hai năm đối với Hoàng Cầm; một năm đối với Phùng Quán. Có lẽ 30 năm mà anh Phùng Quán nói ở đây là 30 năm bút danh Phùng Quán không được xuất hiện trên văn đàn. (http://www.hopluu.net/HL81/thuykhue-ledat.htm)
[8]Phùng Quán, Thư gửi Tô Nhuận Vỹ, cuối thu 1984
[9]“Mừng vui còn có hôm nay”, talawas ngày 07/6/2007,
,http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10124&rb=0101
[10]Phạm Thị Hoài, “Hợp đồng ngầm với các con chữ”,
http://www.nhanvan.com/phongvan/pvcuong_hoi_pthoai.htm
[11]Nhật Tiến, Trả lời tại Washington ngày 11/10/1985
[12]Thuỵ Khuê, “Thử tìm một lối tiếp cận văn học sử: hai mươi nhăm năm văn học hải ngoại 1975-2000”
http://dactrung.net/baiviet/noidung.aspx?BaiID=Fw9VtoP4V8jqlObmtJfM9w%3d%3d
[13]Phạm Xuân Nguyên, “Cái hèn của người cầm bút”, Sông Hương số 31
[14]Lê Hùng Vọng, Thư gửi Tô Nhuận Vỹ, ngày 15/9/2004
[15]Nguyễn Khắc Thạch, Thư gửi Tô Nhuận Vỹ, ngày 27/8/2004
[16]Cao Huy Thuần, Thư gửi Tô Nhuận Vỹ, ngày 18/8/2004