© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
20.12.2007
Tô Nhuận Vỹ
Nhà văn Việt Nam: Đổi mới và Hội nhập
 1   2   3   4 
 
Trong thái độ ủng hộ khát vọng sáng tạo, hiểu biết của nhà văn, việc mở rộng giao lưu quốc tế có một tác dụng rất quan trọng.

Bây giờ, chuyện đi nước ngoài, với nhiều ngành, nhiều người là chuyện có khi còn dễ hơn cả người nhà quê ngoài Bắc mà vô Thành phố Hồ Chí Minh nữa. Đã qua lâu rồi cái thời “nhất mẹ nhì con.” Nhất là thời buổi hoà nhập với nền kinh tế thế giới, Việt Nam hoạt động năng nổ trong khối ASEAN, tham gia tích cực vào APEC, ASEM, vừa gia nhập WTO… Đi bằng nhiều cách: Nhà nước bỏ tiền, đối tác bỏ tiền, Nhà nước và đối tác cùng bỏ tiền, tổ chức vận động các doanh nghiệp hảo tâm bỏ tiền, tổ chức cùng cá nhân cùng bỏ tiền, tổ chức chỉ đứng ra “làm giấy tờ” còn cá nhân bỏ tiền hoặc cá nhân tự lo “trọn gói”… Nhưng, với một tổ chức có khả năng rất lớn trong các mối quan hệ “phi chính phủ” (NGOs) như Hội Nhà văn Việt nam mà mỗi năm chỉ có dăm “đoàn ra” và dăm “đoàn vào”, mỗi đoàn trung bình chỉ có vài ba người, là quá lạ. Song thực ra cũng không có gì là lạ, khi mà Hội hay ngại “gió máy” nên cứ chờ các đối tác “tin cậy” mời, được “cơ quan chức năng” đồng ý, mới cử người đi và nhận người vào. Gần cả ngàn hội viên ít ra cũng 90% trong số đó chỉ biết chờ sự quan tâm của Hội thì tới… “Tết Marốc” mới biết được xứ người nó tròn méo ra sao để mà mở mang hiểu biết (kể cả đến Lào là nước dễ qua lại nhất). Trong lúc đó, cơ chế đối ngoại “phi tập trung” (không nhất thiết cái gì cũng qua Trung ương) đã được thực hiện từ lâu. Ngay ở Thừa Thiên Huế, trong các dịp Festival 2000, 2002 và 2004, 2006, chỉ riêng ngành du lịch tỉnh, mỗi dịp đều có từ 30 đến 40 cán bộ nhân viên của ngành này được đến Pháp học và thực tập các kỹ năng lễ tân - điều hành, bếp - bồi bàn và phục vụ phòng từ một đến ba tháng tại các trường du lịch, khách sạn có chất lượng của Pháp cũng như hàng chục học viên và thầy giáo của các trường du lịch Pháp tới làm bếp, lễ tân, bồi bàn tại các khách sạn ở Huế. Mà tất cả chỉ cần sự thống nhất quyết định của địa phương và một vùng vốn đã có quan hệ như Poitou Charent hay Nord Pas de Calais mà thôi. Mặt khác, tôi nghĩ, ở vào giai đoạn “trăm công nghìn việc” như hiện nay, “cơ quan chức năng” cũng chẳng hơi đâu mà yêu cầu Hội nhà văn “nhất bộ nhất bái” trong hoạt động đối ngoại như vậy. Ngay ông Lê Khả Phiêu cũng đã nói tại hội thảo “Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh”: “Tôi nghe anh Nguyễn Duy đi Mỹ nói chuyện về thơ mà cũng bị ‘nhấc lên đặt xuống’ này nọ? Đem cái hay của thơ ca mình giới thiệu với bạn bè thế giới và học cái hay từ thơ ca của bạn là điều tốt chứ sao lại cản trở, ngại ngùng?”

Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Như cái thực và giả chẳng hạn. Đi đây đi đó mới thấy, à ra thế, có nơi có hẳn cơ chế, có hàng loạt cơ chế để bắt anh không được dối trá, không được ba xạo. Nếu anh dối trá, ba xạo, ngay chỉ với con cái trong nhà thôi, nó mà kiện thì, chiếu theo điều 1 điều 2, mục 3 mục 4… anh lập tức lãnh đủ, chứ không chỉ hô hào đạo đức chung chung. Chuyện đó cũng là bắt đầu của việc viết thật hay giả đấy. Ví dụ thế. Cũng lấy ví dụ như Trung tâm William Joiner (WJC), đã có hàng chục năm quan hệ với Hội Nhà văn, đã mời mấy chục nhà văn nghệ sĩ tiêu biểu của Việt Nam qua dự hội thảo, thăm thú Hoa Kỳ. Tôi tin chắc rằng, tất cả anh chị em nhà văn, nghệ sĩ đã qua Mỹ do WJC mời (kể cả anh Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội), đều thấy các chuyến thăm thú, các cuộc gặp gỡ với các nhà văn, trí thức Mỹ và cả trong cộng đồng người Việt, đều là các cuộc đi và gặp gỡ bổ ích cho sự mở mang đầu óc của mình và chỉ có lợi cho đất nước khi, không ai là không tranh thủ, nếu có dịp, để giới thiệu về Tổ quốc thân yêu. Mà có ai trong số họ, sau một chuyến đi, thậm chí sau nhiều chuyến đi như thế, bỗng chốc từ một người yêu đất nước mình trở thành một kẻ ghét đất nước mình không? Không, tôi không hề thấy! Có chăng là càng đi càng sốt ruột, càng khát khao sự thay đổi mau chóng hơn nữa của đất nước, vì chúng ta có biết bao người con tài giỏi, dồi dào tài nguyên, đã đổ biết bao xương máu vì độc lập, tự do, hạnh phúc… mà dân còn khổ quá, mà nước còn nghèo và nhiều bất công quá! Như Nguyễn Quang Thiều chẳng hạn. Học Tây, nói tiếng Tây như gió, đi Tây như đi chợ, thơ thì như văn xuôi Tây, văn xuôi thì mệnh đề chính mệnh đề phụ dây cà dây muống kiểu ngôn ngữ Hy-La… vậy mà cứ nói chuyện vài câu, đọc vài dòng của Thiều, không biết sao trong đầu tôi, trong lòng tôi cứ như nhìn thấy, như nghe thấy cánh đồng sục bùn và tiếng con cá rô quẫy, dòng sông hai bờ lau lách với tiếng mái chèo khuấy nước của ngưòi đi đánh cá đêm ở làng Chùa của cái xứ Hà Đông còn nghèo khổ của anh và bỗng thương nhớ những làng quê đẹp tuyệt vời mà cũng còn nghèo khó nơi xứ Huế của tôi nữa. WJC, như chính nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong buổi cùng nhiều nhà văn nhà thơ Huế tiếp đoàn đại biểu của WJC do Kevin Bowen dẫn đầu, đã phát biểu: “Các anh đã như một con tàu phá băng trong lúc quan hệ Việt - Mỹ đóng băng. WJC đã làm được nhiều việc cho quan hệ văn hoá Việt-Mỹ khiến cả những nhà chính trị cũng ngạc nhiên[1] .

Vậy mà, tôi nghe nói, có ai đó xì xào WJC “phức tạp” này nọ, vậy là Hội “gài số lùi,” khiếp!

Mà sao thế nhỉ, kiểu chỉ “doạ” một chút mà đã khiếp đến thế thì Nhà nước mình nên đóng sập hết các cửa biên giới, “ta về ta tắm ao ta” yên sự cho rồi! Kiểu tảng lờ như tẩy chay đó, vô tình, như “phối hợp” cùng loại chống cộng cực đoan mấy năm trời quyết liệt đánh WJC “thiên tả”, “tiếp tay cho cộng sản Việt Nam”!

Ngay cái việc cho đến bây giờ, trong lúc các ngành, các tổ chức trong nước đã có gần một trăm tờ báo và tờ tin điện tử (chưa kể vô số cá nhân đã có website riêng), vậy mà Hội Nhà văn và báo Văn nghệ vẫn cam phận “ăn sau chạy dọi”, không có lấy cái phương tiện hiện đại tối thiểu này giúp nhà văn trong nước có thêm một kênh “chính thức” để thông tin, trao đổi tác phẩm, kinh nghiệm sáng tác… của mình với thế giới và học hỏi những gì cần phải học từ trí tuệ của đồng nghiệp năm châu bốn biển. Đó quả là một sự quá lạ mà nguyên nhân chắc chắn không phải là do tổ chức nhà văn không đủ trình độ và điều kiện để tiến hành. Đó là vì chưa được “bật đèn xanh” nên chưa dám.

b. Các nhà văn trong và ngoài nước hãy ngồi lại với nhau

Nhưng, giao lưu quốc tế lại có nhiều mặt, nhiều nội dung. Bản thân tôi thấy rằng, đối với nhà văn Việt Nam, trước hết và quan trọng nhất trong việc mở rộng quan hệ quốc tế là giao lưu với các nhà văn, các nhà văn hoá, các nghệ sĩ người Việt đang sinh sống và hành nghề ở các nước trên thế giới.

Sở dĩ tôi xem đây là nội dung hàng đầu trong việc mở rộng giao lưu quốc tế vì không thể hạ quyết tâm tiếp thu những tinh hoa của thế giới, thu hút chất xám trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài vào công cuộc hưng thịnh quốc gia mà không chú ý tới trí tuệ, tài năng và tâm huyết với quê hương có không ít trong khối trí thức xã hội - nhân văn này. Mặt khác, làm được việc này thì, đội ngũ nhà văn Việt Nam sẽ đóng vai trò đi đầu, là chiếc cầu nối cho việc hoà giải, hoà hợp dân tộc, đặc biệt giữa cộng đồng người Việt ở nước ngoài với đồng bào trong nước, do hoàn cảnh lịch sử, đã để lại một hố sâu ngăn cách, dị biệt chua xót sau chiến tranh.

Có một thực tế là, với nghị quyết 36 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng chống cộng cực đoan chống đối là lẽ đương nhiên rồi, nhưng nhiều trí thức người Việt ở nước ngoài mà tôi gặp cũng không tin nghị quyết đó sẽ được thực hiện trong thực tế, vẫn nghĩ đó chỉ là sự tuyên truyền quen thuộc lâu nay. Bởi ngay cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt mới phát biểu, cũng chỉ ở mức độ vừa phải, về nội dung hoà hợp hoà giải phải đi vào thực chất, mà đã bị phê phán gay gắt. Còn ở cấp lãnh đạo Hội Nhà văn và nhiều nhà văn trong nước thì rất ít người biết đến nghị quyết này, mặc dầu sự khẳng định “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” là sự khẳng định đúng đắn. Không có con đường nào khác để thực sự thống nhất lòng dạ hơn 80 triệu dân, không thể hưng thịnh đất nước, hiện đại hoá đất nước để “sánh cùng các cường quốc năm châu” mà gần ba triệu người Việt Nam ở nước ngoài lại đứng ngoài cuộc.

Dĩ nhiên, việc giao lưu, cho dù là giữa các văn nghệ sĩ, nhà văn hoá - những người thường rất tình cảm và trọng nhân ái - cũng sẽ vô cùng khó khăn, nhiều trắc trở chứ không đơn giản chút nào.

Cho đến nay, trừ một số rất ít văn nghệ sĩ trong nước có dịp đi nước ngoài, mà có đủ thời gian và điều kiện, dĩ nhiên không ngại bị “đánh giá” này nọ, mớí thực sự có dịp gặp gỡ, trao đổi với văn nghệ sĩ hải ngoại và ngược lại, số văn nghệ sĩ hải ngoại trong các dịp về thăm quê “dám” có các cuộc tiếp xúc, tâm sự với đồng nghiệp, kể cả hai “phía”, đều chỉ tính được trên đầu ngón tay, trong lúc chỉ tính riêng nhà văn, trong và ngoài nước, trên cả ngàn người, trong đó nhà văn hải ngoại tôi nghĩ là không dưới vài trăm. Đó là một thực tế đáng buồn vì nói cho cùng, như vậy, bản lĩnh của nhà văn cũng xoàng quá. Thường là đổ cho khách quan, đổ cho công an, tuyên huấn hay cộng đồng, cho trách nhiệm lo miếng cơm manh áo của vợ con gia đình, nhiều người “ tự run”, đánh mất phẩm chất quý giá nhất của người trí thức là sự trung thực. Ít nhà văn khi đến Mỹ dám công khai khẳng định những tiến bộ ở trong nước và phê phán những tiêu cực của xã hội Mỹ cũng như khi về trong nước,không dám khen nhiều điều hay của xã hội Mỹ mà mình cần học tập. Với nhiều văn nghệ sĩ hải ngoại thì cái mũ “cộng sản” của cộng đồng luôn luôn chực chờ để chụp xuống đầu họ. Báo chí không ít lần đã phải kêu lên về cái thực trạng “mũ cối ở đây nhiều hơn ở cả Hà Nội!”. Cho nên, các nhà văn luôn phải “biểu diễn lập trường” (chữ của Nguyễn Mộng Giác). Trong nhiều dịp chuyện trò tâm sự, không ít anh em đồng nghiệp ở Mỹ trong khi cho rằng trong nước hoàn toàn chưa có tự do sáng tác với khá nhiều ví dụ thì đồng thời cũng khẳng định lúc này, tại đây, cũng chưa có tự do sáng tác như mình ao ước, nên có lúc phải sống hai mặt. Hoàng Khởi Phong viết:

“Ở ngoại quốc này chúng ta làm chính trị dễ, yêu nước cũng dễ, làm văn chương cũng dễ, lấy nhau cũng dễ, bỏ nhau cũng dễ, làm thương mại cũng dễ, khai phá sản cũng dễ. Nói tóm lại, ở đây cái gì cũng dễ, chỉ trừ có một tấm lòng chân thật là hơi… khó chút xíu [2] .”

Chỉ vì mời hai học giả từ Hà Nội là Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi qua tham gia nghiên cứu về văn học và văn hoá cộng đồng người Việt sau chiến tranh và do khởi phát từ một chi tiết trong phần đặt vấn đề của chương trình nghiên cứu của Nguyễn Bá Chung, trong đó có kể chuyện một cháu nhỏ khoe với ông nội lá cờ Việt Nam cháu tìm thấy trong sách nhà trường - cờ đỏ sao vàng thay vì cờ vàng ba sọc đỏ… chỉ bắt đầu từ như thế (một đoạn văn không do Nguyễn Bá Chung viết), mà một cuộc chống lại ồ ạt, ghê gớm bằng từ hàng trăm bài viết không thiếu lời lẽ nhục mạ, đe doạ, các cuộc mít tinh hội họp phản đối, các kiến nghị gay gắt, kiện cả ra toà án mà khi toà án bác bỏ thì vu luôn cho thẩm phán, luật sư thiên vị…, mà “đánh” tới tấp suốt hơn năm năm trời, với phạm vi trên toàn cõi có người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài rằng, Trung tâm William Joiner của Đại học Massachusetts, Kevin Bowen là tiếp tay cho cộng sản, rằng Nguyễn Bá Chung là cộng sản nằm vùng và phải trừng trị anh này! Ở một đất nước tự do mà hành xử như vậy thì hãi quá. Cho nên, nói là nói vậy chứ cũng thông cảm cho cái “hơi khó chút xíu” đó của người viết ở đây. Nhưng, trong không khí chống cộng cực đoan như thế, không phải không có những người dù không tán thành thể chế trong nước vẫn có cái nhìn trầm tĩnh như Trương Vũ:

“Vào lúc này mà nói chuyện chống cộng với ngôn ngữ, phương thức của ba mươi năm cũ chẳng khác gì chống những hồn ma trong một không gian hồi tưởng. Chẳng khác gì đi đi lại lại trên những lối mòn của tâm thức. Chống những hồn ma không được thì chống nhau. Ai không giống mình người đó là cộng sản, là phản bội.” [3]

Nguyễn Gia Kiểng cho rằng loại thái độ đó “chỉ là để biểu lộ và trút bớt sự căm thù đang sôi sục trong lòng chứ không phải để giành thắng lợi. Cuộc đấu tranh vì vậy không khác gì một cuộc lên đồng, những người được ủng hộ nhất là những người tỏ ra táo bạo nhất, lên đồng hay nhất,gây được ảo tưởng mạnh nhất.” [4]

Gần đây, trước sự kiện tờ Việt Weekly bị chụp mũ “thân cộng”, Dốc Thượng đã có một tổng kết chua chát cuối một bài viết đáp trả:

“Người Việt đến Mỹ đã chứng tỏ rằng họ thông minh không kém bất cứ sắc dân nào. Đã chứng tỏ họ tài giỏi về mặt thương mại. Họ đã thành công trong tất cả mọi ngành nghề. Nhưng mặt sinh hoạt dân chủ vẫn còn rất sơ khai và thấp kém.” [5]

Vâng, đó là khó khăn, trắc trở đầu tiên trong việc gặp gỡ, giao lưu. Và khó khăn, trắc trở tiếp ngay đó, hoặc đúng ra là cùng lúc: đang tồn tại dòng văn học “căm thù,” “căm hận” qua tác phẩm của các nhà văn trong và ngoài nước. Đọc tác phẩm của nhiều nhà văn, kể cả những anh em có tấm lòng hướng về quê hương, thấy dày đặc những hình ảnh, những câu chữ y chang những câu chữ tuyên huấn cũ kỹ một thời trong nước “đã viết thì ta chỉ có tốt và tốt hơn nữa và địch chỉ có xấu và xấu hơn nữa”! Và thậm chí dữ dằn, ghê sợ hơn. Rồi những chuyện kể cay đắng, đau xót, thê thảm, uất ức của những ngày ở các trại tù cải tạo, cảnh cùng quẫn buộc phải vượt biên để bị hải tặc hiếp vợ rồi quăng con xuống biển ngay trước mắt mình, cảnh bị tịch thu nhà cửa,tài sản ngay sau ngày Chiến thắng, chuyện con cái tuyệt đường học tập vì lý lịch cha mẹ… Mà rất hiếm, quá hiếm hoi, những hiểu và biết về các địa ngục trần gian, những “chuồng cọp” đày đoạ những người cách mạng và yêu nước ở Sở thú Sài Gòn, Chín Hầm, Côn Đảo, Phú Quốc, về sự tan nát thê lương của hàng ngàn làng quê thành phố, về những nỗi đau khủng khiếp của hàng triệu bà mẹ mất con mất chồng “của phía bên kia” trong chiến tranh, thậm chí ngay ở các vùng ngoại ô các thành phố miền Nam trước 75, các vùng “tự do oanh kích” của quân Mỹ và Sài Gòn [6] .

“Chúng ta kể chuyện nào và bôi xoá chuyện nào? Chôn thây nào, và quật mồ ai? Nếu dựng dậy lịch sử, thì chúng ta hãy can đảm cho tất cả những bóng ma quá khứ trở về mặt đất. Có ít nhất 3 triệu bóng ma như thế sẽ đi quanh tượng đài kỷ niệm mới dựng ở Westminster. Hãy bắt tay vào việc chiêu hồn đi để cuối cùng ta có thể theo chân Nguyễn Du làm văn điếu thập loại chúng sinh thay vì chỉ điếu những vết đau của riêng mình và bôi xoá vết đau của người khác” [7] .

Lại còn một thực tế thế này nữa:

“Trừ đi số chống cộng cực đoan khó nói chuyện, không hiếm trí thức Việt kiều cứ hễ nói đến chuyện trong nước, nói đến người cộng sản Việt Nam thì đều cho là ngu dốt, bảo thủ và tay sai ngoại bang! Cứ như chỉ có họ, chỉ có những người Việt ở nước ngoài mới hiểu biết, mới muốn đổi mới,mới yêu nước. Thái độ ngạo mạn rất khó hiểu đó làm sao chấp nhận được?” - Nguyễn Khoa Điềm đã có lần lắc đầu buồn bã nói với tôi như vậy.

Nhưng, trong lúc đó, hãy nhìn thẳng vào thực tế, cho đến nay, trong nước chuyện hoà hợp đã có gì thay đổi sau 30 năm?

Trương Vũ viết:

“Lúc tôi trở về, chiến tranh chấm dứt đã hai mươi sáu năm rồi. Lúc đó, vào dịp kỷ niệm 30 tháng Tư, đài truyền hình chiếu nhiều phim về ‘lính nguỵ’, bọn ‘lính nguỵ’ trông thật là ác ôn! Tôi, tên ‘lính nguỵ’ hai mươi lăm năm trở về, nhìn hình ảnh ‘mình’ trên truyền hình, cười ra nước mắt.” [8]

Khi đọc những dòng chua xót này của Trương Vũ, đọc nội dung cuộc nói chuyện giữa anh và Trần Văn Thuỷ qua cuốn Nếu đi hết biển, nhớ chuyện Thuỷ kể về sự gắn bó, đùm bọc nhau dưới bóng cây đại thụ là bà mẹ anh, sự phấn đấu tuyệt vời để có một vị trí xứng đáng trong cuộc sống ngay tại nước Mỹ xa xôi này của từng thành viên trong gia đình mà anh là một tấm gương, qua cả những bài viết điềm đạm, chặt chẽ và dứt khoát về luận lý của anh đáp lại những bài báo vu vạ dũ dằn, chụp mũ ghê khiếp của những người tự xưng là nhà văn, nhà báo trong cộng đồng về anh, về nội dung trao đổi với Trần Văn Thuỷ, về thái độ bênh vực lẽ phải và tinh thần dân chủ trong vụ Joiner Center, tôi có ấn tưọng rất mạnh về một trí thức trung thực, có đầu óc tân tiến của một nhà khoa học Mỹ mà “hồn vía” vẫn ở nơi ông bà tổ tiên Việt Nam. Chính vì thế, khi lần đầu gặp anh và gia đình tại Maryland, trong lòng tôi như có cảm giác gặp lại những người thân. Trương Vũ băn khoăn nhiều sao đến tận bây giờ, đã bước qua thế kỷ XXI mấy năm rồi, mà không ít người có vị trí và “đầu óc” trong nước, kể cả ở Hội Nhà văn, vẫn không thay đổi thái độ khi cho rằng hễ ai cứ có ý kiến, có suy nghĩ khác với lãnh đạo là phản động, là chống nhân dân, đúng y chang loại cực đoan trong cộng đồng, hễ có bất cứ ý kiến, việc làm nào trái mắt trái tai họ, thảy đều là “cộng sản nằm vùng”! Mà họ không chịu biết rằng, một trong những sự thông minh của loài người là luôn sẵn có những tư duy phản biện, những ý kiến bất đồng với mình, khác nhau để thêm mạnh chứ không để chia rẽ (hoà nhi bất đồng).

“Khi tôi nói chủ nghĩa cộng sản, mà các mô hình đã đổ sụp ở thế kỷ trước, không phải là giải pháp tốt nhất cho sự phát triển của đất nước, tại sao không chịu hiểu rằng không có nghĩa là tôi chống Nhà nước hiện nay mà là đóng góp vào tư duy tìm đường đi của đất nước?”

Tôi chia sẻ những suy nghĩ lành mạnh đó của Trương Vũ. Anh ủng hộ nhiệt tình việc gặp gỡ, giao lưu giữa các nhà văn trong và ngoài nước, tạo một chiếc cầu nối tình cảm trong việc hoà hợp hoà giải dân tộc. Anh mong có một cuộc gặp gỡ, đóng góp trí tuệ, của đông đảo văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu trong và ngoài nước, một hội nghị Diên Hồng của trí thức Việt Nam.

“ Nhiều người hy vọng vào lớp trẻ ở hải ngoại sẽ dễ dàng hoà hợp với trong nước hơn, sẵn sàng đem hiểu biết của mình về đóng góp cho đất nước vì chúng nó không bị ám ảnh quá nặng nề bởi quá khứ đau buồn của cha mẹ chúng. Điều đó đúng, nhưng cũng… không đúng” - Thấy tôi ngạc nhiên, Trương Vũ vẫn chậm rãi diễn đạt suy nghĩ hình như đã lâu của mình – “Bọn trẻ sẽ có những yêu cầu về dân chủ cao hơn, về cách làm việc khoa học hơn lớp cha ông chúng và, dĩ nhiên, không “thể tất”trong va chạm khi tiếp xúc với trong nước như cha ông chúng.” - Dừng lại hồi lâu, Trương Vũ mới nói tiếp – “Và đặc biệt, chúng không có sự… không biết dùng chữ gì cho đúng đây…, vâng, không có sự ‘da diết’, ‘đau đáu’ về quê hương như những người lớn tuổi. Anh có biết rằng,có những người chống cộng quyết liệt, công khai, nhưng rồi không nén chịu nỗi nhớ quê, đã tìm cách ‘lén’ về thăm nhà mà cố không cho ai biết! Trong nước có biết nỗi niềm đó để thể tất những việc tuế toái mà họ gây ra không?”

Tôi nhớ tại một hội nghị của Hội Nhà văn mà tôi được mời tham dự, khi có ý kiến một số tác giả tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam ở nước ngoài cần có mặt trong Bảo tàng Văn học Việt nam sắp xây dựng xong thì một nhà văn có trách nhiệm trong việc này đã tuyên bố với giọng rất “lính tẩy” vốn dĩ của anh ta: “Kẻ nào đã không tham gia trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thì cho ‘de’ ra ngoài!”

Khi có ý kiến phản bác và cho rằng, Hội Nhà văn trong hoạt động của mình, cần tích cực góp phần đoàn kết, hoà hợp dân tộc thì một nhà thơ nổi tiếng lại cho rằng việc đó nên để… cho Mặt trận Tổ quốc làm! Và cũng chính nhà thơ này, khi có nhiều ý kiến trong cuộc bàn thảo đó, cho rắng số tác giả tiêu biểu ở ngoài nước cần phải được công nhận thì lại đề nghị Chủ tịch Hội Nhà văn nên tham khảo ý kiến của… A25 (An ninh văn hoá) đã!

Rõ ràng ở đây không phải là sự “nhầm lẫn” trách nhiệm giữa các lãnh vực công việc mà là sự ngạo mạn mạo danh cách mạng và sự khiếp hãi quyền lực đã “thành hơi thở vào ra” của những con người này mất rồi!

Cách đây gần mười năm, con gái tôi bị một tai nạn khủng khiếp. Các bạn nhà văn, nhà thơ Mỹ mà tôi quen biết đã ra sức vận động, quyên góp để cháu được qua Mỹ chữa trị. Bây giờ, vết thương của cháu đã chữa được phần lớn, cháu đã lấy được bằng Master và đã có gia đình hạnh phúc với một chàng trai Mỹ nhân hậu và đã có một đứa con trai đầu lòng tuyệt vời. Khi tôi đang viết những trang này tại nhà cháu thì nhận được thư của một người bạn thân của tôi từ Việt Nam gửi qua. Bức thư khiến tôi ngẩn ra: “Bây giờ người bạn lớn của gia đình anh lại chính là kẻ đã giết chết ba mẹ em, khiến em, và chính anh nữa, mang thương tật suốt đời! Vậy mà anh lại đang hào hứng đi tuyên truyền hãy quên hận thù!”. Ôi chao, khó làm sao để xoá đi vết thương quá khứ trong lòng người!

Lữ Phương đã đúng khi anh viết:

“Thật đáng buồn, trong khi hai cựu thù chính yếu của cuộc chiến tranh 1954-1975 đã quan hệ lại bình thường thì với người Việt Nam mọi chuyện vẫn còn như xưa… Tình trạng căng thẳng kéo dài ấy chắc chắn không mang lại một chút lợi ích nào về mặt tinh thần cho những người Việt Nam khắp nơi,dù thuộc bên này hay bên kia, dù trong nước hay ngoài nước. Nó chỉ có tác dụng làm ung thối cái không gian văn hoá của mọi người, bắt đông đảo những con người bình thường ở hai bên,không màng đến ý thức hệ,hoặc không coi ý thức hệ là cái vì nó mà người ta phải bắn giết nhau - trong đó rất đông là lớp người trẻ tuổi sinh ra trong thời kỳ sau chiến tranh - phải hít thở cái không khí truyền thông đầy khói súng của hai bên, tràn ngập những ngôn ngữ thoá mạ, chửi rủa,bôi nhọ, sỉ vả, những thứ ngôn ngữ kết dệt bằng bịa đặt, vu khống, bất chấp sự thật, bất chấp lý trí… những thứ chữ nghĩa của những người tìm mọi cách đào bới từ cuộc chiến tranh đã qua những yếu tố hận thù để tiếp tục cuộc chiến tranh mang tên “nội chiến ý thức hệ,” một cuộc chiến tranh chưa bao giờ thật sự xẩy ra trên đất nước.” [9]

Càng đọc, càng chuyện trò, càng kể cho nhau nghe những câu chuyện đơn giản mà không dễ biết và không dễ thông cảm như thế, chúng tôi càng thấy chuyện đến với nhau, chuyện ngồi lại với nhau, chuyện đọc nhau, chuyện nói cho nhau biết những suy nghĩ của mình, về mình, về bạn, về những người hôm qua còn là đối địch, về việc đối xử với nhau sao cho ra con người trí thức của một đất nước văn hiến… là chuyện thật khó khăn, thật cần thiết và cũng thật rõ ràng là đã quá muộn màng. Hơn 30 năm rồi chứ ít ỏi chi nữa, hỡi các nhà văn, những tâm hồn của nhân dân!


*

Trong buổi sáng vừa đi vừa nói chuyện với tôi ở công viên La Fayette trước toà Bạch ốc, giáo sư Lê Xuân Khoa, người có công lớn trong việc đấu tranh để chính quyền Mỹ ban hành những chính sách thuận lợi cho cộng đồng người Việt định cư sau 1975 và đang viết về lịch sử cộng đồng sau tập 1 cuốn Việt Nam 1945-1995, nói rằng ông không bi quan về việc hoà hợp giữa người Việt trong và ngoài nước, cho dù còn nhiều trắc trở, cam go. Ông cũng cho biết mình sắp có chuyến về Việt Nam trong những ngày tới.

“Số cực đoan trong cộng đồng lẫn số bảo thủ quyết liệt trong nước chỉ là số ít mà thôi. Đa số, cho dù tạm thời thầm lặng, vẫn là những con người mong muốn thực sự hoà hợp, hoà giải để xây dựng đất nước dân chủ và giàu mạnh, dù đề xuất giải pháp còn khác nhau. Ngay với trong nước, nếu có dịp, tôi đều góp những ý kiến thành tâm. Có lần tôi hỏi một vị lãnh đạo rằng, trong mười điều tôi góp thì các vị tiếp thu được được bao nhiêu. Vị đó nói, chừng… hai điều và hẹn tôi lần sau nếu gặp xin được nghe tiếp. Tôi cười mà rằng: góp mười điều mà đến tám điều vô ích thì gặp làm gì cho mất thời gian của anh và của tôi, thì ông ta nói, ấy chớ, tám điều chưa tiếp thu được nhưng với chúng tôi đều có ích! À, chưa tiếp thu mà vẫn thấy có ích đã là tốt rồi phải không anh?” - Ông cười, tiếng cười sảng khoái của một ông già khoẻ mạnh và đẹp lão ở cái tuổi gần 80.

Các nhà văn có chia sẻ tâm sự này của Trần Trung Đạo không:

“Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam, nơi đã từng diễn ra những trận đánh vô cùng ác liệt. Phần lớn các ông anh họ của tôi, ra đi theo bên này hay bên kia, đều không trở lại. Những ngày còn bé, tôi thường đứng xem những chiếc trực thăng tải thương hạ cánh trong sân trường cấp một của tôi. Trong số những người chết trên đường đến bệnh xá, có người bên này và cũng có cả người ở phía bên kia. Họ có thể khác nhau khi còn sống vì khẩu súng họ mang, kiểu áo họ mặc, chiếc mũ họ đội, nhưng lại giống nhau khi đã chết, vẫn mái tóc đen, vẫn màu da vàng sạm nắng, và ở một nơi nào đó trên đất nước mình, những người mẹ Việt Nam vẫn ngày đêm mong ngày họ trở về trong căn nhà tranh, bên ngọn đèn dầu hiu hắt” [10] .

Và chuyện chính gia đình tôi nữa. Bà ngoại tôi sinh được chín người con, ba trai và sáu gái. Ba người con gái lấy chồng Việt Minh và theo chồng tập kết ra Bắc, ba người con gái khác ở lại Huế theo ngoại buôn bán làm ăn và đều lấy chồng sĩ quan Sài Gòn. Trong ba người con trai thì cậu út theo Việt Minh, chết hồi 1952 vì Tây bắn. Cậu thứ đi Vệ quốc đoàn nhưng ở lại không chịu ra Bắc, rồi làm việc lặt vặt chi đó cho hương thôn. Hồi Mậu Thân, cậu nhảy ra cũng làm mấy việc lặt vặt cho Giải phóng khu phố, đến khi liên quân Mỹ - Sài Gòn quay lại thì cậu bị tóm, bị đày đi Phú Quốc. Ngày thống nhất, chính quyền không cho cậu hưởng một chính sách nào vì không biết ghi cậu vào loại “bên này” hay “bên kia”! Cậu đi làm để kiếm sống, khi thì phụ thợ nề, khi thì phụ thợ mộc, khi ở nhà quết thịt cho mợ tôi làm nem chả đem bán ở chợ Vỹ Dạ. Còn cậu cả của tôi là tướng quân đội Sài Gòn bị đi cải tạo, giữa chừng vì bệnh trọng nên được về sớm, sống ở Sài gòn một thời gian rồi mất. Ôi chao, ông Trời chơi khăm con người quá cỡ thợ mộc, nói giùm tôi, nhà tôi rứa đó là “bên này” hay “bên kia”, là “quân miền Bắc” hay “quân miền Nam”? Và với bà mẹ nghèo Phú Vang đã đùm bọc tôi những ngày chiến tranh, trên cái bàn thờ bằng gỗ sứt mẻ dưới mái nhà tranh của mẹ là bốn bát nhang thờ hai người con “phía bên này” và hai người con “phía bên kia”! Những móng vuốt chiến tranh len sâu cấu xé trong tim gan bao người mẹ, trong huyết thống của từng gia đình, dòng tộc. Vậy mà hơn 30 năm rồi, vẫn còn người cố tình réo lên những tiếng “bên này”, “bên kia”, “miền Bắc”, “miền Nam” thật tàn nhẫn, như chính họ đang muốn những móng vuốt đó tiếp tục cấu xé ruột gan những con người, những gia đình bất hạnh!

Tôi không mơ hồ về một tiến trình chỉ thuận buồm xuôi gió. Chúng tôi chỉ muốn nói to lên một khát khao là đừng để kéo dài mãi một thực tế cách biệt đau lòng mà đến cả những cựu chiến binh Mỹ cũng phải kêu gọi những người Việt Nam hãy bắt tay nhau, hãy ngồi lại với nhau! Hãy vượt qua chính mình, hãy vượt qua sự thực đáng xấu hổ đó!

Nhà văn, với tâm huyết và vị trí xã hội đặc biệt của mình, lúc này chứ không phải lúc nào khác, hãy làm chiếc cầu nối hoà hợp lòng người.


*

Hãy bắt đầu bằng việc giao lưu giữa các nhà văn với nhau. Việc giao lưu gồm nhiều nội dung, nhưng tôi nghĩ,trước hết hãy đọc nhau và gặp nhau. Về chuyện đọc nhau thì thực trạng thật đáng buồn: nói chung, tình trạng “không ai đọc của ai” là phổ biến. Ở ngoài nước thì ngoại trừ dăm ba cuốn, vài ba tác giả chủ yếu có gây nên tranh cãi trong nước; ở trong nước thì chỉ ở những người có quan hệ với số ít đồng nghiệp ngoài nước hoặc vài nhà nghiên cứu cố gắng kiếm một ít sách từ nguồn này nguồn khác, lẻ tẻ và không hệ thống, và thường cũng đọc được rất ít, lỗ mỗ. Thật hiếm hoi những người đọc được tất cả những tác phẩm tiêu biểu ở cả trong nước lẫn nước ngoài. Trong một dịp thăm với tư cách bạn học cũ, tôi có hỏi Nguyễn Khoa Điềm rằng chỗ Vụ Văn hoá-Văn nghệ Trung ương Đảng (thuộc Ban Tư tưởng–Văn hoá Trung ương) có bộ phận nào hoặc cá nhân nào, có trình độ, được phân công đọc một số sách tiêu biểu của các tác giả hải ngoại rồi nhận định cái thần của cuốn sách, của tác giả cho lãnh đạo Ban nghe để từ đó tham mưu cho cấp trên có chính sách đúng đắn với kiều bào, trong đó có văn học hải ngoại, như khi xây dựng Nghị quyết 36 chẳng hạn, thì Điềm cười tủm tỉm và lắc đầu: Có mô ông!”. Tôi đã phải nói rằng, bên chỗ ông Hữu Thỉnh cũng không có ai làm chuyện này, bên ông cũng không nữa, sao lạ quá vậy? Không đọc đủ hai ba trăm thì đọc hai ba chục, không đọc hai ba chục thì đọc dăm mười người, mỗi người không đọc cả một vài chục tác phẩm của họ thì đọc vài ba tác phẩm tiêu biểu chứ. Không đọc thì làm sao hiểu và biết họ nghĩ gì, họ đang quyết liệt và cũng đang dằn vặt điều gì, từ đó mới có cách làm, mới có bước đi thích hợp để thực hiện nhệm vụ “đoàn kết, hoà hợp dân tộc”, để đề xuất cơ chế “xuất bản, phát hành ở trong nước một số sản phẩm văn hoá của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài” [11] chứ.

Điềm gật gù : “Có lẽ phải nói bên anh Hữu Thỉnh lo chuyện này!”

Vẫn với giọng văn mạnh, sắc và đáo để, Thuỵ Khuê viết về vấn đề này như sau:

“… Ở khía cạnh này, văn học hải ngoại có những nét bảo thủ giống văn học chính thống trong nước: Ta đọc ta thôi. Người Việt hải ngoại không đọc hay không thích đọc những tác phẩm trong nước, nhất là những tác phẩm trong đó, người viết, sử dụng những cấm kỵ như Mỹ, nguỵ… hoặc có ý chê bai, miệt thị quân đội miền Nam… hoặc xưng tụng Bác, Đảng… Đó là bệnh chưng (Syndrome) của chiến tranh, của lịch sử, khó có thể vượt qua. Mai Thảo, Tuý Hồng tuyên bố: không đọc ‘họ’. Thế thì sao họ có thể đọc ‘ta’? Và họ và ta đều là ngưòi Việt. Chỉ khi nào người Việt vượt lên trên lịch sử, chịu khó đọc ‘nhau’… Đọc trong tinh thần đứng trên hệ luỵ lịch sử, với tâm thức bình thản, gạn đục, khơi trong,tìm hiểu những hận thù, mê chấp của một thế hệ chiến tranh, giam cầm, tù hãm trong những cắt đứt giữa đất, đoạn giao giữa người. Đòi hỏi một nền văn học Việt Nam toàn diện thế kỷ XX thông qua các giai đoạn chiến tranh, trước tiên là thực hiện việc ‘đọc nhau’. Chấp nhận những thái quá của nhau như một tất yếu lịch sử và từ đó tìm ra chân giá trị của văn học và tư tưởng - nếu có - của mỗi tác giả trong một thế kỷ mà lịch sử hung hãn đã dày xeó tác phẩm, ngộ độc văn chương” [12] .

Cho dù còn đầy khó khăn, trắc trở như vậy, nhưng tôi tin rằng, tuyệt đại bộ phận nhà văn trong nước và ngoài nước ủng hộ hoà hợp, ủng hộ gặp gỡ, giao lưu và, kể cả “đọc nhau”. Khách quan mà nói, số trí thức, văn nghệ sĩ ngoài nước đọc sách báo trong nước nhiều và dễ hơn là trong nước đọc bên ngoài. Khi ở nước ngoài, hàng ngày tôi đều tìm cách đọc báo chí trong nước. Chỉ cần vào mạng, trang Saigonbao là có đủ từ báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Cộng sản, Công an cho đến VietNamNet, Thông tấn xã Việt Nam, Tuổi trẻ, Thanh niên, Tiền phong, Sài Gòn Giải phóng…, các tờ báo, hãng thông tấn, Đài phát thanh, Truyền hình… nổi tiếng trên thế giới. Những tờ báo hải ngoại nghiêm túc có không ít bài nghiên cứu và sáng tác công phu, sâu sắc và thường xuyên đăng tải những sáng tác, nghiên cứu, những ý kiến trao đổi tranh luận thẳng thắn của các tác giả trong nước như Hợp lưu, talawas, Văn, Văn học… Dĩ nhiên, cũng có nhiều tờ báo tiếng Việt của cộng đồng hải ngoại mà ngay nhiều anh chị em trong giới “mọt” sách báo ở đây cũng khuyên tôi “Anh đừng mất thì giờ đọc mấy thứ lá cải đó.” Nhưng với tôi, sự phong phú, thuận tiện, kể cả thứ báo chí “tùm lum” đó, có ích cho nhu cầu thông tin và hiểu biết. Việc trong nước chưa có cơ hội để đọc, hoặc cơ hội bị hạn chế, ở mức không cần thiết, ngay cả với những tờ báo nghiêm túc, là sự thiệt thòi đối với người đọc, đặc biệt đối với trí thức, văn nghệ sĩ trong hoạt động giao lưu và nhu cầu học hỏi. Tại sao nước ngoài “dám” có một mạng như Saigonbao mà trong nước lại không “dám” có một cái gì tương tự, dĩ nhiên có thể có chọn lọc hơn?

Khi mới gặp tôi ở Washington DC, nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình nói ngay: “Em đã đọc Ngoại ô Phía ấy là chân trời của anh."

Khi tôi cho biết, tuần sau tôi sẽ trích đọc và nói chuyện tại Boston tiểu thuyết Ngoại ô cũng như đã làm như vậy với Phía ấy là chân trời năm 1994, Thanh Bình đọc ngay: “Tại sao anh không phải là người tốt?” (câu đề từ “hồn vía” của tiểu thuyết Phía ấy là chân trời).

Mà hai tiểu thuyết này xuất bản từ năm 1982 và 1988 lận! Bởi nó có tại thư viện ở đây cũng như rất nhiều sách báo xuất bản trong nước có mặt khá nhiều tại các thư viện, đặc biệt là tại các thư viện của các trường đại học. Khi tập sách Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm xuất bản ở trong nước mới chừng một tháng thì chị Chấn ở thư viện trường Harvard gọi điện báo tin cho tôi về cuốn sách đã có ở thư viện, trong đó có đoạn nói về tôi (nhắc lại thời kỳ tôi học lớp 8 với Đặng Thuỳ Trâm khi ra Bắc). Còn tôi chỉ đọc được những truyện ngắn độc đáo và những bài thơ rất lạ của Bình khi ra nước ngoài. Đối với độc giả trong nước, những thiệt thòi, những thiếu hụt này là do chính “mình” tự tạo ra, bắt “mình” phải chịu chứ chẳng ai vào đây mà bắt chẹt “mình” như vậy đụơc!


*

Trả lời câu hỏi của Nguyễn Mạnh Trinh “Trong văn chương anh có nghĩ có biên giới giữa người cầm bút Việt Nam ở trong nước và ở hải ngoại? Hoặc giữa người ở miền Nam và ở miền Bắc?”, Doãn Quốc Sĩ đã nói:

"Văn chương Việt Nam là văn chương Việt Nam! Đơn thuần chỉ có vậy! Những người Việt miền Bắc, người Việt miền Nam, người Việt quốc nội, người Việt hải ngoại phản ánh những gì xẩy ra qua lăng kính cá tính văn chương của từng người. Cả nền văn chương Việt Nam nói chung do đó mà có được sắc thái lung linh phong phú. Tôi hiểu biên giới trong câu trên là như vậy." [13]

Một thực tế khác, không dễ, nếu không nói là không thể, là sự hoà nhập của các nhà văn vào nền văn chương sở tại. Ngay cả những nhà văn đã thành danh ở miền Nam trước 75 cũng phải chua chát thừa nhận thực tế này.

"Trên phương diện nghệ thuật. Trên phương diện văn chương. Đối với lưu vong Đông phương. Đối với Á châu tỵ nạn. Ta với ta thôi, với họ, vô phương, mọi con đường đều chặn lấp, mọi cánh cửa đóng chặt. Võ Phiến nói Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Hoa tới đây đã mấy đời còn đứng bên ngoài lề. Làm gì có tiếp nhận và chỗ đứng nào cho Việt Nam mới tới. Chúng, Bình Định kêu Mỹ bằng chúng, giữ đất thật kỹ. Hoạ hoằn chỉ một vài thiên tài lỗi lạc lưu vong của châu Âu lọt được vào và tạo được danh vọng tên tuổi. Da vàng tuyệt đối không, dù bậc thầy, dù thiên tài. Như vậy cho hết thảy mọi ngành, từ văn chương tới hội hoạ, từ sân khấu tới âm nhạc… Hoa Kỳ rộng rãi tiếp nhận người tỵ nạn thế giới vào xứ sở mình. Đồng ý. Nhưng ‘nó’ có tiếp nhận mở đường, trải chiếu hoa, dâng đất đứng cho văn học nghệ thuật tỵ nạn hay không, đó lại là chuyện khác. Võ Phiến hiểu rất rõ điều đó. Câu trả lời của ông là không. Cho những người làm văn học nghệ thuật ta tới đây, chưa tạo dựng nổi một tầm vóc với thiểu số mình đã vọng động tưởng cho mình một tầm vóc quốc tế hư ảo lố bịch…” [14]

Và chính thực tế người đọc tiếng Việt, tác phẩm viết bằng tiếng Việt ở nước ngoài ngày càng giảm sút là một thực tế nhức nhối nữa của không ít nhà văn Việt Nam ở hải ngoại, khiến họ ngày càng hướng về độc giả nơi quê nhà. Nguyễn Ngọc Bích trích lời Nguyễn Mộng Giác mà ông đồng tình:

"Giới trẻ ở hải ngoại có tham gia vào hoạt động chữ nghĩa không? Và ông trả lời là không. Không vì nhiều lý do: tiếng Việt bập bẹ, hao hớt đi dần từ tiếng Việt thông dụng ở miền Nam trước 75, không cùng kinh nghịệm với đa số những con người còn đọc tiếng Việt ở hải ngoại, trong khi đó thì dù có internet, nói chung, chúng ta vẫn chưa viết cho người đọc trong nước. Theo ông, nhận thức ấy là then chốt để giải quyết tình trạng lão hoá trong sinh hoạt văn hoá hiện nay ở hải ngoại.” [15]

Hy vọng nhà văn sẽ là, và nhất định là, những người chia sẻ đầu tiên tâm sự của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt:

“Ba mươi năm qua, có những bà mẹ ngày ngày thắp hương cho những người con của mình, người là chiến sĩ giải phóng đã hy sinh, người là lính của chế độ Sài Gòn đã tử trận. Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần thấu hiểu tâm tình của người mẹ Việt Nam, cùng thắp nén nhang cầu cho linh hồn của những người con của mẹ được siêu thoát” [16]

Đêm ở lại nhà bác sĩ Tôn Thất Chiểu ở Washington DC hè năm 2005, chúng tôi cùng nhau chia sẻ những băn khoăn về ước vọng hoà hợp lòng dân để hưng thịnh đất nước, về chuyện đồi Vọng Cảnh, nhắc tới chuyến về thăm quê hương của thầy Thích Nhất Hạnh mà anh Chiểu được tháp tùng. Rồi anh ước mong sao có một lễ cầu siêu cho mấy triệu người đã chết vì chiến tranh,dù bên này hay bên kia thì cũng là con của những người mẹ đau khổ như ông Võ Văn Kiệt nói đó,cũng là con dân của Mẹ Việt Nam.

"Vì một khó khăn nào đó mà Nhà nước khó đứng ra tổ chức thì hãy cho phép chúng tôi làm với tâm thành tất cả đều cầu mong cho một nước Việt Nam mạnh giàu và đồng tâm. Đó sẽ là một hành động hơn nhiều lời kêu gọi đoàn kết hoà hợp." - Giọng anh Chiểu nhỏ nhẹ, sâu lắng.

Điều anh Chiểu ước nguyện, và cũng là ước nguyện của nhiều người Việt Nam lương thiện, đã thành hiện thực trong chuyến về quê hương lần thứ hai của thầy Nhất Hạnh: ba cuộc đại cầu siêu Trai đàn Chẩn tế vừa diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh, Huế và Hà Nội đã là một cái gì thật lạ, thật ngoạn mục, thật rực rỡ của khát vọng nghẹn ngào về hoà bình, về hoà hợp dân tộc của hơn 80 triệu người đầu đen máu đỏ Việt Nam, trong đó có khát vọng cháy bỏng của mấy triệu người đã chết trong chiến tranh! Còn nhiều lời lẽ, nhiều hoạt động muốn ngăn chặn ba cuộc đại cầu siêu. Tôi biết. Còn nhiều sự chống đối việc làm của thầy Nhất Hạnh với nhiều lý do. Tôi biết. Và nhiều người cũng biết như tôi. Nhưng điều tôi BIẾT hơn cả, điều mà bao người BIẾT hơn cả, là đất nước cơ hàn sẽ tan nát đến bao giờ nữa với hết bom đạn lại đến chia rẽ lòng người chỉ vì những thù hận chua xót của một thời, của sự khác biệt không tránh khỏi một thời khắc nghiệt! Nhưng đất nước Việt Nam là một, muôn đời vẫn chỉ là một. Chẳng lẽ có một người Việt Nam nào lại không công nhận điều hiển nhiên này và đó là điều quan trọng hơn tất thảy mọi lý do chống lại nó? Cần có những tấm lòng và việc làm cụ thể như của thầy Nhất Hạnh, của hàng triệu trái tim lương thiện Việt Nam trong nước và ngoài nước, cùng những đầu óc bình tĩnh và lành mạnh nhất trong chính quyền để tiến hành các hoạt động hoà giải, hoà hợp dân tộc đã quá muộn màng! Thời gian qua, hai tiếng có lẽ được nhắc đến nhiều nhất, hai tiếng được bất cứ ai hễ nói đến một giải pháp để đoàn kết dân tộc đều nói đến là hai tiếng tấm lòng. Nhưng để có tấm lòng như thế đâu có dễ dàng, nếu lòng còn bị bao thứ tham sân si cuốn hút. Nó phải phát xuất từ cái tâm của Đạo, của Nghĩa, từ cõi thiêng liêng của một phật tử thành tâm.

Năm ngoái, tôi vào thiền tu tại Tu viện Bát Nhã - Bảo Lộc một tuần, theo gợi ý của hai con gái tôi đã tham dự trước đó, điều mà hè 2005, dù có đến thăm nhưng tôi chưa thực hiện được ở tu viện Lộc Uyển, bắc Cali. Giáo lý nhà Phật và các ngôi chùa Huế vốn không xa lạ gì với tôi từ nhỏ, dù tôi không phải là một Phật tử quy y ở một ngôi chùa nào. Nhưng lần này tôi muốn một lần nữa trực tiếp hiểu và biết về cách “nhập thế” của môn phái Nhất Hạnh, từ một khía cạnh lựa chọn của riêng tôi.

Tôi đã tham gia trọn vẹn các chương trình của Tu viện đề ra cho cả khoá tu, mỗi ngày từ 4 giờ rưỡi sáng đến 9 giờ rưỡi đêm, ở xóm Rừng-Phương-Bối của thầy Pháp Bảo. Những phút giây tịnh tâm tuyệt đối giữa không gian trong sạch và yên tịnh nơi Chánh Điện lúc rạng sáng, những răn dạy điều hay lẽ phải đã “cập nhật” của Kinh Nhật tụng, những sải chân thanh thoát trong các buổi Thiền hành giữa đồi chè và cà phê như nghe được cả tiếng lá cây khẽ reo trong gió mai... khiến con người như cảm nhận được rõ ràng một điều gì, những điều gì thật lạ mà thật gần gũi, không có điều gì khó mà không làm được nếu với những tấm lòng, với những tâm thái như thế, trong cây, trong gió, trong chính ta... Tôi nhớ lại buổi nghe thầy Nhất Hạnh thuyết giảng tại Trung tâm Festival trong lần thứ nhất thầy về thăm quê hương. Thầy nói đến cả sự hay của việc nhà nước đang vận động xây dựng khu dân cư văn hoá: “Người xuất gia phải phục vụ thôn xóm, khu phố, làm sao để có an lạc, tình thương ở đó.” [17]

Thầy lại nói, chúng ta quảng bá văn hoá Việt Nam ở phương Tây mà sao ta không thể và không ủng hộ sự phát triển văn hoá Việt Nam ngay tại đất nước Việt Nam mà một đặc điểm hàng đầu của nó là văn hoá Hiếu hoà.


Tôi lại nhớ đến buổi nghe thầy Huyền Diệu thuyết giảng tại Học viện Phật giáo Huế. Thầy Huyền Diệu sôi nổi, hoạt bát hơn thầy Nhất Hạnh trong lúc thuyết giảng, nhưng nội dung thầy truyền đến cho người nghe vẫn là điều mà tôi đâ nghe từ thầy Nhất Hạnh: phải biết yêu thương con người, yêu thương đồng loại, yêu thương đồng bào, yêu con sông, ngọn núi, yêu cả cái thung lũng đầy rắn rít của xứ Nepal hẻo lánh... Phải có lòng yêu thương cao cả đó thì đàn Hồng hạc cao sang mới tụ tập tới làm bạn với thầy và thầy mới đủ sức “vào hang cọp” là trung tâm chỉ huy quân phiến loạn thuyết phục, Thầy mới cả gan vào tận Hoàng cung để thuyết phục. Thuyết phục gi? Thuyết phục sự hiếu hoà, thuyết phục con người Nepal hãy yêu lấy con người và đất nước Nepal! Bằng tấm lòng yêu thương kỳ lạ đó, thầy đã góp phần to lớn đem lại hoà bình cho xứ sở Nepal đau khổ. Thầy đã kêu lên: chuyện xứ Nepal vậy, còn xứ ta sao giờ? Người Việt Nam không thể yêu người Việt Nam sao, người Việt Nam không thể cùng yêu xứ sở Việt Nam hay sao? Vì sao lại có chuyện kỳ lạ đến như thế?

Tiến trình hoà giải, hoà hợp dân tộc Việt Nam sẽ rất cần những tấm lòng,những bàn tay,những đầu óc như của thầy Nhất Hạnh, thầy Huyền Diệu.

Và các nhà văn, hơn ai hết, phải là người ủng hộ nhiệt tâm, ủng hộ bằng việc làm cụ thể, những tấm lòng như thế, những bàn tay và đầu óc như thế.

(còn 1 kì)

© 2007 talawas



[1]Nguyễn Khoa Điềm, “Bốn nhà văn Mỹ xông đất Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế” Báo Tiền phong số Xuân 2007
[2]Hoàng Khởi Phong, Cây tùng trước bão, Thời văn, California 2001.
[3]Trương Vũ, “Lối mòn của tâm thức”, talawas 3/9-4/9/2004 http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=2745&rb=0307
[4]Nguyễn Gia Kiểng, “Thời điểm của một xét lại bắt buộc”, Thông luận Online ngày 13/6/2007, http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1881
[5]Dốc Thượng, “Sự trong sáng và minh bạch của Việt Weekly trong vai trò truyền thông”, Việt Weekly online số ngày 14/6/2007, http://65.45.193.26:8026/cms/acct/vietweekly/issues/vw5n25/minhBach.html
[6]Theo Lê Xuân Khoa trong Việt Nam 1945-1995, NXB Tiên Rồng, Maryland, miền Nam chết 100.000 quân (ông Nguyễn Xuân Vinh nói tại Washington DC ngày 30/4/2005 thì lính miền Nam chết 260.000), nửa triệu dân; miền Bắc chết hơn 1 triệu quân và cán bộ, 2 triệu dân.
[7]Nguyễn Võ Thu Hương, “Quên và nhớ: Người Việt trên thế giới, chúng ta là ai?”- talawas ngày 16/7/2004, http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=2406&rb=0307
[8]Trương Vũ, “Lối mòn của tâm thức”, bài đã dẫn
[9]Lữ Phương, “Chiến tranh Việt Nam: chủ quyền quốc gia, xung đột ý thức hệ và hoà giải dân tộc”, talawas 30/4/2005, http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=4595&rb=0307
[10]Trần Trung Đạo, “Ba mươi năm nỗi đau chưa thấm”, talawas 26/4/2005
http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=4368&rb=0307
[11]Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ36
[12]Thuỵ Khuê, “Thử tìm một lối tiếp cận…”, bài đã dẫn
[13]Doãn Quốc Sĩ, “Trả lời phỏng vấn của Nguyễn Mạnh Trinh”, Hợp lưu 35
[14]Thuỵ Khuê, “Thử tìm một lối tiếp cận…”, đoạn Mai Thảo viết về Võ Phiến
[15]“Tình hình văn học hải ngoại: khủng hoảng và giải pháp”, Nhịp sống số 10/2005
[16]Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời Tuổi trẻ ngày 28/5/2005.
[17]Thích Nhất Hạnh, Trả lời phỏng vấn đài BBC ngày 31/5/2007