© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
22.12.2007
Tô Nhuận Vỹ
Nhà văn Việt Nam: Đổi mới và Hội nhập
 1   2   3   4 
 
5. “Hãy bắt đầu từ trong nước”

Đó là câu trả lời tức khắc, như kết quả sau bao tháng ngày suy nghĩ của anh Ngô Vĩnh Long, giáo sư Đại học Maine, khi tôi hỏi: “Theo anh, bây giờ chuyện hoà hợp dân tộc, hoà hợp các nhà văn với nhau nên bắt đầu bằng việc gì?” Anh về Boston để chuẩn bị ngày mai sẽ cùng giáo sư nổi tiếng Noam Chomsky nói chuyện về Việt Nam nhân ngày 30/4/05 tại giảng đường lớn Đại học MIT và sau đó cùng Nguyễn Bá Chung và tôi gặp gỡ, nói chuyện với sinh viên Việt Nam đang học tại Boston. Chiều đó, chúng tôi dùng cơm với nhau và bàn thảo về đề tài nói trên cho đến quá nửa đêm. Ngô Vĩnh Long nguyên là sinh viên xuất sắc và sau đó đầy triển vọng là giáo sư của Đại học Harvard, trường Đại học tổng hợp số một của thế giới. Nhưng anh lao vào cuộc đấu tranh không mệt mỏi và không nề hy sinh cả một tuổi trẻ để chống chiến tranh Việt Nam, đòi quân Mỹ rút về nước, đòi hoà bình cho đất nước thân yêu. Cuộc đấu tranh với những cuộc tuần hành có hàng chục vạn người, những cuộc chiếm giữ trường Harvard, Tổng lãnh sự quán Sài Gòn… của cả người Việt và Mỹ, mà Long luôn ở hàng đầu, qua những câu hỏi của chính sinh viên Mỹ nối nhau hỏi anh và giáo sư Noam Chomsky và sau đó là của sinh viên Việt Nam với anh, với Chung và tôi, dường như đã là chuyện đời xưa đối với họ. Và anh đã phải trả giá: bị đẩy ra khỏi giảng đường Harvard, nơi mà ngay biết bao giáo sư Mỹ ao ước, có lúc đã phải đi quét sơn cho các nhà vào mùa hè để có tiền tiếp tục hoạt động... FBI thì theo kè kè bên lưng, có mặt quanh nhà anh suốt bao năm tháng. Hồ sơ mật của FBI về anh, mà một người quen lộ cho anh biết, dài đến 12.000 trang. Tìm mọi cách, luật sư và người bạn anh mới chỉ “moi” được 2000 trang. Tờ báo lớn Boston Globe đã viết bài vu vạ anh là cộng sản nên đã phải điều đình với luật sư của anh công khai đăng trên nhiều báo xin lỗi và bồi thường danh dự. Anh đã chọn giải pháp này thay vì lấy một khoản tiền lớn.

“Nhưng khi về trong nước, cũng cách nay không xa lắm đâu, có lúc tôi bị nghi ngờ coi chừng là… CIA, nên bốn năm năm trời tôi bị từ chối cấp visa về nước! Anh em chưa hiểu được luật pháp Mỹ nên cứ suy ra, nếu chống đối như vậy ở Việt Nam thì bị tóm cổ rồi chứ, sao bọn FBI không cùm tôi mà cứ cho đấu tranh, chửi bới chúng nó suốt mấy chục năm trời vậy?” - Long cười rồi lại hăng hái – “Sở dĩ tôi nói, về việc hoà hợp hoà giải, phải bắt đầu từ trong nước với ý nghĩa, trong nước cần CHỦ ĐỘNG thì mới có sức thuyết phục. Chứ đến loại như Nguyên Ngọc mà còn bị rầy rà, loại như bọn tôi trong chiến tranh thì được hoan hô mà hết chiến tranh lại bị nghi ngờ, đối xử có lúc mất tình mất nghĩa thì làm sao những người có ‘ân oán’ với Nhà nước, có lúc đã dính vào uỷ ban này uỷ ban kia chống cộng sản… lại tin mình đại nhân, đại nghĩa. Ngay đối với Chung đây cũng là một ví dụ.”

Lại nói tới Nguyễn Bá Chung. Con người đã nhiều năm nay gần như say mê chỉ với sách vở về Việt Nam, về văn hoá Việt Nam, luôn ao ước một Việt Nam giàu mạnh và tự do, mà vì nó đã phải bỏ hết công sức tiền của thời gian, lần lượt mất gần hết gia sản; con người luôn hết mình với bè bạn văn chương nghệ thuật Việt Nam qua: Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Nguyên Ngọc, Nguỵ Ngữ, Nguyễn Huệ Chi, Hoàng Ngọc Hiến, Lê Minh Khuê, Hữu Thỉnh,Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Tô Nhuận Vỹ, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Ý Nhi, Lê Lựu, Bảo Ninh, Tô Đức Chiêu, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trung Trung Đỉnh, Lý Lan, Minh Ngọc, Trần Văn Thuỷ, Đặng Nhật Minh, Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Quyến…; con người đã bị cộng đồng chống cộng cực đoan đánh nghiêng ngả suốt mấy năm trời với vu cáo “Cộng sản nằm vùng” khiến hạnh phúc riêng suýt bị tan vỡ; con người đã in trong nước đến ba tập thơ, dịch tác phẩm của nhiều nhà thơ tài ba nhất Việt Nam và vừa hoàn thành việc dịch ra tiếng Anh tuyển tập thơ thiền Lý-Trần, do giáo sư Lê Mạnh Thát đề tựa, cho một nhà xuất bản trong nước… người như thế mà không phải chỉ một lần vất vả với “cơ quan chức năng” mỗi khi về nước! Vậy mà Chung vẫn viết những vần thơ nhân ái và hoà hợp

Hãy trân trọng ngôi nhà vô uý
Ôm thương đau mọi nẻo quê nhà
Thắp niềm tin trên ngàn gẫy đổ
Đơm cội nguồn đất mẹ đầy hoa [1]

Viết tới đây tôi chợt nhớ đến Trần Vàng Sao. Chúng tôi vẫn kêu nhau bằng cái tên tục thời cùng học tiểu học ở Vỹ Dạ mỗi lần gặp nhau. Lần đó, võ sư Nguyễn Văn Dũng như mọi năm lại tổ chức ở nhà anh một cuộc rượu “của mấy thằng Tân Tỵ”. Có cả Nguyễn Quang Hà và bác sĩ Tống Văn Xuân (sau này khi về hưu rồi thì Hà nói Hà sinh năm 39 cơ, nhưng vẫn dự với anh em cho vui). Hôm đó, cu Nứt (tên tục của Trần Vàng Sao khi nhỏ, vì lão ta có một vết sẹo giữa môi trên) sôi nổi:

“Quắn (tên tôi lúc nhỏ vì tóc tôi xoăn tít), tau kể mi nghe chuyện ni. Mấy mụ bán bánh nậm bánh bèo ngoài chợ Vỹ Dạ bữa qua có việc qua nhà tau. Mấy mụ kể chuyện tau tham gia phong trào từ năm sáu mấy rồi lên rừng ra Bắc đủ cả mà vẫn bị xang bất xang bang vụ Sông Hương với ‘làn gió độc’ chi đó. Hồi nớ mấy mụ phục và sợ tau lắm. Rồi mấy mụ bình luận, ‘bây giờ chú thua xa bầy tui vì không có tiền ăn bánh, mua nước mắm thì mua bì một ngàn!’ Rồi mấy mụ cười toà loà ra, tau cũng cười theo mà ứng khẩu diễn ngay ý của mấy mụ bằng hai câu thơ ‘mi theo cách mạng quá trời, bây giờ nghĩ lại đã đời mi chưa!’. Mấy mụ càng cười ngả nghiêng, hẹn trưa mai ra chợ mấy mụ sẽ đãi tau một trận Ít-Bèo-Nậm-Lọc!”

Hồi cuối năm ngoái, khi vô Thành phố Hồ Chí Minh, tôi có dịp ngồi chuyện trò mấy buổi với hai anh Trần Trọng Thức và Chánh Trinh (Lý Quý Chung). Tôi biết và quen hai anh từ hồi hai anh còn làm ở báo Tuổi trẻ. Trần Trọng Thức thân tình với tôi hơn vì nhiều mối quan hệ riêng chung, hay ngồi “đấu láo” (từ của Thức) với nhau mỗi lần có dịp. Anh là một nhà báo giỏi, lịch lãm và nhân hậu. Tôi thích anh vì ở anh ý tưởng luôn rõ ràng, mạnh mẽ nhưng không bao giờ quá khích. Thức từ tốn nói:

“Hai mươi chín năm nay mình chưa bao giờ có ‘vấn đề’ chi với chế độ. Nhưng 29 năm làm báo dưới chế độ mới vẫn không ‘gột’ được cái ‘vết’ làm báo bảy năm dưới chế độ cũ. Mình cảm nhận rất rõ điều ấy từ lòng tin nơi lãnh đạo. Mà bảy năm làm báo không phải chống cộng, có bài còn được trong ‘R’ trích trong tài liệu tuyên truyền, dẫn chứng như một biểu hiện chống đối chế độ Sài Gòn đó nha. Vậy thì nên nói sao đây về chuyện hoà hợp mà Vỹ hỏi?…”

Và Chánh Trinh. Lần đó, do kẹt một chương trình bình luận bóng đá quốc tế cho đài truyền hình Bình dương nên anh đến trễ. Chỗ hẹn là quán Café nhỏ mà sang của con gái anh tại một cao ốc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Chúng tôi vừa ăn trưa vừa nói chuyện. Tôi có một kỷ niệm với Chánh Trinh. Mùa hè năm 1994, tôi cùng Phạm Tiến Duật, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa qua dự Hội thảo văn học viết về chiến tranh do WJC tổ chức, đúng dịp Cúp Bóng đá Thế giới. Các bạn người Việt ở Boston mua vé chợ đen cho chúng tôi đi xem trận Argentina gặp Nigeria. Ngay sau trận đấu, Maradona bị phát hiện dùng doping. Giữ lời hứa trước lúc qua Mỹ, tôi viết ngay một bài gửi về cho Chánh Trinh, lúc đó đang phụ trách trang thể thao của báo Lao động. Và Chánh Trinh cho chạy tít lớn ngay góc trang nhất: “Tôi xem trận bóng cuối cùng của Maradona! - Bài của Tô Nhuận Vỹ gửi về từ Mỹ”.

Nhưng lần này tôi nói với Chánh Trinh rằng, tôi muốn nói chuyện không chỉ với nhà báo Chánh Trinh mà còn muốn nói chuyện với ông Lý Quý Chung nguyên Tổng trưởng Thông tin của Chính quyền Dương Văn Minh nữa. Anh cười rất tươi và “OK”. Lý Quý Chung nói nhiều và tôi nghe là chính. Anh chân thành và thẳng thắn.

“Tàu làm công tác ‘chuẩn bị tình huống’ tốt hơn ta. Suốt 29 chín năm, tôi luôn được đối đãi tử tế, trừ một vài việc nhỏ không đáng kể, nhưng tôi biết, tôi vẫn chưa thực được tin cậy. Tôi mà ở bên Tàu thì tôi vô Đảng rồi! Khoảng đầu những năm chín mươi, ông Võ Văn Kiệt nói với tôi rằng, sẽ có người ngoài Đảng làm Bộ trưởng. Nhưng mãi không thấy. Võ Tòng Xuân không làm được Bộ trưởng Nông nghiệp à?”

Trong suốt câu chuyện, Lý Quý Chung nhắc nhiều tới ông Võ Văn Kiệt, người mà anh có cảm tình và sự quý trọng đặc biệt:

“Khi biết tôi đang viết hồi ký, dĩ nhiên có nói tới ‘lực lượng thứ ba’, ông dặn: ‘Phải viết thật kỹ nha. Không được quên họ.’ Sau năm 1975, lực luợng đó coi như bị ‘de’ rồi mà ông cựu Thủ tướng còn có suy nghĩ thuỷ chung và nhân ái như vậy, quý hoá quá chứ.”

Tôi đồng ý với Ngô Vĩnh Long, muốn hoà hợp, hoà giải, trong nước phải là đầu tiên, là quan trọng nhất. Phải là một tấm gương sáng, thật sáng đại nhân đại nghĩa để mọi người có thể soi vào, mà noi theo. Cao Huy Thuần nói lên mong ước, và cũng là kiến nghị, của nhiều người:

“Tôi nghĩ rằng sau chiến tranh, giữa người Việt với người Việt, kẻ thua có đạo đức của kẻ thua, kẻ thắng có đạo đức của kẻ thắng. Ngày xưa ‘bất sát hạ mã chi nhân’ là đạo đức của kẻ thắng. Ngày nay nên hiểu chữ ‘sát’ một cách rộng rãi hơn. Đừng giết thể xác, đừng giết tinh thần. Cũng đừng nói thắng bại nữa: máu chảy ruột mềm. Nói ngàn lời không bằng một hành động tượng trưng cụ thể. Thiếu gì hành động như thế! She Stoops to Conquer, nhan đề đó của một cuốn tiểu thuyết trong văn chương Anh e nói lên điều tôi muốn nói chăng? Cúi xuống để chinh phục. Khiêm cung là thái độ của người quân tử. Anh nói ‘lòng tin’. Tôi nói: Khiêm cung và thành tín. Chắc cũng giống nhau” [2] .

Có ý kiến, quan điểm khác nhau nhưng đều có tấm lòng tha thiết đối với quê hương đất nước đã là quá quý, là quá đủ để có thể ngồi lại với nhau, bàn thảo chuyện trò với nhau. Chuyện đó đâu có gì là bất thường mà là quá bình thường với thực tế của cuộc sống trong thế giới ngày nay, trong chính truyền thống chống xâm lược và ngay trong xây dựng hoà bình của Việt Nam. Vậy cớ làm sao các nhà văn không ngồi lại được với nhau? Cớ sao chúng ta lại không làm được điều mà Voltaire nói: “Tôi ghét câu nói của anh nhưng tôi sẽ tranh đấu đến chết cho cái quyền anh được nói câu đó!”

Ngay đến như thượng nghị sĩ John McCain, một cựu tù binh nổi tiếng trong chiến tranh cũng nói rằng, có những vấn đề còn khác biệt giữa hai bên mà Mỹ cần thúc đẩy tiến triển nhưng, “Chúng ta không cần phải làm điều này như những kẻ thù mà trên tinh thần những người bạn.” [3]


*

Vậy, với các nhà văn, chúng ta nên bắt đầu từ đâu? Hãy từ những việc đơn giản, chứ cũng chẳng có gì quá to tát.

Nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đề xuất về việc “đọc nhau”:

“Ta nên có một bộ phận nghiên cứu cho nhập với số lượng cần thiết tất cả những gì có thể nhập được để nghiên cứu. Về nội dung có thể mình không xài được nhiều nhưng về hình thức ít ra mình cũng học thêm được một cái gì mới. Vấn đề quyết định: thử hỏi ai trong chính quyền ta làm được việc này? Hay lại giao cho con buôn mang danh cơ quan Nhà nước thực hiện? Tôi chưa tìm được câu trả lời.” [4]

Ý kiến của anh Xuân là chân thành và thẳng thắn, nhưng tôi nghĩ, có thể làm được nhiều hơn thế. Những ngày đầu hè 2007 này, anh Xuân cũng có dịp đến Boston tham gia chương trình nghiên cứu của WJC. Tại đây, nói chuyện với tôi và Nguyễn Bá Chung, anh đã đề xuất những kiến nghị mạnh mẽ để có thể có sự đóng góp nhiều hơn của những Phật tử chân chính mà các học trò của thầy Nhất Hạnh đang ở hàng đầu và có những ý kiến mạnh mẽ, thiết thực hơn để làm sao các nhà văn “trong - ngoài” có thể ngồi lại với nhau “bàn việc nước”.

Có không ít tác phẩm hay, sáng tác và nghiên cứu, của các tác giả người Việt ở nước ngoài cần đưa tới người đọc trong nuớc chứ không chỉ đến với các nhà nghiên cứu và, cần những người “xắn tay áo” nhưng không nhất thiết phải là Nhà nước, dĩ nhiên, cuối cùng cũng phải được “ông” Nhà nước ủng hộ. Nhưng tôi không tin lúc này có “ông” Nhà nước nào lại công khai không ủng hộ việc hoà giải, hoà hợp giữa nhà văn với nhau. Tôi nghĩ, để “bắt đầu của bắt đầu” và để kế hoạch có tính khả thi, trước hết, Hội Nhà văn cần có bộ phận văn học Việt Nam ngoài nước. Tham gia bộ phận này cần một số nhà văn, nhà nghiên cứu có kinh nghiệm và hiểu biết ít nhiều văn học hải ngoại, có khả năng nghe ý kiến đối thoại và đề xuất sáng kiến. Bộ phận này có mấy việc phải làm .
Hiện nay, có một hoạt động mà nếu có đủ mặt đại biểu nhà văn trong nước và nhà văn Việt Nam ở nước ngoài thì đó sẽ là biểu hiện có ý nghĩa đầu tiên của cố gắng này, là việc giới thiệu tác giả, tác phẩm tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Dĩ nhiên, những người bảo thủ truyền thống ở trong nước vốn luôn giữ thái độ “ngạo mạn cộng sản” và lực lượng chống cộng cực đoan ở ngoài nước giống nhau ở thái độ kịch liệt chống dối các nhà văn Việt Nam hiện sống ở nước ngoài có mặt trong Bảo tàng. Nhưng dù còn nhiều tranh cãi gay gắt về mức độ “có mặt”, dù còn không ít ý kiến chống đối sự có mặt, xu hướng có sức thuyết phục để dần trở thành xu hướng chung là không đồng tình với thái độ trên đây. Thái độ khoa học lành mạnh đã dần được khẳng định và cần khẳng định là:
Ngay với tác giả trong nước đã từng tham gia kháng chiến, có tác phẩm đóng góp cho văn học cách mạng, nhưng đã và đang có những hoạt động, tư tưởng và tác phẩm đi ngược lại với định hướng của Nhà nước, vẫn không thể vứt bỏ những đóng góp của họ trước đây.

Đó là những cái nhìn tỉnh táo, thực tế.

Dĩ nhiên còn nhiều tuế toái, phức tạp để có thể vui vẻ “ngồi chung một chiếu” như vậy. Trong nước có phức tạp của trong nước, ngoài nước có phức tạp của ngoài nước. Như có nhà thơ người Việt nổi tiếng hiện ở Mỹ đã cùng anh em trong nước chọn xuất bản một tập thơ của mình (dĩ nhiên để có thể xuất bản tập thơ này, anh em trong nước đã phải “toát mồ hôi” thuyết phục không ít “cửa”). Nhưng khi tập thơ ra mắt bạn đọc, chính nhà thơ đó, không biết hãi “cộng đồng” đến cỡ nào mà đã tuyên bố với họ là anh… không hề hay biết chi chuyện này hết! Anh em trong nước tá hoả tam tinh và khi gặp lại hỏi nguyên cớ thì nhà thơ nọ trả lời tỉnh quơ: “Tôi không nói vậy để họ thịt tôi à?!”

Anh em ớ người: ở cái xứ dân chủ mà sao không có lấy chút dân chủ nào vậy cà!

Nhưng chính cái tiền lệ “trật mấu đòn gánh” này lại gây khó cho anh em đã kiên trì đề nghị “trải chiếu ngồi chung” trong Bảo tàng Văn học. Những người phản đối việc ngồi chung lấy đó làm một trong những ví dụ cho sự phức tạp của việc “đưa mấy cha” vào ngồi chung. Vẫn anh nhà văn có cách ăn nói “lính tẩy” nọ lên tiếng:

“Giả dụ, là tôi giả dụ thôi nhớ, cứ cho là chọn được bốn dăm người đi, nhưng cả bốn dăm cha đó đều lên đài lên báo tuyên bố, mà toàn đài báo Tây cả nhé, là mấy chả không thèm ngồi với mấy thằng cộng sản trong nước. Thế thì Hội Nhà văn là cái…mặt mẹt gì!”

Cho dù có những nhà văn từ chối tham gia ngồi chung chiếu (Ngay trong nước cũng có người từ chối chứ chưa kể ở nước ngoài. Và trong số nhà văn tôi quen biết ở nước ngoài cũng có người từ chối vì nhiều lẽ mà lẽ chính tôi tin là… hãi cộng đồng). Cho dù có những tác giả như nhà thơ sợ bị cộng đồng “thịt” đã nói trên kia… Nhưng may thay, nhiều nhà văn nhà thơ Việt Nam ở nước ngoài không xa lạ với đất nước như thế, không sợ bị “thịt” như thế.

Khi biết tin về dự tính của Bảo tàng Văn học, chỉ trong số các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu mà tôi quen biết, nhiều người đã tỏ thái độ hoan nghênh “sự cởi mở, dù đã quá chậm” của trong nước. Những anh chị như Luân Hoán, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Thị Thanh Bình, Trương Vũ, Thuỵ Khuê, Cao Huy Thuần, Trần Kiêm Đoàn, Nguyễn Bá Chung, Trần Vũ, Đặng Tiến… Họ giới thiệu những tác phẩm theo họ là giá trị nhất của các tác giả mà họ am tường. Họ viết thư một lần và nhiều lần, một khi nhớ thêm hoặc có suy tính mới. Họ không sợ gì hết, chỉ sợ sự thiếu chính xác của trong nước và của chính mình thôi. Và đặc biệt khi được hỏi về mình, họ rất tự trọng và tỏ ra am tường tình hình trong nước. Như Thuỵ Khuê chẳng hạn.

“… Tôi chưa có tác phẩm nào ưng ý. Nhưng nếu phải chọn thì nên chọn cuốn Cấu trúc thơ,cuốn này chuyên về học thuật; có lẽ nó dễ được chấp nhận hơn,mặc dầu vẫn còn nhiều thiếu sót và cần phải hiệu đính lại. Còn các cuốn Sóng từ trường chuyên về phê bình là lãnh vực của tôi, nhưng như anh thấy trên mạng. đã có 3 cuốn, nhưng trong đó tôi viết nhiều điều rất có thể là chưa được dễ dàng chấp nhận trong lúc này” [5] .

Sau khi gửi cho tôi đọc truyện “Giáo sĩ” sâu sắc và độc đáo của mình, Trần Vũ từ Paris gửi tiếp cho tôi truyện vừa Miền Vĩnh phúc của Vũ Quỳnh Hương (ở San Jose, Hoa kỳ), Vũ viết: “Để anh hiểu thêm về văn học di dân. Chính những tác giả sống ngay trong xã hội Hoa Kỳ mới có thể viết được như thế.” [6]

Vũ Quỳnh Hương vẽ lên cái mặt trái của xã hội Hoa Kỳ mà trong đó giá trị gia đình truyền thống bị phá vỡ một cách thê thảm. Tác phẩm viết về những người già sống những ngày cuối đời ở một Viện dưỡng lão thật cô đơn,khắc khoải vì khao khát một chút hơi thở của người thân. Tôi xúc động khi đọc truyện này và thấy ngay ở Việt Nam đã xuất hiện không ít kẻ lắm tiền hoặc chạy theo đồng tiền mà bỏ bê con cái phải nuôi nấng, cha mẹ già phải phụng dưỡng và cần phải cảnh báo tình trạng này. Qua nhiều lần liên hệ, xin phép tác giả, vì tôi cũng ngại biết đâu tác giả cũng là người “hay sợ gió máy”, tôi giới thiệu tác phẩm trên tạp chí Sông Hương số Xuân 2007. Sau khi nhận được tờ tạp chí đăng truyện của mình, Quỳnh Hương gửi sự ngạc nhiên đến tôi:

“… Tôi cầm tờ báo trên tay với một sự ngạc nhiên dễ chịu. Lần trước tôi về Việt Nam (cũng khá lâu rồi) chỉ thấy báo in đẹp là những tờ báo in hình tài tử màu mè, không thấy một tờ báo văn học đứng đắn nào đẹp từ hình thức đến nội dung như Sông Hương bây giờ. Có lẽ nhiều năm qua tình hình báo chí cả nước có tiến triển, hay vì Huế là cái nôi của văn học miền Nam nên mới cưu mang sinh sản ra được một tờ báo bề thế như Sông Hương?” [7]

Và Hoàng Khởi Phong.

Là người viết văn xuôi, tôi đã “cả gan” giới thiệu một bài thơ của Hoàng Khởi Phong, bài “Ghềnh thác cho cha”, trên tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi hỏi Phong có dám cho đăng mà không sợ cộng đồng “thịt” không, Phong vặc: “Ông đánh giá tôi xoàng vậy à? Nhưng, không được thêm, bớt, chữa của tôi một cái dấu phẩy, nếu Tổng biên tập muốn đăng.”

Và tôi viết lời giới thiệu bài thơ này:

“Hoàng Khởi Phong đã có nhiều thơ trước 75. Đã có rất nhiều bút ký, truyện ngắn, hồi ký, tiểu thuyết…, sau 75, sống ở Mỹ và hiện đang gấp rút hoàn thành trường thiên tiểu thuyết Người trăm năm cũ. Đa dạng như cuộc đời trầm luân của anh: từng là sĩ quan quân cảnh, thợ cơ khí, người bán xăng, nhà báo… Nhiều trang viết của anh khá dữ dội và cả… dữ tợn. Đó là văn xuôi. Còn thơ, da diết và trải lòng. Anh dữ dội mà bao dung, nhân ái. Bao nhiêu năm xa quê mà hồn vía vẫn ở một làng quê Hải Dương, nơi Nguyễn Vinh Hiển ra đời năm 1943.

Tôi đọc thơ Hoàng Khởi Phong từ trước 75, trong những ngày xe tăng Mỹ cày nát vùng cát Phú Vang và đêm sững sờ nhìn những đám cháy loang lỗ lưng chừng trời của vùng Tây Huế bị napal. Những bài thơ in roneo, vì không được cấp giấy phép xuất bản, chỉ gửi biếu bạn bè chia sẻ nỗi lòng, tập Phục hồi quyền chức làm người,mà một người bạn giáo chức Huế cho tôi mượn. Hơn ba chục năm trời đã qua, một bài thơ lạ lùng trong tập ấy cứ ám ảnh, cứ đeo lấy trí nhớ kém cỏi của tôi mãi, bài ‘Ghềnh thác cho cha’. Số phận truân chuyên, bi hùng của đất nước đã nhập vào từng làng xóm, từng gia đình, từng con người để thử thách, để giằng xé, để chia nát… nhưng hơi thở của nòi giống, lòng hiếu nghĩa với đức sinh thành và cái tâm đối với con người vẫn nguyên vẹn, dù trong xót xa cay đắng.

Qua Trương Vũ giới thiệu, mùa hè năm ngoái, tôi mới có dịp gặp Hoàng Khởi Phong tại quận Cam. Theo yêu cầu của tôi, Hoàng Khởi Phong hai lần đọc cho tôi nghe bài thơ, lần sau chậm hơn lần trước. Hoàng Khởi Phong kể rằng, anh là đứa học hành không ra gì nhất, sống văng mạng nhất trong những người con nên khiến ông già thất vọng nhất. Nhưng trong một dịp về phép ngắn, anh đọc bài thơ này cho cha trước giờ quay lại mặt trận, cha anh đã sững sờ nhìn con. Từ đó anh là đứa con mà ông thương yêu, chờ đón nhất nhà. Giọng trầm, vang của Hoàng Khởi Phongchùng xuống, nghẹn ngào. Tôi giục Phong chở tôi tới nhà thằng cháu đích tôn của ông già để kính cẩn thắp một nén nhang lên bàn thờ ông.

Tôi xin được giới thiệu bài ‘Ghềnh thác cho cha’ với bạn đọc tạp chí Thơ.

Huế tháng 8/2006

Tô Nhuận Vỹ"

Ghềnh thác cho cha

Cha mệt rồi sao không ngơi nghỉ
Cha già rồi sao còn gội nắng mưa

Con nhìn cha không thể nói được gì
Khi quá khứ cha viết bằng tủi nhục
Có phải cha đã dùng vũ khí thô sơ
Gậy tầm vông chui luồn ngõ hẹp
Tự vệ Thành không giữ nổi Thăng Long
Cha đã bỏ theo kháng chiến mùa thu bừng ngọn lửa
Cha đã kể con nghe
Về ba lô vá mộng sông hồ
Về anh lính biên khu mơ về đồng nội
Cuộc đời cha trôi trên dòng sông
Có nhiều ghềnh thác
Cha nói rằng cha ghét lính viễn chinh
Lính Lê dương bán rẻ tâm hồn
Cha chiến đấu cho chúng con được niềm kiêu hãnh
Sao cha đành bỏ lại chiến khu
Sao cha về thành
Để công lao dật dờ ra biển
Sao cha căm thù anh bộ đội áo nâu
Cha cần tiền cho con ăn học
Phải dằn lòng làm công chức héo hon
Ngày hai buổi cha chịu quyền dưới đám thực dân
Đêm nghe tiếng súng vọng từ xa cha trằn trọc
Cha dậy con phải giữ tin yêu
Độc lập hoà bình phải có tình thương làm căn bản
Bây giờ cha đã thật già
Đã dẫn chúng con qua mạch nước đen
Đã bỏ lại gia tài cha vun xới
Bây giờ chúng con đã lớn
Chúng con đi rồi ai phụng dưỡng cha
Nắng miền Nam đổ lửa
Mưa miền Nam tả tơi
Cha đã về hưu đi làm tư chức
Tháng tháng mươi ngàn nuôi mẹ nuôi em
Con không biết phải nói gì
Khi buổi sáng thấy cha dong xe ra ngõ
Áo trên người đeo chiếc thẻ ra vô
Sở của cha toàn người lạ mặt
Toàn người già toàn phụ nữ tanh ôi
Phục sức hở hang làm cha choáng váng
Nói nói cười cười làm nước mắt cha rơi
Bây giờ cha ở nhà còm cõi
Các em con rồi sẽ lớn khôn
Sẽ theo gót cha khinh bỉ lũ viễn chinh
Lũ mang quân phục mà vô tổ quốc
Lũ không đất đai nên dày xéo quê người
Chúng con đem xương máu đắp đường
Nâng gót chân cha trở về nhàn hạ
Cha cha ơi
Đã tham gia kháng chiến mùa thu
Đã làm công chức nuốt niềm tủi nhục
Đã làm tư chức chụi đựng đắng cay
Cha đã già xin giữ gìn nước mắt
Sẽ có một chiều cha lại khóc măng
Khi nhận chiếc đính bài con thường đeo nơi cổ
Để hôm nay con nhìn cha lòng buồn tức tưởi

Cha cha ơi
Cha già rồi sao không ngơi nghỉ
Cha mệt rồi sao còn gội nắng mưa

Hoàng Khởi Phong
Sài Gòn 1969

Bài thơ đã được Tổng biên tập Hữu Thỉnh giữ đúng lời hứa không thay đổi dù chỉ là một dấu phẩy cũng như để y nguyên lời giới thiệu của tôi. Anh nói với tôi qua điện thoại: “Bài thơ xúc động quá!”

Tôi kể hơi dài mấy trường hợp cụ thể như của Thuỵ Khuê, Vũ Quỳnh Hương, Hoàng Khởi Phong… để thấy rằng không phải nhà văn nào ở hải ngoại cũng xa lạ với đất nước và việc hoà hợp dân tộc. Tôi cũng nói thêm rằng, khi nhận được tạp chí Thơ giới thiệu bài thơ này cùng với nhiều nhà thơ hiện sống ở Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp, Nga, Đức…, Phong viết thư cho tôi. Dòng đầu tiên là: “Lời giới thiệu của anh như thế là tuyệt vời. Ngắn, gọn và đầy đủ ý nghĩa…” [8]

Hoạt động để có thể “ngồi chung chiếu”, để góp phần vào hoà giải, hoà hợp, phần ở nước ngoài,vì không có một tổ chức tương ứng và việc làm này có khó khăn hơn ở trong nước, tôi nghĩ cần linh hoạt hơn. Ví dụ, các tờ báo lâu nay đã đăng nhiều sáng tác và nghiên cứu của các tác giả trong nước như Hợp lưu, Văn, Văn học, talawas… cần ủng hộ hai nội dung hoạt động trên bằng những sáng kiến cụ thể và thường xuyên. Hoặc các nhà văn đã từng có mối quan hệ với văn học trong nước, tự mình ủng hộ, tham gia chủ trương này, thông qua tổ chức Hội Nhà văn hoặc cá nhân nhà văn đã có quan hệ. Tôi tin rằng, những người Việt Nam cầm bút ở nước ngoài, cho dù bị nhiều áp lực, sẽ ủng hộ chủ trương này. Cuộc gặp gỡ tại thành phố Hồ Chí Minh vừa qua của cá nhà thơ Thanh Thảo, Nguyễn Thuỵ Kha, Trần Mạnh Hảo, Du Tử Lê, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Đức Tùng là một gặp gỡ thật hay. Tôi tâm đắc với câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh: Con người không gắn với cội rễ, làm sao sống hạnh phúc?

Với cái Tâm trong sáng vì đất nước, vì nền văn học thống nhất của những người cầm bút Việt Nam chân chính, tôi tin là, dù bắt đầu bằng những việc nhỏ bé, các nội dung trên sẽ góp phần thúc đẩy việc lớn.


5. Kết luận

Để kết thúc tiểu luận này, tôi muốn nói đến các nghệ sĩ Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị, hai nghệ sĩ Việt Nam hết sức tiêu biểu ở nước ngoài.

Lê Bá Đảng còn rất khoẻ và minh mẫn. Năm kia, vợ chồng tôi cùng anh đi nghỉ vài ngày tại khu du lịch ở Lăng Cô. Buổi sáng nhìn ông già 82 tuổi bơi như cá kình ngoài biển mà “ớn sườn” cho sức lực của mình quá. Tôi chú ý thì thấy trong việc sáng tạo của anh, có thể do ra đời ở một vùng quê nghèo thường xao xác khô cháy mỗi mùa gió Lào, xuất thân ngày ra đi của anh là một lính thợ và cái nghèo khó đến mức không có tiền mua thuốc để chữa bệnh cho đứa con đầu lòng những ngày lạnh giá năm xưa tại nước Pháp, và chỉ nhờ bức vẽ “Con mèo” mà gia đình anh tai qua nạn khỏi, có thể từ đầu là như thế, nên anh rất hay làm, hay nói đến và hay tạo ra những hạt gạo làng quê, bàn chân Giao Chỉ, vườn xanh, cây lá… “Phải làm cái gì mà thằng Tây không có, chỉ của riêng nước mình”. Và bao giờ sáng tạo của anh cũng đi đôi với việc phải thu lại đồng tiền tuơng xứng với công sức bỏ ra. Nhiều người nói anh chị rất giàu vì tranh của anh bán ra khắp thế giới và rất có giá. Tôi không chú ý và không biết điều đó. Chỉ biết rằng, lần anh về làng năm 1992, cả làng Bích La của anh ba ngày không đỏ lửa để đến ăn cơm nhà anh do anh chị mời và dịp đó anh bày tranh ở đình làng, treo trên hàng rào, móc ở cành cây… cho bà con cô bác cả đời chưa một lần lên thành phố xem tranh bao giờ xem. Và ai ai cũng khen “Chú Đảng hay thiệt!” Mà không khen sao được: anh bỏ tiền xây trường học, trạm xá, đường làng. Anh xây ngôi nhà nhỏ mà đủ tiện nghi để có thể là nơi làm ra các mẫu sản phẩm nghệ thuật đưa đi chào, ngay trên mảnh đất của cha mẹ anh. Hôm ra dự khánh thành khu nhà, tôi bần thần khi anh chỉ vào một gốc trầu xù xì mà anh vun xới lại nên vẫn còn ra lá tươi tốt: “Gốc trầu ngày xưa mạ tôi vẫn hái ăn cau trầu đó” - rồi anh chỉ vào các viên đá xanh, tròn chất ngay cạnh “Đó là mấy hòn đá kê cột nhà tôi ngày xưa, sẽ dùng lại nó đấy!” Anh nói năng bộc trực, dân dã, cứ mở miệng ra là “tôi là thằng nhà quê”, ăn thì thích nhất là về làng để cô em dâu, năm nay cũng hơn 70 rồi, nấu cho ăn những món ăn nhà quê và theo cách nhà quê mà anh luôn hít hà: “Cô em tôi nấu ăn ngon không ai bằng!” Anh cũng có những bức xúc với trong nước. Anh đã thổ lộ với tôi không chỉ một lần: “Tôi đã làm bao nhiêu việc giúp phái đoàn Mặt trận của bà Bình lúc hoà đàm, mới được tặng cái bằng khen cờ nửa xanh nửa đỏ treo ngoài nhà mà anh đã thấy đó, vậy mà sau giải phóng về nước cứ bị công an theo kè kè như theo tên gián điệp, ai chịu được!”

Nhưng đáp lại sự mong mỏi của anh em văn nghệ, của cả những người hiểu biết nhất trong chính quyền, và nhất là xuất phát từ tấm lòng luôn hướng về quê cha đất tổ của anh, Lê Bá Đảng lại về bày tranh, bày một cách hoành tráng trong Festival Huế 2002, 2004, bày ngay tại Bảo tàng Hồ Chí Minh do anh chọn. Và ngày 10 tháng 6 năm 2006, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng đã khánh thành tại số 15 Lê Lợi, toà nhà đẹp nhất bên bờ sông Hương, toà nhà mà Thừa Thiên - Huế đã từ chối lời đề nghị trước đó để thành lập Trung tâm Văn hoá của một cường quốc mà dành trọn vẹn cho Lê Bá Đảng. Đây là Trung tâm Nghệ thuật tạo hình đầu tiên của một cá nhân người Việt ở nước ngoài có mặt ở Việt Nam, sau Nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị, nhưng hoành tráng, thoáng rộng hơn. Trung tâm được giao toàn quyền cho Lê Bá Đảng điều hành. Tại buổi khai trương, Lê Bá Đảng ký giấy tặng nhân dân Thừa Thiên - Huế 108 tác phẩm trưng bày đợt 1 trong toà nhà và những ngày sắp tới của hè 2007, lại đúng vào dịp 10 tháng 6, Lê Bá Đảng sẽ trao tặng tiếp số tác phẩm vừa chuyển từ Paris về.

Còn chuyện Điềm Phùng Thị. Tôi có dịp gần gũi và gắn bó với chị Điềm Phùng Thị kể từ ngày chị quyết định xây dựng Nhà trưng bày tác phẩm tại Huế. Nhà điêu khắc Việt Nam nổi tíếng nhất ở phương Tây, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật châu Âu, người mà các bạn Pháp ca ngợi là biểu tượng xuất sắc sự hài hoà của hai nền văn hoá Việt-Pháp… đã khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và khi ra đi, chị đã để lại trong sâu thẳm lòng tôi và cả gia đình tôi niềm tiếc thương khôn xiết. Người đàn bà nhỏ bé và xinh đẹp ấy đã bỏ lại phía sau lưng tất cả cuộc sống nhung lụa của một gia đình thượng lưu quyền quý, sự giàu sang của cái nghề nha sĩ hái ra tiền ở phương Tây, bỏ qua cả những xử sự cay nghiệt một thời trong nước đối với cái lý lịch thượng lưu Tây của mình, bỏ qua biết bao nhiêu bực bội, bức xúc xảy ra hàng ngày mà cái cơ chế “bó rọ” một thời trong nước mà chị phải đương đầu cũng như bao sự lôi kéo, nỉ non và cả sự phá bĩnh của không ít kẻ chống cộng cực đoan tại Pháp không muốn có sự hiện diện rạng rỡ như vậy của chị tại Việt Nam trong suốt mấy năm trời xây dựng Nhà Trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị tại số 1 Phan Bội Châu - Huế. Chị bỏ qua tất cả, để chỉ vì Tổ quốcNghệ thuật. Chị đi suốt, lúc Bắc lúc Nam, lúc Pháp lúc Việt, đến tất cả những nơi nào cần đến để thuyết phục, để năn nỉ, để cãi lộn nữa, để có một sự đồng tình, để đừng cản trở, để kiếm một chỗ trưng bày xứng đáng với Huế, để có một loại đá tốt nhất có thể ở Việt Nam, để, để… với cái chân tật nguyền, với ông chồng điên tàng luôn đem theo bên cạnh, với phong thái vừa sang đài vừa cần lao, vừa nặn óc vẽ kiểu tượng vừa xắn tay đục đẽo… Có lúc tôi phát khiếp: người đàn bà đã ở cái tuổi cổ lai hy ấy lấy đâu ra sức lực phi phàm như thế? Rồi khi anh Điềm - người chồng, người bạn thân thiết nhất cuộc đời chị - ra đi, chúng tôi tưởng chị sẽ không còn sức để trụ lại nữa, vậy mà chị còn lăn xả với công việc nhiều hơn, lăn xả để vượt qua cả sự cô đơn ngặt nghèo. Có đêm, đã hơn hai giờ sáng, chị gọi điện lên nhà tôi. Tôi hoảng quá, tưởng chị gặp chuyện gì bất trắc, nhưng giọng lào thào của chị đã khiến nước mắt tôi trào ra: “Chị kêu anh Điềm mãi mà anh không về. Em xuống đây nói chuyện với chị một lúc, chị buồn quá.”

Và khi Nhà Trưng bày khánh thành, chị ký ngay biên bản chính thức: “Tặng tất cả 136 tác phẩm tại Nhà Trưng bày cho Nhân dân thành phố Huế”!

Cũng phải kể đến quyết tâm thực sự của lãnh đạo thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho dù còn nhiều ý kiến không đồng tình, vẫn quyết định chuyển cơ quan giáo dục của thành phố đi nơi khác, để giành vị trí đẹp vào loại nhất thành phố cho Nhà trưng bày của chị Điềm và chuyển Trung tâm Festival cùng Sở Bưu chính viễn thông đi nơi khác để dành toà nhà 15 Lê Lợi cho Lê Bá Đảng. Và dĩ nhiên, đi đầu trong việc này luôn luôn là các nhà văn, các nghệ sĩ tiêu biểu nhất của Huế. Tôi còn nhớ vụ chị Điềm có nhờ bạn bè ở Pháp in giùm chị đoạn phim mà truyền hình Pháp vừa làm về chị và mới cho công chiếu, rồi gửi về để chị cho chiếu trên truyền hình Huế. Nhưng, không ngờ gần cuối cuốn phim đó, kẻ xấu đã cho chen vào một đoạn phim chống cộng rẻ tiền được dàn dựng ở nước ngoài, khoảng năm phút, nên cơ quan văn hoá thành phố Hồ Chí Minh giữ lại. Tôi và anh Mễ Chủ tịch UBND bàn với nhau và tôi vào trực tiếp gặp lãnh đạo bộ phận xuất nhập văn hoá phẩm với tư cách là đại diện Điềm Phùng Thị tại Việt Nam lúc đó. Chúng tôi ngồi xem và cùng khẳng định, chị Điềm không liên quan gì đến đoạn phim này. Anh em cơ quan quản lý văn hoá cũng tin như vậy. Và họ đã cho cắt bỏ đoạn phim mà bọn xấu đã tính hại chị Điềm, rồi trao lại cho tôi trọn vẹn cuốn phim đem về cho chị. Còn chị Điềm thì mãi sau này chị vẫn còn ngẩn ra mỗi khi nhớ lại chuyện này: “Họ hại chị mà làm chi rứa em hè?”.

Với tâm hồn trong sáng của một nghệ sĩ lớn, chị không thể hiểu sao trên đời lại có kẻ mang danh trí thức yêu nước mà có cư xử “tèm hem” như vậy.

Với riêng chị Điềm, tôi còn một ân hận mà mỗi lần nhớ tới chị tôi lại đau lòng. Lần đó, chị nói với tôi: “Em thôi việc Nhà nước để làm việc này cùng với chị đi! Một mình chị làm không nổi.”

“Việc này” là việc mở rộng cơ ngơi ở số 1 Phan Bội Châu để đủ chỗ trưng bãy thêm hàng trăm tác phẩm chị sáng tác sau này và mới đưa hết từ Pháp về, là kế hoạch triển khai vườn tượng ra vùng đồi gần lăng Khải Định, địa điểm mà chị đã cùng tôi với anh Mễ lùng sục kiếm tìm và hai triều Đại sứ Pháp đã vui vẻ hứa sẽ hợp tác, là tượng đài ở các cửa ngõ thành phố, là khu trưng bày tại hồ Tịnh Tâm…

Tôi đã không làm được điều chị mong muốn. Tôi còn mang nợ chị Điềm. Nhưng tôi tin rằng, Huế, với tâm huyết của anh em văn nghệ, trí thức ở Huế cũng như ở Pháp (trong Hội bạn Điềm Phùng Thị) và nhận thức ngày càng mở ra của những người có quyền lực, với sự trợ giúp của nhà nước Pháp… sẽ biến ước nguyện của chị sẽ thành hiện thực.


*

Cả thế giới đang tiến bộ mau chóng, từng ngày, chẳng lẽ chúng ta không day dứt trước cảnh “ăn sau chạy dọi” của đất nước mình? Nếu thực sự có tấm lòng với đất nước, mỗi nhà văn Viêt Nam ở trong nước sẽ làm được. Các nhà văn, các nghệ sĩ, các trí thức Việt Nam ở nước ngoài sẽ làm được, cho dù chỉ là một phần như Lê Bá Đảng, như Điềm Phùng Thị đã làm. Như Trần Văn Khê, Phạm Duy, Tôn Thất Tiết, Nguyễn Thiện Đạo… đã làm. Như Nguyễn Đức Tùng đã bày tỏ trong cuộc gặp gỡ với các nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Du Tử Lê, Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo:

“Tôi hy vọng rằng một ngày kia tất cả những người ra đi sẽ về lại bên nhau đầy đủ, ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, mang theo cả những người không bao giờ còn có thể về lại được nữa. Chia xẻ và thấu hiểu, kính trọng và tha thứ. Trên chiếc chiếu của tình tự dân tộc và của thơ ca Việt Nam” [9]

Tôi xin mượn ý kiến của giáo sư Cao Huy Thuần để kết thúc bài viết này:

“… Văn nghệ sĩ hãy làm đi, đừng chờ đợi ai khác. Tự mình mở ra không gian cho mình. Nếu đến bây giờ mà văn nghệ sĩ không cùng nhau ‘khoán’ được một xã hội dân sự văn học để làm cái chuyện thông cảm nhau,’đọc nhau’, như anh đề nghị, thì chúng ta còn làm cái gì được nữa? Chuyện đó, Nhà nước coi bộ cũng muốn, cũng thấy cần thiết. Nhà nước đã muốn, anh sáng tạo ra bước đi, đó chẳng phải là chức năng của anh sao? Anh chờ ai?” [10]

Huế - Boston 2005 – 2007

© 2007 talawas



[1]Nguyễn Bá Chung, “Thiền hành trên quê hương”, Phù Sa online 6/5/2005
[2]Cao Huy Thuần, Thư gửi Tô Nhuận Vỹ, ngày 18/8/2004
[3]John McCain – Phát biểu tại Gala dinner chiêu đãi thủ tướng Phan Văn Khải tối 22/6/2005 nhân chuyến thăm Mỹ theo lời mời của Tổng thống Bush, VietNamNet 22/6/2005, www.vietnamnet.vn/10namvietmy/chuyenthammy/2005/06/459849/
[4]Nguyễn Đắc Xuân, Thư gửi Tô Nhuận Vỹ, ngày 05/9/2004
[5]Thuỵ Khuê, Thư gửi Tô Nhuận Vỹ ngày 26/ 10/ 2006
[6]Trần Vũ, Thư gửi Tô Nhuận Vỹ ngày 20/ 10/2006
[7]Vũ Quỳnh Hương, Thư gửi Tô Nhuận Vỹ ngày 30/ 5/2007
[8]Hoàng Khởi Phong, Thư gửi Tô Nhuận Vỹ ngày 14/8/2006
[9]Nguyễn Đức Tùng, “Mừng vui còn có hôm nay”, talawas ngày 09/6/2007, bài đã dẫn
[10]Cao Huy Thuần, Thư gửi Tô Nhuận Vỹ , ngày 04/11/2006