© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
1.1.2008
Uông Triệu Vận
Thư công khai gửi Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo
Tam Dương lược dịch
 
Thưa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tôn kính,

Xin kính chào hai vị lãnh tụ!

Tôi là Uỷ viên thường vụ Hội nghị Chính trị Hiệp thương tỉnh An Huy.

Đại hội 17 của Đảng đã kết thúc, đã xác định hơn nữa địa vị lãnh đạo của hai vị, vì có tinh lực và năng lực quán triệt phương châm thi chính của hai vị, nên tôi viết thư này: đối sách xã hội hài hoà.

Sau khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhận nhiệm vụ đã đề xuất: “quan điểm khoa học”, “kiên trì lấy con người làm gốc”, quan niệm cầm quyền “xây dựng xã hội hài hoà”. Điều đó quả là nhằm trúng cái quan trọng của xã hội Trung Quốc hiện nay, nên được trong và ngoài nước đánh giá tốt. Thế nhưng một thời gian dài tình hình Trung Quốc vẫn chưa chuyển theo phương hướng tốt đẹp, vẫn chưa thay đổi theo quan niệm cầm quyền của hai vị, hơn nữa không ít nơi còn nát bét!

Tất nhiên, trong xã hội người ta có bàn tán: quyền lực của hai vị bị ràng buộc, “chính lệnh không phát ra từ Trung Nam Hải” v.v. Tuy vậy bất kể nói như thế nào, Đại hội 17 đã họp xong rồi, mục tiêu thi chính của hai vị nên triển khai ra thực tế, sắc thái, ngọn cờ của hai vị nên từng bước sáng lên! Có người nói: đã sáng lên rồi, đó là thông báo, nghị quyết, văn kiện của Đại hội 17.

Thế nhưng căn cứ vào lịch sử phong trào cộng sản quốc tế, đặc biệt là căn cứ vào lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, nghị quyết và văn kiện của Đại hội thấy, đều là sản phẩm của sự thoả hiệp. Sau Đại hội vẫn còn nhiều nội dung lắm.

Nhân dân nước ta đã trải qua nhiệm kỳ thứ nhất của hai vị trong chờ đợi, nhiệm kỳ thứ hai của hai vị, quyết không thể trải qua như vậy! Bởi vì hiện thực của Trung Quốc không thể để hai vị trải qua như thế được nữa.


I. Hai quả bom bi treo trên xã hội Trung Quốc

Xã hội Trung Quốc đã chôn khá nhiều quả bom, nói như vậy không sai sự thật đâu. Nếu như bảo hãy lui đến khi nhiệm kỳ hai của hai vị kết thúc mới nói cũng không thể nào vòng qua được, cho nên ngay từ bây giờ cần phải đối mặt với bom đạn vậy!


1. Quả bom thứ nhất trong xã hội Trung Quốc - Thị trường cổ phiếu

Thị trường cổ phiếu Trung Quốc hiện nay đã là “Bộ quần áo mới của hoàng đế”, dường như ai cũng biết nó đã tiềm ẩn chiếc bong bóng khổng lồ, nhưng nó vẫn còn đang điên cuồng tăng! Bởi vì giới truyền thông đang đánh trống reo hò: “Đây là thành quả vĩ đại của cải cách, là sự kiện cổ phiếu sụt giá lớn trăm năm không gặp!” Tất nhiên chủ yếu là do các vị hy vọng nó là cổ phiếu sụt giá lớn và trăm họ phổ thông cũng hy vọng nó là cổ phiếu sụt giá lớn. Thế nhưng, tình hình thực tế lại khiến mọi người của chúng ta nở nụ cười nhạo lớn!

Thị trường cổ phiếu Trung Quốc hôm nay không phải là hai năm trước - thị trường cổ phiếu Trung Quốc trước cải cách.

Nếu như nói thị trường cổ phiếu Trung Quốc được thành lập vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ngay từ lúc bắt đầu đã bị chính phủ một tay thao túng, nhằm trù tập tiền vốn cho các xí nghiệp quốc hữu. Lúc đó còn là dùng dao mổ trâu giết gà, lúc tăng lúc giảm, nhiều năm cổ phiếu bị tụt đến đáy mà không gây ra chấn động lớn với xã hội và cả tình hình chính trị, thế nhưng tình hình hiện nay đã thay đổi rồi! Bắt đầu từ nửa cuối năm 2006, thị trường cổ phiếu một mực tăng như điên, cổ phiếu A đến 30/5 năm 2007 đã từ 3300 tỷ NDT tăng vọt lên 18000 tỷ NDT. Dân chơi cổ phiếu Trung Quốc đã vượt quá 100 triệu người! Thế mà vào đêm trước khi tôi viết xong thư này, trong thời gian chưa đến nửa năm thị trường cổ phiếu Trung Quốc đã vượt lên phía trước ½. Như thế là địa vị của thị trường cổ phiếu Trung Quốc trong đời sống kinh tế Trung Quốc, lực ảnh hưởng của dân chơi cổ phiếu Trung Quốc đối với xã hội Trung Quốc đã có năng lượng có thể làm rung động xã hội Trung Quốc!

Thế nhưng thị trường cổ phiếu Trung Quốc vẫn không phải là thị trường cổ phiếu tăng mạnh mà là một canh bạc lớn! Nguyên nhân như sau:

a. Thị trường cổ phiếu Trung Quốc tiên thiên bất túc

“Cải cách cổ phiếu” của Trung Quốc cho đến hiện nay, trên thực tế vẫn chỉ là một khái niệm mà thôi, nhiều nhất cũng chỉ là đem “cổ phiếu phi lưu thông” từng bước chuyển hoá thành “cổ phiếu lưu thông” của thị trường, tức là không động chạm đến việc cải cách nội bộ những công ty đã niêm yết trên thị trường.

Bởi vì những công ty niêm yết cổ phiếu trên thị trường này vẫn chưa tách rời chính quyền và xí nghiệp, giữa Đảng và chính quyền, vẫn giống như các xí nghiệp quốc doanh đang phổ biến diễn một vở kịch cung đình thời Thái Bình Thiên Quốc: Chủ tịch Hội đồng quản trị Hồng Tú Toàn ru rú xó nhà, tham lam hưởng thụ; bọn nhân vật thực quyền như Dương Tú Thanh, Vy Xương Huy thì chạy theo ham muốn, tranh đoạt quyền lợi, khi các mâu thuẫn giữa các vị “vương” này lên tới đỉnh điểm, là xẩy ra tranh cướp nội bộ, lặp đi lặp lại! So với những xí nghiệp quốc hữu, những công ty niêm yết cổ phiếu này thậm chí còn nát bét hơn, bởi vì ngoài việc có “cổ phiếu phi lưu thông” khiến họ có thể ngồi yên trên ghế Thái sư ra, họ vẫn còn được tiến cống “cổ phiếu lưu thông”. Đó là tài nguyên được phong riêng của họ.

Thế còn Uỷ ban giám sát? Đại thần đặc mệnh của chính phủ, qua sự thẩm tra của nó, sẽ ném những cổ phiếu cao hơn mệnh giá mấy chục lần xuống thị trường cấp hai, do con người tạo ra bong bóng! Lũng đoạn, hủ hoá, trị lý không thoả đáng là vấn đề tồn tại của thị trường cổ phiếu Trung Quốc từ trên xuống dưới, liên tiếp, có tính hệ thống!

b. Kinh tế Trung Quốc có bệnh bẩm sinh:

Vì sao khái niệm “cải cách cổ phiếu” Trung Quốc vừa bay trên trời xanh là đã xuất hiện tình trạng vốn ngân hàng di chuyển lớn? Điều mà Uỷ ban Giám sát lo là cải cách cổ phiếu do thiếu vốn mà khó có thể tiếp tục đã được các phương diện có liên quan mua cổ phiếu quốc hữu do nước ngoài đầu tư, và không ngờ là chỉ trong chốc lát đã biến thành nguồn vốn dồi dào! Bọn họ đúng là không nhìn thấy ngân hàng Trung Quốc đã như cái nồi sôi sùng sục, ngăn không nổi tiền vốn chạy ra ngoài! Đó là do kinh tế Trung Quốc đầu tư vô ích, tỷ suất lãi âm quá cao dẫn tới. Vì vậy không phải là kinh tế Trung Quốc tốt, được nhiều tiền đến mức quá thừa, mà là tiền vốn Trung Quốc tìm không thấy đường giá trị gia tăng, kinh tế Trung Quốc có bệnh bẩm sinh, hơn nữa bệnh không nhẹ.

c. Một canh bạc lớn:

Thị trường cổ phiếu vốn lấy cuộc cạnh tranh tài chính tiền tệ có thể biết và không thể biết để hoá giải, cân bằng các loại rủi ro khó dự đoán trong đời sống kinh tế xã hội, nhưng nếu nó bị người ta nhìn thấu, thì mục tiêu bị nhìn thấu đó sẽ là điểm bùng phát đột ngột của năng lượng tích tụ trong thị trường cổ phiếu.

Thị trường cổ phiếu Trung Quốc luôn luôn được người ta cho là thị trường chính sách, thị trường chính quyền, đó là điều đồng thuận của cả trong và ngoài nước.

Đó là vì Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn luôn vĩ đại, quang vinh, chính xác! Luôn luôn đột xuất chính trị! Vì thế để bảo đảm Đại hội 17 thuận lợi triệu tập, cũng như thể diện, một cách long trọng… trong Olympic Bắc Kinh năm 2008, trước mắt về hình thức, Chính phủ Trung Quốc chí ít nhận gánh chịu toàn bộ rủi ro của thị trường cổ phiếu Trung Quốc.

Trên thế giới không có chính phủ nào lại vui lòng hãm thân mình vào thị trường cổ phiếu. Thế mà chính phủ Trung Quốc lại nắm chặt lấy thị trường cổ phiếu, như thế là đã buộc chặt quả bom vào thân mình, điều này đúng là một hành động không minh tri!

Tất nhiên các vị có thể che giấu nguy cơ của thị trường cổ phiếu, gửi hy vọng vào một loạt biện pháp để “quá độ” nguy cơ này. Như đã đang tiến hành: hồi qui cổ phiếu Hồng Trù Hồng Công; tổ chức lại các xí nghiệp cỡ lớn thuộc Uỷ ban tài sản quốc gia và cho niêm yết ra thị trường; khai thông QDII; ngân hàng trung ương tăng lãi, giảm thuế, Bộ Tài chính phát hành quốc trái đặc biệt v.v. và v. v…

Chưa thể nói hiệu quả thực tế của những biện pháp này, nhưng một điều có thể khẳng định là các vị không thể thay đổi được một qui luật - qui luật kinh tế.


2. Quả bom thứ hai trong xã hội Trung Quốc - Vật giá

Khi thị trường cổ phiếu Trung Quốc đang tiếp tục duy trì “thị trường cổ phiếu tăng nhanh” kiểu canh bạc thì vật giá Trung Quốc đã tăng lên không bình thường không thể kiềm chế được, một mực tăng lên đến mức nhân dân không thể chịu đựng nổi.

“Thị trường cổ phiếu - vật giá” hình thành hai quả bom trong xã hội Trung Quốc! Đó là một đôi bom bi mà các vị, chúng ta, mọi người đều không thể đi vòng qua.

Tất nhiên, vật giá tăng, ngoài thị trường cổ phiếu ra còn có những nhân tố khác mà những tai hoạ do những cái đó mang lại sẽ không thấp hơn hậu quả thị trường cổ phiếu bị sụp đổ.


II. Vạch trần bí mật kinh tế Trung Quốc “tăng trưởng tốc độ cao”

Vạch trần bí mật kinh tế Trung Quốc “tăng trưởng tốc độ cao” vô cùng cần thiết. Làm như vậy khiến chúng ta nhìn thẳng vào hiện thực, thực sự cầu thị.

Năm 2003 khi Hội nghị Chính trị Hiệp thương tỉnh An Huy họp hội nghị thường vụ, đã khảo sát mấy thành phố trong tỉnh. Tại Hợp Phì (thủ phủ tỉnh) đã kháo sát khu công nghiệp mới và khu phát triển. Thành phố này có 3 “nhà máy chế tạo ôtô”, trước dây chuyền sản xuất to lớn và tiếng máy chạy ồn ào, tôi chạy tới bên thị trưởng hỏi thẳng: “Ông là Tổng giám đốc của thành phố này chắc?”. Thị trưởng thản nhiên gật đầu.

Nhưng sau đó tôi nghĩ, trong cả nước chí ít có tới 9 nhà máy cùng sản xuất một loại ôtô, như thế là công nghiệp ôtô của thành phố này chỉ riêng trong nước đã có 9 đối thủ cạnh tranh rất mạnh. Trời đất ơi! Rủi ro của hàng chục tỷ (NDT) đầu tư này quá lớn.

Tham quan khu phát triển, một thành phố khoa học kỹ thuật trong qui hoạch đã đuợc phê chuẩn, đang xây dựng, diện tích 30km2, tức 42 lần diện tích Cố Cung ở Bắc Kinh. Tôi biết rõ rằng, 10 năm trước thành phố này đã xây dựng “khu phát triển kinh tế kỹ thuật”, và vẫn còn tới một nửa nhà xưởng đang nằm phơi nắng, vậy thì vì sao còn xây dựng “thành phố khoa học kỹ thuật”? Tôi là Phó Chủ tịch hội đồng quản trị duy nhất của “Hiệp hội các nhà thực nghiệp khoa học kỹ thuật” của tỉnh An Huy, địa điểm văn phòng của chúng tôi ở Hợp Phì, thế mà từ trước đến nay tôi chưa hề nhìn thấy, và cũng chưa hề nghe nói rằng đã từng có vị thị trưởng hoặc vị tỉnh trưởng nào bước qua cửa Hiệp hội chúng tôi! Hay là vì tại An Huy đã có trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Trung Quốc nên phải xây “thành phố khoa học kỹ thuật”? Xin hỏi, trường đại học trên đã có hạng mục khoa học kỹ thuật nào có giá trị ứng dụng? Những hạng mục ấy cần thời gian dài bao nhiêu mới có thể ra khỏi phòng thí nghiệm? Sau khi ra khỏi phòng thí nghiệm phải mất bao nhiêu thời gian mới đi vào sản xuất được? Cần bao nhiêu đầu tư? Đến lúc đó tình hình thị trường ra sao? Trong nước, ngoài nước có những người cạnh tranh nào?... Tôi có thể nói, những vấn đề này, bất kể là thị trưởng hay là tỉnh trưởng, dường như họ đều không biết gì hết!

Tất nhiên chúng ta không thể đòi hỏi quá mức bọn họ cái gì cũng phải biết cả. Thế nhưng vấn đề của Trung Quốc là ở đây! “Thành phố kỹ thuật” này là do chính quyền kinh doanh, trưởng quan của “thành phố kỹ thuật” là do chính quyền bổ nhiệm, đầu tư huy động vốn và thuê đất đai đều dùng danh nghĩa chính quyền tiến hành. Cac quan chức chính quyền của chúng ta vốn không nên trực tiếp làm kinh tế. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, cải cách kinh tế và chính trị ở Trung Quốc đã tập trung vào hai điểm: tách rời Đảng và chính quyền; tách rời chính quyền và xí nghiệp. Đó là kinh nghiệm mà tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc và các tinh anh trí thức lúc đó đã tổng kết kinh nghiệm nhiều mặt từ ngày xây dựng nước đến nay, để chuẩn bị cho Trung Quốc tiến hành cải cách. Thế nhưng sau “sự kiện 4-6” [1] , mọi việc đã kết thúc. Vì vậy ngày nay bất kể là “các nhà kinh tế học dòng chính” đã thiết kế ra bao nhiêu phương án “cải cách, bất kể là tiến sĩ Tây hay tiến sĩ ta, dù những “tinh anh” này có đưa ra bao nhiêu lý luận và danh từ, nhưng chỉ cần lảng tránh điểm cơ bản của cải cách kinh tế Trung Quốc - “tách rời Đảng và chính quyền; tách tời chính quyền và xí nghiệp”, thì đều là nói suông!

Tiến hành xây dựng phát triển một diện tích bằng 42 lần Cố Cung, qui mô đầu tư như thế nào có thể tượng tượng được. Còn khu phát triển xây dựng 10 năm trước, ngoài việc giá đất tăng, vẫn còn đến một nửa nhà xưởng đang “mời khách đầu tư”, qua đó có thể thấy rõ ràng số phận của “thành phố khoa học kỹ thuật” này sẽ đi theo con đường nào.

Vì vậy “tốc độ tăng trưởng cao” của kinh tế Trung Quốc hôm nay, có động lực không phải là hành vi của thị trường mà là hành vi của chính quyền, nói một cách cụ thể là hành vi của chính quyền địa phương, là hành vi của quan chức địa phương nào đó! Thế là: có mục tiêu, không có thị trường; có xung động, không có kế hoạch, có trước mắt, không có tương lai. Vậy thì nó sẽ giống như “nhảy vọt lớn” năm 1958! Nhưng điểm không giống “nhảy vọt lớn”năm 1958 của nó là: tiền bạc thay thế khẩu hiệu, chủ nghĩa cá nhân thay thế chủ nghĩa tập thể. Và điểm giống nhau là: đều không nói khoa học, đều “kiên trì sự lãnh đạo của Đảng”.

Loại kinh tế theo mô hình chính quyền chủ đạo, sẽ đột ngột bay nhanh tiến mạnh ở điểm hứng thú của các nhà quan liêu; nhưng nếu nằm ngoài sự hứng thú của bọn họ, sẽ rất khó sống, giống như rất nhiều xí nghiệp dân doanh bị phá hoại, thụt lùi chỉ vì ở ngoài tầm nhìn của họ.

Tôi đã đến thăm quê người bảo mẫu của gia đình, đó là một thôn trang cách thành phố Hợp Phì chưa đến 50km, cách “thành phố khoa học kỹ thuật” nói trên không đến 45 km. Trời đất ơi, nếu bộ phim Huyết chiến Đài Nhi trang được quay ở đây thì chẳng cần dàn dựng bối cảnh, chỉ bầy thêm mấy thi thể là có thể quay được rồi! Tôi lặng người rơi lệ: thì ra nông thôn Trung Quốc vẫn còn nghèo như vậy! Nông dân vẫn còn khổ đến thế!

Ở khoảng cách gần như vậy và hình ảnh trái ngược lớn như vậy liệu sự phát triển kinh tế có thể “bền vững” được chăng?

Một ví dụ sinh động nữa, hôm nay chúng ta khai thác than ở Tân Phổ Thương, đã biến một thành phố hoa quả thành một thành phố ô nhiễm, thành phố chạy nạn, than giá rẻ bán cho người Nhật, người Nhật đổ than xuống biển, nói: “Để lại cho đời sau” - Nghe câu chuyện chân thực trên không biết người Trung Quốc chúng ta có cảm nhận gì?

Tình hình xuất khẩu sản phẩm của các xí nghiệp Trung Quốc hiện nay là: 800 triệu chiếc sơ mi đổi lấy một máy bay chở khách, xuất khẩu một máy DVD chỉ thu được 1 USD lợi nhuận, mà còn phải nộp cho công ty nước ngoài hơn 4 USD tiền sở hữu bản quyền. Tỷ suất lợi nhuận của một số sản phẩm cơ điện được gọi là “khoa học, kỹ thuật cao” của nước ta cũng chỉ được mấy phần trăm, nếu đồng NDT lên giá, không ít xí nghiệp xuất khẩu sẽ đối mặt với phá sản… Sức lao động của người Trung Quốc chúng ta chẳng đáng bao nhiêu tiền. Người Trung Quốc chúng ta ngốc như vậy đó! Loại “thặng dư xuất khẩu” ấy có gì là đáng tự hào? Loại tích luỹ ngoại tệ ấy có gì đáng huyền diệu. Nếu như nói khi bắt đầu mới cải cách mở cửa, do sự yếu ớt của cơ sở kinh tế Trung Quốc, các quan phụ mẫu đã chú trọng nắm chắc các loại “chính sách ưu đãi” để mời khách đầu tư, là vô cùng cần thiết mà đến hôm nay vẫn bồi hồi giậm chân ở những sản phẩm cấp thấp thì rõ ràng là: lười biếng, cổ hủ và hủ bại, thành tích biến thành bại tích!

Trung Quốc có kinh tế thị trường không? Có. Những “kinh tế chính quyền”, kinh tế quan liêu đều đã thị trường hoá, không có động lực kim tiền nó không thể bay cao tiến mạnh được. Thế nhưng Trung Quốc có phải là kinh tế thị trường thực sự không? Không! “chính quyền”, nó không chỉ là “bàn tay vô hình” mà là bàn tay hữu hình. Nó trực tiếp thò tay vào kinh tế, nó có thể điều động mọi tài nguyên trong mọi phạm vi và địa phương, mà có thể không chịu trách nhiệm gì về mọi giá thành, cái giá phải trả, rủi ro và tổn thất. Chính vì thế, tại Trung Quốc, nhất là bây giờ phải có sự “điều chỉnh khống chế vĩ mô” của chính phủ trung ương. Nếu không, “có kế hoạch” cục bộ, nhưng vô kế hoạch toàn cục, nó sẽ đến nhanh hơn, sụp đổ càng dữ dội hơn so với bất kỳ cuộc khủng hoảng kinh tế nào của chủ nghĩa tư bản tự do.

Bất kể nói thế nào, mặc dù ở trong cảnh khó khăn to lớn, dưới sự chủ đạo của kinh tế “chính quyền”, kinh tế quan liêu, Trung Quốc đã tích luỹ được tư bản khổng lồ. Nhưng điều này đã phải trả giá bằng việc chi trước tài nguyên, môi trường, sức khoẻ và hạnh phúc của người lao động, sự tích luỹ đến không dễ dàng. Và hơn nữa, quay đầu nhìn lại xem loại tích luỹ này đã tiếp máu cho những tài nguyên, môi trường và người lao động bị hao tổn, bị mất đi như thế nào? Trong phát triển bền vững, trong phân công toàn cầu hoá, đã nâng cao vị thế của Trung Quốc, nhưng đầu tư vào khoa học kỹ thuật, giáo dục và y tế liệu có làm cho tổng hợp quốc lực Trung Quốc nâng cao không?

Dự trữ ngoại tệ hơn 1.000 tỷ USD, có vẻ như Trung Quốc giầu có rồi, Trung Quốc lớn mạnh rồi, tạo ra tính lưu động khổng lồ quá thừa! Có đúng là tiền bạc của Trung Quốc đã “quá thừa” không? Đó hoàn toàn là hiện tượng bề ngoài! Hiện tượng bề ngoài này sẽ nhanh chóng bị phá vỡ.

Những Nhân dân Tệ “quá thừa” này do sự lũng đoạn và cứng nhắc của nền tài chính Trung Quốc, không thể đến được chỗ nó cần phải đến; các xí nghiệp dân doanh, ngoài việc hối lộ để có được tài khoản ra, đều đang vất vả tranh chấp trong cảnh đợi chờ cho ăn; sản nghiệp hoá kỹ thuật cao trong các xí nghiệp dân doanh hầu như không có khả năng, thế còn ở các xí nghiệp quốc doanh? Ngoại trừ những cái do các quan liêu hứng thú điểm xuyết ra, còn lại đều chẳng có gì đáng kể. Còn về nông nghiệp và môi trường đòi hỏi đầu tư những khoản lớn, chẳng cần nói hiện đại hoá nông nghiệp, ngay đến việc nâng cao trình độ nông nghiệp cũng chỉ loạng choạng tiến lên, còn bảo vệ môi trường chỉ là một đống hồ đồ.

Sự lũng đoạn và hủ bại của ngân hàng thương nghiệp quốc doanh, lãi suất âm lâu dài, khiến các hộ gửi tiền không chịu được nữa, cuối cùng phải “cải cách cổ phiếu”, một lượng lớn tiền chảy vào thị trường cổ phiếu. Thông qua thị trường cổ phiếu lại chảy đến những lĩnh vực rộng lớn mà chính phủ trung ương không thể khống chế được, đặc biệt là chảy đến ngành nhà đất nơi chính phủ trung ương kiêng kỵ nhất! Hiện nay về khách quan, điều chỉnh khống chế đã mất linh nghiệm.

Thế mà quan lại một số địa phương vẫn đang nhiệt tình hơn, tiếp tục sáng tạo kỳ tích kinh tế Trung Quốc “tăng trưởng tốc độ cao”!

Nếu như nói chi trước tài nguyên và môi trường còn có thể che giấu được, vì tài nguyên cách đại chúng rất xa, nhưng ung thư do môi trường tạo thành sau 20 năm mới bùng nổ, đến lúc đó, tội thuộc về ai? Có ma mới biết! Vậy thì sự tan vỡ của thị trường cổ phiếu bong bóng, sự tăng lên của vật giá khiến người ta chịu không nổi, trong một thời gian không dài đã xua tan thần thoại “tăng trưởng tốc độ cao”, giấc mộng “nước lớn trỗi dậy” cũng theo đó mà tan vỡ! Lúc này lưu lại trên đất lớn Trung Quốc là những toà nhà đèn đuốc huy hoàng, đường cao tốc, đường sắt, cầu cống, mạng thông tin chất lượng không cao, những nhà máy điện, những xí nghiệp nặng và những nhà máy gia công trình độ thấp, tiêu hao nhiều năng lượng, thiếu tài nguyên và môi trường ô nhiễm. Còn phần mềm của chúng ta: mô hình vận hành kinh tế thị trường chân chính, đặc biệt là mô hình vận hành tác nghiệp của ngành sản xuất kỹ thuật cao mới, hầu như đều bắt đầu từ đầu. Còn về của cải tinh thần quốc gia văn minh hiện đại thì vì hủ bại phổ biến đã có tính xã hội, nên phải bắt đầu từ số âm.

Sự thực là nếu tỉnh táo xem xét thì cái gọi là “tăng trưởng tốc độ cao” của kinh tế Trung Quốc không chỉ là không đạo đức mà còn là phạm tội! Nó không chỉ làm cạn kiệt tài nguyên, phá hoại môi trường khiến một số ít người kiếm được tiền, nhưng nhiều người bị hại. Nói một cách hình tượng hơn là: ông bố mở túi tiền của con, cháu, chắt ra, bất chấp tất cả, nhét tiền của chúng vào túi mình, cái để lại cho cháu con chỉ là tai hoạ và sự trừng phạt.


III. Nhà đất Trung Quốc, cái bong bóng “không bao giờ vỡ”

Nếu như nói thần thoại “tăng trưởng tốc độ cao” của kinh tế Trung Quốc là dựa vào kinh tế “chính quyền”, đặc biệt là sự sáng tạo đầy tính kích thích của các quan lại địa phương thì ngành nhà đất Trung Quốc là sự thể hiện tập đại thành của mô hình kinh tế đó. Trên thực tế, bong bóng của ngành nhà đất Trung Quốc đã hình thành từ sớm, mặc dù Trung Quốc có thị trường khổng lồ tiêu dùng nhà đất, nhưng có một sự thực không tranh cãi là: cho dù tại các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến giá nhà đất lên nhanh nhất, nhưng tỷ lệ nhà thành phẩm không sử dụng ở các nơi này cũng làm người ta khá ngạc nhiên. Hơn nữa điều làm người ta kỳ lạ là: cho dù như vậy giá nhà đất không xuống, ngược lại vẫn tăng. Điều này rõ ràng là trái với qui luật thị trường.

Nguyên nhân là ở đâu?

Nguyên nhân là: chính quyền nắm chắc đất đai, khai thác đất đai, làm quà tặng, “mời gọi đầu tư nước ngoài”. Chính quyền nắm chắc đất đai tức là “ông chủ lớn”, nên không thể để nhà đất mất giá. Điều này quan hệ tới kho vàng lớn, kho vàng nhỏ, thành tích và túi tiền cá nhân.

Chính là do “ông chủ lớn” kiên định “điểm cơ bản” là không để nhà đất mất giá, những đồng vốn theo đuổi rủi ro nhỏ nhất lợi nhuận lớn nhất sẽ chảy vào, và sẽ làm cho giá đất và giá nhà đều tăng lên. Ở Trung Quốc thiếu tài nguyên đất đai, tiền vốn khó tìm được con đường gia tăng giá trị, ngược lại sự tiêu điều của kinh tế lại được thể hiện trên ngọn lửa hồng của nhà đất.

Thế là giá nhà đất càng cháy càng cao, tỷ lệ nhà không sử dụng càng ngày càng lớn, liệu bong bóng có vỡ được không?

Câu trả lời là: Không thể. Cho dù “điều chỉnh khống chế vĩ mô” với “những nhà cầm quyền mới” lần lượt ra đời, trong thời gian ngắn giá nhà có giảm, nhưng về căn bản không làm dao động được “điểm cơ bản” của “ông chủ lớn”, cho nên giá nhà lại lên, trừ phi thể chế tài chính Trung Quốc sụp đổ. Và điều này chính là mối lo lắng nhất của chính quyền Trung Quốc.

Bởi vì túi tiền của “ông chủ lớn” là ngân hàng nhà nước, bong bóng nhà đất không thể hiện bằng giá nhà giảm ở Trung Quốc, mà thể hiện ở những khoản nợ rối mù tại các ngân hàng nhà nước. Do được sự ủng hộ của ngân hàng nhà nước nên “ông chủ lớn” có thể ổn định “điểm cơ bản”, chỉ cần “điểm cơ bản” đứng vững thì các nguồn vốn, bao gồm cả vốn nước ngoài sẽ chen nhau chảy vào, “ông chủ lớn” sẽ hoá nguy thành yên, mở rộng cánh cửa.

Rõ ràng, cảnh “phồn vinh thịnh vượng” này, cảnh “tăng trưởng tốc độ cao” này chỉ mang lại tai hoạ có tính toàn cục, chỉnh thể cho chính phủ trung ương.

Cách giải quyết là tư hữu hoá đất đai. Bất kể là đất thành thị hay là đất nông thôn đều nên tư hữu hoá.

Ngày hôm nay bất kể là ở thành phố hay ở nông thôn chúng ta, chỉ cần gặp chuyện trưng thu đất đai, chỉ cần phải di chuyển là có sự đối lập quan dân, đối lập cảnh sát với dân. Quan lại hùng hồn nói: “Đất đai là sở hữu quốc gia”. Họ là đại biểu quốc gia, nhưng đã che giấu bức màn đen câu kết quan, thương. Trong những năm tháng hoà bình mà thường xuyên xuất hiện những cảnh giống như chiến tranh, thật là một kỳ tích trên thế giới. Đó là vì chính quyền của chúng ta đã trở thành người bán đất, thành thương nhân tranh lợi với dân.



IV. Xã hội bất công, hậu hoạn vô cùng

Một xã hội mà ngay đến sự ổn định cũng không thể duy trì nổi thì hài hoà sẽ là những lời nói xa xỉ. Xã hội bất công thì không thể có ổn định và an ninh



V. Một chính phủ yếu kém, một xã hội yếu kém

Hiện nay xã hội Trung Quốc tồn tại rất nhiều vấn đề, không thể thông qua đọc kinh là có thể giải quyết được, mà cần phải đối mặt với hiện thực, thực sự cầu thị dùng thái độ khoa học phân tích, nghiên cứu tiến hành giải quyết. Xin nêu mấy ví dụ:


1. Sự kiện SARS

Năm 2003 dịch SARS lưu hành làm cả nước rung động, đến nay mọi người vẫn không quên. Một dịch bệnh vốn có thể khống chế được, nhưng do chính quyền nước ta phong toả và những thiếu hụt về chức năng của giới truyền thông mà đã mở rộng phạm vi, làm cả nước chấn động, làm thế giới kinh động, khiến toàn xã hội phải trả giá rất lớn.

Thế nhưng chỉ mới ba, bốn năm sau chuyện trên, nếu như không có sự đưa tin của giới truyền thông nước ngoài, nếu không vì giá thịt lợn trong nước tăng vọt, thì dân chúng Trung Quốc vẫn bị che mắt: thì ra bệnh lợn tai xanh đã xẩy ra tại 25 tỉnh trong cả nước.

Tai hoạ lại xảy ra, bài học không có! Chẳng lẽ điều này không khiến chúng ta cảnh tỉnh ư?


2. Năng lực cầm quyền của Đảng

Sau khi nhận nhiệm vụ, Chủ tịch Hồ đã nắm ngay một công tác rất quan trọng: “Tăng cường xây dựng năng lực cầm quyền của Đảng”. Hôm nay chúng ta thử xem, năng lực cầm quyền của Đảng như thế nào? Chúng ta hãy xem một việc nhỏ.

Tôi ở Bắc Kinh, ngay dưới chân thiên tử, thường xuyên nhìn thấy các đội quản lý đô thị đi tới các khối phố, và diễn những màn kịch sống mà trước đây chỉ có quân đội Nhật Bản mới làm khi tiến vào thôn quê: một con phố đang ồn ào bỗng nhiên lặng đi, rồi trong nháy mắt, gà bay chó nhảy, tất cả những người buôn bán nhỏ vội vơ lấy hàng hoá của mình chạy bán sống bán chết đi khắp nơi. Những người không kịp chạy bị đội quản lý đá nồi hất mẹt, bắt giữ người, hàng…

Được biết những người buôn bán nhỏ ấy không chỉ là nông dân mà đông hơn là những công nhân viên chức bị rời khỏi cương vị, nông dân vào thành phố làm thuê đang chờ việc, còn có cả những sinh viên đại học vừa tốt nghiệp, họ chưa có đăng ký kinh doanh. Việc làm của họ ảnh hưởng đến trật tự đô thị tới đâu? Có phải vì không thu được thuế của họ không? (Giả sử vì không thu được thuế thì với những tầng lớp dưới đáy này, cũng nên mở cho họ một đường thoát.)

Thời “lũ bốn người”, hành động dọn dẹp thị trường được gọi là “cắt cái đuôi tư bản chủ nghĩa”. Sau khi cải cách mở cửa, tình huống đó được gọi là “quản lý đô thị”. Quản lý đô thị gì mà gần 30 năm rồi vẫn quản như vậy!

Vì chuyện này ở thủ đô Bắc Kinh đã xẩy ra án mạng. Điều khiến người ta kinh ngạc là, người buôn bán nhỏ giết người lại được sự đồng tình phổ biến, còn người “chấp pháp” bị giết lại bị chửi.

Chao ôi! Đó là năng lực cầm quyền của Đảng! Nguyên nhân nào tạo ra? Chẳng lẽ không nên kiểm thảo một chút sao?


3. Vấn đề chất lượng sản phẩm

Gần đây các giới truyền thông thế giới lũ lượt đưa tin về vấn đề chất lượng sản phẩm của Trung Quốc, khiến mọi người bao gồm cả tầng lớp cao nhất quốc gia chú ý. Một phong trào nắm chất lượng được khởi động trong phạm vi cả nước.

Tôi đã từng ngồi trước màn vô tuyến nghe ngài Cục trưởng Cục kiểm nghiệm Chất lượng Quốc gia hùng hồn nói chuyện. Thế nhưng ông ta càng hùng hồn nói bao nhiêu càng làm cho những người có lý tính không tin! Vấn đề mấy chục năm không giải quyết được, chẳng lẽ trong mấy tháng ông ta giải quyết xong à?

Khách quan mà nói những sản phẩm mà Trung Quốc hiến dâng cho người nước ngoài về mặt đảm bảo chất lượng và an toàn so với loại “xuất khẩu chuyển sang tiêu thụ trong nước” đủ để người ta có thể yên tâm. Thế nhưng việc bản quốc không có hệ thống chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng và an toàn đối với người tiêu dùng trong nước thì cũng rất khó có thể có bảo đảm đáng tin cậy với những sản phẩm xuất khẩu tương ứng.

Có người nói chính phủ không quản vấn đề này. Sự thực không phải là chính phủ không muốn quản mà là quản không nổi, chí ít là quản không tốt. Bởi vì chính phủ của chúng ta là một chính phủ yếu kém! Trước việc không quản nổi và quản không tốt, ngoài việc đối phó ra, nó chẳng quản gì!


4. Quan chức chính quyền phổ biến là diễn trò

Các quan viên chính phủ ta hầu như đều trở thành diễn viên, người đi đến đâu là ống kính điện ảnh quay đến đó, những lời ca ngợi vang lên, nhưng thử hỏi họ đã làm được cái gì? Chỉ có trời biết. Loại phong khí này lan tràn phổ biến, ngay lãnh đạo cao nhất cũng khó tránh. Ví dụ như Thủ tướng Ôn Gia Bảo; giới truyền thông đưa tin, Thủ tướng quan tâm hai vị ở Bắc Kinh gặp cảnh không may khi phải rời nhà, Thủ tướng đã hạ lệnh cho quan viên cấp dưới điều tra, uốn nắn. Thế nhưng hai người già này ngoài việc tiếp tục bị oan khuất chẳng hề được giải quyết một vấn đề cụ thể nào. Ở đây không nói Thủ tướng Ôn cố ý diễn trò, mà là sự yếu kém về chỉnh thể của chính quyền và xã hội nước ta! Thử nghĩ xem, một quốc gia mà Thủ tướng nước đó phải trực tiếp giải quyết phòng ở cho hai người dân phải chuyển nhà, liệu quốc gia đó có tiến lên được không?

Chính phủ của chúng ta thiếu cái gì? Nó thiếu sự ủng hộ của nhân dân đối với mình, sự giám sát của nhân dân đối với mình, thiếu lực lượng xã hội ràng buộc mình. Bởi vì nó thiếu các cơ năng nội tại, nó lười biếng, thối rữa…

Xã hội của chúng ta thiếu cái gì? Nó thiếu: nhân quyền và ý thức nhân quyền của xã hội công dân.

Chính vì vậy ở Sơn Tây mới có “sự kiện lò gạch đen”. Hơn nữa người ta còn phổ biến cho rằng loại việc tương tự như vậy không ít, thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra thế lực xã hội đen đang điên cuồng, bởi vì dân chúng ở vào địa vị không có quyền. Trung Quốc không có phiếu bầu, cho nên đấu tranh quyền lực chính trị giữa các quan viên thường phải nhờ sự giúp đỡ của xã hội đen; chính quyền kém năng lực, nên “chấp pháp” cần thế lực đen xã hội giúp sức. Như thế là thế lực đen có cơ sở xã hội, nó được các quan viên bảo vệ và bị các quan viên lợi dụng, trắng đen hai bên câu kết với nhau cùng đè nén dân chúng.


Đến nay Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền đã được gần 60 năm. Bất kể là Đảng bầy ra bao nhiêu thành tích, bất kể Đảng luận chứng mình chính xác như thế nào, bất kể Đảng đã bịt được miệng mọi người, dùng bộ máy tuyên truyền ca ngợi công đức của mình cũng như đã từng đưa ra bao nhiêu lời hứa tốt đẹp với dân chúng… thì mâu thuẫn có tính đối kháng ở Trung Quốc đã phát sinh phổ biến, hơn nữa ngày càng dữ dội. Trung Quốc không ổn định, càng không hài hoà.

VI. Không cải cách chính trị không được

Thưa Chủ tịch Hồ, Thủ tướng Ôn,

Hiện nay xã hội nước ta bất công, bất chính rất nhiều, những mâu thuẫn xã hội tích đọng nhiều như vậy cho thấy còn có khoảng cách rất xa với mục tiêu “xã hội hài hoà” do Chủ tịch Hồ đề xuất. Mọi người nhất trí cho rằng tình hình trước mắt của Trung Quốc là nghiêm trọng chưa từng có: thị trường cổ phiếu bong bóng, vật giá tăng cao, tham ô hủ bại, giá nhà đất tăng vọt, lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, phân hoá hai cực, tai nạn hầm mỏ rất nhiều, thất thoát tài sản quốc hữu, thế lực đen điên cuồng, mại dâm, bán máu, HIV lan tràn…, đã đến bước không hạ quyết tâm lớn giải quyết không được.

Và không cải cách chính trị không được. Muốn vậy cần:



VII. Vấn đề Đài Loan
(Không giới thiệu)


VIII. Cảnh ngộ của một cá nhân

Viết rất dài (bằng 7 phần trên, chủ yếu nói về cá nhân). Qua đó được biết, tác giả vào khoảng 60 tuổi (khi viết thư này ông ta nói mấy tháng nữa tôi tròn 60 tuổi) từng bị giam giữ vì ca ngợi Đặng Tiểu Bình trong sự kiện Thiên An Môn (4/1976), nhưng sau khi “lũ bốn người” bị bắt vẫn còn bị giam thêm mấy năm nữa. Khi được thả, từ chối không làm việc trong cơ quan nhà nước mà mở một cửa hàng bán bánh mì nhỏ, từ đó phát triển nhanh thành một triệu phú rồi nhiều triệu phú. Hiện là nhà kinh doanh chuyên đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật cao và là Uỷ viên Thường vụ Hội nghị Chính trị Hiệp thương (Mặt trận thống nhất) tỉnh An Huy.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Tức sự kiện Thiên An Môn năm 1989 (ND)
Nguồn: Hua xia kuai di, ngày 3/11/2007