© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
28.1.2008
Viên Linh
Tình nước mặn
 1   2   3   4   5 
 
2.

Sáng sớm, Thẩm mặc vội quần áo, thuê xe tới đường Tân Viên. Chàng hy vọng đón đường Vi Vân khi cô bé đi làm. Mười tám tuổi, Vi Vân đã đi làm được một năm. “Em thấy đi học cũng thế thôi. Vả lại em học không vào nữa. Đầu óc em nghĩ đâu đâu không biết”.

Kỳ về Bắc Phố lần thứ hai, cô bé đã nói như vậy. Thẩm tự lập năm mười sáu tuổi, nên chàng coi chuyện đó rất tự nhiên.

“Anh biết. Anh biết đầu óc em để đâu”.

“Để đâu, anh?”

Chàng chỉ ra biển:

“Ngoài đó”.

Nói rồi chàng mới thấy một con tàu đen thẫm ngoài khơi.

“Trên chiếc tàu đó hả?”

“Không. Ngoài chỗ không có gì”.

Cô bé nhún vai:

“Vậy hả anh? Đúng rồi đó, đầu óc em trống rỗng”.

Thẩm lắc đầu:

“Cũng không phải vậy đâu. Em nghĩ nhiều chuyện quá thì đúng hơn. Con gái nghĩ nhiều không thể sung sướng được”.

“Anh muốn có vợ ngu hả?”

“Không ngu lắm, nhưng đừng nghĩ vớ vẩn. Đàn bà nghĩ vớ vẩn làm người ta bực mình”.

“Anh như ông cụ hồi đời trước”.

Thẩm gật đầu:

“Anh mong như vậy lắm. Các cụ văn minh lắm chứ em tưởng. Không văn minh sao trị đàn bà giỏi thế. Đàn bà hồi xưa không có lẩm cẩm như đàn bà bây giờ. Tình yêu hồi xưa cũng vậy”.

“Lỡ rồi anh”.

“Ử. Bởi vậy cho lỡ luôn. Cũng may em đã đi làm. Nếu em còn sống nương tựa gia đình, còn là lắm chuyện. Gia đình của mình dở lắm”.

Cô bé cười:

“Bây giờ lại chê gia đình nhà người ta”.

“Không. Nói chung vậy. Em không thấy anh bỏ gia đình rất sớm sao. Mười sáu tuổi. Anh sống tự lập gần hai mươi năm nay rồi. Anh ghét gia đình”.

“Em quý gia đình em lắm”.

“Bởi”.

“Bởi sao anh?”

Thẩm cười nhẹ:

“Bởi thế anh không quyến rũ em bỏ phứt gia đình đi được. Lẽ ra anh phải làm cho em bỏ gia đình đi theo anh. Sống ở cái thành phố này mãi em không chán sao?”

“Chán lắm. Nhiều lúc em muốn điên lên được. Có hôm em lái xe chạy ào ào như một con khùng, vậy mà không chết chớ”.

Thẩm nhìn vào mặt biển mênh mông:

“Nếu phải sống ở đây mãi, chắc có lúc anh lăn xuống biển tự tử. Nghe sóng rì rào không ngừng, anh chịu không nổi. Như một cái gì quanh năm suốt tháng cứ hoài hoài lặp lại, buồn chết được. Một cái gì tuyệt vọng không có cách gì thay đổi”.

“Vậy mà em đã sống ở đây mười tám năm”.

Thẩm ôm lấy Vi Vân:

“Đi với anh đi!”

“Đi đâu?”

“Vào Sài Gòn”.

“Không được, anh”.

“Có gì mà không được?”

Vi Vân có vẻ buồn bã:

“Trước kia anh đã quyến rũ một cô bỏ nhà đi theo anh rồi”.

“Anh yêu cô ấy vô cùng. Tụi anh đã sống sung sướng với nhau trên một năm trời”.

“Em biết”.

“Anh đã sống những ngày đẹp nhất của tuổi thanh niên, tuy rằng lúc ấy anh rất nghèo. Bây giờ thì khá hơn. Chắc em cũng biết chỉ vì nghèo mà tụi anh phải xa nhau”.

Vi Vân hoài nghi:

“Em không tin như vậy. Sống với anh hơn một năm là người ta đã chấp nhận cái nghèo. Em nghe nói sau đó anh yêu một cô khác nên cô ấy mới bỏ đi”.

Thẩm bực:

“Không phải vậy. Chỉ vì nghèo, anh đã làm một vài việc mà nếu không nghèo, anh đã tránh được”.

Cô bé gạt đi:

“Thôi đừng nói nữa, anh”.

“Không nói thì thôi, nhưng đã nói, phải nói luôn. Anh không phải người xấu, anh muốn lấy cô đó làm vợ, mà bị ngăn cản”.

“Đừng nói nữa, anh”.

“Khi cô ấy bỏ đi, anh tưởng thế nào cô ấy cũng về. Anh nghĩ người ta không thể bỏ nhau dễ như thế”.

Vi Vân đứng dậy. Thẩm đi theo sau khi đã lột giày, đi chân trần trên cát ướt.

“Nửa năm sau anh mới tin anh đã mất người con gái đó. Đời anh có hỏng cũng vì cô ta”.

Vi Vân cười khanh khách:

“Ghê vậy”.

Nàng ngừng ngay tiếng cười, nói:

“Em biết rõ chuyện đó của anh, em thấy rằng anh có lỗi. Nhưng sau đó, em thương anh. Ít ra anh cũng yêu cô ấy thật. Cũng như anh yêu em thật, song em không đi với anh được đâu”.

“Mỗi tháng anh ra đây thăm em vậy”.

“Không đủ. Em muốn có anh luôn luôn bên cạnh. Anh ra đây ở đi”.

“Ở luôn?”

“Ừ”.

“Lấy gì sống”.

“Anh đừng lo. Em đi làm đủ tiền nuôi anh. Hơn nữa em mới mua một cái trại ở gần Đà Lạt, đang thiếu người gác dan”.

Thẩm nắm chặt tay cô bé sung sướng nhưng im lặng.

“Bỏ phứt đi anh. Bao nhiêu năm nay em thấy anh cứ lúng túng mãi ở đó. Từ hồi mười ba tuổi em đã nghe những chuyện lộn xộn về anh rồi. Sao anh cứ sống mãi ở đó?”

“Anh còn công việc”.

“Về trại em mà ở. Em sẽ mua đàn bò cho anh nuôi. Người ta nuôi bò ở đó nhiều lắm”.

Thẩm nhìn ra biển. Chắc chắn ở đó đời sống phải khác, ít nhất cũng thảnh thơi hơn đời sống Sài Gòn. Từ bao nhiêu năm nay anh mơ ước được rời bỏ nơi bụi bặm và chen chúc ấy. Mới trên ba mươi tuổi, Thẩm đã làm việc gần hai mươi năm trời. Chàng thường nghĩ đời chàng sẽ không kéo dài quá tuổi bốn mươi. Bốn mươi tuổi, với hai mươi tư năm làm việc, như thế là quá đủ. Đủ cả sự mệt mỏi, sự cực khổ, để kiếp sống không thể bị coi là vô tích sự.


Sáng tinh mơ, Bắc Phố còn ngủ. Ngoài đường xe cộ thưa thớt, hàng quán chưa mở hết cửa. Thẩm chọn một quán ăn có thể ngồi trong đó quan sát người qua kẻ lại, để đón đường Vi Vân. Thẩm hy vọng Vi Vân phải chạy xe qua ngã ba này trên đường tới sở.

Tuy không đói, Thẩm cũng gọi một tô bún bò. Và sau đó một ly cà-phê sữa. Vừa ăn, chàng vừa ngước mắt nhìn xe chạy.

Tới gần tám giờ vẫn chưa thấy Vi Vân, Thẩm nôn nao sợ một buổi sáng trôi qua trong lãng phí. Chàng thấp thỏm không biết nên làm gì. Thình lình chàng nhìn thấy cô em Vi Vân, ngồi trên chiếc xe Cady màu cá vàng.

“Liên! Liên!”

Thẩm chạy ra khỏi quán và ân hận ngay. Cô bé mở to mắt nhìn chàng, cười nho nhỏ trong cổ họng. Cô bé không hỏi gì cả.

“Em đi học hả?”

“Vâng. Anh ra hồi nào?”

“Hôm qua”.

Cô bé cười ngó vào trong quán:

“Anh ở gần đây hả?”

Thẩm buột miệng:

“Anh ở khách sạn”.

Cô bé vẫn để xe nổ máy. Rồi biết chắc Thẩm muốn gì, cô nói:

“Nếu anh còn ngồi đây, thế nào chị Vi Vân cũng đi qua. Chị ấy đang uống sữa lúc em đi. Thôi em đi học”.

Thẩm mỉm cười với cô bé, nụ cười có chút ngẩn ngơ. Sáng nay chàng thấy Liên đẹp quá. Vẻ đẹp xanh mát của học trò. Chiếc Cady khuất sau một chiếc xe hơi. Thẩm vào quán ngồi lại.

Châm một điếu thuốc, chàng yên tâm phần nào, nhưng lại áy náy về Liên. Hẳn cô bé đã biết chuyện Vi Vân bị gia đình cấm liên lạc với chàng. Nhưng chàng không tin Liên sẽ nói lại.

Không, chàng không tin. Dù còn nhỏ nhưng với khuôn mặt tươi sáng rạng rỡ, Liên sẽ không phải là một cô bé vô duyên. Thẩm vẫn tin chàng nhìn người khá đúng. Dưới cái nhìn của chàng, Liên là một cô bé con ý tứ. Cô sẽ im lặng về sự hiện diện của chàng ở Bắc Phố.

Thình lình Thẩm bật dậy khỏi ghế:

“Vi Vân!”

Chiếc Honda xanh chạy tới.

“Vi Vân!”

Vi Vân ngơ ngác dừng xe lại:

“Anh hả!”

“Còn ai nữa. Anh đây”.

“Anh ra bao giờ?”

Thẩm nắm lấy ghi-đông xe:

“Anh ra chiều qua. Chiều qua ngồi chờ em ngoài bờ biển mãi”.

“Tối qua em ở ngoài đó”.

Thẩm tức tối.

“Anh ở đâu?”

“Ở chỗ cũ”.

“Phòng số mấy?”

“Phòng cũ”.

Cô bé mỉm cười:

“Thỉnh thoảng em vẫn đi qua con đường đó. Em nhìn lên lầu tưởng tượng anh đang đứng sau lan can”.

“Có lần nào thấy không?”

“Không. Nếu thấy, em tức chết mất”.

Cô bé xem giờ:

“Bây giờ anh ra quán Chim Đại Dương chờ em. Em vào sở nhờ nhỏ bạn làm giùm công việc. Nếu tiện xin nghỉ mấy hôm”.

Thẩm cười:

“Tiện chứ. Anh sẽ ở lại đây hai hôm. Em xin phép nghỉ hai hôm đi. Bây giờ chở anh ra quán Chim Đại Dương”.

Cô bé xuống xe:

“Anh chở em chứ”.

Thẩm thảnh thơi hẳn lại. Sáng nay Bắc Phố đẹp quá. Chàng ngước nhìn trời:

“Em có thấy trời đẹp không?”

Cô bé nói bên vai:

“Vì có em. Nếu không gặp em, anh sẽ thấy sáng nay trời u ám lắm”.

“Ừ, nhất định rồi”.

Thẩm ngừng xe gần bờ biển:

“Em tới sở xin phép di. Anh đi bộ tới quán”.

“Chờ em nhé!”

“Không ai đi mất đâu mà sợ”.

“Xí, làm như người ta cần lắm”.

Chờ cho Vi Vân đi khuất, Thẩm mới cất bước. Mặt biển chưa đủ màu xanh, còn mờ mờ trắng, vỗ ì ầm. Trời cao rộng. Thẩm ưỡn ngực thở. Tâm hồn chàng đang cao rộng như trời.

Chim Đại Dương, chính cái quán này nữa Thẩm vẫn nhớ, trong những ngày ở Sài Gòn. Cái quán, nơi hẹn hò đầu tiên giữa chàng và Vi Vân. Quán vuông vắn, cửa kính và lưới sắt, nằm giữa một khoảng sân rộng, cây cối bao quanh. Bàn ghế chững chạc, màu gỗ lim lên nước nâu bóng, có cái trưởng giả thanh nhã. Nhạc cổ điển, tranh cổ trên những mặt tường vàng đậm. Bà chủ quán, như Vi Vân cho biết, là vợ một người Pháp đồn điền, nhưng chồng bà ở Đà Lạt, chỉ ghé Bắc Phố mỗi tháng vài lần.

Thẩm ngồi trước ly cà-phê sữa, ngồi thụt trong ghế bành. Nơi uống cà-phê ăn sáng được đặt ở một đầu quán, ngó ra phía mặt trời mọc. Thẩm vẫn thích chỗ này, sau một đêm ân ái mệt mỏi. Tắm rửa, ra ngồi sưởi nắng lấy lại sức, chờ mặt trời chiếu tới, trước một đĩa trứng, một ly nước lạnh, một cà-phê sữa. Thẩm thấy khỏe khoắn vững vàng lắm.

Gần nửa tiếng sau Vi Vân trở lại, Thẩm ngồi yên trong lòng ghế lười biếng hưởng thụ sự có mặt của cô bé. Sau gần một ngày nôn nao tìm kiếm, chàng đã thấy đã gặp Vi Vân. Những xao xuyến bồn chồn đang rút đi, như lớp sóng triều cuối cùng của một mặt biển thoi thóp, giờ đây chỉ còn bãi cát bình yên.

“Anh đang nghĩ gì, anh?”

Thẩm mơ màng:

“Anh đang nghĩ, nếu sáng nay không gặp em…”

Cô bé ngắt lời:

“Nghĩ cái gì khác đi. Nghĩ về em hoài”.

Thẩm nói tiếp:

“Nếu sáng nay không gặp em, anh về Sài Gòn liền”.

“Cho về”.

“Lỡ gặp em rồi, làm sao về được nữa”.

“Ừ, cứ về đi. Lần sau vào Sài Gòn, em không gặp anh nữa là huề chứ gì”.

Thẩm làm bộ ghen:

“Đêm qua em ra bãi làm gì?”

“Em đi dạo”.

“Đi với ai?”

“Bạn chứ còn ai. Đêm qua em có nhắc đến anh”.

“May quá”.

Vi Vân lườm:

“Đêm nào em cũng nhắc đến anh hết. Vậy mà lúc trông thấy anh, em hết hồn. Hôm qua em định đi Đà Lạt chơi đấy chứ”.

Thẩm cau mặt. Cô bé nói tiếp:

“Em tính đi thăm cái trại”.

“Bà chủ non, cho tôi làm gác dan đi”.

“Chỉ sợ anh không dám”.

“Anh nghĩ không việc gì là anh không dám làm”.

Cô bé trề môi:

“Vậy mà cái việc quan trọng nhất của anh, anh vẫn chưa làm đấy”.

Thẩm im lặng. Với vẻ thản nhiên, nghiêm chỉnh cô bé nói tiếp:

“Về đây sống với em”.

Thẩm ngó thấy một khuôn mặt thiếu nữ bần thần.

“Em nói thật đấy. Ban nãy lúc đến sở, em khóc. Em không chịu nổi anh nữa đâu”.

Chàng nhớ lại cô bé đã luôn luôn nghĩ đến chàng trong một hai năm nay. Cô bé đã nghĩ đến chàng từ năm mười ba tuổi rưỡi.

Thẩm gọi bồi trả tiền.

“Bây giờ đi về, em”.

Cô bé lắc đầu:

“Không về đâu hết”.

“Sao vậy?”

“Anh trả lời em đi”.

“Lát anh trả lời”.

“Không, trả lời ngay bây giờ. Em không chờ đợi được nữa. Em chờ đợi anh nhiều rồi, suốt cả thời con gái của người ta chứ bộ”.

Thẩm mỉm cười:

“Nói nghe ghê”.

“Chớ không à. Trong khi tụi bạn em tung tăng sung sướng thì em chỉ nghĩ đến anh”.

“Bây giờ tính bắt đền sao?”

“Ừ đấy. Trả lời đi. Nửa tháng thôi”.

Thẩm không hiểu gì hết:

“Nửa tháng gì em”.

“Đi Đà Lạt với em nửa tháng thôi. Về trại với em. Quyết định ngay bây giờ”.

“Bao giờ đi”.

“Cho anh một tuần lễ để thu xếp công việc. Ngày này tuần sau phải trình diện em ở Đà Lạt”.

Thẩm nhìn lại bộ mặt Vi Vân. Bộ mặt đăm chiêu ngơ ngẩn. Chàng biết là cô gái không nói đùa. Cô bé đã quyết định.

Vi Vân, ngay những ngày mười lăm tuổi, đã quyết định những chuyện ghê gớm. Thẩm nhớ hồi đó tình hình chiến cuộc còn nhẹ, đường xe lửa Sài Gòn ra Trung còn tốt.

Vi Vân gây lộn sao đó Thẩm không rõ, dường như ông bố có vợ lẽ, đã sáng sớm xách va-li lên tàu một mình bỏ vào Sài Gòn. Mười lăm tuổi, trưởng thành sớm, Vi Vân như một cô gái mười bảy. Vào Sài Gòn, cô bé tìm tới sở Thẩm trong lúc chàng không có mặt. Một gã trong sở nhận là bạn chàng, đã đưa cô bé đi khắp thành phố trên chiếc xe hai bánh của gã, cho đến khi cô mệt mỏi ôm lấy gã. Nhưng cô vẫn tỉnh táo rụt lại trước một khách sạn và tính đánh gã. Cô bé vẫn kể chuyện này để trách móc Thẩm cũng như để cho chàng biết, cô có thể làm mọi chuyện.

Lần ra Bắc Phố thứ hai, trong khách sạn Thẩm không kìm hãm được lòng ham muốn ái ân. Cô bé nói:

“Ráng à. Không được đâu”.

“Bao giờ?”

“Khi nào em hai mươi mốt tuổi”.

Thẩm không tin lắm ở lời hứa hẹn đó, nhưng đành thôi. Lần này nghe Vi Vân bảo lên Đà Lạt mười lăm hôm, Thẩm nghĩ đến nhiều chuyện. Trả tiền, hai người ra khỏi quán Chim Đại Dương.

Trước khi lên xe, Vi Vân nhắc:

“Anh trả lời đi”.

“Em nhất định chưa?”

“Nhất định rồi. Anh phải lên trại với em”.

“Em tính bắt cóc anh còn gì nữa”.

“Anh phải đồng ý mới được”.

“Đồng ý. Nhưng trước hết bây giờ phải thanh toán sự có mặt của em đã”.

“Nói gì ghê vậy”.

“Nói gì về khách sạn rồi biết”.

Cô bé lườm, khi ngồi lên sau xe. Chiếc xe Nhật chạy ra khỏi quán.

Thẩm cho xe chạy trên đường biển. Biển đã xanh ngắt, thăm thẳm phía chân trời. Vi Vân ôm chặt lấy người yêu, đổi ý.

“Em không muốn về khách sạn”.

“Sao vậy?”

“Hình như em chưa dẫn anh đi thăm Bắc Phố”.

Thẩm lắc đầu:

“Anh ra đây là để thăm em, không phải để thăm Bắc Phố”.

“Nếu hai đứa chui vào một căn phòng, có khác gì anh vẫn ở Sài Gòn”.

“Không sao hết”.

“Có chứ. Như thế có khác gì anh đang bậy bạ với một con nhỏ nào đó ở Sài Gòn”.

Thẩm cười:

“Em mới là bậy”.

“Bây giờ quay lại, anh”.

“Đi đâu?”

“Trước hết ra chợ mua một tí đồ ăn”.

Hai người xuống phố chính. Vi Vân mua săng-uých, bánh giò, nước ngọt, khăn mặt, thuốc lá, bỏ hết vào túi vải cũng vừa mua. Xe ra khỏi thành phố, qua một chiếc cầu đá.

“Đây là Cầu Đá”.

“Ừ. Nhiều năm trước anh có qua đây”.

“Lúc đó anh có biết đây là Cầu Đá không?”

“Không”.

“Vậy bây giờ nhớ lấy”.

Thẩm cười. Đi một quãng nữa chàng thấy bên trái đường những bia đá đủ màu sặc sỡ, nhiều nhất là màu đỏ và màu xanh. Chàng chưa kịp hỏi cô bé đã nói:

“Nghĩa địa đấy”.

“Nghĩa địa gì lạ vậy. Trông vui mắt nhỉ”.

Cô bé chỉ sang bên tay phải:

“Bên này cũng là nghĩa địa nữa. Hai khu nghĩa địa khác hẳn nhau, anh thấy không?”

“Thấy. Bên này là bia đá không có màu”.

“Bên này là nghĩa địa của người Tàu, bên này là của Tin Lành”.

“Anh thích nghĩa địa của người Tàu hơn. Trông nó vui mắt”.

“Anh cũng giả vờ quên cái chết à”.

Thẩm bàng hoàng. Chàng vốn hay nghĩ đến cái chết. Những lúc đau khổ, tuyệt vọng, Thẩm đều nghĩ đến cái chết. Chàng tin đó là lối giải thoát cuối cùng cho một đời người, nhưng đó cũng là mối đe dọa nặng nề nhất cho cuộc sống. “Anh cũng giả vờ quên cái chết”, có lẽ Vi Vân nói đúng. Những khi vui đùa, Thẩm vẫn canh cánh bên lòng mối ám ảnh của một chiều tận thế đối với riêng chàng. Một chiếc xe điên chồm lên lề đường, đè nghiến lấy Thẩm, cán bẹp Thẩm, thân xác vỡ nát tung tóe, thế là cái chết đến, rất ghê tởm. Một trái hỏa tiễn rơi vào thành phố, Thẩm chết giữa đống gạch vụn, mất xác. Một trái lựu đạn vô tình rớt xuống từ một chiếc máy bay trực thăng, vậy là Thẩm cũng lìa đời. Thẩm còn lìa đời bằng nhiều cách vô lý khác. Băng qua một bãi cỏ nào đấy, đạp nhằm một con rắn độc. Chết vì một trái banh lông đá đi bởi một đứa trẻ khi chàng đang cầm một cái kẹp tóc của đàn bà lấy ráy tai. Cái kẹp tóc đâm thụt vào óc, và Thẩm giẫy đành đạch. Chết vì rất nhiều cách khác nữa không thể nghĩ ra. “Anh giả vờ quên cái chết”. Thẩm đưa tay về phía sau, vỗ vào đùi cô bé ra ý tán thưởng. Mấy ngón tay Thẩm chạm vào một đường tròn mềm mại, vội rụt lại.

“Anh!”

Cô bé kêu khẽ. Thẩm nói:

“Đúng đó, họ giả vờ quên cái chết. Họ chết vui vẻ”.

Cô bé cào nhẹ lưng Thẩm:

“Anh vừa làm gì em vậy. Lưu manh thấy bà”.

Thẩm nói:

“Cái chết của anh đó”.

“Quẹo đây!”

Vi Vân la vội. Chiếc xe trờ tới một ngã ba. Thẩm co vai, nhấn phanh. Chiếc xe loạng choạng suýt té nhào. Thẩm càu nhàu:

“Vừa nói đến cái chết, nó định đến liền. Chết bây giờ uổng quá”.

Cô bé cười:

“Ừ, chết bây giờ uổng thật đó. Đang đi chơi với đào mà chết thì uổng biết bao nhiêu. Nhất là em lại sắp đưa anh tới một nơi không có ai hết”.

Chiếc xe chạy giữa màu xanh của cây cối hai bên đường. Đường đất, cây cối um tùm, những mặt nhà mộc mạc, Thẩm tưởng như đã vào sâu vùng quê.

Ít phút sau hai người tới một quán nước mái tôn cột gỗ sơ sài xiêu vẹo, giữa quán chỉ có một chiếc bàn dài độc nhất, trên bày biện đủ thứ những hộp nước ngọt, dừa, thuốc lá, mía, v.v.

Vi Vân gửi xe, hai người rời quán, leo lên một hòn núi nhỏ. Tuy là buổi sáng, ở đây nắng rực rỡ, chói lọi. Hơi nóng còn bốc lên từ những tảng đá lớp lớp chồng chất lên nhau.

Vi Vân dẫn Thẩm tới một bờ đá thấp nhất ngay chân sóng. Cô bé chỉ ra ngoài khơi:

“Anh nhìn thấy hòn đảo nhỏ kia không?”

“Thấy”.

“Mình ra đó nhé”.

“Thuyền đâu?”

Cô bé chỉ con thuyền đang nhấp nhô ngoài biển. Người chèo thuyền, như một cái máy nhịp nhàng, đưa con thuyền trở lại bờ.

Tới mười phút sau, hai người mới đặt chân xuống lòng ván. Thuyền tới bến đá, Thẩm nhúng tay xuống biển, nhìn nước rẽ hai bên. Chàng hỏi ông già chèo thuyền.

“Ngoài đảo có người không ông?”

“Bây giờ hả? Có hai người”.

“Chỉ có hai người thôi?”

“Dạ, chỉ có hai người. Tới mười hai giờ họ về”.

Thẩm hỏi Vi Vân:

“Mấy giờ mình về?”

“Ba giờ”.

“Lâu vậy? Đã vậy ở đến tối”.

“Lỡ họ quên không ra đón mình?”

Cô bé cười:

“Em cầu cho họ quên. Ở đó qua đêm luôn”.

Thẩm nhún vai:

“Em sợ chứ anh có sợ gì”.

Nghĩ thầm một điều, chàng cười thích chí. Cô bé lườm:

“Anh cười gì vậy? Em biết anh cười gì đó”.

“Biết mà còn hỏi”.

Thẩm lại cười, rồi nói:

“Anh nghĩ, nếu không ai ra đón mình, có lẽ cuộc đời này cũng hay”.

“Ở đó mà hay. Dám lắm à”.

Thẩm hỏi người chèo thuyền:

“Có bao giờ ông bỏ quên khách ngoài đảo không?”

“Trời đất, quên sao được cậu, mỗi ngày tôi chở có hai ba chuyến là cùng”.

“Vậy thôi hả?”

“Dạ, ít người ra ngoài đó lắm. Có hôm không có ai hết. Hôm nào nhiều mới có bốn chuyến.

Thẩm dư biết mỗi chuyến như vậy chỉ có hai người.

Thuyền cập chân đảo, Thẩm mang đồ leo lên trước. Vi Vân hẹn ba giờ. Khi leo lên một quãng nhìn xuống, con thuyền ra xa.

“Em hay ra đây lắm hả?”

“Không có đâu anh. Đây là lần thứ hai em ra đây. Lần đầu cách đây ba bốn năm”.

Chàng đùa bỡn:

“Chết cha, còn nhỏ vậy mà đã ra đây?”

“Anh chỉ nói tầm bậy. Hồi đó em ra với cả gia đình”.

Thẩm vặn:

“Còn bây giờ không đi với gia đình là tầm bậy?”

“Ừ. Đi với anh là tầm bậy. Xuống đây anh”.

Vi Vân nhìn thấy một chỗ bằng phẳng. Khi đến chỗ đó vẫn chưa tiện để dừng lại. Hai người lại tiếp tục đi.

Vòng vo một lát, qua những kẽ đá lớn, những hang hốc đầy đất hay cây cối, hai người chọn được một bìa núi rộng, hơi dốc có thể nằm đỡ, Thẩm cởi giầy, ngồi xuống.

“Ở đây được rồi em”.

Yên lặng, ngoài tiếng sóng rì rào và gió ào ào thổi lộng. Thẩm hút thuốc. Thẩm thấy phải làm một cái gì.

Ngó nhìn cô bé, chàng bắt gặp một bộ mặt thầm lặng ngẩn ngơ.

“Em nghĩ gì vậy?”

“Anh không nghĩ sao?”

Thẩm nói:

“Có. Anh nghĩ… ở đây, mình chẳng là cái gì hết. Nhỏ nhoi như cỏ rác”.

“Em cũng thấy vậy”.

“Nếu mình chết ở đây đâu có ai hay biết? Vậy mà khi mình sống, mình vẫn phải thắc mắc về người khác. Không lẽ mình lại khổ sở vì kẻ khác”.

“Anh có sung sướng vì người khác bao giờ không?”

“Có lẽ không bao giờ”.

“Anh có sung sướng vì em bao giờ không?”

Thẩm cười:

“Cũng còn tùy”.

“Nghĩa là có chứ gì nữa. Có nhưng không luôn luôn, lúc có lúc không”.

“Nhưng em không phải là người khác. Em là một phần của anh rồi…”

Cô bé tươi cười:

“Thật không?”

“Thật chứ còn gì nữa”.

“Ừ, nói thế có phải được không nào. Nói thế có phải người ta cưng không nào”.

Thẩm hoài nghi:

“Chưa thấy cưng gì hết”.

“Này cưng”.

Cô bé hôn Thẩm. Chàng nằm gượng gạo trên một tảng đá lớn, giữa ba thành đá cao của ngọn núi, nhìn về phía trống trước mặt là mặt biển. Giữa trưa, mặt biển xanh ngắt.

“Anh”.

“Ừ, anh nghe”.

“Anh biết tụi bạn em chúng nói sao về chuyện mình không. Chúng nó bảo em dại”.

“Em khôn thấy mồ”.

“Em dại. Dại vì đi yêu một người như anh. Một người dĩ vãng quá nặng nề mà tương lai thì cũng chưa biết ra sao. Đúng hơn, tương lai anh cũng không thay đổi được gì”.

“Có lẽ thế”.

“Em không muốn anh nói như vậy. Em muốn anh phải có thay đổi. Nếu chưa bây giờ thì trong tương lai”.

Thẩm lắc đầu:

“Đừng có tham lam như vậy. Em có anh bây giờ là nhất rồi”.

“Anh không thuộc về ai hết”.

Thẩm phác một hình ảnh vô định:

“Anh muốn làm gì thì làm, em biết không. Như em thấy đó, anh có thể tới đây, anh có thể đi bất cứ đâu, anh có thể sống như anh muốn”.

Vi Vân cười gượng:

“Em không tin. Em đang lo đây này”.

“Lo gì?”

“Lo con em ngày sau không có cha”.

Thẩm kinh ngạc. Chàng không bao giờ nghĩ đến điều cô bé có thể nghĩ. Chàng không ngờ Vi Vân lại nghĩ đến một điều như vậy. Chàng lắc đầu:

“Em đừng tính đến chuyện đó”.

“Tính chứ”.

“Thôi đừng nói nữa. Nói bây giờ không giải quyết được gì hết. Em cứ tin một điều khi nào em cần đến anh thì có anh bên cạnh”.

Thẩm nhắm mắt muốn ngủ, muốn quên. Ở đây im lặng quá ngoài tiếng gió thổi ào ào, ngoài sóng biển rạt rào. Niềm im lặng khiến Vi Vân nghĩ đến những chuyện đâu đâu trên con đường hình dung đời nàng, trên con đường mà nàng tin chắc thế nào nàng cũng phải đi qua. Và nàng không muốn, ở những ngày thanh xuân của đời mình, con đường đó bụi mù, nắng lửa, cỏ cây xơ xác.

Thẩm ôm cô bé, ngỏ sự yêu thương, ve vuốt. Vi Vân ôm chặt lấy chàng.

Đúng lúc hai người nghe tiếng ca nô tới gần. Chiếc ca nô đang tìm chỗ đậu.

Thẩm nói:

“Anh muốn đuổi tụi nó đi quá. Anh muốn hòn đảo này chỉ có em và anh”.

“Đuổi tụi nó đi anh”.

Thẩm đứng dậy, trèo lên một mỏm đá cao. Chiếc ca nô đã tắt máy, trên có một cặp còn trẻ. Người thanh niên chỉ khoảng hai mươi hai, hai mươi ba. Thẩm khoát tay ra ý đuổi. Anh ta tỏ vẻ không hiểu.

Vi Vân bỗng cười to:

“Làm sao anh đuổi người ta được. Anh lấy quyền gì đuổi người ta. Thôi kệ họ”.

Thẩm cười:

“Anh phải đuổi”.

“Em thách anh đuổi được đấy”.

Thẩm không mặc áo, nhảy từ hòn đá xuống. Bỗng phía sau Vi Vân thét lên:

“Anh! Ngồi xuống!”

Thẩm ngơ ngác không hiểu gì cả.

“Vào đây mau, anh”.

Thẩm leo vội vàng trở lại chỗ cũ. Cùng cầm tay cô bé hỏi. Nét mặt lo lắng. Vi Vân gượng cười:

“Hai cái ca nô chứ không phải một cái. Cái sau hình như có ông anh của em”.

“Anh bất cần”.

Cô bé ôm lấy chàng:

“Đừng làm gì bậy nghe anh”.

Chàng nghĩ đến Liên, nhưng vẫn không tin chính cô bé lại nói với gia đình. Vi Vân hiểu Thẩm nghĩ gì.

“Không phải bé Liên nói đâu anh. Bé Liên người lớn lắm. Chắc bạn em nói đấy. Em đến sở xin nghỉ, chúng nó hỏi vì sao nghỉ, em nói có bồ ở Sài Gòn ra. Một con bạn em quen thân với ông anh em. Chắc nó điện thoại ngay cho ông ấy.

Thẩm nhìn qua một khe đá. Hai chiếc ca nô đều đã được neo lại. Người anh Vi Vân, mặc binh phục, trèo lên.

Người thanh niên lên tới gần chỗ hai người, song hình như anh ta lạc hướng. Họ vẫn chỉ nghe tiếng sóng biển. Vi Vân nói:

“Ghét ghê. Em cứ tưởng ra đây là yên thân. Mình không có chỗ nào được quên hết mọi người hay sao. Em muốn tới một nơi ngoài anh ra không có ai hết”.

Thẩm ôm chặt cô bé:

“Anh cũng mong như vậy”.

“Có chỗ nào như vậy không anh?”

Chàng cười, gật đầu:

“Có chứ em. Một chỗ thật xa loài người”.

“Em hiểu. Trước kia em không hiểu vì sao người ta tự tử. Bây giờ, khi yêu anh, em mới biết”.

“Vi Vân!”

Hai người giật mình. Tiếng gọi như tiếng vọng vang tắt chập chờn.

“Vi Vân!”

Thẩm nghe bứt rứt khó chịu. Tiếng gọi lúc xa lúc gần. Thẩm biết hòn đảo không rộng bao nhiêu, chỉ nửa giờ nữa là anh ta tìm ra.

Tiếng gọi lại cất lên rất gần. Sau đó là tiếng chân lạo xạo của nhiều người cùng tiếng nói chuyện. Cô bé sợ hãi:

“Sao tiếng nhiều người vậy anh?”

“Hai ba người gì đó. Anh chắc là cái cặp đi ca nô cũng ở đó với cái anh chàng nào đó ở ngoài này trước mình”. Tiếng nói chuyện mỗi lúc một nghe gần hơn. “Nó là em gái tôi. Nó bị cái thằng sở khanh quyến rũ ra đây. Tìm thấy hai đứa, tôi sẽ đập chết thằng đó”. Tiếng chân tới gần hơn nữa. Vi Vân cuống cuồng ôm chặt lấy Thẩm.

Chàng đứng dậy, nghĩ ngợi. Chàng châm một điếu thuốc rồi trèo lên tảng đá cao. Cách đó khoảng mười thước, cặp trai gái và gã thanh niên đang tiến tới. Thẩm giận run chân tay.

“Ê, con Vi Vân đâu?”

Chàng bước thật lẹ, chỉ tay xuống biển:

“Anh nên đi về ngay”.

Gã thanh niên hét lớn:

“Tôi là anh nó. Tôi hỏi nó đâu? Nó đâu, hả?”

Thẩm tới gần anh ta:

“Anh là anh nó chớ không phải bố của nó, muốn tốt đi về”.

Cặp trai gái lùi lại. Thẩm hét tướng với họ:

“Cút hết đi!”

Cặp trai gái lùi xa hơn. Người anh Vi Vân nổi giận đến lặng ngắt. Thẩm nói:

“Trước khi về Sài Gòn tôi sẽ gặp lại anh”.

Anh ta chỉ về phía hốc đá đoán là có cô bé:

“Tôi muốn nó về ngay bây giờ”.

“Anh về đi, tôi sẽ đưa Vi Vân về”.

“Anh hứa với tôi đi”.

“Anh về đi, tôi hứa tối sẽ đưa Vi Vân về”.

“Tôi muốn gặp nó”.

Thẩm suy nghĩ, rồi lắc đầu:

“Lúc này chắc Vi Vân không muốn gặp anh tí nào”.

Anh ta hét lớn:

“Tôi muốn thấy nó”.

Thẩm ngoái nhìn về phía sau. Hốc đá im lìm. Người anh cô bé định sấn lên bị chàng cản lại. Chàng thấy nóng mặt:

“Tôi bảo anh đi về”.

“Nhưng tôi là… anh nó”.

Chàng la:

“Là gì cũng đi về. Tôi không muốn ai thấy Vi Vân lúc này hết. Tôi sẽ đuổi hết mấy người ra khỏi đảo ngay bây giờ”.

“Đảo này đâu phải của anh”.

“Thế mà tôi vẫn đuổi như thường”.

Anh ta có thái độ rất kỳ cục, Thẩm không thể hiểu nổi.

“Bộ anh ghen cả với tôi sao?”

Thẩm đỏ mặt:

“Nói gì lạ vậy”.

Vi Vân leo lên khỏi hốc đá. Cô bé mặc chiếc áo tắm hai mảnh màu vàng. Cô lạnh lùng hỏi anh:

“Anh gặp em làm gì?”

Anh ta hầm hầm:

“Vi Vân …”

Anh ta nhìn em rồi nhìn Thẩm, không nói gì được. Cô bé lại gần anh:

“Bây giờ anh về đi. Chiều em về. Ai bảo anh ra đây?”

“Tao ra, không ai bảo hết”.

Vi Vân nhún vai:

“Sao kỳ vậy? Tôi tưởng ai sai anh ra”.

“Tao ra không được sao?”

“Kỳ”.

Anh ta trừng mắt:

“Kỳ cái gì?”

Vi Vân đứng bên cạnh Thẩm:

“Tôi lớn rồi, anh kệ tôi. Bây giờ anh về đi”.

Nói xong cô bé đi trước, ra hiệu cho người anh đi theo. Thẩm ngồi xuống tảng đá nhìn theo. Do đó chàng trông thấy cặp trai gái ban nãy. Chàng đứng lên cùng với cơn giận kỳ lạ. Chàng phất tay la to:

“Về luôn”.

Cặp tình nhân ngơ ngác. Thẩm hét:

“Về luôn, không ai được ở đây hết”.

Thẩm có vẻ điên. Chàng hung hăng sẵn sàng đánh lộn. Chàng đứng trân trân một chỗ như tượng chờ tới khi hai chiếc ca nô rồi đảo và Vi Vân leo trở lên. Cô bé nằm xuống tảng đá, thở ra:

“Em chán quá. Ra tới đây còn không yên”.

“Vào Sài Gòn với anh là yên hết”.

“Thôi đừng có quyến rũ em. Anh nói thêm một câu nữa là em đi theo anh liền”.

Cô bé ngước nhìn trời, trời trong vắt với từng đám mây trắng trôi nhẹ nhàng.

Thẩm nghe mơ hồ sự viển vông nào đó bập bềnh lui tới như bọt sóng trên bãi cát vàng. Sự viển vông như mối tình. Sự viển vông như mơ ước, tan rã mỗi ngày, rơi rụng mỗi ngày. Như mỗi ngày đều có thêm những đợt sóng xa kéo tới, để rồi tan rã dưới chân cát, mất tăm, như những mối tình. Sự viển vông, những mơ ước cứ thế không ngừng kéo tới trong cuộc đời. Và Thẩm vẫn hy vọng ở ngày mai ngày mốt, hy vọng ở thời gian, vốn là đôi cánh đập không bao giờ ngừng nghỉ.
Nguồn: Viên Linh, Tình nÆ°á»›c mặn, truyện dài. Mẫu bìa Duy Thanh. Nguyệt san Tân Văn ấn hành lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của cÆ¡ sở Văn, xong ngày 10.2.1972. Tác giả giữ bản quyền. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.