© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
30.1.2008
Dung Khanh
Xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam sau năm 1975 qua cuốn Hồi kí của học giả Nguyễn Hiến Lê
 1   2   3 
 
Lời nhà xuất bản trong mấy trang đầu của cuốn Hồi kí Nguyễn Hiến Lê do Nhà xuất bản Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh tái bản lần thứ sáu, năm 2006, có viết như sau:

“Ngòi bút của Nguyễn Hiến Lê, tâm hồn và con tim Nguyễn Hiến Lê ngay từ đầu đã thuộc về nhân dân, những người lao động, những ai cực khổ, bần hàn và bất hạnh. Niềm tự hào về dòng giống, tổ tiên và nỗi đau về dân tộc trước những cuộc ngoại xâm đã kéo Nguyễn Hiến Lê, một nhà văn luôn ý thức lánh xa những gì phù phiếm như chức tước, địa vị và sự giàu sang không lương thiện xích gần với Cách mạng và tự coi mình là người của Cách mạng, bởi lẽ dễ hiểu, những điều Cách mạng đang làm cũng chính là mơ ước của ông.”

Sau khi khẳng định nhân cách của người cầm bút và tấm lòng của ông Nguyễn Hiến Lê đối với đất nước, Nhà xuất bản Văn học, một cơ quan văn hoá chính thức của nhà nước Việt Nam, giới thiệu cuốn sách này như sau:

“Trên tinh thần tôn trọng một học giả nghiêm túc và được nhiều người mến mộ, kính nể ấy, Nhà xuất bản Văn học trân trọng giới thiệu cuốn hồi kí của ông. Tuy là hồi kí một người, một nhà văn, nhưng qua đấy người đọc cảm nhận được xã hội Việt Nam xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống xâm lược mà nét hào hùng lẫn những vệt máu và nước mắt vẫn còn thấm đẫm mới rọi trên từng trang sử của dân tộc chúng ta. Từng sự kiện, từng con người (từ nhà chính khách cho đến nhà văn…) đều được cách nhìn Nguyễn Hiến Lê soi rọi và đánh giá.”

Và như thế, cuốn Hồi kí Nguyễn Hiến Lê đã được in tới sáu lần, đủ cho ta thấy sự hưởng ứng của độc giả và ảnh hưởng của nó tới độc giả trong nước như thế nào. Nhưng sau tất cả những lần tái bản, cho tới bản gần đây nhất, năm 2006, cuốn sách đều không được in lại một cách đầy đủ, có nhiều phần đã bị tỉa bớt mà theo Nhà xuất bản Văn học thì:

“Vì tác giả đã mất, Nhà xuất bản không thể cắt bỏ nhiều quá. Trong quá trình biên tập, chúng tôi chỉ lược bớt phần rườm rà và cắt những chỗ không thể nào để lại được. Chúng tôi mong bạn đọc thông cảm.”

Câu này làm độc giả không khỏi thắc mắc: nếu ông Nguyễn Hiến Lê còn sống, cuốn sách của ông có lẽ còn bị cắt bỏ nhiều hơn, thậm chí còn không được xuất bản (mà quả thật là vậy, ông mất năm 1984, vậy mà tới năm 1992 Hồi kí Nguyễn Hiến Lê mới được xuất bản lần đầu tiên trong nước). Tuy người đọc rất “thông cảm” với Nhà xuất bản Văn học, nhưng trong suốt 14 năm, sau 6 lần in, người ta phải tự đặt câu hỏi là: ông Nguyễn Hiến Lê, một học giả rất được trọng vọng ở Việt Nam, đã tâm sự những gì trong quãng đời cuối cùng của ông khiến cho cuốn sách của ông được xuất bản muộn màng và bị kiểm duyệt như vậy. Lời bạt của cuốn sách có nói: “Một lần nữa, chúng tôi tin rằng, xuất bản tập Hồi kí này là hết sức cần thiết, và rất bổ ích, nhưng chúng tôi cũng nghĩ rằng sẽ có những vấn đề cần phải tranh luận”. Vậy thì phải chăng những đoạn cắt bỏ đó - “những chỗ không thể nào để lại được” - là những vấn đề “cần phải được tranh luận”? Dù rằng “xét trên cảm hứng chung của ngòi bút Nguyễn Hiến Lê, chúng tôi vẫn thấy trước tiên đây là một học giả đầy trách nhiệm và xây dựng” như Nhà xuất bản đã nhận xét?

Phần “Mục lục” của cuốn Hồi kí Nguyễn Hiến Lê cho thấy cuốn sách gồm có 6 phần, chia làm 33 chương, những phần bị bỏ đi là chương XXI, XXII, XXIV (trong Phần IV), và chương XXX, XXXI, XXXII (trong Phần VI) mà nhà xuất bản bỏ trống không in, với một lời ghi chú vỏn vẹn là “xin để lại sau một thời gian nữa…”. Những chương này đã nói những gì khiến cho Nhà xuất bản Văn học (hay nói đúng hơn, nhà nước Việt Nam) phải giấu nhẹm, bưng bít hơn 23 năm sau khi ông Nguyễn Hiến Lê mất?

Câu trả lời được tìm thấy trong cuốn Hồi kí do nhà Văn nghệ - California – USA xuất bản năm 1988, in đủ 33 chương. Cuốn Hồi kí này đã được xuất bản hai năm sau khi ông Nguyễn Hiến Lê mất, toàn bộ được in làm ba tập, Tập I, II, III, và một phần trong cuốn Đời viết văn của tôi (Văn nghệ, 1986). Theo bản in cuốn Hồi kí của nhà Văn nghệ thì chương XXI, XXII, XXIV trong Phần IV – Nam Bắc chia hai - Chiến tranh Việt Mĩ gồm những tiết sau:

Chương XXI - Việt Nam chia hai (1954-1965)

A. Miền Nam
Gia đình Ngô Đình Diệm
Dẹp giáo phái - Truất Bảo Đại
Chính sách nhà Ngô
Dân nổi dậy chống đối - Hai vụ 11-11-60 và 26-2-62
Ấp chiến lược - Trận Ấp Bắc
Phật nạn - Đảo chánh 1-11-63

B. Miền Bắc
Pháp mất hết quyền lợi
Kinh tế suy - Đời sống khắc khổ
Cải cách điền địa - Vụ Quỳnh Lưu
Vụ Nhân văn - Giai phẩm
Kinh tế phát triển rất chậm
Bắc giúp Mặt trận Giải phóng miền Nam

Chương XXII - Chiến tranh Việt Mỹ (1965-1975)

Các chính phủ quân nhân
Mĩ đưa quân sang
Vụ Mậu Thân
Vừa đánh vừa đàm - Hiệp định Paris
Những bí mật trong chiến tranh Việt Mỹ
Mĩ rút về, quân Nam tan rã, chiến tranh chấm dứt

Chương XXIV - Xã hội miền Nam trong thời Mỹ

Kinh tế mền Nam từ 1954 đến 1974
Nhân số bộc phát - Nạn đói
Thị dân tăng lên quá mau - Nền kinh tế trái luật kinh tế
Sản xuất kém mà tiêu thụ mạnh
Đời sống quay cuồng
Cảm giác bất an - Thời đại kĩ nghệ điện tử
Phong hoá suy đồi

Ta có thể thấy ngay là những điều mà Nguyễn Hiến Lê viết về hai miền Nam, Bắc trong Chương XXI, vụ Mậu Thân, bí mật trong chiến tranh Việt - Mĩ trong Chương XXII, kinh tế, thời đại kĩ nghệ điện tử ở miền Nam trong Chương XXIV có thể là những điều sẽ làm cho nhà nước Việt Nam phải lúng túng bào chữa, lấp liếm nếu nó được in ra.

Nhưng có lẽ cái gai làm cho các nhà quản lý tư tưởng Việt Nam khó chịu nhất là những gì ông Nguyễn Hiến Lê đã viết trong Chương XXX, XXXI, và XXXII, trong Phần VI – Giai đoạn 1975-1981: Chương XXX tả lại đời sống xã hội miền Nam sau 6 năm dưới chế độ xã hội chủ nghĩa; chương XXXI viết lại những kết quả sau 6 năm đó; Chương XXXII tập hợp những ý kiến của ông về lỗi lầm của Đảng và về tương lai của đất nước.

Câu cuối cùng trong lời bạt của Nhà xuất bản Văn học có viết: “Nhà xuất bản rất mong sự đóng góp của độc giả trong nước cũng như ngoài nước để lần in sau chúng tôi rút được những kinh nghiệm tốt hơn.” Chẳng lẽ những đóng góp này chỉ là những ý kiến về kĩ thuật ấn loát hoặc trang trí hình bìa? Vì theo nhà Văn học thì “qua đấy (cuốn Hồi kí) người đọc cảm nhận được xã hội Việt Nam xuyên suốt hai cuộc kháng chiến”, vậy thì độc giả, nhất là độc giả trong nước, có thể nên lên một băn khoăn là: Dù chúng tôi thông cảm cho nhà xuất bản đã cắt bỏ những chương quan trọng trên trong tất cả những lần tái bản, nhưng chúng tôi, với tấm lòng ngưỡng mộ một vị học giả quá cố, vẫn không khỏi thắc mắc tự hỏi ông Nguyễn Hiến Lê đã nhận xét những gì về xã hội Việt Nam sau cuộc kháng chiến chống Pháp, Mĩ. Đến bao giờ chúng tôi mới đọc được toàn bộ cuốn Hồi kí của ông? Đã 16 năm rồi chứ đâu phải là ít?

Trong tinh thần tự do công luận đó, tôi xin trích ra sau đây chương XXX, XXXI, XXXII trong cuốn Hồi kí của học giả Nguyễn Hiến Lê. Có lẽ lý tưởng nhất là đăng nguyên văn những chương này, không thiếu sót một câu, một chữ, do Nhà xuất bản Văn nghệ in năm 1988; nhưng ba chương này rất dài, chiếm hơn ba phần tư (160 trang) cuốn Hồi kí, Tập III, tức là gần một phần năm của toàn bộ cuốn Hồi kí dầy non một ngàn trang. Mục đích của tôi là tóm tắt, thu gom lại những ý tưởng, câu viết của ông trong ba chương đã bị cắt bỏ trên thành một bài đọc ngắn để độc giả có thể biết ngay được tâm tư, trăn trở của ông sau 6 năm sống dưới chế độ cộng sản.

Tôi sẽ giữ đúng bố cục mà ông đã dàn trong ba chương này, và theo sát những ý tưởng, diễn biến trong cách viết của ông. Tôi cũng xin mạn phép thỉnh thoảng xen vào vài ý kiến cá nhân phụ thuộc, phần lớn là để cập nhật tình trạng xã hội Việt Nam mà, sau hơn 25 năm, đã có nhiều thay đổi.


*

Hồi kí của Nguyễn Hiến Lê
(Văn nghệ xuất bản – California - USA, 1988)

Phần VI- Giai đoạn 1975 -1981
Chương XXX - Chế độ tập thể ở miền Nam

Cảm tình của tôi với kháng chiến

Mở đầu chương này, Nguyễn Hiến Lê bộc lộ tâm sự của ông trước năm 1975:

Tôi vốn có cảm tình với Việt Minh, với cộng sản; ghét thực dân Pháp, Mĩ, nhất là từ 1965 khi Mĩ đổ quân ào ạt vào miền Nam; tôi khinh những chính phủ bù nhìn của Pháp, Mĩ. Tôi phục tinh thần hi sinh, có kỉ luật của anh em kháng chiến và mỗi lần có thể giúp họ được gì thì tôi sẵn lòng giúp.

Nhưng cảm tình của ông với cộng sản Việt Nam không phải là tuyệt đối; ngay từ đầu, ông đã nhận ra sự tàn nhẫn của chế độ cộng sản:

Từ năm 1954 tôi đã được đọc nhiều báo tố cộng của chính phủ Ngô Đình Diệm; hơn nữa, tôi được nhiều bạn của tôi di cư vô Sài Gòn kể cho tôi nghe chính sách điền địa ở Bắc tàn nhẫn tới mức bỏ tù, giết cả những người kháng chiến, chỉ vì họ có 4-5 mẫu ruộng (chưa đầy hai hecta) và bị liệt vào hạng điền chủ, tư sản bóc lột kẻ nghèo. Chính những bạn tôi đó cũng đã giúp kháng chiến, đều có lòng ái quốc, đều là những người đứng đắn, tốt, mà không thể sống ở ngoài đó được, phải bỏ cả mồ mả tổ tiên, nhà cửa, bà con họ hàng vô đây với hai bàn tay trắng, sống chen chúc trong những khu lao động, can đảm lập lại cuộc đời.

Sau đó, với những diễn biến của chiến tranh, lòng ông càng trở nên đau thương trước tình cảnh chém giết tanh máu cùng bộ máy hỗ trợ cho cuộc huynh đệ tương tàn đó. Điển hình là:

Năm 1968, nghe những tin tức và những hình ảnh về cuộc tàn sát rùng rợn ở Huế trong biến cố Mậu Thân, tôi hoang mang, đau lòng cho đồng bào Huế và lo lắng cho tương lai dân tộc.

Nhưng ông vẫn tin tưởng vào cái ảo nhoáng bề ngoài của Đảng Cộng sản Việt Nam, được sơn phết bởi những chiến thắng trong thời kháng chiến, mà công lao đó, thực ra, không phải chỉ riêng của ông Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam:

Đọc trước sau khoảng hai chục cuốn viết về cộng sản Nga, Trung Hoa, Đông Âu như vậy, tôi tuy ghét, tởm Staline, Mao Trạch Đông… nhưng vẫn tin rằng chế độ cộng sản công bằng hơn chế độ tư bản; nhất là cộng sản Bắc Việt dưới sự lãnh đạo thời kháng chiến của Hồ Chủ tịch mà tám chín phần mười người Việt kính mến, khắp thế giới phục thì không thể nào tàn nhẫn như Nga, Trung Hoa được, Đảng có lỗi lầm thì sửa sai ngay. Đó là tâm lí chung của đa số trí thức Sài Gòn, chứ chẳng riêng của tôi.

Và vì thế, ngay từ năm 1973, ông đã mong đợi một đời sống mới:

Khi Hội nghị Paris kết thúc năm 1973, chúng tôi mừng rằng chiến tranh sắp chấm dứt sau non ba chục năm dai dẳng, khốc liệt, toàn dân sẽ nắm tay nhau kiến thiết quốc gia… Riêng tôi, tôi sẵn sàng bỏ một ít tự do đi, sống thanh bạch hơn nữa, miễn là hết thấy cái nạn tham nhũng, ăn cắp, ăn cướp, phè phỡn, bóc lột và thấy con người có tư cách hơn. Tôi vẫn thường nói với nhà tôi: cộng sản vào đây thì chỉ nội 48 giờ là hết cái tệ đó.

Ngày 30-4-75 - Việt Nam thống nhất

Sự tráo trở của cộng sản Việt Nam sau Hiệp định Paris:

Nhưng Hiệp định Paris vừa mới kí xong - tất nhiên có chữ kí của Nga, Trung Hoa và một số nước khác nhu Pháp, Anh… - hai bên trao đổi tù binh với nhau xong, Mĩ rút hết quân về rồi thì chiến tranh lại tái diễn. Thế là Hiệp định chưa ráo nét mực đã bị xé bỏ.

Cái chiến tranh đó kết thúc một cách nhanh chóng, trong vòng chưa đầy 2 năm, và lí do là:

Một bên (Bắc) mới thắng được Mĩ về ngoại giao, rất phấn khởi, khí thế đương hăng; một bên (Nam) bị Mĩ chẳng nghĩ gì đến liêm sỉ, nhẫn tâm bỏ rơi, vừa uất ức vừa thất vọng, thì phần thắng về ai, điều đó rất dễ hiểu.

Theo ông, không có cái đặc tính, thần tình gì trong cái chiến thắng đó:

Sự thắng lợi đó quả là vẻ vang cho miền Bắc, nhưng xét kĩ thì cũng như sự thắng lợi của quân đội Mao Trạch Đông năm 1949 (cũng chỉ trong có mấy tháng họ tiến từ Nam Kinh tới biên giới Bắc Việt); và cũng như sự thắng lợi của Khmer đỏ (ngày 17-4) khiến Lon Nol phải bỏ nước để thoát thân như Nguyễn Văn Thiệu, Đại sứ Mĩ phải nhục nhã cuốn cờ bỏ Nam Vang mà về nước, và Khmer đỏ vào Nam Vang 13 ngày trước cộng sản Bắc Việt vào Sài Gòn.

Thực chất của cái chiến thắng này rõ ràng chỉ là một sự xâm lăng, một cuộc cưỡng chiếm miền Nam, làm gì có sự giải phóng mà miền Bắc đã từng khoe khoang? Khi vỡ lẽ ra thì ông không thể không tự dè bỉu một tiếng:

Mấy ngày hạ tuần tháng 4 dương lịch đó tôi vẫn nghĩ tình hình không có gì bi đát lắm đến nỗi phải di cư. Quân Bắc có tiến vào Sài Gòn thì Nam Bắc cũng thương thuyết với nhau - trước Bắc chỉ đòi Mĩ rút đi, Thiệu rút đi, thì bây giờ họ rút cả rồi, còn muốn gì nữa? – mà Hiệp định Paris còn đó, Bắc phải thi hành chứ. Tôi ngây thơ quá.

Cái ngây thơ của ông cũng là cái ngây thơ của của nhóm người gọi là thành phần thứ ba ở miền Nam trước năm 1975 (họ đã bao giờ tự nhận lỗi lầm của họ không?). Tuy nhiên, ông cũng hứng khởi chờ đón một tương lai xán lạn:

Tôi phục quân đội giải phóng rất có kỉ luật: vào Sài Gòn mà không gây một vụ đổ máu (trước đó ai cũng ngại có một cuộc “tắm máu” như Huế năm 1968), một vụ cướp bóc nào; còn giúp đỡ dân chúng nữa. Tôi tràn trề hi vọng… Như vậy thì rất hợp với sở nguyện của mọi người, quá sở nguyện của giới trí thức nữa.

Chế độ mới

Một bài học vỡ lòng của ông về chế độ cộng sản:

Ai cũng biết chế độ cộng sản là chế độ độc đảng, chuyên chế của giai cấp vô sản… Họ nắm hết cả ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, nếu trong nước có đảng dân chủ, đảng xã hội thì những đảng này cũng phải theo đường lối của đảng cộng sản, không thể độc lập, đối lập được… Bất kể việc lớn nhỏ gì cũng do đảng quyết định hết, cơ quan nào dù lớn, quan trọng tới mấy cũng chỉ có việc thừa hành.

Nhưng ngay sau đó là một câu thú nhận của ông và cũng là một lời cảnh cáo cho những người cả tin, đón gió:

Điều đó ai cũng biết, nhưng muốn thấy chế độ đó ra sao thì phải sống dưới chế độ dăm năm. Đó là bài học đầu tiên và vô cùng quan trọng mà tôi và có lẽ cả 90% người miền Nam rút được từ 1975 tới nay. Muốn nghe ai phê bình, khen chê thì nghe, muốn đọc sách gì thì đọc, dù là người thông minh, chịu suy nghĩ, cũng chỉ biết lờ mờ một chế độ thôi.

Và với kinh nghiệm đó, ông đã viết và kể cho ta nghe những gì ông đã “sống” và “ thấy” được sau hơn 6 năm sống dưới chế độ cộng sản:

Dưới đây tôi ghi vắn tắt những điều tôi thấy về chế độ cộng sản ở miền Nam. Tôi không chép nhật kí, mà kí tính tôi mấy năm nay suy; tôi lại chỉ sống ở Sài Gòn, giao du ít, nên nhận xét của tôi chắc chắn là thiếu sót, có thể sai nữa, sai nhiếu nhất là năm, tháng. Tôi sẽ ráng giữ tinh thần khách quan và trung thực.

Hành chánh

Tổ chức

Tổ chức gia đình ở miền Nam khác hẳn lúc trước 1975:

Một gia đình (cha mẹ, con cái, anh em, bà con…) ăn chung, ở chung với nhau thì thành một hộ… Ba bốn chục nhà (thường gồm bốn năm chục hộ) họp lại thành một tổ… Tổ trưởng là gạch nối giữa chính quyền và nhân dân, loan báo chỉ thị của chính quyền xuống nhân dân, đạo đạt nguyện vọng của nhân dân lên chíng quyền… Tổ trưởng thường ít học nên hay nói, nói dai, đáng lẽ 15 phút xong thì kéo dài cả giờ, giờ rưỡi, mất thì giờ của dân…

Và hãy đọc một chuyện vui về “cán bộ ba d.” của ông:

Thỉnh thoảng lại có buổi học tập chính trị do cán bộ, thường là công an tới giảng cho 5-6 tổ gồm trên trăm học viên… Trình độ văn hoá của cán bộ chỉ vào hạng có tiểu học, bài học rất chán, mà cũng có một số người vỗ tay khen, có khi chưa hết câu đã vỗ tay, khiến cho các học viên miễn cưỡng vỗ tay theo. Trò đó có vẻ lố bịch, sau dân chúng phá bằng cách đáng lẽ chỉ vỗ tay một thì họ vỗ tay hai, kéo dài ra, bọn nịnh kia thấy ngượng phải bỏ… Tôi nhớ lời này của một bạn ở Hà Nội vào: “Bọn cán bộ đó nói dài, nói dai, nói dở, gọi là cán bộ ba d.”

Tổ chức hành chánh cũng toàn là lấy trò bịp bợm làm chuẩn:

Nhiều tổ họp thành một khóm… Phường có công sở lớn, nhiều phòng: hành chánh, y tế, giáo dục, kinh tế, công an… dân trong phường bầu đại diện, đại diện lại bầu một hội đồng nhân dân, chủ tịch hội đồng này là phường trưởng. Cách thức bầu cũng như bầu quốc hội. Đảng lập danh sách những người Đảng cho phép ứng cử… và dân chỉ được bầu cho những người đó. Chỉ là vấn đề hình thức. Dân đi bầu khắp mặt cho xong việc, không cần biết kết quả ra sao. Ứng cử viên chẳng cần ra mắt quốc dân. Riêng tôi suốt 5 năm không thấy mặt ông chủ tịch uỷ ban nhân dân phường một lần nào, hai lần xin gặp mặt thì cô thư kí bảo ông ấy đi vắng cả hai… Trên phường là quận… Trên quận là thành phố… do nhân dân trong tỉnh bầu lên theo cách thức đã kể trên.

Và lề lối làm việc của nhân viên hành chánh:

Sở nào cũng rất nhiều nhân viên mà công việc thì ít, vì giám đốc sở nào cũng đưa người thân hay người quen vào làm. Người ta gởi gắm lẫn nhau. Một cán bộ cao cấp chủ nhiệm hay phó chủ nhiệm một tờ báo nọ có lần bảo tôi, tờ báo của ông ta có non 100 nhân viên (trước ngày 30-4-75 một tờ báo như vậy chỉ có vài chục nhân viên mà lại nhiều trang, nhiều bài hơn), dư người rồi; vậy mà sáu tháng sau khi ông ta giao lại toà soạn cho một cán bộ khác, thì số nhân viên đã tăng lên tới 170; có những “kí giả” tới toà soạn mà chẳng có việc gì làm, nói chuyện láo một lúc, sửa một cột ấn cảo rồi đi dạo phố hoặc về nhà, tự thẹn mang tiếng kí giả mà cả năm không hề viết một hàng chữ cho tờ báo.

Nhân viên càng nhiều, công việc lại càng bê bối. Vì cái nạn bè phái tranh giành nhau, dẫm chân lên nhau, không ai chịu trách nhiệm cả, ai cũng đùn công việc cho người khác.

Tinh thần nhân viên

Quang cảnh công sở dưới chế độ mới:

Đa số công sở rất dơ dáy, lộn xộn, nhân viên nấu ăn ngay trong phòng giấy. Vào nhiều công sở ta có cảm tưởng vào những nhà việc ở thôn quê Nam Việt nửa thế kỉ trước: có 3-4 bàn giấy nhưng chỉ có hai nhân viên ngồi nói chuyện phiếm bên một bình trà, mấy cái chén, chỉ khác là có thêm một bình điếu thuốc lào. Nhân viên tới giờ nào thì tới.

Tinh thần nhân viên dưới chế độ mới:

Đói thì không làm việc được, công việc bê trễ, người ta chán nản, xin thôi… Xin thôi không được thì người ta cứ ngang nhiên bỏ sở; hoặc ở lại thì làm tà tà, lấy lệ… Có kẻ ỳ ra không làm gì cả.

Tình trạng hành chánh trong chế độ mới:

Hình như người ta không có một kế hoạch, chương trình gì cả, ra lệnh rồi phản lệnh liền liền mà tới giờ chót mới thông báo cho nhân viên hay; máy móc mua về đủ rồi mà vì lẽ này lẽ khác, không dùng tới, để cho nó sét. Rồi còn cái tệ dưới không tuân lệnh trên, một phần do tinh thần bè phái, một phần do chính sách địa phương tự trị… Đó là cái nạn cán nặng hơn gáo.

Và cái nhìn chung về cái xập xệ trong chế độ mới:

Tôi không kể những cái bê bối trong công sở: đánh mất hồ sơ, thụt két, ăn cắp của công, kho vật liệu không có sổ sách, cứ ít tháng lại thấy mất đồ mà không tìm ra được thủ phạm, v.v…, vì nếu kể thì dài quá.

Trong những cái bê bối vô số kể thì dĩ nhiên những vụ cướp nhà, lấy đất của dân miền Nam cũng phải có:

Tỉnh huyện lập ra nhiều cơ quan quá thì phải xây cất thêm nhiều, tịch thu nhà cửa đất đai của dân. Theo hiến pháp, tư sản được tôn trọng. Chỉ bọn tư bản bóc lột, một số nguỵ quân nguỵ quyền có tội nặng và những người vượt biên “chui” (lén) mới bị tịch thu nhà cửa. Nhưng một số cán bộ nhỏ muốn dâng công hoặc vì tư thù, tư lợi, tịch thu bừa bãi nhà cửa, đồ đạc của dân… Còn các gia đình có mặc cảm tội lỗi thì đành chịu ức hiếp: đương đêm quân đội tới bắt dọn đồ đạc ra đường để chúng chiếm nhà. Tệ đó gây bao phẫn uất trong dân chúng, các ông lớn ở trung ương có biết cho không?

Với những tệ hại như vậy, ông đã nghĩ tới cái thay đổi mà “không ai dám nghĩ tới”, cái “cuộc thay đổi lớn lao” đó rồi đây cũng sẽ phải xẩy ra mà thôi:

Cán bộ cao cấp và trung cấp còn biết những sở đoản của chế độ, lẽ nào các nhà lãnh đạo và đảng không biết. Tôi cho rằng người ta biết đấy, nhưng đó là bệnh cố hữu (inhérent) của chế độ, không thể chữa được, trừ phi có một cuộc thay đổi lớn lao mà không ai dám nghĩ tới.

Tài chánh

Ngân hàng - Hưu bổng - Đổi tiền

Như ta đã biết, vụ cướp tiền đã xẩy ra trước vụ cướp đất của dân chúng miền Nam:

Công việc đầu tiên của chính quyền 30-4-75 là chiếm hết các ngân hàng, các sở ngân khố. Không còn ngân hàng của tư nhân mà cũng không còn sở ngân khố…

Ai gửi tiền ở ngân hàng quốc gia mà mua công khố phiếu (tức quốc trái, được lời nhiều hơn là gửi ngân hàng tư: 30% mỗi năm, chứ không phải là 24%) thì chính phủ không trả cho đồng nào hết, vì đó là nợ của chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, mà Thiệu đã lưu vong, ôm hết quí kim đi rồi. Nhiều người ở trong trường hợp đó.

Bây giờ thì ta đã biết là Thiệu rời nước, không biết đem theo được bao nhiêu quí kim, nhưng số vàng dự trữ trong kho của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn sau ngày miền Nam bị cưỡng chiếm. Như vậy là những người gửi tiền lức đó đã bị nhà nước cộng sản Việt Nam cướp tiền một cách trắng trợn. Chính gia đình Nguyễn Hiến Lê cũng là nạn nhân của vụ quịt tiền này:

Nhà tôi buồn vì chính quyền không cho lãnh tiền hưu bổng (khoảng 30 đồng mới, 15.000 đồng cũ một tháng) mà không cho hay ngay, cứ làm thinh, bắt mỗi tháng lại sở hưu bổng hỏi han, chầu chực, như vậy hai năm, tới khi thấy người ta hạ cái bảng tên sở đi mới tuyệt vọng, không trông vào số tiền dưỡng lão đó nữa.

Còn hoàn cảnh của những nạn nhân khác thì sao?

Biết bao người ở trong trường hợp đó, nhiều người nghèo không trông cậy vào đâu được, phải tự tử. Có người đã mất hết số tiền và tư trang gởi ngân hàng, rồi lại mất luôn tiền hưu trí, hoá điên.

Nhưng ác độc nhất là hai vụ đổi tiền, chủ đích là làm cho dân nghèo đi:

Chính sách đổi tiền của chính phủ càng thất nhân tâm hơn nữa. Vụ đổi tiền thứ nhất xẩy ra tháng chín hay tháng mười 1975, và xẩy ra rất đột ngột. Sáng sớm hôm đó dân chúng mới hay rằng phải đổi tiền nội trong 24 giờ và mỗi người dân già trẻ lớn bé được đổi một số tiền là bao nhiêu đó tôi quên rồi, chỉ còn nhớ số tiền này như gia đình tôi chỉ đủ tiêu trong một tháng hay tháng rưỡi là cùng… rất nhiều người phẫn uất, tuyệt vọng; có người tự tử, có người đốt hằng thúng giấy bạc, hoặc từ trên lầu vãi giấy bạc xuống đường, không ai thèm lượm; ở Mỹ Tho, nhiều tiệm Trung Hoa thồn giấy bạc vào cà roòng, thả trôi sông.

Dân có nghèo thêm đi thì chỉ làm cho cán bộ giàu hơn lên:

Cấp trên không biết tổ chức hoặc biết tổ chức mà bên dưới không thèm nghe, tự ý làm sao thì làm, và hạng người ngu dốt, được cơ hội, tha hồ hách dịch, làm khó dân… nhiều cán bộ gian lận làm giàu.

Và đây là nỗi chán chường của ông đối với những người cai trị tự cho là liêm khiết, vì dân:

Lần đó là lần đầu tiên tôi thất vọng, thấy rõ chân tướng chẳng tốt đẹp gì của các đồng chí cách mạng trong chủ nghĩa xã hội đã được Hồ chủ tịch dạy dỗ mấy chục năm. Họ bỉ ổi, bê bối còn hơn chế độ tư bản nữa. Tôi không vơ đũa cả nắm. Cũng có một số liêm khiết, xã hội nào cũng vậy.

Nhưng chưa hết, cuộc đổi tiền lần thứ hai cũng khủng khiếp không kém lần thứ nhất:

Ba năm sau, năm 1978 lại đổi tiền một lần nữa, mà lần này ở khắp nước. Cũng đột ngột, cũng hạn chế số tiền được đổi, nhưng có tổ chức hơn, đỡ khổ cho dân… Vụ đổi tiền năm 1978 làm Bắc Việt xôn xao cũng bằng ở trong Nam, và cũng có đủ các tệ như ở Nam… Lần này người ta biết tin trước vài ngày: ai có nhiều tiền (ở Bắc cũng như ở Nam) cũng tung tiền ra mua vàng, xe đạp, vải, tủ lạnh, chén đĩa, bất kì thứ gì với bất cứ giá nào… Có người không biết mua gì, năn nỉ hàng xóm để lại cho con gà, con vịt. Người nghèo có từ nải chuối trở đi cũng đem đi bán. Ở Bắc có kẻ nhiều tiền quá thồn cả vào một cái bao, chở trên xe đạp, đến một chỗ vắng, làm bộ đánh rớt xuống đường rồi phóng đi như bay. Hạn chế, kiểm soát rất gắt, vậy mà ở Hà Nội ngay tối đêm mới đổi tiền, công an lại xét một nhà thấy một số tiền gấp trăm số gia đình đó được phép đổi. Và chính phủ cũng phải làm ngơ.

Sau một phần tư thế kỉ được giáo hoá mà như vậy thì chúng ta phải kết luận ra sao? Có chế độ nào thay đổi được bản tính con người trong một hai thế kỉ không? Bao giờ mới đào tạo được con người xã hội chủ nghĩa để họ xây dựng xã hội chủ nghĩa đây, như Hồ Chủ tịch nói?

Và kết quả sau hai cuộc đổi tiền:

Mỗi lần đổi tiền là một lần lạm phát… Dân sợ sự đổi tiền quá, không còn làm ăn gì được… Đời sống không được ổn định, dân lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, chẳng trách bệnh bao tử phát dữ dội, gấp mấy thời trước. Không ai muốn tiết kiệm nữa, kiếm được đồng nào tiêu hết đồng đó; những quán ăn, tiệm cà phê nhiều hơn và đông khách hơn trước ngày 30-4-1975.

Rồi ông kết luận:

Tóm lại chính sách của nhà nước là muốn quản lí tiền bạc của dân…

Dĩ nhiên là tiền bạc không phải chỉ là một thứ của dân mà nhà nước công sản quản lí như ta đã biết và thấy.

Kinh tế

Một lời “vinh danh” chế độ cộng sản của ông:

Sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa, bước đầu của chế độ cộng sản là nắm hết sự sản xuất và sự phân phối trong nước. Có nắm được như vậy thì mới mau bình sản được, mới diệt được sự bóc lột của cá nhân, sự bất công, mới giảm được sự bất bình đẳng, trong nguyên tắc. Ai cũng hiểu như vậy nhưng chỉ cộng sản mới can đảm, kiên nhẫn, cương quyết thực hành điều đó. Cộng sản “đáng phục” chỉ ở điểm đó, còn tinh thần nhân đạo, thương người nghèo của họ không hơn gì - nếu không nói là kém – Kitô giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo…; mà lí thuyết của họ thì còn có thể đem ra bàn luận hoài được, khen cũng được mà chê cũng được.

Sản xuất

Nông nghiệp

Bài học lịch sử:

Về nông nghiệp, hai nước cộng sản đàn anh Nga và Trung Hoa đều thất bại. Sau 60 năm làm cách mạng, Nga vẫn thiếu lúa mì, phải mua của Mĩ, mà đất đai Nga Xô rất rộng chứ; Trung Hoa thì sau 30 năm, dân vẫn thiếu gạo, thiếu thịt.

Kết quả của bài học đó:

Ông thầy của chúng ta đã thất bại thì ta làm sao không thất bại được?... Hỏi thăm các bạn ở Bắc, ai cũng bảo hợp tác xã nông nghiệp ngoài đó, xét chung, thất bại, chỉ trừ một vài nơi ở Thái Bình… Trong nhiều hợp tác xã còn đất bỏ hoang, vì khó khai phá, không có lợi… Ở trong Nam mấy năm đầu dân phải đóng thuế nặng, lúa bị thu mua nhiều quá với giá rẻ mạt, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng nhớt lại bị cán bộ ăn cắp bán chợ đen v.v… Do đó nông dân chán ngán, không ham sản xuất.

Lời khuyên của ông qua bài học lịch sử:

Chúng ta đừng nên quá tự tín, tự hào, mà nên so sánh nước mình với các nước láng giềng cũng nông nghiệp như mình, đất rộng cũng như mình, tức Thái Lan, Miến Điện… Quá tin ở sự khai phá đất hoang lại càng không nên.

Và một câu châm biếm nhẹ nhàng:

Tóm lại tôi nghĩ rằng hoà bình trở lại, lo sản xuất lúa gạo để đủ nuôi dân đã là may, không mong gì làm giàu được. Năm 1975 tôi trình bày lại ý đó với một cán bộ cách mạng, họ cho tôi là bi quan, bảo: “Dân tộc mình thắng được Mĩ, hùng cường thứ nhì Đông Á, chỉ 5 năm nữa thì kinh tế mình sẽ thịnh, hai chục năm nữa sẽ đuổi kịp Nhật rồi vượt họ.”… Có những người dễ tin bánh vẽ quá. Họ thật sung sướng, tối chắc ngủ ngon.

Hậu quả là nuớc Việt Nam đã được Đảng cho ngủ luôn trên 20 năm sau đó, để cho Nhật vượt xa nước mình, không biết đến bao giờ mới bắt kịp được, đừng nói chi tới chuyện nước mình vượt họ.

Cũng nên cần nhắc lại là chính sách lùa dân đi về vùng kinh tế mới (thật ra chỉ để cướp đất giựt nhà) là một lỗi lầm to lớn của cộng sản Việt Nam:

Một thất bại nữa là chính sách đưa dân thành thị đi vùng kinh tế mới để khai phá đất hoang.

Ngay cả những người hăng hái ra đi cũng không chịu nổi sự cực khổ và ức đáp:

Sau ngày 30-4-75, nhiều người rất phấn khởi, muốn sống một đời sống mới, xung phong đi kinh tế mới... Miền Sông Bé thất bại nặng; người ta bỏ về lần lần hết. Ngay những thanh niên xung phong thấy đồng bào đi hết, cũng phải xin về.

Nên những người đó sau cơn đổi đời:

Coi họ già và lam lũ như hạng lưu dân trong Đồng Tháp Mười hồi 1935. Tôi nghĩ chính hạng người đã hi sinh cả đời cha, đời con, đời cháu nữa để khai phá miền Nam này, sống cực khổ như mọi đó mới là khai quốc công thần, có phần gian lao hơn Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Hữu Cảnh nữa; nhưng khắp thế giới từ cổ đến kim, không ai nhắc tới họ; bây giờ người ta cũng để họ “sống chết mặc bay” mà còn bóc lột họ nữa.

Ông còn kể một hai câu chuyện về những cơ cực của những người đi vùng kinh tế mới này. Tôi không dẫn hết ra đây, nhưng đại loại là nơi họ sống:

… là một khu rừng cỏ tranh không có kinh rạch gì cả, không làm ruộng được, phải phát cỏ tranh, đào giếng (sâu 6 thước) để lấy nước uống, mà nước thì đục ngầu… Họ chịu đựng được non ba năm… hết chịu nổi… Cái chòi một mái chỉ có 6 thước vuông, một cái giường, một cái võng. Mẹ và bốn con ngủ trên giường (vì hai đứa con đã gởi người bà con nuôi dùm), dưới gầm là một con heo lớn, một con heo con, chung quanh là một bầy gà. Chồng ngủ võng. Trời nắng thì ngủ ngoài trời được. Không có bếp, cầu tiêu, nước uống là nuớc trong một cái hầm đào để đắp nền nhà… Cảnh một gia đình công chức hồi hưu (tôi chỉ nghe nói chứ không được biết) còn bi đát hơn gia đình đó nữa… về Sài Gòn thì không có hộ khẩu, không có chỗ trú chân, phải đi xin ăn, ở nhờ bạn, nay nhà người này, mai nhà người khác.

Kết quả của chính sách kinh tế mới là cảnh sống cầu bơ cầu bất của người bị cướp nhà:

Và hiện nay nhiều đường ở Sài Gòn đầy những người ở kinh tế mới về, vô gia cư, vô nghề nghiệp, ban ngày đi xin ăn, làm cu li hay ăn cắp, đêm ngủ vỉa hè, hoặc dưới mái chợ... Khắp các tỉnh đâu đâu cũng có tình cảnh đó.

Sự dốt nát của cán bộ nông thôn lúc bấy giờ:

Một nguyên nhân thất bại nữa của chính sách nông nghiệp là thiếu kĩ thuật gia giỏi… từ ngày 30-4-75, các công tác thuỷ lợi hầu hết do các cán bộ nông thôn mới học hết cấp I (hết tiểu học) điều khiển. Các đồng chí ấy bất chấp kinh nghiệm của nông dân, đã dốt mà lại độc đoán… Cán bộ của mình không được học, không biết tính toán gì cả (một cán bộ tài chánh xã mà không biết chia 72 cho 24), mạnh làng nào làng ấy đào, chẳng hề xét hậu quả gì bất lợi cho làng bên hay không; và kết quả nhiều khi trái ngược với ý muốn… Người ta đào kinh rất nhiều, miền nào cũng khoe đào được mấy chục con kinh, mấy trăm cây số kinh trong một mùa nắng. Có tốn kém gì đâu. Chỉ cần bắt thanh niên làm xâu, làm càng nhiều càng được tiếng “vinh quang”. Tới nỗi có miền dân phải ta thán, đặt ra câu ca dao này:

Mồ cha thằng Thiệu dời dinh,
Để tao ở lại đào kinh suốt đời.

Tập cho thanh niên lao động chân tay, góp sức vào việc kiến thiết quê hương là điều tốt, nhưng người ta phí sức dân quá. Dân do đó thấy tủi cho thân phận mình: trong thời chống Pháp, chống Mĩ, dân hi sinh cho anh em kháng chiến, bây giờ bị coi như nô lệ.

Dưới sự lãnh đạo và điều khiển của những “cán ngố” - cứ tưởng thắng Mĩ được một ván cờ chính trị thì đã khoe khoang tự cho mình là bá chủ ‘đỉnh cao trí tuệ’ - những người thất trận, kể cả người dân miền Nam, đều bị đối xử như là hạng bần cùng, hạ cấp. Điều đó dễ hiểu.

Công nghiệp

Tình trạng công nghiệp Việt Nam tệ hại đến nỗi:

Xí nghiệp quốc doanh nào cũng lỗ nặng… Từ bia, nước ngọt, đến tôm cá, đồ hộp như khóm, màn trúc, quần áo may sẵn, đồ sơn mài… bất kì món gì, mới đầu phẩm còn kha khá, sau cứ mỗi ngày một tệ, bị ngoại quốc gửi trả về… Tôi hỏi một người bà con ở Hà Nội, họ bảo ở Bắc cũng vậy: công nghiệp mỗi ngày một xuống dốc…

Nguyên nhân rất nhiều: quản lí dở, thiếu kĩ thuật gia giỏi… thiếu nguyên liệu, nhiên liệu, thiếu đủ thứ… không có tinh thần trách nhiệm, ai cũng làm việc tà tà… Ngoài Bắc có câu: “Làm thì đói, nói thì no, bồ thì sướng, bướng thì chết”, trong Nam lại thêm câu: “Làm cho lắm tắm không quần thay, làm lai rai ngày thay hai ba bộ.”

Đảng Cộng sản là đảng của vô sản, của thợ thuyền, mà công nhân trong các xưởng tinh thần như vậy đó.

Tình trạng các công ti lớn:

Các công ti công tư hợp doanh cũng lỗ vì công với tư rất khó hợp tác với nhau: công làm chủ thì tư tà tà, mà công thì quản lí rất dở, kĩ thuật kém, nghi kị tư, bao nhiêu quyền lợi, ôm lấy trọn.

Số phận của các công ti nhỏ cũng không khá hơn:

Các tổ hợp làm tiểu công nghệ của tư nhân như tổ hợp làm màn trúc, tranh sơn mài, đan áo, thêu, may áo… lay lắt sống được là may, đa số phải ngưng hoạt động vì xuất khẩu không được, bán trong nước cũng không được…

Do đó nước mình trước kia tự hào là tiền rừng bạc bể mà nay đứng vào hàng 10 nước nghèo nhất thế giới, có người nói vào hàng áp chót trên thế giới nữa. Lợi tức trung bình mỗi năm tính theo đầu người chỉ được 50 Mĩ kim, hai phần trăm của Nhật.

Ông chắc không bao giờ ngờ là hơn 60 năm sau, dưới sự lãnh đạo ưu tú của Đảng Cộng sản Việt Nam, GDP của dân Việt Nam còn thấp hơn cả dân… Thái Lan!

Phân phối

Xuất cảng chỉ còn than đá, xi măng, cao su – hơn hay kém trước tôi không biết - những hàng lặt vặt như bia, đồ hộp, tranh sơn mài, tôm… thì không đáng kể, mà mỗi năm một suy như đã nói ở trên. Nhập cảng cũng rất ít vì thiếu ngoại tệ, cho nên thứ gì cần lắm như xăng, nhớt, bột mì, máy móc mới bất đắc dĩ phải nhập khẩu; ngay đến dược phẩm cũng đành chịu thiếu thốn.

Đánh tư bản

Đây là một trong những độc chiêu đầu tiên cộng sản Việt Nam hành xử ngay trong những ngày tháng đầu ở miền Nam:

Hồi 30-4-75, ai cũng biết tư bản sẽ bị đập, thương mãi bị dẹp. Cho nên khi chính quyền ra lệnh các nhà buôn, nhà kinh doanh có môn bài, cửa tiệm phải đăng kí (kê khai), còn những thứ hàng nào, mỗi thứ bao nhiêu, giá bao nhiêu… (các người cho thuê nhà cũng phải khai) thì những người thức thời làm bản kê khai rồi tặng chính phủ. Trái lại, một nhà xuất bản và nhà sách khác lớn hơn nhiều, tin rằng mình làm ăn đứng đắn, quen nhiều nhà văn cách mạng, sẽ được yên, nên chỉ tặng chính phủ một phần nhỏ tài sản thôi và rốt cuộc mất gần hết nhẵn mà lại phải đi cải tạo mấy năm…

Chiến dịch kiểm kê đầu tiên để đập tư bản xẩy ra cuối năm 1976. Chính phủ đã chuẩn bị kĩ lưỡng, dùng rất nhiều sinh viên, thanh niên, nhốt họ trong trường hay trong cơ quan, không cho về nhà, không cho tiếp xúc với người ngoài, dạy cho họ trong một tuần (?) cách thức kiểm kê ra sao, phát giác những chỗ giấu đồ ra sao - nhất là vàng, kim cương - của bọn tư bản. Thành phố xôn xao dữ dội… Sau vụ đó, một số người bỗng hoá ra giàu. Hậu quả là tài sản của giới này chuyển qua giới khác một phần lớn, chính phủ được hưởng một phần nhỏ.

Ta thấy ngay là mục đích và thành quả của vụ đánh tư bản không khác gì với vụ đổi tiền. Vì vậy, sau đó, dĩ nhiên là cũng phải có màn đánh tư bản tập nhì:

Kết quả lần đầu đó được khả quan nhưng chưa được mãn ý, hai năm sau - 1978 – chính phủ đập một vố nữa: kiểm kê những nhà đã kiểm kê rồi, cả những nhà đã trả môn bài, cống hiến một phần gia sản, xem họ còn giấu gì hay không. Lần này kết quả không được tốt đẹp lắm mà hình như có trường hợp lạm quyền…

Chợ trời

Buôn bán chợ trời trong thời gian đó là một cách duy nhất để dân miền Nam sinh sống, vì thế:

Các tiệm lớn bị đóng cửa càng nhiều thì chợ trời càng phát đạt, càng đông, có đủ mặt hàng. Tất cả các tỉnh, các quận, đâu có buôn bán là đó có chợ trời… Cảnh sát lại đuổi họ thì họ chạy đi, cảnh sát đi khỏi rồi thì họ tụ trở lại, y như một bầy kiến bị ném một cục đá… Họ đông quá, nhiều người thất nghiệp quá, phải kiếm ăn cách đó…

Chợ trời giúp cho cách mạng được nhiều: cán bộ ngoài Bắc vào mua đồng hồ, máy thâu thanh, ti vi, tủ lạnh, xe đạp, giầy dép, quần áo… cơ quan nào cần cái gì thì cứ ra chợ trời, từ chiếc quạt máy, cái máy tính, dụng cụ y khoa, thuốc tây, đến cây bút bi… nếu không mua ở chợ trời thì mua ở đâu?

Và nhà nước ra tay cấm cản, thu dọn các chợ trời tưng bừng, nhưng không sao dẹp được (nếu dẹp hết đi thì dân làm sao mà sống được?), đành chịu thua:

Từ khi trung ương ra lệnh “không ngăn sông cấm chợ”, chợ trời được thể, phát triển càng mạnh.

Theo tôi, đây là dấu hiệu của cái vòng luân hồi như ông đã viết dưới đây:

Tháng 8-1981 chính quyền mới ra lệnh dẹp hết các sạp thuốc tây, bắt họ phải mở tiệm, có dược sĩ kiểm soát để khỏi bán đồ giả. Phải có vốn lớn mới thuê nhà, mở tiệm, mướn dược sĩ được - nếu có đủ dược sĩ – như vậy là trở về chế độ tư bản trước 1975 rồi. Cái vòng luẩn quẩn.

Vậy thì kinh tế tư bản đã bắt đầu được áp dụng trở lại từ lúc đó rồi. Và càng mạnh hơn về sau này, đến nay, nó được nguỵ trang dưới một cái danh hiệu mới mẻ nhưng không kém phần quái đản: kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa!

Phân phối nhu yếu phẩm

Năm 1975, trong nước còn nhiều sản phẩm nên mỗi tháng mỗi người dân ở thành phố được mua đủ gạo ăn, một hay nửa kí đường, một ít thịt cá, xà bông, dầu lửa…

Năm 1979, sản phẩm trong nước cạn dần, chính phủ phân phối cho dân được rất ít: gạo, bo bo, mì sợi may ra còn được đủ, còn những thứ khác thì năm thì mười hoạ mới được một chút ít… nhưng hạng cán bộ cao cấp có tiêu chuẩn riêng, có “bìa”, thì được phân phối quá đầy đủ…

Đó là chính sách chung của các nước trong phe chủ nghĩa xã hội… Việt Nam y hệt Nga và còn thua Trung Hoa một bực. Ở Trung Hoa, Mao chia giới cán bộ thành 30 cấp (thời Chiến quốc, Trung Hoa chỉ có 10 cấp thôi, theo sách tả truyện), mỗi cấp có tiêu chuẩn, đặc quyền riêng...

Phần này ông viết khá dài, ông có kể chuyện phong liêu, quan cách ở Trung Hoa ra sao, chuyện “Chính phủ lại bắt dân hùn tiền lập hợp tác xã tiêu thụ” mà sau đó: “Mỗi năm tính lời một lần, số lời đem ‘tặng’ chính phủ một phần lớn, còn bao nhiêu chia cho xã viên, nhưng không cho rút ra, mà chẳng được bao nhiêu, nên không ai xin rút ra”. Và câu kết luận là:

Cách thức phân phối rất bất tiện cho dân.

(còn 2 kì)

© 2008 talawas