© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
1.2.2008
Dung Khanh
Xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam sau năm 1975 qua cuốn Hồi kí của học giả Nguyễn Hiến Lê
 1   2   3 
 
Phong trào vượt biên

Tôi không biết trước giờ giải phóng, từ Bến Hải trở vào, trong số trên 20 triệu dân có bao nhiêu người vội vã di cư để trốn cộng sản… Người nào cũng có tâm trạng não nề: bỏ quê cha đất tổ, bỏ thân thích bạn bè, bỏ cả sản nghiệp… để qua nước người ăn nhờ ở đậu, làm thứ công dân “da màu”, một thứ công dân hạng hai, và bắt đầu xây dựng lại từ đầu; như vậy ai mà vui cho được? Những người đi đó hoặc là quân nhân, công chức trong các chính phủ trước, hoặc đã có thời sống với cộng sản ở Bắc, sợ chế độ ngoài đó, đã di cư một lần nay lại di cư lần thứ hai. Những người ở lại, xét chung, đều sẵn sàng chấp nhận chế độ mới, dù chưa biết rõ nó ra sao; một số đông còn hăng hái tiếp tay với chính quyền mới để xây dựng một xã hội tốt đẹp cho tương lai nữa.

Nhưng chẳng bao lâu nhiều người thất vọng, qua năm 1976, đã có lác đác một số thanh niên vượt biên… Từ năm 1977 người ta dùng đường biển, phong trào vượt biên phát triển rất mạnh tới mức một bà già nông dân miền Tây phải nói: “ Cây cột đèn nếu đi được thì cũng đi”. Dù phải gian lao cực khổ tới mức nào, hễ ra khỏi được nước là sướng rồi, làm mồi cho cá mập vẫn còn hơn ờ lại trong nước mà chết dần chết mòn, người ta nghĩ vậy…

Có ba cách vượt biên. Cách chính thức, sướng nhất là có người thân, cha mẹ, vợ chồng hay con cái ở ngoại quốc xin cho được đoàn tụ gia đình…. Cách bán chính thức, theo nguyên tắc, cho người Việt gốc Hoa, nhưng người gốc Việt mà muốn thành gốc Hoa thì cũng không khó. Có tiền là được hết… Cách thứ ba lá đi chui, nghĩa là đi lậu. Một người đứng ra tổ chức… đút lót cho công an, chính quyền ở làng có bãi biển, đút lút cả cho công an vài nơi chung quanh để người vượt biên khỏi bị xét hỏi, thuyền yên ổn được rời bến ban đêm. Công an những nơi có bãi biển đó nhờ vậy làm giàu rất mau, có kẻ chỉ một hai năm được vài chục lượng vàng và ôm vàng vượt biên. Do đó mà trong dân gian xuất hiện một truyện tiếu lâm dưới đây.

“Môt hôm nọ, người canh Lăng Bác Hồ bỗng thấy xác ướp của bác biến đâu mất, hoảng hốt đi tìm khắp nơi, tìm ở nhà sàn của Bác không thấy, vế quê hương Bác ở Nghệ An cũng không thấy, nghi rằng bác vào chơi thành phố của Bác, liền vào Sài Gòn kiếm, sau cùng một đêm, thấy bác ngồi một mình, rầu rĩ ở bến Sáu Kho, Thành phố Hồ Chí Minh, hỏi bác, sao lại ra ngồi đấy, Bác đáp: “Bác không muốn ở nước này nữa, muốn qua phương Tây đây, mà tụi công an đòi Bác sáu cây, Bác có cây đâu mà nộp cho chúng”.

Thường là thoát được, ít khi gặp tàu tuần; nhưng nhiều khi gặp bão, thuyền chìm, làm mồi cho cá mập’ hoặc gặp bọn cướp biển Thái Lan… Mặc dầu nguy hiểm như vậy, người ta vẫn không sợ, thua keo này bày keo khác. Có người lần thứ tư mới thoát, lại có người lần thứ 10 vẫn chưa thoát, mà sản nghiệp tiêu tán hết, không biết sống bằng gì…

Từ cuối 1979 thêm một cách vượt biên nữa bằng đường bộ, ngã Cao Miên… Cũng nguy hiểm như vượt biển.

Những người bất kể gian lao rời nước, những Việt kiều mà trước đó bị chửi là phản nước và sau đó lại được tung bê là “khúc ruột ngàn dặm”, đã giúp dân miền Nam can qua đời sống khó khăn lúc đó như thế nào:

Người nào vượt biên được một nước nào tiếp thu rồi, được trợ cấp hay kiếm được việc làm rồi, cũng gởi ngay về cho thân nhân một gói thực phẩm, thuốc uống, quần áo… bán được một hai ngàn đồng. Họ làm lụng cực khổ, (rửa chén trong quán ăn…) nhịn hút thuốc để giúp gia đình vì biết rằng người ở lại thiếu thốn gấp mười họ. Chính nhờ họ mà nhiều gia đình miền Nam mới sống nổi, nhờ họ một phần mà dân miền Nam có thuốc tây để uống, có vải may quần áo, không đến nỗi rách rưới quá. Trong hoạn nạn tình cha mẹ, con cái, vợ ơhồng lúc này lại đằm thắm hơn xưa. Cái rủi thành cái may.

Về vật chất họ được đầy đủ, nhưng về tinh thần họ rất đau khổ. Nhờ bà con họ hàng, nhớ quê hương xứ sở, nhớ day dứt, gia diết. Họ khóc thương thân phận anh hay em ở trong các trại cải tạo mỗi bữa chỉ được nắm bo bo; thân phận cha mẹ chú bác phải đẩy chiếc xe bán củi, bán chuối dưới mưa, dưới nắng, đau ốm không có thuốc uống; thân phận con cháu quanh năm không được một li sữa, một cục đường… Có những thiếu phụ thay đổi hẳn tính tình: ở nước nhà thì thích trang điểm, dạo phố, họp bạn; qua nước người thì suốt ngày ở trong phòng lau chùi, quét tước, nấu ăn cho chồng con, không chịu ra đường, chồng con lôi kéo cũng không đi; một ngày kia họ sẽ loạn tinh thần mất. Khổ nhất là những bà 50-60 tuổi, không biết ngoại ngữ, không sao thích ứng được với đời sống Tây phương, mới xa quê được một năm đã đòi về, ngày nào cũng ngóng tin nhà, và được thư thì đọc đi đọc lại tới thuộc lòng. Ngày đêm họ quay băng “Sài Gòn ơi, li biệt” của Thanh Thuý, băng “Ta chẳng lẽ suốt đời lưu vong” của Phạm Duy mà khóc mướt. Giọng ảo não không kém bài hát dân tộc Do thái khi bị đày ở Babylon hồi xưa…

Thân phận của những người miền Nam ở lại:

Trong số những người ở lại, đáng thương nhất là những cặp vợ chồng già không có con cái, bị chính phủ chặn lương hưu trí, ráng sống lây lất vài năm bán hết đồ đạc để ăn rồi tự tử.

Rồi tới những người sản nghiệp tiêu tan vì đi kinh tế mới hoặc vì vượt biên mấy lần mà thất bại, sống cầu bơ cầu bất ở vỉa hè các thành phố lớn nhỏ như bọn ăn mày.

Rồi những cô giáo, cô kí chồng đi cải tạo 5 năm đằng đẵng, ở nhà xoay xở đủ cách, làm việc đêm ngày, nhịn ăn nhịn mặc để nuôi bốn năm đứa con, vài tháng lại tiếp tế cho chồng một lần. Họ vì hoàn cảnh mà hoá đảm đang, tư cách lại cao lên, không chịu nhận sự giúp đỡ của họ hàng, bạn bè.

Rồi những thiếu nữ học hết đại học Sư phạm hay Luật mà không muốn làm công nhân viên vì lương thấp quá, kiếm một cái sạp nhỏ nửa thước vuông bán thuốc rời hay quần áo cũ, thuốc tây ở lề đường, vất vả nhưng kiếm được 10-15 đồng mỗi ngày, đủ cơm cháo cho cha mẹ và em. Họ lễ phép, chăm chỉ, dễ thương.

Tất cả những người đó và còn nhiều hạng người khác nữa đáng tự hào là nguỵ. Nguỵ mà như vậy còn đáng quí gấp trăm bọn tự xưng là “cách mạng” mà tư cách đê tiện.

Cái chữ “nguỵ” ngày nay đã ít dùng rồi. Những người chính thức là nguỵ thì đã hoà đồng với đời sống mới, không còn mang tiếng nữa. Chữ “nguỵ” bây giờ được thay thế bằng chữ “phản động”, được áp dụng cho tất cả những ai có tư tưởng, hành động không có lợi cho nhà nước cộng sản Việt Nam. Còn tư cách đê tiện của “bọn tự xưng là cách mạng” thì ngày nay vẫn còn, mà lại tệ hại hơn trước nhiều; nó được thể hiện qua những vụ tham nhũng, cướp bóc của dân, và mua bán chức quyền với nhau. Chính bọn này, với tư cách đê tiện cố hữu của chúng, không nhiều thì ít, là cha đẻ của bọn “tư bản đỏ” và bọn “thẻ-đỏ-tim-đen” bây giờ.

Ông kết thúc đoạn này bằng một câu rất cảm khái:

Có ai chép Ba đào kí cho thời đại này không nhỉ? Trong tập kí đó dày ít gì cũng vài ngàn trang, truyện buồn rất nhiều mà truyện vui cũng không thiếu, truyện nào cũng cảm động, đánh dấu một thời và làm bài học cho đời sau được.


Người ta đã nhận định sai

Tôi xin ghi lại đây gần như trọn vẹn đoạn này của ông:

Vậy dù có lạc quan tới mấy cũng phải nhận rằng công việc xã hội hoá miền Nam này tới nay đã thất bại. Chỉ mới dựng được cái sườn thôi mà đã có nhiều dấu hiệu tỏ rằng sườn đó đã nghiêng ngả: rất nhiều cán bộ đã hủ hoá, hùng hục làm giàu bằng mọi cách, thành một bọn tư sản rồi, tinh thần quân đội đã sa sút, hợp tác xã nông nghiệp đã thất bại, chính sách kinh tế mới phải bãi bỏ; một vài địa phương đã rụt rè lập lại chế độ tư bản…

Ngành nào cũng kẹt, kẹt cứng, chính quyền không biết xoay xở ra sao, vá chỗ này thì toạc chỗ khác, càng dùng những biện pháp nhất thời thì càng lúng túng. Ngay các các bộ trung kiên cũng phải nhận rằng tình hình mấy năm sắp tới còn nguy kịch hơn… Thật bi đát.

Chỉ tại người ta đã tính lầm. Thắng được Mĩ rồi, người ta tin rằng sẽ làm bá chủ bán đảo Đông dương, không nhận định được đúng tình hình thế giới.

Người ta nhận định sai tài năng, đạo đức, tinh thần hi sinh của cán bộ, tưởng rằng cao lắm và có thể dễ dành kiến thiết miền Nam thành một xã hội xã hội chủ nghĩa, không ngờ cán bộ tuy rất đông mà rất kém cỏi về mọi mặt, mà tối đại đa số không ưa xã hội chủ nghĩa, thích đời sống miền Nam hơn.

Người ta nhận định sai về tình trạng miền Nam. Trước ngày 30-4-75, miền Nam rất chia rẽ: nhiều giáo phái, đảng phái nhưng tiến bộ hơn miền Bắc nhiều về mức sống, kĩ thuật, nghệ thuật, văn hoá; nhờ ngôn luận được tương đối tự do, nhờ được đọc sách báo ngoại quốc, biết tin tức thế giới, du lịch ngoại quốc, tiếp xúc với người ngoại quốc…; cả về đạo đức nữa: vì đủ ăn, người ta ít thèm khát mọi thứ, ít gian tham (tôi nói số đông), ít chịu làm cái việc bỉ ổi là tố cáo người hàng xóm [Một thím làm tổ phó lo về đời sống, được công an phường gọi đi học tập. Mới hết buổi đầu, thấy công an chỉ dạy cách dò xét, tố cáo đồng bào (ăn uống ra sao, chỉ trích chính phủ không, khách khứa là hạng người nào…), thím ta xin thôi liền, về nói với bạn: “Tôi không làm công việc thất đức đó được”. Lớp học đó bỏ luôn] chứ đừng nói người thân, nói chung là không có hành động nhơ nhớp như nhiều cán bộ ở Bắc tôi đã kể ở trên. Tôi còn nhận thấy vì người Nam bị coi là nguỵ hết, nên càng đoàn kết với nhau, thương nhau: cùng là nguỵ với nhau mà!

Như vậy mà đưa cán bộ Bắc vào cai trị họ, dạy chính trị họ thì làm sao không thất bại? Bọn đó quê mùa, ngu dốt, nghèo khổ, vụng về, tự cao tự đại, bị người Nam khinh ra mặt, mỉa mai; lớp dạy chính trị cho dân chúng mỗi ngày một vắng, hiện nay cả năm không họp một lần.

Một thất bại nặng nề của cách giáo hoá đó là báo Nhân dân không ai đọc, người ta mua về để bán “ve chai”, ngay cả bộ Lénine toàn tập cũng vậy.

Sau 5 năm, cả triệu cán bộ và thường dân Bắc vào Nam mà Bắc Nam miễn cưỡng sống với nhau, lơ là vói nhau, Nam coi Bắc là bọn thực dân, tự coi mình là bị trị. Làm gì có sự hợp tác?


Chương XXXII – Ta phải biết sống theo ta

Một cuộc đàm thoại – Bài học của cổ nhân

Phần này ông kể lại một cuộc nói chuyện với một bác sĩ trong nhóm cán bộ trẻ miền Nam (trong đó có nhiều người nằm vùng trước năm 1975), hỏi ông các tư tưởng của những triết gia Trung Hoa có thể còn được áp dụng vào thực trạng Việt Nam không. Ông đáp: “Vẫn còn nhiều điều dùng được”, rồi ông đưa ra những thí dụ sau, mục đích là để “ôn cố nhi tri tân”:

Khổng Tử trong thiên “Tiên tiến”, bài 24 (Luận ngữ) đã cảnh cáo chúng ta rồi. Tử Lộ, học trò của ông, làm gia thần họ Quí, tiến cử Tể Cao làm quan tể đất Phí. Khổng Tử trách: “Như vậy là làm hại con người ta” (vì Tử Cao chưa được học bao nhiêu). Tử Lộ đáp: “Làm chức tể thì có nhân dân để trị, có thần xã tắc (đất đai, mùa màng) để thờ (thế là học), hà tất phải học sách rồi mới gọi là có học?” Khổng Tử mắng: “Vì thế mà ta ghét những lời lợi khẩu” (cưỡng lí để tự biện hộ).

Ý của ông là:

… mấy năm nay đại đa số các thí thức Bắc, Nam, già trẻ mà tôi được gặp thường phàn nàn về chính sách “hồng hơn chuyên” của chính phủ. Đảng coi trọng những cán bộ có tư tưởng cách mạng, có công lao với cách mạng hơn những chuyên viên, dù những cán bộ đó không có học thì cũng chỉ huy những chuyên viên hiểu biết về ngành gấp mười họ. Ta thấy nhiều trường hợp ông chánh chỉ có tiểu học ra lệnh cho ông phó có bằng phó tiến sĩ, xen vào công việc chuyên môn của ông phó, nhất là lại có thái độ kì thị ông phó, vì biết rằng ông phó giỏi hơn mình, rồi do tự ti mặc cảm mà sinh ra hống hách, ngăn cản công việc của ông phó. Chính sách đó có hại cho việc kiến thiết; chính vì nó mà hầu hết các chuyên viên ở Nam rất có khả năng, rất có nhiệt tâm phục vụ mà không được chính quyền dùng; một số ít được dùng thì lại bị chèn ép…

Một bài học tương tự trong Kinh Dịch:

Kinh Dịch, quẻ Sư, hào 6 cũng đã khuyên ta khi chiến thắng rồi, luận công mà khen thưởng thì kẻ ít học, dân thường tuy có tài chiến đấu, lập được công, cũng chỉ nên thưởng tiền bạc thôi, không nên phong đất cho để cai trị, vì công việc kiến thiết quốc gia phải là người có tài, có đức mới gánh nổi… Ở nước ta ngày nay, chính quyền có cương quyết thay hết các ông hồng mà không chuyên đi thì lấy người đâu để làm việc, và cái phe hồng mà không chuyên đó, bị mất quyền lợi, tất cấu kết nhau, đâu để yên cho chính quyền. Cái hại đó, tôi e rằng một thế hệ nữa chưa hết được.

À, cái quẻ này thật là “phản động”. Nếu cứ nghe theo đó thì quyền lợi của đảng viên và tương lai đảng công sản sẽ tiêu ma đi mất làm sao? Đâu còn là cá mè một lứa, cùng chia nhau hưởng quyền, hưởng lợi nữa? Đúng là tự sát! Dĩ nhiên là cộng sản vô thần đời nào tin vào cái quẻ vớ vẩn như vậy. Đã thế, sau khi thống nhất Nam, Bắc, đảng còn tương thêm Điều 4 vào Hiến pháp Việt Nam, áp đặt chế độ độc quyền cai trị trên toàn nước. Cho vững.

Một thí dụ nữa cũng trong Kinh Dịch:

Chính vì không phân biệt chính sách thời bình và thời chiến mà sau khi hoà bình trở lại - ở Bắc năm 1954, ở Nam năm 1975 - Đảng cho địa phương tự trị như trong thời chiến, và lại dùng những người thời chiến để cai trị trong thời bình; do đó gây nhiều cái tệ mà tệ lớn nhất là cán nặng hơn gáo: mỗi tỉnh là một tiểu quốc, bất chấp cả trung ương… Như vậy là tiểu nhân tha hồ hoành hành, muốn tịch thu gì của hành khách cũng được, không ai răn đe họ khi họ mới mắc tội nhỏ, không ai chế ngự họ khi họ mới ló mòi, lâu rồi thành loạn. Tệ đó, quẻ Phệ hạp và quẻ Cấu trong Kinh Dịch đều đã cảnh cáo nhà cầm quyền từ ba ngàn năm trước rồi.

Bài học trách nhiệm trong việc trị dân:

Trong việc trị dân, người nào có quyền vị thì phải có trách nhiệm. Qui tắc đó rất sơ đẳng, bọn Pháp gia – như Thương Ưởng, Hàn Phi - đều nhắc tới nhiều lần. Mà đạo Nho thời nào cũng chủ trương rằng dân mắc tội là lỗi ở tại người trên; người trên mắc tội thì chỉ người trên chịu, dân không liên can gì tới. Trách nhiệm của người cai trị thật minh bạch; muốn vậy quyền của người trên cũng phải rõ rệt, chỉ người nào có trách nhiệm mới có quyền quyết đoán, mưu việc. Thiên “Thái Bá”, bài 14 (Luận ngữ) Khổng Tử bảo: “Không ở chức vị nào thì đừng mưu tính việc của chức vị đó”, như vậy để định rõ quyền hạn, trách nhiệm của mỗi người.

Chúng ta ngày nay theo chính sách “cai trị tập thể”, mỗi khi quyết định một việc gì, bất kì lớn nhỏ, cũng tập họp cả mấy chục đồng chí của nhiều cơ quan để thảo luận ở hội trường của tỉnh, huyện, hội trường nào cũng đồ sộ, xây cất rất tốn kém. Mỗi cơ quan lại có một hội trường riêng, nhỏ, họp hằng tuần về những vấn đề nội bộ. Quyết định tập thể có điểm tốt là biết được ý kiến nhiều người, tránh nạn độc đoán, nhưng hộp họp nhiều quá, tới nỗi mỗi tuần, nhân viên phải đi họp ba bốn buổi tối, lần nào cũng kéo dài hai ba giờ mà chẳng giải quyết được gì – vì càng nhiều ý kiến thì càng khó quyết định – thì mất thì giờ vô ích, ai cũng ngán. Tai hại nhất là công việc bê trễ, không ai dám lãnh trách nhiệm, trút trách nhiện cả cho tập đoàn, mà tập đoàn làm chủ tức là không ai làm chủ hết.

Một thí dụ về thắng bất tự cao:

Chương 30-31 Đạo đức kinh, Lão Tử khuyên kẻ dùng binh khi đạt được mục đích thi thôi, đừng ỷ mạnh, tự phụ, khoe công; thắng cũng không cho là hay, nếu cho là hay thì tức là thích giết người. Tổ tiên ta đã theo đúng lời đó. Lê Lợi sai khi thắng quân Minh, Quang Trung sau khi thắng quân Thanh, đều khiêm nhu, mềm dẻo với Trung Hoa.

Mustapha Kémal sau khi thắng quân Hi Lạp ở Dumulu Punar, bắt được hai tướng Hi Lạp là Tricopis và Dionys, tiếp đãi họ rất nhã nhặn trong lều của ông, mời họ giải khát rồi cùng nhau phê bình chiến lược của hai bên, làm cho họ phải khâm phục. Chính phủ mình có lẽ không ai nhớ bài học của Lê Lợi và Quang Trung, và tướng Trần Văn Trà chắc chắn không được đọc tiểu sử của Mustapha Kémal. Giá tướng Trà khi vào Dinh Độc Lập cũng nhã nhặn với tướng Dương Văn Minh như Kémal…

Và cái nhân đức trong việc cai trị dân:

Kinh Dịch, quẻ Giải khuyên khi loạn đã giải được rồi, chiến tranh đã hết, dân chỉ mong an cư lạc nghiệp, người trị dân nên có chính sách khoan đại, giản dị; tuy phải trừ những cái tệ cũ, nhưng chỉ nên sửa cho sự bình trị được lâu dài mà thôi, không nên xáo trộn nhiều quá, nhất là nên làm cho mau, đừng đa sự.

Giá chính phủ biết khoan dung lại biết giản dị, không cải cách gấp mà tiến hàng từ từ thì có thể 90% miền Nam đoàn kết với chính quyền mà sự cải cách tiến được đều đều, vững, không phải sửa sai, thụt lùi mấy lần, mà cũng không có sự tan rã, hỗn loạn trong xã hội như hiện nay.

Quẻ Cách lại khuyên thay cũ đổi mới là một việc khó, ngược với thói thủ cựu của con người, cho nên muốn có kết quả thì sự cải cách phải hợp thời, phải sáng suốt, soi xét rạch ròi, thận trọng, tính toán kĩ, làm sao thoả thuận được với lòng người, đừng nóng nẩy; và cải cách tới một mức nào đó thì nên ngừng lại, đừng cầu được hoàn toàn thì mói khỏi thất bại.

Mấy ngày đầu tháng 5-1975, người Nam nào cũng phục tinh thần kỉ luật của quân đội giải phóng và chính sách khoan hồng của chính phủ. Tuyệt nhiên không có cuộc “tắm máu” hồi tết Mậu Thân ở Huế như nhiều người lo ngại, mà cũng không có vụ trả thù cá nhân nào. Nhưng chẳng bao lâu, thái độ khinh bỉ, căm thù lần lần xuất hiện. Người ta coi đồng bào trong này đều là nguỵ hết, người ta mưu mô tước đoạt tài sản của nguỵ, bắt nguỵ đi kinh tế mới để cướp nhà của nguỵ. Tại giữa chợ Trương Minh Giảng, một chị cán bộ ở Hà Nội vô, nói với bạn cũng cán bộ ở Bắc vô sau: “Chị đừng lo, tụi nó sẽ bị đuổi đi kinh tế mới hết, lúc đó chúng ta sẽ có nhà rộng để ở”. Tinh thần chia rẽ, thù oán từ đó phát sinh và mỗi ngày hố giữa Nam Bắc mỗi sâu thêm.

Bài học về cải tạo:

Rồi chính sách bắt nguỵ quân, nguỵ quyền đi cải tạo nữa. Mới đầu người ta bảo mỗi người mang theo quần áo, thức ăn, tiền nong đủ cho 15 ngày, nên ai cũng tưởng chỉ độ 15 ngày là về, trong 15 ngày đó chíng quyền sẽ chỉ bảo, dẫn dắt cho hiểu đường lối của chính phủ, lối sống mới và diệt những thói quen tật cũ đi; như vậy là điều rất tốt, vá ai cũng hăng hái xách khăn gói lên đường cải tạo. Hết nửa tháng rồi hai ba tháng, rồi nửa năm vẫn chưa được về, lúc đó người ta mới hiểu rằng phải cải tạo cho tới khi nào thấy cải tạo hoàn toàn thì mới được về. Và khi nào xong thì không biết. Tới nay (1981), đã 6 năm, vẫn còn nhiều người chưa được về. Có thể bị cải tạo 10 năm như ở Nga chăng? Người ta quên bài học của tổ tiên: vua Trần Nhân Tôn sau khi thắng được quân Nguyên, bắt được tráp thư từ vãng lai với giặc của mấy ngàn người, không thèm coi, đốt đi hết, nhờ vậy mà đoàn kết được toàn dân.

Đọc cuốn J’ai choisi la liberté (đã dẫn), nhất là bộ L’archipel du Goulag của Soljenytsine (gồm 4 cuốn, 2 cuốn đầu đã dịch ra tiếng Pháp và in ở Paris trước 1975), chúng ta phải nhận rằng chính sách của ta không quá tàn nhẫn như chính sách của Nga. Một số trại của mình có chính sách nhân đạo nữa: ăn uống tuy thiếu thốn, nhưng được gia đình tiếp tế đều đều, nên người học tập không xuống cân, tinh thần tốt, được lao động vừa sức, được đọc sách báo… Nhưng có nhiều trại rất khắc nghiệt. Một thiếu phụ sau mấy năm xa cách, được đi thăm chồng tại một trại miền bắc Trung Việt, khi gặp chồng, không nhận ra được nữa, tưởng là người khác, mãi đến khi chồng cất tiếng hỏi, mới hết nghi ngờ. Chồng cô ta đã thay đổi hẳn từ thể xác tới tinh thần, mất mấy chục kí lô, đi không vững, hốc hác, chậm chạp, gần như một cái xác không hồn, lầm lì, hỏi mới đáp, không còn tình cảm, không suy nghĩ, không nhớ gì cả, sống mà như chết rồi.

Đi cả ngàn cây số mới tới trại mà chỉ được gặp mặt chồng có nửa giờ, lại không được khóc, nếu khóc thì bị đuổi ra liền. Hết nửa giờ, vợ chồng chia tay nhau, vợ nhìn theo chồng đẩy chiếc xe chở đồ tiếp tế về chỗ giam; khi chồng khuất bóng rồi, cô ta gục đầu xuống bàn mà khóc, khóc không biết bao lâu, hết nước mắt mới đúng dậy, loạng choạng ra khỏi trại.

Có trại gọi là “trại bò”, không phải để nhốt bò mà để nhốt những nguỵ quân nguỵ quyền cao cấp; phòng giam họ chỉ có một cái cửa cao độ một thước, muốn vô thì phải bò.

Lối trừng trị như vậy tôi cho là vô ích, không “cải tạo” được con người.

Nói tới cải tạo thì phải nói tới cái lừa lọc của nhà nước cộng sản đối với những người phải đi học tập:

Mở bộ Luận ngữ ra sẽ thấy cả chục bài khuyên nhà cầm quyền giữ chữ tín với dân, đặc biệt là bài 7 thiên “Nhan Uyên”:

Tử Cống, một môn đệ của Khổng Tử, hỏi về phép trị dân. Khổng Tử đáp: “Lương thực cho đủ, binh bị cho đủ, dân tin chính quyền”. Tử Cống lại hỏi: “Trong ba điều đó, nếu bất đắc dĩ phải bỏ một thì bỏ điều nào trước?” Đáp: “ Bỏ binh bị”. Tử Cống lại hỏi: “Trong hai điều còn lại, bất đắc dĩ phải bỏ một nữa thì bỏ điều nào trước?” Đáp: “Bỏ lương thực. Từ xưa vẫn có người chết, nếu dân không tin chính quyền thì chính quyền phải đổ” (dân vô tín, bất lập).

Làm cho dân tưởng rằng chỉ phải đi cải tạo nửa tháng mà rốt cuộc là phải đi 5-6 năm, có thể là 10 năm; bảo là cho họ đi học tập, cải tạo tinh thần mà sự thật để hành hạ, để trả thù, như vậy làm sao dân tin được chính quyền?... báo chí, các đài phát thanh chỉ thông tin một chiều, không cho dân biết sự thực, đến nỗi chính những cán bộ ở bưng về cũng phàn nàn rằng báo chí nói láo hết, như vậy làm sao mà tin chính quyền được.

Bây giờ ta vẫn nghe Đảng Cộng sản Việt Nam huênh hoang là toàn dân như một, dốc lòng tin tưởng, phò đảng, củng cố một chế độ độc tài cai trị. Vậy à! Xin làm ơn bắt chước Venezuela tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý đi, rồi thì cũng sẽ biết dân có tin hay không ngay thôi.

Tôi đã nói ở một chương trên, đại đa số những nguỵ quân nguỵ quyền ở trong nước không có tội gì cả, ngoài cái tội sống ở miền Nam, dưới chế độ Mĩ, Thiệu thì phải theo luật Mĩ, Thiệu; nhưng ngay cả những kẻ có tội đi nữa, nặng thì giết họ đi, nhẹ thì cứ dĩ trực báo oán, như vậy càng dễ cải hoá họ hơn, cần gì phải hành hạ như vậy; dĩ oán báo oán, oán bao giờ mới hết được? Đã hành hạ họ lại không cho con họ vô Đại học mặc dầu học giỏi. Người ta chê bài học của Khổng Tử: Thiên Ung Dã, bài 4 ông bảo cha Nhiễm Hữu (Trọng Cung) là người ác, nhưng Nhiễm Hữu là người hiền thì cũng dùng.

Ở thời Khổng Tử, chính quyền nào không được dân tin thì chính quyền đó phải đổ. Vì dân có thể nổi loạn, lật đổ vua, hoặc kéo nhau qua nước khác ở, tìm một ông vua khác để thờ. Ở thời đại chúng ta, khoa học đã tặng nhà cầm quyền những phương tiện cực kì hữu hiệu để đàn áp dân chúng; họ lại nắm sự phân phối thực phẩm, có những thuật mềm nắn dắn buông, vuốt ve dân chúng, cho nên một chế độ độc tài không bao giờ sụp đổ vì chính sách tàn bạo của nó; nếu một nhóm người cầm quyền biết đoàn kết với nhau, quyết tâm bắt dân theo đường lối của họ thì dân phải răm rắp cúi đầu tuân lệnh. Nhưng khi dân thấy chế độ độc tài không đem lại cho họ được một cái lợi gì thì họ phản kháng một cách tiêu cực, tà tà, lè phè, không hăng hái làm việc – chính quyền mình ba năm nay chống tiêu cực mà chẳng có kết quả gì cả - và khi chính quyền thấy chính sách độc tài không có lợi cho cả chính quyền nữa thì tất phải thay đổi chính sách.

Lúc này ai cũng thấy trong thành phần nòng cốt của chế độ, tức đảng viên, quân nhân, nhất là công an, đã chán nản, sa đoạ rồi.

Đúng rồi, với lề lối cai trị và thành phần đảng viên như vậy, bây giờ cái đà sa đoạ của tầng lớp lãnh đạo đó càng ngày thảm hạ, từ năm 1975 cho tới bây giờ. Đã đến lúc chính quyền cộng sản Việt Nam phải thay đổi chính sách. Và cái thay đổi quan trọng nhất là thừa nhận quyền tự do dân chủ thục sự của người dân, trả quyền làm chủ đất nước cho dân. Đừng đổ tội cho những người tranh đấu cho dân chủ là phản dân, hại nước mà theo dõi, cầm tù họ. Chống đảng hay hô hào cho sự thay đổi trong chính sách của đảng không có nghĩa là họ chống nước, phản tổ quốc.

Kinh Dịch đã xét trường hợp phải làm cách mạng (như trên tôi đã nói), lại xét cả trường hợp bỏ sự li tán mà đoàn kết lại (quẻ Hoán), muốn vậy phải bỏ tinh thần bè phái, để tập hợp quốc dân má lo việc nước, tức giải tán cái nhỏ để gom cái lớn lại. Việc đó chính phủ cách mạng đã có một lần làm rồi (1946). Hễ thành tâm thì có kết quả. Nhất là phải thay đổi chính sách kinh tế, bớt thuế má đi, phải để cho dân có lợi thì dân mới hăng hái sản xuất.

Không thể tặng cho người ta mĩ hiệu là “chiến sĩ xây dựng xã hội chủ nghĩa”, ngày đêm hô hào người ta “hi sinh cho đời con cháu được sung sướng” để bắt người ta sống cực khổ suốt đời, đời này qua đời khác được; vì nghĩ cho cùng khuyên người ta hi sinh cho đời con cháu thì có khác gì các cụ hồi xưa khuyên ăn hiền ở lành để phúc cho con; có khác gì các tôn giáo Ki Tô, Hồi Hồi, Phật khuyên tín đồ chịu cực trong cõi trần này để chết đi được lên thiên đường hoặc cõi niết bàn không?

Amen!


Mình theo cả những lầm lẫn của người

Ông viết mở đầu cho phần này như sau:

So sánh những nhận xét của tôi ở trên với những điều tôi đã được đọc trong mươi cuốn về đời sống ở Nga Sô, Trung cộng, tôi thấy chính sách của mình y hệt như chính sách của hai nước đàn anh đó, những lầm lẫn của mình chính là những lầm lẫn của họ.

Những lầm lẫn theo Nga:

Năm 1947, sau 30 năm cách mạng dân Nga cũng bị nhồi sọ như dân mình, xã hội cũng có những sự bất công… cũng có nạn bè phái như mình; cũng có lệ mhốn thưởng một cán bộ thì cho thêm một số tiền bỏ vào bao thư riêng; các ông lớn của họ cũng cách biệt quần chúng như ở nước mình;những kẻ gian trá cũng có thể lén lút làm mọi cái xấu xa, miễn là đừng chống chính quyền; người Nga nào cũng có hai mặt, ra ngoài thì khác như mình.

Họ cũng trọng hồng hơn chuyên, cũng thay đổi chủ trương, chương trình liền liền, thợ họ cũng không đủ ăn, công việc gì cũng không chạy; cán bộ của họ cũng sợ trách nhiệm như cán bộ mình; chính sách cải tạo còn tàn nhẫn hơn chính sách của mình; sự tổ chức bầu cử y như mình, v.v…

Những lầm lẫn theo Trung cộng:

Trung Hoa cũng có thời “trăm hoa đua nở” rồi mấy tháng sau hoa lại bị cấm nở; trăm hoa của mình cũng đua nở sau Trung Hoa ít tháng, và cũng bị cấm nở sau họ ít tháng. Năm 1966 mình khôn hơn Trung Hoa là không làm cách mạng văn hoá, nhưng năm 1978 mình cũng đã chuẩn bị kĩ để phát động một cuộc cách mạng văn hoá như họ, tính đốt hết các sách báo ở miền Nam… cách thức phụ cấp cho sinh viên, đối đãi với trí thức, chính sách học tập chính trị, hội họp ở phường, ấp, dăng, dán biểu ngữ ở khắp nơi, phát thanh bằng loa oang oang mà không ai buồn nghe…; cả lối giáo dục trẻ em, bổ túc văn hoá, công trình khai quật cồ tích chung quanh đền Hùng… mình đều theo sát gót Mao Trạch Đông.

Rồi ông nhận định là:

Tôi có cảm tưởng rằng mình chép đúng đường lối của hai nước đàn anh, không xét hoàn cảnh, dân tình, phong tục của mình có khác họ hay không. Tôi chưa thấy mình có một sáng kiến gì cả, ngay cả những danh từ như biên chế, phụ đạo, tham quan, tranh thủ… mình cũng chép nguyên của Trung Hoa.

Bây giờ thì Trung Hoa mới phát hành bạch thư giải thích về hiện trạng xây dựng một hệ thống chính trị đa đảng cho họ, chắc rồi Việt Nam cũng sẽ bắt chước đi theo con đường đó mà thôi.


Xu hướng của thời đại

Dự đoán sai của Marx

Ông đưa ra một vài điều tiên đoán sai của Marx:
Và sau đó ông mượn lời Sakharov để chỉ trích Nga Sô, mà lời đó bây giờ vẫn có thể áp dụng vào nhà nước Việt Nam được, vì như đã nói ở trên, Việt Nam từ mọi mặt, nhất nhất điều gì cũng rập theo khuôn nước đàn anh của mình, cũng mắc lầm lỗi như nhau:

Nhà bác học Sakharov trong tờ Express tháng 8-1972, nhận ra rằng Nga có tiến bộ về xã hội, kinh tế, nhưng các nước cũng tiến bộ như vậy, có phần còn hơn Nga, tiến nhờ kĩ thuật chứ không phải nhờ chủ nghĩa. Ông chê nhà cầm quyền Nga giả dối, ích kỉ, tàn nhẫn; giáo dục và y tế Nga rất tồi tệ vì bọn cán bộ cao cấp được biệt đãi mà bọn thường dân bị ngược đãi; chính quyền dùng nhà thương điên để nhốt bọn trí thức chỉ trích đường lối chính quyền…


Nguyện vọng của con người thời nay

Đoạn này, tôi xin giản lược lại như sau:

Đại khái tôi thấy xu hướng của thời đại chúng ta là:
  1. Ngán chiến tranh lắm rồi… đòi được hoà bình…
  2. Muốn được tự do, tư tưởng và nhu cầu cá nhân phải được tôn trọng…
  3. Muốn được công bằng, có sự bình sản, không có kẻ giàu quá, nghèo quá, không còn sự bóc lột cá nhân. Sự thực là ở các nước tư bản tiến bộ hiện nay, nhờ pháp luật che chở, gần như hết sự bóc lột đó rồi.
  4. Muốn hạn chế sự phát triển… muốn có một đời sống ổn định, giản dị, gần thiên nhiên.
  5. Khẩu hiệu “của dân, vì dân, do dân” không đúng. Có thể là của dân, vì dân (hiếm lắm!) nhưng có chính quyền nào là do dân điều khiển, định đường lối, chính sách đâu? Phải thay đổi chế độ ra sao cho dân có thể đích thân dự vào việc nước, đó là đòi hỏi chung của thế hệ đang lên.
Trừ nguyện vọng thứ 4 và thứ 5 là mới mẻ, không thể xuất hiện ở thời nông nghiệp được vì thời đó chưa có chế độ dân chủ đại nghị, cũng không có máy móc, không thể sản xuất nhiều được; còn ba nguyện vọng trên: hoà bình, tự do, bình sản đều là nguyện vọng chung của nhân loại từ thời thượng cổ.


Sự tranh chấp giữa Nga và Mĩ

Cộng sản Nga Sô đã sụp đổ, không còn là đối tượng tranh chấp với tư bản Hoa Kì nữa, cho nên tôi không ghi ra đây đoạn này của ông. Chỉ xin trích một đoạn ngắn liên quan đến chính sách của Mĩ đối với Việt Nam:

Mĩ cũng lại phải bỏ cái thói khinh miệt dân tộc nhược tiểu, vung tiền ra làm sa đoạ họ, lập những ổ truỵ lạc, cờ bạc, ma tuý, đĩ điếm như Han Suyin đã trách trong cuốn Un été sans oiseaux. Ngay ở nước ta cũng vậy, khi Mỉ chỉ gửi qua giúp mình một số cố vấn thì dân còn có cảm tình với họ, tới khi họ đổ bộ nửa triệu lính lên lãnh thổ mình, làm xáo trộn xã hội mình thì mình chỉ mong họ thua mà cút đi càng sớm càng tốt.


Sửa sai

Tiết này rất dài, tôi xin tóm tắt nội dung chính, ba điều sai lầm và ba phương thức sửa sai, mà ông đưa ra sau đây:
  1. Cũng vì muốn cấp tốc thành lập xã hội chủ nghĩa, sợ bỏ lỡ “cơ hội ngàn năm một thuở” (lời một cán bộ), người ta hấp tấp dựng các cơ sở mới, nhồi chính trị vào đầu óc dân, chú trọng chình trị hơn kinh tế, tưởng rằng nều dân thuộc được mấy khẩu hiệu: tư bản bóc lột, giai cấp đấu tranh, đảng lãnh đạo, vô sản làm chủ, lập hợp tác xã nông nghiệp, làm chủ tập thể, lao động là vinh quang, cùng nhau thi đua…, là Việt Nam thành một nước xã hội chủ nghĩa… Người ta không hiểu rằng nếu kinh tế không phát triển, dân nghèo đói vì vô sở bất vi, hoá ra ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp, tham nhũng, buôn lậu… không còn nhân cách nữa, mà xã hội sẽ thành một xã hội đồi truỵ, chứ đâu phải là xã hội xã hội chủ nghĩa.
  2. Người ta theo sát Mao Trạch Đông, trọng hồng hơn chuyên. Nhưng chuyên đã không có mà cái hồng chỉ có bề ngoài thôi, còn bề trong thì trắng, một màu trắng lem luốc. Điều này tôi đã nói nhiều rồi, không muốn nhắc lại. Biết mấy ngàn giờ học chính trị chỉ như nước đổ lá khoai, tới nỗi cán bộ đi học cũng phải ngán, bực mình thốt lên: “Càng học càng dốt, vì người dạy dốt quá”.
  3. Sai lầm thứ ba, tôi cũng đã nói rồi, là sau khi đuổi được Mĩ đi, mình chưa kịp lấy lại sức, đã nuôi cái mộng làm bá chủ bán đảo Đông Dương, thành một cường quốc ở Đông nam Á, không tự lượng sức mình, cũng không nhận định được tình hình thế giới, khiến Trung Hoa, Miên, Thái, Mĩ, Nhật đâm ghét mình
Muốn sửa sai, chúng ta phải:

Một lối phát triển riêng, một lối sống riêng

Đây là tiết cuối cùng của chương XXXII. Phần này chiếm trọn 9 trang của tập Hồi kí, tập III, rất dài. Trong đó, ông đưa ra một chính sách mới cho nước Việt Nam trở “thành một nước thực sự độc lập, tự do, không cần mạnh, giàu, chỉ cần tạo được hạnh phúc cho dân”. Tôi xin tóm tắt chính sách đó như sau.

Về võ bị, ngoại giao: Khi đã rút ra khỏi đầm lầy Cao Miên, chúng ta nên tuyên bố với thế giới rằng chúng ta theo chính sách trung lập, hoàn toàn tôn trọng hoà bình, không gây chiến, không tham chiến, giảm binh số, vũ khí tới mức tối thiểu, chỉ còn là một lực lượng cãnh sát trong nước thôi.

Về kinh tế: Chúng ta tìm một đường lối phát triển riêng… Chúng ta nghèo lại càng phải kiếm một đường lối hợp với hoàn cảnh, tài nguyên thiên nhiên, mức tiến hoá còn rất thấp của mình. Trong giai đoạn hiện tại, chúng ta chỉ nên nhắm mục tiêu này: làm sao cho dân chúng đừng đói rét, đau có thuốc uống, và đồng thời giảm lần lần được sự bất quân trong xã hội, mà vẫn giữ được cái tình người.

Về chính trị: Ta càng cần có một chế độ riêng… ta có nên theo gót tư bản hay cộng sản không? Hay phải tìm cách nào, giáo dục dân cách nào cho dân được thực sự dự vào việc nước?

Về nhân sinh quan: Chúng ta cũng nên chỉ cho thanh niên biết dùng kiến thức của họ hơn là nhớ nhiều… cần luyện óc tưởng tượng, tập có sáng kiến… chương trình phải hợp với nhu cầu và mục tiêu chúng ta đã vạch. Mục tiêu đó là dựng một xã hội mới theo một lối sống mới, một nhân sinh quan mới… xét lại quan niệm về hạnh phúc, kiếm một lối sống khác… Đời sống vật chất tới một mức nào đó thì nên cho là đủ, không nên đeo đuổi hoài sự tấn bộ vật chất mà bỏ đời sống tinh thần, tình cảm đi… Sống giản dị, ăn uống thanh đạm, vui vẻ với nhau, có tình cảm , biết hưởng cái vui tinh thần trong cảnh thiên nhiên, tôi cho như vậy là hạnh phúc, mà hạnh phúc đó đâu có cần lợi tức nhiều.

*



Hồi kí có lẽ là cuốn sách quan trọng nhất trong cuộc đời viết văn của ông Nguyễn Hiến Lê. Trong đó, ông đã gửi gấm tất cả những tự sự, hoài bão, tâm tư, nhiệt tình tới độc giả, bạn bè, và đất nước. Vì là một cuốn sách được viết lần cuối cùng trong đời, trước khi ông về hưu nghỉ viết, nó là một tập đại thành của ông, gồm đủ các loại – bút kí, tuỳ luận, văn học, triết học, lịch sử, chính trị, kinh tế, giáo dục - được đúc kết cả lại để cống hiến đời sau một cái nhìn chuẩn xác về đời ông trong một nước Việt Nam, tâm sự của ông về vận nước Việt Nam, và nhân sinh quan của ông về một đất nước Việt Nam này.

Tuy ông đã viết cuốn Hồi kí với một tấm lòng trân trọng như vậy, tôi ngờ là ông không mong mỏi cuốn sách này được xuất bản ngay trong nước đâu (quả nhiên là Hồi kí đã được in tại hải ngoại năm 1988, mà tới năm 1992 mới đươc in lần đầu tiên trong nước). Có lẽ ông đã biết được sự khó khăn như thế nào để một cuốn sách được cho phép xuất bản trong chế độ cộng sản ở Việt Nam vì “viết lách thì phải có danh lớn, hoặc bồ bịch, bè phái thì mới hi vọng được in”. Cái trần ai đó đã được ông nói thêm trong đoạn viết sau đây:

Bản thảo gởi tới một nhà xuất bản, phải bị kiểm duyệt vài ba lần, một lần về tư tưởng, một lần về hình thức, gì gì đó; thoát được mấy cửa ải đó lại phải qua vài lần duyệt nữa xem có hợp thời không, có đáng in ngay không và có ngân sách, có giấy để in không. Phải có ông lớn nào đặc biệt ủng hộ mới mau được in, nếu không thì bị dìm cả chục năm như bộ Tự điển truyện Kiều của Đào Duy Anh; hễ năm sáu năm sau được in thì cũng đã là may rồi… Có nhà khảo cứu bỏ ra mấy năm soạn một bộ công phu mà không in được, chính phủ an ủi bằng cách trả cho một số tiền nhỏ vài ba trăm đồng rồi giữ bản thảo làm tài liệu cho một cơ quan. Như vậy ông giám đốc một nhà xuất bản lớn thành như một lãnh chúa về văn hoá. (Hồi kí)

Thái độ “bất hợp tác” của ông đối với một chế độ vừa được áp đặt lên dân chúng miền Nam là nguyên nhân của sự khó khăn trong việc in sách của người cầm bút “non-conformist” (chữ của ông) như ông:

Khoảng 1971-76 mặc dầu có nhiều cảm tình với kháng chiến, nhưng tôi cũng biết rằng chế độ cộng sản không hợp với tính tình tôi, nên có lần tôi nói với ông Giản Chi: “Cộng sản vô đây, tôi chỉ cần họ cho tôi sống yên ổn, khỏi phải lãnh một nhiệm vụ gì hết, mình già rồi”. Điều đó may mắn tôi giữ được. (Đời viết văn của tôi)

... chính quyền đối với tôi cũng có biệt nhãn. Sở Thông tin Văn hóa thành phố coi tôi là một nhân sĩ; Sở Tuyên huấn thành phố có lần phái một nhân viên lại thăm tôi; nghe tôi nói sức khỏe mỗi ngày một suy, nhân viên đó ngỏ ý muốn giới thiệu tôi để vào điều trị ở Bệnh viện Thống Nhất (bệnh viện cho cán bộ cao cấp, nhiều dụng cụ, thuốc men nhất miền Nam). Tôi từ chối... Vả lại nhận ân huệ của người ta, khi người ta sai bảo việc gì, hay chỉ mời dự một buổi hội họp để góp ý kiến thôi, mình làm sao từ chối được? Tôi chỉ mong được sống yên ổn, không ai nhắc tới tôi, không ai nhớ tên tôi nữa. (Hồi kí)

Do đó mà ông có một lời chua chát cho một thực tế đã cùng đưa đến sự khai tử sự nghiệp của ông và sự cáo chung của một nền tự do đã một thời thực sự có mặt ở Việt Nam:

Tác phẩm thứ 100 của tôi (Trí Đăng xuất bản), nhan đề là Mười câu chuyện văn chương phát hành khoảng 20-4-1975… Tạp chí Bách Khoa số cuối – 426, ngày 25-4-1975 - giới thiệu cuốn Mười câu chuyện văn chương… Nhà Khai Trí tính tổ chức một cuộc triển lãm 100 tác phẩm của tôi, chưa kịp làm thì 12 giờ trưa ngày 30-4-75, quân cộng sản Bắc Việt ngồi xe thiết giáp tiến vào Dinh Độc Lập… Miền Nam lật qua một trang sử mới. Do một sự ngẫu nhiên kì dị, số báo Bách Khoa cuối cùng đánh dấu sự chấm dứt sự nghiệp của tôi cùng với sự chấm dứt chế độ dân chủ miền Nam. (Đời viết văn của tôi)

Sau ngày tiến chiếm đó, ông đã có một hành động tích cực sau đây với loại “lãnh chúa văn hoá” như trên:

Năm 1979, nhà xuất bản Văn học ở Hà Nội, do một anh bạn học cũ của tôi ở trường Bưởi làm trung gian, yêu cầu tôi dịch một danh tác Pháp hay Anh, tôi đáp không có thì giờ (vì tôi đương viết bộ Kinh Dịch); năm nay (1980) nhà xuất bản đó lại xin tôi gởi cho một vài chuyện dài hoặc tuyển tập văn học tôi đã dịch và xuất bản rồi để họ coi xem có thể in lại một cuốn được không; tôi đáp không còn dư cuốn nào cả (sau vụ ba huỷ năm 1978; sách phản động, huỷ; sách đồi truỵ, huỷ; sách lạc hậu, huỷ), nhà xuất bản chịu khó tìm của người khác mà đọc. (Đời viết văn của tôi)

Vì vậy mà ông đã thất vọng cho cái hoài bão cuối đời của ông:

Năm 1973, khi kí xong hiệp ước Paris (chưa ráo nét mực thì đã bị xé) tôi ước ao ba điều: đi thăm quê hương đất nước trong một năm, xuất bản hết mươi cuốn đã viết xong, và còn dư năm nào thì nghiên cứu nốt về các triết gia lớn Trung Hoa thời Tiên Tần. Hai ước vọng trên đã hoá hão, còn ước vọng cuối cùng, từ năm 1976, tôi tuần tự và siêng năng thực hiện cho xong. (Đời viết văn của tôi)

In sách của ông lúc đó là một điều khó xẩy ra, nhưng có một điều chắc chắn là ông sẽ rất bực mình và sẽ có một thái độ dứt khoát khi thấy lời văn, bài viết của mình bị duyệt bỏ (nhiều đoạn viết của ông mà tôi trích ở trên cũng đều bị cắt) như trong trường hợp điển hình sau:

Ngoài ra, do lời yêu cầu của ông Lê Huy Vân, bạn học cũ của tôi ở trường tiểu học Yên Phụ, thư kí toà soạn tờ nguyệt san Tổ Quốc của Đảng Xã hội (được coi là tờ báo của giới trí thúc), tôi viết hai bài cho báo đó.

“Một truyện ngắn làm tôi xúc động”, đăng trên số 12-1977. Tôi phê bình các truyện ngắn của Nam Cao viết trước Cách mạng tháng 8-1945, đặc biệt khen truyện “Một đám cưới”, nhưng toà soạn cắt bỏ đi khoảng một phần ba, chỉ giữ phần phê bình riêng truyện “Một đám cưới” thôi.

“Chủ nghĩa thực dân và vấn đề kì thị chủng tộc (ở Nam Phi)” đăng trên số 11-1978. Bài này cũng bị cắt bỏ đi nhiều.

Từ đó có vài tờ báo xin bài, tôi đều từ chối hết. (Hồi kí)

Học giả Nguyễn Hiến Lê mất ngày 22 tháng 12 năm 1984. Tưởng nghĩ bây giờ, ông có hài lòng không khi tới nay là đúng 23 năm, cuốn Hồi kí của ông được in những sáu lần trong nước mà vẫn thiếu sót; ngoài vô số rải rác những câu, đoạn ngắn bị sửa đổi hoặc đục tỉa, có tới 6 chương trong số 33 chương của cuốn sách vẫn bị cắt bỏ trọn vẹn vì “không thể nào để lại được”?

12-2007

© 2008 talawas