© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
11.2.2008
Franz Xaver Augustin
Không phải những ý nghĩ mà là những giấc mơ làm thay đổi cuộc đời chúng ta
Đinh Bá Anh dịch
Ngọc Thuỵ thực hiện
 
Trong nhiệm kì 2002 - 2007 ở Hà Nội, ông Franz Xaver Augustin, Giám đốc Viện Goethe, đã góp phần kiến thiết và và để lại ảnh hưởng lâu bền tới đời sống văn hóa của thành phố. Cuối tháng 6.2007, ông rời Hà Nội để đến Jakarta, nơi ông sẽ xây dựng các dự án văn hóa quốc tế trong vai trò Giám đốc các viện Goethe khu vực Đông Nam Á. Trong buổi trò chuyện chia tay với Ngọc Thụy, Franz Xaver Augustin nhìn lại những trải nghiệm của ông ở Hà Nội.

Ngọc Thuỵ: Chúng ta vừa trò chuyện đôi chút về lịch sử Việt Nam. Anh có cho rằng chính nền văn hóa Khổng giáo đã dọn đường cho chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam? Hay chính những hoàn cảnh lịch sử, mà cụ thể là chính sách thuộc địa tàn bạo của Pháp, đã khiến Việt Nam tìm đến hệ tư tưởng và mô hình chính trị này để giải phóng dân tộc?

Franz Xaver Augustin: Giả thuyết thứ hai có cơ sở hơn. Nhưng, Ấn Độ chẳng hạn, cũng đứng trước vấn đề tương tự, đã tìm ra một con đường được thừa nhận là hiệu quả hơn, ít thiệt hại hơn và ít đẫm máu hơn. Ấn Độ, từ trong truyền thống của nó, truyền thống đã nuôi dưỡng Mahatma Gandhi, đã tìm ra phương pháp giải phóng khỏi ách đô hộ của người Anh. Đành rằng người Anh là những ông chủ thuộc địa kiểu khác so với các ông chủ thuộc địa người Pháp. Họ tự tin hơn sau chiến thắng trong Thế chiến II, giàu kinh nghiệm hơn và điềm tĩnh hơn sau nhiều thế kỉ cai quản các thuộc địa ở khắp nơi trên thế giới, đồng thời họ cũng tin tưởng sâu hơn vào các giá trị của nền dân chủ. Dù vậy tôi vẫn thấy cái ý tưởng này thú vị, cái ý tưởng thường xuất hiện trong các buổi hội thảo gần đây ở Viện Goethe: Các bạn hãy hình dung Hồ Chí Minh như một Mahatma thứ hai và ông cũng chọn con đường Phật giáo - Á châu với phương châm phi vũ lực triệt để và tuyên bố: "Chúng tôi chọn con đường phi vũ lực, đó là con đường của chúng tôi, và người Pháp thì bản chất vẫn y như thế, nhưng họ sẽ rút đi". Tôi tin rằng, người Pháp sẽ rút đi sau 10 năm mà không cần đến một cuộc chiến lớn.

Nhưng Hồ Chí Minh đã chọn con đường đấu tranh vũ lực, như nhiều quốc gia khác ở hoàn cảnh thuộc địa tương tự. Ngay cả ở Ấn Độ cũng có rất nhiều người coi Gandhi, với phong trào Satyagraha dựa trên chủ trương "ahimsa" (phi bạo lực tuyệt đối) của ông, là một kẻ hâm. Rốt cuộc thì chính Gandhi cũng đã bị ám sát bởi những kẻ ủng hộ chủ trương vũ lực một cách cực đoan nhất.

Ngọc Thuỵ: Nhưng nếu nhìn lại thời điểm lịch sử đó, ta thấy sự hứa hẹn về hiện đại hóa, về một trật tự thế giới mới tốt đẹp hơn theo học thuyết của Karl Marx, là quá hấp dẫn. Ý tưởng về cuộc đấu tranh giai cấp, trong đó các dân tộc thuộc địa nghèo khổ chỉ có thể là kẻ chiến thắng, quá cám dỗ. Chủ trương đấu tranh vũ lực hẳn cũng thuộc trào lưu đó. Gandhi có lẽ chỉ là một ngoại lệ.

Franz Xaver Augustin: Một ngoại lệ, đúng. Ấn Độ là một đất nước khổng lồ, một dự án thuộc địa lớn nhất trong lịch sử. Ít nhất thì Gandhi đã chiến thắng trong một phần của lục địa văn hóa này. Con đường của ông hội tụ những yếu tố của truyền thống nghìn năm phi vũ lực trong triết học và tôn giáo Ấn Độ. Chỉ ở Ấn Độ mới có thể có hiện tượng Gandhi. Ở Đông Á và Việt Nam, Khổng giáo thống trị. Hệ thống phong kiến Khổng giáo có tính tập trung và chuyên quyền. Một hệ thống kinh tế xã hội Khổng giáo chuyển dạng thành một hệ thống nhà nước kiểu Lenin là dễ dàng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà thoạt tiên miền Bắc Việt Nam thành cộng sản trước, rồi mới lan vào miền Nam. Tôi không nghĩ rằng chế độ độc tài cộng sản có thể nảy sinh đầu tiên ở miền Nam, bởi yếu tố Phật giáo ở miền Nam rất mạnh và tôn ti trật tự Khổng giáo thì yếu hơn. Nhưng đấy chỉ là phỏng đoán. Hẳn là lựa chọn cộng sản đã chịu ảnh hưởng lớn bởi ngoại cảnh, và bởi chính sách thuộc địa tàn bạo của Pháp. Tôi cũng hiểu Hồ Chí Minh đã nỗ lực đàm phán như thế nào. Song người ta đã đánh giá quá cao người Pháp và tham vọng giữ thuộc địa của họ. Xét về trung hạn, người Pháp khó có thể cưỡng lại một cuộc đấu tranh phi vũ lực triệt để dưới sự quan sát của công luận quốc tế chống thuộc địa. Hồ Chí Minh có những điều kiện tốt nhất để trở thành nhà lãnh đạo của một cuộc đấu tranh phi vũ lực như vậy. Ông có đầy đủ sức mạnh và hấp lực để làm điều đó. Về bản chất, ông không giống những nhà cộng sản Bắc Kinh, và ông cũng không thích họ. Mặt khác, cũng đáng tiếc là phong trào đấu tranh Phật giáo ở miền Trung lại quá yếu và phân tán.

Ngọc Thuỵ: Anh đến Việt Nam năm 2002. Từ đó đến nay, hình ảnh Việt Nam đã thay đổi thế nào trong anh?

Franz Xaver Augustin: Tôi không thuộc những người cánh tả thế hệ cũ và cũng sinh muộn tới 4-5 năm để có thể trở thành một người '68 thực sự. Tôi luôn theo hướng dân chủ xã hội và tin vào các lý tưởng của Willy Brandt và Martin Luther King. Tôi luôn không thấy cảm tình với chủ nghĩa cánh tả Mác-xít cực đoan mà nhiều bạn đồng khóa của tôi theo đuổi. Tuy vậy, hình dung của tôi về Việt Nam và cuộc chiến tranh ở Việt Nam được khắc họa bởi quan điểm của phái tự do cánh tả chống lại sự hống hách của Mỹ và phương Tây với dân tộc Việt Nam khốn khổ. Trước khi tôi đến Hà Nội lần thứ nhất, tôi luôn có hình dung về Hà Nội như một Dresden thứ hai - một thành phố bị bom Mỹ tàn phá hoàn toàn. Cho đến hôm nay, vẫn còn có những hướng dẫn viên du lịch Việt - Đức, những người kể với khách du lịch rằng, tất cả những gì họ thấy ở Hà Nội - những nhà hát, những tòa nhà hành chính và tất cả những khu kiến trúc kiểu thuộc địa... - đều được xây dựng lại nhọc nhằn sau chiến tranh. Và đến hôm nay vẫn còn những người Đức tin như thế.

Sự bất bình về chính sách của Âu - Mỹ với Việt Nam, về sự ngu xuẩn khủng khiếp mà Mỹ và phương Tây đã phạm phải ngày đó, thì vẫn còn đấy. Hàng thập kỉ nay, chính sách ngoại giao của Mỹ chẳng có gì thay đổi cả - vẫn là những lối hành xử lặp lại y hệt như vậy, vẫn nhắm mắt chọn phương pháp quân sự, chọn nhầm người. Nhưng những năm sống ở Hà Nội khiến tôi ý thức rõ hơn rằng, cuộc xung đột Đông-Tây vì Việt Nam vừa qua cũng còn có thể hiểu như một cuộc nội chiến trong phạm vi quốc gia này. Rằng đã từng tồn tại hai quan niệm về tương lai nước Việt Nam, và quan niệm của miền Nam Việt Nam không chỉ đơn thuần là quan niệm của một chính phủ bù nhìn của Mỹ. Dù rằng đúng là nó đã được Mỹ cố tình xây dựng để làm bù nhìn, nhưng chính quyền Sài Gòn vẫn có một mục đích quốc gia riêng, vì một Việt Nam hùng mạnh. Nhược điểm lớn của chính quyền Sài Gòn là thái độ tham nhũng hưởng lạc, và không có lãnh tụ được lòng dân. Sự yểm trợ khổng lồ của Mỹ cũng đã không thể cứu vãn được.

Đối với một người Tây Âu như tôi, điều đó thật lạ lùng. Trong thời Chiến tranh Lạnh, theo cách nhìn của chúng tôi, bên yếu hơn luôn là Khối cộng sản Đông Âu, nơi mà Stalin và tất cả những người tiếp nối ông ta luôn tìm cách che giấu điểm yếu này bằng bạo lực và tuyên truyền. Đằng sau bức màn thép phía Đông, các chính phủ độc tài luôn sợ bầu cử tự do. Ở Việt Nam thì ngược lại. Ở đây, phương Tây lại là phía trốn tránh việc trưng cầu dân ý và ngăn chặn cuộc bầu cử tự do đã được thỏa thuận trong Hiệp định Genève năm 1956.

Có ở đâu trên thế giới này mà chính quyền cộng sản được ủng hộ rộng rãi như ở Việt Nam? Có lẽ ở Cuba chăng? Ở Trung Quốc hẳn cũng vậy, nhưng ở Trung Quốc, người ta đã phải cần đến bao nhiêu bạo lực để tạo ra sự đồng thuận. Còn ở Việt Nam, quả thực đó là con người Hồ Chí Minh, người đã giành được con tim của dân chúng. Có lẽ ông đã là người chiến thắng nếu có bầu cử tự do.

Ngọc Thuỵ: Hình dung của anh về Việt Nam có lẽ hơi sách vở, hơi được lãng mạn hóa bởi lịch sử một chút. Đối với anh, Việt Nam là một đất nước bị chiến tranh tàn phá…

Franz Xaver Augustin: Và là một đất nước tự giải phóng mình khỏi ách đô hộ…

Ngọc Thuỵ: … hình dung của một người cánh tả phóng khoáng…

Franz Xaver Augustin: Mặt khác, tôi luôn ý thức được rằng trong nhiều phong trào giải phóng như vậy, ta thấy xảy ra những điều rất nghịch lý - ở Algeria cũng vậy, ở Cuba cũng vậy. Hình như trong mô hình Leninist đã tiềm ẩn cái mầm của nhà nước độc tài, và trong trường hợp tệ nhất là toàn trị. Ở điểm này, tôi có quan niệm rất Tây Âu, tức là tôi tin vào Locke và Montesquieu, vào những ý tưởng đơn giản nhưng hết sức quan trọng của họ, tin vào Karl Popper, tin rằng một đất nước chỉ có dân chủ khi người dân có thể cho chính phủ "nghỉ hưu" bất kì lúc nào họ thấy chính phủ ấy không còn hoạt động đúng nữa, rằng quyền lực cần phải được kiểm soát kể cả khi nó nằm trong tay một giai cấp được cho là ưu tú hơn. Những nguyên tắc rất đơn giản này là những thành tố căn bản của lý thuyết chính trị công dân. Trong thời gian tôi học đại học những năm 70, quan điểm này bị những bạn đồng khóa cánh tả cực đoan coi là những quan điểm vớ vẩn của dân liberal. Đó là một sai lầm. Theo tôi, cũng là một sai lầm y hệt như vậy nếu hôm nay người ta vẫn còn bám giữ vào mô hình Leninist, với kì vọng nhờ đó mà hiện đại hóa và khai phóng dân tộc.

Nếu nhìn lại Việt Nam những năm 50, những gì diễn ra sau Điện Biên Phủ, sau chiến thắng người Pháp, nhìn lại cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, những gì diễn ra sau khi Hồ Chí Minh tạ thế cũng như việc ông bị tước quyền lực những năm giữa thập kỉ 60, người ta thấy rằng, ở đây đã có những sai lầm giống hệt như ở các nước thuộc khối cộng sản: cuộc cải cách ruộng đất, mà thực ra không phải cải cách mà là phá hoại khủng khiếp sức sản xuất sẵn có. Họ đã không giải phóng các lực lượng sản xuất mà kìm hãm chúng theo một cách mới, nếu không nói là phá sạch. Và điều đó không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Cái mà tôi luôn cho rằng rất đặc trưng là cho đến tận hôm nay, vẫn không ai được phép nói về việc nhóm trí thức ít ỏi tại miền Bắc vào những năm 1950 đã bị đẩy ra ngoài lề như thế nào, tầng lớp tư sản có học, có tinh thần khai minh và đa phần chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp đã bị khai trừ khỏi xã hội ra sao, và cho đến tận hôm nay những người bị kết án hồi đó phần lớn vẫn chưa được phục hồi danh dự. Nhưng nếu bạn vẫn cứ muốn nói về điều đó, như một lần chúng tôi đã làm ở Viện Goethe với một tham luận của nhà nghiên cứu lịch sử Heinz Schütte (hội thảo tiếng Đức, không có phiên dịch tiếng Việt), thì bạn phải nơm nớp sợ rằng, lần sau vị diễn giả này khó mà nhận được visa đến Việt Nam.

Tôi tin rằng việc khai trừ tầng lớp tư sản có học tương đương với việc Việt Nam tự hủy diệt tri thức của mình, mà hậu quả đáng tiếc còn kéo dài đến ngày nay. Tôi cũng cảm thấy vui khi thỉnh thoảng lại quan sát được một ví dụ cho thấy con cháu của những người bị khai trừ hồi đó đang từ từ trở lại và tạo ra một cái gì đó giống như là một tầng lớp tinh hoa văn hóa mới. Trong số các nghệ sĩ và các phóng viên cũng có một số người như vậy, chẳng hạn như Mỹ Linh ở VTV3. Tôi khâm phục sự dũng cảm của người phụ nữ trẻ này. Tôi đã hai lần có vinh hạnh được chị phỏng vấn và thấy lạ rằng hầu hết những điều tôi nói đã được phát sóng trong chương trình của chị. Có những tiềm năng như vậy, và tôi mong rằng Việt Nam sẽ có nhiều hơn nữa những tiềm năng như thế. Mỗi nhận định của tôi theo hướng này đều xuất phát từ lòng cảm mến chân thực của tôi với Việt Nam và xin đừng hiểu quá theo nghĩa phê phán. Tôi nhìn thấy ở Việt Nam những điểm tương đồng với lịch sử nước Đức chúng tôi. Những năm 1920, nước tôi là một trong những trung tâm văn hóa của châu Âu, dù đó là ở điện ảnh, âm nhạc, văn học hay nghệ thuật tạo hình. Với việc lên nắm quyền của Hitler, nước Đức đã tự phá hủy chính mình. Sự điên rồ của Quốc xã đã làm các tiềm lực văn hóa bị ném đi khắp nơi, nhất là sang Mỹ. Một khác biệt giữa Đức và Việt Nam là tầng lớp tư sản có học ở Đức đã không quá mỏng như ở Việt Nam, mà khi đó là một xã hội chủ yếu là nông nghiệp. Đó cũng là sự khác biệt của Việt Nam so với Trung Quốc chẳng hạn, nơi mặc dù đã xảy ra cuộc Cách mạng Văn hóa tàn bạo vượt sức tưởng tượng nhưng vẫn còn giữ lại được một tiềm năng trí thức đô thị đáng kể.

Dĩ nhiên tôi vẫn luôn ngưỡng mộ sức mạnh và quyết tâm của người Việt Nam trong việc giải phóng dân tộc mình khỏi ách đô hộ. Đó đã và luôn là một truyền thống đáng tự hào, trải suốt lịch sử Việt Nam. Mặt khác, những năm ở Việt Nam cũng khiến tôi nhận ra rằng, người Mỹ - khác với người Pháp - chưa bao giờ có ý định biến Việt Nam thành thuộc địa và biến người Việt Nam thành người Mỹ. Với sự can thiệp của mình, họ chỉ muốn ngăn cản cuộc thử nghiệm cộng sản tràn xuống phía Nam. Và nếu nhìn vào những gì đã xảy ra trong những năm từ 1975 đến thời Đổi mới, trong khoảng thời gian 13, 14 năm này, người ta chỉ có thể nói rằng: cuộc thử nghiệm đó chính là cái cần phải ngăn cản. Không phải tự nhiên mà có quan điểm cho rằng sự chiến thắng của miền Bắc đã làm cho đất nước này tụt hậu xa đến như vậy.

Ngọc Thuỵ: Khi đến Việt Nam, anh đã có một viễn kiến rõ nét về công việc của mình, về những gì anh muốn đạt được hay chưa?

Franz Xaver Augustin: Thực tình tôi đã không có những hình dung lớn về điều gì sẽ chờ đợi tôi ở đây. Sát lúc đến Hà Nội, tôi vẫn bị cuốn vào những việc bề bộn ở Viện Goethe Berlin, một Viện Goethe lớn với 130 nhân viên. Hồi đó tôi đã xin nghỉ phép 3 tháng và có chuẩn bị chút ít. Nhưng tôi sẽ làm gì với tư cách viện trưởng ở Hà Nội, tôi không rõ. Khi đến Hà Nội, tôi nhanh chóng nhận ra rằng, trụ sở của Viện ở phố Hàng Đường không phải là một địa điểm phù hợp cho chúng tôi. Từ nhận thức này đã hình thành dự án lớn đầu tiên: cải tạo khu đổ nát ở phố Nguyễn Thái Học thành trụ sở hiện nay của Viện Goethe. Trước khi đến, tôi cũng đã biết rằng, trước hết trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình đã có nhiều chuyển động hấp dẫn. Tuy nhiên nhìn lại, tôi có chút cảm giác rằng, tôi còn kịp trải nghiệm những khoảnh khắc cuối cùng của một trào lưu nghệ thuật rất khỏe khoắn ở miền Bắc Việt Nam, và ngọn trào sáng tạo hồi đó nay đã hạ xuống phần nào.

Ngọc Thụy: Tại sao lại hạ xuống?

Franz Xaver Augustin: Cho phép tôi được diễn đạt cảm nhận của mình bỗ bã một chút: có lẽ những nghệ sĩ trẻ hồi đó còn ở giai đoạn mùa xuân, nhưng nay đã sang mùa hè và rơi vào giấc ngủ trưa thỏa mãn. Tôi không thể nói hiện nay ở miền Nam thì thế nào, tôi có vài liên hệ với các nghệ sĩ trong đó và có cảm giác trong đó có tính quốc tế hơn. Ở miền Bắc, đời sống văn nghệ rất khép kín. Một số cố gắng của chúng tôi trong việc đưa các cú huých từ bên ngoài vào chỉ được tiếp nhận phần nào. Hãy lấy cuộc triển lãm lớn của Wolfgang Laib làm ví dụ: có khoảng 100 - 200 người đến dự buổi khai mạc, có một tối thảo luận rất ấn tượng với tác giả tại Viện Goethe, có chút báo chí, nhưng so với công sức bỏ ra để mang những đồ vật rất dễ hỏng của Wolfgang Laib sang trưng bày ở Việt Nam, so với tầm vóc của nhà nghệ sĩ này trên trường quốc tế - cùng một triển lãm, ở Mỹ đã được trưng bày 5 lần với 250.000 lượt người xem - thì sự quan tâm của công chúng nghệ thuật Hà Nội thật khiêm tốn. Tôi tin chắc rằng, có lẽ quá 80% sinh viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội đã không vượt qua nổi đoạn đường 10 mét từ sân trường đến đến phòng triển lãm, nơi trưng bày các tác phẩm tuyệt vời của nhà nghệ sĩ quan trọng này.

Nhưng bây giờ tôi không muốn nhìn vào mặt tiêu cực. Chính Wolfgang Laib đã rất thích thời gian ở Việt Nam, ông cảm thấy rất thú vị được tiếp xúc với các nghệ sĩ ở đây, với đất nước và con người Việt Nam.

Ngọc Thuỵ: Theo anh thì do đâu mà những nỗ lực từ bên ngoài này đã không được đón nhận?

Franz Xaver Augustin: Tôi nghĩ nguyên nhân là cái thái độ mà đối với một người đứng ngoài như tôi có thể coi là rất khép kín. Miền Nam luôn cởi mở hơn, nghĩa là có gắn kết hơn với hệ thống toàn cầu. Song miền Bắc lại có tầng lớp tư sản có học sót lại từ ngày xưa, cái mà miền Nam thiếu và được bù đắp phần nào bởi các du khách quốc tế. Miền Nam thiếu công chúng, một lớp công chúng rộng như ở Hà Nội. Người ta có thể nhận ra điều đó mỗi khi có những nghệ sĩ Việt Nam tài giỏi triển lãm tại Viện Goethe Hà Nội và họ nhận được sự quan tâm lớn như thế nào. Nhưng chính điều đó lại ủng hộ cho giả thuyết của tôi về sự tự khép kín của giới nghệ thuật Hà Nội.

Khi tôi bắt đầu công việc ở Hà Nội, tình hình có hơi khác. Những sáng kiến trong lĩnh vực nghệ thuật chủ yếu đến từ Trung tâm Văn hóa Pháp (L'Espace), Hội đồng Anh (British Council) và Viện Goethe. Gần đây, một loạt các tay chơi cũ và mới nổi lên: Ford Foundation với tiềm lực tài chính của họ (như dự án Saigon Open City), Quỹ văn hóa mới thành lập của Đan Mạch, Quỹ SIDA của Thụy Điển, và tương lai sẽ là người Nhật, người Israel v.v... Có một số nghệ sĩ mà những tổ chức này cùng muốn tài trợ, và họ cũng chỉ muốn tài trợ những người đó mà thôi. Có thể thấy rõ điều này qua ví dụ Trần Lương. Anh rất gần gũi với tôi và tôi đánh giá rất cao, nhưng thực tế là anh đang bị quá tải vì nhận được quá nhiều lời mời chào. Đơn giản vì chẳng ai có thể thay thế được anh. Đáng tiếc là vai trò người giám tuyển (curator), người không tự coi mình là nghệ sĩ mà trước hết coi mình như người môi giới và tổ chức, rất thiếu ở Việt Nam. Đó có lẽ cũng là lý do khiến cho sự liên hệ với giới nghệ thuật quốc tế, và do đó cả sự phát triển nội tại, đang giẫm chân tại chỗ.

Đôi lúc tôi cũng có cảm giác những nghệ sĩ trẻ đã quá sớm thoả mãn với những gì họ đạt được. Chỉ cần được quốc tế ghi nhận một chút là phần lớn đã nghĩ rằng họ không cần phải nỗ lực thực sự nữa. Những người mà tôi thực sự thích là những người dù được quốc tế ghi nhận vẫn rất khiêm tốn và tiếp tục làm việc quyết liệt: Trương Tân, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Minh Thành, Lê Quảng Hà và nhiều người khác.

Ngọc Thuỵ: Có khi nào anh thấy bị hụt hẫng khi những nỗ lực đưa nghệ thuật hạng nhất như của Wolfgang Laib vào Việt Nam đã không được đón nhận mặn mà không? Vấn đề nằm ở đâu? Ở giáo dục chăng?

Franz Xaver Augustin: Ở giáo dục, và ở truyền thống.

Nhưng tôi không khi nào nản lòng vì những vấn đề đó. Có rất nhiều người quan tâm đến các chương trình của chúng tôi - triển lãm tranh của Gerhard Richter ở Bảo tàng Mỹ thuật có tới hơn 6.000 lượt người xem. Đòi hỏi của tôi luôn là phải mang tới Việt Nam những sản phẩm nghệ thuật hạng nhất. Trở lại với Wolfgang Laib, ông không chỉ nên được triển lãm ở Tokyo và Chicago. Thông thường, không dễ khi phải thuyết phục các tổ chức Đức rằng một địa điểm như Hà Nội cũng xứng đáng cho những triển lãm lớn như vậy. Nên giá mà chúng tôi luôn có được những dòng khán giả ào ạt như ở triển lãm của Gerhard Richter thì thật là tốt.

Mặt khác, dĩ nhiên người ta không được phép chờ đợi rằng ở một đất nước từng bị cô lập và tự cô lập mình lâu như Việt Nam - lựa chọn khối cộng sản cũng đồng thời là một lựa chọn có tính định hướng văn hóa -, rằng ở một đất nước như thế luôn có hàng trăm nghìn người sẵn sàng đón đợi để được thưởng thức nghệ thuật quốc tế hảo hạng. Kiến thức về nghệ thuật, ý thức tiếp nhận cũng như sự hiểu biết - tất cả từ đâu mà có? Các trường phổ thông Việt Nam không giảng dạy môn nghệ thuật. Ngay cả ở Đại học Mỹ thuật, người ta cũng không thể mặc định gì nhiều về nghệ thuật quốc tế đương đại và lịch sử nghệ thuật. Số lượng và chất lượng các bài viết và bình luận nghệ thuật trên báo chí vốn bị kiểm duyệt cũng khá khiêm tốn. Từ đâu mà công chúng có được mối quan tâm đến cái mới và cái lạ từ nước ngoài? Một cách rất từ từ - và ở đây tôi nghĩ rằng chúng tôi đã đạt được chút gì đó - đang có những thay đổi trong lĩnh vực này. Tôi đặt cược vào những phóng viên trẻ tuổi và dũng cảm, những giảng viên và các nghệ sĩ, những người có thể làm đảo ngược quá trình phi trí thức hóa có chủ định của đời sống công luận, những người đang nỗ lực tìm sự kết nối với các chuẩn mực quốc tế.

Chúng tôi mới một lần thử nghiệm dựng một vở kịch. So với các điều kiện Việt Nam thì chúng tôi đã đạt được thành công quá lớn. Trong lĩnh vực âm nhạc, chúng tôi đã có những buổi hòa nhạc quá tuyệt và những buổi diễn đáng nhớ như Carmina Burana của Carl Orff hoặc vở oratorio Sáng thế của Joseph Haydn với sự tham gia của rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam, và rạp hát thì luôn kín chỗ. Đó là những khoảnh khắc sáng chói của đời sống văn hóa Việt Nam. Việc bán và phân phát vé cũng có những tiến bộ từ từ. Công chúng có sự quan tâm lớn hơn. Có chút phản hồi nhiều hơn từ phía báo chí, thông qua các thông cáo của chúng tôi. Tôi cũng học được một số điều trong cách thức quảng bá. Theo thời gian, tôi nhận ra rằng, người ta cần phải biết gõ cửa các nhà báo ở tòa soạn của họ. Trong những tháng cuối cùng, chúng tôi có làm vài buổi họp báo nhỏ với 20 - 25 phóng viên và các nghệ sĩ quen thuộc. Đó là những buổi họp thân mật với nhiều vòng thảo luận và hỏi đáp. Khác hẳn với thói quen ở đây. Ra được nhiều thứ đến mức đáng ngạc nhiên đấy. Mới đầu tôi cũng ngại xuất hiện với tư cách "người đào tạo", vì tôi thấy làm như vậy là sai nguyên tắc ngoại giao. Chỉ với thời gian tôi mới hiểu rằng, các phóng viên trẻ hoàn toàn quan tâm tới loại "bài giảng" kiểu này và biết ơn vì điều đó. Nếu có cách giới thiệu phù hợp, người ta cũng sẽ nhận được sự quan tâm như mong đợi. Cái chính là bằng cách đó, giới báo chí có thể tiếp cận trực tiếp với các nghệ sĩ.

Ngọc Thụy: Tôi nghĩ rằng hai mảng đó có thể bổ trợ tốt cho nhau. Hẳn là có những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao, ít người thâm nhập được. Nên nếu anh có gợi ý cho các phóng viên, thử đưa nghệ thuật và truyền thông lại với nhau, thì cũng không phải là vấn đề gì.

Franz Xaver Augustin: Ta không muốn dạy dỗ hoặc điều khiển đầu óc người khác. Nhưng vì có các lỗ hổng lớn trong hệ thống giáo dục Việt Nam nên nhiều nhà báo, nếu chưa được học ở nước ngoài, có những hình dung về chất lượng không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Ngọc Thuỵ: Đó cũng là câu hỏi của đào tạo...

Franz Xaver Augustin: ... Của đào tạo và giáo dục, dĩ nhiên. Ở đây người ta có vô số thứ phải học đuổi và vô số thứ phải làm để giải quyết hậu quả của việc loại trừ giới trí thức tiểu tư sản ngày trước. Nếu nhìn vào các quan chức trong các bộ ngành - ngay ở Bộ Văn hóa - người ta thấy chỉ có rất ít người nói được một ngoại ngữ, vì vậy họ không biết gì nhiều về các chuẩn mực quốc tế trong văn hóa. Đôi khi tôi cứ có hình dung về những cái nắp bê tông đã sụp đổ từ lâu. Từ những khe nứt mọc lên những mầm non, những cây non đầy hi vọng. Người ta thấy những tiến bộ nhỏ ấy ở khắp nơi. Nó khiến ta cảm thấy vui và đó cũng là cảm giác chiếm lĩnh tôi khi tôi chia tay Việt Nam lúc này. Viện Goethe những năm qua – theo tôi - đã đóng góp được chút ít trong việc tạo ra những khe mở nho nhỏ này và trong việc chăm sóc những mầm non đang lớn. Cái quan niệm về Viện Goethe, trong đó chức năng chính của nó không phải là trở thành gian triển lãm nước Đức, mà là trở thành điểm gặp gỡ của các nền văn hóa, nơi người ta có thể đến để giao lưu, nơi người ta không chỉ đến để thưởng thức đồ ăn mà còn để xem phim, đọc sách, học tiếng Đức, trao đổi về những phát triển của Việt Nam hiện nay cũng như trong quá khứ - quan niệm này là một cái đích của chúng tôi, và chúng tôi đã tiến được một bước gần hơn đến cái đích này.

Hồi tháng 5/6 vừa qua, chúng tôi đã chiếu loạt phim của các đạo diễn Đức đương đại, trong đó có nhiều tác phẩm đề cập đến quá khứ Đông Đức, như là các phim Quán con vẹt đỏ (Der rote Kakadu), Quân đội nhân dân (NVA) và trên hết là bộ phim Cuộc sống của những người khác. Bộ phim được trao giải Oscar, kể về nghiệp vụ của mật vụ CHDC Đức (Stasi), đã thu hút 1.500 lượt người xem ở Hà Nội.

Rồi việc dàn dựng vở kịch Bà tỉ phú về thăm quê của Dürrenmatt mới đây nữa. Đó là một nỗ lực lớn, đi kèm với nhiều trở ngại và nhiều mong đợi. Hơn 100 người đã tham gia vào vở kịch, một cuộc chơi chung ngoạn mục của các nghệ sĩ quốc tế và các nghệ sĩ Việt Nam. Thật sung sướng khi thấy tài năng của các diễn viên Việt Nam, sau thời gian dài, lại có dịp được thể hiện và được công chúng đón nhận nồng nhiệt một cách xứng đáng. Trở ngại nằm ở chỗ khác, ở cơ cấu tổ chức cứng nhắc của nhà hát, và điều này lại liên quan tới cái khung chính trị. Hẳn là trong việc này còn có sự hủ lậu nhất định, sự hủ lậu mà ta bắt gặp khắp nơi trên thế giới. Chỉ tệ hại khi chính những đại diện thiển cận này lại nắm quyền kiểm duyệt. Hàng chữ "ĐÓNG CỬA" xuất hiện ở đề-co sân khấu khi vở kịch bắt đầu. Thị trấn Ghi-lần (Güllen), nơi bà tỉ phú về thăm, đang ở tình trạng phá sản, tất cả nhà máy và cửa hiệu đều bị đóng cửa, và phải thời gian sau - có thể nói sau "Đổi mới" - khi mức sống tăng dần thì bảng thông báo "ĐÓNG CỬA" mới được che bằng những tấm chắn mạ vàng. Đó là một ý tưởng đột phát tuyệt vời. Nhưng những ý tưởng đột phát nói trúng sự việc và đầy tính hài hước ấy lại chính là cái mà các đầu óc thiển cận ở mọi nơi trên thế giới không thích. Bộ Văn hóa đề nghị chúng tôi gỡ hàng chữ "ĐÓNG CỬA". Chúng tôi trả lời rằng, một đạo diễn có bản quyền cho việc dàn dựng của mình. Sau hồi dài đưa đẩy qua lại, cuối cùng vở diễn vẫn được giữ nguyên như vậy, và lần công diễn nào người xem cũng tới chật rạp. Theo dự định thì ngày 2.6 vừa qua, vở kịch đã được công diễn thêm lần nữa với truyền hình trực tiếp. Nhưng điều đó đã không diễn ra. Trước đó đã có một bài viết trên báo Thể thao & Văn hóa công kích mạnh vở kịch cũng như chiều hướng của nó. Có vẻ như ở thời điểm mà Việt Nam đang nỗ lực để mời chào các Việt kiều quay về, người ta không được phép diễn vở kịch đó, nhất là ngay từ đầu đã xuất hiện hàng chữ "ĐÓNG CỬA"? Có lẽ bài phê bình nặng nề và hẳn là do chỉ đạo này đã khiến các nhà làm truyền hình từ chối việc quay phim và phát sóng.

Cái gây ra nhiều lo lắng đến vậy ở Bà tỉ phú là vở kịch này – được Dürrenmatt viết vào lúc bắt đầu thời cất cánh thần kì của kinh tế Tây Âu cách đây tròn 50 năm - đúng với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay như là chìa và ổ khóa. Cũng là cuộc rượt đuổi không khoan nhượng để có được hàng hóa và sự giàu có, vốn là nét đặc trưng cho xã hội châu Âu ngày đó và xã hội Việt Nam hiện nay. Ở Đông Á này, tôi luôn có cảm tưởng rằng (và đây cũng là một sự khác biệt nhất định so với Ấn Độ) còn có ít hơn nữa các phanh hãm về đạo lý và đạo đức.

Ngọc Thuỵ: Phải chăng những người có gốc văn hóa Khổng giáo thường cứng rắn hơn về phương diện này?

Franz Xaver Augustin: Vâng, chính xác. Quá thực dụng. Chủ nghĩa thực dụng này dĩ nhiên chỉ đặt cược vào cái gì có lợi và có giá trị sử dụng. Bởi vậy, tôi thấy thật là tuyệt vời khi vở kịch này đã được chú ý nhiều thế, ngay cả với những người bình thường vốn ít đến nhà hát, ít đọc sách hoặc gần như không làm công việc gì có tính trí thức. Bởi họ thấy thích thú với những gì diễn ra trên sân khấu. Tác dụng của lời thoại có được chủ yếu nhờ vào sự chuyển tải xuất sắc của Lê Chu Cầu.

Ngọc Thuỵ: Trong những năm theo dõi hoạt động của Viện Goethe, chúng tôi thấy rằng Viện không những đã trở thành một phần quan trọng của đời sống văn hóa Hà Nội và Việt Nam, mà còn có một vị trí đặc biệt trong các tổ chức văn hóa nước ngoài. Viện không né tránh những vấn đề gai góc, các chương trình văn hóa của Viện thường có góc cạnh, và người ta cảm nhận được công sức bỏ ra cho các chương trình ấy. Viện Goethe có ưu thế gì hơn so với các tổ chức văn hóa quốc tế khác?

Franz Xaver Augustin: Thế mà so với các tổ chức văn hóa quốc tế khác, chúng tôi có ít ngân sách nhất đấy. Vở Bà tỉ phú chi hết 120.000 USD, nhưng hàng năm chúng tôi chỉ có một ngân sách khung vỏn vẹn 25.000 Euro cho các chương trình văn hóa. Các bạn có thể hình dung chúng tôi đã phải nỗ lực thế nào để gom được các nguồn lực. Trong dự án Bà tỉ phú, Đại sứ quán Thụy Sĩ đã rất hào phóng, công ty Siemens cũng vậy và chúng tôi còn có cái quán cà phê của Viện Goethe nữa. Thật khó nhọc để có được các khoản tiền mới, nhưng sự khó nhọc này lại rất lành mạnh. Kinh nghiệm của tôi là: Có ý tưởng tốt, sẽ tìm được tiền. Ý tưởng càng tốt, càng dễ tìm các nguồn lực để thực hiện. Cũng như, trong trường hợp ý tưởng không thành công ngay, nó càng được mài giũa, và điều đó là cần thiết, cho tới lúc nó trở nên đủ thuyết phục và cuối cùng sẽ tìm được nhà tài trợ. Thời gian gần đây, cái mà tôi thấy đáng phê phán trong các dự án văn hóa quốc tế đủ loại là - tôi đã có lần nói rồi - chúng hoạt động theo kiểu ngược lại: tiền đi tìm ý tưởng. Như thế khó mà tốt được.

Ngọc Thuỵ: Thỉnh thoảng anh có thấy đơn độc với môi trường xung quanh không? Đôi khi chúng tôi có cảm giác rằng khách đến Viện Goethe luôn là những người cũ, một nhóm tương đối cô lập và tự cô lập - anh có cảm giác bị cô lập không?

Franz Xaver Augustin: Thực ra tôi không thể nói vậy. Dĩ nhiên ở Việt Nam chúng tôi chỉ là những người khách, với đúng vai trò và chức năng của một viện văn hóa quốc tế. Cá nhân tôi có cái may mắn là tôi luôn thấy dễ chịu ở tất cả các nước mà tôi làm việc với tư cách là người của Viện Goethe. Điều đó lại đặc biệt đúng với Việt Nam. Tại viện, tôi có một nhóm cộng tác tuyệt vời những đồng nghiệp Việt Nam, trong đó phần lớn các thành viên tôi đều được tự chọn. Nhóm rất nhỏ, nhưng hoạt động hết sức hiệu quả và có động lực. Nhóm không chỉ giúp tôi, mà còn nâng đỡ và gây cảm hứng cho tôi. Chúng tôi làm việc với nhau như trong một công ty gia đình. Vượt qua mọi khác biệt văn hóa để làm các dự án lớn, đó là một kinh nghiệm tuyệt vời mà thiếu sự cộng tác chặt chẽ của các đồng nghiệp Việt Nam thì không thể hình dung nổi. Tôi chưa bao giờ cảm thấy đơn độc, ngay cả trong những lúc gặp gió ngược hoặc trở ngại, từ phía Bộ Văn hóa hay công an văn hóa, những lúc ấy luôn có nhiều người vỗ vai động viên. Cũng vậy, tôi luôn có thể chắc chắn rằng mình nhận được sự ủng hộ và chống lưng chính trị từ phía các Đại sứ Đức ở Hà Nội, ông Massing cũng như ông Weber-Lortsch. Dù nhóm công chúng thường qua lại Viện Goethe chỉ giới hạn, tôi vẫn tìm được những người tin tưởng trong nhóm những người cộng tác thân thiết, những người không thể thiếu trong các dự án khác nhau. Veronika Radulovic, giảng viên lâu năm ở Đại học Mỹ thuật Hà Nội, với kho kinh nghiệm có một không hai của chị ấy, là một nguồn tuyệt vời trong việc hỗ trợ và cung cấp những ý tưởng hay cho giới nghệ thuật Hà Nội, nhất là ở giai đoạn đầu. Trần Lương cũng là một trong số những người đó, rồi Công Nhạc và Trần Ly Ly ở mảng múa, Ngô Hoàng Quân ở Dàn nhạc Giao hưởng, các phiên dịch viên của chúng tôi như Lê Quang, Nguyễn Xuân Hoài, Nguyễn Quang Phục và Nguyễn Quang Huy... và nhiều người nữa. Một người hết sức quan trọng là Lý Trực Dũng, kiến trúc sư, người đã cùng tôi vượt qua dự án lớn đầu tiên, dự án tu sửa trụ sở Viện Goethe - nếu không có anh thì tất cả đã không thể hình dung được.

Ngọc Thuỵ: Gần đây có lời trách cứ rằng Viện Goethe đã "đưa các nghệ sĩ vào tròng" và từ chối triển lãm một số tác phẩm nghệ thuật có tính chính trị. Người ta diễn giải điều này như thể đã có một sự thay đổi về chính sách từ phía Viện Goethe. Anh có thể nói gì về điều này?

Franz Xaver Augustin: Nếu đặt hai vế lại với nhau, sự trách cứ này tự nó đã phi lý. Hình ảnh "đưa vào tròng" là do Phạm Thị Hoài gợi ra trong một buổi đọc sách và thảo luận với Veronika Radulovic tại Berliner Volksbühne hồi tháng 2.2007. Chuyện này cũng liên quan tới việc trưng bày tác phẩm của hai nghệ sĩ Việt Nam tại triển lãm "Come-in" ở Hà Nội tháng 1.2007.

Ngọc Thuỵ: ... Truơng Tân và Nguyễn Quang Huy?

Franz Xaver Augustin: Đúng. Tôi đã hỏi hai anh rằng liệu họ có thể tham gia triển lãm "Come-in" dựa trên cảm hứng về chủ đề "Các nghệ sĩ tạo hình phản ứng với các xu hướng trong thiết kế nội thất". Nhìn lại, có thể nói rằng "Come-in" là một nỗ lực tiếp theo để đưa nghệ thuật "first hand and first class" tới Việt Nam. Dù sao trong số các tác phẩm của các nghệ sĩ Đức cũng có Gerhard Schneider, người đại diện cho Đức trong Biennale Venice 2002. Tổng cộng triển lãm có 25 tác phẩm, trong đó có hai tác phẩm của hai nghệ sĩ Việt Nam. Khi tôi nghe Trương Tân nói anh muốn làm gì, tôi hiểu rõ rằng, đó sẽ là một vụ nổ. Mặc dù vậy tôi vẫn ủng hộ anh, và trước đó tôi đã nói với anh về việc chúng tôi sẽ phản ứng thế nào nếu xảy ra chuyện. Anh nói, anh muốn tác phẩm "Bỉm" của anh được trưng bày và có người xem, và nếu gặp trường hợp tệ nhất, anh sẽ đồng ý rút lại. Rồi anh đã may 146 cái túi áo đồng phục công an lại với nhau thành một cái bỉm lớn, đi kèm với lời chú giải rằng cái bỉm này có thể được sử dụng cả đời, sức thấm của nó là vô hạn. Tôi đã phải làm loãng đi đáng kể cái thông điệp mà anh gửi đến để làm ca-ta-lô triển lãm, để - ở đây tôi xin được biện minh cho mình – phần nào bảo vệ anh trước chính anh. Chúng tôi đã cho trưng bày cái "Bỉm" này. 36 tiếng đồng hồ sau, nó bị dọn đi do lệnh miệng của công an. Khi đó là buổi chiều, tôi đang ở Sài Gòn, một nữ đồng nghiệp thông báo chị nhận được điện thoại của công an về vụ việc, tôi đã gọi ngay cho Trương Tân. Cả Trương Tân cũng như Nguyễn Quang Huy đều bị yêu cầu rút lại tác phẩm của mình. Họ nói rõ với tôi rằng, họ không muốn tôi phản đối một cách công khai. Nơi trưng bày tác phẩm của hai nghệ sĩ này đã được để trống cho tới cuối cuộc triển lãm. Nhưng các tờ rơi về hai tác phẩm kẹp trong ca-ta-lô triển lãm vẫn để đấy và được hàng trăm, nếu không nói là hàng nghìn người đọc. Hai nghệ sĩ cũng không muốn gì hơn thế nữa, cả thành phố đều đã biết đến vụ việc. Vị nữ giám tuyển của triển lãm đã thích hai tác phẩm này đến nỗi chị đã đề nghị giới thiệu chúng ở điểm triển lãm tiếp theo (Singapore và Jakarta). Có gì có thể gọi là "đưa vào tròng" ở đây, tôi không biết. Tiếc rằng bức thư ngỏ mà các nghệ sĩ muốn gửi tới Bộ Văn hóa nhân vụ việc này đã chỉ dừng lại ở dự định. Tôi rất tiếc vì điều đó.

Còn về ý kiến rằng tôi đã có thay đổi về chính sách: đúng là lần đầu tiên tôi đã từ chối một triển lãm của Nguyễn Minh Thành, vì nó mang tính chính trị một cách quá sống sượng. Chúng tôi đến đây với tư cách là những người khách. Chúng tôi tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trẻ có thể triển lãm những gì mà họ khó triển lãm được ở nơi khác. Chúng tôi cũng luôn ủng hộ những cái có tính khiêu khích - cứ xem trường hợp Trương Tân. Cái quan trọng nhất là chất lượng nghệ thuật, nó luôn tự bảo vệ được. Tác phẩm sắp đặt của Minh Thành mang thông điệp đại ý: "Vì hồi đó các người đã sửa đổi di chúc của Bác Hồ, thì nay còn ai tin được các người nữa?". Đó không phải là một quan điểm độc đáo cho lắm mà là một khẩu hiệu chính trị rõ ràng, thiếu sự châm biếm, đơn nghĩa, tấn công trực diện. Lại nhằm triển lãm đúng vào ngày 19.5 nữa chứ! Chúng tôi, với tư cách Viện Goethe, không thể trưng bày tác phẩm ấy. Tiếc rằng hình như Minh Thành đã rất giận chúng tôi. Giờ thì Viện Goethe sẽ phải cố gắng mà sống với cái tiếng là một viện văn hóa thỏa hiệp.

Ngọc Thuỵ: Chia tay Hà Nội, anh cảm thấy nhớ gì nhất?

Franz Xaver Augustin: Ở Hà Nội ư? Hẳn là chất lượng của thành phố này. Nếu nhìn lại thời thuộc địa, chúng ta thấy đã có một sự phối hợp thành công giữa tham vọng đô thị hóa của những người châu Âu và một thành phố cổ đã tồn tại từ hàng nghìn năm, cổ hơn hẳn những thành phố khác ở Đông Nam Á như Bangkok, Manila hoặc Jakarta, và tất nhiên là Sài Gòn. Truyền thống đô thị độc nhất vô nhị này khiến cho mặc dù có những thay đổi khổng lồ ùa vào Hà Nội những năm qua, thành phố vẫn giữ được một sức kháng cự khỏe khoắn chống lại sự đồng nhất hóa nhàm chán kiểu các đô thị lớn toàn cầu, chống lại việc dỡ bỏ cả một quận như ở Trung Quốc, chống lại nguy cơ McDonald hóa như ở Sài Gòn hoặc Manila. Ở châu Á, tôi chỉ thấy sức kháng cự tương tự ở Ấn Độ. Đôi khi thậm chí tôi còn mong rằng những ông chủ của thành phố này có thêm chút bảo thủ nữa, thêm lòng tự hào và thêm khả năng bám giữ, chống lại những cám dỗ của các nguồn tư bản lớn. Khu phố cổ cũng đã có nhiều thay đổi. Chỉ trong 5 năm ở đây, tôi đã có thể quan sát tốc độ chuyển đổi nhanh chóng này. Dĩ nhiên thời gian qua, càng ngày càng có nhiều con phố cổ được cải tạo để phục vụ trước hết nhu cầu buôn bán, còn cuộc sống của con người và các nhu cầu của con người bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Nhưng mặt khác, người ta phải thấy rằng, chỉ bằng cách đầu tư thông minh người ta mới có thể biến những cái đang có thành những cái có giá trị. Chẳng hạn, người ta đã xây dựng các quán ăn sang trọng hoặc các cửa hàng, cửa hiệu ở sân sau của các khu phố cổ, và những kiến trúc mới này không chỉ làm vừa lòng khách du lịch hoặc người nước ngoài. Nó cho thấy một khả năng trong tương lai: xóa bỏ kiểu sống ổ chuột từ 50 năm nay tại các khu phố cổ với các kiểu nhà ống sâu hun hút vây quanh một cái sân, nhằm tái lập các khu phố dành cho các tiểu thương và thợ thủ công giống như các khu phố thời phong kiến ngày xưa (ngày nay là các khu phố dành cho dịch vụ, ẩm thực và khách sạn), tạo ra một cộng đồng với mức thu nhập khá.

Tôi sẽ nhớ thành phố này, hẳn vậy. Và hẳn tôi cũng sẽ nhớ nhóm cộng sự của tôi và ngôi nhà của tôi, Viện Goethe Hà Nội. Nghe có vẻ hơi tự mãn, nhưng trụ sở Viện Goethe ở phố Nguyễn Thái Học chắc chắn là tòa nhà đẹp nhất trong khu vực Đông Nam Á và trước hết là tòa nhà có tính giao tiếp tốt nhất. Trên toàn thế giới, có ít trụ sở được như vậy. Quả là một may mắn lớn khi tòa nhà đổ nát, vốn là một trường học của Liên Xô ngày trước, đã chờ chúng tôi. Tất cả những mệt mỏi và bực dọc mà tôi phải chịu đựng để tu sửa nó, là do phía Đức chứ không phải phía Việt Nam. Tôi đã được đền bù xứng đáng. Tôi sẽ chẳng bao giờ gặp một toà nhà tuyệt vời như thế nữa.

Nhìn lại năm năm rưỡi ở Hà Nội, tôi cảm thấy đó như quãng thời gian dài nhất và dồn dập nhất trong cuộc đời mình. Sau 6 năm ở Berlin, tôi đã giật mình thấy sao thời gian đi nhanh thế. Những năm ở Hà Nội của tôi luôn đầy ắp với những kinh nghiệm, những trải nghiệm và những sự ngạc nhiên mới. Và tôi không tin rằng rồi đây mình sẽ còn được trải nghiệm khoảng thời gian nào nhiều cảm xúc như thế nữa. Tôi có cái đặc ân lớn là được sắp xếp mọi việc từ đầu, được đặt các chuẩn mực, thử nghiệm thứ này thứ kia, với sức thúc đẩy của cái năng lượng sáng tạo vô cùng dồi dào ở Việt Nam, cái luôn khiến những người từ châu Âu già cỗi như tôi cảm thấy ngạc nhiên và thích thú. Được có mặt ở đây, được chứng kiến những biến chuyển lớn của đất nước này, là món quà tặng lớn mà tôi rất quý. Tôi hy vọng rằng cuộc cất cánh của Việt Nam sẽ còn tiếp tục. Báo chí quốc tế đang đoán liệu Việt Nam có phải là một con rồng không, hay là không phải, hay là tương lai sẽ trở thành rồng? Hướng đi về kinh tế của Việt Nam là đúng, dù còn nhiều dấu hỏi, nhất là về mặt công bằng xã hội. Các "bà tỉ phú", các nhà tư bản, được mời chào nồng nhiệt. Còn với câu hỏi thường được đặt ra là, cần phải làm gì để về mặt văn hóa, Việt Nam cũng được ghi nhận nhiều hơn trên trường quốc tế, câu trả lời của tôi luôn là: hãy làm giống hệt như trong kinh tế, hãy hạn chế sự kiểm soát của nhà nước và để cho những tiềm năng hiện có được tự do phát triển. Không nghi ngờ gì, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng trí thức và tiềm năng sáng tạo nghệ thuật, y hệt như tiềm năng kinh tế vậy. Nhưng dĩ nhiên, nếu nhà nước vẫn tự cho mình có thẩm quyền chuyên môn để áp đặt các văn nghệ sĩ phải nghĩ theo một hướng, để quy định một vở kịch thì không được phép như thế này, văn học hay điện ảnh thì không được đề cập tới các chủ đề cấm kị kia, người ta ta sẽ không thể chờ đợi rằng, Việt Nam sẽ tạo ra được những thành tựu văn hóa mới khiến cả thế giới phải nhắc đến.

Ngọc Thụy: Công việc sắp tới của anh sẽ như thế nào?

Franz Xaver Augustin: Tôi sẽ ở lại trong khu vực Đông Nam Á với vai trò Giám đốc điều phối các Viện Goethe trong khu vực tại Jakarta và sẽ tiếp tục làm việc với Việt Nam. Đây là một cơ hội để kết nối những cơ sở của chúng tôi trong khu vực và thúc đẩy việc hội nhập khu vực. Tôi xem việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là một mục đích quan trọng. Việc trao đổi các tác phẩm văn hóa nhất định trong khu vực này, hay trưng bày chúng ở Singapore hoặc Jakarta, cũng như việc tổ chức các festival khu vực, có khi còn quan trọng hơn việc đem chúng tới trưng bày ở Avignon hoặc Salzburg.

Ngọc Thụy: Anh có lời nhắn nhủ nào dành cho vị Tân Viện trưởng thay thế anh ở Hà Nội không?

Franz Xaver Augustin: Chúng tôi đã bàn bạc nhiều về việc này. Peter Bumke, Tân Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội, sẽ làm một số thứ với phong cách khác. Thời gian vừa rồi, tôi đã thử nghiệm mọi thứ, có lẽ vì ban đầu tôi không có hình dung gì cụ thể cả. Như cách người Đức thường nói, tôi đã nhảy qua nhiều thanh chắn mà người ta giơ ra với tôi - như một con chó con vậy. Nhưng ít khi tôi ân hận, bởi có rất ít dự án bị đổ bể hoặc không có nội dung gì hoặc không đem lại điều gì. Peter Bumke sẽ tập trung vào ít dự án hơn và sẽ cố gắng làm sâu hơn. Đấy cũng là điều mà tôi muốn khuyên ông nên làm: xây dựng tầm ảnh hưởng, đi sâu vào vấn đề hơn và tiếp cận nhiều người hơn, đừng lao theo số lượng thành tích. Tôi không biết liệu ông ấy sẽ thành công hay không, bởi các thanh chắn ở đây có nhiều đấy. Khi một tổ chức càng có uy tín và càng được kì vọng thì càng có nhiều thanh chắn.

Ngọc Thuỵ: Tôi hy vọng anh sẽ tiếp tục quan hệ với Việt Nam?

Franz Xaver Augustin: Tôi rất thích Hội An, dù thành phố này đang phát triển quá theo hướng phục vụ du lịch. Nhưng đấy là một địa điểm lịch sử không dễ bị làm hỏng. Tôi ôm ấp một ý tưởng, đó là người ta nên triệu tập các curator giỏi, mời một vị kiến trúc sư tốt – thậm chí nổi tiếng thế giới - để cùng bàn về việc có nên xây dựng một một bảo tàng nhỏ tuyệt diệu, sau đó mua về những tác phẩm nghệ thuật đương đại của Việt Nam và/hoặc của Đông Nam Á, để trưng bày trong khuôn khổ đẹp đẽ độc nhất vô nhị của bảo tàng ấy. Và bảo tàng này đặt chính ở Hội An, điểm giữa của Việt Nam, nơi hàng thế kỉ nay Đông - Tây đã gặp gỡ nhau: những thủy thủ, những thương gia, những nhà thám hiểm từ Bồ Đào Nha đến Nhật Bản. Lợi thế của việc đặt ở Hội An là bảo tàng và các tác sản phẩm nghệ thuật đương đại của Việt Nam được trưng bày ở đó, nhờ làn sóng khách du lịch, sẽ có được sự chú ý khác thường từ quốc tế.

Đạo diễn người Đức Rainer M. Fassbinder đã nói một câu thế nào nhỉ? "Không phải những ý nghĩ mà là những giấc mơ làm thay đổi cuộc đời chúng ta."

Ngọc Thuỵ: Xin cảm ơn anh.

(Bài phỏng vấn được Ngọc Thụy thực hiện bằng tiếng Đức tại Trụ sở Viện Goethe Hà Nội ngày 9.6.2007.)

Bản tiếng Việt © 2008 talawas