© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
11.2.2008
Nhã Thuyên
Băn khoăn từ một người đọc
 
1. Nhìn vào lượng sách phát hành vài ba năm gần đây, đặc biệt năm 2007 với trên dưới ba mươi đầu sách [1] , trên dưới hai mươi người viết, (dù chưa ai có (khả năng) thống kê chính xác số tác giả, đầu sách, lượng bản in…), có thể nghĩ ngay: văn xuôi trẻ được mùa, “bùng phát”. Cái dễ khẳng định trước hết là sự xông xáo của các nhà sách tư nhân để “ra quân” sách văn học... Người lạc quan nghĩ ngay đến một “làn sóng mới”, thậm chí ám ảnh ngay rằng có một dòng văn học 8x. Nhưng ngay ở cách gọi này, nếu so với hiện tượng hàng loạt các nhà văn 8x Trung Quốc – một hiện tượng xã hội mà báo chí đã nhiều lần đề cập, thì con số chừng hai mươi người viết ở Việt Nam cho thấy sự xuất hiện này, về lượng, mới đang ở mức khởi đầu, còn lẻ tẻ, cảm tính. Ba tập truyện ngắn 8x chỉ là một tập hợp ngẫu nhiên những người viết 8x. Cách gọi “văn học 8x” ở Việt Nam, bắt đầu sau hiện tượng ngoại nhập ồ ạt và áp đảo của văn học Trung Quốc, trong một, hai năm gần đây, trở thành một “điểm nóng”, thậm chí ồn ào, Hội nhà văn cũng có một hội thảo ngày 26.8.2007 với mục đích “xóa bỏ những thành kiến về văn học 8x”.


2. Bạn đọc dễ “hoang mang” trước cảm giác lập lờ về các dòng văn học, các hướng viết… nhưng tìm cách phân loại chúng lại là một việc liều lĩnh và dễ gây hiểu lầm. Những phân loại dưới đây chỉ (dám) là những băn khoăn của tôi từ việc quan sát đời sống văn học.

Trước hết, tôi nghĩ, có thể phân biệt: văn học (của) tác giả và văn học (của) số đông.

Nhiều người viết đã xuất hiện vài năm trước với “danh tính” tương đối chắc chắn cùng một vài cây bút mới “ít nói” như “chìm” đi (vì nhiều lí do) như Nguyễn Vĩnh Nguyên, Vũ Đình Giang, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Nguyên Phước, Hoàng Long. Chính ở những tác phẩm “chìm” này lại bộc lộ những tín hiệu mới mẻ về nghệ thuật và cách tư duy: chẳng hạn Hoàng Long “chuyên” viết truyện cực ngắn, tìm kiếm mô hình tự sự mới, Nguyễn Nguyên Phước tạo “khí quyển riêng” với một lối kể hoang tưởng. Đó là những người, mà ngay lần đầu xuất hiện, họ đã bộc lộ hình ảnh về một “tác giả” (nhưng không gây được nhiều chú ý). Văn xuôi trẻ khi ồn ào về lượng, những ồn ào nhiều khi bắt đầu từ các tuyển tập, dễ thành một cái cớ để người ta từ định lượng mà “định danh” “định chất”. Cho nên, hoá ra câu hỏi này rút cục vẫn có thể còn phải đặt ra: văn xuôi 2007 (và những năm trước nữa) có những tác giả nào? Và người ta chú ý đến họ theo cách nào / như thế nào?

Văn học (của) số đông (do số đông “bầu” lên hoặc, có thể nhiều người cùng viết) (sẽ) là đặc quyền của văn học mạng, một cụm từ đang gây xôn xao. Diễn đàn và blog không chỉ là cách thức trực tiếp và hữu hiệu để duy trì quan hệ độc giả - người viết, mà còn là một mảnh đất màu mỡ mà các nhà sách tư nhân lao vào khai thác, cho ra hàng loạt các tuyển tập blog. Những người trẻ đô thị có nhu cầu bộc lộ đời sống cá nhân và tìm kiếm niềm đồng cảm, ban đầu không có ý làm văn học nhưng nhờ công chúng mà điều họ viết trở thành tác phẩm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, một website văn học mạng đúng nghĩa chưa hề có, và tác phẩm văn học mạng đúng nghĩa, chẳng hạn cuốn sách của Hà Kin vẫn rất ít ỏi [2] . Các tuyển tập blog chưa đủ độ vang, mang tính “ăn xổi” rất rõ. Dẫn đến hiện tượng cái gì đăng trên mạng hoặc từ mạng đi ra đều (có thể) được coi là văn học mạng một cách dễ tính, nhiều độc giả hồn nhiên sùng bái sách blog.

Rõ ràng, không thể so đo phân biệt những tác phẩm văn học “theo cách truyền thống” (văn học của tác giả cụ thể) với kiểu văn học đang manh nha mà chưa thành hình dạng này (ở Việt Nam) (dù đã có nhiều tác phẩm dịch từ các mạng Hoa ngữ) là đẳng cấp và rẻ tiền. Tuy nhiên, khi kiểu văn học này tạo thành một áp lực của đám đông thì (cảm giác) nó có thể “điều khiển” thị hiếu đọc của bạn đọc, nhất là những người trẻ tuổi. Áp lực của số đông cũng có thể gây một “ám thị” rằng đời sống văn học chỉ có vậy, do đó, từ “văn học” bỗng loãng ra đầy bao dung,, gây ra sự dễ dãi (ở một phía) hoặc nỗi chán nản (ở phía khác) trong tiếp nhận / tiếp xúc / kích ứng. Cho nên mới có hiện tượng nhiều người đổ xô đi tìm một cuốn sách, nhiều người lại chẳng buồn nhấc lên. Câu hỏi đặt ra nữa là: thiếu một sự định hướng các dòng sách của người phê bình văn học chăng? Hay là chính độc giả chưa tự kích thích cách đọc của mình? Hay là công chúng đã phân hoá (được)? Ở Việt Nam có thể có chuyện cái gì cũng cảm thấy thiếu, nên nếu có thêm “cái gì” thì cũng không thể đến nỗi làm hốt hoảng. Tôi không nghĩ nên quá lo lắng về thị hiếu đọc. Nhưng có thể nghĩ thêm về tình trạng “bỏ mặc”, “bỏ hoang” cho mọi sự tự phát.


3. Từ quan hệ tác giả - độc giả, sẽ có thêm một phân loại nhỏ hơn kèm câu hỏi: nên hiểu thế nào về sự kích cầu độc giả trong quan hệ với các phương tiện truyền thông? Nó có trùng khít với “văn học (của) tác giả” và “văn học (của) số đông” không? Người nghĩ chuyện tiếp thị sách là bá láp, phù phiếm, coi là văn học chạy theo thị hiếu, thậm chí tỏ luôn ra một nỗi khinh bỉ. Kẻ lại sẵn sàng khẳng định tác phẩm văn học cũng là hàng hoá, độc giả là khách hàng, là thượng đế. Người thản nhiên, kẻ thấy “buồn một cách rất thực lòng” cho chuyện người viết trẻ tìm cách tiếp thị tác phẩm. Nhưng khó phủ nhận rằng việc tiếp thị sách – biết kích cầu độc giả là một trong những tín hiệu cho thấy sự chuyên nghiệp / đúng thời (thượng) trong nghề làm sách (và đây không phải chỉ là công việc của các công ty sách) mà một người viết thực tế, muốn sống bằng nghề không thể không quan tâm đến.

Không thể đánh đồng “tiếp thị sách” và sáng tác. Cho nên, văn học (của) tác giả không có nghĩa là không tiếp thị, và cứ tiếp thị là văn học (của) số đông. Có một khả năng phân loại tác giả như thế này chăng: người viết cho nhóm công chúng nào đó (phục vụ họ, và được họ đọc) và người viết có nhóm công chúng nào đó (đọc), (hai nhóm công chúng này có thể giao nhau, vì nhu cầu của người đọc luôn đa dạng). Từ việc quan tâm “đáp ứng nhu cầu của độc giả”, “phục vụ độc giả”, người viết có thể hoặc bày ra món ăn độc giả gọi, hoặc bày ra món ăn (theo ý thích), ai thích / tò mò sẽ tự tìm đến. Sự hỗn độn / phân biệt dễ xảy ra là bởi: những người viết “phục vụ” phải quan tâm (nhiều hơn) đến tiếp thị, giao lưu, v.v để thành công với một số đông công chúng, và nhóm kia, có thể thích “hữu xạ tự nhiên hương”. Nhìn bề mặt, người viết cho độc giả có thể nhiều fans hơn chăng, thành công hơn chăng? Nhưng ai dám chắc chắn điều này? Tưởng chừng những người viết này “phân biệt” nhau, nhưng nhìn từ quan hệ với độc giả, rõ ràng, họ hoàn toàn “tương đương”, cùng chuyển động (và chắc chắn có tương tác) trong đời sống văn học. Thái độ “không nhìn mặt nhau” (trong văn chương) chắc hẳn không phải là thái độ “hữu ích”. Ai dám chắc rằng, hai nhóm người viết này không “ngầm cạnh tranh” nhau (về độc giả, vị trí…), và có thể nhớ đến một đoản ngôn của Lê Đạt, đại ý: “lịch sử văn học là lịch sử của các fans club”. Sự lên – xuống, nổi – chìm của văn học có thể chính từ áp lực của những nhóm công chúng đọc lên đời sống văn học. Sự cạnh tranh ngầm luôn tiềm tàng này, sâu hơn, có thể bắt đầu từ chính khát vọng viết: tôi muốn trở thành một tác giả, và tôi muốn trở thành một tác giả có nhiều độc giả. Và như thế, chắc chắn đó không thể chỉ là vấn đề tiếp thị văn học.

Bạn đọc đứng trước những món ăn đã bày ra đó sẽ chọn gì? Dù thế nào, họ cũng là những người tiêu thụ, và nhu cầu của họ luôn đa dạng, lại dễ đổi thay, dễ bốc đồng nữa. Do đó, chẳng hạn có những tác giả “phục vụ” bạn đọc, trở thành một nhà văn giải trí chuyên nghiệp (điều quá thiếu ở Việt Nam) thì chắc chắn, không phải là điều đáng buồn / sợ. Đáng sợ hơn là những cuốn chỉ ở mức na ná giải trí và lẫn lộn với “tham vọng” văn học (cao), ra một sản phẩm nước đôi bất thành. (Còn những tác phẩm văn học bao giờ cũng có đủ chất lượng giải trí). Dù thế nào, người viết nào cũng có một nhu cầu chính đáng là được thừa nhận. Và bạn đọc sẽ công bằng với những tác phẩm / sản phẩm của họ.

Tuy nhiên, những người viết hướng đến “phục vụ” độc giả chắc chắn tiềm ẩn nguy cơ bị “cuốn theo đời sống”, người mới vào nghề rất dễ trở thành kẻ thoả hiệp (với chính mình). “Tâm lí đám đông” có thể tạo thành một áp lực để thành công (theo thời điểm), cũng có thể là một cái bẫy kéo sập lúc nào chẳng biết nếu không tự nhận thức được hành vi đó. Người đọc thất vọng vì sự na ná của các tác phẩm, cảm giác giả, gượng – nhưng có thể bản thân họ không thấy mình giả, gượng – đến từ “tâm lý bầy đàn”, “niềm tin bầy đàn”. Và “văn học trẻ” “văn học 8x” thường được gọi chung (cho gọn) là dễ hiểu. Những phá phách bề nổi sẽ dẫn đến những lầm lẫn bề nổi ở bạn đọc. Chưa nói đến việc nhiều người viết tự phát, không chơi dài lâu hoặc có ý thức tạo thành một vệt sáng tác.

Nhiều người nói rằng đọc văn học trẻ không thất vọng bằng đọc những bài phê bình văn học trẻ có tính quảng bá dễ dãi. Chờ đợi một nhà phê bình cùng thời như Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Trọng Tạo khuấy động ư? Mặc kệ nó tự chảy đến độ bão hoà, chỉ đọc văn học nước ngoài? Hay những người viết sẽ quây quần lại sum vầy ấm cúng? Cho đến nay, không có những tranh luận nảy lửa như khi Nguyễn Việt Hà xuất hiện với Cơ hội của Chúa (NXB Văn Học 1999), hay Đỗ Hoàng Diệu với Bóng đè (NXB Đà Nẵng 2005). Tuy nhiên, có thể “trách móc” phê bình văn học chăng, khi văn học có vẻ “phẳng”, nhạt nhẽo, đến nỗi, nếu muốn viết về nó, có thể chỉ viết được những bài giới thiệu sách hoặc liệt kê các tác giả, tác phẩm cũng nhạt nhẽo? Hoặc là phê bình cần lí giải cái nhạt đó? Và một điều nữa, nếu như các tác giả “cố thủ” một lựa chọn, thì phê bình có thể tạo hiệu ứng gì không hay chỉ là một tiếng nói rơi tõm vào đời sống một cách vô nghĩa? Người phê bình cũng là người đọc, họ có quyền không chạy theo để viết về tác phẩm, mà họ “chạy theo bản thân họ” để viết về cái đọc của mình. Tất nhiên, nếu phê bình văn học cũng “thoả hiệp” với thị trường, hoặc coi là không đáng quan tâm, hoặc rẻ rúng, nó sẽ góp phần ấn định cảm giác “phân biệt” mà đầy rối loạn khi bạn đọc nhìn về văn học trẻ.

Nhưng cuối cùng, từ một bề mặt với số đông người viết, theo một quy luật vận động chung, người ta vẫn có thể chờ đợi những phong cách, những cá tính viết nổi lên, không phân biệt 7x, 8x, điều này chắc chắn không phải chỉ là chờ đợi của người đọc. Liệu sẽ có những kích thích / tự kích thích phản tư với người viết trẻ Việt Nam trong bối cảnh sách dịch ào ạt như hiện nay? [3] Chắc chắn rằng, với những người viết không bắt đầu bằng “việc viết ra chỉ để chia sẻ trên mạng, không có ý làm văn học” thì đều có mong muốn / tham vọng / v.v được trở thành / được coi như một tác giả. Vậy thì cái câu hỏi vẫn cứ còn ở đó: Họ có can đảm (chỉ) trở thành một tác giả giải trí chuyên nghiệp không? Họ có can đảm đi đường của mình không? Họ có là mình từ trong lựa chọn viết hay không? Họ có viết ra bằng sự trải nghiệm chân thành chứ không phải bằng việc a dua theo những thứ thời thượng không? Độc giả và người viết, trong môi trường đa dạng hiện nay, điều cần nhất, chắc là sự sòng phẳng.

24.01.2008

© 2008 talawas



[1]Tôi tạm thời thống kê (chưa đầy đủ) một số tác giả, tác phẩm văn xuôi: Nhìn lại vài năm trước sẽ thấy dần dần hình thành một bức tranh văn xuôi trẻ: 2003: Phu bòn (Trần Thị Ngọc Lan), 2004: Điệu nhạc trần gian (Hà Thuỷ Nguyên), 21 khúc biến tấu (Nguyễn Thị Thuý Quỳnh), sau đó, 2005: Phòng lạ (Nguyễn Danh Bằng), Chuyện của thiên tài (Nguyễn Thế Hoàng Linh), 2006: Phải lấy người như anh (Trần Thu Trang), Thời hôm nay khoái cảm và điên rồ hợp lí (Nguyễn Thúy Hằng), Chuyện lan man đầu thế kỉ (Vũ Phương Nghi), 2007: Thượng đế và đất sét (Nguyễn Nguyên Phước), một loạt tác phẩm đã, đang viết: Tôi và d’Artagnan, Chờ tuyết rơi, Đảo cát trắng của Đặng Thiều Quang, Song song (Vũ Đình Giang), Khu vườn lưu lạc (Nguyễn Vĩnh Nguyên), Sự trở lại của vết xước (Trần Nhã Thụy), Những đống lửa trên vịnh Tây Tử (Trang Hạ) Giày đỏ (Dương Bình Nguyên), Oxford thương yêu (Dương Thụy), Tầng thứ nhất, Điệu Valse địa ngục (Di Li), các Nhật kí tình yêu TIO, Tí ti thôi nhé… (Trần Thu Trang), Khi nào anh thuộc về em, Người đàn ông có đôi mắt trong (Cấn Vân Khánh), 1981 (Nguyễn Quỳnh Trang), Chuyện tình New York (Hà Kin), Giường (Phan An), Thế giới trùm chăn (Hoàng Long), Nhà có ba chị em (Nguyễn Thu Phương) và 3 tuyển tập truyện ngắn 8x ra đời do Từ Nữ Triệu Vương tuyển chọn (Truyện ngắn 8x lần 1, Vũ điệu thân gầy, Truyện ngắn 8x lần 2)… Theo saharavn.com, những cuốn lọt vào top “sách bán chạy năm 2007”: Oxford thương yêu (Dương Thụy, NXB Trẻ) Chuyện tình New York (Hà Kin, NXB HNV).
[2]Theo dịch giả Trang Hạ, người đang đi sâu dịch, giới thiệu dòng văn học mạng Hoa ngữ ở Việt Nam: “Ở Trung Quốc, văn học mạng (network literature) được hiểu trong tương quan với khái niệm “văn học truyền thống” (traditional literature). Người viết ban đầu viết ra để chia sẻ, không có mục đích sáng tác văn học. Nếu như với văn học truyền thống, nhà văn quyết định tác phẩm thì văn học mạng luôn là một quá trình chưa hoàn tất, bạn đọc có thể tham gia sáng tạo cùng tác giả và sự quan tâm lưu truyền của bạn đọc là yếu tố quyết định việc trở thành tác phẩm. Tính mạng (ở phương thức lưu truyền, kĩ thuật đặc thù, ở tác giả, người đọc…) là đặc trưng của văn học mạng. Những người viết đăng tác phẩm hoàn chỉnh lên các trang web văn học, các forum hoặc báo điện tử chuyên về văn học không phải là nhà văn mạng và tác phẩm của họ cũng không thể biến thành tác phẩm văn học mạng. Tuy vậy, văn học mạng chỉ là một trong những lựa chọn cách sáng tác và lưu truyền, một xu hướng dễ được người trẻ đón nhận, có thể coi như văn chương thị dân, văn chương tiêu dùng và chỉ là một phần nhỏ trong đời sống văn học” (Trang Hạ trả lời phỏng vấn Nhã Thuyên. Bài chưa đăng). Tuy nhiên, văn học mạng theo nghĩa này là một cách gọi theo văn học Trung Quốc, một hiện tượng có tính phạm vi (ở một số cộng đồng châu Á) chứ không phải một hiện tượng phổ biến. Điều này rõ ràng cần đến sự nghiên cứu sâu hơn, trong đối sách với đời sống văn học các nước Âu, Mĩ… chẳng hạn. Hiện tượng đời sống văn học Việt Nam chịu áp lực (từ khái niệm, thể loại, vân vân) của đời sống văn học nước ngoài là rất rõ.
[3]Một kích thích phản tư, với tôi, không nằm ở chỗ nhìn người, đọc người, chạy theo (châu Á – ào ạt là Trung Quốc) hay châu Âu, Mĩ,... mà là một cách đọc để từ đó, nhìn lại mình, đọc mình. Điều này không mới nhưng có lẽ chưa kịp cũ, và có thể là một cách tự ý thức của người viết.