© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
14.2.2008
Vũ Khắc Khoan
Thần Tháp Rùa
Tập truyện
 1   2   3   4 
 
Không biết cuốn sách nhỏ này có đến tay Đẻ không?
K.H., con
1957

Thành kính dâng hương hồn Thầy và Nhạc phụ
K.H.
1957


Muc lục

Thần Tháp Rùa

Năm loạn đầu hậu bán thế kỷ hai mươi dương lịch, có người trẻ tuổi họ Đỗ bán ruộng bỏ vùng quê lên Kẻ Chợ trọ học.

Đỗ vốn thuộc lớp trung nông, thường sống bằng lợi tức ít mẫu hương hỏa cha mẹ mất sớm để lại.

Vì quen nếp sống thanh đạm, gia dĩ lại sống một mình nên ít lo sinh kế, hằng ngày thường hay đọc sách, da dẻ trắng trẻo xanh xao, mình gầy vóc hạc. Lại luôn luôn mục kích sự tàn bạo của đám phú nông mà tâm sự ủ ê lộ ra ở đôi mày hay nhíu, miệng có cười, cũng héo hắt không vui. Tính vốn ít nói, trong vốn giao du lại cố tình giữ trọn cái nghĩa nước nhạt của người nước Lỗ, cho nên lắm khi cả ngày không lên tiếng một câu, hàng tháng biếng bước chân ra khỏi cổng. Họa hoằn thao thao bất tuyệt, là lúc đối diện một người hiểu biết. Những lúc đó, Đỗ thường ngửa mặt lên trời mà than thời thế hoặc tác sắc đập bàn luận đàm quốc sự đến bỏ cả cơm. Tuổi đã lớn Đỗ vẫn sống một mình, không nghĩ tới việc vợ con. Con gái trong vùng có trêu ghẹo tỏ tình thì đỏ mặt ngoảnh đi. Người trong họ đôi khi gợi việc trăm năm mối lái, thì xốc áo, nghiêm nét mặt mà không tiếp chuyện.

Lên đến Kẻ Chợ, Đỗ ngồi dạy học ở phường Hàng Bạc, tạm yên sinh kế để có thể tiếp tục học hành. Đất Kẻ Chợ, nhà cửa như bát úp, người đi lại ngoài đường đông hơn mắc cửi, Đỗ vẫn giữ nguyên tính cũ, ngày một buổi đến trường nghe giảng văn rồi về thẳng nhà, đóng cửa đọc sách lạ. Bạn cùng trường thấy lẻ loi, thỉnh thoảng rủ đi đánh cầu hay nhảy múa, Đỗ đều một mực từ chối. Nhưng trong câu chuyện, nếu có ai đả động đến thời cuộc, so sánh lý thuyết nọ với lý thuyết kia, là lập tức sám nắm bước vào thảo luận, nói hàng giờ không biết mỏi. Hoặc nêu thuyết nhà Phật mà bác bỏ định đề Cơ Đốc. Hoặc đề cao tư tưởng của văn sĩ Pascal mà đánh đổ lý luận vô thần. Hoặc chủ trương giai cấp đấu tranh mà công kích những mưu mô tư bản. Hoặc lập luận tự do cá nhân để chống đối độc tài đoàn thể. Có ai rụt rè nói đến giá trị nội tại của nghệ thuật ắt Đỗ phải lớn tiếng thích nghĩa nhân sinh. Nhưng nếu có người muốn hạ văn chương xuống ngang một "đồ thực dụng" thời Đỗ lại chép miệng thở dài nhắc đến quan niệm nghệ thuật của Kant.

Giọng Đỗ trầm bổng như tiếng trúc tiếng tơ, khi mau khi chậm, khi thoảng nhẹ tựa cơn gió mùa hạ, khi thiết tha như tiếng đục trạm của người dũa ngọc. Bạn bè ai nghe cũng thấy thích tai, cho là lạ, phục Đỗ đọc rộng, biết nhiều.

Tựu trung cũng chẳng hiểu Đỗ ra sao.

Một hôm, có người hiếu kỳ, gần nửa đêm đập cửa nhà Đỗ, đòi chất vấn.

"Hiện nay thiên hạ chia đôi, không trắng thời đen, mà nghe ông nói thì thật không biết là đen hay trắng".

Đỗ ngẫm nghĩ hồi lâu, thủng thẳng trả lời:

"Tại sao lại cứ bắt buộc là đen hay trắng? Mặt trăng vòm trời khi khuyết, khi tròn. Ánh sáng mùa thu trong như ngọc mà thật ra lại hợp bảy màu. Lá cây phong bên bãi lúc xanh, lúc đỏ. Chân lý ở đời không đơn giản như bụng dạ trẻ con. Tại sao lại cứ bắt buộc là đen hay trắng?"

"Mùa xuân, mùa hạ thì lá xanh, mùa thu, mùa đông thì lá úa đỏ. Ánh sáng tuy hợp bảy màu nhưng chính mắt chỉ nhìn thấy một. Trăng có tuần trăng khuyết, trăng tròn. Chân lý tuy phức tạp nhưng không hẳn là nhờ nhờ, không màu sắc. Nay đang đêm đến đập cửa nhà ông, là có ý thành. Xin cho nghe những lời tâm sự".

Đỗ lặng thinh không trả lời.

Người kia bèn xích lại gần Đỗ:

"Mã Khắc Tư cầm bút mà thiên hạ phân đôi. Một đàng tư bản đè xuống. Một đàng vô sản vùng lên. Tấn tuồng Hán Sở tranh hùng thuở xưa lại diễn. Chúng ta thật đã sa vào cái thế trên đe dưới búa. Ý ông thế nào?"

Đỗ bỗng hỏi:

"Biết để làm gì?"

"Khôn cũng chết, dại cũng chết. Vậy biết để sống.

"Cầu an ư?"

"Ai mà không thích sống? Quan Công chịu đau đưa tay cho Hoa Đà cắt thịt cũng là thích sống. Tần Thủy Hoàng dựng Vạn Lý Trường Thành mà lúc gần chết cũng còn tìm thuốc trường sinh. Tìm sống mà bỏ chết, đó là thường tình của con người".

"Vậy đầu hàng đi".

"Hán hay Sở?"

"Tư bản đè xuống mà hùa theo là tư cách tiểu nhân. Vô sản vùng lên, nếu nhập vào, ắt mất tự do".

"Vậy cứ khoanh tay sao?"

Đỗ chưa kịp trả lời, người kia đã nói tiếp:

"Tôi thường nghe mỗi khi thời thế chuyển xoay là có thuyết lại ra đời. Xưa thì Tô Tần bàn kế Hợp tung, Mạnh Tử luận "Dân vi quý". Gần đây có những Đăng Thục mưu việc duy nhất tư tưởng Đông Tây, Hồ Hữu Tường băn khoăn muốn vượt Mác-xít. Ông vẫn được tiếng là người nói giỏi, tất phải có ý định. Xin cho nghe".

Đỗ cúi đầu. Người kia không chịu mà rằng:

"Hay định học lối vô vi của Lão Tử, không làm để khỏi thất bại, không tụ để khỏi phân ly?"

Đỗ bèn thở dài mà rằng:

"Vô vi làm sao được? Ở cái bình diện nhân sinh tương đối này thì làm sao mà thể hiện được cái nghĩa tuyệt đối của một chữ Vô? Vô đấy mà cũng là Hữu đấy. Hữu đấy mà lại là Vô. Khó lắm thay!"

"Không vô vi tất phải làm, vậy làm gì?"

Đỗ bỗng đổi giọng:

"Ông đã đọc sách Luận Ngữ chưa?"

"Đọc rồi.

"Tất biết chuyện Tăng Điểm?"

"Xin nghe!"

"Nhân Tử Lộ, Tăng Điểm, Nhiễm Cầu, Công Tôn Hoa ngồi hầu, Phu Tử hỏi rằng: Khi các người bình cư thường nói: "Chẳng ai biết đến ta mà dùng ta". Nếu như có người biết mà dùng thì các ngươi định làm sao? Tử Lộ ước có nghìn cỗ xe lớn, ở vào thế yếu mà chống thế mạnh, Nhiễm Cầu bàn đến một chương trình kinh tế ba năm cho dân no đủ, Công Tôn Hoa thì nghĩ đến việc "mặc áo huyền đoan, đội mũ chương phủ" vào nhà Tôn Miếu mà giúp Lễ".

"Còn Điểm thì sao?"

"Tăng Điểm lúc ấy đang gẩy cái đàn sắt, tiếng đàn thong thả và hòa nhã, bỏ đàn xuống, đứng dậy mà thưa rằng: "Chí tôi khác hẳn ba anh kia. Đến cuối mùa xuân, áo mùa xuân đã may xong, năm sáu người trạc độ hai mươi tuổi, sáu bảy đứa trẻ con, rủ nhau đi tắm sông Nghi, hóng gió nền Vũ Vu, rồi hát mà về". Phu Tử thở dài mà than rằng: "Ta cũng thích như Điểm vậy!"

Người kia tròn mắt nhìn Đỗ:

"Tôi vẫn chưa hiểu".

"Có gì mà không hiểu?"

"Vậy ý ông có thế thôi ư?"

"Hãy tạm hiểu là như vậy".

Rồi Đỗ lẳng lặng sắp đồ pha trà, căn vặn thế nào cũng không nói. Một lúc sau nhớ tới lệnh giới nghiêm, người kia bỏ ra về. Hôm sau kể lại chuyện, cũng chẳng ai hiểu Đỗ dụng ý nói gì.

Cuộc sống nơi Kẻ Chợ vốn đắt đỏ, số người tị loạn càng ngày càng đông, việc mưu sinh trở nên chật vật. Thiên hạ mải kiếm gạo, dần dà không còn ai bàn tán với Đỗ. Thản hoặc, có nhắc đến, cũng cho là viển vông, vu khoát.

Nhưng từ đêm nhắc tới lời Phu Tử, Đỗ lại thêm phần thắc mắc. Đỗ nghĩ rằng cả bốn môn đồ Phu Tử đều có lý. Vì sở thích Tăng Điểm chính là cái đích chung của thiên hạ. Nhưng muốn tới được đó, tất phải hoàn thành cái cách Nhiễm Cầu, mưu việc Tử Lộ và tề chỉnh cho thiên hạ một thứ lễ nghi như ý Công Tôn Hoa. Bốn ước vọng, tựu trung là cả một quốc sách có trình tự rõ ràng. Đỗ thán phục cổ nhân nhưng cũng thầm trách cổ nhân chỉ bày cái đích mà chẳng vẽ ra phương tiện.

Thật tình ai mà chả thích mặc áo mùa xuân và tắm mát sông Nghi? Nhưng trong cơn đại loạn này, tìm đâu ra được một Tử Lộ, một Nhiễm Cầu và nhất là một Công Tôn Hoa?...

Tiếng guốc ngoại ô lần tới họp chợ sáng Bắc Qua, đã nhiều lần làm Đỗ giật mình thấy mình bó gối thâu đêm bên ấm trà tàn bã.

Càng suy nghĩ, càng thấy tối. Đỗ ngày một héo mòn. Người chủ trọ ái ngại, muốn lựa lời khuyên giải mà cũng chẳng biết nói gì.

Ngày nguyên tiêu năm Mão, có mở Chợ Hoa. Thiên hạ tạm quên lo nghĩ, mặc áo mới, đổ ra đường, nam, phụ, lão, ấu lũ lượt kéo tới ven hồ Hoàn Kiếm.

Muốn thêm vui, viên thị trưởng họ Thẩm ra lệnh kéo lưới bắt Rùa ở hồ để lên người Kẻ Chợ có dịp nhìn tận mặt con vật tương truyền giật kiếm cứu quốc của vua Lê. Người hiếu kỳ xem Rùa có tới hàng vạn. Không khí tưng bừng, đây đó đèn treo hoa kết.

Người chủ trọ thấy Đỗ vẫn âm thầm một mình trên gác trọ, bèn thúc giục ra phố. Bắt đầu còn từ chối, sau nể lời, Đỗ miễn cưỡng vuốt tóc, khoác áo ra đường.

Khi tới nơi, trời đã ngả chiều, người chơi hội lác đác. Vì lâu không ra chỗ thoáng, Đỗ thấy tinh thần sảng khoái, bèn bước vào tửu quán, chọn chỗ khuất gọi rượu ngắm hồ.

Lúc bấy giờ, gió đông thổi lộng, sóng hồ bập bềnh, trăng rằm lên ngôi, sương mỏng buông xuống ướt cả cỏ non. Đối cảnh mà cảm khái, mềm môi, uống mãi, lúc đứng lên mới biết đã say, Đỗ chập chững ven hồ mà bước. Một lát sau thấy mình dừng lại trước Rùa, bèn giương mắt mà ngắm. Rùa to bằng cái nia, đầu cổ sần sùi, bốn chân bị trói.

Đỗ đứng lặng nhìn Rùa. Rùa cũng vươn cổ nhìn Đỗ. Dưới ánh trăng nguyên tiêu, Đỗ chợt thấy mắt Rùa như mờ lệ.

Nhân còn say, Đỗ hỏi:

"Cũng biết thùy lệ ư?"

Rùa gật đầu, vươn cổ ra phía hồ. Nước hồ trong xanh dưới ánh trăng xanh. Đỗ nhìn quanh không thấy có ai, bèn xắn tay cởi trói cho Rùa. Rùa dụi đầu vào tay Đỗ, Đỗ thấy mát rượi lòng tay. Bèn vỗ vào mai Rùa mà rằng:

"Thôi đi đi, từ nay nên cẩn thận".

Rùa choài mình xuống nước. Mai rùa lấp loáng phút chốc biến mất.

Đỗ nhìn theo hồi lâu rồi cũng trở về.

Đêm hôm đó, Đỗ trằn trọc, không nhắm mắt. Định đọc sách, thì tâm thần phiêu diêu bất định, chữ múa trước mắt, nghĩa sách thoảng xuôi như cơn gió mùa xuân.

Đỗ bèn vùng dậy, mở toang cửa sổ. Trăng tỏa đầy gác học. Trăng soi sáng bốn bề ngập sách. Sách ở bàn, ở tủ, từng chồng, từng tập, ở cả đầu giường. Quyển mở xem vội vài trang, quyển khép kín im lìm một xó tường. Mã Khắc Tư ôm ấp Lão Tử. Sartre nằm cạnh tập kinh Tân ước. Bao nhiêu suy nghĩ, bao nhiêu cố gắng, bấy nhiêu cây mốc cắm dọc con đường tư tưởng tự nẻo xa xôi, rắn vườn Eden chưa từng bó sát cho đến bây giờ... Tựu trung, chân lý vẫn chập chờn như đom đóm lập lòe giữa bãi tha ma. Sách lặng lẽ lên bụi. Bụi sách lung lay ánh trăng nguyên tiêu. Đỗ bỗng thấy ngột thở mà quay đi. Và rụt rè nghĩ rằng:

"Thế ra mỗi người là một thế sống tùy thời mà biến hóa khôn lường. Thế Chiến Quốc, Thế Xuân Thu... Thế sống Mạnh Tử và Thế sống Khổng Khưu. Mà nào ai đã khuyên nhủ được ai? Hỡi ơi! Ta vỡ lòng trong mốc bụi dĩ vãng, lớn lên cùng tập giấy mủn, nhìn thế cục xoay vần bằng con mắt cổ nhân. Nay lại định giải quyết hiện tại bằng phương quá khứ! Còn vỗ ngực trách ai nữa?"

Đỗ thở dài nhìn xuống đường.

Đường xanh bóng trăng...

Đường rộng rãi, thênh thang mà vắng ngắt.

Đỗ cảm thấy hoang mang như người lên đường mất bạn đồng hành. Tự cởi, tự do nhưng lại thầm nghĩ:

"Thế ra ta chỉ một mình?"

"Tại sao một mình, còn em?"

Đỗ bàng hoàng quay lại, nheo mắt không tin. Vì đúng là có một người đứng trước mặt Đỗ: một người thiếu phụ, thướt tha, mặt trắng, mắt trong, da mịn, tóc mun chảy như suối xuống vai, áo màu rêu mát lạnh.

"Nàng là ai?"

Câu hỏi đã tắt ngấm trong hơi thở ấm ran. Hai vòng tay thơm ngát đã vòng quanh cổ Đỗ. Trăng sáng, môi ướt mọng chín mùi, gió xuân lọt căn gác học. Đỗ rợn người mà mê đi.

Cuối canh tư, Đỗ bừng tỉnh. Hàng xóm gọi nhau ơi ới thổi cơm. Gà gáy cuối phố. Cửa sổ vẫn rộng mở. Trăng xế vàng khè. Nhìn quanh vắng ngắt, duy hương vương lại, giường chiếu xô lệch, sách vở đạp xuống đất, Đỗ mới tin là chuyện thực. Bèn đóng kín cửa để ủ hương thừa, ngẩn ngơ, ủ rũ suốt cả ngày, không thiết làm gì.

Đêm nàng lại đến. Hỏi tung tích, chỉ mỉm cười mà không nói. Gạn dò thì nhẹ đáp:

"Đêm xuân ngắn ngủi, hỏi làm gì? Đến với chàng thế này chưa đủ sao?"

Đỗ không chịu, định căn vặn đến điều thì nàng vòng tay mát dịu đã quàng nơi cổ. Đỗ cưỡng không được mà mê đi.

Lại cũng như đêm trước, gà hàng xóm bắt đầu gáy, Đỗ lại sực tỉnh một mình.

Tự đó, đêm nào cũng tới. Đỗ bỏ cả sách, ăn uống thất thường, suốt ngày phờ phạc, sắm nắm đợi nàng từ lúc lên đèn. Có lúc nhớ tới cái không khí "giàn dưa lất phất" của Bồ Tùng Linh, Đỗ rùng mình nghi là ma quái, nhưng lần đầu gần đàn bà, gia dĩ môi nàng ấm quá, da nàng mịn màng, cho nên định hỏi lại thôi, có ngờ cũng không cự tuyệt. Trăm nghìn câu hỏi, áp má người ngọc, Đỗ lại mê đi mà quên bẵng.

Người chủ trọ vì quen tính, cũng không lấy làm lạ, cho Đỗ bơ phờ bởi quá chăm học, chỉ biết ái ngại lắc đầu.

Cứ như thế, thoắt đã nở mùa hoa phượng. Cuộc tình duyên lặng lẽ giữa hai người kéo dài cả một vụ xuân. Một đêm, nàng đến mà ngồi yên, nét buồn in trên vẻ mặt. Đỗ có nắm tay, cũng gượng gạo mỉm cười nhưng không giấu nổi ưu tư. Định hỏi, nàng đã thỏ thẻ bên tai:

"Đã đến lúc xa nhau rồi đây!"

Đỗ không tin mà cãi:

"Xa làm sao được? Mà ai bắt xa nhau?"

Nàng ngồi yên một lát rồi mới nói, giọng như đượm lệ:

"Chàng với em vốn có tiền duyên. Chàng còn nhớ ngày hội nguyên tiêu?"

Đỗ gật. Nàng nói tiếp:

"Em vì mải vui hôm đó nên sa cơ mắc lưới. Chàng vì lòng hào hiệp mà cởi trói cho em. Thụ ơn nặng cùng chàng nên mới có ngày nay".

Đỗ thốt nhiên nhớ lại, giật mình:

"Vậy ra nàng là..."

"Em vốn là loài Rùa, tu đã trọn kiếp, nhất là có công với Đất Nước này nên được Thiên Đình giao cho cai quản ngôi tháp giữa hồ Hoàn Kiếm".

"Nàng nói sao? Nàng có công với Đất Nước này?"

"Chàng đọc sách nhiều, quên việc xây thành Cổ Loa rồi sao?"

"Trời ơi! Thần Kim Quy!"

"Là em đó..."

"Còn chuyện thanh gươm Lê Lợi?"

"Cũng lại là em!"

Đỗ cúi đầu suy nghĩ, giây lâu mới nói nên lời:

"Nhưng tại sao lại phải xa nhau?"

Nàng thổn thức trả lời:

"Em đi lại với chàng, không giấu nổi tai mắt Thiên Đình mà mang tội phải đày sang Động Đình Hồ. Em lén đi giây lát để chàng biết chuyện, mai sớm đã phải lên đường.

Đỗ ôm lấy vai nàng:

"Chậm lại ít bữa được chăng?"

"Lệnh Thiên Đình không thể trì hoãn. Vả công sai áp giải đã chực sẵn từ sáng... Mới lại... đằng nào chẳng phải xa nhau?"

Đỗ ngậm ngùi gặng hỏi:

"Xa nhau mãi ư?"

"Sớm lắm cũng khoảng hai năm. Còn chậm, thật chưa biết đến bao giờ".

Nói rồi, hai người nhìn nhau thổn thức. Ve kêu ran ngoài đường khắp các cành cây. Sao từng ngôi lấp lánh vòm trời. Nàng chợt đứng dậy, nhưng Đỗ bàng hoàng nắm áo, nhất định không chịu chia tay. Nàng đành nuốt lệ nói xẵng:

"Xa nhau ít lâu rồi lại gặp. Chàng sao nặng tình quá thế!"

Đỗ rằng:

"Bây giờ mới biết thế sao?"

Biết Đỗ giận, nàng vội nhích lại gần:

"Nói đùa chàng đấy... Thật tình biết chàng từ lâu, ngay từ khi chưa gặp..."

"Thật hay đùa nữa?"

"Thật đấy! Ngày ngày ven hồ mà đi nghe giảng văn, ai mà không thấy? Lại những trắng đêm đọc sách, vẻ ưu tư của chàng gợn cả sóng hồ. Em vốn cũng nặng tình với số phận Đất Nước, làm gì mà không để ý?"

Đỗ vội hỏi:

"Ở đây rồi sẽ ra sao, có thể biết trước được không?"

Nàng cười mà không trả lời.

Gặng hỏi, thì nàng đáp:

"Biết làm sao được?"

"Cạnh nàng chắc cũng có bàn luận nhiều đến thời cuộc, nỡ nào lại còn giấu nhau?"

"Thân còn không tiếc, giấu chàng làm gì việc ấy?"

Đỗ tần ngần mà rằng:

"Tôi tưởng đã có định trước..."

"Định hẳn làm sao được?"

"Thế sao lại có việc Lê Lợi đào kiếm thần?"

"Đào được kiếm thần thì ai đào mà chả được? Thiên Đình thật ra có biệt nhỡn riêng ai? Chỉ sợ không sử dụng nổi kiếm thần mà thôi!..."

Đỗ không tin:

"Nếu có kiếm thần trong tay thì còn sợ gì nữa?"

Nàng liền nói tiếp:

"Trước kia em cũng lầm tưởng như chàng cho nên mới hủy công tu luyện mà ra công giúp đỡ Thục Vương. Ấy thế rồi mà cũng hỏng cả... Nỏ thần dù mầu nhiệm, nếp xoáy Loa Thành có hiểm trở nhưng người đứng đầu không vững tay sử dụng thì đại sự vẫn không thành... Nhân sự thật là phức tạp. Tính trước làm sao được mối oan tình Trọng Thủy – Mỵ Châu? Cho nên Thiên Đình dù có biết trước thời cơ cũng không lý nổi nhân sự. Lê Lợi, Quang Trung chẳng qua chỉ là những người ý thành, tâm chính, hiểu thời, nổi dậy mà thiên hạ phải bình, có thế thôi!"

Nàng bặt lời, cúi đầu ngẫm nghĩ. Đỗ cũng cảm thấy xáo trộn trong tâm mà yên lặng không lời... Trên trời, sao từng ngôi tắt ngấm. Rì rào ngọn gió bắt đầu kể lể riêng tây đây đó, từng lá từng cành...

Giọng người thần nữ Kim Quy lại thổn thức cất lên:

"Trước kia vì đại sự mà giận Mỵ Châu, bây giờ thật mới hiểu nàng".

"Sao?"

"Lại còn phải hỏi ư?"

"Có bằng Mỵ Châu, Trọng Thủy không?"

"So sánh làm sao được?"

"Nếu muốn thử thách, liệu có dám làm như Mỵ Châu không?"

"Có lẽ cũng không giữ nổi lòng đâu!"

Đỗ rụt rè:

"Ngộ... muốn xin chiếc kiếm Lam Sơn thì sao?"

"Em được lệnh trên mà lấy lại kiếm thần nhưng không giữ..."

"Ai giữ?"

"Chính Lê Lợi!... Nhưng chàng muốn được kiếm để làm gì?"

Đỗ chợt gằn giọng:

"Nhận trách nhiệm. Mưu đại sự".

Dứt lời, gió đột nhiên tự bốn phương ào ào đưa lại. Vòm trời đen kịt nhằng nhịt ánh chớp. Căn gác rung lên cùng tiếng sấm vang dậy.

Thần Kim Quy tái mặt vùng dậy:

"Trời ơi!"

Đỗ cũng hoảng hốt xô lại định giơ tay đỡ nhưng nàng đã rú lên:

"Đừng, đừng chạm vào em! Em không còn là em nữa đâu!"

Trước mắt Đỗ, thần Kim Quy... lần lần lộ nguyên hình.

Đỗ thổn thức cố nói:

"Đừng quên nhau..."

Ánh chớp sáng loáng mai rùa, long lanh ngấn lệ. Thần Kim Quy gật đầu rồi từ từ bò khuất vào giữa cơn bão gió đen kịt đêm tàn xuân. Đỗ gục vào thành giường mà khóc cho đến sáng.

Gần sáng, bão gió chưa tắt, mưa đã dội xuống. Rồi vừa mưa vừa gió suốt ba ngày ba đêm, không lúc nào ngớt. Cây cổ thụ Kẻ Chợ bật gốc có đến mấy trăm thân, nhà Kẻ Chợ bay nóc có đến hàng nghìn chiếc.

Trời hửng nắng, thì cá hồ Hoàn Kiếm chết nổi lềnh bềnh như bèo Nhật Bản. Thiên hạ hiếu kỳ rủ nhau đi xem động nghịt ven hồ, ai cũng lấy làm lạ. Duy có Đỗ từ buổi đó thì thôi hẳn ra đường, suốt ngày thơ thẩn trong phòng, lắm lúc vật mình mà khóc, có đêm ôm gối tương tư, như điên như dại. Lúc đầu còn có bạn đến thăm, nhưng vì lãnh đạm không tiếp, lâu dần chẳng còn ai lui tới.

Năm Mão qua đi trọn bốn màu, Đỗ không thôi thương nhớ. Một ngày trọng Đông năm Thìn, Đỗ không đâu mà cảm thấy bồn chồn, tâm linh xao động, dường như có gì thúc bách. Bèn tung chăn đứng dậy, bách bộ quanh phòng. Một lát, dừng bước trước đống sách. Quen lệ cũ, đã định giơ tay với một cuốn: gió bấc chợt lọt kẽ song, phả và mặt Đỗ một mùi tử khí tự đống sách dâng lên. Nhìn kỹ, mốc xanh lốm đốm khâm liệm đống sách đã tự bao giờ. Nhằng nhịt, nhện đã giăng tơ, tơ nhện hứng bụi tường tỏa trắng một góc buồng. Tự đêm nguyên tiêu kỳ ngộ, có lần nào Đỗ nén lòng đọc được một trang? Vả lại, cũng tự đêm ấy, Đỗ bắt đầu thấy ngấy chữ nghĩa cổ nhân...

Đỗ nhìn xuống bàn tay. Bàn tay vốn xanh xao bỗng trở nên gân guốc. Như muốn đập phá. Như muốn cấu xé. Thế rồi, giữ lại cũng không kịp, hai bàn tay, mười ngón chồm lên. Khi định thần, đống sách đã nằm gọn trong lò sưởi góc phòng.

Cuộc phần thư bắt đầu.

Năm xưa, ngọn lửa phần thư nhóm lên do một bàn tay ưa chuyện "khanh nho". Kẻ sĩ đời Tần nghẹn ngào, hằn học, lời nguyền rủa vượt khỏi Trường Thành, sang sảng cập đến tai hậu thế.

Giờ đây, lửa phần thư do chính một kẻ sĩ tự ý gây lên. Lửa không lan rộng mà âm ỉ xoáy hẳn vào bề sâu một cơn khủng hoảng.

Đỗ nhập thiền, vừa chứng kiến, vừa chịu cực hình một lễ hỏa thiêu lạ lùng. Từng tờ một, quằn quại để rồi siêu thoát, từng nguồn tư tưởng. Christ từ từ ngược lại quãng đường dẫn tới đỉnh Golgotha. Thích Ca Mâu Ni lại gặp một gốc Bồ Đề. Mã Khắc Tư thủ thế trước Freud. Sartre giật mình, ngơ ngẩn trong một thế giới ngõ cụt. Rồi lần lượt Hégel, Lão Tử, Khổng Khưu... từng tờ một, thiêu dần từng nỗi băn khoăn. Đỗ qua từng cơn cảm giác tân kỳ. Có lúc xót xa như bị lột xác, có lúc rợn người như thoáng bóng ma, nhiều khi ê chề như bị lăng trì. Dần dà thì tâm trí lâng lâng, ngũ giác gấp phần minh mẫn. Tưởng như mang nổi nghìn cân, mọc cánh mà bay ngang con hồng, con hộc, vươn mình đuổi kịp ngựa Ký, ngựa Kỳ.

Ngọn lửa trong cung lò cũng qua cơn ngùn ngụt, tới độ điều hòa. Đỗ đắm mình trong hơi ấm của lửa. Giữa tiết trọng đông mà không khí gian phòng gợi đến nước sông Nghi và tấm áo mát của thầy Tăng Điểm. Không khí gợi đến hơi thở của...

"Em đã về đây... chàng!"

Lửa thư phần đã tắt. Trên đống tro tàn của đống sách hỏa thiêu, người thần nữ Kim Quy xuất hiện.

Đỗ bàng hoàng giơ tay chới với. Nàng từ lò sưởi bước ra, hương thơm ngây ngất quanh phòng.

"Trời! Ta mê hay thật là nàng?"

Đỗ nắm chặt tay người thần nữ. Yên lặng ngùi ngùi trong gian phòng ấm áp.

Một lát sau, nàng nhẹ nhàng rút tay ra rồi mỉm cười:

"Đã quyết định rồi sao?"

"Sao lại hỏi thế?"

"Thế sao lại đốt sách?"

"Đốt sách là quyết định ư?"

"Chàng chỉ còn một chút sản nghiệp tinh thần. Hỏa thiêu đi là đã có ý định rồi đó!"

"Không biết có ý định gì, nhưng vì đốt sách mà gặp lại nhau, không quý sao?"

"Tại sao chàng biết đốt sách thì gặp lại em?"

"Căn vặn nhau mãi!"

Nàng ngồi yên không nói. Đỗ gạn hỏi thì nhìn Đỗ mà tủm tỉm cười. Bèn nắm lấy tay, đùa mà dọa:

"Không nói thì lại bắt chước họ Thẩm, còn nhớ không?"

Nàng nghiêm nét mặt:

"Cái dây của một viên thị trưởng bằng sao được một mối tình? Không cần trói cũng khó mà rời nhau..."

Thấy Đỗ ngậm ngùi, nàng lại nói tiếp:

"Lần trước gặp chàng vì tiền duyên. Cũng vì tiền duyên mà mang lụy tại Động Đình Hồ. Nhưng vì mối tình của chàng có nặng, sóng tình cập tới Thiên Đình, nên em sớm được trở lại với chàng..."

Đỗ lộ vẻ mừng:

"Có thể ở luôn với nhau được không?"

Nàng rằng:

"Sao lại không? Nhưng còn phải đợi... Số là, lại với chàng, em còn một nhiệm vụ".

"Sao..."

"Chàng cứ yên, em xin nói. Trước khi gặp em, chàng thường băn khoăn về thế cuộc. Điều đó chân thành xuất tự tâm can, hiện lên vẻ mặt, tất không giấu nổi Thiên Đình. Nhưng muốn mưu đại sự, một nỗi băn khoăn tất nhiên chưa đủ. Cần phải có thời... Mà xét kỹ thì thời đến rồi đó..."

Đỗ bồn chồn, ngồi sát lại gần:

"Xin nói rõ cho nghe..."

"Chàng còn nhớ khi chia tay lần trước, chàng có gợi đến việc kiếm thần..."

"Quên làm sao được?"

"Chuyện có thể thành đấy... Nhưng... chàng có hiểu tại sao em lại về đây, giữa khi chàng đốt sách?"

"Hiểu làm sao được..."

"Thật tình nếu không có việc đốt sách thì chẳng bao giờ lại được gặp nhau".

"Ồ!..."

"Vì... Thiên Đình tuy để ý tới chàng nhưng còn đợi chàng tự quyết định".

"Vậy ra đốt sách là quyết định hay sao?"

"Chưa hẳn là thế, nhưng ít ra cũng lộ một phần ý chí..."

Đỗ vùng dậy, đi lại quanh phòng. Người thần nữ yên lặng nhìn theo, đầu mày cuối mắt lộ tình quyến luyến. Đêm lặng lẽ xuống dần. Lòng người trẻ tuổi tơ vò trăm mối.

Có cơn gió bấc lọt kẽ song. Đỗ rùng mình tiến lại phía người thần nữ, người nàng ấm như áo khinh cừu. Hai bàn tay run rẽ như hai con sẻ, Đỗ hơn nhích ra xa, giọng cất lên biểu lộ nỗi đắn đo đến cực độ.

"Giờ đây xin ngồi yên để nghe lời vàng ngọc. Nàng hãy giảng giải rõ ràng. Sau cùng sẽ xin quyết định".

"Xin hỏi lại chàng, tại sao lại đốt sách?"

"Cũng không hiểu tại sao. Lúc biết thì lửa đã bén vào sách".

"Thật ra thì cái việc phần thư của chàng âm ỉ đã từ lâu. Từ lâu, từ đêm đầu tiên gặp gỡ, chàng đã thấy bực dọc với chữ nghĩa của người xưa..."

"Xin nghe..."

"Chàng khổ tâm vì trong cái thế tranh hùng Hán Sở, không biết đâu là nơi dụng võ. Một đằng là búa đập xuống đe, một đằng là mặt đe nẩy lửa. Một đằng là kẻ có tiền, một đằng là hoàn toàn tay trắng. Nhập vào đâu cũng chỉ là kế nhất thời. Đứng ở đâu cũng là mượn tạm đất đứng..."

Người thần nữ im lặng giây lâu, rồi lại tiếp:

"Lý ưng ra, chàng phải nhập vào bọn người áo vải vì thật tình sản nghiệp của chàng không một tấc đất cắm dùi. Nhưng cái khổ của chàng lại là những uẩn khúc tâm tư, nhằng nhịt, dọc ngang như thế bàn cờ..."

"Vậy đốt sách đi..."

"Đốt được nhà... nhưng đốt sao được sách? Chàng còn nhớ cuộc phần thư thủa bắt đầu xây dãy Trường Thành? Càng đốt sách, nghĩa của chữ lại càng trong trẻo, dễ vút lên cao, dễ lan ra rộng... Họ Tần đốt sách Khổng Khưu vậy mà cái lý Tam Cương của người nước Lỗ đâu có bị hỏa thiêu cùng sách?"

"Thế ra đốt sách..."

"Là một chuyện cần. Vì đối với chàng, đó là một hành vi quyết định. Hành vi đó lại là một lời cầu nguyện động đến Thiên Đình. Và em đã được phép trở lại với chàng, khi lửa phần thư bắt đầu dịu ngọn. Chàng muốn thiêu hủy đến không còn một tấc đất tư duy. Nhưng kết cục, chàng lại thấy em, giữa đống tro tàn. Em là của chàng. Cũng như đã từ lâu chàng là của riêng em".

"Nói vậy, hóa ra lại thành Vương Khải, Thạch Sùng? Cái lẽ quyết định là ở chỗ đó sao?"

"Sao lại mơ hồ đến thế, hở chàng? Mặt trời sắp mọc và mặt trời đang lặn, ánh sáng tuy bàng bạc như nhau, nhưng sao lại ví cái thế bình minh khởi sắc với ánh tà thoi thóp của lửa hoàng hôn?"

Đỗ cúi đầu suy nghĩ. Trong tịch mịch của đêm đông, người con trai bắt đầu giác ngộ. Giữa bãi chiến trường nhọn hoắt đao gươm, Đỗ lần lần nhận rõ chỗ đứng của mình. Người thần nữ đọc được ý nghĩ của chàng. Nàng bèn lên tiếng:

"Trong binh pháp, thường nhắc đến thế bối thủy. Chàng nhận thấy chưa? Không tiến cũng chết. Mà đứng yên lại càng chóng chết".

Đỗ ngước mắt nhìn nàng:

"Không biết một mình có làm nổi..."

"Sao lại một mình? Thời đã đến, ắt là cái thế chung cho phần đông thiên hạ. Vả lại kiếm thần sẽ giao phó tận tay, chàng ngần ngại ư?"

Đỗ đứng phắt dậy:

"Thật ư? Kiếm thần..."

"Nhận kiếm thần chính là nhận nhiệm vụ".

Đỗ bồn chồn:

"Vậy bao giờ?"

"Hẹn chàng giữa đêm trừ tịch, năm nay".

"Ngay bây giờ không được sao?"

"Ngay bây giờ ư? Bây giờ... chàng ơi!..."

Giọng người thần nữ thiết tha. Mắt nàng ngời sáng. Đỗ lạc vào một rừng hoa lạ. Trong yên lặng của trời đất, niềm giao hòa vượt khỏi nhung của da và hoa hồng tím thẫm của môi, chơi vơi tới mãi nơi thượng từng tĩnh khí.

Gà gáy sáng tự bao giờ.

Năm Thìn, giữa đêm trừ tịch, cầu Thê Húc tự nhiên sụp đổ. Người Kẻ Chợ đi xin lộc đền Ngọc Sơn ngã xuống hồ không biết bao nhiêu mà kể. Thiên hạ xôn xao. Có người cho là Thần Rùa báo oán việc xưa. Có kẻ nghi là điềm gở, tính việc bán nhà mà bỏ vào Nam.

Lúc sửa lại cầu, viên đốc công thấy chân cầu tuy gãy mà gỗ vẫn tốt nguyên. Duy chỗ gãy như có vật sắc phạt ngang, ngày đêm rỉ nhựa đỏ lòm như máu. Nói lại, ai cũng cho là lạ. Kẻ bàn, người tán, không biết ra sao.

Có người biết Đỗ, tìm đến tận nơi định hỏi. Nhưng cũng giữa đêm trừ tịch, Đỗ đã bỏ kinh thành, biệt vô âm tín.

1954
Nguồn: Thần tháp rùa. Tập truyện của VÅ© Khắc Khoan. Bìa của Duy Thanh. Nguyá»…n Đình Vượng tái bản lần thứ 2, in xong ngày 15-3-1973, ngoài những bản thường còn có 30 bản giấy trắng và 5 bản đặc biệt in trên giấy bạch vân thượng hạng dành riêng cho tác giả và nhà xuất bản. G.p. số 4503/BTT/PHNT, 27-11-1973. Tác giả giữ bản quyền. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.