© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
24.4.2004
Trần Đức Thảo
Niên biểu
Cao Việt Dũng dịch và chú thích
 
Sau khi Trần Đức Thảo mất không lâu, tờ Les Temps Modernes số 568 tháng 11 năm 1993 (năm thứ 49) có dành mấy chục trang tưởng niệm một trong số rất nhiều người từng lên tiếng tranh luận với J. P. Sartre, trong đó có bài của Michel Kail về Trần Đức Thảo, bài về niên biểu cuộc đời Trần Đức Thảo do chính ông viết và ba chương đầu của tác phẩm bỏ dở Logique hiện tại sống động (La Logique du présent vivant).
Người dịch

Sinh ngày 26 tháng Chín năm 1917

1923 - 1935: Học trường trung học Pháp tại Hà Nội

1935 - 1936: Năm đầu luật tại Hà Nội

1936: Đến Paris học dự bị để thi vào trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm

1936 - 1939: 1re Supérieure ở Louis-le-Grand và Henri IV [1]

1939: Vào Rue d'Ulm [2]

1939 - 1941: Bằng Licence Triết [3]

Hè 1940: Trú (réfugié) ở Bagnères-de-Bigorre [4]

Tháng Mười 1940 - tháng ba 1941: Trú ở Khoa Văn chương ở Clermond-Ferrand [5] , nơi khoa của Strasbourg cũng di về. Chính tại đây tôi đã gặp Jean Cavaillès người đã hướng dẫn tôi đọc Husserl [6] .

Tháng Ba 1941 - tháng Chín năm 1944: ở nội trú tại trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm.

1942 - 1943: Bằng agrégation Triết [7]

1943 - 1944: Nghiên cứu ở Phố Ulm để làm luận án tiến sĩ Nhà nước về hiện tượng luận của Husserl.

Đầu năm 1944: Ở ngắn ngày tại Bỉ, trung tâm lưu trữ Husserl ở Louvain. Edmund [Husserl] đã mất năm 1937 ở Đức sau khi bị bọn phát xít đuổi (radier) khỏi Đại học. Bà Husserl phải đi lánh nạn ở Bỉ, nơi Đại học Louvain đã tạo ra một khoa đặc biệt dưới cái tên Lưu trữ - Husserl (Archives-Husserl), để tiếp nhận thư viện, các ghi chép và bản viết tay của Edmund Husserl.

Những nghiên cứu mà tôi thực hiện ở đó đầu năm 1944 đã cho phép tôi chính xác hoá những điều tôi đã vạch trước trong luận văn (mémoire de diplôme): cần biết rằng trái ngược với những diễn giải thông thường đã biến hiện tượng luận Husserl thành một học thuyết của các bản chất (essence) vĩnh cửu, những phân tích thực tế (effective) của Husserl hướng về một triết học về thời gian, về con người lịch sử và lịch sử phổ quát (universelle), "thời gian tính, temporalité, Husserl nói, là thời gian tính phổ quát, omnitemporalité, mà bản thân nó chỉ là một dạng của thời gian tính."

Chính từ đó mà tôi đã đi đến Hiện tượng học tinh thần (Phénoménologie de l'Esprit) của Hegel mà tôi đã từng phải bình luận trong bài báo của mình trên Les Temps Modernes (tháng Chín năm 1948).

Tháng Mười năm 1936 - tháng Chín năm 1944: Được nhận học bổng của Bộ thuộc địa.

Tháng Mười 1944 - tháng Chín 1946: Tuỳ viên (attaché des recherches) nghiên cứu tại CNRS (Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia) [8] .

Tháng Mười hai 1944: Báo cáo (rapporteur) chính trị tại Hội nghị (Congrès) Đông dương tại Avignon, nơi tôi đã giới thiệu một chương trình xây dựng nền dân chủ ở Đông Dương.

Tôi đã được chọn để thực hiện báo cáo chính trị, vì mọi người đều biết tôi không hề có quan hệ gì với bọn phát-xít. Sau ngày Giải phóng, đó là điều kiện đầu tiên để có thể nói đến chính trị. Hội nghị được tổ chức tại phòng khánh tiết của Toà thị chính Avignon [9] ; thị trưởng là một người cộng sản.

Tôi được bầu làm thành viên Tổng Phái đoàn của người Đông Dương ở Pháp (Délégation générale des Indochinois en France), và phụ trách nghiên cứu các vấn đề chính trị.

Đầu năm 1945: Tôi có một cuộc gặp, nhân danh Tổng Phái đoàn của người Đông Dương, với Maurice Thorez tại trụ sở của Uỷ ban trung ương đảng cộng sản Pháp. Nhất trí về đại thể cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa đế quốc: cuộc chiến giành độc lập dân tộc này cần phải dẫn tới, vì lý do những điều kiện khách quan của thế giới hiện nay, chủ nghĩa cộng sản. Lời hứa của Maurice Thorez [10] về một giúp đỡ cụ thể cho các tổ chức của đảng cộng sản Pháp cho các nhóm địa phương khác nhau được đại diện bởi Tổng Phái đoàn của người Đông Dương sống ở Pháp. Lời hứa này đã hoàn toàn được giữ.

Tháng Chín năm 1945: Các truyền đơn và họp báo ủng hộ Việt Minh và chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong một bài báo trên tờ Le Monde liên quan đến cuộc họp báo của tôi, người ta đã trích dẫn câu trả lời của tôi dành cho câu hỏi của một nhà báo hỏi tôi người Đông Dương sẽ làm gì khi đội quân viễn chinh tới, tôi trả lời: "Bằng những phát súng" (A coups de fusils!) Câu trả lời này đã khiến tôi bị bắt và bị giam ở Nhà tù Prison de la Santé từ đầu tháng Mười đến cuối tháng Chạp năm 1945 vì "tấn công vào sự ổn định của Nhà nước Pháp trong những lãnh thổ mà nước Pháp nắm quyền" (Xem Les Temps Modernes số 5, tháng Hai năm 1946, tr. 878). Trong khi tôi bị giam giữ, báo L'Humanité đã đăng một bài báo đòi trả tự do cho tôi.

Maurice Merleau-Ponty, tổng biên tập tờ Les Temps Modernes đã đứng ra lập một tờ đơn quy tụ các trí thức theo cùng một mục đích [11] .

Ở Phố Ulm, mọi người bị chia rẽ. Những người cộng sản và cảm tình cộng sản (trong số đó thời đó phải kể đến những người theo hiện sinh) đòi trả tự do cho tôi. Rất quan trọng cần nhận xét rằng trong thời Đức chiếm đóng, nhóm Pháp tham gia Kháng chiến chống phát-xít có quan hệ với bên cộng sản. Sartre rẽ nhánh trực tiếp từ Husserl, và ông đã chịu ảnh hưởng về mặt triết học của Heidegger, nên giữ khoảng cách từ xa.

Các học sinh khác hoặc cựu học sinh của trường Cao đẳng Sư phạm phản đối việc bắt giam tôi, chỉ đơn giản do tinh thần dân chủ.

Một nhóm nào đó còn do dự, vì lý do họ có quan hệ với Tập hợp nước Pháp (Union française). Cuối cùng còn có những người ủng hộ Bộ thuộc địa. Những chia rẽ này đã ngăn cản sự thực hiện một sự phản đối tập thể do bên cộng sản khởi xướng.

Tuy nhiên, độc lập với vấn đề tự do của tôi, các sự việc dần đã trở nên sáng tỏ: tôi vẫn tiếp tục là học sinh nội trú tại trường Cao đẳng Sư phạm kể từ khi từ Clermond-Ferrand trở về (tháng Ba năm 1941) cho đến ngày Paris được giải phóng. Nơi này không khoan nhượng chủ nghĩa phát-xít. Các học sinh có cảm tình với quân chiếm đóng đều là sinh viên ngoại trú, và thực tế là không bao giờ đến trường cả.

Tôi không biết có ai ở Phố Ulm ủng hộ những lời vu cáo phi lý về những tờ báo vu cho tôi có quan hệ với quân phát-xít. Có thể có, điều đó không thể loại trừ, vì lẽ hoàn toàn không có những can thiệp thuần tuý. Tôi là chuyên gia về Husserl, người từng bị đuổi khỏi Đại học tại Đức ngay khi bọn phát-xít lên nắm quyền. Tôi đã bắt đầu nghiên cứu hiện tượng luận Husserl nhờ Jean Cavaillès hướng dẫn, người tham gia Kháng chiến kể từ khởi đầu cuộc Chiếm đóng.

Tổng Phái đoàn của những người Đông Dương đã định khởi kiện lời vu khống của những tờ báo vu tôi có quan hệ với bọn phát-xít. Những tờ báo này đã ngay lập tức chấm dứt những lời vu khống, vì thấy rằng chúng hoàn toàn không có cơ sở nào hết.

Tháng Hai năm 1946: Những bài báo Về Đông Dương được xuất bản trong số 5 tờ Les Temps Modernes, với mở đầu là một dòng chú thích của biên tập có nhắc đến những tờ báo vu khống, do Bộ Thuộc địa giật dây:

"Về Đông Dương"

"Đầu tháng Mười, quân cảnh (la justice militaire) đã bắt giữ khoảng năm mươi người Đông Dương sống ở Paris. Lúc đó một số tờ báo đưa tin những người Đông Dương bị bắt là do đã từng hợp tác với chính quyền Đức và Nhật. Trên thực tế, toà án (la justice) đã không hề kết án họ về tội này và những tờ báo vu khống giờ đây đã bị truy tố vì vu cáo. Điều mà toà án chê trách ở những người Đông Dương bị bắt là đã gây nguy hại đến ổn định của Nhà nước Pháp tại các lãnh thổ mà Nhà nước nắm quyền" (Les Temps Modernes, số 5, tháng Hai năm 1946, tr. 878). N.D.L.R.

Tôi viết bài báo Về Đông Dương trong xà lim nơi tôi bị giam giữ một mình tại nhà tù Prison de Santé.

Tôi đã sử dụng sự giải trí bị bắt buộc (ces loisirs forcés) này để rà soát lại nhận thức hiện tượng học của mình. Bài báo của tôi theo hướng hiện sinh. Nhưng tình hình khách quan tôi ở vào, với sự đối nghịch sâu sắc giữa dân tộc thuộc địa và chủ nghĩa tư bản đế quốc, đã hướng tôi đến con đường của chủ nghĩa Mác-Lênin. Định hướng này sau đó đã được hiện thực hoá trong cuốn Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng (1951).

Cuối năm 1946 (hoặc đầu năm 1947): Bài báo trên Les Temps Modernes đã đả kích gay gắt những lời vu cáo do tay trốtkít Claude Lefort tung ra chống Việt Minh và đảng cộng sản Đông Dương.

1947: Bài báo trên tờ La Pensée đả kích sự trấn áp của thực dân chống Việt Nam.

1947: Loạt hội thảo dành cho học sinh trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm về hiện tượng luận của Husserl.

1947 (hoặc đầu năm 1948): Bài báo trên Revue de métaphysique et de morale (Tạp chí siêu hình học và đạo đức) về triết học mác-xít và lịch sử, trong đó tôi tán thành các nguyên tắc của chủ nghĩa duy vật lịch sử.

1947 - 1948: Loạt hội thảo ở trường Cao đẳng Sư phạm Sèvres về Husserl, Kant, Hegel.

Tháng Chín năm 1948: Bài báo trên Les Temps Modernes, số 36 Về Hiện tượng luận tinh thần và nội dung thực tế của nó nhân dịp xuất bản giáo trình của Alexandre Kojève về Hiện tượng luận tinh thần của Hegel. Giáo trình này, được giảng dạy trước chiến tranh, đã có các học sinh theo học như là J.-P. Sartre, J. Hippolyte, M. Merleau-Ponty v.v..., điều này khiến nó có được một ảnh hưởng đáng kể lên triết học Pháp. Chủ yếu nó được cấu tạo để chống lại chủ nghĩa duy vật biện chứng. Vì Merleau-Ponty yêu cầu tôi viết một bài điểm sách cho Les Temps Modernes, tôi đã thực hiện thông qua một nghiên cứu cụ thể về tác phẩm của Hegel. Và tôi đã đi đến kết luận rằng chỉ biện chứng duy vật mới cho phép hiểu nội dung thực tế (contenu réel), và do đó, ý nghĩa chân thực của Hiện tượng luận Hegel.

Bài báo của tôi, được viết để chống lại cách diễn giải hiện sinh luận Hegel của Kojève, đã cho phép tôi đồng thời giải phóng khỏi cách nhìn mang tính duy tâm của Husserl. Nó là "chiếc cầu" dẫn tôi đi từ hiện tượng luận Husserl đến chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Cuối năm 1948 (hoặc đầu năm 1949): tôi ký tên vào một tuyên bố của giới trí thức (xuất bản trên tờ l'Humanité) phản đối sự trấn áp của tên phản bội Tito lên những người dân chủ Nam Tư.

Cuối năm 1949 - đầu năm 1950: Năm cuộc tranh luận có ghi tốc ký với Jean-Paul Sartre về chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa hiện sinh.

Sartre đã mời tôi đến những cuộc gặp gỡ này vì ông tính chứng tỏ ở đó rằng chủ nghĩa hiện sinh có thể tồn tại hoà bình rất tốt về mặt học thuyết với chủ nghĩa Marx. Việc ghi tốc ký có mục đích là để chuẩn bị cho việc xuất bản chung dưới dạng trao đổi [12] .

Sartre chỉ công nhận giá trị của chủ nghĩa Marx về mặt chính trị và lịch sử xã hội. Ông không coi trọng triết học mác-xít lắm. Ông đề nghị một chia sẻ (un partage) tại đó chủ nghĩa Marx có quyền (compétent) trong một khuôn khổ nào đó về những vấn đề xã hội, còn chủ nghĩa hiện sinh sẽ có giá trị trong triết học...

Trong năm cuộc gặp gỡ tôi đã chỉ cho ông rằng chính xác là phải coi trọng chủ nghĩa Marx cả về triết học. Về điều đó, Sartre đã kết thúc tranh luận, thấy rằng không thể hy vọng thêm được nữa. Kết luận cuối cùng khi chúng tôi chia tay là sẽ không đặt ra vấn đề này nữa, ở cả hai phía. Về lời hứa hai bên này, Sartre và nhất là những người thân cận của ông đã lan truyền những đồn đại đổ lên tôi trách nhiệm của thất bại. Vì tôi chỉ có một mình, tôi không có cách nào khác để chấm dứt những đồn đại thất thiệt này ngoài việc đâm đơn kiện Sartre. Và trên thực tế chiến dịch bẩn thỉu (insidieuse) mà các học trò của ông đã bắt đầu, đã kết thúc ngay lập tức.

Năm 1952, Sartre đã quyết định tham gia tích cực vào Phong trào Hoà bình. Có thể những trao đổi về mặt quan điểm hồi mùa đông 1949 - 1950 đã đóng góp một phần nhỏ bé vào tiến triển của ông về hướng cộng tác với chủ nghĩa cộng sản [13] ?

Với tôi những cuộc gặp gỡ này đã dẫn đến sự đoạn tuyệt với chủ nghĩa hiện sinh, sự đoạn tuyệt đã bắt đầu với bài báo của tôi tháng Chín năm 1948 chống lại bình luận Hiện tượng luận tinh thần Hegel của Kojève.

Tháng Tám năm 1951: Xuất bản cuốn Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng tại nhà xuất bản Minh Tân [14] .

Cuốn sách này đánh dấu bước phát triển của tôi từ Hiện tượng luận đến chủ nghĩa duy vật biện chứng. Trên thực tế tôi mới chỉ đến ngưỡng cửa chủ nghĩa Marx. Tôi đã công nhận tính đúng đắn của các nền tảng lý thuyết của chủ nghĩa duy vật biện chứng, mà không hề có hiểu biết đầy đủ về các văn bản kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong các phân tích cụ thể của phần hai cuốn sách của tôi, phương pháp muốn là Marxit, đã lạc đường chao đảo giữa hiện tượng luận Husserl và Hegel.

Tuy nhiên các vị thế nguyên tắc, đã được khẳng định rõ ràng, là đủ để tôi quyết định trở về Việt Nam. Cần phải làm cho cuộc đời ăn nhập với triết học, thực hiện một hành động thực tế (acte réel), điều đáp trả lời những kết luận lý thuyết của cuốn sách của tôi.

Từ khi tôi đoạn tuyệt với nhóm Les Temps Modernes vào đầu năm 1950, những người bạn tuyệt vời của tôi đã có lý khi gợi ý với tôi là không còn hy vọng gì trông chờ một cuộc cách mạng ở Paris. Vì tôi đồng ý với điều đó, tôi đã nhanh chóng hoàn thành cuốn sách của mình đã được thông báo từ cuối năm 1943, năm tôi đăng ký làm một luận văn về Husserl. Lúc đó nhẽ ra tôi sẽ làm cho Sorbonne [15] , nhưng tôi cũng cần tự giải thoát về mặt triết học. Cuốn sách được xuất bản, chỉ dày 368 trang vì lý do thiếu thời gian.

Trước khi rời Paris, tôi đã nhờ Nguyễn Văn Chi (Chỉ/Chí?), người phụ trách giao thiệp với bên Les Temps Modernes, lo việc chấm dứt, nhân danh tôi, vụ kiện Jean-Paul Sartre.

Cuối năm 1951 - đầu năm 1952: Trở về Việt Nam qua đường Praha, Matxcơva, Bắc Kinh.

1952: Nghiên cứu về hai xưởng công nghiệp ở Việt Nam, Báo cáo cho Trung ương - Điều tra về thực trạng các trường học ở Việt Nam. Báo cáo cho Bộ Giáo dục.

Mùa xuân năm 1953: Dịch các tác phẩm của đồng chí Trường Chinh trong các văn phòng của Tổng bí thư.

Mùa hè năm 1953: Tham gia Chỉnh Huấn. Thành viên Ban Văn-Sử-Địa.

Mùa thu năm 1953 - đầu năm 1954: Tham gia cải cách ruộng đất với tư cách chiến sĩ cơ sở ở Phú Thọ.

1954: 9 bài báo về lịch sử và văn học Việt Nam, xuất bản trên tạp chí Văn-Sử-Địa
Mùa thu năm 1954: Giáo sư ở Đại học Hà Nội.

1954 - 1955: Dạy Lịch sử cổ đại.

1955 - 1958: Dạy Lịch sử triết học [16]

1956 - 1958: Trưởng khoa Lịch sử

1955 - 1956: nhiều bài báo đăng trên Tập san Đại học Sư phạm và trên Tập san Đại học (Văn khoa).

Cuối năm 1956: 2 bài báo đăng trên Nhân VănGiai Phẩm nơi tôi đã nhầm lẫn dân chủ xã hội và dân chủ tư sản, chủ nghĩa nhân văn mác-xít và chủ nghĩa nhân văn tư sản.

1958 - 1961: Nghiên cứu các văn bản kinh điển chủ nghĩa Mác-Lê.

1961 - 1973: Tham gia dịch các tác phẩm của Marx - Engels tại Nhà xuất bản Sự Thật [17] .

1965: Bài báo trên tờ La Pensée: Hạt nhân duy lý của biện chứng Hegel (dịch một bài báo viết bằng tiếng Việt đăng năm 1956 trên Tập san Đại học (Văn khoa).

1965: Bài báo trên tờ La Pensée: Chuyển động của chỉ dẫn như dạng nguyên thuỷ của sự chắc chắn cảm thấy được (Le mouvement de l'indication comme forme originaire de la certitude sensible)

1969 - 1970: Bài báo đăng ba kỳ trên La Pensée: Từ cử chỉ chỉ trỏ đến hình ảnh đặc thù (Du geste de l'index à l'image typique)

1973: Xuất bản Tìm cội nguồn ngôn ngữ và ý thức (Recherches sur l'origine du langage et de la conscience" tại Editions Sociales.

Tháng Giêng và tháng Chín năm 1975: Bài báo đăng hai kỳ trên La Nouvelle Critique (Phê bình mới): Từ hiện tượng luận đến biện chứng duy vật của ý thức (De la phénoménologie à la dialectique matérialiste de la conscience)

Tháng Năm năm 1981: bài báo trên tờ La Pensée: Chuyển động của chỉ trỏ như là sự hình thành sự chắc chắn nhận thấy được (Le mouvement de l'indication comme constitution de la certitude sensible)

Tháng Giêng năm 1983: Phần tiếp theo của bài báo

Tháng Bảy năm 1984: Bài báo trên tờ La Pensée: Biện chứng logique trong sự hình thành Tư bản luận

Trong tiến trình của mình, tôi đã được dẫn đến với chủ nghĩa Marx bằng hai con đường: một là cuộc đầu tranh giành độc lập dân tộc dẫn tới chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, nghiên cứu triết học và lịch sử đã chỉ cho tôi thấy rằng chỉ chủ nghĩa Mác-Lênin mới cung cấp giải pháp đúng đắn cho những vấn đề chung của lý thuyết khoa học.

Trong những năm sau chiến tranh, khi tôi làm quen lần đầu tiên với các tác phẩm của chủ nghĩa Marx, tôi đã chấn động vì nhận xét thấy Tuyên ngôn của đảng cộng sản về khả năng một bước chuyển một phần của các trí thức tư sản sang vô sản, trong giai đoạn khủng hoảng chung của chủ nghĩa tư sản nhờ vào nguyên cứu lịch sử phổ quát (universelle). Nhận xét này đã đưa tôi đến chỗ hướng các nghiên cứu của mình, những nghiên cứu cho đến lúc đó chỉ thuần tuý ở mức trừu tượng, sang một suy nghĩ toàn thể về thực tế của chuyển động lịch sử, về bản chất lý-hoá đến cuộc sống, xã hội và ý thức.

"Vào các thời kỳ khi đấu tranh giai cấp tiến đến gần hồi quyết định, tiến trình phân rã bên trong của giai cấp thống trị bên trong toàn bộ xã hội cũ, có một tính chất tàn bạo và mãnh liệt đến nỗi một mảnh nhỏ của giai cấp thống trị sẽ tách khỏi giai cấp của mình và gắn với giai cấp cách mạng, giai cấp nắm tương lai trong tay mình. Cũng vậy, ngày xưa một phần giai cấp quý tộc đã chuyển sang tư sản, thì ngày nay một phần tư sản cũng chuyển sang vô sản, nhất là một phần các nhà tư tưởng tư sản, do công việc của mình, đã tự hiểu được lý thuyết toàn thể tiến trình của lịch sử."


Hà Nội ngày 1 tháng Hai năm 1984
Trần Đức Thảo


© 2004 talawas



[1]Hai trường lycée nhưng là lycée đặc biệt, nằm gần Panthéon và Sorbonne, đặc biệt có các lớp préperatoire hay gọi tắt là prépa cho các học sinh ưu tú ôn luyện để thi vào các trường lớn, Grandes Ecoles, của Pháp. Học về tự nhiên và xã hội, thường là hai năm, bên xã hội năm đầu gọi là hypokhâgne, năm hai gọi là khâgne (theo tiếng Lyon là câgne), người học gọi là khâgneux. Học xong hai năm này thì thi, đỗ rất ít, nhưng trượt thì vào đại học học luôn deuxième cycle khỏi phải qua đại cương.
[2]Tức là thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm
[3]Là năm đầu tiên của deuxième cycle, năm thứ hai là maitrise. Học sinh trường Cao đẳng Sư phạm phải học thêm một trường đại học khác nếu muốn lấy bằng.
[4]Vì lý do chiến tranh
[5]Tức là ở miền Trung nước Pháp, quê của Blaise Pascal và là cái nôi của hãng lốp xe Michelin rất nổi tiếng.
[6]Jean Cavaillès là một trí thức dấn thân kháng chiến, hy sinh trong chiến tranh. Cựu học sinh Ulm, hiện tại Ulm có cái tượng kỷ niệm những học sinh chết vì đất nước, có tên Cavaillès và một phòng học khá to ở tầng hai mang tên ông.
[7]Một bằng đặc biệt của ngành Giáo dục, dành cho những người muốn trở thành giáo viên. Đây là một kỳ thi rất khó, gồm nhiều bài thi nhỏ, cả viết và vấn đáp.
[8]Trung tâm tập trung gần hết các nhà nghiên cứu giỏi nhất của Pháp, có không ít người Việt, chẳng hạn Nguyễn Quang Riệu từng là giám đốc nghiên cứu - directeur de recherches - ở đây.
[9]Avignon là một thành phố nhỏ của Pháp, nhưng có lịch sử rất oanh liệt vì là nơi duy nhất ngoài Vatican từng có trụ sở của Toà Thánh.
[10]Thorez là anh cả đỏ của Pháp, ngoài gặp Trần Đức Thảo trước đó ông cũng đã gặp Hồ Hữu Tường là người ủng hộ Đệ Tứ.
[11]Chuyện này rất giống với vào những năm 60, Camus đã tập hợp đông đảo trí thức trên thế giới ký đơn đòi chính quyền Ngô Đình Diệm không được xử tử Hồ Hữu Tường.
[12]Tức loại sách entretiens, rất thông dụng ở Pháp, thường là hai hoặc nhiều người bàn luận về một hay nhiều vấn đề, rồi chép lại và in thành sách.
[13]Sau này Sartre còn ngồi ghế Thư ký cho Toà án chiến tranh Việt Nam của Chánh án Bertrand Russell tổ chức tại Thuỵ Điển.
[14]Ai từng đọc các tác phẩm của Hoàng Xuân Hãn như La Sơn Phu Tử hoặc Lý Thường Kiệt chắc đã biết đến NXB này. Cũng những năm 50, họ đã xuất bản Từ điển Hán - Việt của Đào Duy Anh bằng phương pháp sao chụp, ở trang đầu có đăng thư ngỏ của ông Nguyễn Ngọc Bích thanh minh in sách mà không có điều kiện hỏi ý kiến tác giả trước.
[15]Có thể Trần Đức Thảo cũng đã theo học Triết ở Sorbonne là nơi cách Ulm khoảng 10 phút đi bộ.
[16]Ở Việt Nam có một quyển sách tập hợp các bài giảng của Trần Đức Thảo về môn này, do học trò ghi lại và cho in.
[17]Không thấy Trần Đức Thảo nói đến chuyện dịch Perspectives de l'homme của Roger Garaudy, triết gia mác-xít của Pháp, giờ vẫn còn bản ronéo ở Thư viện Quốc gia Việt Nam.