© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
28.2.2008
Hoàng Cúc
Trao đổi về bài viết của Trương Công Khanh
 
Trong bài viết của Trương Công Khanh, nhan đề “Những bài học ứng xử cần thiết”, tác giả cho rằng tôi sai lầm ở hai điểm. Nhân đây, tôi xin trở lại với hai điểm tác giả đề cập, đồng thời trao đổi về những trích dẫn của tác giả trong bài viết kể trên.

Điểm thứ nhất, theo tác giả “Điều nhầm lẫn của Hoàng Cúc chính là mượn vào bức ảnh (nhầm lẫn) đó để “phủ định” những dư luận cho rằng Phật giáo mới là sở hữu chủ thực sự của mảnh đất Tòa Khâm sứ (vốn là chùa Báo Thiên).” Điểm thứ hai, tác giả cho rằng “Chính vì luận suy này mà Hoàng Cúc đã dẫn chứng tư liệu về tháp Báo Thiên, theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, xem đó là những tư liệu tin cậy. Đúng như vậy, nhưng tác giả phải lưu ý đó là nói đến tháp Báo Thiên (một trong An Nam tứ đại khí) chứ không hoàn toàn nói đến chùa Báo Thiên.”

Khi đề cập đến bức ảnh, tôi chỉ muốn chỉ ra trò đánh tráo thiếu lương thiện khi ai đó cố tình lầm lẫn giữa chùa Báo Thiên với chùa Báo Ân. Trong mục ý kiến ngắn ngày 8-2-2008, Trần Đình Hoàng đã ra sức bào chữa rằng: “bức ảnh mà Hoàng Cúc nói đánh tráo gì đó không phải là “tác phẩm” của tôi và cũng không có trong bản gốc bài viết của tôi, nhưng do ban biên tập thêm vào.” Sau đó vài hàng, Trần Đình Hoàng viết thêm: “Bức ảnh đó chỉ mang tính cách minh họa chứ không phải là một chứng từ lịch sử để làm cơ sở mà tố khổ người viết là “đánh tráo”, một cáo buộc chẳng những nặng nề, mà còn quá hồ đồ và vô trách nhiệm.” Quả thực, khi nói “Bức ảnh đó chỉ mang tính cách minh họa” Trần Đình Hoàng đã tự “minh hoạ” rất rõ cho quan điểm của mình rồi, tôi thiết nghĩ không cần phải phí quá nhiều lời với chuyện này.

Về điểm thứ hai, Trương Công Khanh đọc lại bài viết của tôi sẽ thấy tôi không hề có ý nhầm lẫn tháp Báo Thiên với chùa Báo Thiên. Tôi đã viết rằng: “Tội danh “phá Tháp” của thực dân Pháp và người Công giáo đã bị Nguyễn Án và Phạm Đình Hổ phủ nhận với tư liệu lịch sử khá rõ ràng. Đối với tội danh “tịch thu đất” “phá chùa”, tôi rất mong Phật tử Nguyễn Quốc Dũng đưa ra những chứng cứ lịch sử xác thực để chứng minh cho ý kiến của mình.” Sau đó vài dòng, tôi viết tiếp: “Từ mấy ngày nay, trên talawas, Lê Điều đã đưa ra một số tư liệu liên quan đến chuyện này, tôi rất mong giới chuyên môn vào cuộc để phân tích và thẩm định những tư liệu đó.” Những ai theo dõi ý kiến của Lê Điều hẳn đều biết rằng Lê Điều đã cung cấp những tư liệu khác nhau về chùa và tháp Báo Thiên. Ngày 31-1-2008, Lê Điều trích một đoạn trong cuốn Di tích lịch sử văn hoá Việt Nam. Ngày 1-2-2008, Lê Điều lại tiếp tục đưa ra tài liệu trong cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX và cuốn tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn.

Bài viết của Trương Công Khanh, cũng đưa ra một đoạn trích dẫn André Masson, sau đó tác giả bàn về từ “mục nát” trong đoạn trích dẫn với một số cứ liệu lịch sử như sau: “Ngôi chùa có thực sự “mục nát” như đánh giá của những người Công giáo hay không? Sách Đại Nam nhất thống chí thời Nguyễn cho biết trong Thăng Long bát cảnh còn ghi tám bài thơ vịnh cảnh Thăng Long, trong đó có bài thơ của một người Thanh sang nước ta, cảm tác khi nghe tiếng chuông chùa Báo Thiên: “Báo Thiên hiểu chung” (Chuông sớm chùa Báo Thiên). Và lúc đó vẫn còn tên gọi phố Báo Thiên, bán vải thâm và dù xanh. Hơn nữa, vào thời vua Tự Đức, Tổng đốc Tôn Thất Bật cũng đã có sửa sang lại chùa. Theo tác giả Nguyễn Đại Đồng, vào năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) Hòa thượng Phúc Điền (1784-1863) về trụ trì chùa Báo Thiên. Trong Kế đăng lục in năm Tự Đức thứ 12 (1857) viết: “Lúc đó tại chùa Báo Thiên đang khắc ván bộ Phật Tổ thống kỷ của Trung Quốc. Sau khi Hòa thượng Phúc Điền qua đời, chùa Báo Thiên vẫn còn lại cho đến ngày thực dân Pháp chiếm thành Hà Nội lần 2 năm 1882 (theo Tạp chí Văn hóa Phật giáo).” Ở câu sau cùng của đoạn trích trên đây, Trương Công Khanh chỉ mở ngoặc kép mà không đóng ngoặc kép. Tôi nghĩ có thể có sự quên sót nào đó, vì sách in năm 1857 chắc không thể kể đến sự kiện diễn ra vào “năm 1882”. Tôi cũng chưa có dịp tra cứu lại các tài liệu này, tuy nhiên, có thể nói, những sử liệu mà tác giả đưa ra đều trước năm 1773.

Tôi xin được trở lại với đoạn trích dẫn của Trương Công Khanh:

“San bằng cái chùa và tịch thu miếng đất, thật không có gì dễ bằng trong thời gian chiếm đóng…, tuy nhiên, công bình mà nói, tôi cảm thấy ít nhiều ái ngại trong việc phạm một sự lạm quyền kiểu đó, nên thấy nên nhờ ông Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ. Ông rất tâm đầu ý hiệp với Giám mục [Puginier, NQT, ct.] và muốn làm vừa lòng ngài cũng như tôi vậy. Thoạt tiên, ông cho điều nghiên xem có ai là hậu duệ của người sáng lập ra chùa, đã chết hai thế kỷ trước, và lẽ dĩ nhiên, không tìm ra ai. Thứ đến ông chỉ thị cho các công dân lãnh đạo trong phường, được chọn lựa có vẻ như là do sự may rủi giữa các người Công giáo, đến thẩm lượng mức kiên cố của ngôi chùa; họ không ngần ngại xác quyết rằng, ngôi chùa đã mục nát có thể sập gây nguy hiểm cho người qua lại. Bây giờ mọi việc đã đâu vào đấy, san bằng ngôi chùa và tịch thu miếng đất…” (André Masson, The Transformation of Hanoi, 1873-1888, Madison, WI: Center for Southeast Asian Studies. University of Wisconsin-Madison, 1983, 51, NQT dịch).

Thực ra, cuốn The Transformation of Hanoi, 1873-1888 là bản dịch Anh ngữ do Jack A. Yaeger dịch, Daniel F. Doeppers biên tập và rút gọn. Nguyên bản Pháp ngữ có tên Hanoï pendant la periode heroïque 1873-1888 [1] , do librairie orientaliste Paul Geuthner xuất bản tại Paris năm 1929. Đoạn trích dẫn trên nằm ở phần IV của cuốn sách, với tiêu đề La Mission (tạm dịch là Nhà Chung), các trang 117–127. Phần tương đương với đoạn trích trên nằm ở hai trang 125–126, André Masson để trong ngoặc kép và ở cước chú ông cho biết nguồn trích dẫn là tại trang 209 trong cuốn Au Tonkin của R. Bonnal, in tại Hà Nội năm 1925. Dưới đây, tôi xin đưa ra nguyên văn Pháp ngữ trong cuốn sách của André Masson để độc giả tiện so sánh.

“Démolir la pagode et s’emparer du terrain, rien n’était en apparence plus facile dans la période de conquête que nous traversions, mais j’avais comme de juste, une certaine répugnance à commettre un abus de pouvoir de cette sorte et je préférai m’adresser au Tong-doc Nguyen-huu-Dô. Celui-ci était en fort bons termes avec l’Evêque et désirait comme moi lui être agréable; voici comment il tourna la difficulté. Il fit d’abord rechercher s’il existait encore quelque descendant du fondateur de la pagode, mort depuis plus de deux siècles, et naturellement n’en trouva pas.”

“Il ordonna ensuite aux notables du quartier, choisis comme par hasard parmi les indigènes chrétiens, de vérifier la solidité de l’édifice et ceux-ci n’hésitèrent pas à déclarer que, menaçant ruine, il pourrait en s’écroulant compromettre la sécurité des passants. Maintenant tout était en règle. Faire démolir la pagode, en confisquer le terrain sans maître au profit du domaine étaient, suivant la coutume annamite, des mesures justifiées ne pouvant soulever aucune protestation; c’est ce que fit le Tong-doc.”


Ở đây, tôi xin miễn bàn đến chuyện chuyển dịch từ ngữ giữa hai văn bản, vì theo tôi hiểu, bản dịch Việt ngữ không phải của Trương Công Khanh, mà của NQT nào đó. Hơn nữa, bản Việt ngữ lại dịch lại từ bản Anh ngữ, thì khác biệt về phương diện từ ngữ là chuyện khó tránh khỏi. Tôi chỉ thắc mắc là không biết Trương Công Khanh đã vô tình hay cố ý cắt lửng câu cuối cùng của đoạn trích dẫn. Tôi xin tạm dịch lại câu này để độc giả tiện theo dõi: “Cho phá hủy ngôi chùa, trưng thu mảnh đất vô chủ vì lợi ích công quyền [2] , theo tập tục An Nam, là những biện pháp chính đáng, không thể gây nên một sự phản đối nào; đó là điều ông Tổng đốc đã làm.” [3]

Sự kiện này còn được kể tiếp trong nguyên văn Pháp ngữ như sau:“Il prit encore la responsabilité de concéder gratuitement à la Mission catholique le terrain confisqué et j’eus la satisfaction de remettre à l’Evêque l’acte authentique lui en faisant remise en toute propriété.” Xin được tạm dịch như sau: “Ông còn nhận trách nhiệm nhượng lại miễn phí cho Nhà Chung Công giáo mảnh đất đã trưng thu, và tôi đã vui lòng trao lại cho vị giám mục văn bản chính thức chuyển giao cho ngài toàn quyền sở hữu.” Dù sao, không thể nói rằng chuyện chuyển giao này là bất hợp pháp, càng không thể so sánh với chuyện “mượn” bằng mồm rồi cứ kiên trì đi theo đường lối trước sau như một “không có vấn đề trả lại” [4] .

Cũng cần lưu ý rằng trong văn bản Pháp ngữ, các từ tương đương với “mục nát” trong văn bản Việt ngữ là “menaçant ruine”. Phải hiểu những sự kiện này trong bối cảnh Hà Nội vào nửa cuối thế kỉ XIX, với hai lần quân Pháp tấn công thành Hà Nội vào năm 1873 và 1882. Sau khi thành Hà Nội thất thủ sáng ngày 20-11-1873, Nguyễn Tri Phương bị trọng thương và đã tuyệt thực cho tới chết, về phía Pháp, ngày 21-12-1873, Francis Garnier bị quân của Hoàng Kế Viêm giết chết. Lần thứ hai, thành Hà Nội thất thủ ngày 25-4-1882, Tổng đốc Hà Ninh Hoàng Diệu thắt cổ tự vẫn, về phía Pháp, Henri Rivière bị giết vào ngày 19-5-1883 tại Cầu Giấy. Khu vực đang được bàn tới ở đây cách tường thành Hà Nội không bao xa. Đặt trong khung cảnh chiến tranh như thế, việc chùa Báo Thiên ở trong tình trạng đổ nát cũng là chuyện không quá khó hiểu.

Cuốn sách của André Masson cũng cho chúng ta biết thêm rằng từ khoảng năm 1873 đã có một số gia đình Kitô hữu tới sống tại khu vực sau này là phố Nhà Chung, xung quanh một ngôi nhà nguyện bằng gỗ, nơi mà ngày 1-1-1873, giám mục Paul François Puginier đã cử hành một lễ long trọng [5] . Năm 1876, toà nhà kiên cố đầu tiên được xây dựng tại khu vực này [6] . Trong tháng năm năm 1883, Quân Cờ Đen đã hai lần tấn công Nhà Chung và đã thiêu huỷ ngôi nhà nguyện bằng gỗ [7] . Nhìn vào tấm hình dưới đây, những ai đã từng ghé qua Toà Giám mục Hà Nội có thể dễ dàng nhận ra ngay toà nhà trong tấm hình chính là ngôi nhà nguyện của Toà Giám mục hiện nay. Điều đó cho thấy rằng từ năm 1873, hoặc ít nhất là từ năm 1876, khu vực này đã do người Công giáo quản lí.



Đọc loạt bài có nhan đề “Hanoi Chrétien (1627–1931)” [8] , đăng trên sáu số liên tục trong Bulletin de la Société des Missions Étrangères de Paris, từ tháng 5-1932 đến tháng 11-1932, ta biết thêm nhiều chi tiết về nhóm người Công giáo tại Hà Nội qua các biến động lịch sử.

Loạt bài này cho chúng ta biết rằng kể từ năm 1627, đã có những nhóm người Công giáo ở Kẻ Chợ (tức Hà Nội), do các linh mục Dòng Tên, rồi các linh mục của Hội Thừa sai Ba Lê điều hành. Tới năm 1690, số người Công giáo ở đây đã khá đông, nhưng sang đầu thế kỉ XVIII, do các cuộc bách hại, số người Công giáo tại Hà Nội giảm sút và bị phân tán đi các nơi. Tuy nhiên, tài liệu này cũng ghi nhận rằng dưới thời Giám mục Néez, sau năm 1744, có cả các thành viên hoàng tộc chịu phép rửa tội. Tới thời Tây Sơn, sau năm 1788, tất cả nhà thờ, nhà cửa của họ đạo Hà Nội đều vị phá huỷ, 42 Kitô hữu chịu án lưu đày, một số khác bị bắt vào tù. Sang thế kỉ XIX, đặc biệt, đầu thời Tự Đức, người Công giáo vẫn chịu cảnh bách hại, tù đày. Bài thứ năm trong loạt bài này, ở số Bulletin de la Société des Missions Étrangères de Paris 128, tháng 8-1932, cho chúng ta biết thêm rằng ngay trong thời người Công giáo bị bách hại khốc liệt nhất, trước năm 1862, vẫn có khoảng gần 100 gia đình người Công giáo, sống rải rác tại ba khu vực khác nhau tại Hà Nội: khu vực phố Nhà Chung ngày nay, phố Hàng Bè và khu vực bờ sông. Sau năm 1862, nhiều Kitô hữu trở về từ chốn lưu đày, con số giáo dân của họ đạo Hà Nội được nhân đôi. Trong khoảng thời gian này, một nhà nguyện được dựng lên tại khu vực sau này là phố Nhà Chung. Cho đến năm 1869, do vẫn còn nhiều nguy hiểm, vẫn chưa có linh mục nào sống thường xuyên tại Hà Nội, thỉnh thoảng mới có linh mục từ Sở Hạ tới thăm viếng họ đạo này. Sau khi Giám mục Puginier cử hành một lễ long trọng vào ngày 1-1-1870, các linh mục tới họ đạo Hà Nội thường xuyên hơn. Các đời linh mục phụ trách vùng Hà Nội thời đó, linh mục André Bonfils, linh mục Joseph-Michel Landais, cùng với Giám mục Puginier đã từng bước mua các mảnh đất trải dài từ khu vực Trường Thi (Camp des Lettrés – ngày nay là Thư viện quốc gia) tới phía nam chùa Báo Thiên [9] . Từ năm 1876, các toà nhà dần dần được xây dựng như đã được André Masson nói tới.

Như vậy, tuy có một số khác biệt về mặt dữ liệu giữa André Masson và Joseph Villebonnet, nhưng theo các tài liệu trên đây, có thể xác định được rằng khu vực Toà Giám mục Hà Nội hiện nay cùng với Toà Khâm sứ cũ đã được các vị linh mục Bonfils và Landais mua trước năm 1876, lúc đó quyền cai trị miền Bắc, cụ thể hơn là Hà Nội, vẫn còn nằm trong tay quan lại nhà Nguyễn, dù ít nhiều đã có những sức ép từ phía các quan chức người Pháp. Khu vực chùa và tháp Báo Thiên mà vào năm 1883 Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ trưng thu và qua Bonnal trao cho Giám mục Puginier ít nhất cũng phải nằm ở phía bắc toà nhà xây năm 1876 trong ảnh, theo tôi khu vực đó có thể gồm hang đá Đức Mẹ, một phần sân chủng viện, khu trường học (nay là trường trung học cơ sở Hoàn Kiếm - Tân Trào) được nhà nước “mượn”, khu vực nhà xứ và Nhà Thờ Lớn hiện nay.

Tôi cũng muốn trao đổi thêm với Trương Công Khanh rằng, những sự kiện ông nêu lên ở phần sau của bài viết cũng cần được hiểu trong bối cảnh lịch sử, đặc biệt là những gì diễn ta tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam vào nửa cuối thể kỉ XIX, khi nhóm Văn Thân đã tấn công, bao vây và triệt hạ nhiều làng Công giáo [10] .

Để kết thúc bài viết này, tôi xin trở lại với câu trích lửng của Trương Công Khanh. Dù là vô tình hay cố ý, kiểu trích dẫn đó vẫn phản ánh một thái độ thiếu lương thiện trí thức (malhonnêteté intellectuelle).

© 2008 talawas



[1]Độc giả có thể đọc bản dịch Việt ngữ của cuốn sách này với nhan đề Hà Nội – giai đoạn 1873-1885, do Lưu Đình Tuân dịch, NXB Hải Phòng 2003.
[2]Từ “domaine” ở đây là một khái niệm trong ngôn ngữ hành chính của người Pháp. Từ điển Petit Robert 1973 đưa ra nghĩa của từ “Le Domaine” là “les biens de l’Etat”. Ở đây tôi xin tạm dịch là “công quyền”.
[3]Khi dịch, tôi có tham khảo bản dịch của Lê Thiện trên trang điện tử http://vietcatholic.net/News/Html/52481.htm
[4]Lời ông Nguyễn Thế Doanh trả lời phỏng vấn đài BBC ngày 3-1-2008.
[5]X. André Masson, Hanoï pendant la période héroïque (1873–1888), libraire orientaliste Geuthner, Paris 1929, tr. 119–120.
[6]Tấm ảnh của toà nhà này nằm trong phần hình ảnh của André Masson, sách đã dẫn, planche XXII. Phần giải thích cho tấm hình nằm ở trang 230 cho biết tấm hình được chụp vào tháng giêng năm 1929.
[7]X. André Masson, sách đã dẫn, tr. 122–123.
[8]Độc giả có thể đọc một số đoạn trích của loạt bài này tại địa chỉ: http://vietcatholic.net/News/Html/52481.htm.
[9]X. Joseph Villebonnet, “Hanoi Chrétien (1627–1931)”, Bulletin de la Société des Missions Étrangères de Paris, từ số 125, tháng 5-1932 tới số 130, tháng 11-1932, đặc biệt là số 129, tháng 9-1932, tr. 651–664.
[10]Độc giả có thể xem thêm Nguyễn Trường Tộ di thảo số 14, “Tình hình lương giáo ở Nghệ An” do Trương Bá Cần biên tập trong cuốn Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo, NXB Tp. Hồ Chí Minh 1988, tr. 181–183 ; Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, NXB Đà Nẵng, 2003, tr. 513–514 ; Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam, Quyển II, Calgary, Canada, 2002, tr. 488, dẫn theo H. Ravier, Sử ký Hội thánh, Hà Nội 1934, Q. III, tr 569–570.