© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
1.3.2008
Trần Hữu Thục
Obamapalooza
 
Lần đầu tiên tôi biết đến Obama là do một người phụ nữ da trắng làm cùng sở, Sheila. Bà ta là một thành viên tích cực của cơ sở Đảng Dân chủ địa phương. Sáng hôm sau ngày đại hội Đảng Dân chủ tại Boston (cách chỗ tôi ở chừng 1 giờ lái xe) năm 2004 chọn John Kerry làm ứng cử viên cho Đảng Dân chủ chống lại George Bush, Sheila cho tôi biết là bà rất thích người đàn ông da đen đọc diễn văn chính trong buổi đại hội là Barack Obama. He is my favorite, bà nói. Và bà tiên đoán là ông sẽ là ứng cử viên tổng thống trong nhiệm kỳ 2008. Tôi không có ý kiến gì, nhưng trong thâm tâm, hình ảnh một người đàn ông da đen, mặt gầy, tai vểnh, không gây cho tôi chút thiện cảm nào. Tôi lấy làm ngạc nhiên sao mà một người da trắng 100% như Sheila lại ưa thích một người da đen như thế. Đã thế lại muốn anh ta làm Tổng thống Hoa Kỳ nữa. Bốn năm sau, khi được tin Obama ra ứng cử và càng ngày càng có triển vọng thắng bà Hillary Clinton, bà ta lại nhắc tôi: He’s my favorite. He will be president!

Ngoài Sheila là người nhiệt tình ủng hộ Obama, một bà da trắng khác, Maria, có bàn làm việc ngay trước mặt tôi thì lại là người nhiệt thành cổ võ cho Hillary Clinton. Hai người thường cãi nhau gay gắt. Người nào cũng tìm cách thuyết phục tôi ủng hộ “gà nhà” của họ. Một đêm trước ngày SuperTuesday (8/1/08), Clinton về vận động tại thành phố tôi. Maria rủ tôi đi nghe Clinton nói chuyện ở một trường đại học gần nhà. Tò mò, tôi đi. Đó là một buổi tập họp rất đông người. Hội trường chật ních. Trong hàng quan khách tôi nhìn thấy hầu hết những tai to mặt lớn của chính quyền thành phố đều có mặt. Thì ra cơ sở Dân chủ ở đây ủng hộ Clinton, kể cả một dân biểu liên bang là James McGovern. Thú thật tôi không chú ý lắm đến những điều bà ta nói (vì đã nghe quá nhiều lần qua truyền hình) mà thích cái lịch lãm, đường bệ, chuyên nghiệp và “đẹp lão” của người phụ nữ đã từng là đệ nhất phu nhân này. Cuối cùng thì Clinton đã thắng ở Massachusetts, dù Obama được sự ủng hộ của 2 thượng nghị sĩ nặng ký Ted Kennedy và Kerry cùng với thống đốc tiểu bang Patrick Duval. Tôi bầu cho Clinton.

Sau ngày SuperTuesday, Clinton càng ngày càng xuống dốc. Và càng ngày, Obama càng đi lên. Obama thắng liên tiếp ở 11 tiểu bang. Theo những cuộc thăm dò sau bầu cử, ngoài thành phần “cơ hữu” là người da đen, giới trẻ, những người có học thức và những thành phần trung lưu - những thành phần hầu như Clinton không thể ảnh hưởng được -, Obama càng ngày càng giành được sự ủng hộ của những thành phần vốn được cho là “thuộc về” Clinton: da trắng, nhất là phụ nữ da trắng và lớn tuổi, giới lao động lợi tức thấp. Từ Virginia, Maryland cho đến Wisconsin (nơi mà cử tri da trắng chiếm đại đa số), Obama đều qua mặt Clinton và thắng lớn. Ở Maryland, Obama thắng Clinton với tỷ lệ là 60-37, ở Virginia là 64-35, ở Wisconsin 58-41, ở Washington DC 75-24…


Obamamania

Trong tất cả các chuyến đi vận động tranh cử trong hầu hết các tiểu bang, Obama đã thu hút những đám đông càng ngày càng lớn, nồng nhiệt chào đón. Lớn hơn hẳn Clinton. Và lớn hơn gấp bội so với các ứng cử viên Đảng Cộng hòa. Ứng cử viên hàng đầu John McCain thường chỉ lôi kéo một đám đông khoảng từ 1000 đến 1200. Mike Huckabee lại càng ít hơn, chừng 500 đến 700. Trong lúc đó, Obama nói chuyện trước những đám đông, có lúc lên đến cả 54.000 người. Tại Wilmington, tiểu bang Delaware, ông thu hút một đám đông 20.000 người, tương đương với 1/3 dân số thành phố vào ngay ngày Super Bowl Sunday, là ngày mà đáng lẽ ra người ta dồn cả về vận động trường hay ở nhà theo dõi trận đấu qua TV. Số người tham dự đông quá, nhiều khi hội trường không có đủ chỗ, người ta ngồi đứng tràn ra ngoài hành lang, có người còn leo lên cả trên xà nhà. Ở một vài nơi, do vấn đề an toàn, các viên chức an ninh xua đuổi hết những ai không có chỗ ra ngoài. Để khỏi làm những người hâm mộ tuyệt vọng, Obama buộc lòng phải nói chuyện với họ ngay ngoài khu đậu xe giá lạnh trước khi vào nói chuyện với những người đang nôn nóng chờ đợi ở bên trong.

Doris Kearns Goodwin, sử gia chuyên viết về các đời tổng thống, cho biết chính trị gia lôi kéo được những đám đông lớn và cuồng nhiệt như thế trước đây là Robert Kennedy trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1968. Kennedy thì rõ ràng là khác xa Obama. Kennedy đã là một nhân vật tiếng tăm, em của một tổng thống tiếng tăm. Còn Obama chỉ là một khuôn mặt mới nổi, lại không có sự hỗ trợ đặc biệt nào của những vai vế lớn. Vào tối thứ Ba (12/2/08) là đêm Obama thắng tại các tiểu bang Virginia, Maryland và Washington DC, trong lúc Hillary Clinton lôi kéo đám đông 12.000 người ở El Paso, Texas thì ở Madison, tiểu bang Wisconsin, Obama nói chuyện trước một đám đông 17.000 người, chưa kể một số không có chỗ phải ra ngoài. Tại Key Arena, tiểu bang Washington, vào ngày 8/2, 17.000 người đến nghe Obama, chưa kể khoảng chừng 3.000 người đứng ngoài trong lúc cùng lúc tại Tacoma, cũng cùng tiểu bang, Clinton nói chuyện trước 6.000 người. Vào ngày 2/9, khoảng 7.000 người ngồi chật trong hội trường thể thao chỉ chứa tối đa là 5.700 chỗ để nghe Obama tại Bangor, tiểu bang Maine trong lúc ở một trường đại học của thành phố gần đó, Clinton lôi kéo chừng 2.000 người. Tờ nhật báo Bangor Daily News (2/9)tường thuật rằng trong vòng 20 năm qua, chỉ có nhạc sĩ rock như Lynyrd Skynyrd và những cầu thủ bóng rổ nổi tiếng ở Maine như Cindy Blodgett mới lôi kéo được một số lượng người như Obama làm hôm 9/2. Các khán giả “vỗ tay như sấm và đập thình thịch vào ghế ngồi” khi Obama bắt đầu nói về sự chống đối của ông đối với cuộc chiến tranh Iraq.

Nhận xét về sự khác biệt giữa Clinton và Obama, cây bút bình luận chính trị của tờ Seattle Times số ra ngày 9/2/08, Danny Westneat, viết về cuộc tập họp ở Seattle của Clinton là “ấn tượng” với các phát biểu nghiêm túc và cụ thể trong lúc cuộc tập họp của Obama là cảnh tượng “chỉ xảy ra một lần trong đời” (a once-in-a-life time spectacle). Số lượng người đã ghê. Không khí sôi nổi, nhiệt tình và kích động lại càng ghê hơn. Khi Obama vừa bước lên bục thì cả đám đông la hét chào mừng. Khi ông phát biểu, họ đồng loạt la lên “I love you, I love you, I love you”, trong lúc một số khác thì rưng rưng nước mắt. Tính hấp dẫn đám đông của Obama đã tác động mạnh mẽ đến các chính trị gia chuyên nghiệp. Mạnh đến nỗi có người như dân biểu Elijah Cummings không ngăn được sự phấn khích khi cầm micrô lên bục giới thiệu Obama tại Baltimore hôm 8/2. Ông ta la lên giữa tiếng la hét cuồng nhiệt: “Đây không phải là cuộc vận động cho cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, mà là một cao trào đưa đến sự thay đổi toàn thế giới”.

Nhìn những buổi tập họp của Obama, ta có cảm tưởng như xem những chương trình biểu diễn của những ngôi sao nhạc rock thời danh. Khán giả cuồng nhiệt. Kích động. Và đầy khí thế. Báo chí gọi hiện tượng đó là “Obamamania” (chứng mê Obama). Thuật ngữ này không mới. Nó đã xuất hiện đâu đó từ mùa hè năm 2004, khoảng thời gian trước và sau đại hội Đảng Dân chủ. Trong đại hội này, Obama là diễn giả chính (keynote speaker). Bài diễn văn với cái tựa đề khá văn hoa “The Audacity of Hope” (Sự táo bạo của niềm hy vọng), do Obama đọc một cách hùng hồn và đầy xúc động hôm 27/7/04, về sau, được những cây bút bình luận chính trị xem là một trong những phát biểu chính trị vĩ đại của thế kỷ 21. Nó giúp đưa ông ta - một người vừa bước chân vào chính trường, lúc đó đang là ứng cử viên thượng sĩ tiểu bang Illinois - lên tầm mức quốc gia. Ấn tượng của nó để lại sâu đậm đến nỗi một chiến lược gia của Đảng Dân chủ không ngần ngại tiên đoán Obama sẽ là ứng cử viên của Đảng Dân chủ năm 2008 và sẽ trở thành tổng thống Hoa Kỳ.

Ken Rudin, cây bút bình luận chính trị của National Public Radio (NPR), nhận xét "Obamamania" là “nỗi khát khao hầu như siêu thực (surreal desire) của một số người Mỹ muốn nhìn thấy Obama ra ứng cử tổng thống năm 2008. Ông ta đã giành được một địa vị gần như huyền thoại (near-mythical) trong hàng ngũ những chính khách Dân chủ thuộc tất cả chủng tộc và tất cả nhóm phái”. Sau những thắng lợi ngoạn mục liên tiếp trong các cuộc bầu cử tại một số tiểu bang, “chứng mê Obama” lan ra toàn quốc, từ Iowa đến New Hampshire, từ Baltimore, Washington đến Wisconsin và vượt ra ngoài biên giới Hoa Kỳ, tiến đến Trung Âu. Điển hình là ở Đức. Hình ảnh của thượng nghị sĩ bang Illinois càng ngày càng lớn ở Đức, nơi ông được so sánh với John Kennedy. Tờ Berliner Morgenpost ngày 7/1/08 chạy một hàng tựa lớn gọi Obama là “The New Kennedy”. Trong lúc đó, bài xã luận của tờ Frankfurter Rundschau chạy hàng tựa “Lincoln,Kennedy, Obama”, có ý ngầm so sánh Obama với hai vị tổng thổng vĩ đại của Hoa Kỳ.


Yes We Can

Obama còn gây cảm hứng mạnh mẽ cho những nghệ sĩ. Sau này, nếu Obama trở thành tổng thống Mỹ, thì công lao đóng góp cho sự thành công đó không thể thiếu một khuôn mặt: William James Adams, Jr. Là ai vậy? Anh ta là một nhạc sĩ hip hop, sinh năm 1975 tại Los Angeles, có biệt danh là will.i.am, gốc Jamaica (Nam Mỹ), người sáng lập ra ban nhạc “Black Eyed Peas”. Là một người ủng hộ nhiệt tình cho Obama, William James Adams sáng tạo ra một ca khúc vô cùng độc đáo, với mục đích góp phần vào công cuộc vận động của Obama. Anh mời Jesse Dylan, con trai của Bob Dylan lừng danh, đứng ra trông coi dự án. Trong vòng 2 ngày, họ quy tụ được chừng 30 nghệ sĩ nổi tiếng vốn ủng hộ Obama như Scarlett Johansson, Tatyana Ali, John Legend, Herbie Hancock, Kate Walsh, Kareem Abdul Jabbar, Adam Rodriguez, Kelly Hu, Hill Harper, Amber Valletta, Eric Balfour, Aisha Tyler, Nicole Scherzinger, Nick Cannon... cùng thực hiện bài hát có tên là “Yes We Can”. “Yes We Can” là một trong những khẩu hiệu tranh cử của Obama. Trên băng video trắng/đen, ta thấy các nghệ sĩ nhạc pop cùng hát với tiếng nhạc đệm theo của một cây đàn guitar. Họ hát xen kẽ nhau và xen kẽ với hình Obama đang phát biểu. (Vào www.dipdive.com để xem). Lời của bài hát không phải do William James Adams soạn, mà chỉ là sự lặp lại những lời mà Obama đã phát biểu trong bài diễn văn thừa nhận thất bại trước Clinton (Obama về nhì) trong cuộc bầu chọn sơ bộ tại tiểu bang New Hampshire vào ngày 8/1/08. Trên mạng YouTobe, phiên bản chính thức của khúc hát chỉ trong vòng một tuần lễ đã có đến hơn ba triệu lượt người vào xem và nghe. Ban vận động của Obama cho biết là họ không dính líu gì đến việc thực hiện và phân phối đoạn băng video nói trên. Nhưng nó đã được sử dụng tại nhiều cuộc tập họp để vận động cho Obama và tỏ ra rất hữu ích. Lần đầu tiên bài hát được phát ra tại cuộc tập họp lớn ở Los Angeles, trong đó, Caroline Kennedy (con của cựu tổng thống Kennedy), Maria Shriver (cháu của Kennedy, vợ của thống đốc California) và Oprah Winfrey có mặt để vận động cho Obama.

Việc phổ biến bài hát đã là một động lực lôi cuốn nhiều giới trẻ tham gia vào các buổi nói chuyện của Obama.


Obamapalooza

Xuất phát từ sự vận động của giới chính khách Dân chủ và được sự hỗ trợ của truyền thông, Obama sớm đã trở thành một hiện tượng. Một hiện tượng rất Mỹ. Obama trở thành Obamapalooza, “Buổi hội của những người yêu thích Obama”. Obamapalooza là chữ ghép của chữ Obama và palooza. Palooza xuất phát từ chữ lollapalooza, có nghĩa là một cái gì ngoại hạng trong cùng một loại, một tay cừ khôi (humdinger), một cái gì “hết sẩy”. Chẳng hạn như hockey-palooza (tay khúc côn cầu hết sẩy), bingo-palooza (tay chơi bài hết sẩy). Từ này xuất hiện đâu từ khoảng giữa năm 2006, khi những lời đồn đại quanh việc Obama ra ứng cử tổng thống đã trở thành (gần như) sự thật. Tháng 10/2006, tờ tạp chí lớn ở Mỹ, Time, đưa hình Obama lên trang bìa. Ngoài tấm hình của Obama, tờ báo còn cho đi một câu gợi ý hấp dẫn “Why Barack Obama Could Be The Next President”. Và rồi sau đó, như một cơn dịch, nhiều tạp chí và chương trình truyền hình khác trên khắp nước Mỹ, từ những tờ báo có khuynh hướng bảo thủ như Washington Post cho đến những tờ tạp chí thời trang như Men’s Vogue lần lượt đưa những thông tin tốt đẹp về Obama. Truyền thông dường như đã chuẩn bị sẵn mọi thứ cho Obama. Thế là, khi Obama vừa loan báo sẽ chính thức ra tranh cử tổng thống vào đầu tháng 2/2007, thì những bài bình luận và những bài tường thuật với giọng điệu nồng ấm và lạc quan đã liên tiếp xuất hiện để hỗ trợ cho bước đường danh vọng của Obama.

Hãy nghe Obama kể về lai lịch của mình: “Cha tôi là một sinh viên du học, sinh ra và được nuôi dưỡng trong một ngôi làng nhỏ ở Kenya. Thời thơ ấu, ông chăn dê, đi học trong một cái lều lợp tôn. Ông nội tôi là một người đầu bếp, chuyên nấu nướng cho người Anh (…) Nhờ chịu khó và kiên nhẫn, ông kiếm được một học bổng đi du học ở một nơi kỳ diệu là Hoa Kỳ, đất nước đã chiếu sáng như một ngọn hải đăng của tự do và cơ hội cho quá nhiều người đến trước. Ở đó, cha tôi gặp mẹ tôi. Bà sinh ra ở một thành phố nằm phía bên kia của địa cầu, Kansas. (…) Cha mẹ tôi không chỉ chia sẻ một tình yêu bất trắc, mà còn chia sẻ một niềm tin vĩnh cửu vào những khả năng của đất nước này. Họ cho tôi một cái tên châu Phi, Barack, có nghĩa là “được phúc lành”, vì tin tưởng rằng trong một nước Mỹ bao dung, cái tên không có gì cản trở cho bước đường thành công sau này (…) Tôi đứng nơi đây nhận thức rõ rằng chuyện đời tôi là một phần của chuyện dài nước Mỹ, rằng tôi nợ tất cả những ai đã đến trước tôi, và rằng, chẳng có một nơi nào trên trái đất lại có thể cho tôi một cuộc đời như tôi hiện có” (“The Audacity of Hope”).


Đen mà không đen

Thực ra, một cuộc đời như thế thì không có gì là đặc biệt đối với những người di dân đến Mỹ. Tuy thế, một số nhà trí thức nhìn thấy tính cách ứng cử viên của Obama mang một ý nghĩa cá nhân sâu sắc. Ý nghĩa đó là gì? Trong một bài viết trên Washington Post (27/10/06), “Winning by Losing”, Charles Krauthammer cho rằng có một số lý do khiến Obama có thể ứng cử và đắc cử: trước hết, ông ta thông minh, có học, duyên dáng; thứ hai, ông mang cả hai chủng tộc; thứ ba, Hoa Kỳ đang khao khát một tổng thống da đen. “Giống như nhiều người Mỹ khác, tôi khát khao muốn được thấy một người Mỹ gốc Phi lên làm tổng thống nước Mỹ. Đó sẽ là một biến cố có ý nghĩa sâu xa, một cột mốc vĩ đại trong câu chuyện dài mở rộng của những người Mỹ gốc Phi để hoàn thành cái vị trí hợp lý (mà lại bị) trì hoãn quá lâu trong đời sống Hoa Kỳ”. Ra ứng cử, Obama có thể thắng có thể thua. Nhưng thắng hay thua chưa phải là điều quan trọng. Thắng thì quá tốt: như một phép lạ, đột nhiên nước Mỹ có một tổng thống da đen trong năm 2009 mà Krauthammer gọi là một thứ “win-win-win”. Còn nếu thua thì lấy đó làm kinh nghiệm. Và chắc chắn rồi sẽ thắng. “Ông là một ngưởi trẻ tuổi đầy tương lai. Tương lai thì chẳng chờ đợi ai. Ông ta cần phải ứng cử ngay bây giờ. Và thất cử. Và sẽ thắng bằng cách thất cử” (win by losing).

Shelby Steele, dạy tại Stanford’s Hoover Institution, cũng mang hai dòng máu như Obama, phân tích sâu hơn về tính cách đặc thù của con người Obama. Trong tác phẩm A Bound Man: Why We Are Excited about Obama And Why He Can’t Win (xuất bản tháng 10/2007), Steele đã đưa ra những lý giải xác đáng nhằm soi sáng viễn tượng chủng tộc mà Obama có thể chuyển biến. Obama hiện thân cho cái mà tác giả gọi là “sự khác biệt không đáng kể của con người” (negligible human difference). Sự ra ứng cử của ông đòi hỏi nước Mỹ phải hoàn tất tuổi trưởng thành của mình như một xã hội thoát khỏi tất cả những thứ “chủ nghĩa cực đoan cộng đồng” về chủng tộc. Là con trai của một người cha da đen rời bỏ gia đình khi mới hai tuổi, Obama sống ở nước ngoài (Indonesia), và rồi được nuôi dưỡng bởi một người mẹ da trắng, ông ngoại bà ngoại đều là da trắng trong một cộng đồng da trắng ở Hawaii, nơi xa rời hẳn bất cứ một cộng đồng da đen nào và nhận được một nền giáo dục cao cấp. Tất cả những điều đó, theo tác giả, tạo ra một “khoảng trống căn cước” (identity vacuum) khiến cho Obama muốn “giải quyết tình trạng mập mờ khi sinh ra đời”. Obama là một "con người kết buộc" (bound man), phải tìm ra con đường riêng của mình để phá vỡ các bế tắc chủng tộc hiện đương.

Vào thập niên 1960, căn cước da đen đòi hỏi họ phải đứng ở vị trí tố cáo sự đàn áp của người da trắng. “Là da đen” có nghĩa là phải chấp nhận tất cả những thiệt thòi, là phải chấp nhận cái được gọi là “nan đề đen” (black problem). Đó là trường hợp của chính tác giả, Steele, dù ông ta cũng là người lai. Obama thì khác, Obama là sản phẩm của chính mạch, trong đó, ông được hưởng những cơ hội vô giới hạn. Do đó, Obama là loại người da đen có thể dễ dàng thoát khỏi ý thức hệ da đen. Đen nhưng mà không phải là đen. Nói một cách khác, ông ta “siêu vượt tính đen” (blackness). Ông ta ở bên kia của “tính đen”, nghĩa là một cái gì tốt hơn, khác với những người da đen chính gốc khác. Nhưng một mặt khác, cũng theo Steele, Obama luôn cảm thấy mình gắn bó với cộng đồng đen. Trong cuốn sách đầu tiên của ông, Dreams from My Father, Obama không giấu giếm nỗi ám ảnh muốn truy tầm nguồn gốc da đen của mình, muốn xây dựng mình như là một người đen. Với những người da đen,ông ta là một người mang theo chính nghĩa của người da đen, với những người da trắng ông ta là kẻ thống nhất “một dân tộc”, làm giảm thiểu sự quan trọng của khác biệt về chủng tộc. Với những tính cách đặc thù như thế, Obama là một “iconic negro” (người da đen biểu trưng). Là gì? Đó là kết quả của “sự ăn khớp giữa nhân dáng có tính chủng tộc của ông với sự khát khao của người Mỹ về sự vô tư chủng tộc” (tính không kỳ thị).


Siêu vượt chủng tộc

Một trong những cụm từ thịnh hành mà ngành truyền thông thường sử dụng khi đề cập đến trường hợp Obama là “siêu vượt chủng tộc” (transcends race). Trong hoàn cảnh của Hoa Kỳ, nơi mà dấu ấn của sự kỳ thị chủng tộc quá sâu đậm, siêu vượt chủng tộc hàm ý một cái gì vươn lên trên, mở đường hay giải thoát khỏi một tình trạng gần như bế tắc. Hãy nghe Ken Rudin, bình luận viên chính trị của National Public Radio giải thích: Trong tất cả những điều người ta tranh cãi về cuộc chạy đua chọn ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, “chủng tộc” thường không bao gồm trong đó. Tôi cho rằng đó là một điều tốt. Có lẽ đó là một dấu hiệu của tiến bộ. “Cũng có lẽ đó là khát khao tìm kiếm một người hết sức mới mẻ và đầy hứa hẹn, một người siêu vượt chủng tộc”. Một vài tờ báo khác như Newsweek (25/12/06) hay US News & World Report (19/2/07) dùng khái niệm “hậu chủng tộc” (post-racial) để chỉ trường hợp Obama. Joe Klein, trong bài viết chính cho tờ Time, số đặc biệt về Obama, “The Fresh Face” (Time, 15/10/06) gọi là siêu vuợt “khuôn đúc chủng tộc” (racial stereotype). “Chứng mê Obama hiện nay làm ta nhớ lại trường hợp của chứng mê Colin Powell vào tháng 9/1995 khi vị tướng này cân nhắc xem có nên ra ứng cử tổng thống hay không khi mang ra bán 2,6 triệu ấn bản cuốn hồi ức của mình, My American Journey. Powell và Obama có có một điểm chung khác: họ là những người da đen - giống như Tiger Woods, Oprah Winfrey và Michael Jordan – mang một thứ quyền lực biểu trưng đối với óc tưởng tượng của người Mỹ bởi vì họ siêu vượt khuôn đúc chủng tộc”.

Cần nhấn mạnh: cha của Obama là da đen, nhưng không phải thuộc dòng dõi của những người nô lệ châu Phi bị mang bán sang Mỹ vào các thế kỷ trước. Cha của Obama có một đất nước, được ăn học và đi Mỹ với tư cách là một người du học. Nói một cách khác, ông không mang trong người cái quá khứ nô lệ bi thảm của tổ tiên. Do đó mà Obama không giống như các ứng cử viên da đen khác là những người, mỗi khi ra ứng cử, đều sử dụng vấn đề màu da cũng như sự kỳ thị chủng tộc làm chiêu bài thu hút cử tri. Ông cũng không giống các chính trị gia da trắng, lúc nào cũng mang mặc cảm rằng màu da của mình chứng tỏ mình không thể nào có những kinh nghiệm thực sự về cuộc sống của người da đen. Trong những lần nói chuyện, Obama nhấn mạnh đến vấn đề chủng tộc, và nhấn mạnh một cách hồn nhiên, y như thể ông ta chẳng dính dáng gì đến chuyện chủng tộc. Y như thể ông ta không là da đen. Ở trong Obama, không có cái di sản tâm lý nặng nề của thân phận nô lệ trong quá khứ. Do đó, thứ ngôn ngữ hằn học, giận dỗi, cay đắng và bi quan hoàn toàn biến mất khỏi trong các bài diễn văn của Obama. Ông nói về nước Mỹ như là một “nơi kỳ diệu” của sự đa dạng và di dân. Bình luận gia Chris Matthews (NBC, 21/1/07) khẳng định: “Tôi không nghĩ là quý vị có thể tìm ra một lối thoát nào tốt hơn, một ai tốt hơn Obama như là một ứng cử viên da đen. Không có lịch sử của phân biệt chủng tộc, không có lịch sử của thù hận, không có lịch sử của chế độ nô lệ. Tóm lại, tất cả cái lịch sử xấu xa của chúng ta không chứa đựng trong người đàn ông này”.


Thể xác đen, tinh thần trắng

Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt giữa Obama và hai khuôn mặt da đen lớn trong chính trường Mỹ: Al Sharpton và Jesse Jackson, hai mục sư. Không như Al Sharpton, Obama không có ước muốn ra tranh cử để trở thành “Tổng thống của một nước Mỹ đen”, đối cực với một “nước Mỹ trắng”. Và khác với Jesse Jackson, Obama ít có vẻ “đe dọa” hơn và đồng thời, duyên dáng hơn. Obama cũng như Colin Power hay Condoleezza Rice là những người “tin được”. Đến với họ, ta thấy an toàn. Bên dưới thể xác da đen, Obama mang tinh thần da trắng. Nghĩa là, với người trắng, bầu cho Obama không hẳn là bầu cho một người đen “đáng sợ” nào đó đang sống trong những khu “da đen” nghèo khổ ở dưới khu trung tâm New York hay ở khu phía Nam thành phố Chicago. Không giống cả hai, Obama thuộc thế hệ lãnh tụ da đen mới, không xem mình là đại diện cho chủng tộc của họ. Một phần là đứa con lưỡng chủng, không thuộc hẳn một chủng tộc riêng biệt nào; và phần khác, ông ta không xây dựng sự nghiệp xuyên qua những cuộc đấu tranh về chủng tộc, đấu tranh cho quyền dân sự, và do đó, không có những va chạm ghê gớm về chủng tộc, tạo nên một sự phân cực trong xã hội Mỹ thời thập niên 60, 70. Họ sống ở Mỹ mà như kẻ đứng ngoài. Obama, trái lại, được thừa nhận từ bên trong. Là chính trị gia xuất phát từ dòng chính, không dính líu gì đến phong trào đòi dân quyền, vết sẹo lớn trong lòng một xã hội mà da trắng là ưu thế.

Ngay cả với những ai không cảm thấy thỏa mãn với cá nhân Obama thì nói chung truyền thông Mỹ vẫn xem sự nổi lên của Obama như là một lý do chính đáng để toàn thể nước Mỹ cảm thấy thoải mái về chính mình. Bình luận viên Roger Simon (NBC, Meet The Press 11/2/07) còn nói rõ hơn: “Nếu nước Mỹ chọn ông ta ra làm ứng cử viên tổng thống và rồi bầu cho ông làm tổng thống, điều này sẽ là một dấu hiệu cho thấy đất nước chúng ta là một đất nước tốt đẹp và đàng hoàng đã khâu lành vết thương chủng tộc”. Tờ Washington Post, trong bài xã luận ngày 18/1/07, không úp mở nói lên một giấc mơ: đã đến lúc nước Mỹ vượt lên trên một lịch sử kỳ thị chủng tộc xấu xa, và nếu quả thật nó có thể vượt lên trên những chia rẽ đã làm ô nhiễm bầu không khí chính trị hiện đại, thì đất nước có cơ may thoát ra khỏi những khó khăn trên nhiều mặt trận khác. Brit Hume, một bình luận gia rất nổi tiếng của Fox News Channel (21/1/07), xem màu da của Obama như là một “bất động sản” (asset). “Tôi cho rằng đại đa số người Mỹ từ trong thâm tâm mong muốn nhìn thấy những người Mỹ gốc Phi cầm đầu xứ sở này và họ hãnh diện về những gì đang diễn ra. Và đối với Barack Obama, nhiều người được thúc đẩy bầu cho ông ta làm tổng thống, ngoài những điều khác gọi là công bình, trong đó có lý do ông ta là da đen”. Ông ta đã cho người da trắng một hình thức thỏa mãn nào đó - rằng màu da chẳng có gì quan trọng trong nước Mỹ và tất cả những tội lỗi của quá khứ có thể được xóa sạch bằng cách bày tỏ hành động yêu mến người đàn ông này.


Là sản phẩm của truyền thông?

Rõ ràng là truyền thông nói chung dường như đã chuẩn bị cho một Obama-tổng-thống. Cách đưa tin, cách bình luận, cách chiếu hình… đều hết sức thuận lợi cho Obama. Từ những đài truyền hình lớn như CNN, FOX, NBC cho đến báo chí lớn nhỏ – dù không trực tiếp lên tiếng bênh vực hay ủng hộ cho Obama – nhưng đều không đăng tải những gì có hại lắm cho ứng cử viên này trong cuộc đối đầu với Clinton. Ngay cả tờ New York Times, là tờ báo chính thức tuyên bố ủng hộ Hillary Clinton (đồng thời với McCain của Cộng hòa), trong các bản tin và hình đưa lên, nếu chú ý kỹ, ta cũng tìm thấy có sự thiên vị. Một số bản tin nói về Clinton mà tấm hình kèm theo lại là của Obama.

Những người ủng hộ Clinton từ lâu đã biết rằng truyền thông bị cám dỗ bởi hình ảnh của một Obama đầy tiềm năng, xuyên chủng tộc, xuyên phái tính, xuyên giai cấp, xuyên những biên giới nhân khẩu. Nhưng họ chủ quan, xem thường. Sau khi liên tiếp bị Obama phỗng tay trên nhiều tiểu bang, họ mới thấm đòn. Những nhà chiến lược của Clinton phẫn nộ, cuối cùng, phải lên tiếng. Họ cho rằng truyền thông đã dành cho Obama một “free ride” (thuận lợi) trong các bài tường thuật. “Truyền thông đã từ bỏ trách nhiệm của họ”, một cố vấn hàng đầu của Clinton phát biểu với U.S News sau khi Clinton chịu thất bại nặng nề ở Wisconsin. Đáng giận nhất là nhiều đài truyền hình, nhiều báo chí từ chối chạy những quảng cáo tấn công Obama. Chẳng hạn như mới đây, phe Clinton tố cáo Obama “đạo văn” những lời phát biểu của thống đốc Massachusetts, Patrick Duval. Chính Obama cũng thừa nhận là đã sử dụng những phát biểu của Patrick nhưng cho rằng “chẳng có gì quan trọng” và hầu hết báo chí và truyền hình đều lẵng lặng làm ngơ, không bình luận, không khai thác. Chẳng khác gì một cách tán đồng Obama. “Truyền thông bắt đầu thông tin về chuyện vụ việc, nhưng rồi thôi, chẳng hề đi sâu”, phe Clinton nói. Trong lúc đó, truyền thông “tận tình” soi mói Clinton, từ chuyện rưng rưng nước mắt cho đến chuyện “bất đồng ý kiến” của bộ tham mưu đàng sau hậu trường.

Soi mói Clinton đi đến soi mói cả những ai đã bầu cho Clinton. Theo các cuộc thăm dò sau khi bầu (exit polls), thì ngoại trừ Hawaii, nơi Obama từng sống thuở thiếu thời, thì nhóm cộng đồng thiểu số đã bầu – và bầu một cách ồ ạt – cho Clinton, là người Mỹ gốc châu Á. Đài CNN cho biết, ở California, nơi người Mỹ gốc Á chiếm có 8%, họ bầu cho Clinton với tỷ lệ áp đảo: 3-1; nghĩa là 75% phiếu dồn cho Clinton. Ở New York, 87%; ở New Jersey, 73%. Sự ủng hộ lớn lao đó khiến cho CNN đặt câu hỏi: phải chăng, một số người Mỹ gốc Á không bầu cho Obama chỉ bởi vì đơn giản ông ta là người da đen? Cách đặt câu hỏi gây ra một cuộc tranh cãi khá lý thú: Phải chăng Obama có gì trục trặc với người Mỹ gốc Á? (Does Obama Have an Asian Problem?)

Thực là một câu hỏi nực cười. Vì, hỏi như vậy thì chẳng khác nào hỏi: phải chăng người Mỹ gốc Á kỳ thị da đen? Câu hỏi bao hàm một lời cáo buộc kỳ thị. Tại sao họ không đặt câu hỏi tương tự đối với cử tri da đen: đại đa số cử tri da đen chỉ bầu cho Obama, phải chăng họ kỳ thị người da trắng?
Thực ra, theo tôi, câu hỏi chỉ phản ảnh một điều: ủng hộ Obama.


Khó khăn nào?

Obama đang ở thế thuợng phong. Thời gian ủng hộ ông ta. Cứ mỗi ngày qua đi, thì số điểm Obama càng tăng và số điểm Clinton càng giảm trong các cuộc thăm dò dư luận. Thăm dò dư luận, rốt cuộc, chẳng khác gì là một cách không chế dư luận. Một công cụ uốn nắn tâm lý đám đông.

Nhưng như thế không có nghĩa là Obama cứ phom phom trên con đường rộng mở. Những thăm dò lạc quan nhất vẫn không dám quyết đoán một điều gì. Các đòn phép chính trị có thể vẫn chưa được đối thủ hay những người chống đối tung ra hết để triệt hạ ông ta. Thời gian qua, người ta tung lên mạng nhiều thông tin về thân thế của ông: cha ông là tín đồ Hồi giáo, chữ lót của tên ông là Hussein (nghe như Saddam Hussein!) hay hình ảnh của ông trong bộ áo quần Somali (trông như một tín đồ Hồi giáo), vân vân. Ông đã bị rất nhiều email gửi đến quấy nhiễu về các thông tin đó.

Trong thời điểm hiện nay, ngoài những vấn đề lớn hơn như kinh tế, nạn khủng bố, vai trò tổng tư lệnh, bảo hiểm sức khỏe, ngoại giao đòi hỏi phải có một chính sách rõ ràng, hữu hiệu, Obama phải đương đầu với một số vấn đề được đặt ra trong dư luận:

- Đối với người da trắng: Obama có yêu nước (Mỹ) không và yêu nước đến đâu. Câu hỏi này đến từ sự kiện Obama không đeo quốc huy Hoa Kỳ trên ve áo và không chào quốc kỳ. Trong một hình đăng trên tờ Time (10/1/07) chụp ở Iowa ngày 9/17/07, cho thấy Obama đứng xấp hai tay lại trong lúc mấy người khác, trong đó có Hillary Cliton, đều để tay lên ngực khi nghe quốc ca Hoa Kỳ. Những sự kiện này gây ra một phản ứng phẫn nộ từ nhiều thành phân khác nhau. Một số website thẳng thừng tố cáo Obama là phản quốc, là không xứng đáng ra ứng cử tổng thống. Giải thích cho điều này, Obama nói trên đài truyền hình KCRG tại IOWA rằng ông quyết định không đeo quốc huy Mỹ trong thời gian đang có kế hoạch dẫn đến cuộc chiến tranh Iraq, vì cái đó chỉ là vật thay thế, chứ không phải là lòng ái quốc thật sự. “Tôi quyết định không đeo quốc huy trên ngực. Thay vào đó, tôi sẽ nói cho nhân dân Mỹ cái mà tôi tin sẽ làm cho xứ sở này vĩ đại và hy vọng rằng điều đó sẽ làm chứng cho lòng ái quốc của tôi”.

Đã thế, hôm 19/2/08, trong khi cùng chồng đi vận động ở Milwaukee, tiểu bang Wisconsin, vợ của Obama, Michelle, phát biểu (đến hai lần trong hai dịp khác nhau) “Đây là lần đầu tiên trong đời sống trưởng thành của tôi, tôi thực sự hãnh diện vì xứ sở tôi”. Phát biểu đó lập tức gây ra phản ứng bất thuận lợi trong dư luận. Tại sao lại là “lần đầu tiên”? Phải chăng trước đó, bà ta không yêu nước? Obama đã tỏ ra giận dữ về những nhận xét đã tách khỏi mạch văn của lời phát biểu và biến nó thành chính trị. Nhưng dù biện minh kiểu nào thì những hành vi và thái độ của Obama và Michelle không dễ dàng trôi đi và chắc chắn sẽ theo đuổi cuộc vận động tranh cử của Obama đến cuối cùng.

- Đối với cộng đồng da đen: Sự thành công của Obama không làm cho người da trắng lo ngại bằng người da đen, nhất là những lãnh tụ nhân quyền của thập niên 1960. Trong một cuộc phỏng vấn đầu năm 2007, Obama thừa nhận ông bước ra khỏi vết xe mà những chính trị gia da đen thường sử dụng để đối đầu với một nước Mỹ trắng. “Trong lịch sử của nền chính trị Mỹ gốc Phi luôn luôn có một sự căng thẳng giữa cách nói bằng những ngôn từ phổ quát và nói bằng thứ ngôn ngữ riêng biệt của chủng tộc mình về hoàn cảnh sống của cộng đồng da đen. Riêng tôi, do lý lịch của tôi, tôi thích nói thứ ngôn ngữ phổ quát”. Lai lịch và loại ngôn ngữ khác lạ của Obama đã khiến cho người da đen đâm ra hoài nghi. Obama đã “đen đủ” (black enough) chưa? Giá trị nào và ưu tiên nào ông sẽ đại diện khi vào ngồi ở Toà Bạch ốc?

Theo cuộc thăm dò mới đây của “Pew Researche Center” thì chỉ có một nửa số da đen cho rằng Obama chia sẻ các giá trị riêng của da đen. Nửa kia thì hoặc là cho ông chỉ có “một ít” hay “không nhìều” hoặc “không có gì” chung với các giá trị của người Mỹ đen.

- Đối với cộng đồng gốc Á và các cộng đồng khác: Obama còn quá xa lạ với họ.

Tổng quát, chỉ có 29% những người da màu cho rằng Obama phản ảnh các giá trị của cộng đồng da đen. Đối với hầu hết những người còn lại, ông ta được nhìn như là hình ảnh thu nhỏ của một nhúm những người da đen mới vươn lên, tự thấy mình chấp nhận mọi giá trị của những người da trắng và mong được xếp ngang hàng với họ.

Tuy vậy, với một quốc gia bây giờ có đến 1/3 là dân da màu thì Obama là kẻ tiên phong cho một kỷ nguyên lịch sử đa chủng mới. Obama kêu gọi cử tri hãy cùng ông ta vượt qua biên giới của chủng tộc, của phong trào dân quyền để tiến đến một nước Mỹ mới. Juan Williams, trong bài viết “Obama’s Color Line” (New York Times 30/11/07): “Nếu các cử tri da trắng và da đen đều phản ứng giống nhau đối với những giá trị của Obama, thì ông ta sẽ mang quốc gia đến thời kỳ chính trị hậu-chủng tộc” (postracial politics).

Những ngày cuối cùng trước ngày diễn ra các cuộc bầu cử sơ bộ tại Texas, Ohio… (4/3/08) - những nơi đuợc gọi là must-win đối với Clinton - nhiều tin xấu vẫn tiếp tục đến với Clinton, dù bà đã cố gắng hết sức trong nỗ lực chặn đứng đà thắng lợi của đối thủ. Obama vẫn cỡi sóng tiến lên. Tiền bạc từ các tập đoàn tư bản vẫn tiếp tục đổ vào quỹ tranh cử của Obama.

Tưởng tượng nhé: Clinton chào thua. Obama trở thành ứng cử viên của Dân chủ. Obama đánh bại McCain. Và trở thành tổng thống thứ 44 của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Tổng thống Barack Obama! Một điều khó tin nhưng… có thật. Hay nói theo kiểu Bill Clinton, người đã từng được dân da đen phong tặng là “Tổng thống của người da đen” ngày nào: một chuyện thần tiên (fairy tale)!

Và một nước Mỹ mới sẽ ra đời?

Tôi hoàn toàn không tin như thế. Đừng quên rằng, là da đen, nhưng Barack Obama vẫn là sản phẩm của một nước Mỹ da trắng. Tất nhiên là sẽ có thay đổi đấy. Nhưng có lẽ rồi sẽ vẫn là một nước Mỹ như chúng ta từng biết.

Cuộc chơi vẫn đang còn tiếp diễn với nhiều màn tranh cử sôi động và đầy kịch tính.

Dân chủ vui thiệt! Vui hơn độc tài nhiều.

Riêng tôi, tôi vẫn chưa quyết định sẽ bầu cho ai vào tháng 11 này. Dù rằng bài viết này y như thể là một phiếu bầu cho Obamapalooza!

Chờ/xem.


Bài viết trên là tổng hợp của nhiều nguồn thông tin khác nhau trên mạng. Sau đây là một số nguồn tham khảo chính:

Boston, 29/2/2008

© 2008 talawas