© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
5.3.2008
Ngô Thị Hạnh
Về việc làm thơ và thơ nữ trẻ đương đại
(Tham luận tại Hội thảo “Thơ Việt Nam đương đại”, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, TP Hồ Chí Minh, 19.02.2008)
 
Tôi làm thơ tôi tồn tại

Ai cũng nghĩ làm thơ là phải bay bổng, tưởng tượng và mơ mộng. Nhưng với tôi, thì dường như không phải vậy. Thơ tôi xuất phát từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống cũng như trong tâm hồn mình. Tôi tập quan sát, suy nghĩ về tất cả, và lấy bản thân mình ra làm đối tượng được bình phẩm hay cắt nghĩa đầu tiên. Để làm được điều này tôi phải tập hàng ngày, hàng giờ, thậm chí cả trong lúc ngủ.

Lúc mới đến cùng thơ, có thể tôi cũng là người hay mơ mộng, tả cảnh tả tình một không gian nào đấy. Nhưng khi sống với thơ lâu hơn, tôi đã phải học cách chắp nhặt từng chi tiết nhỏ, từng ý nghĩ thoáng qua trong đầu, nuôi dưỡng chúng và chọn lựa chúng để đưa vào thơ của mình. Cảm xúc và ý tưởng được nuôi dưỡng, đến một lúc nào đó từ nó sẽ bộc lộ, lúc ấy, ta không thể dùng ý chí để hỏi: có nên làm thơ nữa hay không.

Khi làm thơ, tôi thức tỉnh mọi giác quan từ thân đến ý của mình, và không biết giấu mình vào đâu được, đành bộc lộ nó bằng thơ. Lúc làm thơ, điều gì làm mình đau nhất, yêu nhất mình đều muốn diễn đạt ra bằng ngôn từ. Nếu mình có nhiều vốn từ phong phú, thơ mình cứ theo đó mà tuôn trào, ý tuôn ra thành tứ, tứ diễn đạt bằng hình ảnh, ngôn ngữ, thậm chí cả thanh âm… đều rộn ràng tuôn ra như suối, và khó lòng kiểm soát được từ nào dùng đúng, từ nào dùng sai. Có lẽ cũng vì vậy mà có người bảo rằng làm thơ như bị nhập, ai nhập mình? Chữ hay ý? Chẳng thể phân biệt được, mọi thứ đều trộn lẫn, và nhào lặn thành một thực thể: THƠ.

Mỗi ngày, tôi nuôi dưỡng cảm xúc cho mình, sống với con người thực của mình trong từng khoảnh khắc. Tôi cố tạo ra một khoảng cách với chính tôi, dù là nhỏ nhất, để theo dõi và miêu tả chính mình. Tôi nhìn thấy tôi đi đứng, nói năng, làm việc và đôi khi sa đọa… Tôi nghe tôi thở gấp hay thở êm, giận dữ, hiền lành hay kiêu căng. Để tạo được khoảng cách với chính mình như thế, tôi đã phải học từ chính tôi, khổ cực vô cùng. Tôi nhìn thấy mình ghen, nhìn thấy mình giận, thấy mình xấu xa, nhỏ mọn... Bởi thế, khi viết, tôi viết về tất cả những điều tôi đang sống trong tôi, cố gắng diễn dạt được trạng thái của chính mình và mọi người (bởi trong mình có mọi người và ngược lại). Tập thơ Rơi ngược cũng ra đời như thế, nhẹ nhàng mà đớn đau (bởi mình nghĩ về mình là sung sướng nhất mà cũng khổ đau nhất). Thế nên khi chắp bút, tôi viết khá dễ dàng, đôi khi như thở, nhưng để thở được nhịp nhàng, nhẹ và sâu làm thăng hoa sức khỏe thì cần phải học, học từ bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Học, đọc và hành để biết mình tồn tại.


Sự nổi loạn trong thơ nữ trẻ

Đầu tiên tôi muốn nói về sự nổi loạn tưởng tượng. Bởi thơ ca là sự sáng tạo, như bất cứ loại hình nghệ thuật nào khác, đó là sản phẩm của sự tưởng tượng. Tác nhân tưởng tượng là con người có cảm xúc mãnh liệt, nên đôi khi sự nổi loạn trong thơ mà độc giả nhìn thấy được là sự tưởng tượng của riêng họ. Những hình ảnh dữ dội, dào dạt, xô đẩy, sắc nhọn khôn cùng là sản phẩm của sự tưởng tượng phong phú và đáng quý.

Nhà thơ Ly Hoàng Ly viết:

Người phụ nữ tự trói mình
Người phụ nữ bảo mọi người này anh này chị ơi hãy trói tôi lại

Trong tư thế trói gô
Người phụ nữ tự mỉm cười thỏa mãn vì bị trói gô
Rồi cười sặc sụa chảy nước mắt
Rồi bỗng mếu rồi bỗng khóc
Rồi giật đùng đùng
Rồi gào lên ấm ức
Rồi rú lên tuyệt vọng
Gục xuống
Giẫy giẫy
Tắt ngấm

Những bức chân dung nhòe nhoẹt trên tường
Bỗng trắng toát

Trong tư thế trói gô
Người phụ nữ không tìm thấy xác mình
Chỉ thấy rêu xanh lét chân tường
Chỉ thấy đêm đầm đìa nước mắt…”


(trích “Performance photo”)

Vậy người phụ nữ làm thơ Ly Hoàng Ly muốn gì khi viết bài thơ này? Khi viết bài thơ này, trong cô thật sự muốn nổi loạn không mà những con chữ đung đưa gào thét, xô đẩy kiếm tìm rồi lại không kiếm tìm gì cả. Cô có muốn mình bị trói gô? Cuối cùng nước mắtđêm hay đêmnước mắt, nhà thơ là người phụ nữ trong thơ hay người phụ nữ trong thơ là nhà thơ? Điều này không thể tách bạch, chúng không có ranh giới.

Thơ là sản phẩm của sự tưởng tượng, và sự tưởng tượng đó gắn chặt với người tưởng tượng ra nó. Là phụ nữ làm thơ, những cơn giông, cơn khát, nỗi khắc khoải của họ gắn chắt với ngôn từ mà họ viết ra. Nhưng thật ra, người ta chỉ nổi loạn khi bị ức chế, vậy nhà thơ nữ nổi loạn khi họ phải chịu đựng nỗi u uất trong lòng. Sự tưởng tượng trong thơ cũng một phần là nỗi ám ảnh, nỗi bất lực hay ẩn ức trong đời sống thật của nhà thơ. Như nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương, do đời sống gia đình không được hạnh phúc, hai lần chồng chết, cuộc sống đẩy bà đến tận cùng của sự cô đơn. Bà bất lực, ẩn ức tình dục nên nổi loạn thét gào trong thơ. Bà tuyên ngôn:

“Chôn chặt văn chương ba thước đất
Tung hê hồ thỉ bốn phương trời!

Và từ tuyên ngôn ấy, bà viết những bài thơ mang đậm yếu tố tính dục. Bà chửi hầu hết những người trong thiên hạ từ quân tử đến nhà sư, từ học trò đến quan chức trong triều… Nhìn sự vật nào bà cũng có thể tưởng tượng, nói cạch, nói khóe đến vấn đề tính dục: “Vịnh cái quạt”, “Quả mít”, “Hang Thánh Hóa”… Sự nổi loạn trong thơ bà không chỉ là kết quả của sự tưởng tượng mà còn thể hiện ẩn ức của người phụ nữ làm thơ không đạt được hạnh phúc đời thường như những người phụ nữ khác.


Người ta nổi loạn khi còn trẻ

Có dạo, trong làng văn nghệ Sài Gòn xôn xao với sự xuất hiện của nhóm thơ nữ trẻ Ngựa Trời. Nhóm đã khiến nhiều người chú ý đến thơ nữ hơn khi cho ra đời tập Dự báo phi thời tiết. Tập thơ tập hợp tác phẩm của năm tác giả trong nhóm. Nếu hiểu theo nghĩa rộng của từ nổi loạn, tôi nghĩ đây cũng là hành động nổi loạn của những người làm thơ trẻ. Trong việc in ấn thơ, những tác phẩm in chung hàng hà sa số, nhưng để tạo được dư luận như Dự báo phi thời tiết thì quả là từ trước giờ chưa thấy.

Dù ai có chê trách, dè bỉu hay có ý kiến phản đối họ, thì họ cũng là những người dũng cảm, đã dấn thân vào con đường viết lách với tất cả lòng đam mê. Thơ họ mang hơi thở hiện đại, bề mặt và rát bỏng.

“Có hay ho gì tay cầm quyển sách dày mà lòng yêu kém chữ nghĩa
Dục vọng bao nhiêu lần tro bay bụi tan
Đam mê cho lắm rồi cuối cùng ngượng ngập
Chính mình đây cũng tán thưởng sự kiên nhẫn của mình

Chưa kịp úp mặt vào đôi vai hứa hẹn sẽ giữ lấy ta
Thì đã vội mất đà bởi một vô tâm sắp đặt
Này người, nếu được hóa thân làm kiếp vật
Cũng xin quay lại một lần làm loài nhện độc
Mà kiêu hãnh giăng tơ”


(trích “Phía trước cũng là đêm”)

Lập luận “nếu được…” của Thanh Xuân quả là dũng cảm, giăng tơ trong kiêu hãnh, làm việc với tất cả thân xác, tâm hồn mình và kiêu hãnh vì nó. Nhưng “xin quay lại một lần làm loài nhện độc” thì chỉ có là cách nói của người trẻ, đây dũng khí, đầy thách thức với thương đau.

Trong khi đó, Phương Lan lại tìm cho mình một lối diễn đạt mới, thể hiện cơn khát cuồng nộ của người đàn bà “Đen”:

“Đêm thộc vào
Chiếc lưỡi đầy cát
Cày xới những đường điên rồ
Bầu trời sáng sủa đã sập xuống
Lấp lánh ngàn mảnh ánh sáng không kịp tẩu thoát
Vụn âm còn lại của tiếng nói
Vụn ánh còn lại của bóng tối
Vụn máu còn lại của cuộc người
Ngày trổ cơn mưa sót
Dự định lang thang đổi chiều
Thèm rực một ngẫu cuồng cắn nghiến trống trải bấn loạn
Mồ hôi rộp khít khắp vòm tối
Đậu đen đen”

(trích “Đen”)

Trong năm tác giả nữ trẻ của nhóm Ngựa Trời, tôi chỉ xin trích đọc của hai tác giả trên, để thấy họ bạo liệt, dám sống và dám viết. Họ nổi loạn ngôn từ và ngôn từ xô rạt, rát bỏng, kiêu hãnh.

Những người phụ nữ trẻ làm thơ, họ sẵn sàng phơi mở cái tôi mạnh mẽ, xé toạc bức màn truyền thống đầy nghi kỵ và những định kiến xã hội. Trần Lê Sơn Ý đã thể hiện sức trẻ của mình như sau:

“Thức dậy đi hỡi chú ngựa non của cánh đồng ngực trẻ
Thức dậy và tung bờm cất vó
Phóng như điên
Chỉ cơn điên mới cứu khỏi nỗi sợ hãi

Thức dậy để uống sương mai
Đón mặt trời mỗi sớm
Thức dậy đi ơi chú ngựa
Đã ngủ sâu trong đáy tim nhiều năm tháng”

(trích “Bài ca ngựa non”)

Hay chính tôi khi bức bối đã viết:

“Em muốn delete tình yêu
Tuỳ anh có hiểu hay không hiểu vì sao em làm thế
Con rắn trong em trườn qua xác chết, trườn qua hết thảy mọi định kiến
Con rắn ngóc đầu nguyền rủa dòng máu đỏ
Em vẫn yêu thương đến nhu nhược vì anh.
Em muốn format kỷ niệm
Tuổi trẻ chẳng cần nương tựa vào đâu
Con ngựa sáu chân uốn cong mình trốn chạy
Vẫn là nỗi bất an phía trước – lưỡi dao ngước nhìn em, rình rập hiểm nguy…”

(trích "Em muốn”)

Người trẻ, khi họ muốn được là chính mình, giữ được chứng kiến của mình họ bắt buộc phải mạnh mẽ - phải sử dụng cơn điên của mình. Không còn cách nào khác, bởi họ chưa học được cách kiên nhẫn, bởi họ không thể chịu đựng được khi bị coi thường. Nên sự nổi loạn trong thơ thông thường chỉ có nơi người trẻ, người nữ trẻ thì khởi phát sự nổi loạn ấy bằng chính những giờ khắc yếu đuối của mình. Bởi “Chỉ cơn điên mới cứu khỏi nỗi sợ hãi”, bởi “lưỡi dao ngước nhìn em, rình rập hiểm nguy…”


Tôi yếu đuối - tôi làm thơ

Nghe có vẻ nghịch lý khi bảo người nữ trẻ nổi loạn trong thơ lại yếu đuối. Nhưng theo tôi đó là sự thật. Ai đó bảo làm thơ là dũng cảm, nhưng nguồn gốc của hành động cầm bút lên viết những vần thơ lại là yếu đuối. Khi tôi không thể làm gì khác, khi tôi chất ngất những cơn đau, chất ngất lời tâm sự thì không ai có thể chia sẻ với tôi ngoài thơ và nước mắt… Và tôi sống trong thơ, thơ sống trong tôi, tôi nổi loạn nhờ thơ và tôi mạnh mẽ. Nguồn gốc của sự mạnh mẽ lại chính là sự yếu đuối của mình.

“Hạt mưa dĩ nhiên là rơi xuống
em rơi ngược
cô đơn như rừng chỉ còn một chiếc lá…

Đầu ngón tay chai vì cầm bút
vẫn không trải hết lòng mình
như nỗi ám ảnh về tình yêu và cái chết
em thét gào, em lại bảo em hãy lặng câm”

(trích "Mưa II“)

Người phụ nữ làm thơ, nổi loạn mà không nổi loạn, chửi rủa mà như than khóc. Bởi với tôi, ham muốn vượt bậc của người phụ nữ muôn đời vẫn là hạnh phúc gia đình và tình yêu. Có tình yêu họ có tất cả. Thế nên, từ năm mười sáu tuổi, nữ nhà thơ Vi Thùy Linh đã viết:

“Chúng mình ở hai miền
Ngày nào em cũng khóc...
Anh yêu của em ơi
Em yêu anh điên cuồng
Yêu đến tan cả em
Ào tung kí ức
Ngày dài hơn mùa
Em mong mỏi
Em (có lúc) như một tội đồ nông nổi
... Em nghe thấy nhịp cánh êm ái ân
Một làn gió thổi sương thao thác
Đêm run theo tiếng nấc
Về đi anh!
Cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh
Đưa em vào giấc ngủ nồng nàn, quên đi những đêm chập chờn trĩu nặng
Ngày nối ngày bằng hi vọng
Em là người dệt tầm gai...
Em nhẫn nại chắt chiu từng niềm vui
Nhưng lại gặp rất nhiều nỗi khổ
Truân chuyên đè lên thanh thản
Ôi, sự trái ngược - những sợi tầm gai!
Không kỳ vọng những điều quá lớn lao
Em lặng lẽ dệt hạnh phúc từ nỗi buồn - những sợi tầm gai - không ai nhìn thấy
Gai tầm gai đâm em đau đớn
Em chờ anh mãi...
Tưởng chừng không vượt nổi cái lạnh, em đã khóc trên hai bàn tay trầy xước…”


(trích "Người dệt tầm gai")


Thế nên, sự nổi loạn trong thơ cũng như trong đời sống của người nữ làm thơ lại thể hiện những niềm khao khát, đáng yêu và đầy nữ tính của người làm thơ.

Là người trong cuộc, tôi chỉ có bấy nhiều lời về thơ và người làm thơ. Như được nói về chính mình qua bài viết này, chắc chắn có yếu kém, rất mong quý vị lượng thứ.

TP Hồ Chí Minh, tháng Giêng 2008

© 2008 talawas