© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
14.3.2008
Thanh Tâm Tuyền
Dọc đường
Tập truyện
 1   2   3 
 
Mục lục

  1. Người gác cổng [1]
  2. Trên mây
  3. Dọc đường
  4. Chim cú
  5. Mỗi người
  6. Sắc trời



Thiệt cất tiếng ca: "Đêm đông gió bấc lạnh lùng người viễn khách dừng chân nơi quán trọ nhìn cây trút lá trên hè vắng và lòng buồn mơ quay về nơi dĩ vãng. Ôi những ngày thơ mộng đã qua không bao giờ tìm thấy nữa..."

Thiệt ca nức nở như những tiếng nấc nghẹn ngào. Đầu Thiệt nghiêng nghiêng bên tay đàn, những ngón tay buông bắt hấp tấp trên hàng phím trũng. Hết một câu, Thiệt gõ nhịp xuống mặt cây "ghi-ta" đã tróc sơn. Gian nhà trần, nền đất đập ẩm mốc. Ngọn đèn dầu lung lay treo ở cột trên đầu Thiệt. Trên cái ghế bố, ngoài Thiệt còn ba người khác: con Lai, chị Sáu và Tư. Lai nằm co gối đầu lên đùi Thiệt, chị Sáu hút thuốc lá, Tư ngồi thu ở đầu ghế. Xóm khuya dần và trận mưa tới. Bài ca dứt thì Tư cũng đã khóc. Con Lai cười:

"Anh làm tiếp bản nữa nghe chơi".

Chị Sáu nói:

"Rầu thấy mẹ, lại mưa rồi".

Tiếng hát của Thiệt lẫn trong tiếng mưa hiu hắt, khuôn mặt Thiệt xa lắc. Tư ghét con Lai, nó lớn tuổi hơn Tư, ngộ hơn Tư, lão luyện hơn Tư. Con mắt nó xanh, tóc nó hoe vàng, nó có phần máu Tây trong người. Chị Sáu đã già úa không còn ngực, mặt nghiền nặng. Tư muốn không còn hai người ấy để được một mình ngồi gần nghe Thiệt ca, những bài vọng cổ ấy thấm tận vào lòng Tư không bao giờ có được. Tư cũng muốn bắt chước "viễn khách" quay về tìm dĩ vãng nhưng dĩ vãng của Tư ở đâu? Ai biết? Năm nay Tư mới mười bảy tuổi, Tư mồ côi cha mẹ năm được bảy tám tuổi gì đó. Ở với cha mẹ nuôi rồi trốn đi năm mười lăm tuổi để làm điếm. Dĩ vãng đâu phải là những hình ảnh mà người ta không muốn nhớ. Tư ở ruột cho vợ chồng chị Sáu – cả hai người này đều ghiền – đi khách về đưa tiền cho chị Sáu, chị nuôi cho Tư ăn mặc. Khi Tư bị bắt, vợ chồng chị lo lắng cho Tư, còn hơn là cô thân trong trường hợp hoạn nạn. Lâu lâu chị Sáu cũng biết điều mua cho Tư chỉ vàng lúc dư dật. Chị Sáu cũng thương Tư, thỉnh thoảng chị an ủi hứa hẹn với Tư sẽ lấy Tư cho thằng con trai độc nhất của chị khi nó lớn lên. Năm nay nó mới có mười ba tuổi, giữ việc canh gác cửa ngõ. Tư chẳng có một ý nghĩ nào.

Thiệt không ca nữa ngồi yên. Anh chẳng ngó Lai cũng chẳng ngó Tư. Bốn người không biết nói gì với nhau. Đầu xóm không có lấy một tiếng chân người. Lát sau chị Sáu nói:

"Tư này, con Phương chết rồi mày biết không?"

Tư lắc đầu. Con Lai lên giọng:

"Ho ra huyết mà không chết sao được?"

Chị Sáu chép miệng:

"Tội nghiệp, nó lấy được thằng chồng tốt mà trời không cho hưởng".

Chồng của Phương là một anh chàng khách trú làm thợ sửa xe hơi, đã ngủ với Tư một lần và có cho thêm Tư mười đồng bạc.

"Anh ca nữa đi anh Thiệt". Con Lai kéo tay Thiệt ngồi xuống vì Thiệt muốn đứng lên.

"Thôi mày ơi, ca cho mày nghe hoài tao ngán lắm".

Thiệt lấy tấm áo mưa trùm lên người. Chị Sáu hỏi:

"Đi đâu thế mày?"

"Đi kiếm chồng cho mấy con này".

Con Lai bảo:

"Nè em bảo anh lên xin ca trên đài phát thanh được đó nghe".

Thiệt mò mẫm tránh những vùng sình lội. Mưa giỏ giọt gianh. Trời có ánh sáng màu sương đục. Thiệt lách hàng rào của trại cưa vào trong. Cả cái xưởng lớn chỉ treo một ngọn điện nhỏ, máy móc nín thinh và gỗ xẻ nằm ngửa trên đất. Thiệt kiếm một cây gậy cầm tay chống rồi lại theo khe hở ra ngoài. Những khóm nhà lá nhấp nhô làm ngõ không thành lối. Ra đến lộ Thiệt đứng dựa núp sau một gốc cây. Tiệm cà phê ở đầu phố còn đông người. Thiệt đứng chờ đợi và chửa rủa trời đất.

Còn lại ba người đàn bà trong gian nhà, Lai nằm dài chiếm cả cái ghế bố, Tư vẫn ngồi dưới chân Lai. Chị Sáu ra đứng tựa cửa hút thuốc lá.

Chị Sáu hỏi Tư:

"Hồi chiều mày có mua thuốc uống không Tư?"

"Dạ, rồi".

"Đúng tên thuốc không mày?"

"Dạ đúng".

"Phải coi chừng bịnh, khổ nghe con".

"...Những dòng nước mắt cứ từ con tim đau khổ dâng lên nghẹn lời..."

Phải, Tư cảm thấy đúng như câu ca của Thiệt hồi nãy. Con Lai đang nghêu ngao một mình:

"Một mai thiếp có xa chàng,
Đôi bông thiếp trả đôi vàng thiếp xin".

Rồi nó kêu lớn:

"Rầu thúi ruột chị Sáu ơi!"

Chị Sáu gắt:

"Mày cũng biết rầu sao mày?"

"Trời ơi! Bộ tôi không là người sao chị".

Con Lai nhỏm nửa người nói xong lại ngã xuống. Nó trêu Tư, nhái một câu "chuồn chuồn" trong tuồng "Hoa rơi cửa Phật": "Em Tư ơi! Ôi chưa đầy hai năm mà một vẻ đẹp thùy mị kín đáo đáng yêu trước kia nay đã biến thành một nạn nhân khốn khổ. Em Tư ôi! Tội tình chi mà... em phải... ơ... ơ... đọa... đầy".

Con Lai khoái chí cười ngất. Tư òa khóc. Chị Sáu la:

"Tư, bộ mày điên sao Tư?"

Tư vẫn khóc, nước mắt ấm cả cổ họng. Con Lai cười, mắt nó nhắm hết lại:

"Đồ quỷ, có im đi không, khuya rồi".

Một lát chỉ còn tiếng thút thít của Tư, và Lai chuyển sang bản vọng cổ "Đêm đông gió bấc lạnh lùng" của Thiệt.

Từ xa một người đàn ông đi lại, dáng thiểu não. Đến ngang chỗ Thiệt núp, người ấy bật quẹt châm thuốc không trông thấy Thiệt. Thiệt rút thuốc đến gần nói:

"Thầy cho em xin chút lửa".

Người khách bật cây quẹt khác cho Thiệt. Trông vẻ mặt khách dữ, Thiệt hỏi:

"Có phải hồi hôm thầy dặn em đón thầy không?"

Khách không trả lời, Thiệt tiếp:

"Món này ngon lành lắm, em cam đoan thầy phải hứng. Lai mà".

Khách ngần ngừ một phút khẽ gật đầu và theo chân Thiệt, Thiệt bắt đầu ngán sự im lặng của khách, nói:

"Thầy coi chừng lội".

Thiệt bỗng nghe tiếng hỏi sau lưng:

"Phương còn ở đây không?"

Giọng nói người miền ngoài. Thiệt yên bụng đáp:

"Món này ngon hơn Phương mà thầy".

Khách hỏi sang chuyện khác:

"Xóm này chưa bị dỡ?"

"Đông thêm thầy ơi! Dễ gì mà đi".

Đất của xóm là đất của một hãng cưa máy nghiêng mãi xuống mé sông. Trại cưa bị xóm này vây bọc xâm lấn trông cũng tiều tụy. Chị Sáu ra cửa nghe ngóng. Thiệt và khách vào đến nơi đứng ở cửa. Con Lai ngồi dậy sửa lại đầu tóc. Tư cúi gầm đầu, mắt còn cay. Chị Sáu vồn vã:

"Mời thầy vô".

Khách vẫn đứng yên giữa cửa, người dong dỏng cao, khoác áo mưa xám nhà binh, đầu không chải, da mặt nhờn mồ hôi. Thiệt ra hiệu chỉ Lai cho khách. Khách không nói và nhìn chằm chằm vào Tư. Tư không cục cựa. Chị Sáu vội thúc:

"Kìa Tư".

Khi đứng lên thì người khách đã ra ngoài. Lai nhìn Tư căm tức. Lần thứ nhất Tư không ngờ đã thắng Lai. Tư thấy sung sướng. Chị Sáu đi trước dẫn lối, Tư đi gần khách phía sau. Tư hết khóc tỉnh táo, thỉnh thoảng liếc nhìn khách. Tư chẳng phân biệt được nét mặt. Càng vào sâu xóm càng tối càng yên tĩnh. Người khách phải cúi đầu qua những mái thấp. Căn nhà của chị Sáu gần mé sông. Thằng con chị Sáu đang ngủ trên bộ ván sát cửa vào. Nó choàng dậy khi nghe chị Sáu kêu:

"Dậy mày, ra ngoài trông cửa".

Gian ngoài hẹp thông sang nhà bếp chỗ chứa nước kê bộ tủ thờ và một bộ ván. Gian trong vuông vức kê một cái giường – của anh chị Sáu – kém một tấm "ri đô" bẩn thỉu. Khách ném áo mưa trên ván, Tư đi thẳng vào trong giường. Chị Sáu khóa trái cửa và cùng thằng con trai ra ngoài ngõ.

Tư thấy ngọn đèn được vặn sáng lên và hình như khách ngồi xuống bộ ván ở ngoài. Không hiểu sao Tư không dám lên tiếng kêu. Tư nằm xuống giường lăn vào quay mặt vô vách. Nước trên cao đập vào những chân cừ ở dưới, mùi bùn nồng nồng. Tư ngủ quên trong vài phút ngắn. Tư tỉnh dậy nhẹ nhàng, người đàn ông nằm bên cạnh. Hắn ngửa mắt nhìn mái nhà im lặng. Tư e dè sán lại gần giúi đầu vào vai hắn. Người đàn ông quay lại với Tư, hỏi:

"Em sợ anh phải không?"

Tư gật đầu:

"Việc gì mà sợ? Anh hiền không?"

Người đàn ông ôm lấy Tư hỏi tiếp:

"Em biết Phương không? Lần trước anh gặp Phương. Em hỏi Phương thì biết".

Rồi người đàn ông hỏi tên của Tư, Tư đáp. Tư tin giọng nói ngọt ngào của người ấy. Mưa rào xuống trên sông, gió thổi tắt ngọn đèn, nhà tối thui. Người đàn ông hôn rất lâu trên môi Tư. Tư thở nhiều trong mũi. Khi Tư đã quen với hơi của người đàn ông, hắn bỗng nằm im và vuốt tóc Tư, nói:

"Em giống như em gái của anh".

"Hay em là em gái của anh". Tư nói rỡn.

"Nếu em là em của anh thì anh đánh đòn".

Tự dưng Tư thấy buồn. Tư hỏi:

"Em gái của anh ở đâu?"

"Ở ngoài Bắc với me anh".

"Anh vô đây một mình?"

Người đàn ông gật đầu.

"Hồi nào?"

"Di cư".

Người đàn ông kể cho Tư nghe chuyện gia đình:

"Em gái của anh ngoan lắm, anh hay ăn cắp tiền của nó, nó khóc. Nhưng khi nào anh không có tiền hỏi vay nó lại cho, chẳng bao giờ anh trả cả".

"Đến bao giờ anh tính về ngoài ấy?"

"Anh tính về?" – người đàn ông cười gằn – "Anh tính sao được, phải đợi thống nhất chứ".

Tư không hiểu thống nhất là gì. Người đàn ông tiếp:

"Nhưng anh không sống đến ngày ấy".

"Anh chỉ nói bậy nào".

Tư hôn vội lên môi người đàn ông vì không muốn nghe người ấy nói nữa. Khi Tư buông môi dựa tai vào ngực, Tư nghe giọng nói ở trong ấy:

"Mai anh chết mất rồi".

"Anh nói em sợ lắm".

Người đàn ông ôm ghì lấy Tư và người Tư thu nhỏ lại.

"Em ngoan lắm. Em ngoan như Phương vậy".

Tư gỡ tay bạn, hỏi:

"Anh biết Phương nhiều không?"

"Một lần".

"Phương lấy chồng rồi".

"Tốt, rồi em cũng sẽ lấy chồng như Phương".

"Phương vừa mới chết. Ho ra huyết".

Người đàn ông nín thinh. Tư hỏi:

"Anh hôn Phương không?"

"Sao lại không?"

Tư thành thật bảo:

"Vậy mai anh phải về uống thuốc, ngừa bịnh đi".

Người đàn ông bỗng nhiên cười dài, cười lớn vang động cả đêm khuya tĩnh mịch.

"Cám ơn em, nhưng mai anh chết rồi còn đâu".

Tư rùng mình sợ hãi.

"Em biết anh đã hôn Phương, em còn dám hôn anh nữa không?"

Tư choàng riết lấy lưng người đàn ông và hôn say đắm. Rồi Tư quờ tay sờ lên mái tóc ướt sũng của chàng. Những ngón tay của Tư lần theo viền mắt chàng đọng lệ.

"Em thương anh".

Tư thấy yêu đương bồng bột.

"Thật sao? Tư".

"Dạ".

Đó là tiếng nói tự con tim của Tư. Giờ phút trôi qua và người yêu của Tư vẫn chưa trở về làm người khách. Chàng vẫn ôm ấp Tư như ôm đứa em gái. Mưa đã ngớt một cơn và bắt đầu một cơn mới. Tư hỏi:

"Hồi nãy sao anh không đi với cô kia? Cô ấy đẹp hơn em".

"Anh không cần đẹp, vả anh trông thấy em khóc".

Tư nhõng nhẽo áp má vào má người yêu.

"Anh muốn ở lại suốt đêm nay với em nhưng anh không có tiền để trả".

Tư tủi lắm đáp:

"Bốn trăm".

"Anh còn trăm bạc cuối cùng".

"Anh biết là em muốn anh ở lại với em, em thế nào cũng được. Nhưng em ở ruột cho chị Sáu, tiền chị ấy lấy em chẳng có quyền gì hết".

Tư kể lể tình cảnh với người yêu và Tư khóc.

"Giả tỷ em có tiền..."

Người đàn ông vỗ về an ủi Tư, lấy tay lau nước mắt cho Tư, sờ trán Tư, chàng bỗng kêu lên:

"Em đau?"

"Không sao đâu anh". Tư sợ chàng sẽ hết yêu, vội nói.

"Không phải, anh nghĩ là em phải uống thuốc cảm".

"Em không có tiền".

"Em biết là anh nghèo. Anh có bao nhiêu anh đưa hết cho em".

Chàng trở dậy đốt đèn mang vào giường. Chàng dở ví soi lên. Cái ví da đen già cũ rách bươm không có một tấm ảnh nào. Chàng mỉm cười hỏi Tư:

"Ví cũ quá hả? Của cha anh để lại cho anh, mấy chục năm đó". Chàng lục hết các ngăn dưới mắt Tư, chàng nói:

"Một trăm độc nhất này để trả chị Sáu, còn lại của em tất cả là bao nhiêu, em đoán xem nào?"

"Em không biết?"

"Sáu đồng, sáu đồng đủ mua thuốc cảm".

Tư cất sáu đồng bạc vào túi, chàng nằm xuống dặn:

"Mai sáng nhớ mua thuốc ngay nghe không?"

"Dạ".

Chàng bỗng ngồi dậy nói:

"A! anh còn để gia tài lại cho em. Em có thích không?"

Tư ngơ ngác:

"Một tấm vé số. Hy vọng là trúng".

Tấm vé số gập làm tư giấu một ngăn kín. Chàng bảo Tư:

"Tất cả hy vọng của anh đó. Anh cho em hy vọng của anh. Em sẽ trúng nghe không. Chỉ cần độ một trăm ngàn thôi. Em trả nợ độ mười ngàn, còn lại em ra mở tiệm làm ăn, lấy chồng, đẻ con và sung sướng".

Tư hỏi lại:

"Biết bao giờ em được sung sướng như vậy?"

"Được chứ, mai anh chết rồi. Cái hy vọng của người chết cộng với cái hy vọng của em to lớn biết bao nhiêu. Anh chết để cho em trúng số. Em phải trúng nghe không?"

Tư hỏi ngây thơ:

"Anh chết thật? Tại sao anh chết?"

Chàng cười:

"Anh chết chứ. Chết cho em trúng số mà. Nếu anh không chết làm sao em trúng được".

Tư không biết làm gì hơn là ôm người đàn ông vào gần mình. Tư nói:

"Em nhớ mặt anh. Trúng số em đi kiếm anh".

"Không thấy đâu, em ơi!"

Tư khóc nức bất ngờ:

"Anh chết thật sao anh?"

"Anh chết thì em có mất gì đâu, đừng khóc nào, Tư".

"Nhưng em muốn anh sống".

"Ừ thì anh sống nhưng anh không bao giờ gặp em nữa cũng thế".

Tư cứ muốn được nằm mãi, mặt úp vào cổ người yêu và mặt người yêu áp vào tóc Tư. Ngoài cửa có tiếng chị Sáu kêu:

"Xong chưa Tư, sao lâu dữ?"

Tư đáp:

"Chưa, một chút nữa".

Chàng bảo:

"Thôi người ta đuổi anh đi rồi. Em có đuổi anh không?"

Mắt Tư mờ đi sau màn lệ:

"Không, em không đuổi anh. Em muốn giữ anh ở lại mà không được".

Chàng mỉm cười:

"Em gái anh ngoan lắm. Đến gần ngày mở số em nhớ dò cho kỹ nghe. Em phải trúng số".

Tư níu tay người yêu:

"Anh nằm nói chuyện với em thêm một lát nữa".

Tiếng thằng con chị Sáu nói dóng bên ngoài:

"Này, nó đang ruồng ở ngoài nghen".

Có cả tiếng con Lai nói:

"Du dương lâu vậy".

Chị Sáu bảo Thiệt:

"Mày đờn ca lên một khúc để chúng khỏi nghi mày".

Thiệt dạo mấy cúng trầm nhất, lên giọng: "Ôi những ngày mơ mộng đã qua không bao giờ tìm thấy nữa, người viễn khách sau cuộc giang hồ phiên bạt đêm nay chỉ còn biết than khóc cho bao mộng đẹp tan vỡ...".

Người đàn ông bảo:

"Thôi cho xong đi".

Tư nhìn trân trân người đàn ông cởi quần áo, nằm im không nhúc nhích. Chàng âu yếu cúi xuống cởi nút áo cho Tư. Tư vui sướng thấy mình không còn là một gái điếm vì Tư không tự mình làm lõa thể mình. Nhưng khi người đàn ông ôm lấy Tư thì Tư cố gắng nói:

"Em có bịnh anh à".

Chàng mỉm cười tha thứ nhìn vào mắt Tư, trong mắt chàng có cả sự âu yếm đủ cho một đời người.

Chàng trở dậy chưa kịp nói thêm lời nào với Tư thì chị Sáu đã mở khóa lảng vảng ở gian ngoài. Chàng mặc quần áo đi ra, hình như chàng có nhìn Tư lần cuối nhưng Tư không trông rõ mắt chàng. Tư theo ra đứng nép bên cửa. Chàng đứng ngoài sân giữa chị Sáu và Thiệt, móc ví trả tiền cho chị Sáu. Tư bước vội ra vòng sau lưng chàng đi ra ngõ. Tư nghe chị Sáu nói:

"Lần sau thầy đến chơi, đây là nhà của tôi".

Tư ẩn vào ngách tối giữa hai căn nhà thấp. Tư nghe tiếng giày của chàng bước tới gần mình. Khi chàng đi ngang qua chỗ núp, chàng dừng lại châm thuốc lá, Tư khẽ gọi:

"Anh".

Que diêm chợp chờn. Tư thấy chàng mỉm cười. Tư vẫn không rời chỗ núp sợ chị Sáu bắt gặp. Tiếng chị Sáu kêu ở nhà:

"Tư ơi! Con quỷ đi đâu mất rồi".

Thiệt cũng kêu:

"Tư ơi!"

Chàng tiến lại gần ôm lấy Tư mà hôn, Tư dựa cả người vào vách nhà, muốn ngã quỵ vì yếu đuối. Chàng đặt vào tay Tư cái ví da đen:

"Anh để nốt cho em cái gia tài của cha anh, trong ấy không có gì hết, chỉ có thẻ kiểm tra của anh. Em giữ để cất tấm vé số cho chắc. Nhớ nghe không, em phải trúng số nghe".

Cái ví da đã mủn lép kẹp. Chàng bỏ đi không nhìn lại, dáng người cao cúi xuống. Tiếng chân của chàng đã khuất Tư linh cảm chàng chết thật. Chàng không nói rỡn. Tư cố gắng nhớ lại khuôn mặt chàng nhưng không được, hình ảnh mờ mờ tan thành khói, Tư cố gắng nhớ lại giọng nói của chàng như chỉ còn văng vẳng hơi gió trên sông. Tư nhét cái ví da vào bụng rùng mình lo lắng. Đến mai Tư sẽ không thể nhớ ra chàng được nữa. Tư khóc, không dám khóc thành tiếng.

Nhưng một điều chắc chắn là trong bây giờ Tư đã có kỷ niệm. Tư đã có dĩ vãng để mỗi lần muốn nhớ Tư có thể gợi ra được.

Chúc em may mắn, Tư ơi! Anh từ biệt.


Trên mây

Tia nắng đậu trên gáy bắt đầu đốt nóng. Nước bồ kết nâu váng bọt, mái tóc lật rũ quăn queo lờm xờm. Thành chậu nhôm trắng còn dấu những vết tiện xoay tròn như chỉ đĩa hát. Nửa miếng gạch tàu viền xi măng lồi giữa hai ống quần đen ướt, những ngón chân móng đỏ húp. Bồ kết nồng hắc làm rít những sợi tóc trong răng lược khó gỡ. Lan bóp món tóc xơ xác vuột xuôi nắm chùm quay tròn, mặt nghiêng nghếch: trên đầu bờ tường ghim mảnh chai xanh và những cửa sổ đóng của tòa lầu cao trong nắng. Tóc quật phạch phạch rào rào như cánh quạt máy bay đang khởi động.

Con Năm ở ngoài nhà, đi vào, bước xuống sân, đến ngồi sau lưng, lấy khăn ấp lên gáy.

"Xối nữa cho tao".

Nước lăn ròng ròng xuống mặt mũi, sau nhắm mắt như được nhấc bổng trong một vùng hơi nhẹ tênh của mùa hè nhà quê, buổi trưa cao im trên các ngọn tre rợp phủ mặt đường đất. Móng tay con Năm cào sát xuống da đầu tê điếng. Nước luồn qua cổ xuống ngực thấm ướt áo lẫn với mồ hôi như tắm, vú không nịt buông thõng đung đưa, Lan mím môi giữ chặt mối xúc động đang lan mất hút. Còn gì đâu? Lan quơ giật cái khăn trên tay con Năm, lau mặt, vò tóc, rồi đứng lên. Hai chân mỏi tê, khom lưng, cầm chùm tóc quay phần phật trong không khí. Những sợi vàng cứng vì uốn hấp nhiều lần như loài dây leo khô quấn trên các hàng rào nắng bụi. Ngày kia khi tóc bạc thật khó coi, có lẽ phải cạo đầu buộc khăn như mấy bài vãi.

"Ai vô hồi nãy đó?"

"Một ông hỏi cô Tuyết".

"Mày nói sao?"

"Nói cô Tuyết đi khỏi. Ông này coi bộ lạ mặt chưa tới đây lần nào".

"Cô Tuyết biết không?"

"Cô ấy nằm trong giường, có cậu gì ở đó mà".

Lan giẫm chân đất, leo lên thềm, ngồi bệt xuống gạch ngang ngưỡng cửa hong tóc. Dưới sân nắng, con Năm đổ nước, lấy chổi quét, tiếng chổi quẹt quẹt cùn mòn. Qua cửa phòng mở, Hội ngủ trên giường, ngáy đều đều, đầu tuột khỏi chiếc gối mềm trũng giấu cánh tay giăng ngang bỏ không, thân ngửa phơi trần chỉ mang chiếc xi-líp nhỏ xíu, hai chân duỗi xòe mở theo hình quạt. Chàng ngủ ngon lành như đứa con trai mới lớn, thân dưới dấy động cứng mạnh. Anh chàng đang mộng gặp đàn bà, Lan nghĩ. Buổi trưa êm tĩnh tuyệt vời trùm khắp hàng phố, trên các mái ngói lô xô, những mặt lầu khu phố sau lưng. Con Năm đi lên nhà, lén nhìn vào buồng giấu mặt cười, tới gần khoảng ngăn với buồng, chọn chỗ sạch trên lối đi, nằm lăn trên gạch nghỉ ngơi.

Buồng ngoài Tuyết gây gổ trở lại với thằng bồ. Chỉ tại thằng đàn ông hồi nãy tới khuấy lên cuộc cãi lộn tưởng đã im. Chúng lào xào, xoay trở, chốc chốc phát lớn tiếng.

"Về đi cho tao ngủ mày. Tao mệt rồi".

"Tao không về, mày làm gì".

"Không về thì nằm yên. Đừng động về người tao".

"Mày làm tàng với tao..."

Chúng vật lộn như sắp đánh nhau tới nơi. Thằng "lỏi" thật dữ tợn, "cao bồi" có hạng. Con Năm ngóc đầu nghe ngóng, liếc về phía Lan.

"Năm, xuống mua nước mía uống mày. Lấy cái ca bự..."

Con Năm uể oải ngồi lên, móng chân nó cũng bôi thuốc, ngực nó dướn căng.

"Nguyên chất nghe Năm".

Nó trở xuống bếp, lén dòm vào chỗ Hội nằm, đi chậm bên cạnh tấm màn hoa che kín giường của Tuyết. Cửa ngoài mở, nắng chóa trên chòm cây ngoài hè hắt vào đến ban công chung chạy dài suốt dãy lầu.

"Mày làm khổ đời tao. Sao mày không bỏ tao cho rồi?"

"Còn lâu. Tao đâm chết mày chớ khi nào bỏ mày".

Lan rùng mình thở nhẹ. Cái số con Tuyết khốn nạn, nó chỉ gặp toàn những đứa không ra gì. Một chốc Lan phân biệt rõ nhịp động của cuộc ái ân sôi nổi lịm tắt dần vào trong hơi thở ban trưa nghẹn giữ. Mỏi cổ nhưng không dám tựa vào tường, Lan nhặt cây tăm dưới đất cậy móng tay, móng chân. Hội động đậy mê ngủ, nước loang ướt mảnh vải che, da bụng thoi thóp. Lan cười, choài tay khép cửa buồng nghĩ: Anh chàng mệt choáng váng, khó mà tỉnh dậy.

Con Năm bưng ca nước mía đầy, mồ hôi trán lấm tấm, nói:

"Tắc xi ủi thằng cha đi xe gắn máy bể sọ, phòi óc. Trông khiếp quá".

"Ở đâu?"

"Dưới ngã tư, cô ra mà coi".

Lan buộc khăn lên tóc, đi chân đất ra ban công đứng ngó xuống. Tuốt đầu phố đám đông tụ họp dưới đường và trên hè. Bến xe buýt nắng trải vàng lấp lóa. Trong sân ga sau, gió cuốn bụi đất lên cao bên những toa than. Anh Tây già độc thân ở căn kế bên ủ rũ trong bộ đồ xám đen quanh năm, tay ôm cặp sách, bước từ trên xích lô xuống, đi mau ngang hè chui và trong vòm cổng cầu thang. Có lẽ hắn ở tiệm hút về, leo thang khá lâu, lê bước trong hành lang cắm cúi. Hắn mở khóa vào nhà, đóng cửa lại ngay, không hiểu hắn làm gì một mình trong gian nhà rộng không ai nhìn thấy phía trong.

Bây giờ Tuyết và thằng bồ lại thầm thì êm ái, trước khi bị vùi xuống giấc ngủ muộn. Lan sang nước mía vào ly để sẵn trên bàn đầu giường cho Hội, Hội vẫn ngủ say, rút người co quắp, hai bàn tay kẹp giữa hai đùi. Chàng có thể làm dơ tấm nệm trắng. Chàng cần ngủ, cần nghỉ ngơi, cần ăn uống, vui đùa. Chàng cũng còn trẻ nhưng không thật tốt. Như thế là đã quá đủ.

Vài phút sau, Hội tỉnh, kêu ọ ọ trong họng và hé mắt. Chàng trải duỗi tứ chi, không nhúc nhích, như nghe ngóng lấy thân thể mình, rồi ngóc nửa mình dòm xuống thân và bật ngã xuống nệm lại, thở hắt mạnh. Lan vào buồng, ngồi ghé xuống mép giường, mỉm cười chế nhạo. Hội vẫn lim dim, thở đều, da mặt của chàng càng nhờn, Lan khuỵu hai cánh tay, đóng gông lấy cổ Hội, áp má xuống ngực chàng:

"Kỳ cục hả. Tại em đấy".

Lan cất hai chân lên giường, nhưng vẫn ngồi co nghiêng, nhoài mặt lên úp vào bên cổ chàng, lướt môi trên trái yết hầu nhấp nhô, tóc của Lan còn ẩm bện lại từng lọn buông rủ.

"Tại em? Chứ không phải anh làm xấu".

Hội xoay nghiêng cằm, tránh hàm răng cắn của Lan, vò đầu nàng:

"Em mới gội đầu".

Lan kéo người lên, đồng thời vòng tay sau gáy Hội lôi theo.

"Dậy đi tắm anh".

Hội như không có xương sống nhào ngã vào Lan.

"Kìa. Coi chừng. Bẩn hết người em bây giờ".

Hội cười khinh khích, tiếng cười trửng rởn như nắng rực tươi bên ngoài, rõ ràng và chân thật, tiếng cười vẫn làm Lan tin cậy. Hội không khi nào dối trá. Cuộc phiêu lưu mạo hiểm của chàng chỉ có một chốn nghỉ là Lan, dù Hội có thể gặp nhiều người đàn bà khác. Chàng còn trẻ, không có gì đáng kể, đáng để ghen tức. Chàng cần được tha thứ vì đời sống bấp bênh vô định, không còn cha mẹ cũng chẳng ai thân thích. Chỉ còn Lan, đi đâu rồi cũng trở về đây để được săn sóc chiều chuộng, trừ khi chàng chết. Lan ném cho Hội cái "sà rông", chàng quấn mãi vẫn tụt, bao giờ Hội cũng vụng về trong các việc vụn vặt. Hội bước dềnh dàng hai chân vịt như anh ba Tầu bán thịt quay.

"Đói quá".

"Nước mía đấy. Anh uống đi".

Hội nốc một hơi cạn ly, bọt trắng dính quanh mép rồi nhe răng cười, hàm răng trắng bóng đều như những hạt na.

Mười một giờ. Hội chạy xồng xộc vào nhà, cởi liệng áo quần, ôm lấy Lan còn ngái ngủ, hôn túi bụi, ghì Lan muốn ngộp. Lan sẵn sàng đón Hội, nhưng Hội còn ngây ngất vì chuyến bay buổi sáng trên dãy Trường Sơn với những khoảng mưa lộng, dữ xô đập lúc lắc thân tàu, Hội nói và rồi ngủ tít. Lan đành ru Hội bằng mơn trớn, còn nàng nổi dập dềnh một mình với những hồi giục giã của thân thể buông không trong hơi nồng nực.

Hội trông ra buồng ngoài, ra dấu hỏi thăm Tuyết.

"Nó đang có bồ?"

Lan đẩy lưng Hội xuống sân, qua quãng nắng lấp lánh, du chàng vào phòng tắm. Hội đứng ngơ ngẩn như không có ý nghĩ trong đầu. Lan tìm mang chậu, khăn, xà phòng vào và móc cửa lại. Trong bóng mờ hắt vài khe nắng, Hội ngồi xổm thu hình như đứa trẻ hãi sợ. Lan giật tung tấm "sà rông", vắt lên dây, cầm chậu thau múc đầy nước trong bể dội ào trên đầu Hội. Chàng đưa tay vuốt mặt liên hồi, cười sằng sặc phun nước phì phì, ngồi bệt hẳn xuống nền xi măng, gỡ những dải buộc xì-líp xoay mình lại làm điệu bộ dọa dẫm và bất chợt ôm choàng lấy Lan. Lan vùng vẫy.

"Ướt hết. Ngồi yên nào".

Lan bỏ tấm áo cánh ướt, ở trần. Ngoài sân, tiếng chân và tiếng cười của con Năm.

"Suỵt, con Năm nó cười..."

Lan nhặt hòn đá nháp mài sát tay chân, lưng bụng của Hội. Hội nhột, co rúm người ngọ nguậy, cố nín cười, bật thành những tiếng khí khí trong cổ. Không nhịn được, Hội vầy nghịch ngực nàng, lấy ngón tay vân vê chỏm vú. Lan mím môi trấn tĩnh:

"Xát xà phòng, kỳ lấy đi, ông mãnh".

Hội vẩy văng bọt xà phòng vào người Lan bảo: "Để anh làm em thành nàng Bạch Tuyết". Lan đứng nép vào góc tường né tránh, còn Hội vuốt nắm lấy từng mảng bọt ném tới, rơi ở nửa chừng tan dưới mặt đất. Đợi cho Hội đã chán, Lan đến bên bể nước, múc dội ào ào từ đầu đến chân chàng, lau mình chàng bằng khăn bông khô, bắt mặc quần áo và đuổi ra ngoài. Lan nhất định không tắm trước mặt Hội. Còn một mình, Lan tự ngắm thân thể đìu hiu tẻ lạnh khó hiểu. Nước đang thoát chảy róc rách trong cống, tường ẩm tỏa hơi mát, Hội thổi sáo miệng đi lên nhà. Lan mỉm cười hài lòng: Hội vẫn yêu mình. Nếu Hội chết, mình trở thành góa phụ. Hội có thể mất tích và mình vẫn chờ đợi. Lan nhắc thầm như thỉnh thoảng trong những phút hân hoan nàng vẫn nói với Hội: "Cảm ơn Hội, cám ơn Hội". Lan hát thành tiếng lúc nào không hay, bài hát trong những đêm vắng Hội khi ngồi trong xe của những người khách quen đưa nàng về nhà, Lan cất tiếng ca bâng khuâng nhìn phố im ngủ, quên người bên cạnh.

Hội đứng chải tóc trước gương, cười rộng khi thấy bóng Lan. Cặp mắt đen ngời như trên cao độ chàng vẫn bay vào biền biệt. Chiếc áo sơ mi mỏng căng trên khung ngực. Từ người chàng tỏa ra ánh trẻ trung đằm thắm làm Lan mê và sợ. Lan ngồi trước bàn trang điểm, chải tóc, khuôn mặt trần mát mẻ, má và môi không tô phủ hiện lên màu xanh tái. Tóc dính ướt chải bẹp, như một cô bé mười bốn mười lăm. Lan cười hình ảnh ngây ngô trong gương. Hội bơm nước hoa vào ngực gáy, cổ, hai bên thái dương của Lan, nàng níu cổ Hội hôn tham lam vào miệng chàng. Hương thơm đường mía chưa tan trên lưỡi chàng. Mắt Hội nhìn thẳng, mở nguyên như một bầu trời bằng. Buông Hội, Lan cười khanh khách, Hội ngơ ngác. Lan nghĩ mau: chàng không đứng trên đất, chàng lơ lửng trên mây không bao giờ chàng đáp xuống nên chàng vẫn yêu mình, yêu như bị trói liệt vào giấc mê dài không tỉnh. Đích thực mình không còn chút giá trị nào – một vũ nữ đang dần vắng khách, một đào già – và may mắn bắt được hạnh phúc rơi rải như hoa giấy. Những chùm hoa giấy không hết, rớt mãi, bay tung trong không khí một buổi chợ phiên, chợ phiên không đóng cửa.

"Em mặc jupe nhé".

Con Năm đi ngang qua, liếc vô. Hội khép cửa buồng, không khí dịu nhẹ. Chàng đứng cạnh giường, giương mắt ngắm thân hình Lan phô bày như mới thấy lần đầu. Cả gia tài của mình, của kẻ xấu số, còn chừng đó, niềm vui duy nhất mang đến cho Hội. Chàng trườn ngang nệm, níu tay Lan kéo ngã.

"Coi chừng. Nhầu hết áo anh".

"Cần gì Lan. Đêm qua khi anh bay trông thấy những phố thắp đèn nổi dập dềnh dưới vực tối, mừng ghê..."

Chàng vẫn thốt những lời tình tự đột ngột, không sửa soạn, Lan hoang mang chẳng hiểu rõ ý định. Những lúc ấy Hội nói một mình, thổi những ý nghĩ lông bông nàng không bắt kịp.

"Phải có em ở cạnh anh yêu em liền. Giống như hôm nào từ xa lộ mình nhìn về phía Sài Gòn. Hôm ấy Sài Gòn bay ở trên cao hơn đầu một tí. Còn trên máy bay, đèn bay tan dưới thấp..."

Hội kêu: "Lan, Lan", cù cho nàng phải mở mắt cười ngặt nghẽo. Nàng đẩy nâng thân Hội lên, chàng bám cứng lấy hông như còn muốn kéo dài cuộc tình tự. Lan mặc chiếc váy bó màu rêu, đeo xâu chuỗi dài cuốn hai vòng, kêu con Năm đứng ngoài ban công vào coi nhà. Tuyết và thằng bồ vẫn ngủ mê mệt.

"Tội nghiệp".

"Em nói gì?"

"Em nói con Tuyết".

Lan khoác tay Hội xuống thang. Cầu thang chung rác rưởi bẩn thỉu. Dưới gầm là chỗ trú của một ông lão ăn mày. Ban ngày chỉ thấy mấy ống lon và một manh bố trải. Từ khi gặp Hội, bằng lòng cho Hội lên phòng riêng, vào lúc ba giờ sáng và chàng lì lợm ở lại cả ngày hôm sau, dường như Hội không hề chú ý đến Tuyết ở chung. Chàng lui tới, đi về nằm trên giường, đùa rỡn và ngủ. Ban đầu Lan cũng sợ Hội mê Tuyết, Tuyết trẻ đẹp hơn, ở tiệm nhảy, nó đứng đầu sổ những vũ nữ có hạng. Dần dần Lan nhận ra vẻ dửng dưng của Hội, chàng không để ý đến Tuyết. Nhiều đêm, hai ba giờ sáng ở tiệm nhảy về, Lan và Tuyết còn dong đèn trò chuyện, riễu cợt với nhau về những anh chàng si ngốc theo đuổi bị dối gạt, lúc về phòng, Lan gặp Hội nằm trong màn chờ, không bực dọc, chẳng khi nào chàng bước ra ngoài góp chuyện cả. Thái độ ấy khiến Tuyết ghét Hội cay đắng, Tuyết bảo: "Thằng bồ của mày nó khinh người". Một lần say rượu, năm giờ sáng Tuyết mới về được đến nhà, đập cửa phòng Lan: "Cho tao ngủ chung với. Tao nằm một bên thằng bồ mày cũng được chứ sao?" Hội mở đèn, bảo Lan dìu Tuyết về giường của nó, thay quần áo, lau mặt, dỗ nó ngủ. Tuyết khóc như cha chết, vật vã, lảm nhảm. Lan nói: "Ngủ đi mày, ngủ đi mày". "Tao không muốn ngủ một mình, mày cho tao vào ngủ với mày". Lan phải nằm lại với Tuyết, thủ thỉ: "Trong đời thế nào cũng có một người yêu mày thật nhưng mày chưa gặp được đấy thôi". "Không, không đứa nào yêu tao cả". Những người đàn ông đến với Tuyết đều bỏ đi và để lại cho nó rất nhiều tiền. "Tiền làm gì", Tuyết ném tiền vào bàn bạc không đếm xỉa. Con của nó đẻ ra gửi cho ai nuôi không nghe nhắc đến. Thằng bồ nhóc này con nhà giàu, còn đi học và cũng sẽ chẳng ở lâu với nó, Tuyết bất kể. Nhưng Lan nghĩ khác, nàng muốn cầm chân hộ Tuyết bất cứ người đàn ông nào đến với nó. Mỗi bận bồ nó tới, Tuyết vắng nhà, Lan lo lắng nói dối quanh, sai con Năm chăm sóc để giữ ở lại đợi Tuyết. Nhưng Tuyết về là hai đứa vặc nhau không tiếc lời. Bên hạnh phúc của Lan, Tuyết lêu bêu trong những đêm dài mệt mỏi chán chường. Lan đã nói vậy với Hội và chàng hỏi: "Em muốn anh lấy luôn Tuyết hả?" Không thể được, Lan cũng biết không thể được. Hạnh phúc không thể san sẻ, tình yêu chỉ có một. Ngoài hè, chiều đang đợi trên một bầu trời nắng mỏng.

"Ăn xong đi chơi. Tối ngay nghỉ đi".

Lan bấu vào bắp tay Hội như giữ lấy cho mình những giây phút sắp tới.

"Anh đói lắm. Phải kiếm tiệm gần nhất. Cơm tây, cơm ta hay cơm tàu nào?"

"Cơm tây đi anh".

"Ừ. Chốc nữa trời sẽ tím. Em nhớ nhớ, hễ trời tím là mình đi ăn cơm tây. Uống rượu vang vào cho em say một bữa".

"Tối đi đâu chơi anh?"

"Đi nhảy".

Một đám khách quen hay gọi ngồi trong một chiếc xe hơi chạy ngang ngoái cổ vẫy cười với Lan. Hội không trông thấy, chàng ngoảnh vào trong các mặt nhà, bước dài kéo Lan đi mau hơn. Đằng xa những hàng cây cao dài thẳng, buổi chiều ửng vàng phía bờ sông thoáng.



[1]Truyện ngắn “Người gác cổng” tạm thời chưa được đưa vào tập, vì cuốn sách mà chúng tôi sử dụng để thực hiện bản điện tử bị thiếu nhiều trang, rơi vào truyện ngắn này. Rất mong được sự giúp đỡ, bổ sung của bạn đọc. (talawas)
Nguồn: Dọc đường, tập truyện của Thanh Tâm Truyền, tranh bìa của Nguyá»…n Trung, nguyệt san Tân Văn ấn hành lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của CÆ¡ sở Văn, xong ngày 20 tháng 3 năm 1970. Ngoài ấn bản thường, có in riêng hai mÆ°Æ¡i cuốn trên giấy trắng mịn, dành riêng cho tác giả và cÆ¡ sở xuất bản Văn. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.