© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ý kiến ngắn
15.3.2008
Trần Văn Tích
thu 7282
 

Trách nhiệm của Hoàng Phủ Ngọc Tường


Năm 1882, khi Henri Rivière hạ thành Hà Nội lần thứ hai thì Tổng đốc Hoàng Diệu thắt cổ tự tận. Phụ tá cho Hoàng Diệu lúc bấy giờ là Tuần vũ Hoàng Hữu Xứng. Quan Tuần vũ tuyệt thực, nhưng sẽ ngưng nhịn ăn khi Khâm sai Ðại thần Trần Ðình Túc mang lệnh vua Tự Ðức ra bảo chấm dứt tuyệt thực. Tuần vũ Hoàng Hữu Xứng là cố nội của hai anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường - Hoàng Phủ Ngọc Phan và cố ngoại của tôi. Theo liên hệ họ hàng thì tôi ở vai anh.

Nhưng tôi chỉ gặp Hoàng Phủ Ngọc Tường có một hai lần ở Sài Gòn, còn Hoàng Phủ Ngọc Phan thì tôi chưa hề giáp mặt. Loạt bài viết và nhất là loạt ý kiến ngắn trên talawas liên quan đến vụ thảm sát do phía cộng sản chủ mưu vào dịp Tết Mậu Thân 1968 ở Huế hầu như thường xuyên nhắc đến Hoàng Phủ Ngọc Tường. Qua bài của tác giả Ngô Minh (talawas 04.03.08, "Bi kịch Hoàng Phủ Ngọc Tường"), tôi được biết thêm chi tiết mới là chính Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đọc lời hiệu triệu của “cách mạng“ vào dịp tấn công cố đô. Tôi liên tưởng đến tiếng hát bài “Nối vòng tay lớn" trên đài phát thanh Sài Gòn sáng hôm 30.04.75. Người nhạc sĩ quá cố chỉ đánh đàn và hát, nhưng tiếng đàn lời ca đã trở thành một tác nhân gây ác mộng cho rất nhiều người dân Sài Gòn, tôi tin chắc như thế. Phần cá nhân tôi, đến nay đêm ngủ vẫn thỉnh thoảng còn bị tiếng hát giọng ca đó trở về gây kinh hoàng khủng khiếp, lắm đêm vật vã tháo mồ hôi lạnh. Như vậy, lời hiệu triệu của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong vụ thảm sát Mậu Thân bắt buộc phải trở thành triệu chứng của chấn thương tâm thần Verfolgungswahn, Verfolgungsjagd (chứng kinh sợ bị theo dõi, bị tróc nã) của rất nhiều cư dân Huế sau Mậu Thân, ngay cả khi các đồng hương này đã thoát ách cộng sản. Hoàng Phủ Ngọc Tường không thể phủ nhận vai trò tác nhân gây bệnh cho hàng ngàn, hàng vạn đồng hương của mình. Tất nhiên đây chỉ là một khía cạnh rất nhỏ bé trong vấn đề trách nhiệm to lớn của người con Quảng Trị nhưng đã được thành phố Huế cưu mang. Trên talawas, một số các cây bút khác đã đặt vấn đề cụ thể, thích đáng rồi.

Tôi muốn nói thêm về trách nhiệm của Hoàng Phủ Ngọc Phan. Khi thoát ly lên chiến khu, Hoàng Phủ Ngọc Phan đang học y khoa năm thứ năm. Sau Mậu Thân, tôi ra Huế giảng dạy cho Trường Y khoa. Mỗi khi có dịp ngồi nói chuyện cùng sinh viên, tôi nhiều lần được sinh viên trình bày ý kiến là Hoàng Phủ Ngọc Phan phạm tội giết thầy. Các vị thầy học nạn nhân được đề cập đến ở đây là bác sĩ Nguyễn Văn Ðệ và ba vị giáo sư y khoa do Ðại học Freiburg ở Ðức gửi sang phụ trách giảng dạy ở Huế. Anh Ðệ ra trường trước tôi ba bốn khoá, bị bộ đội cộng sản bắt mang lên chiến khu cùng với ông Nguyễn Văn Ðãi (gia đình tôi quen gọi là ông Trợ Ðãi) người Quảng Trị, lúc bấy giờ là Ðại biểu Chính phủ tại Trung phần Việt Nam. Trong hồi ký Ánh sáng và bóng tối dưới bút hiệu Hoàng Liên, ông Ðãi đã kể lại những ngày tù tội sống chung cùng bác sĩ Nguyễn Văn Ðệ. Bác sĩ Ðệ đã vĩnh viễn từ giã Huế sau Mậu Thân. Ba vị giáo sư người Ðức bị “bộ đội giải phóng“ thanh toán. Ðiều này cũng đã trở thành sự thực lịch sử. Tội giết thày càng rõ rệt hơn vì như ông Lê Văn Hảo cho biết, Hoàng Phủ Ngọc Phan có mặt tại trận tiền những ngày đầu năm Mậu Thân 1968. Tất nhiên nói như thế không hề có nghĩa là chính bản thân Hoàng Phủ Ngọc Phan đã cầm AK 47 xử tử các nhân viên giảng huấn y khoa Huế đồng hương và ngoại quốc.

Một khía cạnh trách nhiệm khác của hai anh em Tường - Phan là sự tàn phá các công sở của cố đô, cụ thể là sự phá hoại Trường Ðại học Y khoa Huế. Sau Mậu Thân, trường y Huế tưởng chừng không hồi sức được. Sinh viên được gửi vào Sài Gòn, và phải đi thực tập ở các quân y viện Sài Gòn. Tất nhiên trong những điều kiện giảng huấn như thế, việc trang bị kiến thức chuyên môn cho người bác sĩ tương lai phải bị ảnh hưởng. Và cũng vì tình trạng bi đát của Y khoa Huế sau Mậu Thân (Ðại học Freiburg đình chỉ việc gửi giáo sư qua giúp Huế, giáo sư cơ hữu bị bắt mang lên chiến khu) nên cá nhân tôi mặc dầu đang hết sức bận rộn với những công việc công tư ở Sài Gòn cũng đành phải nhận lời ra Huế tiếp sức với các đồng nghiệp địa phương, tuy rằng gia đình cực lực phản đối. Tôi nghĩ tôi có bổn phận đối với Huế.

Nhiều người trên talawas đã phân tích những hạn chế của tác giả Ngô Minh khi cố gắng trình bày về trách nhiệm của Hoàng Phủ Ngọc Tường đối với cố đô Huế. Phần tôi chỉ thấy buồn khi được biết là Tường gia nhập Đảng Cộng sản vào thời điểm một số người khác trả lại thẻ đảng.

Hoàng Phủ Ngọc Tường - Hoàng Phủ Ngọc Phan đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho lý tưởng để rồi trong tư cách là nhà văn, hai anh em đã được lãnh tụ chính trị công khai tuyên bố cởi trói. Tôi không rõ trong lịch sử nhân loại, có kẻ cầm quyền nào dám sử dụng ngôn ngữ ngạo mạn và khinh bạc như vậy đối với giới cầm bút hay không.

Nhiều khi tôi đã liên tưởng đến Simone de Beauvoir trong các hồi ký của bà khi nghĩ đến Hoàng Phủ Ngọc Tường. Chấm dứt loạt hồi ký tự sự Mémoires d’une jeune fille rangée, La Force de l’âge La Force des choses, người bạn thân và bạn đời của Sartre viết ba chữ: J’ai été flouée (Tôi đã bị phỉnh).

Cố ngoại (của tôi) và cố nội (của Tường) có lẽ không thể ngờ được là mình có hai đứa chắt theo hai con đường đời đối nghịch. Trong khi Tường chống Mỹ cứu Huế thì tôi theo Mỹ giữ Huế. Trong khi Tường được Giải thưởng Nhà nước thì tôi nhận huy chương Army Commendation Medal của Washington. Tôi đã để mất Huế của tôi. Nhưng còn Hoàng Phủ Ngọc Tường - Hoàng Phủ Ngọc Phan? Tôi được gia đình cho biết Hoàng Phủ Ngọc Tường không được khoẻ sau khi bị tổn thương xuất huyết sọ não và hiện sống ở Ðà Nẵng; còn Hoàng Phủ Ngọc Phan thì đang sống ở Sài Gòn, có một nhà in nhỏ ở đâu miệt Thủ Ðức. Tôi biết tội của tôi đã để mất Huế. Nhưng tôi cũng biết là Hoàng Phủ Ngọc Tường chỉ có thể nói với Huế như nhân vật nữ chính trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: Xét mình công ít tội nhiều.

Westpreußenstr., 14.03.08