© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
9.9.2002
Cổ Ngư
Bài nghị luận đầu năm lẻ một
 
Ðề bài: Bạn viết văn, làm thơ cho ai?
Ðiểm: 12/20
Lời phê: Bài có ý, nhưng nhiều chỗ viết lan man, đôi khi lạc đề. Cố gắng hoàn tất bài viết trong thời gian ấn định.

Bài làm:
Hình như cuộc đời là một chuỗi những câu hỏi và câu trả lời vô tận. Những đứa bé con cứ luôn miệng hỏi tại sao, tại sao. Người lớn quay cuồng trong những câu hỏi đôi khi không có lời giải đáp thoả đáng, đại loại: tôi từ đâu đến, tôi đến giữa đời này để làm gì, tôi sẽ đi về đâu sau cái chết; hoặc, những câu hỏi đời thường hơn, kiểu: tối nay mình ăn món gì, tuần tới có kiếm ra việc làm không, hè này đi du lịch ở đâu... Câu hỏi đưa ra ở đề bài không quá khó để không thể trả lời, nhưng cũng không quá dễ để có thể chọn lưạ giữa có/không hoặc đánh chéo một trong bốn năm lời đáp sẵn a-b-c-d-e. Vậy, như một thách đố, cứ thử phân tích các mệnh đề, đặt phương trình, tìm ẩn số và giải mã xem sao.

Tôi hành nghề viết. Nhưng không viết văn, mà viết những chương trình điện toán. Các đồng nghiệp của tôi thường chia làm hai nhóm: bảo thủ và cách tân, tương ứng với việc làm: hoàn thiện các công trình có sẵn hoặc thực hiện các đề án mới. Nhóm bảo thủ lại chia hai: bảo trì với vài thay đổi nhỏ trên những chương trình sẵn có, hoặc, cập nhật hoá các công trình cũ bằng những phương pháp, kỹ thuật và ngôn ngữ mới. Cũng vậy, nhóm cách tân cũng có hai khuynh hướng: thực hiện những dự án mới bằng lề lối quen thuộc hay "chơi bạo", liều mạng với những kỹ thuật vừa ra lò, còn nóng hổi, đưa dự án sắp thực hiện lên bàn mổ, làm vật thí nghiệm cho mọi nơi cùng học hỏi. Hai nhân hai, rồi lại nhân hai, cứ thế mà luỹ thừa các " trường phái " đến vô tận, nhưng tưụ trung, có thể nói theo các ngài đệ tử cuả thần Lưu Linh, có bốn loại: bình cũ-rượu cũ, bình cũ-rượu mới, bình mới-rượu cũ và bình mới-rượu mới. Tôi vốn thuộc loại cực đoan, chỉ thích những gì mới, nhưng không phải bao giờ cũng toại nguyện: vô phúc bị ném vào làm chuyện tân trang những chương trình viết cách đây gần hai mươi năm trên những hệ thống điện toán cũ kỹ và người sử dụng cũng già nua, cũ kỹ không kém, đòi mới với ai? Hay bắt thực hiện một dự án ngắn ngày bằng những phương tiện quá hiện đại, với những ngôn ngữ lạ hoắc, vưà xuất hiện cách đây vài tháng, làm sao dám kham? Do đó, mới hay cũ, có lẽ cũng phải dưạ vào thiên thời-điạ lợi-nhân hoà mà hành động!

Nhưng hình như, mới và cũ, cũng có tính tương đối. Những đồng nghiệp bảo-thủ-tận-chân-tóc của tôi vẫn vỗ ngực huênh hoang nhận mình là người của thời đại mới, vì đang hành nghề điện toán, một nghề mới toanh so với các ngành, nghề khác như nông dân, giáo sư hay thương gia. Còn ông bác sĩ đầu thế kỷ hai mươi mốt đang dùng tia laser làm dao mổ trong các cuộc phẫu thuật kia, chắc đôi khi vẫn lạy bàn thờ tổ Hoa Ðà, Biển Thước? Ở những nơi tôi làm việc, mỗi khi một công trình mới ra đời, không những người tác tạo phải nắm vững mọi vấn đề, mà ngay cả "người tiêu thụ" cũng phải qua một khoá huấn luyện để thành thạo cách sử dụng. Còn những người tiêu thụ khác của các ngành nghệ thuật như âm nhạc, hội hoạ, văn chương... họ có được chuẩn bị tinh thần, trang bị kiến thức để đón nhận những trào lưu mới không? Thử đặt một câu hỏi giản dị hơn, khoanh vùng hơn: "Bạn đọc, bạn đọc gì?" và nhìn quanh thăm dò ý kiến xem sao.

Tại Paris, ngoài các thư viện, trường đại học và hiệu sách, có thể nói métro là nơi thiên hạ đọc nhiều nhất. Nhưng, họ đọc gì? Loại trừ những người đọc thư từ, giấy tờ cá nhân, tài liệu, quảng cáo, chương trình truyền hình, báo hàng ngày hoặc tạp chí đủ loại ra, số người đọc sách còn lại thật ít ỏi. Những tựa sách thấy được, đa số thuộc loại kinh dị, khoa học giả tưởng, dã sử, trinh thám, tình cảm ướt át hoặc có cốt truyện quay thành phim đang được trình chiếu. Thỉnh thoảng loáng thoáng Hugo, Balzac, nhìn lên mặt người đọc, không học sinh thì cũng sinh viên. Thơ không thấy. Tạp chí văn học, không thấy. Những tên tuổi cuả Nobel văn chương hoặc các giải thưởng văn học lớn cuả Pháp như Goncourt, Fémina, Médicis: cũng không thấy! Có nên trách cứ người đọc của métro parisien không? Xin hãy thông cảm cho họ một chút: bị nhồi, ép, chen, lấn, xô, lắc, đẩy, đè, làm sao người đọc có thể bình tâm để hiểu được những ý tưởng vi tế muốn chẻ sợi tóc ra làm tư hay lang thang cùng các dòng ý thức miên man trôi không chấm phẩy từ trang này qua trang khác? Còn đang ngầy ngật chưa tỉnh ngủ giữa một buổi sáng muà đông hay phờ rạc cả người sau một ngày căng óc căng cơ với công việc nơi sở làm, làm sao người đọc của métro parisien đồng cảm nổi với những hàng chữ đầy chất thiền cuả các học giả phương Ðông hay rung động cùng những trang sách hoang sơ huyễn mộng của các nhà văn Phi châu đen và Nam Mỹ? Những quyển sách thuộc loại "cao cấp", chẳng hạn "Linh sơn" của Cao Hành Kiện, "Trong vòng tay ấy" của Camille Laurens hay "Ingrid Cavel" của Jean-Jacques Schuhl (*), đang được bày ở các nơi trang trọng nhất tại các nhà sách lớn của thủ đô, nhưng có lẽ chỉ dành cho những ai ăn nằm cùng sách, hoặc sống và làm việc thường ngày với chúng. Một anh kỹ sư trẻ, mê tranh Zao Wou-Ki, thích phim Fellini, yêu blue jazz, cũng có thể mua những quyển sách "cao cấp" kia vậy, có ai cấm đoán đâu? Nhưng, mua thì mua, mà đọc ở đâu kià, đọc lúc nào kìa, trong một kỳ nghỉ hè bên bờ biển rì rào sóng hay trong một kỳ nghỉ đông cạnh lò sưởi tí tách lửa hồng, chứ chắc chắn không phải giữa cái đống người lộn xộn chen chúc, lúc lắc ngả nghiêng cuả các toa tàu métro!

Ðọc đến đây, chắc sẽ có người chép miệng nói, người Tây họ coi sách Tây, kệ họ, mình Việt Nam, lo mà xem sách Việt. Vậy thì, người Việt ở Paris, họ đọc gì? Ðến thăm tủ sách của Thư viện Diên Hồng và nhìn vào các phiếu mượn sách của bạn đọc được lưu trữ từ mười sáu năm nay, chúng ta tạm có thể có một cái nhìn tổng quan cho câu hỏi này. Gần năm mươi phần trăm sách được mượn là các bộ chưởng. Truyện Quỳnh Dao và các sách dịch khác chiếm hai mươi phần trăm. Ba mươi phần trăm còn lại tạm được chia như sau: mười lăm phần trăm dành cho sách của Tự Lực Văn Ðoàn và sách in tại miền Nam trước 1975, nguyên bản hoặc tái bản; mười phần trăm dành cho các sách in tại hải ngoại sau 1975, kể cả sách cuả những tác giả trong nước nhưng in ngoài nước; năm phần trăm cuối cùng gồm nhạc tập, sách khảo cưú-khoa học, sử-điạ, chính trị-nhân văn, tôn giáo, sách học làm người, truyện thiếu nhi... Một số độc giả được hỏi, cho biết họ vẫn đọc các tác giả và tác phẩm mới, nhưng, hoặc mua trực tiếp từ các nhà sách, hoặc đọc qua các tạp chí văn học hiện cũng đang có mặt ở Thư viện Diên Hồng như Văn Học, Văn, Thơ, Hợp Lưu, Văn Tuyển, Việt, Chủ Ðề... nên không mượn tại tủ sách. Một số khác, đông hơn, trả lời rất giản dị: họ ngại đối mặt với những tên tuổi mới và cách viết mới, vì, nếu "đọc không trôi", mất công lại phải lặn lội đến thư viện đổi sách khác, mà cuối tuần thì còn bao nhiêu chuyện dồn lại cần giải quyết, và những chuyện này thường cấp bách hơn chuyện mượn sách đọc trong tuần trên... những chuyến métro nhiều! Từ mười sáu năm nay, các độc giả lớn tuổi của Thư viện Diên Hồng ít có biến động. Nhưng lứa độc giả trẻ ngày trước, nay ở khoảng tuổi 35-40, gần như ngưng hẳn việc mượn sách, hoặc vì bận rộn công danh sự nghiệp, gia đình con cái, hoặc đã hội nhập sâu vào xã hội đang sống và có nhiều thú vui khác lôi cuốn hơn chuyện đọc sách. Lứa độc giả trẻ hiện thời, tuổi từ 20 đến 30, có thể đếm được trên đầu ngón tay. Ðột nhiên, từ hai năm nay, số lượng độc giả trẻ của Thư viện Diên Hồng tăng vọt, nhờ các du học sinh Việt Nam tạm trú tại Paris rủ nhau đến làm thẻ bạn đọc, và dĩ nhiên, lôi về nào Kim Dung, nào Quỳnh Dao, nào Tự Lực Văn Ðoàn... - nghĩa là khá giống so với cách đọc của các độc giả khác.

Xem ra thì người đọc, tây ta nói chung, có vẻ ngại với những gì phức tạp, khó hiểu, khác đời, lập dị. Người Pháp, dù thế nào, cũng còn ít nhiều máu thực dân, vẫn chịu khó tìm hiểu tác giả mới, cách viết lạ. Người Việt, ngay cả khi sống ở hải ngoại, suy nghĩ vẫn còn bị luỹ tre làng vây kín, tư tưởng vẫn còn bị cánh cổng làng ngăn chặn, yên phận thủ thường hơn, ai sao mình vậy, quen hơi bén tiếng dù gì cũng vẫn dễ chịu hơn lạ nước lạ cái, ngại sóng gió, ngại biến động, ngại đổi thay, ngại phát minh, sáng tạo. Giông giống, quen quen, thuận tai, hợp mắt, ô-kê, xà va, đắc-co, khỏi cần suy nghĩ nhiều chi cho mệt!

Người đọc đã như thế, thì người viết, nhất là người-viết-gốc-Việt, viết cho ai? Viết cho người đọc chứ viết cho ai bây giờ! Ngoại trừ Linda Lê, Kim Lefèvre và mới đây, Vân Mai, viết thẳng bằng Pháp ngữ, độc giả đọc tiếng Pháp có thể làm quen với văn chương của Nguyễn Du, Tô Hoài, Nam Cao, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Nhã Ca, Duyên Anh, Nguyễn Huy Thiệp, Bùi Minh Quốc, Phan Thị Vàng Anh... qua các bản dịch của Nguyễn Trần Huân, Kim Lefèvre, Phan Huy Ðường, Georges Boudarel, Pierre Tran Van Nghiem... Từng ấy tác giả, hơn ba mươi tưạ đề, bao nhiêu sách in ra, bao nhiêu sách được tiêu thụ, người đọc gồm những ai, thuộc quốc tịch gì, không thấy có thống kê nào nhắc đến. Người viết bằng tiếng Việt về đủ mọi thể loại từ vài mươi năm nay ở Pháp có một số lượng đáng kể, nhưng người viết dưới bốn mươi tuổi, đã có sách được in, hình như chỉ có... ba: Trần Vũ, Y Chi (đã định cư tại Úc sau khi ra mắt tuyển tập truyện ngắn "Chân trần") và Nguyễn Ðại Bằng (sách nghiên cưú: "Ði tìm Kinh Dịch nguyên thuỷ"). Ba người viết khác có truyện ngắn thường được đăng trên các tạp chí văn học, vưà giới thiệu tác phẩm đầu tay cuả mình tại Paris, đều thuộc phái nữ: Miêng, Mai Ninh và Ðặng Mai Lan. Người đọc họ, ngoài những vòng sóng gần: gia đình, bạn hữu, chắc chắn âm ba cũng đã lan đến những cộng đồng người Việt ở xa hơn xứ Pháp, nơi họ sống và sáng tác. Có lẽ họ không dám mơ ước: "ra ngõ gặp bạn đọc" như nhà văn Việt trong nước, nhưng những gì họ viết và gửi gấm trong tác phẩm, không vì thế mà kém sâu sắc hay kém chắt lọc hơn.

Thế còn tôi? Tôi viết văn, làm thơ cho ai? Hình như ngay từ đầu, tình yêu và niềm say mê của tôi dành cho chuyện viết văn, làm thơ, đặt nhạc, vẽ tranh, chụp ảnh, đóng kịch... đều ngang bằng nhau, cái gì cũng thích, nên cái gì cũng làng nhàng, chẳng đâu vào đâu! Tất cả những gì tôi làm, đều có một đối tượng đầu tiên: cái TÔI đáng yêu, cái TÔI đáng ghét! Tôi có hứng, tôi thích chí, tôi làm. Làm xong, ưng ý, tôi giữ lại, không hài lòng, tôi vứt bỏ. Không ai ép, không ai buộc, không ai de doạ, không ai bán mua, đổi chác. Cái vòng tròn đầu tiên, mắt bão, lỗ rốn, người thưởng thức đầu tiên, chính là người tạo tác. Người ta viết nhật ký để ai đọc, nếu không phải để mình tự nhận ra chính mình? Sáng tác, đối với tôi, cũng là một cách để nhận ra chính mình. Ðôi khi ngẫm lại một đoạn văn, một bài thơ, một bức phác hoạ đã lâu không động đến, tôi chợt nhớ lại những cảm nhận đã thấm, những suy nghĩ đã từng, những rung động đã có về bản thân, về người đối diện, về đám đông lao xao chung quanh, về cuộc sống ở một nơi chốn nhất định trong một thời điểm nhất định. Bằng sáng tác, tôi tự soi gương và biết mình hiện hữu, biết mình từng có và mất những gì, mơ ước và chối bỏ những gì. Bằng sáng tác, tôi muốn bày tỏ, muốn san sẻ "một phần cuả tôi" đến người chung quanh, đồng thời, hấp thụ trở lại, tập sống, suy nghĩ, hành động như một hoặc nhiều người khác. Vì vậy, khi đối tượng đầu tiên, bản thân người sáng tác, có thực sự yêu mến và rung động với tác phẩm, thì may ra, tấm chân tình đó mới lan toả được tới những người chung quanh, tác phẩm mới tìm được mối tương giao với người thưởng ngoạn. Thế nhưng, chỉ có rung cảm nghệ thuật và tấm chân tình không thôi, hình như chưa đủ, hình như chỉ là sự tự phát, với khuôn dáng trong gương nhìn mãi cũng nhàm, dù ai ai cũng mang trong người ít nhiều bóng hình cuả Narcisse. Người sáng tác, khó nhất là biết tự vượt qua chính mình. Và chỉ có cách duy nhất để có thể thực hiện được điều này là phải học hỏi không ngừng những kỹ thuật, phát kiến mới và không ngại đem áp dụng, thử nghiệm vào tác phẩm cuả mình. Nếu những kỹ thuật, phát kiến mới ấy lại do chính bản thân sáng tạo thì còn gì tuyệt vời hơn nưã! Ngạn ngữ Trung Hoa cách đây ngàn năm đã có câu: "Sự học như con thuyền ngược nước, không tiến, ắt lùi", nay, nếu còn không học hỏi, sự thể sẽ trôi dạt về đâu? Mấy năm trở lại đây, các bài viết của vài nhà phê bình văn học đăng trên một số tạp chí văn học đã thực sự khuấy động sự yên tĩnh cuả những người viết Việt già nua. "Già nua" ở đây không có quan hệ với số tuổi đời, mà ở cách suy nghĩ và lối sáng tác. Làng văn Việt, hay Cộng hoà văn chương Việt bắt đầu có những xáo trộn, một dấu hiệu đáng mừng, vì bất cứ ở đâu trong thời đại này, một xã hội khép kín, tĩnh đọng là một xã hội có vẻ yên bình, nhưng chắc chắn không lành mạnh. Người ta có thể đi ở ẩn trên Hy-mã-lạp-sơn, hay sống đơn sơ giưã rừng rậm Amazone trong nhiều trăm năm, nhưng một khi đã quên liên lạc bằng tín hiệu khói, tín hiệu âm thanh hay bằng cách bắn mũi tên đồng vào búi tó sau gáy để truyền tin, một khi đã biết dán con tem gửi lá thư cho gia đình, đã biết nhấc điện thoại thăm hỏi bạn bè, thì không thể cứ khư khư nhất định ra bưu điện đánh điện tín trong khi mọi người chung quanh ào ào sử dụng điện thư. Dĩ nhiên, sẽ có ai đó kêu lên: "Ðâu phải cái mới nào cũng hay, và chẳng lẽ, cứ phải suốt đời nhắm mắt nhắm mũi chạy theo cái mới, hay sao?". Xin hãy chấp nhận cái mới trước đã, xin hãy thử nghiệm trước đã, rồi sự sàng lọc cuả thời gian và đám đông (chưa chắc đã là sự lưạ chọn hợp lý) sẽ quyết định sau. Còn trong mười ngàn cái mới, chỉ chọn một vài, sao cho phù hợp với cá tính, sở thích và khả năng cuả mình, đã không phải là chuyện dễ dàng, đã được xem là có đầu óc cấp tiến, thì đừng vì dị ứng mà chùn chân, không thử bước thêm một bước về phía trước. Nhưng, nói đi cũng phải có nói lại, bước về phiá trước, không có nghiã là chối từ, xoá bỏ những gì đã để lại sau lưng. Có ai ngợi khen "thành tích" đốt phá nhà thờ, giết hại tu sĩ cuả Cách mạng 1789 Pháp hay sự huỷ hoại di tích lịch sử, đền chùa miếu mạo của Cách mạng Văn hoá Trung Hoa đâu? Một hoạ tiết trống đồng rực rỡ trên mẫu áo dài collection 2000 hay một bài thơ Haiku mang đậm tâm tình cuả thế kỷ hai mươi mốt, tại sao không?

Tóm lại, như đã trình bày ở phần đầu, tôi vốn chuộng cái mới, trong đời thường cũng như trong công việc sáng tác. Văn tôi viết, thơ tôi làm, vì thế, chưa và có lẽ sẽ không bao giờ được định hình trong một khuôn mẫu nhất định. Cho đến bây giờ, khi viết những dòng chữ này, tôi chưa thực sự biết những người đã đọc văn, xem thơ tôi từ mấy năm nay đã có những suy nghĩ gì, họ yêu, ghét, đồng tình hay phản đối... Hồi âm chỉ mới đến từ những vòng sóng gần, gia đình, bạn bè, bạn văn. Khen, chê và khuyến khích. Khoảng cách vẫn còn xa lắm giữa mắt bão trung tâm và những vòng sóng ngoại biên. Bạn đọc, mà chân dung "mờ mờ nhân ảnh"...

Choisy-le-Roi 02.2001

---------
Chú thích:
- La montagne de l'âme - Cao Hành Kiện - Giải Nobel Văn Chương 2000
- Dans ces bras-là - Camille Laurens - Giải Fémina 2000
- Ingrid Cavel - Jean-Jacques Schuhl - Giải Goncourt 2000

© Talawas 2002