© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
17.3.2008
Thanh Tâm Tuyền
Dọc đường
Tập truyện
 1   2   3 
 
Mỗi người

Ông Ba dậy sớm, lúc Ngọc Anh còn ngủ. Sau một đêm trằn trọc với những hồi tưởng miên man, ông chỉ chợp mắt chút xíu hồi gần sáng khi con ngựa của thằng Bảy ở phía sau nhà thuộc xóm Lách đã thức giẫm chân lộp cộp trong buồng và mộng thấy Lệ Thu; đã hèn lâu ông không gặp nàng, nàng không thay đổi, vẫn bận bộ quần áo ngày nàng nhắm mắt lìa trần, dáng điệu lịch sự như ngày ông gặp nàng tại Nam Vang, nàng kêu ông: "Anh Ba, anh Ba, anh còn nhớ tới em không?" Và ông khóc nói: "Em ôi, chị Hai chết rồi"; Lệ Thu gật đầu: "Em mới gặp chị Hai, chị sắp tới đó"; rồi biến mất, ông giật mình mở mắt mồ hôi tháo dầm dề; ông Ba nghe mình già mau thêm nhiều tuổi nữa. Ông tự hỏi bao giờ Lệ Thu trở lại thăm ông nữa, ngày nàng mới chết hầu như đêm nào ông cũng được gặp nàng nhưng bây giờ một hai năm mới thấy lại mặt một lần, nhiều đêm liền ông tơ tưởng hoài đến nàng hy vọng khi ngủ thiếp nàng xuất hiện nhưng vô ích; bây giờ nàng về vào những lúc ông không ngờ, không chờ đợi để lại cho ông những buổi sáng ngơ ngẩn trống trải.

Ngọc Anh nằm xoay lưng ra ngoài, sát trong tường chân duỗi dài gần đụng thành giường. Ngày Lệ Thu chết nó nằm chưa hết phân nửa giường, ông Ba nói nhỏ một mình: "Lê Thu ôi, chị Hai chết rồi..." Ông vô trong nhà sau rửa mặt không muốn nghĩ tới giống gì nữa, hai cánh tay trần của ông dây gân ngòng ngoèo xanh biếc. Những cây kim vàng không rõ cũng đã biến đâu, ông thử gồng gân lần nữa, không chút hy vọng, chúng cũng không nổi lên; những cây kim vàng biến mất là điềm báo hiệu tai họa xảy tới cho ông. Nhưng không ngờ đó là chị Hai. Thiệt không ngờ.

Ông trở vô nhà, mở tủ kiếm bộ âu phục, đôi giày da đỏ, chiếc nón nỉ xám, chiếc cà vạt đen ít khi nào dùng tới; có lẽ từ hồi năm ngoái lận, khi Ngọc Anh đậu Trung học, là lần cuối cùng ông bận bộ đồ này đưa nó đi ăn nhà hàng trên Sài Gòn. Bộ quần áo thơm mùi long não, chiếc quần co rút lên tới mắt cá chân lộ đôi vớ chỉ trắng, giày da khô cứng phải khó khăn mệt nhọc mới đút được chân vô, chiếc cà vạt vướng nặng quanh cổ. Ông Ba thấy mình già rõ, bước vài bước gượng nhẹ nghe tiếng giày da ken két. Ông tới bên giường kêu:

"Ngọc Anh. Dậy thôi con".

Ngọc Anh hoảng hốt ngồi lên mặt mũi dáo dác. Ngó ông nó cười gượng, đưa tay vén tóc nhưng cặp mắt vẫn chưa dời khỏi giấc mơ mà nó nhìn thấy.

"Sửa soạn đi con. Rồi xuống má hai con..."

Nói xong ông Ba không muốn dòm Ngọc Anh nữa, xoay mình bước ra nhà ngoài chờ đợi. Thợ đã được cho nghỉ từ chiều bữa trước, ông Ba đứng giữa lối, hai hàng tường gắn những chiếc gương trước ghế ngồi soi bóng những đồ vật bỏ trống và hình ảnh ông chập chùng xa tắp. Dưới đất vương vãi những mảng tóc đen. Ngoài lộ đang giờ đi mần xe cộ chen chúc hỗn độn nghe rõ. Ông Ba ngồi xuống một chiếc ghế dòm vô gương như một người khách hàng lạ mặt. Anh Ba. Anh Ba. Chú Ba nè... Ba Thuật. Giờ là ông Ba.

"Ba".

Ngọc Anh sửa soạn xong, đứng sau lưng ghế cũng ngó vô trong gương, nó ngập ngừng như muốn ngó một điều gì. Ông Ba đứng lên hỏi:

"Rồi chưa con?"

Không nhìn kỹ Ngọc Anh, ông Ba cảm nhận có sự lạ lùng ở nó. Ngọc Anh bước theo sau ông, lo khóa cửa nhà. Trên xe tắc xi xuống Sài Gòn, ông Ba bình tĩnh thuật lại tai biến xảy ra buổi chiều bữa trước, ông tính để hỏi Ngọc Anh bữa qua đi đâu tối mới về nhà, cả chiều bữa qua ông không còn thần trí để nhớ tới Ngọc Anh, ở nhà thương về ông nằm chết trân trên giường, Ngọc Anh cũng còn vắng mặt, mãi lúc sau ông mới nghe nó xô cửa chạy vào nhà kêu khóc: "Má hai ôi, ba, má đâu rồi?" Rồi ông cũng bật khóc theo nó. Nhưng cuối cùng ông lại nói:

"Hồi hôm má con về. Con có gặp không?"

Ngọc Anh thất sắc, tho ló mặt dòm ông, không đáp lời cũng không tỏ cử chỉ nào.

"Má con đó. Con không còn nhớ sao con? Giờ tới phiên má hai con..."

Ông Ba cúi đầu, nghẹn ngào không nói nữa. Ông nhớ lúc Lệ Thu chết, Ngọc Anh còn nhỏ xíu mới tám tuổi, nó nắm tay ông bảo: "Thôi, ba ơi. Ba đừng khóc nữa". Giờ thì không, nước mắt ông đang tuôn và Ngọc Anh thì nhìn con đường chạy thẳng phía trước. Ông muốn nghe Ngọc Anh nói một lời nào đó, nhưng nó im lìm. Lệ Thu, hồn em có bay theo bên anh không? Lệ Thu... Chị Hai chết rồi.

Ông Ba đưa Ngọc Anh xuống Chợ Cũ ăn điểm tâm. Ngồi trong bàn ông tĩnh trí hơn, ngó kỹ mặt đứa con gái, da hơi mét, mắt quầng, gò má nhô cao ngơ ngác, nó cúi dòm mặt bàn. Ông đặt ly cà phê xuống đĩa hỏi:

"Con đau hả Ngọc Anh?"

"Con không sao hết". Ngọc Anh ngước mắt bối rối ngó lảng ra lộ.

Cà phê ông uống thấy ngon, vị nhạt đắng. Ngọc Anh cũng uể oải, dĩa xíu mại, món ưa thích của nó từ ngày nhỏ, nó ăn cũng không hết.

"Con nghe trong mình thế nào?"

"Không. Con không sao hết, ba".

Ông thôi không hỏi nữa. Ông trực run sợ nghĩ tai họa còn có thể tới nữa với ông qua đứa con gái. Bàn tay ông hơi run trông nhăn nheo xù xì như vỏ cây khô. Ông nắm tay Ngọc Anh đưa nó đi dọc theo lề đường La Som. Khu Chợ Cũ không náo nhiệt rực rỡ như hồi xưa. Con đường xe lửa điện giữa lộ khuôn trong hai bờ cỏ không còn dùng tới nữa. Đường nghẹt xe Huê Kỳ, xe tắc xi, xe gắn máy. Chỉ hàng cây bên lề còn xanh tươi không tuổi tác. Ngọc Anh nhẹ nhàng rút tay về, nó kiếm cớ vuốt lại mấy sợi tóc vương trên trán. Xưa kia ông dắt tay con những ngày Chủ nhật đi coi sở thú, nó không dám rời ông nửa bước hoặc đi coi hát suất trưa tại rạp Aristo hay Nguyễn Văn Hảo. Giọng ca khàn khàn đặc biệt của kép Duy Lân trong tuồng "Máu nhuộm Phụng Hoàng cung" đóng cặp với Phùng Há, Ba Vân; tiếng kèn Tàu thổi những điệu Quảng nghẹn ngào não nùng, bộ tịch nhún nhảy đa tình của cô Bảy, cái miệng chúm chím, cặp mắt long lanh xếch ngược; bộ tịch khúm núm run rẩy, già lão phều phào của kép Ba Vân. Những ngày ấy còn gần quá, ông làm trưởng bót Xóm Lách thả dàn cho bọn em út tổ chức sòng me, bài cào, tài xỉu, bầu cua, công khai hết tháng Giêng sang tháng Hai; chị Hai những ngày ấy thường biểu: "Tội nghiệp chú Ba nặng lắm, rồi chú coi..." Nhưng rồi chị ăn chay trường, đọc kinh sám hối sớm tối, không làm mích lòng ai, không tránh oán hờn giận ai ngay với người đàn ông phụ rẫy, lủi thủi nuôi con, chị chết không toàn thây, con Hạnh, con Nguyệt đó...; dường như trời phật cũng ngán thằng Ba Thuật, nó đã ăn trộm bát nhang trong miễu thờ từ ngày nhỏ chơi, vẫn chẳng thấy ông nào vật nó, bẻ cổ nó đằng trước tới đằng sau; chú Ba, chú thấy đó... vợ chú trả quả cho chú... Lệ Thu, có thật vậy không, Lệ Thu mỏi mòn kiệt quệ ròng rã mấy năm chờ chết trên chiếc giường vây kín, chị Hai chị cũng trả quả cho tôi nữa sao rồi con Hạnh, con Nguyệt, con Ngọc Anh này; phải trở về xa hơn nữa, hơn nữa... mới gặp Ba Thuật.

Ngọc Anh cũng có vẻ suy nghĩ lung lắm, mặt nó nghiêm trang mất hết vẻ lí lắc thường ngày. Còn những gì sẽ xảy tới cho tôi nữa, Lệ Thu, tại sao em không được ở gần anh... Khung cảnh nhà thương buổi sớm càng tăng sự cách biệt giữa Ngọc Anh và ông. Gian phòng rộng trần trụi, hai hàng ghế đặt song song giống như ngôi nhà thờ. Thang lầu, hành lang lạnh lẽo âm vang. Một vài tiếng ho khan, tiếng rên rỉ, mùi thuốc sát trùng nồng. Giường của Hạnh một người khác nằm mở mắt tho lõ dòm ông Ba khi ông cúi xuống. Ông kéo tay Ngọc Anh đi như chạy, tiếng giày và tiếng guốc vang động.

Ông Ba hỏi thăm cô y tá tay mang mâm thuốc đang lên thang lầu, cô ta chỉ tay ông xuống phòng thường trực. Người ta tra sổ cho hay Hạnh đã được chở vô Chợ Rẫy. Ngọc Anh nằng nặc đòi xuống nhà xác thăm má hai của nó và chị Nguyệt. Ông đưa nó qua một khoảng sân vào một gian nhà kín mít như căn hầm. Một người đàn bà ngồi tựa ngay lối vào ôm mặt khóc kể lể với đứa con gái tự vẫn nằm bên trong vì bị ba nó đánh đập. Ngọc Anh khóc òa theo, ông phải cản không cho nó áp tới để mở tấm vải trùm xác người chết. Nó bỗng rũ người, quỵ cẳng trong tay ông, miệng nôn oẹ, mặt xanh xám mắt nhắm nghiền xỉu đi. Ông hoảng sợ không biết sao, vực nó dìu ra ngoài sân. Mưa lất phất ít hột đập trên hàng cửa kính sơn trắng trên đầu tường gần mái nhà xác. Ông đặt Ngọc Anh dựa vô tường, giật tóc mai con, kêu:

"Ngọc Anh. Ngọc Anh".

Ngọc Anh hồi tỉnh, nức nở:

"Ba ơi... Ba ơi".

"Con đi được không? Ba đưa con về nhà nghe không?"

Ngọc Anh cố lấy lại hơi thở điều hòa, lắc đầu.

"Con đau rồi. Con về nhà đi".

"Không, con đi được. Con vô thăm chị Hạnh".

"Ba đưa con về rồi ba vô Chợ Rẫy sau".

Ngọc Anh bướng bỉnh không chịu, nó bước đi không để cho ông giữ tay ra khỏi nhà thương đứng bên hè kêu tắc xi. Ông bao giờ cũng thua nó, lúc này nó hung hăng dữ tợn như mẹ nó lúc chỉ còn hai người. Chính ông mệt mỏi, rã rời và cô đơn quá sức. Sau lúc gắng gượng, lên xe Ngọc Anh ngả đầu; lâu lâu lại cong gập người ụa khan.

Vô tới Chợ Rẫy, Ngọc Anh như hồi phục hẳn, nó đi mạnh bạo hỏi thăm kiếm chỗ Hạnh nằm. Hạnh đang được tiếp thêm máu, quanh giường có bác sĩ và y tá. Băng quấn quanh đầu, bao lấy mặt, xuống đến nửa vai và ngực trông như một dì phước, màu băng trắng loang máu.

"May quá. Ông là thân nhân phải không. Ông phải để người nhà ở bên canh chừng có gì chạy kêu tụi tôi". Người y tá thì thào.

Ông Ba ngó Ngọc Anh hỏi ý nhưng nó mải chăm chú ngắm nhìn nét mặt của Hạnh. Ông kéo tay nó ra ngoài phòng hỏi:

"Con khỏe hẳn chưa? Ba phải về lo công chuyện cho má hai với chị Nguyệt con".

Ngọc Anh bặm môi không đáp, ông móc túi lấy tiền đưa cho nó, nó cầm tiền trong tay như người mất hồn. Ông dỗ dành:

"Rồi ba sẽ kiếm người vô thế con".

Nhìn nét mặt Ngọc Anh, ông cảm nhận ra sự lạ, không muốn chần chờ đứng lại. Ông sẽ hỏi nó khi công chuyện xong xuôi. Ông nghe tiếng chân Ngọc Anh theo sau, bắt buộc phải dừng lại trên những bực thềm xuống vườn.

"Không lâu đâu. Đừng bỏ đi đâu nghe Ngọc Anh".

Ngọc Anh nhìn ông trân trối hỏi:

"Ba kiếm ai vô thế con?"

Ông ra dấu cho Ngọc Anh theo ông xuống vườn đến ngồi trên ghế đá bên lối đi để che lấp vẻ bối rối của mình.

"Để ba về coi, Sáu Lòng với Tư Mập sáng nay mắc lo mướn xe đòn, đi mua đất, kêu bà sư thầy trong Gò Vấp rồi... Để ba coi có đứa nào rảnh ba kêu. Ờ, để ba biểu con Út. Ráng chút xíu thôi con".

Ông vỗ vỗ vào bàn tay Ngọc Anh đặt trên ghế, mắt nó đỏ hoe, nó quay mặt chỗ khác. Ông nhấc mình đứng lên, vụt bị Ngọc Anh níu tay bất ngờ:

"Không phải đâu ba. Ba..."

Ông cúi mặt dòm xuống bắt gặp cặp mắt Ngọc Anh năn nỉ.

"Ba, con... Con có thai".

Ông Ba buông người rớt xuống ghế, run rẩy ớn lạnh. Trước mắt ông bóng nắng nhảy múa, hơi thở hổn hển dồn dập, chân tay ngứa ngáy đau đớn như những mũi kim vàng nổi lên đang căng dưới mặt da ông không thể còn đấm ngực mình la hét phá phách đồ vật như ở nhà mỗi lúc ông giận con và không nỡ đánh nó, không thể đánh nó. Ông chụp lắc mạnh vai con gái, miệng cắn trèo trẹo: "Ngọc Anh, Ngọc Anh". Mặt nó xám ngoét, nó nức lên vài tiếng và lại cúi gập mình xuống ụa nước miếng không.

Bỗng dưng cơn giận của ông Ba rơi hẫng mất hút xuống một miệng hang sâu thẳm, từ đó lùa lên những cơn gió lạnh lẽo ghê gớm, ông buông tay sững sờ. "Ba. Ba". Ngọc Anh khịt khịt nước mũi. Ông Ba cố gắng hết sức đứng lên để thoát khỏi cơn băng giá, ông thở dài, rồi bỗng bỏ đi một bước mặc cho Ngọc Anh kêu gọi phía sau:

"Ba. Ba".

***

Ngọc Anh thoát chạy, giả như nghe có người đang kêu gọi bên ngoài. Ngọc Anh bỏ Hạnh ở lại trong căn phòng ảm đạm. Năm giờ đồng hồ nó bị vây nhốt trong đó, Hạnh bằn bặt trong cơn hôn mê, sự sống treo trên những hơi thở thoi thóp; lâu lâu một y tá đi ngang ghé mắt thăm chừng, buổi trưa Ngọc Anh cũng không buồn nghĩ tới ăn, ngủ ngồi trên ghế lạc vào trong giấc mộng dữ; trời vần vũ khuất nắng, dưới vườn một người đàn ông bó bột tới bắp vế, ngồi trên ghế đá dưới tàn cây, cặp nạng đặt ngã bên cạnh, chiếc ghế Ngọc Anh đã ngồi với ba buổi sáng, một bên bả vai Ngọc Anh còn ê ẩm vì cái bóp mạnh của ông già; đôi mắt của người đàn ông là nỗi lãng quên nặng nhọc, gương mặt lạ hỏi chỏng: "Tỉnh chưa?" Ngọc Anh tới bên giường Hạnh rồi lại trở ra ngồi bên cửa sổ, ba bốn bận, đây là hình phạt, không khí tĩnh mịch như nơi nghĩa trang, ngoài vườn ve kêu rền; "Chị Hạnh, chị Hạnh!" Ngọc Anh để mặc nước mắt ướt rồi lại khô trên má, nó phải trốn sự bỏ rơi độc ác, sự đắm chìm ngộp thở dở sống dở chết; sự trống trải có sức mạnh ngấm ngầm thúc đẩy bền bỉ, "Ba ơi. Ba tha thứ cho con", không thể chịu đựng hơn.

Ra khỏi nhà thương, Ngọc Anh nhảy lên chiếc tắc xi vừa đậu bên hè khách chưa kịp trả tiền. Người tài xế nhìn tò mò. Chuyến xe phải chạy hết con đường dài đâm suốt ngang thành phố thật lâu, Ngọc Anh không dám nghĩ trở lui, nắm hai tay vào lưng ghế trước nhấp nhỏm trông xa về phía vòm cây hút hết tầm mắt. Tại sao lại chính lúc này, phải chính lúc này, không phải hôm qua bữa kia hay mai mốt? Tại sao, tại sao mọi sự lại chồng chất, trùng lẫn trong một vài lúc, còn cả bao nhiêu ngày là những khoảng không vô dụng? Tại sao, tại sao anh biết không Quang? Em đã lớn. Em phải sống đời của em. Em phải quyết định. Đêm nay anh lên tàu, anh đợi em buổi chiều nay... Quang, anh không biết những gì đang xảy ra cho em.

Bước xuống khỏi xe, Ngọc Anh đi như trôi trong mộng, bước theo sự dẫn dắt của thói quen. Mùi sình từ dưới lòng sông cạn bốc lên nhắc nhở những buổi trưa nắng im lặng tứ bề. Cửa khép hờ, gian nhà bỏ trống. Giấy má liệng bừa bãi trên sàn, cái giường gỗ còn đó chất một va li da đã buộc chắc dây nịt, vài chồng sách mấy túi vải đựng đồ. Các bức vách ván nham nhở dán giấy báo, hình ảnh bìa báo; một tấm kiếng soi bể nửa, một vài câu thơ viết bằng phấn màu... Ngọc Anh đứng chết trân giữa nhà.

Có tới cả giờ Ngọc Anh ở trong nhà ấy một mình. Sự sợ hãi thấp thỏm trông ngóng làm quên phứt cái lý do xui khiến tới. Tôi là ai? Ở đây làm gì? Chờ đợi gì? Nơi này tôi đã tới, đã ở lại, đã trút bỏ quần áo trên mình, trở thành... Nơi này tôi đã khóc, tôi đã nói: "Em sẽ đâm chết anh, nếu anh bỏ em..." Quang cười: "Nơi này giờ như không có thực nữa..." sự ảo hóa của thực tại có sức kiềm chế không cho thoát. Ngọc Anh nhớ tới giấc mộng trong nhà thương ở bên Hạnh, đứa con gái lăn lộn trên mặt phẳng cứng người mềm nhũn như con sâu, da nhớp nhúa; nó sợ người ta lấy cây nọc căng hai đầu cho thân đứt thành hai khúc, Quang cười sằng sặc riễu cợt. Ngọc Anh tưởng tượng lại cuộc đối thoại với ba dưới vườn, lẽ ra tôi phải nói: "Ba chiều con đi. Con phải đi theo anh Quang ra ngoài sông Mao. Ba đừng buồn con rồi con sẽ về, tại sao con lại bỏ ba lúc này?" "Tại sao mai không được sao con? Nó không đợi con được hay sao? Con không thể hoãn tới mai mốt sao con?" "Ngọc Anh, không, không phải thế, trời ơi, không êm thấm như thế, đời sống tan vỡ, chia lìa, đời sống mỗi người là lìa tách..." "Tại sao má hai? Má vẫn thương con, che chở cho con phải không má? Má chết rồi, chị Nguyệt chết, chị Hạnh chết, má con đã chết chỉ còn lại ba con và con, và con lúc bắt đầu phải sống..."

Ánh nắng yếu ớt là thấp trên mặt sông, những tiếng vang bên kia sông nghe ở cao. Trong nhà tắm lộ thiên quây bằng tôn thấp ngang ngực bờ bên kia đôi vợ chồng đang xối nước tắm cho nhau. Ngọc Anh tưởng tượng đến con sông Mao, đó là đâu, con sông đó hoang tịch thế nào với những bờ bãi, với ánh nắng và bầu trời của nó. Tiếng chân ngoài cầu ván cùng với tiếng huýt gió. Ngọc Anh trông ra cửa. Không phải Quang, đó là người đàn ông ở nhà vẫn thường bỏ đi chơi mỗi lần Ngọc Anh tới.

"Kìa Ngọc Anh".

"Anh Quang đâu rồi? Em cần gặp anh gấp".

Người đàn ông nghiêng mặt quan sát Ngọc Anh miệng mủm mỉm:

"Nó đi mất rồi".

"Hồi nào?"

"Sáng nay", người đàn ông lơ lửng.

"Sao anh ấy nói tới sáng mai".

Người đàn ông lắc đầu, lơ đãng ngó ra ngoài sông. Ngọc Anh ngồi phục xuống sàn ván ôm mặt, nghe mình thổn thức nhưng không khóc. Người đàn ông đi lui đi tới làm rung chuyển sàn gỗ. Từ trong đáy mịt mùng, sự đen đặc khủng khiếp, tôi làm gì bây giờ.

"Anh ấy có dặn lại với anh điều gì không?"

"Nó đi lúc sáng sớm, tôi chưa ngủ dậy".

"Có phải anh ấy đi sông Mao không?"

"Tôi không biết".

Ngọc Anh ngửng phắt đầu, ngó trừng người đàn ông. Dưới mái tóc bù rối, cái trán dô, cặp mắt lúc nào cũng như ngái ngủ lim dim, không tiết lộ một điều gì. Người đàn ông kín bưng như đồ vật. Người đàn ông tìm đưa cặp sách Ngọc Anh bỏ quên lại bữa qua, Ngọc Anh ôm vào bụng như có điểm tựa vững chắc hơn.

"Lau mặt đi em. Khóc làm gì cho mệt".

Người đàn ông đưa chiếc khăn tay, Ngọc Anh ngoan ngoãn vâng lời. Trong im lặng sự hiện diện của người đàn ông đè nặng, Ngọc Anh hoang mang không biết tính toán lối nào. Một bàn tay nóng như hòn than bóp lấy bả vai ê ẩm hồi nào, Ngọc Anh rùng mình nổi gai ốc, cổ họng thắt chặt, vùng đứng lên hất mạnh cánh tay của người đàn ông.

"Ngọc Anh".

"Không".

Ngọc Anh. Không. Nó chống cự với nỗi mê hoảng của sự vật vây quanh đã nhiễm vào nó, chạy thình thịch trên sàn gỗ. Cửa đóng, Ngọc Anh mò tìm chốt bắt gặp bàn tay dính cứng như con ma da nhầy nhụa đang muốn lôi cẳng nó xuống đáy nước. Hơi thở phì phò như bễ than thổi trong cần cổ. Buông ra, tôi la lên giờ. Ngọc Anh. Không. Ngọc Anh ngồi thụp xuống bưng mặt khóc nức, bụng đau quặn, mồ hôi tháo dầm mình mẩy.

"Ngọc Anh. Nín đi cưng".

Ngọc Anh cố nén cơn nức nở, cắn chặt lấy môi, ho và ụa khan, rồi ngồi phệt xuống sàn, biết mình sắp xỉu như buổi mai trong nhà xác.


Sắc trời

1

Tôi như một chất loãng đọng vũng ánh lên màu sáng hắt hiu. Màu sáng kỳ lạ, lạ quá đỗi nhạt thếch, nín thinh hoàn toàn của trời bên ngoài dần dần lộ xuất hiện tách rời khỏi cảm giác mù lòa bất định. Bóng tối mở rộng, mở rộng mãi vào những lớp bóng tối và trong ấy khuôn cửa sổ mờ ảo lồng lấy màu trời. Lúc này tôi mới rũ bỏ hết giấc ngủ, thoát khỏi trạng thái lập lờ không mặt mũi, tay chân, thân xác, không một chút ý niệm về nơi chốn phương hướng. Và tôi nằm im trên giường, không đụng đậy, thân thể trần truồng. Tôi biết tôi đang ở trong phòng của tôi.

Tôi không nhớ tôi đã trút bỏ quần áo lúc nào. Trong một giấc ngủ tỉnh ngắn hay trong một cơn mộng du? Tôi cố nhớ lại, cố nhớ lại giấc ngủ đã qua bằng cách nghĩ đến những hồi mộng. Tôi không nhớ được gì cả, giấc ngủ kín mít tối bưng như một đường hầm ngột ngạt, cố sức chỉ khiến tôi rớt trở vào cái trạng thái loãng biến rời rã. Tôi quơ tay chân tìm kiếm, trên chiếc giường hẹp không thấy quần áo vứt liệng. Có lẽ chỉ là những hành vi tự động, tôi tự nhủ nếu tôi mắc chứng mộng du, ở một mình thế này thật nguy hiểm, tôi có thể lần mò ra cửa sổ kia leo lên và rơi từ tầng gác thứ tư xuống khoảng sân sau của tòa nhà chung cư, một buổi sáng nào thức dậy mọi người sẽ bàn tán về vụ tự tử của một tên nhà văn nhà báo độc thân. Thật là buồn cười. Và tôi vẫn nằm nguyên phơi thân trong bầu không khí im khô.

Đâu đó một con trăng non lơ lửng, mọc hồi nào, như trong quang cảnh một giấc mộng cũ, không biết từ bao giờ, thốt nhiên tôi nhớ rành mạch. Đó là buổi sớm, trăng chưa lớn, ở bên một bìa rừng, đôi môi thật mềm, thật ướt, thật bám dính nhìn rõ những đường chỉ nhỏ trên vành cong thưỡi thoa một lớp son tím mỏng như buổi mai, đôi mắt rối rít như bờ bụi trong cánh rừng bên, đêm vẫn chưa qua hết. "Monica. Monica. Anh ấy à, anh gàn lắm, anh con nít lắm. Anh có nhớ năm nay anh bao nhiêu tuổi không?" Tôi cười, tôi nhìn rõ tôi vẫn thường cười như thế hết sức ngớ ngẩn: "Đàn ông thì ngu đối với đàn bà", Monique cười ngặt nghẽo: "Ngu, ngu. Non. Tu es poêt". Tôi nhớ câu nói của một người bạn: "Đối với đàn bà, chỉ có thể giao thiệp trong hai thế: đứng hoặc nằm, đứng ở ngoài phố và nằm trong phòng, cấm kỵ là ngồi, ngồi đối mặt là ngu xuẩn". Chúng tôi đang ngồi trên một bờ cỏ, dưới chân dốc, nghe một thứ tiếng rào rào kỳ quặc. Dường như gió hút ở đâu xa và cũng dường như một đoạn chuyển gấp trong bản hòa tấu Monique ưa chuộng hay bắt tôi phải cùng nghe. Tôi nói: "Em có hiểu không?" "Hiểu cái gì?" Tôi tưởng tôi đang nói tiếp câu nói của người bạn, nhưng không phải. Monique bảo: "Anh điên cái đầu". Nàng xòe tay ra ngắm nghía, móng nhọn và cũng sơn tím, cười khinh khích rồi chợt chìa đưa trước mặt tôi như dọa dẫm: "Em có thể giết chết anh, nếu anh bỏ em". Tôi buồn rầu: "Không, không nên nói đùa thế". Người đàn bà lúc lắc mái tóc rũ che phân nửa khuôn mặt, người đàn bà nhỏ thó, bồng nhẹ như một bó cây mềm và tôi ôm lăn thật xa cho chạy nhanh lên dốc. Monica. Monica. Tôi rượt theo và nửa chừng tôi lẩn trong màn sáng huyền hoặc, màu của con trăng lúc xanh lơ lúc vàng khè hoang tịch, tôi đang sống lại chập chờn trong thân xác này như một kỷ niệm, nỗi hoan lạc xa đập dữ dội pha lẫn niềm xót xa văng vẳng như nhịp điệu của những câu thơ tôi nghe chưa thành lời.

Tôi ngồi lên. Trời bỗng tối hơn trước, có lẽ con trăng bị mây che khuất, màu bạc phếch có sắc xỉn. Chắc là trời sắp sáng, nửa đêm thức giấc thấy bóng trăng sáng rỡ vằng vặc đầu thềm lại tưởng trời đã sáng, tôi hơi rùng mình liên tưởng đến ánh trăng trong bài thơ cổ. Tôi bước xuống giường, đạp chân trên tấm mền bèo nhèo rớt xuống sàn, đến góc tường tận cửa ra vào bấm điện. Đèn không cháy. Tôi sực nhớ bóng điện trong phòng hư cả tuần lễ nay và tôi cũng ít về nhà buổi tối nên quên chưa báo cho viên quản lý. Gian phòng tối om chỉ là một khoảng nhá nhem nơi cửa sổ, tôi tiến về phía ấy đứng nhìn ra ngoài. Phía dưới là một mảnh sân xi măng hình vuông của một ngôi biệt thự, trong sân này có bày chiếc bàn sắt tròn và những chiếc ghế xung quanh và một cây đu của trẻ con. Ngoài ngôi biệt thự là hàng cây cao của một con phố vắng. Tôi chợt nhận thấy không có ánh đèn đường trong các lùm cây, trạm bán xăng bên kia đường im ỉm trống trải, những ngọn điện yếu ớt thường thấy thắp trong một vài góc nào dưới sân cũng tắt ngóm: cả khu vực bị cúp điện. Bầu trời bỗng dưng cao nhẹ sáng hơn trên những hình thể đậm đặc sẫm sịt của khu phố. Tôi đứng áp sát vào tường, làn da trần còn khô khan hơn cả lớp vôi nữa.

Dưới phố xa vẳng tiếng máy xe nổ inh, tôi giật mình tự hỏi: Sáng rồi chăng? Nhưng nhìn trời tôi thấy màu xám nhạt đang chuyển sẫm, đầu óc tôi choáng váng khó chịu. Tôi dán mắt vào không trung, định thần muốn thấy rõ hơn. Và tôi tuột rơi lúc nào không hay vào giấc ngủ đứng, hình như mắt vẫn mở nguyên, không rõ bao nhiêu lâu nữa. Tôi bị đánh thức bởi sự căng thẳng rã rời của thân xác, nó thấy trời thật tối bất ngờ như đêm và rợn người vì cảnh lặng lờ tuyệt tích mọi dấu hiệu sinh hoạt. Có tiếng giầy đi qua ngoài hành lang. Đế giày cao gót gõ nghiến trên mặt gạch hoa có cát. Đám vũ nữ trở về sau đêm. Chú ý theo dõi nhịp bước hấp tấp về phía cầu thang. Nghe tiếng rú kinh hãi lẫn tiếng cười ròn đùa nghịch vang âm, tôi như vừa tỉnh một cơn mộng dữ: đêm chỉ sắp bắt đầu, đám vũ nữ bây giờ mới xuống phố. Để kiểm lại nhận định, tôi mở cửa phòng nhìn ngó bên ngoài: đám vũ nữ đã biến mất. Không một cánh cửa nào mở. Hành lang tối đen nín câm. Có thể đó là buổi tối không còn ai ở lại trong các phòng, có thể đó là nửa đêm về sáng và mọi người chưa ai trở về, nếu có một hai người thì đã ngủ như chết ít nhất phải đến trưa mới ra khỏi phòng. Những tiếng động tôi vừa nghe chỉ là ảo giác.

Tôi quay vào, mở tủ lạnh kiếm nước uống. Từ trong tủ bốc ra một làn hơi lạnh ủ lâu hôi nồng khó chịu. Tôi mò mẫm sờ soạng, bò ở trên sàn khắp gian phòng tìm bộ quần áo ngoài đã cởi bỏ lúc trở về. Tôi đã dời chiếu bạc lúc nào? Sáng hôm nay, hôm qua hay sáng hôm nào? Tôi đã ngủ vùi trong bao nhiêu lâu? Cuối cùng tôi tìm được quần áo trong mớ chăn nhầu nát. Trong túi quần may sẵn còn sót lại điếu thuốc rơi khỏi bao bẹp dí giữa đồng tiền nhồi nhét vội vàng nhưng không còn lấy một que diêm. Kệ trên đầu giường nằm có rất nhiều vỏ thuốc lá và quẹt nhưng đều trống rỗng. Tôi vừa cáu giận, vừa mệt nhọc đành ngồi bó gối ngậm điếu thuốc không trên môi, lia ném những vỏ quẹt qua cửa sổ từng chiếc một. Bây giờ tôi chắc chắn được một điều: lúc này là vào buổi tối. Tôi chăm chú trông một đốm sao nhấp nháy ở ngoài trời. Có lúc nó thật rõ ràng sáng rỡ, có lúc dật dờ bay biến như không hề có ở đó trong góc mặt sát với đường viền trên của khuôn cửa sổ. Tôi đã ngủ vùi trong bao nhiêu lâu, kể từ lúc dời khỏi bàn bạc? Mọi cảm giác đều nhạt nhẽo không tỏ lộ một biểu hiện chỉ điểm nào. Tôi không đói, không khát, không ham muốn.

Nhưng thật sự lúc tôi trở về là buổi sáng hay buổi chiều? Tôi không sao nhớ rõ rệt. Tất cả mù mờ như sau một đêm say mèm. Tôi chỉ nhớ lúc đứng lên, canh bạc còn tiếp tục không biết với những ai trong gian buồng chật chội bừa bãi ngột ngạt khói thuốc lá và mùi hơi người. Một người nào đó nói cho tôi nghe không nên ra về, có mệt thì lên giường nằm ngủ. Tôi ngả người trên chiếc giường gần chiếu bạc nhưng khuất ánh đèn, tôi vẫn nghe sự im lặng đè nén thỉnh thoảng bật lên những tiếng động, câu nói thấp thoáng khi xa khi gần. Mãi lâu sau đó, tôi chợt không biết từ bao giờ có người nằm chung với tôi. Một người đàn bà – có lẽ là một người đã tham dự canh bạc – nằm đấu lưng lại nhưng một chân soải sang gác lên chân tôi. Tôi để yên một hồi sau mới rút mình đứng lên, người đàn bà trở mình trong cơn mê ngủ với tay như muốn níu tôi lại. Mọi người mải mê với ván bài gay go, không ai chú ý đến cảnh tượng của chúng tôi và tôi mở cửa ra ngoài. Tôi nhớ có những cơn gió mát ướt phả vào mặt mũi, màu trời nhờ nhoạng giống hệt như lúc nãy tôi vừa thức dậy (có thể nào tôi chỉ mới ngủ khoảng mười lăm phút thôi không?) con phố hun hút với hai hàng cây xanh khua động rào rào. Màu trời với vẻ thảng thốt bỗng mở rộng chụp lấy tôi khi tôi giật mình vì bước hụt đứng khựng trên vỉa hè (tôi đã thấy màu ánh sáng ấy ở đâu? Đọc trong thiên Apocalypse? Trong một phim chiếu bóng?), những cử động máy móc trong khoảnh khắc tê liệt hoàn toàn, tôi nghĩ mình sắp ngã khuỵu giữa con phố không bóng người, ngủ dưới gốc cây như người lính tôi đã gặp đâu trước đó. Một người lính nằm ngoẹo đầu trên bãi cỏ vỉa hè, súng bỏ rơi một bên, trước một công viên, nhắm mắt bình thản trong khi những người lính khác chạy lăng xăng núp tránh quanh các gốc cây, chĩa mũi súng về phía tòa dinh thự (Tôi nhìn thấy bao giờ cảnh ấy? Bao giờ? Cũng buổi sáng hôm nay, hôm qua hay chỉ trong một giấc mơ nào nữa?). Tôi vùng dậy hoảng hốt thật sự. Một người lính đã đuổi tôi vào trong một lối hẻm, ở đó tôi tựa lưng vào tường nhìn những cây leo trên rào một ngôi biệt thự, nghe những tràng súng nổ đì đọp ở đầu phố, thấy một chiếc xe du lịch bốc cháy, một người dời chỗ núp sau một gốc cây bên hè băng chạy về phía chiếc xe cháy cất tiếng la: "Kêu xe cứu thương, kêu xe cứu thương".


2

Điện vụt bật sáng, từ dưới phố thấp vẳng tiếng reo hò của bầy nhỏ. Trong tòa nhà lớn vẫn lặng tờ, ánh sáng vàng đục trần trụi như những mặt tường. Những khuôn cửa gỗ thụt đóng kín. Tôi đứng giữa hành lang, ngơ ngác với cảm tưởng được bỏ quên thứ gì. Tiếng sè sè của lòng thang máy bắt đầu di chuyển, rồi im tắt. Một vài giây thang máy lại chuyển động. Sau khi lục lọi túi quần bắt gặp chiếc chìa khóa phòng lẫn trong mớ tiền, tôi đi xuống cầu thang. Cái cầu thang bưng bít quanh co đều đặn giữa các bức vách, ngắt quãng ở mỗi tầng với một khung cảnh không thay đổi một chi tiết: ngọn đèn sáng chiếu trên mặt sàn hình chữ nhật gạch hoa vàng sẫm một màu, lối đi vào lồng thang máy và một khuôn trống mở ra đêm bên ngoài. Ở tầng dưới đất mới thấy đổi khác: khuôn trống bị bít và phía ấy đặt cái quầy của người quản lý, phía đối diện dựng một bức tường ngang có cửa vào quán ăn của tòa nhà.

Trong quán bàn ghế bày không. Bước xuống sân tôi bị một bàn tay nhỏ bé bất ngờ níu lấy. Đứa con gái nhỏ đang đi ngược vào, đứng lại bên cạnh ngước mắt hỏi tôi đi đâu. Sau lưng đứa bé là mẹ nó, người đàn bà ở phòng đối diện với tôi. Tôi xoa đầu đứa bé, nói với bà không nên mắng oan nó, tôi vẫn thỉnh thoảng gặp nó khi thì ở dưới sân với chị người làm, khi thì thơ thẩn một mình gần đầu cầu thang và tôi vẫn đùa với nó. Lần thứ nhất tôi gặp người đàn bà. Bà nói vì tắt điện con bà sợ không dám ở trong phòng, bà dẫn nó xuống sân và bây giờ hai mẹ con trở lên phòng. Người đàn bà nói xong im lặng chờ cho câu chuyện được nối tiếp. Đứa bé lanh chanh khoe mẹ nó đã mua nến và nó sẽ mang nến đốt sáng ngoài hành lang nếu điện lại tắt nữa. Nó hỏi tôi có cần nến thắp trong phòng nó sẽ biếu hai cây. Người đàn bà hỏi tôi: "Ông có biết tình hình thế nào không?" Tôi bảo không và bà tủm tỉm tỏ vẻ hoài nghi. Tôi xin lỗi người đàn bà tiến ra cổng.

Trời không nắng, đen thẳm, khô êm. Đã cuối tháng Mười, những trận mưa cuối mùa chắc hết. Những trận mưa tuần lễ trước xối xả, lê thể đổ xuống vào lúc nhá nhem thường cầm chân tôi trong quán nước, dưới mái hiên hay trong quán ăn vắng vẻ, bữa ăn phải bắt buộc kéo dài theo mưa, đọc cho hết tờ báo hằng ngày hay chuyện trò tầm phào với anh chàng hầu bàn người Tàu nói tiếng Việt không sõi, không có dấu hiệu nào về một cơn mưa sẽ có thể tới, trời thật trong với bầu không khí tĩnh lặng dịu dàng của mùa hạ, màu xám bệch của trời đêm cùng những cơn gió vẩn đục giấu giếm hơi nước như những kỷ niệm chập chờn lởn vởn khuấy động những buổi tối bần thần đã bay mất tích. (Những buổi tối thừa thãi, trống trải, không ý nghĩ, không trí tưởng, thui thủi trong một cơn khủng hoảng ngấm ngầm). Tôi dừng chân mua thuốc lá ở đầu đường rẽ vào một phố sáng. Cô bán hàng hỏi thăm giờ, mới gần chín giờ. Nhiều cửa hàng vẫn còn mở nhưng phố xá như khuya hơn. Có vẻ gì lạ thường trong quang cảnh đường phố tôi cảm thấy rõ những cảm giác ấy tăng thêm sự thống khoái bất chợt của cuộc dạo chơi không định trước. Hai người thanh niên chở nhau trên xe gắn máy cười nói oang oang, xem phố như nhà, hỏi nhau về cuộc đảo chính vừa xảy ra. Tiếng cười của họ còn nghe vẳng khi xe đã rẽ sang phố khác. Tôi cũng cười một mình và ngửa mặt lên trời à một tiếng nhẹ nhõm. Tôi nghĩ ra câu hỏi về tình hình của người đàn bà ở dưới sân có nghĩa ấy, tôi chẳng biết gì cả. Đêm qua lúc tôi còn đánh bạc, cuộc đảo chính bùng nổ, và tôi đã ngủ suốt cả ngày hôm ấy. Tôi thật là mê muội, trên đường về nhà tôi lạc vào trong khu xảy ra chiến trận, may mắn không hề hấn.

Ở hiệu ăn quen, người ta bảo từ buổi chiều có nhiều người tìm tôi. Anh chàng bồi bàn khó nhọc vận dụng trí nhớ ngôn ngữ, cử chỉ mô tả những người đã đến và đưa cho tôi một mảnh giấy của Hòa gửi lại: "Bọn này ở nhà D". Tôi không thích ngồi một mình và cũng không muốn đuổi theo bọn Hòa. Tôi không biết đi đâu cả. Cuối cùng tôi nghĩ đến một chỗ thoáng cao, nhìn thấy trời, những mái nhà, đường phố và có ca nhạc. Đứa bé gác thang máy, ăn mặc quần áo lòe loẹt độ mũ lưỡi trai, nhe hàm rằng sún cười chào hỏi. Cửa lồng thang mở và nó đứng ngoài như có ý chờ sẵn tôi. Trong lồng thang, một người đàn bà đứng thu một góc tò mò nhìn người bước vào, mỉm cười. Tôi nhận ra Thùy, ôm tập sách hát trước ngực, và hỏi Thùy hát ở đây. Thùy bảo khá lâu mới trông thấy tôi, độ này tôi ít xuất hiện, tôi ở đâu. Đứa bé quay mặt chăm chú nhìn vào bảng nút điều khiển thang. Thùy tựa vào thành lồng với dáng ơ thờ lấy điệu, mặt người ca sĩ trang điểm thật kỹ lưỡng. Tôi khen một câu bâng quơ cho có chuyện. Thùy đáp là nàng đã già, hai mươi tám tuổi. Tôi định không nói gì nữa, bỗng Thùy hỏi tôi Bích rồi ra thế nào? Tôi ngớ không hiểu, Thùy cười ròn nhắc lại Bích ấy, Bích ấy mà. Mãi tôi mới hiểu Thùy muốn hỏi về nhân vật trong feuilleton tôi đang viết trên báo. Thang máy dừng ở trạm cuối. Chúng tôi còn phải leo lên một tầng cầu thang nữa, nhà hàng nằm trên sân thượng. Thùy đứng lại trước tấm gương lớn gắn trên tường ở lối rẽ của cầu thang, ngắm nghía sửa mái tóc và nói mỗi ngày nàng mất năm đồng bạc mua tờ báo để đọc tiểu thuyết của tôi; một ngày nào nàng sẽ phải kể đời nàng cho tôi nghe để tôi viết thành tiểu thuyết. Nhìn trong gương, tôi thấy hình tôi cao lêu đêu đứng sau lưng người đàn bà, mặt mũi lơ ngơ u ám. Thùy lại nói tiếp nàng thương Bích lắm, Bích là ai. Bích có thật như thế không, "Thế nào anh cũng phải viết cho em một quyển tiểu thuyết, em chắc chắn sẽ hay. Đời em cũng nhiều nông nổi lắm", mấy bữa nay, tôi đau sao mà không thấy viết. Tôi cười bảo đang bí, hỏi ý kiến Thùy cho Bích như thế nào. Thùy ngạc nhiên hỏi Bích không có thật sao, tôi đáp thật chứ, cho Bích đi tu. Chúng tôi đặt chân đến cửa đã nghe tiếng vỗ tay lốp đốp ở trong. Thùy cười thật tươi với đám thanh niên chào đón nàng, rồi rẽ thẳng lên phía sân khấu. Tôi nghe một người gọi với: "Thùy, Thùy, bữa nay hát chào mừng cách mạng" – lúc ấy một cô ca sĩ Tàu đang líu lo hát tiếng Ăng lê.

Tôi ngồi sát bên bao lơn, gần những chậu kiểng lớn. Đường phố nhìn xuống với những ánh đèn rọi không như một cảnh bày sẵn của một nơi xa xôi. Những ánh điện quảng cáo một hiệu máy may nhấp nháy ở đầu góc phố tít tắp theo một chu kỳ đều đặn. Tôi bắt đầu bữa ăn trong không khí chìm lắng giữa trời đêm bắt đầu thấm lạnh. Thùy có một giọng kim sắc mạnh, lần đầu tiên chú ý nghe Thùy hát, nhưng lúc hạ thấp hay buông lơi thì lại nhòa mòn. Tôi nhớ ngày Thùy mới bước chân vào nghề, có lần rủ Thùy đi chơi, tôi đã hôn nàng trước ngõ dưới một gốc đèn sáng như đôi tình nhân chia tay khoảng ba bốn giờ khuya. Thùy run rẩy hãi sợ một cách vừa ngây thơ vừa đa tình. Một vài lần sau khi tình cờ gặp lại Thùy, tôi có nhảy với Thùy nhìn sát rõ tận mặt sự thay đổi của người thiếu nữ đã trở thành ca sĩ các hộp đêm, già dặn tự chủ, tôi không bao giờ hôn Thùy lần thứ hai. Cách đây không lâu người ta đồn Thùy tự vẫn hụt, bây giờ vẫn theo lời đồn Thùy sống bán chính thức với một tên tai to mặt lớn của chế độ. Không khí bỗng nhộn hẳn vì sự xuất hiện không biết từ lúc nào của một đám quân nhân ngồi ở bàn sát chỗ dàn nhạc. Một nhạc sĩ đứng trước máy vi âm giới thiệu trịnh trọng Thùy sẽ hát một bài "để tặng những thiên thần mũ đỏ, những chiến sĩ của cách mạng". Đó là một trong những bài hát ít lâu nay bị cấm đoán, người ta hò reo tán thưởng nhiệt liệt. Một anh quân nhân nhảy một bước đến chỗ Thùy đứng, làm điệu bộ như muốn ôm lấy Thùy hôn trước sự cổ võ của đồng bạn, Thùy quay người lại chạy lui vào trong, đưa tay bịt miệng cười trong khi anh quân nhân tiến đến trước máy vi âm tuyên bố mình sẽ hát một bài tình cảm. Anh ta lý luận hùng hồn là anh và các đồng bạn chiến đấu cũng vì tình cảm con người, các anh là những chiến sĩ đầy tình cảm, từ bữa nay mọi người sẽ được tự do hát những bài hát tình cảm. Bài hát nhắc nhở cho người ta những gì? Có lẽ rất nhiều điều ở ngoài nó, những điều đã tan biến từ thuở nào còn vọng lại trong những âm thanh vay mượn của bài hát. Thùy được mời xuống bàn, ngồi giữa đám người say sưa với men chiến thắng của mình, họ ép Thùy uống rượu bằng cách hò reo từng nhịp không dứt. Một người nói rất lớn: "Chốc nữa, Thùy sẽ về nhà ngủ sớm hơn thường lệ vì hôm nay giới nghiêm, bọn này trở về vị trí tấn công, sáng mai Thùy dậy và thấy mọi sự đã thay đổi có phải thú không". Dàn nhạc bắt đầu tấu bài từ biệt rồi nhường bầu không khí cho những náo động của đám khách hàng đặc biệt. Lúc tôi dời chỗ có tiếng chai cốc rơi vỡ lẫn với tiếng phá. Viên quản lý và mấy anh bồi lăng xăng ở quanh bàn đông người. Trên cái ống khuếch đại phát ra khúc nhạc quân hành – người ta mở đài phát thanh thay thế cho ban nhạc sống – tiếp đến bản thông cáo ngắn yêu cầu dân chúng tôn trọng giờ giới nghiêm.


3

Cốc rượu uống trong bữa ăn đến một lúc làm cho mệt dốc. Tôi đứng trên vỉa hè, tinh thần vẫn tỉnh táo sáng suốt nhưng chân đuối sức bước hết muốn nổi. Những ô gạch vuông nhỏ trải dài, một vùng lớn lấp lánh vụn kính vỡ, giấy, rác và chuột chạy lục đục vào trong những tủ hàng đóng kín dẹp sát vào bờ tường. Người rịn mồ hôi ớn lạnh. Không còn một bóng người hay bóng xe cộ trên khoảng đường phố quanh. Tôi cố trấn tĩnh, lấy lại dần hơi thở, chờ cơn mệt đi qua. Tôi tiếp tục bước, bắt đầu mới thấy đầu óc choáng váng. Tôi nghe tiếng chân tôi, thấy loáng thoáng những ánh điện đằng xa đẩy hắt lên cao nền thẫm lạnh, càng đi lâu tôi càng thấy gần giấc ngủ đang đón. Một lúc tôi thấy tôi dừng bước và tòa nhà sừng sững ở trước mặt. Trên các tầng nhiều phòng đèn thắp sáng. Chưa khi nào người ta bị bắt buộc phải về sớm như hôm nay, người ta không thể ngủ được vào giờ này. Hàng ăn của tòa nhà sáng trưng như mở hội, rải rác một vài người ở các bàn. Mấy vũ nữ họp nhau ăn uống ở cuối phòng, cười nói ầm ĩ nhưng không khuấy động nổi hết vẻ im lìm cố hữu của gian phòng quá dài. Tôi ghé bar hỏi xin một ly nước đá lạnh. Một người đàn ông, để ria mép, cravate kéo trễ lệch, ngồi trên ghế, một tay chống lên mặt quày, vỗ vai tôi hỏi giọng lè nhè: "Thế nào ông bạn? Có vui không? Dù sao mình cũng phải vui chứ, ít nhất là như thế. Chẳng nhẽ mình lại bết đến độ, trừ phi ông bạn làm ở trong phủ không kể". Một vũ nữ gọi tôi, tôi vừa uống nước vừa đưa tay ra hiệu từ khước lời mời: Mệt, lên ngủ đây. Người đàn ông có ria mép lại hỏi: "Tình hình ông thấy thế nào, lẽ ra đêm nay bọn mình phải ở ngoài đường suốt sáng mới phải, ai lại bắt mình đi ngủ thế này. Tôi sẽ thức ngồi đây nghe tin tức, mở máy phát thánh lên xem nào". Hơi thở của người đàn ông nồng nặc hơi rượu. Tôi bảo hắn uống nữa đi rồi ngủ cho khỏe, mai đâu có đó. Hắn ba hoa hơn, bồ tèo, bồ tèo ơi, tôi không ngủ nổi, tôi chờ phút này từ lâu, có ai ra đường biểu tình với tôi không, có ai không giơ tay xem, hèn, hèn, toàn một đồ hèn nhát, tởm.

Tôi giật mình, nghe kêu tên, ngay sau lưng. Monique đứng ở đó từ lúc nào mặt xanh xao mệt mỏi dưới ánh đèn ống. Tôi hỏi Monique cần uống thứ gì, nàng từ chối. Monique bảo đợi tôi suốt buổi tối trong nhà hàng này, nàng chỉ vừa ra ngoài cho thoáng. Ngạc nhiên không? Ngoài hành lang sắc diện Monique đỡ xanh xao. Vừa vào trong thang máy, Monique ôm lấy tôi hôn. Sự đụng chạm trộn lộn cơn mệt đuối với sự ham muốn một cách khó chịu. Tôi hỏi Monique sao chưa về, Đức đâu, Monique nói đáng lẽ về ngày hôm qua nhưng Đức biệt tích sau buổi ăn sáng ngoài phố, Đức hẹn buổi trưa đón nàng nhưng mất dạng luôn. Monique hỏi tôi có gặp Đức không. Tôi đáp hai ba bữa nay tôi không ló mặt ra phố, Monique hỏi tôi làm gì khổ thân vậy, tôi nhớ nàng chăng, tội nghiệp cưng, tôi cười nói đánh bạc, hư, cưng hư lắm nhé. Các thớ thịt bải hoải rời rã, tôi sụp vào trong một nỗi buồn bã đột ngột không đủ trí để cười đùa với Monique nữa. Tôi cầu mong Monique đổi ý bỏ đi nhưng tôi tự nhủ Monique không còn thể ra đường vào lúc này. Các phòng phần lớn đều kín cửa nhưng trong hành lang vẫn ồn vọng cái không khí kỳ quặc của những người bị giam giữ cuồng chân. Tiếng hát nghêu ngao ồm ồm và những tiếng động lủng củng không hiểu nổi. Tôi loay quay mở khóa trong khi Monique cứ xoay khẽ gót giầy trên mặt gạch. Monique hỏi có chuyện gì khác thường vậy và tôi đáp tôi buồn ngủ quá. Monique tưởng tôi nói bóng, cúi sát tai tôi thì thầm cưng sẽ ngủ ngon. Hơi thở của nàng lay động tôi một chút, nhưng càng khiến tôi bực dọc phải cố sức kiềm chế cho khỏi đổ quạu.

Mở được cửa tôi như cái máy đi thẳng vào trong nằm lăn lên giường tưởng có thể thiếp ngay tức khắc. Tôi nghe Monique đóng cửa phòng, mở đèn. Một lúc Monique kêu tên tôi thất thanh, hỏi tôi ở đâu, tại sao đèn không sáng. Tôi nói qua giấc ngủ sắp kín mít bóng hư rồi. Làm sao, làm sao bây giờ? Tôi nói tôi biết làm sao, rồi tôi móc túi lấy quần áo bao quẹt, gượng ngồi dậy, bật một que cho Monique thấy đường. Monique đến ngồi bên cạnh, thẫn thờ chưa hết cơn hoảng hốt. Tôi sắp sửa ngủ gật, Monique bảo tôi mở cửa phòng cho đỡ tối và hỏi trong nhà có thằn lằn không. Cửa phòng mở, ánh sáng ngoài hành lang hắt vào lờ mờ. Tôi nói giọng xin lỗi buồn ngủ quá và đến đứng tựa bên cửa sổ cho tỉnh. Đêm im vắng thăm thẳm. Trong óc tôi như lóe sáng điều gì bay qua rất mau chưa kịp nhìn rõ. Một ý nghĩ hay một ảo giác? Hay chỉ là một luồng hơi lạnh thổi vào mắt. Monique đã hoàn hồn, đi vào phòng rửa mặt. Tôi tỉnh ngủ chỉ còn rời rạc, tòa nhà đang im dần, từ các khuôn cửa sổ mở ở các tầng vẫn hắt đều đặn ra ngoài những chùm ánh sáng tan loãng dần vào bóng tối ở ngoài.

Monique ra đứng cùng với tôi bên cửa sổ, hỏi tôi đang nghĩ ngợi gì. Làn da mặt của nàng sạch và mát, cọ khẽ bên má tôi. Bây giờ tôi mới nhận ra nàng mặc một cái áo robe-sac và bên trong không có quần áo lót. Người đàn bà buông thả và thụ động dưới những vuốt ve ơ thờ theo thói quen, thỉnh thoảng khẽ rùng mình da nổi gai, bật những tiếng thở nén. Giây lát, tôi đột ngột nhìn thấy rõ điều muốn tìm, toan nói với Monique. Nhưng nhìn xuống khuôn mặt mờ mờ mắt nhắm khít không muốn biết gì nữa, tôi lại thôi. Monique tỏ ý thúc giục, rời bỏ thế thụ động, lôi cuốn tôi. Tôi xốc nàng vào giường, thân thể của người đàn bà oằn xuống như không còn xương cốt nặng trĩu. Cái giường một người không đủ chỗ xoay trở. Một lúc sau Monique đã kéo tuột tôi xuống sàn và tôi quay cuồng trong một thứ nhịp thúc hối chưa hề gặp. Mồ hôi vã nhớp trên da, người đàn bà rên rỉ nhai cắn khắp hai bên bả vai tôi, cố nén giữ những gì trong cổ họng, trong lồng ngực, trong thâm sâu sắp muốn thoát tung. Bên ngoài hành lang vang lên tiếng chân chạy và những tiếng cười vang động. Tôi sực nghĩ tới cánh cửa phòng hé mở và nằm im nghe ngóng. Monique hỏi chuyện gì thế, tôi bảo cửa chưa đóng, nàng bảo mặc. Tuy chưa xong, bắp thịt còn trơ cứng sống sượng, tôi vẫn gỡ tay người đàn bà bảo để tôi gài lại đã. Tôi len lén tiến ra và lấy chân tông vào cánh cửa đóng mạnh, cửa khóa tự động. Tôi trở vào, Monique vẫn nằm dài trên sàn chờ đợi. Tôi đặt mình xuống, gối đầu lên tay nàng một cách êm ái. Monique quay sang, ghì chặt lấy tôi nhưng ôm phải sự lạnh nhạt dửng dưng bất thần khó hiểu. Monique hỏi cưng sao thế, tôi đáp không hiểu tự nhiên như thế. Những vuốt ve dịu dàng của người đàn bà đều vô hiệu cũng như những vầy nghịch táo bạo. Không chịu nổi, Monique nổi giận, lật mình trèo lên thân tôi, muốn truyền cho tôi cơn ham muốn của nàng. Vô ích. Tôi nằm ngửa, yếu đuối chán nản, bèo nhèo như cái giẻ rách, mặc người kia giẫy giụa trơ trọi. Có, tôi muốn nói với Monique về điều tôi khám phá nhưng thấy thật trái khoáy. Mọi lời lúc này đều giả dối, thừa thãi. Mệt nhoài, Monique cào vào mặt tôi, nguyền rủa brute. Tôi im lặng, không giận, chỉ buồn bã. Tôi biết là với Monique đã hết. Chúng tôi không còn gì nữa cả. Chừng như nguôi ngoai, Monique nghe thấu rõ hơn sự nín thinh của tôi trong bóng tối và nàng xấu hổ. Nàng lui dần, ngả lưng xuống sàn thở dài. Tôi nghĩ tôi phải nói một câu gì và tôi bảo Monique lên giường nằm, coi chừng dưới này có thằn lằn.

Tôi nằm một mình dưới sàn, không buồn mặc quần áo, phủ lên người tấm màn mùi khô mốc. Ở trên giường Monique nói xin lỗi Tạo nhé. Tôi bảo nàng ngủ đi có mền dưới chân ấy, ngủ đi mai sẽ mệt lắm. Tôi không nói gì thêm, nhìn ra cửa sổ. Có lẽ các phòng đã tắt đèn. Màu trời có sắc sáng hơn. Ngôi sao gần viền khuôn cửa vẫn lấp lánh như đầu hôm. Thành phố khuất dạng nhưng bập bềnh xung quanh trong một tiếng rì rào khó tả. Tôi kiểm lại những hình ảnh trong trí nhớ, cái trí nhớ hồi này không mấy đáng tin cậy. Chiếc xe du lịch bốc cháy giữa đường buổi sáng (buổi sáng nào?) và người lính chạy băng ngang kêu lớn tiếng, là của Đức. Tôi không nhìn số hiệu nhưng tôi không thể lầm được. Nhưng có thật tôi đã nhìn thấy? Hay trong cơn chập chờn mê tỉnh tôi đã mang trộn lẫn hình ảnh của mơ và thực? Đức chết, hay bị thương đang nằm trong một bệnh viện nào đó. Monique chưa biết đã ngủ chưa. Còn tôi không ngủ được, nằm co quắp trên sàn gạch mỗi lúc thêm lạnh hơn. Tôi lắng nghe hết mọi thứ tiếng động trong đêm, cả những tiếng động của thân tôi. Thân thể tôi chừng như khô héo, tọp xẹp, gầy guộc thảm hại. Không biết bao nhiêu lần tôi lập lại trong trí tưởng cái cảnh tượng hồi sáng ở đám bạc trở về, cố gắng nhìn rõ lại, trở ngược xuôi trong những giây phút quanh quẩn, mong tìm thêm những chi tiết bỏ sót như thử cố gợi lại diễn tiến của một ván bài lớn quyết định một canh bạc nhưng tôi không rõ thêm được điều gì cả ngoài màu trời di chuyển chậm chạp cho đến lúc giống hệt với cái khe hở thông với ngoại giới của cái trí nhớ mỏi mòn. Suốt đêm không một tiếng súng nổ.
Nguồn: Dọc đường, tập truyện của Thanh Tâm Truyền, tranh bìa của Nguyá»…n Trung, nguyệt san Tân Văn ấn hành lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của CÆ¡ sở Văn, xong ngày 20 tháng 3 năm 1970. Ngoài ấn bản thường, có in riêng hai mÆ°Æ¡i cuốn trên giấy trắng mịn, dành riêng cho tác giả và cÆ¡ sở xuất bản Văn. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.