© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
19.3.2008
Eric Hobsbawm
Người cộng sản kiên định
Lê Hải dịch
 
Lời người dịch

Chín mươi năm sống và chứng kiến thế giới đổi thay, bản thân là sử gia thuộc hàng có ảnh hưởng rộng và mạnh nhất trên thế giới, Eric J. Hobsbawm [1] vẫn tiếp tục xác nhận đi theo con đường chủ nghĩa Mác, cả trong học thuật lẫn ngoài đời sống. Quan tâm đến lịch sử thế giới hầu như cùng lúc với tinh thần Tuyên ngôn Cộng sản (Communist Manifesto), Giáo sư Hobsbawm xây dựng tên tuổi với hàng loạt đầu sách nghiên cứu lịch sử, đã trở thành giáo trình cơ sở cho nhiều trường đại học không chỉ ớ Anh, Mỹ, Úc và New Zealand. Gần đây ông xuất bản quyển hồi ký đối chiếu lý thuyết và lịch sử thế giới với chính cuộc đời và trải nghiệm cá nhân. Để giúp quí vị độc giả talawas tiện nắm bắt tư duy và diễn giải của Eric Hobsbawm, người dịch xin trình bày bản dịch tiếng Việt trích từ buổi giới thiệu sách [2] ở Đại học California – Los Angeles (UCLA). Chủ nhà và cũng là người đặt các câu hỏi dẫn dắt là Giáo sư sử học Ivan Berend, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Âu – Á của UCLA. Tựa đề, phân đoạn và các tiêu đề nhỏ do người dịch đặt [3] .

Nếu quí vị từng đọc qua quyển sách lịch sử của tôi về thế kỷ thứ 20, The Age of Extremes, có lẽ còn nhớ tôi bắt đầu sách bằng một câu trích dẫn Isaiah Berlin. “Tôi sống qua thế kỷ 20 mà không, tôi phải thêm vào, không phải đau đớn bản thân,” Isaiah nói. “Tôi nhớ rằng nó chỉ là một thế kỷ kinh khủng nhất trong lịch sử phương Tây.” Đó cũng là trường hợp của tôi. Hơn vậy, tôi có cơ hội sống cả đời chỉ biết đọc, viết, và giảng bài. Vậy thì tôi có cái gì để thuyết phục người ta đọc hồi ký của một người như vậy? Riêng chuyện ngồi viết đã là một lời mời người ta đọc rồi.


Quá khứ

Tôi có điểm đáng giá là tuổi già. Năm nay [4] tôi 87 tuổi, tức là sống lâu hơn 99% dân số trên thế giới. Tuổi đời của tôi là ưu thế so với tuổi của người đọc. Hồi còn đi dạy ở New York, có lần kể với sinh viên chuyện đọc tin Hitler lên cầm quyền vào buổi sáng đi học ở Berlin, tôi cảm thấy các cô cậu sinh viên ngồi bên dưới nhìn tôi như thể họ gặp chính nhân chứng vụ ám sát Abraham Lincoln năm 1865. Câu chuyện đó quá xưa tới nỗi nó không còn dính líu gì với chuỗi sự kiện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, không còn khiến các bạn trẻ đó có chút liên tưởng nào cả. Nói thực với quí vị, thỉnh thoảng tôi cũng có cảm giác như vậy khi nhìn lại những mốc sự kiện trong cuộc đời tôi, mà nay được người ta xem là quan trọng trong lịch sử, ví dụ thảm họa ở Đức năm 1923. Lúc đó tôi chỉ là một cậu bé nên mọi chuyện diễn ra xung quanh đều không có ý nhĩa gì, nhưng bây giờ chiêm nghiệm lại mới thấy quan trọng.

Trong đầu tôi thường nghĩ tới phản ứng của mình trước các sự kiện đó, thấy nó chẳng khác gì cảm giác khi tình cờ đọc thấy những chuyện xảy ra trước khi tôi ra đời, đọc từ sách, tài liệu hay tư liệu, nghe từ những câu chuyện trong gia đình, ví dụ như vụ ám sát Hoàng tử Ferdinand ở Sarajevo năm 1914. Cho nên, nếu quí vị còn quá trẻ để từng chứng kiến một mảnh nhỏ nào đó của một thế kỷ khủng khiếp mà loài người may mắn sống sót – mà tôi cũng chả biết tại sao – thì có thể tìm thấy đôi chút từ những gì còn lưu lại của một người mà các sự kiện đó không chỉ là ngày tháng vô hồn mà khắc sâu vào cuộc sống của họ. Ví dụ như con đường từ trường về nhà ở Berlin trong ngày Hitler lên nắm quyền. Hay chuyến xe lửa đông nghẹt đội đồng ca nữ sinh người Anh rời Casino de Paris và Follies Bergere vào đúng cái đêm mà Đệ nhị Thế chiến bắt đầu. Cưới vợ đúng giữa thời điểm khủng hoảng tên lửa ở Cuba. Đó là một lý do tại sao phải đọc hồi ký của những người già như tôi.


Phi vĩnh cửu

Tuổi già còn đem đến cho những người như tôi một lợi thế khác nữa, đó là cảm giác không có gì là vĩnh cữu. Không giống như một số chính trị gia, chúng ta không sống trong thế giới của những giấc mơ. Cuộc sống đầy những thay đổi đến tận gốc rễ. Tất nhiên là trong đời tôi kịp nhìn thấy Đế quốc Anh tan biến dần, không còn bao trùm cả thế giới như khi tôi còn bé. Tôi được chứng kiến sự hình thành và tan rã của cường quốc châu Âu cuối cùng với tham vọng chinh phục thế giới – cái đế chế (Reich) một ngàn năm của Hitler. Rồi chủ nghĩa cộng sản, cuộc cách mạng thế giới, bắt đầu bằng Cách mạng tháng Mười Nga, cuốn theo một phần ba dân số thế giới chỉ trong vòng trên 30 năm một chút kể từ sau ngày Lenin bước từ xe lửa xuống Nhà ga Phần Lan ở cái nơi bây giờ là Sankt–Peterburg. Giờ nó ở đâu nhỉ? Tôi sống từ lúc nó bắt đầu cho đến khi kết thúc. Có những người trong chính phủ Bush ở Washington tin vào sự vô địch của uy quyền tối thượng và sự bá chủ thế giới của Hoa Kỳ. Những người có tuổi và kinh nghiệm lịch sử như tôi biết rằng các đế quốc không tồn tại mãi mãi được.

Quyển hồi ký của tôi không chỉ đơn giản là những ngày tháng nối tiếp nhau ghi lại những sự kiện và kinh nghiệm. Tất nhiên đa phần sách là các sự kiện nối tiếp, nhưng ngay chính sử gia cũng hiểu rằng không thể kể lại lịch sử chỉ bằng chuỗi tuần tự (narrative) sự kiện mà đánh mất những gì cần nhấn mạnh, ấy là sự tương liên của cái tổng thể. Tôi cũng thấy đúng vậy khi viết hồi ký. Ở ngoài một giới hạn nào đó, đặt sự kiện này cạnh sự kiện kia không giúp ích gì cả. Cuộc đời tôi cũng chính là thế giới ngày hôm nay, nơi mà đàn ông và đàn bà có quyền hiện hữu cùng lúc, hoặc hầu như cùng lúc, từ những vùng khác nhau, những nền văn hóa và văn minh khác nhau. Cái đó không thể mô tả được bằng kết cấu tuần tự. Quyển sách của tôi có những chương viết về mối quan hệ của tôi với các quốc gia, khu vực và cũng là các nền văn hóa như Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Hoa Kỳ, một số phần của Thế giới Thứ ba, đặc biệt là châu Mỹ La Tinh. Nhưng đó không phải là chuyện kể của một ông giáo sư hay đi du lịch. Ít nhất là theo cách hiểu của tôi, những nơi đó chưa từng là và hiện không phải là “hải ngoại”. Chúng là một phần nguyên vẹn của một thế giới toàn cầu hoá, cũng giống như một bộ phận của cuộc đời ai đó, chẳng hạn như tôi, người có thể cùng lúc làm việc ở Luân Đôn, Paris, Ithaca và New York.


Tầm nhìn

Cần phải nói thêm về điểm này, tất nhiên là tôi hi vọng thoát khỏi cách nhìn cục bộ của những người không biết gì hơn ngoài biên giới mảnh đất mình đang sống. Nói chung tất cả chúng ta đều có nguy cơ vướng vào lối suy nghĩ đó. Chính vì vậy mà tôi phải cố gắng để khỏi địa phương chủ nghĩa trong khi làm việc. Có lẽ tôi chỉ còn muốn giới thiệu thêm một vấn đề nữa, rằng quyển hồi ký của tôi có thể coi như mặt B của cái đĩa hát chính yếu là quyển sách lịch sử của tôi về thế kỷ 20, The Age of Extremes. The Age of Extremes là một thử nghiệm để trình bày lịch sử, tức là những gì đã diễn ra trong thế kỷ trước, thỉnh thoảng minh họa bằng kinh nghiệm bản thân của người từng trực tiếp trải qua, hoặc đa số là gián tiếp. Một cách khác, có thể coi đó là cách giải thích lịch sử đã giúp hình thành nên suy nghĩ, nhân cách và con người sử gia như thế nào. Nói chung, hai vấn đề phụ thuộc lẫn nhau, nhưng chỉ là bổ sung, chứ không phải là tác nhân chính.


Ivan Berend: Câu hỏi đầu tiên là chúng tôi đọc thấy ông có một cuộc sống riêng tư đầy kịch tính và trải nghiệm lịch sử từ khi còn rất nhỏ. Vậy thì những gì ông chứng kiến đã thay đổi như thế nào đối vối cuộc đời ông, một con người đáng kính và ấn tượng. Tôi nghĩ rằng 15 năm đầu đời đã ảnh hưởng cực mạnh đến lòng tin của ông vào một lý tưởng đến như vậy.


Việc đầu tiên tôi hiểu ra là đang sống dưới chân một núi lửa vào giữa lúc nó đang phun, hết Đệ nhất Thế chiến lại sang tới Đệ nhị Thế chiến, thế giới chỉ bình yên trước năm 1914 mà thôi. Với thế hệ cha mẹ tôi, lúc họ nói “thời bình” là ý họ nói tới trước 1914, chứ sau 1918 không bao giờ là hòa bình đối với họ cả. Xã hội cho đến nay vẫn chưa tái thiết xong, ít nhất là ở Trung Âu. Xã hội Anh ổn định hơn, ở Mỹ cũng vậy, ít nhất là đến trước thời suy thoái, nhưng Trung Âu thì không được như vậy. Có lẽ sẽ khó hiểu đối với ai chưa từng sống trong thảm họa của thế kỷ 20 ở giữa châu Âu, để hiểu thế nào là sống trong một thế giới không ai dám nghĩ tới ngày mai, hay thậm chí còn không thể gọi là thế giới nữa. Chẳng qua chỉ là một ga xép giữa một quá khứ đã chết và một tương lai chưa kịp sinh ra, có lẽ ngoại trừ những bề sâu của nước Nga cách mạng. Không còn trường hợp nào rõ ràng hơn nước Áo, một mảnh nhỏ của cái từng là đế quốc, mà bản thân không còn tự tin nữa, không tin vào sự tồn tại của mình. Và ở Đức, nơi khai sinh và cũng là nơi khai tử của Cộng hòa Weimar. Đó là những trải nghiệm khiến tôi theo cánh tả, theo cộng sản, và cứ như thế.


Hi vọng

Tiếp nữa là thời đó có chỗ để hi vọng, chính là hi vọng vào cuộc cách mạng Nga. Chúng tôi không mong sẽ có thiên đường, chỉ mong nó là niềm hi vọng cho một thế giới mới. Chúng tôi không biết cuộc cách mạng sẽ đi đến đâu, và đúng là đến cuối đường nó đã không rẽ vào một thế giới tốt lành như hằng mong đợi. Nhưng đúng là có hi vọng, là một thứ có sức mạnh khủng khiếp với thế hệ đầu tiên lớn lên sau Đệ nhất Thế chiến, sau cảnh hoang tàn đến tận gốc. Ý tôi là muốn giải thích tại sao những người theo cánh tả như chúng tôi hồi đó vẫn còn gắn bó với tình cảm về một nước Nga, điều mà nay không thể có được với Trung Quốc chẳng hạn. Ở một chừng mực nào đấy Trung Quốc còn là một cái gì lớn hơn, nhưng chưa bao giờ từng là tiềm năng của sự chuyển đổi thế giới đối với bất kỳ ai.

Nếu nói tới những ảnh hưởng của lịch sử lên cá tính thì có lẽ đầu tiên, tức là không chỉ sống trong những sự kiện như vậy, mà còn có tuổi thơ khó khăn, như quí vị có thể đọc thấy trong sách của tôi, là tính cách tự chủ, biết tự giải quyết vấn đề của mình. Không than vãn với ai khác, vì nếu chính bạn không giải quyết được thì chẳng ai khác có thể giải quyết được cả. Thứ hai nữa là cuộc đời dạy cho tôi đừng có ảo tưởng về thế giới xung quanh. Con người lúc nào cũng có hi vọng, nhưng phải gắng sống với hoàn cảnh và đừng hi vọng hão huyền. Thứ ba nữa là đừng bao giờ làm kẻ trốn chạy, hãy kiên định với những gì bạn muốn. Cái sẽ giúp bạn đứng vững chính là sự gắn bó với bản thân và lòng trung thành với những gì bạn muốn làm và những gì bạn cảm thấy bắt buộc phải làm. Tôi không biện minh cho các tính cách vừa kể ngoại trừ một chút ít hoài nghi, có lẽ là tố chất mà nhà khoa học cần phải có, nhưng tôi thấy cần phải nói đến một trong số những yếu tố đã tạo ra con người tôi ngày hôm nay.


Ivan Berend: Điều xuyên suốt trong hồi ký của ông là sự kiên định với một tư tưởng chính trị - xã hội và với Đảng Cộng sản Anh [5] . Tất nhiên tôi hoàn toàn hiểu, và ông cũng vừa giải thích tại sao lại theo cánh tả. Nhưng câu hỏi của tôi, cũng như nhiều ý kiến trong các bài giới thiệu và phê bình sách, là tại sao ông trung thành lâu đến như vậy. Ví dụ như trích lời của Tony Judt [6] , mà theo tôi là lời lẽ nặng nhất trong các bài bình luận hồi ký của ông, rằng “Hobsbawm không chịu đối diện với quỉ dữ và gọi đích danh. Eirc Hobsbawm là sử gia thiên tài nhất của thời đại, nhưng không hiểu sao ông ta lại có thể ngơi nghỉ và không hề gặp khó dễ khi nhắm mắt làm ngơ cho các thế lực khủng bố và nỗi nhục của thời đại”. Câu trả lời của ông ra sao? Và tôi cũng muốn thêm một đoạn câu hỏi nữa, là ông trả lời ra sao về những gì đã xảy ra trong khoảng thời gian 1956, 1968. Lúc đó ông trở thành cánh hữu bên trong đảng cộng sản, một người “cộng sản Âu châu” (Eurocommunist), như ông viết trong hồi ký. Nhưng vấn đề là ông vẫn tiếp tục theo đảng cộng sản, vậy ông giải thích thế nào đây. Với tôi thì tôi thử tìm câu trả lời theo trải nghiệm của tôi, có thể đúng có thể sai, là ông từng tin là Công giáo La Mã thiếu nhân tính và tồi tệ trong giai đoạn đầu của nó, và chủ nghĩa tư bản cũng ác độc trong thời kỳ đầu. Nhưng mọi thứ đã thay đổi. Có lẽ chủ nghĩa cộng sản cũng sẽ thay đổi?


Trước hết, cần phải nói là trong đời tôi không hề dâng hiến hết cho Đảng Cộng sản Anh. Tôi là đảng viên, tôi ủng hộ đảng. Nhưng thực tế mà nói, cuộc đời tôi đã lệ thuộc vào cuộc cách mạng thế giới từ khi tôi còn bé, gắn liền với cái chính nghĩa của công cuộc giải phóng loài người, bằng cách này hay cách khác, trên thế giới hơn là ở Anh. Khi đó không ai nghĩ là cách mạng có thể nổ ra ở Anh cả. Ngay cả trong những ngày tháng nguy cấp nhất cũng không ai nghĩ như vậy, mặc dù theo tôi thì một số thanh niên hồi 1968 có thể nghĩ đến chuyện như vậy. Chúng tôi thì chưa bao giờ. Chúng tôi nhìn nước Anh như một phần của thế giới, có lẽ vì nó từng là đế quốc và cũng là một cường quốc, nó có một vai trò, nhưng cái chính yếu vẫn là thế giới.


Xét lại

Điều đó có liên quan tới câu hỏi về năm 1956, khi mà Khrushchev công khai lên án Stalin. Ít ra không thể phủ nhận một số sự kiện kinh khủng, kể cả đối với những người muốn phủ nhận. Trước 1945 thì không có vấn đề gì, chưa có ai nhắc gì đến việc loại trừ phần còn lại của thế giới mà họ gọi là quỉ dữ, vì mối họa lớn nhất vẫn là Đức quốc xã. Để chống lại thì, không chỉ đối với người cộng sản, Liên Xô là lực lượng quan trọng. Ngay cả những người không cộng sản cũng nghĩ là nếu thiếu Liên Xô thì không để đánh bại Hitler được. Điều đó là sự thật. Và kéo theo, những gì Stalin đã làm, dù quí vị có không thích đi chăng nữa, là cái giá phải trả. Quí vị có thể còn nhớ quyển tiểu thuyết nổi tiếng có tên là Enigma, do nhà báo người Anh Robert Harris, viết về trung tâm giải mã trong Đệ nhị thế chiến. Chính phủ Anh có biết về chuyện Liên Xô thảm sát hàng ngàn sĩ quan Ba Lan ở Katyn [7] , chi tiết mà Nga luôn phủ nhận. Trong truyện có một nhân viên người Ba Lan làm việc trong trung tâm không thể chấp nhận nổi lối hành xử như vậy và nói “không thể nào tha thứ nổi, chính phủ Anh không được phép im lặng lấy cớ là lợi ích của cuộc chiến hay gì khác”. Đây chính là điểm mấu chốt của cả quyển truyện. Chính phủ Anh đã im lặng. Họ biết về điều đó, nhưng chiến thắng Hitler quan trọng hơn là chỉ trích Stalin.

Đó là tình hình trước năm 1945, không thấy xuất hiện những lập luận của phe tự do. Năm 1956 mới là một trải nghiệm thật kinh hoàng, đặc biệt là với phe tả ở phương Tây, nhưng không phải ở đâu cũng như vậy. Ví dụ như với những người bạn Ấn Độ của tôi, năm 1956 chả có nghĩa lý gì cho lắm. Chuyện quan trọng đối với họ không phải là những gì xảy ra ở Liên Xô, theo như trí nhớ của tôi từ những cuộc nói chuyện với họ, vì họ vẫn đang còn so sánh nuớc mình với Tajikistan, hay các nước cộng hòa Trung Á của Liên Xô mà thôi. Nói có vẻ kịch tính, nhưng thực sự đúng là thời bấy giờ họ chỉ quan tâm đến thế, hơn là những nước lớn như chúng ta đang làm gì. Giai đoạn đó các nước như Ấn Độ chịu ảnh hưởng mạnh từ sự chia rẽ giữa Nga và Trung Quốc. Ấn Độ bị chia thành hai phe, thiểu số theo Liên Xô, còn đa số thì trung thành với Stalin, với di sản của Stalin, và với Mao Trạch Đông, cùng với lực lượng gọi là Đảng Cộng sản Mác-xít. Quí vị nghĩ thử xem, nếu quí vị là người cộng sản Ấn Độ thì quí vị có tự nhiên lên án tất cả những gì hằng tin tưởng hay không? Họ không làm như vậy, chuyện đó không có liên quan, ít nhất là theo cách hiểu như ở phương Tây.


Ảnh hưởng

Bây giờ nhìn sang châu Mỹ La Tinh, nơi tôi từng có dịp đến hồi đầu thập niên 1960, mọi chuyện cũng tương tự. Năm 1956 đối với họ là những quyết định chính trị bên trong nội bộ châu lục. Với họ, Liên Xô, chứ không phải Stalin, đại diện cho Đảng Cộng sản chính thống ở Mát-xcơ-va, mà thật kinh ngạc, đối với họ còn quá ôn hòa. Tất cả đều muốn vượt lên, từ Fidel Castro, cho tới phe Mao-ít. Đó là vấn đề chung của năm 1956 cho Brazil và Argentina. Còn Nam Phi, thì vấn đề lại càng ít liên quan hơn nữa. Liên Xô, bất kể chuyện gì diễn ra bên trong, là nước giúp họ kháng chiến, cho tiền, vũ khí để chống lại chế độ Apartheid. Bây giờ vẫn vậy, ví dụ như người tôi từng biết là Joe Slovo, nhân vật lãnh đạo cuộc kháng chiến, đến tận cuối đời vẫn chính thức tuyên bố là một Stalinist triệt để nhất. Không phải vì ông ta không lên án vụ thảm sát và những vấn đề khác, mà chỉ đơn giản là ông ta muốn nói tới cái ý nghĩa của hệ tư tưởng Stalin cho công cuộc đấu tranh đòi tự do ở Nam Phi.

Gần hơn là Tây Ban Nha, năm 1956 là điểm khởi đầu của một phong trào lật đổ Franco, ngày càng tăng tốc trong thập niên 1960, dưới sự lãnh đạo đa phần là của đảng cộng sản, mà nhiều đảng viên đến hôm nay vẫn còn chính thức ủng hộ Mát-xcơ-va. Tất cả mọi người đều tham gia phong trào, kể cả sinh viên nữa. Tại sao? Vì họ không quan tâm cho lắm đến những gì Stalin làm ở Ukraina, những chuyện kinh khủng, mà họ quan tâm hơn tới cuộc chiến ở Tây Ban Nha. Vấn đề mà những người như Tony Judt nêu ra chỉ đúng với một phần nào đó của thế giới trong một quãng thời gian nào đó, và tôi hoàn toàn đồng ý, nếu xét trong một khoảnh khắc đặc biệt nhỏ nào đó. Ngay bên trong các đảng cộng sản phương Tây, sau đó một hai năm, đa số đều chuyển sang một đường lối ôn hòa và dân chủ xã hội hơn, gọi là chủ nghĩa cộng sản Âu châu (Eurocommunism).


“Chủ nghĩa cộng sản Âu châu”

Có những người không thích một nước Liên Xô chống Stalin, có những đảng cộng sản thì lại lên án chuyện Liên Xô đem quân vào Tiệp Khắc, và cũng có những người bỏ đảng không lý do, ngay sau những thảm kịch của năm 56. Tôi cũng nằm giữa tình hình đó, và là một phần của phong trào gọi là cộng sản châu Âu. Tôi có nên bỏ đảng như rất nhiều người từng làm hay không? Nhưng không phải ai cũng bỏ đảng, và tôi cũng có lúc nghĩ như vậy. Thực ra thì Đảng Cộng sản Anh không quan trọng lắm, và cũng đáng buồn phải nói như vậy, vì bây giờ đảng này không còn tồn tại nữa, mà tôi thì lại không muốn đứt quan hệ với phần còn lại của phong trào cộng sản trên thế giới, vốn đại diện cho một thứ khác, một tình hình khác. Nếu nói về quyển hồi ký của tôi thì Ivan Berend phần nào đúng, chúng tôi đều mong sẽ có thay đổi trong tư tưởng. Ví dụ như Isaac Deutscher, một người Trotskyite, từng hi vọng, từng cho rằng khi đã ổn định thì có thể xây dựng một chủ nghĩa cộng sản văn minh hơn. Với những đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô, chắc chắn cũng có một số người tin như vậy. Tôi còn thấy nhiều người trong các đảng lấy tên là Nhân dân cũng tin như vậy. Tôi nghĩ họ đã nhầm, nhưng không nhất thiết sẽ kéo theo sự phủ nhận lòng tin. Đó là các yếu tố cá nhân. Những những lý tưởng mà những người trong một thế hệ nào đó sẽ rất khó rời bỏ, vì nó là một phần của đời bạn. Có hai vấn đề mà tôi nhắc đến trong hồi ký, thứ nhất, quí vị có thể coi như là tôi căm thù cái ý nghĩ sẽ trở thành một cựu cộng sản vì quá nhiều cựu cộng sản hành xử theo cái cách mà theo tôi là khi thấy Chúa thất bại thì biến ông ta thành Satan, trong khi đây không phải là Satan. Còn lại là chuyện mà tôi chỉ muốn nói qua, không thanh minh, rằng đó là niềm tự hào riêng. Tôi tự nói với mình, mẹ kiếp. Nếu tôi sớm bỏ đảng cộng sản thì đã thăng tiến nhanh hơn trong nghề nghiệp. Mẹ kiếp.


Ivan Berend: Một trong số các bài học rất quan trọng từ quyển sách của ông là sự phân chia rạch ròi giữa cánh tả và cánh hữu. Hannah Arendt cho rằng chủ nghĩa toàn trị cánh tả hay cánh hữu thì cũng cùng nguồn gốc, nhưng ông lại nhìn hoàn toàn khác, một cách nhìn mà theo tôi rất thuyết phục. Vậy tại sao sự khái quát hóa về chủ nghĩa toàn trị lại sai?


Vấn đề trọng tâm theo tôi là trong những năm đầu thập niên 1940, chủ nghĩa tư bản tự do và chủ nghĩa cộng sản cùng có chính nghĩa khi lập đồng minh chống Hitler và phát-xít. Bây giờ trong sách vở thì lại đầy những ý kiến cho rằng chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản chính xác là vận động chống lại nhau. Tại sao khi đến một trạng thái nào đó thì cả hai lại cùng có chính nghĩa? Trước hết, đó là vì khi mỗi bên thử bắt tay với phát-xít thì đều đi đến kết luận là không thể được, và đều thấy đó là mối nguy. Đó là vì cả tư bản tự do lẫn phe xã hội như dân chủ xã hội, cộng sản, vô chính phủ, đều có cùng một xuất phát điểm, đó là chủ nghĩa thế giới (universalism) thời Khai Sáng, cũng như chủ nghĩa dân tộc, lòng tin vào khả năng cải tạo thế giới, và truyền thống đấu tranh. Quí vị có thể kể đến những cuộc cách mạng Anh, Mỹ, nhưng cũng có thể nói đến điển hình là cuộc Cách mạng Pháp.


Khai Sáng

Một chuyện rất đáng chú ý là khi Mussolini viết phần giải nghĩa cho từ khóa “chủ nghĩa phát–xít” vào bách khoa toàn thư tiếng Ý – mà theo tôi đa phần là do cố vấn triết học của ông là Gentile soạn thảo, một người giỏi – đã nói rõ đó là tư tưởng chống lại cuộc Cách mạng Pháp. Nói đến chủ nghĩa thế giới thì nó là một con đường hoặc nghị trình cho tất cả mọi người, không giống phát-xít, cũng không giống chủ nghĩa dân tộc, lại càng không giống trào lưu tôn giáo “chính thống tuyệt đối” (fundamentalism) mà một số nhóm người vẫn theo đuổi. Lý thuyết tôn giáo tuyệt đối có thể cho phép người ta theo tôn giáo nào cũng được, từ Thiên Chúa giáo Phúc âm (Evangelical Christianity) cho tới Hồi giáo, nhưng trên thực tế, những người theo tôn giáo tuyệt đối không nói như vậy, cho nên tôi xếp như vậy. Tôi tin rằng mặt bằng chung mà chúng ta cùng đứng, và cũng chính là chỗ sụp đổ và tiêu vong của phe tả tuyền thống cùng nghị trình của họ, cũng là cơ sở chung duy nhất còn lại, là những hi vọng từ thời Khai Sáng hồi thế kỷ 18. Có một vấn đề mà thời đó không tính đến, là phụ nữ, và cũng chính là nhược điểm chính trong lý luận. Tư tưởng Khai Sáng tiến bộ trong vấn đề nô lệ, nhưng lại không chịu chấp nhận, ít nhất là trong thực hành, quyền bình đẳng của phụ nữ, nhóm chiếm một nửa hay hơn một nửa loài người trên trái đất.

Cuộc Chiến tranh Lạnh đã khiến người ta quên đi những điểm chung đó, và hai bên cố hết sức dựng lên những khác biệt cơ bản về cách hiểu chữ “tự do”. Chủ nghĩa tự do gắn mình với tự do hoàn toàn trong kinh tế thị trường, cũng như một số hệ thống riêng về bầu cử, và phân biệt mình với toàn trị. Đúng là một phần của phe tả trở thành độc tài, độc đoán và những thể chế kiểu như vậy, nhưng vẫn còn khác biệt rất cơ bản. Vấn đề rất rõ ràng khi xét đến thái độ của các phong trào này đối với trí thức và ngược lại. Cho phép tôi trích một đoạn trong sách. “Vì tư duy duy lý (rational thinking) về xã hội bắt nguồn từ thời Khai Sáng ở châu Âu, trong khi chính trị phe tả không ngừng phê phán, giới trí thức dễ theo chiều hướng đồng thuận với các giá trị như tự do, bình đẳng và nhóm hội.” Ví dụ ngay như ông bạn già của tôi Isaiah Berlin, người rõ ràng là mang bản sắc Do Thái, điều khiến anh ta bảo vệ hoặc ít nhất cố gắng tìm hiểu cuộc khủng hoảng thời Khai Sáng, nhận thấy không thể ứng xử như một người ủng hộ tự do theo nghĩa của thời đó, chỉ vì anh ta là trí thức. Tôi chỉ xin nói thêm một điểm trong phần trả lời câu hỏi này, để tỏ lòng ngưỡng mộ một người có tên là Simon Leys, bút danh của một chuyên gia chuyên bóc trần các huyền thoại về chủ nghĩa Mao, từng nói: “Tất cả trí thức chúng ta ai cũng biết một ai đó từng là người cộng sản rồi sau đó từ bỏ lý tưởng, nhưng đã có ai từng bao giờ quen biết một người cựu phát-xít chưa?”. Sự thật là bất kể sau cuộc chiến họ có thay đổi tư duy hay không, hầu như không có bao nhiêu người như vậy.


Ivan Berend: Có thể nói ông là một người châu Âu, pha trộn giữa Anh, Đức và Áo. Thế nhưng ông còn toàn cầu hơn vậy, là người có hiểu biết không chỉ về châu Âu mà cả Thế giới thứ ba, đặc biệt là châu Mỹ Latinh. Sách của ông rất nổi tiếng ở Brazil và nhiều nước châu Á. Đâu là mối quan hệ học thuật và cả cá nhân với Thế giới Thứ ba?


Nói một cách nào đó thì tôi có dòng dõi từ cộng đồng Do Thái Trung Âu. Chúng tôi là những nhóm lưu vong, có những đặc tính của cộng đồng, và như tôi thì rất thông cảm những cộng đồng giống như vậy, như người Armenia và nhiều nhóm nhỏ khác. Nhưng tôi cũng thừa hưởng di sản từ sự pha trộn đa dân tộc, đa văn hóa, lịch sử trộn lẫn và các vùng đất không bình thường như đế quốc Hapsburg. Những sự pha trộn kéo dài từ trung tâm tri thức phương Tây sang nơi mà người Hapsburg từng gọi là biên giới với châu Á. Tôi còn thừa hưởng một thứ di sản nữa mà tôi không hiểu từ đâu tới, chỉ biết rất mạnh, có thể là từ những năm tháng đại học và tình bạn với các đồng môn người Ấn Độ, đó là thái độ chống đế quốc, mà quí vị cũng có thể gọi là thái độ của Thế giới Thứ ba.


Phương Tây

Những sự pha trộn đó có lẽ đã tạo ra cho tôi hai nguyên tắc, thứ nhất là luôn nói về thế giới, chứ không phải một phần đặc biệt nào, Bắc Mỹ, Tây Âu hay văn minh phương Tây. Lịch sử thế giới có liên quan tới nhau, và chúng ta là các thành phần khác nhau của chung một loài người. Trong phương pháp luận tôi luôn cố gắng không theo xu hướng lấy châu Âu làm trung tâm (Eurocentric), và có lẽ vì vậy mà các nước thuộc Thế giới Thứ ba cảm thấy gần gũi hơn với sách của tôi hơn. Cùng lúc tôi cũng phải nói rằng tôi không thể thoát khỏi cái gốc Trung Âu của tôi hay thoát khỏi văn minh phương Tây theo một cách hiểu tổng quát nào đó. Trong con người tôi là một hỗn hợp của những gì còn lại từ nền văn minh của thế kỷ 19. Những người thuộc thế hệ của tôi không cần nghe giải thích khi vào thăm bảo tàng nghệ thuật, xem Actheon và Diana là ai. Chúng tôi lớn lên bằng các truyện thần thoại Hi Lạp và La Mã, cho nên khi nhắc tới Titian hay các tranh vẽ kiểu như vậy tôi không cần phải mở sách hướng dẫn ra đọc xem nó là cái gì. Tương tự như vậy với nước Anh, tôi không cần nhờ người giải thích xem Kinh Thánh nói gì, vì phiên bản Kinh Thánh mà Thánh James biên soạn là cái mà chúng tôi từng phải đọc, phải biết, kèm theo là vô số các trích dẫn. Nói một cách nào đó, các tuồng tích, mà có người gọi là văn hóa, đến với thế hệ chúng tôi rất tự nhiên. Nhưng bây giờ là một thế hệ hoàn toàn khác, các bạn trẻ không còn nghĩ như vậy nữa. Đó là một chuyện, ngoài ra tôi còn thấy thế hệ trẻ có thể tìm đọc những gì mà thế hệ của tôi viết ra, để lại, ví dụ như các tác phẩm của Lenin, thể hiện những gì mà thời của chúng tôi được dạy dỗ. Tất nhiên thời đó chỉ có một số ít người được hưởng nền giáo dục cao, ví dụ như khi tôi còn trẻ, cả nước Anh chỉ có 50.000 sinh viên mà thôi. Rõ ràng là chúng tôi bị giới hạn hơn quí vị hôm nay. Và nhiều lúc rất khó cho những người như tôi nghĩ rằng mình đang viết không phải cho người đọc như ngày trước, vì người ta thừa hưởng một cuộc cách mạng giáo dục, và rất khó tập trung chỉ riêng vào một lãnh vực nào đó như xưa.


Thường dân

Nguyên tắc thứ hai mà tôi theo đuổi, đó là lịch sử, thế giới, chính trị, tất cả là về những con người bình thường, chứ không phải những con người đặc biệt, hay những con người kỳ vọng trở thành đặc biệt qua những tình huống đặc biệt. Tôi đã cố viết rất nhiều trong phần đầu quyển sách, rằng ngày nay người ta không còn biết nhau như hàng xóm láng giềng ngày xưa. Con người không có gì đặc biệt trừ khi bạn cảm thấy yêu người ta, đó là vấn đề chính. Quí vị có thể gọi phương pháp sử của tôi là anti-elitist, phản-danh-lưu, vì tôi cố gắng hết mức trong công việc, không chỉ công việc viết những quyển sách dày cộm mà nhiều việc khác nữa, là viết về con người, về vai trò của họ trong lịch sử. Tôi còn nhớ có thời đọc báo New Yorker, có một cây bút bình luận tên là Joseph Mitchell hay viết những bài rất hay, nhưng sau đó lại không thấy xuất hiện nữa. Tôi nhớ có một lần anh ta nói không có cái gọi là những con người nhỏ nhoi, vì họ cũng bề thế như chính quí vị hay tôi đây. Nói một cách khác, tôi luôn tâm niệm rằng thế giới không phải được tạo thành để cho những người như tôi, hay những người đặc biệt nào đó, cả theo nghĩa tốt lẫn xấu, mà cho những người mà chúng ta không trông mong gì là họ sẽ làm gì nhiều trong cuộc sống, những con người bình thường.

Quan điểm đó cũng kéo theo một thái độ chính trị thuộc về cánh tả rồi, vì trong quá khứ chỉ có cánh tả quan tâm đến những người bình thường, và điều đó cũng kéo theo nhiều vấn đề. Thế kỷ 20 là thế giới mà trong đó xã hội ngày càng chịu nhiều chi phối từ những người làm vườn bình thường, cả đàn ông lẫn đàn bà. Thế nhưng ngày nay thế giới vẫn tiếp tục vận hành như trong quá khứ, không phải do những người bình thường đó, mà là nằm trong tay giới danh lưu (elite), hoặc nói một cách khác là nó được điều khiển bằng hệ thống tôn ti (hierarchy). Và người ta vẫn chưa biết làm cách nào để vận hành một thế giới chịu ảnh hưởng của những người đàn ông và đàn bà bình thường. Nhưng đó lại là một cuộc tranh luận vượt ra ngoài buổi nói chuyện này.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas


[1]Xem thêm sơ lược về tiểu sử và công trình nghiên cứu ở http://vi.wikipedia.org/Eric_Hobsbawm.
[2]Hobsbawm, Eric J 2003, Interesting Times: A Twentieth Century Life, Knopf.
[3]Hobsbawm thường gọi mình là “unrepentant communist”, cũng trở thành biệt hiệu của ông trên báo chí tiếng Anh.
[4]Buổi giới thiệu sách được tổ chức năm 2004.
[5]Thành lập từ năm 1920 sau Quốc tế ba, nhưng cho đến 1991 thì giải thể sau sự kiện Đông Âu tan rã.
[6]Giáo sư sử học Anh, có quan điểm chống Israel
[7]Tổng thống Nga Boris Yelsin từng xác nhận có chuyện như vậy nhưng giới sử gia Nga hầu như không nhắc tới, hiện mới có bộ phim về Katyn do đạo diễn Ba Lan từng nhận Oscar, Andrzej Wajda dàn dựng.
Nguồn: Eric Hobsbawm Speaks on His New Memoir