© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
20.3.2008
Mark Leonard
Giới trí thức mới của Trung Quốc
Phạm Toàn dịch
 
Nếu như trong các xã hội khai phóng, giới trí thức – bao gồm dứt khoát cả các chính trị gia – là những người phản biện tích cực và cả những chủ thể của các biến chuyển xã hội, thì ở những xã hội còn thiếu cởi mở hơn, người trí thức có thể có những cách hành xử hoàn toàn khác. Bài báo dưới đây từ Tạp chí Toàn cảnh (Prospect Magazine) cung cấp bức tranh về một bộ phận trí thức trong một xã hội như thế. Thiết tưởng, một sự tương tự Việt Nam chỉ là một hình ảnh vị tự có kích thước nhỏ bé hơn.
talawas

Lời tựa của Prospect Magazine: Mặc dù sự trỗi dậy của Trung Quốc đang thu hút mối quan tâm của cả thế giới, chưa có ai để ý đến những tư tưởng của đất nước này và tìm hiểu xem chúng do ai đề xướng. Ấy thế mà Trung Quốc lại có một tầng lớp trí thức hoạt bát đến bất ngờ mà những tư tưởng của họ có thể trở thành một thách thức đáng gờm đối với bá quyền tự do Tây phương.

Tôi sẽ chẳng bao giờ quên cái lần đầu tôi đến thăm Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh vào năm 2003. Đón tiếp tôi là Vương Lạc Lâm (Wang Luolin), phó viện trưởng và cháu nội của người đã dịch bộ Tư bản của Marx sang tiếng Hoa, và Hoàng Bình (Huang Ping), một cựu Hồng Vệ binh. Ngồi trong những chiếc ghế tay ngai to quá khổ, chúng tôi nhấp những chén trà nghi lễ rồi tự giới thiệu nhau. Vương Lạc Lâm gật đầu lịch thiệp, mỉm cười rồi nói với tôi rằng viện của ông có 50 trung tâm nghiên cứu, bao gồm 260 bộ môn với 4000 nhà nghiên cứu trong biên chế.

Nghe ông nói, tôi cảm thấy như mình bị co vào trong những đường khâu của chiếc ghế to rộng: toàn bộ cộng đồng chuyên viên tư vấn chính sách của Anh quốc mới được tính bằng con số trăm, còn của cả châu Âu là dưới con số ngàn; ngay cả ở cái thiên đường Hoa Kỳ của ngành tư vấn chính sách nó cũng không nhiều hơn con số 10.000. Thế mà ở đây, tại Trung Quốc, chỉ một cơ quan thôi đã có đến 4000 nhà nghiên cứu, và một mình Bắc Kinh đã có tới cả tá cơ quan như thế. Cứ cho rằng trình độ nhiều nhà nghiên cứu ở đây chưa đáp ứng công việc, nhưng những con số thô lược kia cũng đủ gây ấn tượng.

Lúc bắt đầu chuyến đi, tôi những mong nhanh chóng có được một sự khai tâm về Trung Quốc, tìm hiểu những điều thiết yếu rồi trở về. Tôi đã hình dung rằng đời sống trí thức ở Trung Quốc chỉ bao gồm mấy ông tuyên huấn cứng rắn ở hậu cung Đảng Cộng sản hoặc ở mấy trường đại học hàng đầu của nước này. Nhưng thay vì vậy, tôi đã bắt gặp cả một thế giới ngầm các trí thức, các chuyên viên tư vấn chính sách và các nhà hoạt động xã hội – tất cả đều tham gia vào cuộc bàn cãi gay cấn về tương lai đất nước. Tôi sớm nhận ra rằng tôi sẽ phải đến Bắc Kinh và Thượng Hải nhiều hơn vài lần để nhìn thấu quy mô và tham vọng của các cuộc tranh luận nội bộ ở Trung Quốc. Ngay trong chuyến đi đầu tiên ấy, tâm trí tôi đã được bồi bổ: tôi đã xác định là cần dành thêm vài ba năm đời mình để hiểu biết những trang sử sống động đang mở ra trước mắt tôi. Trong thời gian ba năm, tôi đã trò chuyện với hàng chục nhà tư tưởng Trung Hoa, đồng thời dõi theo sự sinh thành và phát triển những quan điểm của họ nhịp cùng những đổi thay ngoạn mục trên đất nước họ. Trong số họ một số từng là đảng viên cộng sản, số khác thì ở ngoài Đảng và từng khốn khổ vì những mối quan hệ rắc rối với giới cầm quyền. Song ở mức độ nào đó họ thảy đều là những người trong cuộc. Họ đã chọn sống và làm việc tại Trung Hoa lục địa, và như vậy có nghĩa là họ thường xuyên phải đương đầu với những đòi hỏi đồng bóng của một nhà nước độc đảng.

Chúng ta đã quen với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với nền kinh tế thế giới – nhưng liệu điều đó có làm thay đổi cách chúng ta nghĩ về chính trị và quyền lực? Câu chuyện về sự giác tỉnh trí thức của nước Trung Hoa chưa từng được ghi chép một cách hệ thống. Chúng ta theo dõi sát sao từng ngõ ngách của đời sống trí tuệ nước Mỹ, nhưng liệu có bao nhiêu người trong chúng ta có thể nêu tên một nhà văn hoặc một nhà tư tưởng Trung Hoa? Bên trong Trung Quốc – không chỉ trên các diễn đàn của Đảng, mà cả trong các trường đại học, trong những cơ quan tư vấn chính sách bán độc lập, trên báo chí và trên Internet – những cuộc cãi vã đang diễn ra ác liệt xoay quanh việc điều hành đất nước: các nhà kinh tế “cánh tả mới” tranh biện với những đồng nghiệp “cánh hữu mới” về sự bất bình đẳng xã hội; các nhà lý thuyết chính trị thì tranh luận về tầm quan trọng tương đối của bầu cử và nguyên tắc pháp quyền; còn trong địa hạt chính sách đối ngoại, các nhà tân bảo thủ của Trung Quốc tranh biện về chiến lược tổng quát với các nhà quốc tế chủ nghĩa chủ trương khai phóng. Các tư tưởng gia Trung Quốc đang tìm cách dung hòa những mục tiêu tranh chấp nhau, trong khi thăm dò xem làm sao để chúng có thể hưởng lợi từ các thị trường toàn cầu mà lại vẫn bảo vệ được Trung Quốc khỏi sự hủy diệt sức sáng tạo mà chúng có thể gây ra cho hệ thống chính trị và kinh tế của Trung Quốc. Một số người khác lại đang nỗ lực thách thức cái thế giới phẳng của sự toàn cầu hóa Hoa Kỳ bằng phiên bản Trung Hoa của một “thế giới được rào giậu”.

Thật là nghịch lý khi quyền lực của người trí thức Trung Quốc lại được khuếch trương bởi hệ thống chính trị hà khắc của nước này, nơi không có các đảng đối lập, không có công đoàn độc lập, không có những bất đồng công khai giữa các nhà chính trị, còn bộ máy truyền thông thì tồn tại chỉ để củng cố việc kiểm soát xã hội chứ không để xúc tiến trách nhiệm giải trình chính trị. Trong một thế giới như thế, sự tranh luận trí thức có thể trở thành một thứ đại lý của chính trị – nhất là khi nó mang nhiều tính cá nhân, gây hấn và cảm tính hơn bất cứ cái gì mà một nền chính trị hình thức có thể bày đặt ra. (Tuy nhiên,) trong khi quả thật là không hề có thảo luận tự do về việc chấm dứt sự cai trị của Đảng Cộng sản, về nền độc lập cho Tây Tạng hoặc về những biến cố tại Quảng trường Thiên An Môn [1] , trên những tờ báo lớn và tạp chí khoa học lại diễn ra những tranh luận tương đối cởi mở về mô hình kinh tế của Trung Quốc, về cách xóa bỏ nạn tham nhũng hoặc về chính sách đối ngoại trong những đề tài như Nhật Bản hay Bắc Triều Tiên. Và mặc dù Internet bị cảnh giới ngặt nghèo, song nơi đây sự tranh luận lại được tuỳ nghi hơn so với trên báo giấy (dẫu rằng vừa mới đây, một trong những blogger có tư tưởng tự do nhất tên là Hồ Giai [Hu Jia] đã bị bắt giữ). Rồi đằng sau những cánh cửa đóng kín, các học giả và các tư tưởng gia vẫn trò chuyện thoải mái ngay cả về những chủ đề nhạy cảm nhất, tỷ như cải cách chính trị. Người Trung Quốc thích tranh biện những chuyện như liệu có phải chính trí thức đang tác động tới những nhà làm chính sách, hay chỉ là những nhóm hoạch định chính sách đang sử dụng các trí thức như những con vật cưng trong vai trò những cái loa không chính thức để tung ra các quan điểm của mình. Bất luận thế nào, những cuộc tranh cãi này đã trở thành một phần của tiến trình chính trị, và được sử dụng để đưa các tư tưởng ra xem xét và mở rộng sự lựa chọn cho các nhà hoạch định chính sách Trung Hoa. Để thí dụ, trí thức thường được đều đặn vời đến để trích yếu cho Bộ Chính trị trong những “phiên họp nghiên cứu”; trí thức là người soạn thảo các báo cáo làm nguồn cho các kế hoạch 5 năm của Đảng; và trí thức là nhà tư vấn cho các bạch thư của chính phủ.

Như vậy, phải chăng giới trí thức Trung Hoa đang ngày càng trở nên cởi mở hơn và Tây phương hơn? Nhiều khái niệm được họ sử dụng khi tranh biện – dĩ nhiên, bao gồm bản thân chủ nghĩa cộng sản – đều là hàng nhập từ phương Tây. Và một phong cách ngôn luận kiểu Tây phương và độc lập hơn về tư duy dường như đang xuất hiện như một kết quả của việc một triệu sinh viên Trung Quốc từng du học tại nước ngoài – đa phần tại phương Tây – kể từ năm 1978; chỉ non nửa số này quay về nước, nhưng con số trở về đang tăng lên. Thế nhưng, ta chớ nên quên rằng cách đào tạo một “trí thức” ở Trung Hoa vẫn còn rất khác so với ở phương Tây. Nền giáo dục ở nước này vẫn còn chú trọng vào những đóng góp thực tiễn cho đời sống của quốc dân, và mặc dù giáo dục đại học đã được mở mang mạnh mẽ (khoảng 20 phần trăm số người tuổi từ 18 đến 30 hiện nay đã được chiêu nạp vào đại học), nhưng phương pháp truyền thụ vẫn nặng về học thuộc lòng. Ngoài ra, tất cả các sinh viên đều sẽ được giám sát chặt chẽ nhằm loại trừ bất đồng chính kiến, cùng với các khoá “giáo dục chính trị” vẫn mang tính bắt buộc.

Trương Duy Nghênh (Zhang Weiying) không thể sống thiếu xì-gà Cuba. Khi tôi đến gặp ông tại nơi ông làm việc ở Đại học Bắc Kinh, tôi nhìn thấy nửa tá hộp xì-gà hiệu Cohiba chất cao trên bàn. Những hộp xì-gà này – đáng giá vài lần thu nhập hàng năm của một nông dân Trung Quốc – là những mảnh vụn của nền tự do Tây phương (dẫu rằng chúng là sản phẩm của một quốc gia cộng sản) và là những biểu tượng của thuyết lực bản [2] mà Trương hy vọng chúng sẽ dần dần làm lu mờ và thay thế những tàn tích cuối cùng của chủ nghĩa Mao. Giống như những người chủ trương tự do kinh tế – hoặc những thành phần “cánh hữu mới” như cách gọi của các đối thủ của họ – khác, Trương cho rằng Trung Quốc sẽ không [là nước] tự do chừng nào khu vực công chưa bị dỡ bỏ và nhà nước chưa teo lại thành một cơ quan được thiết định chủ yếu để bảo vệ các quyền sở hữu.

Cánh hữu mới từng là tâm điểm của những cải cách kinh tế ở Trung Quốc trong những năm 1980 và 1990. Trương Duy Nghênh có hẳn một mẩu phúng dụ mà ông ưa kể để minh hoạ cho những cải cách này. Câu chuyện của ông kể về một cái làng sống nhờ vào những con ngựa kéo chở lặt vặt. Thế rồi, các già làng chợt nhận thấy làng bên cạnh sống tốt hơn nhờ vào đàn ngựa vằn. Thế là sau nhiều năm an sinh với những ưu điểm của ngựa thường, họ quyết định chuyển sang dùng ngựa vằn. Trở ngại duy nhất là làm thay đổi nhận thức của dân làng đã có hàng thập kỷ tôn sùng loài ngựa thường. Các già làng bèn triển khai một mưu kế. Đêm đêm, khi dân làng đã yên giấc, các cụ lấy sơn vẽ những vằn đen lên những con bạch mã. Khi dân làng tỉnh dậy, các cụ tiên chỉ vỗ về họ rằng những con ngựa có vằn kia không phải là ngựa vằn thực, mà chỉ là những con ngựa vẫn nuôi nay có thêm những nét vằn vô thưởng vô phạt. Đợi một thời gian dài nữa, các tiên chỉ của làng bắt đầu thay thế những con ngựa thường được sơn vằn bằng ngựa vằn thứ thiệt. Những con vật dị thường này đã đổi thay số phận của cả làng, làm tăng năng suất và đem lại sự giàu có cho mọi nhà. Chỉ nhiều năm sau – rất lâu sau khi toàn bộ số ngựa thường đã được thay bằng ngựa vằn và cả làng đã được hưởng lợi sau nhiều năm thịnh vượng – các già làng mới triệu tập dân làng lại và tuyên bố làng của họ là làng ngựa vằn, và ngựa vằn thì tốt còn ngựa thường thì tồi tệ.

Chuyện do Trương Duy Nghênh kể là một cách để hiểu lý thuyết của ông về “chính sách hai giá”, được thực thi lần đầu vào năm 1984. Ông lập luận rằng “chính sách hai giá” sẽ cho phép chính phủ chuyển từ một nền kinh tế do các quan chức đặt giá sang nền kinh tế do thị trường đặt giá mà không cần công khai từ bỏ sự cam kết về chủ nghĩa xã hội hoặc rơi vào thế đối lập với những người được hưởng lợi trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Theo cách này, một số hàng hóa và dịch vụ tiếp tục được bán theo giá nhà nước kiểm soát trong khi một số khác thì được bán theo giá thị trường. Dần dà tỷ lệ hàng hóa bán theo giá thị trường tăng một cách vững chắc, và tới đầu những năm 1990 thì gần như hầu hết hàng hóa đều bán theo giá thị trường. Cách xử lý “hai giá” như là hiện thân của sự kết hợp chủ nghĩa thực dụng với thuyết tiệm tiến đã cho phép các nhà cải cách của Trung Quốc đi vòng qua các vật chướng ngại thay vì đương đầu với chúng.

Cái “làng ngựa vằn” nổi tiếng nhất là Thâm Quyến. Vào cuối những năm 1970, Thâm Quyến là một làng chài chẳng mấy ai để ý, với vài nghìn dân sống trong nghèo túng. Nhưng ba chục năm sau, nó đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa tư bản Trung Hoa mà Trương Duy Nghênh và các đồng sự của ông từng gây dựng. Do vị trí cận kề Hồng Kông của nó, vào năm 1979 Thâm Quyến đã được ông Đặng Tiểu Bình chọn làm “đặc khu kinh tế” đầu tiên với những ưu đãi như được miễn thuế, được cởi trói khỏi những quy định đương thời và được phép đi tiên phong thực thi các tư tưởng thị trường mới mẻ. Những kiến trúc sư của cải cách ở Thâm Quyến đã mong ước xây dựng những nhà máy công nghệ cao có khả năng sản xuất hàng loạt hàng hóa có giá trị gia tăng để bán sang phương Tây. Những đặc khu thí điểm như thế được cấp tiền lấy từ những ngân khoản dự trữ khổng lồ của đất nước và thu nhập từ xuất khẩu. Các vùng ven biển đã thu hút một số lượng lớn người lao động đến từ nông thôn, điều đã chi phối các mức lương ở thành thị. Toàn bộ hệ thống đã được laissez-faire (= bỏ mặc không can thiệp), cho phép của cải được rò rỉ từ người giàu sang người nghèo một cách có hệ thống thay vì được tái phân phối một cách có chủ ý. Đặng Tiểu Bình tuyên bố thẳng thừng rằng “một số người phải giàu trước người khác”, với lập luận rằng các vùng khác nhau cần phải “nấu ăn trong các nhà bếp biệt lập” thay vì “góp gạo thổi cơm chung”. Kết quả là, các nhà cải cách ở những tỉnh miền Đông Trung Quốc đã được phép tự do bứt khỏi các vùng nghèo khó trong nội địa và phất lên.

Nhưng cuộc sống ngày nay đang trở nên gay go hơn đối với những nhà kinh tế chủ trương hệ thống này như Trương Duy Nghênh. Sau 30 năm thủ lợi nhờ được tư vấn bởi những tư tưởng nhập khẩu từ phương Tây, giờ đây nước Trung Hoa lại không mặn mà nữa với cánh hữu mới. Những cuộc thăm dò dư luận cho thấy họ đang là nhóm thiểu số nhất ở Trung Quốc. Sự bất an của công chúng đối với cái giá phải trả cho cải cách đang gia tăng, với những cuộc phản kháng của những công nhân mất việc, những lo lắng về sự biển thủ bất hợp pháp và những khoản tiền lương bị quỵt. Và các tư tưởng thị trường lại bị thách thức bởi một “cánh tả mới”, những người đang hậu thuẫn cho một hình thái hiền hòa hơn của chủ nghĩa tư bản. Một cuộc đấu tranh tư tưởng đang đối lập nhà nước với thị trường, đối lập các vùng duyên hải với các tỉnh nội địa, đối lập các đô thị với các thôn quê, đối lập kẻ giàu với người nghèo.

Uông Huy (Wang Hui) là một trong những thủ lĩnh của cánh tả mới, một tụ tập lỏng lẻo của số trí thức đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của công luận và đang gây thanh thế cho cuộc thảo luận về chính trị thông qua các bài báo của họ đăng trên những tạp chí như tờ Dushu (Độc thư = “Đọc sách”). Uông Huy vốn là sinh viên ngành văn học chứ không phải ngành chính trị học, nhưng anh đã chuyển sang chính trị thông qua vai trò của anh trong những cuộc biểu tình của sinh viên năm 1989 tập kết ở Quảng trường Thiên An Môn. Giống như hầu hết trí thức trẻ thời đó, Uông từng là một tín đồ cuồng nhiệt đối với tiềm năng của thị trường. Nhưng sau vụ thảm sát Thiên An Môn, anh đã bỏ lên miền núi lẩn trốn hai năm, nhờ đó hiểu biết về nông dân và công nhân. Trải nghiệm của anh ở nơi đó đã khiến anh hoài nghi công lý của các thị trường tự do vô luật lệ, và khiến anh tin rằng nhà nước phải đóng một vai trò ngăn chặn tình trạng bất bình đẳng. Các tư tưởng của Uông Huy còn được phát triển thêm trong thời gian anh lưu vong qua Hoa Kỳ những năm 1990, nhưng cũng giống như nhiều nhà tư tưởng cánh tả mới khác anh đã quay về Hoa lục – trong trường hợp của Uông, anh về làm giảng viên tại Đại học Thanh Hoa danh tiếng. Năm ngoái tôi đã gặp Uông tại quán “Thinker's Café” ở Bắc Kinh, một nơi kín đáo sáng sủa và thoáng đãng với những chiếc sofa êm dịu và cà phê espresso pha tại chỗ. Nom anh hệt như một trí thức công sở nguyên mẫu: tóc hớt ngắn, áo khoác màu nâu và áo len chui cổ màu đen. Nhưng Uông Huy không sống trong tháp ngà. Anh viết những phóng sự phơi bầy những chuyện tham nhũng ở địa phương và giúp đỡ người lao động tự tổ chức để chống lại những vụ tư nhân hoá bất hợp pháp. Sự chiêu mộ các thành viên của nhóm Uông Huy là “mới” bởi lẽ, không giống như lớp người “tả khuynh” cũ, nhóm của anh ủng hộ những cải cách hướng thị trường. Nó là “tả” bởi lẽ, khác với “cánh hữu mới”, nó ưu tư về sự bất bình đẳng: “Nước Trung Hoa bị kẹt giữa hai thái cực – một bên là chủ nghĩa xã hội lầm lạc và bên kia là chủ nghĩa tư bản thân hữu, và nó lãnh đủ bởi những phần tử cặn bã của cả hai phía... Tôi ủng hộ việc đưa đất nước tiến theo những cải cách hướng thị trường, thế nhưng sự phát triển của Trung Quốc cần phải cân bằng hơn nữa. Chúng ta không được dành mọi ưu tiên cho tăng trưởng GDP đến mức bất chấp các quyền của người lao động và không đếm xỉa đến môi trường.”

Triết lý của cánh tả mới là sản phẩm của sự sung túc tương đối của Trung Quốc. Giờ đây khi thị trường đang dẫn dắt sự tăng trưởng kinh tế, họ đòi điều cần phải làm đối với sự giàu có. Liệu có nên để của cải tiếp tục tích tụ vào tay một giới tinh hoa, hay là Trung Quốc cần cổ vũ cho một hình mẫu phát triển đem lại lợi ích cho mọi công dân? Họ muốn phát triển một biến thể Trung Quốc của chủ nghĩa dân chủ xã hội (the social democracy – N.D.). Uông Huy nói: “Chúng tôi không thể trông mong vào một nhà nước theo hình mẫu Đức hoặc Bắc Âu. Chúng tôi có một đất nước lớn đến nỗi nhà nước cũng phải lớn để cung ứng một phúc lợi như thế. Vậy nên chúng ta cần một sự canh tân về thể chế.” Vương Thiệu Quang (Wang Shaoguang, một nhà kinh tế học chính trị) thì đang nói về sự chăm sóc y tế giá rẻ. Thôi Chi Nguyên (Cui Zhiyuan, một nhà lý thuyết chính trị) thì đang nỏi về việc cải cách các quyền sở hữu để trao cho người lao động một tiếng nói ở tất cả các công ty họ đang làm việc. Hồ An Cương (Hu Angang, một nhà kinh tế học) thì quan tâm đến sự phát triển xanh.

Cán cân quyền lực ở Bắc Kinh đang chuyển sang phía tả một cách êm ái. Hồi cuối năm 2005, Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo công bố “kế hoạch 5 năm lần thứ 11” và bản đồ án của hai ông cho một “xã hội hài hòa”. Lần đầu tiên kể từ khi kỷ nguyên cải cách được khởi xướng năm 1978, tăng trưởng kinh tế không còn được mô tả như là mục tiêu bao trùm đối với nhà nước Trung Quốc. Thay vì vậy, hai ông đã nói đến việc khai thuỷ một nhà nước phúc lợi với những hứa hẹn sẽ tăng 20 phần trăm mỗi năm các quỹ hưu trí, trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế và nghỉ sinh con. Đối với nông thôn Trung Quốc, hai ông này đã hứa sẽ chấm dứt các khoản thuế tuỳ tiện, cải thiện y tế và giáo dục. Các ông cũng trịnh trọng giao hẹn sẽ tiết giảm 20 phần trăm mức tiêu dùng năng lượng.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 là một cái khuôn dưỡng cho một hình mẫu Trung Hoa mới. Nhìn từ lập trường tân hữu, đó là một cuộc thực nghiệm thường xuyên – một tiến trình cải cách từ tốn thay vì một liệu pháp sốc. Và nó chấp nhận việc thị trường sẽ dẫn dắt sự tăng trưởng kinh tế. Nhưng theo quan điểm tân tả thì mô hình kia đang kéo theo một mối quan ngại về sự bất bình đẳng và môi trường, cùng với sự truy cầu những định chế mới khả dĩ kết hợp được nhuần nhuyễn giữa hợp tác và cạnh tranh.

Tháng Hai năm 2007, Hồ Cẩm Đào hãnh diện loan báo việc thành lập một đặc khu kinh tế mới, được hoàn tất nhờ sự phối hợp thông thường giữa các khoản tiền trợ cấp xuất khẩu, ưu đãi thuế và những hạng mục đầu tư cho đường bộ, đường sắt và đường biển. Chỉ có điều cái đặc khu kinh tế này lại nằm ở giữa lòng châu Phi, trong vành đai mỏ đồng của Zambia. Trung Quốc đang cấy ghép mô hình phát triển của họ vào lục địa Phi châu bằng việc kiến thiết một loạt “ổ trục” công nghiệp liên kết với phần còn lại của thế giới bằng đường sắt, đường bộ và đường biển. Zambia sẽ là sân nhà của “ổ trục kim loại” của Trung Quốc, cung cấp cho nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đồng, cobalt, kim cương, thiếc và uranium. Đặc khu thứ hai sẽ là ở Mauritius (tức Mô-ri-ta-ni-a – N.D.), cung ứng cho Trung Quốc một “ổ trục doanh thương”, cho phép 40 doanh nghiệp Trung Quốc được hưởng quyền ưu đãi thâm nhập một thị trường chung gồm 20 nước thành viên ở Đông phần và Nam phần châu Phi, trải dài từ Libya tới Zimbabwe, cùng lúc với quyền thâm nhập các thị trường Ấn Độ dương và Nam Á. Đặc khu kinh tế thứ ba – một “ổ trục vận tải biển” – có lẽ sẽ nằm tại thủ đô Dar es Salaam của Tanzania. Các nước Nigeria, Liberia và quần đảo Cape Verde (Cáp Ve – N.D.) đang cạnh tranh nhau để trở thành hai “ổ trục” mới khác. Theo cùng một cách mà Đông Âu đã thay đổi bằng cuộc ganh đua gia nhập Liên Âu (EU), chúng ta cũng có thể chứng kiến một châu Phi biến đổi nhờ ganh đua nhau thu hút đầu tư của Trung Quốc.

Với việc xây dựng những đặc khu này, Bắc Kinh đang xắn tay áo lao vào một cuộc chơi tốn kém, xây dựng dọc ngang lục địa Phi châu một lưới đường bộ và đường xe lửa mới – những khoản đầu tư vượt xa những gì mà các thế lực thực dân cũ từng làm. Chưa kể đến chuyện sự hiện diện của Trung Quốc đang làm thay đổi các lề luật trong phát triển kinh tế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vốn quen đem Chúa Trời ra dọa các quan chức chính quyền địa phương và những nhà lãnh đạo được tuyển cử (ở châu Phi này – N.D.), nhưng giờ đây họ đang phải vật lộn để hòng được ngay cả những quốc gia nghèo nhất châu Phi lắng nghe. IMF từng bỏ ra nhiều năm thương lượng một hiệp định về chống tham nhũng với chính phủ Angola, thế rồi chỉ vài giờ trước thời điểm lễ ký được ước hẹn (vào tháng Ba năm 2004), giới cầm quyền Luanda đã tuyên bố rằng họ chẳng quan tâm đến tiền bạc (của IMF) nữa: họ vừa được Trung Quốc bảo đảm cho vay ưu đãi 2 tỷ đô-la. Câu chuyện này được lặp đi lặp lại khắp lục địa châu Phi, từ Cộng hoà Chad tới Nigeria, từ Sudan tới Algeria, từ Ethiopia và Uganda tới Zimbabwe.

Nhưng sự truyền bá mô hình Trung Quốc còn lan xa hơn cả những khu vực đã được các nhà đầu tư Trung Quốc để mắt đến. Các tổ nghiên cứu đến từ các quốc gia thu nhập trung bình và nghèo từ Iran tới Ai Cập, từ Angola tới Zambia, từ Kazakhstan tới Nga, từ Ấn Độ tới Việt Nam và từ Brazil tới Venezuela đã từng lê bước khắp các đô thị và đồng quê Trung Quốc để tìm kiếm những bài học từ kinh nghiệm của Bắc Kinh. Những trí thức như Trương Duy Nghênh và Hồ An Cương đã từng được yêu cầu huấn luyện các tổ nghiên cứu đó. Vô số quốc gia đang sao chép “mô thức phát triển Bắc Kinh” – phát triển dưới sự chỉ đạo của nhà nước, sử dụng tiền công và đầu tư nước ngoài để xây dựng các ngành công nghiệp đòi hỏi vốn lớn. Những phiên bản copy của các đặc khu kinh tế đang mọc lên khắp thế giới như nấm sau mưa – WB ước tính đang có tới hơn 3000 dự án được triển khai tại 120 quốc gia. Toàn cầu hóa từng được cho là sự khải hoàn trên toàn thế giới của kinh tế thị trường, nhưng Trung Quốc lại đang chứng minh rằng chủ nghĩa tư bản nhà nước là một trong những kẻ thủ lợi kếch xù nhất.

Khi các ý tưởng thị trường tự do được truyền bá khắp hoàn cầu thì tư tưởng về nền dân chủ khai phóng (liberal democracy) cũng bám gót theo. Nhưng đối với giới cầm quyền ở Bắc Kinh, chẳng có gì là bất khả chuyển xung quanh câu chuyện về nền dân chủ khai phóng đó. Một trong những nét gây ngạc nhiên hơn cả trong đời sống trí thức Trung Hoa là cái cách mà các trí thức “dân chủ” – những người vào những thập kỷ 1980 và 1990 từng yêu sách về bầu cử dân chủ – đã làm thay đổi địa vị của bản thân họ trong công cuộc cải cách chính trị.

Về chuyện cải tổ chính trị thì Du Khả Bình (Yu Keping) cũng giống như Trương Duy Nghênh. Ông ta là ngôi sao đang lên và một cố vấn không chính thức cho Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Ông đứng đầu một viện vừa là trường đại học, vừa là cơ quan tham mưu chính sách, lại vừa là nhà tư vấn về quản lý trong cải cách hành chính. Khi nói về tương lai chính trị của đất nước, ông thường đưa ra một so sánh trực tiếp [câu chuyện đó] với những gì xảy ra trong địa hạt kinh tế. Lần cuối cùng khi tôi gặp ông ở Bắc Kinh, ông nói với tôi rằng một cải cách chính trị “sau một đêm” [3] sẽ gây tai họa cho Trung Quốc tựa như một “liệu pháp sốc” về kinh tế vậy. Thay vì vậy, ông đã xúc tiến một ý tưởng về dân chủ nhích dần từng bước một theo cách của nó xuất phát từ những thử nghiệm thành công ở cấp cơ sở. Ông kỳ vọng rằng bằng việc xúc tiến dân chủ trước tiên trong nội bộ Đảng Cộng sản, dân chủ sau đó sẽ lan ra phần còn lại của xã hội. Hệt như việc các vùng duyên hải từng được phép “làm giàu trước”, ông Du Khả Bình cho rằng các đảng viên cộng sản cũng nên “thực hành dân chủ trước”, thông qua những cuộc bầu bán trong nội bộ Đảng.

Ở những nơi nào mà các vùng duyên hải được hưởng lợi từ các thế mạnh kinh tế tự nhiên như sự cận kề với Hồng Kông, sự sử dụng tiếng Quảng Đông [4] và mạng lưới đường giao thông, Du Khả Bình cũng nhìn thấy những lợi thế đối với các đảng viên cộng sản – tỷ như trình độ văn hóa cao và khả năng ăn nói lưu loát –, những nhân tố đang khiến họ trở thành đội tiên phong tự nhiên của dân chủ. Còn hơn thế, Du có thể chỉ ra những thí dụ đang hiển hiện. Theo gợi ý của ông, vào năm 2006 tôi đã đến một huyện có tên gọi Pinchang trong tỉnh Tứ Xuyên, nơi các đảng viên cộng sản được phép bầu ra những người đứng đầu các cơ quan ở cấp thị trấn. Về lâu về dài, dân chủ có thể được mở rộng lên các cấp bậc cao hơn của đảng, kể cả những cuộc bầu cử có cạnh tranh vào những vị trí cao cấp nhất. Kết cục lô-gích được kéo theo từ những ý tưởng của Du về nền dân chủ nội đảng này có thể sẽ là sự phân ly Đảng Cộng sản thành nhiều nhóm chống chọi nhau về ý thức hệ để tranh giành sự ủng hộ. Có thể hình dung được rằng các phe nhóm tân hữu hoặc tân tả một ngày nào đó thậm chí sẽ trở thành những chính đảng chính thức bên trong Đảng Cộng sản. Nếu coi Đảng cộng sản là một quốc gia, thì 70 triệu đảng viên của nó sẽ là một nước còn lớn hơn Anh quốc. Song cũng khó mà hình dung nổi một huyện Pinchang xa lắc và nghèo rớt lại trở thành một hình mẫu cho những đô thành hoa lệ như Thượng Hải, Bắc Kinh hay Thâm Quyến. Cho tới nay, chưa có huyện nào trong số 2860 huyện của Trung Quốc đi theo sau Pinchang hết.

Nhiều trí thức ở Trung Quốc đang bắt đầu cật vấn về tính hữu ích của các cuộc bầu cử. Phan Vĩ (Pan Wei), một minh tinh đang lên khác ở Đại học Bắc Kinh, ngay lần đầu gặp tôi đã chỉ trích tôi là quá chú tâm tới những thử nghiệm dân chủ ở cơ sở. Ông nói: “Thử nghiệm dân chủ ở Tứ Xuyên sẽ chẳng đi tới đâu hết. Giới lãnh đạo địa phương có mục tiêu chính trị cá nhân của họ: họ chỉ mong tên tuổi họ được mọi người biết đến. Nhưng cuộc thử nghiệm đó đã bất thành. Trên thực tế, Tứ Xuyên là nơi có số cuộc biểu tình phản kháng của quần chúng nhiều hơn cả. Ít có nơi nào khác muốn bắt chước Tứ Xuyên.”

Các tư tưởng gia Trung Hoa lập luận rằng tất cả các nền dân chủ phát triển đều đang đối mặt với khủng hoảng chính trị: số người tham gia bầu cử đang rớt đài, niềm tin vào các lãnh tụ chính trị đang suy giảm, các đảng phái đang mất dần đảng viên và chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy. Các nhà tư tưởng này nghiên cứu những phương pháp mà giới lãnh đạo phương Tây đang thực thi để leo lên đứng đầu các chính đảng và việc họ khai phá những kỹ thuật mới để tiếp cận quần chúng như trưng cầu dân ý, thăm dò dư luận hoặc các “bồi thẩm đoàn công dân”. Phương Tây vẫn coi bầu cử đa đảng là thành tố trung tâm của tiến trình chính trị, nhưng cũng đang bổ sung thêm nhiều kiểu thức thảo luận mới. Trung Quốc, theo các tư tưởng gia chính trị mới, sẽ tiến hành mọi việc theo một cách khác hẳn: trong khi bầu cử [chỉ] được sử dụng bên lề, những cuộc tham khảo ý kiến công khai, những cuộc họp và khảo cứu ở cấp chuyên viên sẽ trở thành yếu tố trung tâm của sự hoạch định chính sách. Ý tưởng này đã được mô tả rất súc tích bởi Phòng Ninh (Fang Ning), một nhà khoa học chính trị ở Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Phòng so sánh nền dân chủ ở phương Tây với một nhà hàng có những thực đơn cố định mà ở đó, thực khách có thể chọn lọc được bản sắc riêng của mỗi ông đầu bếp, nhưng khách chẳng có tiếng nói nào trong việc ông đầu bếp kia lựa chọn các món ăn sẽ nấu cho họ. Nền dân chủ Trung Hoa, trái lại, bao giờ cũng chỉ có một đầu bếp thôi – đó là Đảng Cộng sản –, nhưng các món ăn chính sách mà thực khách được phục vụ thì lại được chọn “à la carte” [5] (= “theo ý muốn”).

Trùng Khánh là một thị khu trực thuộc trung ương có 30 triệu dân mà ít người ở phương Tây biết tới. Nó náu mình trên một vùng núi, ở nơi hợp lưu của các con sông Dương Tử và Gia Lăng, và đang nỗ lực để trở thành một phòng thí nghiệm sống các ý tưởng của những trí thức như Phan Vĩ và Phòng Ninh. Chính quyền thành phố đã buộc cho mọi quyết định quan trọng phải được lấy trên cơ sở tham khảo ý kiến công khai – trực tiếp với cá nhân, thông qua ti-vi và Internet. Điều khiến cho giới chức ở đây hãnh diện hơn cả là những quyết định về giá vé tàu cao tốc, đã được hạ từ 15 nguyên [6] xuống chỉ còn 2 nguyên (tương đương khoảng 4000 đồng Việt Nam – N.D.). Thử nghiệm này đang được nhân rộng tại các thành phố khác trên toàn Trung Quốc. Nhưng một thử nghiệm còn thú vị hơn nữa đang được tiến hành tại thị trấn Zeguo thuộc thành phố Wenling – thử nghiệm này sử dụng một kỹ thuật mới gọi là “đầu phiếu có thảo luận” để lấy những quyết định lớn về chi tiêu. Đây là đứa con tinh thần của một nhà khoa học chính trị đến từ Đại học Stanford tên là James Fishkin, một giải pháp quay về với một mô hình dân chủ thời Athena (xem “The thinking voter”, Prospect Magazine, issue 98, May 2004). Kỹ thuật này yêu cầu chọn ngẫu nhiên một nhóm cư dân “mẫu” và mời họ tham gia vào một quá trình tư vấn cùng với các chuyên gia, sau đó yêu cầu họ bỏ phiếu cho vấn đề cần giải quyết. Thị trấn Zeguo đã sử dụng kỹ thuật này để quyết định cách chi 40 triệu nguyên (khoảng 80 tỷ đồng Việt Nam – N.D.) từ công quỹ. Cho tới nay, thử nghiệm này mới chỉ được thực hiện một lần duy nhất, nhưng cả Fishkin và nhà khoa học chính trị Trung Quốc Hà Bảo Cương (He Baogang) đều tin rằng “đầu phiếu có thảo luận” có thể là một khuôn mẫu cho cải tổ chính trị.

Giới chức ý hẳn đang sẵn sàng thử nghiệm tất cả các dạng canh tân chính trị. Ở Zeguo, người ta thậm chí còn đưa ra một hình thức chính quyền thông qua “nhóm tiêu điểm”. Nhưng tiêu chuẩn chính yếu dẫn dắt cải tổ chính trị dường như vẫn là không được đe dọa nền độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản. Liệu có còn một hình thái thích ứng nào của chủ nghĩa toàn trị có thể giúp nó biến hoá thành một nhà nước chính danh và ổn định hơn thế nữa hay không?

Về lâu dài, nhà nước độc đảng của Trung Quốc có thể sụp đổ lắm. Tuy nhiên, trong trung hạn, chế độ này có vẻ như đang phát triển những kỹ xảo ngày càng tinh vi để kéo dài sự sống sót của nó và ngăn chặn trước sự bất mãn. Trung Quốc đã làm thay đổi hẳn ngôn ngữ tranh biện về toàn cầu hóa bằng cách chứng minh rằng các chế độ toàn trị có thể đem đến tăng trưởng kinh tế. Trong tương lai, mô hình của nước này về một “nền chuyên chế có thảo luận” có thể cho thấy những nhà nước độc đảng cũng có khả năng có được một mức độ nào đó của tính chính đáng và được đông đảo quần chúng chấp nhận. Và nếu như những cuộc thử nghiệm lấy tư vấn công chúng của Trung Quốc mà thành công, các chế độ độc tài trên khắp thế giới sẽ lấy lại được can đảm từ cái mô hình cho phép các nhà nước độc đảng tiếp tục sống sót trong kỷ nguyên của toàn cầu hóa và phổ cập truyền thông.

Các học giả về Trung Quốc ở phương Tây đang tranh luận xem liệu có phải nước này đang xúc tiến tích cực một nền chuyên chế, hay đó chỉ là cách nó theo đuổi quyền lợi quốc gia một cách chuyên chú. Bất luận là thế nào, Trung Quốc đã nổi lên như một nhà vô địch toàn cầu lớn nhất của chủ nghĩa toàn trị. Tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch) than phiền rằng “chương trình viện trợ nước ngoài đang gia tăng của Trung Quốc đã tạo ra những lựa chọn mới cho những tên độc tài trước đó chỉ sống nhờ vào những người luôn luôn đòi hỏi những tiến bộ về nhân quyền.”

Song le, sự đột phá của Trung Quốc vào nền chính trị quốc tế rồi sẽ không chỉ dừng lại ở việc nước này hậu thuẫn cho bọn độc tài châu Phi. Nó còn đang tìm cách định nghĩa lại khái niệm quyền lực trên vũ đài thế giới. Quả thật, [ở Trung Quốc] việc đo lường cái “quyền lực quốc gia tổng hợp” (comprehensive national power, CNP) đã trở thành một niềm đam mê toàn quốc. Mỗi một trong số các cơ quan tham vấn chính sách đối ngoại lớn [của Trung Quốc] đều đã từng bày ra những tiêu chí của mình để lượng hóa từng quyền lực của quốc gia – kinh tế, chính trị, quân sự và văn hóa. Và trong cái kỷ nguyên của toàn cầu hóa và của những chuẩn mực phổ quát này, điều nổi bật nhất ở các chiến lược gia Trung Quốc là sự tập trung vô liêm sỉ của họ vào quyền lực “quốc gia”. Ý tưởng đoạt lại chủ quyền từ các thế lực kinh tế toàn cầu, từ các công ty và ngay cả từ các cá nhân đang là tâm điểm của thế giới quan Trung Quốc.

Dương Nghị (Yang Yi) là một quân nhân, một chuẩn đô đốc hải quân và thủ trưởng của một viện nghiên cứu chính sách quân sự hàng đầu ở Trung Quốc. Là một nhân vật cứng rắn trong việc kiến tạo chính sách đối ngoại của Trung Quốc, tư tưởng của Dương về quyền lực còn vượt xa cả những đánh giá về các hệ thống vũ khí mới nhất. Ông lập luận rằng Hoa Kỳ đã tạo ra một “thế bao vây chiến lược” xung quanh Trung Quốc bằng cách giả bộ “cao đạo” trong các quan hệ quốc tế. Cứ mỗi lần Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nỗ lực tự khẳng định mình trong ngôn ngữ ngoại giao, tìm kiếm hiện đại hóa sức mạnh quân sự hoặc mở rộng quan hệ với các quốc gia khác thì Hoa Kỳ đều coi đó là một mối đe dọa. Và thế là, Dương than phiền, các nước còn lại trên thế giới bao giờ cũng theo đuôi siêu cường này: “Hoa Kỳ có tiếng nói cuối cùng trong việc tạo ra hoặc xét lại các luật chơi quốc tế. Họ thống lĩnh các ngôn từ quốc tế... Hoa Kỳ thường nói ‘Các vị được làm việc này, không được làm việc kia’.”

Một trong những dụng ngữ thời thượng trong giới làm chính sách đối ngoại Trung Quốc là “quyền lực mềm” (âm Quan Thoại ruan quanli “nhuyễn quyền lực”, tiếng Anh ‘soft power’ – N.D.). Tư tưởng này được nhà khoa học chính trị người Mỹ Joseph Nye phát minh vào năm 1990, nhưng nó lại được xúc tiến ở Bắc Kinh một cách sốt sắng hơn nhiều so với ở Washington D.C. Vào tháng Tư năm 2006, một hội nghị đã được tổ chức ở Bắc Kinh để khởi động “giấc mơ Trung Quốc” – sự đáp trả của Trung Quốc đối với “giấc mơ Mỹ”. Đây là một toan tính gắn kết Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với ba khái niệm đầy quyền uy: phát triển kinh tế, chủ quyền chính trị và luật quốc tế. Trong khi các nhà ngoại giao Mỹ nói về thay đổi chế độ, các đồng nhiệm Trung Quốc của họ nói về tôn trọng chủ quyền và sự đa dạng của các nền văn minh. Trong khi chính sách ngoại giao Hoa Kỳ sử dụng các chế tài và phép cô lập để bảo trì các mục tiêu chính trị của mình, người Trung Quốc lại chìa ra viện trợ và doanh thương không kèm theo bất cứ ràng buộc nào. Trong khi Hoa Kỳ áp đặt những ưu tiên của họ đối với các đồng minh bất đắc dĩ, Trung Quốc ít nhất cũng tỏ vẻ miễn cưỡng lắng nghe các quốc gia khác.

Thế nhưng, trong khi tất cả các nhà tư tưởng Trung Hoa muốn tăng cường quyền lực quốc gia, họ lại bất đồng về các mục tiêu dài hạn của đất nước họ. Một mặt, những người quốc tế chủ nghĩa chủ trương khai phóng như Trịnh Tất Kiên (Zheng Bijian) thích nói đến sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc và cách thức nước này quay trở lại với thế giới, thích ứng với các chuẩn mực toàn cầu và học cách đóng góp tích cực vào trật tự thế giới. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã từng tham gia các cuộc hội đàm sáu bên để giải quyết vấn đề hạt nhân ở Bắc Triều Tiên; đã làm việc với Liên Âu, Nga và Hoa Kỳ về Iran; đã giữ lập trường hoà giải về thay đổi khí hậu tại một hội nghị quốc tế ở Montreal năm 2005; và đã gửi 4000 lính gìn giữ hòa bình tham gia vào các sứ mệnh của Liên hợp quốc. Ngay cả trong những vấn đề mà Trung Quốc còn bất đồng với phương Tây – tỷ như “can thiệp nhân đạo” – thì lập trường của Trung Quốc cũng đã trở nên uyển chuyển hơn. Khi phương Tây can thiệp vào Kosovo, Trung Quốc đã phản đối trên cơ sở coi đó là sự vi phạm “nguyên tắc không can thiệp”. Về Iraq, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng. Còn về Darfur, vào năm 2006 Trung Quốc cuối cùng cũng đã bỏ phiếu cho một uỷ trị của Liên hợp quốc về đội quân gìn giữ hoà bình – mặc dù Bắc Kinh vẫn đang bị lên án vì những quan hệ khăng khít của họ với chính quyền Sudan.

Mặt khác, những tay “tân bảo thủ” Trung Quốc – có lẽ nên gọi họ là “tân cộng sản” – như Dương Nghị và người đồng sự Diêm Học Thông (Yan Xuetong) của ông ta thì tranh biện một cách cởi mở rằng họ đang vận dụng tư duy hiện đại để giúp Trung Quốc thực hiện những giấc mơ xa xưa. Mục tiêu lâu dài của họ là nhìn thấy Trung Quốc quay trở lại địa vị đại cường quốc. Giống như nhiều học giả Trung Hoa, Diêm Học Thông từng nghiền ngẫm những tư tưởng cổ đại. Ông cho biết: “Gần đây, tôi đã đọc lại tất cả các trước tác của các học giả Trung Quốc cổ đại và khám phá ra rằng các tiên sinh này thật là thông tuệ – tư tưởng của họ thích đáng hơn nhiều so với những lý thuyết về quan hệ quốc tế hiện đại nhất”. Điều làm cho Diêm thích thú nhất là cách thức mà các tác gia Trung Quốc cổ đại phân biệt hai loại trật tự: “vương” (nghĩa đen là “vua”) và “bá” (“chúa đất lớn”). Hệ thống “vương” xoay quanh một siêu cường quyền thế làm trung tâm, nhưng địa vị đứng đầu của siêu cường này dựa trên một sự cai trị hiền từ, chứ không phải sự o ép hoặc bành trướng lãnh thổ. Còn hệ thống “bá”, trái lại, là một hệ thống đầu lãnh cổ điển, trong đó quốc gia nào mạnh hơn cả thì áp đặt trật tự lên các nước xung quanh. Rồi Diêm giải thích làm thế nào mà thời cổ người Trung Quốc đã vận hành cả hai hệ thống: “Trong phần châu Á thuộc Trung Hoa, chúng tôi có một hệ thống “vương”. Bên ngoài phạm vi này, khi phải ứng xử với các “man di”, chúng tôi có một hệ thống “bá”. Điều đó cũng y hệt như Hoa Kỳ ngày nay: trong câu lạc bộ phương Tây nó hành xử theo lối “vương”, không sử dụng vũ lực hoặc khai thác các tiêu chuẩn kép; nhưng ở tầm toàn cầu, Hoa Kỳ là “bá” – sử dụng sức mạnh quân sự và khai thác các tiêu chuẩn kép.” Theo Diêm Học Thông, Trung Quốc sẽ có hai lựa chọn một khi nó trở nên mạnh hơn. “Nó có thể trở thành một bộ phận của hệ thống “vương” phương Tây; nhưng điều này sẽ đồng nghĩa với việc nó thay đổi hệ thống chính trị để trở thành một nước dân chủ. Lựa chọn kia là Trung Quốc tự xây dựng lấy hệ thống của riêng mình.”

Mâu thuẫn giữa các nhà quốc tế khai phóng và các “tân cộng sản” là một biến thể hiện đại của sự phân chia thời Mao giữa hai chính sách đối ngoại tư sản và cách mạng. Trong vòng ít năm tới, Trung Quốc hiển nhiên sẽ thành tư sản. Với đôi chút dè dặt, Trung Quốc đã quyết định tham gia vào nền kinh tế toàn cầu và các định chế quốc tế. Mục đích của Trung Quốc là củng cố những định chế này để kiềm chế Hoa Kỳ và bảo đảm một môi trường hòa bình cho sự phát triển của Trung Quốc. Nhưng trong trường hạn, một số người Trung Quốc vẫn nuôi mộng xây dựng một trật tự thế giới theo hình ảnh của Trung Hoa. Tư tưởng là tránh đối đầu trong khi làm thay đổi thực tiễn về căn bản. Hệt như cách họ đang làm trong chính sách đối nội, người Trung Quốc hy vọng gây dựng nên những túi tiền trong một thực tại luôn đổi thay – như ở châu Phi – nơi các giá trị và chuẩn mực Trung Hoa chứ không phải phương Tây đang ngày càng quyết định tiến trình các sự kiện.

Những tác phẩm Tây phương như Liên Âu và NATO – được xác định như một sự “góp gạo thổi cơm chung” thì hơn là những định chế để bảo vệ chủ quyền – có lẽ rồi sẽ có ngày tìm được những kẻ bằng vai phải lứa là khối Cộng đồng Đông Á đang thai nghén và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Thông qua những tổ chức này, Trung Quốc đang tái cam kết với các lân bang về dụng ý hòa bình của mình và đang tạo ra một cộng đồng lợi ích mới mà ở đó, Hoa Kỳ bị loại ra ngoài. Một cựu quan chức Hoa Kỳ, bà Susan Shirk, đã so sánh nền ngoại giao đa biên của Trung Quốc với nền ngoại giao Hoa Kỳ sau Đệ nhị Thế chiến: “Bằng cách ràng buộc chính mình vào luật lệ và các chế độ quốc tế, Hoa Kỳ đã thiết lập thành công một trật tự bá quyền.”

Liên hợp quốc cũng đang trở thành một bộ khuếch đại của thế giới quan Trung Quốc. Không giống như Nga luôn xử sự một cách ngang ngạnh, thích thú với năng lực tự thân công nhiên làm thất bại các kế hoạch của Hoa Kỳ và Liên Âu, Trung Quốc có xu hướng chọn lựa một tư thế hòa giải. Trong thời đoạn chạy đà trước cuộc chiến tranh Iraq, mặc dù chống lại hành động quân sự, Trung Quốc đã để cho Pháp, Đức và Nga đứng đầu phe chống đối. Năm 2005 khi diễn ra cuộc tranh cãi về việc mở rộng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc đã khuyến khích các quốc gia châu Phi đòi chỗ ngồi của họ, một động thái đã thực sự làm tiêu tan nỗ lực của Nhật Bản muốn kiếm chiếc ghế uỷ viên thường trực. Tương tự, Bắc Kinh đã sẵn sàng để cho Tổ chức Các nước Hồi giáo đầu trò trong việc làm suy yếu Uỷ hội Nhân quyền mới của Liên hợp quốc. Đường lối ngoại giao này đã tỏ ra hiệu quả trong việc góp phần làm suy giảm mạnh ảnh hưởng của Hoa Kỳ: vào năm 1995 Hoa Kỳ từng giành được 50,6 phần trăm phiếu bầu tại Đại Hội đồng; sang năm 2006, con số này tụt xuống chỉ còn 23,6 phần trăm. Về nhân quyền, kết quả thậm chí còn bi đát hơn: tỷ lệ giành điểm của Trung Quốc tăng vọt từ 43 lên 82 phần trăm, trong lúc Hoa Kỳ tụt dốc từ 57 xuống còn 22 phần trăm. James Traub, phóng viên thường trú tại Liên hợp quốc của tờ New York Times, nói: “Hiển nhiên là cho tới nay Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chỉ có thể vận hành như thể Hoa Kỳ lãnh dạo nó. [Nhưng] châm ngôn này sẽ sớm được áp dụng cho Trung Quốc.”

Tranh cãi giữa các trí thức Trung Quốc sẽ tiếp tục hừng hực bên trong các viện tham mưu chính sách, trên báo chí và trong các trường đại học; và nếu về những chủ đề nhạy cảm hơn – trên Internet. Các tư tưởng gia Trung Quốc sẽ còn tiếp tục hành vi của những con quạ khoang trí thức, xào xáo những ý tưởng Tây phương để chúng thích ứng với các mục tiêu của họ, cũng như chôm chỉa có chọn lọc những trí niệm lấy từ chính lịch sử đất nước họ. Một khi dấu ấn toàn cầu của Trung Quốc lớn lên, có thể chúng ta rồi sẽ thấy mình trở nên quen thuộc với các tư tưởng của Trương Duy Nghênh và Uông Huy, của Du Khả Bình và Phan Vĩ, của Diêm Học Thông và Trịnh Tất Kiên như chúng ta đã từng quen với các ý niệm của các học giả Hoa Kỳ trong những thập niên trước đây – từ các nhà kinh tế học thời Reagan những năm 1980 tới những chiến lược gia tân bảo thủ của “kỷ nguyên 11 tháng Chín”.

Trung Quốc không phải là một xã hội cởi mở trí thức. Nhưng sự xuất hiện của tranh luận chính trị tự do hơn, đám đông du sinh trở về sau khi thụ giáo dưới “trời Tây” và những sự kiện quốc tế trọng đại như Thế vận hội đang làm cho nó thoáng đãng hơn. Và nếu như những cuộc thử nghiệm đang được giới lãnh đạo Trung Quốc liên tục tiến hành về những phương pháp mới để điều hành xã hội mà thành công, thì đó sẽ là điều gì đó thật lớn lao, thật kinh khủng và thật thực dụng. Họ đã dùng các đặc khu kinh tế để thử thách triết lý thị trường. Giờ đây họ lại đang kiểm nghiệm cả nghìn ý tưởng khác – từ “dân chủ có thảo luận” tới những liên minh khu vực. Từ cái phòng thí nghiệm xã hội này, một thế giới quan mới đang trồi lên, một thế giới quan có lẽ đã kết tinh vừa đúng lúc vào trong cái mô hình Trung Hoa khả dĩ được chấp nhận – một lối đi khác, phi-Tây-phương cho phần còn lại của thế giới dẫm bước theo.


Mark Leonard là giám đốc điều hành của Hội đồng Âu châu về Quan hệ Đối ngoại, tác giả của cuốn sách Trung Quốc nghĩ gì? (What Does China Think?) vừa được nhà xuất bản 4th Estate ấn hành.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Ngụ ý những cuộc biểu tình đòi dân chủ của thanh niên / sinh viên và cuộc thảm sát của chính quyền Trung Quốc tại Bắc Kinh hồi đầu năm 1989. (Tất cả các chú thích đều của talawas.)
[2]‘thuyết lực bản’, ‘lực bản luận’ hay ‘vật lực luận’ (tiếng Anh dynamism): triết lý (nhất là về lịch sử) cho rằng năng lượng và các động lực bên trong sự vật là nguyên nhân của các hiện tượng mà sự vật thể hiện. Trong cùng câu văn, tác giả có ngụ ý đối lập triết thuyết này với chủ nghĩa Mao, về cơ bản là một học thuyết chính trị duy ý chí.
[3]Ngụ ý một thay đổi đột ngột.
[4]Phương ngữ tiếng Hoa thông dụng ở đặc khu hành chính Hồng Kông.
[5]Tiếng Pháp ở nguyên bản.
[6]‘nguyên’ (âm Quan Thoại yuán): lượng từ tiếng Hán chỉ đơn vị tiền cơ bản, hiện nay là đồng ‘nhân dân tệ’ (âm Quan Thoại rén-mín-bì, viết tắt RMB). Theo tỷ giá ở thời điểm hiện tại, 1 nguyên RMB đổi được khoảng 2000 đồng Việt Nam.
Nguồn: Prospect Magazine, issue 144, March 2008