© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
25.3.2008
Hồng Quốc Lộc
Chiến thắng bị bỏ lỡ hay chiến thắng được tưởng tượng? Một vài ghi chép về cuốn Triumph Forsaken của Mark Moyar
Ðông Hiến dịch
 1   2   3 
 
Lời toà soạn: Bài phê bình này [1] chưa đăng ở đâu. Tác giả gửi bản gốc tiếng Anh đến talawas. Ðể tìm hiểu thêm về cuộc tranh luận xung quanh cuốn Triumph Forsaken, xin tham khảo ý kiến của một số học giả khác trong “A Roundtable on Mark Moyar’s Triumph Forsaken: The Viet Nam War 1954-1965” (http://www.shafr.org/newsletter/2007/december/index.htm).
talawas
Trong bài phê bình cuốn Phượng hoàng và chim săn mồi (Phoenix and the Birds of Prey), tác phẩm đầu tay của Mark Moyar, sử gia John Prados đã gọi Moyar là một sinh viên bất mãn, một người vốn luôn cảm thấy “các thầy mình chỉ đưa ra những ý kiến một chiều rằng cuộc chiến tranh Việt Nam là sai trái và bất khả chiến thắng.” Phượng hoàng được viết để “chứng minh điều ngược lại,” nhưng, theo Prados, rốt cục cuốn sách này hoá ra cũng “chủ quan chẳng kém gì các giáo sư đang bị Moyar chỉ trích”. [2]

Nhận xét của chuyên gia tình báo này về cuốn Phượng hoàng nên được xem như một lời cảnh báo thẳng thắn đối với những độc giả của cuốn Chiến thắng bị bỏ lỡ (Triumph Forsaken), tác phẩm mới nhất của Moyar về cuộc chiến tranh Việt Nam, do Nhà Xuất bản Đại học Cambridge phát hành năm 2006. [3] Nguyên nhân thôi thúc Moyar viết thêm một cuốn chuyên khảo nữa về đề tài đã làm tốn nhiều giấy mực này cũng khá quen thuộc: sự bất mãn của tác giả đối với các công trình nghiên cứu bị cho là kém chất lượng, được những học giả mà Moyar gọi là “những sử gia chính thống” chấp bút. Những sử gia này đều có chung một xuất phát điểm, là quan niệm coi sự can thiệp của nước Mỹ vào cuộc chiến ở Việt Nam là “sai trái và phi lý.” Tuy họ là phái chủ lưu trong giáo giới ở các trường đại học Hoa Kỳ, quan điểm nói trên đã khiến họ trở nên giáo điều cứng nhắc, do đó các công trình họ viết ra về cuộc chiến này, nhìn chung, có thể được xem là “đã vấp phải nhiều lỗi lầm”. [4] Thế nên cần phải xem xét lại giai đoạn lịch sử này trong một công trình nghiên cứu mới gồm hai tập sách, mà trong đó Chiến thắng bị bỏ lỡ là tập đầu.

Trong tập sách này, Moyar cố gắng phục hồi uy tín cho chính quyền ông Ngô Ðình Diệm, người, theo ông ta, vốn bị các sử gia “chính thống” bôi nhọ một cách phi lý. Ý chính của tác giả có thể được tóm tắt như sau: việc Chính phủ Hoa Kỳ quyết định ủng hộ cuộc đảo chính lật đổ Ngô Ðình Diệm năm 1963 là “sai lầm lớn nhất của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Việt Nam,” vì nó đã làm hỏng tiến độ hết sức khả quan của chính quyền Việt Nam Cộng hoà trong việc dập tắt bạo loạn cộng sản ở miền Nam. [5] Nếu Ngô Ðình Diệm không bị lật đổ, thì Việt Nam Cộng hoà sẽ đánh bại được mầm mống bạo loạn cộng sản, và điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ không bị sa vào vũng lầy đã ám ảnh xã hội Mỹ từ ngày đó đến tận bây giờ. [6]

Nhận xét mang tính “xét lại” này đối với Ngô Ðình Diệm không phải mới được đưa ra lần đầu, như chính Moyar đã công nhận. Trước đó nó đã được nhắc đến, ví dụ như trong cuốn Chiến thắng bị đánh mất (Lost Victory) của William Colby. [7] Yếu tố mới trong nghiên cứu của Moyar là số lượng tư liệu có vẻ đồ sộ mà tác giả đã thu thập để chứng minh cho nhận định rằng, lẽ ra Hoa Kỳ không nên bỏ rơi Tổng thống Ngô Ðình Diệm. Tuy nhiên, quả núi bằng chứng mà Mark Moyar đã dành nhiều năm để thu thập không đồng nghĩa với việc ý kiến xét lại của ông ta về cuộc chiến tranh Việt Nam có sức nặng tương đương. Moyar khiến người ta nghi ngờ sự khả tín của việc xét lại này, vì ông ta có khuynh hướng giấu độc giả những thông tin có thể khiến họ nghĩ không tốt về chính quyền Ngô Đình Diệm. Một ví dụ điển hình cho khuynh hướng này là cách lập luận của Moyar khi đề cập đến cuộc trưng cầu dân ý năm 1955, căn cứ để sau đó Ngô Ðình Diệm truất phế Bảo Đại.

Như Moyar cho biết, trước khi tiến hành cuộc trưng cầu dân ý này, thì đã diễn ra một chiến dịch tuyên truyền để bộ máy của Ngô Ðình Diệm truyền đạt tới từng cử tri miền Nam thông điệp về hình ảnh của Ngô Ðình Diệm như một vị anh hùng dân tộc, tương phản với Bảo Đại là bù nhìn của Pháp, chỉ biết ăn chơi trác táng. Cuối cùng, đến ngày bầu cử 23 tháng 10, cử tri “được hướng dẫn bỏ tấm phiếu đỏ cho ông Ngô Ðình Diệm – màu đỏ tượng trưng cho hạnh phúc và may mắn đối với người Việt - hoặc là phiếu màu xanh cho Bảo Đại – màu xanh mang ý nghĩa ngược lại.” [8] Nhờ tất cả những nỗ lực đó của chính phủ, cuộc trưng cầu dân ý mang lại một chiến thắng vẻ vang cho Ngô Ðình Diệm, làm uy tín của ông ta được tăng thêm rất nhiều trong dân chúng miền Nam. [9] “Số cử tri đi bầu,” Moyar phân tích,

vượt trên chín mươi phần trăm, trừ một số ít các địa phương vẫn còn đang có tranh chấp với giáo phái Hoà Hảo. Đại sứ G. Frederick Reinhardt (…) cho biết không thấy có dấu hiệu của sự gian lận hay ép buộc. Theo thống kê cuối cùng, Diệm được 5,721,735 phiếu, tương đương 98.2 % tổng số phiếu bầu. [10]

Tuy ai cũng biết việc chính quyền Ngô Ðình Diệm đã sắp đặt cuộc trưng cầu dân ý này một cách vụng về (và có lẽ cũng không cần thiết) để đạt được kết quả như trên, [11] nhưng Moyar nhất quyết không công nhận sự thật đó. Ngược lại, ông ta gắng gượng bào chữa bằng cách quy kết rằng thái độ dễ bảo trên phương diện chính trị của người miền Nam chính là nguyên nhân dẫn đến kết quả một chiều của cuộc trưng cầu dân ý. [12] “Kết quả đó,” ông ta viết,

không nói lên rằng tất cả mọi người dân miền Nam Việt Nam đều tín nhiệm Diệm; thực ra, nó chỉ chứng tỏ rằng người dân không mấy quan tâm đến các hoạt động dân chủ và sẵn sàng chấp nhận sự sắp đặt của chính phủ, thể hiện qua chiến dịch tuyên truyền và cách chọn màu sắc cho lá phiếu. [13]

Vì cuộc trưng cầu năm 1955 chỉ là một sự kiện nhỏ, việc Moyar vòng vo ngay cả với một vấn đề nhỏ như vậy không thể không gây những mối hoài nghi về sự khả tín của sử gia này, những mối hoài nghi mà đúng ra Moyar không nên gieo trong lòng độc giả, khi ông ta tiếp tục công kích các học giả thuộc trường phái “chính thống” ở các phần tiếp theo.

Để chứng minh rằng các nỗi nghi ngờ nói trên là chính đáng, trong đoạn tiếp theo chúng ta sẽ bàn xem (1) sự đánh giá của Moyar về chương trình cải cách điền địa do Ngô Đình Diệm khởi xướng trong những năm đầu cầm quyền, và (2) cách giải thích của sử gia “xét lại” này về sự bùng nổ của phong trào Phật giáo, sự kiện đã dẫn tới kết cục sụp đổ của chính quyền. Trong cả hai vấn đề nói trên, Moyar đã đi đến kết luận trái ngược hẳn với quan điểm mà các sử gia “chính thống” vẫn bảo vệ. Tuy nhiên, cách ông ta nêu dẫn chứng để biện minh cho các kết luận đó đầy thiên kiến đến nỗi người ta thấy hình như lời phê bình mà Prados đã dành cho cuốn sách trước của Moyar tỏ ra khá chính xác đối với cuốn Chiến thắng bị bỏ lỡ này.


1. Chương trình cải cách điền địa của Ngô Ðình Diệm

Có hai lý do khiến giới sử học về chiến tranh Việt Nam nói chung phải tốn khá nhiều bút mực với chương trình cải cách điền địa mà Ngô Ðình Diệm đã khởi xướng ở Nam Việt Nam sau khi lên nắm quyền vào năm 1954. Thứ nhất là gánh nặng mà giới điền chủ đã gây ra cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long,

nơi mà vào thời điểm chính quyền miền Nam ra đời, bốn mươi phần trăm (tổng diện tích) đất canh tác thuộc sở hữu của 2,500 người - tức là 25 phần nghìn dân số nông thôn. Phần lớn nông dân vùng này không có hoặc có rất ít đất canh tác và phải đi mướn ruộng cùng với trâu bò kéo của các điền chủ. [14]

Lý do thứ hai khiến các sử gia về chiến tranh Việt Nam quan tâm tới chương trình cải cách điền địa của Ngô Ðình Diệm là phong trào phân chia lại ruộng đất do chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hay còn được gọi là Việt Minh tiến hành ở đồng bằng sông Cửu Long trong cuộc kháng chiến chống quân Pháp quay lại chiếm Việt Nam sau Thế Chiến II.

Trong thời kháng chiến, nhiều điền chủ, địa chủ và tá điền (của vùng này) tản cư về các thành phố và đô thị. Trong khi họ vắng mặt, dựa trên các sắc lệnh của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, các cán bộ kháng chiến tiến hành các chính sách giảm tô cho nông dân trong các khu vực họ kiểm soát. Ngoài ra, cán bộ kháng chiến còn phân chia lại ruộng đất tịch thu của các địa chủ vắng mặt. Những người được nhận ruộng không phải trả tô cho chính phủ kháng chiến nhưng phải đóng thuế, một nghĩa vụ mà người dân nói chung đều chấp nhận thực hiện vì không liên quan gì đến khoản tô vẫn phải trả cho người cho thuê ruộng theo thông lệ. [15]

Dựa trên số lượng các thôn xóm thuộc vùng Việt Minh kiểm soát trong thời kháng chiến chống Pháp, Carlyle Thayer suy đoán việc phân chia lại ruộng đất phải có ảnh hưởng khá sâu đậm đối với nông dân miền Nam. [16] Với kết quả là thu được cảm tình của nông dân miền Nam dành cho Việt Minh, chương trình phân phối lại ruộng đất thực hiện trong những năm kháng chiến có thể so sánh như con ngựa thành Tơ-roa được các cán bộ Việt Minh để lại miền Nam khi tập kết ra Bắc sau Hiệp định Geneva.

Có thể nói, cách giải quyết của Ngô Ðình Diệm đối với mối nguy này gồm có hai biện pháp chính. [17] Năm 1955, chính phủ Ngô Ðình Diệm ban hành Dụ số 2 nhằm bảo vệ quyền lợi của tá điền. Ngoài những nội dung khác, Dụ này quy định “mức tối đa đối với mức thu tô và lãi suất mà điền chủ được áp dụng.” [18] Dụ số 57, ban hành một năm sau đó, được thiết kế để hạn chế sự chênh lệch về sở hữu ruộng đất bằng biện pháp tái phân bổ. “Ngày 22/10/1956,” Moyar viết,

Diệm ban hành một sắc lệnh của tổng thống, giới hạn diện tích đất ruộng tối đa một cá nhân có thể sở hữu là 100 ha. Quyết tâm tránh “dùng biện pháp ăn cướp và tra tấn dã man” như phong trào Cải cách ruộng đất của Cộng sản, Diệm chỉ thị cho các quan chức địa phương trả tiền mua số đất vượt quá giới hạn, chứ không tịch thu. Sau đó chính phủ sẽ chia nhỏ số đất vượt giới hạn này để bán cho các nông dân chưa có ruộng, và họ được vay một khoản tiền không phải trả lãi trong kỳ hạn sáu năm để mua. [19]

Rất nhiều sử gia đã kết luận rằng chương trình cải cách điền địa của Ngô Ðình Diệm là một thất bại lớn. [20] Các nguyên nhân dẫn đến sự thất bại này, theo họ, là việc ông ta không thấu hiểu được nhu cầu của nông dân miền Nam, [21] sự e ngại bị mất lòng giới điền chủ, vốn là một bộ phận quan trọng tạo nên điểm tựa chính trị của Ngô Ðình Diệm, [22] và sự thiên vị đối với các kế hoạch phát triển nông thôn khác như chính sách Dinh Ðiền và chương trình Khu Trù Mật. [23] Các biện pháp cải cách mà chính quyền Ngô Ðình Diệm áp dụng, xét theo mọi khía cạnh, đều quá yếu nên không thể cất nổi các gánh nặng của người nông dân miền Nam. “Không những chính quyền Sài Gòn không ngăn chặn được sự lạm dụng trong quan hệ của địa chủ với tá điền; mà việc phân chia lại ruộng đất – viên ngọc trên vương miện của bất kỳ một chương trình cải cách hữu hiệu nào – cũng chỉ mang lại được ích lợi cho số ít nông dân,” Philip Catton kết luận trong Thất bại cuối cùng của Diệm (Diem’s Final Failure), một tác phẩm được học giới đánh giá cao. “Dụ số 57,” Catton viết tiếp, “là một văn bản pháp luật nặng tính bảo thủ,” vì mức giới hạn diện tích sở hữu 100 ha được quy định trong văn bản này

cao hơn 30 lần so với các mức giới hạn được đặt ra với mục đích tương tự ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Vì vậy, theo Dụ này, chỉ có bảy trăm ngàn héc-ta đất cần phân chia lại, tương đương một phần ba số diện tích phát canh thu tô ở miền Nam Việt Nam. [24]

Hậu quả lúc đó là, “chỉ có 10 phần trăm tá điền được hưởng lợi ít nhiều từ việc triển khai Dụ số 57.” [25] Số còn lại vẫn phải tiếp tục lao động “với các điều khoản phát canh chèn ép tá điền.” [26] Đối với những nông dân nghèo, chế độ Ngô Ðình Diệm, có thể nói là, “chỉ là một sự cải thiện chút đỉnh so với thời Pháp thuộc.” [27]

Trước tình cảnh như vậy, “lúc đó,” Roy Prosterman kết luận,

tức là vào cuối thập niên 50, việc Việt Cộng thế chân Việt Minh là tất yếu, với lời hứa hẹn sẽ duy trì và mở rộng phong trào cải cách ruộng đất của Việt Minh khiến họ thu hút được sử ủng hộ rộng khắp của dân chúng. [28]

Không có gì là bất ngờ khi Moyar không tán thành với quan điểm nói trên, vốn vẫn được chấp nhận là quan điểm nổi trội trong giới sử gia về Việt nam. Dù phải công nhận rằng, về lâu dài, quyết định của Ngô Ðình Diệm cho phép điền chủ được sở hữu tới 100 hécta đất ruộng là một sai lầm “phải trả giá đắt”, [29] Moyar vẫn duy trì ý kiến rằng những nỗ lực giải quyết vấn đề điền/địa chủ ở đồng bằng sông Cửu Long của chính quyền Ngô Ðình Diệm, nhìn chung là một thành công. [30] “Một trong những thành tựu quan trọng nhất trong thời kỳ đầu cầm quyền của Ngô Ðình Diệm là việc cải cách điền địa,” Moyar biện luận, [31] với ngầm ý bác bỏ kết luận của giới “chính thống” rằng đó là một thất bại lớn. Tuy nhiên, sử gia “xét lại” này có vấn đề ở chỗ, ông ta đã để hở những khoảng trống nghiêm trọng, nếu không nói là chết người, trong lý luận của mình khi đưa ra quá ít thông tin liên quan - điều mà một sử gia cần tránh: Ông ta đã không cho độc giả biết rằng cuộc cải cách điền địa của Ngô Ðình Diệm đã có thể làm cho tình cảnh của nhiều nông dân nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long xấu đi rất nhiều. Như Jeffrey Race đã chỉ ra rằng:

Với ngôn từ văn hoa là “chương trình hạn chế mức tô mà điền chủ được phép thu,” theo Dụ số 2 ngày 8/1/1955, chính quyền Diệm yêu cầu tất cả tá điền phải ký hợp đồng với điền chủ, tức là chính thức ghi nhận rằng tất cả số ruộng họ được Việt Minh cấp vẫn thuộc quyền sở hữu của điền chủ, địa chủ. Tính riêng ở Long An, hơn 28,000 hợp đồng như vậy đã được ký kết theo quy định của Dụ số 2. Chính sách tái phân bổ do chính quyền Sài Gòn đưa ra theo Dụ số 57 ngày 22/10/1956 gần như không tạo được tác động gì để cải thiện hậu quả nghiêm trọng của Dụ số 2. Trong số khoảng 35,000 hộ nông dân ở Long An phải thuê một phần hoặc toàn bộ đất canh tác, chỉ có 3,613 hộ đủ tiêu chuẩn được mua đất theo Dụ số 57; hơn nữa, thủ tục quá chậm chạp đến nỗi cho đến tận năm 1960, khi chính quyền Long An đã rơi vào hoàn cảnh nguy ngập, mới chỉ có 973 giấy chứng nhận sở hữu đất ruộng được cơ quan Bộ ở Sài Gòn gửi về. Việc đòi hỏi người nhận ruộng phải trả tiền mua của chính quyền Sài Gòn khiến chính sách của họ tỏ ra kém hấp dẫn so với phương pháp cấp phát đại trà của Việt Minh. [32]

Moyar hẳn phải biết những tệ trạng nghiêm trọng mà chương trình cải cách điền địa của Ngô Ðình Diệm có thể gây ra, vì đó là một điểm nổi bật được cả Prosterman và Thayer nhấn mạnh, mà cả hai tác giả này đều được chính Moyar trích dẫn trong phần biện luận về thành tích nông nghiệp của vị Tổng thống Nam Việt Nam. [33] Prosterman đã lưu ý chúng ta rằng biện pháp kiểm soát hợp đồng thuê ruộng của Ngô Ðình Diệm có tác động “tái lập lại mối quan hệ điền chủ-tá điền trên hàng trăm ngàn nông hộ ở những vùng trước đây thuộc quyền kiểm soát của Việt Minh, nơi mà những người nông dân vẫn nghĩ rằng ruộng đất đã thuộc về họ,” [34] và Thayer chỉ ra rằng, nhờ chính sách của Ngô Ðình Diệm, những điền chủ không ở địa phương “đã sinh sống chủ yếu ở các đô thị”, giờ có thể “thu được tiền tô ở những vùng đất ruộng trước đây không thu được.” Trong nhiều trường hợp, tác giả bổ sung, “điền chủ thuê giới chức địa phương, thậm chí cả đơn vị quân đội, đi thu tô thay mình.” [35] Vì đã tự xưng là một sử gia “xét lại”, đương nhiên Moyar không cần phải chấp nhận những biện luận của các sử gia “chính thống” nói trên về chính sách nông nghiệp của Ngô Ðình Diệm như một sự thật hiển nhiên. Nhưng trong trường hợp đó, ông ta cần phải nêu ra những lập luận của họ để tranh luận về tính đúng đắn của chúng. Vì những lập luận này, nếu không bị phản biện, sẽ rất có hại cho quan điểm “xét lại” của Moyar, nên việc ông ta thậm chí không nhắc đến chúng không khỏi gây nên những nghi ngờ rằng ông ta muốn xét lại lịch sử bằng cách loại bỏ những tư liệu không phù hợp với lý thuyết của mình.

(Còn 2 kì)

Bản tiếng Việt © 2008 talawas


[1]Tựa đề “chiến thắng được tưởng tượng” mượn từ Kathryn C. Statler, “Triumph Imagined”, 32 Diplomatic History, Issue 1, pp. 153-157 (2008).
[2]John Prados, “Review: Mark Moyar, Phoenix and the Birds of Prey: The CIA’s Secret Campaign to Destroy the Viet Cong”, 85 Journal of American History, No. 4, p. 1675 (1999).
[3]Mark Moyar, Triumph Forsaken: The Vietnam War, 1954-1965, Cambridge University Press, 2006.
[4]Moyar (2006), tr. xi.
[5]Moyar (2006), tr. xvii, xxiii.
[6]Moyar (2006), tr. xvii, 286. Xem thêm một công trình nghiên cứu mới về “vũng lầy” này của một học giả người Việt: Nguyễn Kỳ Phong, Vũng Lầy của Bạch Ốc: Người Mỹ và Chiến Tranh Việt Nam 1945-1975, Tiếng Quê Hương, Virginia, 2006.
[7] “Cuộc đảo chính Diệm (…) phải được coi là vết nhơ về lỗi lầm sớm nhất (có lẽ cũng là nặng nhất) mà Hoa Kỳ đã mắc ở Việt Nam,” Colby kết luận trong: William Colby, with James McCargar, Lost Victory: A Firsthand Account of America’s Sixteen-Year Involvement in Vietnam, Contemporary Books, Chicago, 1989, tr. 366.
[8]Moyar (2006), tr. 54.
[9]Moyar (2006), tr. 55.
[10]Moyar (2006), tr. 55.
[11]Xem: Phong (2006), p. 134, fn. 129, Đoàn Thêm, Hai Mươi Năm Qua: Việc Từng Ngày, Nhà Xuất Bản Xuân Thu, p. 184 (ấn bản Hải Ngoại), và Edward Garvey Miller, Grand Designs: Vision, Power and Nation Building in America’s Alliance with Ngo Dinh Diem, 1954—1960, luận án Tiến sĩ, Khoa Lịch sử, Harvard University, 2004a, tr. 206-209.
[12]Moyar tuyên bố, căn cứ trên nghiên cứu của ông ta về lịch sử Việt Nam, rằng người dân Việt Nam, hay ít nhất là tầng lớp nông dân, vốn “thụ động và nhu nhược”, và họ “chấp nhận và mong muốn có một chế độ độc tài như một phần của trật tự tự nhiên của thế giới.” Xem: Moyar (2006), tr. 94 và 75.
[13]Moyar (2006), tr. 55.
[14]Moyar (2006), tr. 72.
[15]Carlyle A. Thayer, War by Other Means: National Liberation and Revolution in Viet-Nam, 1954-60, Allen & Unwin, Sydney, 1989, tr. 119-120.
[16]Thayer (1989), tr. 120.
[17]Để biết thêm nhiều chi tiết về vấn đề này, xem: Thayer (1989), tr. 120-122.
[18]Thayer (1989), tr. 120.
[19]Moyar (2006), tr. 72-73 (không dẫn các ghi chú).
[20]Xem, ví dụ như: William Duiker, Ho Chi Minh: A Life, Hyperion, Paperback edition, New York, 2000, và Philip E. Catton, Diem’s Final Failure: Prelude to America’s War in Vietnam, University Press of Kansas, 2002.
[21]Duiker (2000), tr. 511: “Có lẽ thất bại tồi tệ nhất của Diệm là đã không đáp ứng được nhu cầu của nông dân, vốn chiếm hơn 80 phần trăm dân số Việt Nam Cộng hoà.”
[22]Catton (2002), tr. 54: “Theo quan điểm của nội phủ, nếu chưa gây dựng được một chỗ dựa khác thì không nên làm mất lòng những người ấy.”
[23]Catton (2002), tr. 56-71. Để biết thêm một nguyên nhân nữa, xem: Moyar (2006), tr. 73: “chương trình cải cách ruộng đất của Diệm cũng lâm vào cảnh thiếu ngân sách; Diệm đề nghị Mỹ chi 30 triệu đô la để thu mua và tài trợ đất, nhưng Mỹ cuối cùng chỉ cấp 4 triệu.”
[24]Catton (2002), tr. 53.
[25]Thayer (1989), tr. 122.
[26]Thayer (1989), tr. 122.
[27]Duiker (2000), tr. 511.
[28]Roy L. Prosterman, “Land Reform in Vietnam”, 57 Current History, No. 340, tr. 330 (1969). Xem thêm: Duiker (2000), tr. 511: “Vào cuối thập kỷ 1950, phần lớn các vùng nông thôn miền Nam đều đòi hỏi phải có những cải tổ cấp tiến hơn.”
[29]Moyar (2006), tr. 73: “Người Mỹ khuyên Diệm giảm giới hạn diện tích xuống dưới mức 100 ha để nhiều nông dân có thể được đất cấp hơn. Các chưong trình cải cách ruộng đất ở các nước Đông Á khác đã đưa ra mức giới hạn thấp hơn nhiều– ở Nhật, điền chủ chỉ được giữ bốn hécta, trong khi ở Đài Loan chỉ có ba hécta. Diệm không mặn mà với lời cảnh báo này. “Các ông không hiểu” ông ta trả lời người Mỹ. “Tôi không thể để mất tầng lớp trung lưu được”. Quyết định này đã chứng tỏ cái giá phải trả là quá đắt, vì ở phần lớn đồng bằng sông Cửu Long, tầng lớp trung lưu nói trên chỉ chiếm một thiểu số quá ít ỏi không thể duy trì hệ thống chính quyền ở nông thôn được, trong khi nông dân nghèo không có ruộng đất được trang bị vũ khí và chỉ đạo tấn công.” (Không dẫn các chú thích).
[30]Moyar (2006), tr. 73: “Kết cục lại, chương trình cải cách ruộng đất của Diệm đã thành công trong việc thu nhỏ những đồn điền rộng lớn ở đồng bằng và thu hẹp số tá điền không có ruộng đất từ chỗ chiếm đại đa số thành một thiểu số. Về sau, chính những người cộng sản cũng phải kêu ca rằng việc phân chia lại ruộng đất này đã “cản trở nghiêm trọng” cho những nỗ lực cải cách ruộng đất sau này của họ nhằm lấy lòng nông dân. Tuy nhiên, ở đồng bằng sông Cửu Long, số nông dân không có ruộng tuy là thiểu số, vẫn chiếm tỷ lệ không nhỏ. Năm 1960, bốn mươi bốn phần trăm các hộ nông dân vẫn phải thuê ruộng hoàn toàn.” (Tôi nhấn mạnh). Nhưng nếu đọc: Prosterman (1969), tr. 328: “Vào thời điểm quan trọng của cuộc xung đột trong những năm đầu thập kỷ 60, chỉ có 257,000 trong số 1,175,000 – tương đương 23 phần trăm – các hộ nông dân đồng bằng sông Cửu Long được sở hữu toàn bộ ruộng đất canh tác. Diện tích sở hữu trung bình là 4,5 acres một hộ. Khoảng 334,000 hộ, hay 28.5 phần trăm tổng số, có diện tích canh tác là 6 acres – trong đó 4 acres là ruộng mướn, còn lại 521,000 hộ, khoảng 44 phần trăm, canh tác với diện tích trung bình 3,5 acres/hộ hoàn toàn là ruộng mướn. Vậy, ở đồng bằng, hơn bảy mươi phần trăm số hộ nông dân (44 phần trăm + 28.5 phần trăm = 72.5 phần trăm) phải phụ thuộc vào ruộng mướn.” (Tôi nhấn mạnh).
[31]Moyar (2006), tr. 72.
[32]Jeffrey Race, “The Origins of the Second Indochina War”, 10 Asian Survey, No. 5, tr. 370-371 (1970) (không dẫn các chú thích).
[33]Moyar (2006), tr. 434, chú thích 45 (Thayer) và 49 (Prosterman).
[34]Prosterman (1969), tr. 330.
[35]Thayer (1989), tr. 120-121. Xem thêm: Duiker (2000), tr. 511. Trong nhiều trường hợp, Duiker nêu ra rằng, “các gia đình sống ở vùng trước đây do Việt minh kiểm soát giờ bị buộc phải trả lại ruộng đất đã được cấp trong thời Việt minh chống Pháp, nhiều khi với sức ép của súng đạn.”