© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ý kiến ngắn
28.3.2008
Hoà Nguyễn
thu 7309
 

Ông Phong Uyên viết: “Nhận định của tôi là thiền sư Lê Mạnh Thát đã lấy ý niệm dân tộc… ông Trương Thái Du khi nói về vị thiền sư này.”

Tôi chỉ có trong tay quyển Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1 (xuất bản năm 1999) và tập 2 (năm 2001), của Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, và không có quyển Lục độ tập kinh của ông được báo chí dùng dẫn chứng nhiều điều đang gây ra tranh luận. Nhưng dựa vào những gì Tiến sĩ Lê Mạnh Thát viết (hay nhắc lại từ sách Lục độ tập kinh) trong hai tập sách trên, tôi muốn làm sáng tỏ vài phát hiện và lập luận của ông mà có thể dư luận do không biết rõ nên đã có những ngộ nhận về nội dung tác phẩm, và cả về chủ ý của tác giả.

1. Về An Dương Vương Thục Phán: Theo Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, chuyện An Dương Vương được ghi sớm nhất vào thế kỷ thứ 5 trong Giao Châu ngoại vực ký (hơn 600 năm sau). Nhưng cũng theo ông, đó là phiên bản của thiên anh hùng ca Mahabharata của Ấn Độ, được biết qua truyện thứ 23 trong Lục độ tập kinh. Dù thế nào đi nữa, tại sao nhân vật lịch sử Thục Phán, nếu có, lại  không được ghi chép trong chính sử Trung Quốc, như Sử ký của Tư Mã Thiên, hay các sách khác (Hán Thư) khi nhà Tây Hán diệt nước Nam Việt, chỉ chừng 100 năm sau An Dương Vương? Về vấn đề này, ông Dương Trung Quốc cùng hai ông chủ tịch và phó chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đều cho là Tiến sĩ Lê Mạnh Thát không biết (hay không xét tới) những chứng cớ khảo cổ gần đây về thành Cổ Loa ở gần Hà Nội, với tường đất vòng quanh và hàng vạn mũi tên đồng (gần với điều sử sách ghi từ xưa). Nhưng dựa vào đâu để cho là thành Cổ Loa do Thục Phán xây, ngoại trừ truyền thuyết (mà với nhiều người là định kiến khó lay)? Dù đào thấy thành Cổ Loa, cũng chưa chắc là có nhân vật lịch sử Thục Phán; và dù có, cũng không biết chắc Thục Phán là ai, người Giao chỉ, người Tàu hay người Tày (theo thuyết mới nhất). Khoa khảo cổ Việt Nam còn phải giúp trả lời nhiều nghi vấn. Riêng Tiến sĩ Lê Mạnh Thát cho là Cổ Loa được xây trước đó nữa, từ thời Hùng Vương.

Theo sử liệu Trung Quốc, được sử gia Việt Nam xưa nay chép lại, Thục Phán là cháu của vua nước Thục bên Tàu, chiếm Văn Lang của Hùng Vương thứ 18 năm 257 và cai trị đến năm 207 trước Công lịch thì bị Triệu Đà diệt. Nhưng dù là dòng dõi vua từ Trung Quốc sang, cai trị trong thời gian dài 50 năm tại kinh đô Phong Khê và xây thành Cổ Loa gần đó, Thục Phán không để lại dấu vết gì về Hán tự cho các nhà khảo cổ ngày nay (cho là chưa tìm thấy). Cả Triệu Đà và con cháu mà sử sách chép là chiếm nước Âu Lạc bao gồm Lạc Viêt, tức Văn Lang, trong 96 năm ( 207 - 111 trước Công lịch) cũng không để lại dấu vết về văn tự (chữ Hán) trên trống đồng hay bia đá (hay những thứ khác thuộc về văn minh Trung Quốc của thời đó).

Tiến sĩ Lê Mạnh Thát cho biết câu chuyện ông đưa ra cũng không phải là mới, vì Nguyễn Văn Siêu, sử gia đời Nguyễn, đã nêu lên vấn đề này và nghi ngờ sự tồn tại của An Dương Vương. Trên báo Tao đàn số 3, ra ngày 1-3-1935, Ngô Tất Tố đã mạnh dạn đưa ra ý kiến “Nước Nam không có ông vua An Dương Vương nhà Thục.”

2. Về Triệu Đà: Theo Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, Triệu Đà gửi thư cho Hán Văn Đế, năm 179 trước Công lịch “xác nhận Tây Âu Lạc tức nước ta, đang có vua”. Như vậy, Triệu Đà chưa hề chiếm thành Cổ Loa (cho là vào năm 207 trước Công lịch), hay nước Văn Lang. Tiến sĩ Lê Mạnh Thát cho là dòng họ Triệu Đà chỉ xưng vương ở đất Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Hoa.

3. Theo Hậu Hán thư, mục “Mã Viện liệt truyện”, Mã Viện gửi biểu chương về tâu vua Đông Hán: “Việt luật hơn 10 việc khác với Hán luật” (Việt luật dư Hán luật hiện thập dư sự). Ngày nay, tuy Việt luật và Hán luật đều không còn nữa, nhưng Tiến sĩ Lê Mạnh Thát lập thuyết là vào trước thời hai Bà Trưng (chỉ làm vua 3 năm, mất năm 43), Giao Châu đã có bộ luật riêng, có thể hoàn chỉnh và thành văn. Từ đó, ông củng cố thêm thuyết là vào thời Hùng Vương kéo dài tới thời hai Bà Trưng đã (có thể) có chữ viết.

Đọc các bài phỏng vấn trên báo trong nước, tôi thấy ông Dương Trung Quốc cho biết ông chưa đọc các sách của Tiến sĩ Lê Mạnh Thát (mà chỉ đọc báo). Ông Trương Thái Du đồng ý với lập luận của Tiến sĩ Lê Mạnh Thát  là Trung Quốc chỉ “chiếm khống” nước Giao Châu, tức chỉ ghi tên nhiều vùng đất ở Giao Châu vào sách sử của họ, chứ không thật sự chiếm đóng, cai trị nước ta (trước thời hai Bà Trưng). Ông Trương Thái Du còn cho biết ông đã dựa vào môn thiên văn để tìm ra điều đó, và khám phá của ông đã được phổ biến trên mạng từ năm 2004, trong khi Lục độ tập kinh được in năm 2006. Nhưng thật ra, Tiến sĩ Lê Mạnh Thát đã khởi viết Lục đô tập kinh, và Lịch sử Phật giáo Việt Nam từ đầu thập niên 1970 (và được in chậm nhất từ 1999).

Việc Tiến sĩ Lê Mạnh Thát có “quá chủ quan”, hay “lấy ý niệm dân tộc, lấy văn minh Việt Nam làm trung tâm cho mọi lập luận về lịch sử” hay không, hãy để mọi người khẳng định lại sau khi tìm hiểu nhiều hơn các tác phẩm của ông.

Ông Trần Văn Tích đồng ý với ông Phong Uyên về “ý niệm dân tộc biến thành chủ nghĩa đề cao chủng tộc”. Tuy ngày nay chủ nghĩa quốc gia hay ý niệm dân tộc không còn được coi trọng, có khi bị xem thường (nhất là tại các nước trong Liên-Âu), nhưng khi nằm gần một nước lớn mạnh hơn nhiều, lại có nhiều tham vọng về lãnh thổ, chính trị, kinh tế thì những nước nhỏ như Tây Tạng hay Việt Nam, nếu không có ý thức dân tôc cao, tinh thần quốc gia mạnh, chắc khó có thể tồn tại, hay khó tránh khỏi bị khống chế, bị ép buộc phải chịu lệ thuộc.