© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
12.7.2002
DÆ°Æ¡ng Thu HÆ°Æ¡ng
"Thực ra tôi là một người phụ nữ khá cổ hủ"
Dương Thu Hương trả lời phỏng vấn
M. Hoàng thực hiện
 
Lần đầu tiên nhà văn Dương Thu Hương bộc lộ những tâm tình riêng tư nhất và cho độc giả biết một số chi tiết về cuộc đời cũng như công việc thường ngày của mình.
Talawas
Dương Thu Hương đồng ý trả lời phỏng vấn với thái độ thận trọng. Chị hẹn tôi tại tầng trệt khách sạn Daewoo. Một nơi yên tĩnh, lịch sự nhưng đồ uống rất đắt và không khí thì hơi xa lạ, kiểu cách.

Phóng viên(PV): Hình như chị luôn hẹn gặp khách tại những nơi có tiếng là sang cũng như đắt đỏ nhất Hà nội. Chị có giàu đến mức vậy không?

Dương Thu Hương (DTH): Không hề. Tôi có mấy khi đến những chỗ thế này đâu. Tôi ở nhà suốt, sống rất bình thường. Nhưng tôi thường là người trả tiền nên tôi muốn khách phải được tiếp đón đàng hoàng. Tôi không muốn mang tiếng là người bủn xỉn.Với lại những nơi như thế này thường rất yên tĩnh, có cảm giác thoải mái, dễ chịu.

PV: Ra là vậy, một cung cách rất "chị hai" đấy.

DTH: Thì tôi cũng là chị cả trong nhà mà.

PV: Một ngày của chị diễn ra thế nào?

DTH: Tôi làm việc đêm nên bình minh của tôi là 10h sáng, thậm chí 12h trưa. Tôi sống một mình nên tất cả những việc vặt trong nhà phải tự làm lấy. Buổi chiều tôi đọc sách báo, thỉnh thoảng dịch tài liệu gọi là có thêm thu nhập. Tôi có đặt mua mấy tờ như Le Point, Paris Macht, Le Nouvel Observateur. Báo Việt thì có ông bạn cứ bài nào hay, có vấn đề thì đem đến cho tôi đọc. Từ 8h tối trở đi tôi mới thực sự làm việc. Có hôm bốc lên có thể viết 10 tiếng liền và cũng có hôm chẳng làm gì cả.

PV: Thu nhập chính của chị là gì?

DTH: Nhiều người cho là tôi giàu vì được lĩnh nhuận bút từ những nhà xuất bản nước ngoài. Thực ra không nhiều đến thế đâu. Hồi năm 90 bạn bè có xui tôi mua một số miếng đất nhỏ. Và tôi cứ bán dần từng miếng một để sống, để chu cấp thêm cho các con. Ngoài ra tôi có lương hưu hàng tháng.

PV: Chị giải trí như thế nào?

DTH: Tôi không xem TV. Khi rỗi rãi tôi đem quần áo ra khâu vá, nghe nhạc cổ đIển và những bài hát Pháp xưa cũ thời Dalida, Mathieur, hay Clara Fabien.

PV: Chị có nhiều bạn bè không?

DTH: Bạn thân rất ít, một hai người. Nhưng tôi cũng có những mối quan hệ tốt, thỉnh thoảng tôi rủ họ ra quán ăn uống nói chuyện cho vui.

PV : Chị là người rất đáo để, đúng không?

DTH: Tôi vốn là một người phụ nữ bình thường, rất bình thường. Cuộc hôn nhân đổ vỡ làm cho cuộc đời tôi xáo trộn ghê gớm. Đã thế cuộc sống với những điều ngang trái, bất công cũng khiến tôi chẳng mấy khi thanh thản. Hồi sinh viên tôi xuýt bị đuổi học vì lấy guốc đập vào mặt một gã đã giở trò sàm sỡ với tôi. Tôi bị qui tội hành hung chỉ vì gã ấy thuộc diện ưu tiên, chính sách, lại là đảng viên nữa. Ông chồng cũ của tôi hồi ấy là cán bộ lớp đã ra tay cứu vớt tôi. Sau đó anh ta tìm mọi cách để lấy được tôi. Đỉnh điểm là dí súng vào cổ tôi và nói rằng nếu không nhận lời thì "cô chết trước tôi chết sau". Hồi ấy tôi rất trẻ, tôi sợ chết, sợ gia đình mang tiếng là có cô con gáI chết vì chuyện yêu đương nhăng nhít. Cho đến giờ tôi vẫn là người sợ mang tiếng là đĩ thoã, lăng loàn. Và tất nhiên một cuộc hôn nhân không có tình yêu sẽ rất tồi tệ. Tôi cũng định sống nhẫn nhục để cho các con đỡ khổ nhưng không làm nổi. Có thể chồng tôi là một người cha không đến nỗi nào nhưng ông ấy luôn xúc phạm vợ mình bằng cách này hay cách khác, ông ấy không tôn trọng phụ nữ. Năm 1980 chúng tôi ly dị

PV: Những người đàn ông sau này đến với chị có dễ chịu hơn không?

DTH: Thực ra tôi là một người phụ nữ khá cổ hủ. Thậm chí đến bây giờ tôi vẫn cho rằng đàn bà chỉ được phép ngủ với người chồng hợp pháp của mình. Những cuộc mây mưa ngoài hôn thú là không tốt đẹp. Sau khi ly dị khoảng 4 năm tôi có quan hệ với một tay hoạ sĩ điên khùng kém tôi 14 tuổi. Cũng lại bắt đầu bằng bạo lực. Anh ta đến mang theo một lưỡi dao cạo và nói rằng nếu tôi không yêu anh ta sẽ cắt cổ tự sát. Gia đình tôi rất phản đối, hai đứa con giận mẹ, thằng lớn bỏ nhà đi. Ông chồng cũ cũng làm ầm lên, đòi kiện tôi thậm chí có hôm còn xuất hiện với một chiếc búa trong tay. Cũng may là chuyện này chỉ kéo dài vài tháng. Đó là mối quan hệ thân xác duy nhất của tôi sau khi ly dị. Sau vụ này tôi suy nghĩ rất nhiều, tôi không hề yêu tay hoạ sĩ đó vậy mà tôi lại đồng ý lên giường với anh ta. Tôi chợt phát hiện ra mình vẫn chỉ là một người đàn bà với những nhu cầu bản năng thường tình. Tôi không muốn kết hôn khi các con còn nhỏ, tôi sợ chúng nó thương tổn, tôi không muốn cặp bồ chơi chơi vì tôi cho rằng như thế là xấu, là mất danh dự. Vả lại tôi rất khó yêu nên những mối quan hệ với đàn ông chỉ làm cho cuộc đời tôi thêm rắc rối. Vậy là chỉ còn một cách duy nhất là tự thiến mình.

PV: Có nghĩa là chị phải…

DTH: Phải tự tiêu diệt bản năng giới tính của mình. Tôi đã nhờ một sư ông cắt cho tôi những thang thuốc bắc. Thứ thuốc đó khá hiệu nghiệm, tôi không còn cảm thấy ham muốn tình dục. Tôi có thể bình tĩnh làm việc, kiếm tiền, chăm lo cho hai đứa con. Nhiều người cho rằng tôi bị lãnh cảm hay luyến ái đồng tính. Họ đâu có biết rằng để được sống trọn vẹn trong danh dự tôi đã phải trả giá đắt lắm. Tôi thường xuyên bị nám da, tóc tôi bạc rất sớm và bệnh khớp luôn hành hạ tôi. Đó là tác dụng phụ của thuốc khi dùng lâu dài. Tôi biết tôi đã hành động rất đIên khùng nhưng tôi thấy tốt hơn cả là làm vậy. Tôi không ân hận.

PV: Các con chị biết điều này không?

DTH: Gần đây tôi mới nói trong một lúc nóng giận. Chúng nó đều ngoài ba mươi tuổi, đã có gia đình cả rồi. Có thể chúng nó đã hiểu tôi hơn mà không hiểu cũng chẳng sao. Tự tôi biết là tôi đã sống hết lòng cho con cái.

PV: Chị có định sống chung với một trong hai cô cậu?

DTH: Có lẽ không nên vậy. Tôi có mua cho thằng lớn một căn hộ. Đứa em gái nó ở nhà chồng chật chội, tôi sẽ cho nốt căn hộ đang ở. Khi nào vợ chồng nó dọn đến, tôi sẽ đi thuê nhà.

PV: Chị rất chiều con đấy !

DTH: Tính tôi nó vậy. Chính thế cũng làm giảm tính tự lập của chúng nó. Nhưng tôi không dám làm khác. Cả đời tôi chỉ đánh con có một lần, chúng nó lấy trộm tiền của tôi đi xem phim, đã thế về còn nói dối loanh quanh. Tôi rất ghét tính dối trá nên đã đánh chúng nó. Đánh xong thì ân hận cả một thời gian dài.

PV: Vậy là ngoài các con ra chị chẳng còn bận tâm đến ai khác?

DTH: Có, chỉ duy nhất một người, nhưng mà là yêu thầm. Tôi tự đề ra một nguyên tắc là không bao giờ yêu người có vợ vì đó là một tình yêu vô đạo đức, thế nhưng ông trời bắt tội tôi. Người duy nhất tôi thấy yêu lại có gia đình rồi. Có lẽ anh ấy cũng yêu tôi nhưng cũng hiểu là giữ khoảng cách thì hơn cả. Và chúng tôi yêu nhau thầm lặng vậy gần mười năm rồi. Giờ anh ấy không còn ở đây nữa nhưng chúng tôi vẫn trao đổi thư từ. Vì không quên được anh ấy nên tôi đã từ chối vài lời cầu hôn mà tôi biết sẽ đem đến cho tôi một cuộc sống khác hơn, có thể là vui hơn.

PV: Chị có nghĩ mình sẽ làm vợ một lần nữa không?

DTH: Hôm nay tôi chưa có ý định nhưng có thể là ngày mai, tháng sau hoặc sang năm tôi lại nghĩ khác. Những chuyện thế này không thể nói trước được đâu.

PV: Chị có thần tượng không?

DTH: Có, nhưng không phải là nhà văn. Tôi ngưỡng mộ nhà triết học Anh gốc Áo tên là Karl Popper. Tư tưởng của ông ấy thật đáng khâm phục. Popper đã giải quyết được những vấn đề lớn nhất về biện chứng. Ông ấy đã từng nói một câu rất hay: "Chúng ta gần như chưa biết gì về vũ trụ và con người".

PV: Nhưng chắc chắn chị cũng phải yêu thích một số nhà văn chứ?

DTH: Tất nhiên. Dostojevski, Gogol, Tshechov, Bulgakov. Nhà văn Việt Nam thì tôi thích Cao Bá Quát, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương …

PV: Có bao giờ chị liên hệ chút gì giữa mình và Hồ Xuân Hương?

DTH: Không hề.

PV: Gần đây có nhà văn Việt Nam nào chị thấy được hơn cả?

DTH: Nguyễn Huy Thiệp. Thiệp viết rất hay nhưng tôi không thích gặp. Có hai lần anh ta đến nhà tôi cùng với một cô người Nhật đề nghị tôi hợp tác mở nhà hàng. Tôi rất kinh những kiểu đề xuất như vậy.

PV: Chị có thích "Chuyện kể năm 2000" của Bùi Ngọc Tấn không?

DTH: Cuốn sách đó rất nghiêm túc, đáng trọng nhưng bây giờ tôi không quan tâm tới những vấn đề như thế nữa.

PV: Chị tâm đắc với tác phẩm nào của mình nhất?

DTH: Không cuốn nào cả. Nhà văn không nên tâm đắc thực sự với những gì đã hoàn thành.

PV: Nếu một người bảo rằng kiểu viết của chị hay nhưng "xưa rồi" thì chị sẽ đáp lại thế nào?

DTH: Đã nhiều người nói với tôi thế. Tôi không quan tâm lắm. Văn chương cũng giống như đồ ăn vậy, phụ thuộc vào "khẩu vị" của mỗi người. Họ có quyền không thích những tác phẩm của tôi.

PV: Con đường văn chương của chị bắt đầu thế nào nhỉ?

DTH: Không nhớ nữa. Ngày là học sinh tôi mơ ước trở thành vận động viên thể dục dụng cụ. Mấy thứ đó tôi chơi tốt lắm. Sau 1975 tôi bắt đầu viết bút ký, sau đó là truyện ngắn. Bạn đã biết đấy, trong lòng tôi chất chứa nhiều nỗi phiền muộn, bức xúc lắm. Viết văn đôi khi như là một cách trút giận vậy.

PV: Chị có thể nói qua về tác phẩm chị đang viết không?

DTH: Hiện tôi đang đắm chìm vào một thứ mà không biết là sẽ thành công hay thất bại. Có người nhờ tôi viết một bài tham luận về Trạng thái tâm thần của thanh thiếu niên Việt Nam trong và sau chiến tranh. Sau khi đọc xong 10.000 trang tài liệu thì tôi mệt quá, tôi từ chối viết tham luận và để dành thời gian viết một cuốn sách cho mình. Từ lâu tôi cũng hay quan sát những trường hợp thần kinh không bình thường xung quanh mình, cuốn sách này sẽ là cách nhìn của tôi, của một nhà văn về những con bệnh thần kinh xuất hiện càng ngày càng nhiều trong xã hội.

PV: Chị đã từng bị bắt giam. Chuyện gì xảy ra vậy?

DTH: Năm 1991 tôi bị bắt giam hơn 7 tháng. Họ kết tội tôi là "Tuyên truyền chống chủ nghĩa xã hội". Tôi có viết một số bài lên án những sai lầm của chính phủ Việt Nam trong và sau cuộc chiến tranh chống Mỹ.

PV: Chị có lường trước được tính mạo hiểm của công việc chị đã làm?

DTH: Có chứ. Tôi không hề ngạc nhiên khi họ bắt tôi. Tôi chỉ làm theo lương tâm nhưng đã làm là làm đến cùng.

PV: Trong trại giam chị cảm thấy thế nào?

DTH: Tôi rất gầy vì mất ngủ. Phòng giam không được sạch sẽ lắm và tất nhiên là cơm nước làm sao bằng ở nhà.

PV: Họ đối xử với chị tốt chứ?

DTH: Nhóm công an phụ trách buồng giam rất tử tế. Có thể nói mười người thì có chín người tốt. Họ hay cho tôi quà, có người còn lót nồi bằng báo mới để tôi có thể cập nhật tin tức hàng ngày.

PV: Thế còn cấp trên của họ?

DTH: Những người thẩm vấn tôi ấy à, tất nhiên là tôi đã luôn to tiếng với họ. Tôi đốp chát đến cùng mọi vấn đề. Có lần tôi tức quá còn định chồm lên tát người đang tra hỏi tôi nhưng bị giữ tay lại. Họ không thích tôi đâu.

PV: Chuyện ấy xảy ra đã lâu rồi, còn bây giờ chị có thấy là Việt Nam đã và đang thay thay đổi rất nhiều không?

DTH: Có, nhưng mà trong sự thối rữa của châu Á.

PV: Xin cảm ơn chị Dương Thu Hương.