© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
15.9.2002
Nguyễn Huy Thiệp
Ở Việt Nam Tháp Rùa vẫn như cũ
Nguyễn Huy Thiệp nói chuyện ở Paris
 
Không có nhà văn Việt Nam đương đại nào gây dư luận và ảnh hưởng hơn Nguyễn Huy Thiệp. Số lượng các công trình nghiên cứu và bài viết về ông đã nhiều hơn hàng chục lần các tác phẩm của ông. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu ba bài, như ba chân dung, với nhiều phần riêng tư và bất ngờ hơn, của cũng một Nguyễn Huy Thiệp ấy.
Talawas
Trong chuyến đi thăm và làm việc tại Pháp do nhà xuất bản Editions de l´Aube tổ chức vào mùa xuân năm nay, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã gặp gỡ công chúng văn học tại hiệu sách Phénix, Paris, ngày 10 tháng 4 năm 2002. Người dẫn chương trình là ông Jean Lacouture, người phiên dịch là bà Kim Lefèvre. Sau đây là bản ghi lại từ băng vidéo quay buổi gặp gỡ đó, do Thuận (Paris) gửi cho Talawas. Đầu đề do Talawas đặt.

Jean Lacouture: Ngày nay, bằng cách nào một nhà văn người Việt có thể rời khỏi Việt Nam để đến một nước khác? Ðâu là những thuận lợi và khó khăn so với những năm trước? Ðây có thể là một câu hỏi hơi tầm thường nhưng chắc chắn nó có ích cho những người cầm bút ở Việt Nam.

Nguyễn Huy Thiệp: Trước hết tôi xin gửi lời chào đến tất cả các quí vị và các bạn đọc yêu quí của tôi. Ðây là lần thứ hai tôi đến Paris và đây cũng là một điều may mắn cho số phận của tôi. Hình như là hình ảnh Việt Nam trong mắt các bạn Pháp ... tôi thấy ... các bạn Pháp chưa nắm được tình hình Việt Nam những ngày này. Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Việc các nhà văn Việt Nam đi ra nước ngoài đă là một việc tự nhiên, có nhiều dễ dàng, không còn gặp các trở ngại như trước nữa. Tôi không biết ai đã nói, tự do của văn nghệ sĩ như thước đo của một nền dân chủ. Xét về một khía cạnh nào đó thì việc tôi có mặt ở Paris cũng như việc các văn nghệ sĩ khác đi ra thế giới là một dấu hiệu của sự cởi mở dân chủ ở Việt Nam.

Jean Lacouture: Trong chuyến đi Ðức cách đây hai năm ông có sang cả Pháp, chuyến đi này có được nhà cầm quyền Việt Nam cho phép không, hay ông tự động sang?

Nguyễn Huy Thiệp: Cách đây hai năm tôi có làm một chuyến đi Ðức. Tới Ðức tôi cũng mua vé tàu sang Paris. Trước khi đi khỏi Việt Nam tôi cũng, nói theo kiểu Việt Nam, báo cáo với chính quyền và sau đó cũng đã trở về một cách bình thường, tốt đẹp. Nhưng thực ra chuyến đi Pháp cách đây hai năm là một chuyến đi không chính thức, còn chuyến đi này là một chuyến đi chính thức được Trung tâm Văn hoá và Hợp tác của đại sứ quán Pháp ở Hà Nội và nhà xuất bản Editions de l'Aube tổ chức.

Jean Lacouture: Thế có nghĩa là ông không gặp gì rắc rối với chính quyền về chuyến đi này? Ông sang Pháp một cách công khai?

Nguyễn Huy Thiệp: Vâng.

Jean Lacouture: Ông đã đi Pháp hai lần trong hai năm. Ông có thấy sự tiến triển nào so với cách đây hai năm? Ông có thấy sự mới mẻ nào cần quan sát? Có nhiều sự khác nhau không?

Nguyễn Huy Thiệp: Nhìn chung tôi không đi nhiều nên cũng khó trả lời câu hỏi này. Nhưng tôi cảm thấy nước Pháp gần gũi với Việt Nam hơn phần nào, ít nhất là ở đồng Ơ-rô. ở Hà Nội người ta cũng tiêu được đồng Ơ-rô. Lần trước tôi phải đổi đồng Phơ-răng ra Đô-la mới tiêu được ở Hà Nội, còn bây giờ tiền Ơ-rô không phải đổi nữa. Người Việt Nam có câu ngạn ngữ "Ðồng tiền liền khúc ruột". Ðồng tiền trở thành thân thiết. Ở nhà quê các bà giữ tiền ở quanh bụng.

Jean Lacouture: Người ta có thể nói việc kiểm duyệt ở Việt Nam đã giảm bớt. Nhà văn Việt Nam có thể viết dễ dàng hơn?

Nguyễn Huy Thiệp: Tôi nghĩ là nhà văn thì ở đâu viết cũng khó khăn.

Jean Lacouture: Nói chung ở Việt Nam chính sách Ðổi Mới vẫn tiếp tục trên tinh thần tự do dân chủ chứ?

Nguyễn Huy Thiệp: Có chứ, có. Tôi nghĩ là Việt Nam ngày càng đổi mới, nhưng quá trình đổi mới cũng trải qua những giai đoạn thăng trầm khác nhau. Nhưng phải nói Việt Nam bây giờ gần gũi hòa nhập với thế giới hơn, không bế quan toả cảng như trước nữa.

Jean Lacouture: Quan hệ của ông với chính quyền có đúng đắn không?

Nguyễn Huy Thiệp: Tôi không giao thiệp với chính phủ. Tôi cũng chỉ là dân đen.

Jean Lacouture: Cách đây hai năm tôi có hỏi ông là người Việt Nam có đòi hỏi tự do nhiều hơn không, và ông đã cho tôi một câu trả lời đầy ngạc nhiên là "ngừơi Việt Nam cũng thích một hình thức quyền lực nào đấy và không đòi hỏi nhiều tự do như các ông". Ông vẫn giữ nguyên ý kiến cũ, hay đấy chỉ là một câu trả lời mang tính chính trị và thận trọng?

Nguyễn Huy Thiệp: Tự do là một khái niệm mới mẻ, không quen thuộc với người Việt Nam. Ngay bản thân tôi là một nhà văn, thú thực tôi cũng chưa bao giờ nghĩ nhiều đến khái niệm tự do. Rất nhiều người Việt Nam nghĩ đến chữ miếng ăn và áo ấm hơn là chữ tự do. Tôi nghĩ là trong cách sáng tạo từ ngữ của con người, bao giờ người ta cũng nghĩ đến hai chữ cơm no áo ấm sau đó đến một lúc nào đấy người ta mới nghĩ đến chữ tự do. Hay dân chủ.

Jean Lacouture: Nhìn từ những thành công của ông, với tư cách là một nhà văn lớn của Việt Nam, ông có cảm thấy mình là người đứng đầu một trường phái văn học không? Ông có thấy ảnh hưởng của mình đến các nhà văn khác không? Ông có những người đồng minh, những bạn đường trên con đường đi tìm tự do dân chủ?

Nguyễn Huy Thiệp: Ở Việt Nam chỉ có một trường phái văn học, đó là văn học xã hội chủ nghĩa. Tôi cũng không dám nói là tôi có một trường phái văn học khác, nhưng tôi cũng thấy là nhiều nhà văn trẻ cũng viết theo lối của tôi gần đây.

Jean Lacouture: Tôi thấy trong tác phẩm gần đây của ông có chiều hướng chuyển từ chủ nghĩa hiện thực sang hướng tưởng tượng, thần tiên, tự do hơn và mang nhiều chất thơ hơn.

Nguyễn Huy Thiệp: Trong văn của tôi chẳng có gì là thơ mộng. Bao giờ tôi cũng chỉ là một nhà văn hiện thực dù có viết về lịch sử hay những chuyện trên trời dưới biển thì tôi vẫn là một nhà văn hiện thực. Hiện thực thì cũng có nhiều cái. Có cái đau khổ, cũng có nên thơ của nó, có thể trong tác phẩm của tôi nó cũng có cái đó.

Jean Lacouture: Trong các tác phẩm trước của ông, người ta thấy các nhân vật mang tính chất lịch sử của dân tộc Việt Nam, tướng về hưu chẳng hạn, còn bây giờ ông cho xuất hiện những ông vua, những triều đại cổ... Ðó có phải là một ý muốn tách khỏi hiện thực hay đơn giản chỉ là thế?

Nguyễn Huy Thiệp: Gần đây tôi quay trở lại với các đề tài hiện đại và nó cũng có nhiều nụ cười.

Jean Lacouture: Ông có bao giờ bị chính quyền và dư luận lên án là đã đưa ra một cái nhìn có tính chất xét lại đối với những người anh hùng từng được lịch sử tôn trọng, và ngược lại, đã phục hồi danh dự cho những người khác, chẳng hạn như Gia Long, từng bị phản đối bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc và những nhà cách mạng từ 50 năm nay?

Nguyễn Huy Thiệp: Cách đây 10 năm tôi cũng có viết một số truyện lịch sử và nó cũng gây ra những cuộc tranh luận văn học khá sôi nổi trong vòng ba năm. Có nhiều người tham gia cuộc tranh luận và sau khi đã đọc tất cả những bài tranh luận ấy thì tôi cảm thấy chẳng ai biết gì về lịch sử cả, vì bản thân những câu chuyện mà tôi viết ra thì cũng là những sáng tác của tôi, những câu chuyện mà tôi bịa đặt thôi.

Jean Lacouture: Ông đã dạy học ở vùng các dân tộc thiểu số. Phải nói là tôi cũng đã đến thăm các dân tộc này trong vòng hai tuần tháng 11 năm ngoái. Ông có nghĩ là các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam ngày nay trở nên hoà nhập hơn không? Họ ít đứng ngoài rìa Việt Nam hơn ngày xưa không?

Nguyễn Huy Thiệp: Các dân tộc thiểu số cuộc sống có thay đổi hơn, nhiều vùng đã có điện. Những nơi có đời sống cao không thể hiểu đuợc giá trị của điện và nước. Ở những vùng lạc hậu thì điện và nước sạch thực sự là mơ ước, là hạnh phúc đối với những vùng hẻo lánh ở Việt Nam.

Jean Lacouture: Tôi có thể có được câu trả lời mà tôi chưa thực nắm được không: có phải ở những làng này giáo dục miễn phí?

Nguyễn Huy Thiệp: Nhiều nơi cũng phải trả tiền.

Jean Lacouture: Việc tổng bí thư đảng cộng sản mới là người Thái có phải là một dấu hiệu rằng người thiểu số được tôn trọng hơn, đã hoà nhập hơn không?

Nguyễn Huy Thiệp: Xét về một khía cạnh nào đấy, đấy cũng là một hình ảnh tượng trưng nào đấy.

Jean Lacouture: Tờ báo đã xuất bản những tác phẩm đầu tiên của ông đã bị cấm. Bây giờ nó đã mở lại chưa?

Nguyễn Huy Thiệp: Tờ báo Văn Nghệ thì nó vẫn còn, chỉ có ông tổng biên tập thì không còn là tổng biên tập của tờ báo nữa. Một phần vì ông ấy cũng già rồi.

Jean Lacouture: Ông ấy có được tự do không?

Nguyễn Huy Thiệp: Ông ấy được tự do, ở Việt Nam có câu già rồi thì không mắc tội gì nữa, tức là già rồi thì có làm gì đi nữa người ta cũng tha cho. Ðó cũng là một tập quán của nông thôn Việt Nam, người ta không xét đoán, không chấp những người già. Tôi cũng già rồi.

Jean Lacouture: Ở đây không như thế, nhưng có thể về sau cũng như thế. Tôi muốn hỏi ông, trong các nhà văn Pháp hiện đại ông có tìm thấy những kĩ thuật có ích, những mẫu hay cảm hứng cho bản thân?

Nguyễn Huy Thiệp: Việc giới thiệu các nhà văn hiện đại thế giới ở Việt Nam rất hạn chế vì mắc việc dịch thuật. Công tác dịch thuật ở Việt Nam tôi cảm thấy rất hạn chế, hầu như các tác giả nổi tiếng ít được giới thiệu ở Việt Nam.

Jean Lacouture: Trong tác phẩm của ông có ảnh hưởng nước ngoài nào: châu Âu, Trung Hoa, Nga, Gorki chẳng hạn hay Tam Quốc Chí?

Nguyễn Huy Thiệp: Những sách văn học cổ điển được dịch khá đầy đủ ở Việt Nam, Pháp, Nga, Trung Quốc. Thế hệ của chúng tôi chỉ tiếp xúc nhiều với văn học cổ điển. Chứ văn học hiện đại rất hạn chế.

Jean Lacouture: Trong những bài phê bình viết bởi giới cầm quyền, có một bài nói ông viết giống Sartre. Ðấy có phải là sự ngẫu nhiên hoàn toàn, hay trên thực tế ông biết ông ta và thấy mình gần với Sartre?

Nguyễn Huy Thiệp: Tôi cũng gần như chưa đọc gì tác phẩm của J.P.Sartre, tôi chỉ biết một chút tiểu sử và cuộc đời tình ái của ông ta mà thôi.

Jean Lacouture: Tôi muốn biết ông có lo lắng về vấn đề Mỹ hoá toàn cầu ngày hôm nay?

Nguyễn Huy Thiệp: Thực ra ở Việt Nam người ta ít nghĩ đến chuyện Mỹ hóa mà nghĩ đến chuyện Trung Quốc hóa nhiều hơn, tức là hàng hóa và ảnh hưởng của Trung Quốc đến Việt Nam thì mạnh hơn tất cả những nước khác.

Jean Lacouture: Tôi muốn hỏi ông câu hỏi cuối cùng trước khi nhường lời cho bạn bè và độc giả của ông. Một người Việt Nam có thể hạnh phúc ở Paris được không?

Nguyễn Huy Thiệp: Tôi nghĩ là có thể, nếu anh ta có gia đình và một người yêu.

Jean Lacouture: Tôi hy vọng đó là trường hợp của ông.

Một độc giả: Lúc nãy ông nói Việt Nam từ hai năm lại đây có nhiều cởi mở. Bây giờ muốn hỏi ông, có gì chưa đổi mới, chưa cởi mở?

Nguyễn Huy Thiệp: Câu hỏi của ông thật là khó. Xét về một khía cạnh nào đó, ở Việt Nam Tháp Rùa vẫn như cũ, đồng tiền vẫn như cũ, hay có những đường phố vẫn giữ được vẻ như xưa.

Một độc giả: Tôi đi Việt Nam năm 1996, có gặp một đạo diễn truyền hình nói với tôi rằng, ở Việt Nam có thể nói bất kì điều gì trừ chính trị, tình dục, bạo lực. Sáu năm sau điều này vẫn đúng?

Nguyễn Huy Thiệp: Ở Việt Nam ai cũng nói về chính trị, thanh niên nói nhiều về tình dục. Chắc là cái ông đạo diễn điện ảnh kia cũng chỉ nhìn ở một khía cạnh nào đấy. Tất nhiên là tôi cũng chỉ nhìn ở một khía cạnh nào đấy. Theo quan sát của tôi thì không có nước nào bàn nhiều về chính trị như Việt Nam, ở thành phố cũng như nông thôn, người ta rất quan tâm đến chính trị.

Một độc giả: Người ta nói ở Việt Nam chỉ có văn nghệ sĩ và trí thức mới bị bắt nạt?

Nguyễn Huy Thiệp: Tôi nghĩ là trí thức và văn nghệ sĩ là những người khó bắt nạt nhất.

Một độc giả: Anh vừa trình bày một vấn đề rất tế nhị là vấn đề hàng hóa Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Với tư cách một nhà văn, một nhân chứng, hy vọng là người đọc sẽ được đọc một truyện của anh có tính chất viễn kiến, những cái nhìn từ xa không cảm thấy Việt Nam trở thành một thị trường ảo tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc.

Nguyễn Huy Thiệp: Số phận Việt Nam gắn chặt với số phận Trung Hoa từ mấy ngàn năm lịch sử rồi. Và dù thế nào đi nữa, Trung Quốc vẫn là Trung Quốc, Việt Nam vẫn là Việt Nam. Ðương nhiên là hai bên có ảnh hưởng lẫn nhau. Trung Quốc có ảnh hưởng đến Việt Nam không những trên lĩnh vực kinh tế mà còn chính trị và văn hóa và rất nhiều phương diện khác nữa. Tất nhiên là có cái ảnh hưởng như thế nó mới là Việt Nam.

Một độc giả: Tôi muốn anh trả lời câu hỏi mà tôi chưa được thỏa mãn. Anh nói trí thức văn nghệ sĩ khó bị bắt nạt. Tôi xin đưa một ví dụ như anh Phù Thăng, tác phẩm của anh ấy cất trong vại trong chum, không được xuất bản, như thế anh ấy có phải là một nhà văn không?

Nguyễn Huy Thiệp: Phù Thăng là một nhà văn quân đội ở Việt Nam và năm nay chắc cũng gần 80 tuổi rồi. Khi Phù Thăng viết sôi nổi thì đó cũng là giai đoạn Việt Nam còn chiến tranh và chưa mở cửa. Nhân đây tôi cũng bày tỏ nỗi buồn của tôi về việc nhà xuất bản dịch sách tôi sang tiếng Pháp hơi bị lộn xộn. "Trái tim hổ" là một trong 10 truyện, nếu tách 1 truyện ra thì nó sẽ mất đi 9 truyện khác. Truyện "Vàng lửa" là 1 trong 3 truyện mà nếu xếp theo thứ tự thì nó xếp thứ 2, trong khi cấu tạo cuốn sách ở đây lại xếp nó lên thứ nhất, tức là trật tự bị đảo lộn, truyện "Vàng lửa" là khúc giữa của một câu chuyện có 3 phần: đầu, thân và đuôi. Truyện mà tôi viết cách đây 10 năm thì bây giờ mới được in. Thế nhưng tôi nghĩ tất cả những chuyện đó không sao cả. Cũng may tôi cũng là một nhà văn đa dạng, tức là tôi viết rất nhiều kiểu viết khác nhau. Nguyễn Du thì tác phẩm "Truyện Kiều" người dân có thể đọc xuôi từ đầu đến cuối, cũng có thể đọc từ cuối lên đầu. Tôi rất mong là nhà xuất bản Editions de l'Aube và bà Marion sẽ cho dịch lại và in lại thành một cái tuyển tập đầy đủ.

© Talawas 2002