© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
21.4.2008
Lê Anh Dũng

Chiến sĩ, đạo sĩ, người làm vườn


Bà Trần Thị Như Mân (bà Đào Duy Anh) trong hồi kí Sống với tình thương có nhắc tới sự giúp đỡ của sư cô Chân Không Cao Ngọc Phượng đối với ông bà vào những năm 1983: "Sau này, khi con tôi đi Pháp, tôi mới được biết những việc làm của cô Mây, tức sư cô Chân Không là thực hiện tấm lòng của thiền sư Nhất Hạnh."

Đây là một khám phá bất ngờ cho tôi. Từ những năm 1981, tôi có góp sức với hội "Pour les enfants qui ont faim", đầu tàu là cô Cao Ngọc Phượng, mà đối tượng không chỉ giới hạn trong những trẻ em thiếu đói mà còn mở rộng tới những nguời già cô quả mà con, cháu bị tù đày "cải tạo", không còn nơi nương tựa. Lúc đó tôi đã được biết thầy Nhất Hạnh có quan tâm đặc biệt tới việc giúp đỡ những văn nghệ sĩ, trí thức. Lâu quá tôi không còn nhớ rõ lời, nhung ý là "văn nghệ sĩ, trí thức là hồn, là khí của đất nước, giữ gìn bảo hộ họ là giữ gìn, bảo hộ đất nước". Có thể suy luận là tất cả các nhân vật xuất hiện trong cuốn Tắm mát ngọn sông Đào đuợc nhà Lá Bối xuất bản vào đầu thập niên 80 (và cả nhiều người vắng mặt) là những người đuợc sự giữ gìn, bảo hộ này. Về sau đuợc biết có Thanh Tâm Tuyền (Trần Kha), Doãn Quốc Sĩ, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam (?), Nhã Ca (?), Duyên Anh, Hoàng Hải Thủy... Hoàng Hải Thủy kể rõ chuyện này trong cuốn Những tên biệt kích cầm bút. Thương Sinh Duyên Anh cũng về Làng Hồng (tên cũ của Làng Mai) để ghi nhận, cảm ơn. Qua bà Như Mân tôi mới đuợc biết là sự giữ gìn, bảo hộ "hồn, khí" của đất nước không chỉ tới với những nguời phía Nam mà còn huớng tới những tinh anh của đất nuớc phía Bắc.

Cần nhắc: vào đầu thập niên 80 Liên Xô có mặt ở Angola, Afghanistan, vươn qua Nicaragua. Việt Nam tung hoành trên khắp Đông Dương. Trong nước, tăng tài mọi phía bị tù đày, kết án tử hình, hoặc chết trong tù: Nguyễn Văn Thuận, Thích Tuệ Sĩ, Thích Nữ Trí Hải, Thích Trí Siêu, Thích Thiện Minh... Trong bối cảnh đó, Nhất Hạnh viết Tương lai văn hoá Việt Nam, Tương lai thiền học Việt Nam, Việt Nam Phật giáo sử luận..., ông làm việc cụ thể để giữ gìn hồn, khí cho đất nuớc như môt nhà nông ủ giống lành. Ông có sự tiếp tay của nhiều nguời vô danh như tôi, lờ mờ về kết quả, viễn cảnh, nhưng tụm lại, hợp sức vì mình không làm thì ai làm, và "kẻ thù ta đâu có phải là nguời, giết người đi thì ta ở với ai". Ông cũng đích thân tổ chức và tham dự việc cứu vớt người trên biển (chuyện này đuợc Chân Không Cao Ngọc Phuợng kể rõ trong một hồi ký bằng tiếng Pháp, ông Võ Văn Ái - đuong kim phát ngôn nhân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng nhắc tới, trong chiều hướng thù nghịch, trên báo Quê Mẹ thời đó).

Trong cuốn Duy biểu học (tr. 164, 165) Nhất Hạnh nhắc tới mình như một nghệ sĩ, một đạo sĩ, một chiến sĩ, một người làm vườn. Có thể nói tính chất đạo sĩ, chiến sĩ thể hiện đặc sắc nhất dưới tựa đề “Bình đẳng và giải oan” trong Thơ Làng Mai số 31, trong đó biến cố Cải cách Ruộng đất, Nhân văn - Giai phẩm, chiến tranh Việt Nam, đề nghị đổi tên Đảng, tên nước... được đề cập bộc trực, thẳng thắn. Nguời chiến sĩ - đạo sĩ Nhất Hạnh chiến đấu chống vô minh, và đối tượng chiến đấu không là con người, hay một đảng phái, một thể chế nào. Cũng như những năm 60, 70, 80... người làm vườn Nhất Hạnh tiếp tục vun quén, bảo hộ những hạt giống lành như việc tới thăm đại tướng Võ Nguyên Giáp để yểm trợ cho tư trào “Lá rụng về cội”...

Xin chia sẻ với bạn đọc (dù không luôn đồng ý với thầy Nhất Hạnh).