© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
22.4.2008
Dương Tường
Những phút cuối với Lê Đạt
 
Nhà thơ Lê Đạt (tên thật là Đào Công Đạt) sinh năm 1929, vừa qua đời tại Hà Nội rạng sáng ngày 21.4.2008. Là một trong những trụ cột của Nhân văn-Giai phẩm, tháng 7.1958 ông bị kỉ luật “khai trừ 3 năm, vẫn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, quyền xuất bản cũng đình chỉ trong kỳ hạn đó” theo lời ghi của Trần Dần ngày 07.7.1958, và cùng với Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Tử Phác và Hoàng Châu Ký, ngày 12.8.1958 ông bắt đầu chuyến đi “thực tế” mà thực chất là lao động cải tạo tại Nông trường Chí Linh, Hải Dương. Hình phạt 3 năm đã kéo dài 30 năm, cho đến năm 1988, khi ông được phục hồi tư cách hội viên Hội Nhà văn và quyền xuất bản. Sau tác phẩm Bài thơ trên ghế đá (1955), gần 4 thập kỉ sau ông đã cho công bố các tác phẩm: Bóng chữ (1994), Hèn đại nhân (1994), Ngó lời (1997), U75 từ tình (2007), và nhiều bài viết trên báo chí trong và ngoài nước. Tháng 2.2007, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Vĩnh biệt một nhà thơ lớn và một trí thức từng góp phần quan trọng trong sự phát triển của đời sống tinh thần Việt Nam hơn nửa thế kỉ qua, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số bài viết về nhà thơ Lê Đạt.

Những bài gần đây nhất của Lê Đạt trên talawas:
talawas
Lê Đạt và Dương Tường
Lê Đạt (trái) và Dương Tường (phải), hình chụp năm 2008 (Ảnh: Đặng Tiến)

Đầu dây đằng kia, giọng nữ đứt đoạn, thỉnh thoảng nấc lên: “Cháu Liên, con bố Đạt đây, chú… Bố cháu đang ở khoa hồi sức cấp cứu… Bệnh viện Việt-Đức… Bố cháu ở Tây Nguyên về lúc 8 giờ tối, vẫn bình thường, còn ngồi xem tivi một lúc rồi xuống nhà lấy nước… thế là ngã sấp mặt trên những bậc cuối… Đưa vào đây mê man bất tỉnh… Theo các bác sĩ… nguy cơ tử vong… là lớn...”

Tôi nhìn đồng hồ: 0g45 ngày 21/4. Lục tìm sổ điện thoại. Gọi khẩn cấp cho Việt Phương. Anh ấy nhiều quan hệ trong ngành y, may có thể nhờ giúp huy động tối đa khả năng cấp cứu đặc hiệu nhất. Rồi lao đến Bệnh viện Việt-Đức. Phòng cấp cứu hồi sức. Bạn tôi nằm đó, hôn mê, một chút máu rỉ ra bên khóe miệng.

Tôi nắm tay Đạt, bàn tay hồ như không còn sinh khí. Mấy năm nay, bạn bè đi nhiều quá. Mạc Lân… Vũ Bão… Trần Thư… Cao Nhị… Mai Văn Hiến… Rồi gần đây nữa, Lưu Công Nhân… Hữu Mai… Cao Xuân Hạo… Chẳng lẽ bây giờ lại đến lượt mày, hở Đạt? Tôi có cảm giác như anh khẽ gật đầu. Nhưng tôi chỉ tự lừa mình để tiếp tục cuộc trò chuyện thầm đơn phương… Nhớ không Đạt, nhưng ngày hoạn nạn, chúng mình cơm đùm cơm nắm lăn lê bò toài hết Thư viện Trung ương đến Thư viện Khoa học Xã hội dịch thuê viết mướn?... Nhớ không Đạt, những ngày bom B.52 Mĩ rải thảm phố phường Hà Nội, chúng mình tìm nhau vào những quãng ngưng, chụm đầu nghe một khúc “Sonate mùa Xuân” của Beethoven hay một chương “Concerto số 2 cho piano” của Rachmaninov trên chiếc máy quay đĩa Nga cà khổ và mày không quên bình luận với cái cười yêu đời không gì dập tắt nổi của mày: “Un havre de bonheur [1] !”…? Thế mà bây giờ…

Hai giờ ba mươi. Người ta mời người nhà các bệnh nhân ra khỏi phòng cấp cứu để các bác sĩ, y tá làm việc. Cả Nhiên, Liên, Uẩn và Thành, các con gái, con trai và con rể của Đạt đều khuyên tôi về nghỉ, hứa có gì sẽ thông báo ngay.

Kịch tác gia Ngọc Thụ, một người em thân thiết của Lê Đạt, đưa tôi về. Bùi Ngọc Tấn vẫn để đèn chờ tôi (anh ở Hải Phòng lên dự Đại hội Toàn quốc họ Bùi, nghỉ lại chỗ tôi như mọi lần). Cả hai chúng tôi đều không ngủ được. Cũng chẳng nói gì với nhau. Tôi trở dậy, đặt chiếc đĩa “Triple Concerto” của Beethoven. Tôi vẫn thường bảo Đạt: “Mình chỉ ước sao khi nào chết sẽ ra đi trong tiếng nhạc này.” Lúc đó là ba giờ mười lăm, thời điểm Đạt ra đi, như mấy tiếng sau Uẩn gọi điện báo cho tôi biết.

© 2008 talawas


[1]Tiếng Pháp: một bến náu hạnh phúc.