© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
28.4.2008
Bùi Văn Phú
Từ Đại học Berkeley: cũng đều là vinh danh những người mẹ
 
Chiều thứ Bảy 19.4 tại thính đường Zellerbach, Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học U.C. Berkeley đã trình diễn nhạc kịch Petals in the Wind (Cánh hồng trong gió), là câu chuyện về những người phụ nữ miền Nam Việt Nam trong giai đoạn lịch sử cận đại của đất nước.

Cô Hồng và mẹ trong một khoảnh khắc xung đột của cuộc sống
Sau cuộc chiến tranh chống thực dân, bà Hồng Phượng trở thành người goá phụ, sống ở Vũng Tầu, có lúc tâm thần bất ổn nhưng vẫn nặng gánh gia đình với ba người con. Mẹ ốm bệnh nên cô con gái lớn là Hồng đã phải thay mẹ gánh vác việc gia đình. Như bao nhiêu thiếu nữ miền Nam thời bấy giờ, cô Hồng yêu một anh lính Việt Nam Cộng hoà, đóng ở đồn xa, lâu lâu mới có dịp về thăm người yêu. Anh Phong và cô Hồng nên duyên tình nghĩa, nhưng vì làm trai thời chinh chiến nên vợ chồng phải sống xa nhau.

Khi lính Mỹ đổ vào miền Nam, gia đình bà Hồng Phượng tạo dựng được một cơ sở làm ăn là một tiệm giặt quần áo. Tiệm có nhiều người làm, như bà Hiền đến từ Tây Ninh là vợ một quân nhân, lương lính không đủ sống nên phải đi làm để giúp nuôi các con; như cô Tám từng làm y tá trong lực lượng nữ quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng hoà và cả chục phụ nữ khác làm việc quần quật giặt, ủi quần áo cho những người lính Mỹ. Công việc có khó nhọc nhưng những người đàn bà Việt Nam trong thời chiến tranh này đã sống trong sự đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.

Chiến tranh ngày càng khốc liệt hơn. Những tháng đầu năm 1975 tình hình quân sự trở nên xấu đi khi bộ đội cộng sản miền Bắc dần chiếm những tỉnh điạ đầu miền Nam. Trong lúc tình hình rối ren như thế là lúc gia đình bà Hồng cần có người chồng ở bên, nhưng vì nghĩa vụ đối với tổ quốc ông Phong vẫn phải xa nhà.

Ngày chính quyền miền Nam đầu hàng
30.4.1975, Tướng Dương Văn Minh ra lệnh cho miền Nam đầu hàng. Những người lính miền Nam ôm cờ, thay quân phục, bỏ chạy.

Nhiều quân nhân Việt Nam Cộng hoà bị bắt đi học tập cải tạo, trong đó có ông Phong, có chồng bà Hiền. Đời sống của những người vợ lính ngày xưa khó khăn, bây giờ còn cực nhọc hơn. Họ phải lăn lộn ngoài đường đi bán từng bó rau, củ khoai, từng con mực, con cá để nuôi sống gia đình và trông ngóng tin chồng.

Vợ muốn thăm chồng tù cải tạo nhưng quản trại không cho
Sau hơn một năm bặt tin, bà Hồng được biết chồng đang bị giam ở trại cải tạo Tiên Lãnh. Bà muốn đi thăm, muốn đưa cả đứa con mới sanh được vài tháng theo để cho cha được thấy mặt con, nhưng mẹ bà khuyên can vì đường xá hiểm nguy, có người đã trải qua, lặn lội đi bộ cả chục cây số từ đường cái mới tới trại, mà rồi chưa chắc đã gặp được chồng. Bà Hồng quyết đi, một mình làm thân con cò. Đến nơi, quản trại không cho gặp chồng dù đã hối lộ cán bộ nhiều thứ quà.

Còn bà Hiền rơi vào hoàn cảnh đau thương hơn. Bà đi thăm nuôi thì được biết chồng bà đã chết trong tù.

Số phận những phụ nữ khác một thời làm việc trong tiệm giặt ủi của gia đình bà Hồng cũng có nhiều bà tính chuyện vượt biên, có người đi thoát, có người bị bắt, bị giam tù.

Trên sân khấu quân và dân Việt Nam Cộng hoà nghiêm trang chào quốc kỳ, trong khi khán giả kẻ đứng người ngồi vì ban tổ chức không mời đứng lên.
Đây là lần đầu tiên sinh viên Berkeley dàn dựng nhạc kịch nên thiếu những lời ca, điệu nhạc và giọng hát lôi cuốn. Tuy nhiên khi diễn kịch, vai cô Hồng (Kim Hoàng) và bà Hiền (Kim Vưu) đã được thể hiện khá xuất sắc. Những giọt nước mắt rớt xuống là biểu hiện sự cảm nhận chân tình của hai nữ sinh trẻ về trải nghiệm của những người mẹ Việt Nam của thế hệ trước. Cô Hồng và Bà Hiền đã nhiều lúc làm cho khán giả phải rơi lệ theo.

Dàn dựng chương trình Cánh hồng trong gió là sinh viên John Việt, viết kịch bản là Nguyễn Thái Phương Uyên, một nữ sinh viên đã đóng góp nhiều trong các chương trình văn nghệ những năm trước. Năm nay Phương Uyên viết vở nhạc kịch, theo lời cô giới thiệu ở đầu chương trình, dựa vào những sự kiện thực đã xảy đến với nhiều phụ nữ Việt Nam, trong đó có mẹ của cô đang hiện diện trong số 1500 khán giả.

Mục đích của vở nhạc kịch ghi trong tập chương trình như sau:

Như những cánh hồng tả tơi giữa cơn gió thời ly loạn, những người phụ nữ này luân trầm cùng thân phận đất nước, và trong họ, toả lan ánh sáng thiêng liêng của những con người Việt Nam. Như những cánh hồng toả hương sắc qua phong ba bão táp, những người phụ nữ Việt Nam đã cố bám víu vào những hy vọng mong manh, cùng lòng nhẫn nhục, cam chịu để lèo lái gia đình giữa lúc con thuyền dân tộc chao đảo. Xin hãy cùng chúng tôi, những thế hệ đi sau, tôn vinh phẩm chất cao đẹp của những cành hồng Việt Nam.

*


Hai năm về trước, cũng vào dịp 30.4, tại Kroeber Hall trong khuôn viên Đại học Berkeley đã có một cuộc triển lãm nghệ thuật kéo dài mười ngày, chủ đề “Unfinished Story” - tạm dịch là “Chuyện chưa kể hết” - của Huỳnh Thủy Châu (a.k.a Trần Thủy Châu), là một nữ sinh viên khoa mỹ thuật và sắp tốt nghiệp. Cô Châu sử dụng kỹ thuật thêu của người Việt và người Mỹ để sáng tạo nhiều tác phẩm trên vải, khổ 1m x 2m, là những đoá sen, là bản đồ nước Việt Nam với lằn ranh phân chia tại sông Bến Hải, những lá cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Việt Nam Cộng hoà đan xen bên nhau, là lá thư viết gửi cho má trên giấy vở học trò. Mầu sắc cô dùng nhiều là vàng và đỏ. Trên sàn phòng triển lãm có vài bồn rửa chân từ những tiệm làm móng tay, biểu tượng một nghề sinh sống của nhiều phụ nữ Việt trên đất Mỹ. Chung quanh thành bồn mầu vàng, bên trong và ngoài đều có vẽ ba vạch đỏ.

Tác phẩm của Trần Thủy Châu trong giai phẩm Người Việt Xuân Mậu Tý.
Đầu năm nay, trong giai phẩm Xuân Mậu Tý của báo Người Việt có hình tác phẩm nghệ thuật của Trần Thủy Châu (a.k.a Huỳnh Thủy Châu), là chiếc bồn rửa chân, thiết kế giống như những chiếc bồn đã được cô trưng bày hai năm về trưóc, kèm theo một bài viết ngắn giải thích tác phẩm. Cô Châu viết:

“20 năm trời ròng rã, sáu ngày một tuần, sức lực mẹ chồng tôi hao mòn theo từng thùng nước làm chân. Mẹ không hề than cực. Vì mẹ chồng tôi biết, mẹ làm vậy để bốn đứa con được học đại học và dấm dúi gởi tiền cho cô con dâu đi học đại học ở U.C. Berkeley. Còn nữa, mẹ chồng tôi hàng tháng âm thầm gửi tiền về Việt Nam nuôi cả nhà mười mấy người ở Huế. Tất cả cháu chắt của mẹ chồng tôi được đi học đại học là nhờ phần lớn tiền của mẹ gửi về…

Thông qua những tác phẩm nghệ thuật của mình, tôi hy vọng ít nhiều tôn vinh những con người Việt Nam dũng cảm ngày đêm làm lụng cực khổ, hy sinh cuộc sống và mơ ước riêng của mình để con cháu có được một tương lai tươi sáng hơn ở xứ người.”

Nhưng vì tác phẩm này mà từ ba tháng qua đã có những cuộc biểu tình trước toà soạn nhật báo Người Việt. Những người phản đối cho rằng tác phẩm đó mang tính sỉ nhục và xúc phạm đến lá cờ Việt Nam Cộng hoà.

(Ảnh trong bài của tác giả)

© 2008 talawas