© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
30.4.2008
Trần Tiến Dũng
Hội nhập ngay trên chính quê hương mình
(Trích từ bài thuyết trình tại Trung tâm William Joiner ngày 30.4.2007)
 
Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, nền hoà bình có được từ sự đầu hàng về mặt quân sự của chế độ Việt Nam Cộng hoà đã kéo theo sự tan rã tức thì của các thiết chế gia đình, xã hội, và hệ quả tiếp theo là sự thay đổi ngôi thứ các giá trị đúng sai, thiện ác... Thực chất của sự tan rã lần lượt này là sự biến mất các giá trị văn hoá, đã tồn tại lâu đời với bản sắc riêng, của từng gia đình cư dân miền Nam.

Khi thần chiến tranh đã trao chiến thắng vào tay người theo ý thức hệ cộng sản ở miền Bắc và một số đồng minh của họ ở miền Nam, một sự thống nhất Việt Nam về mặt địa lý đã diễn ra. Tiếp đó, tính thống nhất về địa lý lại làm nền cho việc các chi bộ cộng sản thống nhất quốc gia bằng các giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin và công cụ chuyên chính vô sản. Và trong toàn diện, các giá trị về vật chất, tinh thần truyền thống và hiện đại của người miền Nam đã không còn giữ cái quyền điều khiển toàn bộ các hoạt động xã hội và từng số phận con người.

Những lớp thanh niên vừa tới tuổi trưởng thành (sinh vào những năm thập niên 50 và cả thập niên 60) ở Nam Việt Nam bước vào đời từ cái nền lịch sử - văn hoá gia đình vốn thuộc về chế độ Việt Nam Cộng hoà đã sụp đổ. Tất cả họ phải đối diện với một chế độ mới mà tính nhất quán là sự toàn trị của ý‎ thức hệ cộng sản.

Số phận những người thanh niên miền Nam Việt Nam trong bối cảnh từ chiến tranh chuyển sang hoà bình chính là những số phận đặc biệt trong một khúc quành quan trọng của lịch sử Việt Nam trong bối cảnh thế giới đương đại.

Tất cả những người trẻ của thời kỳ này vốn là sản phẩm hoàn chỉnh hoặc sắp hoàn chỉnh của một chế độ xã hội đã tiêu vong, nhưng nay, bắt đầu từ ngày 30 tháng Tư năm 1975 họ phải sống và làm việc trong tư thế của thế hệ thanh niên đầu tiên xây dựng chế độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Nam. Họ vừa mơ hồ về sự phá sản các giá trị xuất thân của chính họ vừa mơ hồ về những giá trị kiểu mới đang được đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam khởi xướng.

Suốt hơn một thập niên kể từ ngày người cộng sản nắm chính quyền, những người thanh niên từ chối hội nhập đã vượt biển. Những người ở lại, thế hệ thanh niên miền Nam này chỉ có một con đường phải đi nếu muốn tồn tại: hội nhập ngay trên quê hương mình. Hội nhập ở đây phải được hiểu là tuân theo ý chí chính trị của Đảng Cộng sản.

Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, sau chuyện gọi trình diện để tập trung cải tạo và cải tạo tại chỗ các sĩ quan, công chức, binh sĩ chế độ Việt Nam Cộng Hoà. Đối tượng tiếp theo là tất cả các thanh niên miền Nam. Chính quyền quân quản cộng sản dưới hình thức “vận động” tập hợp họ trong các tổ chức như: Hội Thanh niên Giải phóng, Thanh niên Xung phong, Thanh niên Lao động Nghĩa vụ, Thanh niên Xây dựng Cuộc sống Mới... Nhưng thực chất việc họ được tổ chức cộng sản “giáo dục” trong các môi trường này cũng mang màu sắc cải tạo, nhằm mục đích xa hơn là tạo điều kiện cho họ hội nhập để trở thành những thế hệ thanh niên cộng sản hoặc loại bỏ họ nếu họ thất bại trong chuyện hội nhập .


Câu chuyện hội nhập

Bà A, vốn là vợ một giáo sư đại học Văn Khoa Sài Gòn được biệt phái sang quận đội Việt Nam Cộng Hoà, cấp bậc sau cùng là đại uý. Sau 30 tháng Tư năm 1975 ông đi học tập, dĩ nhiên không biết ngày nào về.

Bà A vợ ông, một giáo viên tiểu học, thay vì như người đồng cảnh ngộ phải sống cam chịu hoặc chờ tìm cách vượt biên, bà A chọn con đường phấn đấu làm tổ trưởng dân phố. Bà bày tỏ ý nghĩ chất phác rằng: “ Tôi neo đơn, muốn không bị Việt cộng ăn hiếp thì chỉ có cách đó.” Bà thừa kiến thức để biết phải phấn đấu phục vụ chính quyền cách mạng gấp trăm lần người khác mới có thể khoả lấp được phần nào cái lý lịch gia đình sĩ quan chế độ cũ. Bà chấp nhận mọi thách đố để được là thành phần chế độ cũ tích cực, bà tỉnh táo hăng hái lao vào các hoạt động xã hội bề bộn sau chiến tranh, trong một khu dân cư đa phần là công chức, sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà.

Chính quyền địa phương rồi cũng bớt nghi ngại bà và họ muốn biến bà thành một nhân tố điển hình, “thành phần gia đình có người thân đi học tập biết phấn đấu đi theo cách mạng.” Họ cất nhắc bà qua các chức: tổ trưởng phụ nữ, tổ phó dân phố phụ trách đời sống và sau vài năm phấn đấu bà đạt được mục tiêu trở thành tổ trưởng Tổ dân phố 3 Khu phố 6.

Dù có bạn bè của bà trong lúc vui miệng nói: “Bà con bên mày toàn theo Việt Cộng, sao mày không nhờ họ xác nhận, biết đâu mày vô Đảng rồi làm bà chủ tịch phường.” Khi lên chức tổ trưởng, bà không ảo tưởng, mục đích của bà trong suốt quá trình phấn đấu phục vụ chính quyền cách mạng là vì những tem phiếu gạo, thịt, nhu yếu phẩm... – những quyền lợi luôn nhiều hơn tiêu chuẩn các gia đình thường dân khác – đã giúp ba đứa con của bà no đủ không phải bỏ học, đồng thời giúp bà ki cóp dành dụm một phần tiêu chuẩn đó để thăm nuôi ông chồng “học tập cải tạo” tận miền Bắc.

Khi thằng con trai thi đậu Khoa Điện, Đại học Bách khoa, bà bắt đầu ảo tưởng. Bà thường phấn khởi nói đúng giọng cán bộ: “Đừng hỏi cách mạng đã làm gì cho mình mà nên tự hỏi mình đã làm được gì cho cách mạng.” Nhập trường được khoảng một tháng, con trai bà được Phòng Tổ chức trường mời lên. Họ thẳng thắn đề nghị con bà tự nguyện xin nghỉ học “vì lý lịch không trong sáng”. Con trai bà ngơ ngác kể lại cho bà nghe lời động viên của ông cán bộ nhà trường: “Em có thể đi Thanh niên Xung phong, tham gia các công trình lao động xã hội chủ nghĩa... Em đừng bi quan, cách mạng vẫn dành nhiều cơ hội cho em trở thành người tích cực của xã hội.” Cùng thời điểm con bà bị ép“tự nguyện” bỏ trường đại học, chồng bà được tha vì học tập tốt. Bà vẫn giữ lập trường của một người tổ trưởng dân phố, lý trí và tình cảm của bà bắt đầu khư khư tin rằng không chỉ riêng bà mà cả gia đình phải phấn đấu hơn nữa. Bà hay nói với chồng con: “Nhà mình phải phấn đấu thành con người mới xã hội chủ nghĩa.” Ông cựu đại uý chế độ cũ, chồng bà không chịu nổi cái “trại cải tạo gia đình” mới, nên “xin phép” lui về quê của ông ở Tân Trụ, Long An; tấm giấy xin phép có chữ ký của bà tổ trưởng dân phố xác nhận.

Bà làm công tác tư tưởng cho mấy đứa con và chúng quyết tâm chọn đi theo con đường của mẹ, tự nguyện cắt đứt mọi liên hệ với cha. Chúng tin rằng không liên hệ với cha là lựa chọn bắt buộc / đúng đắn để bỏ được cái lý lịch khốn nạn liên đới đến người cha – thứ tai họa kinh khủng đang đeo-bám-dính-chặt cuộc đời chúng.

Sau đó cả gia đình bà A dứt khoát từ chối cùng ông “đại uý nguỵ” đi xuất cảnh theo diện HO. Người chồng, người cha đó bị từ chối quyết liệt đến mức ngay cả khi hay tin ông chết vì bệnh ở Mỹ, cả nhà bà A vẫn không phản ứng gì. Lối xóm có người dè bỉu: “Nhà đó có chồng có cha hồi nào mà nói!” Người khác ái ngại nói đỡ: “Tôi bắt gặp thằng T chở bả đi chùa, chắc là có thờ ổng!”

Anh T, con trai bà A, sau hơn 10 năm làm công nhân ngành điện, cuối cùng cũng có bằng kỹ sư điện hệ tại chức, việc anh ta là trạm phó một trạm biến thế ở NB được bà A coi như là chuyện tất nhiên. Trong hai cô con gái làm giáo viên tiểu học của bà A, cô chị phấn đấu làm tới chức hiệu phó.

Bà A nay đã là giáo viên hưu trí và sau nhiều lần làm tổ trưởng dân phố, bà không ra làm nữa. Bà cựu tổ trưởng luôn mang dáng vẻ đầy kiêu hãnh. Dù tạm gọi là thành đạt nhưng ba đứa con bà sống lặng lẽ. Chúng có lý do, chúng biết bao vây chúng là dư luận: “Cái nhà đó ngóc đầu được nhờ bỏ chồng, bỏ cha.” Và lối xóm cho rằng “Cha tụi nó tự tử vì bị hắt hủi chớ có bệnh gì đâu.” Trước dư luận, bà A cứ thản nhiên, trước mọi người trong tổ dân phố bà luôn khoác cho mình một vẻ kiêu hãnh đến mức khiêu khích. Bởi bà cả tin vào cái lý “bỏ chồng” là nguyên nhân chính giúp gia đình bà thành đạt.

Thời gian gần đây bà hay nói với lối xóm, cách nói như người bệnh hoang tưởng: “Mọi vịệc tôi làm là vì nhân dân, vì sự nghiệp chung của nhân dân.” Các cán bộ chính quyền địa phương, nhất là công an phường bắt đầu thấy khó chịu vì cái chuyện bà nhân danh “nhân dân” làm phiền toái họ suốt tháng quanh năm. Bà kêu réo, nắm áo, kéo tay cán bộ chính quyền phường mọi lúc mọi nơi. Nào là chuyện chó ỉa bậy, chuyện thùng rác chúng cư bể, chuyện tổ trưởng dân phố đương nhiệm nhận hối lộ, chuyện công an phường chiếm vỉa hè mở quán nhậu... Đến ông công an khu vực còn nói lén bà: “Con mẹ A tưởng mẻ là ai. Gia đình nguỵ mà nhân dân cái con khỉ!”

Dù bà không còn là tổ trưởng nhưng “nhân dân” Tổ dân phố 3 ai cũng công nhận thành tích “vì nhân dân” của bà, nhờ bà mà nhân dân không mất thời giờ đi họp tổ vì bà thích độc quyền hành động, và cái tổ dân phố dưới quyền bà luôn có được “an ninh trật tự, văn hoá xã hội tốt”, nhưng ghét bà thì họ cứ ghét. Có người ghét bà đến mức mách nước cho những cán bộ phường muốn phát điên vì bị bà quấy rối. Họ mách: “Chỉ thằng T, con bả mới trị được bả!” Anh con trai không biết đã nói gì với bà. Chỉ thấy bà sau khi rời chức tổ trưởng thì không đi họp tổ dân phố nữa, nhưng ngược lại bà thường chận đường bất cứ ai, nếu ai đó chịu dừng lại nghe bà, bà chỉ bu lu ba loa chuyện: “Nhân dân phản ảnh, hay gì chưa? Thằng L khu vực (tức anh L cảnh sát khu vực) có ba mươi hai ngàn đô mua xe hơi” hoặc “Tụi bây hay gì chưa? Thằng T chủ tịch thế nào cũng tiêu vì có vợ nhỏ. Nhân dân phản ảnh vậy đó...” Có người cho rằng ở tuổi 67 như bà không còn gì sợ mà phải giấu giếm e dè, và trong một lần người ta nghe bà to tiếng với anh con trai, có vẻ như bà muốn cho cả xóm được nghe: “Bỏ cha anh, tiếng ác tôi dám gánh! Tôi làm lãnh đạo tổ hơn 15 năm. Nhân dân muốn gì tôi biết, anh đừng nghe lời bọn chính quyền mà dạy khôn tôi.”


Đôi điều rút ra từ “tiến trình hội nhập” của gia đình bà A

Bối cảnh chính trị - xã hội

Ngoại trừ một số ít thanh niên trí thức đô thị và số thanh niên nông thôn sống ở các vùng giải phóng tự nguyện tham gia các phong trào do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động, tất cả các thanh niên miền Nam Việt Nam còn lại hầu như không biết gì về ý thức hệ cộng sản. Trong tư cách là công dân xuất thân từ trong một thể chế bị gọi là nhà nước “nguỵ quyền, tay sai của đế quốc Mỹ”, khi phải chuyển sang sống dưới chế độ toàn trị chuyên chính vô sản, ý thức họ luôn bị tổn thương nặng nề và chính vết thương ý thức đó của họ đã thành hố thẳm tạo nên sự khác biệt giữa họ và các thanh nhiên cùng thế thệ đã theo cộng sản hoặc là con em các cán bộ tập kết, cũng như con em các gia đình cán bộ cộng sản miền Bắc mới biệt phái vào Nam.

Câu chuyện đã dẫn ở trên về gia đình bà A cho thấy rằng:

Giá trị đã mất

Trong gia đình bà A đã bước đầu hình thành giá trị con người mới xã hội chủ nghĩa. Để được chế độ chấp nhận là con người kiểu mới, bà A và các con bà vừa bị ép buộc vừa phải tự nguyện thực hiện một điều cơ bản là cắt đứt với di sản quá khứ được tuyên truyền là “Mỹ - ngụy”.

Trong gia đình bà A cũng như trong đại bộ phận gia đình thanh niên miền Nam có can dự trực tiếp tới cuộc chiến, thực thể và biểu tượng của “quá khứ Mỹ - ngụy” chính là người CHA. Việc phủ nhận toàn diện di sản tinh thần và thành quả công việc đã cống hiến cho cộng đồng và xã hội của người CHA là một cách trực tiếp làm mất đi các giá trị đạo lý nền tảng trong gia đình người miền Nam, mất đi tư tưởng chính thống chủ đạo của các gia đình người Việt Nam nói chung.


Giá trị còn lại

Trong hoàn cảnh cụ thể của gia đình bà A và trong khoảng thời gian từ 1975 đến 1989, các con của bà A hoàn toàn thụ động. Động lực hội nhập khởi phát và được hướng dẫn từ người MẸ.

Trong khoảng thời gian này, đối với đại bộ phận thanh niên miền Nam, biểu tượng và quyền lực người MẸ chi phối tòan bộ gia đình. Đó là giá trị lớn duy nhất còn lại. Đó cũng là động lực thúc đẩy những đứa con hội nhập và là nhân tố cơ bản hướng tới con đường hội nhập thành công. Nhưng động lực thúc đẩy hội nhập này thường mang tính chất cảm tính - bản năng nhằm tìm kiếm lẽ tồn tại nhiều hơn là hướng tới việc tìm và hình thành một giá trị gia đình mới theo mô hình xã hội chủ nghĩa.


Giá trị phát sinh

Các thanh niên miền Nam, mà cụ thể là qua trường họp những đứa con bà A, hình thành các mối quan hệ và ý thức cộng đồng theo quan điểm xã hội chủ nghĩa qua ý thức chủ quan của người mẹ. Nhân sinh quan này so với nền tảng gia đình trước 1975 là hoàn toàn thiên kiến. Sự thiếu vắng vai trò của người cha (đi học tập cải tạo, bị chính quyền hạn chế, thụ động bất lực) đã khiến các bà mẹ có toàn quyền trong gia đình. Nhiều bà mẹ miền Nam coi việc hướng dẫn các đứa con mình hội nhập với chế độ mới là cách tìm cơ hội để an toàn cho bản thân chúng, và kiếm được tiêu chuẩn tem phiếu nhiều hơn dưới thời bao cấp.

Tất nhiên, cũng có không ít thanh niên miền Nam thuộc thành phần “gia đình Mỹ - ngụy”, sau khi có cơ hội kinh tế và an toàn, đã nỗ lực một bước nữa tìm cách hội nhập với ý thức hệ cộng sản để tiến thân. Người con trai và 2 cô con gái của bà A là một trường hợp điển hình. Khi chế độ mới bước đầu thừa nhận các nỗ lực và những đóng góp của họ, đánh dấu việc họ hội nhập thành công với cơ chế nhà nước cộng sản và mở đường cho việc họ bắt đầu tin rằng đức tin tôn giáo, đạo đức lễ giáo Khổng - Mạnh, ý thức cộng hòa dân chủ, quyền tự do công dân, xã hội dân sự theo mô hình các nước phương Tây mà chế độ cũ áp dụng là không đúng hoặc không còn giá trị. Vị trí xã hội, quyền lợi và nghĩa vụ mà chế độ mới trao cho họ trong thời kỳ mà những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa áp đặt triệt để nhất ở miền Nam là cơ sở để họ trở thành những người thanh niên cộng sản cực đoan trong việc phủ nhận các giá trị văn hóa và văn minh, những nền tảng đã xây dựng nên chính cái gia đình họ xuất thân.

Tất nhiên kinh nghiệm từ các xứ cộng sản khác trên thế giới đã có những phân tích đầy đủ về diễn tiến này.

Nhưng từ đặc thù của các gia đình người miền Nam và tiến trình hội nhập trong bối cảnh từ chiến tranh chuyển sang hòa bình của các thanh niên miền Nam, tôi muốn nhấn mạnh tới đặc điểm: Việc thiếu vắng giá trị biểu tượng, quyền lực và nghĩa vụ xuyên suốt của người cha trong các gia đình bị chế độ xã hội chủ nghĩa xếp loại “thành phần chế độ cũ” đồng thời có nghĩa là hàng triệu gia đình mất đi tư tưởng phụ quyền chính thống, một tư tưởng đã được thể chế hóa bằng các giá trị văn hóa và văn minh xuyên suốt trong lịch sử hình thành cộng đồng các gia đình Việt Nam.


Chuyện của người thợ hồ trong hoàn cảnh thời hậu chiến

Ông N sinh năm 1958, trước năm 1975, vốn là con trai cả của một sĩ quan cấp tá quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Ba ông phục vụ ở Tiểu khu Gò Công. Từ hồi học trung học ông nổi tiếng là công tử đẹp trai, hiền lành và học rất giỏi. Sau “giải phóng”, ông bị buộc phải rời trường trung học vào năm mười bảy tuổi, từ đó đến hết năm mười chín tuổi ông chỉ tồn tại để kiếm đường vượt biên và đã ở tù vì tội vượt biên. Khi mẹ ông cạn nguồn tiền vàng để dành, từ năm hai mươi tuổi, ông “bị” nghề thợ hồ chọn và đến nay ông “bỗng nhiên” trở thành một người thợ hồ có hơn mấy chục năm kinh nghiệm

Nói với chúng tôi, cái vẻ mặt hốc hác của ông cố gượng cười:

– “Hôm đi thăm đứa em út ở nhà thương điên Biên Hòa, tôi mới có quyết định không leo theo giàn giáo nữa, chỉ làm ở dưới thấp, chủ thầu không mướn thì thôi, chớ yếu rồi, lỡ té giàn mà chết thì yên phần mình, còn không chết mang thương tật làm khổ vợ con.

Ông có lí do để sợ! Em ông là một cô gái trẻ hơn ông mười tuổi, lúc kết thúc chiến tranh mới tròn một tuổi, và theo như ông kể thì “Nó không nhớ rõ mặt ông già chớ nói gì đến chuyện thấy ổng mặc đồ lính.” Cô em gái út này, sau mấy năm ngồi còng lưng ôm cái máy may công nghiệp ở một tổ hợp các xí nghiệp may gia công đã phát bệnh thần kinh tọa, trị không khỏi rồi di chứng qua bệnh tâm thần.

Gia đình riêng của ông N ở trong một căn nhà nhỏ, thuộc một ngõ hẻm không thể quay đầu xe Honda trên đường Âu Cơ, một căn nhà trước đây xây bên cạnh và bên trên mồ hoang mả lạnh. Ông có vẻ tự hào chuyện ông là người con duy nhất trong số 9 người con của ông cựu trung tá Việt Nam Cộng Hoà đã tạo dựng được một căn nhà riêng từ hai bàn tay thợ hồ của mình. Căn nhà được xây tô bằng vật liệu lượm lặt tổng hợp trên một diện tích khoảng 20m2, có lầu bê-tông giả cho hai đứa con yên tỉnh học bài, có khoảng sân thượng trồng cây cảnh linh tinh. Vợ ông N là một người đàn bà quanh năm đau yếu, nhưng dù sao cái gia đình bên vợ làm nghề hớt tóc ở khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật cũng thường xuyên “viện trợ,” để hai đứa cháu nội của một vị tiểu khu phó tỉnh Gò Công chết ở trại cải tạo được ăn học đàng hoàng.

Chúng tôi không hiểu vì sao gia đình ông không xuất cảnh theo diện HO. Hàng xóm nhiều chuyện thì cho biết: “Má nó làm bé, mấy đứa con của bà lớn ở bên Mỹ đều giàu có hết.” Ông N chỉ nói:

– Năm bảy lăm, ông già tôi bị bắt tức thì, tôi mới có mười bảy tuổi, sau tôi là một lô mấy đứa em loi nhoi lóc nhóc, mẹ tôi chỉ có khóc. Chạy được lên Sài Gòn sống là may rồi.

Trước câu hỏi vì sao mẹ ông, một cô gái người Qui Nhơn, lại chấp nhận cái dư luận có chồng không hôn thú, không được đi Mỹ như người ta. Ông N cho biết:

– Hồi Việt cộng vô, mẹ tôi mất hết tinh thần, yếu đuối lắm, mặc tụi tôi tự bươi quào như gà. Đến khi bố tôi chết ở trại cải tạo, tiền bạc mẹ tôi để dành lớp lo thăm nuôi bố tôi, lớp nuôi bọn tôi hết sạch. Thời đó lo được cái ăn cho mấy đứa tôi là bà đã muốn chết rồi. Con không cha như nhà không nóc, mẹ tôi đâu thiết gì chuyện HO, mà dù có muốn cũng đâu còn biết cách nào để lo.

Giờ đây ông N cũng mất luôn phương hướng xây dựng gia đình riêng của ông. Ông quên quách chuyện ba ông dù sao cũng là sĩ quan - trí thức. Với ông, mục đích chủ yếu là kiếm được tiền để lo cho con có cái ăn cái mặc. Ông nói thản nhiên:

– Ai mà biết thân thế tôi, tôi đau đớn lắm chứ, cũng có lúc tôi khóc. Nhưng nhờ sống với dân mạt hạng, tôi không màng đến chuyện tiến thân cho mình và gia đình nữa riết rồi thấy dễ chịu.

Nhưng ông N lại không đồng ý với với chúng tôi chuyện đi HO là lối thoát duy nhất. Ông nói:

– Tôi biết là sống dưới chế độ này không chỉ đời tôi mà cả đến đời con tôi cộng sản cũng không bao giờ cho ngóc đầu lên. Tôi cũng biết ở Mỹ sẽ tốt hơn, nhưng không lẽ vì chuyện mình xui, không đi được mà mình phải tự tử.

Rồi bỗng nhiên ông đổi giọng:

– Bây giờ tới ngày ba mươi tháng Tư, ra đường, coi ti-vi thấy họ phất cờ chiến thắng tôi chẳng thấy cảm giác gì. Mình là thợ hồ, điều duy nhất có‎ ý nghĩa là cuối tuần lãnh lương, ra quán tự thưởng cho mình vài xị rượu. Nhưng rồi đôi khi tôi ngẫm nghĩ, tôi biết cha tôi cũng là người lính yêu nước, tôi không cho là ông sai, ông có lý tưởng tự do của riêng ông. Tôi xuất thân từ đó ra nên bất cần, họ nói gì kệ họ.

Ông N cũng như những người “bỗng nhiên” trở thành dân lao động bình thường khác, bằng hai bàn tay lao động chai sạn, bằng ý thức cố thủ những giá trị đã bị chế độ phủ nhận, trong tâm trạng cam chịu của mình, họ đã tự làm lành những tổn thương mà cuộc chiến tranh đã khoét vào thể xác và tâm hồn.

Kể cả trước ‎ý kiến cho rằng ngay trong thời hậu chiến, bắt đầu từ ngày 30 tháng Tư năm 1975, đã diễn ra một cuộc chiến tranh khác – cuộc chiến áp đặt ý thức hệ – thì mọi người như ông N cũng tin rằng: ‎chỉ duy nhất ý thức tự mình trông cậy vào mình để nuôi sống và giữ cho gia đình mình tồn tại dưới chế độ cộng sản mới chính là ý thức có giá trị nhất.


Về công ăn việc làm và vị trí xã hội của thanh niên miền Nam trong bối cảnh từ chiến tranh chuyển sang hòa bình

Những năm trước khi nhà nước cộng sản Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, thanh niên miền Bắc giữ quan niệm những việc không có chức danh công nhân viên nhà nước hoặc hợp tác xã thì không phải là công việc. Trong khi đó, đại bộ phận thanh niên miền Nam thường có quan niệm một người có công ăn việc làm đàng hoàng có nghĩa là người đó có thể kiếm sống bằng bất cứ việc gì mà luật pháp cho phép.

Vị trí xã hội của một người thanh niên miền Nam vẫn giữ tính truyền thống bắt đầu từ nền tảng văn hoá gia đình, việc họ chịu giáo dục và thụ hưởng những thành quả giáo dục của nhà trường và xã hội chính là để hoàn thiện vị trí cá nhân tiến tới tạo dựng gia đình riêng. Họ lấy mục tiêu tạo vị trí xã hội cho gia đình làm hướng chủ đạo để xây dựng một xã hội văn minh. Trong khi đó, các tổ chức giáo dục của nhà cầm quyền cộng sản đương thời luôn giữ nguyên tắc đào tạo các thế hệ thanh niên Việt Nam thành những “chiến sĩ”, “cán bộ” của bộ máy toàn trị.

Việc nhà nước cộng sản áp dụng triệt để các mô hình giáo dục mang từ miền Bắc vào cùng lúc đặt để thêm những qui định khắt khe khác, áp dụng riêng với thanh niên các vùng mới giải phóng, đã tạo nên một thực trạng: đa số thanh niên miền Nam về cơ bản vẫn là các công dân hạng hai.


Từ thay đổi về việc làm dẫn đến thay đổi vị trí xã hội

Sự sa cơ thất thế của những gia đình có người từng là sĩ quan, công chức chế độ Việt Nam Cộng Hoà, điển hình là trường hợp của gia đình ông N, cho thấy cả một sự đảo lộn về việc làm và địa vị xã hội đối với đại bộ phận thanh niên miền Nam trong tiến trình hội nhập vào chế độ mới:
Từ việc làm và địa vị xã hội thấp, một bộ phận thanh niên miền Nam cố thủ vào trong gia đình. Chính nhờ nghịch cảnh đó mà các giá trị về thị trường lao động tự do, thái độ tôn trọng, giữ gìn các giá trị tinh thần và văn hoá, nền tảng của của các gia đình miền Nam, được giữ vững cho đến thời kỳ Đổi mới.


Kết luận

Tôi sinh ra ở Gò Công, một tỉnh nhỏ cách Sài Gòn 60 cây số về hướng Tây Nam. Tôi lên Sài Gòn học trung học năm 1973. Và Sài Gòn là nơi tôi chứng kiến biến cố ba mươi tháng Tư, một biến cố mang tầm quan trọng nhất trong lịch sử dân tộc tôi. Rạng sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975, tôi đứng ở một góc đường và chứng kiến những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến tranh tàn khốc đã kéo quá dài. Cũng vào lúc đó tôi hết sức ngơ ngác trước cảnh bấn loạn của tất cả mọi người quanh tôi. Lý trí non nớt của tuổi thiếu niên không cho tôi câu trả lời vì sao mọi người lại sợ hãi hoảng loạn như vậy. Hòa bình rồi kia mà!

Tôi nhớ trong những năm chiến tranh, mỗi lần nghe tiếng súng đụng trận giữa lính Quốc gia và lính Việt cộng, má tôi thường nói với anh, chị em chúng tôi bằng giọng vô cùng lo sợ: “Mấy ổng về rồi sao!” Cha tôi cũng là lính quốc gia. Thế nên lúc ấy, khi câu nói “Hòa bình rồi kia mà!” vang lên thì cũng là lúc tôi và những người thanh niên miền Nam có cùng hoàn cảnh xuất thân như tôi phải đón nhận một nỗi sợ, thứ sợ hãi dự báo một tai họa không ai có thể lường được tầm vóc đang ở ngay phía trước và chắc chắn sẽ ập đến vào ngày mai.

“Hòa bình rồi kia mà!” còn đồng nghĩa với việc hàng triệu thanh niên cùng thế hệ với tôi, những người chưa từng có một giờ một phút nào can dự trực tiếp tới cuộc chiến này, phải gánh lấy những chấn thương chiến tranh. Nhìn bên ngoài có vẻ chúng tôi lành lặn, nhưng sự thật thế hệ chúng tôi mới chính là bằng chứng cho thấy tác động lâu dài của hậu quả chiến tranh.

Tôi xin thưa rằng, như những người trẻ tuổi của nhiều dân tộc trên thế giới không may trở thành nạn nhân chiến tranh, tôi biết với thời gian thế hệ chúng tôi rồi cũng hàn gắn vết thương chiến tranh thôi. Trừ một việc, chính vào lúc bầu trời hòa bình rộng mở, thật không may thanh niên miền Nam lại trực tiếp là đối tượng được chọn lựa để thể nghiệm những công thức của ý thức hệ cộng sản, cái công thức mà ngày nay đã thất bại. Và một lần nữa, chúng tôi trở thành nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản.

Ngày nay, tìm hiểu về tiến trình hội nhập trong bối cảnh đặc biệt ấy, mỗi chúng tôi đều nhận được một bài học rằng: chúng tôi không phải là công cụ của một chế độ hay chiến sĩ của một ý thức chính trị; chúng tôi là những cá nhân Việt Nam chào đời ở miền đất phóng khoáng đến hào sảng ở phía Nam của tổ quốc. Từ huyết thống, chúng tôi tin đã tự đủ tự do và giữ cho mình quyền chọn lựa cách sống để tạo lập giá trị gia đình bằng chính phẩm chất tự do đó.
Nguồn: Đề tài nghiên cứu cho Trung tâm William Joiner: “Khái quát về tiến trình há»™i nhập của thanh niên miền Nam Việt Nam trong bối cảnh từ chiến tranh chuyển sang hoà bình”. Bản đăng trên talawas có má»™t số hiệu đính vá»›i sá»± đồng ý của tác giả.